Thứ Sáu, tháng 2 29, 2008

Vận động ủng hộ bạn Vũ Quang k5

Thật buồn khi chưa đầy tuần lễ, trong họp mặt đầu xuân tại Hà Nội còn có mặt Vũ Quang thì vài ngày sau, bạn bị xuất huyết não và nằm bất động tại bệnh viện Saint Paul. Thông tin này được bạn Duy Anh thông báo và được bạn Vinh "sái" (BLLk5) xác nhận.
Vì hòan cảnh gia đình Vũ Quang rất khó khăn, BLLk5 phát động anh em trong khóa tùy theo khả năng của mình hãy đóng góp giúp bạn vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo.
Đề nghị liên lạc và đóng góp qua:
- Hà Nội: Lê Bình (0982275053), Hoàng Việt Dũng (0912070864).
- TpHCM: Trần Mạnh Lảnh (0908891455), Nguyễn Chỉnh Huấn (0958805089).
- Các bạn ở xa có thể gửi vào TK VNĐ của Trần Kiến Quốc: 9724462 EXIMBANK. Khi gửi nhớ nhắn tin vào máy 0903 830939.
Mong nhận được sử ủng hộ của anh em! Xin chân thành cảm ơn!

Họp khoá 15/10/2008, Đại Từ

Nhân chuyến đi về lại Hưng Hoá một số anh chị thấy hứng thú, muốn cùng nhau về lại xã Yên Mỹ (tên cũ An Mỹ) Đại Từ. Có người đề nghị đi vào dịp hè, có người nói ngày 15/10. Vì vậy việc này cần chuẩn bị tốt hơn, nên tôi đưa việc này ra sớm để mọi người có thể tham gia ý kiến và biết tình hình mà chuẩn bị kế hoạch cá nhân. Đường dẫn đặt thường trực trong mục "DỰ KIẾN" bên dãy trái trang tin. Bất kì khi nào cần xem các trao đổi về vấn đề này, mời mọi người bấm vào đó.

Theo tôi nên kết hợp họp khoá dịp 15/10 với thăm lại Yên Mỹ vì:
1. Có ý nghĩa là ngày truyền thống, thăm lại nơi khai giảng năm học thứ nhất của Trường.
2. Thời tiết không quá nóng có thể làm mất hứng thú của mọi người.
3. Đi 2 ngày hoặc 1,5 ngày. Hôm trước họp khoá ở khu du lịch Hồ Núi Cốc, Đại Từ (dự kiến), nghỉ đêm tại đó (tuỳ theo phương án giá cả khách sạn hoặc nhà nghỉ công đoàn, nhà khách cơ quan ở đâu thích hợp hơn). Hôm sau đi Đại Từ, thăm lại các nơi.

Các hoạt động thăm lại Yên Mỹ:
1. Thăm lại các địa điểm: Trại Cau, đất cũ lớp 8, suối, bãi đá khai giảng, Đồng Cháy, ...
2. Thăm UBND xã Yên Mỹ để tặng quà cho cơ quan chính quyền xã, trường học, bệnh xá, quỹ người nghèo, hội người cao tuổi, ... Sẽ có tiền trạm xem người ta cần gì thì tặng trong phạm vi có thể.
3. Thăm những người quen cũ: thầy Đại Thành, và các người quen khác nếu có (tuỳ từng cá nhân), ...

Lập quỹ tặng quà cho địa phương: dịp họp khoá sẽ có mục góp tiền quỹ như mọi năm. Ngoài ra để tặng quà cho địa phương thì cần lập quỹ riêng, sớm, để biết có bao nhiêu tiền; "liệu cơm gắp mắm". Khác với quỹ khoá thu/chi cho từng khu vực, quỹ tặng quà cho địa phương sẽ nhận đóng góp của các bạn k4 ở cả nước và nước ngoài. Dự kiến quỹ này sẽ thu từ khi kế hoạch này được mọi người đồng ý cho tới trước khi chuyến đi được thực hiện khoảng 1 tháng. Sổ quỹ sẽ công khai trên mạng để mọi người theo dõi và có ý kiến về việc chi như thế nào (nếu ít thì chỉ một món quà, nhiều thì chia làm vài món, sau khi xem tình hình địa phương), chúng ta đã có kinh nghiệm chuyện này.

Rất mong các bạn tham gia xây dựng kế hoạch.
Rất mong các bạn ở xa trong nước và nước ngoài thu xếp tham gia chuyến đi này.

Trong vườn sắn

Tôi và Bình chơi với nhau từ bé, thời phổ thông chúng tôi cùng học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Kỳ thi đại học năm ấy, Bình đỗ vào Đại học Công nghiệp Nhẹ. Vào cuối những năm của thập kỷ 1960, trường Công nghiệp Nhẹ được tách ra từ Đại học Bách khoa Hà Nội và sơ tán lên Việt Trì. Khăn gói quả mướp rời Hà Nội, Bình lên trường nhập học. Chưa hết năm thứ nhất, Bình là một trong những sinh viên khoa Công nghệ Thực phẩm được gọi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện, được bổ sung vào một đơn vị để chi viện gấp cho chiến trường. Sống sót qua "Mùa hè đỏ lửa 1972" ở Quảng Trị, Bình theo đơn vị hành quân về phía nam cho tới ngày giải phóng Sài Gòn. Với nhiều huân, huy chương, sau giải phóng Bình giải ngũ rồi quay ra Hà Nội, về trường cũ tiếp tục nốt giấc mơ học tập.
Năm 1975, tôi học năm thứ hai Đại học Kỹ thuật quân sự. Nghe tin Bình trở về trường cũ, mấy lần định trốn học lên thăm, nhưng vì nhiều lí do cho tới cuối năm đó tôi mới lên thăm được. Sáng chủ nhật, rủ thêm mấy thằng bạn ngày xưa cùng trường Thiếu sinh quân nay lại cùng học tại Đại học quân sự lên thăm Bình. Trường tôi ở Vĩnh Yên, cách Việt Trì 4-5 ga xe lửa. Sáng đó dậy thật sớm cho kịp chuyến tàu ngược lúc 5 giờ. Vậy mà tận 10 giờ tàu mới tới ga Việt Trì. Xuống ga chúng tôi cuốc bộ tìm tới chỗ Bình. Con đường ngoằn ngoèo chạy giữa những quả đồi xanh mướt màu lá sắn. Sắn đã cao ngang đầu, lao xao trong gió heo may. Vừa đi vừa chuyện phiếm cho quên đi cái đói và cái lạnh đầu đông. Đang vui chuyện tiếu lâm bỗng dưng thấy đau nhói trong bụng. Không lẽ đau bụng giun? Nhưng tôi mới tẩy giun trong đợt Cục Quân y về kiểm tra sức khoẻ cho toàn trường. Ăn uống ư? Đến đi tàu còn phải trốn vé, chạy trước luồn sau tránh nhân viên soát vé thì lấy đâu ra tiền để mua cái gì tống vào dạ dày mà bảo là đau bụng? Lúc này mới nhớ ra chiều qua, nhà bếp tổ chức ăn tươi có lòng và thịt lợn luộc. Mấy thằng trong lớp được về thăm nhà chủ nhật, đã “di chúc” cho bọn tôi giải quyết mấy suất ăn này. Vì ba thằng “phải” ăn mâm sáu, nhất là đang đói kém, thiếu chất nên việc giải quyết cho hết số thịt mỡ và lòng lợn quá là đơn giản. Vậy ra đó là nguyên nhân sâu xa. Thấy tôi bỗng dừng câu chuyện đang hồi gay cấn, mặt mũi lại khó đăm đăm, bọn bạn liền hỏi: “Mày làm sao thế?”. Tôi nhăn nhó trả lời: “Đau bụng quá”. Đau tới hồi không thể “cố nhịn” được nữa, tôi thều thào: “Có thằng nào có giấy trong túi?”. Lục hết túi này đến túi khác chẳng thằng nào có lấy một mẩu. Đang bí thì Hùng “sùi” (vì mặt nhiều trứng cá nên bị gán thêm biệt hiệu này) với vẻ mặt rầu rầu: “Tao còn mỗi lá thư”. “Có gì đặc biệt không?” - một thằng lên tiếng. “Chẳng đặc biệt lắm, lá thư dứt tình của con bồ cũ gửi từ Hà Nội mới nhận chiều qua”. “Thế thì tiếc làm quái gì nữa. Quên đi!”. Cả bọn nhao nhao. Chỉ kịp dặn lại: “Bọn mày chờ tao”, rồi giật lá thư từ tay Hùng, tôi lao như tên bắn vào vườn sắn.
Càng sâu vào bên trong, sắn càng tốt. Đang lơ ngơ tìm vị trí thuận lợi để “tác nghiệp”, bỗng sững người lại vì trước mặt tôi là một cụ già cũng trong "cảnh" như tôi, đang lom khom trong tư thế vốn dĩ của nó. Mất đến mấy giây bốn mắt nhìn nhau ngỡ ngàng. Hoàn cảnh thật éo le và trớ trêu! Im lặng bao trùm, giống như "dấu lặng" viết trong nhiều ô nhịp khi chuyển đoạn trong một E-tuyt của Mô-da (hay Sô-panh?) với chủ đề mô tả về sự chịu đựng của con người trước những biến cố của trời đất. (Đoạn so sánh khập khiễng này, mãi mấy chục năm sau, tôi học lỏm được từ tiết nhạc lý của cô giáo dạy đàn cho thằng con tôi!). Phản xạ của người lính đã qua chiến tranh cộng với tổ hợp của máu “chây và cùn” của dân trường Trỗi, trong một khoảnh khắc tôi đã ra ngay phương án xử lý khi để ý thấy cụ già đang vò vò nắm lá sắn trên tay: “Thưa cụ con đem giấy vào cho cụ đây ạ!”. Tôi lên tiếng và cung kính cầm lá thư của Hùng vuốt lại cho phẳng phiu rồi mạnh dạn tiến tới trao cho cụ. Trong họng cố ghìm không cho tiếng cười đang khùng khục chỉ chực phọt ra. Cụ già có phản xạ tự vệ, hai đùi khép lại, một tay buông xuống che đi cái cần che. Không trả lời nhưng thật lạ cụ vẫn đưa tay ra đón lấy lá thư, sau khi vứt vội nắm lá sắn trên tay. Chả hiểu trong giây phút ấy cụ nghĩ gì? (Cảm ơn tôi hay thầm chửi cái đồ mắc dịch xéo ngay đi? Ai cho phép ngươi dám xúc phạm tới một trong tứ khoái mà tạo hoá ban cho con người?).
Thấy tôi từ trong vườn sắn lao ra chẳng kém gì lúc chui vào, tụi bạn xúm lại hỏi: “Giải quyết nhanh thế?”. Lúc này tôi mới hoàn hồn và cũng chẳng biết mình đã giải quyết cái của nợ kia hay chưa mà không còn thấy đau bụng. Kể lại toàn bộ sự việc xảy ra, tụi bạn bò lăn ra cười. Riêng Hùng cười hăng nhất, chảy cả nước mắt. (Mà đúng ra trong hoàn cảnh này, nó phải là thằng buồn nhất mới phải. Không buồn sao được khi vừa mất người yêu lại mất toi cả lá thư kỷ niệm của nàng!).
Khoảng 12 giờ trưa mới tới nơi. Đứng trước cổng trường vắng hoe, bên trong là những dãy nhà ở và lớp học làm bằng tre nứa, mái lợp lá đã cũ. Đang lơ ngơ, bỗng có tiếng hỏi “Các chú tìm ai?”. Thì ra là bác bảo vệ. “Chúng cháu tới thăm bạn”. “Các cậu không gặp may rồi. Trường chuyển về Hà Nôi đã hai tháng nay”. Lòng buồn rười rượi, chúng tôi lang thang bát phố. Tới 5 giờ mới vội vàng chạy ra ga cho kịp chuyến tàu chiều. Vừa vặn tàu xuôi vừa tới. Phải đứng trên bậc lên xuống ở đầu toa vì tàu chiều chủ nhật rất đông. Tàu chuyển bánh. Qua cầu Việt Trì, tàu chạy nhanh hơn, bỏ lại phía sau “thành phố ngã ba sông” với những ống khói cao ngất xen lẫn những đồi chè xanh cùng rừng cọ, bỏ lại dòng sông Lô thơ mộng với những bãi ngô xanh ngắt chạy tít tắp...
Trời tối dần nhưng vẫn còn thấy ánh đèn thành phố hắt một khỏang sáng lên bầu trời. Bất giác nhớ đến bài hát “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” mà hồi bé bọn tôi thường hay tếu táo hát xuyên tạc. Ký ức chộn rộn trở về trong tiếng tàu xình xịch hối hả lao nhanh về xuôi...

Duy Đảo k6

Lại xoá mù tin học

Cơ quan mới trang bị máy mới. Cũng là sau khi lão đ/c Hợp được áp dụng mô hình "xoá mù tin học".
Chả là mặc dù làm Phó TBT một ấn phẩm chuyên tin học gần 10 năm nay nhưng lão lại không dùng máy tính. Một phần là vì cơ quan nghèo, cái khó bó cái khôn. Sếp chưa thạo máy tính, trang bị để mà lần sờ thì lãng phí quá. Gần một năm nay, nhân xin được cái máy tính cũ gần 10 năm tuổi (loại máy tương hợp năm 2000, Y2K) của nhà HP thải ra (nói cho đúng là không biết vứt đi đâu), tôi với lão kiếm thay mấy thứ nhanh hỏng (bàn phím, chuột), mua bộ nhớ nâng cấp để dùng. Cái máy này cũ tới mức mấy thanh bộ nhớ đồ cổ, may quá, lại mua được của con trai Hồng há. Trước đây ít năm cháu nó chuyên mua bán hàng thanh lí, khi đi làm cho cơ quan nhà nước thì còn ít đồ lẻ sót lại trong góc tủ. Ổ cứng thì không nâng cấp được, do máy chỉ có khả năng "nhận dạng" được ổ dung tích nhỏ. Bây giờ tối thiểu là ổ 40GB, quá sức tưởng tượng của nó. Cái máy "còi" này lại được tôi cài Linux Ubuntu, chạy được tất cả các ứng dụng văn phòng tuy hơi chậm. Riêng các ứng dụng Internet thì ngon, vì tốc độ đường truyền ADSL dù sao cũng không nhanh hơn khả năng xử lí của máy. Thế là có một máy dùng được cho nhu cầu tối thiểu, trang bị cho lão Hợp.
Có máy riêng để tự do luyện tập ... trong phòng kín, trình độ sử dụng máy tính của lão lên thấy rõ. Cũng check mail, cũng trả lời, chuyển tiếp; cũng mở file đính kèm; cũng xem báo mạng, theo dõi thông tin bóng đá, ... Cuối cùng mới đây, theo lão nói cơ quan cũng có chút tiền, lão quyết định trang bị cho mình một máy mới. Oách ra phết, CPU hai nhân, bộ nhớ 512 MB, màn hình LCD, ... nhất cơ quan.
Thế là lại có một máy chuyển cho chương trình xoá mù tin học. Đã có địa chỉ nhận, là Tuấn hủi. Điều kiện để được nhận máy là phải cam kết đặt đường kết nối Internet ở nhà. Cậu đồng ý. Thực ra Tuấn hủi không "mù" tin học. Nhưng cậu chả có nhu cầu mất tiền mua máy tính để thoả mãn cho mấy thứ không đâu. Với tôi, trang bị máy tính cho Tuấn hủi là việc mở rộng kết nối internet thêm cho 1 người, ngoài ra lại là bằng phương tiện nguồn mở (Linux). Cậu sẽ không dễ chuyển đổi trở lại môi trường Windows quen thuộc, vì cái máy ấy không có ổ đĩa CD-ROM, không có ổ đĩa mềm, chỉ có USB là "đĩa tháo rời được". Đổi lại cậu không phải lo lắng về virus, ít ra là trong thời gian khá dài tới đây.

Hi vọng trong tuần sau Tuấn hủi sẽ xuất hiện trên mạng.

Thứ Năm, tháng 2 28, 2008

Nét đẹp

  1. Sáng, lững thững ra cổng làng thì gặp tóan thanh niên cùng đi. Họ vui vẻ trò chuyện. Vừa đi vừa tranh thủ xỉa răng, bỗng thấy 1 chú quay lại thật thà nói: "Bác ơi, bác kéo lại cái…!". " Cảm ơn! Già rồi, nhất là mùa đông mặc nhiều quần áo quá đâm quên. Xin cảm ơn cháu! ". "Có gì đâu bác!". Chú ta hơi nhỏen miệng cười, còn tôi vội thò tay kéo cái "phẹc".

  1. Đang phi xe thấy có xe sau phóng vượt lên. Quay đầu lại, anh ta nói: "Bác ơi, chân trống!". "Cảm ơ…!". Chưa kịp nhận lời, chú ta đã phóng biến.

Cuộc đời lắm cái đẹp đến thế. Xin mời anh em cùng góp chuyện!

Khai trương Cafe giao ban

Bố cáo bị lỗi: Chủ nhật là ngày 02/03/08 nhưng nhà in in nhầm 01/03/08. Xin đính chính. Các nội dung khác không thay đổi. Thành thật xin lỗi bạn đọc.
.
Chúng tôi xin thông báo về việc khai mạc "cafe giao ban" như sau:
Thời gian: Khai mạc vào 8 giờ sáng Chủ nhật ngày 02/03/2008. Sau đó chúng ta sẽ thường xuyên thực hiện vào 8 giờ sáng các Chủ nhật đầu mỗi tháng.
Địa điểm: Cafe "Đôi khi" 21/3 - Lý Chính Thắng - Q3 - Tp.HCM (đường 1 chiều). Ghi chú: hẻm 21 cách ngã ba LCThắng x Hai Bà Trưng 200m, bên tay mặt. Còn nếu bạn đi từ HBTrưng hoặc Paster thì quẹo vô Nguyễn Văn Mai cũng gặp đầu kia của hẻm 21 (2 đầu hẻm có bảng chỉ dẫn). Đây là địa chỉ tạm, và sau vài phiên họp, chúng ta sẽ xem xét lại (ví dụ chuyển qua cafe cổng sau dinh Thống nhất như đề nghị của ĐỗNghĩa).
Thành phần: lính Trỗi và những người có liên quan.
Tài chính: mạnh ai nấy trả (cafe kiểu Mỹ).
Rất mong được sự tham gia của các bạn để phiên khai mạc thành công mỹ mãn.
Chào thi đua quyết tâm đánh thắng giặc M. xâm lược.
Thường trực viên Nguyễn Trung Liêm, ĐT. 098.9787.868.
(do "cafe giao ban" đang trong giai đoạn hình thành nên ĐT của thường trực viên có thể bị ngẽn mạch, các bạn có thể gọi HCQuang ĐT.090.378.0206 để biết thêm thông tin).

Thứ Tư, tháng 2 27, 2008

Vui ra phết

Đánh phết.

Đánh phết là một môn thể thao có cách đây chừng 2.000 năm do một tướng của Hai bà Trưng – bà Hoa (sách Tàu ghi là Hoàng Thiệu Hoa) người Phú thọ phát minh, dùng để luyện nữ binh khi nhàn rỗi. Có lẽ nó hao hao môn “hốc cây” kết hợp với môn "Bóng bầu dục" của Âu Mỹ bây giờ, với một luật chơi sơ khai.

Đánh phết có hai đội, mỗi đội 6 nữ cầu thủ có 1 nữ tướng phất cờ chỉ huy. Mỗi cầu thủ cầm một gậy tre dài 70cm phía đầu gốc tre (“củ” tre) có dáng cong (hao hao phần cong của gậy “hốc cây”) để mà phết trái cầu. Trái cầu là 1 “củ” tre đẽo hơi dài, hao hao trái bóng của Bóng bầu dục nhưng kích thước nhỏ hơn, sơn đỏ.

Sân là bãi cỏ rộng 60 m2 chia thành 2 phần. Mỗi đầu sân có một lỗ đường kính 20 cm. Đội được quyền ra phết dùng gậy để phết, rê dắt đẩy trái cầu xuống lỗ, trong khi đối phương ra sức cản phá, dùng gậy chặn cầu từ xa, giành quyền tấn công. Hai đội cứ phết qua phết lại cho tới khi có bàn thắng.

Mỗi trận đấu (hiệp) kéo dài khoảng 30 phút. Nếu kết thúc một trận mà không có bàn thắng thì tướng bị trất quyền chỉ huy trận (hiệp) sau.

Về trang phục, một đội mặc váy đỏ yếm đỏ, đội kia mặc váy đen yếm đen. Ngay từ lúc ra phết, trống chiêng dục giã, khán giả reo hò ngất trời, cầu thủ quyết chiến, tạo nên cảnh vô cùng náo nhiệt. Trận đấu không thiếu chuyện xô đẩy, va chạm, vấp ngã, bò lăn bò càng, mà tạo nên cảnh vô ý làm rộ lên những trận cười.

Vui ra phết là như vậy.

Theo quan niệm của thể thao bây giờ thì đó là cuộc thi đấu đối kháng dữ dội, đầy rẫy yếu tố bạo lực, và không có bất kì một phương tiện bảo vệ nào. Nhưng so với các môn thi đấu đối kháng thời đó ( ví dụ như đấu võ tỉ thí, chết bỏ) thì đánh phết là môn thể thao hiền lành. Trong vài trăm năm gần đây, đánh phết dần được xem là môn bạo lực nên nữ cầu thủ được thay bằng nam giới, và hàng năm, cứ tới mùng 6 tháng Giêng là các làng tổ chức đánh phết. Ngày nay, đánh phết đã bị thất truyền.

Rất tiếc tài liệu mô tả không đầy đủ nên trong tài liệu có chỗ chưa rõ nghĩa. Vì vậy chúng ta có một cách hiểu thứ hai về đánh phết, đó là một đội công và một đội thủ:

Giữa sân cỏ là tuyến chuẩn bị (Bóng bầu dục chia thành 4 down – 4 tuyến), mỗi đội đứng một bên. Một đội phòng thủ, không cho đối phương vượt tuyến, chặn không cho cầu xuống lỗ. Chỉ có lỗ phía bên đội thủ được sử dụng. Đội tấn công nhận cầu, tấn công qua tuyến tìm cách phết cầu xuống lỗ. Vào hiệp sau, đội công trở thành đội thủ, đội thủ trở thành đội công. Để tăng tính “chuyên nghiệp”, có thể mỗi đội có hai nhóm (mỗi nhóm 6 cầu thủ) với một nhóm chuyên để tấn công và nhóm kia chuyên để phòng thủ.

Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động (Báo Thanh Niên Trực tuyến)

Báo Thanh Niên Online bắt đầu một loạt bài về những phát hiện của Thượng tọa Thích Trí Siêu (tức giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát). Một đoạn trích trong bài đó:

"... Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo thế giới. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh này. Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn; Tăng Khương Hội, người dịch bản kinh đó, người mà sử sách cổ Trung Quốc coi là "bậc thánh hiền", là một người Việt Nam (ít nhất là sinh ra, lớn lên, học hành, theo đạo Phật, hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam). Bằng kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, ông đã truy tận gốc tất cả những tài liệu cổ xưa nhất có liên quan, tiến hành khảo sát, đối chiếu, giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác. Ông bảo tập kinh đó chứa đựng "một lượng bất bình thường" các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam ..."

Xem bài báo tại đây.

Thứ Ba, tháng 2 26, 2008

Chuyện về cha Hồng Hải

Đỗ Nghĩa k7 có bài viết về cha của HH k4. Giới thiệu cùng mọi người.

Tình yêu thương nhân lọai

Sáng chủ nhật vừa thức giấc, con gái vừa dụi mắt vừa bảo: “Ba ơi, mẹ tốt thật!”. Tôi ngạc nhiên:

- “Tốt thật” nghĩa là làm sao?

- Chiều qua, mẹ cho 2 bạn nhỏ bán than vào xem TV.

… Tôi nhớ lại, mấy ngày sau Tết, có 2 chị em mang than đi giao các nhà trong xóm. Trời lạnh như cắt. Thấy 2 đứa trẻ còi cọc, ăn mặc phong phanh, quần áo bám bụi than, chân đi dép không tất, mấy ngón chân đen sì cáu bẩn... đi ngang qua trước cổng, thương quá vợ tôi liền gọi vào hỏi han. Hai cháu quê tận Phú Thọ, theo bố về Thủ đô, còn mẹ làm nông ở quê nên chưa về đuợc. Ngày ngày bố đi giao than, còn các cháu đi học. Đứa nhỏ học lớp 2, đứa lớn lớp 6 nhưng nhỏ con không bằng cháu Mý mới học lớp 4. Nhà nghèo không có tiền ăn trưa ở trường nên 2 đứa phải về nhà ăn cơm nguội. Gọi là nhà nhưng thực chất là tấm ni-lông rách che tạm một góc chân cầu vượt làm nơi trú ngụ. Thật ái ngại khi thời tiết giá rét như cả tháng qua!

Xóm nhà tôi chả gần bến Phà Đen, nay là cảng than. Than cám được đóng thành than tổ ong rồi giao cho các chủ xe đi bán. Đi dọc đê sẽ thấy những chiếc xe tự chế 3 bánh chở đầy than, có chỗ đứng cho người điều khiển, phía sau là 1 chiếc xe máy đang đẩy hỗ trợ. Những chiếc xe này sẽ chở vào từng điểm ven đô rồi từ đây dùng xe máy, xe đạp phân phối khắp thành phố. Ở Hà Nội, các gia đình nghèo, nhất là các cụ về hưu, vẫn dùng than bánh cho rẻ. Có độc hại chút ít nhưng không tốn nhiều tiền.

Nghỉ học thứ bảy, chủ nhật, 2 cháu giúp bố mang than đi giao. Bố thì giữ tay lái, còn 2 bạn đẩy phụ 2 bên. Từ đầu xóm, bố đưa những xách than cho 2 con đi giao cho khách. Lần trước vợ tôi gọi 2 cháu vào nhà và cho xem TV. Chúng thích lắm: “Lần đầu tiên chúng cháu đựoc xem TV màu, bác ạ!”. Khi về, vợ tôi dặn: “Cứ chiều thứ bảy, giao than xong thì về đây, bác cho xem TV”. Hai đứa sung sướng dạ ran.

Lần này, vừa được xem TV, lại còn được ăn bánh chưng. Vợ tôi lấy quả thanh long ra hỏi có biết quả gì thì 2 đứa lắc đầu vì chưa bao giờ được ăn. Đúng là con cháu nhà mình thì được chăm lo đầy đủ từng li từng tí, còn nhiều cháu bé đang tuổi đi học đã phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Phân hóa xã hội ghê gớm. Không biết bao giờ sự phân hóa này mới giảm bớt? Thôi thì cứ cố gắng làm được điều gì tâm đức cho đời, âu cũng là thỏa mãn với chính lòng mình!

Thứ Hai, tháng 2 25, 2008

Họp mặt k5 Hà Nội


Đúng giờ tại Bia Hải Xồm Tăng Bạt Hổ, anh em lục tục kéo đến. Được 40 bạn, có "tiểu tướng" Quang Bắc và Cao Kì Sơn (con trai thày Cao Cự An). BLL được nhắc nhở lưu ý tổ chức về thăm lại cội nguồn (Hưng Hóa, Thái Nguyên, Hà Bắc) như k4 và các khóa đã tổ chức.
"Nhà bếp" không quên đặt món chó chặt. Ngon, thơm. Ai uống B hay R tùy khả năng. (Nghe chừng tiến bộ hơn?).
Một buổi gặp mặt đầu xuân vui vẻ.

Nguyễn Việt Hồng mời dự cưới con gái

Hồng (há) sắp cho con gái út đi lấy chồng. Cháu cưới trong Nam, ngoài Bắc có một ngày tiếp khách, cậu có lời mời như sau:

Lễ thành hôn của hai con chúng tôi

Nguyễn Lê Hoàn - Nguyễn Thị Hồng Trang

được tổ chức vào hồi 16 giờ
ngày Thứ Bẩy 15-3-2008
tại nhà trai, số 7, lô C, cư xá Lạc Long Quân
Phường 5, quận 11, Tp. HCM

Trân trọng kính mời các bạn
Tới dự tiệc trà
chung vui cùng gia đình chúng tôi
Từ 8 giờ đến 22 giờ
ngày Chủ Nhật 9-3-2008
tại nhà gái, số nhà E23 - khu tập thể K93
Ngõ 120 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội
Rất hân hạnh được đón tiếp

Nhà trai Nguyễn Đức Hợp, Lê Thị Mận
Nhà gái Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Thị Tân

Các bạn trong Tp. HCM sẽ có giấy mời riêng.

Thứ Bảy, tháng 2 23, 2008

Gặp mặt tại Đoàn CB N43 Hưng Hoá

(Các ảnh tập thể nguyên khổ có thể được xem và tải về từ Ảnh gốc k4)

Như mọi người đã biết, cuộc Gặp mặt Xuân 2008 của k4 được đưa ra khỏi Hà Nội nhờ sáng kiến của Quốc Dũng, nhờ mối liên hệ chặt chẽ của Ngọc Tuấn với chỉ huy Đoàn Công binh N43, và cuối cùng quan trọng nhất là ban chỉ huy N43 sẵn lòng đón tiếp. Trên thực tế N43 đã mời chúng ta lên thăm lại doanh trại. Vì thế chuyến đi tuy để gặp mặt đầu xuân nhưng lại có chất "về nguồn" được xem là thành công này là nhờ ở những người đó.

Chuyến đi của chúng ta có thiếu sót là đã không chuẩn bị tặng phẩm nào cho Đơn vị. Thay mặt anh em, tôi đã nêu ý kiến này lên trước tất cả mọi người, kể cả đại diện Đơn vị, và hứa rằng sẽ có tặng phẩm có ý nghĩa giao cho Đơn vị vào một lúc khác. Mọi người đồng ý. Hơn thế, Đại tá Chính uỷ Phan Tiến Phương đề nghị "nhiều tặng phẩm vào nhiều lúc khác" như một cách "giảm án tự tuyên". Có lẽ tặng phẩm gì cho đơn vị cũng khó chứ không đơn giản, đề nghị mọi người suy nghĩ. Một vài bức ảnh chuyến đi này để làm kỉ niệm là đơn giản mà có thể là phù hợp nhất?

Chuyến đi xuất phát muộn mất nửa giờ. Kiểm điểm lại, việc nhỏ là chấp hành thời gian việc lớn là hạn chế lái xe uống rượu. Có lẽ lại nhanh chóng nhận khuyết điểm lần sau không thế nữa? (Chả là Châu Nguyên nhận xét việc tự tuyên án rất ... Trỗi, ở chỗ khuyết điểm thì cứ hồn nhiên phạm sau đó tự giác thành khẩn các kiểu nhanh chóng một cách đáng ngờ). Cho đến giờ tất cả đã an toàn ở nhà nhưng nghĩ lại vẫn biết lần sau cần "bảo (nhau) thọ" tích cực hơn.

Hầu hết anh em đến nơi quãng 10 giờ hơn một chút. LV.Đạo và Quang Thành đến sau cùng lúc gần 12 giờ vì cậu xuất phát từ Hải Phòng lúc 8h, sau khi giao được trực chỉ huy cho người khác; rất nhiệt tình. Tổng cộng xe cộ được huy động là 1 xe ca 24 chỗ và 9 xe con các loại với quãng 50 người trong đó đếm được 38 Trỗi k4 và Sùng Hải k8.

Một số ảnh chuyến đi:
Đại tá Chính uỷ Phan Tiến Phương chào mừng k4 về thăm lại doanh trại, giới thiệu đại diện chỉ huy đơn vị tiếp đoàn, giới thiệu hoạt động của đơn vị và các đổi thay của doanh trại 40 năm qua. Đ/c Đại tá Chính uỷ này là em do mẹ của Nhân ve nhận làm con nuôi. Kế hoạch là thăm doanh trại khoảng 1 giờ sau đó đơn vị chiêu đãi đoàn.

Khu nhà làm việc của chỉ huy đơn vị ở khu vực gần cổng cũ. Ngay gần đó là 2 ngôi nhà cũ vẫn còn rất tốt với hàng hiên bao quanh. Các anh ở đơn vị cho hay hệ thống xà gồ, đòn tay, ... bằng gỗ vẫn rất tốt, ngói cũng vậy, có thể đi ở trên mà không sợ hỏng. Mọi người xác định một nhà là bệnh xá, nhà kia là của C11. Thanh Tâm, HP, VTM, Châu Nguyên chụp kỉ niệm trước ngôi nhà phía sau. Ngôi nhà này hiện được dùng làm nhà khách của đơn vị, loại nhà mà ngày xưa trong Văn Nghệ Quân Đội gọi là nhà "hạnh phúc". Tức là khi có vợ lên thăm thì hai vợ chồng được ở đấy.

Nhưng sau đó thì xác định lại. Nhân chứng Đại bóng nói nhà sau là bệnh xá, hắn đã nằm ở đấy một tháng nên nhớ rõ. Ngôi nhà đằng trước mới là của C11. Các "chị" lại kỉ niệm cái nữa. Đơn vị mở cuộc chiêu đãi k4 ở nhà này, có thể là nhà ăn của Đoàn bộ?

Hồi ức trỗi dậy, Châu Nguyên nhớ ra cái cửa sổ mình nằm cạnh. Chụp ảnh thiếu người, Thao láo được HP kéo vào chụp cùng. Lúc này VTM đã đi thăm quan chỗ khác. Trong đoàn k4 hôm nay có VTM và ĐC không ở doanh trại này, các bạn rời Trỗi sớm nhưng không vì thế mà kém hào hứng.

Đám bạn trai thì đi ngay đến khu nhà của C10 năm xưa. Đó là 2 nhà hai tầng dãy trong cùng. Bây giờ, như đã có lần kể trước đây, cả ba nhà bên trái đã bị bom phá hỏng và lô đất được đơn vị sử dụng theo quy hoạch mới.

Đường đi lối lại, hệ thống cống rãnh sạch sẽ. Sân đất trước nhà b1, b2 (bên phải lối đi, trước đây là sân tập họp đại đội), nay được trồng cỏ, xén sạch sẽ. Tuấn hủi, Phan Sơn chụp ảnh xong nằm lăn cho ... sướng. Xa xa vẫn là nơi đi giải (WC nhẹ); hình như để hưởng lại đầy đủ cảm giác của 40 trước, một số anh đã chui vào.

Khi k4 tới doanh trại này vào quãng tháng 8/1968, đây gần như là một khu nhà hoang. Sân và lối đi đầy giống cây họ đậu cao gần tới đầu gối. Các nhà kho khí tài và nhà ở ngập phân bò khô. Mấy thế hệ cây phượng vĩ mọc thành rừng, già có, nhỡ nhỡ bằng bắp chân có mà nhỏ như cổ tay cũng có. Những cây già là trồng theo quy hoạch, còn các cây khác là hạt rơi xuống mọc lên không có người dọn. Bây giờ những cây phượng vĩ hoa đỏ rực ngày hè chỉ còn là của hiếm, chủ yếu hai bên đường. Đầu nhà b1, b2 còn một cây. Cạnh đấy là cây treo kẻng. Còn cây trong sân, trước đây được buộc một cái dây xơ dừa dùng để tập leo đã bị chặt để làm khu giặt, rửa. Doanh trại hiện đại rồi, có nước máy về từng sân, không phải ra giếng chen chúc mỗi buổi sáng, buổi chiều nữa.

Cái giếng nhỏ trước nhà b3, b4 vẫn còn, nước tốt nhất, vẫn còn được giữ dùng nguyên miệng đá ong. Còn khoảnh sân trước và nền nhà bây giờ là vườn rau. Cái giếng to sau nhà ngày xưa vẫn còn, được làm nắp đậy cho khỏi bị lá rơi làm hỏng nước; có máy bơm rồi. Không còn có cảnh tíu tít tắm giặt mỗi chiều, mỗi khi rơi gầu lại tùm xuống, lặn vòng quanh dưới đáy mò lên. Cái gầu to dễ đến 20 lít, dây xích, không phải trai 17 chắc không kéo nổi.

Không giống doanh trại cũ các khu cách biệt không hàng rào. Bây giờ khu kĩ thuật, khu bảo dưỡng, ... có hàng rào cổng riêng. Tất cả đều sạch sẽ, phong quang. "Cậy" mình là lính cũ, chĩa máy ảnh qua cổng chụp "bí mật quân sự". Xe máy ở đây luôn được niêm cất cẩn thận, trong đó có một tiểu đoàn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, "khẹc" một cái là nổ.

Hết một vòng, mọi người kéo về khu Đoàn bộ. Để tuyên dương LV.Đạo nhiệt tình chạy xe 4 tiếng đồng hồ từ Hải Phòng về gặp mặt, anh em chịu khó chờ. Theo LV.Đạo "cảm động" phát biểu "đói lắm mà anh em mỗi người một gốc cây chờ". Thì đây, chờ thế này đây. Gốc cây xa bên kia cũng có một nhóm.

Ảnh "nghệ thuật", các bạn sau màn hoa xuân.





Đương kim Phương chính uỷ nhất định đòi chụp ảnh riêng với 4 kiều nữ; công tác chính trị đòi hỏi cả chức danh Trưởng ban Bảo vệ Bà, Mẹ, Trẻ, Em. Có điều ở đây thiếu trẻ em, chỉ có các bá (thổ ngữ Phú Thọ) thôi. Các bạn nữ đừng buồn, thế nào là nhìn thẳng vào sự thật, gọi đúng tên của nó.

Vì đợi V.Đạo và Quang Thành nên các bác vẫn còn phải chờ mà các cháu lính đã được đi ăn. Tiện thể các bác vào xem lính bây giờ bữa ăn thế nào. Bác Sơn Tùng đang kể "khổ". Thời các bác ở đây 40 năm trước mỗi mâm một nắp quân dụng mấy ngăn đựng thức ăn, một nồi cơm mỗi mâm, còn canh nồi to chung cả bếp, thế thôi. Chúng mày bây giờ chỉ có nồi cơm nồi canh chung của mâm, còn mỗi lính một đĩa thức ăn riêng có đủ rau, thịt, đậu phụ; quá sang. Như thế chiến thuật xưa của các bác chỉ còn vận dụng được "đầy-vơi-đầy" chứ "nhanh tay-nhanh mắt" và "trông rau gắp thịt" đã bị xưa rồi nhỉ.

Cuối cùng thì V.Đạo và Q.Thành rồi cũng đến. Mọi người nhanh chóng đứng vào chụp ảnh; nhanh còn xơi.

Trong tất cả các ảnh đã chụp ở đây có lẽ ảnh này là đông đủ nhất, đếm được nhiều Trỗi nhất, 38 k4 (ảnh gần, nhìn mặt đếm người). Sùng Hải nhất định không chịu góp dung nhan. Mà có thiếu cũng chẳng biết thiếu ai; phải so ảnh, ngại lắm. Có lẽ nên kết thúc bằng ảnh này, chứ sau chỉ có ảnh ăn nhậu và chia tay, không có gì hay cả.

Đơn vị chiêu đãi đoàn k4 một bữa thịt chó mà theo đánh giá của TL phu nhân là "ngon, sạch sẽ, khéo làm, giỏi". Rượu quốc lủi do đơn vị chuẩn bị, vodka Ucraina do Sùng Hải thân tặng, bia và nước ngọt do anh em ta mang lên. Nâng lên hạ xuống loạn xạ với chính uỷ, rồi chủ nhiệm hậu cần, chủ nhiệm chính trị, lữ phó, ... bị anh em nhận xét là hơi bị mạnh ... họng. Sau vụ này đã tự rút kinh nghiệm, thấy cũng hơi bị "hoang" quá. Lần sau phải uống nước trắng không cồn, cùng lắm là bia để cho nó an toàn.

Sau bữa chiêu đãi, hai bên lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại. Một nửa theo các bạn nữ xuôi Hà Nội, một nửa theo các bạn xấu ngược sang tắm khoáng nóng. Kết thúc một chuyến đi vui vẻ và ý nghĩa.

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

Tôi nghiện nặng thuốc lào, cũng vì do anh em họ quý mến. Chả ngày xưa tôi có anh lính cùng đơn vị, quê Tiên Lãng. Tháng nào chú ấy cũng dúi cho một gói thuốc to ngoài quê gửi vào. Lính tráng đói ăn, ngoài giờ luyện tập chỉ còn biết ngồi tán phét, uống trà và hút thuốc vặt. Sau này mất bao nhiêu tiền vì cái anh kẹo chống nghiện Bumin chết tiệt. Vật vã lên xuống mãi mới cai được.
Thật đúng là vướng vào cái gì là khổ cái ấy, chứ chả sướng. Vậy nên có ông trót thích rượu, thích bia; vợ cứ nghĩ miếng ăn, miếng uống đổ được vào cho chồng, cho con là mừng(?). Nhưng các bà, các cô đâu có hiểu được nỗi khổ của cánh đàn ông. Hễ cứ thấy chúng tôi tụ năm, túm bảy - xoàng thì chén cuốc lủi cùng dăm ba viên lạc rang, sang hơn thì tí bia hơi, con mực nướng và hơn thế nữa… Nghĩ chúng tôi sướng có bà tò mò nếm thử xem sao, bia thì khai như nước đái bò, còn rượu thì cay sộc lên tận óc. Sướng cái nỗi gì? Có bà bảo tôi, các ông giỏi ngồi thật đấy, mà chuyện ở đâu nhiều thế, ngày nào các ông cũng nói, lúc đầu có ông nói, có ông còn ngồi chăm chú nghe, tới khi quá chén - tôi để ý thấy ông nào nói thì ông ấy tự nghe, giống như là các ông tự phê bình, kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ. Chả hiểu ra làm sao? Hay là các ông tổ chức sinh hoạt chi bộ thật? Đừng có mà chỉ đổ cho cánh đàn bà con gái chúng tôi mới lắm nhời. Có phải do từ cái ngày sinh ra cái miếng đen đen to bằng viên gạch tầu mà các ông đặt trên đùi kia, mà các ông sinh tật? Có ông nói sùi cả bọt mép, hay là bọt bia nó đùn ra? tôi cũng chả biết.
Nhưng trong số đông các bà các cô không mấy thiện cảm với đám hay nhậu ngược lại có bà, có cô thấy cánh đàn ông lâu lâu gặp bạn bè nhậu say, cười nhiều thì lại vui. Quần quật kiếm cơm cho vợ, cho con phải để cho các ông ấy vui nữa chứ. Vui vợ vui con là một nhẽ, nhưng vui bạn vui bè lại là nhẽ khác. Cuộc sống nó phải vậy, thật ngàn lần cảm ơn các cô các bà. Rượu bia chỉ là cái cớ, để cánh đàn ông chúng tôi được gặp nhau: một tin vui cần nhân đôi, một nỗi buồn cần chia sẻ, cần một sự giúp đỡ kịp thời, chớp một cơ hội trong làm ăn…
Có bà thú nhận có lần thấy chồng đi, bà cũng xách xe bám theo, chả phải bà theo dõi chồng bồ bịch gì, mà chỉ muốn biết ở cái chỗ đông đông ấy ông nhà vui và bị quyến rũ bởi cái gì mà hồ hởi, về nhà mặt cứ thượt ra. Đứng từ xa quan sát bà thấy khi chồng bà tới mọi người đều đứng dậy cười, kẻ thì giơ tay ra bắt, kẻ thì lại vòng tay nơi eo chồng bà như cô gái trẻ khư khư giữ đức lang quân giàu nhưng lại có tính lả lơi, kẻ lại vòng tay qua cổ dúi cái miệng lởm chởm đầy râu vào mặt chồng bà. Mà ngặt nỗi chồng bà cứ nhe răng ra cười lại. Rõ là người ta thân thiện, người ta quý mến, người ta yêu, người ta nhớ người ta mới vậy. Bà hiểu chồng hơn và từ đó bà điều chỉnh lại cách sống của mình. Từ ngày ấy, chồng bà vui cả khi trong nhà hay khi đi ra tới ngõ. Đúng là quà tặng của cuộc sống nó chỉ đơn giản vậy mà bấy lâu bà cứ tìm kiếm đâu đâu. Nó chính là sự thấu hiểu sự cảm thông, sự nín nhịn, sự chăm sóc sẻ chia…
Đừng bao giờ mong sự hoàn hảo, vì như vậy sự vật sẽ không vận động nữa, sẽ không có sự tương tác giữa hai mặt đối lập thì chả còn gì để phát triển. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ các cặp phạm trù trong triết học vẫn còn thiếu cần được bổ sung thêm. Tôi góp ý bằng một ví dụ cụ thể nảy sinh từ đời sống như thế này để các bác tham khảo: Có tay chính trị viên được phân công giúp đỡ một chiến sỹ gái vào đảng. Sau một thời gian cật lực phấn đấu, vào một tối (cũng đã khuya khuya), tay chính trị viên hẹn với chiến sỹ gái ra phía sau đồi để nhận xét quá trình phấn đấu. Tiếng tay chính trị viên đều đều như tiếng cha đạo, trong một chiều, rửa tội cho con chiên ghẻ (mà “ghẻ hơi bị nhiều”!): "Tựu trung lại, ở đồng chí có hai “điểm nổi” lớn. (Cô chiến sỹ sướng rơn lên phập phồng). Nhưng bên cạnh đó, đồng chí vẫn còn tồn tại “một điểm khuyết”. (Trái tim cô chiến sỹ bắt đầu thổn thức). Nhưng điểm khuyết của đồng chí không phải là khuyết hẳn mà trong điểm khuyết này vẫn có “điểm nổi”. (Cô chiến sỹ lúc này chẳng còn biết trời, đất, trăng, sao là gì nữa). Đồng chí cần phải phát huy! Danh hiệu cao quý đang ở phía trước, đồng chí hãy c... ố... ố…ố… l…ê…ê..n!". Giọng chính tri viên nhòe đi trong hơi sương.

Rõ ràng là tay này tài, áp dụng triết học mà lại sáng tạo “trong khuyết có nổi, trong nổi có khuyết”. Đó là chuyện vui đời lính. Các bác đừng trách là “biết rồi, khổ lắm nói mãi?”, vì thực ra mỗi lần gặp nhau tếu táo ba cái chuyện này vẫn cứ thấy sướng!

Tản mạn với anh em vài dòng cuối tuần cho vui. Mà vài dòng cái chó gì, mất dễ đến hơn ba chục Kilobyte, tốn cả chục phút đồng hồ của người ta rồi còn gì? Viết ngắn khó lắm các bác ơi! Chúc các bác, các bạn và gia đình một ngày nghỉ cuối tuần đầy ý nghĩa!

Duy Đảo k6

Thứ Sáu, tháng 2 22, 2008

Phát hiện "lò thơ" mới

Tình cờ gặp 1 CCB đang "công tác" tại Hội Người cao tuổi. Qua anh nghe được nhiều bài thơ hay và rất đời thường. Vậy là biết thêm "lò thơ" mới. Có thơ rằng:
Bảy, tám mươi tuổi vẫn chưa già
Cầu lông, bia rượu lại trẻ ra
Kính vẫn chưa đeo, sờ chưa lộn
Năm canh chỉ sợ một tiếng gà
Anh em có thấy các cụ chơi chữ quả là ghê?! Mà các cụ sợ tiếng "gà" nào gọi?, hay sợ tiếng gà gáy sớm làm mất giấc ngủ? Già rồi ngủ còn khỏe. Đúng là, chả biết đường nào mà lần!

Thứ Năm, tháng 2 21, 2008

Có một bài về Hà Nội hay đáo để!

Trên VietNamNet có bức thư của "người Hà Nội" trước Hà Nội nay:

"... Hà Nội thiếu cái gì tôi không biết, nhưng chắc chắn thừa... tôi. Vì tôi chẳng làm được gì cho Hà Nội. Cũng chỉ than vãn thôi, nói thôi thì có khác gì... quy hoạch treo. Tôi nghĩ rồi. Trách nhiệm của tôi đâu rồi? Phải như nước ngoài, không làm được thì từ chức, như huấn luyện viên bóng đá có sao đâu. Vâng, vậy thì tôi xin... từ chức, từ danh của tôi. Xin thôi không làm người Hà Nội nữa. Hãy làm bất cứ người ở đâu đến, miễn không phải người Hà Nội. Nhưng biết gửi đơn đi đâu bây giờ? Không ai nhận đơn đâu, người Hà Nội ơi."

Xem chi tiết tại đây.

Giỗ Tổ họ Dương ở Phùng Xá, Hà Tây

Nhận lời mời của “Nờ sứt” DMĐ, sáng 13 Tết, vợ chồng tôi cùng GM và Đại Cuơng phi xe trực chỉ hướng cầu Tế Tiêu, Vân Đình. Qua Tp Hà Đông (lại Tp!), rẽ ngã 3 Ba La - Bông Đỏ. Từ đây, cánh xe ôm bám như đỉa mỗi khi có xe qua, “divu” đón khách đi đò chùa Hương. Được tổ chức thành nhiều nhóm, nhiều chặng và dùng mobiphone để liên lạc. Làm ăn thời nay ghê thật! Qua Bình Đà, Vân Đình, Vác (lối rẽ Ba Thá nơi cánh Đại học quân sự đi đắp đê năm 1974. Ghê hơn là ngày ấy nơi này không có WC, tòan ị đồng) tới cầu Tế Tiêu. Ngót nghét 50km. Chỉ còn hơn chục cây nữa tới chùa Hương Tích.

Quê DMĐ là làng Bùng, xã Phùng Xá, nằm bên sông Đáy. Bên kia là Hòa Xá. Xã hắn có đến 4 đình Hạ, Trung, Thượng, nhà cửa ngói hóa 100% xen lẫn nhà 2-3 tầng. Vùng này có nghề truyền thống là nghề nông và nghề dệt vải. Dọc ven sông Đáy là những ruộng dâu nuôi tằm xanh mướt. Vừa vào tới cổng làng đã nghe tiếng khung cửi kêu xòanh xọach. Nghe nói sản phẩm xuất khẩu cả ra nước ngòai.

Rạp đã dựng vì DMĐ báo có cả văn công về diễn(!). Cỗ bàn đang dọn bởi 1 đội đầu bếp chuyên nghiệp. GM chớp ngay 1 pô nhà bếp đang nướng cá chim trắng theo kiểu dân dã.

Nhà thờ Tổ họ Dương được xây cách nay 6 năm. Nghe kể cụ Tổ từ xứ Thanh ra đây lập ấp đã 500 năm. Ông nội DMĐ từng là Sếp ga Vinh rồi Sếp ga Sài Gòn nên ông Duơng Minh Đẩu (phụ thân của DMĐ) theo cha mẹ, hết học ở Colleé de Vinh cho tới Marie Curie Sài Gòn. Năm 1945 là Thanh niên Tiền phong(1) ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn. Ông Đẩu là trưởng Tộc, có tên đầu trong danh sách công đức đóng góp xây nhà thờ với số tiền nhiều nhất. Ông bạn DMĐ đến sau tụi tôi vì còn ra thắp hương cho các cụ ngoài nghĩa trang. Lúc anh ta về thấy các cụ “bẩm báo” quyết liệt(!). Hóa ra thằng bạn về đến làng cũng ghê ra phết! Riêng 2 chú Nghĩa và Phương từ khi "lớn đến giờ" mới về quê dự giỗ Tổ. (GM bảo: "DMĐ cứ chưởi tôi là mù chứ nhà ông ta có cả tiểu đòan mù!". Vì cả Nghĩa và Phương đều là lính "pháo binh cận thị đội").

Chúng tôi cùng được dự lễ dâng hương rồi họp họ. Đặc biệt có tiết mục trích Quỹ Khuyến học thưởng các cháu học giỏi trong năm. Bạn bè về dự cũng góp vào Quỹ. Tiệc họp mặt rất ngon với hương vị làng quê, ngòai gà, ngan, có cả món thịt chó hấp và đặc biệt là món “dựa mận”. Dẫn lắm! Bàn tôi xơi hết những 2 bát.

Sau cùng là phần văn nghệ. DMĐ có dịp “trình hàng” cho các cụ và bà con. Mở đầu là "Bóng chiếc thoi đưa..." của "Hà Tây quê lụa" và "Thanh niên quê tôi...". Các cháu cùng thày hát quá hay. Nhất là 1 trò người Tây Nguyên hát "Đôi mắt Biển Hồ" (Nguyễn Cường) thật sống động. GM và Cương cũng lên sân khấu hát cùng 3 anh em họ Dương (Đức, Nghĩa, Phương). Hiếm có ngày giỗ Tổ nào vui như thế!

Ghi được bài thơ “Nhớ về Tiên Tổ” treo trong nhà thờ, xin tặng anh chị em:

Chữ rằng “Ẩm thủy tư nguyên”

Cháu con phải nhớ Tổ tiên, ông bà

Tháng giêng ngày thứ mười ba

Cháu con dòng họ dù xa dù gần

Về nhà thờ họ quây quần

Dâng lên Tiên Tổ một tuần nhang thơm

Tâm thành tưởng nhớ công ơn

Có Người mới có họ Dương làng Bùng

Ta cùng chung giọt máu hồng

Ta cùng chung một giống dòng họ Dương

Dù đi tám hướng mười phương

Nhớ về Tiên Tổ họ Dương làng Bùng!


Chú thích: Năm 1945, tại Sài Gòn có 2 Xứ ủy Nam Kỳ. 1 nằm trong nội thành do ông Trần Văn Giàu là Bí thư, 1 bám ở Hóc Môn. Cánh nội thành có lực luợng hậu vệ là Thanh niên Tiền phong mà đa phần là thanh niên, học sinh, sinh viên.


Thứ Tư, tháng 2 20, 2008

Họp mặt đầu xuân không chỉ có k4

BLL k5 tại Hà Nội thông báo:
Mời các bạn cựu thiếu sinh quân k5 Nguyễn Văn Trỗi tới dự liên hoan tân niên.
Địa điểm: tầng 2 Bia Hải Xồm, 22 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.
Thời gian: Từ 10g30, thứ Bảy, 23/2/2008.
Tài chính: Lệ thu tại chỗ.
Vui mừng được gặp mặt!

Thứ Ba, tháng 2 19, 2008

Về cuộc gặp mặt k4 đầu năm 2008


Kế hoạch "Gặp mặt k4 Xuân 2008, ngày 23/2 tại Hưng Hoá":
(Là kế hoạch cuối cùng. Sẽ được thông báo qua nhắn tin điện thoại di động)

Trao đổi thêm với một số anh, đặc biệt có ý kiến anh Quốc Dũng muốn tổ chức dịp này thăm lại Hưng Hoá và anh Ngọc Tuấn thông báo đơn vị công binh Hưng Hoá cũng muốn mời anh em ta về chơi.

Qua anh Ngọc Tuấn, đã thống nhất đơn vị sẽ nấu cho anh em ta một bữa "giao lưu" (tất nhiên là anh em ta góp tiền chi cho bữa này).

Như vậy kế hoạch cuộc Gặp mặt Xuân 2008 của k4 sẽ bao gồm cả thăm lại doanh trại Hưng Hoá và giao lưu với đơn vị sở tại vào Thứ Bảy, ngày 23/2/2008.

Chi tiết như sau:

- Thành phần: toàn thể anh em k4 và gia đình.

- Phương tiện: khuyến khích đi xe riêng (nếu có). Ban LL bố trí một xe chung. Anh Đại Cương bố trí xe chung 24-30 chỗ. Anh Quốc Dũng liên hệ chỗ gửi xe máy cho anh em đi xe chung.

- Thời tiết: mọi thời tiết, mưa rét cũng đi, không nghỉ như các cháu

- Chi tiêu: tiền thuê xe ô tô quỹ khoá chi; tiền ăn do anh em tự đóng góp; chi tiêu cá nhân tự lo.

- Thời gian:

8h sáng Thứ Bẩy 23/2/2008
xe chung cho các anh không đi xe riêng sẽ xuất phát tại Công ty của Quốc Dũng (Ngõ 61, ngách 23, nhà 18, đường Trần Duy Hưng, HN). Xe qua Sơn Tây đón các anh Thanh Bình và Trần Hà.

Dự kiến 10h sáng tới Doanh trại Hưng Hoá, gặp gỡ Chỉ huy đơn vị, chụp ảnh kỉ niệm, thăm doanh trại, ...

Tới bữa (11h30-12h) ăn cơm bộ đội (ta không đặt sẵn món ăn, tuỳ đơn vị nấu theo thực đơn của họ)

13h-14h các xe ra về, đi theo chương trình của từng nhóm (tắm khoáng nóng, đi chơi vùng Ba Vì, Tản Viên, chùa Mía, đền Và, làng cổ Đường Lâm, lăng mộ Phùng Hưng, Ngô Quyền, viếng mộ ở Yên Kỳ, ...)

------------------------------(Dưới đây là Tin cũ, bỏ đi. Để lại chỉ có tính lịch sử)
Vẫn có ý định tổ chức cho anh em gặp mặt ở ngoài Hà Nội, nên tôi muốn sau Rằm tháng Giêng đợi ngày nào ấm trời thì mới tiến hành. Tôi muốn mỗi cuộc gặp là một chuyến "đổi gió"; nhiều anh em ta ít có dịp đi dù chỉ vài chục cây số chỉ để mà chơi. Chuyến này tôi có ý định tổ chức ở Nhà An dưỡng Cán bộ CM Lão thành tại hồ Đại Lải, Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Nhưng hôm nay, sau khi thăm dò ý kiến của một số anh, thấy anh em không thích những chuyến đi trong ngày. Chuyến đi Côn Sơn năm ngoái là một thí dụ: đi đến nơi, ăn với nhau một bữa rồi lại lên xe ra về. Anh em cho là vô ích.

Như vậy đầu Xuân này chúng ta sẽ tổ chức gặp mặt ở đâu đó trong Hà Nội. Thời gian, theo thông lệ sau Rằm, có thể sẽ là Chủ Nhật 24/2 này, địa điểm và giờ cụ thể sẽ thông báo sau.

Việc gặp nhau ở một quán bia, nhà hàng nào đó trong HN là quá đơn giản. Nhưng vì có nhiều nhà hàng mà lại không có hứng thú để chọn lấy một nên tôi đang đề nghị mấy anh khác thông thạo hơn chọn giúp cho anh em ta. Đó là lí do vì sao còn phải chờ. Mong anh em lưu ý theo dõi.

Tết Nóng, Tết Lạnh

Bây giờ thì ai cũng biết Tết trong Nam trời nóng, không lạnh như Tết ngoài Bắc. Nhưng người Bắc thường không thể hình dung Tết nóng thì người ta "thưởng" Tết như thế nào; cũng như dân Nam, cái rét còn chả biết, nói gì đến Tết-rét.

Không biết mọi người thấy thế nào, với tôi chuyện nóng lạnh thời tiết là một thứ không đưa được vào bộ nhớ. Ký ức không làm ra được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan về nóng lạnh. Mùa đông rét quá, mưa phùn gió bấc thì nhớ mùa hè; mùa hè nóng quá, mồ hôi nhễ nhại lại luyến tiếc mùa đông. Khí hậu thời tiết đã là thứ khác nhau, lại còn Tết vào lúc ấy.

Tất nhiên nói về Tết thì điều chính yếu là tụ họp gia đình, là năm mới may mắn hơn năm cũ, là có thêm người mới trong gia đình, là người già thọ thêm một tuổi, là sếp thăng tiến thêm một cấp, bạn bè cùng nhau nhìn về tương lai trong đó là sự nghiệp hoặc "cõi vĩnh hằng", ... Tóm lại Tết là dịp để các quan hệ xã hội được dịp làm lại tươi mới một cách tự nhiên theo lịch của trời đất. Thế nhưng cùng là "Tết" mà ở các không gian khác nhau sẽ có những điểm khác biệt.

Có vẻ như ở vùng Tết-rét người ta có nhiều thứ khác ngày nghỉ bình thường hơn. Một gia đình lớn trong một hai ngày Tết người ta có thể suốt ngày gặp nhau lúc nhà người này rồi đến nhà người khác. Người già con trẻ suốt năm bận rộn công việc của mình mấy khi gặp, nay là lúc hội đủ. Khi đó có nhiều thời gian để thong thả nói chuyện người này người kia, nhấm nháp các thứ đồ ăn thức uống. Thường thì thời gian chơi Tết ở nhà ai đó thế nào cũng gặp bữa. Các món ăn ngày Tết được soạn ra, quây quần đánh chén. Cái rét đẩy mọi người lại với nhau, làm cho ấm cúng và câu chuyện trở nên thú vị hơn. Nhiều cơ quan ngày đầu đi làm sau Tết mới là khởi đầu của Tết-công-sở. Người ta gặp nhau chúc tụng, rồi rồng rắn kéo nhau đi các nhà. Ấy là để tận hưởng cái cảm giác tụ hội nối dài từ gia đình ra xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu thì ở vùng rét Tết, phát sinh và gắn liền với nông nghiệp, là những ngày nông nhàn mà không giáp hạt. Cái ăn có đủ, rỗi rãi, người ta nhất loạt mở đủ loại lễ hội vào mùa xuân ngay sau mấy ngày Tết. Thường là hội thánh và hội Phật. Hội thánh ở các đền như đền Và (Sơn Tây) thờ Thánh Tản Viên, đền Dạ Trạch (Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử, đền Sóc (Hà Nội) thờ Thánh Gióng, đền Đô (Bắc Ninh) thờ tám vua Lý, đền Trần (Nam Định) thờ 13 vua Trần, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) thờ bà Âu Cơ, đền Ông (Cửa Ông, Quảng Ninh) thờ con Trần Hưng Đạo làm tướng trấn cửa biển, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cho dân làm ăn, đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh) cho dân đánh bạc, ... Các chùa cũng đồng loạt mở hội, mà được khai thác thương mại lớn nhất "ăn theo" tâm linh là chùa Hương (Hà Tây) và quần thể các chùa vùng Yên Tử (Quảng Ninh). Còn có những hội có tính chất nghề nghiệp và dân gian như hội Lim (Bắc Ninh) của các liền anh, liền chị quan họ, hội pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Bình Đà (Hà Tây), ... cũng rất nổi tiếng. Đất rét có hàng trăm hàng nghìn đền và chùa mà mùa xuân không ngớt người thăm viếng cầu mong.

Bởi thế dân Tết-rét sau dịp nghỉ Tết còn bày chuyện đi chơi lai rai cho tới hết tháng Giêng. Các hội đoàn đi chơi thường là Phật tử (kiểu Khắc Cường k4), hoặc Phật tử tại tâm tại gia (kiểu các bà hội phụ nữ về hưu), hoặc bạn xấu (kiểu Bạn Trỗi), hoặc cơ quan nhưng không đi xe biển số xanh (kiểu công ty QD, thậm chí cơ quan nhà nước).

Mà đền chùa nhiều khi cũng lẫn lộn. Nói cho đúng đền luôn là đền, mà chùa luôn là chùa. Nhưng có lẽ trong tâm linh người Việt thì Phật là niềm tin mà Thánh là chỗ dựa. Bởi thế có nhiều chỗ bên cạnh chùa là đền, như cạnh chùa Côn Sơn có đền thờ Nguyễn Trãi. Thậm chí cấu trúc trong một khuôn viên tiền chùa hậu đền, trước thờ Phật sau thờ Thánh. Thánh là người được dân gian ghi ơn vì dân vì nước mà thành. Vì ý nghĩa này mà hầu như các cơ quan, doanh nghiệp, hội đoàn, nếu có điều kiện thì đều không ngăn cấm, thậm chí tổ chức cho, người thuộc quyền đi thăm thú các nơi linh thiêng đó, đặc biệt là dịp Tết.

Nói như thế để dân Tết-nóng hiểu, đừng kêu sao chúng mày chơi lắm thế. Mà anh em Tết-rét cũng đừng hiểu sai cái "cổ truyền", tưởng rằng Tết là để uống rượu, ăn chơi, cờ bạc. Tết là để nhớ về cội nguồn dân tộc. Như thế mới là Tết.

Thứ Hai, tháng 2 18, 2008

Tết Hà Nộị qua ngày mùng Mười

Sáng 10 Tết, Văn Hùng Chủ tịch CLB Bóng đá CAHN nhắn tin sinh hoạt. Chiều 4g, bóng lăn tại sân Thủy lợi. Trưa có giỗ nhưng 4g hơn vẫn có mặt. Trời lạnh nhưng không bằng hôm ông Công, ông Táo lên trời tại sân Hàng Đẫy. Hôm nay đá với Ngân hàng Techcombank. Các cháu trẻ nhưng không thắng nỗi mấy lão già. Tỷ số 3-3. Tham gia trọn hiệp 2 nhưng bị phê bình không "động" như hôm trướcTết. R vào nhiều mà khuấy đảo được như hồi trước Tết thì có là Thánh(!). Trước khi "tản", mỗi đồng chí còn xơi thêm 4 vại bia hơi Hà Nội.
Về tới nhà thì Việt Trung mời ra dự tân niên với Hội Vĩnh Xuân. Gần trăm môn đệ ở Hà Nội tới giao lưu tại Cung Văn hoá Việt –Xô. Các thế hệ trao đổi tâm tư, tình cảm, học thuật và cả "vào tay", thậm chí với thày. Tôi được mời lên nhắc lại những kỷ niệm ban đầu của nhóm Dưỡng sinh Nhu quyền. Năm 1981 làm giáo viên ở Đại học quân sự, nhưng cuộc sống đoạn cuối thời bao cấp kham khổ, thời tiết lạnh khắc nghiệt đã sinh bệnh hen phế quản. Tôi tìm về bác sĩ Toàn k5 ở Viện 108. Từ đây đã mời Trung, Long, Nghị vào tay với võ sư Hoàng Quốc Toàn tại nhà 99. Các chiến tướng, thậm chí Long "le" từng ngồi trên đài của Liên đòan Võ thuật Kirshinhiov, không thể ra chỉ 1 cú đòn cho đối phương. Hết ngạc nhiên này tới ngỡ ngàng khác về nguyên tắc vận động mới lạ này. Rồi qua Tòan mà anh em gặp được thày Ngô Sĩ Quý. Kết lại là ở đời phải học và có duyên sẽ gặp được thày tài và tâm.

Sáng 11, theo lịch cả nhà về quê ngoại vợ ở Quảng Yên, dự khánh thành đền thờ cụ Lê Công Bồi, "Quận công tiết chế thống lĩnh tả quân trấn thủ Hải Ninh" (
suốt dẻo duyên hải từ Trà Cổ về tận Quảng Yên, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh) cách nay hơn 300 năm. (Thời nay tương đương với Tư lệnh Quân khu Đông Bắc). Cụ Lê Công Bồi là hậu duệ cụ Lê Hữu Trác, Hải thượng Lãn Ông, quê gốc Liêu Xá, Hưng Yên. Khi ra Hải Ninh, cụ đã lập ấp, di dân và phát triển dòng tộc ở Quảng Yên. Dòng họ Lê Hữu thời trước có tới 6 tiến sĩ được khắc tên ở Văn Miếu. Thời chống Mỹ có 36 con cháu trong dòng tộc hy sinh và phát vài ba tướng (trong đó có tướng Lê Hữu Tích và tướng Lê Hữu Vinh - đều là anh của mẹ vợ tôi). Lê Chí Dũng (Zốt k8, Lê Hữu Dũng) vừa là học trò, là ông anh họ vợ, lại là ông em, là con trưởng cụ Tích (Chi) làm trưởng đoàn.
Thị trấn Quảng Yên còn giữ nguyên dáng của 1 thị trấn dưới thời Pháp thuộc với những toà công thự xây theo lối kiến trúc cổ. (Như phố cổ Hội An). Chúng tôi ra thắp hương mộ Tổ và mộ ông bà, rồi về dự lễ. Có cả cánh từ Hưng Yên và Hương Sơn, Hà Tĩnh (quê ngọai và cũng là nơi cụ Lê Hữu Trác yên nghỉ) ra dự.
Cơm nước xong, nghỉ ngơi, 3g xuôi Hà Nội. Khi đi theo đường Bắc Ninh, Phả Lại, khi về theo đường Quán Toan, Hải Phòng. Mất khoảng 2g30’ nhưng đựơc thăm lại nhiều địa danh cũ. Nào là nơi mà "o du lích xóm Lai Vu, rắn quấn bên chân vẫn bắn thù", nào là bánh đậu xanh Hải Dương... Thị tứ phát triển dọc Đường 5.
Đất nước thay đổi nhiều quá!
Mai lại có vụ về giỗ Tổ họ nhà NSƯT Dương Minh Đức ở Mỹ Đức, Hà Tây.

SỰ KIÊN NHẪN CỦA ĐÀN ÔNG

  • Ăn cơm chiều xong, ngồi uống nước, vợ vừa nói vừa đưa cho tôi tờ Phụ nữ: "Này anh đọc đi, bài trên trang 3 ấy!”. Chẳng kịp điểm báo tôi lật trang 3. Có tật hay đọc ngược, tạp chí hay sách báo, tôi đều bắt đầu đọc ngược từ mục lục.
    Tờ báo mới tinh nhưng sao tôi thấy lỗ chỗ ở trang đang đọc như có ai vẩy nước vào, thỉnh thoảng lại có những chỗ thủng bằng đầu ngón tay mất cả chữ, bực mình càu nhàu. Vợ tôi nói: “Tụi đàn bà con gái trong cơ quan em, chúng nó xúc động khi đọc, không kìm được nước mắt nên mới ra thế”. Câu nói của vợ kích thích sự tò mò cố hữu của tôi. Thế là tôi đọc một mạch hết bài báo. Thật cảm động, bài báo viết về một người đàn ông ngoài "năm xị", vợ mất khi đứa con trai thứ hai vừa sinh, khi đứa con gái đầu mới sáu tuổi.
    Ở vậy một mình nuôi con mấy chục năm trời trước cám dỗ và cạm bẫy của tình ái. Nhưng bất hạnh vẫn không buông tha người đàn ông này khi đứa con gái lớn đang học lớp 12 bị bênh tim. Cháu mất đột ngột. Thế là bỗng chốc một nửa gia đình vụn nát. Người đàn ông chẳng còn thiết sống, nhưng nghĩ tới đứa con trai đang học lớp 6 mà gắng gượng lướt qua số phận.
    Đúng là trời không lấy đi của ai tất cả và cũng không cho ai tất cả. Đứa con trai của anh khoẻ mạnh và đặc biệt cháu học rất giỏi. Hiện cháu đang du học Mĩ theo học bổng của chính phủ Hoa Kỳ.
    Đọc bài báo tôi thấy có những sự kiện và tình tiết quen quen, giông giống hình như đời tư của ai đó trong đám bạn bè quen biết của tôi. Điều đó đã buộc tôi phải đọc lại. Xâu chuỗi các sự kiện thì đúng không sai, người trong bài báo chính là ông bạn mà tôi quen.
    Anh quê Hà Tây, học Tổng hợp. Chiến tranh, anh nhập ngũ vào đánh nhau ở chiến trường miền Đông. Sau giải phóng anh về tiếp quản TP và làm việc ở một tờ báo lớn. Lấy vợ, bố mẹ vợ là cán bộ ở R về, được phân một ngôi biệt thự lớn trung tâm quận Một. Ba vợ anh mất sau giải phóng vài năm. Nhà rộng, anh em vợ chỉ có bốn người.Má vợ cho vợ chồng anh hai phòng lớn dưới tầng trệt.
    Thời gian trôi mau, khi con trai anh đã trưởng thành có lần mẹ vợ nhìn anh lủi thủi một mình, thấy thương hỏi: “Con không tính lập gia đình nữa à?”. Đôi mắt anh nhìn xa xăm đượm buồn: “ Chắc thôi quá má à, con không làm sao quên được hình ảnh vợ con, hơn nữa con cũng già rồi và cũng không muốn Hùng (con trai anh), cháu bị san sẻ tình cảm”. Bà má vợ run run đôi bàn tay héo gầy, kéo vạt áo chấm chấm nơi khóe mắt.
    Thế rồi nhà mẹ vợ anh được mua hóa giá, dù đã được giảm do ông bà đều diện chính sách nhưng tiền mua vẫn vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Má vợ quyết định bán để lấy tiền mua hóa giá, số còn lại sẽ chia cho các con. Là người có học nên hôm họp gia đình bàn về chuyện nhà cửa anh tế nhị lánh đi, nói là đi công tác.
    Bà mẹ vợ anh nói với ba người con ruột: “Má tính sau khi bán nhà trừ chi phí hóa giá số tiền còn lại má sẽ chia đều cho bốn đứa.Má sẽ về ở với anh Hai”. Ý những người con thì lại khác, họ không muốn anh được phần như họ. Nhưng cuối cùng tất cả đều vâng theo lời mẹ, ổn thỏa, êm thấm.
    Với số tiền quá lớn trong tay anh mua một căn nhà mặt tiền, nơi phố chợ đông đúc. Số tiền còn lại anh hùn hạp với vài người bạn mở công ty tư vấn môi giới, mua bán bất động sản, nghe nói làm ăn cũng khá.
    Sau khi bán nhà mẹ vợ anh sống thêm được hơn năm nữa thì cụ qua đời. Bây giờ là thời gian “hợp lí” nhất để anh nghĩ tới chuyện riêng của mình sau mấy chục năm giời đằng đẵng “nín nhịn”. Tôi biết trong khoảng thời gian ấy biết bao nhiêu đàn bà con gái vây bủa quanh anh, giống như muỗi xứ Cà Mau nơi đất mũi bủa vây khi thấy hơi người lạ. Gái trẻ có, Việt kiều có, mấy bà sồn sồn có… Nhưng anh chỉ yêu, yêu thôi, đâu dám nói lời cầu hôn với ai. Anh không muốn mẹ vợ biết. Anh sợ hỏng việc. Anh hoãn binh, anh nói với họ “Hãy gắng chờ!”.
    Đàn bà con gái họ không ngại chờ đợi nhưng họ muốn sự chờ đợi của họ có ý nghĩa hẳn hoi và họ muốn biết vì sao họ phải chờ, phải đợi. Thật “Khó nói lên “nhời lắm” các bạn gái ơi”.
    Mấy cô gái trẻ họ lo sợ, tuổi xuân có thì. Mấy mẹ sồn sồn thì họ lại có cái lo khác, khi mà lửa hồi xuân bùng lên trong lòng sắp tới hồi vãn. Mấy ả Việt kiều ế chồng về nước có ý định kiếm tí "lang quân" thì lại có lỗi lo - visa sắp hết… Tựu chung họ không có năng khiếu, lòng kiên nhẫn và không có điều kiện để chờ đợi.

Chỉ có anh, mình anh, sự kiên nhẫn của đàn ông đã cho anh nghị lực để vượt qua số phận và giúp anh thành công.

Duy Đảo k6

Dưỡng sinh

Để giảm tỉ lệ 70% bài xấu nói về ăn nhậu, ta nên viết về dưỡng sinh. Mấy ngày vừa qua lượm lặt được ít tin như sau:

1. Quốc Dũng đang phát triển sản phẩm mới, gắn "chức năng" cho "thực phẩm" truyền thống. Ấy là cháo ăn liền. Cháo ăn liền vốn không phải sản phẩm mạnh trong dòng thực phẩm ăn liền. Hi vọng gắn thêm mác mỏ "thực phẩm chức năng" sẽ làm cho nó dễ bán với giá cao hơn, trên nguyên tắc thực sự có giá trị cao hơn. Cách nghĩ này là điểm mạnh đáng nể của QD. Hi vọng một thời gian nữa anh em có thể "giao ban cháo ăn liền chức năng". Ai béo phì chọn loại cháo "zero calori" chỉ có xơ không bột đường, ai ốm yếu ăn "cháo dưỡng sinh" sâm nhung có cả, ai cảm cúm chọn "cháo Thị Nở" đầy đủ hành tía tô, ...

2. Trong buổi bàn giao, thu tiền cao hổ với Vũ Hùng, chúng tôi có gọi điện cho Huỳnh Xuân Thuỷ cũng về vấn đề "cao". Báo rằng "cao gạo Bàu Đá" mà cậu dẫn tôi đi mua đã được DS xác định là cao (rượu) Bàu Đá giả. HXT lập tức (đương nhiên là phải như thế rồi) phản pháo, rằng đừng có nghe DS, chính nó mới là tay chuyên ... buôn rượu Bàu Đá rởm. Tóm lại là cứ mua theo mối mấy thằng bạn ở đất Bình Định thì "giả tức là y như thật", phải chấp nhận cho "thông quan" thôi. Đấy là kinh nghiệm công tác của Xuân Minh (trừ trường hợp đưa về cho bạn kiểm định bằng ... các giác quan).

3. Ở cơ quan có một chai rượu vang, loại người ta thường tặng xoay vòng lẫn cho nhau ngày Tết. Cắt cái nắp giấy thiếc, lật lên thì thấy có hai cái lỗ châm kim trên nắp đó. Bình thường người ta không để ý vì khi chưa cắt thì tem "rượu nhập khẩu" che mất mấy cái lỗ đó. Khi cắt rồi người ta lo mở nút cho nhanh để còn uống. Về nhà có 4 chai, lập tức cắt hết các nắp giấy thiếc hoặc bao nhựa tuỳ hãng. Kết quả 100% có 2 hoặc thậm chí có 4 lỗ. Kết luận: các chai rượu này trong quá trình lưu thông cũng đã được "chuyển đổi giới tính" từ rượu vang thành "rượu vang chức năng". Một phần rượu đã được rút ra để bơm thêm chất dưỡng sinh vào!

Thứ Bảy, tháng 2 16, 2008

Dù lượn

Có thể xem cánh dù lượn như cánh máy bay. Để bay, anh dựng cánh bay lên, giữ thăng bằng, chạy đà, nếu đủ lực nâng thì nó bay lên.

Bay hay leo núi?
Sáng cả bọn ra khu vực bay, ngó trời đất thấy thuận thì đeo dù (một vật thể nặng 17 kg), máy bộ đàm, đồ ăn nước uống và leo núi. Tới nơi, cả bọn triển khai dù, chạy đà, cất cánh bay đi. Nếu gió tốt thì bay, vui vẻ mát mẻ. Sau khi hạ cánh, không ai bắt hát “dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi” nhưng tất cả vẫn tình nguyện leo núi thêm vài lần nữa. Lên núi mà gặp gió mạnh hay đứng gió thì chỉ có nước luyện ôpêra và dè xẻn khẩu phần mang theo, chờ thời.
Ảnh 1: Vạn sự câu bị, chỉ khiếm đông phong (mọi thứ đều đủ, chỉ thiếu gió đông).
.
Bay đi đâu?
Với chuyến bay đầu đời, chúng tôi bay theo chỉ dẫn của huấn luyện viên qua máy bộ đàm. Bay một đỗi, họ hướng dẫn anh đáp xuống một vị trí ở dưới đồng bằng. Sau vài lần bay, chúng tôi tự quyết định lúc nào cất cánh, bay đi đâu và sẽ làm gì. Cần phải bay nhiều giờ để tự tích lũy, tự cảm nhận. Và chúng tôi làm được vài động tác “xoay xở” trên không, biết cách hạ cánh trên đỉnh núi (để khỏi phải leo núi một lần nữa). Đi bay đem lại cho người ta khoái cảm, có anh gần như nghiện.
Ảnh 2: Bay theo kịch bản của mình.
.
Sắp có lốc, mưa hay thời tiết xấu?
Người Pilot dù lượn cần phấn đấu thành kẻ “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, ít ra là với vùng đã từng bay lượn, bởi dù lượn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết và địa hình. Còn có trở thành Pilot đẳng cấp cao hay không là tùy năng lực và ý thích của mỗi người, bởi anh là huyền thoại trong chính sự suy nghĩ của mình.
Ảnh 3: “Ngươi có bằng Nhan Lương, Văn Sú không?!” Anh ta hét vang vì đã cao hơn, xa hơn những kẻ cùng bay.
.
Thật thú vị khi “biết bay”, nhưng hồi mới tập thì phơi nắng là ... chính:
.
Chiếc dù.
Nhìn chiếc dù lôi từ ba lô ra, thực không thể tin được cái mớ bèo nhèo đó sẽ đưa mình lên trời.
Ảnh 4: Trải dù (bãi này chỉ để tập bay tầm thấp).
Anh “bơm” căng chiếc dù rồi dựng nó lên đỉnh đầu. Hồi mới tập, vừa dựng lên là dù bị nghiêng, anh hớt hả di chuyển, tay co tay kéo. Gió mạnh chạy tới, gió yếu chạy lui, gió chiều nào anh xoay theo chiều đó, sơ ý là nó đổ sụp, phải làm lại từ đầu. Suốt ngày phơi nắng, mặt ngửa lên trời.
Ảnh 5: Đấu vật? Không, anh ta dựng dù lên và chuẩn bị chạy.
.




Chạy đà.
Khi đã dựng được dù, anh xoay người chạy đà. Thời nhập môn, thay vì chạy cùng với chiếc dù thì anh lại lôi dù chạy theo mình trong khi nó lồng lên như ngựa bất kham. Chạy tới bờ ruộng, anh lễ mễ vác dù quay về điểm đầu và … chạy tiếp. Giữa cái nắng trưa oi ả, khi con trâu cày được nghỉ trưa, khi con chó chui gần giường tránh nóng, thì anh hùng hục chạy từ đầu làng tới cuối xóm.
Ảnh 6: Anh ta cố sức kéo, bất chấp cái dù đang “ở đâu” (bãi này ở Quận 2, chỉ để tập).
.
Bay khái niệm (hay “bay tầm thấp”).
Biết cách chạy đà rồi, anh leo lên sườn đồi thoai thoải, chạy đà cất cánh, bay thẳng về trước với “độ cao không” chừng dăm mười mét (với dốc thoai thoải, chiếc dù không thể lên cao hơn thế). Nếu chiếc dù không cùng quan điểm với anh thì anh cứ việc lôi nó … chạy cho tới hết dốc. Rồi anh ôm dù nhẫn nại leo lên đồi để bay (hoặc chạy) lại, cứ thế hàng chục lần. Khi biết “bay khái niệm” rồi, anh được leo núi để “bay tầm cao”.
Ảnh 7: Chạy đà bay tầm thấp.

Thông báo

BLL k5 xin thông báo: Vợ bạn Nguyễn Hoàng Trung (kều) bị bệnh hiểm nghèo (nghi K phổi), đã phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân (Chí Hùng là giám đốc). Nay tạm ổn. Các bạn k5 có thể thăm hỏi, động viên Hoàng Trung qua máy 0903731764.
Chúc 2 bạn chiến thắng bệnh tật!

Thứ Sáu, tháng 2 15, 2008

Tin cuối tuần

Sáng nay hai thằng TM và tôi vừa kết luận tình hình blog không bốc là do nhậu và nghỉ ngơi nhiều quá, máy móc nó "rỉ". Hi vọng tuần sau anh em vui hơn. Chứ như bây giờ thì may lắm chỉ viết được dăm ba cái tin vỉa hè:

1. Chị Niệm và cháu Việt Hoa sang HN có việc nhà. Vì thế mới có thời gian đến Quế Lâm Quán truyền thụ mấy Quế Lâm Món. Tôi đến nơi lúc 12h vẫn còn kịp chụp hai mẹ con đang soạn món trong bếp. Đứng giữa là con gái ông chủ Q.Khánh.
Các món hôm nay nhấn mạnh vào "chua ngọt". Đây là phở xào chua ngọt.




Tiếp theo là thịt bò xào chua ngọt.





Rồi trứng tráng "mặt trời" (không đánh lẫn lòng trắng đỏ) xốt chua ngọt.




Không kể trên mâm còn thiếu bát gân bò hình như "hầm chua ngọt" thì có thể thấy món cá xốt chua ngọt và rau xà-lách chần trộn dầu hào chua ngọt.

Trong ảnh là nhà "ngoại giao nhân dân" KQ, con gái QK, cháu Việt Hoa, chị Niệm và thầy Tiến giáo viên trường Dân Tộc thời bên QL. (Xin lỗi, quên mất không chụp người đi cùng thầy Tiến, là vợ thầy(?), cũng ở trường DT hồi đó).

Các món đều ngon, vừa đủ lạ đủ quen để ăn được.

Thầy Tiến và chị Niệm cùng công tác nên rất quen thân. Năm ngoái Thầy đưa đoàn QL đi thăm Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Thầy đang trao đĩa ảnh/video chuyến đó cho chị Niệm. Chuyến đi gặp lại nhiều học sinh cũ của Trường hiện là cán bộ giữ các trọng trách ở các tỉnh Tây Nguyên.

2. Thầy Tiến do có quan hệ với học sinh dân tộc Tây Nguyên trong nhiều năm nên thầy cũng biết nhiều về Tây Nguyên. Nghe chuyện thầy nói làm tăng ý thích đi nghe buổi nói chiều nay của nhà văn Nguyên Ngọc về Tây Nguyên, trong khuôn khổ chuyên đề "nông nghiệp, nông dân và nông thôn" của Viện N/C Phát triển (phi chính phủ) của các học giả mới thành lập. Tôi đã định bỏ nghe buổi năm vì đã định đến thăm Xuân Minh ra HN thăm Tết gia đình.

Theo Nguyên Ngọc (NN) thì cho tới giờ ta vẫn chưa có nghiên cứu nào về Tây Nguyên kĩ bằng thời Pháp qua các nguồn: các nhà thám hiểm, các nhà truyền giáo, các quan cai trị và các nhà khoa học. Đấy là phân chia họ ra làm 4 loại theo "nghiệp", chứ hàm lượng khoa học thì đều cao cả.

Cũng theo NN lịch sử gắn bó của các dân tộc Tây Nguyên (TN) với các dân tộc VN cũng chỉ mới hơn nửa thế kỉ nay, chủ yếu là do sự thâm nhập tuyên truyền của bộ đội VN qua các thời kì chống Pháp và chống Mĩ. Và tới giờ sự gắn bó ấy trở thành không thể tách rời vì các quan hệ đã có qua chừng ấy năm. Tuy nhiên những biến động ở TN trong mấy chục năm qua là rất lớn về nhiều mặt. Vì thế tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sắc tộc và tôn giáo, đã được các nhà nghiên cứu phát biểu trên tài liệu xuất bản năm 2000. Rất tiếc là ý kiến này đã không được chú ý và các sự biến ở TN đã xảy ra vào các năm trước. Đại loại là như thế.

3. Gần 17h về trước khi cuộc nói chuyện của NN kết thúc, để thăm Xuân Minh. Cái "la hán" trên đầu đã hết. Nhưng rõ ràng là mũ bảo hiểm đã cứu một bàn nặng. Có mũ mà đầu còn sưng như cá, bất tỉnh mấy tiếng đồng hồ. Nếu không đội mũ thì ... ôi thôi, chắc là nặng.
Tối Chủ Nhật XM sẽ về lại SG, kết thúc 10 ngày thăm Tết trong giá rét, không thò khỏi nhà. Vẫn kịp để tôi, dân HN, chuyển lời hỏi thăm của TM tới nó.

Lói ngọng

Các cụ dạy: Chửi cha không bằng pha tiếng! Nhưng Tết nhất đi loăng quăng, gặp chuyện lạ thì cứ post lên đọc cho vui. Thử cùng nhau làm 1 chuyên mục về nói ngọng!

Nói ngọng phụ thuộc từng địa phương mà có lẽ do nguồn nước(?). Nơi thì “con trâu, bờ tre” lại đọc là “con tâu, bờ te” như ở Thái Bình, nơi thì “Ba Vi, bo vang” như ở Thạch Thất, Hà Tây; rồi “en-nờ cao”, “e-lờ thấp” thì quá phổ biến đến nỗi đồn rằng trong quân đội có puzhảng cả đời không bao giờ biết nói bậy(!)…

Chuyện “Tuốt cả”

Hôm rồi gặp anh giai Giao, được nghe lại chuyện “đánh dấu” lần đầu 2 anh em gặp nhau. Chả là đầu những năm 1970, mỗi khi có thày giáo Đại học KTQS mất, đơn vị thuờng cử những người có thành tích trong học tập, công tác về Hà Nội đưa tang. Lần đó thày Thành (giáo viên Chính trị, từng là lính Trung đòan Thủ đô chiến đấu 61 ngày đêm ở Hà Nội đầu năm 1946, người có thể cầm ghi-ta đệm và hát “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi) trong những giờ ngọai khóa) ốm bệnh và mất tại Viện 108. Tôi đại diện học viên giỏi cùng về Hà Nội với anh Giao, giáo viên Khoa Cơ điện, về đưa tang. Hai anh em đi vòng quanh linh cữu viếng thấy râu quanh miệng thày vẫn đâm tua tủa dù đã được cạo kĩ. Hai ông ngố nhìn nhau thắc mắc(!?).

Khi đưa thày xuống Văn Điển, 2 anh em chung tay nâng linh cữu. Hạ huyệt xong và khi đã mồ yên mả đẹp, ông anh thày có lời phát biểu:

- Thay mặt gia đình tôi xin có lời cảm tạ “tuốt cả” các y, bác sĩ Viện 108...

Vừa nghe 2 từ “tuốt cả”, tôi và anh giai đánh mắt nhìn nhau và thầm nghĩ chắc bác ta nói nhịu. Chưa xong lại nghe tiếp: “Tôi xin cảm ơn “tuốt cả” lãnh đạo, “tuốt cả” cán bộ, giáo viên, “tuốt cả” học viên Đại học KTQS! Cảm ơn “tuốt cả”… “tuốt cả”…”. Thôi chết, bác ta bị tật thật! Cứ như vậy 1 tràng “tuốt cả”. Hai anh em tôi cùng mọi người vội quay mặt đi, cắn răng cho khỏi bật tiếng cười. Thương là thương mấy chú tiêu binh quân dung tươi tỉnh, lưỡi lê tuốt trần, sắc mặt đang nghiêm nghị nhưng không nhịn được cười, đã gục đầu đội mũ kê-pi xuống vai mà…cừơi…sằng sặc. Không khí trang nghiêm mất đi vẻ đau buồn. May rồi “cụôc cảm ơn” cũng kết thúc. Mọi người vội ra xe ra về.

Chia tay ở cửa Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa Việt-Xô), anh giai nói: “Thằng Kháng Chiến là "bạn Quế lỉn" với tao. Nay biết mày là em nó”. Kể từ đó 2 anh em kết nhau.

Ngọng chữ “Ê”

Chiều qua đang đứng ở sảnh A Nội Bài đón bà mẹ vợ từ Sài Gòn ra, thấy có 2 ông, 2 bà ăn mặc chân chất, dáng nông dân cũng ra đón người nhà. (Mà chắc là người đi làm công ở nước ngòai về). Nét mặt hiền lành, vô tư trước nhà ga hàng không quốc tế hiện đại, nhất là khi thấy thang máy cứ chạy lên chạy xuống. Chợt nghe ngừơi đàn ông, râu ria quanh miệng xồm xòam không cạo, nói:

- Không biết nó ra ở cửa A hay “Bơ”? Làm sao đón bây giờ?

Tôi nhíu mày, chắc ông ta nói nhịu? Nhưng lập tức nghe 1 bà hưởng ứng:

- Thôi ta cử 1 người canh ở “bơn” cửa A, 1 người canh ở “bơn” cửa “Bơ” để cho chắc. Lỡ nó ra không thấy ai thì khổ!

Thôi đúng rồi, cái dân làng này có tật nói không được nguyên âm “Ê”, cứ nói trại là “Ơ”. Cũng là chuyện lạ xin hầu anh em!


Tật nói “Tuốt cả” là của dân Làng Tám dưới Giáp Bát, còn nói “Ê thành Ơ” thì ở đâu? Có ai biết xin mách giùm!


Bài mới nhận từ Quy Nhơn - Ngọng "Ơ - UÊ"

Trung tá CSGT Nhất Trung thấy xe tải nhẹ đi ngược chiều liền tuýt còi:

- Sao đi vào đường cấm? Mày chở gì?

- Dạ, em chở thơ.

- Xe bưu điện à?

- Dạ không , em chở thơ.

- Thế mày làm gì?

- Dạ, làm thơ.

- Thôi được, văn nghệ sĩ mà biết lái xe, nay lại chở sách thơ. Cho qua. Lần sau thì chú ý không phạt nặng!

- Dạ, cám ơn anh. Mời anh đi uống cà-phơ!