Thứ Tư, tháng 10 31, 2007

CẢM NHẬN TRUNG HOA MỚI

Sau đúng 4 năm (cũng vào dịp cuối tháng 10) chúng tôi quay lại Trung Quốc. Thấy đổi thay nhiều quá!

Biển số xe Quảng Tây
Biển số xe ôtô tỉnh Quảng Tây đều có chữ QUẾ ở đầu. Hỏi bạn thì biết: Tới cuối những năm 1930 thì thủ phủ xứ Quảng của dân tộc Choang là Quế Lâm chứ không phải Nam Ninh. Thứ nữa quế là tỉnh hoa nên chữ QUẾ được chọn gắn vào biển số xe. Sau đó có chữ cái la-tin A, B, C... tương ứng với Nam Ninh, Quế Lâm, Liễu Châu... Tất cả xe đều mang biển xanh dương, trừ của Police là mang biển trắng, còn xe tải, xe lớn mang biển màu vàng...

Nụ cười trên môi
Tất cả ca-bin của nhân viên thu lệ phí trên đường cao tốc mà chúng tôi đi qua đều được hàn chết một khung sắt kiên cố để bảo vệ, phòng xe mất đà lao vào gây tai nạn. Người ta bảo vệ con người đến thế đấy!
Hơn nữa, mọi nhân viên được tuyển chọn là các em trẻ, tươi tắn và luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi có xe qua. Chú Dương Đức Hải k8 cũng chớp được mấy pô về vụ này. Mũ kê-pi, quần xanh đen, áo màu xanh trứng sáo... thống nhất toàn quốc. Quả thật thấy em nào cũng xinh, có khi đi dự thi hoa hậu cũng được!

Đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế
Ở Quảng Tây có trục đường cao tốc Bắc-Quế (mà Hữu Thành lại bảo là Quế-Hải. Không hiểu tôi có nhớ đúng?) dài 650km. Ngày 28/10, ta đi từ Liễu Châu về Nam Ninh theo một phần trục đường này. Khi xe qua cổng kiểm soát cuối cùng, tài xế đưa thẻ từ cho nhân viên thu phí thì trên bảng điện tử hiện lên con số "265km" và phí phải trả là 265 tệ. Hướng dẫn viên giải thích: "Phí giao thông quả là cao hơn 4000 VNĐ/km nhưng ngược lại xe được đi với tốc độ cao, không bị vướng, tắc, không tai nạn...".
Còn ai không muốn "lục tốn" thì đi theo hệ thống đường cao tốc cũ. Chả bao giờ có kiểu thu phí đầu đường như ở ta, vừa cản trở giao thông, vừa tính không chính xác, gây nên thất thoát.

Biểu tượng
Ở cửa vào Nam Ninh thấy biểu tượng của 12 cánh hoa dâm bụt như 12 cánh buồm (tượng trưng cho 12 dân tộc của Quảng Tây) vươn trên đồi cao. Đây là loài hoa đặc trưng của riêng Nam Ninh, tương tự như quế hoa ở Quế Lâm, hoa phượng đỏ ở Hải Phòng hay hoa sữa ở Hà Nội(!!!). Ban đêm hệ thống đèn sẽ chiếu sáng rực các sắc màu, gây ấn tượng mạnh cho khách các tỉnh khi về thăm Nam Ninh. Kế đó là khu đô thị mới với hàng chục cao ốc, quy hoạch gọn, đẹp, hịên đại. Ở Nam Ninh không cho phép xây nhà tư nhân. Ai muốn xây villa thì về ngoại ô. Còn công thự nào cũng nguy nga, hoành tráng.

Cái vỗ tay của các nhà lãnh đạo Trung Hoa
Côn Minh được gọi là thành phố hoa còn Nam Ninh là thành phố xanh. Dọc 2 bên đường khắp nơi là màu xanh của cây. Nghe nói tới 50% diện tích thành phố được phủ xanh. Dân tộc Đại đạo là con đường lớn với 6 làn xe, chạy qua cả khu Đại triển lãm đang tổ chức "Hội chợ quốc tế Trung Quốc - Asian lần 4". Thủ tướng ta cũng sang dự. Mấy hôm trước các nguyên thủ có về Dương Sóc đánh golf nên công an dẹp đường suốt. Tổng lãnh sự ta cũng nằm trên lộ này.
Đối diện với công viên Dung Hồ là bức tranh lớn cao 10m, dài đến 50m, có hình ảnh 3 vị lãnh tụ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Ba ông đang vỗ tay với 3 kiểu tay khác nhau. Mao Chủ tịch vỗ tay hơi khép - biểu thị cho sự "thống nhất giang sơn", Đặng Tiểu Bình có kiểu vỗ tay "đổi mới", còn Giang thì vỗ 2 bàn tay rộng mở - biểu thị của sự "mở cửa" của nước Trung Hoa mới.

Cái gì của họ cũng hoành tráng. Đại Hán mà!

TRONG CÁI RỦI VẪN GẶP MAY

Đòan ta với gần 100 thầy trò thăm lại Quế Lâm lần này thật hoành tráng! Điểm hẹn các đòan k4-k5, k7, k3 là cổng Trường Y Trung vào 9g sáng này 26/10. Những ngày này Quế Lâm ngào ngạt hương hoa quế. Còn Y Trung thì tưng bừng trong không khí lễ hội. Trống giong cờ xí rợp trời.
Trong chuyến đi này vui thật là vui nhưng cũng có những rủi ro mà cái rủi lớn nhất là Nam Tiến k5 bị nhồi máu cơ tim. Nhưng khi nhìn lại sự việc thì ai cũng nói trong cái rủi ấy ta vẫn gặp may.

Cái may thứ nhất: Trong đòan có bác sĩ Trung Y
Trọng Thịnh là dân Trường Bé công tác ở Bệnh viện Thống nhất TpHCM. Chúng tôi hay gặp nhau trong sinh họat của Hội Hữu nghị Việt-Trung. Nghe tin Trường Trỗi tổ chức đi Quế Lâm, Thịnh cũng xin đi ké về thăm chốn cũ. Tôi OK ngay vì "thêm bạn bớt thù" là đặc tính của chúng ta. Vậy mà hắn còn kì nèo cho 2 chị em Trương Mỹ Hoa đi cùng. Thịnh vốn học Trung Y ở Bắc Kinh nên tiếng Hoa "hơi bị dài".
Chiều 26/10, khi xe từ Phong Khẩu quay về cổng Y Trung cũ (nhìn ra phía bãi tha ma xưa) thì thấy sắc mặt Nam Tiến tái dại, môi thâm sì, Thịnh chạy đi tìm mua thuốc cấp cứu. Uống vào mà người vẫn tóat mồ hôi, không thấy bệnh tình biến chuyển, Thịnh trao đổi rồi bắt taxi chở Tiến cùng Đôn Hà đi viện. Thật là may vì có Thịnh. Hắn đã trao đổi trực tiếp với bác sĩ Trung Quốc để biết rõ phương án xử lí. Sau khi Tiến tạm ổn, tới 12g đêm chúng tôi về khách sạn. Chưa nóng chỗ thì Dũng báo về "khó qua khỏi đêm nay". Vậy là Thịnh lại cùng anh em trở lại bệnh viện. Hắn lên ngay gặp bác sĩ trực. May mà điều đó không xảy ra.
Thịnh đúng là một bác sĩ đầy trách nhiệm và lương tâm. Tha si uomén hảo pấngjẩu!

Cái may thứ hai: Chúng ta có những người bạn tốt
Chị Niệm đang liên hoan với đòan k7 của Khắc Việt thì được tin dữ. Sau khi đón đòan đi 2 sông 4 hồ về, chị tới thẳng bệnh viện. Bạn yêu cầu qua cơn nguy kịch rồi, muốn chữa trị phải kí quỹ. Tôi móc túi đưa ra 200EU thì cô bác sĩ (người nhỏ nhắn, xinh xắn) lắc đầu, 300USD của Việt Dũng cũng vậy. Chả ngại ngần, chị Niệm gọi điện về nhà cho cháu Việt Hoa mang ra 3000 tệ. Lúc ấy đã 11g khuya. Có tiền là có thuốc. Bên đó người ta nguyên tắc như thế đấy.
Nghe tin bạn Trỗi gặp nạn, bà hiệu trưởng cùng ông hiệu phó sau khi xong xuôi công việc ở trường đã đến thăm và cẩn thận dặn lại: Nếu có khó khăn cần tác động của thành phố thì báo họ. Cô Ngân (cùng thầy Chi Phan và Khắc Việt đến thăm) đã rút ví lấy 170USD đưa Dũng. Thật là đáng quý!
Sáng sau, khi đòan k7 xuất phát, 2 chiến sĩ "kháng Mỹ viện Việt" (bạn của Cao "tư lệnh" từ Quảng Đông về gặp các bạn Việt Nam) tới chia tay. Anh em thu gom được 2000 tệ gửi qua 2 bạn đưa cho tôi. Cảm động hơn khi thấy Cao "tư lệnh" móc túi ra đưa 800 tệ cho Dũng và nói: "Chỉ cần 200 là đủ để về Phật Sơn rồi. Mày cầm 800 này mà dùng khi ở lại chăm Tiến. Chiều nay tao vào thăm nó".
Sáng 27/10, vào chia tay Tiến. Sờ xuống chân thấy còn lạnh. Tiến lắp bắp: "Đêm qua ngủ chập chờn, tao mơ gặp Dũng". "Dũng nào? Con mày á?" (vì tôi nào có biết tên còn traiTiến). "Không, Võ Dũng". Nghe Tiến nói mà tôi lạnh cả gáy. Nó nhắc đến liệt sĩ Võ Dũng. Chả lẽ... ? Chả dám nói ai, lỡ mà... Chính vì vậy mà tôi bị stress(!) tới tận Liễu Châu. (Chuyện sẽ kể sau).
Trưa 27/10, lại phải phiền cháu Việt Hoa ra viện thay để chú Thịnh về check out, kịp đi Liễu Châu. Còn cháu Kiệt, hướng dẫn viên của Cty du lịch Công đòan Quảng Tây, những ngày qua thực sự là người bạn tốt cùng với "cán bộ đường lối" (tài xế) - người đuợc Hoa và Phong (2 hướng dẫn viên "nối chuyến" của Kiệt, cùng với tôi tạo thành nhóm Hoa-Quốc-Phong!) gọi là "sư phụ". Suốt đêm đầu tiên, Kiệt đã thức trắng. Nay Kiệt vẫn ở lại Quế Lâm cùng Dũng chăm lo cho Tiến.

Cái may thứ ba: Chúng ta thực sự là những bạn tốt của Nam Tiến
Không đưa ra điều này thì ai cũng biết nhưng cũng xin cứ tổng kết. Đi du lịch thì chỉ mang vừa đủ tiền, nhưng vừa nghe bạn gặp nạn, mỗi người một chân một tay góp được một số không nhỏ. Hiện nay Lê Bình có trong tay danh sách đóng góp và sẽ thông báo lên mạng cho anh em hay.
Ngòai ra, quỹ đòan k4-k5 - sau khi chi bữa ăn tối ở Liễu Châu (400 tệ) và bữa trưa ở Nam Ninh (800 tệ) - còn lại 500 tệ cũng đuợc "sung công" để gửi cho Nam Tiến.

Túm lại là chúng ta đã có 5 ngày 4 đêm sống ở "đồn Mang Cá" thật là đẹp!
(Tin sáng nay từ Quế Lâm: Nam Tiến đã ăn đựơc cháo thịt, sức khỏe khá hơn. Chị Niệm đã thuê nhà gần bệnh viện cho Dũng.
Tôi cũng đã chuyển lời cảm ơn của anh em tới chị Niệm, anh Cao và các bạn Quế Lâm).

Ảnh:
- Bệnh viện Nhân dân Quế Lâm nằm trên Pinjang lộ gần núi Con Voi (Xíang pí shan).
- Hai mẹ con chị Lư Mỹ Niệm cùng anh Thắng (em trai) đến khách sạn Kinh Quế Tân đô (trên Trung Sơn Nam lộ) chia tay đòan.

Thứ Ba, tháng 10 30, 2007

Quế Lâm, chuyện đi

Đi thăm lại Quế Lâm. Rõ ràng trước khi thăm thì phải đi. Vậy thì chuyện đi có gì hay?

Ngay từ cửa khẩu có thể thấy hai cửa hầm lớn. Đó là điểm cuối của xa lộ Nam Ninh - Hữu Nghị Quan (HNQ) được khánh thành vào 1/1/2006, dài khoảng gần 200km. Hành trình từ cửa khẩu HNQ đến Quế Lâm sẽ đi trên hai xa lộ: Nam Ninh - HNQ và đoạn Nam Ninh - Quế Lâm của xa lộ Quế Hải 600km nối Quế Lâm với thành phố Bắc Hải nằm giữa đảo Hải Nam với Móng Cái. Nhờ thế toàn tuyến HNQ-Quế Lâm đã được nối bằng xa lộ có tốc độ chạy xe tối đa cho phép là 120km/h.

Cấu trúc xa lộ giống xương cá. Xa lộ là xương sống, các lối rẽ là xương sườn. Tất cả các lối rẽ đều có trạm thu phí. Hai đầu của xa lộ được nối vào đường vành đai của thành phố, ở đó cũng có trạm thu phí. Nếu không có gì đặc biệt (như cứu nạn) phải mở các lối thông hai chiều đường thì trên xa lộ xe chỉ có thể chạy theo một chiều giữa hai trạm thu phí bất kì nhờ những con đường giao nhau khác mức. Cấu trúc đó tạo thành hệ thống đường-đóng có thể rất quen thuộc với các bạn đã từng sống ở nước ngoài. Nhưng ở VN chưa hề có hệ thống nào giống như vậy. Hệ thống đường đóng có ưu điểm kiểm soát tất cả mọi phương tiện tham gia giao thông và tính phí theo số km đi trên đường. Trên xa lộ của TQ chỉ có các loại xe ôtô được phép chạy. Ảnh trên là một chiều đường có hai làn xe.
Như vậy các chủ xe có thể lựa chọn đi theo xa lộ có trả phí hoặc đi theo đường không trả phí với chất lượng chắc chắn kém hơn. Gần như hai bên xa lộ được rào kín để tránh gia súc đi qua đường, và trồng hoa. Trên thực tế suốt mấy ngày đi đường chúng tôi chưa hề thấy một con gia súc nào bên ngoài hàng rào, chưa nói là bên trong hoặc trên mặt đường. Cùng với hệ thống cọc tiêu và dải thép hộ lan là các cột điện thoại gọi cứu cấp theo số 12122.

Mặt xa lộ làm trước đây được trải bằng bê tông có xẻ rãnh tăng ma sát. Các đoạn đường mới như HNQ-Nam Ninh chủ yếu trải bê tông at-phan. Theo các chuyên gia xây dựng có mặt trong đoàn thì đường trải at-phan có tính chất cơ lí tốt cho xe chạy hơn (độ bám, phẳng, ít hao mòn lốp, ...) Thế mà trước đây tôi tưởng là bê tông xi măng tốt hơn.

Hệ thống "cơm tù" của TQ cũng rất tốt. So với chuyến đi năm 2003 từ Quế Lâm về Nam Ninh thì các trạm dừng hiện nay trên xa lộ được xây dựng khang trang hơn nhiều, với khoảng cách hợp lí để gần như khi nào có nhu cầu giải lao, vệ sinh, ăn uống đều có trạm dừng sẵn sàng phục vụ.
Đoạn HNQ-Nam Ninh mật độ xe đi thưa nhưng các trạm dừng vẫn đầy đủ, vì thế chúng rất ít khách. Đoạn Nam Ninh-Quế Lâm lưu thông tấp nập hơn nhưng không có trạm dừng nào bị quá tải. Tất cả các xe dừng nghỉ đều vào bãi đỗ.
Ở đây có trạm xăng, dịch vụ kĩ thuật, cửa hàng bán đồ ăn nhẹ và đồ khô, chỗ ngồi ăn đồ mua tại chỗ hoặc mang theo tuỳ thích.
Đặc biệt các trạm dừng còn có các dụng cụ tập thể dục để lái xe, hành khách tập cho thoải mái sau một thời gian ngồi một trạng thái. Các dụng cụ này được các quý bà trong đoàn đặc biệt thích thú. Bà Trần Hà k4 đang kéo dãn lưng, bà Chí Quang k4 đang chao eo, bà Mạnh Dũng k4 và bà Mẫn k5 đang đạp cột, bà Xuyên k5 đang chờ đến lượt nâng tạ bản thân.
Các quý ông thì quan tâm hơn đến ăn uống, hút thuốc, li lái và xem bản đồ. Toilet, sân bãi của trạm dừng sạch sẽ, được chăm lo chu đáo, nói chung là không chê vào đâu được.
Gớm, đây là chỗ nào mà mía trồng hai bên đường tới tận chân trời. Có một điểm đặc biệt là xa lộ của TQ cách xa vùng dân cư tới mức đi hàng trăm cây số mà không thấy bóng nhà cửa làng mạc ở đâu. Mía trồng nhiều như vậy tất nhiên họ cũng phải ở đâu đó trong vùng, nhưng chắc là rất xa.

Giao nhau khác mức được áp dụng 100% trên xa lộ và khá phổ biến ở các đô thị. Quế Lâm là thành phố nhỏ nên giao nhau khác mức thường là đường hầm. Ở các thành phố lớn hơn mà chúng tôi có dịp tham quan như Liễu Châu hay Nam Ninh thì chúng là cả một hệ thống có khi chồng lên nhau tới ba tầng.
Ở Nam Ninh, đoàn nghỉ ăn trước khi về cửa khẩu tại nhà hàng Ngọc Trai. Trước nhà hàng là một hệ thống đường trên cao có tổng chiều dài 10km, được làm trong 7 tháng. Minh Sơn k5 nói 4 tháng trước đây có đến nhà hàng này, khi đó ở đây chưa có đám cầu-đường này.

Một hệ thống đường sá như thế thì cầu cống cũng phải tương ứng. Nhưng có gì để nói về cầu của xa lộ, chả có gì cả vì chúng đồng bộ rồi. Điều dễ nhận thấy nhất về cầu là ở các đô thị. Có lẽ TQ đã phát triển đến mức đưa nghệ thuật vào ngành cầu.
Chúng ta có ai nhớ cầu Giải Phóng duy nhất bắc qua sông Li ngày xưa như thế nào. Bây giờ nó là đây, với bốn làn xe chạy. Về phía hạ lưu, ngay gần trường Y Trung cũ có cầu Li Giang mới xây dựng sau này. Một thành phố cỡ triệu dân ở hai bên bờ sông thì hai cây cầu như vậy là quá thoải mái. Nhưng vào giờ cao điểm thì việc qua được cầu cũng tốn khá nhiều thời gian. Một trong những lí do làm chúng tôi chậm giờ chuyến Hai Sông Bốn Hồ là chậm xe trên cầu Giải Phóng.
Quế Lâm có hai sông bốn hồ nối thông với nhau. Bốn hồ tuy đã đào thông với nhau thành một nhưng vẫn là bốn vì truyền thống. Bốn hồ nối thông với sông mà vẫn là hồ vì chúng không đồng mức.
Hai điểm đào thông hồ với sông là hai âu thuyền để duy trì mức nước hồ cao hơn nước sông khoảng 3m khi chúng tôi đi chuyến tham quan.
Trong vùng hai sông bốn hồ này mật độ cầu dầy đặc là nơi phô diễn cảm hứng của các nhà thiết kế.
Gầm cầu ở VN mình gợi lên cảm giác bần cùng thì ở đây, trong vùng du lịch, người ta có thể thưởng ngoạn một chút xíu nào cảm giác vơ-ni-dơ với nước sông mấp mé mặt đường, phù điêu trên tường, tranh "gầm cầu" trang trí.
Một điểm nghệ-thuật-cầu nữa là về đêm tất cả các cầu ở khu đô thị đều được trang trí đèn mầu, đèn chiếu để làm cho nó có giá trị không chỉ để đi. Ngay ở Liễu Châu, một thành phố công nghiệp với khoảng chục đường sắt cụt trên bản đồ (biểu thị của các cơ sở sản xuất lớn vận chuyển nguyên liệu/hàng hoá bằng đường sắt), hầu như vắng bóng khách du lịch, các cầu qua sông Liễu cũng được kết đèn lung linh.
Khi bóng đêm nhạt dần, những cây cầu công viên trong sương sớm hiện lên mộc mạc như tranh thuỷ mạc. Giống người phụ nữ, son phấn cho vẻ đẹp rực rỡ và chân quê cho sự bình lặng dịu dàng.

Cuối cùng của chuyện đi. Ấy là tại sao tôi chọn phương án Ta-Ba-Lô. Người ta bảo là đi theo tua mệt lắm. Đi nhiều nơi, thăm nhiều thắng cảnh mà giá lại rẻ. Thế thì họ phải tìm cách thu lại bằng cách khác, mà một trong số đó là hoa hồng cửa tiệm. Đi nhiều nơi thì phải "cưỡi ngựa xem hoa". Tóm lại nếu muốn chuyến đi có thu hoạch riêng tư thì ba-lô là lựa chọn đúng. Tôi hài lòng vì đã đi theo cách này. Chỉ buồn một nỗi thỉnh thoảng lại phải kéo theo nhiều rơ-mooc có quyền biểu quyết nên thời gian đi "ăn lẻ" cũng bị hao hụt.

Thứ Hai, tháng 10 29, 2007

Quế Lâm, chuyến đi "phong thuỷ"

Không biết phải diễn đạt như thế nào cho đúng, tạm dùng từ phong thuỷ để gọi chuyến đi này. Có lẽ ngày giờ xuất phát không hợp nên một số thành viên đã cho là xui. Một loạt các sự kiện không mong muốn xảy ra:

1. Đoàn lên cửa khẩu, làm thủ tục xuất nhập cảnh sang TQ. Chờ rất lâu để được hướng dẫn viên du lịch TQ đón ra ngoài. Hoá ra phía TQ thực hiện quy định mới không cho hướng dẫn viên đưa khách vào tới khu vực cửa khẩu. Công ty du lịch hai bên để "thủng" đoạn này nên đoàn khách chúng tôi bị chờ.

2. Một thành viên trong đoàn bị sót hồ sơ gốc khi làm thủ tục nhập cảnh TQ. Vì thế sau khi cho tạm nhập cảnh, thành viên đó phải chờ phía TQ hoàn tất thủ tục dựa trên hồ sơ gốc mới bổ sung. Vì thế cả đoàn bị chậm thêm khoảng 2 giờ đồng hồ ở Bằng Tường.

3. Sáng ngày thứ 3 của chuyến đi, trọng tâm hoạt động "ngoại giao nhân dân". Mấy cái bia đá sẽ đặt tại cây trồng ở Y Trung và trường Kỹ thuật Hàng không đã chuẩn bị sẵn bị quên trong phòng của một thành viên. Mi gọi thì tau không mở (ngủ xỉn), khi tau mở thì mi đi mất rồi. Quá trình đồng bộ khá lâu, cuối cùng cũng có bia mang đi nhưng xuýt muộn giờ hẹn của Y Trung.

4. Chiều ngày thứ 3, sau gần một ngày "ngoại giao" bận rộn, Nam Tiến bị cấp cứu. (Bổ sung) Buổi tối vì mấy lí do khách quan và chủ quan mà đoàn 16 người đi thăm "hai sông bốn hồ" bị chậm giờ. Phải đóng thêm khoảng 15% giá gốc (145 Tệ) để được đi suất chót, chưa kể phiền hà và tốn phí di chuyển. Bắt đầu hoang tin "đoàn ta ra ngõ gặp ... chân dài".

5. Sáng ngày thứ 4 của chuyến đi, mọi người lo mua quà chuẩn bị về nước. Thanh Minh bị mất hết tiền và giấy tờ tuỳ thân, trừ Giấy Thông Hành XNC. Hai thành viên khác cũng bị kẻ cắp lấy mất ví nhưng không mất giấy tuỳ thân nên đỡ nghiêm trọng hơn. Khẳng định "chân hơi bị dài".

6. Chiều ngày thứ 4 đoàn về đến Liễu Châu, K.Quốc phát hiện mất va li sau khi đã kéo vào khách sạn. Các biện pháp tìm kiếm đều không có hiệu quả. Một chút sức ép tâm lí cho mọi người trong đoàn. Phái "phong thuỷ" sẵn sàng chờ đón điều không mong muốn tiếp theo.

7. Sáng ngày thứ 5 trước khi rời Liễu Châu, va li của K.Quốc được tìm thấy một cách bất ngờ, giải toả hệ luỵ tâm lí không đáng có ở mọi người trong đoàn.

Bây giờ chuyến đi tạm coi là kết thúc. Không biết có phong thuỷ gì ở đây không. Phái "tâm linh" bảo là có, người khác bảo "nhân nào quả nấy". Chả dám kết luận, chỉ kể chuyện chán ra để sau không phải nhắc lại trong các bài khác.

Chủ Nhật, tháng 10 28, 2007

Quế Lâm đây, Quế Lâm sốt dẻo đây!

Đọc hết 20 lời góp của mọi người, tiếc là đã không có cơ hội vào mạng để "tường thuật tại chỗ". Không phải không có quán net nhưng mà phải tận dụng thời gian nên bây giờ mới có tin cho mọi người.
Đoàn đã về nhà, với hai thành viên còn ở lại. Nam Tiến k5 bị nhồi máu cơ tim chiều ngày 26, cấp cứu kịp thời, hiện còn nằm trong Bệnh viện Nhân Dân Quế Lâm. Việt Dũng k5 ở lại "yểm trợ". Tin cuối cùng chiều nay tôi nghe K.Quốc phổ biến là gia đình Nam Tiến đã sang tới nơi. Tình hình Nam Tiến đã khá hơn, bệnh viện cho biết nếu tiếp tục tiến triển tốt có thể ra viện trong một vài ngày tới. Ai làm ngành du lịch nên rút kinh nghiệm khi làm tua cho các bác già nên mua bảo hiểm cao hơn bình thường phù hợp với xác suất có việc.
Trong đoàn có không ít người tham gia viết cho trang tin này và các trang khác Trỗi khác. Mọi người chắc sẽ được biết nhiều trong nay mai.
Là người vào mạng sớm nhất, có lẽ, thay mặt các thành viên trong đoàn cám ơn mọi người đã có lời chúc và mong mỏi kết quả chuyến đi của chúng tôi. Tôi hi vọng tin tức, chuyện kể của mọi người sẽ thoả mãn mong đợi của các bạn.

Thứ Bảy, tháng 10 27, 2007

Thông báo của Dương Minh

1- Khổ quá, cũng được mời quyền post lên blog nhưng lười quá vẫn chưa làm được. Bởi vậy có tin mới, nhờ ai đó (Quí nhẽo, Quang xèng hay Vinhnq) chịu khó chuyển từ lời góp thành tin chính thức:
Ông Bà: Văn Công Phước - Lê Thanh Hà
và Ông Bà: Lê Văn Vinh - Nguyễn Thị Mãnh
Trân trọng báo tin Lễ thành hôn của 2 cháu:
- Văn Hòai Thu (Trưởng Nữ)
- Lê Hòang Lộc (Út Nam)
Được tổ chức:
- Vào lúc 17h00, ngày Thứ Sáu 02/11/2007
- Tại Nhà hàng Hoa Sứ 1 (Lầu 1)
18 Hòang Diệu - P.4 - Q.TB - Tp.HCM

Hơn 10 giờ tối qua hai vợ chồng Phước đến đưa thiệp mời. Phước thông báo đã chuyển thiệp cho anh em và rất mong anh em hiện diện để mừng cho gia đình và các cháu, đồng thời cũng là dịp anh em hội ngộ.

2- HH muốn về luôn, nhưng phải làm lại từ đầu với lưng vốn cũng rất hạn chế. Để vui được trọn vẹn, với HH sẽ nhiều cam go đấy! Tôi cũng chỉ biết phân tích để HH lường hết khó khăn và chia sẻ với HH mà thôi.
DMinh

Thứ Ba, tháng 10 23, 2007

Lên đường

Mươi tiếng nữa mới thực sự lên đường. Nhưng với trang tin Bạn Trỗi thì bây giờ là lúc tạm biệt. Có lẽ trong thời gian ở Quế Lâm cũng có lúc tôi sẽ vào mạng, cũng có thể đưa tin, không hẹn trước được.
Tôi và anh bạn cùng cơ quan sẽ đi theo kiểu lọ mọ. Thắng cảnh có xem cả tuần chắc cũng chả hết. Vậy thì ta đi, thắng cảnh xen lẫn các chuyến di chuyển bình dân và thông dụng để có thể cảm nhận một phần nào cuộc sống xã hội ở đó.
Xin chào, hẹn sẽ xuất hiện sớm.

21/10, bên lề cuộc gặp mặt

Không thể nói cuộc gặp ngày 21 vừa rồi giống các cuộc gặp khác, trong rất nhiều năm. Không chỉ bởi con số 47 bạn k4 có mặt, gấp rưỡi so với 3 cuộc gặp trước đó. Mà còn do lần này có nhiều bạn lần đầu xuất hiện. Ngọc Quảng lần đầu gần như với tất cả mọi người; Mạnh Lảnh là với hội ngoài Bắc; Chí Dân rất lâu nhưng thực ra vẫn đâu đó, "nay về với ta (thơ Bút Tre)", ...
Riêng với tôi cuộc gặp này có được từng ấy bạn mang tình thân của những ngày xa xưa đến với nhau, thật là vui, không còn mong gì hơn thế từ các bạn. Cuộc sống khi biết tức là chúng ta phần nào hiểu được tình cảm lớn lao hơn nhiều dành cho nhau của các bậc sinh thành, những người đồng đội trong chiến tranh cách mạng. Chúng ta chỉ mới cùng được "sinh ra trong khói lửa ... bếp" mà đã thân tình. Quá khứ mà chúng ta soi bóng vào mỗi lần gặp nhau bao giờ cũng rất là lung linh lắm. Cám ơn tất cả các bạn.
Cũng chính là trong tâm trạng đó khi nhóm chúng tôi đến Nhà khách Hồ Côn Sơn, gặp Lê Văn Đạo vừa tới trước rồi Vũ Thắng và Ngọc Tuấn đến ngay sau, liền rủ nhau sang Đa Cóc.
Trừ Vũ Thắng và Chí Quang "dân" Phao Sơn thì còn lại đều là "lính" Quân Chính ở Đa Cóc.
Cứ nói là con đường ngày xưa từ Đa Cóc sang Côn Sơn đã được làm nhựa. Thực ra nếu cứ theo cụ Lỗ Tấn thì có đi mãi từ hồi đó tới giờ cũng chả thành đường. Con đường nhựa bây giờ lượn vòng qua eo núi không thể là lối vài lần hành quân bộ đi tuột, cắt qua dãy núi Côn Sơn "cỏ cây chen đá".
Đi theo con đường trục trong làng. Tháng 7 mùa hè năm 68 nắng chói chang con đường này, và cả thửa đất bên cạnh, vẫn "trộn lẫn bóng tre và bóng nắng". Bây giờ không còn cây tre nào che phủ. Thay vào đó là những tán vải vươn ra từ trong vườn. Còn nhớ những đêm trực ban đại đội, đi đốc gác các trung đội, cắp khẩu CKC đã dương lê ra phía trước mà mặt thì ngửa lên trời lấy hướng đi từ dáng tre quen. Vì có thấy gì dưới đất.
Tương Lai và Ngọc Tuấn đã rủ nhau đi mất hút. LV.Đạo liên tục gọi điện hỏi "nhà cũ mình ở là nhà nào". Quay lại ngã ba rẽ ra sân hợp tác trước đây, lối đi đến "hội trường" ở nhà ông Chới. Hoá ra bọn chúng đứng đây hỏi chuyện đồng bào. "Các cụ thời các anh ở đây giờ mất hết rồi. Ông Chới chuyển ra Quảng Ninh, còn sống thì cũng phải hơn trăm. Chỉ còn con cháu các cụ thôi, khi nào có dịp mời các anh về chơi".
Hơn 10 giờ, bọn đến sau đang réo gọi "ban tổ chức" trốn đi đâu. Đúng là cả ba thằng có mặt trong chuyến đặt tiệc đều đang ở bên này. Khi vào làng qua nhà chị Tâm thấy Thanh bọ, Dân chuột và Truyền méo đã đang ngồi ở đấy tự bao giờ.
Thời gian ít quá, chào bà con, chúng tôi đi đây. Nghe nói ông Thụ còn sống gần đây, ông Nhiên rỗ ở đâu cơ, chả biết còn không. Thanh Minh thì nhớ ngày đó ở trung đội ông Lệ (?). Một thoáng qua đây chắc còn đọng lại trong tâm trí, nhất là Ngọc Tuấn và LV.Đạo, những kẻ lần đầu. Chả biết chúng có định quay lại tìm đến tận nhà. Trông tướng thì dám lắm.
Sao cái trò quay lại quá khứ lại có điều thú vị thế nhỉ. Chỉ có mỗi câu trả lời: bác già rồi ạ!

Thứ Hai, tháng 10 22, 2007

21/10, họp k4 Ngày Truyền Thống

Như đã định hôm nay k4 tổ chức gặp mặt hàng năm. Chúng tôi cố tình họp chậm một tuần để có thêm các anh ở xa về kịp. Mà chỉ có mặt 3 anh trong Nam ra, vẫn còn thiếu Phú Hoà ở Séc không về được, và một loạt các anh, chị ở Hà Nội vì lí do sức khoẻ hoặc bận việc không thể dự. Như Việt Hồng, Vũ Hùng, Công Minh, Mạnh Dũng, ... các bạn nữ thì từ các "cốt cán" Tuyết Mai, Hạnh Phúc cho tới các bạn còn lại đều bận hoặc ... chưa sẵn sàng hội nhập.
Thế nhưng cuộc gặp này vẫn đạt con số kỉ lục 47 bạn có mặt. Trong đó có 3 bạn ở TP HCM ra là Hà Chí Quang, Nguyễn Thanh Minh và Trần Mạnh Lảnh. (Lấy ảnh tại Ảnh Gốc k4).
Trước khi vào họp mọi người tập trung chụp ảnh. Ngoài 47 Trỗi k4 còn có 2 k3 (Phi Hùng, Khải), con gái Lê Đại Cương, con trai Trần Hoà Bình, một k9 cùng với các phu nhân của các anh Chí Quang, Hùng Thanh và Phạm Ngọc Quảng.
Buổi họp bị một số anh "chê" là nói dài quá mà nhậu ngắn quá. Thì bao giờ chả thế, một năm gặp một lần đông đủ, ngồi vào bàn rồi nói chuyện như "tằm ăn rỗi", nói dài một tí cho các bạn sót cái này nghe cái kia, may ra dính lại tí trong đầu. Cũng chỉ là chuyện thêm bạn này mất bạn kia, hiếu hỉ, sức khoẻ, ... Bầu lại Ban LL mới, tình hình cũng giống như Chí Quang kể ở trong Nam, anh em đòi "y như cũ". Đúng là đại tiện, nếu người ta đã thoả mãn rồi thì chả còn muốn thay đổi. Mà nếu Thanh "bọ" có đưa ra một danh sách khác thì cũng ... vỗ tay. Cuối cùng thì Hồ Trương (không có mặt), Việt Thắng, Quốc Khánh được "vỗ" vào Ban LL, không có đề xuất người thay nên Cát Thịnh và H.Thành cũng bị "vỗ" vào luôn.
Sau mấy việc đó, cuộc họp chuyển sang gặp gỡ nói chuyện tự do đồng thời với góp quỹ. Lê Đại Cương lại giúp anh em thu tiền quỹ. Tất nhiên là lúc này thì "chai lọ" cũng được mang ra dùng.
Phạm Ngọc Quảng sau 40 năm hoàn cảnh đặc biệt "lặn có bình dưỡng khí", tâm sự chân tình khi bây giờ đã có thể gặp gỡ anh em, rồi đóng góp tới 1/2 tiền quỹ đợt này.
Đại biểu miền Nam, anh Thanh Minh, phát biểu hoan nghênh cách tổ chức đi xa họp như thế này. Thực ra về đến nhà rồi mới thấy đáng lí khi giải tán nói anh em vào tham quan khu di tích chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, thắp mấy nén hương thì mới hết giá trị của chuyến đi. Có lẽ no say nói chuyện chán chê rồi thì ai cũng háo hức ... ra về. Thôi thì chuyến này cũng như một sự giới thiệu, bạn nào thích sau trở lại vãng cảnh cũng chưa muộn.
Được anh em đề nghị, Minh Cường hát bài gì dòng "tự sự". Đại Cương chê buồn ngủ quá, đưa đây tao hát cho. Hoá ra hắn hát "xẩm" bằng bài "Huế Thương". Đến những đoạn lên cao trào da diết của "xẩm ca" thì tiền rơi ào ào vào mũ của "xẩm thu tiền" Phước Bình. Đủ các loại tiền lẻ cho tới tiền chẵn, thấy anh em cười đã đủ đau bụng thì chúng thôi, cũng được một mớ kha khá.
Tan cuộc mọi người lại cùng nhau chụp ảnh. Ban thu tiền quỹ đếm sơ được khoảng 23 triệu Đồng, thanh toán liên hoan quãng 6 triệu chưa tính tiền xe chung.
Mọi người vui vẻ ra về. Thực ra cũng còn những điều mà vì có các thành phần khác không tiện nói ra. Ấy là khi cùng nhau ở chỗ có người không phải là bạn Trỗi thì đừng "hồn nhiên" nói tục, nói đệm và các chuyện làm cho người ta (và cả anh em) giật mình. Còn chuyện đến cuộc gặp mặt bạn bè như thế này mà dở bài tá lả ra chơi với nhau thì thật "hết biết". Thà là đến thì đừng chơi mà chơi thì đừng đến, tôi đã nói với một bạn "có liên quan" như thế. k4 gặp mặt không có cái thứ văn minh đó.

Chủ Nhật, tháng 10 21, 2007

Chiều thu...

Cả đòan đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vậy phải cố mà đi vì thực ra là người Hà Nội mà phọt phẹt đến Văn Miếu cũng chưa bao giờ bước chân qua cổng(!!!). Khi vào thăm rồi thì có thể nói là trên cả tuyệt vời!!! Đây nơi trưng bày bia hàng nghìn tiến sĩ, kia là gác Khuê Văn nơi hiền tài vừa uống trà vừa vịnh thơ văn, xa hơn là trường đại học đầu tiên cách nay cả thế kỷ với cái trống to nhất đông nam Á và to thứ nhì thế giới, thăm nơi thờ phụng các đời vua nhà Lý, nhà Lê... Bản chất là, từ xa xưa ông cha ta rất tôn trọng người tài và rất quan tâm đến giáo dục.

Chiều k5 hẹn họp mặt tại bia hơi Hải "xồm" Nguyễn Đình Chiểu. Từ Văn Miếu kêu xe "dân biểu" phi về nơi hẹn. May là đựơc đi qua hồ Văn Chương nơi nửa thế kỷ truớc khi đuợc nghỉ học là bọn nhóc lại rủ nhau mò ra bơi lội. Anh em k3 có Cảnh Nghĩa, Hoàng Giang, Cường, Hồ Phước Khải, k4 - Từ Ngữ, Trần Lảnh, còn lại là k5, k9 tới k10 - quân số đến cả "một tiểu đoàn"(!). Vui vì sắp đi xa, vui vì sắp về với Quế Lâm thân yêu!

Hơn 9g mới rủ nhau đi uống rượu tận "ghếch" (ga Hàng Cỏ). Vui, say. Muộn rồi, "đổ nhiều dầu mà không có củi đốt", cần phải nhét cái gì vào bụng. Gọi taxi về phở Nguyễn Du - thấy đóng cửa. Quay ra Ngô Thì Nhậm phải chờ tới 20' mới "có gì". Đêm về khách sạn - no, say và ngủ ngon.

1g20 ngả lưng. Một ngày quá là hay!!!

Thứ Bảy, tháng 10 20, 2007

CUỐI TUẦN NÓI CHUYỆN TRÊN TRỜI


Cuối cùng thì EU cũng bàn giao được chiếc A380 đầu tiên cho Singapor Airlines(AS).Theo đơn đặt hàng của AS thì chiếc A380 này có 471 chỗ ngồi và mỗi hành khách có một TV riêng. Chỉ thương các cô cậu 9X nhà ta từ nay nếu có dịp đi trên chiếc máy bay này thì cũng không có dịp chọn kênh VT3 để xem „Nhật ký Vàng Anh „nữa!.

Viêc sản xuất Airbus cũng lắm chụyện lình sình. Công nhân hàng không Đức phải đình công để giữ 10.000 chỗ làm việc, nếu không những chỗ làm việc này sẽ chuyển qua Pháp hoặc Tây Ban Nha , nơi mà theo tính toán, giá thành sẽ rẻ hơn. Trong quá trình sản xuất người ta lại phát hiện ra trục trặc trong hệ thống kỹ thuật. Các vị trong hội đồng quản trị biết rõ chuyện này nhưng ỉm đi và tuồn hết cổ phiếu của mình ra bán . Một năm sau cổ phiếu của Airbus sụt và vị ít nhất cũng kiếm được hơn 400.000 euro từ sự khôn lỏi này. Tuy vậy việc này chẳng thể qua mặt nổi các nhà điều tra. Chắc chắn Ủy ban kiểm tra EU sẽ sớm làm sáng tỏ vụ việc mặc dù có vị đã chuyển sang công tác khác. Trắng đen còn phải đợi nhưng giới luật sư lại vớ được một mớ tiền. Ở một siêu dự án như thế này khi mà quyền lợi giữa các cá nhân ,các quốc gia và các châu lục không phải lúc nào cũng đồng nhất thì những chuyện lình sình như thế chắc cũng còn dài dài. Những kẻ say sưa khiếu kiện như Thích Quảng Độ nếu được tham gia sán xuất Airbus thì chắc là có nhiều đất để dụng võ.

Như vậy là chiếc A380 đầu tiên đã được bàn giao chậm 18 tháng. Sang năm theo kế hoạch thì sẽ bàn giao 13 chiếc nữa. Danh sách đặt hàng đã lên 189 chiếc. Tuy vậy ,theo tính toán phải đến chiếc thứ 421 mới có lãi. Nghe đến doanh thu của dự án chắc rằng nhiều người phải toát mồ hôi. Đằng sau siêu dự án này người ta thấy rõ khát vọng muốn được cân bằng với đất nước siêu cường bên kia đại dương của các nhà tài phiệt, các nhà chính trị ,người dân thường và của cả một châu lục. Ở đâu không có những khát vọng"trên trời " như thế thì ở đó người ta hay nói đến những chuyện „dưới đất“ như kiểu „Nhật ký Vàng Anh“.

TRƯA THU HÀ THÀNH

Đã nói về sáng chẳng lẽ không nói cảm xúc khi trưa về?
Hẹn gặp truởng đòan Dũng k5 thì được giao nhiệm vụ đi thăm thầy Nguyễn Phong. Thầy ốm nên không đi Quế Lâm được lần này. Thầy trò gặp nhau tỉ thứ chuyện. Đặc biệt thầy mới tìm lại được cuốn nhật ký có ghi lại nơi chôn cất Lưu Dũng ngày 21/2/1968: "Đi đưa đám em Lưu Dũng chết... Chôn trên đường đi Dương Sóc, cách trung tâm Quế Lâm gần 20km trên một quả đồi...". Hơn nữa thầy chính là nhân chứng, khi đó làm ở Giáo vụ trường và được bác Quỳnh giao nhiệm vụ giao dịch với Sở về vụ này. Vậy là mình và nhiều bạn nhớ nhầm Dũng chôn cùng Nguyễn Văn Hòa và Hoàng Châu Linh gần Phong Khẩu(!). Man mác buồn nhưng lại lóe ra ý định mới: sẽ chính thức đặt vấn đề với Sở Ngọai vụ Quế Lâm về việc tìm mộ bạn.
Thầy còn cho xem ảnh họp mặt k5 ở Hà Nội, tại khách sạn Quân đội hôm chủ nhật tháng 9/2007. Thiện Nhân (ngồi giữa "bánh mì kẹp thịt" bởi Nguyễn Thị Mẫn và một bạn hói đầu) gặp mặt anh em k5 sau ngày nhậm chức. Phê bình anh em k5 phía bắc chẳng chịu cập nhật thông tin này lên mạng! (Ảnh đựơc chụp lại nên chất lượng hơi xấu, nhưng cũng đủ để nhận mặt anh tài!).

Rời nhà thầy lúc sắp qua Ngọ. Nắng, nắng nhưng trời lại mát dịu. Cảm giác như có thể nhìn thấy đuợc cả giọt nắng. Lâu lắm mới được hưởng điều kì diệu này! Lạ lắm, vì ở trong kia đang quen với tiết trời nắng nhưng nóng. Nóng gắt. Còn nắng thu Hà Nội như thế thì làm sao không nhớ quay nhớ quắt được?! (Ảnh trước Nhà hát Lớn và khách sạn Hilton Hà Nội).

Lần nào ra cũng tạt qua Café 11 Lê Phụng Hiểu của Thắng "ngớ" - lính k6 "tuột xích". Thăm bạn cũ và chí ít cũng là dịp để tưởng nhớ tới cựu Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Trần Duy Hưng. Caféteria này là nơi tụ bạ của các doanh nhân, dân 36 phố phường và lính Trỗi... Thắng đi vắng. Tuy vậy cũng không bỏ lỡ cơ hội xơi một bát phở bò cay, quà sáng đặc sản của quán. Rời quán, vội ghi lại vài pô để Quang "xèng", Qúy "xồm" và các bạn Leipzig thấy được "sở giao dịch" của thằng bạn già.

Về khách sạn check mail thì nhận được thư Cao "tư lệnh". Ngày 24/10, anh sẽ có mặt tại Quế Lâm, sẵn sàng đón chúng ta.

Trưa thu Hà Thành như thế thì làm sao không đẹp?
(Lê Thanh hỏi thu nay có khác xưa không á? Cảnh vật Hà Nội nay khác xưa nhiều, mất đi nhiều những cái gì của ngày xưa, nhiều nhà cao to hơn nhưng cũng lộn xộn hơn... Còn bạn ta ngày xưa thì nay già đi; nhưng vì có bạn, vì có nhiều người thân mà ta thấy xao xuyến khi thu - mùa đẹp nhất trong năm - về. Và vì thế mà thấy yêu Hà Nội đến nao lòng! Chắc bạn đã cảm thông cho những thằng bạn tha hương?!).

Sáng Thu Hà Nội



Có thói quen đi bộ sớm, sáng nay sau khi viết và post bài lên mạng đã là 5g30, vội dời khách sạn chạy ra Bờ Hồ. Mấy ngày ra đây nghỉ ở khách sạn Bảo Khánh, ngay sau Tòa sọan Báo Nhân dân.
Trời mát, mặt hồ lãng đãng sương, mặt trời chưa lên. Dân Hà Nội dậy sớm, đang bách bộ, tập thể dục quanh hồ. Khách du lịch ba-lô người đang giở bản đồ tìm đường đi, cặp ngồi ghế đá ngáp dài sau một đêm đi bụi... Một vòng quanh hồ đủ để gặp lại Tháp Rùa, Bút Tháp, Thủy Tọa, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, rồi "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh"... những cái tên quen thuộc, thân thiết. Còn nhớ ai đó đã tả cầu Thê Húc sơn son, cong cong vắt trên mặt hồ như nét vẽ của cặp chân mày nàng thiếu nữ(?). Hà Nội mùa Thu thật đẹp, nhất là quanh Hồ Gươm!
Khi trở về vòng qua ngõ Bảo Khánh. Nhớ thời bao cấp, nhiều bạn từng đến đây xếp hàng mua gạo theo sổ bìa C. Nay hầu như mọi nhà đều trở thành rest, cafeteria hay hotel. Đã thấy Tây ba-lô ngồi nhâm nhi café và gặm bánh mì sandwich. Hà Nội ta đang làm du lịch nhân dân!

Về phòng mở mail thì nhận được thư Quang xèng và chị Niệm. Anh em nhớ: Khi sang Quế Lâm do đi theo nhiều đòan nên cần "chập" với nhau để thống nhất hành động. Khi qua biên giới nên mua ngay simcard và nối nhau qua chị Niệm (CQ: 0086 773 2972224, DĐ: 0086 131 005950066).

Lướt qua blog Út Trỗi biết tin Hồ Thăng Long k8 mất chiều hôm qua sau một cơn đột quỵ. Buồn! Sẽ sắp xếp đến viếng em.

Kim đồng hồ vừa chỉ qua con số 7!

Không vui sao được?

Vui quá đi chứ, Ba Chai!
Trưa qua 12g30 "hạ thổ". Chả là "mùa lày nhà lông nhàn dỗi", tranh thủ cho anh em thăm Hà Lội và Hạ Nong. Thật ra cả đời nhiều người đây là lần đầu được ra Hà Nội thăm Lăng Bác.
Năm nào cũng vài lần ra nhưng lần nào cũng có những cảm giác lâng lâng khó tả. Máy bay đang hạ cánh là nhận ngay ra "đất quen" Hương Canh, Phúc Yên Đa Phúc... (Mòn chân trên dải này những 20 năm chứ ít à!). Khi lên xe được cháu guide đưa cho list tour, đọc các điểm sẽ tới thăm ở Hà Thành là thấy "cay cay sống mũi"! Hoa sữa ở sân bay cũng đã tỏa hương... Trời âm u, se lạnh. Mùa đẹp nhất trong năm. Thu đấy!
Anh em từ Sài Thành ra thì quá là hồ hởi, hẹn nhau đi thưởng thức thịt chó Nhật Tân. Trên đường về, bác tài tâm lí cho đi đường đê, lướt qua để biết thế nào là "Liên hiệp các xí nghiệp thịt chó". Thịt ngon mà không có bạn hiền thì vứt nên phải gọi ngay cho GM và DMĐ hẹn độ.
GM phi đến ngay khách sạn vì đang là ngày cuối tuần (thứ 6? mà lại vừa từ Vĩnh Yên đi đám cưới con bạn về). Chưa đến bữa nên phải tạt qua trường DMĐ uống "nháp" với cán bộ, giáo viên khoa Dân sự nhân 5 năm thành lập. "Nờ sứt" DMĐ thì lúc nào cũng "cổ họng thép": uống đi điên và hát như điên, khó ai theo kịp. Xong xuôi đã là 6g, trời xẩm tối, gió mát lạnh, phóng từ Láng Hạ lên đường Thanh Niên ra bờ đê Nhật Tân, nay gọi là đường Âu Cơ.
Điểm hẹn là quán Tú Béo. (Chứ không phải Anh Tú 1, 2, 3...). Mới ngày mùng 9 nên các quán thịt chó chưa đông. Thế cũng là may vì được phục vụ chu đáo. Cách ngồi duy nhất và dân dã nhất là "bệt trên sàn gỗ" thưởng thức. Tiết trời lành lạnh làm anh em nghĩ tới nỗi khổ những lần đi xơi "cầy tơ 7 món" ở trong nam, trời nóng quá phải ăn thịt chó chấm mắm tôm trong nhà hàng máy lạnh(!). Ăn xong quần áo tòan mùi chó, ra đường chó sống cứ tưởng là đồng bọn nên bám theo suốt(!). Thịt chó Tú Béo thật ngon, đủ 7 món như Thanh Minh từng tả. Cứ từ từ hết đĩa này đến đĩa khác. Dĩ nhiên phải có "mồi" là rượu quê. Mà rượu đã vào thì nhời phải ra và hạt nhân là GM "người không uốn đượt ít diệu"(!). Chuỵện nào cũng hay, anh em nhiều người nằm vật ra sàn mà cười mà khen. Riêng GM khiêm tốn "cô nhắc": "Tớ chỉ là 1 trong 100 hay 1000 thằng bạn hay của sếp các cậu. Có khen thì khen cả đời!".
Ai đó uống vào nghêu ngao "Emơi, Hà Nội chó, ta còn em...".

Chuyện được coi là hay nhất của "Cái mồm vàng tòan quân":
Ở ta tại các quán nhậu về dê có món Ngẩu pín rất ngon và bổ. Không hiểu "cái ấy" ở quán nhậu chuyên về bò hay trâu thì thế nào?
Còn tương tự như Hội Chọi trâu ở Đồ Sơn thì ở Tây-bán-nhà cũng có trò chơi thể thao mạo hiểm truyền thống "đấu bò tót". Một bò một người với kiếm và khăn đỏ, cứ thế mà chiến - húc và đâm. Sau khi chú bò bị lừa, bị đâm nhiều mũi mất máu đến qụy thì thịt cũng được xẻ ra bán cho các quán nhậu quanh đấu trường. Và "cái đó" cũng được chế thành món ngon nhất tương tự Ngẩu pín "thập tòan đại bổ". Mà đã là ngẩu pín của bò (mà lại là bò tót!) thì quên đi, "u-lan-ba-to" phải biết! Khách tứ xứ nghe tin đã đổ dồn về đây và Tây-bán-nhà trở thành trung tâm du lịch của Châu Âu. Không tin cứ mua tour thì biết!
Có một lần, khách vào gọi Ngẩu pín nhưng nhà hàng mang ra ngẩu quá nhỏ. Khách vùng vằng bỏ đi: "Tôi không trả tiền. Các ông lừa tôi. Vì sao nhỏ thế?".
Nhà hàng: "Sorry bác, vì hôm nay thằng chết không phải là bò!".

PS: Toàn bộ chi tiết đã được Sơn Trường (Chủ tịch Công đòan Cty) ghi hình và giữ bản quyền.

Tình yêu ngựa vằn

Có con ngựa đua về nhất, được thưởng phép đi chơi chủ nhật. Lúc nó trở về trại, đồng bọn ngựa hỏi cưa được em nào chưa. Nó bực tức trả lời: "Gặp một em tên là Zebra, thích mắt lắm, mà em cũng khoái tớ. Dẫn nhau đi thuê chuồng rồi. Mà chả kịp làm gì cả. Mất tiêu cả buổi tối không sao tốc được bộ váy sọc của nàng!"
Chúc cả nhà cuối tuần dzui dzẻ.
BaChai

Thứ Năm, tháng 10 18, 2007

KẾ HỌACH NGÀY 26/10

Tin mới nhận từ Quế Lâm

KẾ HOẠCH KỶ NIỆM LẦN THỨ 70

NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG TRUNG HỌC SỐ 1 QUẾ LÂM

1 . Đơn vị tố chức: Trường Trung học số 1 Quế Lâm.

2 . Đơn vị phối hợp tố chức: Cty TNHH trang phục lễ nghi Thái Thương Quế Lâm.

3 . Thời gian tổ chức : từ 9 giờ 28’ đến 22 giờ 28’ ngày 26-10-2007

4 . Địa diểm tổ chức : Sân vận động trường Trung học số 1 Quế Lâm

5 . Lịch trình hoạt động :

1) Buổi sáng : hoàn thành công việc kiểm tra các thiết bị và công việc trước 7giờ 40’

2) 8 giờ 10’ : Bắt đầu vào sân vận động

3) 9 giờ 10’ : Khách quý vào sân vận động

4) 9 giờ 18’ : Buổi lễ chính thức khai mạc

- Lễ chào cờ , hát quốc ca:

Dẫn chương trình Trường Bạch sẽ mời ông Lâm Thế Hậu phó bí thư trường lên tuyên bố.

Toàn thể mọi người đứng lên làm lễ chào cờ.

- Lễ đánh chuông: Dẫn chương trình mời ông Liễu Tỉnh Đan lên giảng giải về lịch sử của chiếc chuông lớn, sau đó mời khách đánh chuông.

- Lễ chào cờ trường, bài ca truyền thống của trường được vang lên cùng dàn nhạc, pháo hoa và quả cầu ngũ sắc bay lên .

6 . Lãnh đạo, khách mời phát biểu:

1) Bà Hoàng Đan phó thị trưởng lên phát biểu.

2) Ông Chung cục trưởng Cục giáo dục phát biểu.

3) Bà Tiêu hiệu trưởng phát biểu.

4) Bà Lâm Quan Hoa cựu học sinh phát biểu.

5) Khách quý Việt Nam phát biểu.

7 . Lễ quyên tặng: Tấu 2 bài hát “ Vui vẻ tiến hành ” và “ Việt Nam - Trung Hoa”.

8 . 10 giờ 20’ : biểu diễn văn nghệ - Chủ đề “Lời cảm ơn từ trái tim”.

9 . 11 giờ: Lễ khánh thành và thăm quan Bảo tàng lịch sử của trường.

10 . 12 giờ: Kết thúc.

11 . Buổi chiều Đoàn đại biểu cựu học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi đến thăm trường cũ - Trường Hàng Không, các cựu học sinh hoạt động tự do.

12 . 19giờ30’ đến 23giờ30’: Liên hoan văn nghệ.

Thứ Tư, tháng 10 17, 2007



Họp mặt nhân ngày thành lập trường
tại Leipzig CHLB Đức


Tôi dám đoan chắc rằng : Chiếc bánh sinh nhật mà các bạn nhìn thấy ở đây là chiếc bánh "Độc nhất vô nhị" ( chí ít là cho đến hôm nay ) của trường Nguyễn Văn Trỗi. Tác giả của chiếc bánh này là Trương Chí Hòa, Út Trỗi C11-K8. Hòa đã đặt hết tình cảm của một "lính Trỗi" để tạo nên chiếc bánh kỉ niệm lần thứ 42 ngày thành lập trường. Chiếc bánh có hình thức đẹp, chất lượng tuyệt hảo
đã làm tăng thêm vẻ long trọng của buổi gặp mặt nhân ngày thành lập trường lần thứ 42 của "Lính Trỗi" Leipzig . Buổi họp mặt được tổ chức tại nhà Chí Hòa, do Chí Hoà chủ trì và cũng chủ chi luôn, mấy thằng mặt "dừ" không phải "lệ quyên" như anh em ở nhà.Sướng quá.
Leipzig, thứ bẩy 13.10.2007, mới sáng bảnh mắt đã thấy Quí nhẽo fôn đến : " Này Quang xèng, tối nay mấy giờ thì gặp mặt ở nhà Chí Hòa?". Hôm qua thì Võ Hùng, cũng với giọng hồ hởi : " Ngày mai anh em mình mấy giờ có mặt ở nhà Chí Hòa?". Fôn đi fôn lại hẹn hò đến nhà Chí Hòa để họp mặt nhân ngày thành lập trường ta mà vui như tết. Lẽ ra nhóm Trỗi đang sinh sống tại Berlin cũng có mặt, nhưng đến phút chót Đức Dũng K5 fôn đến báo tin không đến được vì tối thứ 7 phải ra sân bay đón con gái đi thực tập ở Hàn Quốc về. Còn Chính "còi" K5, Quân Chính K6 cũng "trục trặc kĩ thuật" nên không thể có mặt. Hơi buồn, vì thiếu đại diện của mấy khóa. Bù lại, sự có mặt của các "bà xã" ( K9 ) và các cháu ( Trỗi con, tạm gọi K10, "tài sản" quí giá nhất mà chúng tôi đã "tích cóp" được trong thời gian ở Đức ) đã làm cho bầu không khí thêm phần vui vẻ.
Đúng 19 giờ chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại nhà Chí Hòa. Vừa bước vào phòng khách, đập ngay vào mắt chúng tôi là bức ảnh B5 K8 được chủ nhà phóng to và treo ở vị trí trang trọng nhất. Ngắm nhìn bức ảnh, các bà xã trầm trồ : "Hồi đấy trông các anh chị măng tơ quá, dễ thương thật. Mới tí tuổi đầu đã phải xa bố mẹ, gia đình sang tận Trung Quốc sống tự lập ". Tôi thầm nghĩ : Thế là còn sướng đấy các " mẹ" ạ. Hồi bọn tôi ở rừng Đại Từ Thái nguyên còn "kinh" hơn nhiều.
Sau một hồi hàn huyên về những kỉ niệm "lớn,bé" trong trường Trỗi, chúng tôi lại chuyển đề tài về các thầy cô giáo trường ta. Chí Hòa đặc biệt có nhiều kỉ niệm về thầy Trọng ( giáo viên Văn ) đã kể cho chúng tôi nghe về những giờ văn học lí thú của thầy. Võ Hùng hồ hởi thông báo : "Sáng nay xem chương trình truyền hình VTV4 thấy phóng sự Tranh Phạm Lực, thấy cả các anh Kiến Quốc, Phan Nam...hay quá. Không ngờ thầy Lực lại là một họa sĩ tài hoa và nổi tiếng cả trong và ngoài nước vậy". Thật tự hào khi mình đã từng được thầy dạy cho cách "cầm cọ". Chúng tôi lại tranh nhau nói, cả mấy bà xã cũng vậy. Chả là, tôi và Quí nhẽo mỗi thằng "sưu tầm" được 2 bức tranh của thầy Lực , nên mấy "mẹ" nhảy vô "theo đóm ăn tàn" bình luận về đề tài này âu cũng là chuyện dễ hiểu. các bức tranh mà tôi và Quí có được là do Đoàn Khánh hồi năm 1996 về nước chơi, đến thăm thầy và được thầy tặng cho mấy bức làm kỉ niệm. Sang đây, để chia sẻ tình cảm của thầy với chúng tôi nên Khánh đã ưu tiên tặng lại cho tôi và Quí, mỗi thằng hai bức.
Hết chuyện này kéo sang chuyện khác, hết đề tài này chuyển sang đề tài khác, tưởng như buổi họp mặt không có điểm dừng...Thật lí thú và bổ ích. Cám ơn chủ nhà Chí Hoà, chúng tôi ra về với vẻ mặt đầy "viên mãn".

Ngôi sao vàng ở nghĩa trang Văn Giáp.




Hồi đầu năm nay,được về phép VN.Thời gian cũng chẳng nhiều nhặn gì.Tôi cố gắng dành ra 5 ngày vào TP Hồ Chí Minh và từ đây tôi sẽ bay đi luôn.Từ HN tôi đã báo cho K.Quốc ,D.Minh và P.Nam kế hoạch như vậy.
Hai ngày sau khi đến SG,D.Minh ,K.Quốc đến đón tôi đi thăm mộ anh Trỗi.Có con trai của D.Minh đang du học ở Singapor về nghỉ hè cũng đi cùng.Sau giải phóng,tôi có 3 năm công tác tại sân bay TSN. Lúc đó tôi có một chiêc xe Suduki. Chiếc xe này có lợi thế là chạy được xăng máy bay P40 .Một thanh niên chưa vợ lại chạy xe không mất tiền xăng thì thử hỏi còn ngóc ngách nào ở thành phố này mà tôi không biết? Thế nhưng một phần vì thời gian đã quá lâu nhưng chủ yếu là do thành phố đã thay đổi quá nhiều , nên ngồi trên xe tôi không thể phân biệt được phương hướng. Chỉ biết để vào được nghĩa trang Văn Giáp phải rẽ vào một con đường rất nhỏ. Vào đến nghĩa trang ,xuống xe đi vài bước KQ và DM đã chỉ cho tôi ngôi sao vàng trên mộ anh. Nhìn thấy ngôi sao thì ta có thể dễ dàng tìm thấy mộ anh. Mộ anh vô cung bình dị ,lẫn vào với những ngôi mộ xung quanh.Nó giản dị đến nao lòng. Ngôi sao vàng làm bằng xi măng trông cũng rất mộc mạc, nhưng đặc biệt trông màu vàng của nó rất rực rỡ dưới nắng chiều. Tôi đứng yên lặng nhìn mãi vao ngôi sao trên mộ anh. Ước gì được nhìn thấy anh! Ước gì được nói chuyện với anh! Anh đã cho hết và bây giờ anh nằm đây yên lặng.Thắp hương cho anh xong,chúng tôi sang thắp hương cho song thân chị Quyên.
Trên dường về chúng tôi ghé vào nhà anh Dũng ,chị Quyên. Ngôi nhà của anh chị rất đẹp và sạch sẽ gọn gàng. Chị Quyên ,anh Dũng đều không có nhà nhưng rất may chị giúp việc nhận ra người nhà nên mở cửa cho chúng tôi vào. Tất cả chúng tôi lên bàn thờ thắp hương cho anh .
Trong gian thờ đập vào mắt tôi là một bức chân dung của anh. K.Quốc bảo đây là do một họa sỹ Cu Ba vẽ. Người họa sỹ này chắc khi vẽ như luôn hình dung anh đang đứng trước mặt nên trông bức tranh sinh động lạ thường.
Không đợi được chị Quyên ,chúng tôi đành phải ra về. Vào đến thành phố lại tắc đường. Tôi chào các bạn và xuống xe, nhảy xe ôm về nhà. Bệnh viện ,trường học, sàn giao dịch chứng khoán, đường xá…chỗ nào cũng tháy quá tải. Thành phố như một chàng trai đang lớn lên từng ngày, tất cả các áo đều quá chật. Tôi chưa từng biết đến thành phố nào lại nhiều sức sống như thành phố này. Mặc dù vẫn thuộc vào các nước nghèo nhưng người dân VN luôn trong TOP những cư dân cảm thấy hạnh phúc nhất. Có lẽ dân nước ta là người cảm nhận được sâu sắc nhất niềm vui sướng được tự mình giải quyết các vấn đề của chính mình. Tối hôm ấy ngồi cùng Toàn Thắng ở một quán nhà Rường ven sông, ngắm sông Sài Gòn trong bóng đêm, tôi thầm cảm ơn tất cả các bạn đã cho tôi những giây phút thoát khỏi đời thường để nghĩ về những điều cao thượng.
Giỗ anh năm nay, tôi đã nhìn lên trời để hy vọng được nhìn thấy anh. Trong tâm tưởng của tôi ,hình ảnh Anh luôn rực rỡ dưới ánh sao vàng.

KHỞI ĐỘNG CÙNG... TOUR QUẾ LÂM

Mấy hôm nay chả thấy ai comment gì cả. Hơi xỉu! Hay vì bận rộn chuẩn bị cho chuyến du hí Gúi Lỉn, hay hồi hộp vì sắp tụ bạ ở Đa Cóc, Phao Sơn (chiến trường xưa) vào chủ nhật tới?
Thôi thì thử khuấy động, ai chọc được gì thì chọc...

Vợ: Anh lúc nào cũng vậy, chỉ bóp ở trên... làm em bực cả mình!

Chồng: Em nhìn lại nhá... tối hôm qua anh vừa nặn, vừa bóp từ dưới lên trên đấy thôi...
Vợ: Sao bây giờ ở trên nó xẹp lép thế này, còn ở dưới thì phình to ra?
Chồng: Em nói nhiều quá. Ðưa đây anh bóp lại cho.
Vợ: Thôi, để em tự bóp. Mai mua t... t... uýp đánh răng khác đi nhé!

"Mây chiều" bạn ở phương xa


Theo đề nghị của Dương Minh, BBT xin post ảnh thầy Trọng để các bạn ngắm "dung nhan" thầy. Đó là đầu năm 2005 khi Cao "tư lệnh" vào TpHCM, tìm gặp anh em Trỗi. Anh Cao có nguyện vọng được đi Vũng Tàu thăm thầy Hồng Tuyến và anh em ta. Tôi và thầy Trọng tháp tùng đoàn.

Ảnh được chụp tại nhà Ngô Phúc Chiến k5. Mọi người đang chuyền tay nhau xem mấy chục tấm ảnh hồi ta ở Y Trung mà Cao còn giữ được. Đúng là bộ ảnh quý!

Từ phải qua: thầy Trọng, Thắng vợ Chiến, Phúc Chiến, giáo sư Đỗ Kiếm Tuyên (Quế Lâm sang), thầy Hồng Tuyến, Cao "tư lệnh", Xuân Lăng k3.

Đó là hình ảnh cách đây 2 năm. Còn nay thầy bị gout. Khi tôi đến thăm, thầy phải chống gậy ra đón. Thầy vừa chủ biên và xuất bản cuốn sách "Nghề báo, Tình người", dày cũng trên nghìn trang như Tập 2 của ta nhưng in khổ to hơn, viết về kỷ niệm của Đại diện Báo QĐND ở phía Nam. Bài vở của dân chuyên nghiệp hẳn phải oách hơn ta rồi! Nghe tin ta có đoàn sắp về lại Quế Lâm, thầy lấy làm tiếc và hẹn lần sau.

Thứ Ba, tháng 10 16, 2007

Giỗ anh Trỗi

Chiều qua, chị Quyên gọi điện thọai mời anh em ta chiều thứ sáu, 19/10/2007, tức mùng 9 ta, đến dự đám giỗ anh Trỗi. Vậy là anh đi đã được 43 năm. Nhanh quá!
Vì nhiều anh em phải ra Hà Nội để đi Quế Lâm nên phần việc được giao cho anh em trong Ban Liên lạc còn ở nhà: Đạt mời anh em k8, Dương Minh bàn giao cho Dũng Sô mời anh em k4, Phan Nam mời k5. Tóm lại ta đi khỏang chục người.
Ngày hôm qua thông tin cũng đã được chị Quyên xác nhận: Ngay sau khi hy sinh, cuối năm 1964, anh Trỗi được TW Mặt trận GPMN VN truy tặng Huân chương Thành đồng và danh hiệu Anh hùng LLVT GPMN.
Nay thông báo cùng anh em!

Thứ Bảy, tháng 10 13, 2007

Giải Nobel 2007 qua cái nhìn của một người bán rau

Giải Nobel 2007 về Hóa thuộc về môt giáo sư người Đức ở Berlin.1/2Giải Vật lý thuộc về giáo sư Gruynberg ,làm việc tại viên nghiên cứu Julie. Không có phát minh của ông thì trên chiếc bàn chật chội, đầy chai lọ của Quốc Dũng không thể có chỗ để đặt vừa một cái máy tính cá nhân liền với màn hình mà ta gọi là Laptop. Và các cô cậu thanh niên cũng không thể nào vừa bát phố vừa nghe nhạc MP3. Giáo sư Gruynberg là một người rất khiêm tốn, đại đa số người Đức không biết ông là ai. Mặc dù ông sưu tập các giải thưởng khoa học như người ta sưu tập tem. Chỉ đến khi biết tin được Nobel ông mới tiết lộ:“Đây cũng là một giải thưởng mà tôi muốn có !“.Giáo sư học đại học ở Đức ,nghiên cứu ở ngay tại thành phố quê mình, thế mà hưởng lợi trực tiếp các thành quả của ông lại là nước Mỹ. Chắc cả nước Đức hùng mạnh phải ngậm ngùi, nuối tiếc khi thấy nước Mỹ gây ra cơn đại cuồng phong Ipod trên toàn thế giới.
Hầu hết các báo Đức đều đưa tin chi tiết về một tình tiết rất nhỏ trong lý lịch của Doris Lessing-nữ văn sỹ người Anh, được giaỉ Nobel văn chương năm nay-: chồng thứ hai của bà là anh em với mẹ của Gysi, thủ lĩnh của Đảng SED (tiền thân của nó lả Đảng Công nhân xã hội thống nhất Đức). Kể ra thì giữa bà và Gysi không có liên quan trực hệ, nhưng chắc báo chí làm thế vì cũng muốn vớt vát có“ yếu tố Đức“ trong cả giải văn chương. Thật ra nếu nghĩ như thế là hơi vơ vào nhưng mà lại đúng luật. Cũng may cho nước Đức vì bà chưa kịp lấy đời chồng thứ ba! (Năm nay bà 88 tuổi).
Sau một số việc làm nghiêm túc, hội đồng xét giải Nobel của Hoàng gia Thụy Điển như muốn chứng minh rằng mình cũng có máu khôi hài nên trao1/2 giải Nobel Hòa bình năm nay cho cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore vì những hoạt động tích cực của ông này trong việc bảo vệ môi trường. Nhà triệu phú có chân trong Google và Apel này cũng là người duy nhất cho đến nay được nhận 2 giải Nobel và Oscar cùng một lúc.

Chúc mừng Ngày Truyền thống

Hôm nay các bạn Trỗi ở miền Nam và Lép-zic có các cuộc gặp thân mật nhân ngày truyền thống của trường Trỗi chúng ta.
Thay mặt anh chị em k4 Hà Nội xin gửi tới các bạn lời chúc sức khoẻ và tình cảm thân thiết.
Mong lại có dịp đón chào các bạn tại Hà Nội.

Thứ Sáu, tháng 10 12, 2007

Cuối tuần kể chuyện Lê Đại Cương

Đại Cương hay kể chuyện "ngày xưa" bắn rơi máy bay F5 trong chiến dịch HCM. Không phải là không tin, nhưng mà chưa có vật chứng.
Hôm nay anh Tương Lai, trong chương trình khai hoá tin học, đến kiểm tra tiến độ lắp mạng đã được Đại Cương đưa cho bài báo vẫn lưu giữ nhiều năm làm kỉ niệm. Anh T.Lai đã quét ảnh và gửi tôi. Xin giới thiệu cho mọi người xem chung niềm tự hào này.
(Bấm vào ảnh để xem chi tiết)

Thứ Tư, tháng 10 10, 2007

CHUYỆN THẦY, BẠN

Trần Hiếu có nhà rồi!
Đó là câu chào đón chúng tôi khi đến mừng căn hộ mới của NSND Trần Hiếu, thầy Trần Hiếu, anh Trần Hiếu của lính Trỗi. Vợ chồng Chí Quang, Hòai Nam (em Trà) và tôi là những vị khách đầu tiên được gia chủ mời tới căn hộ 503, cao ốc Biên phòng ngay sau chợ Tân Sơn Nhất.
16 năm qua "chiến đấu" ở thành phố nhưng thầy tòan phải đi thuê nhà để ở. "Về đây hơn 1 tuần thấy mình hát hay hơn hẳn, ông ạ!". Nhà 2 mặt tiền, trên cao lộng gió, không mất tiền mua máy lạnh. Từ đây có thể nhìn thấy ga Hàng không mới và có thể nhìn thấy máy bay hạ cánh xuống sân băng. Phải nói căn hộ có view tuyệt vời, nhất là khi đêm xuống hàng vạn ngôi nhà cùng lên đèn.
Cũng nâng lên hạ xuống và bốc phét đủ chuyện. Là ca sĩ được học thầy Tây, tưởng giọng opera đã là nhất, nhưng khi lăn lộn vào cuộc sống, khi đi quét sân, cắp tráp, hầu nước... cho các sư tổ về văn hóa nghệ dân gian thì NSND Trần Hiếu đã tìm ra được những giá trị tuyệt vời của dân ca Quan họ, của hát Mèo, của cải lương Nam bộ... mà không phải đất nước nào cũng có.
Từng đi học, đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, khi đến Pháp được con trai Giáo sư Trần Văn Khê dẫn đi thăm Bảo tàng Nhân chủng học, được xem bộ sưu tập khổng lồ về các lọai nhạc cụ của mỗi dân tộc (ví dụ: sáo trúc có đến hàng ngàn kiểu...), nhưng họ đã trân trọng dành riêng cho đàn bầu Việt Nam trong 1 gian. Phải nói Trần Hiếu cũng xứng đáng là một pho tự điển sống về văn hóa văn nghệ dân gian.
Xin chúc cho thầy với niềm vui mới sẽ hát hay hơn, hát lâu hơn nữa!

Giờ mới hiểu bạn
Cũng trong tiệc, Chí Quang rút ví đưa tôi 200.000đ "nộp" quỹ Trại Nhi đồng. Rồi hắn quay sang với vợ: "Nghe nãy giờ đừng nghĩ là anh hay nói xấu bạn. Chính bạn anh lúc nào cũng đưa chuyện anh chưa nộp tiền lên blog, làm ảnh hưởng danh dự, mất uy tín trong giới... làm ăn". Rồi hắn đưa tờ 10000đ (hình như là tiền đểu vì thiếu dấu "." ở giữa?!) nhờ chuyển 5.000đ cho Đạt "bột" thanh tóan tiền mua dao hải tặc. Tôi thắc mắc: "Thấy Đạt bảo 5,000USD cơ mà? Dao chuyên dụng mua tận Mỹ đấy." thì hắn cười trừ và chêm vào: "Trong đó có thêm 5.000đ tiền xăng xe đấy!".
Sáng nay đi tập qua nhà Đạt. Đứng dưới đường tán chuyện với lên trên thì biết Chí Quang đã alô báo rằng đã trả tiền dao. Vừa nghe xong tôi thoáng buồn. Vậy ra hắn ta không tin mình, đã nhờ chuyển tiền lại còn alô "vu hồi", nghĩ là mình xơi chỗ ấy chắc?
Đúng là "tưởng hắn là đểu giả, hóa ra là đểu thật"! Đến giờ mới hiểu bạn mình!

Thứ Hai, tháng 10 08, 2007

Thông báo họp khoá 4 ngày truyền thống trường Trỗi

Tin mới 19h36 8/10/2007:
Theo qui ước, hàng năm K4 trong Nam họp mặt vào trưa ngày Thứ Bảy gần ngày 15/10 nhất. Năm nay là trưa Thứ Bảy ngày 13/10. Vì DMinh - Trưởng ban liên lạc, đi công tác đột xuất từ 10/10 đến 14/10, nên không thể chủ trì tổ chức cũng như tham dự. BLL K4 đã quyết định và thông báo bằng nhắn tin qua ĐTDĐ: "Mời bạn và gia đình tới dự buổi họp mặt nhân ngày thành lập Trường tại quán Karaoke nhà Phục Quốc, vào lúc 10h30 Thứ Bảy 13/10. Chuyển tiếp". Đề nghị HThành đưa nội dung này thành tin chính thức trên blog để anh em K4 được biết. Mọi chi tiết xin liên lạc với Trung Liêm.
DMinh
--------------------------------------

Hôm nay tại cuộc gặp nhân đám cưới con gái Minh Cường, anh em ta đã thống nhất tổ chức họp khoá 4 vào ngày Chủ Nhật 21/10/2007 tại khu di tích thắng cảnh Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Chương trình:

- Thời gian: 7h sáng 21/10: tập trung tại nhà Vân Hùng (đối diện Viện QY 108, xe máy gửi vào khu giữ xe của Viện) để lên xe đi Côn Sơn. Đến Côn Sơn khoảng 9h-9h30 mọi người tham quan Chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, ngó qua Đa Cóc, ... Trưa ăn cơm ở Khách sạn Công đoàn (hoặc KS Du lịch sẽ tính sau). Sau bữa trưa, mọi người nghỉ ngơi rồi ra về lúc nào thích.

- Nội dung: Ban LL báo cáo tình hình chung (những việc mọi người đều biết rồi), báo cáo thu chi tiền quỹ năm 2006, rút kinh nghiệm các hoạt động chung, bầu Ban LL mới, góp quỹ năm 2007.

- Di chuyển: có một xe chung 35 chỗ do anh Vũ Hoà Bình điều động. Theo kinh nghiệm một xe này là đủ cho tất cả mọi người (các cuộc gặp trước có khoảng 32-34 người).
Tuy nhiên để đề phòng năm nay đi đủ hơn, khuyến khích một vài anh có xe riêng, không ngại tự lái xe thì đi xe của mình và mỗi xe chở thêm vài ba bạn. Ban LL sẽ liên hệ với các bạn này.

- Chi tiêu: bằng tiền quỹ của khoá. Tiền quỹ này một phần từ lợi tức được Ban LL Trường chia cho (chả biết có còn không), một phần do anh em đóng góp tuỳ theo sức của mình.

Vậy xin thông báo để các bạn k4 biết, bố trí thời gian tham dự đông đủ.

CẢM XÚC ĐẦU TUẦN

Sáng thứ hai phi xe lên cơ quan. Nghe chuông điện thọai, mở ra thì nghe giọng Đạt "bột": "Xe em đang đi sau xe anh này...". Nhìn gương chiếu hậu thấy chiếc Land Cruiser của Đạt bám ngay sau. Vì cùng làm may xuất khẩu, chú em rất trách nhiệm thông báo phải cảnh giác với hiện tượng công nhân các xí nghiệp may đang bị kích động tiến hành đình công theo kiểu "đô-mi-nô", xuất phát từ Khu công nghiệp Sóng Thần, Linh Trung... Sớm nay chạy qua nhà nhìn lên thấy Đạt đang "đạp xe" trên gác. Phải nói Đạt rất chịu khó luyện tập, vươn lên mặc dù cách đây tròn năm vừa qua cơn tai biến. Hay hơn, chú ta rất chịu khó viết bài cho Út Trỗi và tay bút ngày càng khá. Đúng như Dương Minh nói: "Họat động Trỗi mà có Đạt tham gia thì chỉ từ yên tâm trở lên!".

Qua Ngã năm Trường Chó (hay Chuồng Chó) đang mở chương trình radio FM phát tiếng Đức thì thấy giới thiệu bài "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao. Nhớ ngay đến anh em k4, nhất là Tòan Thắng trong các buổi hội khóa không bao giờ quên bắt "mơ-duya"cho anh em hát bài này. "Trùng trùng say trong câu hát...". Hay thế cơ chứ, hát mà say mới là điều kì lạ! "Khi đòan quân tiến về là đêm tan dần, như mùa xuân xuống cành...". Lại đến ngày Giải phóng Thủ đô rồi!

Nhắc đến ngày 10/10, chợt nhớ đến Đỗ Tấn Mỹ. Năm nào đúng ngày này, Mỹ cũng mua nải cuối, nén nhang về thắp cho Ngọc "tốt". Nguyễn Văn Ngọc k4-k5 hy sinh ở Thành Vinh đã 39 năm rồi! Khi ấy Ngọc vừa tròn tuổi 18. Đau xót hơn khi chỉ 3 tuần nữa thôi là giặc Mỹ phải dừng ném bom mở rộng mà chỉ ném bom hạn chế từ Đồng Hới trở vào. Đỗ Tấn Mỹ, Tô Văn Hòanh cùng Ngọc là những bạn Trỗi đầu tiên ra chiến trường. Và, chính Tấn Mỹ vừa khóc vừa ôm nửa xác dưới còn lại của Ngọc ra hố bom, tạt nước lên rửa cho sạch đất cát dính trên thi thể của bạn. Những kỉ niệm ấy ấn tượng quá!

Tới văn phòng, check mail thì thấy thư của Trương Chí Hòa k8 gửi về từ Leipzig. Thư thế này:
"Anh Quốc ơi vì sao chưa có địa chỉ các thầy cô ở phía Nam? Anh đừng cười nhé. Có những điều chỉ có người trong cuộc mới biết, có những ám ảnh chưa có câu trả lời mà thầy trò trường mình thì ai cũng đã ở cái tuổi phía bên kia con dốc cuộc đời.
Rất mong Ban biên tập SRTKL cùng các nhóm bạn Trỗi cung cấp thêm cho bạn Trỗi gần xa các thông tin mà mọi người có được, để cùng nhau nhớ về có một ngôi trường, có những "lảo sư hảo", có "ủa" và các "nỉ", từng sống như thế nhưng thật "hấn hảo", phải không? (Pha vài từ tiếng Trung (bồi), mong các thầy cô đừng chê cười nha!).
Thầy cô, các bạn Trỗi sắp có cuộc thăm lại chốn xưa. Thật nhiều cảm xúc. Hãy ghi lại nhé! Đừng quên ghé thăm các bạn còn nằm lại bên đó, trong đó có bạn Hoàng Châu Linh k8 b5. Chúc thầy cô và các bạn Trỗi có một chuyến đi có nhiều kỷ niệm!
Út Trỗi C11, b5, b6 k8 - Trương Chí Hòa".

Quá hay khi ngày đầu tuần có được những cảm xúc tuyệt vời như thế!
(PS: Chí Hòa và các bạn có thể tham khảo danh sách cùng địa chỉ thầy cô ở "bantroi" hoặc "uttroi").

Chủ Nhật, tháng 10 07, 2007

Quế Lâm, Hai Sông Bốn Hồ

Một trong những chuyến thăm (tour) hay được chào ở Quế Lâm là Hai Sông Bốn Hồ (gõ "two-river and four-lake", hoặc "hai sông bốn hồ" trong Google là có kết quả). Một thí dụ trong các chuyến do KS Gui Xing Hotel chào (http://www.guixinghotel.com/en/other.asp?keyno=15) là nó, với giá 149 tệ/người, hoặc được kê trong chuyến của công ti Việt Nam (http://www.webdulich.com/tour_index.php?act=tour_detail&tour_id=2377). Nó là cái gì?

Đó là một thắng cảnh nhân tạo được làm bằng cách đào thông bốn hồ (Dung hồ, Thâm hồ, Mục Long hồ, Quế hồ) với hai sông (sông Ly và sông Hoa Đào). Năm 2003 tôi và K.Quốc đã có dịp đi bộ ở một đoạn hồ. Bờ hồ kè đá giống bờ suối, đá tự nhiên, trồng xen cây, hoa, bia, tượng, ... Nói chung nghệ thuật vườn cảnh mà chúng ta thường thấy ở đây đó vài ba cái nhà vườn sang trọng, thì ở Quế Lâm người ta làm cho cả bốn cái hồ với tổng chu vi cả chục cây số. Vì là nước sông chảy vào rồi lại chảy ra, người ta duy trì mực nước ổn định trong các hồ đó, không để cảnh trơ đáy mùa hạn hoặc tràn bờ mùa lũ (trừ khi lũ to quá).

Có hai cách tham quan Hai Sông Bốn Hồ (là tôi suy đoán).

Cách thứ nhất: tự mình thong thả đi bộ ban ngày qua các hồ này để thưởng lãm cảnh sắc thay đổi của bờ hồ.
Thực ra nếu có thời gian đi ở đây thì chắc cũng thú vị. Lúc rỗi rãi quá chả cần lên Yên Tử cũng có thể tiêu hết một ngày.
Còn dạo qua mỗi hồ một tí thì tuỳ, một tiếng cũng chụp được ảnh đẹp, nếu xem bản đồ, chọn trước chỗ đi. Trong ảnh này có cô dâu mới trở lui. Không kịp chụp lúc họ ở bờ hồ. Cách này thì không tốn tiền.

Cách thứ hai: chi 149 tệ, leo lên thuyền. Đi cách này có lẽ hết một buổi tối, để xem cảnh sắc ban đêm. Nghệ thuật đèn mầu của TQ thì rất là sặc sỡ rồi, và điện thì họ không thiếu. Trong bản đồ kèm theo, đường gạch gạch đỏ là tuyến Hai Sông Bốn Hồ đi thuyền, có một đoạn qua đầu núi Voi, qua mấy núi khác phía trên, chui qua cầu Giải phóng. Đi cách này thì tốn tiền (tương đương 300 nghìn Đ) nhưng lại có cảm nhận khác, mà là đi hết. Đương nhiên là cũng tốn thời gian hơn, ít ra là không chủ động.

Có ít thông tin "tiếp thị du lịch Quế Lâm", để mọi người tham khảo trước khi đi.