Thanh Minh
PHẦN ĐẦU: TÔI ĐÃ TỪNG ĐI XUÔI SÔNG CỬU LONG GIANG
Thấy anh em viết chuyện tàu bè hay quá, tôi lại đâm ngứa ngáy , thôi thì cũng “góp” đôi chút cho vui. Tôi rất thích ca từ bài Tiểu đoàn 307 “ai đã từng đi qua sông CLG- CLG sóng trào nước xoáy…” nên xin được nhại theo lấy oai . Hồi 9 năm đánh Tây, quân ta mỗi lần “đi qua sông CLG” chắc chắn là cả sự kiện kiểu “bất đáo Trường Thành”, chứ giờ cưỡi “bắc” qua lại cả trăm lần cũng như không.
Thực ra tôi là dân xe, nhưng số phận đưa đẩy thế nào lại rớt bịch từ cabin xuống boong tàu, nhờ vậy hôm nay mới có chuyện để mà “trời- biển”, huyên thuyên với các bạn.
Tất nhiên trong số anh em mình có nhiều “sói biển và “rái cá sông” thấy tôi “múa rìu” thế này chắc họ cười cho thối mũi nhưng mà cái tình cảnh lúc ấy nó thế đấy các bạn ạ. “Lính bộ đánh thủy” tất nhiên là nó phải khác “lính thủy đáng bộ” rồi. Có những chuyện đã qua, giờ nghĩ lại trách nhiệm với hàng trăm tấn hàng mà tóc gáy dựng đứng cả lên.Thật đúng là điếc không sợ súng.
Thuỡ ban đầu
Thời ấy cuộc chiến Tây Nam đang hồi khốc liệt . Do yêu cầu vận chuyển hàng, khối lượng lớn cho bộ đội bên Miên , QK phải tổ chức gấp một tiểu đoàn tàu vận tải . Nói cho oai chứ “hạm đội” này chẳng nằm trong một chuẩn trang bị nào cả . Mô hình của “Thủy quân nhân dân” mà. Phương tiện nhắt nhạnh khắp nơi , yêu cầu “nổi” - “chứa’- “chạy” là được. Đây là bí mật QS giờ mới dám tiết lộ. Tiểu đoàn tôi có 3 chiếc tàu đổ bộ loại LCM-6 Và LCM-8 của Hải quân Mỹ xài từ Thế chiến thứ II sau giao cho ngụy. Loại tàu há mồm trên được lắp các cụm máy Gray Marin 671, một loại máy thủy rất hay, động cơ hai thì “đấu’ từng cặp ngược - xuôi vào chung hộp số và có đến 2 hệ trục chân vịt…. Rất tiếc là mấy cái tàu này hệ thống thủy lực đóng mở “mồm” đã bị hư nên chúng chỉ có thể “ngậm” mà không “há” được. Ngoài ra còn một số tàu kéo , tàu gỗ , ghe bầu nhỏ, máy móc đều cũ mèm , rệu rã và 2 “xà lan mù” 400 tấn( xà lan không tự hành), tất nhiên súng ống thì chả thiếu , 12ly 7 lắp trên tàu, đại liên trên mui ghe trông oai phong lẫm lẫm. Còn chuyện này nữa. tất cả các tàu đều được không trang bị vô tuyến nên việc hợp đồng trong đoàn và với chỉ huy đều rất khó khăn . Chạy trong nước lắm lúc phải lên bờ nhờ bưu điện đánh điện về nhà nên các tàu thường độc lập tác chiến và chỉ gặp nhau ở các cảng sông chính theo thỏa thuận ban đầu.
Chẳng phải tự nhiên mà tôi biết những từng từ chuyên môn như : lấp dò, xảm trét, dầu trong chai cục, ky lái, xiết baxetúc…của tàu gỗ rồi bơm lườn , bơm lacan của tàu sắt…cũng chui xuống hầm máy nóng hầm hập, tay chân be bét dầu mỡ như người lớn.
Hồi ấy, phải nói tôi thì biết tí quái gì về tàu bè. Thế mà lại phụ trách cả đòan đi , dưới tay có đến mấy ông thuyền trưởng. Việc chuyên môn chỉ còn biết “tin tưởng vào các đ/c”. Vào giai đoạn đó dân tình vượt biên rất ghê. Dám đoàn tàu chạy ra biển Đông, mình vẫn tưởng nó CPC trực chỉ không chừng?! Ấy là chuyện ngu ngơ thuở ban đầu, sau này nhờ nghề dạy nghề lại được vinh hạnh chơi với mấy anh viễn dương , các anh ấy đưa xuống tàu tham quan như KV, rủ đi nhậu nhẹt nhiều nên đầu óc cũng mở mang ra đôi chút. Hèn nào người ta hay dùng rượu để ngâm các loại củ, con để làm ra rượu thuốc, rượu này uống vào nó “dẫn thuốc” đi khắp cơ thể. Kiến thức cũng vậy, khi được “trộn” vào nước cồn trong các trận nhậu nó cũng “dẫn” lên đại não khiến người ta thông thái hơn chăng? Đây cũng là đề tài để các dược sĩ , bác sĩ Trỗi đầu tư nghiên cứu.
Về sau
Nói về mặt tổ chức có lẽ tôi là thằng có số phận long đong nhất, trôi dạt như cánh lục bình - từng là lính của cả ba Cục: CHC, Cục xây dựng kinh tế, Cục kỹ thuật Quân khu 7. Cho nên các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy tôi “dính” vào nhiều chuyện đến thế .
Sau khi rời khỏi CHC, hơn năm năm sau Quân khu sáp nhập Phòng tàu thuyền của Cục hậu cần vào Phòng quản lý xe (Cục kỹ thuật) của bọn tôi. Mà tôi trong trích ngang lại dính đến tàu bè như đã nói ở trên, nên “công chuyện” lại còn ly kỳ hơn nữa. Bởi trên đời làm gì có vụ đi sáp nhập tàu bè, trạm nguồn , ô tô, máy kéo mỗi ông có một đặc thù rất riêng vào chung một rọ? Mấy thằng trợ lý phen này chắc đầu óc tẩu hỏa cả đám thôi! Mỗi lần các Sếp dọc phiên hiệu đơn vị đến muốn lẹo cả lưỡi. Phòng ấy chính danh là “ Phòng Ôtô - Máy kéo – Tàu thuyền và Trạm nguồn điện”. Khá khen cho đầu óc “tổng hợp”của các Bọ! Để dễ nhớ phiên hiệu đơn vị mình, tôi mạnh dạn đề xuất: nên chăng đặt “tên giao dịch” của phòng mình là “Ô-Ma-Ta -Ngu”( Ô: ôtô; ma: máy kéo; ta: tàu thuyền; ngu : nguồn điện) cho gọn, lại hao hao giống Nhật nhưng “mấy ảnh” không duyệt vì có chữ “Ngu” phạm húy trong đó. Ấy là chuyện về sau. Giờ xin trở lại chuyến giang hành đầu tiên của tôi, từ cái thuở ban đầu hồi tôi còn ở Tiểu đoàn tàu bên CHC ấy. Có tuổi rồi. Mọi chuyện giờ cứ mờ mờ, ảo ảo bãng lãng như đám mù sương, quên thì nhiều mà nhớ chẳng bao nhiêu..
Để các bạn dễ hình dung tôi xin trích một số tư liệu ngoài về sông CửuLong :
Tư liệu
Sông CL chỉ là phấn cuối của MK khi chảy vào VN , tại,,, phân làm … sông Tiền và sông Hậu
Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220-250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.
Các con sông chính
Sông Hậu đoạn chảy qua tỉnh Hậu Giang
* Sông Hậu chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng (Sóc Trăng) và đổ ra biển trước kia bằng ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Tranh Đề, cửa Ba Thắc khoảng thập niên 1970 đã bị bồi lấp nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển ngày nay.
* Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa dòng, chảy qua Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang) thì chia làm bốn sông đổ ra biển bằng sáu cửa:
* Sông Mỹ Tho, chảy qua tỉnh lỵ tỉnh Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho và phía nam Gò Công, ra biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu qua đường sông Cửa Tiểu
* Sông Hàm Luông, chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông
* Sông Cổ Chiên, làm thành ranh giới tỉnh Bến Tre-Trà Vinh (tên cũ Vĩnh Bình), đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.
* Sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre (tên cũ Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai.Hiện nay,cửa Ba Lai đã bị hệ thống cống đập Ba Lai ngăn lại.Hệ thống này nằm trong dự án ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre.
Do chín cửa sông nguyên thủy này mà sông Mê Kông còn được gọi là sông Cửu Long, tức "sông chín rồng". Khoảng 90 triệu người dân có cuộc sống dựa vào con sông này.[cần dẫn nguồn](chỗ này có thể hiểu là 90 triệu người,bao gồm tất cả dân cư của các nước mà con sông Mê Kông chảy qua. Bao gồm cả Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam). Tôi vừa đọc trên mạng, dòng sông này đang lâm nguy bởi hàng loạt các đập chặn nước trên thượng nguồn...
Chuyến đi đầu tiên của tôi
Như các bạn đã biết, lúc này vào đầu những năm 80, tình hình bên Miên khá phức tạp. Sau chiến thắng như chẻ tre của ta buổi đầu, bọn Ponpot được sự giúp sức, hà hơi của các thế lực bên ngoài đã tổ chức được một số cum căn cứ dọc biên giới Miên - Thái. Bên trong, chúng chơi trò quấy rối du kích rất khó chịu, bộ đội ta bị dàn mỏng khắp nơi. Về quân sự, địa bàn CPC được phân cho các quân khu, quân đoàn đảm nhiệm. Mặt trận 779( QK7); MT 479 (Bộ); MT 579 (QK5) ; MT 979(QK9)…Chắc các bạn đã đóan được ý nghĩa cái đuôi “79” phía sau?
Khác với ý định ban đầu. Ta chủ trương giúp bạn giải phóng đất nước, củng cố chính quyền bạn đủ mạnh rồi nhanh chóng rút về, không ngờ lại bị lún lầy mất cả chục năm. Chúng ta bị cô lập, bao vây cấm vận tứ bề …Đất nước đang trải qua những ngày khó khăn nhất. Đó là một câu chuyện dài. Một đề tài quá lớn. Chỉ trách sao nhiều người quá mau quên lịch sử !
Tôi xin được “né” đề tài này …Chính vì vậy các bạn sẽ thấy Bài viết của tôi có phần lạc lõng trong bối cảnh chung đó. Ae chắc sẽ thông cảm cho tôi, chẳng qua tôi chỉ muốn mượn con tàu kể vài mẩu chuyện vui vui một thời sông nước….một chút gì đó về dòng sông - đất nước- con người.
...Lần ấy, vừa nhận lệnh đi K(Campuchia), bọn tôi lao vào công tác chuẩn bị. Xe bồn chạy xuống nạp nhiên liệu vào các tàu. Trên bến khói lửa nghi ngút để nấu mấy phuy dầu rái. Vụ này các anh viễn dương chưa chắc đã rành bằng tôi. Đối với tàu bè vỏ gỗ người ta thường phải xảm trét để bảo quản và chống thấm cho vỏ tàu. Tất nhiên để làm được chuyện này cần phải đưa ghe, tàu lên cạn. Các khe, rãnh của vỏ được làn vệ sinh sạch sẽ rồi dùng các thứ xơ, sợi ( tốt nhất là vỏ bào từ thân cây tre ra) tẩm dầu rái, đóng nêm thật chặt rồi quét lên toàn bộ vỏ một lớp dầu này. Ngày trước đi săn trong rừng tôi thường gặp những cây dầu thân bị đục cái bộng khá to, người ta đốt vào cái bộng đó để kích thích, sau một tuần cây sẽ chảy nhựa ra thứ “dầu rái” nói trên…
Đoàn tàu chúng tôi sau khi nhận hàng tại bến đầu cầu SG bắt đầu đi theo các kênh lớn trong nội thành rồi từ từ nhập vào sông lớn các tỉnh Miền tây. Mình chẳng biết mô tê gì, sông ngòi cũng lắm ngõ rẽ như đường phố, ban đêm lắm lúc tối mò, nhìn đèn hành trình chỉ để khỏi đụng nhau. Đèn pha chẳng ăn nhằm gì, thế mà các chú vẫn chạy thút nút chắc là do đã quen luồng. Thường các tàu chỉ chạy ban ngày, đêm nghỉ để đảm bảo an toàn, trừ trường hợp khẩn cấp.
Tàu cứ rì rì chạy, trời nước mênh mang, gió sông lồng lộng nhưng buổi trưa thì nóng phải biết, chả biết chui vào đâu, có lúc tôi phải ra đuôi tàu dội mấy thùng nước vào người. Chiều về mới là lúc dễ chịu. Về sau tôi mới biết, qua xà lan vào ca bin mắc võng nằm là sướng nhất, vì nó cách xa tàu kéo nên không bị ồn vì tiếng máy, chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp bên mạn mà thôi. Cậu y tá của đoàn, dân Thái Bình sau mấy ngày lênh đênh chẳng được cập bờ, ngao ngán phát biểu: “MN mình dễ đến 2/3 là nước ấy nhỉ?”, trong mắt anh ta chỉ thấy toàn sông nước, đi hoài không thấy hết - dòng sông bất tận!
Đời lính thì nhiều chuyện sướng, khổ đan xen và một trong những cái sướng ấy là được ngồi nhậu trên con tàu đang chạy trong ánh hoàng hôn. Trước hôm đi, tôi thấy mấy chú lính thậm thụt xách dăm cái can 20 lít xuống tàu, hóa ra toàn đế cả. Thực ra nói là nhậu cũng không hẳn vì đó chỉ là ăn cơm, nhưng mà là ăn cơm với… mấy lít đế. Mỗi tàu có khoảng năm, sáu người vừa đủ một mâm, lại trang bị bếp dầu như bếp gia đình. Bữa đầu thấy anh em lui húi nấu nướng, mình cũng tưởng cơm bình dân như ở nhà, nhưng không ngờ lại là nồi thịt kho tàu tú hụ chưa kể các thứ khác.
* Này, các bố chén thế này thì mấy ngày tới ăn lương khô à? Tiền ăn mang theo có được mấy đồng? Tôi hoảng quá!
Cánh lính giương mắt nhìn tôi như thể gặp “người hành tinh”, kèm theo nụ cười bí hiểm của nàng Lagiôcông làm mình càng thêm khó hiểu.
Sáng sau, tàu khởi hành sớm. Nước Cửu Long mùa này cuồn cuộn đổ về, dòng sông rộng mênh mông, xa xa hai bên bờ dừa nước, bần, đước mọc xanh um, tàu ghe của dân ngược dòng rất vất vả, có cả những chiếc xuồng nhỏ phải chèo tay nhìn mong manh, nhỏ nhoi như chiếc lá tre giữa dòng nước xiết. Bà con đưa tay vẫy vẫy nhờ kéo giúp , bọn tôi thả xuống mấy sợi dây cho họ buộc ghe vào. Đến gần chợ họ thả dây ra không quên buộc vào đấy cặp gà , trái bí, nải chuối…thôi thì đủ cả, tức là họ chở cái gì thì họ cho mình cái đó. À ra thế! Nụ cười bí ần của Lagiôcông đã được giải mã. Tình quân dân cá nước đẹp đẽ lạ thường! Kể từ phút đó đám lính cứ hấm háy, xầm xì, bởi cứ chừng 15 phút lại thấy tôi đưa ống nhòm quét khắp mặt sông. - Các chú “ tầm nhìn hạn hẹp” biết cái đếch gì. Lỡ có chiếc ghe nào đấy chở heo, chở bò họ “vẫy vẫy” thì sao?
Tàu đi vào vùng chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) và neo lại để đi chợ. Chợ nổi cũng là nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước miền Tây. Trên đoạn sông này có hàng trăm ghe, thuyền tụ lại với đủ thứ nông sản, trái cây từ miệt vườn khắp nơi về họp chợ, tạo nên không khí mua bán rất sầm uất. Nhiều chiếc ghe bầu lớn họ đưa cả gia đình lên sống trên đó, các bà, các chị diện đồ bộ xanh đỏ nói cười vui vẻ, trẻ con khóc í óe, trên ghe nuôi cả chó mèo, đuôi ghe còn có bếp lát gạch men, chậu cây kiểng... Tiếng máy tàu bè rộn rã trên sông, các xuồng nhỏ luồn lách nhanh thoăn thoắt cung cấp dịch vụ cafe , ăn uống tới tận nơi. Không như chợ trên bờ, chợ nổi rất sạch sẽ, không khí trong lành vì rác thải tống thẳng xuống sông bị nước cuốn đi ngay. Ở đây ngươi bán không rao bán, chèo kéo mua hàng như trên bờ vì bạn làm sao co thể áp mạn vào từng ghe để xem sản phẩm được? Họ dùng cây sào cắm vào mũi ghe, xuồng để treo các sản vật lên cao gọi là “ treo bẹo” nhìn xa giống như “rừng” ăngten ở các khu phố cũ ngày xưa. Họ “bẹo” lên đủ các thứ rau, củ rất vui mắt mà có lần AMK3 đã kể với chúng ta . Thường chợ chỉ họp từ sáng sớm tới tầm 8-9 giờ là vãn. Lính mình tiền nong chả có, mua thì ít , tán thì nhiều, bí quá thì xin họ cũng cho, gì chứ chứ khoản rau rác có bao nhiêu (nghĩ lại thương mấy anh hải quân như Đạt bột chẳng có lấy cọng rau ăn).
Rời Cần Thơ tàu tiếp tục chạy tới Long Xuyên , Đến chiều tối, chúng tôi buộc tàu vào phao neo giữa ngã ba sông . Cái phao này lớn lắm, được neo xuống đáy lòng sông làm phao nổi cho các tàu neo đậu. Trên mặt phao có một cái móc sắt đường kính lớn hơn cổ tay để các tàu buộc cáp vào, cái móc này, có chỗ bị mòn chỉ còn bằng ngón chân cái .
Tàu vừa buộc dây xong thì từ trong bờ, cả chục chiếc xuồng nhỏ gắn máy đuôi tôm vun vút phóng ra, họ kẹp cần lái vào giũa hai chân đứng lái, động tác điêu luyện như kỵ sĩ kẹp vào cổ ngựa. Các xuồng áp mạn rất nhanh vào tàu. Họ quăng dây buộc vào cọc bích rồi nhảy ào lên tàu, ghê quá,“ Dân ta gan dạ anh hùng” chả ngán gì mấy anh nhà binh cả. Họ chỉ chỏ, trả giá tứ tung gạ mua bất cứ thứ gì nằm trong tầm mắt, chỉ có súng máy và đạn là họ chê không thèm hỏi. Anh em cho biết hội này rất ẩu, sơ ý là mất đường ống, dây buộc ngay. Sau phút ồn ào ban đầu, không khí lắng dịu trở lại, họ trở nên thân thiện và vui vẻ, chuyện trò thật cởi mở với chúng tôi:
-Tụi em sống bằng nghề này lâu lắm rồi, cũng là cái nghiệp ông già để lại thôi.
* Nghề gì? Tôi hỏi.
* À, nghề của tụi em là “mua tất cả và bán tất cà ” ! Tụi em sống nhờ cái phao này. Anh thấy đó, cái móc buộc cáp của phao cứ mòn gần đứt là tụi em phải mướn thợ hàn hàn lại ngay không thì đói, chờ tới “ông nhà nước” biết tới chừng nào?
* Đoạn hắn khua tay chỉ ba chiếc xuồng đen bóng – Mấy thằng này, bạn em chuyên mua dầu máy đấy….
Trời dần tối, ở đây cũng xôm tụ như chợ Cái Răng về khoản dịch vụ nhưng mà là dịch vụ thâu đêm. Chị em ngồi tựa lưng vào miếng đỡ sau đuôi xuồng, dạng chân tỉnh queo chèo xuồng rất điệu nghệ, mỗi xuồng là một ngọn đèn bão như hội hoa đăng. Họ rao bán từ trứng vịt lộn ủ trong trấu nóng cho đến cháo gà, chè, hủ tíu, bánh canh …ai thích nhậu thì cũng có thể lai rai ba xị. Tôi liếc mắt qua mạn tàu, dưới sông, trên chiếc xuồng ba lá dập dềnh, hai “ông” lính nhà mình đang ngồi húp cháo. Chả biết các chú nói chuyện gì mà cô chủ cứ cười tít mắt quên cả mua bán. Mình thật khó diễn tả thành lời, trong cái lam lũ vất vả mưu sinh vẫn có nét gì hồn hậu, gần gũi, ấm cúng, dân dã của cộng đồng – thấm đẫm hương nồng phù sa vùng châu thổ.
Sau khi cắt gác, bọn tôi chui vào khoang ngủ. Trăng sáng vằng vặc, cả dòng sông như dát bạc, cánh giang hồ ngồi túm tụm trên mặt boong. Phải nói cả đời tôi chưa bao giờ tôi được nghe dân giang hồ nói phét suốt đêm hay đến thế. Chẳng lẽ đây cũng là một loại “hình nghệ thuật” văn hóa vùng sông nước? Bộ đội mình cứ bịt miệng, dúi đầu vào mền cười khùng khục sợ chúng mất hứng, nước mắt nước mũi dàn dụa. Giỡn chán, mấy anh bạn mình nhẩy lên xuồng phi mất dạng.
Trong giấc ngủ tôi vẫn bị ám ảnh bởi chuyện của ông bà già xưa: thời Tây ta có từ “bối” để chỉ đám “thủy tặc“ chuyên ăn trộm trên sông. Hồi đó, trừ đám thương hồ, dân chạy ghe cũng nghèo, nhiều lúc bối không “chôm” được gì đành gom mấy cái dầm chèo …sáng ra chủ ghe chỉ còn biết kêu trời, thả mấy đồng bạc vào cái nồi buộc dây đẩy vào bờ để chuộc lại . Mánh này liệu có giống mấy anh cướp biển SoMaLi ?!
Sáng ra, anh em kiểm tra lại đồ lề, hàng hóa vẫn nguyên vẹn cà. Thế ra mình đã mắc bệnh đa nghi!
Tàu tiếp tục chạy về hướng thị xã Tân Châu. Tại ngả ba sông Hậu và sông Tân Châu (thật ra đây là một con kinh đào để nối liền và chia nước giữa sông Tiền và sông Hậu) có tên là Vàm Nao* nơi cư ngụ của loài cá Hô nổi tiếng … Rời sông Hậu theo sông kinh đào Tân Châu (còn gọi là sông Vàm Nao), bạn sẽ nhận ra một con sông thẳng tắp rộng hàng trăm mét. Vùng này ngày xưa hai bên bờ là những làng nuôi cá bè đông đúc nổi tiếng nhưng vào giai đoạn ấy còn rất ít, kinh tế suy sụp chằng mấy ai kham nổi nghề này. Chỉ khi rẽ vào sông Tiền bạn mới cảm hết mức độ rộng lớn của dòng Mekong vĩ đại. Anh em cho biết lòng sông ở đây tuy rất rộng và sâu, nhưng có nhiều bãi bồi nên tàu dễ mắc cạn nếu không biết luồng lạch. Tàu chạy tới đây trời đất bỗng tối sầm, cơn giông ập tới, sấm chớp ầm ầm, mưa tuôn như bão. Nhìn ra sông chỉ thấy toàn sóng nước mịt mù. Trong ca bin nước dột tứ tung, quân ta lo ngay ngáy cho số hàng chuyên chở. Tàu bè hồi ấy nát quá, chẳng có kinh phí sữa chữa, chỗ nào rò rỉ lại mướn thợ hàn đến chấm cho mấy nhát...
Từ đây, ngược sông Tiền chúng tôi đến cửa khẩu Vĩnh Xương để qua đất bạn...Con tàu vẫn đi và đi, chuyến giang hành vẫn còn đang phía trước.
Phần cuối : NGƯỢC MÊ KÔNG
* Theo Vương Hồng Sển: Vàm do chữ Pàm hay Péam của Khmer biến ra. Péam là cửa biển, cửa sông. (Tự vị tiếng Việt miền Nam, NXB Trẻ, tr. 626). Thực tế, vàm (Prêk) còn để chỉ nơi sông nhỏ, rạch nhỏ giao nhau với sông lớn (như ở An Giang có: Vàm Chắc Cà Đao, Vàm Cống, Vàm Ông Chưởng...) hoặc với biển lớn (như ở Kiên Giang có Vàm Răng, Vàm Rầy...)
Đây là nơi giao nhau duy nhứt giữa sông Hậu và sông Tiền, có rất nhiều cá Hô .Sông Vàm Nao dài 6,5 km , rộng bình quân 700m, độ sâu trên 17m, một bờ thuộc xã Kiến An (huyện Chợ Mới), một bờ thuộc xã Tân Trung (huyện Phú Tân), chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam nối liền sông Tiền với sông Hậu. Đây là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tương truyền, thuở xa xưa, nguyên sông này là con đường của những đàn voi và trâu rừng đi, lâu ngày thành con rạch nhỏ, rồi dần dần bị áp lực của hai sông Tiền Giang và Hậu Giang chảy xiết, mà thành một con sông rộng lớn ngày nay.
Và sở dĩ có tên Hồi Oa (nước xoáy tròn) hay Vàm Nao, với nghĩa "nao núng, nao lòng", là vì hàng năm vào khoảng tháng 8 cho đến tháng 11 âm lịch (cư dân miền Tây Nam Bộ gọi là mùa nước nổi), nước sông đỏ ngầu từ thượng nguồn, theo hai nhánh sông Tiền, sông Hậu cùng cuồn cuộn đổ về, rồi giao nhau nên xoáy tròn như thác lũ... Do đó, người chưa quen cách chèo lái khi qua khúc sông này, thường sợ hãi vì rất dễ đắm thuyển.