Thứ Hai, tháng 1 29, 2007

Những sự kiện k4 năm 2006

Năm cũ thì đã qua được một tháng rồi. Nhưng Tết được trọng hơn trong truyền thống là Tết Âm lịch. Vậy, khi tuổi già rồi thì ta cũng lấy Âm lịch làm trọng để tổng kết các sự kiện của anh em k4 trong năm, từ Tết trước tới Tết sau.
Anh em ai nhớ được sự kiện gì thì gửi comment hoặc thư điện tử rồi tôi sẽ lấy cho vào trang này.

1. Tứ thân phụ mẫu:
- Cụ ông thân sinh anh Vũ Anh Dũng, ông Vũ Quang mất
- Cụ bà thân sinh anh Bùi Dũng Sô mất

2. Các thầy cô:
- Mộ thầy Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn được gia đình xây lại, đại diện học sinh và thầy giáo tới dự lễ

3. Anh em k4:
- Lê Văn Đạo được phong quân hàm Thiếu tướng (Chuẩn Đô đốc), Phó Tư lệnh Hải quân (cuối năm 2005, nhắc lại vì năm trước thông tin không tốt như năm nay)
- Phạm Ngọc Quảng được phong quân hàm Thiếu tướng CA (cuối năm 2005, nhắc lại vì năm trước thông tin không tốt như năm nay)
- Đoàn Phú Hoà "tái hoà nhập cộng đồng" sau nhiều năm "lưu lạc"
- Tô Thế Truyền tái giá (vợ trước của anh Truyền mất vì bệnh)
- Mai Phong tái giá (vợ trước của anh Mai Phong mất vì bệnh)
- Trương Thanh Bắc nghỉ chờ chế độ hưu
- Sinh kế của anh Trần Chí Nghĩa bị đe doạ vì chính sách của Nga từ 2007 không cho người nước ngoài bán lẻ(?)

4. Các cháu:
- con trai Nguyễn Văn Tuấn lấy vợ
- con Đặng Trần Dũng kết hôn
- con gái Lê Đức Chương lấy chồng
- con gái Đặng Minh Hùng lấy chồng
- con gái Trần Thế Nam lấy chồng
- con trai Nguyễn Thanh Minh lấy vợ

5. Hoạt động của Khoá, Trường:
- Tháng 10 khoá 5 tổ chức chuyến đi thăm lại trường cũ ở Quế Lâm. Khoá 4 có Dương Minh và Nguyễn Khắc Cường tham gia. Đã có tin trong blog tháng 11 (November).
- Ngày Truyền thống 15/10: anh em phía Nam gặp mặt ngày 14/10, anh em phía Bắc gặp mặt ngày 15/10

Chuyện thật 100% của Chí Quang

Đòi bu gi cho chồng.

Chuyện xảy ra trong thời kì nước ta chưa “bước sang” kinh tế thị trường : Thời đó, xe gắn máy (của bạn) khi chạy thì cái gì (các chi tiết của xe) cũng kêu, trừ cái còi (kèn xe).

Chuyện có thật 100%.

Vào một sáng chủ nhật, gã ghé nhà BC.Minh uống trà, đàm đạo.

Ra về, đạp cần khởi động đến liệt chân mà cái “xe 67” không chịu nổ . “Thứ nhất là tại bu gi, Thứ nhì là tại cái gì gì bên trong” – các cụ dạy thế. Gã mở bu gi. Đen thui, ướt nhẻm, dơ dáy, mất lửa.

BC.Minh lục túi dự phòng đưa gã cái bu gi “lúc nào rảnh ghé trả”. (Hồi đó không dễ gì cho nhau mượn bugi đâu nhé, quý như … bugi. Mà tin bợm thì mất bò).

Hai đứa chia tay. Vui vẻ.

Cả tháng sau đó, công việc dồn dập làm gã chưa ghé trả bu gi cho ông bạn (“trả” ở đây không chỉ là hành vi giao nhận, mà bao gồm cả một cuộc trà đạo).

Hôm đó, gã vừa trở về phòng sau một cuộc họp thì một viên đại úy vỗ vai gã “hồi nãy cô Hạnh A40 tìm cậu để đòi bu gi của chồng nó”. Gã sựng sựng “Hạnh là ai nhỉ ?” (gã nào có quen ai ở A40).

Gã liên kết các sự việc: Phòng của gã và hầm tổng đài A40 cùng nằm trong khuôn viên cơ quan Bộ tư lệnh thông tin. Cái bugi. Phải rồi, là vợ BC.Minh.

Viên đại úy tiếp “cậu giữ rịt bu gi của chồng nó thì nó buồn là phải”. Gã mở cặp táp lấy bu gi và chạy xuống A40 trong tiếng cười ha hả của đám sỹ quan cùng Phòng.


Hậu truyện: theo trao đổi ngay sau khi tôi gửi đoạn "Hôm đó ... cùng Phòng" cho "cô Hạnh" thì được biết không có chuyện "cô Hạnh" đi tìm bu-gi cho chồng. Có thể cậu sĩ quan cùng Phòng biết chuyện rồi dựng lên để trêu Chí Quang. Tội nghiệp Chí Quang cả tin, đến bây giờ vẫn còn tin là thật 100%. Mà thật thật. Vì cái đoạn giả thì chỉ có cậu sĩ quan ấy biết thôi.

Thứ Sáu, tháng 1 26, 2007

Chí Quang sưu tầm 1: Luật Hồng Đức

Anh Chí Quang có vẻ như không thích "khoe văn" của mình, nhưng lại vẫn muốn nói lời hay. Anh ấy chọn cách sưu tầm những bài mà đọc xong chắc mọi người đều cho là có ích tu thân, bổ dưỡng tri thức, khoan khoái tâm hồn để thỉnh thoảng gửi cho bạn bè. Thiết nghĩ cùng là bạn bè, được anh Chí Quang đồng ý, tôi sẽ từ từ đăng lên đây để mọi người cùng xem. Mong các anh ủng hộ.


QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT

(LUẬT HÌNH TRIỀU LÊ HAY LUẬT HỒNG ĐỨC )

Tổng số : gồm 06 quyển, 13 chương với 722 điều.

(Nhà xuất bản pháp lý – 08/1991)

ĐÔI NÉT VỀ DANH LỆ

Biếm : giáng tước vị (biếm hai tư : giáng hai bậc) – khác với giáng chức, bãi chức.

Đồ : đồ hình, tội giam cấm và làm việc khổ sai.

Lưu : lưu phóng, đày đi nơi heo hút (gần thì Nghệ an, Quảng bình, xa thì Cao bằng).

Xuy hình : đánh bằng roi song ; trượng hình : đánh bằng gậy song.


QUY ĐỊNH VỀ CÔNG CHỨC (TRÍCH ĐIỀU LUẬT)

Điều 129. Các quan-viên làm việc ở sở mình mà ngồi đứng không đúng phép, thì xử tội biếm hay phạt.

Điều 120. Viên quan sai đi công cán, xem xét việc gì khi về tâu trình không đúng sự thật thì phải tội biếm hay đồ ; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm hai bậc.

Điều 121. Việc công cán đáng phải làm mà lần chần để chậm lại, hay những việc phải định do hội đồng mà làm trái lệ (như việc họp chầu hay tính sổ thuế ...), thì xử tội biếm hay bãi chức theo tội nặng nhẹ.

Điều 119. Để chậm trễ những chiếu, chế, sắc chỉ không ban ra ngay, chậm một ngày thì phạt 50 roi, ba ngày thêm một bậc ; để chậm trễ công văn (là các giấy tờ về việc quan) một ngày thì phạt 30 roi, ba ngày thêm một bậc, chỉ đến tội biếm một tư.

Điều 123. Phàm phải thảo chiếu chế mà lại quên, nhầm hay viết chiếu chế mà sai chữ, thì xử phạt 80 trượng, thảo sai ý chỉ nhà vua thì xử tội biếm hay đồ, tuỳ theo trường hợp nặng nhẹ. Vì người khác truyền đạt lại cho mà thảo sai thì được giảm tội một bậc.

Điều 154. Các quan-sảnh, quan-viện, làm tờ tâu lên về sổ xin cai quản, đối chiếu chưa xong mà đã trình lên xin ngự phê, thì bị xử phạt tiền 20 quan ; thuộc viên xử tội đánh 80 trượng. Cho đến việc làm sổ để tâu lên xin thăng bậc hay thuyên chuyển, mà không hợp với luật hàng năm, thì xử phạt tiền 30 quan ; thuộc viên xử tội xuy, đánh 50 roi, và biếm một tư.

Điều 195. Những viên thuộc lại ở các sảnh, các viện cố ý giữ các sổ phê và sổ lưu trữ lâu ngày không trình lên quan trên để cất vào tủ công, thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư. Nếu để mất mát thì phải tội đồ làm phu quét dọn ở bản sảnh hay bản viện.

Điều 84. Các chủ ty thấy cung điện, cửa thành hư hỏng hay là đường xe vua đi, cầu cống đổ nát mà không tâu trình, khi có chiếu chỉ vua sai sửa chữa mà lại không sửa cho được bền chắc, thì đều phải biếm một tư và bãi chức.

Điều 138. Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 01 quan tới 09 quan thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 quan tới 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém. Những bậc công thần, quý thần, cùng những người có tài được dự vào hạng bát nghị mà ăn hối lộ từ 01 tới 09 quan thì xử phạt tiền 50 quan, từ 10 quan tới 19 quan thì phạt tiền từ 60 quan tới 100 quan, từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ, những tiền ăn hối lộ xử phạt gấy đôi nộp vào kho.

Điều 221. Các quan vâng mệnh đi sứ nước ngoài, mà chỉ chăm về việc mua bán, thì phải tội biếm hay đồ. Nếu là vật quý lạ cùng là sách vở và các thứ thuốc men, thì cho phép được mua.

Điều 560. Lãng phí của công (đem của công ra dùng, quá lạm rồi bỏ thừa nhiều) thì xử biếm. Nếu cái gì chưa dùng, thì lại nộp vào kho, mà cái gì đã đem ra dùng mà tản mát không thu lại, thì phải bồi thường gấp đôi như luật.

Điều 636. Các quan cai quản quân dân mà thông đồng làm bậy, tự tiện bắt quân dân ở hạt mình đưa lên phục dịch quan trên để nương tựa mưu cầu, thì xử tội đồ ; quan trên nghe theo việc làm như thế, thì bị xử tội nhẹ hơn hai bậc và trả tiền công thuê nộp vào kho.

Điều 83. Những cận thần (nội giám, thị vệ – ND) không được giao du và quà cáp với người bên ngoài, trái lệnh thì cận thần và người bên ngoài đều phải tội đồ hay lưu, nặng thì xử tăng thêm tội.

Điều 182. Việc giữ đê không vững vàng hoặc là quan giám-đương không ra sức gìn để cho nước lụt làm vỡ đê, làm mất hoa màu của dân thì quan lộ và quan giám-đương bị xử biếm hai tư, bãi chức. Nếu đường đê vững chắc lại cố gắng giữ gìn, song vì nước lụt quá to, sức người không chống nổi mà đê vỡ thì không bị xử tội.


VỀ NGUYÊN TẮC NHÂN ĐẠO (TRÍCH ĐIỀU LUẬT)

Điều 17. Khi phạm tội chưa già cả tàn tật, đến khi già cả tàn tật việc mới bị phát giác, thì xử tội theo luật già cả. Khi còn bé nhỏ phạm tội, đến khi lớn mới phát giác, thì xử tội theo luật khi còn nhỏ.

Điều 37. Người nào phạm hai tội trở lên cùng phát hiện ra một lúc, thì theo tội nặng mà định tội, còn tội nhẹ hơn được giảm một bậc.

Điều 451. Người man liêu (người dân tội thiểu số – ND) cướp bóc của nhau, giết nhau thì xử tội nhẹ hơn tội cướp, giết người một bậc.

Điều 308. Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 05 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn 01 năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì xử tội biếm.


VỀ GÓC ĐỘ KĨ THUẬT (TRÍCH ĐIỀU LUẬT)

Điều 521. Làm giả hay thêm bớt vào công văn, thì xem xét định trốn tránh việc gì hay tội gì, mà xử nặng hơn tội ấy hai bậc ; chưa thi hành thì được giảm một bậc.

Điều 41. Khi định tội mà không có điều luật chính đáng như đáng giảm tội thì dù tội nặng cũng có thể cho là tội nhẹ (như cho phạm tội vì lầm lỡ), nếu đáng thêm tội thì thì dù tội nhẹ cũng có thể cho là tội nặng (như cố ý).

Điều 18. Phàm phạm tội chưa bị phát giác mà tự thú trước thì được tha tội. Phạm tội thập ác và giết người thì không theo luật này. Phạm tội nhẹ đã bị phát giác mà lại thú cả tội nặng nữa, thì được tha cả mọi tội. Phạm tội thập ác và giết người thì không theo luật này. Còn nhờ người thú thay, thì không được tha tội. Biết người sắp tố giác mình mà mình mới tự thú thì cũng cho giảm một bậc.

Điều 450. Những kẻ ban đêm vô cớ vào nhà người ta, thì xử tội đồ ; chủ nhân đánh chết ngay lúc ấy thì không phải tội ; nếu đã bắt được mà đánh chết, đánh bị thương, thì phải tội như đánh nhau chết người hay bị thương, mà giảm ba bậc.

Điều 457. Các con còn ở nhà với cha mẹ mà đi ăn trộm thì cha bị xử tội biếm ; ăn cướp thì cha bị xử tội đồ ; nặng thì xử tăng thêm tội ; và phải bồi thường thay cho con những tang vật ăn trộm ăn cướp. Nếu cha đã báo quan thì không phải tội ; nhưng báo quan rồi mà để con ở nhà thì cũng xử như là chưa báo.

Thứ Hai, tháng 1 15, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 14/1/2007 Đi Vân Đồn ăn con Tu Hài

Chuyến đi này chả phải do tôi định. Là có bạn mời. Chỉ có điều khách lại được mời bạn của mình đi cùng, nôm thì gọi là "ăn theo". Kế hoạch không có gì nhiều, tất cả chỉ biết là đến cảng Cái Rồng sẽ đi ra một hòn đảo nhỏ nơi một ông chủ nuôi trồng hải sản lập trại. Ngủ ở đó một đêm rồi hôm sau về. Ông chủ mời chính thức anh bạn, còn từ sau đấy đều là ăn theo, cả tôi cũng vậy.
Để kịp ăn trưa tại đảo như sắp xếp của ông chủ, chúng tôi phải đi sớm, từ 6h30 sáng. Cũng tốt thôi, đã đi chơi thì đi nhiều, ăn nhiều tốt hơn là ít. Trừ khi mệt quá thì không nên.
Có thể nhiều người chưa từng nhìn thử xem Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long như thế nào. Tôi gửi cái ảnh kèm đây lấy từ www.wikimapia.org, bao trùm từ bên trái là đảo Tuần Châu có con đường ra như sợi chỉ, bên phải là một phần của đảo Vân Đồn phía trên. (bấm vào ảnh để xem ảnh lớn)
Chuyến đi gần 5 tiếng đồng hồ đến cảng Cái Rồng trên đảo Cái Bầu thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh không có gì đặc biệt nếu không nghĩ về những chiếc phà. Hồi bé (gần nửa thế kỉ trước) đi đến Bãi Cháy là cả một gian truân. Hồi đó người ta thường đi lối đường 5 đến Hải Phòng, qua phà Bính sang huyện Thuỷ Nguyên của Hải Phòng, qua phà Rừng để sang Quảng Ninh và cuối cùng là một cái phà tí tẹo cách Bãi Cháy gần 20km, gọi là phà Yên Lập, mới tới được Bãi Cháy.
Phà Bính ngay sát Hải Phòng, là một bến phà đầy không khí công nghiệp. Xung quanh là nhà cửa, bến bãi, tầu lớn tầu nhỏ. Người qua lại phần đông trông vẻ công nhân, công chức. Cảm giác về cuộc sống công nghiệp rất rõ ở bến phà này.
Phà Rừng thì trái ngược. Nằm ở giữa những bãi sú vẹt, nhà dân lưa thưa trên vùng đất thấp, phà Rừng đầy vẻ hoang sơ. Sông Bạch Đằng rộng mênh mông với bức phù điêu trận thuỷ chiến ở bên phà làm bất cứ đứa trẻ nào qua đây cũng nhớ tới quyển truyện "Lá cờ thêu sáu chữ vàng". Tới phà Rừng đã bắt được hơi biển.
Cuối cùng phà Yên Lập ngang qua một con sông nhỏ tí chảy thẳng ra khoảng rộng bãi đất ngập nước ven biển. Phà này không có ca-nô dắt mà kéo tay. Hai sợi cáp mắc song song nhau qua sông. Một sợi để cho phà níu vào khỏi trôi theo dòng nước, sợi kia để tự do để kéo. Người đi phà mặt quay sang bờ tới, cầm một thanh gỗ như cái dùi đục có xẻ một rãnh ngang ở đầu, gài sợi cáp vào rãnh rồi đi lùi. Động tác đi này đẩy phà tiến về phía bờ. Đi hết chiều dài phà, người kéo gỡ dùi kéo (cứ cho là gọi như vậy) ra khỏi cáp, đi tới đầu kia để lặp lại động tác kéo phà. Thường trên phà người ta để sẵn một lô những chiếc dùi kéo để khách đi phà kéo phụ thêm với nhà phà cho nhanh. Hồi đó tôi còn bé, rất thích tham gia vụ kéo phà này. Chiếc phà này biến mất không biết vào năm nào, vì lâu lắm tôi mới có dịp quay trở lại con đường này. Thay vào đó là một chiếc ngầm hình cánh cung vòng ra phía biển. Con đường có chiếc ngầm này trông thật nên thơ. Rồi cũng không biết chiếc ngầm đã bị thay thế bằng cầu tự bao giờ. Ai không để ý thậm chí sẽ không nhận ra cây cầu, nhưng nếu nhìn lên thượng nguồn sẽ thấy có một chiếc đập chắn ngang. Nhiều lần đi ngang đây tôi rất muốn lên ngắm chiếc hồ hình thành nhờ đập chắn nước này mà chưa một lần thực hiện. Giống như một vật tuy ở gần nhưng lại rất xa. Bởi bao giờ nó cũng trong tầm tay mình nhưng chưa bao giờ có trong tay.
Vài năm, thậm chí vài tháng trước đây, từ Bãi Cháy đến Vân Đồn (thường gọi đảo Cái Bầu là Vân Đồn, vì nó là trung tâm, huyện lị của huyện Vân Đồn) còn phải đi qua hai phà "hoành tráng". Một phà nối Bãi Cháy với Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long) đi ngang cửa Lục, phà thứ hai nối Cửa Ông với đảo.
Phà Bãi Cháy những năm gần đây có mật độ lưu thông cao nên thường xuyên có 3 đôi phà hoạt động liên tục. Nước sâu xanh ngắt ngay từ gần bờ. Bên trong là cảng nước sâu Cái Lân, bên ngoài là vịnh Hạ Long với lô nhô núi đá. Cầu Bãi Cháy mới khánh thành đâu được gần 2 tháng đã đưa bến phà vào hoài niệm. Bến Bãi Cháy rộng để có thể tiếp nhận hơn một phà cùng lúc nên khi cần thiết các xe gầm thấp có thể lượn hình chữ S lên phà để tránh bị sạt đuôi. Đến nay khi chạy sau những chiếc xe chở khách đời mới của Hàn Quốc người ta có thể thấy nhiều xe có trang bị phi tiêu chuẩn gắn ở góc sạt đuôi xe. Đó có thể là bàn trượt, có thể là bánh xe sắt nhỏ.
Sang khỏi cầu Bãi Cháy, tiếp tục đi đường 18 qua Cẩm Phả rồi tới Cửa Ông là rẽ sang Vân Đồn. Trước khi có cầu Vân Đồn thì đến đền Cửa Ông là lối rẽ ra phà. Bây giờ đi quá một đoạn ngắn thì rẽ vào lối lên cầu. Đền Cửa Ông thờ một người con (tôi quên tên) của Trần Hưng Đạo đã từng là tướng trấn giữ vùng biển này. Gọi là cầu Vân Đồn nhưng nó gồm 3 cầu bắc qua hai hòn đảo trung gian mới tới đảo Vân Đồn, trong đó có một cầu vồng để tầu lớn có thể đi qua bên dưới còn hai cầu kia thẳng chỉ tầu thuyền nhỏ chui qua được.
Trên xe chủ yếu là mấy anh em thế hệ trên 50 tuổi, chỉ có ông khách xịn là dưới 50 nên ai nấy đều nhớ về quá khứ. Mấy chục năm trước có muốn đi Vân Đồn thì chắc hết trọn một ngày. Bây giờ chúng tôi mất có hơn 4 giờ đồng hồ. Ôm trong lòng cái quá khứ "một ngày" thủa ấy thì mới biết cái hạnh phúc của 4 tiếng đồng hồ bây giờ. Góp ý vào bài đi thăm cầu Bãi Cháy của tôi, Tôn Gia Quý chả vẫn còn xao xuyến với phà Bãi Cháy đấy thôi.
Sau gần hai giờ chạy thuyền gỗ thường dùng chở vật liệu và nhân công cho công trình trên đảo, chúng tôi đã tới hòn Bánh Sữa, một hòn núi đá nhỏ nhô trên vịnh Bái Tử Long như một con rùa. Điểm đặc biệt của hòn đảo này là nó có một doi cát nhô ra. Cứ nghĩ là doi cát thì lúc có lúc không, tuỳ thuộc vào dòng chảy và thuỷ triều. Nhưng nhìn trên bản đồ làm từ mấy chục năm trước thì cũng thấy cái mẩu nhô ra đó. Phải nói những bản đồ như thế này tích luỹ biết bao lao động và tri thức. Buổi sớm, sau một đêm trên đảo thao thức theo dõi tình hình ngáy của anh em, Thanh Bắc và Công Minh ra đứng ở đầu doi cát mà theo Công Minh cho biết là nơi "có sóng".
Theo lời ông Đỗ Hữu Tờ là chủ thầu nuôi trồng hải sản vùng biển này thì quanh đảo là vùng san hô nước nông hiếm hoi của Vịnh. Nhờ nó mới có thể phát triển trại nuôi con tu hài. Đây là kết quả khảo sát và quy hoạch của tổ chức Suma Nhật Bản làm giúp VN. Bản đồ 1/50.000 và lưu vết đường thuyền đi kèm theo để mọi người biết nó là hòn nào trong ảnh vệ tinh.
Bữa trưa được dọn ngay khi mọi người lục tục rời thuyền lên đảo. "Mầm đá" đã dừ. Mọi người nhanh chóng ngồi vào bàn và thưởng thức món đặc sản "của nhà trồng được" là con Tu Hài.
Ông chủ giới thiệu tu hài là loài nhuyễn thể sống dưới biển, có hai vỏ cứng nối với nhau bằng một màng mỏng. Vòi hút, xả nước của con tu hài ở một mép vỏ. Khi duỗi nó có thể dài tới 20cm, ảnh chụp khi nó thu vòi. Khác với các loài khác như ngao, ngán, sò ăn rễ cây mục, xác động vật, ... thì loài tu hài chỉ ăn phù du trong nước biển. Nó sống ẩn mình trong cát, thò vòi lên mặt cát để hút nước, lọc lấy các loài phù du để tiêu hoá. Đặc điểm sinh trưởng như vậy nên tu hài chỉ có thể sống được ở nơi có cát vụn san hô và nước sạch không bị ô nhiễm. Theo tôi cát vụn san hô là cát tỉ trọng thấp, dễ bị xê dịch, tạo điều kiện cho con tu hài dễ chui xuống dưới và khi ở dưới không bị áp lực cát đè nặng.
Gần 30 năm trước tôi có dịp công tác ở Quảng Ngãi, trong một làng chài ven biển nhìn ra đảo Lý Sơn. Người dân ở đây ngoài nghề đánh cá, họ còn trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng, nhưng có thể tỏi thương phẩm Lý Sơn lại không hoàn toàn đáng có CO (Certificate of Original, Chứng nhận Xuất xứ) của Lý Sơn, mà là "nhái". Đặc điểm của cây tỏi Quảng Ngãi (nói thế cho đúng thực tế) là được trồng trên đất phủ cát vỏ san hô. Người dân làm đất bình thường rồi phủ một lượt cát san hô mỏng lên trên. Cây tỏi có rễ hút dinh dưỡng từ đất nhưng phần củ lại phát triển trong lớp cát ở trên. Hồi đó tôi đã suy luận cát nhẹ nên củ dễ phình to, có thể cát này còn tạo ra nhiệt độ thích hợp dưới nắng miền Trung làm cho cây tỏi ngon. Trường hợp con tu hài làm liên tưởng lần thứ hai tới đặc điểm của cát san hô.
Hòn thứ hai lớn hơn hòn Bánh Sữa, chúng tôi đến thăm sau khi ăn là hòn Soi Mui. Thời cổ xưa người ta gọi là hòn Soi Nụ vì có nhiều cá nụ ở vùng đó, thời Pháp đổi lại là Soi Mui cho tới nay. Hòn này cũng là đá, nhưng độ dốc nhỏ nên giữ được bên trên mặt một lớp cây rừng, có cây cổ thụ. Ông chủ Tờ nói sẽ xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng sinh thái biển.
Chúng tôi đi bộ bên mép nước quanh hòn Soi Mui gần giáp vòng thì trời tối. Bên trái là mặt nước biển vịnh Bái Tử Long phẳng lặng, xa xa là những hòn đảo lẫn bóng vào nhau trên nền trời. Bên phải là rừng cây tối sẫm. Thỉnh thoảng có dịp thở hít không khí trong lành, yên tĩnh, vừa đi vừa nói chuyện như thế này thật thích. Sợ tối không nhìn ra đường, khó đi, thuyền tới đón chúng tôi ở một doi cát gần nơi đến.
Suốt chuyến đi Công Minh được lão Hợp cùng cơ quan tôi "tháp tùng" đi sau phía sau, vừa đi vừa đàm đạo. Hai lão ít nhất là hợp nhau ở chỗ luận về "y thuật bảo vệ sức khoẻ". Chỉ có điều không đi đến kết luận. Dường như mỗi người đều có chính kiến riêng của mình. Với Công Minh chuyến đi này không dễ chịu lắm vì phải leo lên xuống thuyền bằng ván gỗ đóng thang, không tay vịn. Sau này hắn mới nói sẽ không đi lại như vậy nữa, độ mạo hiểm rất cao rồi. Nhưng hắn nói thêm, không xảy ra chuyện gì, đi về thấy cũng hay. Thì lúc đã đi rồi còn lui thế nào được, thôi thì phải cố. Thỉnh thoảng cũng nên cố một chút, cũng là cái cách sống ở đời. Miễn đừng để cố quá sẽ thành quá cố.
Con tu hài sau khi nướng chín thì trông như thế này. Cái vòi phần đầu đen bây giờ tím, trong bụng thì trắng. Mấy mẩu đen đen vàng vàng trong bụng không phải của nó mà là hành phi vàng cho vào cho thơm. Cái giá trị nhất, theo như quảng cáo "ăn gì bổ nấy" là cái vòi. Nói chung vị thì có ngọt tuy không xuất sắc bằng nấu cháo, nhưng được cái không dai mà dòn dòn. Vì con tu hài chỉ hút nước ăn phù du nên hầu như không có chất thải, chỉ bỏ có cái màng ở phần đầu vòi.
Ra về ông chủ tặng cho mỗi người ít con. Theo thời giá mỗi kg tu hài bây giờ quãng trên 200.000đ. Còn nếu vào hàng thì người ta tính quãng trên 20.000đ/con. Nói chuyện con tu hài, chưa nói giá, ai biết cũng bảo là đắt lắm. Quả như thế thật.

Trên đường về, sau khi ăn trưa ở gần Bãi Cháy, chúng tôi ghé thăm chùa Côn Sơn và đền thờ Nguyễn Trãi. Trong tấm ảnh tôi chụp tại đền chỉ có hai "Trỗi" là Thanh Bắc và Công Minh. Còn là những người trong "đội đi" quen thuộc của tôi mà Thanh Minh có biết đôi người. Nhưng cũng có những người chưa gặp bao giờ. Lúc mời Thanh Bắc đi, hắn rất cẩn thận hỏi đi thế nào, đến đâu, có gì, với ai, chi phí thế nào, ... Nhiều câu hỏi tôi cũng không trả lời được, chỉ bảo bạn tôi mời và mời cả người do tôi mời thêm nữa, miễn là có đủ xe đi. Thế thôi, mọi việc khác đều có thể tới đâu hay đó. Cuộc đi kết thúc tốt đẹp, kể cả việc Thanh Bắc và Công Minh nhà ta vui vẻ nói chuyện với mọi người. Cuộc sống thay đổi thật nhiều, có thể nhận biết khi nghe những câu Thanh Bắc hỏi. Rồi hắn cũng sẽ quen thôi, sau một thời gian "tái hoà nhập cộng đồng" vào số những người không còn trách nhiệm "nghiêm trọng" trong quân đội.

Thứ Năm, tháng 1 11, 2007

Viết "phóng sự" như thế nào

Có một bạn gợi ý tôi nên phổ biến kinh nghiệm để có thể viết được bài như kiểu "Côn Đảo" vừa rồi.
Thực ra bài như vậy không thể nói là của "người có kinh nghiệm" vì nếu có kinh nghiệm và tay nghề thì có thể bài đã tốt hơn nhiều. Cái đáng nói ở đây là trạng thái của người đi, mục đích của chuyến đi và sau rốt mới là kĩ năng viết.
Như mọi người thấy, tôi có lời rủ rê anh em có thích thì đi cùng, nếu không thì tôi đi một mình. Rõ ràng chuyến đi này là vì một mình tôi mà thôi. Không phải đi nghỉ với gia đình, không phải đi chơi vui với bạn bè. Một mình là cuộc đi tìm hiểu, để biết những điều đã biết một cách sơ lược, bây giờ muốn biết kĩ hơn. Khi mình đi nghỉ với gia đình, hoặc chơi với bạn, mình có những trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện để cho cuộc nghỉ hoặc cuộc vui thành công.
Như vậy điều đầu tiên muốn phổ biến với mọi người đã là một khó khăn phải vượt qua. Các bạn quen làm việc trong môi trường công sở, các bạn quen ngoài công sở đi đâu có gia đình theo đó thì rất khó có được trạng thái tâm lí bỏ nhà bỏ sở đi ... chơi. Đó là chưa nói đến sự tốn kém (kiểu gì cũng có, không nhiều thì ít) không cho một cái gì cụ thể.
Tóm lại trước hết phải cải biến mình, trong một khoảng thời gian nào đó, thành ra một loại người khác với chính mình bình thường (dở hơi?) mà nếu xét theo phân loại nghề nghiệp thì giống như là làm nghề viết. Tất cả những người viết báo, viết văn, vẽ tranh, chụp ảnh, ... trước hết phải thích cái việc định làm. Nếu không làm nghề, thì cái yêu thích ấy vẫn cần người ta dành cho nó những lúc nhặt nhạnh, suy ngẫm, chiêm nghiệm rất riêng tư. Chính vậy những người viết nghiệp dư thường lâu cho tác phẩm hơn chuyên nghiệp.
Trạng thái "người viết nghiệp dư" là cái cần để thỉnh thoảng viết ra cái gì đó cho người khác xem. Tuy nhiên không dễ đặt mình vào trạng thái đó. Thường ai cũng có lòng tự trọng hoặc hiếu thắng, nên muốn viết ra là chỉ có đúng, không muốn ai chê bai, bình phẩm linh tinh (văn mình). Đây cũng là một trở ngại để thành "người viết". Đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể viết cái chỉ có đúng (nếu phải bộc lộ quan điểm) hoặc là đầy đủ (nếu là mô tả sự việc). Mỗi người có một thế giới riêng chính vì cái sự cảm nhận khách quan đầu vào đã khác nhau chứ chưa nói tới phản ứng có phần chủ quan của mỗi người. Vậy hãy làm theo cách: tôi muốn nói và tôi nói đúng cái tôi có, tôi không ngại mọi người nghĩ về nó thế nào. Người viết là người phải bộc lộ mình trước công chúng và không ngại về điều đó. Lí do để không ngại thì mỗi người phải tự tìm ra.
Cũng cần phải biết định viết cho ai xem, đặc biệt là khi điều viết ra có bộc lộ quan điểm cá nhân. Đặt mình vào vị trí của người đọc, tự nghĩ xem viết như thế có hiểu được không, có tưởng tượng ra không, ...
Kĩ năng viết cũng cần, ai đã từng viết đều biết sự khác nhau giữa văn nói và văn viết. Để cải thiện chỉ có cách viết nhiều và rất quan trọng là luôn có ý thức về thông tin trong mỗi câu văn và tính dễ hiểu của nó.
Rồi khi bạn đã định làm cái việc là phản ánh cái gì đó qua cảm nhận của bản thân cho một đối tượng nào đó thì các thứ cần thiết khác chỉ còn là công cụ hỗ trợ (máy ghi âm, máy ảnh, ...). Chúng giúp làm cho bài viết phong phú hơn, chính xác hơn, nhiều tư liệu hơn, ...
Hi vọng là bài này có thể động viên những ai thích thỉnh thoảng chia sẻ cảm xúc cuộc sống sẽ cố gắng thêm một chút, hi sinh thêm một chút, đòi hỏi thêm một chút, để có thể thực sự chia sẻ những điều mà mình muốn.

Thứ Hai, tháng 1 08, 2007

Bẩy ngày Nam du. 3: Côn Đảo (sửa: 22h30, 12/1)

(Bấm vào ảnh để xem kích thước lớn)
Tôi muốn được đến thăm quan Côn Đảo từ lâu, vì lí do lịch sử cách mạng, lịch sử gia đình và bây giờ thì còn là một địa danh du lịch. Chuẩn bị cho chuyến đi này tôi đã tải về bản đồ 1:50.000 năm 1969 của chính quyền SG.

Nhờ vậy bây giờ tôi mới biết hình thể Côn Đảo không phải là một hòn đảo tròn. Nó là một quần thể (đâu như) 16 hòn, trong đó hòn lớn nhất là Côn Đảo có hình dáng như một con chó nhìn ngang. Côn Đảo là đảo núi đá có độ dốc cao. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Thánh Giá 577m ở vào khoảng "đùi sau", còn đỉnh núi Chúa 509m thì ở vào khoảng vai của "chân trước".
Đảo có duy nhất một con đường chạy từ cổ "chó" (sân bay Cỏ Ống mà bản đồ thế kỉ của 18 của Hải quân Pháp còn ghi là ruộng lúa), men theo bờ biển xuống "chân trước" tới thị trấn Côn Đảo ở "bụng chó". Con đường tiếp tục men theo bờ biển chạy xuống "chân sau", vòng đến "sau đùi" thì kết thúc tại Bến Đầm, tất cả khoảng 25km. Thị trấn Côn Đảo ở chính đoạn giữa đường, cách Cỏ Ống và Bến Đầm đều khoảng 12-13km. Thị trấn có đường bao quanh và một vài con đường xuyên qua vùng "mỡ bụng". Bản đồ 1969 thể hiện Côn Đảo có một sân bay và một cầu tầu.

Cầu tầu ngay tại thị trấn được thể hiện trên bản đồ 1969 chính là cầu tầu mà những người tù được đưa lên đảo giữa hai hàng cai ngục đánh đòn phủ đầu (Hồi ức Nguyễn Thanh Sơn "Trọn đời theo Bác Hồ", NXB Trẻ, 2005). Bây giờ cầu tầu đó có tên gọi Cầu tầu 914 để kỉ niệm 914 người tù chết trong khi xây dựng tu sửa cầu tầu này trong suốt lịch sử của nó. Cầu tầu này bây giờ không được sử dụng neo đậu tầu thuyền. Thay cho nó là cầu tầu du lịch được xây dựng cách đó quãng 200m.



Ngoài ra để phát triển kinh tế bây giờ Côn Đảo còn có một bến cảng lớn ở Bến Đầm với khả năng đón tầu lớn. Các chuyến tầu khách từ Vũng Tầu ra bây giờ đều cặp cảng Bến Đầm. Từ Bến Đầm con đường còn được mở thêm khoảng hơn 2km nữa cho tới khoảng "chót mông" với đường điện cao thế kéo theo mà chưa dùng cho công trình nào.
Côn Đảo có 3 nghĩa trang có tính lịch sử. Một là nghĩa trang Hàng Keo ở sát bờ biển trước khi vào thị trấn. Nghĩa trang này mang tên loại cây phổ biến ở đây với hàng nghìn ngôi mộ (theo bảo tàng) nhưng khi bỏ không dùng từ thời Pháp thì chúng đã ủi trắng xuống biển và bây giờ ở đây cũng không còn cây keo mà thay bằng cây phi lao (dương).
Nghĩa trang thứ hai là Hàng Dương, ở phía trong, gần với núi. Là nơi chôn tù chết cho tới ngày cuối cùng các nhà tù ở Côn Đảo còn được sử dụng, cả tù chính trị (chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều) và tù thường. Theo tính toán của bảo tàng thì suốt lịch sử làm nhà tù, Côn Đảo có khoảng 200 nghìn tù nhân, chết trên đảo khoảng 20 nghìn và số mộ hiện có ở Hàng Dương là gần 2 nghìn với trên 70% là tù chính trị. Như vậy ngoài những người chết trên biển (vì vượt ngục, ...), đâu đó lẫn trong đất cát của Hàng Dương còn nhiều hài cốt của người tù, nhiều bộ chắc đã thực sự trở thành cát bụi.
Nghĩa trang thứ ba là nghĩa trang Pháp, ở gần thị trấn trên đường đi ra Hàng Dương, xây cổng rào năm 1921, dành cho giám thị nước ngoài. Nghĩa trang này hiện nay thường xuyên đóng cửa, cây cối rậm rạp. Không rõ người cuối cùng được chôn cất ở đây là vào năm nào. Nhìn vào có cảm giác thân nhân của những người nằm đây có khi cũng đã quên lãng phần mộ của họ rồi, vì thời gian và cách trở.

Tôi đến Hàng Dương lúc chiều muộn sau khi đã thăm nhà trưng bày di tích và loanh quanh nhận diện thị trấn-nhà tù rồi phát hiện rằng có thể đi bộ tới đó, sau khi bị một trận mưa nhỏ cầm chân. Sau nhà lễ và cổng trang nghiêm là một đài tưởng niệm với tượng đài bằng đá hoa cương ở đằng trước và một cây nhang tượng trưng cũng bằng đá ở sau.

Không thể thắp cho mỗi ngôi mộ một nén hương, tôi đốt cả bó và cắm lên lư hương chung ở đài tưởng niệm. Trong lòng thầm nghĩ đây là hương kính viếng của mình và những người bạn tới các vị đã hi sinh cho nước.

Thắp hương xong đi vòng ra bên cạnh tôi mới biết có lối đi xuống. Hoá ra sau sân trên còn có sân dưới. "Cây nhang đá", theo cách gọi của tôi, được đặt ở trung tâm của sân dưới. Trước đó lại có một lư hương và trên mặt đá sàn sân có những lỗ để cắm lọng che nắng dùng khi hành lễ. Quanh sân dưới là hành lang với những bức phù điêu đá mô tả quá trình hình thành ngục tù Côn Đảo cho tới ngày Giải phóng. Khi xuống sân dưới người ta đối diện hoàn toàn với cảm giác tâm linh.
Theo lời người hướng dẫn của bảo tàng, cậu Nhân người Tiền Giang mới ra công tác khoảng 2 năm, thì đài tưởng niệm này được xây theo "số đẹp" ở tất cả chi tiết: 144 khối đá chạm khắc, chân đế kích thước 216cm, đỉnh 126cm, ... Có lẽ các kích thước khác của không gian này cũng đã được lựa chọn kĩ.

Rời đài tưởng niệm tôi đến một ngôi mộ mà khi đi vào đã để ý thấy được xây đẹp phía bên trái. Hôm sau được cậu hướng dẫn nói cho biết ở nghĩa trang Hàng Dương có 3 mộ xây đẹp là của Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong và Võ Thị Sáu. Ngôi mộ mà tôi đến là của Võ Thị Sáu.
Vừa tới mộ được một lát thì có mấy người phụ nữ đến thắp hương. Hoá ra họ là dân Nghệ An vào làm ăn, ngày rằm đến thắp hương Võ Thị Sáu. Lời đồn về sự linh thiêng của chị Sáu biểu hiện thành nhiều câu chuyện kể và lòng sùng kính của mọi người.
Trên mộ có một bia chính thức ghi ngày hi sinh 23/1/1952. Hai tấm bia cũ đặt dưới đất đều ghi ngày 23/12/1952. Một tấm rất sơ sài, thô mộc là của các tù chính trị lập, còn lại. Tấm kia do chúa đảo Tăng Tư lập năm 1964. Tăng Tư là người Hoa, khi ra nhậm chức tại đảo có mang vợ theo. Bà vợ Tăng Tư ra đảo thì đêm thường bị ám ảnh bởi một người phụ nữ. Nói ra thì người ta cho hay nên có lễ cúng chị Sáu. Họ làm theo và được toại nguyện. Tăng Tư khi được thăng chức lên tỉnh trưởng Côn Sơn thì có đủ quyền lực để lập bia cho chị Sáu và ông ta đã lập với danh hiệu Liệt nữ Võ Thị Sáu. Tấm bia này có một vết nứt. Chuyện rằng khi trở lại làm chúa đảo năm 1974 Nguyễn Văn Vệ ra oai bằng cách tổ chức đập phá bia mộ của tù cộng sản. Riêng bia mộ Võ Thị Sáu không ai dám. Cuối cùng có một tù thường phạm muốn lãnh thưởng đã làm chuyện này. Nhưng mới đập được một búa thì gã đột nhiên quăng búa bỏ chạy. Sáng hôm sau người ta thấy gã đã chết ngoài bờ biển.
Tôi tìm những người công tác tại nghĩa trang để hỏi về chuyện có hai ngày hi sinh của chị Sáu. Có lẽ vì đây là câu hỏi thường có nên họ cũng trả lời theo cách rất nhuyễn là mời bác lên ban quản lí, chúng tôi chỉ là lao động trông coi thôi. Hôm sau trở lại nhà trưng bày di tích thì được họ cho xem sổ tử còn lưu giữ được. Chị Sáu hi sinh chính xác vào ngày 23/1/1952, nhưng những người tù khi lập bia đã nhầm, dùng ngày dương và tháng âm. Quyển sổ tử còn cho thấy quanh ngày bắn chị Sáu thực dân Pháp còn xử bắn nhiều tù nhân khác.
Ngày thứ hai trên đảo tôi đi thăm các nhà tù. Mùa du lịch Côn Đảo trong 6 tháng biển lặng, từ tháng 3 tới hết tháng 7. Du khách trong những tháng này tới Côn Đảo rất đông, bằng cả đường biển và đường không, các nhà nghỉ khách sạn chật cứng. Ngay nhà khách huyện đội, nơi tôi ở hai đêm, cũng sẵn sàng quá tải. Khách phải chịu ở chật, trải chiếu xuống sàn, còn hơn là không có chỗ nghỉ.












Một hướng dẫn, cậu Nhân, dẫn một du khách là tôi đi mấy nhà giam mà sau Hiệp định Paris năm 1973 chính quyền SG đổi hết thành các trung tâm cải huấn với tên gọi bắt đầu bằng Phú, Phú Hải, Phú Sơn, ... Mỗi trung tâm lại có các trại cũng Phú gì đó. Thực chất chúng vẫn là các banh thời Pháp và các Trại thời Mĩ. Công nghệ nhốt tù đặc sắc dùng suốt thời kì từ Pháp tới Mĩ là hệ thống khoá còng chân. Một cái còng chân được xỏ vào một thanh sắt lớn phía chân chỗ nằm của người tù, một đầu thanh sắt đó lại được xỏ theo chiều vuông góc bằng một thanh sắt lớn thò ra ngoài tường. Đầu thanh sắt đó được khoá ở bên ngoài, trong một cái hộp có cửa và khoá cửa. Như vậy để một người ra khỏi phòng giam khi bị còng cần 4 khoá, 2 khoá mở còng và 2 khoá mở cửa.
Một số địa điểm có tiếng trong các truyện về Côn Đảo như Hầm Xay Lúa, xà lim tại đó Lê Hồng Phong từ trần, khu tù nhân đập đá, chuồng cọp Pháp, ... đều được đến thăm. Chúng loanh quanh gần nhau cả. Một số di tích khác như cầu Ma Thiên Lãnh, Chuồng bò, chuồng cọp Mĩ, và một số "sở" (tên gọi các điểm lao công ngoài trại) ... chưa đến được.













Nhưng có những khung cảnh dường như không có trong danh mục di tích lại làm tôi bâng khuâng. Như dãy cây bàng cội trên đường cạnh nhà chúa đảo (nay là đường Lê Duẩn). Nhìn nó, không biết đã được bao nhiêu năm, không biết ngày xưa cha tôi có từng nhìn nó? Cậu Nhân nói theo lời một người cựu tù nay công tác tại nhà trưng bày thì trên chính con đường này ngày xưa có đường ray xe goòng để tù nhân chuyển đá ra kè bờ biển và dựng cầu tầu. Vì thế, theo ông, con đường này có phần gồ lên hơn những con đường khác.
Bên tay phải của con đường này, ngay trước mắt kia, là Sở Cò (mật thám), nơi giam chị Võ Thị Sáu một đêm duy nhất trên đảo trước ngày chúng bắn chị. Ngôi nhà ấy hiện nay chưa thu hồi được để làm di tích, nhưng kế hoạch thì đã có.
Tôi lang thang một mình trên mấy con phố ngắn của thị trấn Côn Đảo "bé bằng bàn tay" hàng giờ. Có những chỗ đã đi qua rồi đi lại, nhìn và cảm. Dãy hàng rào kiểu Pháp quanh mấy ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay, hay bức tường đá sau lưng Trại Phú Sơn, Phú Hải trên đường Nguyễn Huệ bây giờ hẳn đã từng là khung cảnh trong mắt những người tù khổ sai ngày ấy. Trong lúc đi qua cổng doanh trại quân đội trên đường Nguyễn Văn Cừ, từ xa tôi thấy một người đàn ông đứng ở hàng rào bên kia đường đang nhìn vào sau lưng một trong số mấy ngôi biệt thự giống nhau mặt quay ra biển (đường Tôn Đức Thắng). Những ngôi biệt thự ấy bây giờ là Saigon Condao Resort của SaigonTourist. Tôi đi qua cổng cũng là lúc người đàn ông đó đã qua đường, tới bên cậu lính gác cổng trẻ măng và nói rất lễ phép "xin phép cho tôi đứng coi lại cảnh xưa chút". Câu nói làm cho tôi giật mình, đi qua mấy bước quay lại nhìn. "Ngày xưa tôi ở bên kia", người đàn ông nói và khoát tay chỉ vào một ngôi biệt thự. Ông ta có lẽ chỉ trên 40, cái tuổi vào năm 1975 mới chuẩn bị trưởng thành. Ngay lập tức có cảm giác rằng mình sẽ hỏi chuyện người đàn ông này, sẽ chụp ảnh ông ta. Nhưng tôi vẫn bước đi, để ông ta lại sau lưng, không thể "vồ" lấy "con mồi" của ý muốn lục tìm quá khứ.
Lại cậu Nhân nói với tôi rằng cái nhà ở góc đường đó là trường Tây, dành cho con cái của các giám thị. Còn nhà ở quay mặt ra biển là của giám thị người Âu, giám thị người Việt ở khu khác quay vào trong. Như vậy câu nói của người đàn ông "ở bên kia" là "ở" hay "học ở" mà tôi nghe không rõ.
Người đàn ông này tôi còn gặp lại ít nhất là một lần, mà hình như là hơn, trong cái thị trấn nhỏ tẹo này, trong thời gian ngắn ngủi 3 ngày. Lần đó tôi và ông ta đi ngược chiều nhau vào buổi trưa ngày cuối cùng trên đảo. Ông ta đã thay áo khác, tôi cũng vậy, nhưng qua được mươi mét tôi quay lại nhìn thì thấy ông ta cũng làm như vậy, quay lại nhìn tôi. Rồi ai đi đường nấy. Trong tôi vẫn nguyên một cảm giác muốn lục tìm ở con người này những điều muốn biết.
Sau khi thăm các Trại giam tôi thuê xe máy chạy hết con đường đi Bến Đầm. Ngay gần thị trấn là Sở Muối. Tấm biển không cho biết ở đây có phải là nơi tù nhân phải làm muối hay không. Chỉ còn lại một ngôi nhà tường đá mất nóc. Trên đường có một tấm bia kỉ niệm nơi tiến hành cuộc võ trang vượt ngục của 198 tù binh lao công khổ sai làm đường cuối năm 1952. Người ta nói trong số tù binh tại đây có những người vốn là công nhân lò than vùng Quảng Ninh hiện nay. Vì vậy trong lúc làm đường họ đã đào hầm vào núi theo kĩ thuật hầm lò. Tại đó họ bí mật đóng hai chiếc thuyền sử dụng cho vượt ngục. Cuộc khởi nghĩa thành công nhưng chuyến vượt ngục không thành. Một thuyền bị vỡ, 81 người tình nguyện nhảy xuống biển và hi sinh. 117 người còn lại trên chiếc thuyền kia bị bắt lại. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang duy nhất trong suốt lịch sử của đảo.
Bến Đầm là một cảng lớn của đảo. Tại đó có cầu cảng, bồn chứa nhiên liệu, các nhà máy sản xuất đá lạnh phục vụ tầu đánh cá và các cơ sở hậu cần khác. Quá cảng khoảng 2km con đường kết thúc, không biết bao giờ được mở tiếp.
Tôi có ý định lên đỉnh Thánh Giá, cao nhất đảo. Đường lên không khó, thậm chí xe máy khoẻ có thể lên được, nhưng không kiếm được xe như vậy. Với lại đi chân an toàn hơn, cũng có nghĩa không đi được vì không đủ thời gian. Vì vậy buổi sáng cuối cùng ở đảo, tôi dành cho chuyến đi Sở Rẫy.













Chuyến đi mất khoảng 3 giờ 30 phút đi bộ từ trung tâm thị trấn. Sở Rẫy ở độ cao 228m (theo máy thu định vị vệ tinh GPS), trước 1945 là nơi tù khổ sai trồng hoa màu phục vụ bộ máy cai trị trên đảo. Sau 1945 không thấy nói gì. Từ 2002 Vườn Quốc gia trồng các loài cây đặc hữu quý hiếm tại 20ha ở đây cùng với một số cây ăn quả làm thức ăn cho thú rừng để bảo vệ nguồn gien. Đường lên Sở Rẫy vẫn còn là đường mòn tự nhiên luồn dưới tán cây rừng. Một tấm ảnh từ trên chòi ở Sở Rẫy nhìn xuống thị trấn Côn Đảo. Chính bộ dạng này mà buổi chiều hôm đó tôi được anh em hát tặng "ôi, sư ông ..."
Theo lời Lê Anh Dũng (k1) năm 1996 con đường ô tô duy nhất ven đảo còn đi trong tán cây rừng, khỉ chạy từng đàn qua đường. Thậm chí hướng đi Bến Đầm khi đó xe tải còn khó đi lọt nếu không mang theo dao chặt cây rừng. Nếu thế thật thì chỉ có 10 năm mà rừng Côn Đảo đã biến mất nhiều, con đường từ đầu đến cuối hoàn toàn không một bóng cây.
Buổi cuối cùng tôi thuê xe ôm chở đi sân bay Cỏ Ống để tranh thủ tham quan thêm. Dự án Evason Hideway của Công ty Côn Đảo Resort bắt đầu được tiến hành ở Bãi Đất Dốc, cách thị trấn khoảng vài ba cây số. Evason Hideway là một thương hiệu đã thành công ở Nha Trang và đang xuất hiện ở một số nơi khác, trong đó có Côn Đảo.
Ngay sát sân bay là đền thờ Hoàng tử Cải, con trai của Chúa Nguyễn Ánh với thứ phi Phi Yến. Bà Phi Yến được Nguyễn Ánh đưa theo ra đảo, rồi bị giam vì khuyên can Nguyễn Ánh đừng "cõng rắn". Khi quân Tây Sơn ra Côn Đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy. Hoàng tử Cải mới 2 tuổi khóc đòi mẹ, Nguyễn Ánh đã thả xuống biển, chết.












Sân bay Cỏ Ống gác ngang một khúc đảo theo hướng Đông Nam-Tây Bắc hai đầu là hai bãi biển. Bãi biển phía Tây Bắc có tên gọi Đầm Trầu, được coi là bãi biển đẹp nhất của Côn Đảo. Tuy nhiên bãi biển này mới được "dỡ rào quân sự" trước khi tôi tới một tuần và việc khai thác du lịch nó có thể xung đột với sân bay vì đường băng bắt đầu ở ngay mép nước. Khi máy bay vừa lên khỏi đường băng tôi có dịp quan sát bãi biển Đông Nam, cũng đẹp với bờ cát thoải và làn nước trong xanh bên vách núi dựng đứng.
Khi nãy trong phòng chờ lên máy bay, tôi lại gặp người đàn ông của quá khứ. Bây giờ ông ta đi với một bà già nhỏ người tóc bạc phúc hậu, một vài người lớn cùng lứa và những đứa cháu hồn nhiên. Họ cầm những quyển hộ chiếu mầu xanh. Lát nữa chúng tôi sẽ cùng bay một chuyến về Tp HCM, và từ bây giờ chúng tôi không nhìn nhau nữa. Không hiểu trong lòng ông ta tôi là người thế nào. Chắc chắn ông ta biết tôi không phải một trong số họ, Côn Đảo nhỏ lắm. Nhưng chưa chắc ông ta biết tôi muốn tìm quá khứ ở đây như một phần lịch sử của mình. Cuối cùng thì tôi biết những thứ tôi tìm không nằm trong con người ấy. Và cũng không có gì tiếc khi không nói chuyện cùng, không chụp được ảnh ông ta như một nguồn tư liệu.














Máy bay vòng ngược lại theo hướng Tây Bắc để trở về sân bay Tân Sơn Nhất, tấm ảnh cuối cùng là hình thể Côn Đảo mờ trong khí xả của động cơ máy bay. Nói theo cách của người hướng dẫn tham quan "du khách ra về không hẹn ngày trở lại". Biết đâu đấy, khi Côn Đảo không chỉ là chứng tích đấu tranh thì nó lại trở thành điểm đến hấp dẫn. Bằng chứng là ngay từ bây giờ giá đất ở đây đã cao hơn Vũng Tàu.

Thứ Bảy, tháng 1 06, 2007

Bẩy ngày Nam du. 2: Thăm các bạn ở Tp HCM

Giống như Hà Nội, Tp HCM là nơi tập trung đông anh em Trỗi K4. Một lí do quan trọng cho chuyến đi này của tôi là sẽ được gặp lại các bạn, đặc biệt là các bạn từ gần 40 năm chưa gặp lại.
Sẽ gặp nhau tại tiệc cưới con Thanh Minh, có bia có mồi mà không phải "Lệ Quyên" theo cách nói của Dương Minh. Bây giờ tôi cũng không nhớ gặp lại sau mấy chục năm đầu tiên là với ai.

Một số người tôi nhận ra có trong ảnh cuộc gặp ở nhà Quốc Thái nhưng không nhớ ra tên, như với Mai Phong chẳng hạn. Nhìn thấy phải hỏi ngay: - ai kia? - Mai Phong! - À, đúng.

Mai Phong đi dự cưới con của bạn và nhân tiện đưa thiếp cưới của bản thân cho các bạn. Nhiều người đọc mãi không hiểu, phải hỏi lại mới rõ là cưới Mai Phong chứ không phải Mai Phong mời dự cưới con(!)

Nhận từ tay Mai Phong thiệp mời, cả cho các bạn ở HN, thế mà giờ này tôi lục tìm mới nhớ đã vô tình bỏ lại Tp HCM rồi. Xin thứ lỗi vì sự vô ý này. Dù sao thì cuối cùng anh em cũng đã được thông báo chuyện này rồi, có điều thiếu cái thiệp mời kém long trọng chút thôi.



Anh Phạm Bình thì nhận ra ngay vì không khác mấy so với ảnh ở nhà Quốc Thái. Ở cái ảnh đó lúc đầu tôi không nhận ra nhưng sau đoán được.
Có điều lạ là trai Nam mà anh Bình không nhậu. Một cách tuyệt đối, có anh em xác nhận, chỉ "nhậu" bằng nước trắng. Anh Bình đến giờ vẫn có cái vẻ sang sang mà từ hồi 4 chục năm trước đã thấy.





Quốc Thái thì không khác nhiều. Vẫn nói nhanh, mạnh, muốn thuyết phục người nghe bằng động tác tay dứt khoát. Chính vậy mà mang tên đùa là "tạch", tức là như con rối. Chắc nhiều người còn nhớ con rối làm bằng những đoạn tiện ống tay tre. Hai sợi chỉ luồn từ đầu xuống tay, thân rồi chân, cuối cùng là hai cái nút áo, thò dài ra qua khe bàn xuống dưới. Cầm hai sợi chỉ giật chùng, giật chùng, để con rối "tạch tạch" ở trên.
Đến giờ Quốc Thái vẫn có những điều muốn thuyết phục người nghe. Cũng như dòng chữ trên ngực, tuy nhạt đi, vẫn đọc rõ "Trung Đảng Hiếu Dân".




Minh Kính, Minh Nghĩa không thay đổi nhiều. Minh Kính thì "cấc" từ nhỏ, bây giờ anh em già đi làm cho hắn có vẻ trẻ lại. Minh Nghĩa xương to, cục mịch, không thay đổi được. Minh Kính nghỉ hưu rẽ sang nghiên cứu tài liệu Hán văn. Cổ như Kinh Dịch, tân như Ngục Trung Nhật Kí, ... Châm ngôn tâm đắc mà Minh Kính học của Lê Hữu Trác tiên sinh là "thà phụ tiền nhân, không phụ sở học của mình". Có nhiều cách diễn đạt câu này, tôi thì hiểu là sống theo cách mà bản thân mình có, không chỉ trong chuyện học. Những vấn đề Kính cấc nêu ra đều được tiếp cận theo cách riêng của hắn và dường như có không ít phát hiện. Thế giới tuy cũ nhưng luôn được phát hiện lại bởi cách nhìn mới. Có điều là sẽ diễn đạt thế nào về các phát hiện ấy thì Kính cấc chưa kết luận. Hãy chờ xem.

Ngày 4/1, từ Côn Đảo về đến Tân Sơn Nhất, theo giờ hẹn tôi tới ngay Jodee Bia Tiệp để nhậu chia tay. Uống hết hai cốc trà đá vẫn chưa thấy ai. Một chốc thấy ai như Hải khỉ vừa nhìn quanh vừa lẩm bẩm "chả thấy thằng nào" đi tới. Hắn thấy tôi mà không "xi-nhê" gì, tôi không dám chắc nên thả một câu thăm dò "này, tôi thấy ông có vẻ Trỗi lắm". Hắn quay lại và nhanh chóng hết vẻ ngạc nhiên, "à, Thành. Không vì cuộc hẹn thì tao cũng không nhận ra đâu".







Cuộc hẹn còn có một nhân vật mà tôi không thể nào nhớ tung tích xưa kia. Nên bây giờ khuôn mặt của nó gần như ... mới. Là Hải dớ. Cái tên "dớ" thì tôi vẫn nhớ nhưng luôn luôn gợi tới khuôn mặt của Duy Linh ở Hà Nội, tất nhiên là nhầm luôn với Hải dớ. Cậu mang lại cho tôi một vinh dự mà anh em ở đây mới cảm nhận, là tới dự cuộc nhậu này. Theo mọi người nói hắn bị vợ quản ghê lắm, chả mấy khi đi được. Chắc có lẽ hôm nay vợ bận không canh nên cậu sổng. Kiểu gì cũng quý là gặp được nhau.






Theo truyền thống, nhất là anh em trong Nam, các cuộc nhậu sương sương rồi thì hát. Nhưng có một bài lần đầu tiên (có lẽ vậy) được hát lên ở cuộc này là "ôi sư ông đẹp quá, đầu sư trọc lông lốc, ..." để chào mừng Hữu Thành. Ghi nhận tại chỗ của Chí Quang thì Minh Nghĩa nhìn đầu trọc, áo vàng cam của Hữu Thành, cười hi hí rồi không nhịn được, hát luôn. Cả bọn khoái quá, cầm cốc bia đứng dậy hát theo. Tôi cũng hát rất to. Chắc các bàn khác nhìn sang buồn cười quá, có cả "sư" hát.

Suốt cả chuyến đi tôi còn gặp nhiều bạn, ở nhiều cuộc khác nhau. Cuộc nào cũng vui và thân thiết. Tết này có nhiều người ra Bắc thăm quê, hẹn gặp lại dịp đó.

Có một phong tục "lệ quyên gõ đầu" của anh em trong Nam, cũng nên để anh em ngoài Bắc học tập.

(Bài được hoàn thành sau nhiều lần mất công toi, cái thằng Google này nó làm mình mệt quá. Mọi người chú ý một chốc phải Save As Draft cho nó yên tâm).

Hưng tim thăm Đức

Chiều nay vừa ra ga đón gia đình Hưng tim.Anh em lâu ngày gặp nhau có quá nhiều chuyện để nói.Hưng tim than phiền vì lần này sang Đức lại không được nhìn thấy tuyết,số thằng này thật không may vì 13000 năm nay mới có một mùa đông nóng thế này.Tối thì Quang xèng và Võ Hùng(Em Vân Hùng)đến chơi,ai cũng tranh nhau nói,thật là vui.Biết được tin tức anh em ở nhà đều khấm khá cả,anh em bên này rất mừng.Chúc anh em một năm mới vui vẻ,an khang thịnh vượng.

Thứ Hai, tháng 1 01, 2007

Bẩy ngày Nam du. 1: Cưới con Thanh Minh

Thanh Minh mời dự cưới cậu trai trưởng. Nếu chỉ có vậy mà làm một chuyến vào Nam coi bộ hơi "xa xỉ". Thôi thì dự cưới, nhân thể đi chơi Côn Đảo và thăm anh em.

Vào SG bằng chuyến máy bay giá rẻ, nửa đêm mới tới nhà chị Ba của Thanh Minh. Sớm hôm sau tôi tham gia chuyến đón Dâu của nhà Trai, xuất phát từ nhà chị Ba lúc 6h sáng. Trong bộ ảnh cưới chắc có ảnh chú Thành đẩu trọc bưng lợn quay. Gần 9h tới nhà Gái ở tỉnh Tiền Giang, cách xa hơn 100km.

Đồng bằng Nam Bộ khi nhìn từ trên máy bay thấy nước lai láng khắp mọi nơi, chỗ nào cũng chực lụt. Đi ô tô thì thường xuyên gặp sông và kênh rạch. Nhờ phương Nam nhiều nắng, sẵn nước nên vườn cây tốt tươi. Đất đai lại rộng rãi nên nhiều chỗ thấy cây cối hoang hoang.
Đoàn xe nhà Trai đi tới gần nhà Gái thì dừng lại chỉnh đốn "quân dung", sắp lễ vật và tập hợp đội hình tiến vào.



Chỗ này ngay bên cạnh bờ kênh nên khi trở ra tôi chộp được một ghe chở người có lẽ là đi dự đám hỏi trở về.
Ngày 30/12 (dương lịch) có lẽ là một ngày rất tốt cho ăn hỏi cưới xin nên trên đường đi gặp không biết bao nhiêu đám.


Cậu cháu hớn hở sau khi được bố vợ đồng ý gả con gái cho.




Tứ thân phụ mẫu chụp chung ảnh với dâu rể trước khi đưa Dâu về nhà Trai.




Một cái lễ nho nhỏ cho Dâu nhập gia. Từ nay gia đình nhà Thanh Minh có thêm thành viên mới, bà ngoại ngồi bên chứng kiến.
Sau đó hai họ ăn cỗ thân mật rồi cô bác nhà Gái ra về. Nhà Trai chuẩn bị cho tiệc cưới buổi tối.




Buổi tối lễ cưới tổ chức ở nhà hàng. So với ở Hà Nội thì phần lễ ở Tp HCM có vẻ "hoành tráng" hơn nhiều. Truyền hình trực tiếp cô dâu chú rể đi xe mui trần tới nhà hàng, trên sân khấu đoàn múa ba-lê biểu diễn "Hồ Thiên Nga".
Nhà Trai tuyên bố thành hôn, cả hội nâng ly chúc mừng cho các cháu.

Bạn Trường Trỗi

Chỉ mấy phút nữa thôi thì năm 2006 sẽ ở lại đằng sau để nhường chỗ cho năm mới 2007. Trong những giây phút này tôi xin được gửi đến các thầy, cô đã dậy dỗ chúng ta và tất cả các học sinh của trường Thiếu Sinh Quân Nguyễn Văn Trỗi những lời chúc sức khỏe chân thành và tốt đẹp nhất. Đồng thời tôi xin được phép tưởng nhớ đến những người thầy, người bạn đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.