Thứ Hai, tháng 5 31, 2010

Trận Lũ Năm 1966

Huỳnh Xuân Thủy

Đã lâu lắm rồi có những cái quên, nhưng còn nhớ chút ít, xin kể lại mong mọi người lượng thứ nếu có sai sót.

Ngày ấy, khái niệm " lũ ống ", " lũ quét " chưa có chỉ nghe thầy và các bạn ở rừng Sơn La - Lai Châu kể lại ... như mơ ! Thế rồi một ngày cái gì " phải đến " nó đến.

1. Mùa mưa năm 1966,

Ngày ấy vùng rừng Yên Mỹ - Đại Từ còn rậm lắm không như bây giờ cây vài người ôm phủ kín rừng là chuyện thường ngày ở huyện. Chiều sương mờ giăng giăng đỉnh núi, mây lãng bảng bay. Buồn ! Chiều ấy: mọi người ở B2C8 bên " Cồn Cỏ " đi qua cầu sang bên kia suối ăn cơm như thường ngày. Trời bỗng xám xịt, mây vần vũ. Gió và gió, mưa nặng hạt dần, mọi người ăn vội vàng để về bên kia suối. Gió thổi mạnh hơn, mưa dày hơn. Cả bọn chạy vộ qua cây cầu là một thân cây đường kính khoảng 5-60 phận bắc qua suối. Nước suối dân cao ... cuồn cuộn chảy. Cả bọn thu mình trong nhà nhìn ra suối, ra sân. Mưa ngày một to hơn, gió mạnh hơn. Cành cây gãy răng rắc. Thế rồi, nước bất thần ập về, chảy xiết. Đá dưới suối lăn cùng cục,... cùng cục. Nghe rợn người. Nước mấp mé phản nằm, ba lô được chuyển lên ở sạp nứa gác giữa hai vì kèo. Một phản nữa rồi phản nữa kê lên. Nước cứ cuộn chảy xiết. Bỗng đâu rắn bơi theo dòng chảy vô nhà cả bọn hét lên nhảy cả lên phản đứng. Thế rồi ngôi nàh rung lên sau một cái đập của đá suối lăn vào cột. Tường đất ngấm nước, rã ra ... trơ những que nứa tép hình ô vuông, trống hoác.

2. Cuộc hành quân bất đắc dĩ:

Nhà ăn và kho quân lương bên kia suối được lệnh chỉ huy dời lên đường cái quan, nhưng công lao mấy thàng trời đi rừng chặt củi giờ lũ cuốn phăng hết.Cả mấy chục khối củi xếp ngay hàng bên kai suối, cao lút đầu người, giờ lũ cuốn hết theo dòng nước. Cây cầu độc mộc cũng bị nước cuốn phăng. Nước mưa quất vào mặt rát bỏng, tình hình trở nên cấp bách. Thầy Bân-C trưởng khoác áo mưa, đứng bên kia suối, cầm loa pin ra lệnh: Trung đội 2 phải khẩn trương di chuyển vào Đồng Cháy, lên đồi cao ngay ! (Tôi không nhớ thầy lệnh cho ai, cái này phải hỏi thêm mấy bạn ở B2, nhất là Tương Lai và Ngô Hùng) Ban chỉ huy trung đội chỉ kịp hội ý chớp nhoáng cử Ngô Hùng cao nhất đi trước cầm đèn pin, các bạn đi sau mỗi người cặp nách 1 cây với bạn đi trước lần mò đi trong đêm. Nước chảy xiết, ngập trên bụng nên không mang ba lô được phải đội cả lên đầu, mỗi người che thân bằng 1 tấm ni lông xám bì bõm lội, trong đồng nước trắng xóa. Mưa, gió rét run cầm cập, mọi người lần mò trong đêm tối ... Hơn 21 giờ tonaf trung mới đến đồi bưởi trong Đồng Cháy. Ngày xưa, đây là một bản doanh trồng ngô và sắn mọi người hay thấy khỉ xuống bẻ trộm ngô. Ai quần áo ướt sũng, môi tím ngắt, run cầm cập ... chỉ có đôi mắt còn sáng. Cả bọn mệt nhoài, cởi hết quần áo treo lên đầu nhà, góc bếp, rồi vào chỗ tối nhất thay quần lót. Có đứa quần áo, ba lô ướt sũng hết, đành tụt quần vắt cho khô rồi mặc lại, rồi nhóm bếp chất củi đốt hơ cho đỡ lạnh, rồi nằm lăn ra ngủ ...

3. Ngày trở về

Sáng trời quang mưa tạnh. Ánh nắng chói chang chiếu vào mặt. Cả bọn bừng tỉnh dậy, vội vàng đánh răng rửa mặt, vội vã chào các gia đình. Hạ sơn ! Quần áo sắn cao, nhưng đa số chỉ mặc quần đùi, quần dài vắt cổ, tháo giày, dép đi chân đất. Đường nhão nhoẹt, trơn trượt. Bùn dính đến mắc cá chân, bước 1 bước lại phải nhấc chân sau lên ... chỉ vài cây số mà đến trưa mới về được đến nhà. Một cảnh tượng tang hoang như sau ... lũ ! Tường nhà dưới chân trống huơ trống hoác. Rác rưởi cành cây khắp nhà, khắp sân, đá ở suối nằm lăn long lóc khắp nơi. Cây cầu độc mộc không còn nữa, nươc mênh mang, đục ngầu !

Chúng tôi để tạm đồ đạc lên phản trên cao rồi múc nươc rửa các phản quét dọn trong nhà ngoài sân , phơi những thứ ẩm ướt lên dây phơi, cành cây, tảng đá ... chỗ nào phơi được thì phơi vì hết chỗ phơi rồi ! Nhà ăn, nhà bếp, kho quân lương giờ đây biến mất, tang hoang như sau bão. Chúng tôi thẫn thờ nhìn vào khoảng không trống vắng xa xăm mà tự hỏi : Trời, sao kinh khủng thế ! May mà chúng tôi ở lại thì chắc giờ này có bạn bị cuốn trôi ra tận ĐạiTừ rồi !

Đã 44 năm trôi qua, kể từ ngày ấy ! Bây giờ những thằng " oắt con " ngày ấy, phần lớn đã về hưu lên chức ông bà rồi. Nhưng trận lũ quét đó lại in sâu vào ký ức không quên, như những ngày " tuổi thơ dữ dội " của học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi ngày ấy !

Quy nhơn, ngày 1 tháng 6 năm 2010

Ảnh xã Mỹ Yên, vị trí B2 và Đồng Cháy

Bạn tôi (B2), một lính Trỗi

Gã là giáo viên rồi trưởng khoa Pháo trường Sỹ quan Kỹ thuật Pháo binh. Đây là thời kì không ai sống nổi bằng đồng lương. Gã còn “tủi” hơn: vợ giáo viên, chồng cũng “một thứ” giảng dạy – chả có gì để “sàng sảy”. Bữa cơm chỉ biết lấy rau dưa, đậu “chính”, canh “toàn quốc” làm chủ đạo. Gã suy nhược. Gã tưởng gã bị bệnh bởi cứ sau mười rưỡi sáng là trời đất trước mắt gã bỗng ngả màu vàng (cho tới lúc vô họng được muỗng cơm trưa).

Gã lộn ngược túi, được ít tiền, đi mua chiếc máy tiện thiếu nhi Liên xô, lắp ráp thêm các chi tiết tự động (có “sẵn” trong hàng mớ súng pháo Mỹ phế thải), thế là chiếc máy tiện tự động ra đời. Biết nhà máy thuốc lá khan hiếm chi tiết “răng cào lá thuốc” nhưng chẳng tìm ra nguồn vật tư thay thế định kì, gã bèn nhận làm nhà cung ứng. Ở nhà, vợ gã vừa soạn bài, chấm bài, vừa nội trợ, vừa là “công nhân” đứng máy tiện. Gã là Kỹ thuật tiện, kiêm KCS (hồi đó gọi là OTK), kiêm “công nhân” tôi-ủ. Vợ gã giảng giải: “Máy tự động, nhàn lắm, cứ cặp phôi, nhấn nút là nó chạy. Nghe còi báo là xong một chi tiết. Mỗi ngày nhà em sản xuất được cả rổ răng cào”. Hết hợp đồng “răng cào”, gã cải tiến máy mài thông thường thành máy mài kính quang học và chuyển sang mài kính mặt nạ hàn điện, ... Cứ thế, gia đình gã đủ sống cho tới khi xã hội được “cải tổ”.

Các thủ trưởng nói nếu gã chịu cực một chút thì cái ghế phó giám đốc trường sỹ quan sẽ vào tay gã. Gã ngẫm nghĩ, gã so đo, rồi phát: “Nay là thời kì làm kinh tế, khẩu hiệu “tất cả cho chiến trường” qua rồi, vậy tôi xin đi thực tế (ra quân)”. Gã ra quân, chạy kiếm việc làm muốn rớt cặp bánh chè, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn – Sài gòn đất chật người đông. Gã bỏ lên Bảo lộc kiếm việc làm. Ở đó, gã làm kỹ thuật viên, lần hồi lên sếp. Lâu lâu gã theo xe đò về Sài gòn thăm sắp nhỏ, đo xem chúng cao thêm được mấy phân, giúp vợ vài việc lặt vặt, rồi tất tả … ngược. Chín năm đằng đẵng, cuối cùng gã đủ điều kiện để về xuôi với vợ con. Gã giữ chức giám đốc một công ty nát be nát bét bên kia cầu Bình triệu. Cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu. (Hiện công ty gã đã ăn nên làm ra và gã đã “chiếm” được cổ phần quyết định trong công ty).

Tóm tắt quá trình công-tư tác, gã nói, gã khâm phục vợ gã về cái đức hi sinh vì chồng con, bởi “hồi chín năm”, ngoài sự thiếu thốn tình cảm thì vật chất mà gã mang về thực tình chả có là bao. Gánh nặng gia đình đổ tiệt lên vai vợ gã (một cô giáo Nga văn “đành phải” chuyển sang Anh văn – sau khi Liên xô sụp đổ) nhưng vợ gã vẫn kiên cường gánh vác mà không hề than vãn một câu. Gã tâm sự với tụi tôi: “Tui thành công (nếu các ông cho là như thế) bởi tui có Hậu phương vững chắc”.

Thầy Đại Thành gửi lời cám ơn và hẹn gặp lại

Chào Chú Hữu Thành!

Cháu là Cháu Phan Thanh Hoạt Cháu của Thầy Giáo Nguyễn Đại Thành. Thầy Thành không sử dụng Internet được, Thầy nhờ qua cháu gởi lời Cảm ơn đến các Chú trong ban liên lạc BạnTrỗi, và đặt biệt là các Chú trực tiếp tạo điều kiện giúp đỡ Thầy trong chuyến “Nam du” vừa qua. Trong đó có Chú Nguyễn Hữu Thành người đã đăng bài của Cháu là cầu nối liên lạc giữa Thầy và các trò. Sau đó vào An Giang có Chú Trần Vũ và Chú Thanh Sơn đã tận tình giúp đỡ Thầy. Sau khi về Sài Gòn có Chú Đỗ Đình Luân, Trần Thế Nam và các Chú trong trong ban liên lạc Trường Trỗi đã tạo điều kiện để gặp mặt rất đông và đã tiếp đón Thầy rất chu đáo, đặc biệt là có hai đồng nghiệp cũng rất nhiệt tình đến để gặp mặt. một đồng nghiệp đã 81 tuổi vẫn đi xe máy mười mấy cây số đến để gặp mặt đó là một sự tuyệt vời, một sự thật như mơ. Thầy không ngờ chuyến đi lại thuận lợi và tuyệt vời đến thế.

Thầy Thành cảm ơn các Chú (Học trò trường Trỗi) và Các đồng nghiệp rất nhiều.

Nay Thầy Thành đã về đến Đại Từ - Thái Nguyên, và Thầy nói sau có điều kiện Thầy sẽ đi nhiều hơn vào Quy Nhơn để gặp các Bạn Trỗi ở Quy Nhơn và đặt biệt là Chú Huỳnh Xuân Thủy. Thầy mong tháng 10 năm nay Hội Trường thầy sẽ gặp được nhiều người hơn.

Thầy chúc các Bạn Trỗi cùng gia đình Sức khỏe, Hạnh phúc, mọi điều tốt lành sẽ đến với mọi người.

Chủ Nhật, tháng 5 30, 2010

Tháng năm xa


(Tớ thì chẳng có dịp đi chơi cùng bạn cũ K14, thi thoảng viết vài dòng thôi.)
Tháng năm

Nắng chói chang.
Phượng đỏ rực đường,
Ve kêu ra rả.
Tháng năm,
Mưa, mưa rơi tầm tã.
Trời vẫn oi nồng, nóng như nung.

Tháng năm, đến rồi qua
Như bao năm cũ
Vẫn mầu hoa cháy lửa
Vẫn mầu tím bâng khuâng
Cánh bằng lăng mỏng manh - dưới nắng tươi hồng
Người đi xa
Vương vấn...

PHẬT ĐẢN


Phật đản là ngày gì?
Tôi nhớ hồi nhỏ, ngày này không phải rằm (mặc dù không nhớ chính xác là ngày nào). Vậy mà nay lại là rằm tháng Tư?
Xem xét lại thì ngày này được dân theo đạo Phật gọi là ngày “Phật đản sanh”. Vậy là ngày sinh nhật của ông Thích Ca rồi. Nhưng ổng sinh ngày nào mà lại thay đổi thế nhỉ?
Trước hết xem ổng sanh năm nào?
Theo nhiều thứ sách, kinh, truyền thuyết, tất cả đều ghi rõ ràng là ổng thọ 80 tuổi. Riêng năm sanh thì nằm trong khoảng từ năm 623 TCN tới năm 560 TCN. Nhưng căn cứ theo lịch của nhà Phật (Phật lịch), năm nay là năm 2554 PL, vậy là năm 0 PL (Phật lịch bắt đầu từ năm 0 chứ không phải năm 1 như Dương lịch) là năm 543 TCN và đây là năm ông Thích Ca lên Niết bàn, có nghĩa là chết, tròn 80 tuổi. Vậy ổng sanh năm 623 TCN.
Rồi, vậy còn tháng?
Theo mốt số cánh Phật giáo Trung Quốc thì nói là tháng 2, nhưng các cánh Ấn Độ thì lại là tháng 4. Đây chẳng qua chì là sự chênh lệch theo lịch cổ mà thôi. Vì Ấn Độ lấy Tý làm tháng Giêng và TQ lấy Dần làm tháng Giêng do đó tháng 2 (Mão) của lịch TQ chính là tháng 4 (Mão) của Ấn Độ.
Như vậy ta đã có tháng 4 năm 623 TCN, chỉ còn ngày nào nữa thôi.
Trong cái vụ này thì hơi rắc rối. Ở mọi thứ sách, kinh, truyền thuyết đều xác nhận ổng sanh ngày 8, nhưng lại nói đúng lúc ổng sanh ra thì trăng tròn (?). Bởi vậy mới có sự “vênh” nhau suốt mấy thế kỷ. Nơi là ngày 8, chỗ là ngày rằm. Có lẽ đây là cái ngày mà hồi xưa tôi nhớ (?).
Bởi vậy, năm 1950, Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, 26 nước là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm cho nó “dễ xử”. Rồi tới năm 1952, cũng cái Đại hội này ở Tokyo khẳng định lại là ngày rằm cho “nó đẹp’ vì theo các thứ giấy tờ, thì ổng ngộ ra và trở thành Phật vào ngày rằm, rồi lúc lên niết bàn (chết) cũng là ngày rằm. Vậy tại sao không xài “ngày đẹp” này luôn cho đỡ cãi nhau.
Kết luận : Phật đản là ngày sinh nhật Phật Thích Ca. Ổng sanh vào lúc nửa đêm (trước 0 giờ) ngày 15/4/623 TCN tính theo lịch âm bây giờ.
H1. Cây Sala, nơi ổng sanh ra và chết
H2. Cây Bồ đề, nơi ổng trở thành Phật

Thứ Bảy, tháng 5 29, 2010

Đường sắt cao tốc: Cứ cho Nhật Bản xây với thể thức BOT hay BOO

Ý kiến tuyệt vời. Không biết lão này ở đâu ra đây... gẩy đàn?

"Trải nghiệm Quân đội" - chương trình tự nguyện, hữu ích

Không biết món này người ta làm có "ngon" không nhỉ?
Bạn Trỗi mình mà mở Công ty Cổ phẩn Quân Trường Trỗi thì có hay hơn không?

Chuyện tuần trước (tiếp thu ý kiến HMk6)

Tuần trước, Thứ Sáu, có chuyến lên nhà NV. Hẹn trước với nhau khi NV làm xong nhà mới cũng là lúc vải đầu mùa hái được thì lên. Lên đến nơi mới biết vải tới cữ hái mà nhà mới xong đại thể.
Để tránh cổng đâm thẳng vào cửa nhà, NV đã mở lối vào tránh ra phía trước một chút. Hai bên "cổng" là hai cây bạch đàn, báo hại xe không thể cua vào mà phải chạy tới quay đầu chỗ rộng rồi lựa mà lùi vào. Mất mấy đỏ mới lên tới "bãi" ở trên đồi lổn nhổn đá xít, trời khô mà vẫn pa-ti-nê.

"Đại thể" đã xong, tức là cái nhà trông đã ra dáng rồi. So với lần trước lên tường xây một nửa, ngổn ngang đất cát, thềm nhà chênh vênh bên sườn dốc.
Lần này nhà đã đổ xong mái bằng trần cao như biệt thự Tây cỡ 4m, nếu không hơn. Tường trát, nhà lát gạch đỏ, cửa sổ cửa đi chưa lắp nhưng đã gọn gàng, trông gian nhà rộng rãi hẳn không như trước đây hình dung.
Đặc biệt cái nhà vệ sinh được xây hết chiều rộng nhà, coi như nới dài nhà thêm 2m, đổ trần thấp. Gạch nền ốp lát, bệ xí bệt đã lắp, ống nước chở sẵn sàng, kể cả ống nước nóng từ giàn hấp nhiệt mặt trời. Cái đoạn vệ sinh nối thêm này rộng rãi (8m vuông sáng choang) nâng giá trị nhà lên mấy bậc. Anh ĐC đi ra đi vào, mặt bần thần ra chiều ghen tị!
Bên ngoài nhà đã kè đá làm một cái sân vài chục mét vuông, giữ lại cây vải làm bóng mát đầu nhà. Có lẽ hạng mục cuối cùng sẽ phải làm là ngõ vào sạch đẹp.
Trong lúc chờ đợi "đoàn" lên NV đã pha sẵn một lô cà phê phin. Đến nơi lấy đá sạch mang theo cho vào, mỗi người được một cốc đen đá ngon lành.
Riêng mấy món đồ cổ mọi người đều trầm trồ khen của độc và... ngó. Cái đài do NV chắp dựng lại từ mấy mảnh, tiếng trầm nghe hơn mấy cái đời mới rẻ tiền bây giờ, là đồng ý với bạn thế.
Ngoài vườn mấy người hàng xóm được NV nhờ đã đi bẻ quả ở những cây giống chín sớm. Ý đồ "lao động XHCN" bị chính "người lao động" bóp chết từ trong xe ô tô.
Hái, bó, chặt gọn cuống, đều do người quê làm cả. Anh em ta được một dịp lăng xăng đi tới đi lui, quạt phành phạch, ngó chỗ này góp ý chỗ kia.
Riêng HH có một lúc "hôn mê" ngay cửa nhà vệ sinh ra sân.
Bữa ăn trưa đơn giản, gọn gàng, do vợ chồng nhà NV tiếp thu ý kiến anh em phê bình những lần trước bầy ra lắm quá.
Nghỉ ngơi một chút rồi "đoàn" ra về với tạ vải sau xe.
Đến buổi chiều giao ban Vườn Treo đã có vải của NV để ăn và cho mỗi thành viên mang về. Dù là vải "tu hú" nhưng chất lượng không tệ, và có hương vị giao lưu bạn bè.

Thứ Năm, tháng 5 27, 2010

Ai bắn ?

Báo Quân đội nhân dân điện tử đăng tin một em bé bị bắn chết ở Thanh hoá, hai người bị thương nặng, giá mà hành động này xảy ra ở Trường sa thì tốt hơn là với người dân không có vũ trang.


Đọc thêm

Nên đọc thêm bài này của Gs Cao Huy Thuần

Thứ Ba, tháng 5 25, 2010

Có đáng để chúng ta phải giữ?

Đọc xong bài Đáng để chúng ta phải khóc!, chợt nghĩ hình như câu hỏi lớn cuộc bây giờ lại đang là có đáng để chúng ta phải giữ?

Trích bài đã dẫn "...Một điều đau xót cho những người muốn tìm lại những giá trị của ông cha là nguồn sử liệu quá ít ỏi còn lại, khiến chúng ta không thể hiểu sâu sắc những giá trị huy hoàng cùng những chặng đường thịnh suy của dân tộc. Liệu có phải Khổng giáo được nhà Lê đưa lên hàng đầu để củng cố quyền lực của triều đình, bởi Khổng giáo là lý thuyết giúp chính trị một cách hữu hiệu hơn? Hay bởi chúng ta đã "10 phần di sản không còn được một" sau cuộc xâm lăng của nhà Minh, khiến chúng ta bị đứt đoạn với quá khứ, phải áp dụng tư tưởng Tống Nho của Trung Hoa?

Nói như GS Cao Huy Thuần khi kết thúc buổi thuyết trình, dân tộc chúng ta quá bất hạnh khi bị đứt đoạn với cái gia tài rực rỡ của đạo Phật rất phương phi, vạm vỡ thời Trần Thái Tông. Nhà Minh đã phá hoại, lục bắt tất cả những di sản vật thể và di sản tinh thần của chúng ta, khiến chúng ta hiện nay chỉ hiểu biết lờ mờ về những thành tựu của quá khứ. "Đó là một tội ác đối với lịch sử, tương đương với tội ác diệt chủng, bởi không có gì tàn bạo hơn, sát hại hơn là diệt chủng về văn hóa, khiến chúng ta không biết chúng ta là ai, khiến chúng ta thành nô lệ về đầu óc. Điều đó đáng để chúng ta phải khóc".

Có cần "tạo thương hiệu cho gạo Hà Nội"?

Tạo thương hiệu cho gạo Hà Nội là một bài của báo Hà Nội Mới hôm nay.
Hôm trước nghe/đọc đâu đó "Hà Nội là địa phương có đất nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng" đã thấy lạ.

Giờ Hà Nội còn xây dựng thương hiệu gạo của mình nữa, lại càng lạ hơn. Có cần phải thế không? Có làm được không? Vì thương hiệu là phải dựa vào cái gì của hạt gạo chứ không chỉ ở cái danh "gạo Thủ Đô".
EGk9 có thể đầu cơ vụ này đấy. Chẳng hạn như cấy gen cá vào cây lúa để nồi cơm có mùi... rồng!

Cao trăn, cao ngựa bạch, cao BT

Dạo này nghe toàn chuyện cao. Đài báo nào đó khuyến cáo xài cao trăn không khéo thì giống con trăn, nghĩa là chức năng đàn ông cũng xìu như bản chất con trăn, xìu không chữa được, không biết đúng sai thế nào, mời các chuyên gia luận đàm chứ tôi không tin. Hôm nọ lại nghe chú Sùng Hải thịt ngựa trắng đãi anh em còn xương cũng nấu cao, cái cao này chắc tốt, phải mài răng và chuẩn bị tài chính, SH alu cái phi lên liền. bổ gì không biết nhưng bổ dương là tốt nhất.Gần đây lại có chuyện gặp thầy gặp bạn của chú Cao lùn, cao này chắc chỉ để nói chuyện, không xài được, muốn xài thì phải quay lại chuyện xưa vừa mới được nhắc lại trên trang QS của một số cựu chiến binh, mời xem đọc cái ảnh trích dưới đây, ý kiến riêng là hơi tiếc vì các cụ ngày xưa hơi phí, đục xương bánh chè của đám quân Thanh chôn ở gò Đống đa đem nấu cao chắc cũng được kha khá, vậy mà không biết tận dụng(chắc hồi đó các cụ không biết hoặc nhân đạo hơn bây giờ chăng? Bài này đã có người cải chính là chỉ nấu cao hai cái xương bánh chè thôi!!!!)

Thứ Hai, tháng 5 24, 2010

Phụ lục: "Chia sẻ những bài hát quân đội"

ĐÁNH ĐÍCH ĐÁNG
Sáng tác: Ngô Sỹ Hiển
Trình bày: Hợp xướng đoàn Ca Múa Nhạc VN


CHẲNG KẺ THÙ NÀO NGĂN NỔI BƯƠC TA ĐI
Nhạc: Thanh Phúc - Lời: Hải Hồ
Trình bày: Tốp ca nam Đài Tiếng nói VN


NGHE TIẾNG PHÁO KHE SANH
Sáng tác: Đức Nhuận
Trình bày: Tốp ca nữ Đài Tiếng nói VN


CON CUA ĐÁ
Sáng tác: Phan Ngạn & Ngọc Cừ
Trình bày: Lam Sơn, Trần Tích và Tốp ca


Nguồn: You Tube

Hồ không đáy (phần 2)

Bàu Tàng là hồ chứa nước tự nhiên rộng hơn một hécta ở xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Nhờ tích nước trong mùa mưa nên Bàu Tàng có đủ nước cho bà con trong vùng vào mùa khô.

Hơn chục năm trước, tỉnh Bình Thuận quyết định nâng cấp Bàu Tàng. Quyết định đã vấp phải phản ứng của dân trong vùng vì cho rằng nạo vét hết lớp bùn tích tụ bao nhiêu năm qua trong lòng hồ sẽ làm nước rút nhanh và cạn kiệt vào mùa khô. Đồng thời xây kè bê-tông tứ bề sẽ chặn hết các dòng chảy rót vào hồ khi có mưa. Ý kiến của người dân không được lưu tâm. Và sau khi hồ được nạo vét, xây lại, tuy có nước khi có mưa nhưng cứ dứt mưa một thời gian ngắn là hồ bị cạn gần sát đáy. Mùa khô hồ chỉ còn ít nước đọng lại cho gia súc uống tạm.

Năm 2003, để sửa sai, TP.Phan Thiết đầu tư thêm gần 600 triệu đồng từ vốn hỗ trợ chống hạn để cải tạo lại Bàu Tàng. Công trình gồm các hạng mục nạo vét, mở rộng lòng hồ, gia cố tứ bề bằng bê-tông cốt thép, tổng diện tích xây dựng 1,2 ha. Theo thiết kế, Bàu Tàng có dung tích chứa hơn 21.000 m3 với cao trình đáy bàu 4,55 m, chiều dài theo đỉnh 420 m. Thế nhưng khi công trình hoàn thành thì hồ không còn nước, tệ hơn cả lần cải tạo trước.

Để cứu Bàu Tàng, đầu năm 2007, TP.Phan Thiết phê duyệt dự án Bàu Tàng với kinh phí gần 80 triệu đồng. Ban quản lý dự án đào lòng hồ thêm 1,5 m. Một đường mương dẫn nước từ núi Bàu Tàng gần đó dẫn xuống hồ. Thế nhưng khi trời mưa hồ vẫn không có nước, còn đất đai của các hộ dân cạnh hồ thì lại bị ngập úng. Sắp tới (nghe đâu) sẽ có một giải pháp sửa sai nữa để trả Bàu Tàng về với chức năng của nó.

Nhưng, suy cho cùng, lòng tham của con người (cộng với sự ngu dốt thì càng "quý") mới là cái hồ không đáy vĩ đại nhất.
(Hết)

Bạn ốm

Sáng nay ĐC, HH và tôi đã vào thăm Hoàng Đức Cường đang điều trị tại QYV 354.
Vẫn biết HĐC bệnh, lâu nay ở trên Thái Nguyên điều trị. Nay bệnh chuyển nặng hơn nên phải vào viện 354 để anh em và các cháu trong gia đình tiện đường chăm sóc.
Chúng tôi vào thăm, thấy HĐC đau, không nói được nhiều, chỉ biết động viên bạn cố gắng theo điều trị của BV.
Các bạn vào thăm chú ý đi trong các khoảng thời gian dành cho thăm nuôi: từ 11h-13h30 và sau 16h hàng ngày. HĐC nằm tại phòng CC tầng 3 (ngay cạnh cầu thang), khoa A1 Nội Cán bộ (nhà 7, N7 trong sơ đồ). Vào gửi xe máy cổng 120 Đốc Ngữ, đi thẳng vào một đoạn là thấy.

Chủ Nhật, tháng 5 23, 2010

"Chia sẻ những bài hát quân đội"

...là một chủ đề của Quân sử Việt Nam.
Tôi rất thích các bài hát "thời của mình". Và chủ đề này khá thỏa mãn mong muốn ấy.
Xin giới thiệu với mọi người một bài hát trong số đó. Các bài khác mời tự khai thác.

Bạn nào?

(bấm chuột vào ảnh để xem ảnh lớn)
Lâu lắm không có dịp gặp bạn, có lẽ dăm bẩy năm rồi.
Hôm nay hẹn với bạn một chuyến thăm nhà vườn. Ngôi nhà nắm trong một cánh rừng thông của lâm trường. Ai không biết sẽ nghĩ chủ nhà này có tên trong danh sách "lâm viên", chức vụ gác rừng?

Nhà có đôi uyên ương vui sống bên hồ hoa súng và cá kiếm vàng
dưới giàn phong lan.
Về vườn là một dịp khoe với bạn
và thư giãn.

Hồ không đáy (phần 1)

Hồ không đáy ở Siberi (Nga).

Nhiều thế kỷ qua, hồ Sobolkho ở Buryatia - Siberia gắn liền với hàng trăm truyền thuyết và đồn đại : là thủ phạm của những vụ mất tích, là nơi tề tựu của hồn ma chết oan ... Đặc biệt, người ta không đo được độ sâu đáy hồ.

Dân trong vùng không dám bén mảng quanh khu vực Hồ Sobolkho. Chẳng những người ta e ngại về bí mật “không đáy” mà còn khiếp sợ bởi hàng trăm chuyện hư thực được thêu dệt. Nếu có vụ mất tích bí ẩn của người hay gia súc thì thủ phạm chỉ có thể là Sobolkho - dân làng quả quyết như vậy cho dù chưa bao giờ kéo được xác lên từ đáy hồ. Rùng rợn hơn, có kẻ xấu số bị hồ nuốt chửng có khi lại nổi xác ở sông ngòi nơi khác. Hàng đêm mặt hồ phát ra ánh sáng màu hồng rực rỡ được dân trong vùng khẳng định là hồn ma của những kẻ chết đuối.

Từ thời Trung cổ, Sobolkho đã nổi danh là cái hố tham lam nuốt chửng người. Theo thống kê 10 năm trở lại đây, khoảng 300 con ngựa và 500 con bò đã “chui” xuống lòng hồ. Riêng mùa lũ năm 1999-2000 đã có 25 người mất mạng. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu Viện hàn lâm khoa học Nga (RAS), thì rất có thể Sobolkho là một điển hình của hiện tượng “vùng địa lý khai thông tự nhiên, được liên kết với cấu trúc đặc biệt của lớp vỏ Trái đất” trên khu vực này.

Cuối tháng 10/2006, RAS thám hiểm Sobolkho. Hồ có diện tích mặt rất nhỏ với làn nước tối đen, lạnh buốt. RAS bắt đầu tiến hành thăm dò một vài điểm lân cận mép hồ. Kết quả độ sâu là 13 mét. Tuy nhiên ở nơi xa hơn, thiết bị đo không chạm đáy và các nhà nghiên cứu cũng không giải thích được tại sao.

RAS không phải là người đầu tiên. Năm 1995, một nhóm thợ lặn tới đây với hy vọng vén bức màn bí mật. Không đếm được hết con số những lần đo nhưng đều thất bại. Thậm chí nhiều thợ lặn đã bỏ mạng. Kỳ lạ nhất là cái chết của một thợ lặn dũng cảm, anh ta lặn xuống quá sâu và mắc kẹt trong vùng nước xoáy, không vớt được xác. Mấy ngày sau phát hiện xác anh ta trôi dạt ở bờ sông Vitim cách hồ Sobolkho vài trăm mét. Người ta bắt đầu mường tượng ra Sobolkho: có một hang hầm kết nối lòng hồ với sông Vitim. Có người ước tính độ sâu của hồ khoảng 250 mét, nhưng dân vùng Buryatia thì vẫn tin rằng hồ Sobolkho không có đáy.

Thứ Bảy, tháng 5 22, 2010

Lính Trỗi ở chiến trường Lào

Cuộc chiến tại Lào, mà tâm điểm là khu vực Cánh đồng chum- Xiêng Khoảng, do đặc điểm là một địa bàn chiến lược đối với an ninh của Việt nam mà trở thành một điểm cực nóng của cuộc chiến tranh Đông dương vừa qua. Tại chiến trường này là cuộc đọ sức ác liệt giữa một bên là Quân đội nhân dân Việt nam, Bộ đội Pa thét Lào với Lực lượng đăc biệt Vàng Pao, lính đánh thuê Thái lan được sự yểm trợ hoả lực tối đa của không quân Hoa kỳ, một cuộc chiến tàn khốc với sự thiệt hại nặng nề của cả hai bên mà chắc lịch sử sẽ còn nhắc lại với những trang đẫm máu nhất.
Vào cuôí năm 1972, về cơ bản thế và lực của địch đã kiệt quệ, quân ta đã làm chủ một vùng giải phóng rộng lớn từ Sầm nưa, Xiêng khoảng xuống đến Hạ Lào, tạo thế mạnh trong cuộc đàm phán Pa ri nhằm chấm dứt cuộc chiến trên bán đảo Đông dương.
Trong những điều kiện như vậy, để kiện toàn lực lượng nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của bộ tư lệnh Miền Tây, mặt trận quyết định thành lập một đại đội kỹ thuật nhằm giúp mặt trận chỉ huy và phối hợp các đơn vị hoả lực, tạo tiền đề chuẩn bị thành lập một trung đoàn pháo binh mặt đất trực thuộc sư đoàn 316, củng cố sức mạnh của sư đoàn chuẩn bị cho trận đánh chiếm Ban mê thuột năm 1975.
Quân số của đại đội này bổ sung từ các đơn vị pháo binh của mặt trận, một số cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc vào và rút từ tiểu đoàn pháo binh 42 của tôi sang. Đơn vị này đóng quân ngay cạnh tiểu đoàn tôi, trong một lần sang chơi với một người bạn thân cùng đơn vị vừa chuyển sang, tôi thấy chú lính mới nằm cùng hầm với anh có nét gì đó rất quen, thằng này đích thị là Trỗi, tôi nghĩ vậy và nó cũng nhận ra tôi, chú em mới chân ướt chân ráo vào chiến trường, mặt mũi nó còn phủ đầy lông tơ, anh em nhận ra nhau trong chiến trường thật mừng như bắt được vàng, nó kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện và vì cùng chung một hoàn cảnh nên rất thông cảm cho nhau, bố nó là thủ trưởng trực tiếp trên mặt trận, cũng như tôi, các cụ đều hăng hái cho con vào thử lửa, nếm mùi nằm gai nếm mật cho chóng trưởng thành, nói thật nhìn nó tôi cực kỳ ái ngại, chiến trường đầy cạm bẫy, bom đạn hàng ngày, sinh hoạt thiếu thốn, không biết nó có chịu được không ? Từ đó ra điều đàn anh đã dạn dày bom đạn, tôi và anh bạn thân hết sức truyền đạt kinh nghiệm, dặn dò nó đủ kiểu, chắc chắn là những kinh nghịêm và sự quan tâm của chúng tôi đã giúp được nó không ít, dần dần cu cậu đã từng bước trưởng thành và xứng đáng là một người chiến sỹ vững vàng trên trận tuyến trực tiếp chiến đấu với quân thù.
Mà nó cũng giúp được cho tôi nhiều đấy, biết ông anh ốm yếu, lại hay vượt núi trèo đèo đi cưa cẩm. Để ông anh chân cứng đá mềm đủ sức vượt khó, nó rút trong túi ra cục sâm to như ngón chân cái, bố nó ngay trên mặt trận nên cụ cho nó để giữ sức, thằng bé hào phóng cắt ra một nửa cho tôi, ừ thank kiu mày, bố ông anh cũng có nhưng xa quá, mà chắc đâu ông đã còn mà cho nó, được thằng em cùng Trỗi ưu ái thì khoái quá, thỉnh thoảng cắt một lát ngậm miệng, cái vị ngọt đắng ngấm vào cơ thể xua tan mệt nhọc nhưng cũng làm đầy thêm tình cảm của hai anh em đã cùng một thời sống dưới cùng một mái trường.
Năm 1973, thằng tôi về trường sỹ quan pháo binh học, chú em theo đơn vị về Tân kỳ thành lập đơn vị mới chuẩn bị đi B, sau đó nghe nói nó cũng được về đi học ở trường VHQĐ rồi đi học sỹ quan, cách đây vài năm anh em gặp lại rủ nhau lên Nhật tân xơi thịt chó, ôn lại một thời gian khổ mà hào hùng, bây giờ chú em đã trưởng thành lắm rồi, nó khoe có thời có biệt danh là “trung tá si đa” vì chuyên chạy hàng si đa, gần đây nghe nói cậu lại trở thành đại tá về hưu và có vai vế gì đó trong hội cựu chiến binh và là cán bộ khu phố cứng. Lại vừa được đọc bài viết của chú em trên trang UT,cảm động quá mà viết bài này. Chúc mừng thằng em tiến bộ vượt bậc, he he...

THÔNG BÁO

Nhân dịp thầy Đại Thành vô Sài gòn ,mời anh chị em khóa 4 và các khóa trường ta tham gia giao lưu.Đây cũng dịp may mắn cho chúng ta gặp lại thầy sau 44 năm ( kể từ khi rời An Mỹ -Đại Từ.
Địa điểm :nhà hàng Đất Tiên Sa ,số 3 đường Đống Đa ,Tân Bình
Thờigian: lúc 17giờ 30 ngày 22 tháng 5 năm 2010.
Đề nghị ACE tham gia nhiệt tình.
BLL.K4

Thứ Sáu, tháng 5 21, 2010

Hà Nội lên phương án chống ngập dịp kỷ niệm 1000 năm

Sở Giao thông Vận tải được giao chuẩn bị xuồng máy, ôtô gầm cao, các phương tiện, thiết bị bảo đảm giao thông ở những khu vực bị ngập cục bộ.

phương án chống ngập.

Bóng đá


Sắp đến Giải bóng đá thế giới 2010, tìm thấy cái hình (2008) này, họ chú thích là " Cú đá vào đầu rất kinh khủng". Nhìn thấy ảnh chụp đẹp, nhưng qủa là thể thao thế này thì chả "plaît" chút nào

Thứ Năm, tháng 5 20, 2010

Nhắc lại cái "tin le lói" của Dũng Sô!

Sô ơi, ông từng comment lên Bantroik4: "Trưa nay dù có hơi chút men vì uốn với thèng cháu Đà nẽng, song vẫn nhớ nhiệm vụ (tự giao). Ghé qua nhà ông chính tri viên đội 1 đặc công HQ. Cũng thử hỏi để xác định thôi: Ộng có đánh nhau ở Cửa Việt không, trả lời: "có". Ông có biết thằng Ơn con ông Sơn (Quảng Bình) không, ông nói "có". Nó hi sinh ở CửaViệt có đúng không, "đúng". Ông có nhớ chôn nó ở đâu không, "tao không nhớ". Tiếc quá, DS chỉ mần được bí nhiêu thôi.
Hôm nào Bùi Yên Trình đến nhà, tao sẽ cho gặp ông Đoàn Ngoc Tú để giao lưu, có thể sẽ thêm thông tin về Ơn". (DS).
Thử hỏi tiếp đi, Dũng Sô!!!

Lao động XHCN

Không phải chuyện ngày xưa, mà là ngày mai.
Vải lứa sớm nhà Ngọc Việt đã chín, thu hoạch được rồi. Nhớ thứ Sáu là ngày giao ban Vườn Treo cậu gọi điện về giục lên lấy, đã hứa rồi.
Ngày mai nắng lắm, anh em lên lao động XHCN nhớ tự túc áo quần dài, mũ rộng vành, khăn trùm, găng tay, bia lạnh, thuốc phòng (lợn) tai xanh,...
Để "mang về chia cho chúng nó" như Ngọc Việt nói. Chả phải là lao động XHCN là gì!

Thứ Tư, tháng 5 19, 2010

Thầy Đại Thành du Nam, cần liên lạc

Tôi đưa thư này lên đây với hi vọng nhiều người biết để giúp thầy Đại Thành

Chào Chú Hữu Thành!

Cháu là Cháu của thầy giáo Nguyễn Đại Thành - giáo viên Hóa trường Trỗi hiện đang sống tại Yên Mỹ Đại Từ Thái Nguyên . Cháu đang làm việc tại Buôn Ma thuột. Nay thầy Thành Vào đây chơi muốn gặp lại một số học trò cũ của thầy nhưng liên lạc khó. Hôm qua cháu vào Blog của chú và có tìm được Chú Lý Xuân Hoa sống tại Buôn Ma thuột và đã gặp chú thầy trò gặp nhau rất mừng. Và có liên lạc với Chú Hoàng Đức Cường. Ngày mai 20-5 Thầy Thành sẽ đi vào An Giang có việc thầy muốn biết có ai học sinh trường Trỗi hiện sinh sống ở An Giang để liên lạc. Nếu Chú biết và có số điện thoại của ai là học sinh trường Trỗi sống ở An giang nhờ chú báo cho Thầy Nguyễn Đại Thành giùm cháu nhé : Số điện thoại Thầy Nguyễn Đại Thành : 01672528548
Cảm ơn chú nhiều!

Phan Thanh Hoạt

Thứ Ba, tháng 5 18, 2010

BÁC VÀ SEN



Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ


Văn học qua ca dao đã nói lên tấm lòng của người dân Nam Bộ đối với Bác qua hình tượng bông sen bình dị, gần gũi mà thanh cao. .. Giờ, tôi xin được dùng thứ “ngôn ngữ” khác - Ngôn ngữ nhiếp ảnh để “dịch” vấn đề này thông qua bức hình trên.

… Chuyện rằng ngày xưaVua ra đề thi hội hoạ, Ngài yêu cầu các thí sinh “vẽ một bức tranh thể hiện được mùi hương vương trên vó ngựa khi tráng sĩ đi qua cánh đồng hoa”. Các thí sinh đâm bí gãi đầu, chẵng lẽ lại đem nước hoa đổ vào tranh?? Thế rồi có một bức đoạt giải . Chú sĩ tử này đã vẽ một bầy ong, bướm quấn quýt bên chân tuấn mã. Đó chính là thủ pháp gián tiếp, khiến người ta phải suy diễn và liên tưởng.

Trở lại cái ảnh. Ấy là câu chuyện về mối quan hệ giữa Kỹ thuật- Nghệ thuật- Chính trị.

Về Kỹ thuật: Tác giả cho biết ảnh chụp bằng chế độ M; khẩu độ f 5.7 ; tốc độ 1/320; ISO 100; chế độ đo sáng điểm …

Về Nghệ thuật: Tạm gọi đây là chụp kiểu “đèn lồng”. Trong trường hợp này bông sen được rọi sáng bởi ánh nắng mặt trời, điểm lấy nét đặt vào tâm vùng sáng của bông hoa, ống kính hướng vào vùng nền tối hơn, hậu cảnh bị làm mờ. Ta sẽ chụp được một bông hoa sáng lên như ngọn đèn lồng lung linh trên nền phông tối.

Người ta nói “nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng” chắc đúng . Ở đây kỹ thuật đã trở thành công cụ của nghệ thuật, làm cho ánh sáng cất lên tiếng nói của mình. Chính ánh sáng và nhờ ánh sáng mà bông sen bộc lộ được cái hồn “tư tưởng” phần phi vật thể.


Và Chính trị: Đối với chúng ta Bông sen là biểu tượng Bác Hồ. Người sinh ra ở vùng quê Kim Liên ( sen vàng) và bất tử trong câu ca dao Nam Bộ …

Hình ảnh “toả sáng” của đoá sen chính là “ Tư tưởng HCM” đang rực sáng trong bối cảnh thời đại hiện nay. “ Bông sen toả sáng” đã biến thành trái tim ĐanCô - ngọn đuốc dẫn lối, đưa đường, cho nhân loại!? Như vậy bức ảnh lúc này đã chứa đựng, truyền tải “gía trị tư tưởng”. “ Nghệ thuật phục vụ chính trị” là thế.

Bác Hồ ngày xưa từng là thợ ảnh. Nhân kỷ niệm 120 ngày sinh của Người, tôi gửi AE đôi dòng phỏng theo tinh thần: “ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”!


Tp HCM 18/5/2010


Thứ Hai, tháng 5 17, 2010

Tin buồn

Anh Trương Thanh Bắc cho hay ông thân sinh Trương Văn Thuận, vì tuổi cao sức yếu, đã qua đời lúc 12h trưa nay, ngày 17/5/2010, thọ 90 tuổi.

Lễ viếng tổ chức ngày 19/5/2010 tại Nhà Tang lễ Quân đội 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, từ 7h30 đến 9h.
Lễ truy điệu vào lúc 9h.
Đưa tang từ 9h30 về nghĩa trang Tây Mỗ Hà Nội.

Các bạn Trỗi k4 sẽ viếng vào 8h45. Xin đến sớm vài phút để tập hợp.

Chủ Nhật, tháng 5 16, 2010

Sự tích một bài thơ

Gần đây, bắt đầu từ Thanh Minh mà hai trang Bạn và Út Trỗi bắt đầu có một se ri ảnh nói về một lòai hoa bình dị của núi rừng Tây Bắc, không nói thì các bạn cũng đã biết, đó là chính là hoa ban. Mùa xuân cũng chính là mùa hoa ban nở, nếu bạn đã có dịp lên Tây Bắc ắt hẳn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa đó. Cứ tưởng rằng loài hoa đó chỉ có một mầu trắng tinh khiết, vậy mà hoa còn có cả mầu đỏ và phớt hồng nữa (qua thông tin của các bạn ccb trên một trang mạng khác) và điều đó đã khiến tôi nhớ về một bài thơ, xuất xứ của nó có một điểm khá đặc biệt, một câu chuyện tình thời lửa đạn mà tôi muốn gửi lên để các bạn đọc cho vui.
Cách đây đã lâu, tôi là chiến sỹ trong một đơn vị pháo binh làm nhiệm vụ tại chiến trường Lào, hoàn cảnh sống rất khó khăn, khí hậu thời tiết không hợp nên lần đó tôi bị ốm nặng, phải đi viện điều trị. Bị ốm cùng đi với tôi có ông cùng đơn vị, người Sơn tây, làm cấp dưỡng cho trạm xá tiểu đoàn, nấu ăn giỏi và hát nhạc ưỡn ẹo( tức là nhạc vàng ấy ) khá hay. Mỗi khi anh ta cất giọng hát: "người mà tôi yêu, có đôi bàn tay diễm kiều, người mà tôi yêu, lấy chồng để phụ lòng tôi, vì tôi say thuốc lào..." biết là anh ta bịa nhưng nghe cái chất giọng đặc biệt của anh thì ai nấy đều cười lăn lóc. 
   Lần ấy ra bệnh viện, ở đó có một đoàn dân công Nghệ an phục vụ việc vận tải, chị em phần lớn người Hưng nguyên, anh ta mê mệt một cô gái trong đoàn dân công đó và đêm nào cũng mò sang tán tỉnh nàng. anh hát cho họ nghe và chị em rất cảm động, anh không được đẹp "chai" lắm nên chừng đó vẫn chưa đủ cho cô gái xiêu lòng.
Anh chàng đã cố gắng rất lớn mà kết quả không được khả quan lắm, mặc dù anh cũng là người khá tài hoa. Nàng cũng khá xinh, (dĩ nhiên theo tiêu chuẩn thời đó) bởi vậy có quyền kiêu kì một chút, anh thường tâm sự với tôi chi tiết cuộc tấn công không có tiếng nổ đó, và cũng như khi vượt hàng rào thép gai gặp vật cản khó khắc phục, anh cũng bi quan, chán nản và định rút lui. Những lúc như vậy, vai trò thầy dùi của tôi hết sức quan trọng. Tôi thường phải động viên an ủi và khuyến khích anh tiếp tục, đừng chán nản là hỏng việc, điều đó làm anh chàng này phấn khích trở lại nhưng có kèm theo điều kiện là tôi phải giúp hắn. Ối trời ơi! làm phúc phải tội, tự nhiên rước vạ vào thân. Nhưng đã giúp thì giúp cho trót. Từ đó trở đi, hễ cứ chiều đến là tôi phải vác cái bụng đau theo anh, khập khiễng vượt đá tai mèo đi "dân vận".
Nói thật, có thêm tôi làm bình phong cho anh cũng không có tác dụng mấy, có khi còn bất lợi vì người phụ nữ thường hay so sánh, có thêm đối tác là thêm khó khăn, cô nàng lại tưởng có thêm tôi vào danh sách người hâm mộ, và cách hành xử của nàng nhiều khi làm tôi lúng túng, vì vậy tôi khuyên anh thay đổi phương pháp tác chiến, sau nhiều ngày suy nghĩ anh gặp tôi bảo: tao nghĩ ra cách khác rồi. Cách gì vậy, nói đi tôi góp ý cho, hắn bảo : làm thơ, làm thơ tặng nàng, con gái thích tặng thơ, lãng mạn lắm!. Tôi bảo thế hả! ừ đúng đấy. Anh biết làm thơ thì tốt quá còn gì, con gái chúa là thích anh nào làm thơ lãng mạn đấy nhé. Là tôi a dua theo vậy thôi, đã biết quái gì về tâm lý đàn bà con gái đâu, hắn liền bảo, nói như mày thì còn nói làm gì, tao có biết làm thơ đâu, thế mới là vấn đề chứ, à thế mày có biết làm thơ không?
Thơ hả? là điều tôi sợ nhất đấy! tôi vội vàng chối đây đẩy, đụng đến vấn đề thơ ca hò vè là mệt lắm, tôi chối trước đi cho lành, hắn liền bảo, mày dân Hà nội, thế nào mày cũng biết làm thơ, hê hê, hắn làm như dân Hà nội sinh ra là thành bác Nguyễn Du rồi ấy, mà bác Nguyễn Du cũng không biết làm thơ tán gái, nhất là thơ tán gái hộ nữa thì càng bó tay. Anh quyết không đầu hàng, cố gắng kỳ kèo thêm, mày làm cho tao một bài thơ thôi cũng được, tao tặng nàng cho oai, sau này về đơn vị, khi nào mày về trạm xá nằm tao sẽ ưu tiên nấu riêng món ngon cho mày ăn, đồng ý chưa? Nói đến cái ăn là tôi khoái nhất rồi, ăn ngon chẳng ai chê, anh ta đưa ra cái điều trao đổi hấp dẫn quá nên tôi đành phải xiêu lòng, nhưng vẫn còn làm cao bảo, được rồi, để tôi thử xem sao, ông tưởng làm thơ mà dễ à, làm thơ là phải có hứng, có ông ngắm nhìn cảnh đẹp mà xuất khẩu thành thơ, có ông nổi hùng tâm tráng khí mà vung bút cũng thành thơ, có ông trằn trọc năm canh chỉ vì một bóng hồng ngoài khe cửa mà cũng có thơ, làm thơ tặng người tình thì phải yêu người ta lắm mới nặn ra thơ được, đây tôi có yêu đâu mà có thơ hay được, hay là tôi yêu thử lấy hứng làm thơ cho ông nhé! Cha nội sợ quá bèn bảo, thôi đi mày, đừng đùa nữa, cứ cố đi rồi tao rán thêm mấy quả trứng cho mà ăn. Được lời như cởi tấm lòng, tối đó tôi trằn trọc trên chiếc giường bệnh viện, thử đặt mình vào tâm trạng của hắn, đưa vào ngữ cảnh bom đạn chiến trường, có tý lãng mạn sách báo rồi bịa thêm tý gì đó cũng được một bài văn vần, không dám nói là thơ vì sợ các nhà thơ đích thực chê mình học đòi, hôm sau chép ra tờ giấy đưa cho hắn.
Cũng như vùng Tây Bắc Việt Nam, núi rừng Lào cứ mỗi độ xuân về lại ngập trong sắc trắng hoa ban. Những cánh rừng xanh biếc trong lãng bãng mây chiều có một vẻ đẹp khó tả, lúc đó cảnh vật như một cô gái đang tuổi xuân thì hừng hực sức sống, man dại, hoang dã và khiêu khích nhưng lại thật trong trắng thơ ngây. Bỗng dưng nổi cơn hứng chí đột xuất, tôi viết bài tạm gọi là thơ này để tặng chung cho những người con gái Việt Nam đã dũng cảm lên đường ra tiền tuyến, tôi ví họ như những đoá hoa ban trinh trắng, tinh khiết, những đoá hoa vẫn kiên cường nở giữa những trận mưa bê năm hai, hình ảnh bông hoa ban trắng tinh vừa nở bên cạnh một hố bom vẫn còn khét lẹt mùi thuốc súng được tôi ví với họ, và khi đọc xong tôi gật gù tự công nhận rằng thực ra bài thơ không hay lắm nhưng khi phân tích thì thấy cũng có chút ý nghĩa và cũng hơi lãng mạn, cũng phù hợp với việc đưa tặng cho cô gái, nịnh một chút, biết đâu anh chàng sẽ thành công!!!
Bài thơ viết trong tình huống ấy, đã lâu quá nên chỉ còn nhớ lõm bõm hay nói đúng hơn là quên tịt, những năm tháng gần đây, qua một người bạn thân vừa có dịp gặp lại anh này, tôi nhận được một lá thư của anh, trong đó bài thơ đã được anh nhắc lại một cách trân trọng, tôi chợt cảm thấy phổng mũi đôi chút vì ít ra, bài thơ đã giúp anh được điều gì đó và hẳn cũng đã để lại những kỷ niệm thật sâu sắc trong lòng anh nên người lính đó vẫn đọc vanh vách bài thơ mặc dù hơn bốn mươi năm đã trôi qua.



Mầu trắng hoa ban
Ở đất này lạ lắm,em biết không?
Giữa đất đỏ hố bom, khói lửa khét nồng.
Vẫn có đấy, trong hoang tàn xơ xác,
Khi con én gọi xuân về, hoa ban đơm bông!

Hoa ban trắng, tình hoa sáng trong.
Lính nâng niu , cài hoa trên vành mũ
Nhành hoa rung rinh như một lời nhắn nhủ
Trong thắm biếc núi rừng có mầu trắng hoa ban

Muôn dặm hành quân, hoa nở rực chiều vàng
Mùa xuân đến nên nhiều hoa cũng phải
Ôi diệu kỳ là sắc hoa anh muốn hái
Mầu trắng ban rừng, nở giữa đạn bom!

Mưa gió phũ phàng vẫn trong trắng sắt son!

Bài viết được trao tận tay cho khổ chủ, tuy rằng là do tôi viết nhưng nó là biểu hiện tấm lòng của người con trai đó với người mình yêu. Kết quả cuộc tình đó đến đâu thì tôi không biết nhưng sau đó gặp nhau ở đơn vị thấy anh có vẻ phấn khởi lắm, từ đó mà tôi đoán rằng có lẽ, họ đã đạt được một mức độ tình cảm nào đó, tuy không thể đi đến hôn nhân nhưng hẳn đã để lại trong long họ những ký ức khó phai mờ, đánh dấu một thời trai trẻ hào hùng nhưng thật lãng mạn cho cả hai người, chàng trai và cô gái, họ đã đi qua chiến tranh với những tình cảm đẹp dành cho nhau, ít nhất là như vậy.
Quên chưa nói là phần tôi, sau lần nằm viện về, đơn vị lại hành quân vào trận đánh mới, mỗi người một hướng và chưa bao giờ tôi nhận được phần trả công của mình, tôi vẫn mài răng chờ có dịp gặp lại để đòi nợ. Thế nào cũng có lúc, các bạn có đồng ý không?

Và đây là một loại hoa ban khác nữa, chắc chắn là đẹp hơn các loại khác





Cái này trông nó khôn khôn hơn .



Thứ Bảy, tháng 5 15, 2010

Xúc tiến thương mại

Tối qua giao ban Vườn Treo, nói hôm nay có chuyến lên Sơn Tây, làm "cò" thì KV sửa lại là "xúc tiến thương mại". Chả là có mấy anh bạn chuẩn bị triển khai công trường trên đó, mà SH nhà mình đang cần tìm khách hàng như vậy. Thế là hẹn lên gặp nhau vào bữa trưa.
Không chủ ý nhưng đúng ngày SH rủ rất nhiều bạn lên dịp này, gặp mấy bạn k8 như Châu, Tr.Bình, Vinh, cả Ban LL k4 V.Hùng, Thái tọ đồng hành với GM. k4 sở tại có Thầy Thuốc (chữa bệnh cho) Nhân Dân đương nhiên những dịp này là có.
Cuộc làm quen nhanh chóng, vì SH có việc, cũng không thể làm gì nhiều. Sau này họ sẽ làm chi tiết với nhau. Chúc cho thương mại tiến triển, chắc sẽ có chút tiền cò?
Ảnh do một anh bạn trong nhóm chúng tôi chụp

Thứ Sáu, tháng 5 14, 2010

Đừng... sốc

Lần trước giao ban xong có ai đó thông báo "băng đầu trọc" tăng trưởng và khuyên mọi người đừng nhầm.
Giờ tôi đưa ảnh (mới được một nặc danh gửi cho) với lời khuyên "đừng sốc".
Cười vì cái bát chăng? "Trông zậy mà hổng phải zậy".

Thứ Tư, tháng 5 12, 2010

Bạn tôi (B1), một lính Trỗi


(Đôi nét về một kẻ có các sự kiện "hổng giống ai").

Tuổi thanh niên sôi nổi.
Cuối năm 1973 đầu 1974, trường đại học Kĩ thuật quân sự điều lớp “Kĩ sư Công trình quân sự” của gã vào Trường sơn, trước là đi thực tập, sau là mang kiến thức “sạch” vào góp phần củng cố đường Trường sơn. Bom đạn và sự hi sinh gian khổ trong những tháng ở Trường sơn (có lẽ) đã có tác dụng với gã khi gã (sau này) ở vào các vị trí béo bở có thể “ăn chia”.

Quy trình lên chức.
Xưa kia gã là anh cán bộ be bé của một công ty Cầu Đường quốc doanh. Một tối, trên cung đường “của” gã, có kẻ chạy xe máy bị tai nạn thảm khốc khi vào khúc cua. Cơ quan điều tra kết luận “bảng báo hiệu bị che khuất tại khúc cua là lí do dẫn tới tai nạn”. Với tư cách là người lắp đặt bảng báo hiệu, gã bị hầu Tòa. Trong phiên Tòa, Tòa gợi ý “theo phân công nội bộ thì ai là người chịu trách nhiệm chủ trì thi công?” – ý muốn giúp gã, tội nhân duy nhất, tìm ra kẻ khả dĩ chia sẻ ... phần tội. Gã trả lời “tôi làm, tôi chịu”. Thế là Tòa xử gã 12 tháng tù. Do tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lại chưa có tiền án, tiền sự, nên Tòa cho hưởng án treo. Lãnh đạo công ty gã và lãnh đạo trên nữa lau mồ hôi trán: “Thằng này ngon, dám chơi dám chịu”.
Mãn hạn tù, lãnh đạo lật đật trao quyết định cho gã: Gã trở thành giám đốc công ty nói trên, với nhiệm kì không hữu hạn.

Chịu nợ thay.
Trong thời gian “đằng đẵng” ở ghế giám đốc, công ty gã đã ăn nên làm ra. Các cung đường mà gã thi công đều đạt yêu cầu, đặc biệt là không bị bá tánh phàn nàn chi cả. Phải nói, trong một xã hội lấy ăn chia, tham nhũng làm mục đích thì được như gã là tốt rồi.
Có một bạn Trỗi – từ thượng du mới được đổi về xuôi làm giám đốc một xí nghiệp cơ khí nát như tương bần – đang bị thiếu vốn trầm trọng mà không thể nào vay Ngân hàng được (lí do xin nêu ở “tập khác”), gã bèn dùng uy tín của công ty gã đi vay tiền và rót sang xí nghiệp anh bạn, không ăn lời một xu. Chỉ khổ cho gã là năm nào gã cũng phải giả ngọng giải trình về số tiền này. Sau mấy năm trời, bằng số vốn vay cộng với sự kiên nhẫn, sáng tạo, xí nghiệp anh bạn đã “thoát nghèo” và hoàn trả cho bên gã toàn bộ số vay. Cả hai lính Trỗi đều sướng vì cùng thoát cảnh con nợ.

Nhường ghế.
Gần đây, công ty gã chuyển qua “tư nhân hóa”. Giới chủ mới mời gã tiếp tục làm giám đốc. Gã phát biểu: “… khởi đầu của sự thay đổi “thể chế chính trị” thì nên có một giám đốc theo đuổi cho tới hết nhiệm kì. Năm nay tui 58 tuổi, 2 năm nữa tính nghỉ hưu. Nếu tui làm thì 2 năm sau sẽ phải thay … lãnh đạo giữa dòng. Thôi, cho tui nghỉ hưu trước 2 năm cho khỏe”. Cuối cùng công ty đồng ý chạy thủ tục nghỉ hưu sớm cho gã. Nghe nói anh chị em công ty chia tay với gã lâm ly lắm.

Dự án tương lai.
Hiện gã đang làm công tác đuổi gà cho vợ kiêm “chủ tịch danh dự câu lạc bộ nhậu” của công ty nói trên. Gã nói với tụi tôi rằng, gã đang, từng bước, triển khai dự án về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (cho bản thân gã). Cuộc đời của gã vẫn đương ở phía trước.

Hình: K4 hành quân "xẻ dọc Trường sơn" (ở Quế lâm) vào khoảng cuối 1967.

Thứ Hai, tháng 5 10, 2010

ĐẦU VÀ CUỐI

24/4/2010 là một ngày trọng đại. Đồng bằng sông Cửu Long cùng lúc khánh thành hai cây cầu lớn. Giờ này anh Ba đang cắt băng cầu Cần Thơ, cũng là lúc một nhóm Trỗi- Bé có mặt tại phà Hàm Luông ( Bến Tre). Và đây một vài hình ảnh.


2 giờ nữa bến bắc HL
này sẽ ngừng hoạt động








Cầu Hàm Luông,
bầu trời đẹp quá.







Anh giai bên chiếc
bắc rỗng cuối cùng







Những chiếc bắc
cuối cùng này
sẽ đi vào dĩ vãng







Những vị khách
đầu tiên






Và tai nạn GT
đầu tiên







Khi về, bạn sẽ đi qua
Cầu Rạch Miễu nồi
liền Bến Tre
với Tiền Giang