Tiện có cô cháu từ SG ra công tác, nhà tôi tổ chức du hí Bát Tràng. Nghe Hồng Hải, Hữu Thành ca ngợi, nay mới mục kích. Qua cầu Thanh Trì, vòng vèo vài cây số dọc đê thì thấy có biển quảng cao to tướng “sứ Bát Tràng”. Làng nghề nằm ngoài đê. Gửi xe ở sân chùa rồi lang thang dạo phố. San sát những cửa hàng trưng bày đồ gốm sứ.
Vào thăm 1 xưởng làm khuôn mới hiểu được đây là công đoạn đầu tiên mà xưởng gốm nào cũng phải dùng sản phẩm của nó. Bàn xoay không còn làm thủ công mà đã thay bằng động cơ. Dân Bát Tràng rất quý khách, cho khách lạ vào xem thoải mái.
Rời khu bán buôn, chúng tôi vào sâu trong làng thăm xưởng sản xuất. Là làng nghề truyền thống nên xưởng nằm ngay trong khuôn viên mỗi nhà. Có vài xưởng hiện đại thì đốt lò nung gốm bằng gas, còn lại là than bùn. Những nắm than đen sì, to như cái đĩa, dán lên bờ tường chờ khô. Thấy cả những máy trộn to như téc chở xăng đang quay nhào trộn đất sét. Hay đây chính là điểm nhập và chế biến nguyên liệu để bán cho các xưởng nhỏ?
Tần ngần đứng trước 1 cổng nhà. Cụ chủ nhà (chắc đã ngoài 80) thấy chúng tôi có ý muốn vào thăm đã niềm nở đón chào. Cụ có mấy người con (cỡ tuổi chúng ta) cũng làm nghề gốm. Xưởng nhỏ nên phải mua khuôn từ xưởng mẫu. Đất sét, trước thì dùng đất ở ngay Bát Tràng, nay phải mua từ các tỉnh xa, được trộn với nước thành hợp chất sền sệt dạng bùn. Việc trộn thủ công đã được thay bằng động cơ. Riêng khi rót nước bùn vào khuôn thì dùng tay. Rót xong chỉ phải chờ vài phút là có thể rót phần bùn còn dư ra để tái sử dụng, sau đó có thể tháo lõi rồi dỡ khuôn (vì khuôn làm bằng vật liệu hút nước, nếu đã dùng nhiều lần thì khuôn sẽ no nước và làm cho thời gian chờ khô kéo dài ra). Và như vậy mới hiểu chả có khuôn nào dùng được mãi và nhà làm khuôn luôn có khách hàng(!).
Khi chúng tôi vào thăm thì xưởng của cụ đang làm bình gốm trồng hoa. Những bình gốm còn ở dạng nguyên thuỷ làm bằng đất sét chưa thật khô được xếp hàng chờ mang ra phơi nắng. Sân nhà là khu phơi sản phẩm. Khi phơi chờ cho sản phẩm tương đối se bề mặt mới có thể mang vào vẽ hoa văn, trang trí màu mè. Cũng có thợ chuyên vẽ đi từng nhà vẽ thuê. Vẽ xong lại chuyển sang nhà khác.
Giai đoạn cuối cùng là tráng men và đưa vào lò nung. Việc làm rạn bề mặt đều là bí quyết của việc sử dụng men. Sản phẩm nung xếp chồng chất bên trong lò nung cao tới 4-5m. Xưởng của cụ đốt lò bằng than. Khi đốt nhiệt độ trong lò lên đến hơn 1000 độ và kéo dài thời gian đốt từ 8-10 tiếng. Hỏi về phương pháp điều chỉnh nhiệt độ thì cụ nói: “Nhìn màu lửa biết nhiệt độ là bao nhiêu. Nếu chưa đủ nhiệt thì thêm củi vào để gia nhiệt. Cứ làm mãi thành quen…”. Sau khi ngừng đốt để thêm vài ba ngày cho nguội hẳn mới dỡ lò.
Chào cụ ra về, cháu Mý vào cửa hàng chọn mua 2 cặp tượng sứ có 2 cụ già, 2 bạn trẻ đang đánh cờ gửi biếu ông ngoại gắn vào bể cá. Cháu còn mua chú hươu cao cổ tặng chị kếu sắp đi du học ở Sing. Phải có đến hàng nghìn sản phẩm gốm, sứ phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Đúng là “đi 1 ngày đàng, biết 1 sàng khôn”; sướng nhất là con gái tôi được tận mắt thấy quá trình làm ra 1 sản phẩm mà ngày nào cháu vẫn sử dụng.
(Phọt phẹt nhất là quên không mang máy ảnh nên… no pictures!).