Đầu xuân, góp lời cùng Chí Quang về cái vụ ăn uống, thì ra chúng ta đều nhiều phen lao đao vì "đói kém", năm mới ôn nghèo kể khổ một chút cho vui cửa vui nhà.
***
Xuân một chín sáu chín. Chỉ còn vài hôm nữa là Tết, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào một trận đánh mới, đơn vị sẽ hành quân bộ, mang theo ba ngày gạo cùng cuốc xẻng, tụi lính chúng tôi lấy làm ngạc nhiên, đánh nhau kiểu gì lạ vậy? chuẩn bị xuất phát mới được phổ biến nhiệm vụ, luồn sâu vào vùng địch, đào công sự pháo, đêm tổng tấn công mới kéo pháo vào nổ súng, tạo thế bất ngờ. Lúc đó tôi mới hiểu thế nào là “ tiên hạ thủ vi cường”, nôm na là ra tay trước để dành thế áp đảo, cứ tưởng trong cái trò đánh đấm nhăng nhít trẻ con mới có cái kiểu đó, hoá ra trong bàn cờ quân sự lớn, người ta cũng hư hư thực thực, cũng không có chỗ cho cái gọi là “quân tử”. Để chiến thắng, lời giao hẹn ngừng bắn mấy ngày Tết chỉ để “đòn” nhau mà thôi.
Kế hoạch không thuận lợi, đường xá bị oanh tạc dữ dội từ trước Tết, công binh vẫn chưa sửa xong nên xe pháo không vào được. Gạo mang theo có ba ngày mà một tuần đã trôi qua. Ngày mai mồng một Tết, đơn vị bị đói đã hai ngày, không thể để anh em mất sức chiến đấu nên chúng tôi được lệnh trên cho phép tuỳ nghi xử lý, muốn hiểu câu nói đó thì phải biết rằng kỷ luật chiến trường cũng khá nghiêm minh, trong mười lời thề quân đội có nói rằng không được lấy cái kim ,sợi chỉ của dân, khu vực chiến trường của chúng tôi dân chạy hết rồi, không được lấy cái kim sợi chỉ của dân nhưng không thấy nói cái khác thì có được lấy hay không, trong những trường hợp đặc biệt như lúc này phải biết vận dụng sáng tạo, miễn là không vi phạm câu chữ của lời thề. Chậc!
Chúng tôi vác vỏ chăn lần mò tìm kiếm trên các khe núi sườn đồi, các bản làng người bản xứ đã bị bom đạn cháy trụi, dân chúng bị lùa vào các khu tập trung từ mấy năm trước, sản phẩm hoa mầu chắc vẫn tồn tại đâu đó trên nương trên rẫy, nên thu hoạch đi không chim chuột ăn hết thì phí, vậy là hễ có khoảng trống nào trên rừng có hình vuông vuông thì mò lên. Cũng được vài bắp ngô rắn như đá, bỏ vào vỏ chăn vác về.
Bắp ngô ba tuổi cứng hơn đá tai mèo, đêm ba mươi tết năm ấy, ngồi trong hang lạnh, chúng tôi rang cái đám hạt xương xẩu ấy lên, chờ đến giao thừa, mỗi thằng một khẩu AK chĩa lên trời kéo cò. Mấy anh người nông thôn còn đủ sức kéo trọn một băng chứ tôi đói quá, người run lẩy bẩy, chân tay lạnh toát (đã bị đói bao giờ đâu) vác được khẩu súng ra khỏi hang tý thì ngất, rồi cũng kê được súng lên cành cây mắm môi mắm lợi kéo cò, súng nó giật phặc phặc một hồi tê tay quá chịu không được, đành ném cái uỵch rồi bảo anh trung đội trưởng: anh Liệu ơi! Cho em mấy hạt ngô lót bụng không em xỉu, không bắn hết được băng đạn này đâu. Ông ấy sợ tôi run tay hạ nòng súng tương vào anh em nên bảo: ừ thôi ưu tiên cho mày ba hạt ăn trước, đừng có mà bép xép, chúng nó biết được thì rách việc. Ba hạt ngô đó ngon hơn bất cứ thứ gì tôi đã được ăn, lúc đó tôi có cảm tưởng ba hạt ấy là hạt sâm chứ không phải ngô, cái thứ chất lỏng tan ra từ nó chảy vào dạ dày tiếp thêm cho tôi luồng sinh khí mới. Trong đêm tối mịt mùng, đồng đội thấy tôi đi lại hiên ngang cứ tròn mắt ngạc nhiên, chắc thằng này bị tẩu hoả.
Cuối cùng, phần quan trọng nhất là liên hoan chào năm mới cũng đến, mỗi thằng đến lượt mình đi đến bên cạnh trung đội trưởng, banh túi quần ra để ông này trút vào đó một bát ngô rang đã được gạt bằng miệng cẩn thận, không thằng nào hơn kém thằng nào. Cũng có anh hậu đậu đánh rơi vài hạt, lập tức có người nhặt hộ, đốt đuốc lên tìm thì đã sơ tán từ lâu rồi còn đâu!
Tôi nhảy lên võng, nhón từng hạt ngô cho vào miệng, nhấm nháp vị giòn giòn thơm thơm của cái thứ hạt mộc mạc ấy mà hình dung ra miếng bánh chưng ngày Tết ở quê nhà, giờ này nồi bánh chưng chắc đã được vớt ra, trong hơi nóng ngùn ngụt, mấy đứa nhỏ đang căng mắt tìm cho được cái bánh chưng nhỏ xinh được gói riêng cho chúng. Mấy thằng nhóc quỷ sứ chúng tôi thường trèo lên nóc mấy cái lô cốt cũ, đốt pháo ném vào bất cứ cái gì động đậy, nhất là những đôi trai gái đang tình tứ tản bộ đón xuân, nghịch dại quá, hoá ra sau này mình đưa bạn gái đi chơi cũng bị y hệt như vậy, đáng đời quá!
Đêm ba mươi Tết năm ấy trôi qua không kèn không trống, sáng mồng một, chúng tôi lục tục kéo nhau lên miệng hang, ở đó anh b trưởng đang ngồi chờ, lại banh miệng túi để anh trút vào đó một bát ngô rang, suất ăn của nửa ngày, bữa chiều chưa biết tính thế nào mà hầm pháo vẫn còn dang dở, phải đào xong trước khi trời tối.
ở hiền gặp lành, khi cái đói vô phương cứu vãn thì tôi lại gặp may, buồn tè quá, tôi nhảy lên thành công sự, tìm chỗ dốc bầu tâm tư, loanh quanh mò mẫm tìm xem có quả gì kiếm vài quả nhét bụng, đi được một hồi thấy cái gì loạt soạt, tưởng thám báo vội tháo súng cầm tay, nấp vội sau một thân cây, thò đầu ra thấy một chú trâu mộng, trời đất ơi nó to gần bằng con voi, đen xì, hai chiếc sừng cong vút,vì ở rừng lâu nên cậu chàng rất cảnh giác, liên tục đảo mắt nhìn quanh. Thức ăn đây rồi, tôi nghĩ bụng rồi cẩn thận bật khoá an toàn, đưa đầu ruồi vào chính giữa cặp sừng rồi kéo cò. Tôi là một thiện xạ nên chú trâu quỵ ngay xuống, không đau đớn gì, nó đã làm tròn nhiệm vụ trên trần thế là cứu giúp con người, giống vật thượng đẳng hơn nó một chút qua cơn hoạn nạn, thực tế là lúc đó tôi đã cầu nguyện cho nó thoát kiếp cầy kéo mà lên làm người, mặc dù kiếp người chắc gì đã sướng hơn trâu!
Nghe tiếng súng, mọi người chạy bổ về phía tôi, khi thấy con trâu to tướng nằm chỏng gọng, tất cả các cặp mắt đều sáng lên như những vì sao trong đêm tối, chẳng cần hỏi han gì nhiều, mỗi thằng một con dao găm, chọc, rạch ,cắt như điên. Chẳng máy chốc con trâu to tướng đã được lọc ra từng phần gọn gàng, mỗi cái chân giò của nó phải tám thằng khiêng ì à ì ạch mới tha được về hang đá hậu cứ, ở đó nó được lọc ra rồi cho vào nồi luộc, luộc chín rồi thì cắt dây rừng treo lủng lẳng lên những chiếc sào cho khô làm thức ăn dự trữ.
Chắc mẩm chiều hôm đó chúng tôi sẽ có một bữa thịt trâu luộc chấm muối no nê cho bõ mấy hôm đói meo. Chiều vùng núi đến sớm cùng hơi lạnh của sương giá, mấy chú lính hăm hở bước đến giá treo thịt trâu, chuẩn bị lấy một ít làm bữa chiều, mấy cặp mắt tròn xoe nhìn những tảng thịt lốm đốm những vệt trắng dài chi chit , một thằng bảo: -Sao trâu rừng béo thế nhỉ, mỡ cứ trắng phớ thế kia thì ngon lắm đấy!
Đói hoa cả mắt, nhìn cũng giống mỡ trâu lắm chứ, một thằng xách miếng thịt quẳng vào nồi nước sôi. Cái mà mọi người tưởng là mỡ nổi lềnh phềnh, cứ thế mà lãng du khắp mặt nước, không tan ra như mỡ bình thường, lấy thìa múc ra, dán mắt vào nhìn rồi hét :- eo! trứng ruồi, cả đám chúng tôi vớt lấy một ít nhìn kĩ thì đúng là trứng ruồi thật, những quả trứng hình bầu dục trắng như sữa, to như hạt đậu xanh, và nó là sản phẩm của con nhặng xanh vẫn bay thành từng đàn quanh đám xác chết tụi lính Thái, Mẹo rải rác nằm trên những con đường mòn trong rừng. Có tiếng hic lên rồi tiếng nôn oẹ ầm ĩ, chú lính đứng cạnh tôi ôm bụng nôn ra mật xanh mật vàng, lẫn trong đám bầy nhầy từ bụng anh ta là những hạt trứng ruồi lấm tấm chưa kịp tiêu hoá hết, thì ra đói quá, chú chàng đã bí mật bò ra nơi treo thịt ăn vụng mấy tảng, trong đó nhặng xanh đã kịp đẻ lên đó khá nhiều thứ mà anh ta cũng tưởng là mỡ, anh chàng này mất sức chiến đấu ba ngày liền.
Nỗi ám ảnh dằn vặt chúng tôi một thời gian khá lâu, chẳng thằng nào dám mó vào đám thịt ngon lành đang bị đầu độc ấy, lũ nhặng được thể kéo đến từng đàn vo ve ầm ĩ cả một khoảng rừng. Con đến muộn đẻ chồng lên con đẻ trước, trứng ruồi cứ thế mọc dài chấm đất, đứng xa nhìn trông như đám thạch nhũ trong hang động cacter vậy. Cấp uỷ họp bàn cấp tốc, đứng trước tình huống nguy nan từ lũ nhặng rừng, cần phải có quyết định nhanh chóng không thì lại có nguy cơ chết đói. Ông b trưởng huy động mấy anh cốt cán xông vào dùng khói xua đuổi lũ nhặng, những tảng thịt được cứu thoát nhanh chóng đưa ra gạt bỏ đám trứng lầy nhầy, số anh em còn lại dùng dao găm xẻo đám thịt phía ngoài vứt đi, còn lại ném tiếp vào nồi luộc, trông miếng thịt lại ngon lành như ai, dĩ nhiên sau đó còn một đợt giáo dục động viên, cho mấy anh trong diện phát triển xơi trước làm gương cho quần chúng học tập. Thấy các anh đó ăn được thì đám lính mới láo nháo cắt xẻo mà ăn, thực ra bẩn một tý còn hơn chết đói !
Một chiếc màn quân dụng được hy sinh để bảo vệ chỗ thịt trâu còn lại, nó đã giúp chúng tôi trụ vững trong mấy ngày cho đến khi xe pháo vượt đèo Phỉ tiến vào trận địa, chấm dứt một cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi. Sau này, bị ám ảnh bởi kì đói vàng mắt ấy, chúng tôi chất đầy thùng chiếc xe xích tất cả những gì có thể ăn được, từ lương khô 702, bột trứng, đường sữa, giò hộp ,cá hộp cho đến thuốc lá Trung hoa bài, Đại tiền môn, những thứ đó được cân bằng thu nhập từ các kho tàng dành riêng cho các vị chỉ huy nước bạn mà anh ba ưu ái gửi tặng, dĩ nhiên với sự giúp đỡ đắc lực của không quân Hoa kì, các đơn vị bạn thường nhìn các hòm thực phẩm chất trên xe mà bảo “ pháo của các ông nòng vuông’’.
Chủ Nhật, tháng 2 28, 2010
Chuyện đói
Gửi bởi TQtrung lúc Chủ Nhật, tháng 2 28, 2010 8 lời góp
Thứ Bảy, tháng 2 27, 2010
Công năng của đu đủ xanh
Anh nuôi báo “hai ngày nữa thực phẩm chỉ còn “nhõn” gạo và muối. Xe hậu cần từ miền xuôi lên tuy chỉ hết 2 ngày đường núi, nhưng giờ đang mùa mưa, đường đất, xe pa-ti-nê, thua”. Rừng xung quanh “căn cứ” tụi tôi bị đồng bào đốt rẫy, phát nương trụi lủi, chồn cáo mất tăm, may đu đủ bỏ hoang, rau tàu bay và các loại rau dại “vô tư” …
Tụi tôi cử “trinh sát” lùng sục các làng. Anh em ôm về một mớ linh tinh chả đáng gì. Đồng bào dân tộc ở đây nghèo, sống tự cung tự cấp, tiền quý đấy nhưng không có giá trị thương mại. Họ giao dịch theo phương thức trao đổi hàng hóa. Cái họ cần là pin đèn, dao tốt, giày vải cao cổ, quần áo bộ đội, toàn những thứ tụi tôi kẹt (dưới xuôi, năm 2 bộ dư dả chứ trên này 4 bộ nát vẫn hoàn nát). Rút cục suất cơm của tụi tôi 99% là cơm, muối hột, rau dại và 1% chất đạm-béo. Tính chi li, mỗi suất đạm-béo dư sức nuôi một chú kiến gió.
Rồi rau dại hết (miệng ăn núi lở), còn mỗi đu đủ xanh, xào nước muối ăn với cơm nấu từ gạo lâu niên hết tiệt “nhựa”. Đêm đêm gió núi đưa khí lạnh lùa qua liếp, tụi tôi rúc xuống ổ rơm run lập cập. May rệp, bọ chét bớt hẳn. Chắc mình hết máu nên tụi nó bỏ đi rồi chăng? Cơm nước là vậy nhưng tụi tôi không chủ trương giảm công việc đi bao nhiêu, bởi càng kéo dài thì mình càng phải ở lại đây lâu hơn, tự mình hại mình. Hai tháng trôi qua, xương cốt tụi tôi mềm hẳn, có anh mặt xanh mét.
… Đám gà con tăng gia lần lượt trưởng thành, các “bố” hô “giết”. Xế chiều, đàn gà lục tục về sân nhận phần ăn “dặm”, tôi rút súng ngắn nện hai cú. Ngày dưng bắn tập cứ phát trước trật thì phát sau ra ngoài, nay mỗi cú là gãy một cổ. Tụi tôi ăn “cơm mới”, ngon lắm, ngon như chưa bao giờ được ăn. Bụng no lưng ấm, ngủ một giấc thẳng căng. Hôm sau anh em làm việc đâu ra đó (vật chất quyết định ý thức, các cụ bảo thế). Hết gà đợt đầu là vừa vặn sang đợt gà thứ hai. Rồi xe hậu cần mò lên, thế là … xuôi chèo mát máy.
Sách nấu ăn nói, hầm xương mà bỏ đu đủ xanh vào là mau mềm lắm. Kẻ bảo là đúng, người nói là sai. Với tụi tôi, chỉ cần hai tháng hầm đu đủ xanh là đã quá đủ để chứng minh cho công năng làm mềm xương cốt của nó.
Gửi bởi HCQuang lúc Thứ Bảy, tháng 2 27, 2010 15 lời góp
Thứ Sáu, tháng 2 26, 2010
Theo đoàn xuyên Việt
Được biết tay đi chuyên nghiệp KVk7 sắp làm một chuyến xuyên Việt, tôi bèn bám theo. Hóa ra là chuyến đi của các CCB 71-72 vào thăm lại chiến trường từ Quảng Trị tới Buôn Mê Thuột. Sau lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng BMT 10/3 thì lại ra. Tối 6/3 xuất phát, 13/3 về lại HN.
Đi chuyến này không dễ dàng. Đêm đi ngủ trên ô tô (đỡ tiền ngủ nghỉ), ngày giao lưu dọc đường. Lịch trình xem tại địa chỉ này.
Ngoài việc tham gia các hoạt động chung của đoàn, nhóm Trỗi chúng tôi còn có các gặp gỡ riêng. Hi vọng có thể gặp được các bạn ở ven biển đến Quy Nhơn. Lên BMT có thể gặp LX.Hoa?
Tôi sẽ có tin trên mạng về chuyến đi. Theo dõi nhé, các bạn Trỗi.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 2 26, 2010 17 lời góp
Vườn Treo đón bạn
Không khí xuân vẫn tràn ngập Hà Nội, bạn Trỗi liên tục đón nhận tin vui, hôm qua nhận tin Hùng M cưới vợ, chưa kịp mừng lại đi dự tiệc đưa ông V.Hùng lên chức bố vợ. Hôm nay,lại tổ chức cuộc vui đột xuất đón J.Minh và BS.Học .Mời các bạn xem một số hình ảnh trong buổi gặp gỡ này, có một số ảnh không bật đèn nên hơi tối, chung quy lại cũng chỉ vì vui quá mà quên thao tác, với lại lâu ngày gặp nhau, hàn huyên nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử, cười to quá ,cười chảy cả nước mắt.Chuyện vui chuyện buồn đều có cả. Mấy anh dề mà vui ra phết, mấy cháu phục vụ nó bảo vậy.
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Sáu, tháng 2 26, 2010 16 lời góp
Thứ Năm, tháng 2 25, 2010
Vân Hùng bắt đầu làm bố vợ.
***
Bố vợ đón khách
Niềm vui của bố vợ, không chú thích chắc các bạn cũng biết, tuy nhiên cái ly bé thế này thì không thể "đã" được.
Trung Nghĩa xem đồng hồ vì đến giờ rồi mà mới có hơn ba chục ông
Có vẻ như Chiến dế xấu hổ hay sao ấy.
Vì ngồi cạnh mấy thùng bia
Anh em ta đang vui vẻ, dĩ nhiên không có Trung thụt trong ảnh vì còn "tác nghiệp" thay TQ, mới được nửa vại bia, sẽ có ngày đòi lại "công bằng".
Đây là hai cháu.
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Năm, tháng 2 25, 2010 7 lời góp
Ngô Mạnh Hùng cưới vợ
Do điều kiện không thuận lợi với đông đảo anh em bạn bè tại Hà Nội, hôm nay họ nhà gái đã tổ chức tiệc mừng tại làng xã.
Cuộc mừng tại Hà Nội sẽ được tổ chức sau.
Xin thông báo để các bạn được biết.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Năm, tháng 2 25, 2010 11 lời góp
Thứ Ba, tháng 2 23, 2010
Về Khương Thế Hưng, người yêu của Đặng Thuỳ Trâm
Bạn biết gì về nhân vật M. trong nhật kí của chị Đặng Thuỳ Trâm? anh chính là người yêu trong mộng của chị và thiên tình sử của họ làm cho chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều, tôi vẫn thường tự hỏi có đáng để anh M phải xử sự như vậy không? chiến tranh giải phóng đâu có đến nỗi phải gò ép tình yêu đến như vậy nhỉ?
Khương Thế Hưng
NGƯỜI YÊU CỦA ĐẶNG THÙY TRÂM
Bộ đội sinh 1934 tại Hội An, Quảng Nam – Mất 1999 ở Hà Nội (66 tuổi).
Chính là người yêu của nữ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tác giả cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hiện nổi tiếng từ Mỹ chuyển về VN năm 2005, là nhân vật M. trong cuốn nhật ký (viết tắt bút danh làm thơ của anh, Đỗ Mộc hoặc Nguyên Mộc).
Mới 16 tuổi đã tham gia đánh Pháp, sau tập kết ra Bắc. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ trí thức (con trai nhà thơ tiền bối Khương Hữu Dụng) nên nhanh chóng nổi tiếng là một mẫu thanh thanh niên lý tưởng thời này: Đẹp trai, “cái gì cũng giỏi” từ học hành, ca hát, đánh đàn, thổi sáo (tác giả bản nhạc múa “Chàm Rông” nổi tiếng thời anh chiến đấu trên chiến trường miền Trung sau này), làm thơ, chơi thể thao….
Mối tình đôi bên chớm nở từ mối giao tình hai gia đình trí thức cùng gốc gác miền Trung tập kết (bố ĐT Trâm là bác sĩ quê Huế và ĐT Trâm cũng sinh tại Huế). Nhưng năm 1962 từ khước vào đại học và chia tay người yêu để xin vào Nam lại chiến đấu trên chiến trường máu lửa Quảng Ngãi, trong đoàn chiến sĩ vào Nam chiến đấu sớm nhất. Từ đó nhanh chóng trở thành một lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ ở địa phương, lăn lộn gần 100 trận đánh chịu khoảng 20 vết thương trên mình. Ngoài ra còn thành lập Đoàn Văn công Quảng Ngãi, sáng tác nhiều hành khúc chiến đấu và bản nhạc múa “Chàm Rông” (năm 2006 thân hữu đã ghi lại một đĩa CD kỷ niệm).
Từ hậu phương miền Bắc, năm 1966 ĐT Trâm tốt nghiệp bác sĩ cũng tình nguyện vào Nam phục vụ và tìm đến Quảng Ngãi với hy vọng gặp lại cố nhân mối tình đầu cũng là mối tình vĩnh cửu. Nhưng hờn tủi thay khi gặp lại thì anh tỏ vẻ xa cách, trốn tránh không chịu nối lại đường tơ. Không phải vì anh đã có “người khác” mà vì một lý do thầm kín không bao giờ bày tỏ mà mãi đến khi hy sinh năm 1970 – lúc mới 28 tuổi - có lẽ cô cũng chưa kịp hiểu thấu tại sao. Mà anh cũng chưa kịp hé lộ cho ai khi cùng thời điểm đó bị thương nặng đưa về Bắc chữa trị (sau đó chuyển qua làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tham gia Ban Liên hợp quân sự bốn bên rồi về làm việc ở Tổng cục Chính trị quân đội).
Lý do đó mãi đến hàng chục năm sau khi anh qua đời năm 1999 người thân mới phát hiện trong những dòng nhật ký úa vàng của riêng anh còn kẹp ở giữa những lá thư của ĐT Trâm – một “Nhật ký Khương Thế Hưng”. Nhật ký của một mẫu hình chàng trai lý tưởng chủ nghĩa cực kỳ sẵn sàng cống hiến hy sinh tất cả bản thân kể cả chuyện tình yêu vì lý tưởng chiến đấu cho quê hương đất nước.
Trong nhật ký anh đã giải thích lý do sở dĩ “đoạn tình” với Đặng Thuỳ Trâm vì một ý hướng cao thượng không muốn làm cho người yêu sau này phải đau khổ vì mình: “Tình hình này chắc chắn anh sẽ hy sinh trước ngày toàn thắng. Nên giữa đôi ta chỉ là tình bạn, tình anh em mà thôi… Anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để Thùy tìm một hạnh phúc đảm bảo hơn, trọn vẹn hơn.”
Nhưng đau đớn và oái oăm thay chính người yêu lại ra đi trước anh, khi đó bom mới nổ trong lòng anh: “…Thùy ơi sẽ không có người con gái nào giống Thùy đâu, trong cuộc sống và trong trái tim mình… Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Anh đã nghĩ đó là tình yêu của người lính… Có phải vậy đâu mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng… Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định mình. Sống như vậy cực lắm Thùy ơi. Anh đuối sức. Và anh đau khổ…”
Nỗi đau đó được giấu kín trong đáy sâu tâm hồn, câm nín đến chết. Nó được ghim chặt trong đời thường cũng như cuộc sống của một người luôn sống vì người khác, không muốn làm phiền đến người khác nên tự mình chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Thậm chí còn không chịu làm thẻ thương binh để hưởng chế độ dù người đầy thương tích và nhiễm chất độc da cam, mỗi khi lên cơn từ vết thương đầu nhũn não có thể gây loạn trí chỉ ôm đầu lăn lộn chịu đựng một mình!
Trong lời tưởng niệm đọc tại lễ tang, nhà văn Nguyên Ngọc đã ngậm ngùi ghi nhận một người anh hùng thầm lặng của thế hệ, của thời đại: “Anh đã sống một cuộc đời xứng đáng. Đã có một con người trọn vẹn đi qua thế gian này. Một con người cao đẹp, tài năng, đức độ nhưng luôn luôn lẩn khuất giấu mình mà có lẽ chúng ta đã không thật sự biết rõ, thấu hiểu…”
Một “Paven Việt Nam” với thiên tình sử lãng mạn bi tráng vào hàng bậc nhất trong chiến tranh chống Mỹ nói riêng, trong lịch sử chiến tranh nói chung.
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Ba, tháng 2 23, 2010 8 lời góp
Về cuốn hồi kí"Ngàn giọt lệ rơi"
Bài này đăng trên một blog có tên là nguyenmienthao.blogspot.com/ Các bạn xem cho biết, tác giả này đăng trên blog của mình những bài viết có chủ đề hồ sơ chiến tranh Việt nam hậu chiến, có đề cập đến các chủ đề khác nhau về thân phận người dân Việt nam. Đây là bài viết về một cán bộ ngoại giao có những tình tiết khá đặc biệt, mời anh chị em xem xét.
“NGÀN GIỌT LỆ RƠI”
(Đặng Văn Minh)
Cán bộ ngành ngoại giao sinh 1909 tại Vĩnh Long – Mất 1986 ở VN (78 tuổi).
Tham gia Cách mạng từ thời kháng Pháp, năm 1954 đi tập kết dẫn con trai lớn ra Bắc để vợ và 5 con nhỏ ở lại miền Nam.
Ra Bắc, chuyển qua ngành ngoại giao làm đại sứ, con trai lớn được đưa đi Nga đào tạo thành một sĩ quan phòng không. Còn tại miền Nam, một con trai cũng được chọn lựa qua Mỹ huấn luyện làm phi công chiến đấu nhưng không may thiệt mạng trong một phi vụ bay thử tại đây; một con gái thì lấy một phi công hải quân Mỹ hoạt động trên chiến trường VN rồi sau chuyển qua Hawai.
Trong biến cố 30.4.75, con gái cùng chồng sống ở Hawai vận động hải quân Mỹ đưa máy bay qua Sài Gòn di tản mẹ và cô em gái út đang mắc kẹt ở đây qua Mỹ. Nhưng cũng từ đó tiết lộ thân phận của mình là con gái một cán bộ ngoại giao cao cấp của Cộng sản!
Thế là phía Mỹ mở một chiến dịch mật ngầm tìm cách dùng con gái gài mối liên hệ với chính quyền mới ở VN. Từ đó sắp xếp một cuộc hội ngộ tại Nhật Bản vào tháng 6.75 giữa người con gái với cha mình ở hai bên chiến tuyến sau 23 năm xa cách, trong cuộc gặp còn có mặt đứa cháu ngoại… lai Mỹ!
Nhưng cuộc gặp gỡ bí mật này sau đó đã được ông báo cáo lại với Hà Nội, bởi vậy có thể nói một “cuộc chiến tình báo” đã diễn ra giữa đôi bên Mỹ và Cộng sản tranh nhau “giành giật” gia đình họ Đặng. Qua đó một cuộc đoàn viên gia đình được cả hai bên cho phép diễn ra trên đất trung lập Pháp năm 1976 với hy vọng “phe mình” sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ gia đình này. Phía nguời cha (vẫn chung thủy với vợ) cố thuyết phục vợ con quay về quê hương nay đã độc lập thống nhất, phía người mẹ (cũng ở vậy một mình nuôi con) thì ngược lại không chấp nhận chế độ Cộng sản và lại muốn lôi kéo chồng theo mình. Kết quả ý đồ bên nào cũng thất bại.
Năm 1977 thêm một cuộc hội ngộ gia đình nữa được dàn dựng lần này trên đất Anh với mục đích “chiến tranh chính trị” tương tự tuy kéo dài đến hai tuần lễ vẫn không đi đến đâu vì quan điểm lập trường đôi bên quá cách xa nhau. Cuối cùng hai “phe” – phe mẹ đầy đủ mẹ và các con, phe cha chỉ mình ông vì người con trai cả sĩ quan phòng không Quân đội Nhân dân VN đã bị kỷ luật xuất ngũ – đành chấp nhận “đình chiến” để còn giữ lại chút tình cảm gia đình huyết thống trước khi chia tay nhau gần như vĩnh viễn trong nước mắt – “Ngàn giọt lệ rơi” chính là tựa đề của thiên hồi ký đẫm lệ này mà nhiều năm sau người con gái lấy chồng Mỹ đã viết lại (“A thousand tears falling”).
Từ đó đôi bên ngàn thu vĩnh biệt, người cha qua đời năm 1986, bà mẹ mất năm 2001 sau khi đã gặp mặt người con trai đầu bấy giờ cũng đã qua sống luôn ở Mỹ. Tập hồi ký “Ngàn giọt lệ rơi” được đạo diễn Mỹ dựng thành phim, ngoài ra còn được dùng làm tài liệu giảng dạy trong một số trường ở Mỹ chung quanh chủ đề cuộc chiến tranh Việt - Mỹ
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Ba, tháng 2 23, 2010 5 lời góp
THÔNG BÁO
Nhân dịp thầy Đoan vào TP.HCM, BLL trường tại TP tổ chức buổi gặp mặt giao lưu đầu năm với thầy Đoan và các thầy cô tại TP.HCM
Vào lúc :17gi30 ngày 24/02/2010 (thứ 4)
Tại : nhà hàng Đất Tiên Sa – số 3, đường Đống Đa
Yêu cầu BLL các khóa tổ chức mời và đưa đón các thầy cô do khóa mình phụ trách như đã phân công đến dự.
Mời các bạn các khóa cùng đến tham dự với các thầy cô nhân dịp đầu năm Canh Dần.
Trân trọng,
TM.BLL
JM
Gửi bởi hameok6 lúc Thứ Ba, tháng 2 23, 2010 6 lời góp
Thứ Hai, tháng 2 22, 2010
Hoàng Quang gửi lời cám ơn và chào tạm biệt
Hoàng Quang nhờ tôi, trên trang tin bạn Trỗi, gửi tới tất cả các bạn Trỗi lời cám ơn đã gặp mặt và thăm hỏi thân tình trong những ngày về thăm vừa qua.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Hai, tháng 2 22, 2010 7 lời góp
Chủ Nhật, tháng 2 21, 2010
Tin liên quan đến chữa đột quỵ
Nếu bạn quan tâm đến việc chữa bệnh cho người bị tai biến mạch não, mời xem tại đây
Gửi bởi TQtrung lúc Chủ Nhật, tháng 2 21, 2010 2 lời góp
Các thầy Trỗi
Đ.Dũng về VN ăn tết. Hôm qua tới giờ ngồi với hắn tới 2 lần mà đều quên chụp hình. Tệ quá! Thôi thì lúc khác vậy (mà ko biết lúc khác có phải năm khác ko?).
Đ.Dũng rất nhớ chuyện xưa, hồi ở Hà Bắc, Đại Từ, Quế Lâm … Hắn khoái chí nhắc chuyện xưa, chuyện bạn bè Trỗi … rồi bỗng thắc mắc : Sao học sinh Trỗi có nhiều người làm nên chuyện cho “đời” vậy mà thầy giáo Trỗi chẳng có ai là Nhà giáo Nhân dân hay ít ra thì cũng Ưu tú ?
Ừ, thấy sao mà đúng. Trưởng thì chưa có, nhưng phó Thủ tướng thì có rồi, phó Bộ trưởng, Tỉnh trưởng cũng có. Còn cái loại Sở, Vụ, Ban ngành thì đếm không xuể, nhiều như Đại tá (tướng lãnh) vậy. Đấy là chưa nói tới mười mấy tướng, hàng loạt Giáo sư (không biết có nhiều thật ko?), Tiến sĩ thống kê không hết. Rồi đám Doanh nghiệp từ Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước tới Cổ phần, Tư nhân, Liên doanh … loại nhàng nhàng có doanh số vài chục tới vài trăm triệu “đô” mỗi năm. Thứ này đếm cũng không hết. Lại còn đám chuyên viên, cố vấn nắm giữ các vai trò quyết định trong các ngành từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, khoa học, quân sự … cho tới mật vụ. Chẳng thiếu ngành nào!
Tất cả đều được các thầy Trỗi dậy dỗ mà nên. Những người thầy, cho tới nay chẳng có chút miếng “Nhân dân” hay “Ưu tú” nào vắt vai để con cháu còn tự hào!
AE mình nghĩ sao nhỉ?
Gửi bởi hameok6 lúc Chủ Nhật, tháng 2 21, 2010 13 lời góp
Họ tên dài nhất trên thế giới
Họ tên của người Arap.
Ví dụ một người đàn ông có tên "Saleh bin Tariq bin Khalid Al-Fulan".
"Saleh" là tên riêng của ông và là tên mà gia đình và mọi người sẽ gọi ông là “ông Saleh”. Tiếng Arap gọi "Bin" là "con trai của…". Ở đây "Tariq" là tên của cha Saleh, và "bin Khalid" có nghĩa là Tariq là con trai của Khalid, tức ông nội của Saleh là ông Khalid. "Al-Fulan" là tên dòng tộc gia đình Saleh. Do vậy, "Saleh bin Tariq bin Khalid Al-Fulan" có nghĩa là "Saleh, con trai của Tariq, (mà ông Tariq là) con trai của Khalid; (mà những người này) thuộc dòng tộc gia đình Al-Fulan”.
Tiếng Ả Rập gọi "Bint” là “con gái của…”. Như vậy, người phụ nữ có tên "Fatimah bint Tariq bin Khalid Al-Fulan" dịch là "Fatimah, con gái của Tariq, (mà ông Tariq là) con trai của Khalid; (mà những người này) thuộc dòng tộc gia đình Al-Fulan".
Hiện nay xã hội Arap cho phép có thể bỏ chữ "bin" hay “bint", vì vậy, tên của Saleh chỉ còn là "Saleh Tariq Khalid Al-Fulan" và tên của Fatimah chỉ còn là "Fatimah Tariq Khalid Al-Fulan".
Saleh lấy vợ, người vợ của ông vẫn giữ tên thời con gái của bà, còn các con trai/gái của ông sẽ đưa tên “Saleh” vào tên của mình. Do vậy, con trai ông, anh Mohammed, sẽ có tên là "Mohammed bin Saleh bin Tariq Al-Fulan" tức "Mohammed Saleh Tariq Al-Fulan".
Họ tên của người Arap tuy dài nhưng có truyền thống lâu đời, thành thử vẫn ... ngắn, còn ngày nay, do không bị bất kì một vướng mắc gì, nên có kẻ đặt tên thật là ... vô địch, cụ thể:
Người Anh, nữ, 1 tuổi, với cái tên gồm 27 nhóm kí tự:
Autumn Brown là tên viết tắt, ghép từ chữ đầu tiên và chữ cuối cùng của cái tên: Autumn Sullivan Corbett Fitzsimmons Jeffries Hart Burns Johnson Willard Dempsey Tunney Schmeling Sharkey Carnera Baer Braddock Louis Charles Walcott Marciano Patterson Johansson Liston Clay Frazier Foreman Brown. Đây là cái tên được ghép từ 25 tên vận động viên quyền anh nổi tiếng. Kỷ lục này được ghi năm 2008.
Người Anh, nam, với cái tên 81 ký tự:
Captain Fantastic Faster Than Superman Spiderman Batman Wolverine Hulk And The Flash Combined. Kỷ lục này được ghi năm 2008.
Người Mỹ, nam, với cái tên 51 ký tự:
Rhoshandiatellyneshiaunneveshenk Koyaanisquatsiuth Williams. Kỷ lục này được ghi năm 1984. Anh này tuy tên ngắn hơn cả nhưng đọc hụt hơi.
Gửi bởi HCQuang lúc Chủ Nhật, tháng 2 21, 2010 2 lời góp
Thứ Bảy, tháng 2 20, 2010
Mùng Bẩy chưa hết Tết
Năm nay nghỉ dài chưa từng thấy, mùng Bẩy rồi mà vẫn chưa hết Tết nhà. Tết cơ quan cứ thế tịnh tiến đi thêm mấy ngày nữa.
Chợt nhớ phải chăm lo cho các bạn k9, bèn rủ QT và ĐC đến nhà Tấn Định.
Lần đầu giáp mặt, TĐ và QT nhận họ đằng nội ngoại với nhau. TĐ và em trai với QT nhắc chuyện ở quê và những người cùng lứa. Nghe cũng vui lây.
Đến nhà TL, có thêm nhóm QV k8 sau cữ cà phê.
HH vớ được mấy "đạo cụ", bèn khoác hết lên người, đòi lại những gì mà cậu không có được như các bạn.
Tất tần tật, kể cả đòi làm CCB.
Cuối cùng QT tòi ra tấm ảnh KN k3 mới chuyển cho. ĐN k5, QT và KN chụp từ thời Quế Lâm. Nước ảnh vẫn còn mới lắm, chụp bằng máy ảnh vẫn được tốt, chưa cần đến máy quét ảnh.
Thêm bữa tối ở nhà TL, xong một ngày chơi Tết.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Bảy, tháng 2 20, 2010 15 lời góp
Lại tiếp cuộc gặp đầu xuân
Oaisss quá !!!
Cái này đi với cái này một đôi!!!
***
Tổng quản đã đưa tin chi tiết về cuộc gặp gỡ của anh chị em với Hoàng Quang, tôi tranh thủ chụp vội được vài chiếc ảnh gửi lên để mọi người cùng xem, ảnh chụp không có bố trí, theo phong cách tự nhiên chủ nghĩa, cốt để vui là chính, đây là toàn cảnh cuộc gặp.
Như các cuộc gặp gỡ khác, bao giờ bạn Trỗi gặp nhau cũng vui vẻ, không thiếu những cuộc hàn huyên, tâm sự ngọt ngào,Quang đang nói chuyện với T.Bắc và vợ chồng T.Lai
Điển hình là khi anh em nhà Chiến dế thủ thỉ gì đó với Tuyết Mai.
C.Nhân vẫn trầm tư như một triết nhân
Còn V.Hùng đang thuyết trình về đám cưới của con gái sắp hoành tráng diễn ra trong nay mai, thiếp mời đã được phân phối tận tay từng chiến hữu nhân buổi gặp này.
Vui quá, dô nào.
Bắt đầu từ đây là không khí chung, nếu bình luận thì thành ra thừa.Mời các bạn bấm chuột vào ảnh xem khổ to hơn.
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Bảy, tháng 2 20, 2010 2 lời góp