Chủ Nhật, tháng 5 31, 2009

Ngày Thiếu nhi Quốc tế

Lịch sử ngày Thiếu nhi Quốc tế 1/6 được ghi nhận như sau :

“Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, bọn phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít.

Tháng 12/1949, Liên hiệp Hội phụ nữ Á Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đề nghị và được Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới chọn ngày 1/6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi.”

Và từ đó hầu hết (ko phải tất cả) các nước XHCN cũ, các nước từng có xu hướng thân XHCN như Campuchia, Mozambic, Angola, Tanzania … và một số nước như Mỹ, Bồ Đào Nha … đã lấy ngày 1/6 là ngày lễ cho Thiếu nhi.

Nhưng còn có ngày Thiếu nhi Thế giới (Universal Children's Day) 20/9 là ngày mà vào năm 1954, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất việc cần thiết phải có một công cụ bảo vệ quyền lợi cho toàn bộ trẻ em trên TG. Đây là tiền đề cho Công ước bảo vệ trẻ em sau này ra đời. Tây Đức đã lấy ngày này là ngày lễ Thiếu nhi. Nhưng từ khi thống nhất 2 nước Đức, do Đông Đức vốn có ngày 1/6, nên trẻ em nước Đức ngày nay có 2 ngày ngày lễ 1/6 và 20/9.

Ngày 20/11/1959, Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước bảo vệ trẻ em, nên LHQ lại lấy ngày này là ngày lễ cho thiếu nhi và cũng gọi là ngày Thiếu nhi Thế giới. Một số nước như Pakistan, Banglades, Canada … đã lấy ngày này.

Ngoài ra có rất nhiều nước đã lấy ngày lễ cho Thiếu nhi dựa vào các lễ truyền thống vốn có của mình, như Nhật đã “biến” ngày 5/5 vốn là Ngày lễ cho những người trẻ tuổi (Tango no sekku) thành ngày lễ chúc Hạnh phúc và Sức khỏe cho Trẻ em. Nước mình cũng có ngày rằm tháng 8 âm lịch vậy đó, nhưng nó không bị “biến” như ở Nhật. Có một số nước cũng “biến” như Ấn Độ : ngày 14/11, ngày sinh nhật thánh Neru - Thái Lan : Thứ 7 thứ 2 của Tháng 1 – Argentina, Chile : Chủ nhật thứ 2 của tháng 8 …và Hungari tuy vốn là nước XHCN lại là ngày CN cuối cùng của tháng 5.

Nói tóm lại, nước nào cũng có ngày lễ cho Thiếu nhi, nhưng Quốc tế hay Thế giới hay Quốc gia thì còn tùy vào mỗi quan điểm và nhiều khi cũng chẳng rõ lý do. Như Mexico là 30/4 – Thổ Nhĩ Kỳ : 23/4 – Braxin : 12/10 …Bắc Triều Tiên : 5/5

Chúc mừng ngày Thiếu nhi Quốc tế!

Đêm biểu diễn của NSƯT Dương Minh Đức

Mời các bạn xem Phần 1 của đêm biểu diễn bên Bantroik5! Còn Phần 2 muốn gửi gắm bên Bantroik4.

Chương trình đâu đã kết! Các trò vẫn hát vang bài "Người thầy" để tri ân thầy giáo DMĐ đã tận tuỵ hết mình vì đàn em thân yêu.





Trong tiệc buffet, anh em trường Quân sự quây quần bên thầy Trịnh Nguyên Huân (thứ 2 từ trái sang), tác giả "Trong trái tim ta có Bác" - bài mà DMĐ đoạt tấm huy chương vàng đầu tiên năm 1974 trong Hội diễn toàn quân. Người thầy, nay là cán bộ trong Văn phòng Đại tướng, xúc động phát biểu: "Có lẽ vì bài này của tôi mà số phận đã đưa học sinh của tôi chuyển sang nghề hát và chúng ta đã có 1 NSƯT DMĐ với giọng hát hay như thế!". Hơn thế nữa, tôi rất vui vì đại tá Hy Văn Quyết, 1 cán bộ của trường (đứng bìa trái), đã thể hiện tại chỗ bài này.






Thầy Đức cảm ơn cánh quân nhạc đã phục vụ mở đầu tuyệt vời với ca khúc "Người chiến sĩ ấy".






Có gì tự hào hơn người thầy! Thầy, trò các thế hệ sát cánh bên nhau.






Casim Hoàng Vũ cùng mẹ bên người thầy thân yêu! (Chú Thứ trưởng Trần Chiến Thắng-bạn cùng khóa 3 với thầy Đức-cũng có mặt).






"Người yêu ơi, rồi mai này cách xa. Mãi mãi diệu kì là tình yêu chúng ta. Và ta biết 1 điều thật giản dị. Càng xa em ta càng thấy yêu em!". Đêm nay, cô Yến (vợ DMĐ) tràn trề hạnh phúc! (Suốt buổi biểu diễn cứ thấy Yến chấm nước mắt).






"Mãi mãi lòng chúng ta ca bài ca người lính..."








Thứ Sáu, tháng 5 29, 2009

Giao ban mừng... ảnh

Như nói trước, hôm nay giao ban mừng anh ĐC sau 34 năm lại được lên báo QĐND (KQ chỉ lối).
Tình cờ, ý trời, anh em hội tụ thật đông vui để chúc mừng ĐC nhân chuyện này, cộng thêm sinh nhật cậu 1/6.
Thường vụ giao ban không kể, còn có PH về hôm qua, gia đình QT vừa từ Thanh Hóa về, TN ra làm việc,...
Phục nhất là TN nhanh trí sang hội các cháu bên cạnh mượn... hoa sinh nhật của người ta để tặng bạn các kiểu.




Ảnh đẹp trong ngày

Nghe Dũng Zốt k8 báo tin: Báo QĐND hôm nay 29/5/09 có mục "Hiện vật biết nói" trên trang 2 in ảnh về bạn ta Lê Đại Cương đang ngắm bắn tên lửa vác vai A-72. (Tư liệu ở phòng truyền thống Binh đòan Hương Giang).

Mời bạn cùng xem!

Thứ Năm, tháng 5 28, 2009

Giới thiệu địa hình các nơi k4 từng ở ở Mỹ Yên

Hì hục làm một cái video clip nhỏ về địa hình các nơi k4 từng ở ở Mỹ Yên, Đại Từ. Làm xong không đăng lên đây được, vì google không nhận phim dạng .swf (Macromedia Flash). Ai muốn thì thông báo địa chỉ mail tôi gửi cho dạng .exe để xem luôn khỏi cần trình duyệt. Xem tốt bằng Windows.
Địa hình/vị trí Suối Chì, Trại Cau, Gốc Đa, Bom Bom, Đồng Cháy và trung tâm xã hiện tại.
Anh em các k khác xem xong mà muốn đánh dấu vị trí của mình từng ở thì làm sao cho biết, tôi sẽ thêm vào.

Thứ Tư, tháng 5 27, 2009

Trại Hòe: trẩu và cánh cam

Không may mắn lắm là "được" lên trại khá sớm, trước ngày khai trường nên rơi vào số ít ỏi đầu tiên của K4. Khi đó trường còn nhỏ, thiếu chỗ nằm nên mình phải nằm chung với Quang Thắng. Rất may là thằng này ngoan, không hay ... bắt nạt bạn mới. Còn mình thì không phải lần đầu xa nhà. Nhưng vẫn là lần đầu lớn mà xa nhà nên nhớ mẹ lắm. Đêm nằm cứ tranh thủ ... khóc thầm. Nước mắt nước mũi chùi hết vào màn Quang Thắng. Không rõ nó không biết hay cố tình lờ đi mà sáng sáng gấp màn chẳng thấy nói gì. Nhưng có lẽ cả năm nó cũng chẳng giặt màn. Nói quá vậy thôi chứ hình như Quang Thắng không ở lâu với bọn mình. Nó bị đau gì đó ở đầu nên sau này gia đình đưa về Hà Nội sớm thì phải. Có lẽ chỉ một học kỳ lớp 7.
Mình nhớ Trại Hòe nhiều trẩu. Cuối thu có rất nhiều cánh cam trên những cây trẩu. Chúng bay vào nhà buổi tối. Có thằng bắt lấy. Mà thật ra thì dễ bắt lắm. Sau đó bẻ hai chân (tụi trẻ vẫn rất tự nhiên tiêu diệt các loài nhỏ bé hơn như vậy). Lây hai que tăm đút vào chỗ bẻ, cắm xuống miếng bẹ chuối thật chắc. Quay vòng tròn cái bẹ chuối cùng con cánh cam nó sẽ thừa cơ vỗ cánh rất mạnh. Chỉ cần thả xuống hồ nước ngoài cổng là có một chiếc thuyền máy chay vút sang tận bờ bên kia.
Mình chỉ hay đi theo xem. Bây giờ chẳng nhớ thằng nào hay chơi trò này nữa. Không hiểu bây giờ mà gặp thàng con bẩn thỉu, nghịch dại như mình ngày đó thì ta sẽ nghĩ sao nhỉ. Với tư cách "người lớn" mình lại thấy tụi trẻ con thật thiệt thòi khi được chúng ta quan tâm kỹ quá. Mỗi thời một khác, nhưng những gì của tuổi thơ thật đẹp và đẹp mãi.

Thứ Hai, tháng 5 25, 2009

Đào kinh

Mấy hôm nay "chợ" mình vắng quá. Vậy kể lại chuyện cũ AE xem chơi cho "xôm tụ" lên 1 chút.

Mùa khô năm 1978. Như mọi nơi, xí nghiệp tôi cũng “Tăng gia sản xuất” trồng lúa, trồng khoai mỳ. Thợ thầy của Xí nghiệp thay phiên nhau xuống Cái Bè, Mỹ Tho – nơi Xí nghiệp đã kiếm được mấy hécta để trồng lúa! Tôi cũng có cái “vinh dự” được tham gia trong giai đoạn đầu : Giai đoạn đào kinh tưới nước.

Lần đó, Cán bộ tổ chức dắt tụi tôi xuống Cái Bè, rời lộ, lên “tắc ráng” (một loại xuồng máy dài có công dụng như xe buýt trên kinh rạch và có lẽ mỗi khi máy bị tắt thì cũng … ráng thêm được một chút bằng cách chèo chống nên có tên đó chăng?) đi sâu vào ruộng tới gần 1 tiếng đồng hồ, nơi mà sẽ là ruộng của chúng tôi, nơi mà hồi chiến tranh là khu “oanh kích tự do”, không của ta cũng chẳng của địch, nơi mà - sau này tụi tôi đã xác định được là cách con lộ (1A) từ Trung Lương đi bắc Mỹ Thuận đúng 92 cây cầu khỉ!

Cán bộ chỉ chỏ nơi này nơi kia, phải đào con kinh từ đây tới đây rồi lập tức rút về Sài Gòn sau khi giao lại ít tiền và mớ thuốc đau bụng nhức đầu. Thằng Tôi, có lẽ vì là Đoàn viên (XN chỉ có 7 thằng Đoàn viên, ít hơn Đảng viên – gần hai chục thằng), vì là cán bộ miền Bắc vô (lúc chia nhu yếu phẩm cho CB thì chẳng thấy tên mình đâu) và có lẽ quan trọng nhất vì là Kỹ sư ô tô thì trình độ hiểu biết … đào kinh tốt nhất chăng (?) nên đã được cử làm chỉ huy trưởng “nông trường” kiêm y tá quản lý túi thuốc!

“Lính” của tôi được giao là khoảng hai chục thợ máy, thợ hàn, thợ điện …, nhưng đặc biệt toàn là các cựu chiến binh quân đội Sài Gòn. Đủ cả, từ Biệt kích, Biệt động, lính Dù, Thám báo … cho tới Cảnh sát dã chiến, bộ binh, lính thủy và còn có cả 1 em “lính kiểng” (con nhà giàu đóng tiền chưa ở lính ngày ngày nào) để cho đủ bộ! Được cái, tất cả đều là lính thực sự, cao nhất chỉ mới từng mang “lon” trung sĩ và thấp nhất là tôi – cựu “Binh Ba” TSQ Việt Cộng!

Thật là một đám “hổ lốn”. Đã thế, vì đi lao động ở “vùng sâu, vùng xa”, không có cán bộ thì có quần áo nào tốt bằng quần áo lính. Thế là đứa nào cũng “diện” bộ đồ trận sắc lính của mình. Chẳng thiếu thứ gì - rằn ri, loang lổ, mũ đỏ, mũ xanh … và cộng thêm bộ lính Việt Công với nón tai bèo của thằng Tôi nữa chớ.

Nhìn đám lính bặm trợn này tôi cũng thấy ớn. Ớn không phải vì tụi nó là ngụy vì tôi cũng đã quen, làm việc và đi chơi với tụi nó suốt 2 năm trời rồi (toàn thợ trong XN cả mà). Ớn là vì sợ tụi nó không biết lao động - lính ngụy chỉ biết ăn chơi và đánh nhau thôi mà (báo chí vẫn thường nói vậy).

Thôi thì tới đâu hay tới đó. Tôi đo khoảng kinh phải đào, tính toán chia đều cho số quân (trừ một đứa được giao nhiệm vụ đi chợ nấu cơm) thì trung bình nếu cứ mỗi đứa, mỗi ngày đào 1 mét tới là hoàn thành trong vòng 2 tuần (chớ không phải 20 ngày như yêu cầu). Rồi, anh em giúp nhau ráng được vậy thì mình về Sài Gòn sớm khỏi phải ngủ bờ ngủ bụi.

Mà đúng là ngủ bờ ngủ bụi thiệt luôn. Làm gì đã có nhà cửa., chỉ có mấy miếng ván dựng lên thành cái lều để cất ba lô, thực phẩm … và tránh nắng sau khi ăn trưa. Tối đến, tụi tôi trải chiếu, trải tăng trên bờ kinh, giăng mùng lên mấy gốc mỳ, chung vô (để tránh muỗi) đờn hát chút đỉnh là lăn ra ngủ hết (may là mùa khô, nếu không thì “chết” hết!). Chủ nhật, nghỉ 1 ngày, tụi tôi lội bộ qua 92 cái cầu khỉ ra tới lộ để được uống một miếng nước có đá và được nghe cái thứ nhạc không phải do miệng mình hát ra! Rồi lại 92 cái cầu khỉ trở vô, giành sức cho ngày hôm sau.

Tôi thiệt là lo lắng : không biết tụi nó có chịu khổ được không, bỏ bừa ra đó rồi lại trốn về Sài Gòn thì mình chẳng biết phải xử lý thế nào?!

Nhưng mọi chuyện hoàn toàn không như tôi tưởng tượng. Lính là lính, dù của chế độ nào, quân đội nào thì lính cũng là thằng chịu khổ nhất và biết lao động nhất. Với cái mục tiêu “về Sài Gòn sớm!”, mấy thằng tôi ra sức đào bới, chưa hoàn thành chỉ tiêu trong ngày thì dứt khóat không nghỉ, dù phải đào đêm (nhưng thực ra thì chưa phải làm đêm hôm nào!). Mấy thằng cựu Biệt kích, Thám báo, Dù lại chính là mấy lao động chính. Thằng em “lính kiểng” là tệ nhất, nhưng cũng ráng làm và rất tích cực trà, thuốc cho toàn đội. May mà tôi đã được trường Trỗi huấn luyện tương đối kỹ nên cũng không thua kém tụi nó, chớ nếu không thì “quê” chết!

Cách chỗ tụi tôi đào kinh khoảng 1 cây số có cái xóm nhỏ chừng 3 nóc nhà. Trong đó có nhà một ông già nấu rượu. Cứ vài tối một lần tụi tôi lại ra nhà ổng lai rai. Rượu thiệt, thơm phức. Ổng khoái tụi nhỏ Sài Gòn về sai con gái làm mấy con chuột đồng cho nhậu miễn phí. Ổng ngồi cùng tụi tôi đờn ca vui vẻ rất thân tình. Thân tới mức sau này ổng nhận một thằng trong tụi làm con rể (thằng đó sau nghỉ việc về ở nhà ổng luôn!).

Rồi đúng 2 tuần, tụi tôi hoàn thành kế hoạch. Cả bọn lội bộ ra lộ, đón xe đò giông thẳng một hơi về Sài Gòn. Tất cả tụi nó đều ở nhà líp ga tới hết hạn 20 ngày mới vô làm việc. Riêng tôi, ngay ngày hôm sau đã vô để báo cho XN biết không phải đưa xe lên đón nữa.

Nhưng đúng là “không cái ngu nào giống cái ngu nào”. Tôi vừa thò mặt vô là bị kêu ngay lên phòng Tổ chức. Các Cán bộ “giũa” cho một tăng. Nào là tại sao về sớm – Nếu làm xong thì làm tiếp “vượt mức kế hoạch” – Nào là không có ý chí tiến công CM, làm và nói theo tụi ngụy – Nào là … đủ các thứ từ ngữ vẫn thường có trong các bài xã luận, chẳng thiếu từ nào! Rồi kết luận sẽ có một quyết định kỷ luật cho tất cả mấy đứa. Tôi không chịu. Nhưng chịu hay ko đâu phải ở tôi!

Vậy mà “trời có mắt”. Sau tụi tôi, XN cử một đội tiếp theo xuống đào kinh. Lần này đội là hơn 50 em là học nghề, hầu hết là con em các chú, bác công nhân trong xưởng (toàn là con em giai cấp mình cả). Một CB phó phòng Hành chánh XN, nguyên là thiếu úy Việt Cộng cùng đ/c Bí thư Chi đoàn trực tiếp chỉ huy. XN lấy mức của tụi tôi đã làm (một ngày / một mét tới) khoán cho tụi nó làm 1 tháng!

Chẳng hiểu tụi nó làm thế nào, nhưng cũng chỉ 2 tuần là đều có mặt ở Sài Gòn cả rồi (tất nhiên là cũng không vô XN). Thì ra dân ở dưới đó biết có XN về đào kinh đã tới “làm quen”. Và thế là tụi học nghề bỏ tiền ra thuê dân chuyên nghiệp đào chỉ trong mấy ngày là xong hết mà còn ngon hơn, đẹp hơn đoạn kinh của tụi tôi trước đó nữa. Rồi sau 1 đêm thức dậy, chỉ còn 2 lãnh đạo nhìn nhau, ngậm ngùi ngồi đợi xe XN lên mà không dám về. May mà sau vài ngày XN biết chuyện cho đón tụi nó về chớ nếu không trong 2 thằng đó, chẳng biết có thằng nào trở thành rể ông già nấu rượu không?

Và cũng do vậy, XN bỏ qua, không nhắc tới vụ kỷ luật tụi tôi nữa. Vì không lẽ kỷ luật cả hơn 50 thằng con em giai cấp mình cùng 2 đ/c Cán bộ? Thôi thì huề!

Sau này XN tôi đã trồng lúa trên mấy hécta đó và thu hoạch (nghe nói) được tới … gần chục kí thóc! Chẳng biết đã gieo bao nhiêu kí giống?

"Mặt trận" môi trường?

Phía Đông thì bị tranh giành chủ quyền biển đảo, phía Tây thì bị "mua đất" Tây Nguyên, tài nguyên môi trường thì bị "rút ruột". Xem ra thế kỷ 21 khó sống nhỉ.

Thứ Sáu, tháng 5 22, 2009

NHỚ và CHÀO K4

Chào Hữu Thành .Chỉ vài ngày nữa thôi các anh em k4 và
bạn bè ta có một cuộc ( Sau 40 năm gặp lại) .Ở bên này có
lẽ không riêng gì tôi ,mà tấ cả những con người được coi là
" Tha hương " đều mang một nỗi niềm : NHỚ .
Vâng đúng là NHỚ mà nếu ai chưa một lần đi xa quê hương
thì không làm sao mà giải thích được ngay cho cả lòng mìng
nỗi nhớ như.....Điên ấy.
" Lúc ta ở , chỉ là nơi đất ở /Khi ta đi đất bỗng hóa tâmhồn"
NHỚ các anh em NHỚ các bạn nên làm bài thơ tặng K4

Qua " Bạn Trỗi" gửi lời chào K4
Biển Mỹ Khê tụ tập bạn bốn phương
Mà xốn xang như ngày mới nhập trường
Ôi Đồng cháy, Trại Hòe ,trại Cau An Mỹ
Chỉ năm năm mà trở thành tri kỷ
Chỉ năm năm mà gọi nhau Đồng Chí
Bốn chục năm rồi .Tình vẫn như xưa

Đà Nẵng ơi , ngày ấy nắng hay mưa?
Mà sông Hàn đêm lung linh ánh điện
Phượng đỏ, tháng năm ve râm ran phố biển
Sóng bạc đầu trẻ mãi tuổi đôi mươi.

Nước mắt ai lăn trên những nụ cười
Lại mày tao như thời thơ bé
Kể nhau nghe cả một thời trai trẻ
Vất vả , nhọc nhằn sớm tối nắng mưa.

Ước gì cho đến ngày xưa
Để thời ấy lại đón đưa ta về
Hiệp Hòa ,Phố Thắng trại Hòe
Đại từ An Mỹ suối chì Bom Bom.
Ước gì ngày ấy mãi còn...
Ước gì ta vẫn bé con dại khờ.


Berlin2.5.009

Thứ Năm, tháng 5 21, 2009

BAN LIÊN LẠC K4 HN THÔNG BÁO

Để kỷ niệm 40 năm ngày ra trường và nhập ngũ, k4 ba miền và miền ngoaị(nếu có thể) sẻ họp mặt tại Đà Nẵng ngày 27,28/6/09 như đã thống nhất với BLL 3 miền. BLL HN thông báo để ACE k4 các khóa từ k1 đến k9 phía Bắc thu xếp thời gian, công việc tham gia ngày kỷ niệm đáng nhớ một thời chúng Ta cùng sống chung với nhau dưới một mái trường, đễ rồi ra đi, trở về và hôm nay gặp nhau.

Chương trình:

1,Họp mặt:
_15h thứ 7 ngày 27/6/09 họp mặt và liên hoan
_Chủ nhật ngày 28/6/09 thăm quê anh Trỗi ,đi thăm quan danh lam, thắng cảnh Quảng Nam, Đà Nẳng.Tối tập trung liên hoan và nói lời chia tay

2,Về phương tiện:
_ACE K4,và các khóa từ 1 đến 9 phía Bắc có thể sử dụng phương tiện Ô tô, Tàu hỏa,Máy bay và Phương tiện cá nhân nếu có.

+Tàu hỏa có các chuyến tàu nhanh SE1, SE3, SE5, SE7 chạy các giờ sau: 12h25, 15h45, 19h, 23h có các khoang 4 giường và 6 giường giá vé 1 lượt đi HN-ĐN là 590.000đ/người tàu chạy HN-SG thời gian 29h, 32h, và 34h. Quảng đường HN-ĐN gần bằng 1/2 tuyến HN-SG.

+Ô tô có các loại từ 16 chổ đến 54 chổ ACE có thể tập trung đi xe ô tô thuê cả chuyến. Đi xe ô tô sẻ đi trong 2 ngày,từ HN vào ĐN sẻ thăm một số địa danh,vnghĩa trang Trường Sơn, Đường9, ngã 3 Đồng Lộc và nghỉ lại Quảng Bình hoăc Quảng Trị hoặc lúc ra có thể thăm những nơi mà chưa đi được. Đi thăm quan ở ĐN, HHDũng đã mượn được 2 xe ô tô.

3,Ăn,ở:
_Về ở: HHDũng đã bố trí được phòng nghỉ tại nhà khách cục kỹ thuật quân khu 5 gồm 27 phòng gần bãi biển Mỹ khê rất thuân lợi cho việc tắm và ngắm biển, giá 200.000đ/phòng. Các Bạn đi với gia đinh có nhu cầu sẻ ở khách sạn Mỹ Khê gần đó giá có cao hơn.
_Về ăn:Chủ yêu tập trung ở nhà khách,thưc phẩm sẽ có hải sản tươi và các món ăn hương vị miền Trung, chi phí sẻ tính cùng cả khóa. Đi thăm quan sẻ ăn ở những nơi chúng ta đến.

4,Dự kiến thời gian:
-nếu đi tầu ngày 26/6/09 xuất phát
-nếu đi ô tô ngày 25/6/09 xuất phát

5,Dự kiến chi phí:
_dự kiến chi phí cho mỗi người trong chuyến này là 1.800.000đ đến 2.000.000đ. Để phục vụ cho việc mua vé,thuê phương tiên. BLL k4 đề nghị mỗi thành viên đóng trước 1.000.000đ.

*Trên đây là kế hoạch chung cho cuộc gặp mặt k4 ba miền vào ngày 27 và 28/6/09 tại ĐN. Kế hoạch này cũng đã được TQ thông báo trước đây, nay có cụ thể thêm một vài chi tiết. Vậy BLL k4 HN xin thông báo và chân thành mời ACE k4 cùng gia đình, ACE các khóa từ k1 đến k9 bạn bè khu vực phía Bắc nhiệt tình cùng tham gia cho ngày gặp mặt thêm vui và đầy ý nghĩa. Mọi liên hệ xin gọi đến Đại Cương số máy 0903412961.

*BLL cũng mong nhiều ý kiến đóng góp của ACE trên thông báo này để điều chỉnh chương trình cho phù hợp.
------------------------

Trên đây là thông báo của ĐC trên tinh thần xung phong nhận việc lo cho anh em chứ, theo tôi, không có nghĩa là trách nhiệm của Ban LL. ĐC phát biểu với danh nghĩa Ban LL trên tinh thần khiêm tốn. Bởi thế càng đáng biểu dương và học tập (nếu còn ở Trỗi thế nào cũng được các thầy lấy làm điển hình).

Một việc khác Ban LL phía Bắc quên chưa nhắc. Là việc kỷ niệm 40 năm ở khu vực. Cùng một dịp kỷ niệm nhưng hai cuộc ý nghĩa khác nhau một chút. Toàn quốc có ý nghĩa toàn quốc mà đại diện là các anh em thu xếp đi được trong khi vẫn không quên các anh vắng mặt. Khu vực có ý nghĩa gần gũi, dễ dàng để sao cho anh em tụ họp được đông đảo nhất. Thảo luận với một số anh, thiên về gặp mặt khu vực sau cuộc toàn quốc để có nội dung toàn quốc về báo cáo với anh em, là cái khác với 2 lần gặp thường kỳ vẫn tổ chức. Đề nghị Ban LL lưu ý đến cuộc gặp này.

Mời tham dự buổi biểu diễn "Dương Minh Đức - 60 năm Người chiến sĩ ấy"

Sau thời gian chuẩn bị, chương trình sẽ được công diễn vào tối ngày 30 và 31/5/2009 tại Nhà hát truờng Đại học VHNTQĐ. Ban tổ chức sắp xếp cho lính Trỗi chúng ta tới dự vào tối 31/5.
Vì là giấy mời, ca sĩ và nhà hát do "nhà trồng được" nên không bán vé. Tuy nhiên cũng phải có bồi dưỡng cho nhạc công quân nhạc. Ban tổ chức vận động anh em góp: 50.000đ/người đăng kí.
Mời anh chị em có nhu cầu đăng kí bằng tin nhắn cho Kiến Quốc (0903830939).
Trân trọng!

Thứ Tư, tháng 5 20, 2009

Chuyện mấy sợi dây điện

Thỉnh thoảng đi đường nhìn mấy cái cột điện treo đầy dây trên đó, tôi cứ nhớ lại chuyện mình đã trải qua.

Lần đó, tôi tiếp nhận một khu đất chuẩn bị xây nhà máy mới. Khu đất khang trang, san ủi đàng hoàng, tường rào đẹp đẽ … chỉ bị cái cổng đã lâu không có xe ra vô, nên dây điện ngoài đường “sà” xuống thấp gần tới đất chỉ chừa chỗ vừa đủ cái xe du lịch loại thấp lọt qua (loại xe việt dã 7 chỗ là phải coi chừng rồi, chớ nói chi tới xe tải, xe buýt!).

Tật nhiên nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng mấy sợi dây điện đó lên. A hà, quá đơn giản! Tôi làm ngay công văn gửi sở Điện trình bày lí lẽ, đề nghị nâng sợi dây lên với chi phí nếu có sẽ do tụi tôi trả. Sau khi gởi công văn đi, tôi không quên cử một nhân viên liên tục theo giõi và giải quyết các vấn đề để sớm “giải phóng” cái cổng. Chắc chắn sở Điện cũng chẳng thích thú gì với cái mớ dây điện bùng nhùng thật “xấu mỹ quan đô thị”, có lẽ chỉ vì quá bận rộn và chưa có dự trù kinh phí nên chưa giải quyết mà thôi. Thì đây, công ty tụi tôi sẵn sàng hợp tác giải quyết để 2 bên cùng có lợi. Quá thuận tiện!

Nhưng sự việc không hề đơn giản như vậy. Anh nhân viên của tôi phụ trách việc này, sau nhiều ngày “đeo bám” đã được trả lời : phải xác định mấy cái dây”sà” xuống đất đó thuộc đơn vị nào? Dây điện sinh hoạt, dây đèn đường, điện sản xuất (cho nhà máy kế bên) hay dây điện thoại? Mà điện thoại thì của Bưu điện hay của Quân đội ? (vì kế bên đó cũng có mấy đơn vị bộ đội đóng) Đấy là chưa nói tới dây truyền hình cáp, anh-tẹc-nét … Ôi thì đủ thứ, mới nghe đã thấy ù tai muốn ngất xỉu!

Chẳng lẽ làm công văn mời tất cả mấy cái sở đó tới “nhận diện” dây của mình? Thôi thì ai cần người đó phải làm vậy. Tôi và anh nhân viên ra đứng giữa đường quan sát thực tế hiện trường ….Mẹ, dây nào thấy cũng đúng là dây điện! Sơi to, sợi nhỏ - Dây đôi, dây đơn – Dây có vỏ bọc, dây không có – Dây đen, dây trắng – Lại có cả dây đứt treo tòng teng trên cột nữa … Chẳng có cái dây nào đeo tên của mấy ông chủ quản cả. Chết thật!!! Phải nghĩ cách khác thôi. Vậy chớ, thường thì ai là người làm cái chuyện nâng hạ dây điện? – Nếu là của … thì có đội Sửa chữa chuyên làm. – Vây đội đó …? – Tôi đã liên hệ, nhưng họ nói phải có kế hoạch thì mới làm! – Vậy nếu “ngoài kế hoạch” thì sao nhỉ? Lối thoát đây rồi!

Tụi tôi liên hệ với đội Sửa chữa. Sau 5 phút trao đổi. OK, nhưng ngoài kế hoạch thì phải làm ngoài giờ. – Đồng ý, tụi tôi bồi dưỡng ngoài giờ. …Nhiêu? – Mắc à. Để tụi tôi khảo sát, mai trả lời.

Ngày hôm sau. Cái vụ này chắc phải cỡ … đồng. – Được, nhưng bao giờ làm? Đảm bảo không bị sự cố gì nghe! – Yên chí. Chiều nay sau giờ nha!

Khoảng 5 giờ 30 chiều. Tụi tôi đang ở cổng Nhà máy của anh nè! - Ừ thì làm đi rồi tôi thanh toán. – Không anh mang tiền xuống đây. “Chồng đủ”, tụi tôi làm ngay. - Khó thế? – Lệ nó vậy mà!

Tôi vội cầm tiền chạy xuống. Tới nơi, thấy 1 xe sửa chữa điện chuyên dùng, có thang nâng đàng hoàng, bên hông mang dòng chữ “Đội Sửa chữa điện số … Quận … Công ty Điện …” rất đầy đủ.

Đây, tiền đây. Nhưng làm đi đã. – OK, làm ngay. – Tay Đội trưởng quay qua đám thợ đang đứng láo ngáo, nói : Rồi, làm tụi bây! Tôi giật mình : Ấy, trời đang mưa … có sao không? – Anh yên tâm. Nghề tụi này mà!

Chiếc xe thang chuyên dùng nhanh nhẹn nâng 1 chú em thơ điện trùm trên người cái áo mưa xài 1 lần lên cao. Tới sát đầu cột, nó gọi xuống : Sợi nào? Sợi này hả? Cả sợi này nữa nhé? – Tôi ngập ngừng : Thật ra chỉ 1 sợi này là đủ, nhưng nếu anh giúp cho thì Tay đội trưởng không đợi tôi nói hết, hét lên với thằng em trên đỉnh cột : Làm luôn đi mày! Hỏi chi mà nhiều quá vậy!

Thằng em thợ điện “Dạ!” một cái rồi rút kềm ra … “tách, tách” ba bốn phát gì đó. Cả một đống dây rơi lả tả xuống. – Đủ chưa? – Tuy không rành, nhưng tôi cũng đủ trình độ ra nhận ra có mấy sợi dây điện thoại. Tôi hoảng hồn : Mấy sợi đó … - Không sao. Cắt rồi. Chừng đó đủ chưa? – Lỡ có … - Ủa, cái ông này. Tụi tôi chịu trách nhiệm mà. Có lệnh đàng hoàng chứ bộ! Vừa nói, tay Đội trưởng vừa rút trong túi ra chìa tôi xem “Phiếu Sửa chữa” có chữ ký đóng mộc đỏ chói, rồi nói với lên : Rồi, qua bên cột này làm luôn đi!

Chỉ trong vòng 15 phút, đường vào nhà máy được “khai thông” tới xe chở container đi còn thấy rộng.

Nhận tiền xong - có hóa đơn đàng hoàng (hồi đó chưa có Hóa đơn “đỏ”), tay đội trưởng vội : Cám ơn anh! Rồi quay qua tụi thợ : Đi, nhậu tụi bay! Đám thợ cười toét leo lên xe chuyên dùng chạy mất để lại tôi và mấy tay nhân viên đứng trơ mắt mừng vì công việc đã được giải quyết xong , mà lo vì chẳng biết có “hậu quả” gì không?

Vài bữa sau thấy có cái xe của Bưu điện chở mấy thợ tới nối nối khúc dây bị cắt, nhưng không thèm hỏi han gì cả. Rồi mọi chuyện cũng qua.

Sau đó một vài năm, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi kể chuyện này thì có 1 anh nhân viên nhà ở xéo xéo cổng nhà máy mới nói : Ờ, tôi nhớ rồi. Hèn nào bữa đó nhà tôi mất điện tới mấy ngày mới có lại. Cứ nghĩ là thợ tới “xử lý sự cố”!

Thứ Ba, tháng 5 19, 2009

Tin buồn của gia đình anh Lê Anh Dũng k1

Gia đình anh Lê Anh Dũng - Nguyễn Thị Thái (k1-2) xin báo tin buồn:

Cụ Lê Xuân Phùng, sinh năm 1918, thân sinh anh Lê Anh Dũng (k1), sau thời gian bệnh nặng đã mất hồi 4h25' ngày 18 tháng 5 năm 2009, thọ 91 tuổi.

Cụ Lê Xuân Phùng, Lão thành CM, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, tham gia CM năm 1936, tham gia QĐNDVN năm 1945, nghỉ hưu 1974 với quân hàm Thiếu tá.

Lễ viếng và đưa tang cụ Lê Xuân Phùng bắt đầu từ 7h30 đến 9h ngày Thứ Năm 21/5/2009 tại Nhà Tang lễ Quân đội, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Một lần Bác về Quảng Bình

Tôi chỉ một lần gặp bác trong đời. Ngày đó tôi còn nhỏ lắm, chỉ mới gần 5 tuổi nên cũng không biết Bác về đó làm những gì, thăm những ai. Nhưng chắc chắn có thăm sư đoàn 325. Chiều hôm đó Bác về nghỉ ở khu nhà đón tiếp thân nhân cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 325 nằm ở phía bắc thị xã Đồng Hới, nơi người dân địa phương gọi là Bầu Tró. (Còn bây giờ là bãi biển Nhật Lệ kề ngay thành phố Đồng Hới)
Tới đó, Bác dành ngay thời gian để gọi bọn trẻ con chúng tôi tới quanh Bác. Tôi xăng xái bế thằng em mới non một tuổi tham gia (K8), còn con em lên ba thì đang sốt nên mẹ không cho đi theo sợ lây cúm cho Bác. Sau khi hỏi han chúng tôi, Bác lấy ra một bọc kẹo. Bọn tôi rất bất ngờ và sáng mắt ra vì rất thèm kẹo. Khi đó mấy khi trẻ nhỏ như tụi tôi có kẹo mà ăn. Nhất là kẹp lạo bọc bằng giấy đẹp như thế nữa. (Và vẫn còn nhớ có lần "nhặt được" 5 đồng của mẹ đi mua kẹo sữa, sao mà ngon thế, cả gói chỉ hết hơn 1 đồng). Mỗi đứa đều có một chiếc, dù lớn hay bé.
Không biết sao lúc đó tôi lại nhớ con em ở nhà, chắc thèm kẹo lắm nên lấy hết can đảm nói với Bác rằng:
- Bác cho cháu thêm một chiếc nữa.
Bác ngạc nhiên và âu yếm hỏi:

- Vì sao cháu muốn xin thêm?
Tôi trả lời:
- Vì em cháu bị ốm, nó cũng muốn ra chơi với Bác mà mẹ cháu không cho. Chắc nó cũng thèm cái kẹo như thế này lắm.
Bác xoa đầu anh và nói:

- Bác sẽ cho cháu thêm, cháu biết nghĩ tới em cháu như thế làm Bác rất vui.
Rồi Bác ôm cả hai anh em anh vào lòng âu yếm. Và tôi thấy như niềm vui của Bác lan qua chúng tôi, lan tới cả lũ trẻ. Khi đó cứ vui là vui thôi, đâu có nghĩ là vì sao? Về sau này, khi kể lại chuyện này tôi mới hiểu, đó là niềm vui của đứa trẻ được người lớn tin cậy
Suốt mấy chục năm sau của cuộc đời, tôi chưa bao giờ có lại được cảm nhận được một người đi trước tin cậy mình đến vậy. Phê bình, trách cứ hay khen ngợi, động viên tôi đều đã nhận. Nhưng được tin cậy mới là động lực để chúng ta lao vào công việc.

Thứ Hai, tháng 5 18, 2009

MỘT LẦN GẶP BÁC

Minh Kính

Với các bạn ở các cơ quan Trung Ương điều đó là bình thường, nhưng với những người ở vùng sâu vùng xa như tôi được gặp Bác là một kỷ niệm khó quên của cuộc đời.
Ngày 2 Tết năm 1962. Bác mời đại biểu thiếu nhi Thủ Đô đến củng đón Chủ Tịch Liên Bang CHXHCN Tiệp Khắc và phu nhân đến thăm Người. MK là một trong hai đại biểu của thiếu nhi huyện Gia Lâm được vinh dự tham gia. Vì nhà ở xa Thủ Đô những 12 km nên K dậy rất sớm, quàng khăn đỏ, mang phù hiệu ba gạch đỏ bên vai, chạy một mạch đến Phủ Chủ Tịch. MK đến sớm quá, chưa có một ai. Chú bảo vệ bảo đứng ngòai chờ các bạn đến đông đủ rồi vào. 7 giờ 30 phút anh Hồ Trúc bí thư thành đòan Hà Nội và các anh phụ trách dẫn các em vào tập hợp ở sân trước Phủ Chủ Tịch. Một lúc sau Bác Hồ xuất hiện. Người từ trên thềm cao của phủ bước xuống. Mọi người hô to Bác Hồ Bác Hồ. Bác giơ tay ra hiệu im lặng rồi nói: Lát nữa Bác cháu ta sẽ đón khách quý. Bác và các cháu sẽ hô thật to lời chào mừng bằng tiếng Tiệp. Các cháu ngơ ngác vì chẳng ai biết tiếng Tiệp. Bác hiểu ý liền nói: Ta tập một lúc là được. Bác nói trước, các cháu nhắc lại vài lần là thuộc. Thọat tiên hơi ngần ngại sau mọi việc trôi chảy. Vừa tập xong thì phái đòan của chủ tịch An-tô-nin-nô-vốt-ni và phu nhân cùng các bạn thiếu nhi ở Đại Sứ quán Tiệp đến. Bác và các cháu cùng hô vang bằng tiếng Tiệp: Nhiệt liệt chào mừng Chủ Tịch và phu nhân đến thăm Việt Nam. Chúc phái đòan mạnh khỏe. (rất tiếc là đến giờ MK chẳng nhớ một câu nào) thật là ấm áp và độc đáo. Các vị khách Tiệp bị bất ngờ, rất phấn khởi.
Xong phần nghi lễ đến phần liên hoan văn nghệ. Các bạn thiếu nhi Tiệp và các bạn trong đội văn nghệ của câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội hát múa. Chủ Tịch An -tô- nin -nô -vôt - ni và phu nhân xông vào cùng nhảy múa. Bác Hồ cũng vào tham gia. Không khí thật vui. Sau khi các vị khách đã về, Bác nói chuyện, dặn dò các đại biểu thiếu nhi, Bác phát cho mỗi người hai cái kẹo và dặn các anh phụ trách phát tiếp cho hết số kẹo vì Bác đang bận công việc. Mỗi người được tất cả 10 cái kẹo của Bác Hồ. Kẹo thật là ngon.
Đã lâu rồi còn mãi
Đọng lại một ngày vui
Đời tôi được gặp Bác
Chỉ một lần gặp Bác.

Chủ Nhật, tháng 5 17, 2009

NGÔN NGỮ VÀ CUỘC SỐNG


Khoảng năm 1978, trong đợt đi công tác ở chiến tranh biên giới Tây Nam (An Giang), đang nằm võng, nghe một bà cụ la con cháu “chèn đét ơi!...”, rồi sau đó là một lọat từ ngữ và âm điệu nghe rất sướng tai tuy chẳng hiểu gì cả. Hay! Lạ! đó là cảm nhận ập ngay vào tôi lúc đó.
Từ đó, bắt đầu có một chút quan sát và để ý về ngôn ngữ .
Không biết từ bao giờ và lý do gì mà hai miền tự chia, dùng từ trong từ ghép. Có khi ở miền Bắc dùng chữ đầu, miền Nam dùng chữ sau như: điên-khùng, say-xỉn, bơi-lội…, ngược lại, có khi miền Nam dùng chữ trước, miền Bắc dùng chữ sau như: leo-trèo, đường-phố, sinh-đẻ, ghe thuyền…
Kiểu nói lái của hai miền cũng khác nhau, ví dụ chữ con gà thì miền Bắc nói lái là ga còn và miền Nam là ca gòn, từ cái tăm được miền Bắc nói lái là tái căm còn ở miền là cắm tai (tuy nhiên, những tỉnh miền Trung ở phía Bắc cũng nói như kiểu miền Nam).
Sau giải phóng, người miền Nam tiếp cận cách xưng hô, ngôn ngữ, của miền Bắc với những từ như đồng chí, công tác, cán bộ…. Ở cuộc họp, thấy cán bộ miền Bắc đứng trên bục phát biểu, thỉnh thoảng lại tự vỗ tay (!!!), mọi người bên dưới vỗ tay theo. Thấy kỳ kỳ.
Người miền Bắc vào, thấy giọng nói âm hưởng của người miền Nam rất khoái, thường hay bắt chước nhại theo. Thấy các cháu nhỏ vòng tay và cúi đầu chào người lớn thật ấn tượng. Gọi các cháu nhỏ bằng “con” nghe thật gần gũi và dễ thương. Từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại được bỏ đi, đơn giản bằng “nội”, “ngoại” nghe thật tình cảm, thân thiết.
Vào miền Nam, bỗng nhiên nghe giọng Nam gọi mình là “bố”, thấy thật mắc cười (buồn cười) và khoái khoái.
Sau đó nhiều năm, cuộc xâm lấn, giao thoa, thay thế từ ngữ bắt đầu xảy ra. Trong đời sống xã hội, báo chí, hội họp… ở miền Nam, dần dần dùng phổ biến những từ chính trị của miền Bắc XHCN, ngược lại, rất nhiều từ ngữ ở miền Nam đã thay thế từ ngữ trước nay được dùng của miền Bắc: “có bầu” thay cho “có chửa”,…vì nó hay hơn. Tuy nhiên, có những từ không hay hơn nhưng cũng được sử dụng rộng rãi: ví dụ “rủ nhau đi làm vài cốc bia” hay ly rượu thì bây giờ thay bằng “đi nhậu”, “say” thay bằng “xỉn” từ “mừng tuổi” đẹp đẽ và rất Việt Nam, bị thay bằng “lì xì”, từ “có người yêu” thì thay bằng “có bồ”, …mà không hiểu được lý do.
Đầu những năm 1980, thấy xuất hiện từ “mì ăn liền” để nói việc gì cần làm liền, nghe thấy thật vô duyên. Tưởng nó chết yểu ấy vậy mà nó cứ tồn tại dai dẳng và sống khỏe tới nay, không những vậy mà nó càng ngày càng phát triển, đại lọai như: “campuchia” tức chia tiền khi đi ăn chung, “ô mai sấu” để chỉ sự xấu xí… Sau đó là một loạt các kiểu phóng tác tương tự như “óc to như quả nho”, “chuyện nhỏ như con thỏ’... Thế mới thấy không cứ cái gì cũng phải quy phạm, chỉn chu mới sống. Cuộc đời lại dễ chấp nhận sự ngô nghê, vô duyên nhưng lại hài hước, thú vị.
Những năm thập niên 80, sự sáng tạo từ ngữ có vẻ không nhiều. những năm này, cuộc sống kinh tế khó khăn nên nảy sinh rất nhiều chuyện tiếu lâm chính trị, đời sống.
Sang thập niên 90, và 00 bùng nổ về sự sáng tạo từ ngữ. “Nhòe”, “nghiêng”, “mờ” khá hay thay thế cho “say”; thay thế cho thắng thua, được mất là “lồi, lõm”. Khi phản đối, làm ngược lại… thì chỉ một chữ “ngược” (ví dụ: chào bác em ngược!)
Có từ ngữ bắt chước kiểu nói của trẻ con khi dùng sai từ như khi nói “nhiều” thì dùng “đông” (ví dụ: tiền đông lắm) cũng khá ấn tượng. Những kiểu sáng tạo trong ngôn ngữ kiểu này thì khá nhiều như “đau răng”, “vuông” … dùng trong từng ngữ cảnh cũng rất đắt.Những dạng sáng tạo kiểu này thì vô số.Mà hình như kẻ sĩ Bắc Hà có nhiều năng khiếu trong việc này
Có lẽ ấn tượng mạnh nhất là khi sử dụng những từ để dùng khi chê bai, mắng mỏ nhưng lại thành khen như “chỉ được cái giỏi”, “chỉ được cái đúng”…, thật là một sự sáng tạo. Nhưng với tôi, đến nay chưa có một từ ngữ nào hay, xứng đáng hơn có thể vượt qua từ “bị” (ví dụ: hơi bị đẹp, hơi bị hay…) thật thông minh, tạo một cảm xúc bất ngờ và thú vị.
Riêng ngôn ngữ viết cũng có nhiều điều thú vị. Ví dụ như: mỗi gia đình chỉ có hai con, vợ chồng hạnh phúc. Chỉ cần lỗi dấu phẩy: mỗi gia đình chỉ có hai con vợ, chồng hạnh phúc. Đã thấy vui tếu. Những kiểu lỗi dấu phẩy này cũng rất nhiều. Ngôn ngữ viết trên điện thọai di động (không dấu) mhiều lúc gây ra hiểu lầm khóc dở mếu dở. Ví dụ: em dang o truong muon lam anh den ngay…
Thế kỷ 21, ngôn ngữ số thì vô cùng phong phú, bản thân tôi không dám đề cập tới. Tuy nhiên, tôi có ấn tượng người nào đó thật thông minh đã dùng những ký tự đặc biệt để thể hiện những icon về cảm xúc như cười :-) hoặc ^_^, ~_~; nháy mắt ;-) họăc *_^; khóc :-( hoặc T_T, ngạc nhiên @_@, …
Riêng Trỗi mình có hai từ tôi cũng khá thích: “bạn xấu” và “k9” (không biết ai là tác giả???). Cũng mong thỉnh thoảng có nhiều từ hay như vậy.
Sáng tạo trong ngôn ngữ là điều tất yếu của cuộc sống. Thật chán làm sao nếu ngôn ngữ luôn nghiêm túc và chỉn chu.

Thứ Bảy, tháng 5 16, 2009

TÀI NĂNG VĂN HỌC



Các bác chịu khó đọc vui thật. 6 điểm tập làm văn là mơ ước của em ngày xưa còn trong bài này cô giáo khắt khe quá.
ST: Quansuvn.net










“Khi con tu hú” có lẽ là một trong những bài thơ thành công nhất của Tố Hữu.Có một đoạn trong bài thơ đã gây nên một ấn tượng lớn đối với em (đề bài nó bắt thế chứ em cũng chẳng thích lắm ><)
Ta nghe hè dạy bên lòng
Mà chân muốn đập tan phòng hè ơi!
Ngọt làm sao, chết mất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Đọc 2 câu thơ đầu ta có thể thấy ngay một điều rất rõ về nhà thơ: Ông là một người rất năng đông và hoạt bát nghịch ngợm. Vừa nghe thấy tiếng tu hú keu, ông đã biết ngay rằng trời đã chuyển sang tiết hạ. Trong lòng ông cảm thấy cực kì náo nức, phấn khích, đến nỗi” mà chân muốn đập tan phòng, hè ơi!”
Tuy nhiên, ở câu thơ sau …
Ngọt làm sao, chết mất thôi “ cho thấy ông đang bị giam lỏng trong nhà ( hình như là tù, em cũng không nhớ ), không thể đi ra ngoài. Ông cảm thấy thật bứt rứt, khó chịu không được lao ra thưởng thức tiết trời hè, đến nỗi ông uất ức đến nỗi chết “ chết mất thôi “
Bị giam lỏng trong nhà tù thấy khó chịu vậy rồi, thế mà ..
“Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”
Hề đã đến, đương nhiên con chim tu hú theo bản năng nó phải kêu rồi,, thế mà đói với ông, hè đến mà không được ra ngoài..Bức xúc lắm rồi đấy, thế mà bên ngoài “ con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”, chúng nó cứ kêu như đang trêu ngươi ông vậy..
Như vậy đoạn trích trên đã nói rất rõ ràng tâm trạng bực mình của tác giả khi hè đến mà không được ra ngoài là rất hay. ( Phân tích rồi em mới thấy cũng hay, vì gần giống tâm trạng mình..Hè đến mà cứ phải đi học thêm, về nhà lại phải học. Nếu cái cử nhà không bằng sắt và không có khóa thì em đã đập tan nó rồi..( nhưng vấn đề là “nếu”.
2_ Qua 2 câu đầu của bài thơ “ Tức canh Pắc Bó “.
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo hẹ rau măng đã sẵn sàng
Ta thấy được niềm vui thích của Bác Hồ khi sống giữa thiên nhiên.
Quả thật Bác Hồ rất chi là yêu thiên nhiên và được sống một mình giữa thiên nhiên quả là một thú vui với Bác. Hãy đọc hai câu thơ trên
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Bác yêu thiên nhiên đến nỗi ngay cả chỗ ở của Bác cũng hết sức “ thiên nhiên”: hang động.Sáng, Bác Hồ ra bờ suối ngắm cảnh, làm việc ( Làm việc giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng thì còn gì tuyệt bằng ). Tối đến để tránh thú rừng làm thịt, Bác lại tẩu về hang ngủ. Cuộc sóng Bác gắn chặt với thiên nhiên không chỉ ở nơi ở, mà còn cả thức ăn, nước uống..”Nơi ăn uống ở mà. Tối Bác về hang,Bác lại chuẩn bị ăn tối. Bữa tối rất đơn giản, gồm toàn những thứ ra ngoài rừng nhặt đầy: Cahó ngô với cả rau măng…mặc dù có nhiều món ngon như rượu,bia ,socola..nhưng do Bác chỉ thấy niềm vui với thiên nhiên ( trích nguyên van đề bài) nên Bác chỉ lấy món ăn đơn giản đấy thôi.
… 2 câu thơ trên, ta có thể thấy được một điều : Bác Hồ rất là yêu thiên nhiên. Nơi ăn uống ở của bác đều dính líu đến thiên nhiên.. Đúng là một người yêu thiên nhiên.
Em dịch ra cho các bác đỡ mỏi mắt

Thứ Sáu, tháng 5 15, 2009

VIẾNG KIM ĐỒNG

Minh Kính

Dừng chân Nà Mạ viếng Kim Đồng
Mờ mờ sương phủ tiết tháng Đông
Heo heo gió Bấc về tê tái
Lặng lẽ nơi đây mộ Kim Đồng

Đi qua dòng suối thuở ngày nào
Kim Đồng ngã xuống dạ nao nao
Thả hồn theo nước về xuôi mãi
Thấp thoáng bóng cờ năm cánh sao

Anh mơ đi trước một đòan quân
Nam tiến về xuôi giữa mùa xuân
Hoa đào giờ đã hồng đây đó
Thỏa ước lòng anh nơi cõi âm

Anh Kim Đồng ơi ! Kim Đồng ơi !
Hình anh còn đọng mãi trong tôi
Bùi ngùi trong dạ không nỡ biệt
Nà Mạ mầm xuân sắp đâm chồi.
Cao Bằng 12.1\975

Đội thiếu niên Kim Đồng

Minh Kính

Nhân ngày 15 tháng 5 xin cung cấp cho các bạn thêm một ít thông tin về đội thiếu niên KIM ĐỒNG.

Tháng 12 năm 1975, MK khăn gói quả mướp lên Cao Bằng. Nhờ đại úy Hòa công tác tại trạm khách tỉnh đội giới thiệu, MK đến tòa án nhân dân tỉnh gặp anh Quang quê ở Hà Qủang để tìm hiểu về Nà Mạ và đường đi lối lại lên Hà Quảng. Anh Quang đưa K đến gặp bà Nông Thị Trưng chánh án tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng. Chuyện trò một hồi Bà Trưng nói tìm hiểu về Kim Đồng tốt nhất là gặp Cao Sơn bạn Kim Đồng. Hôm sau cầm lá thư tay Bà Trưng viết, MK đến gặp bác Cao Sơn. Bác Cao Sơn lúc đó đang là quản đốc nhà máy gạch Sông Bằng, Nhà bác có hai chiếc lợp lá, ở lưng chừng đồi, Hai bác cháu ngồi chơi xơi sắn nướng hàn huyên. Qua Bác Cao Sơn MK biết được đội thiếu niên cứu quốc lúc ấy trừ KIM ĐỒNG (Nông Văn Dền) hy sinh còn lại đều nguyên vẹn. Cao Sơn tên thật là Nông Văn Thàn sau đổi sang họ Ninh, 47 tuổi, quản đốc xí nghiệp gạch Sông Bằng. Thanh Minh tên thật là Lý Văn Tinh 52 tuổi kế tóan hợp tác xã nông nghiệp. Thanh Thủy (Lý Thị Nỉ) 45 tuổi cán bộ phụ nữ huyện Hà Qủang. Thủy Tiên (Lý Thị Xậu) xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Triệu Văn Hùng ( Hùng Nhỏ) 42 tuổi nhân viên bưu điện huyện.
Nhưng người có liên quan đến đội thiếu niên: Anh Đức Thanh phụ trách đội hy sinh trên đường Nam tiến cuối 1945 ở Tây Nguyên. anh Phục Quốc (Nông Văn Dấu, anh ruột Kim Đồng, hy sinh trong kháng chiến. ông Hòang Tô là chủ tịch mặt trận tổ quốc tỉnh, bà Nông Thị Trưng chánh án tòa án nhân dân tỉnh. Tháng 3 năm 2009 MK lại lên Cao Bằng tình cờ gặp bác Cao Sơn tại khách sạn Bằng Giang. Bác đã hơn 80 tuổi, trí nhớ không còn tốt và điều chắc chắn là không nhớ cuộc gặp giữa hai bác cháu năm 1975. bà Nông Thị Trưng thì đã mất năm 2005.

Mộ Kim Đồng nằm ở cánh đồng cách đường lớn đi Pắc Bó khỏang 2km nay đã được xây dựng đàng hòang, có tượng đài là một cậu thiếu niên mặc quần áo dân tộc Nùng, đội mũ nồi, xách lồng chim vác cần câu. Nơi Kim Đồng yên nghỉ là một di tích lịch sử và là một điểm tham quan du lịch.
(ảnh: sưu tầm)

Thứ Tư, tháng 5 13, 2009

Danh sách Gặp mặt Đà Nẵng

Để tiện cho anh em theo dõi, cũng là một cách động viên tinh thần "thoát li gia đình đi chiến... nhậu" tôi mở Danh sách gặp mặt. Danh sách này được "treo" trong mục Gặp mặt 40 năm... ở cột bên trái. Có ba trang cho ba miền để dễ theo dõi.
Mọi người đều có thể xem và tự thêm/bớt vào danh sách. Đề nghị mọi người có tinh thần trách nhiệm và xây dựng với danh sách này, giữ cho thông tin đúng đắn và xác thực.

Tin mừng: Vũ Hòa Bình làm lễ cưới cho con gái

Vũ Hòa Bình trân trọng thông báo tới các bạn:

Hai gia đình chúng tôi:
Nhà Gái (Lê Thanh Thủy-Vũ Hòa Bình) và Nhà Trai (Nguyễn Lệ Hằng-Lê Gia Thắng)
sẽ tổ chức tiệc cưới cho hai con là

Vũ Thị Lê Anh và Lê Đức Thanh Long

vào hồi 17h30 ngày Thứ Tư 20 tháng 5 năm 2009
tại đại sảnh Sông Hồng, khách sạn Sheraton
11 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Xin báo để các bạn chung vui.

Ghi chú của Ban LL: do không có điều kiện mời hết các bạn tới dự tiệc cưới, anh Vũ Hòa Bình sẽ tổ chức "báo cáo" với toàn thể anh em vào lúc thích hợp, sẽ có lời mời sau.

THÔNG BÁO CỦA BLL K4 - TP.HCM

Chiều ngày 12/5/2009, BLL K4 (TP.HCM) và một số thành viên khác đã họp bàn và thống nhất kế hoạch để phù hợp với kế hoạch chung của toàn K4 về việc Họp mặt K4 tại Đà Nẵng như sau:
1- Về chương trình và thời gian (nhắc lại nội dung đã bàn với BLL HN và Huỳnh Hữu Dũng):
a- 15h00 ngày Thứ Bảy 27/6/2009: Họp mặt K4 và liên hoan.
b- Ngày Chủ Nhật 28/6/2009: Đi thăm quê anh Trỗi và một số danh lam thắng cảnh của Quảng Nam – Đà Nẵng. Tối tập trung liên hoan chia tay.
Trước và sau thời điểm sinh hoạt chung của K4, cá nhân tự bố trí.
2- Về địa điểm:
a- Ăn, ở, họp mặt và liên hoan tại Nhà khách Cục Kỹ thuật QK5 (cách bãi biển Mỹ Khê khoảng 500m). Tiền ở bình quân 100.000đ/người/ngày
b- Các cá nhân và gia đình có nhu cầu ở riêng sẽ ở tại Khách sạn Mỹ Khê 1 (ngay bãi biển Mỹ Khê). Tiền ở bình quân 200.000đ/người/ngày.
3- Phương tiện đi lại TP.HCM – ĐN:
a- Các cá nhân có khả năng riêng tự quyết định phương tiện và đảm bảo đúng thời gian sinh hoạt của K4.
b- Các cá nhân đi tập thể:
- Từ TP.HCM đi Đà Nẵng: Chuyến tàu SE2 xuất phát từ Ga SG lúc 17h00 ngày Thứ Năm 25/6/2009, đến Đà Nẵng lúc 13h00 ngày Thứ Sáu 26/6/2009.
- Từ Đà Nẵng về TP.HCM: Chuyến tàu SE2 xuất phát từ Ga Đà Nẵng lúc 13h15 ngày Thứ Hai 29/6/2009, đến TP.HCM lúc 6h00 ngày Thứ Ba 30/6/2009.
Giá vé giường nằm khoang 6 người khứ hồi (2 lượt đi về) tại thời điểm hiện nay gồm 3 loại: 1.100.000đ – 1.224.000đ – 1.310.000đ/người. Nhà Ga thông báo tháng 6/2009 giá vé sẽ tăng nhưng chưa biết cụ thể là bao nhiêu.
4- Vấn đề tài chính:
a- Các cá nhân tự túc tiền đi lại, ăn, ở. Dự kiến khoảng 2 – 2,5 triệu đồng.
b- BLL K4 lo chi phí Họp mặt, tham quan, ăn uống từ chiều Thứ Bảy (27/6/2009) đến hết ngày Chủ Nhật (28/6/2009) và xe ô tô đưa đón chặng Nhà ga - KS.
c- BLL K4 (TP.HCM) lo chi phí mời chị Quyên tham dự họp mặt của K4.

BLL K4 (TP.HCM) trân trọng thông báo và chân thành mời ACE K4 và các Khóa (khu vực phía Nam) cùng thân nhân tham gia chương trình Họp mặt của K4.
Mọi chi tiết xin liên hệ và đăng ký với đại diện BLL K4 (TP.HCM) là Dương Minh (091.815.6666) và Nguyễn Trung Liêm (098.978.7868). Những trường hợp đi tàu hỏa cùng tập thể cần đăng ký ngay và đóng tiền tàu tạm thu là 1.200.000đ/người để mua vé.
TM. BLL K4 (TP.HCM)
Dương Minh

Thông báo: viếng ông Trần Nam Trung

Ban LL trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi tại Tp HCM thông báo:

Theo thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Nam Trung (thân sinh anh Trần Đẳng, k1) đã từ trần hồi 20 giờ 17 phút ngày 10.5.2009, hưởng thọ 98 tuổi. Để tỏ lòng tưởng nhớ ông Trần Nam Trung, Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ tướng Trần Nam Trung theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.
Linh cữu ông Trần Nam Trung quàn tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - 5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ viếng được tổ chức từ 9 giờ ngày 13.5; lễ truy điệu vào lúc 6 giờ ngày 16.5.2009, sau đó an táng tại Nghĩa trang thành phố.


Ban LL Trường VHQĐ Nguyến Văn Trỗi xin thông báo: đoàn học sinh Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi, do anh Thanh Tường k1 làm trưởng Đoàn, sẽ viếng ông Trần Nam Trung vào hồi 11h ngày 14/5 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng - 5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Vậy kính mời các bạn cựu học sinh trường VHQĐ NVT đến viếng Ông theo Đoàn của Trường.
Lưu ý: xin đến sớm ít phút để tập hợp.

TM Ban LL,
Dương Minh

Mời dự khai trương phòng tranh thầy Phạm Lực

Thày Phạm Lực tổ chức triển lãm tranh cá nhân.
Thời gian: hồi 17h, ngày thứ hai 18/5/2009.
Địa điểm: 16 phố Ngô Quyền, thành phố Hà nội
Trân trọng mời các bạn từng là học sinh trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi tới dự lễ khai mạc.

Chân thành cảm ơn!

Thứ Ba, tháng 5 12, 2009

Câu chuyện về những bức ảnh cũ

Nhân 50 năm mở đường Trường Sơn báo Thể thao và Văn hóa TTXVN có bài Gặp người lái xe trên dây cáp và tấm ảnh kèm theo:


Tấm ảnh này lập tức gợi nhớ một lô ảnh ở nhà tôi, "gia truyền". Lục lại, quả nhiên cùng về một câu chuyện. Một câu chuyện mà tôi vốn chỉ nhìn hình ảnh, nay bài báo như lời thuyết minh. Bây giờ nó là câu chuyện "có hình, có tiếng". Xin gửi để mọi người xem thêm. Thứ tự các ảnh có phần lộn xộn, mọi người tự thu xếp theo trí tưởng tượng nhé.






Thứ Hai, tháng 5 11, 2009

SỚ TẤU TRÌNH TỔNG QUẢN HỮUTHÀNH

Kính thưa Tổng Quản , ngày nào mà tôi chưa đọc
trang bạn trỗi là áy náy lắm. Nhưng cũng thú thật với (TQ)
nhiều bài viết của anh em ta tên họ cứ viết tắt , thành ra
nghĩ mãi không biết là ai. Mong TQ cùng anh em thứ lỗi cho
vì bây giờ chúng ta cũng lớn tuổi , các (Nơ ron) thần kinh
cũng ( hy sinh) nhiều rồi mà trường ta có hơn một nghìn
anh chị em.Bây giờ lại thêm các k9 nữa mà các bài viết của
anh em ta cứ viết tắt , nặc danh ...Thì quá bằng đánh đố .
Gặp nhau nhiều lúc còn không nhận ra nhau nữa là bây giờ
cứ " Nặc danh với viết tắt". Khổ lắm Tổng quản ạ
Ngày xưa Cụ Chu văn An dâng SỚ xin chém mấy " Tay vớ vẩn"
Nay tôi cũng xin học theo Cụ dâng SỚ lên Tổng quản . Nhưng
không xin " Chém"mà xin Tông quản " Phê bình nhẹ" thôi ạ
SỚ DÂNG LÊN TỔNG QUẢN

Kính chào các bác " Nặc danh"
Anh em mình cả sao đành dấu tên
Hành tung bí ẩn như " Đêm"
Họ tên viết tắt càng thêm phiền hà
Xin đưa ví dụ ...như là:
TQ luận mãi hóa ra Hữu Thành
MT chắc bác Mạnh Thanh
QB thằng bạn Quang bành lớp tôi
HL có thể Hồng lồi
Còn nhiều, nhiều nữa .Lậy trời " bó tay"
Quì dâng Tổng quản "SỚ" này
Nếu còn viết tắt ,ra tay "phê bình"
Chúng tôi là lũ " Cùng đinh"
Đọc xong muốn biết bạn mình tên chi?
Phận nghèo chẳng có " Phong bì"
Kính xin Tổng quản ..." Từ bi nhận lời.
Berlin 11.5 .009

Nuôi Ngỗng

Hôm rồi, Thanh Trung ở Hà Nội vô. Mấy anh em Trỗi gặp nhau, ngồi nhậu nhắc lại chuyện xưa. Mới nhớ tới kỷ niệm không quên của 2 đứa chúng tôi : Chuyện nuôi ngỗng.

Hưng Hóa. Có một lần, vô tình làm sao, cả tôi và T.Trung , lúc đó cùng Tiểu đội, lại cùng có gia đình lên thăm trong cùng 1 ngày. Phụ huynh tôi vào gặp các thầy và được thông báo : Em bản chất tốt, nhưng bị bạn Trung lôi kéo nên ….. Phụ huynh T.Trung cũng gặp các CB và được nghe : Em ngoan, nhưng vì chơi với bạn Thành nên …. May mà các phụ huynh 2 bên không gặp thầy cùng lúc!

Chiều về, 2 đứa gặp nhau kể cho nghe chuyện bị phụ huynh cảnh cáo : Không được chơi với thằng … hư hỏng! Cười ngất, rồi sẵn rủng rỉnh tiền rủ nhau ra chợ ngay phía trước cổng hông doanh trại. Lòng vòng trong chợ chẳng biết mua gì vì mới no căng sau bữa ăn của các phụ huynh. Thôi thì đi về. Bỗng tụi tôi nhìn thấy có người bán mấy con ngỗng con nhỏ xíu, rất xinh xắn. Mua đi! – T.Trung rủ tôi - Ừ thì mua. Mỗi đứa cầm một con. Chỉ 1 đồng 1 con (hay cả 2 con, cũng không nhớ nữa, nhưng rẻ bèo). Nó nhỏ xíu, nằm vừa trong bàn tay, kêu chíp chíp rất dễ thương!

Cũng chẳng có ý định rõ ràng mua làm gì, tụi tôi thả 2 con ngỗng ra sân giữa 2 nhà cho nó ăn cỏ. Chiều chiều, ăn xong mang về 1 bát cơm thừa thảy ra cho 2 con giành nhau ăn, nhìn mà thấy sướng. 2 con ngỗng cứ thế tự do trong sân cỏ, tối thì rúc vào gầm bàn giặt ở giếng để ngủ. Anh em đi ngang qua thấy vui vẻ lại thảy cho nó miếng bánh, miếng đồ ăn.

Hình : Nơi đã nuôi ngỗng (ngày nay)

Có bữa, nửa đêm, mưa đổ ào ào, 2 thằng ngủ say như chết. Sáng ra có đứa nói : đêm qua mưa lớn, 2 con ngỗng của tụi mày kêu quá. Tao phải xuống lùa chúng nó vào gầm bàn giặt, lấy tấm gỗ che lại … - Thế à? Cám ơn, tao chẳng biết gì cả! – 2 đứa nhìn nhau cười.

Tụi Trung đội bên cạnh – Hoàn bệu, Chỉnh thọt … thấy ngỗng tụi tôi lớn nhanh như thổi cũng mua về 5, 6 con thả tùm lum bên đó. Tụi nó đông người, tổ chức phân công nhau chăm sóc, đem cơm về cho ngỗng ăn … Đủ trò cả, trông rất “bài bản”. Được một thời gian thấy tụi nó la hoảng : ngỗng bị chuột cắn chết! Rồi mấy bữa lại thấy : con này không ăn, con kia bị … cái gì đó. Trong khi 2 chú ngỗng của tụi tôi cứ thế tà tà mà lớn.

Rồi tới một bữa, 2 đứa ngắm nhìn và nói : Tới lúc rồi mày! Tối hôm đó, mỗi thằng xách 1 con, lặc lè ra nhà “bà Béo” ở gần trường. Quán “bà Béo” là địa điểm quen thuộc của 2 thằng tôi thường xuyên tới ăn (chuối) uống (trà). Có tiền thì trả, không có thì cứ ăn uống thoải mái … và ghi sổ. Khi nào có phụ huynh lên thăm thì trả, còn kẹt quá thì “gán nợ” bằng mũ cối, quân phục hay các đồ quân trang quân dụng.

Trở lại chuyện 2 con ngỗng, đưa ra “bà Béo” cân lên, mỗi con 5 kg! Cả một khối Protein vĩ đại, mấy khi dám mơ. 2 đứa giao ngay cho “bà Béo” tiến hành nấu “cỗ”! Thôi thì đủ thứ món, ăn uống ê chề. Ngon không thể tả xiết. Tới mức đến bây giờ chẳng còn nhớ là đã ăn món gì. Điều duy nhất mà cả 2 đứa nhớ tới giờ là mỗi thằng cầm nguyên một cái đùi ngỗng luộc (nguyên cái, không bị xà xẻo bớt xén) gặm thoải mái, hể hả, không phải gấp gáp hay tranh giành với ai. Bả còn nấu cho miếng cơm “gạo tám thơm” (như giới thiệu). Chẳng biết có phải là gạo tám, gạo chín hay không, nhưng gạo nào thì cũng chắc chắn ngon hơn gạo trường rồi. Mà điều quan trọng là mấy đĩa thịt đầy tú ụ, chớ cơm gạo mà nhằm nhè gì. Ôi, hạnh phúc làm sao!

“Bà Béo” trình bày : cái này nấu món này, cái kia nấu món kia, cái này không ăn được, cái kia cho bà xin … Ôi, nghe rối cả tai. Thôi thì, bà nấu món này, món này (thì cũng chỉ lựa lời bả mà nói theo, chớ 2 thằng có biết món nào đâu – mà món nào bằng thịt thì cũng ngon tuốt!) … Ờ, rau cỏ, mỡ hành và hình như cả rượu nữa thì bà cứ đưa ra, mấy cái “bà xin” thì bà cứ lấy! Tóm lại phải ăn uống ê chề và không thêm đồng nào nữa.

2 đứa “quất” một bữa no căng. Vẫn không hết. Hôm sau kêu thêm Chí Dốt và hình như còn một thằng nữa ra “giải quyết” tới bội thực mà vẫn còn. “Bồi dưỡng” cho “bà Béo” phần còn lại. Bả liền lấy chuối và mít ra mời mấy đứa ăn cho vui không tính tiền. Ôi đúng là “tình Quân – Dân như cá với nước” (cá không có nước là cá chết liền, mà nước không có cá thì là nước ... tinh khiết có giá mắc hơn xăng!).

Đúng là bữa ăn sướng nhất đời! Sau này tôi đã được thưởng thức nhiều món “cao lương, mỹ vị” ở các khách sạn nhiều sao nhưng không lần nào ngon bằng ăn thịt ngỗng tại nhà “bà Béo”.


Hình : Các nhân vật của câu chuyện

Chủ Nhật, tháng 5 10, 2009

Tướng Giáp

Tiếng vỗ tay như làm vỡ tung cung Hữu Nghị Việt Xô khi thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn giọng: “Xin chào mừng đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ Chính trị, cùng bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”

Xem bài này :
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=51154&fld=HTMG/2009/0507/51154

Những đứa con của... Tổng hành dinh

Chiều nay xóm bộ đội HD HN, khúc Bắc Sơn đến ĐBP, lần đầu tiên tổ chức cái mà tôi "sến" thành cuộc gặp của "những đứa con của Tổng hành dinh". Tôi tin nếu là của Tổng hành dinh thật thì chắc là còn nhiều.

Không dám thay mặt họ, chỉ với tư cách phóng viên Xóm (chỉ nói sự thật, không gì ngoài sự thật), tôi đưa tin cho những người vắng mặt có thể liên hệ với Ban LL Xóm (gồm Mẫn, Quốc Hùng và Hồng Nam) để thông báo phương tiện liên lạc khi cần thiết (địa chỉ, số phôn,...).

Tin thêm, đâu như họ đã quyết định hàng năm sẽ gặp mặt một lần vào tháng 5. So với Trỗi như thế là quá ít. Bởi Trỗi k4 ở với nhau có 4 năm mà mỗi năm gặp 2 lần, chưa kể hàng tuần giao ban.

Hàn huyên, câu chuyện nhắc tới những người vắng mặt như anh em nhà QT-MN-MP, chị Chung-VC-VT, anh em TT-tk8, chị GiaLiên,... và những kỷ niệm về họ.

Tư liệu cuộc gặp này do dân chuyên nghiệp làm sẽ do Ban LL Xóm quản lý, chưa kể mỗi thành viên là một nhiếp ảnh gia. Bởi thế tôi chỉ xin đưa một ảnh "báo chí" có khá nhiều bạn Trỗi.


Thứ Sáu, tháng 5 08, 2009

Kinh Phật (?)


Vốn hay theo lũ bạn xấu lượn lờ, phần lớn là vãn cảnh chùa, tới đâu cũng thấy nam, phụ, lão, ấu chắp tay nguyện cầu rất thành tâm cho dù trong cảnh khói hương u trầm hay chen vai thích cánh (thậm chí phải ... bái vọng). Chắc hẳn ai cũng nguyện cầu ngưòi "trên cõi" đáp ứng mỏi mong, ước nguyện. Vừa rồi đi Chùa Bà ở núi Bà Đen ( Tây Ninh) mới thấy "10 điều tâm niệm", không biết có phải là lời Phật dạy hay trong Kinh nhà Phật mà nhà chùa trưng ra (?). Cách suy nghĩ cũng có điềm phảng phất ý tứ trong Kinh Thánh ( hay tại luân lý chính thống mọi tôn giáo đều hướng thiện). Đọc xong, bâng khuâng: không biết lần sau đi chùa có nên cầu "lợi" cho mình nữa không, hay chỉ cầu "Quốc thái dân an là đủ" (?)

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
1. Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh tật, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh.
2. Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.
3. Cứu xét tâm tánh, đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu triệt.
4. Sự nghiệp đừng mong không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại thì chí nguyện không kiên cường.
5. Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thị thường kiêu ngạo.
6. Giao tiếp đừng mong lợi mình vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
7. Với người đừng mong thuận chìu ý mình, vì được thuận chìu thì thì tất sanh tự kiêu.
8. Thi ân thì đừng cầu đáp trả, vì cầu đáp trả thì thi ân ấy có mưu đồ.
9. Thấy lợi thì đừng nhúng tay, vì nhúng tay thì hắc ám tâm trí.
10. Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch thì hèn nhát mà trả thù thì oan đồi kéo dài.
LUẬN BAO VƯƠNG TAM MUỘI

Điện biên, nếu tướng Giáp...

(Trích bài phỏng vấn Trung tướng Phạm Hồng Cư, hồi chiến dịch Điện biên là Phó chính ủy e36-f308).

Theo ông, nếu lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thuyết phục được cố vấn, Đảng ủy và kế hoạch "đánh nhanh" vẫn được thực hiện thì liệu kết quả trận đó như thế nào?

- (cười) Nói một cách dễ hiểu, nếu vẫn theo phương án ban đầu, thế hệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như chúng tôi chắc không còn ai sống đến ngày hôm nay. Với hỏa lực mạnh và thế trận chủ động phòng ngự của địch, nếu cố đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chúng ta sẽ gánh lấy kết cục bi thảm. Điện Biên Phủ sẽ trở thành cái "cối xay thịt" thực sự với quân ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa biết lúc nào mới kết thúc.

Sau này, nhân dịp 10 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số tư lệnh đại đoàn mới dám bày tỏ với với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói rằng, nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ. Còn đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ bộc bạch: "Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ đánh nhanh, giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể phải kéo dài thêm 10 năm".

Thứ Tư, tháng 5 06, 2009

LỰC LƯỢNG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Một vài số liệu về ĐBP, mong AE bổ sung thêm

Lực lượng quân ta
TL, Bí thư chiến dịch : Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TMT chiến dịch : Thiếu tướng Hoàng Văn Thái
Chủ nhiệm CT : Lê Liêm
Chủ nhiệm Cung cấp (Hậu cần) : Đặng Kim Giang
Trưởng đoàn Cố vấn TQ : Vi quốc Thanh
Đại đoàn 304 - Đại đoàn Vinh Quang (thiếu) - Mật danh: Nam Định (tham gia từ đợt 3)
CW : Lê Chưởng - TMT : Nam Long
Trung đoàn 9 - Mật danh: Ninh Bình - TL : Trần Thanh Từ
Tiểu đoàn 353
Tiểu đoàn 375 Dt Cao Ủy
Tiểu đoàn 400
Trung đoàn 57 - Mật danh: Nho Quan - TL : Nguyễn Cận
Tiểu đoàn 265 Dt Hoàng Đởm - CTV Lâm Phúc
Tiểu đoàn 346 Dt Hoàng Bình
Tiểu đoàn 418 Dt Nguyễn Cầm - CTV Phạm Đông
Tiểu đoàn Pháo binh (trực thuộc F) Dt Đài
Tiểu đoàn Phòng không 533 (trực thuộc F) Dtr Hòe - CTV Khang
TL Đại tá Hoàng Minh Thảo và Trung đoàn bộ binh 66 không tham gia (bảo vệ căn cứ Phú Thọ)
Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong - Mật danh: Việt Bắc
TL : Đại tá Vương Thừa Vũ - CW : Song Hào (ốm, không tham gia) Lê Quang Đạo thay - TMT : Vũ Yên
Trung đoàn 36 - Trung đoàn Bắc Bắc - Mật danh: Sa Pa - TL : Phạm Hồng Sơn - CW : Chu Thanh Hương
Tiểu đoàn 80
Tiểu đoàn 84
Tiểu đoàn 89 Dt Nguyễn Liệu - CTV Trần Giang
Trung đoàn 88 - Trung đoàn Tu Vũ - Mật danh: Tam Đảo - TL : Bùi Nam Hà - CW Đặng Quốc Bảo
Tiểu đoàn 23 Dt Nguyễn Quốc Trị
Tiểu đoàn 29
Tiểu đoàn 322 Dt Nguyễn Tiến Trang - CTV Chính Hữu
Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô - Mật danh: Ba Vì - TL : Nguyễn Hùng Sinh - CW : Lê Linh
Tiểu đoàn 18
Tiểu đoàn 54
Tiểu đoàn 79
Tiểu đoàn Phòng không 387 (trực thuộc F) CTV Bùi Nguyên Cát
Đại đoàn 312 - Đại đoàn Chiến Thắng - Mật danh: Bến Tre
TL : Đại tá Lê Trọng Tấn - CW : Trần Độ - TMT : Nguyễn Hải
Trung đoàn 141 - Trung đoàn Ba Vì - TL : Quang Tuyến - CW : Mạc Ninh
Tiểu đoàn 11 - Tiểu đoàn Phủ Thông Dt …. - CTV Trần Linh
Tiểu đoàn 16
Tiểu đoàn 428 Dt Trần Huy Toàn - CTV Nguyễn Xuyên
(Af Phan Đình Giót)
Trung đoàn 165 - Trung đoàn Lao Hà Yên, Thành đồng biên giới - Mật danh: Đông Triều - TL : Lê Thuỳ
Tiểu đoàn 115
Tiểu đoàn 542
Tiểu đoàn 564
Trung đoàn 209 - Trung đoàn Sông Lô - TL : Hoàng Cầm - CW : Trần Quân Lập - TMT : Chu Phương Đới
Tiểu đoàn 130 Dt Nguyễn Cẩm - CTV Trần Quân
Tiểu đoàn 154 Dt Nguyễn Năng - CTV Trần Quải
(Ct Tạ Quốc Luật)
Tiểu đoàn 166
Tiểu đoàn Phòng không 531 (trực thuộc F)
Đại đoàn 316 - Mật danh: Biên Hòa
TL : Đại tá Lê Quảng Ba - CW : Chu Huy Mân - TMT : Vũ Lập
Trung đoàn 98 - TL : Vũ Lăng - Q.CW : Phạm Sinh
Tiểu đoàn 215 Dt Bùi Hữu Quán
Tiểu đoàn 439 Dt Hoàng Vương
Tiểu đoàn 938
Trung đoàn 174 - Trung đoàn Cao Bắc Lạng - Mật danh: Sóc Trăng - TL : Nguyễn Hữu An - TMT : Nguyễn Đức Y
Tiểu đoàn 249 Dt Vũ Đình Hòe
Tiểu đoàn 251 Dt Nguyễn Dũng Chi - CTV Dũng Hà
(At liên lạc Bế Văn Đàn hy sinh trong trận đánh Lai Châu)
Tiểu đoàn 255 Dt Nguyễn Đôn Tự
Trung đoàn 176
Tiểu đoàn 910 (từ đợt 3)
Tiểu đoàn 999 (từ đợt 3)
Tiểu đoàn 888 (từ đợt 2)
Tiểu đoàn Phòng không 536 (trực thuộc F)
Đại đoàn công pháo 351 - Mật danh: Long Châu
Q.TL : Đào Văn Trường - CW : Phạm Ngọc Mậu
Trung đoàn pháo binh 45 (105 mm) - Trung đoàn Tất Thắng - TL : Nguyễn Hữu Mỹ
Tiểu đoàn 632
Tiểu đoàn 954
Trung đoàn pháo binh 675 (75 mm) - Trung đoàn Anh Dũng - TL : Doãn Tuế
Tiểu đoàn 175
Tiểu đoàn 275 Dt … - CTV Hoàng Khoát (sau qua D224)
Trung đoàn công binh 151 - TL : Phạm Hoàng – CW : Trần Công Mân
Tiểu đoàn công binh 404 Dt Lê Văn Khánh
Tiểu đoàn công binh 444 Dt Ung Răng - CTV Nguyễn Giang
Và 2 tiểu đoàn công binh
Trực thuộc BCH Chiến dịch :
Trung đoàn pháo binh 237
Tiểu đoàn súng cối 413
Tiểu đoàn 224 hoả tiễn H6 (từ đợt 3) Dt Cao Sơn - CTV Hoàng Khoát
Tiểu đoàn ĐKZ 75mm (từ đợt 3)
Tiểu đoàn súng cối 83 (từ đợt 3)
Trung đoàn cao xạ 367 (thiếu) - TL : Lê Văn Tri – CW : Đoàn Phụng
Tiểu đoàn cao xạ 394 (37mm)
(Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện)
Tiểu đoàn cao xạ 383 (37mm)
Tiểu đoàn cao xạ 381 (từ đợt 2)
Tiểu đoàn cao xạ 396 (từ đợt 2) Dt Ngô Huy Biên
Toàn bộ :


Quân ta : ~ 500 quân / Tiểu đoàn
Quân số : ~ 56.000 người.
Kết cục : ~ 4.000 chết, 800 người mất tích, 9.000 bị thương
(có số liệu khác : ~ 10.000 chết)
Lực lượng hỗ trợ ngoài ĐBP : ~ 240.000 dân công (từ Khu 4, Liên khu 3, Viêt Bắc, Tây Bắc) với 628 xe tải LX, 21.000 xe đạp, 20.000 phương tiện khác

Lực lượng quân Pháp
TL Tập đoàn : Đại tá sau là thiếu tướng de Castries PTL Tập đoàn :
Trung tá Pierre Langlais thuộc Trung đoàn Kỵ binh bay số 2
PTL Tập đoàn :
Trung tá Lalande TL Trung đoàn Lê dương số 3 Binh đoàn cơ động số 6
PTL Tập đoàn : Trung tá Jules Gaucher TL bán Lữ đoàn Lê dương số 13 Binh đoàn cơ động số 9

PTL Tập đoàn, CH Pháo binh : Đại tá Piroth (tự sát), sau Thiếu tá
Jacques Geurin kiêm
TMT : Trung tá Keller (chết), sau là Va-đô
CH Không quân : Thiếu tá
Jacques Guerin
Cố vấn Mỹ : Thiếu tá Vaughn

Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 CH : Thiếu tá Maurice Guiraud
Tiểu đoàn dù Lê dương số 2 (tăng viện) CH :
Thiếu tá Hubert Liesenfeld
Tiểu đoàn dù Thuộc địa số 1 CH :
Đại úy Guy Bazin de Bazon
Tiểu đoàn dù Thuộc địa số 6 (tăng viện) CH :
Thiếu tá Marcel Bigeard
Tiểu đoàn dù Xung kích số 8 CH :
Thiếu tá Pierre Tourret
Tiểu đoàn 1 bán Lữ đoàn Lê dương số 13 CH : Thiếu tá de Brinon, sau là Thiếu tá Robert Cuotant
Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Lê dương số 2 CH : Thiếu tá Clemrre Tourret
Tiểu đoàn 3 bán Lữ đoàn Lê dương số 13 CH :
Thiếu tá Paul Pegot
Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Lê dương số 3
CH : Thiếu tá Henri Grand d’Esnon
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Angieri số 1 CH :
Đại úy Pierre Jeancenelle
Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Angieri số 3
Đại úy Jean Garandeau
Tiểu đoàn 5 Trung đoàn Angieri số 7 CH :
Thiếu tá Roland de Mecquenem
Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Maroc số 4 CH : Thiếu tá Jean Nicolas
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn dù Tiêm kích số 1 CH : Thiếu tá Jean Brechignac
Tiểu đoàn 2, trung đoàn nhẹ bộ binh dù số 1 (tăng viện)
Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (tăng viện) CH : Đại úy Botella
Tiểu đoàn ngụy Thái số 2 Thiếu tá Maurice Chenel
Tiểu đoàn ngụy Thái số 3 CH : Thiếu tá
Leopold Thimonnier
Trung đoàn (thiếu) pháo binh dù 35 (tăng viện)
Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Pháo Thuộc địa số 4 CH : Thiếu tá Guy Knecht
Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Pháo Thuộc địa số 10 CH : Thiếu tá Alliou
Tiểu đoàn công binh 31 CH : Thiếu tá Andre Sudrat, sau là Thiếu tá Maurice Durieux
Tiểu đoàn (thiếu) quân cảnh lê dương 3

Binh đoàn biệt kích cơ động Thái số 1
Các đơn vị trực thuộc :

1 Đại đội Thiết giáp nhẹ
3 Phi đội máy bay
2 Đại đội công binh
8 Đại đội pháo
4 Đại đội thông tin
6 Đại đội + 8 đội hỗ trợ khác


Toàn bộ :

Quân Pháp : ~ 750 quân / Tiểu đoàn
Quân số : ~ 20.000 người
Ngoài ra : Khoảng 3.000 cu-li và Lực lượng hỗ trợ từ bên ngoài ĐBP : ~120 máy bay vận tải và dân dụng, 168 máy bay ném bom
Kết cục : ~ 2.000 chết, ~ 1.700 mất tích, ~ 1.100 đào ngũ, ~ 5.200 bị thương, ~ 11.700 tù binh (bao gồm thương binh), gần 900 thương binh được phóng thích trong Chiến dịch
Ngoài ra : 21 phi công / thành viên tổ bay chết và 30 mất tích