Thứ Tư, tháng 4 30, 2008

Tâm sự về những người lính

Nhân đọc một loại bài viết cảm động về việc đi tìm mộ liệt sĩ trên blog Bạn Trỗi và cũng nhân dịp 30/4 sắp đến xin góp vào chủ đề này một bài thơ và một bài hát nổi tiếng viết về chiến tranh và những người lính.(Một em Trỗi k9).

Bài hát “Trận cuối cùng” (Последний бой) của Mikhain Nozkin (М. Ножкин)

Năm 1975, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng phát xít Đức, hàng lọat phim về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được chiếu ở Liên xô và cả ở Việt nam, trong đó có bộ phim biên niên sử hoành tráng “Giải phóng” (Освобождение). Đã quá lâu rồi nên tôi cũng không còn nhớ chi tiết của phim nhưng cảnh những chiến sĩ Hồng quân đi trong tiếng đàn Accodeon và bài hát “Trận cuối cùng” (Последний бой) thì vẫn còn nhớ mãi. Bài hát “Trận cuối cùng” là sáng tác (cả nhạc lẫn lời) của nghệ sĩ nhân dân Nga Mikhain Nozkin (М. Ножкин). Ông cũng chính là ca sĩ đã trình bày bài hát này trong phim Giải phóng và ông cũng đóng một vai chính trong phim này. Năm 2001 trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Tiếng vọng Mạc tư khoa (Эхо Москвы) nhân dịp kỷ niệm 9/5, khi được hỏi baì hát Trận cuối cùng có phải sáng tác đầu tiên của ông về đề tài chiến tranh hay không, ông có nói là ông luôn viết về đề tài chiến tranh và bản được hát trong phim là bàn thảo thứ ba của bài hát này. Giải thích lý do vì sao ông lại quan tâm đến đề tài chiến tranh ông nói rằng bố ông đã từng là một người lính Hồng quân tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc và bị phát xít Đức bắt làm tù binh. Ông cụ đã trải qua nhiều trại tập trung của Đức và được trao trả sau khi chiến tranh kết thúc. Trong thời gian ông cụ bị bắt , gia đinh được thông báo là mất tích, Mikhain Nozkin lúc đó còn là một đứa trẻ đã luôn mang ảnh bố ông trong người. Nghe lại bài hát nổi tiếng này tôi chợt nghĩ đại đa số anh em Trỗi là con của những người lính và rất rất nhiều trong số họ là những người lính nổi tiếng. Biết đâu một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được nghe những ca khúc “để đời” viết về chiến tranh giữ nước vĩ đại của chúng ta được sáng tác bởi chính những ae Trỗi.

Mời mọi người nghe lại bài hát Trận cuối cùng.

Последний бой
М. Ножкин — М. Ножкин

Мы так давно, мы так давно не отдыхали.
Нам было просто не до отдыха с тобой.
Мы пол-Европы по-пластунски пропахали,
И завтра, завтра, наконец, последний бой.

Еще немного, еще чуть-чуть,
Последний бой, он трудный самый.
А я в Россию, домой хочу,
Я так давно не видел маму.
А я в Россию, домой хочу,
Я так давно не видел маму.

Четвертый год нам нет житья от этих фрицев,
Четвертый год соленый пот и кровь рекой.
А мне б в девчоночку хорошую влюбиться,
А мне б до Родины дотронуться рукой.

Еще немного, еще чуть-чуть,
Последний бой, он трудный самый.
А я в Россию, домой хочу,
Я так давно не видел маму.
А я в Россию, домой хочу,
Я так давно не видел маму.

В последний раз сойдемся завтра в рукопашной,
В последний раз России сможем послужить.
А за нее и помереть совсем не страшно,
Хоть каждый все-таки надеется дожить.

Еще немного, еще чуть-чуть,
Последний бой, он трудный самый.
А я в Россию, домой хочу,
Я так давно не видел маму.
А я в Россию, домой хочу,
Я так давно не видел маму.

Trận cuối cùng

Đã quá lâu rồi chúng tôi không hề ngơi nghỉ
Bởi đơn giản là chưa thể nào nghỉ đuợc
Chúng tôi đã vượt qua chiến trận trên một nửa đất châu Âu
Và ngày mai, ngày mai, thế là đã là trận cuối cùng

Điệp khúc

Chỉ còn một chút, chỉ còn một tí chút
Trận cuối cùng, trận gian khó nhất
Và tôi thì muuốn về nhà ở nước Nga của tôi
Đã quá lâu rồi tôi không nhìn thấy Mẹ
Tôi muuốn về nhà ở nước Nga của tôi
Đã quá lâu rồi tôi không nhìn thấy Mẹ


Đã là năm thứ tư chúng ta không sống nổi vì bọn phát xít
Đã là năm thứ tư mồ hôi mặn chát và máu chảy thành sông
Đáng ra tôi đã có thể yêu một cô gái dễ thương nào đó
Đáng ra tôi đã có thể chạm tay mình vào Tổ quốc tôi

Điệp khúc

Ngày mai chúng tôi lần cuối cùng bước vào chiến trận
Ngày mai có thể lần cuối cùng chúng tôi được phục vụ nước Nga
Vì Tổ quốc hy sinh không hề đáng sợ
Dù mỗi chúng tôi đều mong được sống sót đến phút cuối cùng

Điệp khúc

Thứ Ba, tháng 4 29, 2008

Những điểm dấu không quên

Năm ngoái tôi đã kể các anh nghe chuyện 30/4/75 của tôi.
Giờ thấy các anh hồi tưởng ghê quá, lại phải bon chen bằng tí hồi tưởng hành trình.

Xuất phát: sớm ngày 24/4/75. Biên chế: Đoàn Viện KTQS thuộc Đoàn Tiếp quản SG của Tổng cục Kĩ thuật, Bộ QP. Nhiệm vụ: Tiếp quản các căn cứ kĩ thuật tại Sài Gòn.
Buổi sáng tập trung tại Trạm 66, đường Hoàng Diệu. Trời mát. Đoàn xe TCKT toàn xe Giải Phóng mới, mỗi xe quãng hơn chục người với gạo lót sàn xe, hai phuy xăng dự phòng 200L, ba lô quân trang phát theo tiêu chuẩn B2, không có vũ khí. Trỗi có Trương Công Dũng, Tuyến (k1), Phan Kì Trung (k2), Võ Kiên (Võ Bẩm, k3?), Tự Thành, Thế Nam, Thanh Nhân, tôi (k4).
Trưa ăn cơm ở Diễn Châu. Qua được phà (cầu phao) đã hết buổi chiều. Nghỉ lại bên kia cầu phao, nấu cơm ăn kẻo tối.

Chặng thứ 2, ngày 25/4: Đường càng đi càng xấu tệ, đặc biệt đoạn Hà Tĩnh, quanh co, nhiều cầu nhỏ, thỉnh thoảng tránh xe đi ra rất khó. Qua đèo Ngang chạy sau xe kéo pháo, chỉ sợ nó trôi vào mình. Đến Quảng Bình, vào trạm tiếp thêm xăng, tháo hạn chế tốc độ, các xe rốt-đa theo chế độ đầy tải bắt đầu trở chứng.

Chặng thứ 3, ngày 26/4: bảo dưỡng kĩ thuật xe. Lo lắng không biết có đi tiếp được không. Buổi chiều tiếp tục đi đến Vĩnh Linh, dừng ở bờ Bắc. Bảo nhau ngày mai sang miền Nam, hết tiêu tiền Bắc, chiều nay liên hoan. Mua gà nấu ăn. Dội tí xăng mà củi không bén, Võ Kiên thò tay vào bếp bật lửa, phực một cái, trụi cả lông mi lông mày, sáng mai ra nẻ cả môi.

Chặng thứ 4, ngày 27/4: qua cầu Hiền Lương, đường bắt tốt. Nhưng thỉnh thoảng tắc do bộ đội ta quen đi kiểu chiếm đường. Thấy rõ cánh tài xế miền Nam đi đúng phần đường của mình. Vài lần quân ta phải xuống xe yêu cầu bộ đội lái xe "lui một bước", lập tức "trời cao biển rộng" ngay. Chiều đến Huế sớm, chạy qua chạy lại tìm Ban Quân quản, tướng Lê Tự Đồng Trưởng Ban. Chiều muộn, nấu ăn, xong ra trạm lĩnh thêm một đợt thực phẩm hành quân, xong tìm chỗ nghỉ. Đỗ xe giữa đường vắng dưới chân đồi ven căn cứ quân sự, sợ bên đường có mìn. Tắt đèn, một đ/c chiến sĩ chạy xe máy không đèn vướng vào đuôi xe ta, tai nạn, đi cấp cứu, tử vong. Đơn vị quân quản đến xem xét hiện trường, lập hồ sơ tai nạn.

Chặng thứ 5, ngày 28/4: qua đèo Hải Vân, đường đông xe bộ đội đi vào, thỉnh thoảng dừng ở các khe, lấy nước đổ thêm. Xe Giải Phóng mới, chạy căng sẽ bị sôi nước. Có khe còn thấy xác chết, nước dội vào trắng nhởn. Đến Đà Nẵng sớm. Nghỉ lại cùng trạm với nhiều đơn vị địa phương. Trang bị của họ khác hẳn, đặc biệt võng có thêm lớp lót lùng nhùng phía dưới. Võng dù của quân Bắc vào mới tinh, có điều muỗi đốt xuyên qua, lục đục suốt đêm. Tắm rửa xong tranh thủ đi chơi. Ra chợ thấy bán thịt, Đậu Văn Quyền (học đặc thiết hàng không Liên Xô) hỏi "thịt bán tự do à?" làm người bán không hiểu hỏi gì. Mấy chặng này đi chậm vì theo lệnh hành quân là đến đâu đó sẽ bỏ đường 1, rẽ vào tập kết ở Đồng Xoài chờ giải phóng SG mới xuống.

Chặng thứ 6, ngày 29/4: từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, nghỉ theo trạm trong làng.

Chặng thứ 7, ngày 30/4: Sáng sớm lách xe ra bị đổ xuống rãnh. Phải bốc hàng ra, mới kéo được xe lên. Chỉ huy xe Đặng Minh Ngạc có đài bán dẫn, ngồi trên cabin theo dõi tình hình. Đã trao đổi thống nhất với Đoàn TCKT sẽ đi thẳng vào SG vì tình hình tiến triển nhanh, có lẽ sắp giải phóng. Qua Bình Định đất dừa, mua dừa nước uống. Biết cách chặt dừa đằng đáy, mọi khi ngoài Bắc toàn chọc mắt dừa lấy nước. Đi đến tối tới Tuy Hoà, nghe bộ đội hô "vào mà nhặt ống bơ à" (đã kể năm ngoái) mới biết SG đã giải phóng. Nấu ăn, thành phố Tuy Hoà có điện.

Chặng thứ 8, ngày 1/5: sáng sớm dậy nấu ăn, nắm cơm cho bữa trưa. Đi suốt tới nửa đêm, nghỉ lại Xuân Lộc. Chia nhau cảnh giới.

Chặng thứ 9, ngày 2/5: chưa sáng đã nghe ồn ào, người đi đông. Bỏ nấu ăn sáng vì đã gần SG, đi đã. Trên đường tránh nhiều hố, ụ cản đường, xe lách chữ chi trên quốc lộ. Mặt đường đầy quần áo, mũ, giầy lính. Những người đàn ông ở trần đi ra lẫn trong đám đông ngược xe bộ đội đi vào. Qua cầu SG, thấy xe cháy, thỉnh thoảng có xác chưa dọn. Len lỏi trong đám đông trong phố với vật dụng, quân trang và súng đạn bộ binh vứt lung tung. Đến hội quân ở Trường Cao đẳng Quốc phòng (nay là nhà trưng bày xe Mecedes), đầu đường nhìn sang bên kia là Thảo Cầm Viên. Cấm trại, chờ ăn cơm trưa muộn, rất đói. Kết thúc chuyến đi.

Thơ chữ Hán

Lại trộm được bài thơ chữ Hán của Minh Kính tiên sinh với tựa đề "phải lòng", không biết phải lòng ai, phải lòng thế nào, nhưng cám cảnh thân cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non mà đâm não lòng.
Do không biết vẽ nên tôi "tinh giảm" phần chữ vuông, chỉ chép phần chữ quốc ngữ:

Cảm
Lộ cô tầm bộ dã nùng sương,
Bất quán hàn phong, quán nguyệt chương.
Thiên thượng Hằng Nga cảm lô thậm,
Cánh phát huy quang triệt dạ trường.

Phải lòng
Con cò mò mẫm đồng mờ sương,
Chỉ thích trăng vàng, chẳng ngán sương.
Trời cao trăng vàng yêu cò lắm,
Tỏa ánh hào quang suốt đêm trường.

Lời bình của kẻ không phải tác giả: "hàn phong" là gió lạnh lẽo trong đêm đông, nhưng dịch thơ thì phải vần nên mới phiên sang là sương (sương giá), cũng lạnh lẽo, cô đơn như rứa.

Về quê

Từ tuần trước Cha Được tại Tòa HN (cha còn trẻ, là dân làng tôi, từng học ở SG, Nha Trang) có lời mời về dự giỗ lần thứ 168 của Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và Tổng Giám mục địa phận HN về làm lễ "đặt viên gạch góc" cho nhà thờ Tiêu Động. Cha mời cả "cái bác gì bộ đội đeo kính" về cho vui. Hẹn GM, hắn OK liền.
Sáng qua, cùng chú em Trung lên đường. 9g tới nơi thì lễ rước đã bắt đầu. Chúng tôi được mời vào phòng khách. Bàn giao tiền góp xây nhà thờ cho ông Trùm rồi Trung vào bàn giao mấy chữ Nôm ghi họ tên các cụ được chôn dưới nhà thờ vừa mới được cải. Không còn là dân theo Đạo nên ngồi nói chuyện ở phòng khách rồi về Nhà tưởng niệm của ông già.
Dân quê tôi tự hào vì không có nơi đâu ở ta "phát cả Thánh và Tướng" như ở Tiêu Động. Cụ Hiếu mất năm 1840 (do chống lại triều đình khi đi truyền giáo) và được Vatican phong Thánh tử vì Đạo năm 1900. Nay có tượng dựng ở sân nhà thờ.
Bà con giáo dân còn "phát hiện": cả Thánh và Tướng của Tiêu Động cùng mang tên Thánh là Phêrô. (Ông già tôi là Phêrô PhạmVăn Phu!). Cũng lắm chuyện!
Trưa ăn cỗ đến cả ngàn người. Chỉ sợ không an tòan thực phẩm thì... mất vui!

Thứ Hai, tháng 4 28, 2008

BÁO CÁO CÔNG VIỆC CỦA MÕ: ĐÓN THẦY LƯƠNG

Dương Minh

Sáng sớm ngày 21/4 mõ Xã (Trường) chỉ thị cho mõ Thôn SG “Thầy Lương dạy lý đang ở trong Sài Gòn …”. Chưa kịp triển khai gì, chập tối mõ Xã đã kiểm tra “Liên hệ với thầy Lương chưa?”, vội vàng gọi điện thọai cho thầy thống nhất kế họach ngày 22/4: 9h30 đưa thầy sang thăm nhà cô Thục, 14h00 đón thầy về lại nhà người quen ở Trần Quang Khải, 17h30 đến đón thầy ra JooDee họp mặt. Xong được kế họach, phát lệnh cho các mõ Thôn “Đề nghị BLL các khóa cử đại diện giao lưu tiếp thầy Lương vào lúc 18h…”. Cái thôn K4 gắn bó với thầy Lương nhất nên làm tiếp nhiệm vụ của mõ Thôn đi rao “Mời anh em ai có điều kiện xin đến giao lưu tiếp thầy Lương vào lúc 18h…”.
Sáng 22/4 trên đường sang nhà cô Thục hỏi thầy “Ở Trường dạy hàng trăm học sinh, bây giờ thầy nhớ được những ai?”. Thầy nói ngay “Cũng nhớ được một số, thầy có ghi điện thọai trong sổ đây”. Thầy mở sổ đọc cho tôi nghe “Lê Quốc Anh, cậu này bé người nhưng học giỏi, không biết bây giờ thế nào. Lê Trí Hưng này, Trần Tuấn Sơn – các em hay gọi là Sơn ton ấy, Nguyễn Xuân Miên, Nguyễn Trung Liêm …”. “Thầy yên tâm em đã nhắn tin báo hết, nhưng dạo này anh em bận lắm, em cũng không biết tối nay tụ tập được bao nhiêu!”. “Cứ mươi người là vui rồi em ạ!”. Nghe thầy cảm thông như vậy cũng đỡ lo.
5 giờ chiếu chạy xe từ Văn phòng đi đón thầy. Cứ tưởng 30 phút đến nơi là vừa khéo, nào ngờ tắc đường, hơn 6 giờ mới lết ngang qua Đôi Khi, 7 giờ mới đến được Joodee, trễ hẹn với anh em đúng 1 tiếng. Mọi người đã tề tựu, có thầy Trọng, đại diện K5 (Hưng), K6 (Hà mèo), K8 (Tăng Tiến) và một số anh em K4 (Chí Quang, Dũng Sô, Trung Liêm, Thế Nam…). Lát sau lục tục thêm Quốc Anh, Ngọc Nhân, Phạm Tùng…
Học sinh Trường Trỗi ai cũng có cảm nhận tự hào về thầy cô của mình nhưng không có điều kiện để hiểu biết kỹ càng. Quả thật nghe thầy Lương tâm tình mới hiểu cảm nhận của chúng ta là xác đáng. Cha của thầy là người công nhân hỏa xa Hà Nội đã có vinh dự năm 1945 được bố trí lái chuyến xe lửa đón Bác Hồ trên đường từ Pháp về qua đường cảng Hải Phòng. Năm 1953, khi 20 tuổi, đang học Đại học Y khoa, do trốn lính thầy bị bắt giam. Vựơt trại giam, què chân, thầy tập tễnh một bên khóac chiếc tay nải, một bên là cây đàn ghi ta trốn ra vùng tự do rồi lên Việt Bắc nhập ngũ. Do có trình độ, từ đó thầy tham gia sự nghiệp đào tạo văn hóa cho nhiều thế hệ sĩ quan và chiến sỹ - trong đó có lớp Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Thầy có hai cô con gái và một cậu con trai, tất cả đều tốt nghiệp Đại học và có công việc tươm tất. Không chỉ kể chuyện riêng tư, thầy còn kể đôi nét về những thầy cô khác ở Trỗi – thầy luôn bầy tỏ sự cảm phục, quí mến về những người bạn và đồng nghiệp của mình.
Gần 10 giờ đêm thầy trò bịn rịn chia tay nhau. Thầy Trọng mời thầy Lương trưa 23/4 đến ăn cơm rồi từ đó ra thẳng Nhà ga Tân Sơn Nhất bay chuyến bay 14 giờ trở về Hà Nội.
Tối 25/4 gặp mõ Xã trong giao ban “hưởng lạc” ở Hà Nội, không thấy hắn chất vấn gì, tôi cũng không báo cáo. Biết thừa, nếu có nói thì hắn lại buông câu “Ni zuo shi wo fang xin!”.

Nhớ ngày này năm xưa

Chỉ còn vài ngày nữa là tới 30 tháng 4!
Những ngày này cách đây 33 năm, cả nước theo dõi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với cuộc hành quân thần tốc của các binh đoàn chủ lực tấn công vào sào huyệt cuối cùng của kẻ địch. Tôi vừa qua tuổi 23. Học viên khoá 5 Quân sự vừa nhận đồ án. Chỉ còn 3 tháng nữa là tốt nghiệp, nhưng không đứa nào còn tâm trí làm đồ án. Giá được ra trận lần này!

Hình như mơ ước mà phù hợp với nguyện vọng chung thì sẽ thành hiện thực(!). Giữa tháng 4-1975, nhận được lệnh: Đặc cách tốt nghiệp cho khoá 5, tăng cường ngay cho vùng mới giải phóng. Thế là 119 học viên xếp bút sách, tạm biệt thầy cô, bạn bè, người yêu chuẩn bị lên đường.

Năm đó, các anh Kỉnh, Khôi, Hay cùng Lê Chí Hoà và tôi được giữ lại trường. Vinh dự hơn, bốn anh em có tên trong đoàn khảo sát, tiếp quản các trung tâm kĩ thuật viễn thông do Mỹ-ngụy để lại. Trưởng đoàn là anh Lê Khôi (Trưởng bộ môn Hữu tuyến), phó đoàn là anh Ngô Hai (Trưởng bộ môn Vô tuyến). Đoàn còn có các anh Hà Trọng Tuyên, Hoàng Thọ Nghiêu, Nguyễn Việt Hùng, Kiều Khắc Lâu, Trần Hữu Vị, Đào Đức Kính, Liên radar, Vượng “khuà”. Không có thời gian chuẩn bị, nhét vội vào ba-lô cuốn tự điển Anh-Việt bỏ túi, cuốn nhật ký và vở ghi chép về Thông tin đối lưu mới được giáo viên Bách khoa lên lớp.

Chiều 25-4, từ Vĩnh Yên, tôi được tạt về nhà chào mẹ, rồi ra ngay trạm 23 Phan Bội Châu lên xe xuống Binh trạm Phú Xuyên – bãi tập kết của các đơn vị. Cả đoàn được cấp một xe Zil-Khơ “mới coong” do đ/c Thắng điều khiển. Bãi xe có đến hàng ngàn xe tải, xe khách. Khắp nơi thấy xanh rì màu bộ đội. Các đoàn nhận xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho đợt hành quân tới Binh trạm Vinh. Gặp nhiều anh em cùng trường các khoá trước; cả anh Bảnh (anh trai Trần Lảnh) công tác ở Cty Xe khách, được bổ sung chạy xe ca chở bộ đội vào Nam.

Sớm 26-4, đúng 4 giờ, xuất phát. Tiết trời mát lạnh, không khí trong lành. Sớm chưa rõ mặt người, nhưng cả trăm xe bật pha sáng trưng, phóng ra quốc lộ 1A. Háo hức, hồ hởi… “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường...”!

Xe qua Ninh Bình, nhìn lên đỉnh Non Nước, nhớ lại nơi đây Anh hùng Giáp Văn Khương hồi 9 năm chỉ huy đơn vị tấn công cứ điểm này, khi hết đạn bị địch bao vây đã nhảy từ trên cao năm, sáu chục thước xuống sông thoát thân… Trên núi Hàm Rồng trước khi vào thị xã Thanh Hoá thấy có dòng chữ xếp bằng đá trắng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Những năm 60, vào tới Thanh Hoá, đến Sầm Sơn là “kịch”, nay thì cứ dọc quốc lộ 1A mà tiến. Đến giờ ăn, dừng xe, mỗi người mỗi việc, anh vào dân xin nước và củi đuốc, người vo gạo thổi cơm, ông nhặt rau, xào nấu. Thực phẩm chính là thịt hộp, ruốc. Những bữa ăn dã chiến đơn giản, nhưng ngon miệng. Vui, chuyện trò râm ran.

Vào đất Nghệ An thì khí hậu thay đổi. Nắng như thiêu như đốt, gió Lào thổi rát mặt. Dừng xe thấm ướt khăn mặt, vắt lên che mặt chưa được nửa tiếng đã khô cong. Chiến tranh kết thúc đã được 3 năm, nhưng những hố bom dọc đường hành quân vẫn còn tươi roí, những rừng thông xác xơ, chưa kịp nảy chồi… Sự huỷ diệt của chiến tranh là thế! Chiều tối đến Binh trạm Vinh. Trời về chiều, cái nóng đã nhường chỗ cho gió mát thổi vào từ biển Cửa Lò. Bữa cơm tối cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, thức ăn và cơm lẫn với cát, ai cũng trệu trạo nhai nhưng cố nuốt. Cái đất này nắng, gió và cát quá nhiều! Tối mắc võng đầu hè ngủ ngon lành.

Sáng 27-4, đi từ sớm. Chờ phà Bến Thuỷ hơn tiếng đồng hồ. Qua phà thấy xe cộ tấp nập vào Nam, trên mui xe nào cũng cắm cờ đỏ sao vàng hay cờ giải phóng. Có xe nào vượt lên thì cố mà xem có ai quen, rồi í ơí gọi nhau, hẹn gặp ở Huế, Đà Nẵng… Tôi gặp cả Linh “ngổ” k3 và Bá “de” k4 – cùng khu 38 Trần Phú, cùng là học viên Đại học quân sự – trên đường hành quân. Thật là vui! Quân ta đã giải phóng Xuân Lộc, Long Khánh. Khi đi trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chúng tôi gặp lại nhiều địa danh quen thuộc với những chiến công hiển hách: các bến phà Long Đại, Quán Hầu, Ròn, ngã ba Đồng Lộc, v.v... Dọc Quảng Bình, đường chạy sát biển, toàn cát là cát, những rặng phi lao như không sống nổi. Thật là khắc nghiệt! Thế mới thấy người dân vùng này quả “trung dũng, kiên cường, dám đứng mũi chịu sào” trong cuộc chiến tranh ác liệt này. Thị xã Hà Tĩnh, Đồng Hới đã được xây dựng lại sau chiến tranh, phố xá hình thành với mầu ngói mới. Các bạn Cuba giúp Quảng Bình xây dựng lại Bệnh viện đa khoa Đồng Hới…

Trưa 28-4, đoàn qua cầu Hiền Lương, vượt sông Bến Hải. Thật cảm động! Nhớ lại những thước phim “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm” đã được xem, mà cố hình dung ra Vĩ tuyến 17 ngày xưa. Năm 1974, cầu Hiền Lương được làm lại rộng hơn, sàn cầu lát gỗ, khung bằng sắt. Chiến tranh mới kết thúc được hai, ba năm, mà cảnh vật đã thay đổi nhiều. Riêng cột cờ Hiền Lương được dựng từ năm 1954 vẫn sừng sững đứng đó - vật chứng lịch sử chứng kiến bao đổi thay suốt 21 năm qua… Hít một hơi thật dài dồn nén xúc động trong lòng. Cái ngày mà hàng chục triệu dân Việt mong đợi hơn 20 năm qua đã đến! Và hàng triệu người đã hy sinh xương máu và sinh mạng cho cái giờ phút này!

Vút tầm mắt qua cánh đồng bờ Nam là Dốc Miếu trong mầu nâu xám xịt. Vượt qua Dốc Miếu òa ra trước mắt cả một vùng đất cao. Hố bom chi chít, cây cối trơ gốc, những nóc nhà dựng vội lợp mái tôn… Di sản chiến tranh còn để lại khắp nơi, xác xe tăng, xác pháo, xe tải nằm rải rác dọc đường. Qua sân bay Aí Tử tới thị trấn Đông Hà. Đường 1A tốt hơn, được đổ bê-tông cho tới thị xã Quảng Trị. Thành cổ, nơi có bốn thằng bạn cùng trường đã anh dũng hy sinh, hầu như đã bình địa… Đường từ Quảng Trị vào được trải asphalt, mỗi đoạn đều có bảng ghi “Đoạn đường từ… đến …, dài … km, do Đoàn công binh Mỹ kiến tạo”. Xe chạy êm ru, không hề bị xóc, có thể ghi chép thoải mái những gì quan sát được dọc đuờng.

Chiều tối 28-4 dừng chân ở Huế, ngay đầu cầu Bạch Hổ dành cho xe lửa (nay gọi là Dã Viên). Sông Hương chảy qua thành phố có 3 cái cầu bắc ngang, đó là Tràng Tiền, Phú Xuân và Bạch Hổ. Sông Hương phân đôi Huế thành 2 khu: Thành Nội ở phiá Bắc và Thành Ngoại ở phía Nam. Xuống sông Hương tắm, rồi nấu ăn ngay bên bờ. Đêm thay nhau gác. Suốt đêm, xe cộ ào ào chạy về Nam. Sau này, khi trở ra Bắc, nghỉ lại Huế 2 ngày mới hiều thế nào là “buồn Huế” – mùa mưa thì mưa liên miên “thối đất thối cát”; còn mùa khô thì giữa trưa, phố lặng như tờ…

Sáng 29-4-1975, nghe tin quân ta đã tiến sát tới Sài Gòn. Từ Huế, xe qua Quân trường Quang Trung – lúc bấy giờ là Binh trạm Huế – nhận xăng dầu, thực phẩm. Sau đó qua sân bay Phú Bài và tiếp tục xuôi về Đà Nẵng. Càng vào Nam mới càng thấy đất nước ta thật đẹp. Trong đầu cứ lởn vởn lời ca “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi, có bờ biển xanh xa tít chân trời ..”. Xa xa phá Tam Giang trong sương mờ. Qua thị trấn Phú Lộc một đoạn thì vịnh Lăng Cô bỗng òa ra trước mắt. Nước trong xanh, biển lặng sóng, những rặng dừa ven lộ, thấp thoáng những chiếc thuyền câu… Thật thơ mộng! Nghỉ chân ở Lăng Cô nấu cơm. Lần đầu tiên được ăn những con mực to như cái mũ cối. Cơm nước xong lên xe vào Đà Nẵng.

Xe ì ạch vượt đèo. Đèo Hải Vân dài hơn 20 km, đường rộng, nhưng “cua tay áo” liên tục. Đường sắt uốn lượn phiá dưới chân đèo. Lên đến đỉnh, anh Khôi cho cả đoàn nghỉ chân ngắm trời biển, hít thở không khí trong lành. Từ đây thấy dãy Trường Sơn sừng sững từ phiá tây kéo ra tận sát biển, chếch tay trái là bán đảo Sơn Trà. Và kia là Đà Nẵng – một căn cứ quân sự khổng lồ kéo dài suốt từ chân đèo, dường như được lợp một lớp tôn công nghiệp xám xịt. Không hề thấy mầu xanh. Đổ đèo, qua kho xăng Liên Chiểu. Tới Đà Nẵng vòng vèo liên hệ với “tiền trạm” của Bộ Tư lệnh thông tin và Viện Kỹ thuật biết cánh k3: Trung Việt, Hoàng Sơn, Hữu Dũng, Dương Thanh… cũng đã vào tiếp quản.

Quãng 1 giờ trưa 30-4-1975, dừng xe ngay cổng sân bay Đà Nẵng. Mở radio bắt sóng Đài Giải phóng, khi nghe phát thanh viên trịnh trọng thông báo: “Đây là tiếng nói của Ủy ban Cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Chúng tôi yêu cầu tất cả đồng bào, anh chị em công nhân, nhất là anh chị em nhân viên các nhà đèn, nhà nước và tất cả sinh viên, học sinh tụ họp lại chờ những điều động của Ủy ban Nhân dân cách mạng… Chúng tôi xin long trọng tuyến bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn!” thì cả xe ôm nhau hét lên: “Sài Gòn giải phóng rồi! Giải phóng rồi!”. Dân chúng tràn ra phố, từng đoàn người, đoàn xe với cờ và khẩu hiệu tiến về trung tâm. Cả Đà Nẵng trong một rừng cờ. Sung sướng nhất đoàn có lẽ là anh Ngô Hai và anh Kỉnh vì cả hai đều có gia đình đang sống ở Sài Gòn và Bến Tre.

Có vui nào vui hơn! Tôi nhớ ngay tới mẹ và gia đình cùng anh em bạn bè, người thân (hình như có cả người yêu!!!). Giá lúc này có họ ở bên cạnh để cùng san sẻ niềm vui này!

NGÀY 1/5/1975 CỦA TÔI

7 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi ểu oải nằm dài trên giường chưa muốn dậy, đầu vẫn còn nhức như búa bổ bởi cơn say tối hôm trước. Ngày Quốc tế lao động là ngày lễ được nghỉ học, nên tối 30, CLB Sinh viên thường “tranh thủ” tổ chức Disco vì đây là tối mà tất cả sinh viên của trường đều có mặt ở Ký túc xá, không về nhà để chuẩn bị dự lễ vào ngày hôm sau.

Ngoài hành lang, tụi cùng lớp la lối, đùa giỡn, đập cửa phòng tôi ầm ầm. Cửa xịch mở, mấy thằng trong lớp nhào vô “Hà Chí dậy đi !” - “Làm gì mà ồn ào quá vậy ? 9 giờ mới miting mà” Tôi lầm bầm chửi thề. “Sài Gòn của mày giải phóng rồi mà còn nằm đấy hả” - “Xạo vừa thôi mày!” 1 thằng lao lại mở radio trên bàn tôi. Chương trình thời sự buổi sáng của DDR – Rundfunk (Đài phát thanh CHDC Đức) đang ra rả nói trong tiếng nhạc đệm của bài “Giải phóng miền Nam” – “Ủa, cái gì kỳ vậy ?” Tôi nhổm lên lắng nghe – “Hôm qua, ngày 30 tháng 4, vào lúc 11 giờ 30 phút giờ Hà Nội, Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã….” – “Ah !!!” Tôi bật dậy ôm chầm lấy mấy thằng bạn Đức la lên bằng tiếng Việt “Thắng rồi ! Thắng rồi !” Ngay lúc đó không biết từ đâu mấy thằng Việt Nam cùng trường cũng đã xuất hiện trước cửa phòng tôi và cùng la lên theo “Ah…Thắng rồi ! Thắng rồi !” Tụi Đức ngớ ra, nhưng rồi lập tức hiểu ngay và cùng la theo “Sieg ! Sieg !” (Chiến thắng ! Chiến thắng !)

Tôi vội vã làm vệ sinh cá nhân với tốc độ nhanh nhất và rồi lao ra khòi phòng cùng mấy đứa Việt Nam chạy dọc hành lang Ký Túc Xá la nhoi “Ah…Thắng rồi ! Thắng rồi !” Tụi Đức thấy vui quá cũng chạy theo la “Sieg ! Sieg ! Việt Nam ! Việt Nam !” Chúng tôi như những thằng điên la um xùm, thấy ai cũng ôm hôn mừng rỡ (đặc biệt là mấy em nhỏ bên khoa Kinh tế).

Sáng hôm đó, trong đoàn tuần hành qua quảng trường thành phố, tất cả tụi Việt Nam đều được bố trí đứng ngay hàng đầu và cầm cờ (trong đội cầm cờ đỏ cờ đi đầu). Báo hại gió thổi cờ nặng muốn chết. Ở tất cả các đoàn tuần hành của các trường, các cơ quan, xí nghiệp….đều có biểu ngữ đại loại như : Việt Nam hoàn toàn giải phóng ! Việt Nam chiến thắng ! …. Và khi tụi tôi đi ngang qua khán đài thì thấy mọi người la lên :Việt Nam Hồ Chí Minh ! Việt Nam Hồ Chí Minh !....

Sài Gòn giải phóng ! Thật là 1 cảm giác nôn nao khó tả. Suốt cuộc đời mình từ nhỏ tới giờ luôn luôn mang 1 ý niệm trong tâm trí : đất nước bị chia cắt, chiến tranh tồn tại ở cả 2 miền. Chiến đấu giải phóng miền Nam ! Giải phóng miền Nam ! Dẫu luôn hy vọng và biết chắc rằng đến 1 ngày nào đó Sài Gòn sẽ được giải phóng, chiến tranh sẽ kết thúc, nhưng khi nó đến thì thật là không thể tưởng tượng nổi. Bất ngờ và cũng không bất ngờ. Hồi bấy giờ, thông tin không được mau lẹ và đầy đủ như bây giờ, tuy tụi tôi vẫn thường xuyên nghe tin chiến thắng ở miền Nam, nhưng cũng như suốt 30 năm nay mình vẫn nghe vậy không hể có cảm giác gì với chiến thắng đã gần kề, không hề được sống trong không khí sôi động của những ngày cuối cuộc chiến như các AE trong quân ngũ hay ở quê nhà. Bỗng dưng tin vui đột ngột ập tới, mà là tin vui quá lớn, ngoài sự chuẩn bị của mình. Ngợp thở ! Ngợp vì quá vui. Có lẽ đó là cảm giác chính xác nhất của tụi tôi, những thằng sinh viên đang học ở nước ngoài trong thời gian này.

Những ngày tiếp sau đó những ngày lâng lâng và bâng khuâng của tất cả. Lâng lâng vì niềm vui quá lớn. Bâng khuâng vì muốn bay ngay về Nam, nhưng phải làm gì đây ? Học chưa xong mà ! Nói chung với tâm lý “bao cấp”, hầu hết đều chỉ dừng lại ở việc trao đổi, bàn luận rồi đều phải quay về với thực tế : Tiếp tục “cày” đi con ! Nhưng không phải tất cả. 2 người bạn Trỗi lúc bấy giờ cũng đang học ở CHDC Đức như tôi đã quyết định. Tụi nó lập tức lên xin “Sứ” (Đại sứ quán VN) cho về Nam. Tất nhiên là bị từ chối. Một hành động kiên quyết đã được tụi nó thực hiện mà bất cứ ai cũng đều biết, tây cũng như ta, sinh viên lẫn giáo sư, kể cả “Sứ”. Đó là hành động bỏ không làm bài thi cuối năm, nạp giấy trắng để nhà trường bắt buộc phải nói lời từ biệt và kèm theo đó là “Sứ” gửi về nước. Tụi nó đã quyết toại nguyện bằng mọi giá. Xin nói thêm : 2 người bạn này đã lập tức về thẳng Sài Gòn và sau nhiều việc phải giải quyết, tụi nó đã tiếp tục đi học. Cho đến nay đều thành công ở mức độ khác nhau trong sự nghiệp. 1 quyết định không sai, nhưng có lẽ không phải là tối ưu (theo tôi).

Như vậy đó, niềm vui Đại thắng của dân tộc đã đến với tôi, 1 thằng sinh viên đang du học cách Sài Gòn ¼ trái đất chắc chắn hoàn toàn khác với các bạn. Tuy không được hưởng bầu không khí hân hoan của toàn thể dân mình, nhưng nó vẫn mang cho riêng tôi dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời.

Chủ Nhật, tháng 4 27, 2008

"Đã đời"

Anh em ta đã ai được cười "đã" như thế này chưa? Đúng là một liều "thuốc bổ"......







Khi đã ngấm "thuốc "










....Và còn đây nữa!!!








Photo: Đỗ Nghĩa

Sách hay nhớ lâu

Tạ Quang Vinh(V.) là một truyền nhân của người ham đọc sách nổi tiếng nhất của VN. Vì thế, theo tôi, thái độ của V. đối với sách vở rất đặc biệt. Hồi còn ở bên này, V. sống cách tôi 500 km, nên chủ yếu là chúng tôi gặp nhau online. Một hôm , V gọi điện cho tôi và nói:
- Mình vừa đọc xong một quyến sách đã cũ, tác giả cũng đã qua đời nhưng mình cảm thấy như ông ấy hiện về trước mặt mình và cất lên những lời viết ở trong ấy!
Tôi nhớ đến cảnh cậu bé Aliosa (Maxim Gorki) đã giơ cuốn sách lên hướng mặt trời để tìm xem trong những tờ giấy toàn chữ ấy có cái gì ở bên trong mà hấp dẫn và lôi cuốn cậu ta đến thế?...
Có lẽ tuy qua điện thoại nhưng V. cũng cảm nhận được hết nỗi ham muốn của tôi, và chủ yếu có lẽ là nể tình lính Trỗi nên hai ngày sau, qua bưu điện, tôi nhận được được „Hồi ký“ của Đặng Thai Mai, nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1985.
Quyển sách đã ố vàng, các bức ảnh hầu như không nhìn thấy rõ nữa, chất lượng giấy in hồi đó phải nói là rất tệ : chỉ cần mạnh tay một tý là rách ngay ! Vì thế tôi chỉ có thể đọc nó vào ban đêm , khi mọi việc đã xong xuôi và quyển sách được đặt ở trên bàn. Tôi rất muốn biết thời ấy-thời của tác giả- người ta đã sống như thế nào ? Tác giả là người Nghệ An nên cách ông viết rất chân thành, không màu mè và có nhiều đoạn cực kỳ nhiều cảm xúc. Tôi đã đọc lại rất nhiều lần đoạn ông tả lại phiên tòa đại hình xử cụ Phan Bội Châu mà ông được trực tiếp tham dự. Theo ông thì :“lời tự bào chữa của cụ Phan không hề có tý gì gọi là muốn tránh né trách nhiệm sợ hình phạt“, ngược lại cụ kiên quyết lên án chế độ thực dân và cuối cùng thì cụ Phan đã „đứng dậy cúi chào hai nhà luật gia Pháp và họ cũng đã kính cẩn chào lại“(những người đã bào chữa cho cụ). Chính quyền thực dân đã không thể kết án tử hình cụ.



Năm 1979, tôi được điều động về công tác ở sân bay Đà nẵng. Đối với đời lính tráng thì đây là một dịp may hiếm có với tôi. Chỉ cần vượt qua đèo Hải Vân sang bên kia là đến Huế , quê ngoại của tôi. Sau nhiều lần trình bày „đứt lưỡi“ thì cuối cùng ông trung đoàn trưởng cũng cho tôi về thăm quê. Và đấy cũng là lần duy nhất tôi về quê ngoại cho đến tận bây giờ. Ngôi nhà của gia đình tôi nay đã thuộc về người khác (mà tôi cũng không biết ở đâu). Lang thang một hồi, tôi quyết định đến thăm mộ cụ Phan. Mộ cụ nằm trong khuôn viên nhà cụ, phía dưới chân mộ là mộ của mấy con chó cụ nuôi, mộ con nào cũng có văn bia do cụ viết. Các anh chị lớn của tôi hồi còn nhỏ đều đã được theo gia đình đến thăm cụ Phan , chắc là cũng ở tại nơi đây? Trong ngôi nhà tưởng niệm có bày rất nhiều tác phẩm của cụ và viết về cụ. Lật qua vài trang sách bày , tôi đọc được những dòng cụ viết:-„Đời tôi trăm thất bại không một thành công. Tội tôi là tội chết , may mà đồng bào tha, cho sống . Và vì quá vội tôi cũng không biết câu ấy cụ viết ở sách nào?



Gần đây khi xem VTV4 , tôi thấy giáo sư Nguyễn Đình Chú nói câu ấy cụ viết trong „Phan Bội Châu niên biểu“. Theo giáo sư thì đây là một tập hồi ký đứng vào hàng đặc biệt không có tập hồi ký nào sánh được . Trong ấy cụ đã liên tục phủ định mình, hoàn toàn không có ý định đề cao bản thân .




Vậy là tôi đã phần nào hiểu ra thêm tại sao thế hệ của tác giả „Hồi ký“ lại khâm phục cụ Phan đến thế. Khi bị xử ở tòa đại hình thì cụ đã 60 tuổi . Cụ đã mang hầu hết cả cuộc đời mình ra để tự nguyện làm một cánh buồm . Nhưng tiếc thay ngọn gió thời thế đã không thổi vào cánh buồm ấy, khiến cho con thuyền khát vọng đã không đến được bến bờ . Trên con thuyền ấy chỉ chở khát vọng của cả một dân tộc đang bị áp bức chứ không chở bất cứ một thứ gì của riêng cụ . Tuy vậy trước dân cụ vẫn nhận tội chết. Tội ấy trước tòa đại hình của thực dân Pháp cụ đã dứt khoát khước từ . Khước từ không phải vì sợ hãi.
Bây giờ đây khi nghĩ đến những lời gan ruột của cụ Phan tôi lại có cảm giác bàng hoàng như trước mắt tôi hiện ra một tảng núi sừng sững mà người đức mỏng như tôi không bao giờ có hy vọng được nhìn thấy đỉnh. Trên đỉnh núi ấy có lẽ là những khối tâm sự lớn lao mà cụ muốn gửi „chim ngàn , cá bể“?
Nhưng đồng thời cũng khi nghĩ đến những lời gan ruột ấy tôi lại cảm thấy trong lòng dâng lên lòng tự hào vô bờ bến được làm đồng bào của cụ.

Nếu tôi là bộ trưởng bộ GTVT

Phải thú thật rằng, không phải là thường xuyên , nhưng thỉnh thoảng , và nhất là khi về già tôi cũng có lúc thích địa vị . Nghe nói bây giờ địa vị , chức vụ cũng có thể mua . Một trăm triệu ? với tôi , một số tiền quá lớn ! Tuy nhiên cũng có thể có được số tiền này bằng cách „huy động“, „ kêu gọi đầu tư“. Nhưng với từng ấy tiền thì cũng chỉ mua được một chức vụ cấp tỉnh . Từng này tuổi mà còn làm cán bộ tỉnh quèn , mà lại còn tuốt tận Cà Mau , thì thử hỏi đến bao giờ mới lên được „trung ương“?. Hơn nữa lúc ấy còn có ai tin nữa không mà „huy động „ tiếp ? Như vậy cách mua chức rõ ràng là không khả thi.
Tôi chỉ còn một cách để thỏa lòng thèm khát danh vọng của mình bằng trí tưởng tượng và hiện thực nó đến mức tối đa bằng chữ „nếu“. Và vì là tưởng tượng nên tôi đã quá chán ngán với cấp Vụ. Thứ trưởng thì xin lỗi nhé, tôi đã „kinh qua“ quá lâu . Hiện thực buồn bã của tôi thì ngày nào cũng phải lái xe , nghĩa là tham gia giao thông một cách tích cực. Vậy thì hôm nay hãy bắt đầu với cương vị tôi là bộ trưởng bộ GTVT (tất nhiên là với chữ „nếu“-trong trường hợp này thật đáng buồn.)
Những giây phút đầu khi làm bộ trưởng tôi phải xác định rõ rằng làm bộ trưởng thì lương không được là bao nhiêu . Với „chức vụ“ hiện nay , tích cực thêm một tý , ít đọc blog đi một tý thì tiền kiếm được cũng không thua lương bộ trưởng là bao nhiêu ! Nhưng đảm bảo giao thông cho cả nước , giữ cho huyết mạch của nền kinh tế nước nhà , nhân dân cả nước giao cho trọng trách… Thử hỏi cái đó không quý hơn tiền sao?
Nhưng những việc như thế không nên nghĩ đến quá nhiều vì bây giờ tôi có rất nhiều việc phải làm và vì thế có rất ít thời gian .
Ít thời gian quá nên tôi sẽ kiên quyết không bỏ thời gian ra để tiếp tội phạm . Dù cho rằng tội phạm ấy tên là Nguyễn Việt Tiến . Phải nói rằng tuy là bộ trưởng nhưng tôi lại rất ghét những thằng cha ăn mặc chải chuốt! (Cái này chắc là anh em trong Bộ sẽ góp ý dữ lắm đây). Nhưng không tiếp là không tiếp , chẳng ai ép được tôi cả . Chức này là dân bầu chứ có phải tôi mua đâu? Tôi tin rằng dân sẽ ủng hộ tôi ! Từ bây giờ thời gian của tôi thuộc về họ . Tôi không thể dùng thời gian của họ vào những việc vô nghĩa. Hãy luôn nhớ nhé, họ mới chính là ông chủ ! Nếu tôi quên điều này , dù chỉ một giây thôi , thì chính vào giây phút đó , thất bại sẽ được nảy mầm .
Tôi rất cần các trợ thủ . Nhưng nếu là đức mỏng như tôi thì xung quanh tôi sẽ chỉ là những thầy dùi , bọn này luôn coi lương tháng cao hơn lương tâm . Ý kiến tham mưu của bọn này thật ra chỉ xuất phát từ những toan tính . Bọn này bây giờ thì đầy ra đấy chứ chẳng phải chỉ riêng bộ tôi mới có . Hãy nhìn bộ tài chính mà xem ! Võ Hùng vừa liệt kê ra cho tôi các lý do để tăng, giảm thuê nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong những thời gian ngắn kỷ lục. Đúng là các lý do ấy thóa mạ lấn nhau ! Đấy không phải là bọn thầy dùi làm ra thì là ai ?
Chỉ mới làm bộ trưởng có mấy phút mà tôi đã toát mồ hôi . Đúng là nói thì dễ , làm thì thật là khó ! Cảnh ùn tắc giao thông xảy ra khắp mọi nơi . Chẳng phải đi đâu xa , cảnh ùn tắc xảy ra ngay ở nơi cổng bộ . Thậm chí chỉ cần đứng ở cửa sổ phòng làm việc của tôi cũng có thể nhìn thấy. Bạn tôi , Văn Tuyết Mai , mỗi lần thăm cháu nội thay vì chỉ mất 10 phút thì mất những 2 giờ đồng hồ nếu trời mưa . Là bộ trưởng chẳng lẽ tôi có thể làm cho không mưa nữa?
Và còn nhiều , rất nhiều việc nữa . Tôi không biết bắt đầu từ đâu và làm gì ? Chẳng lẽ cứ chống chế một cách ngớ ngẩn trước quốc hội mãi? Dân họ có ngu đâu !.
Trước khi làm bộ trưởng tôi đã chuẩn bị nhiều thứ : các“ quan hệ“ , các“ liên minh“…Nhưng có một thứ tôi quên mất không mang theo khi nhậm chức . Đấy là chí khí. Phải rồi , chỉ cần một tý chút chí khí thôi thì tôi sẽ nhận ra ngay là tôi không thể đảm đương được chức vụ này. Có chút chí khí thì tôi sẽ từ bỏ ngay chức vụ bộ trưởng để quay trở về bán rau. Vì không có chí khí nên tôi đứng về phía số đông của xã hội ta : thà tôn vinh một bộ trưởng vô dụng , làm hại đến triệu người còn hơn là tôn trọng một người bán rau lương thiện mà nếu có hơi ngu một tý thì cũng chỉ hại đến vợ con. Cứ xem cách mà họ đối xử với những người bán rong thì rõ.
Không ! Tôi đã quyết định rồi. Tôi sẽ còn làm bộ trưởng . Thực ra , sự nghiệp giao thông vận tải là sự nghiệp của toàn dân chứ có phải của riêng tôi đâu (và ngành nào chẳng thế). Những người như tôi xã hội sẽ còn chấp nhận . Chẳng việc gì phải xấu hổ cả . Tôi đã quyết định rồi. Tôi sẽ làm đến khi về hưu.

Tấm lòng Bồ tát




Christian không thể đi , không thể vuốt ve ai và nếu có ngứa mũi thì cậu cũng không thể nào tự gãi được . Cách đây 26 năm , khi sinh ra , cậu ta đã không có tay lẫn chân . Thế mà chàng trai này chẳng có một chút nào hoang mang trước số phận khắc nghiệt ấy. Cậu học đại học , có vô số bạn bè , thỉnh thoảng lại mang mình ra đùa cợt , và trong trái tim thì đầy tràn những ước mơ. Một người bạn thân của cậu đã nhận xét :- Cậu ấy lúc nào cũng đầy năng lượng .
Có lẽ cứ mối lần vượt qua mỗi khó khăn lại làm cậu ấy cứng rắn lên . Khó khăn , khắc nghiệt của đời cậu thì chồng chất . Mà khắc nghiệt đầu tiên là từ khi mới lọt lòng ra bố mẹ đẻ cậu đã từ chối cậu.
Bà Gisela năm nay 74 tuổi . Bà nhận Christian làm con nuôi khi cậu mới 10 tháng tuổi. Từ đấy bà là tay , là chân , là các cử động của cậu . Hai mươi sáu năm nay bà và Christian nằm ngủ trên cùng 1 giường . Bà lo giữa đêm khuya nếu có chuyện gì thì trở tay không kịp . Cũng từng ấy thời gian bà tự tay đánh răng , rửa mặt , tắm rửa và bế cậu đi toalet . Cơ thể 19 cân của cậu cúng rất đặc biệt , cứ ra mồ hôi suốt ngày vì thế mỗi ngày bà Gisela phaỉ thay quần aó cho cậu đên 10 lần .
Christian chẳng ngại những cái nhìn tò mò ở ngoài đường , „tôi cứ phớt lờ , chẳng ngại gì cả , chủ động làm quen và cuối cùng thì lại đùa cợt với họ „ Cậu còn nói :- chẳng có gì người khác làm mà tôi lại không làm được . Cậu là fan của đội Hansa Rostok , chơi Keyboard và muốn đến một lúc nào đó sẽ được biểu diễn . Bằng một cái đũa ngậm ở mồm cậu viết thư bằng máy tính cho bạn bè …Cậu mong ước rồi đây sẽ hành nghề độc lập , tự kiếm được tiền. „Tôi ao ước có một gia đình hạnh phúc „ và cậu cười „Chẳng ai biết được rồi cái gì sẽ tới ?“.
Cậu còn nói :- Tôi thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại này . Nếu có tay , có chân thì tôi biết làm gì với chúng ?
Nhìn ảnh cậu thấy rõ đấy là một người hạnh phúc .
Bà Gisela nói :- Chưa có một giây nào tôi ân hận vì đã nhận Christian làm con nuôi . Nó là một chàng trai tuyệt vời.
Bà Gisela là người Đức , 74 tuổi , tôi không biết bà theo tôn giáo nào ? . Nhưng quốc tịch , tuổi tác , tín ngưỡng… có ý nghĩa gì không khi tôi muốn nói rằng đấy là một bà cụ có tấm lòng Bồ tát ? .

Thứ Bảy, tháng 4 26, 2008

Cùng suy ngẫm với ... Lê Nin

Chả hiểu sao trong buổi giao ban "hưởng lạc" hôm nay lão Hợp lại lôi bài báo đăng chuyên mục Cùng Suy Ngẫm cuả Tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 11/2007 do tôi viết ra "khoe" và đề nghị cho lên trang tin Bạn Trỗi để anh em "dọn vườn".

Anh em tò mò muốn biết nó ra sao, trong khi thực lòng tôi không muốn đưa nó ra. Vì nó triết lí lẩn thẩn, sợ là không thích hợp với không khí văn-vui-hoài cổ đã định. Với lại hình như tôi đã có đăng lên đây rồi. Chứ không phải là vì ngại có hơi hướng chính trị. Bài đã đăng báo giấy phát hành toàn quốc thì bây giờ có ngại gì đâu.

Việc đã gợi ra, tôi xuất bản thêm một lần nữa ở dưới đây vậy.

Nếu bây giờ có gì gần gũi với bài viết đã cũ này thì đó chính là ngày sinh Lê Nin, bởi bài viết là dành cho ngày kỉ niệm CM tháng 10 Nga.


CHỢT NHẬN RA ...

Ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (CMTM), viết gì cho tin học suy ngẫm.

Chợt nhận ra rằng CMTM tuy là vĩ đại với đời người nhưng cũng không là vĩnh viễn với lịch sử. Sau 74 năm tồn tại nó đã lụi tàn, không bằng một phần thời gian của một vài triều đại phong kiến Việt Nam, chưa nói gì tới những triều đại lớn trên thế giới.
"Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" (Trịnh Công Sơn). Đừng tuyệt vọng vì sự nghiệp của CMTM sụp đổ. Thời gian còn dài, sẽ còn những cuộc "CMTM" khác.

Chợt nhận ra rằng CMTM cũng chỉ là một biểu hiện đầu tiên, và đáng kể nhất, của học thuyết về việc đấu tranh có tính cách mạng giữa các giai cấp. Mà khởi động cuộc đấu tranh đó là giai cấp vô sản tự cho mình là tiến bộ hơn nhờ hấp thụ lý thuyết được sáng tạo bởi những người thầy trí thức hữu sản.
Liệu có phải nghịch lí của cách mạng vô sản khi khai sáng nó lại là Mác và Ăng-ghen, những trí thức hữu sản?

Chợt nhận ra rằng những người thầy đó đã phân tích cụ thể những điều kiện cụ thể sự phát triển của xã hội loài người trong suốt lịch sử lâu dài để nói rằng xã hội loài người phát triển theo sự phát triển của các phương thức sản xuất tiến bộ hơn.
Phân tích cụ thể những điều kiện cụ thể là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác. Nếu thực sự là học trò của Mác thì đừng trích dẫn Mác như những kẻ giáo điều mà hãy học Mác nhận thức thế giới đã đổi thay.

Chợt nhận ra rằng những người thầy khi đó chỉ mới thấy được các cuộc cách mạng về cơ khí và năng lượng nối dài cơ bắp và khuếch trương sức mạnh sinh học của con người. Các cuộc cách mạng này dù mới bắt đầu nhưng cũng đã cho thấy sức mạnh vô cùng to lớn như những tiên đề đảm bảo cho sự đúng đắn của lí thuyết được sáng tạo ra.
Thời gian trôi ngày càng xa thì những "tín điều" Mác nói ngày càng lạc hậu. Chỉ có phương pháp luận Mác là còn có giá trị.

Chợt nhận ra rằng cách mạng vô sản tạm thời thành công đã được duy trì bằng học thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa. Học thuyết này đến nay đã tỏ ra không tưởng bởi sự phủ nhận thị trường và nền sản xuất hàng hoá trong lòng nó.
Cách mạng XHCN thành công, người ta đã xây dựng XHCN bằng học thuyết kinh tế không có bóc lột. Nền kinh tế không có bóc lột chỉ có thể có nếu không có giá trị thặng dư được định đoạt thông qua vòng quay của hàng hoá. XHCN được xây dựng trên nền kinh tế mà "hàng hoá đã không còn là hàng hoá, đang không còn là hàng hoá và sẽ không còn là hàng hoá". Mỗi lao động thực hiện sẽ đáp ứng cho một nhu cầu có địa chỉ và mỗi nhu cầu xuất hiện sẽ được đáp ứng bằng một lượng lao động tương ứng.

Chợt nhận ra rằng xã hội loài người đang bước vào một cuộc cách mạng mới về năng lực trí não và ký ức. Đó là cách mạng tin học, nó làm sâu sắc thêm, mở ra giới hạn mới cho các cách mạng công nghệ trước. Nó không những góp phần làm cho thế giới nhỏ bé lại hơn nữa mà còn làm cho thế giới trở nên không rào cản về không gian và thời gian xét theo nghĩa thông tin.
Cách mạng cơ khí và năng lượng mới chỉ giải phóng được con người về vật chất. Cách mạng tin học mới thực sự giải phóng nốt phần còn lại của con người, đó là trí não và kí ức.

Chợt nhận ra rằng với cách mạng tin học dường như xã hội loài người đã có điều kiện cần để thực hiện một nền kinh tế không cần tới thị trường và hàng hoá.
Chỉ có tin học có thể giúp nối liền vòng biện chứng "sản xuất quy định tiêu dùng, tiêu dùng tạo ra sản xuất trong ý niệm" mà không cần thông qua hình thức hàng hoá. Tin học là điều kiện đủ để thực hiện học thuyết kinh tế không hàng hoá của CNXH. Chủ nghĩa hậu Lê Nin đã nhầm khi cho rằng lực lượng sản xuất Xô Viết đã đủ để thực hiện quan hệ sản xuất XHCN. Quan hệ SX XHCN đi trước nền tảng của nó 90 năm, duy trì được tới hơn 70 năm mới sụp đổ là ... quá giỏi.

Chợt nhận ra rằng lí thuyết của những người thầy vẫn tạm thời là vĩnh viễn, bởi cho tới giờ cách mạng tin học và những hệ quả mới nhất của nó vẫn chưa chứng tỏ rằng lí thuyết lạc hậu.
Tất cả những điều làm thất bại trước đây đột nhiên trở nên khả thi nếu chính quyền còn trong tay giai cấp vô sản và đi theo triết lí của CNXH. Nhờ có cách mạng công nghệ tin học.

Chợt nhận ra rằng thế giới đang rất mong manh bởi sức mạnh của xã hội loài người đã quá lớn so với tự nhiên; Và rằng tiến hoá sinh học chưa cho con người xã hội vượt ra khỏi tập tính bản năng để sống bằng lí trí; Và rằng mỗi thứ đạo đều chứa trong nó những triết lí đấu tranh giữa bản năng và lí trí.
Khi điều kiện cần và đủ để thực hiện CNXH thì thế giới lại chứng kiến điều trái lại, thế giới đơn cực của chủ nghĩa bản năng. Phải chăng con người chưa đủ tiến hoá sinh học để sống theo lí trí mà vẫn phải đối phó với những cuộc, ngày càng tàn bạo, chinh phục kinh tế và thậm chí những cuộc chiến phi đạo lí để tiêu thụ các loại hàng hoá, thậm chí đấy là vũ khí giết người. Chủ nghĩa tiêu dùng được đề cao như một nghịch lí trước nhận thức thế giới đã vô cùng nhỏ bé trước tác động huỷ hoại môi sinh không đường thoát tới diệt vong tự huỷ.

Bởi thế sự lụi tàn của CMTM, mà trực tiếp là học thuyết kinh tế XHCN, cũng chỉ là thêm một lần thất bại của lí trí trước bản năng trong sự phát triển của xã hội con người. Và đó là biểu hiện của một thứ đạo mới đã hình thành và sẽ còn tiếp tục dẫn dắt xã hội loài người trong tiến trình tới tương lai./.
Mọi tôn giáo, dù là yếm thế như Phật giáo hay bị chủ nghĩa đơn cực nước lớn cho là khủng bố cuồng loạn như đạo Hồi, đều chứa trong lòng nó cái mầm nhân văn. Nếu coi lí tưởng XHCN như một thứ đạo, thì đó là thứ đạo mới nhất và đáng theo nhất. Cũng phải coi nó là đạo để có thể sống với nó, nuôi dưỡng nó, hi sinh vì nó mà không cần có "đời" là những tổ chức nhất thời như Quốc tế Cộng sản chẳng hạn.

Thứ Sáu, tháng 4 25, 2008

NỖI ĐAU VÀ HỆ LUY CỦA CHIẾN TRANH

Đào Duy

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hệ lụy của nó thì vẫn cứ dai dẳng đeo bám theo mỗi phận người. Tôi vẫn nhớ trước chiến tranh khi còn bé, tôi đã đọc cuốn chuyện mà chị tôi mượn được từ một người bạn, cuốn tiểu thuyết “trước giờ nổ súng” của Phù Thăng không biết trí nhớ non nớt của tôi hồi đó có chính xác không. Cuốn chuyện cảm động về chiến tranh về những người lính. Phần cuối cuốn tiểu thuyết ông lý giải về chiến tranh chỉ một đôi dòng thế là bỗng chốc một tác phẩm văn học rất hay của ông gặp tai họa. Âm thầm lặng lẽ xách ba lô quay trở về nơi mà mấy chục năm trước ông đã chia tay vợ con chia tay người thân đi kháng chiến và cầm bút, cũng từ khi đó cho tới lúc giã từ cõi đời chả ai còn đoái hoài, chả ai còn biết tới ông nữa. Ai đã đọc câu truyện “hạt thóc” trong “Chân dung và đối thoại” của Trần đăng Khoa không thể không cầm được nước mắt về nhà văn chiến sỹ tài năng này, một hệ lụy xót xa.
Gia đình bố mẹ vợ tôi trước năm 1980 ở thị xã Hải Dương. Thị xã Hải Dương là một thị xã đẹp và nên thơ. Thị xã có những khu phố cổ, những con đường nhỏ với những hàng bàng xanh ngắt, giữa trưa hè ta có thể đi tản bộ mà không cần phải đội nón mũ. Tôi chưa thấy một thị xã nào phía bắc lại có nhiều sông hồ như thị xã Hải Dương, sông ngòi len lỏi vào giữa phố thị. Mẹ vợ tôi cùng bác và các cô đều sinh ra và lớn lên ở đây. Lịch sử của thành phố này từ đầu thế kỷ cho tới nay mẹ vợ tôi có thể kể tường tận. Ông ngoại vợ thời Pháp mở một xưởng lớn chuyên về sơn mài và làm đồ thờ cúng sơn son thếp vàng cung cấp cho hầu hết các địa phương xứ Đông. Chị cả mẹ vợ một thời là hoa hậu của Hải Dương, sau này Bác lấy chồng, bác trai làm thầu khoán gia đình giàu có. Bố vợ tôi tốt nghiệp Thăng Long, khi còn đèn sách ông trọ học cùng Tô Ngọc Vân trong một căn gác nhỏ nơi ngõ chợ Khâm Thiên và được ông này truyền nghề vẽ cho và với nghề tay trái này mấy chục năm sau gia đình vợ tôi sống nhờ vào nó. Thời Pháp bố vợ tôi làm nhiều nghề có thời gian phụ trách kiểm bài cho tờ Phong hóa, tiếng Tây của ông làu làu như tiếng ta. Năm 1952- 1954 ông là quản lý của khách sạn Palace trên Đà Lạt. Khi hiệp định Giơnevơ ký kết trước tình hình thời cuộc biến đổi ông chủ khách sạn Palace vì quý bố vợ tôi ông ấy khuyên bố vợ tôi nên đưa gia đình vào Đà Lạt và cùng với gia đình ông qua Pháp. Ông đã đặt mua vé máy bay khứ hồi cho cả nhà. Nhưng khi bố vợ tôi trở lại miền Bắc ông bà nội của vợ tôi nhất quyết không chịu đi vì tiếc của thế là gia đình vợ tôi đành theo ông bà ở lại.
Năm 1954 gia đình li tán phần lớn họ tộc bên vợ tôi lên tàu vào nam, vì gia đình có người chú phụ trách cơ quan di cư Bắc kỳ. Chỉ có riêng gia đình vợ tôi ở lại và cũng từ đó hệ lụy của chiến tranh, phân ly và chủ nghĩa lý lịch ám ảnh đeo bám gia đình vợ tôi cho đến cả hàng chục năm sau giải phóng.
Tôi có người em vợ, em vợ tôi tên là Hương. Năm 1978 Hương thi hết lớp 10 trong khi chờ kết quả thi đại học vì có ngoại hình và giọng đọc tốt nên được sở thông tin văn hóa Hải Dương trưng dụng đi Côn Sơn - Chí linh thuyết minh giới thiệu cho du khách về khu du lịch, lịch sử nổi tiếng này trong ba tháng hè. Thời cấp ba Hương có một người bạn trai rất thân, bạn trai Hương tên Chinh. Nhà Chinh ở ngoại ô thị xã, Chinh cao lớn trắng trẻo nhưng hiền và nhút nhát. Vợ tôi hồi đó đang học đại học ở Hà Nội khi về nhà biết chuyện thường “ngăn cấm”. Chinh rất ngại “đụng độ” với vợ tôi.
Một buổi chiều tháng tám vừa thuyết minh trở về nhà nghỉ Hương nghe mọi người báo có khách, chẳng biết ai. Khi xuống dưới chân đồi thì ra là Chinh, Chinh đang ngồi dựa lưng vào gốc cây thông già nét mặt buồn buồn. Thật bất ngờ về chuyến đi thăm không báo trước này của Chinh. Hai đứa dắt tay nhau lang thang trên những triền đồi giữa bạt ngàn của hoa Mua, hoa Sim tím và tràn ngập trong không gian mùi nhựa thông hăng hắc.
- Sao Chinh không nói gì? Lên thăm Hương có việc gì quan trọng không?
- Chinh đến để chào Hương, ngày mai Chinh nhập ngũ.
- Sao lại nhập ngũ? Hương ngỡ ngàng - Thế Chinh không chờ kết quả thi đại học?
- Chinh đi, hết nghĩa vụ rồi về, việc học hành đành dừng lại. Chinh đi nghĩa vụ thay cho suất người anh, vì thấy thương anh chị, hai vợ chồng trẻ với đứa con gái nhỏ để anh đi, vợ con ở nhà vò võ không đành. Mình độc thân đi phải lẽ hơn.
- Tối nay Chinh ở lại đây chứ?
- Không, Chinh phải về sáng mai giao quân rồi.
Chiều xuống miền sơn cước thật nhanh, khói chiều và sương đã bảng lảng nơi cuối đồi. Tiễn Chinh ra tận đường cái hai đứa cầm tay nhau thật lâu, bốn mắt nhìn nhau im lặng.
- Thôi Chinh về đi.
Cho đến bây giờ Hương vẫn không quên được đôi mắt ấy, đôi mắt của Chinh nhìn Hương như báo hiệu một điều gì đó bất an ở phía chân trời nào đó xa kia, nó mơ hồ như ảo ảnh Hương chỉ lờ mờ linh cảm thế thôi … rồi bóng Chinh khuất dần nơi cuối dốc.
Đêm ấy Hương không ngủ Hương viết một bài thơ về Chinh vào cuốn sổ lưu bút mà bạn bè tặng khi năm học cuối cùng phổ thông kết thúc. Những ám ảnh buồn bã bao trùm lên toàn bộ bài thơ Hương viết:

Tôi đến Côn Sơn một buổi chiều
Dừng chân chốn cũ gọi người yêu
Hoa sim nở tím màu thương nhớ
Nhạc rừng thông réo rắt than kêu

Đây chốn năm xưa khắc hình anh
Với bao kỷ niệm sáng lung linh
Anh dìu tôi qua đồi sim nở
Hái tặng tôi hoa tím chung tình

Tôi nhớ một buổi sáng anh đi
Anh nói một mai sẽ lại về
Dâng trọn riêng em tình sim tím
Em là của anh vị hôn thê

Nay vẫn mùa sim tím thủy chung
Vẫn cảnh năm xưa gọi ái tình
Nhưng anh đi mãi không trở lại
Để em buồn tan nát con tim!

Côn Sơn hôm nay cảnh u sầu
Suối tuôn dòng lệ chảy về đâu
Hoa sim tím ngắt buồn xót tủi
Còn ai mà hái để trao nhau

Côn Sơn năm xưa hát tình ca
Ca đôi duyên lứa mộng vô bờ
Hôm nay Côn Sơn buồn lạnh lẽo
Khóc cho tình ai sớm biệt ly

Tôi bước lang thang dạo một mình
Giữa đồi hoang vắng khuất người thương
Âm thầm tôi nghe lòng chết lặng
Sim tím tình sầu rụng vấn vương!

Côn Sơn ơi có nhớ lời thề
Của người con gái ấy năm xưa
Nguyện suốt đời giữ tình sim tím
Để yêu người giờ đã khuất xa.
Tháng 8/1978
Hương có đâu ngờ bài thơ của Hương như vận vào số phận của Chinh, lần lên Côn Sơn thăm Hương là lần cuối cùng hình ảnh của Chinh bằng xương, bằng thịt khắc ghi trong trái tim, trong trí não của Hương cho tới mãi hôm nay.
Huấn luyện ba tháng, vội vã theo đơn vị vào biên giới tây nam - Hà tiên bổ sung quân. Vợ tôi sau này kể lại có lần gặp Chinh ở bến xe, Chinh chạy tới chào vẫn ánh mắt buồn buồn như từ biệt, như trách móc “ Chào chị ở lại, em đi” mà mãi sau này nghe Hương kể về ánh mắt lạ lùng của Chinh vợ tôi mới “ân hận” nhận ra điều đó.
Sáu tháng sau Chinh hy sinh. Chinh bị thương do pháo kích của giặc, được cứu thương chuyển về phía sau trên đường đi lại vướng mìn. Những phút giây cuối cùng của Chinh được người cháu họ kể . Trước khi hy sinh trong ba lô của Chinh chỉ có một bộ quân phục lá thư và tấm hình của Hương thấm đẫm máu. Hôm truy điệu Chinh, Hương xin gia đình được giữ lại bộ quân phục của Chinh trước lúc hy sinh làm kỷ niệm. Bộ quân phục với những vệt máu đã khô xám lại bao năm qua nằm trang trọng trong vali của Hương, theo Hương đi khắp nơi, từ bắc vào nam, ám ảnh, giắn vặt Hương trong đời sống, trong giấc ngủ trong tiềm thức Hương bị chứng mất ngủ cũng từ dạo đó. Bộ quân phục nằm trong va ly của Hương duy nhất trong nhà chỉ có vợ tôi được Hương cho biết. Năm 1987 Hương lấy chồng, trước khi cưới, Hương lên chùa làm lễ cầu siêu và gửi những kỷ vật đó lại cho Chinh.
Từ ngày ấy Hương thanh thản hơn, nhưng lâu lâu trong hạnh phúc hiện hữu cùng chồng con vẫn có những giấc mơ về Chinh chợt ập về trong giấc ngủ chập chờn… Chiến tranh, nỗi đau, ly tán và những hệ lụy của nó vẫn còn đó, nó kéo dài từ thế hệ cha anh đến thế hệ chúng tôi và hiển hiện đây thế hệ của những người em tôi nữa. Trong cuốn sổ lưu bút của Hương chỉ có hai bài thơ. Hai bài viết cách nhau sáu tháng bài thứ nhất Hương viết khi Chinh tới Côn Sơn để tạm biệt Hương đi bộ đội. Bài thứ hai Hương viết khi nhận được tin Chinh hy sinh. Tôi chép ra đây bài thơ thứ hai nữa của Hương để bạn đọc chia sẻ, bài thơ buồn:
...Bỗng một hôm bất ngờ tin đưa đến
Anh đã hy sinh vĩnh biệt em rồi!
Đất dưới chân em quay cuồng đổi biến
Mắt lệ nhòa vị cay xót trên môi...

Em biết từ nay đâu còn gặp lại
Để đón anh trên một chuyến tàu xa
Con thuyền tình vẫn cắm sào đứng đợi
Giữa mênh mông sông nước ,đứng bơ vơ.

Bên tấm hình anh em ngồi cúi mặt
Để nhớ về những năm tháng xa xưa.
Anh vẫn nhìn em nụ cười rất đẹp
Mà sao anh không nói lặng như tờ.

Hai đứa chúng mình duyên trời đã định
Đứa mất đi, đứa còn lại u buồn.
Anh bên ấy yên cõi đời tĩnh mịch.
Em bên này bao gầm dữ đau thương.

Em sẽ đến nơi anh yên giấc ngủ
Quì bên anh đặt hoa huệ trắng trong
Qua hương khói có lời em nhắn gửi
Tới hồn anh, em nguyện sống chung tình.

Và đời em quãng đời này còn lại
Mảnh khăn tang em chít mái tóc thề
Trong tim em khắc tên anh mãi mãi
Hẹngặp hồn anh ,kiếp sống bên kia!
Tháng 2/1979

Sài Gòn mấy ngày qua

1. Tin Hà Chí Quang:
Thầy Lương (dạy Vật lý) từ HN vào thăm Côn Đảo, khi về có tạt qua SG. Thầy đã được các bạn k4 cùng đại diện các khóa tiếp ở Jodee Beer. Thầy cũng thăm được cô Thục.

2. Tin Trần Lảnh:
Thầy "Tá" Điền (cũng dạy Lý) được các bạn k5 tiếp tối hôm qua cũng tại Jodee. Nhiều bạn đã 40 năm nay mới gặp lại thầy. Nối điện thọai với Lảnh để nói chuyện với thầy, thấy không khí ồn ào, sôi nổi. Cô Thục đến 1 lúc rồi về trước, thầy Trọng cũng có mặt. Thật là vui!

Anh em đang chờ bài và ảnh của SG!

Một chuyến đi Vân Nam

Hồ Quý Kỳ

Hồi học ở ĐHBK Hà Nội tôi có chơi thân với một số bạn sinh viên người Hải Phòng. Bẵng đi một thời gian, năm 1993 tôi gặp lại một trong những người bạn đó tại Hà Nội. Hàn huyên hồi lâu, được biết ông bạn thời sinh viên của tôi đang sống ở Hà Khẩu tỉnh Vân Nam, giáp với tỉnh Lào Cai nước ta và rủ tôi sang Hà Khẩu chơi. Hiếu kỳ, tôi cùng ông bạn cũ ngược tàu lên Lào Cai để qua Hà Khẩu mà chỉ có mỗi tấm chứng minh nhân dân , không có hộ chiếu gì sất. Đến cầu Hà Khẩu bắt ngang qua sông Nậm Thi, anh em biên phòng Việt Nam nói: "Hôm nay chỉ huy đi vắng, không làm thủ tục qua cầu". Vậy là phải tùy nghi qua sông bằng thuyền thúng.

Sang sông tôi thấy trước mặt có một tòa nhà to, đang ngẩn ngơ thì bỗng đập vào mắt tôi hàng chữ: Cấm những "nười" mang chất nổ, chất cháy lên tàu. Hóa ra, đây là ga Hà Khẩu. Sau đó tôi đi xem chợ Việt Nam trên đất Tàu cũng to và được bà con bày bán đủ thứ mặt hàng. Rồi tôi đến chơi môt số nhà người Việt hàng xóm với bạn tôi. Nói chung là vui. Duy có một cái bất tiện là khi đại tiện thì phải đi đến nơi giải quyết tập thể, cách nhà nửa cây số. Lại gặp cảnh “ní hảo” như lúc anh em ta ở trường I Trung đang cố rặn thì gặp con cháu bác Mao đi lấy phân bón rau. Tôi hỏi bạn tôi: "Ở đây nước máy đưa tới tận nhà, sao không làm phòng vệ sinh giật nước trong nhà như ở SG?". Ôi! Bạn tôi chưa vào SG. Ngay như khu tập thể quân đội 34A Lý Nam Đế có nhà tôi và Manh Dũng ở vẫn chỉ có loại nhà vệ sinh kiểu “ní hảo” ấy, mà chỉ có 4 ngăn thôi. Vì sống ở Sài Gòn và đã xây nhà nên tôi hướng dẫn mọi người xây hầm chứa phân có 2 ngăn như thế nào, lắp ống lọc thoát nước ra sao rồi đặt bàn cầu như thế nào. Sau đó bà con qua Lào Cai mua ống nhựa, bàn cầu, bình nước xả về xây lắp, bên Hà Khẩu lúc đó không có. Vậy là từ đó xóm Việt kiều trên đất Tàu không phải ôm bụng chạy nửa cây số đến nhà vệ sinh công cộng kiểu “ní hảo”nữa. Chỉ buồn một nỗi . Như bạn tôi nói lại ." Cứ mỗi lần đi ỉa, người ta lại nhớ bác Kỳ". Oái oăm thật.

Sau đó mọi người rủ tôi đi Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, cách Hà Khẩu 500 cây số. Thế mà tôi cứ nhắm mắt đưa chân. Nghĩ lại cũng thấy liều thật! Mới đánh nhau với Tàu chưa được bao lâu, nay đi trên đất nó mà chẳng có một mảnh giấy giắt lưng. Đêm ấy trên chuyến tàu lao về hướng Côn Minh, 4 người bạn đi chung với tôi là dân Hà Khẩu, bị cảnh sát và nhân viên kiểm vé dựng cổ dậy thăm hỏi. Thấy vậy tôi liền giả vờ ngủ, nằm quay mặt ra phía ngòai cho họ dễ nhận diện, tay thì cầm vé duỗi ra. Mọi người đứng ngắm tôi một lúc rồi bỏ đi. Lúc đó mấy ông bạn tôi mới hoàn hồn rồi nói:" Trông ông đúng là thằng Tàu thuần chủng nên tụi nó không mó tới." Thật là hú hồn!

Tới Côn Minh. Lúc này thành phố đang xây cất mở rộng nên trông hoành tráng lắm. Mấy thằng tôi vào một quán ăn. Trong khi ăn tôi buộc miêng nói, "cơm Tàu gì mà chẳng ngon giống mấy quán cơm Tàu ở VN". Bọn bạn tôi nói,"đây không phải cơm Tàu mà là cơm Trung Quốc", rồi cả bọn cươi phá lên. Một người dân bản địa quay sang hỏi tôi," ông đưa mấy người Việt Nam này sang đây à"? Mấy thằng bạn tôi cười và nói ."Ông ơi! Nó là người Viêt Nam đấy, bọn tôi mới là dân Trung Quốc".

Thứ Năm, tháng 4 24, 2008

LẠI CHUYỆN VĂN CHƯƠNG


KQ “nhập dây chuyền viết văn” ở đâu tôi không biết chứ Chí bé vừa hiến cho anh em “Quy trình công nghệ viết văn” thật sự*. Hết sảy con bà Bảy, chẳng hổ danh xuất thân từ gốc dân kỹ thuật.

Để viết hay rõ ràng có hai vấn đề lớn được đặt ra ở đây:

  • Vấn đề thứ nhất : Thuộc về tay nghề , kỹ thuật viết.

  • Vấn đê thứ hai : thuộc về vốn sống, nguồn cảm hứng.

Theo tôi món thứ hai rõ ràng quan trọng hơn , mang tính quyết định. Bởi bạn “dốt” thì có thể học hỏi, trau dồi thêm, còn khi trái tim đã nguội lạnh thì chỉ có nước “tắt đài'. Chúng ta chẳng lạ gì hiện tượng nhiều nhà văn , nhà thơ kỹ năng viết có thừa thế mà giờ lắm khi ngồi cắn bút , chẳng “dặn” ra được chữ nào- “ Nguồn cảm hứng” đã cạn, họ không bắt kịp nhịp sống thời đại, bế tắc trong nỗi tuyệt vọng , chán chường.

Anh Chí lớn từng nói “ văn của Trỗi phát khi về già”, tại sao vậy? Hóa ra mấy tay viết bài trên blog đều đều “bệnh” cả- Bệnh nội tâm. Xưa “ bệnh” này của quân ta không đến nỗi trầm trọng lắm. Nay các chú sau mấy chục năm tích lũy , gặm nhấm từ thực tế, lại thêm chén đẫy hàng lô tư liệu văn hóa nhân loại đến mức “tẩu hỏa”, giờ “ chúng” phải tiết ra dưới dạng văn chương, giao lưu, chia sẻ với mọi người.

Tôi đã nói với các bạn về “nguyên nhân bên trong”, nó tác động chi phối chúng ta nhiều chuyện . Anh em ta đều đã vượt qua sườn dốc bên kia của cuộc đời, tương lai cũng chính là hiện tại chúng ta đang sống. Hãy biết trân trọng những gì đang có.Các bạn hãy cứ viết ra, để rồi ta sẽ được sống thêm nhiều cuộc đời khác của bạn mình, điều này thật ý nghĩa và thú vị.

Nói đến đây tôi chợt thấy hai vấn đề chưa đủ. Để viết hay còn cần có thêm một tố chất nữa- “Sự liều mạng”( chớ lầm với lòng dũng cảm cao quý ).Món này dân Trỗi ai cũng có tí chút. Ban đầu được mời tham gia Blog tôi cũng hãi, thương mình phận mỏng, tài hèn nên chả dám léo hánh đến chốn văn đàn. Rồi một ngày nọ, đọc bài của các bậc đàn anh , thấy họ “gáy” ác quá mình cũng đâm ngứa cổ, lại thêm TQ chích cho một liều “mật gấu”thế là “bọ nỏ sợ thằng mô”.

Thực ra mọi chuyện suy cho cùng chẳng có gì quan trọng. “Tôi bốc phét cho đồng bào... Trỗi tôi nghe”, bạn tôi vui, tôi vui là được. Ban đầu anh em cứ thử post lên một bài , các độc giả bắt bắt đầu bình phẩm , khen chê các kiểu, nhờ đó mà mình biết đường gia gỉảm muối ,mắm , ớt, chanh...Tóm lại môi trường Blog là môi trường bình luận , giao lưu, nó giúp cho việc hoàn thiện “văn” của mỗi người một cách khá lý tưởng. Bài vở cần được cọ xát, bình phẩm nó mới trở thành của “nhân loại”. Có bác viết rất hay nhưng “dím” ngay vào tủ , thưởng thức một mình, “múa gậy vườn hoang”, hoài của , kiểu này “văn” của các bác e biến thành ....di cảo mất thôi.

Lại còn vụ này nữa. Trường hợp “ chúng nó” có chê bai, chửi bới bài của mình các bác cũng chớ ngại. Đó đều là sự chê bai chân thành của lũ bạn thân yêu . Đừng bao giờ quên rằng, chúng chửi mình thì mình hoàn toàn cũng có thể thanh minh và ...chửi lại!

TM

*Xem bài “Tôi viết bài cho Blog Trỗi” của HMK6


Đường sắt Hà nội - Vân nam phủ

Nhân xem bài của Đỗ Nghĩa về chuyến khảo sát Vân nam, tôi xin cung cấp một tư liệu có liên quan tới sự phát triển của Vân nam, đó là đường sắt Vân nam đầu thế kỉ 20.

Đường sắt Vân nam tính từ biên giới Việt nam tới Vân nam phủ dài 465km, xây dựng từ 1902-1910 là một công trình táo tợn vào hạng nhất thế giới. Nó là “tác phẩm của nghị lực và sự dẻo dai” (bình luận của Paul Renon).

Về hoàn cảnh địa lý: Vào đầu thế kỉ 20, để tới Vân nam phủ có 3 con đường. Phía bắc, đi tàu dọc sông Dương tử tới Hán khẩu, chuyển tàu nhỏ tới Tchungking, chuyển thuyền tới Sui pou, khoảng 2.000km, với nhiều gềnh thác nguy hiểm. Sau đó đi bộ 800km trên con đường rất xấu và nguy hiểm. Phái tây, con đường qua Miến điện thì phải vượt các dãy núi cao 2.000-3.000m hiểm trở, nhiều khe nứt nguy hiểm, bị chia cắt bởi sông Salouen và Mêkông. Phía nam là đường sắt Vân nam, là con đường ngắn nhất và an toàn nhất hồi bấy giờ.

Công trình:

Đã đào đắp 16 triệu m3 đất đá (50% là đá), với 3422 công trình lớn nhỏ.

Nhân công:

Gồm 1.000-1.200 đốc công hầu hết người Âu, 50.000 phu đồng thời làm việc trên 465km. Riêng đoạn thung lũng Nâm ti (đoạn gian khổ nhất) lúc nào cũng thiếu nhân công, lúc cao nhất (1904) chỉ 2.000 người. Việc vận chuyển hầu hết dùng bằng sức người.

Cung đường:

Cung thung lũng Nâm ty từ Laokai tới kilomet 140.

Cung trên cao (độ cao 1.200m) từ kilomet 140 tới kilomet 465 (tức tới Vân nam phủ).

Hầm ngầm:

Tổng số 155 hầm với tổng chiều dài 18km. Từ kilomet 100-103 có 18 hầm (chiếm 70% độ dài đoạn đường); tại cửa thung lũng Pai ho có 25% chiều dài là đường hầm; tại “bờ phải” có 15 hầm có tổng chiều dài 2.000m chiến 25% chiều dài đoạn đường.

Cầu:

“Cầu đăng ten” dài 150m ở kilomet 83: không thể sử dụng kĩ thuật xây beton nên người ta phải dùng dầm kim loại, trong đó để có thể vận chuyển tới vị trí này, mỗi thanh không được dài hơn 2,5m và trọng lượng không quá 100kg.

“Cầu trên kèo”: ở cửa vào thung lũng Pei ho kilomet 111. Đoạn này bị kẹp giữa hai vách đá thẳng đứng cao vài trăm mét nên con đường phải vượt qua khoảng không 70m (giữa hai vách đá).

Khánh thành:

Ngày 30/01/1910 đoàn tàu đầu tiên đã tới Vân nam phủ. Từ tháng 01/1935 trở đi, hành trình Hà nội – Vân nam phủ bằng oto ray là 22 giờ.

Thứ Ba, tháng 4 22, 2008

Hôm nay là ngày gì?

GM

Các bạn đừng cười tôi vì cứ lặp lại mãi bài “Vọng cổ” này. Nhưng thật ra mới ít phút trước đây, khi vào mạng của Nga tôi mới nhớ hôm nay là ngày sinh của V. I. Lênin (22/4/1870-22/4/2008). Thế là lại vào mạng để mong gửi đến các bạn bài hát về Lênin được nhiều người biết đến, như một tưởng niệm đến Người. Bài hát “Lênin mãi mãi bên anh” là một phần của lịch sử và văn hoá Xô viết, thời kỳ mà mỗi người dân Liên Xô đều tin tưởng vào tương lai tươi sáng của loài người.
(http://download.sovmusic.ru/m/lenin_1.mp3)

Ленин всегда с тобой
Музыка: С. Туликов Слова: Л. Ошанин

День за днем идут года -
Зори новых поколений,
Но никто и никогда
Не забудет имя ЛЕНИН.

Припев:
Ленин всегда живой,
Ленин всегда с тобой
В горе, в надежде и радости.
Ленин в твоей весне,
В каждом счастливом дне,
Ленин в тебе и во мне!


В давний час, в суровой мгле,
На заре Советской власти,
Он сказал, что на земле
Мы построим людям счастье.

Припев.

Мы за Партией идем,
Славя Родину делами,
И на всем пути большом
В каждом деле Ленин с нами.

Припев.

Lênin mãi mãi bên anh
Nhạc: S. Tulikov Lời: L. Ôshanin

Năm tháng trôi qua, ngày mới đến-
Bình minh của thế hệ tương lai,
Không bao giờ và chẳng một ai,
Quên được tên Người - LÊNIN vĩ đại.

Điệp khúc:
Với loài người Lênin sống mãi,
Trong niềm vui, trong nỗi khổ đau,
Trong giấc mơ, trong ngày hạnh phúc,
Bên anh, bên tôi luôn mãi có Người.


Trong những ngày tối tăm, gian khổ
Của chính quyền Xô viết khai sinh,
Người nói rằng ở trên trái đất,
Chúng ta xây hạnh phúc cho dân.

Điệp khúc

Nguyện một lòng ta đi theo Đảng,
Quyết dựng xây Tổ quốc vinh quang,
Trên con đường rộng lớn thênh thang,
Cùng chúng ta Lênin vẫn bước.

Điệp khúc

Tôi viết bài cho Blog Trỗi

Từ nhỏ tới giờ, tôi đọc nhiều truyện, hay có – dở có, nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ thấy tức anh ách. Chuyện đời mình, chuyện AE mình, có chuyện mình biết, có chuyện mình nghe…lắm khi còn hay hơn nhiều, nhưng chỉ tại mình viết không được. Suốt thời gian ở Trỗi, nhận được điểm Văn 3/5 là đã thấy mừng “hết lớn” rồi. Chỉ mỗi khi về học lớp 10 ở Hà Nội thì mới có điểm Văn khá hơn 1 chút – 6/10. Điểm khá hơn không phải vì mình học giỏi hơn mà vì “hên” sao gặp ông thầy dậy Văn chỉ cho cách làm văn theo công thức như toán học : Trước hết phải làm giàn bài, có bao nhiêu ý ghi ra thành từng gạch đầu dòng. Sau đó cứ việc theo từng ý mà viết. Câu đầu nêu ý đã ghi, câu 2 đưa vào dẫn chứng rồi ghi dẫn chứng, câu 3 phân tích dẫn chứng, câu 4 kết luận ý đã phân tích, câu 5 chuyển sang ý mới, chấm xuống dòng và tiếp tục trở lại với công thức. Mỗi ý 5 câu là đảm bảo điểm trung bình trở lên. Vậy là tôi đạt điểm trung bình !

Điểm thì có tiến bộ, nhưng xem lại bài mình viết thì thấy “chẳng giống ai”. Nhiều khi muốn chửi thề mấy thằng nhà văn sao viết hay thế. Rồi 1 hôm, tôi được xem cuốn truyện nổi tiếng “Papillon – người tù khổ sai”. Tác giả - Henri Charriere - vốn là 1 người tù, không phải nhà văn, chữ nghĩa không nhiều, không đủ chữ để viết nên truyện mà chỉ kể lại chuyện ở tù của mình như vẫn kể chuyện cho bạn bè nghe. Có khác chăng là ông kể bằng cách viết, có lược đi 1 số từ không phù hợp, ví dụ như chửi thề. Và kết quả thật tuyệt vời ! Xem xong, tôi nghĩ lại mình. Mình nói chuyện cũng đâu có quá tệ. Khi nhậu vào, nói cũng khối người nghe, nhất là lúc tán gái thì khó mà chê được, các em “mê như điếu đổ”. Vậy sao mình không lược bỏ mấy câu chửi thề rồi viết thành chữ, đặt các dấu chấm phẩy như học hồi cấp 1, vậy là xong chứ có gì khó đâu. Nghĩ là làm. Nhưng lúc này mới thấy bắt chước H.Charriere không dễ. So sánh thì không dám rồi. Tự đọc lại bài mình viết thì bao giờ chẳng thấy giống “vợ người”. Vấn đề quan trọng là phải có người xem và phê bình. Trước khi đăng thành sách, H.Charriere cũng cần phải có bạn bè xem trước vậy - nữa là mình. Ai xem ? Đúng là nếu không có Blog Trỗi – nơi mà độc giả toàn là bạn bè mình – thì cũng đành chịu chết. Đưa mấy bài văn “đểu” lên blog, được AE xem và cho vài lời chê bai làm mình thấy “sướng run”. Vậy chớ ! Không lẽ nói dóc có người nghe mà viết thì không ai đọc.

Rồi viết lúc nào ? Mình đâu có phải nhà văn, muốn viết là viết. Nội dung có nghĩ ra thì cũng chỉ ghi lại như là giàn bài mà thầy đã dậy là cùng. Rồi tới một ngày nào đó, cảm hứng bất chợt nổi lên mới ngồi vô máy. Viết bài cũng phải đúng giờ. Ví như bài về các món ăn thì phải viết vào khoảng 5 - 6 giờ chiều, khi bụng đang đói cồn cào cộng với mùi xào nấu thoang thoảng của vợ bay lên thì cảm hứng tăng lên gấp bội. Viết xong để đó, sau khi ăn uống no bụng rồi, tay cầm điếu thuốc, nhấm nháp tý trà hoặc café ngồi đọc lại. Lúc này mà thấy bài viết hay và “tiêu thụ” được thì mới là đạt yêu cầu. Bởi đâu có ai đọc bài mình lúc đói ! Mấy bài về trường Trỗi thì viết vào đêm trước của Café “giao ban”, khi đang háo hức đi gặp các bạn mình và xem lại sau khi về, lúc đã trút hết tâm sự, không còn gì vướng mắc.

Cứ từ từ như vậy, ngày càng cảm thấy tự tin hơn với các bài đăng của mình. Chẳng phải hay ho gì, nhưng cứ nghĩ : Tụi nó văn hay chữ tốt thì viết ra tiền, ra bạc. Còn mình làng nhàng thì viết ra niềm vui cho các bạn mình và cũng là cho mình. Thật hạnh phúc biết bao. Cám ơn Tổng quản các blog Trỗi !

Thứ Hai, tháng 4 21, 2008

Ai chịu trách nhiệm về bộ mặt Hà Nội?

Các chuyên gia về quy họach kiến trúc có ý kiến mạnh mẽ, khẩn thiết về "Hà Nội mới". Mong rằng những con người còn lương tâm và trách nhiệm nghiêm túc suy nghĩ!
Mời đọc Thanh niên hôm nay!

Chủ Nhật, tháng 4 20, 2008

GIẢI PHÁP MỞ RỘNG ĐƯỜNG

Tp.HCM vừa mới xây lên hơn 100 cái “lô cốt” để sửa chữa đường chống ngập lụt trong chương trình giải quyết ách tắc giao thông. Hà Nội cũng có kế hoạch sẽ đào đường khoảng 100 điểm từ nay đến cuối năm cũng với cùng mục đích. Gãi đúng chỗ ngứa của toàn dân. Đường thông, hè thoáng là mong muốn của tất cả mọi người. Thật tuyệt vời !

Xưa có chuyện ngụ ngôn kể rằng : Có 1 anh nông dân đến gặp 1 nhà thông thái xin 1 lời khuyên làm sao cho nhà mình rộng ra . Nhà thônt thái nói : Anh hãy về, đưa con bò vào nhà. – Người nông dân làm theo, dắt con bò vào nhà mình. Được 1 tuần, anh ta không chịu được bèn tới nói với nhà thông thái : Ôi, chật quá, còn tệ hơn trước ! – Hãy đem thêm con ngựa vào – Nhà thông thái khuyên. - Tuần tiếp theo : Tôi không thể chịu nổi nữa rồi. – Hãy mang thêm con lợn vào nhà thì sẽ giải quyết được – Người nông dân miễn cưỡng làm theo với mấy câu chửi thề. Lại 1 tuần nữa trôi qua. Lần này thì người nông dân không thể chịu nồi, hung hăng tới gặp nhà thông thái tính chuyện phải trái. Không ngờ nhà thông thái mỉm cười nói : Giờ anh hãy đem cả 3 con vật trở về chỗ cũ. – Sau vài ngày, người nông dân đem 1 sọt trái cây tới cám ơn nhà thông thái lia lịa : Ôi, nhờ nghe lời ông, giờ nhà tôi rộng quá rộng, không biết làm gì cho hết !

Đúng là giải pháp mở rộng đường đã được thực hiện.

Thứ Bảy, tháng 4 19, 2008

"Như Mặt trời Bé thơ" (đạo title của Trần Tiến)

GM

Bây giờ tôi và các bạn đã vào cái tuổi U60 cả rồi, nhưng trước đây chúng ta đều là những cô be, cậu bé. Cũng như thiếu nhi trên toàn thế giới, chúng ta luôn mong có mẹ bên cạnh và một cuộc sống hoà bình, không có chiến tranh. Một mong ước giản dị, hồn nhiên như lời bài hát “Mãi mãi có mặt trời”. Bài hát này tôi được nghe lần đầu tiên vào mùa hè năm 1968 tại trại hè Thiếu nhi Quốc tế Artek (Liên Xô), một trại hè mà khi ở tuổi thiếu niên chúng ta ai cũng mong ước được đến đó. Bài hát này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Tuy nhiên, khi dịch để hát có khác nhiều so với nguyên bản, vì vậy tôi muốn chuyển tải đến các bạn bài hát gốc bằng tiếng Nga và lời dịch. Mời các bạn thưởng thức (http://download.sovmusic.ru/m/pustvse1.mp3).

Пусть всегда будет солнце
Музыка: Аркадий Островский, Слова: Лев Ошанин

Солнечный круг,
Небо вокруг -
Это рисунок мальчишки.
Нарисовал он на листке
И написал в уголке:

Припев:
Пусть всегда будет солнце!
Пусть всегда будет небо!
Пусть всегда будет мама!
Пусть всегда буду я!

Милый мой друг,
Добрый мой друг,
Людям так хочется мира!
И в тридцать пять,
Сердце опять
Не устает повторять:

Припев.

Тише солдат,
Слышишь солдат,
Люди пугаются взрывов.
Тысячи глаз в небо глядят,
Губы упрямо твердят:

Припев.

Против беды,
против войны
Встанем за наших мальчишек
Солнце навек,
Стастье навек -
Так повелел человек:

Припев:
Пусть всегда будет солнце!
Пусть всегда будет небо!
Пусть всегда будет мама!
Пусть всегда буду я!

Mãi mãi có mặt trời
Nhạc: Arcadi Oxtrovski, Lời: Lev Oshanin

Mặt trời hình tròn tròn,
Ở giữa bầu trời xanh,
Cậu bé vẽ bức tranh,
Và viết vào góc nhỏ.

Điệp khúc:

Mãi mãi có mặt trời!
Và bầu trời xanh thẳm!
Mãi mãi có mẹ tôi!
Và có tôi bên cạnh!
Bạn yêu mến của tôi,
Cả nhân dân thế giới,
Đều tha thiết hoà bình,
Cùng cất cao câu hát.

Điệp khúc

Những người lính hãy nghe,
Đạn, bom không cần thiết,
Hãy ngước lên bầu trời,
Và cùng nhau lên tiếng.

Điệp khúc

Chống lại cảnh đói nghèo,
Và chiến tranh thảm khốc,
Để cho đàn em thơ,
Có mặt trời, hạnh phúc.
Mãi mãi có mặt trời!
Và bầu trời xanh thẳm!
Mãi mãi có mẹ tôi!
Và có tôi bên cạnh!

Thứ Sáu, tháng 4 18, 2008

TÌNH CÔNG NÔNG

Dương Minh

Chúng ta đang có ý tưởng làm một số công tác xã hội. Tôi xin kể lại một câu chuyện để cùng nhau suy ngẫm!

Cậu lái xe ở công ty tôi là dân Nam bộ thứ thiệt, quê ở huyện Tân Phước, Tiền Giang. Mặc dù chỉ cách Tp.HCM hơn trăm cây số nhưng đây là một miền quê vùng sâu, vùng xa thuộc Đồng Tháp Mười. Hôm cậu ta cưới vợ, công ty ai cũng háo hức muốn đi để thưởng thức đám cưới ở vùng quê Nam bộ. Cuối cùng công ty quyết định điều xe 15 chỗ đủ cho cả đòan đại biểu đại diện từ cấp ủy, công đòan, thanh niên đến các ban bệ chính quyền.

Cha của chú rể là cán bộ cấp huyện nên hầu hết cán bộ huyện, xã đều có mặt ở đám cưới để chia vui với gia đình. Biết chúng tôi từ Thành phố xuống ai cũng ghé qua bàn chào xã giao kèm theo là một cú “trăm phần trăm” rất rôm rả. Cuối cùng thì Chủ tịch xã tình nguyện thay mặt cho địa phương và gia đình ngồi cùng bàn để tiếp chuyện.

Mới bảy giờ tối trong sân thì náo nhiệt nhưng xung quanh rất tĩnh lặng. Dòng kênh trước nhà và cánh đồng phía sau hình như đã chìm trong giấc ngủ từ rất lâu. Chuyện nọ xọ chuyện kia chúng tôi quay qua Chủ tịch xã nói chuyện địa phương. “Này Sáu tình hình xã có gì đặc biệt không?”. “Thưa anh Hai, xã em có diện tích lớn nhất Nam bộ đấy. Cả xã hơn một nghìn hộ, gần bảy nghìn dân. Tòan là nông dân thôi, chỉ có số ít là tiểu thương, buôn bán lặt vặt…”. “Dân xã mình đời sống hiện nay thế nào?”. “Nếu theo chuẩn cũ thì xã đạt tiêu chuẩn “xóa đói, giảm nghèo” nhưng theo chuẩn mới thì chưa, buồn quá anh Hai!”.

Chúng tôi ngớ người, không ai hiểu “chuẩn cũ, chuẩn mới” là thế nào. Chủ tịch xã liền giải thích “Chuẩn cũ là qui ra thu nhập bình quân đầu người trong một hộ mỗi tháng tối thiểu trăm ngàn, chuẩn mới là hai trăm ngàn. Xã còn hai mốt phần trăm số hộ dưới chuẩn nên chưa đạt chỉ tiêu “xóa đói, giảm nghèo”. “Một phần năm còn đói nghèo cơ à! Thu nhập vậy thì nhà cửa, tiện nghi thế nào? Những cái lều ven kênh kia là nhà à?”. “Dạ, nhà đấy anh Hai. Nhưng cũng còn gần mười phần trăm chưa có nhà như thế!”. Cả bàn tiệc lặng đi. Chủ tịch công đòan công ty tôi an ủi “Sáu à, nếu buồn thì buồn vì dân còn khổ quá chứ đừng buồn vì cách tính phần trăm. Nếu theo chuẩn cũ Sáu có thành tích nhưng thành tích cái nỗi gì khi dân khổ thế! Thế có phong trào nhà tình thương, tình nghĩa gì không?”. “Tình thương, tình nghĩa là giành cho gia đình có công, còn nông dân thuần túy gọi là Nhà đại đòan kết”. “Một căn đại đòan kết bao nhiêu?”. “Dạ, năm triệu”. Chúng tôi ồ lên, ai đó buột miệng “Riêng Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá đã nướng gần muời nghìn căn rồi. Quản lý tốt thì riêng chỗ đó cũng đủ Nhà đại đòan kết cho cả lục tỉnh!”.

Trong khi tiếp tục ăn tiệc cưới chúng tôi hội ý chớp nhóang rồi thông báo với Chủ tịch xã “Này Sáu, tụi mình rất cảm thông với bà con ở xã. Kế họach ngân quỹ đóng góp nhà tình thương, tình nghĩa năm nay ở trên Thành phố tụi mình chi hết rồi. Tuy nhiên chẳng mấy khi có dịp đến đây, anh em công ty cũng muốn bày tỏ tình cảm của mình. Của ít lòng nhiều, công ty đăng ký tặng cho xã hai Nhà đại đòan kết nhé!”. “Chà, cám ơn các anh quá. Tưởng chuyện nhậu chỉ nói cho vui, nào ngờ các anh quan tâm đến thế!”.

Thấm thoắt hai tháng trôi qua, đúng dịp 30/4 công ty tôi lại tổ chức một nhóm quay lại Tân Phước để nghiệm thu và bàn giao Nhà đại đòan kết cho hai gia đình nông dân. Thực tình chúng tôi cũng không muốn dềnh dang. Cái nhà có năm triệu thì sao gọi là nhà, mình tặng thật đấy mà vẫn cảm thấy băn khoăn! Tuy nhiên UBND xã cứ thiết tha tổ chức cũng đành phải đi.

Từ UBND xã đi ghe máy gần một tiếng mới vào tới nơi. Nhà dân rải rác dọc bờ kênh, nhà nọ cách nhà kia ít thì trăm mét, nhiều cũng phải vài trăm mét. Những căn nhà mái lá dừa nước, vách cũng thưng bằng lá dừa nước … trải qua mưa nắng sậm đen trên nền nhà đất cũng đen sậm. (Tay Chủ tịch công đòan hôm trước gọi là “lều” cũng không ngoa!). Nhìn thấy ghe máy chúng tôi chạy tới, chủ nhà mặc quần xà lỏn, cởi trần ra đón từ xa. Vừa gặp, Chủ tịch xã đã nhắc “Các anh ấy từ Thành phố xuống, sao không mặc cái áo cho đàng hòang?”. “Dạ thưa anh, em không còn cái áo nào!”. Căn Nhà đại đòan kết gồm 6 cột bê tông cốt sắt, rui mè bằng sắt và lợp tôn trên nền đất rộng khỏang 18-20m2; xung quanh vẫn thưng bằng lá dừa nước. Khi nhận quà gồm bột ngọt, mỳ tôm, dầu ăn, đường, sữa … và năm trăm ngàn, chủ nhà rưng rưng “Cả đời, gia đình em chưa bao giờ có nhiều thứ và khỏan tiền lớn như thế này!”. Vẫn buồn nhưng chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Có được chứng kiến như vậy chúng tôi mới hiểu: món quà dù nhỏ nhưng thực sự là niềm mơ ước lớn lao trong cuộc sống của anh bạn nông dân Tân Phước!

ĂN CHÁO


Hôm rồi mấy người bạn rủ tôi đi ăn cháo vịt Thanh Đa. Đã mấy năm nay, vẫn thường xuyên đi ngang, nhưng hôm nay mới trở lại nhà hàng này. “Cháo vịt Thanh Đa” vốn có từ gánh cháo của một bà trông rất nông dân bán ở chân cầu Thanh Đa từ trước giải phóng đến nay. Các đôi thanh niên nam nữ, hồi mới giải phóng thường ghé gánh cháo của bà ăn khuya sau mỗi buổi cặp kè với nhau. Riết rồi cái tên “Cháo vịt Thanh Đa” tự nhiên trở thành thương hiệu. Bà chủ từ gánh cháo tiến tới mở quán nho nhỏ rồi tiến tới dựng nhà hàng. Nay ghé lại thì…ôi! Tá hỏa. Có tới 2 nhà hàng “Cháo vịt Thanh Đa” bự tổ chảng, nhìn choáng cả người. Cả 2 đều xưng là “gốc”, chẳng hiểu gốc nào thật. Vị trí thì cũng khoảng khoảng chỗ đó, thôi thì vô đại một cái. Không ngon bằng xưa, nhưng cũng chẳng chê vào chỗ nào được.

Ngẫm nghĩ cũng lạ. Xưa nay ai làm gì không được thì đều bị coi là : Làm vậy thì có nước húp cháo ! Cháo vốn là món ăn của dân nghèo, không đủ gạo nấu cơm nên phải ăn cháo. Từ xưa, miền Bắc có nồi cháo hoa, miền Nam có cháo trắng. Loại cháo của người nghèo thực thụ. “Cháo trắng” hay “cháo cò” là cháo có màu trắng hoàn toàn chỉ nấu bằng gạo (nhiều nhà nghèo quá còn nấu cháo bằng cơm nguội), không có thịt thà, cá mú chi cả. “Cháo hoa” cũng là cháo trắng, nhưng do người Bắc khi nấu cháo đều giã cho vỡ hạt gạo ra nên hạt cháo nấu chín nhừ nở bung trông như hoa. Người tàu còn ăn cháo trắng với hột vịt muối, ca la thầu…

Nhưng ngày nay cháo đã được đưa vô nhà hàng, trở thành món ăn chơi cho nam thanh nữ tú. Bởi vậy món cháo vịt cũng không hề đơn giản chút nào. Vịt được luộc trong nước sôi với chút gừng và muối cho đậm đà. Khi gần chín, vớt ra hấp trong xửng cho chín hẳn nên thịt không bị bở hay lớp da bị bèo nhèo. Thịt vịt được chặt ra trộn gỏi với bắp chuối có chút chanh và ít đậu phộng (lạc) rang rắc lên. Đã là cháo vịt thì phải nấu bằng gạo tấm mới ngon. Gạo tấm được rang cho săn lại rồi mới nấu bằng nước luộc vịt cùng với đầu, cổ, cánh, chân tới chín nhừ. Cháo phải nấu loãng và khi múc ra tô phải thấy nước cháo trong, chỉ có một chút mỡ vịt lóang thoáng nổi trên mặt lấy mùi không tạo cảm giác ngán khi ăn. Bỏ ít hành ngò và chút tiêu vào tô cháo nóng, ăn với gỏi vịt chấm nước mắm gừng thì …chắc là muôn đời khó quên !

Món cháo vịt Thanh Đa này khác hẳn cháo vịt Vân Đình (Hà Tây – nay là Hà Nội) với nồi cháo đặc sệt như bột, sánh ngậy, vàng nâu mầu mỡ và hành phi. Thịt vịt thì bóng mướt, béo ngậy bỏ lẫn trong tô cháo, khi ăn thì trộn lên gắp từng miếng thịt quện với cháo mà thưởng thức.

Ở Sài Gòn, gần thì ăn cháo vịt Thanh Đa, chịu khó đi xa một chút thì lên khu làng Đại học Thủ Đức cũ thưởng thức “Cháo cá miền tây”. Món cháo cá miền tây ở đây đã được biến tướng thành món “lẩu cháo”. Cháo cá được nấu bằng gạo đã rang sơ tới săn lại sao cho không đổ nhựa khi nấu cháo. Cá lóc luộc chín được lóc xương bỏ da. Sau đó chọn lấy phần thịt cho vào nồi cháo –chính xác là nồi lẩu cháo - đang sôi sùng sục ở trên bếp. Cháo có ngon hay không là do bàn tay nêm nếm của người nấu. Gần đây, một số tiệm lại còn cho thêm đậu xanh và nấm rơm vào nồi cháo làm cho hương vị lại càng đậm đà hơn. Ăn cháo cá tất nhiên không thể thiếu rau đắng. Thứ rau dại này của miền tây, người mới nghe thấy hơi sợ, nhưng khi ăn vào, nhất là ăn với cháo cá thì tạo nên hương vị thanh mát dịu dàng, vị đắng làm tăng mùi thơm và giảm mùi tanh của cá. Không chỉ có rau đắng, cần, ngò, giá, cải xanh, bắp chuối … và đôi khi cả rau muống chẻ cũng không thiếu trong nồi lẩu cháo. Tùy theo yêu của khách, nhà hàng còn cung cấp thêm thịt bò, thịt heo, gan thái mỏng và vài con tôm cho nồi cháo thêm ngọt. Nhưng tới đây có lẽ đã trở thành nồi “cháo lai” rồi !

Cháo ở các nhà hàng Sài Gòn nay cầu kỳ như vậy đó. Nhưng không thể “qua mặt” được cháo miền tây “thứ thiệt”. Các bạn hãy thử tưởng tượng ra cảnh sau :

Ta đi theo chân một ông lão nông bước ra đầu ruộng kéo đó lên bắt mớ cá bống kèo còn sống nhảy soi sói, đem về trút thẳng vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Con cá vùng vẫy trong nồi nghe kêu “rồ rồ” một chút rồi tắt hẳn. Lúc đó là cá vừa chín tới. Đem nồi cháo xuống, vớt cá ra đĩa, con cá bống kèo nứt da, dựng kỳ, dựng vi, nếu không quen cũng thấy “ớn”, nhưng ăn vô sẽ thấy ngon tuyệt vời, nó có vị ngọt của tự nhiên, thịt mềm khó mà mô tả được. Chấm cá vô nước mắm gừng với chút chanh, chút đường. Húp miếng cháo nóng cái “rột”. Còn gì đã hơn ! Thưởng thức món cháo cá bống kèo kiểu nầy rồi bạn sẽ chán kiểu nấu cầu kỳ như các nhà hàng : Làm sạch, chặt đầu, nấu với đủ thứ tùm lum và nói theo dân quê thì ăn như “dzậy” là “hổng biết” ăn cá bống kèo nấu cháo.