Thứ Năm, tháng 11 08, 2007

MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT

Dương Minh

Buổi sáng Kiến Quốc đưa Mirek và Phú Hòa đi ăn sáng, nó cũng rủ tôi. Xen vào lúc hàn huyên với Mirek, nó bảo “Y Trung gửi quà cho ông, tí nữa tôi đưa cho”. Nghe thấy sướng và cũng hồi hộp: Y Trung tình nghĩa thế, không biết quà gì nhỉ? Lát sau nó ra xe mang vào hai quyển sách và một tờ giống như tờ quảng cáo, tất cả đều chữ Tàu. Đúng là “gieo gì, gặt nấy”, tối qua mình vừa tặng người bạn Sec – Mirek, quyển sách tòan chữ Việt (SRTKL) thì sáng hôm sau được nhận ngay món quà cho người Việt mà tòan chữ Tàu! Thằng bạn cười vô tư “Phải ghi lời đề tặng chứ nhỉ?”. Xọet, nó móc bút ghi luôn “For Jiang minh” và ký loằng ngoằng cứ như nó là … Hiệu trưởng Y Trung vậy! Còn “Jiang minh” thì tôi chào thua: không biết tên mình theo thứ tiếng gì? Đặc biệt chưa, quà Y Trung mà bút phê của … Kiến Quốc!
Về đến văn phòng, cũng phải mở quà ra ngắm nghía. Quyển nhỏ 177 trang, ngòai bìa tự đọc được “Trung học số 1 Tp.Quế Lâm – 70 năm (1937-2007)”, còn chữ “Kua Yue 70 Nian” không biết là cái gì 70 năm; bên trong tòan bài viết, bó cả tay lẫn chân, càng không biết là gì!. Quyển lớn hơn có 84 trang, chủ yếu là hình ảnh. Xem qua một lượt, giật mình luôn: trong 70 năm qua Trường Trỗi cũng là một chủ đề quan trọng đối với Y Trung!
Chưa kịp phát biểu gì, ngó vô blog đã thấy mệnh lệnh “DMinh sẽ giới thiệu” lại từ … Kiến Quốc. Đúng là giọng của … Trưởng BLL! Đành phải viết thôi, nhưng thật khó vì chủ yếu là … đóan mò qua hình ảnh.
Trong 10 trang đầu, Y Trung đã giành đến 2 trang để giới thiệu những bút tích quan trọng trên Núi Ốc. Thiển nghĩ tại sao không tiếp tục thực hiện ghi dấu ấn của Trường Trỗi lên Núi Ốc nhỉ? Những trang còn lại được chia thành 8 phần:
Phần 1: từ ngày thành lập (1937) đến khi CM Trung Quốc thành công (1949)
Được giành đến 12 trang, trong đó trang cuối cùng là hình ảnh các cô cậu Thiếu sinh quân thời điểm năm 1947 – trông hòanh tráng chẳng khác gì lính Trỗi ta.
Phần 2: từ năm 1949 đến Cách mạng văn hóa 1966.
Cũng được giành đến 14 trang phản ánh họat động của Y Trung trong những năm đầu đẹp đẽ nhất của thời kỳ xây dựng CNXH ở Trung Quốc.
Phần 3: từ năm 1966 kéo dài đến tận tháng 12/2002.
Một nửa thời gian tồn tại và phát triển của Y Trung cũng chỉ gói gọn trong 10 trang. Trong đó từ khởi đầu CM văn hóa (1966) đến thời kỳ dẹp được “Bè lũ 4 tên” (1976) chỉ có 2 trang. Có 2 tấm ảnh ghi nhận về học sinh Y Trung tham gia “Viện Việt kháng Mỹ”. Như vậy là mất 11 năm, Y Trung (và các trường học khác?) đã đóng cửa để tham gia CMVH? Quả là một mất mát lớn!
Sự xuất hiện của Trường Trỗi tại cơ sở của Y Trung (1966-1967) được giới thiệu trong giai đọan này và minh họa bằng những tấm ảnh Bác Hồ với một nhóm học sinh Việt Nam vào năm 1957 (không biết các anh chị này là ai nhỉ, liệu KQ có truy tìm ra không?). Việc nối lại tình cảm giữa Trường Trỗi và Y Trung được giới thiệu bằng hình ảnh đón tiếp thầy trò Trường Trỗi đến thăm Y Trung trong những năm qua (chủ yếu giai đọan của Quách hiệu trưởng và Lưu bí thư). Bài báo của Mã Vi viết sau dịp Jiang Minh gặp lại chị em họ Mã cũng được đưa vào chắc là để giải thích cho rõ ràng hơn.
Có tấm ảnh một Trung đội của Trỗi với ghi chú “Học sinh Việt Nam tại Y Trung”, tôi đóan là K3 vì nhận dạng được Hòa Bình và Thu Lương.
Phần 4: từ cuối năm 2002 đến nay. Chỉ 5 năm mà 18 trang cho thấy sức sống của Y Trung trong giai đọan Trung Hoa hiện nay phát triển mạnh mẽ làm sao!
Y Trung tự hào cũng phải. Thử hỏi ở ta có Trường trung học nào có được cơ sở vật chất như Y Trung? (Lại nhớ một lần ngồi uống bia hơi ở Hà Nội với một tay Hàn Quốc, nó hỏi tôi: sao trường học của các ông nhỏ thế? Cười xòa cho qua chuyện: nhưng bãi bia hơi thì lớn đấy chứ, mình đang nhậu thì chỉ cần bãi bia lớn mà thôi!)
Phần 5: Giới thiệu 20 cán bộ lãnh đạo Y Trung qua các thời kỳ. Trong ta chúng ta biết đến 4 người: Linh Hán Dân (1966-1968), Lưu Đào (2003-2005), Quách hiệu trưởng (2005-2007) và Tiêu hiệu trưởng (hiện nay). Dấu ấn của CMVH cũng rất rõ nét: Hiệu trưởng giai đọan 1968-1971 là chàng trai trẻ mang quân phục Hồng vệ binh.
Phần 6: Có tới 10 trang ảnh, 2 trang đầu nổi bật 18 chân dung (tôi đóan giới thiệu những nhân vật thành đạt là cựu học sinh Y Trung) trong đó có ảnh của đ/c Thiện Nhân nhà mình với dòng chú thích chắc là ghi chức danh và có ghi thêm “Cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi Việt Nam”.
Phần 7 và 8: đóan mò là phản ánh các họat động đối ngọai vì trong 4 trang này có hình ảnh chúng ta đón Đòan Y Trung dự 40 năm kỷ niệm Trường Trỗi tại Hà Nội và Hiệu trưởng Tiêu thăm các học sinh Việt Nam hiện đang học tập ở Y Trung.

(Chưa khi nào viết khó như lần này, vì phải tả thực, không phóng bút được! Anh em chịu khó “tiêu hóa” nhé. Nhân vụ KQ cho tối cái tên “Jiang Minh” tôi quyết định viết tắt là JM. Nhắc đến tôi trên blog, nếu viết tắt thì mọi người viết là “JM”, đừng viết là “DM” thấy hơi bị khó … coi!)

12 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

1. Mặc cho Chocopie là Orion, chứ JM thì không phải GM. Bây giờ thì tôi đã hiểu.

2. Tôi nghĩ K.Quốc đề tặng sách cũng được thôi. Vì các ảnh liên quan tới VN và chú thích trong đó nhiều khả năng là của KQ cung cấp. Cái ảnh "học sinh VN ở Y Trung" thực ra là k3 ở trường mới. Ảnh do tôi cung cấp cho KQ làm tư liệu lâu rồi. Mà tôi thì quét ảnh lưu của bà Bình; làm gì mà chả có bà ấy trong ảnh. Ảnh trong sách họ xén bớt biên đi để không thấy nhà của trường mới. Khi có blog, tôi đã cho ảnh đó vào mục "ảnh gốc k4".
Tóm lại có thể là K.Quốc tham gia làm sách, tặng sách và đề nghị D.Minh giới thiệu sách. (trừ trường hợp Y Trung khai thác ảnh trên blog này và chú thích theo ý mình?)

VNQ nói...

"Quà Y Trung mà bút phê của....Kiến Quốc!" Câu hay nhất trong bài...

TranKienQuoc nói...

Không phải bút phê mà kí thay Tiêu Hiệu trưởng!!!
Tôi cũng tham gia cung cấp thông tin của ta, theo yêu cầu của Y Trung, kể cả ảnh Nhân. Tốt thôi! Ảnh k3 ở trường mới do HThành cung cấp (có in trong tập 2).
Trang 48: Ảnh cô học sinh VN phía dưới (nhìn cách buộc khăn đỏ khác với của cô bên cạnh) anh Chiến phát hiện ra đó là chị Ngô Hà (thời điểm đó là 1957, đang học lớp 5, trong lưu bút cũng kí Ngô Hà) tặng 1 bạn Y Trung.
Nói chung giao JM viết giới thiệu là đúng vì không đi mà lại có ảnh trong sách.
Hôm đó, Cao "tư lệnh" và 2 lão binh "kháng Mỹ viện Việt" rất nhiệt tình đi lấy hết 100 xuất quà cho ta.
Khi về HN, tôi cũng mang đến tặng cô Hà (mẹ Võ Hạnh Phúc) vì bà cũng tham gia ngọai giao nhân dân hồi kỉ niệm 40 năm Truờng Trỗi. (Anh Huân nhận chuyển).
Y Trung còn tặng cờ lưu niệm, phía Bắc đã chuyển cho thầy Phan, phía Nam đã giao Hồng k6 và Đạt k8.

TranKienQuoc nói...

Phải điều Zhan Khanzhang lảosư luận hộ chữ "Kua Zue" của JM. Đó là "qua tháng sau hoặc qua đêm". Vậy "qua đêm" có lẽ đúng hơn - "70 năm như mới qua 1 đêm"!

Nặc danh nói...

Nhìn mặt chữ thì "Yue" này giống "Yue Nan" (Việt Nam), không phải "Yue - tháng". Hỏi lại thầy Trọng xem! JM

Nặc danh nói...

Phải nói D. Minh xuất sắc, Phiên dịch kiểu nhìn hình đoán chữ mà cũng đâu ra đó,rất bài bản,bái phục! bái phục!Bây giờ trình độ ngoại ngữ rất siêu,dịch thuật chả là cái đinh gì,anh em ta dịch tiếng Lào ra tiếng Ý là chuyện nhỏ. Còn cái vụ 70 năm.... Ý của KQ hay đấy nhỉ? "Ý tại ngôn ngoại" mà. Cái hay là chỗ tác giả cho phép người đọc, cảm theo cái ý của mình mà. Cũng giống như xem tranh thôi! mỗi người xem nó theo cảm xúc của chính mình.70 năm mà cứ ngỡ mới qua đêm ...Cái chữ Tàu nó hay là ở chõ đó,cái này phải nhường nhời cho anh Kính Cấc_ nhà Tầu học phot phẹt nhưng được cái dịch thì đáng nể lám như lời thầy Trọng nói .
DS

Nặc danh nói...

JM ơi, cái ảnh đầu, chụp 3 người con gái,dưới góc trái, người đứng giữa là chị Hoàng Hà- dân Khu học xá QL đời xưa.
Muốn biết chị Hoàng Hà là ai phải hỏi chị Thanh Hà( 2 người rất thân nhau). Muốn biết chị Thanh Hà, phiền JM phải hỏi "ông" Thanh Minh. Nghe đâu ông này là em ruột chị Thanh Hà...Bí quá thì hỏi anh Chiến anh KQ cũng được.

TM

Nặc danh nói...

Kua yue : Bước nhảy 70 năm

Nặc danh nói...

Kua yue 70 nian! - Bước nhảy 70 năm chứ?

Nặc danh nói...

Đi sâu vào chi tiết có nhiều điều thú vị và tự hào. Thí dụ:
- Cả quyển sách chỉ có duy nhất 1 tấm ảnh chụp lãnh tụ là ảnh Bác Hồ với dòng chú thích "Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Nam" (phỏng dịch).
- Tấm ảnh mà TM nhắc ở trên không biết trong 3 chị có ai là học sinh TQ không mà bạn chú thích với chủ đề rất quan trọng "Tình bạn Trung Việt muôn năm" (phỏng dịch, "Trung Việt muôn năm" là chắc chắn đúng).
- Trong phần 7 chỉ có 17 tấm ảnh thì có tới 10 cái phản ảnh nội dung giao lưu với Trường Trỗi và Việt Nam.
Thế mới gọi là "Món quà đặc biệt". Nếu KQ có ý định thành lập "Bảo tàng Trường Trỗi" tôi tình nguyện sung ngay vào công quỹ! JM

HữuThành.Nguyễn nói...

Không cần JM sung vào công quỹ đâu, vì KQ còn rất nhiều. Anh em ta không đọc được tiếng Trung, bỏ lại hơi nhiều, báo hại KQ vận động, rồi tự mình phải mang chúng về.
Có quý là quý cái chữ đề tặng ở ngoài bìa thôi! Độc bản đấy.

HCQuang nói...

Chữ Tàu phức tạp lắm.

Hồi xưa, các cụ chửi mấy thằng dốt là chữ "Tác" đánh thành chữ "Tộ". Tới nay tôi (và nhiều bạn khác) thậm chí không biết chữ "Tác", chữ "Tộ" nó ra răng. Chỉ cần biết 2 chữ ni là dọa được khối thằng.

Hôm đi TQ, anh bạn của Tuấn hủi, xem câu thơ phú khắc trên cổng mà chiết tự chữ "Đức" (hình như thế, nếu sai các bạn bỏ quá cho, tôi có biết chi mô), nó là:
Chim chích mà đậu cành tre, Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm.
TRước hết mình nghe quen quen, sau thấy hay hay. Này nhé:
Chim chích (xem như sêm sêm chim sẻ) là tiểu nhân mà leo đầu quân tử (cây tre sêm sêm cây trúc tượng trưng người quân tử).
Rồi Thập-Tứ-Nhất, một hệ thống quyền lực Kim tự tháp (1 thằng + 4 thằng + 10 thằng - chữ Tàu đọc ngược mà lại) đè đầu cưỡi cổ cái "tâm".
Như vậy, "Đức" có nghĩa là kẻ tiểu nhân leo đầu cưỡi cổ người quân tử, đồng thời cái "tâm" bị giam hãm bởi 1 hệ thống quyền lực Kim tự tháp.

Xin được chỉ giáo, chỉ giáo.