Thứ Sáu, tháng 7 31, 2015

Hóng...

Sáng muộn, hơn 9h, mới lôi xe đạp ra đi. Định đạp về cà phê Ng.Bỉnh Khiêm để hóng. Chả là ngày hôm qua đọc trên FB có chuyện "Xuân Diệu mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây" với "Sóng Hồng nói vậy là tâm hồn treo ngược cành cây".
Ngày xưa học Văn chỉ biết các quan điểm đối lập "vị nhân sinh" hay "vị nghệ thuật" của các tiền bối. Nay đám bạn mình nó cũng "vị" hao hao, đến hóng mong nhờ bạn mà hàn lỗ thủng kiến thức mấy mươi năm trước học tiền bối đến giờ vẫn chưa... thủng :-)
Đến được nơi thì quán đóng, chả có ma nào ngồi, cả ông "Xuân Diệu" lẫn ông "Sóng Hồng"; cũng không bất ngờ vì đã chuẩn bị trước tinh thần hóng chỉ là đại tiện, thực chất vẫn là đạp xe dưỡng sinh.
Ghé nhà Vũ Hùng, chuyến trước lâu có lẽ từ Tết? Dạo này cậu ít phải đi việc Hội Người Khuyết Tật. Cũng phải, để cho các bạn trẻ hơn làm.
Trông VH thon gọn hơn trước; khen thế thì cậu nói không cân nên không biết, nhưng có giảm ăn dăm bẩy tháng. Nghe vậy thì biết vậy, mừng bạn giảm cân đỡ nặng cho đôi chân yếu.
Ấy mà lúc cô Hương về, nói chuyện giảm cân gọn ghẽ của cậu, mới biết "mấy tháng nay em không cho ăn sáng, nào xôi ư, bánh cuốn ư, phở ư,... cắt hết. Bắt uống Herbalife mấy tháng rồi".
Hèn nào, trông được lắm đấy, không nặng nề lủng bủng như trước. Chả phải nói tốt gì cho chuyện hàng... đa cấp, cứ như này là được.
Không hóng được chuyện "vị linh tinh" thì hóng được chuyện thực phẩm chức năng. Mà chuyện mấy ông xưa cũng chẳng phải đấu tranh với nhau, một ông thì cứ rắc thơ thẩn bướm với hoa, còn ông kia làm thơ mượn giọng, nhại, để làm... binh vận. Buồn cười thế chứ.

GIAOBANCAFE

Thân mời các bạn tới GB Cafe tại địa điểm :

- Đ/c:  45 Đinh Công Tráng, Q1, tp HCM (  Đối diện nhà thờ Hai Bà Trưng).
- Thời gian : Sáng chủ nhật 2
/ 8/ 2015.
*GC:
Có chỗ đỗ xe hơi ,bình bịch
Trung Liêm

Thứ Sáu, tháng 7 24, 2015

Ra đảo Cô Tô

Đi đã nhiều nơi, đảo Cô Tô mới có điện trở thành đích đến của lũ bạn ham đi. Sau 1 tuần lỡ chuyến đi do chuẩn bị không cẩn thận và lo bị "chặt chém" như nhiều bạn đã chia sẻ trên mạng, đầu tuần này đoàn quyết lên đường. Đặt sẵn hầu như mọi thứ, các bác chọn con tàu to và nhanh để đi. Con tàu đi trong vịnh rất êm và thơ mộng.

Tàu kín và mát lạnh điều hòa, nhưng chỉ thấy 1 cửa ra vào, chờ nhau ra hết chừng 15'. Đó sẽ là đièu khó tưởng tượng khi không may tàu chìm xuống nước dù có rất sẵn áo phao ngay bên cạnh ghế. Qua cửa Đọi, tàu bắt đầu ra khơi "đạp sóng dữ" lao lên, nhào xuống, nghiêng bên này, đổ bên kia, lũ bạn lúc này mới nghĩ đến không biết bao nhiêu độ là giới hạn ... nghiêng. Không dừng ở đó, nó còn lao thẳng lên sóng và rới tự do xuống "rầm" một tiếng "đắng lòng". Sóng trùm lên hầu hết các cửa sổ nên ... không có ảnh.
Cô Tô đẹp thanh bình như nhiều con phố thị trấn bình yên.
Cầu cảng khá dài.
Bãi Móng Rồng phía nam đảo thì lởm chởm đá, sóng vỗ tung bọt cao cả chục mét. Có lỡ đến thì chỉ chụp ảnh.
Có bạn cũng liều tắm, nhưng liều ... đúng nghĩa.
Ngoài bãi tắm chính của đảo quay về phía tàu đất liền ra khá đẹp, có con đường chạy ven bờ rất thơ mộng với cái tên cũng nên thơ "Bãi Tình yêu". Tuy nhiên ở đây sóng gió khá dữ, hợp với những ai thích sóng
... và ngắm hoàng hôn.
Bai Hồng Vân phía đông đảo ít thấy các bạn đến tắm, chỉ là bến tàu qua đảo Thanh Lâm. Bãi tắm Bắc Vàn khá đẹp, nơi có thể đi tàu qua đảo Cô Tô con biển lạng, thơ mộng, hoang sơ.
Bãi này khá xa trung tâm thị trấn nên cũng vắng người đến tắm. Bãi Vạn Chảy cùng phía tây, sóng lớn, nơi đưa điện lên đảo lại khá tấp nập các bạn trẻ thích khám phá. Bãi nhỏ hơn bãi Tình yêu, không đẹp bắng nhưng có thêm bãi đá. Người dân Cô Tô phần nhiều người từ Thái Bình, Nam Định hoặc Hà Tĩnh chuyển ra vài chục năm gần đây. Còn trước đây rất ít dân, một phần là người TQ đã đi khỏi trước chiến tranh biên giới năm 1979.
Dù không muốn đi tàu nữa thì vẫn phải về. Niềm vui hiện rõ khi tàu cập đất liền. Có chuyến đi sóng gió, bọn mình mới thấu hiểu cái "vững chãi" của đất liền.

Chủ Nhật, tháng 7 19, 2015

Sống chậm

Nghĩ cho cùng cuộc sống mà không trong những nghịch lý thì hình như không đẹp :-)
Nghỉ hưu rồi, bảo với nhau là không còn bao nhiêu thời gian cần gì làm ngay kẻo không kịp. Cứ ngỡ là phải sống gấp. Hoá ra có nhiều việc có muốn cũng chả làm được, lực bất tòng tâm. Thôi thì phát tiết ra được cái gì thì ra, thơ ca nhạc hoạ chẳng hạn :-D
Cũng may hôm nay mát giời, 10h mới lôi xe ra đạp một vòng cho đỡ buồn, cũng là dịp đi chui lủi những đường chưa xong xem người ta làm gì đến đâu rồi.
Đoạn Võ Chí Công từ ngã tư với Xuân La về Bưởi chưa thông xe nhưng đã làm được khá. Hết đoạn có thể đi thoải mái, rẽ ra Lạc Long Quân thì đã tới gần Bưởi, khu nhà Văn hoá của Phường Bưởi thì phải.
Đến Bưởi lại rẽ xuống cái ngõ thông sang Hoàng Quốc Việt, đoạn này cắt qua đầu đường Võ Chí Công sẽ bắt vào Bưởi với cầu vượt đầu Hoàng Quốc Việt. Làm đoạn này phải di dời cả một phần lớn làng Bưởi cổ(?). Cây đa đầu làng với cái cổng sẽ được giữ lại giữa đường, hai chiều đường đi hai bên.
Không biết có "điềm" đại thụ gì không mà đường Võ Chí Công có tới hai cây đa ngự trên giải phân cách. Một là cây ở đầu Bưởi này. Và cây thứ hai ở đoạn giữa Xuân La và Nguyễn Hoàng Tôn. Bên kia đường là một chung cư cao tầng mà tầng dưới được ACB thuê, có máy ATM rất tiện rút tiền (nếu có).
Đoạn Nguyễn Hoàng Tôn mới giải toả để mở rộng đường mươi ngày trước, nay đang được làm phần nền và ngầm, chắc cuối tuần này cũng xong thôi.
Chuyến đạp xe lòng vòng tiếng rưỡi đồng hồ mà chưa bằng một giờ đi tập, 18km so với hơn 20km.
Chắc chắn là không thể nhanh bằng đạp "dưỡng sinh", nhưng mà cũng tốn một khoản thời gian cho bữa phở tình cờ đi qua đúng lúc có cảm giác sắp hạ đường huyết; mà đúng là tình cờ, về nhà xem lại thì quán phở được tự giới thiệu trên bảng tên là "phở... Lý Quốc Sư chuyển về".
Phở này hồi lâu lắm đã dắt HH tới ăn, khi nó đã chuyển về gần Tràng Thi. Bây giờ cảm tình với phở cũng không mặn mà như trước, ăn hết bát 50K đã cảm thấy hơi nhiều thì phải.
Buổi chiều cháu Bằng con chị Niệm đến đưa giấy mời tiệc cưới, Chủ Nhật sau, đi dự, ngoài phần quen biết, còn là tham gia vào hoạt động ngoại giao nhân dân :-)

Thứ Sáu, tháng 7 17, 2015

Bệnh ung thư và phép biện chứng. P3 – Thợ điện tử bàn về Y học.

1.Về mặt lý thuyết.

Cơ thể con người thay đổi từng phút, từng giây, gồm hàng loạt tế bào cũ chết đi và hàng loạt tế bào mới thay thế, do vậy mới có câu “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Mã di truyền (ARN) trong gien quyết định việc tế bào “con” sẽ giống hệt tế bào “mẹ”. Nếu ARN có sai sót thì cơ thể sẽ sinh ra tế bào “con” khác với tế bào “mẹ”. Càng có nhiều ARN sai sót thì sẽ càng có nhiều tế bào lạ này. Loài người, do vậy, song song tiến hóa cùng với chúng, kiểu như bệnh tham nhũng, cửa quyền trong xã hội vậy. Phải chăng ai ai cũng đang bị ung thư từ rất rất nhẹ tới rất rất nặng.

Người cao tuổi (cơ thể đã lú lẫn) sẽ sản sinh ra nhiều tế bào lạ (do sự sai sót không ngừng gia tăng của ARN) hơn so với người trẻ tuổi.

Nếu tế bào lạ ít thì bạch cầu sẽ dọn, nhưng nếu chúng quá nhiều, thì cơ thể vây chúng lại trong các bọc gọi là “khối u”, giống như đổ bê tông nhà máy điện hạt nhân Chéc-nô-bưn (sau khi bị sự cố) vậy. Vậy cắt bỏ khối u là tốt hay xấu cho cơ thể – ý tôi muốn hỏi là nếu ném bom hủy diệt Chéc-nô-bưn thì tốt hay xấu cho các vùng lân cận?

Và thật đáng tiếc, cơ thể chỉ có thể “vô bọc” các “binh đoàn tế bào lạ” thôi, chứ cỡ “trung đội” thì hắn “ba cùng” trong dân, biết mô mà kiếm.

Các sự việc trên được tóm tắt bằng một từ mà chỉ riêng bản thân từ này cũng đã có thể giết người: “Ung thư”, “K (can-xe)” hay “kết thúc”.

Ngoài ra, tại thời điểm xét nghiệm bất kì, nếu số lượng tế bào lạ ít thì thiết bị xét nghiệm sẽ “không thấy” và bác sỹ sẽ nói “âm tính, chúc mừng anh”, nếu nhiều thì thiết bị sẽ “nhìn thấy” và bác sỹ nói “anh bị ung thư”.

2.Những kẻ không đi theo lối mòn.

Anh bạn cùng cơ quan tôi bị ung thư, được cụ giáo sư hàng số một của ta (xin không nêu tên) chữa trị. Đi theo cụ là bác sỹ nguyên học trò của cụ. Cụ nói ảnh bị ung thư “dạng phổ thông” và sẽ điều trị theo TĐCD-2 và TĐCD-3. Bác sỹ học trò bẩm, có nhẽ đây không phải là ung thư, mà là một “cơ thể không hoàn chỉnh” kí sinh trong cơ thể con bệnh, vậy xin cụ không trị theo Tiên đề mà dùng mẹo “cắt nguồn nước, lương thực và khí đốt của phe ly khai”. Cụ trừng mắt nạt và gã học trò lập cập trở về với Tiên đề. Ba tháng sau, gần chục huân chương Giải phóng, Chiến công, huy hiệu 30 năm tuổi đảng, cùng họ tên bạn tôi, đã được ghi nhận trong điếu văn của cơ quan. 

Hơn hai chục năm gần đây, có nhiều bác sỹ, như Morishita (người Nhật), Hoàng Xuân Ba (Nga–Việt), John Hopkins (Mỹ), … đã đưa ra các lý thuyết trái với Tiên đề, thậm chí Morishita còn gọi Tiên đề là cái thứ “lý–thuyết–bị–ung–thư”. Họ nói xài Tiên đề chỉ đem lại tác dụng là làm con bệnh mau chết. Họ không sợ lính tam phủ.

Mỗi người trong họ đưa ra một (xem mục dưới đây) lý thuyết mới về thế giới (vô tận) của ung thư. Nguyên tắc điều trị của họ, là nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân, là “cắt nguồn nước, lương thực và khí đốt của phe ly khai”, là… Thủ đoạn của họ đơn giản, dễ thực hiện nhưng ngược với Tiên đề. 

3.Có bao nhiêu loại ung thư.

Qua các công trình tìm hiểu về ADN của các tế bào khối u (tumor cells), các nhà cách mạng trong Y học đã phát hiện ra nhiều loại gien mà trước đây không ai ngờ là có quan hệ “biểu lý” tới ung thư. Chỉ tính riêng trong một “họ gien” lấy từ u vú, u dạ dày, u ruột già và các u “thông thuờng” khác, họ đã phát hiện ra hơn một ngàn loại đột biến (mutation) khác nhau. Mike Stratton (người Anh) nói: Đã có đủ bằng chứng là có khoảng 100 loại gien “ung thư mới” đã được phát hiện. Trong  số chúng đã có 120 driver (đột biến áp chế) tham gia trực tiếp vào sự phát triển của ung thư. Các driver này bắt các tế bào bình thuờng ngưng hoạt động và thúc đẩy các tế bào này trở thành các tế bào không bình thường.

4. Sự lú lẫn của người cao tuổi, hay: Sợ mất vía.

Tuổi càng cao thì sự “lú lẫn” của cơ thể càng tăng, sẽ dẫn tới càng có nhiều ARN sai sót, tức sẽ càng có nhiều tế bào lạ. Olivia Okereke (người Mỹ) nói: Phân tử tеlomer là những protein “chốt chặn” ở đầu các nhiễm sắc thể. Nó bảo vệ các ARN tại thời điểm phân chia tế bào. Nó là chất đánh dấu sự lão hóa của tế bào và sự lão hóa sinh học (của cơ thể). Người trung niên nếu luôn luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo buồn, sợ hãi nào đó thì các telomer của họ sẽ bị cụt (ngắn lại). Tеlomer ngắn lại thì xuất hiện nguy cơ suy giảm trí tuệ, mắc bệnh tim mạch, ung thư,…

Người xưa nói, mỗi lần sợ sẽ bị mất đi 1 vía (“sợ mất vía”). Đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, mất hết vía là về chầu giời, hèn gì đàn bà ít chết hơn đàn ông. “Vía” là “tеlomer” chăng? Hi hi, “sợ mất telomer”.

Mấy ổng còn nói nhiều lắm, nhưng … nó đã vượt quá khả năng nhận thức của tôi – anh thợ điện tử.

Thay cho lời kết. Cuối cùng, tôi nhủ với mình rằng, chớ tự giam mình trong xà lim án chém, còn nếu rủi bị lính tam phủ nhốt vô trỏng thì hãy bắt chước Lý Tự Trọng huýt sáo bài “nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay miềng”. 

Thứ Năm, tháng 7 16, 2015

Bệnh ung thư và phép biện chứng. P2 – Do yêu cầu tác chiến gấp

1.Tuy chưa biết rõ địch nhưng do yêu cầu tác chiến gấp

Ví dụ bệnh gan siêu vi. Ngành Y chia “Binh chủng” này thành 3 lữ đoàn: Lữ siêu vi A, lữ siêu vi B. Hai lữ này ngành Y đã hiểu rõ, còn lại trên hai chục (nghe nói bây giờ là ba chục) sắc lính và họ mới chỉ phân loại được sáu, bảy, nhưng do yêu cầu tác chiến gấp, nên gom vô một rọ gọi là lữ siêu vi C – lữ Bộ binh hỗn hợp, và vì vậy chỉ có thể kiểm soát lý lữ C theo lối mò ốc, thử nghiệm. Không biết “Binh chủng ung thư” có mấy lữ đoàn nhỉ. Theo phản ảnh của quần chúng thì “Binh chủng ta” cũng có rọ, mà là rọ càn khôn.

2.(một ví dụ) Phẫu thuật là một biện pháp rất quen thuộc.

Cho tới tận đầu TK20, Y học châu Âu vẫn hoảng loạn trước nhiều căn bệnh truyền nhiễm. Cứ làng xóm nào bùng nổ dịch bệnh và Nhà nước bí cờ, thì họ đưa lính tới vây kín làng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Người, động vật nào tính vượt vòng vây lập tức bị ăn cả chục phát đạn súng trường 7,9 li. Lính cứ vây hãm cho tới khi trong làng không còn một biểu hiện nào của sự sống, hoặc (rất hiếm) khi số dân cư còn lại trong làng tự dưng lăn ra khỏi bệnh. Sau năm 1905, đại liên Macxim 7,62 li được tham gia xử trí dịch bệnh.

Cho tới gần đây, phẫu thuật vẫn là biện pháp rất quen thuộc đối với nhiều loại bệnh – cứ thấy nguy là đè ra cắt bỏ, với lý luận: Thà cắt béng cái của nợ đó đi, còn hơn để bị hoại tử, hoại tử chắc chắn dẫn tới cái chết.

3.Tàn sát và không còn gì khác ngoài tàn sát.

Cơ thể con người ví như một quốc gia, bệnh ung thư ví như có tỉnh, thành phố trực thuộc TW tạo phản, đòi ly khai. Quốc gia điều binh lính (bạch cầu) tới nhưng bị phe ly khai đánh cho thua to. Bí cờ, giáo sư (cây đa, cây đề) bèn xài ba thủ đoạn chiến dịch (TĐCD) tàn sát tỉnh, thành phố nọ:
TĐCD -1/ Dùng vài sư đoàn, tăng cường B-52 và tên lửa Tô-ma-hốc, giết sạch (tức phẫu thuật: cắt phăng khối u),
TĐCD -2/ Rải chất độc màu da cam nhiều đợt trên diện rộng (hóa trị),
TĐCD -3/ ném bom nguyên tử (xạ trị), tạo ra (tối đa) 12 vụ Hirosima.

Chiến dịch chấm dứt sau một năm hoặc có khi chỉ một tháng – tùy vào sức chịu đựng của con bệnh trong cuộc tàn sát. Kết quả sau điều trị dĩ nhiên sẽ là địch chết, lính ta chết, dân ta chết, và kết thúc đại cục thông thường là điếu văn.  

Nhiều thập kỷ trôi qua, cho tới bây giờ, “phẫu thuật, hóa trị, xạ trị” vẫn là BA TIÊN ĐỀ của Y luật, tóm lại vẫn xài dầu ô liu nấu sôi, đứa nào làm khác, các cụ cho lính tam phủ ỉa vô nhà.

H: (Trò chơi dân gian) Các cặp đôi nam nữ mò bắt chạch, với lời góp: mò bắt chạch mà không nhìn thấy chạch thì có mà mò tới Tết (dzui một chút).
(còn P3)

Thứ Tư, tháng 7 08, 2015

Bệnh ung thư và phép biện chứng. P1 – Vòng vo Tam quốc

1.Tử tù trong xà lim.

Bác sỹ nói “Anh bị ung thư. Anh chỉ còn 3 tháng” đồng nghĩa Tòa đại hình tuyên “Tử hình! Án được thi hành sau 3 tháng”. Anh hoảng loạn và sau đúng 3 tháng (chính xác thật), anh hạ thổ. Nếu anh sống hơn 3 tháng thì dĩ nhiên là sự thành công vĩ đại của “hóa trị, xạ trị”. Mấy tháng trời chờ đợi, đêm đêm anh giật mình thon thót khi cửa xà lim rít lên kèn kẹt. Anh cầu trời mau sáng để anh qua được MỘT NGÀY. Anh chết bởi trước hết là anh hoảng loạn. (Xin xem “Tôi đã bị ung thư, tôi đã bị nhảy dù” để hiểu tâm trạng của anh ta lúc đó).

2.Biện chứng nói: Cái sau phủ định cái trước.

Ví dụ bệnh đau dạ dày. Y học xa xưa nói 80% nguyên nhân do ăn, ngủ thất thường, lao động vô độ, 20% còn lại do các nguyên nhân … còn lại. Thế là bác sỹ bắt con bệnh ăn thứ mềm (cơm nếp, cơm nát) cho nó mềm ruột, kiêng cữ đủ thứ. Uống thuốc tiêu cho nó tiêu cái trong ruột để ruột đỡ mệt. Loét nhẹ thì uống Bít-xờ-mút trám lại, loét nặng chỗ nào cắt béng chỗ đó cho nó gọn nhẹ, cơ động – nói chung là xử theo kiểu kỹ sư cơ khí.

Tiếp theo, y học phát hiện rằng 80% là do làm việc trí não quá sức, suy nghĩ tứ bề căng thẳng, chứng cứ là chỉ anh trí thức đau dạ dày, chứ anh nông dân ăn, ngủ, lao động “vô tư” nhưng có sao đâu. Vậy là bác sỹ “đánh” vô hệ thần kinh chứ không “đánh” vô bộ lòng bệnh nhân – xử theo kiểu kỹ sư điện tử.

Gần đây, y học phát hiện rằng 80% là do khuẩn Helicobacter Pylori (HP) nào đó gây ra, 20% còn lại do các nguyên nhân … còn lại. Chỉ cần uống trúng loại kháng sinh HP là khỏe re, các chuyện khác cứ mần “vô tư”. Và vừa rồi, họ trộn nấm mốc S.boulardii vào thuốc và do vậy thuốc được tăng hiệu quả hơn một lần mốt.

Cứ thế, phép biện chứng nó đẩy cái anh dạ dày tiến lên theo đường xoáy ốc.

3.Biện chứng nó biến nan Y thành “thường Y”.

Hồi xưa bệnh lao “ba-xi-đờ-cốc” là nan Y. Ngành Y cách ly con bệnh sau hàng rào song sắt và chịu đựng các kiểu chữa trị căng thẳng. Kẻ nào ngoại trú thì phải tự giác cách ly mọi bề với gia đình và xã hội, y như bị cúm H5N1 gần đây vậy. Sau ngành Y nói rằng, bệnh nhân chỉ việc ăn, ngủ, làm việc điều độ, luyện tập nâng cao thể lực là đạo quân “cốc” bị tống ráo vô nhà tù Phú quốc, còn thuốc men chỉ có tác dụng hỗ trợ thôi.

Ngày nay loài người đã yên chí khi Y học nói rằng, ai ai cũng có cả mớ “cốc” trong cơ thể và chúng đang bị tù chung thân. Nhưng hãy dè chừng, hễ cơ thể suy nhược thì “cốc” sẽ tạo phản. Nghĩa là “cốc” là một dạng vật chất đồng hành với con người và loài người ngày nay chẳng có lí do gì phải sợ hắn cả.

4.Người cách mạng trở thành cái neo.

Hồi châu Âu mới “tìm thấy” vi khuẩn, khi xử trí vết thương, để tránh bị nhiễm trùng, họ nấu sôi dầu ô liu rồi rưới vào vết thương, với lý luận: Biết rằng làm vậy thì chỗ vết thương bị hủy hoại, nhưng dứt khoát không để bị nhiễm trùng, nhiễm trùng chắc chắn dẫn tới cái chết. Những bác sỹ phát triển phương pháp này dần dà trở thành giáo sư và lý luận của ổng trở thành Y luật, thành TIÊN ĐỀ – không bác sỹ nào dám nói khác. Họ là cây đa, cây đề và đinh ninh sẽ mãi như vậy.

Rồi một bác sỹ đã lén lút (theo nghĩa đen của từ này) không xài dầu ô liu mà làm sạch vết thương bằng phương pháp đơn giản. Kết quả tốt hơn nhiều so với kết quả làm theo Tiên đề. Rất và rất lâu sau, phương pháp của bác sỹ nọ đã được Y luật công nhận, và dầu nhớt bị luân chuyển công tác, ví dụ Đông y bôi dầu mù u (dầu nguội nhé) vào vết thương lên da non. Chỉ tội cho giáo sư nọ vì bị bá tánh gọi là lão gàn.

Thứ Sáu, tháng 7 03, 2015

GIAO BAN CAFE

Thân mời các bạn tới GB Cafe tại địa điểm :

- Đ/c:  45 Đinh Công Tráng, Q1, tp HCM (  Đối diện nhà thờ Hai Bà Trưng).
- Thời gian : Sáng chủ nhật 5/7 
/ 2015.
*GC:
Có chỗ đỗ xe hơi ,bình bịch
Trung Liêm

Thứ Tư, tháng 7 01, 2015

Kỷ niệm Hầm Hô và Bảo tàng Quang Trung

Đọc nhiều về chuyến đi miền trung của H.T, mình muốn ghi lại vài kỷ niệm ở Bình Định. Hôm đó trời nắng gắt. Nghe tụi du lịch Hầm Hô bảo người ta hay đi qua Bảo tàng Quang Trung rồi qua chỗ bọn em.

Bảo tàng Quang Trung nằm ở một khu đất khá rộng rãi được xây dựng trang nghiêm. Bảo tàng không lớn nhưng cây xanh khuôn viên nhiều tạo nên vẻ đẹp đối với khách nhất là những ngày nắng nóng. Được biết đây là khu đất xưa của cha mẹ ba anh em Tây Sơn. Bên cạnh nhà Bảo tàng và nhà thờ còn có cây me cổ và giếng nước cổ. Tiếc là phần trưng bày quá đơn giản. Có lẽ còn đơn giản hơn những gì nhiều người đã đọc về Quang Trung. Chắc Bảo tàng chỉ lưu giữ hiện vật cụ thể, còn Quang Trung trong lòng người lại là những câu chuyện. Nhưng thật tiếc khi những trận đánh oanh liệt nhất của vị vua thiên tài quân sự này không được tái hiện ở đây. Chỉ một sơ đồ đơn sơ về vùng Rạch Gầm - Xoài Mút. Tiếc nữa là hướng dân nói giọng địa phương. Mình dân trung còn nghe chữ được chữ mất. Dân bắc, dân nam nhiều người bảo không hiểu được gì dù cậu hướng dẫn nói khá nhiệt tình. Thú vị nhất ở Bảo tàng là được múc nước giếng cổ của gia đình vua rửa mặt, rửa tay. Từ Bảo tàng đi tới khu du lịch Hầm Hô khá xa. Nó càng xa hơn khi trời trưa nắng (Qui Nhơn tới Bảo tàng đã hơn 40km) và lạ đường mà không sẵn bảng chỉ dân ở những khúc quanh hay ngã rẽ. Mà đường vùng này thực là nhiều khúc quanh và ngã ba. Tuy vậy bài viết trên Wiki quá hay đã động viên bọn mình cố đi tới khu này cho được. Ngay cổng khu du lich có một tấm bản đò khu du lịch lớn. Nhìn qua thì thấy nó cũng ... bình thường, nhưng xem kỹ hơn thì ai cũng ngạc nhiên mà ... không dám nói với ai vì có địa danh "đá bóp vú".
Cái lạch nhân tạo để đi thuyền ra sông của khu du lịch thật là nhỏ và ... xấu. Nhưng khi ra tới sông không gian mở rộng đầy nắng, đá tảng và cây cổ thụ bên bờ tạo nên vẻ đẹp làm sững sờ nhiều du khách. Tiếc là nước không trong lắm dù đang mùa nước cạn. Miền trung đang lúc hạn nặng. Vậy mà nước sông không đủ trong để thấy ánh lấp lánh của đá hoa cương phản chiếu từ lòng sông như đã viết trên Wiki. Chúng tôi đi dọc theo bờ sông lên phía thượng nguồn. Nhưng cậu bảo vệ khu đó nhắc nhở đừng nên leo lên những chỗ nguy hiểm. Lời khuyên này rất "hợp lý" khi trời trưa nắng nóng để đưa ra lý do ... quay về nhà hàng.
Sau này khi ra tới cổng, ngó lại tấm bản đồ vẫn thắc mắc không biết "đá bóp vú" chỗ nào mà ... không ai thấy. Nghe vậy cô bán vé và cậu bảo vệ bảo phải đi lên xa nữa. Theo bản đồ là mới chỉ đi được có phần ba đường. Lúc này cả bọn mới biết đi Bảo tàng rồi mới qua đây là ngu. Nhẽ ra phải qua đây từ sớm, chiều mát quay ra Bảo tàng mới hợp lý. Ai cũng tiếc không đến được .. hòn đá đó. Cả cô bán vé lẫn cậu bảo vệ và cả cô bán giải khát cùng cười vui vì sự tiếc nuối của bọn mình. Nhìn tụi nó cười mình mới nhận ra rằng "bóp vú" được nhiều người thích, chẳng kể là người được bóp hay người bị bóp. Tất cả đều thích, cả nam lẫn nữ. Thế có hay không nhỉ? TT