Thứ Ba, tháng 7 31, 2007

Ban liên lạc-Bạn là ai

BAN LIÊN LẠC - BẠN LÀ AI


Thật đúng là hết chuyện chơi, trong cảnh mưa rơi chiều tà thế này, chẳng nhớ chuyện gì lại đi nhớ đến BLL- Một dạng tương tư của bệnh già lẩm cẩm.
BLL chúng ta hình thành theo chế độ "dân cử " và hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện. Các bác ấy vui thì việc chạy, trăm họ được nhờ. Các bác ấy buồn mọi việc cũng "xìu xìu ển ển" theo.
Thời gian qua BLL có nhiều hoạt động rất tích cực, đáng nể. Việc đến đâu, các bác "xâu" đến đấy, làm được ối chuyện lớn ngoài dự kiến... Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhờ "nhiệt tình CM" cao? Nhờ công cụ thông tin hiện đại? Nhờ tinh thần trách nhiệm?BLL biết đưa ra chủ trương, chính sách"hợp lòng dân"( ví dụ "dân" thích nhậu thì các bác tổ chức nhậu) .Nói chung trong vai trò "hướng đạo" BLL đã tập hợp, phát động lôi kéo được anh em , khơi dậy được tiềm năng tốt đẹp trong mỗi con người...còn gì nữa nhỉ, xin được miễn luận bàn...
Điều tôi muốn nói không phải là "công tích" của BLL trong các " chiến dịch" vừa rồi ( việc này bên " Thi đua" lo). Ở đây, tôi chỉ muốn trao đổi riêng về Chức năng của BLL Trỗi.
Các bạn thử hình dung. BLL của mình có mấy mống? Nó giống mà cũng chẳng giống bất kỳ con giáp nào trong hệ thống hành chính , đoàn thể của ta;Vậy mà lại làm "tổng hợp" bao chức năng, và làm được mới kinh. Này nhé:
- BLL làm...chức năng liên lạc ? Quá đúng! BLL định hướng cho mọi hoạt động. Chuyên móc ráp, giao lưu anh em trong Trường; thông báo, tổ chức hội hè "vui chơi nhảy múa "cho anh em...
- BLL làm chức năng Công đoàn? Đúng. Ma chay , cưới hỏi , thăm nom phụ huynh ban bè , thày cô,ở đâu cũng thấy các bác xuất hiện.. Các bác ấy bận lắm : bàn này vại bia , góc kia điếu thuốc, xoa đầu con trẻ , thăm hỏi cụ già, cứ tít mù cả lên, khiến tôi hoa cả mắt.. Các bác có phép phân thân?
- BLL làm chức năng "Lao- Thương"? Chuyện này quá rõ, lo chính sách LS, lo chế độ, đó là thời bình. Thời chiến hẳn BLL sẽ làm thêm nữa vế " Động - Binh" còn lại. Nghe rất oách, cứ như Bộ QP, chứ nào phải Bộ "Lao động - Thương binh" phọt phẹt !
- BLL làm công tác ngoại giao? " Ngọai giao ND" và "ngoại giao" trong nước...OK.
- BLL " Khai trí tin học"? Có đấy, chuyện này nó sâu xa lắm, cũng là nhằm cung cấp cho anh em chút vốn lận lưng dưỡng già ...
- BLL làm"Quảng bá du lịch"? Vụ này hơi mới nhưng rất tuyệt. Đầy tiềm năng . Các bác ấy đi ngao du khắp nơi. Giới thiệu lịch sử, đất nước con người VN , nhờ vậy chúng ta được ăn theo,"mở mang tầm mắt". Thực ra các bác ấy kết hợp công việc, thăm viếng anh em các đầu mối, cho ý kiến chỉ đạo... Chính danh gọi là "đi cơ sở".
Còn nhiều việc nữa không thể nói hết ở đây. Mới đơn cử sơ sơ đã thấy chức năng của BLL thật đa dạng, "phủ sóng" khắp nơi. Về cơ bản BLL đã phần nào đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của lính Trỗi.
Chẳng hiểu sao, tôi linh cảm trong tương lai gần, BLL chắc sẽ làm thêm chức năng "Môi giới hôn nhân " cho các cháu . Tôi nói nghiêm túc đấy .Còn gì thú vị bằng chuyện lính Trỗi trở thành Sui gia , dòng máu Trỗi chảy trong huyết quản . Con anh, con tôi trở thành con chúng ta ...Các Bọ có đi nhậu về, tụi con cái cấm có ý kiến, bố chúng nó cả mà !
Rồi chuyện công ăn việc làm cho các cháu ( cái này thuộc chức năng lao- thương), rõ ràng rất nhiều gia đình các bạn đang gặp khó khăn. Cái thiết thực , cái lo toan là thế, mong các bác thấu cho...
Đọc đến đây chắc các bác BLL hãi lắm. Cái nghề ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, quyền rơm vạ đá chả biết thế nào mà lần, đòi hỏi các bác phải tổn bao nhiêu là tâm huyết? Lòng nhiệt tình chắc phải "lấy đấu mà đong" ấy chứ! Thấy các bác làm việc cứ băng băng, làm mà cứ như chơi, chơi mà cứ như làm, hẳn các bác phải bản lĩnh ghê lắm. Anh em tin tưởng .
Còn điều này nữa : Vì sự nghiệp trường Trỗi, các bác chẳng lẻ loi đâu, bài học "dựa vào dân", lại là "dân Trỗi"nữa thì việc gì mà chả thành công!? Mong các bác phát huy.
Tôi thực sự cảm động về cái tâm của các bác. Quý hóa quá.
Tôi "nịnh"các bác thật lòng, các bác cứ yên tâm.
Cám ơn BLL!
Hoan hô Bờ Lờ Lờ!
Thanh Minh

TIN BUỒN

HUỲNH CÚC K8 ĐÃ RA ĐI

Hơn 7 năm lâm trọng bệnh sau một cơn tai biến, Huỳnh Cúc nằm liệt giường và phải sống thực vật. Lúc 1g sớm nay, Cúc đã trút hơi thở cuối cùng.
Tang lễ từ 12g trưa nay, ngày 31/7/2007, tại nhà riêng: Hẻm 491, Trường Chinh (CMT8 cũ, gần Bà Quẹo), Q Tân Bình. Lễ truy điệu: 15g ngày 1/8/2007, sau đó đưa đi hóa thân hoàn vũ.
BLL các khoá tổ chức anh em đi viếng, nếu ai bận có thể sắp xếp đi vào tối nay sau 19g.
Xin chân thành chia buồn cùng vợ con Huỳnh Cúc và đại gia đình các anh Huỳnh Thanh, Huỳnh Hồng, Phạm Bình...!
BLL TpHCM

Thứ Hai, tháng 7 30, 2007

Trang tin k8

k8 mới mở trang tin ở địa chỉ: http://uttroi.blogspot.com/

Tóm tắt Thông báo của Ban LL Trường

Ngày 9/7/2007 Ban LL Trường có Thông báo kết luận cuộc họp về các nội dung:
1. Dự lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Trường Y Trung, Quế Lâm, TQ. (Kết hợp dự lễ và đi du lịch)
2. Làm bia lưu niệm Trường tại Quế Lâm
3. Chuẩn bị kỷ niệm 45 năm Trường Nguyễn Văn Trỗi
Nội dung tóm tắt xem tại đây.
Các bạn xem và tham gia đóng góp cho các nội dung đó.

Gặp mặt Hoàng Quang vào Thứ Tư

Hoàng Quang từ ngày về phải làm cho xong việc lớn là cùng con trai dự hết giải U15. Đến ngày 1/8 thì mới xong. Vì thế cậu có nhờ tôi chuyển lời anh em thông cảm, tuy ra HN hơn một tuần rồi nhưng vẫn lặn mất tăm.
Chúng tôi đã thống nhất từ 17h Thứ Tư, 1/8 anh em sẽ gặp mặt thân mật với Hoàng Quang tại quán bia A15 đường Ngọc Khánh (chỗ cũ quen thuộc rồi).
Các anh em ở xa không dự được thì nhậu trên blog này với Hoàng Quang, vì hắn là một trong những người góp mặt thường xuyên ở đây.

Một cử chỉ đẹp

Hôm Thứ Năm vì phải đón Thắng híp k6 bị xe kia bỏ quên ở Hưng Hoá, chúng tôi có dịp trò chuyện tay đôi. Phải nói thực là đi xe với một tay lắm chuyện mà lại ngấp nghé ... say thì cũng không sướng lắm. Cuối câu chuyện, trước khi cậu lăn ra ngủ thì cũng được biết chiều hôm sau, Thứ Sáu, cậu sẽ cùng chị em Tuấn Quảng và chị em nhà Tường Vân đi Sơn La.
Sớm nay gọi điện cho Châu Nguyên (k4, chị Tuấn Quảng) xem có chuyến đi đó (để thẩm tra sự tỉnh táo của Thắng híp) và có đi không. Châu Nguyên nói có đi, nhưng "chân cẳng tớ thế này đi làm sao được". Chị em Tường Vân cũng có đi thật.
Châu Nguyên nói tôi mới biết Tuấn Quảng tổ chức chuyến này lên thăm gia đình cụ Lò Văn Giá. Gọi là cụ vì nếu còn sống thì đúng là cụ thật. Nhưng sau khi dắt các cụ Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu cắt rừng trốn thoát khỏi nhà tù Sơn La, quay trở về Cụ đã bị địch bắn chết.
Theo lịch thì tối nay các bạn về Hà Nội. Chúc mừng các bạn có một cử chỉ đẹp.
Hữu Thành

Chủ Nhật, tháng 7 29, 2007

NHÂN NGÀY 27/7 NĂM NAY


Bài văn không điểm

- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị không điểm, chưa ba?
Tôi ngạc nhiên:
- Đề bài khó lắm sao?
- Không, cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo". Có đứa bạn còn bảo ba nó không đọc báo, nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.
Tôi thở dài:
- Còn đứa bị không điểm, nó tả thế nào?
- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh. Mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hy sinh từ khi nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba của đứa khác?". Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.
Chuyện của cậu học trò có bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng đã để lại một lòng trung thực.
Theo Nguyễn Quang Sáng
-------
Chuyện này nghe con gái kể lại trên đường đón cháu đi học về. Tôi - như cô giáo - cũng đã sững người. Vậy ra có nhiều điều trong cuộc sống được học từ chính con cái mình.
Chợt nhớ tới 27 LS là lính Trỗi, các bạn ra đi lúc tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Trẻ quá. Và... các bạn không để lại đứa con nào cho đời để, biết đâu đấy, cũng sẽ có những bài văn điểm không!!!

Thứ Sáu, tháng 7 27, 2007

MAI LẠI THỨ BẢY À ?... CƯỜI !

Bình ảnh!

Nhớ cái nhà anh Thanh Minh tháng trước từng dựng chuyên mục này rồi lại cho tắt. Sao dzậy?
Thôi thì nhân việc bạn Quang "xèng" về nước, ta khởi động lại. Mấy hôm nay hắn cứ "con thoi" Hà Nội - Nam Định. Sáng nay, 27/7, cũng lại lên xe đi sớm. Trời hơi sụt sùi mưa nhưng phải xuống xem các cháu tập thế nào để mai đá, nghe nói với U15 Lào.
Nhắc đến chữ "LÀO" làm tôi liên tưởng tới hồi xưa. Hồi xưa... lâu lắm rồi... dễ chừng đến cả "bốn xị" năm, khi bạn Su Đại còn học ở Đại học "Quân sư". Một lần mặt đỏ bừng anh ta xin gặp Chính uỷ Thịnh, góp ý kiến: "Chả hiểu thế nào mà cứ cái gì xấu thì các bác đổ hết cho Lào. Nào là hút thuốc khai mù, rít kêu sòng sọc thì gọi là thuốc lào; bệnh ngứa ngoài da (mà ở bên trong quần!) thì gọi là hắc lào; gió khô nóng ở miền trung gọi là gió lào; bệnh giống đậu mùa lại gọi là bệnh đậu lào... Thậm chí sáng nay, khi ra giếng đánh răng nghe có đồng chí cứ oang oang: "Đ. mẹ "thằng lào" ăn cắp quần đùi ông mới treo ở đây?". Sao lại thế hả Chính ủy?".

Nghe đến đây, mọi người lại chửi "dẫn" gì lâu thế? Lòng vòng?
Xin thưa, xuống đến sân Thiên Trường, anh ta có xem đội U15 Lào đá đâu mà lang thang ngắm phố. Anh chớp được vài kiểu ảnh "hơi bị hay" và lập tức mail về cho tôi. (Hoá ra Nam Định cũng "huyện đội" ra phết, có cả "anh-te-let" ngoài phố cho dân du lịch!).

Nay xin trình làng 1 trong những bức ảnh tạm gọi là hay (tất nhiên còn "diếm" dăm ba cái hay hơn). Mong nhận được những "lời bình" có cánh! (Chứ không phải "cái kia" có cánh! Kiểu mà sinh thời thằng bạn gìa Xuân Thắng hay trêu ông Willfeld - huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia).

VĂN NGHỆ

VÕ ĐẠI TƯỚNG CỨU SỐNG TÁC PHẨM
Kiến Quốc


Nhạc sĩ Tô Hải, sau khi học lớp sáng tác đầu tiên của quân đội năm 1958, đã viết hợp xướng 4 chương “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ”. Tiết mục được trình diễn trong đêm liên hoan kỷ niệm 15 năm QĐNDVN (22-12-1959).
Sau đó vì sự ấu trĩ trong tư duy mà có ý kiến: Trong chương III “Tiếng gọi của quê hương”:
Chiều chiều dừng chân đỉnh non sườn núi
Ngó trông xa xa tận phía chân trời
Quê hương yêu dấu bao người chờ mong
(Nơi quê hương xa xôi ai chờ mong?)
Những đêm trăng rằng, tiếng ca vang lừng
cùng người xa vắng đập lúa dưới trăng…
là uỷ mị, làm giảm sút ý chí chiến đấu của bộ đội. Không cần chỉ thị, quyết định mà mặc nhiên trong các chương trình biểu diễn sau đó, tác phẩm chỉ được biểu diễn chương I và IV.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn rất yêu văn nghệ. Ông từng mời thầy về nhà dạy pi-a-nô và rất thích chơi các bản nhạc cổ điển. Đại tướng không bỏ một chương trình biểu diễn lớn nào của Văn công TCCT.
Năm 1961, khi chuẩn bị Liên hoan văn nghệ toàn quốc, Đoàn TCCT (do đồng chí Lê Đóa chỉ huy) có đưa tác phẩm vào chương trình. Đêm tổng duyệt, Đại tướng đến dự. Sau khi xem, ông hết sức ngạc nhiên, quay sang hỏi cán bộ tuyên huấn: “Tôi nhớ tác phẩm này có 4 chương. Sao lại chỉ biểu diễn 2 chương?”. Khi nghe anh ta giải thích thì Đại tướng lắc đầu: “Tình yêu Tổ quốc của người lính được bắt nguồn từ tình cảm gia đình, từ tình làng xóm, từ tình yêu quê hương. Vì vậy không có vấn đề gì về tư tưởng cả”. Rồi ông đồng ý cho dàn dựng cả 4 chương.
Cho đến giờ, nhạc sĩ Tô Hải vẫn trân trọng nhắc lại: “Tướng Giáp chính là người đã cứu sống tác phẩm. Tôi mãi không quên!”.

Thứ Năm, tháng 7 26, 2007

Về việc làm bia ở doanh trại Đoàn Công binh N43 (Hưng Hoá)

Bài đăng bên trang tin của Trường. Bấm vào đây để đọc.

Nhà Truyền thống của Đoàn Công binh xây trên vị trí dãy nhà bên trái của k6 (gần nhà hiệu bộ nhất).

Các nhà hiệu bộ, ba dãy nhà bên trái của 3 khoá và nhà thư viện ở cuối đều đã bị phá đi, do bị bom phá huỷ và làm hư hỏng. Khi sử dụng lại doanh trại, đơn vị đã quy hoạch lại, chỉ giữ lại ba dãy nhà bên phải.
Toàn cảnh một nhà điển hình, dãy bên phải k6 đã ở, năm học 68-69.

ĐỐI NGOẠI

Tân Tổng lãnh sự TQ tại TpHCM
Tháng 3 vừa rồi, TpHCM đón tân Tổng lãnh sự TQ Hứa Minh Lượng sang thay chị Cao Đức Khả đã mãn nhiệm. Chiều 19/7/2007, anh tiếp chúng tôi tại Tổng lãnh sự quán. Thực ra đã quá quen nhau nên câu chuyện không khách sáo. Với giọng chuẩn Hà Nội anh vui vẻ trò chuyện. Anh sinh năm 1953, học tiếng Việt tại Quảng Châu và năm 1976 đã về thực tập tại Bệnh viện Nam Khê Sơn, Quế Lâm, nơi điều trị các bệnh nhân VN thời kì chống Mỹ. Năm 1992, anh sang công tác tại VN. Gần đây nhất (2000-2004) anh đã ở TpHCM.

Những kỷ niệm ngọai giao thân tình
Trước khi sang lần này, anh được nghiên cứu nhiều về quan hệ Việt-Trung. Trong đó có tổng kết: những năm đầu thập kỷ 60, tổng trị giá viện trợ của TQ cho VN lên đến 1 tỷ đô-la. Anh kể, có lần sau khi từ Liên Xô về qua Bắc Kinh, đoàn đàm phán của Chính phủ VN thông báo: phía Liên Xô đã tạm dừng viện trợ xe vận tải quân sự. Vừa nghe Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã nói: “Yên tâm, tôi sẽ tìm cách để Liên Xô viện trợ cho các đồng chí!”. Trong các tài liệu còn ghi lại trong quan hệ 2 nước - thông qua các nhà lãnh đạo - rất gần gũi, thân thiết không hình thức, xã giao.
Chúng tôi cũng giới thiệu với Tổng lãnh sự một nhân chứng lịch sử - Đại tá Hoàng Minh Phương, người từng phiên dịch cho Võ Đại tướng và ông Vi Quốc Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Sau này, Đại tá còn được vinh dự phiên dịch cho Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch 2 lần. Năm 1959 khi VN vừa ra “Nghị quyết 15” về đấu tranh giải phóng miền Nam, Hồ Chủ tịch có sang gặp Mao Chủ tịch. Lần đó, Mao Chủ tịch khuyên chưa nên làm lúc này vì TQ chưa đủ mạnh, sợ rằng sẽ tổn thất nhiều và diễn biến như ở Triều Tiên - phải dừng lại ở vĩ tuyến 38. Nhưng VN vẫn chủ động tiến hành cách mạng. Cho tới năm 1962-63, thấy cách mạng miền Nam VN vẫn phát triển không ngừng, khi tiếp Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch có nói: “Lúc trước chúng tôi suy nghĩ cũng chưa thật kĩ. Nay thực tế cách mạng đã chứng minh điều đó!”.
Qua những câu chuyện trên cho thấy quan hệ giữa các nhà lãnh đạo 2 nước rất gần gũi, chân thành như anh em một nhà.

Ngoại giao nhân dân
Chúng tôi cũng giới thiệu với tân Tổng lãnh sự về hoạt động ngoại giao nhân dân của Hội những người đã học ở Nam Ninh, Quế Lâm, trong đó có cựu học sinh các trường Thiếu nhi VN Lư Sơn - Quế Lâm, Khu học xá Nam Ninh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Dân tộc TW, Võ Thị Sáu... Chuyện các trường Học sinh miền Nam ở Quế Lâm vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập ở Đà Nẵng, có mời thầy cô TQ ở Văn phòng 2/9 sang dự; và thông báo năm nay, trường ta sẽ tổ chức viếng thăm Quế Lâm nhân kỷ niệm 70 năm Trường Y Trung.
Anh Lượng ghi nhận và hứa sẵn sàng cùng góp phần duy trì và phát triển mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân 2 nước Việt-Trung.

(Ảnh trong buổi tiếp khách).

Thứ Tư, tháng 7 25, 2007

TƯ LIỆU LỊCH SỬ


Dẫn...
Chiều qua, từ Tây Đức, Tạ Vinh k3 gửi email cho tôi kèm theo mấy tấm ảnh tư liệu quý. Thật ra, chúng tôi chơi thân đã từ lâu vì cùng là bọn nhóc sống quanh Cột cờ ở ngã tư Hòang Diệu-Điện Biên những năm đầu thập kỷ 1960. Cha mẹ lại thân thiết nhau từ ngày trên chiến khu, hơn nữa bác Tạ Quang Bửu, ba Vinh, lại là con rể cụ Hoàng Đạo Thúy, Giám đốc Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 mà cha tôi là Phó giám đốc Chính trị ủy viên. Mẹ tôi và mẹ Vinh thì coi nhau như chị em. Chúng tôi cùng lên Trỗi, cùng là lính Quân sự rồi cùng ở lại làm giáo viên. Cuối những năm 1980, Vinh làm ở Cty Tin học mà Quang Thắng k4 là Giám đốc. Chúng tôi là những người tham gia xây dựng Hội Tin học VN. Đầu những năm 1990, lại cùng nhau bán quần áo tận Ba Lan xa xôi, rồi gia đình Vinh định cư ở Đức ngót 2 thập kỷ qua.
Còn một kỷ niệm khó quên là nhiều con cháu của anh em trên Đại học quân sự được bác sĩ Minh Châu, vợ Tạ Vinh, Phó chủ nhiệm ở Khoa Nhi (Bệnh viện Việt – Cu trên đường Hai Bà Trưng), chăm sóc tận tình, nhất là thời gian bao cấp - thuốc men thiếu thốn.
Nói vậy để hiểu quan hệ thân thiết dẫn đến việc chúng tôi thường liên lạc và tặng nhau những món quà vô giá. Nay trình làng 2 trong những tấm ảnh đó.

Bức ảnh chụp tại Hội nghị Genève năm 1954
Đây là lễ kí kết Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh ở VN, ngày 21/7/1954. Trong ảnh có không dưới ba người chúng ta quen biết, đó là các bác Tạ Quang Bửu, Phan Anh và Hoàng Văn Hoan.
Có điều thú vị là trong bức ảnh có 2 vị từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng thứ 2 (3/1946-11/1946) sau bác Chu Văn Tấn (8/1945-3/1946), còn bác Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng thứ 4 (8/1947-8/1948) sau bác Võ Nguyên Giáp (11/1946-8/1947). Từ tháng 8/1948, bác Bửu là Thứ trưởng Quốc phòng cho đến khi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Genève và tới ngày hòa bình.
Một nhân vật quen biết trong ảnh là bác Hoàng Văn Hoan (1905-1994), từng bôn ba hải ngọai và là học trò ưu tú của Cụ Hồ. Tháng 8/1945, bác được bầu bổ sung vào TW cùng các bác Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn... Tại Hội nghị Genève, bác đến với tư cách Đại sứ VN tại TQ.
Trong ảnh, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng Tư lệnh QĐNDVN Võ Nguyên Giáp, hạ bút kí vào Hiệp định Đình chỉ chiến tranh tại VN và Lào; còn đầu bàn bên kia là Thiếu tuớng Delteil, thay mặt Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương.

Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công
Cách nay mấy tháng, Hà Chí Quang có mời anh em link vào trang Web của Báo Lao động để đọc bài viết của Nhà sử học Dương Trung Quốc về quyết định tặng thưởng huân chương do Hồ Chủ tịch kí đã gần 60 năm nhưng chưa được thực hiện.
Nay Tạ Vinh gửi bản chụp quyết định (do cụ Mười Hương sao chụp, tặng gia đình). Trong quyết định còn lưu rõ chữ kí của Bác Hồ, của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu ngày 25/4/1948.
Đây cũng là món quà mang tính thời sự nhân 60 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2007).


Xin cảm ơn Tạ Vinh và gia đình!

(Nếu quan tâm, bạn có thể tra cứu ở http://vi.wikipedia.org/wiki/ sẽ có nhiều thông tin quý! Nếu cần bản chụp với khổ lớn hơn hãy liên lạc với BBT. Xin cảm ơn!).

Thứ Ba, tháng 7 24, 2007

Tháo gỡ đường dẫn

Nhận thấy có một số các đường dẫn dẫn tới các trang tin không "mang đậm tính Trỗi", tôi sẽ tháo gỡ chúng ra khỏi Các Địa Chỉ Trỗi.
Hi vọng là các bạn hiểu việc này nhằm làm cho Bạn Trường Trỗi trở nên tốt hơn cho những người bạn Trỗi và không làm phương hại đến các trang tin đó.
Việc bổ sung hoặc tháo gỡ các đường dẫn như thế này sẽ trở thành hoạt động thường xuyên với cùng mục đích.
Trân trọng thông báo,
Hữu Thành

TU LIỆU LỊCH SỬ

CHUYỆN TƯỚNG LĨNH ĐI HỌC

Đại tướng Văn Tiến Dũng - một người bạn thân thiết của cha tôi từ thời kỳ bí mật. Cả hai cùng tham gia Xứ ủy Bắc kỳ. Sau này chúng tôi thường qua lại thăm ông. Có một lần, chúng tôi có hỏi khi đi làm cách mạng có bao giờ ông nghĩ sẽ làm đến cấp tướng, mà là Đại tướng? Ông cười hết sức hồn nhiên:
- Làm cách mạng có bao giờ nghĩ sau này làm vương làm tướng. Hồi kháng chiến 9 năm, được Đảng giao nhiệm vụ, mỗi lần công việc đến tay cứ thế mà nhận, mà làm. Mà nếu không hoàn thành chắc chắn sẽ có người khác thay. Rồi đâu cũng vào đấy. Cứ làm rồi tự mày mò, tự học hỏi, kinh nghiệm dần được tích lũy, dần trưởng thành. Đầu năm 1948, quân đội có đợt phong tướng đầu tiên
[1] do Bác Hồ kí sắc lệnh.
- Như vậy khi được phong hàm, thế hệ tướng lĩnh đầu tiên chưa hề qua trường lớp quân sự nào?
- Thật ra đa số tướng lĩnh ngày ấy hầu như chưa qua trường lớp chính quy, trừ các anh Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng đã học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (1925-26) và Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái được Bác Hồ gửi sang Quảng Tây học Trường Quân sự của Quốc dân đảng (thời kì Quốc-Cộng hợp tác chống Nhật) cùng khóa với các anh Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập, Lê Quảng Ba… Khỏang năm 1942-43, chú được Trung ương triệu tập lên Thái nguyên dự lớp huấn luyện quân sự trong 10 ngày. Cụ Hòang Quốc Việt phụ trách chung, anh Trương Văn Lĩnh (Lệnh) cựu học viên Hòang Phố lên lớp. Học viên khỏang 10 người, trong đó có đồng chí Nguyễn Quyết. Những kiến thức quân sự được học đối với thế hệ các chú rất mới, nhưng rất giản dị, dễ nhớ. Các lớp huấn luyện quân sự thời kỳ 1941-1944 được tổ chức để chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang giành độc lập vào năm 1945.
Các nhà tù thời kì bí mật, như Sơn La, Côn Đảo... cũng là những trường đại học lớn. Các đồng chí trí thức cách mạng từng du học ở Pháp, Nga về truyền đạt lí luận cách mạng cho anh em tù chính trị qua các lớp học tổ chức ngay trong tù.
Vì thiếu kiến thức cơ bản nên khi nhận trọng trách chỉ huy bộ đội, trước một trận đánh, anh em phải bàn bạc phương án tác chiến rất kĩ, lúc ra trận cứ thế mà đánh, đánh xong lại rút kinh nghiệm… Như vậy học qua thực tế là chính. Trước thì tiêu diệt đồn nhỏ, sau tiêu diệt cấp đại đội rồi tiểu đoàn, trung đoàn, lớn hơn là cấp chiến dịch. Kinh nghịêm dần được tích luỹ bằng máu. Từ sau Chiến dịch biên giới 1950, ta có thêm kinh nghiệm chiến đấu của quân đội cách mạng Trung Quốc .
- Thế sau này thì sao?
- Sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình trên miền Bắc, tướng lĩnh cấp chiến lược mới được đi học các học viện ở Liên Xô, Trung Quốc. Chú còn nhớ cùng đi học chương trình Chỉ huy Tổng hành dinh (Gen-staff) ở Học viện Bộ Tổng tham mưu mang tên Vô-rô-si-lốp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo, Hoàng Minh Thảo, Trần Độ… Khóa học trong 2 năm 1960-1961, nhưng chỉ học từ tháng 3 đến tháng 9 (để tránh rét) rồi lại về nước công tác. Do chương trình ngắn và đào tạo cấp tốc nên học qua phiên dịch. Có cái hay là tướng lĩnh ta rất giỏi tiếng Pháp nên có thể trao đổi trực tiếp với giáo sư qua tiếng Pháp. Hơn nữa, tướng lĩnh ta có kinh nghiệm thực tế nên khi học được đánh giá cao. Và phải nói các thầy rất giỏi, sau này khi trở về nước, nhiều tướng lĩnh thấy những bài học giả định ở trường rất sát với thực tế chiến trường và áp dụng có hiệu quả.
Khi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cùng kinh nghiệm tích lũy trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta có thêm tri thức khoa học quân sự của Liên Xô, Trung Quốc nên các tướng lĩnh Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh với một quyết tâm cao. Sau 30 năm kháng chiến truờng kì, chúng ta đã chiến thắng, Khoa học quân sự Việt Nam đã chiến thắng!

[1] Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Trần Tử Bình, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Bình.

DU LỊCH NÚI Ở ĐÀ NẴNG


Bà Nà – Tam Đảo của miền Trung

Đang mùa du lịch “Đà Nẵng - biển gọi 2007” xin ghi lại vài ấn tượng về chuyến đi Suối Mơ, Bà Nà, vùng núi phía tây Đà Nẵng. Bà Nà là một đỉnh thuộc dãy Trường Sơn ở độ cao trên 1.400m, cách Đà Nẵng 30km. Những hôm nắng đẹp từ Hòa Khánh có thể nhìn thấy những điểm trắng là những ngôi nhà cùng tượng Phật trên đỉnh. Từ thời Pháp, chính quyền bảo hộ đã cho quy họach Bà Nà thành khu nghỉ cho công chức, tương tự Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa... Khách có thể đi xe buýt từ thành phố vào chân núi rồi có xe 14 chỗ đưa lên đỉnh. Ngay chân núi là khu tiếp đón. Giá vé lên núi: 10.000đ/người lớn. Ở đây bày bán cả trứng đà điểu to bằng nửa cái mũ cối, giá 100.000đ/quả.
Đường lên khu nghỉ Bà Nà quanh co, dốc đứng. Một bên là vực, một bên vách dựng ta-luy với nhiều cua tay áo. Xe lượn cua liên tục, chóng cả mặt. Hai bên đường trải nhựa đủ rộng để 2 xe tránh nhau là rừng nguyên sinh. Nhiều đọan cua được gắn gương cầu. Đường đèo chỉ dài 14km, ngắn hơn đường lên Tam Đảo, nhưng dốc hơn. Không khí càng lên cao càng mát. Cách đỉnh 2,5km đường đèo là trạm cáp treo. Giữa đỉnh và trạm cáp treo là chùa Linh Ứng có tượng Phật Thích Ca lớn nhất và ở vị trí cao nhất Đông Nam Á. (Thế mới thấy sức lao động của con người là khủng khiếp, vận chuyển bao nhiêu vật tư, sắt thép lên độ cao như thế để làm một công trình vĩ đại nhất khu vực!!! Trên tấm ảnh thứ 3 cho thấy bức tượng Phật hiện lên mờ mờ). Khu nghỉ gồm quần thể những ngôi nhà làm theo kiểu nhà sàn nhưng lợp mái tole. (Khi ngược đèo gặp xe chở vật liệu leo ậm ạch, vài cây số lại phải dừng nghỉ vì nóng máy. Chi phí vận chuyển vật liệu lên đây quá cao nên buộc phải dùng vật liệu nhẹ chăng?). Phía sườn nhìn xuống đồng bằng là những sân chơi rộng. Từ trên núi bỏ xu vào ống nhòm điện tử gắn ở các góc để ngắm cảnh dưới đồng bằng. Xa xa là vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà... Những hôm nắng đẹp có thể nhìn tới tận Hội An.
Toàn bộ khu nghỉ nằm gọn trên đỉnh núi. Nhiều công trình, khách sạn đang tiếp tục xây dựng. Giữa 2 đỉnh núi có một cầu treo bắc ngang. Vừa dạo chơi được ít phút thì gặp trận mưa rừng. Tạt vội vào trú ở một hiên nhà. Mưa nặng hạt kéo dài chừng nửa tiếng thì tạnh. Qua những đám mây, nắng lại tràn về. Thông thường nhiệt độ ở đây thấp hơn dưới đồng bằng khoảng 10-16 độ và trong ngày có cả thời tiết 4 mùa. Ngoài khí hậu lý tưởng, Bà Nà có vị trí thuận tiện cho lọai hình du lịch thể thao leo núi và đi rừng mà dân Tây rất mê. Nếu có thời gian nghỉ lại vài ba ngày rồi đi bộ thì sức khỏe nâng lên trông thấy!
Ăn uống ở đây không khác gì dưới xuôi, lại gà, lại cá; đặc sản rừng bị cấm nên chúng tôi quyết định “hạ sơn”. Đi cáp treo, giá vé 20.000đ/người lớn (vé lên - 25.000đ nhưng nếu mua khứ hồi thì chỉ 35.000đ). Hệ thống cáp treo nhập của Áo từ năm 2001 với tổng đầu tư khoảng 20 tỷ. Tuyến cáp dài 800m, ngắn hơn cáp treo Tây Ninh nhưng hiện đại, an toàn hơn. Mỗi cabine ngồi được 4 người lớn. Giữa đường cáp dừng lại vài phút cho khách ngắm cảnh, chụp ảnh, quay phim. Khi cáp tới trạm dưới, khách có thể đi bách bộ vào rừng hoặc ngược lên chùa Linh Ứng vãn cảnh. Từ xa thấy ngôi chùa mờ ảo trong sương càng tăng thêm sự linh thiêng, huyền bí.
Xe xuống núi làm tai luôn ù. Dần trở về với đồng bằng. Khu du lịch Suối Mơ nằm ngay dưới chân núi, có thác nước cao 9 tầng. Trời đang nắng nóng vào đến đây không còn cảm giác của ngày hè oi bức. Suối Mơ đẹp như một công viên sinh thái.
Theo hướng dẫn của vợ chồng Phan Hoài Lưu, chúng tôi tạt qua ngã ba Hòa Khánh ăn mì Quảng của bà Bích. Quán đông khách. Chưa bao giờ được ăn mì Quảng ngon như thế!
Chắc chắn nơi đây sẽ trở thành khu du lịch lý tưởng của miền Trung!

DU LỊCH ĐÀ NẴNG

Thăm Ngũ Hành Sơn

Năm 1975, khi tham gia tiếp quản kỹ thuật, chúng tôi đã đến Ngũ Hành Sơn nơi có nghề làm đồ đá truyền thống. Ngũ Hành Sơn gồm 5 ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, chỉ cách thành phố gần chục km, không xa sân bay Non Nước. Và 32 năm sau, tôi mới có dịp quay lại.
Đầu tháng 5/2007, chúng tôi ra Đà Nẵng. Sáng thứ 7, cả nhà cưỡi Honda phóng theo con đường mới mở dọc bờ biển. Đường thẳng tắp, còn thiếu cây xanh. Trên con đường cắt ngang thị trấn, mặt tiền san sát cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ chế tác từ đá. Vé lên thăm Thủy Sơn 15.000đ.
Mấy trăm bậc đá dốc đứng dẫn lên chùa. Cây rừng bám vào sườn núi, rợp mát lối đi. Qua cổng là một ngôi chùa cổ lợp ngói âm dương nằm ngang lưng núi. Quanh chùa có tượng phật, nhà bát giác và hồ nước... Lên thêm vài chục bậc là tháp xá lợi mới được hoàn thành. Khách du lịch trèo lên tận đỉnh tháp để ngắm toàn cảnh biển và vùng Ngũ Hành Sơn.
Ngược thêm mấy trăm bậc, miệng đang “A di đà... mệt!” thì thấy hiện ra một cửa vòm. Qua cửa vòm thấy một khoảng rộng mất trăm mét vuông, vây quanh bằng vách đá dựng đứng, có nhiều cây dại bám vào. Tại đây có ngách dẫn lên cổng trời nhưng chỉ một người chui lọt. Mệt mỏi tan biến khi ngồi uống nước và đón gió biển lùa vào cửa hang.
Một cổng chùa xây bằng gạch cổ đầy ấn tượng. Đi thêm một đoạn là tới cửa động có bức tượng Phật bằng đá tạc chìm vào vách núi. Đang mò mẫm trong con đường tối thì thấy òa ra những tia sáng. Được nghe hướng dẫn viên giới thiệu: “... Động có 5 cửa trời tương ứng với ngũ hành đón ánh nắng mặt trời suốt ngày. Tại đây, AHLLVT Phan Hành Sơn đã cố thủ chiến đấu nhiều ngày mà giặc Mỹ không làm sao bắt được, dù đã dùng cả hơi ngạt phun vào. May mà đạn bom không phá đi 5 ô sáng nên vẫn giữ được công trình thiên tạo đến ngày hôm nay. Trên đỉnh Thủy Sơn, tổ chiến đấu của 13 nữ pháo binh đã dùng sơn pháo phá hủy 17 máy bay chiến đấu của giặc ở sân bay Non Nước”. Trong động có miếu thờ, có nguồn nước nhỏ giọt tí tách, trên vách có nhiều hình tượng do thiên nhiên tạo ra.
Trở ngược ra, chúng tôi ngồi nghỉ, uống nước dừa ướp đá. Cô con gái hết mệt, vui như tết. Thật đã! Trên núi còn có nhiều hang động. Dọc theo đường xuống núi là hai ngôi chùa cổ. Khách thập phương đến thắp hương, cúng bái. Dưới chân núi có đường dẫn vào động Âm Phủ.
Ngũ Hành Sơn quả là một điểm du lịch hấp dẫn!

Đi thăm Bắc và Gớt

Hôm qua cả ngày mưa. Khoảng 16 gìơ trời tạnh. Tôi quyết định đưa P.Hòa, D.Minh đi thăm trung tâm Leipzig. Leizig có 800 năm tuổi nên phần trung tâm của nó cũng là một mảnh đất thấm đẫm lịch sử. D.Minh và P.Hòa chắc là thể nào cũng có bài vì toàn bộ ảnh nằm trong máy ảnh của chúng nó. Bài này xem chay vậy.
Vì mới sau một cơn mưa nên ngoài trung tâm cũng vắng người.Cả ba thằng đều có chung một ý nghĩ ngồ ngộ:Cách đây hơn 40 năm khi còn ở trường chắc cả ba đều không ngờ lại có ngày hôm nay:ba lính Trỗi dạo chơi ở trung tâm Leipzig. Cách chỗ đỗ xe không xa, trong khu vực đi bộ là nhà thờ Thomas . Trước cưả nhà thờ là bức tượng to nhưng giản dị của Bắc. Bắc là người đánh đàn Orgel ở đây. Ba thằng chụp một bức ảnh dưới chân tượng của Bắc. Hy vọng rồi đây dưới ảnh hưởng âm nhạc hiền lành và sâu lắng của Bắc, P.Hòa sẽ tìm được người trong mộng. (Theo Mai Phong tư vấn thì phải là con gái Cần Thơ).
Ngày nghỉ nên các cửa hàng đều đóng cửa, lòng vòng một hồi, ba thằng ghé vào một nhà hàng nổi tiếng nhất Leipzig để uống Cà phê. Nổi tiếng vì trước đây Gớt rất thích nơi này. Ông thường xuyên la cà chốn này. Ông yêu "Auerbach Keller" đến nỗi trong "Faust" của ông có cảnh một cuộc cãi nhau nảy lửa giữa con quỷ Menphisto và các sinh viên tại Auerbach Keller".Doctor Faust sau khi đã thông tường mọi khoa học thì không tin rằng trên đời có hạnh phúc.Faust đồng ý bán linh hồn cho quỷ Menphisto, đổi lại y sẽ chứng minh cho Faust cuộc đời là có hạnh phúc. Hợp đồng được làm bằng máu, và sẽ thanh lý khi trên môi Faust thốt ra câu:"Cuộc đời thật là đẹp!" .Không ngờ một thời gian sau Faust đã thốt ra câu này khi bản thân ông đã có một người tình tuyệt vời và những đứa con.Lúc ông thốt ra câu này cũng chính là lúc Menphisto xuất hiện đòi "thanh lý" .Faust đành phải trao linh hồn cho Menphisto chính vào lúc cuộc đời,đối với ông, là đẹp nhất.
Trước Auerbach Keller có bức tượng của Faust bằng đồng. Biết bao tao nhân mặc khách, biết bao nhiêu người trên khắp mọi nơi đã đến đây sờ vao mũi giầy của Faust với hy vọng được gặp những điều may mắn. Chính vì thế giày của Faust lúc nào cũng vàng chóe ánh đồng.Hôm nay lại có thêm ba bạn Trỗi cũng đến sờ vào mũi giày của ông!
Trên đường về cả D.Minh và P.Hòa đều nói:-Không nên bán linh hồn cho quỷ dữ!Còn tôi, một nhà buôn nhỏ, thì lại nghĩ:-Bán hay không bán còn phụ thuôc vào việc giá cả thế nào!

Thứ Hai, tháng 7 23, 2007

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: chặng cuối

Ba ngày cuối cùng: từ Hội An về Hà Nội
Nghe một người bạn nói "oải quá, mày tra tấn mọi người bằng cái miền Trung dài lê thê". Hoá ra miền Trung không chỉ "dằng dặc khúc ruột" mà còn lê thê chuyện kể. Tha cho mọi người trong mấy ngày nghỉ, hôm nay kết thúc. Nếu không kết thúc, hoá ra đi miền Trung chả bao giờ về? Quan trọng là về nhanh.
Thực sự thì mọi người không muốn về nhanh. Vì thế rời Hội An còn ghé làng gốm Thanh Hà, nó ở ngay lối ra trước khi rẽ về Đà Nẵng. Làng bây giờ còn ít gia đình tiếp tục làm gốm với sản phẩm chủ yếu để là trang trí kiến trúc ngoại thất, làm đồ kỉ niệm và có một ít vật dụng đất truyền thống như đồ nấu ăn (trã đất kho cá), hũ tiền lẻ, ...
Bãi phơi sản phẩm bên sông Thu Bồn. Đây là các hũ đựng tiền lẻ. Khi nào đầy người ta sẽ đập nó ra. Nếu gọi nó là lợn đất thì các "bạn Trỗi" hiểu ngay là gì, nhưng hình thức lại không phải là lợn.
Mỗi gia đình có một lò nung, thường cả tháng mới đủ sản phẩm mộc cho một lần nổi lửa. Các làng nghề truyền thống nói chung đang đứng trước vấn đề ô nhiễm môi trường, ở đây cũng vậy. Vì thế bây giờ các gia đình không được làm các sản phẩm lớn thường đòi hỏi thời gian nung lâu. Bây giờ người ta đang để tạm hàng mộc trong lò, khi nào nung sẽ sắp xếp lại.
Rời Hội An bằng đường đi qua khu Ngũ Hành Sơn. Lại nhớ một thầy phong thuỷ nói Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn (năm quả núi Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ) chính là trung tâm của Âm Dương Ngũ Hành. Bởi Đà Nẵng là điểm giữa của Việt Nam mà Việt Nam là trung tâm của Âm Dương của Vũ Trụ, biểu hiện ở chữ S mà phía trên trong biển (âm) có đảo Hải Nam (dương) và phía dưới trong đất (dương) có Biển Hồ (âm). Rất may là bây giờ chính phủ đã cấm phá đá ở các hòn núi Ngũ Hành. Dân làm nghề đá nghệ thuật ở đây có phần lao đao một chút, nhưng cứu thoát cho nhân loại một thảm hoạ phong thuỷ?!
Đến Đà Nẵng tôi để mọi người đi chơi mua sắm. Còn tôi thì vào chơi với Huỳnh Hữu Dũng, quan trọng hơn nữa là giúp cậu chút mẹo để vào và tham gia trang tin Bạn Trường Trỗi và các trang khác cùng nhóm blogspot.com. Chỉ kịp chụp một tấm ảnh với vợ chồng HH.Dũng khi anh Dũng k1 quay lại đón. HH.Dũng tạm biệt với lời khuyên "lên Bạch Mã ngủ lại mới đáng".
Qua hầm Hải Vân, rẽ đường đi Cảng Chân Mây. Mới có duy nhất khu nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô mà HH.Dũng tham gia đầu tư ở dải bờ biển này. Trông vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng HH.Dũng nói dịp 2/9 các bạn có vào thì bố trí ở được rồi.
Bạch Mã, được bổ sung vào danh mục khi thừa thời gian, vốn là khu các nhà nghỉ từ thời Pháp. Bây giờ người ta không chủ trương phát triển khu nghỉ dưỡng lớn ở trên này mà duy trì Vườn Quốc gia với một số các nhà nghỉ nhỏ như Phong Lan, Cẩm Tú.
Lớn nhất là biệt thự Đỗ Quyên với nhà dịch vụ nằm trong quần thể rèn luyện thể thao (tennit, cầu lông) và nhà hội thảo thuộc Ban QL Vườn. Ở đây có thể tiếp các đoàn vài chục người một lúc. Tham quan khu trung tâm này và tìm hiểu sơ đồ các tuyến du lịch sinh thái chúng tôi thấy có thể tổ chức chuyến nghỉ vài ba ngày để đi xem rừng, thác nước, ... ở đây theo đúng nghĩa chứ không phải bên cạnh một thị trấn du lịch như Tam Đảo hoặc Sa Pa.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, 4h30 lên xe, trời tối om để đi tiếp lên Khách sạn Morin Bạch Mã. Đây là cuối con đường ô tô có thể đi được. Đi nốt 600m đường dài với ít dốc lên trong ánh sáng lờ mờ. Từ Vọng Hải Đài (đài ngắm biển) có thể nhìn thấy biển và ngắm mặt trời lên.
Mặt trời lên rồi thì chụp một ảnh kỉ niệm trên Vọng Hải Đài, đỉnh cao 1423m, theo máy đo GPS chứ số liệu của họ thì cao hơn quãng 20m. Đi xuống mới là lúc quan sát Khách sạn Morin Bạch Mã, thuộc Công ti Du lịch Hương Giang.
Mọi người nói lần sau có lên Bạch Mã sẽ nghỉ ở KS này. Ở đây cũng có thể "vọng hải" và thực sự được ngủ đêm ở nơi cao nhất có thể ngủ.
Rời Bạch Mã chúng tôi chạy thẳng ra khu biển Vũng Chùa, đầu tỉnh Quảng Bình, nghỉ trong một ngôi nhà văn phòng dự án chuẩn bị đầu tư. Tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch vùng du lịch này.
Sớm hôm sau lại chạy ra bãi biển chụp ít ảnh. Ở đây không nhìn được mặt trời lên, vì biến hướng Nam. Mặt trời lên hướng núi và bãi đá, ở đó bọn trẻ con ra sớm nhặt ốc.
Đằng sau mây đang rạng dần, chiếu bóng xuống bãi biển triều rút còn loáng nước, hứa hẹn một ngày chạy xe về Hà Nội trong nắng gắt.
Hết chuyện.

ĐÓN QUANG "XÈNG"

11g trưa, tôi mang theo giấy giới thiệu VIP (ai cấp và vì sao có phải giữ bí mật, sợ anh em lại ăn theo!!!) cùng cháu Ty (Hoàng Diễm Thu, con gái Quang) vào phòng cách ly. Máy bay trễ 30 phút. Hai chú cháu có thời gian tâm sự. Tận 12g30 mới thấy ông bạn khoác áo thể thao ngắn tay, mặt vênh vênh, xăm xăm đi ra (có lẽ không nghĩ có người đón tận phòng trong). Dặn Ty nấp sau cột để gây bất ngờ cho bố nhưng đúng là tình mẫu tử không gì ngăn cản, Ty lao ra ôm lấy bố và em. Quang ngỡ ngàng thấy con và bạn. Sướng!
Ông bạn được dẫn ra cửa 28 (dành riêng cho phi hành đoàn) nhưng có trục trặc vì Passport carrier là mẹ cháu lại không theo cùng. Chuyện nhỏ, hơn nữa cháu là cầu thủ U15 hải ngọai nên các chú ở cửa khẩu giải quyết nhanh như điện. Xoẹt!
15 phút sau, bọn tôi có mặt tại JODEE BEER. Anh em k4 - Dũng Sô, Yến Trình, Xuân Minh và cả Việt Hoa (từ Nha Trang vào) - đã có mặt. (Anh em đang nhậu ở nhà Trình nghe tin Quang về liền "trương phi" ra). Những li bia Tiệp trào bọt, thơm mùi đại mạch và hub-lông Plzen, được nâng lên chúc mừng cho nhiều cuộc hội ngộ trưa nay - bố gặp con, chị gặp em (có chị Kim của Quang) và bạn bè Trỗi gặp nhau. Quang cảm động nhắc đi nhắc lại: "Khó có lần thứ 2 nào như thế!".
Đã book vé cho Quang bay ra Hà Nội lúc 15g35 vì sáng mai 8g, Hoàng Việt phải có mặt ở sân Thiên Trường (Nam Định) dự khai mạc Giải bóng đá quốc tế U15, U17. Anh em phải xa nhau. Tiếc là không mang theo máy ảnh để các bạn xem ngay giờ phút hiếm hoi ấy. Phải chờ cháu Việt gửi ảnh vào. Nhưng dẫu sao cũng quá là vui!
Với tôi, chả hiểu vì sao cuộc đời này cứ gắn sô phận mình với thằng bạn già đã suốt mấy chục năm qua!?
Kiến Quốc

Chủ Nhật, tháng 7 22, 2007

Chủ Nhật ở Hà Nội

Chủ Nhật này không có chương trình đi đâu tôi đến nhà Việt Thắng chơi, giúp hắn đọc được các blogspot.com, như đã làm cho HH.Dũng. Nhận được tin nhắn của VC.Phước: "Hôm nay dự định đưa VCP đi đâu để còn lên phóng sự nữa? Cám ơn các "bạn Trỗi" đã chia sẻ với mình, nhất là cái vụ "vấn an". Hahaha". Biết ngay là thằng này bây giờ mới đọc bài trên trang tin, về vụ đưa nó đi chơi từ tận đầu tháng. Gọi điện, nói nếu không bận gì thì đến đây. Rồi cả bọn đến thăm Vũ Hùng, gọi thêm Tương Lai để ăn trưa với nhau luôn.
VC.Phước, với cảm hứng lấy từ trang tin Bạn Trường Trỗi mới bắt đầu đọc đêm qua, nói dế mèn đã đi "phiêu lưu" rồi, bây giờ đang muốn "ký". Để nói về một nhận thức mới vỡ ra sau hai năm ra môi trường mới. Hi vọng ít nữa anh em sẽ đọc được những dòng tâm sự này. Đôi khi người ta có nhu cầu nói ra, nếu không làm gì có câu chuyện cổ về anh chàng đào hố nói phải một cái hạt rồi nó mọc thành cây và suốt ngày rì rầm về điều đã nghe được.

Trang tin Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi

http://vhqdnvt.blogspot.com là "Nơi trao đổi thông tin của các bạn là cựu học sinh,từng học tại trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi. Trang tin này dùng cho các thông tin chính thức về việc hoạt động của trường, các khoá, và có thể các cá nhân, nội dung nghiêm túc như kiểu phòng họp."

Phóng sự ảnh Đám cưới Anh Vũ-Hồng Minh .


Các chú bác truờng Trỗi cùng cô dâu chú rể.




Đồng ca các bài hát truyền thống.




Anh Ngân cùng anh em Trỗi trong lễ cưới.





Anh em Trỗi cùng hai cháu trong ngày cưới.

Đám cưới Anh Vũ- Hồng Minh

Hôm qua 21/7 đám cưới của 2 cháu Anh Vũ -Hồng Minh đã diễn ra vô cùng vui vẻ và đầm ấm dưới sự điều khiển vô cùng khéo léo và đầy văn hóa của Đức Dũng.Các cháu được sống trong không khí tràn ngập hạnh phúc của hiện tại nhưng được lý giải trong không khí hào hùng của những ngày đã qua. Các cựu hoc sinh trường Trỗi và các cựu chiến binh đã tặng các cháu ba bài hát:Sinh ra trong khói lửa, Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng.
Diễn biến chi tiết, D.Minh sẽ có bài sau.Bây giờ tôi phải thu xếp để đưa các sếp đi thăm thú vài nơi. Chỉ nhắc anh em vài điều.Thứ nhất:Khi cử người sang đây ,anh em cử ai cũng được, nhưng nên kèm người "uống" được.D.Minh khi ở nhà tưởng là "hầm hố "lắm,nhưng tối qua khi về đến nhà tôi thì nằm liệt không thể uống tiếp cùng tôi và P.Hòa.Thôi đành nói theo kiểu bóng đá:"Phong độ là tạm thời, đẳng cấp mới là vĩnh viễn".Thứ hai:Khi bạn nào sang, mang cho tôi một ít dầu xanh, tối hôm qua toàn bộ dầu xanh của nhà tôi đã đổ vào gan bàn chân của D.Minh!
Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ.Giờ này Quang xèng và H.Việt chắc đã bay từ Berlin.

Trang tin k3

K3 mới mở trang tin http://bantroikhoa3.blogspot.com. Hiện nay trang tin này mới chỉ cho mọi người đọc. Mọi việc đăng bài, góp lời đều chỉ dành cho thành viên.
Xin báo để mọi người biết và tham gia.

Thứ Bảy, tháng 7 21, 2007

Chuyện vui cuối tuần

Anh đâu phải thằng ngu!

Người chồng nghiện rượu an ủi vợ:
- Thôi đừng mắng anh nữa, anh đâu phải thằng ngu, anh uống rượu có phải bằng tiền của anh đâu.

- Vậy bằng tiền của ai?
- Của cha đỡ đầu. Tiền cha cho mình vay để mua củi ấy mà.

********

Vợ bảo chồng: "Ban nãy, bạn anh gọi điện cho anh đấy".
- Cậu ấy muốn gì?
- Anh ấy nhắn anh là hôm nay không đi câu cá nữa vì quán rượu đóng cửa kiểm kê.

*********************************************************

Cắn rứt lương tâm !

Một ông chồng trên giường hấp hối, gọi vợ đến bên mình và hỏi:

- Em ơi, anh không còn sống được nữa. Em hãy nói thật cho anh, trong suốt thời gian chúng mình chung sống với nhau, em đã phản bội anh bao nhiêu lần?

Chị vợ không nói gì, chỉ khóc nức nở.

Ông chồng lại hỏi :

- Thôi, em đã không muốn nói thì hãy giải thích cho anh tại sao trong tủ của em có 3 quả trứng và 300 USD?

Chị vợ thút thít :

- Mỗi lần em phản bội anh, em lại cho vào tủ một quả trứng.

Ông chồng thở phào:

- À, thế là chỉ có 3 lần thôi ư? Còn 300 USD thì sao?

Lần này, chị vợ khóc rất to và giải thích:

- Mỗi lần trứng nhiều quá, em lại đem ra chợ bán và... em đã tiết kiệm được 300 USD.

*************************

Tưởng tượng

Trên một chuyến tàu, hai phụ nữ ở giường tầng 1 nói chuyện với nhau. Một phụ nữ hỏi:
- Chị bao nhiêu tuổi rồi?

- Tôi chỉ mới hơn 20 một chút. Thế còn cô?
- Em mới hơn 18 tuổi một tẹo.
Ông khách giường trên nghe thấy thế liền lộn cả người xuống nhìn hai “cô gái”. Sau khi chiêm ngưỡng hai "thiếu nữ" 18, 20, ông liền ngã quay xuống đất. Hai bà giật mình kêu lên.
- Anh từ đâu ra thế này?
- Tôi không biết nữa, tôi vừa mới sinh ra.

**********************************
Thần đèn



Hai vợ chồng đang chơi gôn tại một sân gôn cực kỳ đắt tiền, bao quanh bởi những ngôi nhà cực kỳ sang trọng. Khi chơi đến lỗ thứ ba, chồng dặn dò vợ (một phụ nữ rất xinh đẹp):

"Em yêu, hãy thận trọng, vì nếu trái banh lỡ va vào một cửa kính, thì chúng ta phải đền một số tiền lớn đấy".

Người vợ làm một cú đánh mạnh và tất nhiên trái banh bay thẳng vào cửa kính lớn nhất của một ngôi nhà sang trọng nhất. Người chồng tức giận, rầy vợ, sau đó hai người đến gõ cửa ngôi nhà. Một giọng nói trả lời:

"Mời vào!"

Người chồng mở cửa ra và nhìn thấy một cái chai bể ở góc nhà, các mảnh chai văng đầy phòng khách. Một người đàn ông ăn mặc sang trọng đang ngồi trên ghế bành hỏi:

"Chính các người đã làm bể cửa kính?"

"Vâng, nhưng chúng tôi rất lấy làm tiếc."

"Thật ra các người đã giải thoát cho tôi. Tôi là một vị thần bị giam trong cái chai này trong suốt 1.000 năm. Vậy để trả ơn các người, tôi xin tặng ba điều ước.

Nhưng vì có hai người, nên tôi sẽ tặng mỗi người một điều ước, còn điều ước thứ ba sẽ dành cho tôi. "

Người đàn ông hỏi người chồng: "ông ước điều gì?"

Người chồng trả lời: "Tôi muốn mỗi tháng nhận được 1 triệu USD"

"Được thôi, kể từ ngày mai ông sẽ nhận được số tiền này vào mỗi đầu tháng".

Vị thần quay qua người vợ và hỏi: "Còn điều ước của bà là gì?"

"Tôi muốn có một ngôi nhà ở mỗi nước trên thế giới."

"Được thôi. Kể từ ngày mai bà sẽ nhận được giấy chủ quyền của các ngôi nhà này."

Người chồng hỏi vị thần: " Vậy điều ước của ông là gì?"

"Ta bị nhốt trong cái chai này trong hơn 1.000 năm và suốt thời gian này ta không được gần với phụ nữ. Do đó, điều ước của ta là được gần với vợ ông."

Hai vợ chồng nhìn nhau một hồi và cuối cùng người chồng nói:

"Được thôi, với 1 triệu USD mỗi tháng và tất các các ngôi nhà trên thế giới, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đồng ý điều này, em nghĩ sao?"

Người vợ trả lời: "Em đành phải đồng ý thôi"

Vị thần đưa người vợ vào phòng ngủ...

Hai tiếng đồng hồ sau, vị thần hỏi người vợ:

" Này, chồng em bao nhiêu tuổi vậy?"

"40, sao ông lại hỏi tuổi?"

" Thật không thể tưởng tượng! Bởi vì đã từng tuổi này rồi mà ông ta còn tin là có thánh thần

THỨ BẢY... MỆT NHƯNG MÀ VUI !!!

Câu đối thời @

Chiều tối nay ở Leipzig, Quang "xèng" cho con trai ra ở riêng. Bạn bè hội ngộ mừng cho 2 cháu và cho 2 gia đình. Cánh Trỗi (Dương Minh k4 từ VN, Phú Hoà k4 từ Khắc, Tạ Vinh k3 từ West, Đức Dũng k5 từ Berlin, Võ Hùng k8, Tôn Gia k4, Hoà k8 và cả em gái C11 Trương Hoà Bình... sống ngay tại Leipzig), cánh Học viện KTQS (anh giai Ngân Trần Đình từ Berlin cùng chú Thắng "khổ") đăng kí mang theo tem gạo đến dự. Xem danh sách thấy "hơi bị mao trạch đông". Thật là vui!
Còn chúng tôi ở nhà sau một tuần làm việc mệt mỏi, nhiều anh ngất ngưởng bên chai bia Hà Nội hay lon bia Sài Gòn ướp lạnh, cố hình dung xem Quang và các bạn vui cỡ nào. Vui đấy dưng mà xa quá! Thôi thì tự thưởng bằng mấy câu đối thời "a còng" @.

Bài bạc thâu đêm, mắt thâm xì. Vui như Tết!
Rượu chè say suốt sáng, mũi sụt sịt. Đẹp tựa Xuân!

Thày giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo.

Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa nhoà cả hương, lấy lương hưu lưu hương.

Thiên sứ thiến sư, tạo quả dáng, dạng quả táo, lấy đầu mới mời đấu
Bao Chửng bưng chảo, bưng cả lạc, bạc cả lưng, lấy cán dao dán cao.

Chị Thường, nằm trên giường, dấu "cái bình thường" vào trong

Anh Trọng, đứng trên chõng, đưa "cái quan trọng" ra ngoài.

Ông ăn nên làm ra, xây lầu tầng ba, gần trời xa đất
Tôi có sao đành vậy, ở nhà cấp bốn, gần đất xa trời

Đường lạnh, dốc trơn, cô gái Hơ Mông bên bếp lửa
Đường xa, dốc thẳng, chàng trai Mường Tè bên gốc cây

Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Lừa lọc luồn lách lại lên lương

Vô xứ Nghệ, đến Quán Hành, uống rượu gừng, nói chuyện cà riềng cà tỏi.
Đến Đồng Nai, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, ngồi tán vượn tán hươu

Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp rồi lại bò, bò rồi lại cạp.
Con tắc kè kè con tắc kè, kè xong rồi tắc, tắc xong rồi kè

Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương rồi lại tiểu, tiểu rồi lại thương.
Anh bán thịt "thịt" chị bán thịt, "thịt" rồi lại bán, bán rồi lại "thịt"

Thầy sinh vật "vật" cô sinh vật, vật rồi lại sinh, sinh rồi lại vật
Anh cứu thương "thương" chị cứu thương, thương rồi lại cứu, cứu rồi lại thương

Mời tiếp tục với nhiều nhời hay ý đẹp!!!

Thứ Sáu, tháng 7 20, 2007

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: về thôi

Ngày thứ 5: đến hẹn là về, rời Quy Nhơn
Theo giao hẹn, hết 4 ngày là về. Nhưng 4 ngày đi đã thừa thời gian, 4 ngày về cũng thừa như thế thì cố chơi thêm chút nữa. Có một tuyến rất muốn đi, là đường mới mở Đa Chay - Khánh Vĩnh. Năm 2005 trong chuyến đi Tây Nguyên chúng tôi rất hi vọng có thể đi con đường này. Nhưng khảo sát thực tế thì đường thông nhưng thể gọi là đường. Nói theo Lỗ Tấn, nghĩa đen, người ta đi thành đường. Khi đó người ta mới đi thành đường chứ chưa phải là con đường làm ra để đi.
Nhưng thời gian thừa không đủ để đi tuyến đó, dù có đặt lịch từ trước. Cần thêm ít nhất là 2 ngày. Lại phải đặt lịch cho chuyến khác, có thể là bay vào Nha Trang, mượn cái Isuzu Hi-Lander của em anh Dũng; hoặc bay vào Đà Nẵng mượn cái xe thừa của HH.Dũng (thấy Thao láo kể như thế), cho chuyến ấy. Chứ đi xe từ HN vào tận đấy thì hơi oải, nếu trong tương lai gần.
Nghĩ đi nào, ở Bình Định có gì để đi nốt ngày hôm nay. Giá mà liên lạc với Dũng Sô thì đã có mấy chỗ. Gềnh Ráng, Hàn Mặc Tử. Địa chỉ này, ông nhà thơ này được xem là một trong tứ đại văn nhân của Bình Định. Nhưng bà Bình không thích thơ ông ta nên nhất định không đi. Tôi thì thơ không điên còn chả có cảm xúc gì, nhưng còn cái Gềnh. Thôi bà Bình ở nhà chúng tôi đi.
Gềnh Ráng là một dải bờ biển nối từ xóm nhà Thuỷ bều cuối đường An Dương Vương tới Trại Phong của ông Hàn Mặc Tử. Con đường độc đạo vào trại phong làm cho Gềnh Ráng được biết tới với những cảnh trí đá ven biển và đặc biệt là góc nhìn vào thành phố khá đẹp.
Cuối con đường là lối vào Trại Phong với một bãi biển đẹp và kín đáo. Đầu kia bãi biển là sát với con đường 1D mới mở. Nếu không có nó thì Trại Phong chỉ có duy nhất đường Gềnh Ráng để ra ngoài. Nếu ảnh này để nguyên khổ thì ở tỉ lệ hiển thị 1/1 có thể thấy xa xa là cái xà-lan bị đắm do cơn bão số 9 năm ngoái ngay trước biển nhà anh Bộ ở Bãi Dại.
Chúng tôi quay xe trước cổng vào Trại. Trở ra chụp ảnh mấy cây dừa trong số các cây may mắn còn sót khi người ta "đô thị hoá" bãi biển Quy Nhơn. Nhờ nó mà 50m bãi biển thơ mộng hơn mấy cây số còn lại.
Thuỷ bều gọi điện hỏi đến đâu rồi. Hắn định chỉ chỗ ăn ngon. Cám ơn, vừa ăn ở KS rồi, bây giờ tạm biệt nhé, gặp lại ở HN mấy tháng nữa. Chúc lên đường bình an, nó nhắn thế.
Cô nhân viên khách sạn nhiệt tình vẽ lên mảnh giấy đường đi cầu Thị Nại mới khánh thành. Đây là cầu vượt biển dài nhất VN, nối Quy Nhơn và Nhơn Hội. Sao lại có thể bỏ qua kỳ quan mới do con người xây dựng này (học lỏm thuật ngữ mới được dùng gần đây khi thế giới bình bầu 7 cái loại đó). Nó nằm trùng với đường chân trời đấy, bấm chuột vào ảnh để xem khổ lớn mới có thể nhận ra.
Không chỉ có chúng tôi chọn chỗ này để chụp ảnh cầu, còn có hai du khách nữ. Chụp xong ảnh cầu, họ chụp nhau còn chúng tôi chụp họ. Dân biển không sợ nắng, tứ chi cứ gọi là đen cháy, chỉ cần giữ mặt.
Chiếc cầu quả là hoành tráng, chiều dài 2,5km phần vượt biển. Nếu kể mọi thứ liên quan để từ Quy Nhơn sang Nhơn Hội theo đường này thì người ta làm mới tới 7km. Chưa thấy xây dừng trạm thu phí, nhưng chắc sẽ có thôi. Chuyến này lãi rồi, lượn qua rồi lượn lại chả mất đồng nào.
Bây giờ thì thôi, tạm biệt dù vẫn còn lưu luyến. Ăn trưa ở bãi biển Sa Huỳnh. Nhớ lời anh Bộ dặn cá Sa Huỳnh ngon lắm vì nước biển mặn hơn ở đây; không cần vào quán lớn, quán nhỏ mới ngon. Gọi một bát canh chua cá chim. Lát sau ông chủ bưng lên một con cá rô phi luộc. Cả hội nhìn nhau, chúng tôi có gọi món này đâu, canh cá cơ mà. - Dạ, cá đây còn canh đây. Một bát nước canh chua đã vớt con cá ra. Hỏi ông chủ con này là cá rô phi mà. - Dạ cá đồng. Khiếu nại với bà chủ về con cá, bà ta bảo ông ta có biết gì đâu, cá chim đấy. Bà ta tưởng chỉ ở Sa Huỳnh có cá chim, cũng như anh Bộ tưởng chỉ ở Sa Huỳnh có cá ngon. Cho qua.
Chạy một lèo tới Hội An, nghỉ ngơi tắm rửa, uống bia cho sướng rồi vào mạng của KS để dọn dẹp "rác, bom, mìn" do k7sg để lại trong Bạn Trường Trỗi. Hôm nọ ở KS Sông Trà đã thấy có gì bậy bạ. Nhưng vì IE hỗ trợ tiếng Việt không tốt nên không muốn xoá, lỡ oan. Ở River Beach Hotel, phải tải và cài FireFox để xem cho kĩ. Chợt thấy buồn và lạ, không nghĩ lại có lúc phải dùng đến "chổi". Nhưng mà thôi, cá còn cho qua, mấy thứ lặt vặt này có đáng là gì.
Tối đi ăn và dạo một chút phố cổ Hội An. Con gái tôi đã từng mua mấy cái kiểu này gửi tôi cầm về hồi cuối năm ngoái, chuyến đi Côn Đảo. Thời gian thật là nhanh. Nhưng mà nóng và mệt, về nghỉ, mai lại đi tiếp, nghĩ tiếp nên nghỉ tối ở đâu ngày mai.

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: ở Bình Định

Ngày 10/7: loanh quanh Bình Định
Trước khi đi, cả hội đã google "du lịch Quảng Ngãi" và "du lịch Bình Định". Vì thế ngay hôm sau là ngày đi Bảo tàng Quang Trung và khu du lịch Hầm Hô. Hai địa chỉ này cùng một hướng.
Bảo tàng Quang Trung cách nội thành Quy Nhơn chừng trên 40km, trên đường 19 đi An Khê, Plâycu. Khuôn viên nhà của Tây Sơn tam kiệt nằm gọn trong Bảo tàng, về bên phải. Dịp này không có lễ hội gì nên bảo tàng vắng khách. Nhưng nếu ngày nào cũng giống ngày này thì ở đây luôn có khách ở xa đến thăm, vì chúng tôi còn thấy lẻ tẻ mấy đoàn đến sau.
Giống như các nơi "linh thiêng" khác, ở đây cũng có rất nhiều cây mang bảng hiệu của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hai cây me nhìn thấy trong ảnh, tán được tỉa tròn, cây bên trái là của Đại tướng VNG trồng.
Có lẽ đặc sắc nhất của Bảo tàng Quang Trung so với các bảo tàng khác là có biểu diễn võ công Bình Định. Tối hôm trước anh Tống có nói với tôi võ công Bình Định là sát thủ nên đội quân của Quang Trung tuy chỉ luyện tập trong một thời gian ngắn nhưng vẫn đủ sức phá giặc. Cũng chính vì thế nó không dùng để thi đấu được. Rất tiếc khi tôi hỏi thì được biết vì lí do mùa màng (hình như) nên đội biểu diễn hôm nay nghỉ.
Vốn dốt môn Sử nên tới đây tôi mới biết Nguyễn Nhạc khởi nghĩa dấy binh, nhưng nhanh thoả mãn, xưng Trung ương Hoàng đế ở Quy Nhơn. Còn Nguyễn Huệ thì được phong Bắc Bình Vương đóng ở Phú Xuân. Chỉ đến trước khi đưa quân ra Bắc đại phá quân Thanh Nguyễn Huệ mới xưng Hoàng đế Quang Trung để chính danh thu phục lòng dân cho việc lớn. Chính vậy xét về bộ máy quản lý nhà nước thì người ta cho rằng nước Việt Nam ta trong thời gian đó cũng chưa thống nhất, bởi có hai Hoàng đế. Trong lúc Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, có lúc Nguyễn Nhạc thấy trái ý cho quân ra hỏi tội, Nguyễn Huệ đánh vào, vây hãm thành Bình Định đến mức Nguyễn Nhạc phải lấy nghĩa anh em sao nỡ nồi da xáo thịt để xử hoà.
Cây me cổ thụ trong sân nhà Tây Sơn Tam kiệt. Phía sau là điện thờ Tây Sơn Tam kiệt cùng các tướng lĩnh. Điện thờ này được xây dựng trên nền nhà cũ của thân sinh Tây Sơn Tam kiệt. Vào điện thờ không được phép chụp ảnh nên không có ảnh cho mọi người xem.
Giếng cổ trong nhà thân sinh Tây Sơn Tam kiệt, miệng được xây bằng đá ong. Người ta không chú ý lắm tới tính cổ nên có dùng xi măng ở những chỗ như thế này.
Nói chung Bảo tàng Tây Sơn không có gì nhiều để xem. Cây gia phả của Tây Sơn Tam kiệt thì
tất cả là họ Hồ, duy ba anh em họ mới là Nguyễn. Có phải vì "phò Nguyễn diệt Trịnh" mà lấy họ thế không nhỉ? Cùng trong cây gia phả đó thì ở một nhánh chung gốc có Hồ Xuân Hương. Tôi nhớ hồi năm 2005 đưa Cao Tư lệnh và chị Niệm lên cửa khẩu Hữu Nghị, khi về đ/c (gì quên tên rồi) k3 say sưa nói về quê hương, làng Quỳnh Đôi, có họ Hồ ba vua. Đó là Hồ Quý Ly, Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) và Hồ Chí Minh. Chuyện về Hồ Chí Minh thì cũng đã được đăng trên mạng dưới bài viết cho là của Trần Quốc Vượng.
Rời Bảo tàng Tây Sơn, chúng tôi đi tiếp khu du lịch Hầm Hô cách đó không xa. Đây là một dòng suối to, với nhiều tảng đá lớn tạo thành một cảnh trí ít gặp ngoài Bắc. Ở đây, theo giới thiệu, vì có địa thế hiểm yếu nên còn là căn cứ của nghiã quân Tây Sơn, của phong trào Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng. Đoạn dưới ít đá lớn người ta đắp một con đập để tạo vùng mặt nước lớn.
Từ đây đi ngược dần lên đá càng nhiều, nhiều chỗ đi hiểm trở, không cẩn thận có thể tai nạn. Có những khe hẹp, người bụng to khó lòng qua nổi, mà đi lối khác cũng không dễ dàng.
Trên mặt những tảng đá lớn có những chỗ trũng, chứa nước mưa thành những vũng con. Trong đó rất kì lạ là có những vũng sâu tới mức tôi nghĩ không thể là kết quả phong hoá bình thường. Đây liệu có thể là chỗ vốn có một cái cây mà gốc của nó đã ăn vào đá, rồi chết để lại một lỗ sâu?
Rồi chúng tôi gặp tảng đá như vậy, với một cây lớn ở trên. Không có lối nào lên tảng đá đó, ngoài việc bám rễ cây để trèo lên. Loay hoay một hồi, trừ Dũng k1, các U60 cũng lên được tảng đá, chụp hình làm kỉ lục cho bản thân.
Không thấy có biểu hiện gì của việc hình thành "bọng gốc cây" trên tảng đá này, nhưng cũng khó lí giải sự hình thành của cái hố sâu, miệng nhỏ hơn bụng ở tảng đá kia.
Tụt xuống, cả hội quay trở lại vì cũng đến lúc kiếm chỗ ăn đồ mang theo. Mỗi nhà sàn dựng sắn khu du lịch thu 50 nghìn đồng, mỗi võng, nếu sử dụng thu 5 nghìn, khá là thuận tiện cho du khách.
Cuộc đi dưới nắng gắt mồ hôi đầm đìa làm cho mọi người mệt mỏi. Quay ra đến xe chúng tôi không còn hứng thú đi tìm từ đường của các võ tướng Tây Sơn như Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân. Về sớm để chiều muộn lại ra Bãi Dại thăm nhà anh Bộ, chào tạm biệt ra về.
Rời Bãi Dại tôi ghé nhà thăm Thuỷ. Chỉ có hai vợ chồng ở nhà, hai đứa cháu ngoại đi chơi nhà hàng xóm. Một ngôi nhà nhỏ trong xóm nhỏ gần lối vào Gềnh Ráng. Quãng tháng 10 này vợ chồng lại ra sang cát cho ai đó trong gia đình (tôi không nhớ chắc chắn). Hình như Thao láo (hay là Quốc Dũng) đã vào tận sau nhà xem mấy cái ang làm mắm của hắn. Nói là ngon chứ có lẽ Thuỷ bều bây giờ không làm mắm nữa. Vì trong khu dân cư này mùi mắm sẽ ảnh hưởng hàng xóm, họ sẽ có ý kiến. Ngoài ra mắm không được nắng thì cũng sẽ không ngon.
Đưa tôi về khách sạn, Thuỷ bều chụp chung một tấm ảnh với các Trỗi nhà tôi. Nó dành cho tôi cái chỗ ngồi làm bẹp mất cả bản thân. Xem mà mất cảm tình với mình quá.

TIN BUỒN

Điệp báo viên Nguyễn Văn Đạo, nhân chứng trong vụ đánh chìm tuần dương hạm của Pháp ở Thanh Hoá những năm chống Pháp, đã mất lúc 17g30 ngày 19/7/2007 tại Bệnh viện TWQĐ 175. Tang lễ bắt đầu từ 9g ngày 20/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia TpHCM - 5 Phạm Ngũ Lão; truy điệu hồi 8g Chủ nhật 22/7/2007.
Bác Nguyễn Văn Đạo là ba anh Nguyễn Văn Hoàng Đạo, cựu học viên Học viện Quân y cùng nhiều anh em Trỗi chúng ta.

Thứ Năm, tháng 7 19, 2007

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: Bây giờ mới tới Quy Nhơn

Sau khi rời Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm, đích đến của chúng tôi chỉ còn là Quy Nhơn. Gọi điện báo, vì HX.Thuỷ dặn khi đến gã sẽ dẫn đi nhà nghỉ của một đ/c Đại tá (hưu) là bạn của Thao láo. Sẽ gặp nhau ở cổng Viện QY 13.
Đến gần Diêu Trì, ở bên trái, xa xa có một cái tháp Chăm (hình như bây giờ gọi Chăm thay cho Chàm). Dừng lại chụp từ xa, rồi đi. Một chốc lại có hai cái gần nhau trên đỉnh quả đồi khác. Thời gian không vội, mà lại thấy có đường xe lên, tôi đề nghị vào thăm.
Văn hoá Chăm rất được các cơ quan bảo vệ di sản quốc tế quan tâm. Đến chân đồi đã thấy một vòng rào lớn, một Nhà Bảo vệ Di tích Tháp Bánh Ít thuộc Bảo tàng Tổng hợp Sở VHTT Bình Định. Và một con đường bê tông từ gần chân lên đến gần đỉnh đồi.
Có lẽ quá trình tiêu tiền quốc tế đã hết nên vào khu di tích chả gặp một ai, con đường chưa xong đã bị mưa xói lở. May mà việc trùng tu đã hoàn tất và chả có thể lấy được cái gì nên phần tháp vẫn nguyên.
Quần thể Tháp Bánh Ít có tới ba tháp. Một tháp to trên đỉnh và một tháp nhỏ ở dưới phía Đông. Một tháp dạng mộ ở phía Nam (định hướng theo cảm giác với mặt trời).
Có thể thấy dấu tích trùng tu ở những chỗ gạch mầu hồng tươi. Tuy thế dấu vết đục phá ở tháp nhỏ dạng mộ thì không được hàn gắn lại. Liệu có phải người ta để vậy để lý giải cho việc vật thờ (linga/yoni) đã bị mất qua đường này?
Người ta nói nhiều đến bí mật công nghệ xây tháp Chăm. Có người nói xây bằng cách mài gạch cho sít vào nhau. Có người nói xây gạch mộc rồi chất củi nung cả tháp. Vì thế không có vữa giữa những viên gạch mà lại rất liền. Quan sát phóng to phần tường có hoa văn, quả thực ai cũng phải kinh ngạc về việc các viên gạch chuẩn xác từ hình học đến kích thước. Phần hoa văn chắc chắn được chạm khắc từ phần tường đã hoàn thiện. Kĩ thuật để thực hiện được công việc này có thể rất đơn giản (cái kì diệu thường đơn giản) nhưng công sức bỏ vào đó để đạt được độ tinh xảo như thế, so sánh với thời nay, hẳn là cực kì lớn.
Nếu để ý rằng các tạo hình kiến trúc ngày nay thường có cốt bê tông hay gạch xây còn đường nét được tạo ra trên nền vữa đắp ngoài mới thấy việc tạo hình trên nền vật liệu gạch đã định hình quả là kỳ công.
Thuỷ bều chờ lâu không thấy đã gọi ời ời. Báo với nó là còn đang ở Tháp Bánh Ít để nó liệu. Khi đến Viện 13 đã thấy nó chờ ngoài cửa. Rất không ngờ Quy Nhơn còn khó tìm chỗ nghỉ hơn Đà Nẵng. Nhà bạn Thao láo, các khách sạn đều hết chỗ. Cuối cùng một cô bé lễ tân KS Sài Gòn Quy Nhơn gọi đi khắp nơi, tìm cho được 1 phòng ở một cái nhà nghỉ ở khu đang xây dựng. Bốn người đành ở một đêm trong cái phòng 3 giường vậy. Lý do cũng là các cháu về thi đại học. Hôm sau thứ Ba, chiều các cháu thi xong lập tức chúng tôi kiếm được phòng khách sạn nhìn ra biển.
Ngay tối hôm ấy chúng tôi ra quán Bãi Dại để gặp các bạn Trỗi Quy Nhơn.
"Lý Tống", theo cách gọi của K.Quốc, có vẻ rất thân thuộc không chỉ với Thuỷ bều mà cả các bạn Trỗi liên quan. Tôi thì lại quen anh Bộ, anh ruột của anh Tống từ mấy chục năm trước. Vì chị Sinh, vợ anh Bộ là người thân bên thông gia nhà tôi. Bây giờ anh Bộ và anh Tống là chủ của hai quán mà ở trên đường thì cách nhau một cái cầu Bãi Dại, dưới bờ biển cách nhau một khe nước mùa này cạn khô.
Từ lần gặp trước và qua anh em trong Nam, tôi biết Trỗi chỉ có quan hệ chỗ anh Tống. Bởi thế nên khi tôi định gặp bạn Trỗi là nghĩ ngay đến quán anh Tống. Tuy nhiên mấy người nhà tôi đi cùng lại cho là sai nếu đến ăn ở đấy mà không sang quán anh Bộ. Cuối cùng thì tôi được nhậu hai bữa trong một tối. Với gia đình và Trỗi nhà ở quán anh Bộ; với bạn Trỗi ở quán anh Tống.
Anh Bộ là một người có tính cách rất đặc trưng đến mức khi tôi kể về anh thì lão Hợp chỗ tôi, họ vốn biết nhau từ hồi đại học bên Liên Xô đã, nghĩ chỉ có thể là anh Bộ. Sau giải phóng anh Bộ về quê Bình Định, đâu như làm đến Phó GĐ Sở thì rũ áo từ quan đi làm ... Rô-bin-xơn trên cạn. Một mình vượt núi kiếm một mảnh đất ven biển nuôi dê, trồng vườn. Lâu lâu ngày thường đi thuyền về thành phố, ngày biển động gùi sản phẩm qua núi bán lấy tiền. Khi cần tôm cá thì dựng cờ cho thuyền chài biết ghé vào bán.
Khi người ta làm đường tránh đèo Cù Mông, chia mảnh đất làm hai, phần trên anh làm rẫy vẫn trồng cây ăn quả, phần dưới làm khu du lịch. Tiền đầu tư vay ngân hàng. Xem ảnh mọi người có thể lọc ra 4 Trỗi nhà tôi còn lại là vợ chồng anh Bộ. Chị Sinh một thời gian dài lo cho hai đứa nhỏ trưởng thành (chúng đều tốt nghiệp ĐH ở HN), nhiều năm dạy Toán các trường đại học và phổ thông ở HN, nay cũng về cùng anh hàng ngày chăm cháu ngoại và lo chuyện đầu tư, kinh doanh, có lẽ vĩnh viễn bỏ mảnh bằng MGU danh giá. Anh Bộ trông như thế nhưng mang trong mình một "tâm hồn Nga". Bọn Nga làm việc ở thuỷ điện Yaly, ở tầu biển cặp cảng Quy Nhơn thường đến quán của anh để nhậu và hát các bài Nga thâu đêm. Kiến Quốc thích hát bài Nga, nếu đến chỗ anh Tống chơi thì nên sang anh Bộ mà ... hát. Hạnh Phúc học Lý MGU sau chị Sinh hai năm. Hai người biết nhau. Tôi gọi điện cho chị Sinh nói chuyện với H.Phúc. Họ hẹn một dịp nào đấy H.Phúc vào chơi Quy Nhơn sẽ ghé thăm chị Sinh.
Ngồi nửa bữa, tôi chạy sang anh Tống. Thằng Thuỷ bều nói nó nhiều tuổi nhưng là bạn tao, mày phải mày tao với nó. Thuỷ bều thì quen thân hai anh em Bộ, Tống và cả bà cụ của họ từ ngày học sinh miền Nam.
Anh Tống và mấy Trỗi đã nhậu với nhau được nửa bữa, với họ thế là thường. Tôi sang lại cùng nhau nhậu tiếp. Trong ảnh là Thuỷ bều, Chinh k6, vợ Chinh, tôi, Cảnh k6 và anh Tống. Vợ Cảnh có đến nhưng đã phải về trước, Nhất Trung vào SG vì mẹ bệnh, Ánh k5 hôm sau mới gặp tại nhà, vì bận coi tiệm giải khát tại nhà. Không biết thế đã điểm hết Trỗi Quy Nhơn chưa.
Mọi người rất ngạc nhiên khi tôi lôi trong ba lô ra gần 2kg sấu xanh đưa cho Thuỷ bều (phần tới 2kg đã lấy cho chị Sinh). Khi đi cứ nghĩ 2kg cho nó là nhiều. Vào trong này chia ra mới thấy coi như là có quà đặc sản. Nhưng cũng không thể mang nhiều, dù xe tôi là xe được phép tải tới 700kg hàng. Bởi suốt mấy ngày đi đường phải để sấu trong khoang ngồi, tối mang lên phòng rải ra cho khỏi hỏng. Nếu để khoang hàng thì sức nóng ngày hè đã làm ôi quả rồi. Số sấu ấy chia 4 cho 4 gia đình có mặt, Thuỷ bều bốc cho mọi người, đến phần của mình thì lầm bầm "tao cũng phải hơn một chút chứ".
Bọn Trỗi ngồi nói chuyện với nhau rôm rả, chuyện từ hồi ai ở đâu, suối Chì là cái nào, máy bay Mỹ thế nào, ... Tôi nhắc chuyện chai mắm cái ở Trại Cau và nói với mọi người sấu mang vào đây chưa là gì so với mắm thằng Thuỷ gửi ra. Mấy chục năm mới được ăn lại. Suốt dải từ Huế trở ra đến Quảng Bình tôi lùng mà không có.
Vợ Chinh rất nể phục hội Trỗi, nói anh Chinh chỉ muốn có trường như Trỗi để gửi con vào. Cũng phải cho thị rõ bọn anh ngày xưa không phải thế này. Có đánh lộn, có lấy đồ, có áp bức, ... nhưng chính bản chất như ngày nay là do trong môi trường quân đội, có các thầy vừa giỏi vừa tốt. Cái khác biệt của trường Trỗi là ở đấy.
Ánh k5 không có mặt tại buổi tối này. Tôi chỉ gặp nó vào tối hôm sau, trước khi quay ra. Kịp biết bạn là đại tá bộ binh vừa nghỉ hưu, gia đình mở quán giải khát khá khang trang.
Chuyến đi này tôi định kết hợp "buôn" ít mắm cái. Tôi đã mang theo một chai La Vie 5L sẵn sàng đựng mắm. Thuỷ bều nói trước: 5L, 10L, 15L mày muốn bao nhiêu cũng có. Thế mà cuối cùng nó không lùng ở đâu được. 1L mắm mà tôi có để mang ra lại là do anh Bộ cho.