Thứ Ba, tháng 3 31, 2009

Truyện dành cho ngày cá tháng tư (01/04): CCL

Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp ĐHQY. Với bằng bác sĩ lon thiếu úy trẻ măng, vậy mà tôi chưa từng cầm tay em gái nào.
Chỗ cơ quan tôi làm đóng tại Cầu Diễn cách HN khỏang 10km, hàng ngày phải đi làm bằng xe búyt. Trên tuyến đường đến chỗ làm có rất nhiều trường học: sư phạm, thương nghiệp và các trường nghệ thuật…. nên trên xe tỉ lệ các em gái khá đông mà lại xinh nữa.
Hôm đó, trời rất lạnh, xe rời bến được 1 lúc, đang đứng tự nhiên tôi thấy bên đùi mình âm ấm. Lạ! Vì xe rất đông và chật nên không thể cúi nhìn đựơc. Tôi đưa đẩy cái đùi để xác định: tròn tròn. “Tròn tròn”, “âm ấm”??? Thôi đúng rồi. Đích thị!!! Đang tưởng tượng thì tôi giật mình tự hỏi vì trời lạnh, tôi mặc hai quần mà tại sao lại ấm vào tận trong đùi? Chắc ngừơi đó bị sốt. Để xác minh, tôi hơi nghiêng đầu quan sát (bởi vì lúc đó vướng những cánh tay đang cầm thanh vịn). Cô gái không có dấu hiệu gì bị bệnh cả. Không những vậy mà vẻ mặt còn rất tươi vui và nói chuyện rôm rả với cô bạn bên cạnh. Thế là không phải, tôi lại lôi kiến thức học ở trường Y ra. Bệnh gì có thân nhiệt cao??? Đúng rồi, bệnh Basedow, thân nhiệt cao, mắt hơi lồi và long lanh, bướu cổ. Tôi lại quay sang để xác định. Mắt có long lanh nhưng không lồi, cổ không có bướu mà cao ba ngấn. Thật đúng là người đẹp. Thế là suy luận của tôi lại không đúng. Vậy thì là bệnh gì nhỉ??? Thôi đúng rồi, thế mà mình không nghĩ ra. Cô ta đứng cạnh mình, một thanh niên trẻ, đẹp trai nên “cảm”. Cũng như tôi vậy, cũng “cảm” cô ta nên mặt nóng bừng đây này. Thế là đầu óc tôi mây mây gió gió. Thấy cô ta đang nói chuyện về âm nhạc, nghệ thuật nên tôi đóan chắc cô là sinh viên trường nghệ thuật. Vì thế khi sắp sửa đến bến của trường, tôi biết cô chuẩn bị xuống. Sau khi cô xuống, xe chuyển bánh một lúc thì…. quái!!!, tại sao đùi tôi vẫn nóng nóng, ấm ấm? Lúc đó đã vãn người, tôi cúi xuống … Ối trời ơi, cái vật tròn tròn ấm ấm mà tôi cứ tưởng tượng từ nãy tới giờ đang nằm trong cái túi xách của tôi chính là CÁI CẶP LỒNG (CCL) mà tôi mang cơm theo để ăn buổi trưa.

THÔNG BÁO

Sau khi nhận được nhã ý của TQ mời đi thăm Điện Biên. Ban liên lạc K4 đã họp hội nghị hiệp thương 2 miền Nam-Bắc xin thông báo "kích cầu":

- AE Trỗi phía Nam ai muốn đi ĐB thì đăng ký gấp với BLL K4 (hạn chót 15/4/09). Các bạn có thể đưa vợ đi cùng, riêng các cháu nhỏ xin hẹn lần sau do kinh phí có hạn.

- Đối với AE, Ban LL phía Nam sẽ bao toàn bộ vé máy bay ra vào, riêng các phu nhân phải chi nửa vé. Ra đến HN các bạn chỉ trả tiền KS còn phương tiện lên ĐB và ăn uống BLL phía Bắc sẽ lo. Thời tiết se lạnh cần mang áo ấm mỏng.

- Theo ý kiến của TQ thì đi vào mùa này là hay nhất, hoa ban nở trắng sườn núi, mưa cũng chưa nhiều, khách đi ĐB còn ít, giá cả khá rẻ nên đi du lịch rất thích.

· Nguồn tài trợ mua vé máy bay đợt này do một số mạnh thường quân (yêu cầu giấu tên) nhưng chủ yếu là tiền bán tranh của HS Trung Liêm ủng hộ.

· Bạn nào muốn biết thêm thông tin xin liên hệ: Trung Liêm 0989787868; Dũng Sô: 0937305111

BLLK4

Thứ Hai, tháng 3 30, 2009

Ngô Hữu Thành, có ai nhớ?

Mấy lần nói chuyện với mọi người k4 là đã liên lạc được với Ngô Hữu Thành 01234171933, chả ai nhớ. Nói không ai thì không hẳn, bởi cũng là anh em mình có liên hệ rồi mới đến tôi.
Hôm nay nhận được điện thoại "ra gặp đi, tôi đang đứng ngoài cửa này".

Hóa ra nhận được danh sách tôi gửi qua thư điện tử, con trai út in ra, cậu lần theo địa chỉ tìm đến nhà. Cái danh sách, có trên mạng ấy, nếu in khổ giấy ngang thì có số điện thoại, in dọc thì chỉ có đến số nhà. Vậy nên vẫn phải lần sờ tận nơi mới gặp bạn.
Gật gù nhìn và bảo nhau "không nói tên chắc không nhận ra". Cái sẹo tôi nhớ trên má cậu hóa ra cao hơn chỗ mình tưởng và bây giờ lẫn vào mấy nếp nhăn dưới mắt. Mình nhớ nó là trung đội 1 thì nó nhận là B3. Chắc mình sai, vì cậu còn nói ở gần nhà để xe máy, cùng nhà với các thầy, học khối Nga văn (có lẽ?). Thua.
Sau khi nhập ngũ cậu đi pháo binh rồi về học SQ công binh, đồng bọn với Ngô Thế Ninh, Đ.Long, Thế Truyền, Thanh Hà, ... Năm 79 tham gia chiến tranh chống bành trướng, phá cầu Hồ Kiều. Ở đó rồi chuyển sang mặt trận Lào Cai, phụ trách 15km bãi mìn từ Lào Cai lên Bát Xát, 1985 ra quân chế độ bệnh binh, về quê cho tới giờ, hành nghề sửa chữa thiết bị trang âm. Vợ cũng bộ đội công binh, ... Con gái lớn (tên Hồng Mai, theo tên bài hát Hoa Hồng Mai) đã lập gia đình, làm việc ở bệnh viện huyện cách nhà 11km lâu lâu đưa con về thăm ông bà; chồng làm "y học dân tộc". Con trai út đang học đại học ngành công nghệ thông tin ở Vinh, nó mang máy vi tính đi nên hai ông bà ở nhà không có internet.
Nhà cậu ở Quỳnh Lưu, xã Sơn Hải trọng điểm buôn lậu hàng Tầu những năm trước, cách biển 1,5km. Chuyến này ra ở nhà ông bác để mai đi đám cưới Bắc Ninh. Tối về miễn tụ bạ vì tròn năm trước vừa ra 103 cắt dạ dầy, giờ ngày ăn 6 bữa không rượu bia ăn nhậu. Có thể thứ Tư cậu hồi hương vì vợ ở nhà một mình mà sức khỏe không tốt lắm, rất tiếc nếu không dự cưới con Vũ Thắng để gặp anh em vào hôm thứ Năm tới.
Tôi có nói sẽ một lúc nào đấy rủ bạn xấu vào chơi. Cậu nói đặc sản chỉ có mực, sẵn sàng đón tiếp.

Chốt tuyến chuyến đi ĐBP

Hôm rồi các "yếu nhân" chuyến đi đã chốt hạ thời gian khởi hành và kết thúc. Lừa rất khéo theo thời gian bận của các cốt cán mới "hạ" được vào các ngày 21-25/4. Tổng cộng 5 ngày, là thời gian tối thiểu để có thể vừa đi vừa ngắm một ít cảnh vật hai bên đường, một vài di tích ở Điện Biên.
Việc còn lại, chia tuyến, các "yếu nhân" giao cho "mõ". Quá đơn giản, bổn cũ (2004) soạn lại, chỉ thay đổi khoảng 20%.

Xem Bản đồ cỡ lớn hơn Bấm vào các kí hiệu điểm, tuyến trên bản đồ để có thông tin.
Ngày thứ nhất, 21/4: Hà Nội-Sơn La, 322km. Trọng điểm: cho VTM lần đầu thăm nhà tù Sơn La, nơi ông cụ hai lần nghỉ mát.

Ngày thứ hai, 22/4: Sơn La-ĐBP, 170km. Trọng điểm: vượt đèo Pha Đin ngắm hoa ban, bản người Thái, ghé thăm Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP tại Mường Phăng, thăm một số di tích tại TP ĐBP (đồi A1, tượng đài, ...).



Ngày thứ ba, 23/4: ĐBP-Phong Thổ (thị xã tỉnh Lai Châu mới), 187km. Trọng điểm: một số di tích khác (hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, nghĩa trang đồi Độc Lập, ...), ngắm phong cảnh (cầu hang Tôm đầu nguồn sông Đà, sông Nậm Na, ...). Chính xác lúc nào không biết, có thể trong 2010, khi ngăn dòng sông Đà thì cây cầu này sẽ bị chìm trong 20m nước. Rồi sẽ mất hẳn những phong cảnh đoạn này.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 12 đoạn tránh ngập - thuỷ điện Sơn La (dài 36km, bao gồm cả cầu Hang Tôm) đang được thực hiện sẽ làm cho tuyến ĐBP-Phong Thổ trở nên khó khăn hơn. "Trong quá trình thi công công trình quốc lộ 12 mới ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của người và phương tiện trên quốc lộ 12 cũ nằm phía dưới, nhà thầu cần có sự chia sẻ, thông cảm, tất cả vì tiến độ công trình, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc". (Báo ĐBP Điện tử, 18/2/2009).

Ngày thứ tư, 24/4: Phong Thổ-Yên Bái, 281km. Trọng điểm: đường 32 chưa hề qua với các địa danh quen tên: Tú Lệ nếp ngon nổi tiếng, các đèo Giàng Ma, Khau Giàng, Nậm Kim ven sông Nậm Kim, Mù Cang Chải, ...

Ngày thứ năm, 25/4: Yên Bái-Hà Nội, 145km. Trọng điểm: hồ Thác Bà (nếu muốn), rồi về HN theo đường 32C qua Phú Thọ, nếu thích ghé đền Mẫu Âu Cơ.

(ảnh: tư liệu chuyến đi kỉ niệm ĐBP năm 2004)
Tham khảo thêm, rất bổ ích, "Vòng cung Tây Bắc - Nhật ký hành trình" của lữ khách thanhcong67 đăng tại vnphoto.net.

Thứ Năm, tháng 3 26, 2009

GỬI PHẠM VŨ THẮNG


Chúc mừng ông bạn lên đai!

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC – 2




… tiếp theo
Trước khi viết những vấn đề này tôi luôn ý thức rằng vẫn có rất nhiều người TQ chân chính.

(TỰ) LÝ GIẢI VỀ CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC CỦA TQ

Khi cuộc chiến tranh xâm lược xảy ra, nhiều người Việt Nam ngỡ ngàng không tin nổi cho dù đó là sự thật. Tại sao? Tại sao???

Những lý do cho cuộc chiến mà họ đã ngụy tạo là:

1)Cho rằng VN ngược đãi ngừơi Việt gốc H:
Thực tế họ đã kích động H kiều nhiều năm trước đó cộng với cuộc sống khó khăn sau giải phóng, thêm chuyện chúng ta đánh tư sản trong đó thành phần người H chiếm khá đông. Vì vậy sự kích động càng có hiệu quả.
Lấy vấn đề nạn kiều, năm 1978, họ đã cắt một phần viện trợ không hòan lại, mở cửa biên giới nhằm kích động người H vượt biên. Bên cạnh đó họ cũng rút một bộ phận chuyên gia về nước, những chuyên gia còn lại thì được yêu cầu không làm việc. Năm 1978 tôi có xuống mỏ than ở Quảng Ninh công tác, những chuyên gia khai thác mỏ ngồi chơi xơi nước, hàng ngày ngồi quạt ngòai hiên nhà hóng gió. Nghe cán bộ ở mỏ than kể lại các chuyên gia TQ này tốt lắm và họ cũng buồn về những chuyện đang xảy ra mà họ không hề biết nguyên nhân. Hồi đó còn có một chuyện rẩt cảm động: ở nhà máy dệt Vĩnh Phú, một chuyên gia TQ đã truyền lại bí quyết về nhuộm vải cho ta trước khi về nước, sau đó họ biết được và đã bị thủ tiêu.
Sau một thời gian mở cửa biên giới, họ đã đóng lại, những người còn lại phải tìm mọi cách di tản, chủ yếu theo đường biển. Như chúng ta đã biết, mưu đồ đó của TQ đã dẫn đến một cuộc di tản lớn trong lịch sử của H kiều ở VN. Riêng những người H vượt biên qua ngả TQ đã bị cho về những vùng nông thôn, nơi mà cuộc sống lúc ấy cực kỳ khó khăn, Số người này về sau không chịu nổi đã phải tiếp tục rời cả chính quê hương của họ để đi sang nước thứ 3.

2)Cho rằng chúng ta vô ơn:
Sự thực lịch sử đã chứng minh dân tộc VN luôn sống có trước có sau. Ngay sau giải phóng, trong cuộc mít ting chào mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc, chúng ta luôn cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các nước XHCN anh em, trong đó, vai trò lớn của LX và TQ luôn được đề cao.
Cuối năm 1975, đc Lê Duẩn đã sang thăm và cám ơn TQ, đồng thời xin viện trợ. Nhưng TQ khước từ.
Nếu sòng phẳng nói ra chính họ mới là người vô ơn và phản bội. Năm 1972, họ và Mỹ bắt tay với nhau bán rẻ chúng ta, cho nên những năm sau đó họ gây khó dễ cho chúng ta rất nhiều, nhất là những khỏan viện trợ súng đạn, v.v…, chưa kể ngay hiệp định Genever sự can thiệp của họ cũng có dấu hiệu bẩn thỉu. Hơn nữa, cuộc chiến đấu của ta chống Mỹ là cuộc chiến của hai ý thức hệ thì sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em là nghĩa vụ quốc tế đương nhiên.Trong lúc ta đổ xương máu thì họ có điều kiện củng cố xây dựng đất nước, đáng lẽ ra thì họ phải cám ơn ta mới phải.
Dân tộc ta sống rất ân nghĩa. Trong việc giúp bạn, chúng ta đã hy sinh cả xương máu mình mà không bao giờ kể ơn. Những hình ảnh giúp đỡ các nước Cuba, Lào, Campuchia, luôn được các bạn ghi nhận trân trọng. Gần đây nhất chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có gặp thủ tướng Putin, Putin đã ca ngợi VN sống thủy chung, không như những người bạn của LX trước đây.
Lý do vô ơn đến ngày nay được họ phát động đẩy mạnh tuyên truyền trong người dân TQ vì dễ thuyết phục và kích động người dân nhất

3)Cho rằng chúng ta theo đuôi bọn bá quyền (LX):
Lý do này thật là trẻ con và nhảm nhí. Miễn bình luận.

Cầu treo Thanh Thủy, ngoài nó ra chắc có lẽ không có cái nào khác để anh TL mô tả trong bài trước. Nguồn: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1361.20. HT

Hang Dơi của TL chăng? Ở nguồn đã dẫn các cựu chiến binh gọi là hang Làng Lò. Họ kể "Hang Làng Lò này hồi ấy là phẫu trung đoàn tớ".

Dù nói gì thì nói, tuy có sự bất hòa mà trước đó vẫn còn là đồng chí, còn là anh em thì việc xả súng vào nhau là không thể biện minh được. Hơn nữa một anh to khỏe lại giang tay đánh một anh vừa ốm dậy (mới thóat khỏi chiến tranh), lại bị đói (kinh tế bị bao vây) thì thật là tiểu nhân.
Ẩn ý đằng sau những lý do đó là một âm mưu ngàn đời ngàn kiếp luôn muốn ta phải phụ thuộc vào họ và chịu sự “đô hộ” của họ.
Có kịch bản nào cho quan hệ tương lai tốt đẹp của hai nước? Chúng ta rất muốn, nhưng thực tế thật đáng nghi ngờ. Làm sao tin được khi họ đã giết bộ đội chúng ta và ngang nhiên chiếm một số đảo của VN năm 1989 và 1996. Làm sao tin được khi Đảng và chính phủ của họ làm ngơ và bật đèn xanh cho việc kích động, chống đối VN trên mạng internet, thậm chí còn có những kịch bản tấn công nước ta: có các mũi tấn công và cả thời gian hòan thành việc xâm lược. Làm sao tin được khi họ vẫn không hề giấu giếm tham vọng chiếm hữu các đảo Trường Sa và Hòang Sa.Làm sao tin được khi họ đe dọa những công ty dầu mỏ nước ngòai định hợp tác làm ăn với chúng ta.
Sự tham vọng của họ hiện nay giống như CNTB sơ khai: đang thèm khát khóang sản và thuộc địa cộng với tâm lý “được trả thù” bởi vì trong lịch sử họ là một nước hèn kém thua ngay cả một nước Nhật nhỏ bé bên cạnh….
Hành động xâm lược của TQ không chỉ ở VN mà họ cũng là người từng chủ động xâm lược vào biên giới LX và Ấn độ. Chưa kể họ đã dựng lên một chế độ man rợ nhất của lòai người: chế độ diệt chủng ở Campuchia.
Bởi vậy, chúng ta luôn phải sống tỉnh táo và cảnh giác, đừng bị lu mờ bởi những từ “đồng chí - anh em”, trừ phi những hành động của họ thể hiện đáng tin tưởng. Nhà văn nổi tiếng Phu xích từng nói về CN đế quốc “Hỡi lòai người, hãy cảnh giác!”, còn tôi nhại lại: “Hỡi VN, hãy cảnh giác!”

Tái bút:
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số 10-2009 ngày 26/02/2009 đã trích dẫn từ tờ Financial Times số ra ngày 19/02/2009 đưa tin TQ khai thác mỏ đồng ở Congo mô tả người TQ đã đóng cửa mỏ và bỏ về nước sau khi khai thác mà không trả tiền cho công nhân cũng như không đóng thuế cho nhà nước Congo. Tổ chức nhân quyền của Congo mô tả TQ bằng những từ “tàn bạo” và “vô nhân tính”
Theo Asia Sentinel tố cáo TQ đã tận thu tài nguyên và năng lượng của nhiều nước châu Phi tống sang đó những hàng hóa rẻ tiền và dư thừa của thị trường nội địa TQ để tiêu thụ và đè bẹp những ngành sản xuất của các nước đó. Ở nhiều nước, công nhân TQ đã bị bắt cóc và ám sát.

Thứ Tư, tháng 3 25, 2009

Phạm Vũ Thắng mời tiệc cưới con trai

Trân trọng kính mời các bạn
tới dự bữa cơm thân mật chung vui cùng gia đình chúng tôi
nhân lễ thành hôn của hai con chúng tôi là:

Phạm Vũ Kiên và Đinh Thị Hồng Trang

Vào hồi 17 giờ 30
ngày Thứ Năm 02 tháng 4 năm 2009
(tức ngày 8 tháng 3 năm Kỷ Sửu)

Tại tấng 2 nhà 7 tầng, Trung tâm Hội nghị Quốc tế
số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.
Rất hân hạnh được đón tiếp.

Nhà Trai: Phạm Vũ Thắng - An Kiều Kim Châu
Nhà Gái: Đinh Xuân Thanh - Vũ Thị Hồng Tâm

Nửa kí sức khỏe giá bao nhiêu?

(Phần 3)

Xin hầu các bác về “kĩ xảo bơi krun” – các động tác nhằm:
a.. Giảm thiểu lực cản của nước,
b.. Tạo dòng xoáy để sinh ra lực tiến,
c.. Phát lực (PLực) và thôi phát lực đúng lúc đồng thời tránh các lỗi thường gặp (lỗi TG).

KĨ XẢO BƠI KRUN.

1.. Nguyên tắc giảm thiểu lực cản của nước:
a.. Đầu luôn thẳng với thân mình và “cố định” vào vai.
b.. Trán là mũi thuyền: bạn luôn thấy đỉnh trán rẽ nước.
c.. Khi bơi, tuy cơ thể lắc qua lắc lại quanh trục cơ thể (như con thuyền lắc lư theo chiều ngang trong khi tiến) nhưng trục này phải luôn thẳng với hướng tiến và luôn song song với mặt nước.
d.. Từng bộ phận của cơ thể thẳng với hướng tiến, trừ bộ phận đang PLực hoặc chuẩn bị PLực.

2.. Kĩ xảo (bơi gồm 2 kĩ thuật là a/ làm nổi và b/ tiến về phía trước).

2.1.. Chân – hãy coi toàn bộ chân là cây gậy dẻo và bạn cầm phần gốc vụt nó xuống:
Chân thẳng như vũ nữ balê, bạn dùng hông-đùi và lợi dụng lúc lắc người để “vụt” chân xuống (lỗi TG: cổ chân, đầu gối bị gập; không lắc người; dùng cẳng chân để “vụt”; “vụt” quá sâu, quá mạnh).

2.2.. Tay – hãy coi cơ thể là thuyền, từ đỉnh ngón tay đến cùi chỏ là mái chèo (lỗi TG: cổ tay bị gập):
a.. Chu kì trước kết thúc: tay đang ở vị trí duỗi thẳng.
b.. Chuẩn bị PLực: tay quạt xuống và cùi chỏ gập dần thành góc 120 độ (lỗi TG: cùi chỏ thẳng), và:
c.. PLực: quạt chéo vào lòng để ôm nước (lỗi TG: quạt thẳng xuống; quạt quá mạnh) rồi hơi “quẹo” ra (theo hình chữ “S”) (lỗi TG: cùi chỏ bị hạ thấp).
d.. Khi mái chèo tới ngang hông thì thôi PLực (lỗi TG: vẫn quạt tiếp), bạn rút tay lên khỏi mặt nước y như rút tay ra khỏi túi quần và đưa lên trời (lỗi TG: gập tay lại và đưa ra phía trước).
a.. Khi tay xuống nước, cánh tay thẳng với hướng tiến cho tới khi vào chu kì sau (lỗi TG: vội vàng chúc tay xuống).

2.3.. Thở: Hít vào trong lúc cơ thể lắc nghiêng (lỗi TG: góc/nghiêng mặt lên thở).

2.4.. Tại sao phải PLực như thế: Không phải bạn dùng tay đẩy nước về phía sau để tiến lên, mà tay bạn tạo dòng xoáy để sinh ra động lực (như dòng xoáy của chân vịt tàu thủy). Vì vậy trong thời gian PLực a/ lòng bàn tay cần chếch ra ngoài, b/ đường đi của bàn tay theo hình chữ “S”.

3.. Ưu nhược điểm: Bơi krun ít bị sức cản của nước nên tiết kiệm sức nhưng do chân “vụt” liên tục để giữ nổi nên sẽ mau mỏi hơn bơi ếch. Tuy nhiên, nếu bạn giữ nổi tốt thì sẽ “bơi dai” không kém.

PHỤ LỤC (cho cả 2 môn bơi).
PL1. Các “lỗi TG” có nguyên nhân gián tiếp là do bạn giữ nổi kém.
PL2. Sau khi bơi đủ “định mức”, bạn bơi chậm 1 vòng để cảm nhận lại các động tác.
PL3. Khi đã thuần thục, bạn nên thả lỏng đầu óc trong khi bơi, trừ lúc bơi “tốc độ”.
PL4. Và cuối cùng, bạn chớ tin vào những điều nói trên.

LỜI KẾT: Chúng ta mệt mỏi lùng kiếm sức khỏe cho mình (như Tần Thủy Hoàng đã từng săn lùng nó) nhưng ta lại không thể mua nó chỉ bằng đồng tiền (dù tiền bạc và thuốc thang cũng có uy lực của chúng). Để có được nó (sức khỏe) thì chẳng có cách nào khác là phải sống vui sống khỏe (trên cơ sở luyện tập theo “quy chế” của riêng mỗi người). Giá của nó (dù chỉ nửa kí) là cao, rất cao hoặc thấp, rất thấp tùy thuộc vào quan niệm, hướng đầu tư và quyết tâm của mỗi chúng ta. Vấn đề là chúng ta có cần nó (sức khỏe) hay không?

Tôi hi vọng kĩ xảo này có tác dụng cho những bác thích bơi lội. Kính chúc các bác dồi dào sức khỏe.

Thứ Ba, tháng 3 24, 2009

Nửa kí sức khỏe giá bao nhiêu

(Phần 2)
Xe mình và xe nó cùng công suất, thế nhưng xe nó chạy phăng phăng còn xe mình cứ ỳ ra, sao vậy? Xin hầu các bác về “kĩ xảo bơi ếch” – các động tác nhằm:
a.. Giảm thiểu lực cản của nước,
b.. Tạo dòng xoáy (chứ không phải đẩy nước về phía sau) để sinh ra lực tiến,
c.. Phát lực (PLực) và thôi phát lực đúng lúc đồng thời tránh các lỗi thường gặp (lỗi TG).

KĨ XẢO BƠI ẾCH.

1.. Nguyên tắc giảm thiểu lực cản của nước:
a.. Đầu luôn thẳng với thân mình và “cố định” vào vai.
b.. Trục cơ thể trùng với hướng tiến, trừ lúc PLực.
c.. Từng bộ phận của cơ thể thẳng với hướng tiến, trừ bộ phận đang PLực hoặc chuẩn bị PLực.

2.. Kĩ xảo (bơi gồm 2 kĩ thuật là a/ làm nổi và b/ tiến về phía trước).

2.1.. Chân (khác với các kiểu bơi, bơi ếch dùng đầu gối làm điểm nâng cơ thể):
a.. Chu kì trước kết thúc: chân đang ở vị trí duỗi thẳng.
b.. Chuẩn bị PLực: kéo 2 gót về mông (lỗi TG: co đùi về phía trước để gập cẳng chân), và:
c.. bẻ gập 2 bàn chân (90 độ) và đạp chếch ra 2 bên (lỗi TG: cổ chân gập ít; đạp thẳng ra sau), và:
a.. tới hết tầm thì thôi PLực, bạn khép 2 chân lại với nhau và duỗi thẳng như vũ nữ ba lê (lỗi TG: cổ chân và đầu gối bị gập) cho tới khi vào chu kì sau (lỗi TG: vội vàng co chân để chuẩn bị PLực).

2.2.. Tay – hãy coi cơ thể là thuyền, từ đỉnh ngón tay đến cùi chỏ là mái chèo (lỗi TG: cổ tay gập):
a.. Chu kì trước kết thúc: tay bạn ở vị trí duỗi thẳng tắp.
b.. Chuẩn bị PLực: cánh tay quạt ra ngoài, và:
c.. Chếch mái chèo xuống để quạt nước (lỗi TG: quạt sang ngang; quạt thẳng xuống; quạt quá mạnh). Khi này cùi chỏ sẽ gập dần lại thành góc 90 độ (lỗi TG: thẳng cùi chỏ) và bạn phải dang rộng 2 bắp tay sang hai bên (lỗi TG: bắp tay co vào ngực; cùi chỏ bị hạ thấp).
a.. Khi mái chèo tới ngang mặt phẳng hông thì thôi PLực, hãy co 2 tay về sát người và đưa lên phía trước, duỗi thẳng cho tới khi vào chu kì sau (lỗi TG: vội vàng quạt nước).

2.3.. Thở: Hít vào trong lúc cơ thể nổi chếch lên (lỗi TG: ngóc đầu lên thở).

2.4.. Tại sao phải PLực như thế: Không phải bạn dùng tay/chân đẩy nước về phía sau để tiến lên, mà tay/chân bạn tạo dòng xoáy để sinh ra động lực (như dòng xoáy của chân vịt tàu biển). Vì vậy trong thời gian PLực a/ lòng bàn tay cần chếch ra ngoài, b/ đường đi của bàn tay/chân theo hình chữ “C”.

3.. Ưu nhược điểm: Trong 4 môn bơi, bơi ếch bị sức cản của nước là lớn nhất nên khá tốn sức. Tuy nhiên nếu bạn bơi kiểu “đường trường” thì lực cản giảm đáng kể; và vì bơi ếch giữ nổi tốt nên bạn có điều kiện “bơi dai”.

Ảnh: riêng môn thể thao này thì ... chớ nên chơi.

Thứ Hai, tháng 3 23, 2009

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC – NGÀY ẤY


Cuộc chiến kéo dài 10 năm và bản thân tôi hàng năm một vài lần có mặt trên đó từ trước cuộc chiến đến năm 1984…
Được nhiệm vụ tham gia vào công việc giữ gìn sức khỏe và dinh dưỡng cho bộ đội chốt ở biên giới phía bắc. Trước 17 tháng 02 năm 1979, âm mưu xâm lược vào nước ta của bọn bành trướng cũng đã bộc lộ khá rõ ràng. Thị trấn Đồng Đăng là nơi cư ngụ của đa số người Việt gốc H. Hồi bao cấp, hàng hóa khan hiếm nên những ngừơi H chủ yếu buôn lậu hàng TQ. Mặt hàng tiêu dùng TQ rất được ưa chuộng cho nên việc làm ăn của những người gốc H rất phát đạt. Do biết tiếng, lại quen đường đi lối lại qua biên giới nên một số người H đã giàu càng giàu hơn. Có những mặt hàng như giấy thuốc lá, một vốn nhưng hàng chục phần lời. Bên cạnh hình ảnh làm ăn buôn bán hàng ngày như vậy, cũng nhiều người Việt gốc H dưới sự kích động lôi kéo của bản quốc đã phản bội đất nước cưu mang mình. Họ kết thân làm ăn buôn bán với một số chiến sĩ và sĩ quan của ta. Thỉnh thoảng đi thăm hỏi, úy lạo các nơi đóng chốt của bộ đội cho nên họ nắm khá kỹ lực lượng và vị trí đóng quân của bộ đội ta. Ngược lại, một số bộ phận của bộ đội ta khá ngây thơ và tin tưởng quan hệ hữu hảo V-T, cho nên khá chủ quan và đôi lúc ảo tưởng. Vì vậy, khi cuộc chiến bất ngờ xảy ra với sự giúp đỡ của một số người Việt gốc H phản động, chúng ta thiệt hại khá lớn. Nhiều người đã dẫn lính TQ vào tận nơi ngủ của bộ đội Việt Nam để lính TQ xả súng.
Ngòai việc bắn giết thường dân thì ở Đồng Đăng có một cuộc tàn sát khá lớn khi chiến tranh nổ ra. Hàng trăm người đang trú ẩn trong pháo đài Đồng Đăng bị lính TQ đặt thuốc nổ sát hại. Dọc đường từ Đồng Đăng về Lạng Sơn, bọn phản động cũng viết rất nhiều khẩu hiệu phản động chống Đảng và chính quyền ta, kèm theo những khẩu hiệu nguệch ngọac không thạo chữ Việt của bọn lính TQ. Khi chúng rút về nước, chúng phá họai không từ một cái gì để phục vụ cuộc sống hàng ngày của đồng bào, từ đồ sinh họat trong gia đình, dụng cụ nông nghiệp đến cả đánh sập từng cái giếng ăn. Bọn TQ ban đầu còn ngô nghê nên chết khá nhiều, nhưng càng về sau bọn chúng càng tinh ranh và xảo quyệt nên cuộc chiến đấu ngày càng khó khăn và ác liệt.
Những năm sau này, tôi được chuyển công tác về địa bàn Hà Giang, mặt trận ác liệt nhất trên tòan tuyến biên giới. Sau chặng đường dài vất vả từ Hà Nội yên bình tới Hà Giang, vừa bước xuống xe đã thấy đặc không khí chiến tranh: tiếng pháo ùynh òang từ xa vọng lại, các xe quân sự chạy ngang chạy dọc, các đơn vị bộ đội chuyển quân…. Chúng tôi (3 người) hành quân đến sư đòan X. Dọc đường mệt mỏi ghé vào quán nước ven đường, thật ngạc nhiên khi thấy cô chủ quán thật xinh đẹp, da trắng môi hồng ở xứ sở này. Ngồi một lúc lại thầy một cô bạn hàng xóm sang chơi cũng xinh đẹp như vậy, chỉ khác môi thắm da hồng... Sau này tôi mới biết cư dân ở Hà Giang hầu hết đều từ Tuyên Quang lên đây lập nghiệp. Mà Tuyên Quang đã được mệnh danh là “miền gái đẹp” hay “trà Thái – gái Tuyên”. Những người đẹp ở Tuyên Quang sau này đã giành được khá nhiều danh hiệu hoa hậu trong các cuộc thi sắc đẹp. Sau phút ngơ ngẩn rồi đến lúc cũng phải đi. Chúng tôi lại khóac ba lô lên đường, tự nhiên văng vẳng bài hát của Liên Xô “…người chiến sĩ áo đã phai màu, cùng nhịp chân bước nhanh về làng khát khao ngọn lửa ấm…”.
Trung đòan Y đối mặt với bên T với khỏang cách là một dòng sông. Địa hình so với các điểm chốt bên T bằng họăc thấp hơn một chút. Các công sự đều âm dưới mặt đất, trần là những khúc gỗ to được đất phủ dầy bên trên. Các công sự được nối với nhau bởi các dãy giao thông hào. Vì vùng đất này lẫn nhiều đá cho nên nhiều chỗ giao thông hào nông chọet, lúc vận động rất nguy hiểm. Vùng chốt của trung đòan nằm ở khu dân cư cũ của đồng bào dân tộc, ngòai trồng trọt cây lương thực thì đồng bào trồng khá nhiều chè. Cây chè ở đây cao to hơn cây chè ở dưới xuôi vì trồng ở núi đá, khí hậu tương đối khắc nghiệt nên chè ở đây có hương vị tuyệt vời. Không phải lúc nào cũng đánh nhau, cho nên ngòai công việc chính là canh gác, củng cố công sự, thay nhau làm nhiệm vụ hậu cần, lấy nước… thì hái chè và sao chè. Đây là lúc lính ta dễ gặp thương vong bị pháo, cối T bắn sang bất ngờ). Chè này dùng để uống và tích lũy dần, dùng để cải thiện. Khi đủ được 2, 3 lô chè khô, trung đội cử 1, 2 người thay nhau về Hà Giang bán chè và mua rượu, lạc rang, thuốc lá. Những người được cử về có dịp xả hơi luôn, được một bữa nhậu túy lúy và mang bao nhiêu chuyện tiêu cực của xã hội về làm quà kể cho mọi người nghe. Vì vậy ngòai sự ác liệt của chiến tranh, những tác động tiêu cực của xã hội đến người lính không phải là nhỏ.
Ở đây tôi được mọi người kể cho nghe một giai thoại : có một cán bộ ở HN về công tác tại sư đoàn. Chỗ này cũng ít khi bị pháo địch bắn tới. Nhưng lần đó có một quả pháo rơi gần hầm, chỉ đủ sức để làm đất đá rơi vào hầm của vị cán bộ nọ. Việc này sau đó đựoc vị cán bộ này về kể lại như một sự kiện anh hùng. Một cán bộ sư đoàn sau đó nghe được và kể lại. Chuyện này hình như họ kể để răn chúng tôi.
Trên chốt, ngòai gạo, lính ta chỉ cần mắm ruốc và thuốc lào, đó là những vật thiết yếu nhất. Ở độ cao mà trời rét gần quanh năm, thú vui là được ngồi quây quần quanh đống lửa, uống nước chè và hút thuốc lào. Chè thì càng ngày càng nghiện và vì có sẵn chè nên mỗi lần pha chè rất đặc. Thuốc lào hút bằng ống bương to kiểu như người dân tộc ở đó. Người nào không quen không hút nổi. Ở khỏang một tuần, mọi thú ăn chơi rượu, chè, thuốc lào, tôi đều “nhập gia tùy tục” ngon lành. Nhiều hôm rượu vào tê tê, cầm đại liên lia một băng sang bên chúng nó, chúng nó cũng đáp lại dữ dội. Do thời gian rỗi rãi nhiều, những người lính trẻ dạy và học nhau tẩm quất, nhiều người rất thành thục. Tôi luôn được cánh lính với tay nghề điêu luyện gạ gẫm tẩm quất cho bởi vì tôi là trai Hà Thành, và là bác sĩ. Các chú lính vừa tẩm quất cho tôi, vừa hỏi chuyện Hà Nội, chuyện tình yêu, phụ nữ…. Được dịp, tôi tha hồ tưởng tượng và bốc phét. Các chú khóai lắm, ngồi kín vòng trong, vòng ngòai. Nói cho cùng, bốc phét bao nhiêu về những chuyện này cũng chẳng hại gì, nó cũng như chuyện cổ tích cho trẻ con vậy. Bởi thế tôi càng được thể. Một hôm, đang nằm để tẩm quất ở một trung đội sát bờ sông, thấy một bè chuối nhỏ nhỏ, trên có mấy gói giấy xanh đỏ, tôi nhổm dậy, chỉ ra phía sông hỏi đó là cái gì. Mấy người lính có nói đấy là đồ vật của bọn T thả sang lúc thì bánh kẹo, lúc thì trái cây, đồ ăn, thậm chí có lúc cả con heo quay. Được lệnh của cấp trên nghiêm cấm vớt và ăn những thứ này vì sợ đầu độc, vì thế không ai dám đụng đến cả. Tôi bảo trung đội trưởng cử một chiến sĩ bơi ra lấy vào rồi tôi bảo anh em rằng tôi đã từng ở T, sống với người T, hiểu tính cách “quân tử T”, nó đánh mình nhưng nó thể hiện kiểu quân tử của nó như vậy. Cho nên không phải sợ, cứ việc ăn và tôi ăn tiên phong. Cậu trung đội trưởng can ngăn nhưng tôi nói đừng lo, tôi tự chịu trách nhiệm về việc này. Và quả thật, ăn xong bình thường. Từ đó trở đi, thỉnh thoảng trung đội này cứ lén bơi ra sông lấy đồ T mang về ăn. Nhưng sau này cũng phải chấm dứt vì sợ thủ đoạn thâm độc của bọn T.
Thời gian tương đối yên ả ở cùng trung đòan Y đã trôi qua, chúng tôi được lệnh đến Hang Dơi, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Đây là nơi ác liệt nhất, mật độ bom đạn ở đây nhiều hơn cả thành cổ Quảng Trị (nghe cán bộ sư đoàn nói vậy).
(ảnh: sông Lô phần VN. Bên kia bờ có một mốc nhìn qua đám tre. Bên trái mốc là TQ, bên phải là VN. Anh TL sang Hang Dơi ở dãy núi bên kia sông. HT)
Đến Hang Dơi phải đi vào ban đêm, ngày trước đó đã phải đến tập kết ở một hang cách Hang Dơi 5-6km. Sở dĩ phải đi vào ban đêm vì phía biên giới bên kia của T cao hơn ta nên việc đi lại phía bên ta rõ mồn một và bất kỳ cái gì di chuyển cũng bị chúng bắn. Buổi tối chúng cũng bắn nhưng bắn hú họa. Chúng tôi được cậu y sĩ của sư đòan dẫn đường, cậu này cũng hiếm khi lên đây. Đường lên hang Dơi, hai bên là vách núi, cây cháy rải rác do pháo đạn bắn bập bùng trong đêm tối trông khá ghê rợn. Đi trước đòan chúng tôi có hai cậu lính gánh một con lợn đã làm thịt, bỗng nhiên hai cậu chui tọt vào bụi rậm. Tôi hỏi cậu y sĩ họ làm gì thế, cậu y sĩ trả lời chúng nó xẻo bớt thịt quăng vào bụi rậm, tí nữa về để lấy. Ở chiến trường phía Bắc có câu “tiêu cực từ trong chiến hào” là một phần như thế. Đi một lúc khá yên ả, đến khi còn cách hang Dơi khỏang 2 cây số, pháo và súng cối của địch bắn sang, cậu y sĩ hô “chạy!”. Chạy chưa chắc đã an tòan hơn nhưng vẫn phải chạy. Cuối đường vào Hang Dơi phải leo qua cầu treo bắc qua suối, các miếng ván ở cầu bị bung ra khá nhiều, thậm chí nhiều lúc phải bò, cầu treo lại đong đưa như cái võng, đạn nổ tứ tán xung quanh. Hang Dơi và xung quanh trắng xóa trong đêm bởi bom đạn cày nát, không còn cây cỏ nào. Khi chúng tôi vào, mọi người nhìn chúng tôi cũng rất thờ ơ nhưng sau này mới biết họ không vồn vã khi đón khách vì ai cũng chạy thở ra đằng mũi đằng mồm cả. Khi đã hồi sức thở lại bình thường, họ mới pha trà, hỏi han. Trong hang Dơi khá rộng, là nơi tập kết quân lên chốt hoặc quay về với nhiều nhiệm vụ khác nhau (chiến đấu, trinh sát, đặc công, hậu cần…). Vì núi đá hòan tòan xung quanh phạm vi của Hang Dơi, các điểm chốt không phải những hầm hố kiên cố mà chỉ là những hốc đá, mỏm đá, ở đó chỉ trú ẩn được 1 đến 2 người nằm bẹp dí dưới nắng chang chang hoặc mưa dầm, tối mới dám ngọ nguậy đi lại, đi vệ sinh ở xung quanh. Thường vào chiều tối, tổ anh nuôi mang cơm nắm đến phân phát từng vị trí cơm dùng cho ăn tối đó và suốt ngày hôm sau. Những anh nuôi đi phát cơm cũng vô cùng nguy hiểm, luôn bị dính đạn, cho nên mỗi lần đi tiếp tế là mỗi lần như những cảm tử. Tuy ở trong hang Dơi một tuần, tôi cũng thầy thời gian dài thăm thẳm, pháo, cối, nổ suốt ngày đêm ầm ầm. Đi vệ sinh thì phải ra ngòai hang. Mỗi lần ra đầy nguy hiểm, rất nhiều người dính đạn vì những chuyện nhỏ nhoi ấy. Do khá ác liệt, những đơn vị đơn vị trụ ở những chốt quanh hang Dơi chỉ làm nhiệm vụ một tháng rồi luân chuyển. Những chiến sĩ nẵm ở chốt suốt tháng trời trong tư thế co quắp khi về mấy ngày sau mới hồi phục tư thế đi lại bình thường. Tuy nhiên trong những ngày ở hang Dơi, tôi luôn thầy sự lạc quan của mọi người trong những câu chuyện về quê hương, những câu chuyện tiếu lâm họăc những ngày lặng tiếng súng lại ra suối ném mìn kiếm cá ăn. Họ luôn dặn tôi “sau này đi khám bệnh ở tuyến sau thấy những cậu lính nhếch nhác với cái ba lô thì hãy thương lấy chúng nó”. Nghĩ mà xúc động.
Ngày về, trung đòan tổ chức liên hoan chia tay (lúc này trung đòan tôi xuống đã trở về tuyến sau), trong cơn say, tôi nói cảm nghĩ về sự anh hùng của những cán bộ chiến sĩ đang bám và giữ từng tấc đất cho Tổ quốc, trong cảm xúc chân thành của mình. Bỗng nhiên, mọi người xúm vào tung tôi lên vừa tung vừa hô “anh hùng này, anh hùng này!” như huấn luyện viên Calisto ở chiến thắng AFF Cup mới đây. Bỗng nhiên khóe mắt tôi chảy ra những giọt nước mắt cay cay. Người lính thế đấy: họ chỉ cần mọi người hiểu về họ…
Rồi, tôi lại trở về Hà Nội. Ngồi trên xe nhìn những cánh đồng khoai lang xanh mướt mà thèm vô hạn. Tự nhiên bản thân mình liên tưởng biến thành con bò để gặm cho thỏa thích. Tôi chỉ ở mầy ngày mà đã như vậy , mới cảm thông với những giấc mơ về rau xanh mà họ thường kể!
Sau 30 năm . Những ký ức hiện về nhưng vẫn đầy xúc cảm của những ngày ấy!
Còn tiếp…
(ảnh HCQ sưu tầm)

Thứ Bảy, tháng 3 21, 2009

Mù chữ và xác thực giật mình

Chả phải vì ông bạn là "quan chức" (theo lẽ thường) mà khó gặp, dù rằng hắn là Chủ tịch cấp thành phố hẳn hoi. Cái chức Chủ tịch Hội Người Khuyết tật TP Hà Nội với "4 tự" (tự nguyện, tự quản lý, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật) đã "tự hủy" mất chức "quan" của hắn. Rõ là "hữu danh vô thực" (chữ thực trong "thực bất tri kỳ vị", nói kiểu Tầu). Không những không "thực" mà lại còn "hao"; nói theo kiểu "Nôm" là "vác tù và hàng ... khuyết tật". Thằng què đi lo quyền lợi xã hội cho một đám què, điếc, thiểu năng trí tuệ, ... bằng thời gian, tiền lương và sức lực của bản thân mình.
Mấy tuần trước đây, đúng ngày đi Sơn Tây dự cưới con Trần Hà(*), Vũ Hùng gọi điện cho tôi, hỏi: "có việc gì đi huyện Ba Vì cho tôi đi nhờ"? Hỏi lại: "có việc gì, tôi đi Sơn Tây dự cưới con Trần Hà, huyện Ba Vì còn thêm chục km nữa." Cậu nói "ngày 8/3 chị em khuyết tật huyện làm kỷ niệm". Đành dội gáo nước lạnh vào đầu cậu: "đừng vớ vẩn thế. Nếu ông đi chơi tôi chở ông đi ngay, thêm chục km chuyện nhỏ. Nhưng chuyện Hội, không đáng. Ở nhà nghỉ cho khỏe đi. Ông có xin tôi cũng chả chở đi". Đôi khi cũng phải tỏ ra tàn nhẫn. Bởi cậu không chịu lo cho mình.
Hôm qua gọi máy cầm tay cho cậu "sao gọi đến cơ quan không được". Thì ra cả tuần nay cậu nghỉ phép làm việc Hội. Sáng nay gọi đến nhà, thì cậu đã đi lo việc Hội, trưa sẽ ăn nhà. Đành cho vợ chồng nhà cậu một vinh dự là được tôi đến thăm nhà và cùng ăn trưa. Không thì không biết có thể gặp cậu vào lúc nào.
Chuyện nhiều. Trong đó riêng ở Hà Nội 1 số người khuyết tật mù chữ là 50%. Thêm HN2, cán bộ Sở (cũ) của Hà Tây cho hay tỉ lệ nhiều hơn thế, con số tuyệt đối thì chưa thống kê. Bởi thế một dự án sẽ được Sở ủng hộ hết mình là ... xóa mù chữ cho người khuyết tật.
Giật mình. Hồi trước có ai đó, cơ quan nào đó, báo nào đó nói HN có tỷ lệ người mù chữ cao vào hàng ... nhất nước. Nghĩ bụng chắc mấy thằng chọc thối vụ sáp nhập 1+2. Nhưng giờ thằng bạn nói thì chắc đúng, phải tin thôi. Tư cách nó, vị thế nó, ... có gì "thực" được nhờ ngoa?
Ra về, chỉ dặn lại "nhiệm kì tới ông nghỉ đi. Hoặc/và bổ sung thêm vài phó Chủ tịch, mà kiếm thằng què tay ấy. Cho nó chạy". Khổ, BCH Hội có ông khiếm thính chả biết gì là "giang hồ ác hiểm" (không có lối vào ngôn ngữ, bởi thế tư duy thấp), có ông khiếm thị chạy việc cho "lợi ích nhóm" (Hội mù vốn có từ hàng chục năm nay vẫn được NN tài trợ, không "tự trang trải"). Đâm ra hiện nay mấy ông què (chân) làm chủ tình thế "4 tự". Chưa kể thứ năm, tự trao, là "tự tử". Tự tử khi "xin" mãi mà không được "cho".
----------------------------------

(*)Chuyện cưới con Trần Hà, bây giờ mới nói. Vì con cậu cưới lần 2 nên chỉ mời ít anh em thường qua lại. Hôm đó anh em HN lên 3 xe, mươi người, đủ chứng tỏ với "làng xã".

Thứ Sáu, tháng 3 20, 2009

Những câu chuyện giật gân Mỹ

Nhân có chuyện giật gân của Sự Thật Nga do GM khai thác, vừa dịp có chuyện giật gân Mỹ, xin đặt đường dẫn để giới thiệu.

"Chính phủ của cựu tổng thống George Bush đã tuyển một “đường dây hành quyết” và người điều hành là cựu phó tổng thống Dick Cheney. Đội này đã cử người đến các quốc gia khác, không cần báo cáo với đại sứ hoặc trưởng nhóm CIA để tìm những người cho là kẻ thù, “xử” họ và ra đi. Điều đó đã diễn ra dưới danh nghĩa của tất cả chúng ta”.

Một người Mỹ khác lý giải động cơ vận hành nước Mỹ: "Chiến tranh Iraq và VN đều dựa trên sự dối trá của các chính trị gia và các chính quyền Mỹ lúc đó. Tổng thống Johnson đã dùng sự kiện vịnh Bắc bộ để gây chiến vào tháng 8/1964. Tất nhiên là chúng ta biết sự kiện vịnh Bắc bộ không xảy ra theo cách đó. Vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq cũng là lời nói dối mà chính quyền Bush đã tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm làm người Mỹ sợ hãi và ủng hộ chính quyền Bush phát động cuộc xâm lược Iraq.
Tổng thống Eisenhower trong bài diễn văn từ nhiệm năm 1961 đã nói rằng hãy coi chừng mối quan hệ quân sự và công nghiệp, cách quân đội và ngành công nghiệp hợp tác với nhau để tạo ra một điều kiện mà sẽ khiến những việc có lợi cho họ xảy ra và họ có một chương trình nghị sự.
Ngày nay, tôi muốn bổ sung mối quan hệ đó thành quan hệ quân sự, công nghiệp và chính trị. Và chúng ta đã thấy mối quan hệ này hoạt động ra sao ở Mỹ."

Thứ Năm, tháng 3 19, 2009

Bản hợp đồng của Hítle với quỉ Xatăng

GM nhờ đưa bài viết lượm lặt được trên mạng đến mọi người. Và muốn nhờ các bạn ở bển, nếu có thời gian, thẩm định chuyện này. HT
--------------------------------
Tôi đọc trên mạng có một bài viết như thế này (nguyên bản tiếng Nga). Tạm dịch ra đây để các bạn tham khảo và cũng mong các bạn bên Đức kiểm chứng hộ xem. (Giang Mù).

Tại Berlin đã tìm thấy bản hợp đồng của Hitle với quỉ Xa tăng. Bản hợp đồng được soạn ngày 30/4/1932 và được ký bằng máu bởi hai bên. Theo đó, quỉ Xatăng trao cho Hitle quyền hành không hạn chế, với điều kiện phải thực thi những hành động độc ác. Đổi lại Hítle phải hứa sẽ phải trao cho quỉ cuộc sống của mình đúng 13 năm sau đó.

Bốn chuyên gia đã độc lập nghiên cứu tài liệu này và cùng đi đến kết luận, chữ ký của Hitle là thật, đây là chữ ký đặc trưng của ông ta sử dụng trong những năm 30 – 40. Chuyên gia Portran Kredo khảng định, chữ ký của quỉ cũng trùng với chữ ký trong các bản hợp đồng tương tự với lãnh chúa địa ngục. Những văn bản này không lạ gì đối với các nhà sử học.
Tiến sĩ Greta Laiber, người đã nghiên cứu các văn bản khác nhau với thế lực đen tối, tuyên bố: tôi tin rằng đây là văn bản thực, nó sẽ giúp ta giải được câu đố rằng làm sao mà Hitle có thể trở thành lãnh tụ của nước Đức. Hãy tự phân tích xem: trước năm 1932 ông ta vẫn còn là một người không thành đạt, bị đuổi khỏi trường trung học, hai lần không thi đỗ vào Học viện Mỹ thuật, thậm chí còn bị ngồi tù. Tất cả những ai biết ông ta trong thời gian đó đều cho rằng đấy là một người không bình thường. Nhưng từ năm 1932 cuộc đời ông ta chuyển sang một bước ngoặt. Ông ta được “phóng” vào ghế quyền lực và năm 1933 đã điều hành cả nước Đức. Theo tôi, giải thích điều này chỉ có thể là liên minh với quỉ dữ. Và ngày 30/4/1945 - sau đúng 13 năm - thì Adolf Hitle đã kết thúc đời mình, trở thành kẻ thù của nhân loại.

Bản hợp đồng của Hítle với quỉ Xatăng được tìm thấy trong một chiếc hòm cũ của một ngôi nhà cháy ở ngoại ô Berlin. Tại sao nó lại ở đó thì không biết. Hiên nay văn bản này được lưu giữ tại Viện Lịch sử của thành phố. Chữ viết đã bị mờ nhiều nhưng vẫn có thể đọc được. Chính quỉ Xatăng đã làm như vậy, tiến sĩ Laiber bổ sung, chọn một con người không thành đạt, hiếu thắng, đầy lòng ghen tị, để hứa thực hiện nguyện vọng của ông ta. Và kết quả là đã tạo ra bao đau khổ cho những người xung quanh và thảm họa đối với người đã “mua” lời hứa đó. Và Hitle đã xắp đặt hoàn toàn hệ thống này.

Nguồn: news.pravda.ru/society/2004/04/03/61766.html

CNTB dân chủ

Nhân đọc bài Chủ nghĩa tư bản vượt xa hơn cuộc khủng hoảng, tôi bỗng muốn “múa rìu” một chút về cơ cấu quản lý doanh nghiệp theo cái gọi là “CNTB dân chủ” của Châu Âu mà đại diện là nền kinh tế Đức vốn rất tự hào.

Mọi doanh nghiệp lớn của Đức (tôi chưa được hân hạnh tìm hiểu về các doanh nghiệp nhỏ) đều có cơ quan lãnh đạo cao nhất là Hội đồng Giám sát (tiếng Anh : Supervisory Board – tiếng Đức : Aufsichtsrat) gồm tất cả 20 thành viên, trong đó một nửa đại diện cho Người sử dụng lao động và nửa kia là của Người lao động.

10 người đại diện cho NSDLĐ hay còn gọi là giới chủ. Những người này được bầu ra bởi một Hội nghị các cổ đông bao gồm cả những người lao động có cổ phần trong DN. Người đứng đầu nhóm này sẽ là Chủ tịch Hội đồng Giám sát.

10 người đại diện cho NLĐ bao gồm :

3 người do các tổ chức Công đoàn có hoạt động hợp pháp trong DN cử ra bởi sự thỏa thuận với nhau (vì có thể có nhiều tổ chức Công đoàn cùng hoạt động trong 1 DN)

7 người do toàn thể NLĐ bầu ra trong một tổ chức gọi là Hội nghị doanh nghiệp (Betriebveranstaltung). Những người tham dự Hội nghị bao gồm tất cả ai có Hợp đồng Lao động chính thức với DN trừ một số cá nhân có giữ trọng trách trong Ban Giám đốc (tiếng Anh : Board of Management hay Board of Directors – tiếng Đức : Vorstaende) cùng một số người giữ các vị trí khác mà trách nhiệm công việc của họ phải bảo vệ quyền lợi của NSDLĐ (ví dụ như Kế toán trưởng) và Trưởng bộ phận Nhân sự (tiếng Anh : Personnel Manager) (riêng nhân vật này sẽ được trình bày sau). Người đứng đầu nhóm (7 người) này sẽ là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám sát.

Hội đồng này có trách nhiệm thường kỳ phê chuẩn Định hướng phát triển do BGĐ đề xuất và bổ nhiệm (ký Hợp đồng) cũng như giám sát kết quả hoạt động của BGĐ. Khác với Hội đồng Quản trị của các DN Việt Nam là Hội đồng này không chỉ đạo BGĐ (ngay cả định hướng phát triển cũng chỉ phê chuẩn / bác bỏ chứ không đề ra).

Trong suốt quá trình hoạt động của DN – mà tất nhiên là do BGĐ điều hành – luôn luôn có sự giám sát của Đại diện NLĐ. Các đại diện này (10 người) cũng do Hội nghị DN bầu ra (nhưng không bao gồm các đại diện Công đoàn không có HĐLĐ với DN). Các đại diện này lập thành Hội đồng doanh nghiệp (Betriebsrat) và phân công nhau kiểm soát các hoạt động của DN từ cấp cao nhất (BGĐ) đến cấp thấp nhất (Công nhân, nhân viên). 10 người nay khi trúng cử sẽ không làm chuyên môn mà chuyên trách công việc của Hội đồng và ăn lương tương đương cấp bậc mà mình kiểm soát do DN phải trả. Hội đồng thay mặt NLĐ đàm phán với NSDLĐ (BGD) và ký một Thỏa ước tạm gọi là Thỏa ước Lao động tập thể (tiếng Đức : Tarifskontrackt). Thỏa ước này tất nhiên phải phù hợp với luật pháp và nằm trong khuôn khổ Thỏa ước của khu vực (huyện, tỉnh, Bang, Liên bang) mà DN đóng ở đó cũng như Thỏa ước của ngành mình (Thực phẩm, Luyện kim, Ô tô, Công an …). Các Thỏa ước “lớn” này đều được thỏa thuận bởi đại diện giới chủ trong khu vực hoặc ngành với đại diện các tổ chức Công đoàn có trong khư vực hoặc ngành đó.

Mọi sự cố lớn nhỏ xảy ra xét có ảnh hưởng tới NLĐ trong DN từ té xe đạp rách quần bảo hộ tới việc sa thải nhân viên, định hướng chính sách làm thay đổi phúc lợi … đều phải có ý kiến của Hội đồng này. Mọi sự kiện đều phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký một bên của GĐ hoặc đại diện của ông ta, một bên là Đại diện Hội đồng và ở giữa là Trưởng bộ phận Nhân sự.

Ở đây, Bộ phận Nhân sự đóng vai trò trung gian, xác nhận sự kiện và kết luận của 2 bên trên cở sở đúng với pháp luật và Thỏa ước đã ký. Trong một số trường hợp xảy ra tranh cãi giữa 2 bên thì Bộ phận Nhân sự có trách nhiệm giải thích và đưa ra giải pháp khả thi cho 2 bên thảo luận. Và tất nhiên nếu không đi đến thống nhất thì sẽ xảy ra tranh cãi (nếu là chuyện nhỏ) và là đình công (nếu là chuyện lớn).

Đúng là xã hội dân chủ! Nhưng đấy là nhìn từ trên xuống. Tôi xin hé mở một chút cái nhìn từ dưới lên.

Rất nhiều NLĐ có cổ phần trong DN nên lẽ tất nhiên dù gì đi nữa thì họ cũng phải nghĩ tới lợi nhuận cho các cổ phiếu của họ sở hữu bằng lá phiếu có phần ủng hộ NSDLĐ. Lợi nhuận thu được từ một cổ phiếu của họ chắc chắn cũng không khác gì của NSDLĐ. Chỉ duy nhất khác, người công nhân có 2 cổ phiếu trong khi GĐ có 2 triệu thì giá tri tuyệt đối lại không giống nhau và tất nhiên tỷ lệ bầu bán trong Đại hội cổ đông cũng không giống nhau.

Các tổ chức Công đoàn luôn luôn tuyên truyền rằng có được những kết quả về phúc lợi cho NLĐ như hôm nay là thành tích của họ đã lãnh đạo NLĐ đấu tranh để có được. Không hoàn toàn sai. Nhưng tôi đã có vinh hạnh được đến thăm trụ sở chính của tổ chức Công đoàn Kim khí (IG-Metal), tổ chức Công đoàn – cho tới nay là lớn và mạnh nhất không chỉ ở Đức mà là ở toàn Châu Âu. Tại trụ sở chính này có hơn 2000 người làm việc (năm 1998) và hoạt động giống như một DN. Và cũng do vậy, tại đây cũng có NLĐ, NSDLĐ và đương nhiên phải có Hội đồng DN, phải có Thỏa ước … như bất cứ nơi nào. Chỉ khác là ở đây không có đại diện Công đoàn (chẳng lẽ lại là CĐ trong CĐ?). May mà tới lúc đó chưa từng có đình công, nhưng xét về mặt lý thuyết thì hoàn toàn có thể xảy ra vì mâu thuẫn sẽ có lúc không đi tới thỏa thuận được. Không biết lúc đó thì sao nhỉ … ? Đúng là DN Công đoàn ! Mà DN thì phải kinh doanh ….

Hội đồng DN kiểm soát mọi việc có ảnh hưởng tới NLĐ. Nhưng việc tăng / giảm vốn, huy động tiền vay như các Ngân hàng đã làm mà nay “nhờ” khủng hoảng mới biết được thì Hội đồng có kiểm soát được không với 10 người không có đủ chuyên môn nghiệp vụ và không thường xuyên thao tác trực tiếp như các chuyên viên tài chánh (những người không được phép tham gia Hội đồng do trách nhiệm công việc yêu cầu) ?

Còn, còn nhiều điểm khác nữa. mà không thể nêu ra hết được. Ví dụ như NLĐ không tham gia CĐ thì sao? Sự cạnh tranh không thể tránh khỏi giữa các CĐ với nhau mang lại cái gì cho NLĐ và NSDLĐ? Chi phí cho các cuộc đình công sử dụng thế nào và từ đâu ra? Vai trò của các đảng phái và chính phủ trong các CĐ này như thế nào? ….

Thế đấy, CNTB dân chủ hay CNTB gì đi nữa thì cũng không thoát khỏi mâu thuẫn gia cấp!

Thứ Tư, tháng 3 18, 2009

Nửa kí sức khỏe giá bao nhiêu?

(Phần 1)

Từ xa xưa loài người đã mơ ước “trường sinh bất lão” mà thực chất là “vấn đề sức khỏe”. Nói đến “sức khỏe”, người ta mơ tưởng thần dược. Thần dược hiếm hoi nhưng cũng không giải quyết được tất cả nên thiên hạ mới “bắt tay” với thể thao. Nói tới thể thao, người ta không tiếc lời tranh luận về kĩ thuật, trang bị, dinh dưỡng, bảo hiểm, tất tần tật, miễn “dây” tới nó. Những kẻ “ngoại đạo” nghe ù cả tai, chẳng biết bắt đầu từ đâu?

Đối với các cụ, các bác – lứa biết cả mệnh trời (nhưng chưa chắc đã rõ về mệnh mình) – hẳn có lúc tự hỏi: tập môn gì đây, “lộ trình” ra sao? Các nhà chuyên môn khuyên nên Đi-bộ, Chạy-thả-lỏng, Bơi-lội, thể dục Dưỡng-sinh, ... đại để những môn “dễ tính” bởi chúng đơn giản về kĩ thuật, chi phí thấp, không đối kháng, không nhất thiết có đối tác và hơn cả, rất ít tai nạn.

BƠI LỘI.

Loài người có xuất xứ từ động vật dưới nước, vì thế bơi lội là sự trở về cội nguồi, là khơi dậy bản năng tổ tiên và …chà, mất trang cuối rồi …Kẻ hèn này chỉ còn mỗi phần kĩ xảo bơi lội để hầu các bác.

Chọn mục tiêu: Tôi chọn mục tiêu bơi để duy trì sức khỏe (không để thi đấu hay để tăng kích cỡ cơ bắp) và để ứng dụng trong cuộc sống (đi tắm biển hoặc khi bị lật đò).

Chọn môn: Có 4 môn bơi chính quy là bơi ngửa, bơi bướm (đen phin), bơi ếch, bơi krun (trườn sấp, tự do). Như mục tiêu trên, tôi chọn bơi krun và/hoặc bơi ếch, với kiểu bơi “đường trường”.

Kĩ thuật bơi cơ bản: Xin tham khảo tài liệu không đính kèm.

Kĩ xảo bơi lội: Là các động tác nhằm a/ giảm thiểu lực cản của nước, b/ phát lực và thôi phát lực đúng lúc, c/ tránh các lỗi thường gặp (xin hầu các bác trong Phần 2).

Phụ lục:

PL1. An toàn trên bể bơi: a/ tắm qua loa ngay trước khi bơi (và uống 1 li nhỏ nước lạnh, nếu có), b/ biết cách rót nước vào tai khi tai bị đọng nước, c/ đeo kính bơi, d/ nên tắm qua loa ngay sau khi bơi.
PL2. Bạn bơi trên sông, biển bỗng bị dòng chảy cuốn đi thì chớ cưỡng lại. Hãy nương theo và lạng dần vào bờ. Nếu xét thấy không thể vào bờ được thì cố giữ nổi và vẫy tay (thẳng cánh tay) để gọi cứu hộ. Sẽ vô ích nếu bạn chống lại thiên nhiên.
PL3. Luật giao thông: Nên chọn bể bơi căng đầy đủ dây-phao phân luồng. Trong luồng, bạn luôn bơi bên phải. Khi cần vượt, bạn sang trái và tăng “ga”. Sau khi qua mặt họ, bạn từ từ ép về bên phải và giảm “ga”. Khi kẻ muốn vượt tới ngang bạn, bạn hơi giảm “ga” và ép sát lề cho tới khi họ qua hẳn.

Ảnh 1: anh Obama tuy bơi khá nhưng chưa đúng kĩ thuật chính tắc.

Ảnh 2: đây cũng là thể thao.

Thứ Ba, tháng 3 17, 2009

GlassesesForThePoor.org - Kính cho người nghèo

TN bảo "chỗ tao mới có ít đồ cho người nghèo, chúng mày có muốn làm thiện nguyện thì đến".
Hóa ra đối tác của TN mang sang ít bộ kính lão cho người nghèo, hiểu theo nghĩa "tôi có ít của, bạn có chút công, để tặng không cho người nghèo".
Một bộ vật liệu làm kính, bao gồm hai đoạn thép làm gọng tai, một đoạn thép làm gọng mắt, một mắt kính để chia làm hai, ống nhựa bọc gọng tai, có giá 35 cent US (khoảng 6kĐVN). Một bộ dụng cụ uốn gọng và cắt/mài kính gồm dưỡng gỗ, ê-tô gắn bàn, tay uốn thép, kìm mỏ nhọn, giũa tròn, cưa nhựa, dao gọt nhựa, giấy nhám, tài liệu, có giá 35$US. Bộ đo số kính 40$US. Công làm 20 phút (24 kính/8 giờ, khoảng 4kĐVN/kính), không kể khấu hao dụng cụ có thể tính vào thiện nguyện. Như vậy thành phẩm có giá khoảng 10kĐVN (phi vụ lợi), cạnh tranh được với hàng Tầu.

Ba đoạn thép sau khi uốn thì ra bán sản phẩm như thế này.

Một vật kính tròn cắt ra làm hai mắt kính thuốc có số trên dưỡng. Cấu trúc hai mắt kính trên một vật có cái hay là làm cho ai có "dã tâm" dùng hai mắt kính này lắp vào gọng thường sẽ nhụt chí.


Sản phẩm tự tay làm ra như thế này đây.

Nhìn mẫu uốn gọng, KV hôm nay đến làm buổi đầu.

HH thì đã làm ở đây từ lâu, một đống bán sản phẩm trước mặt. Ấy thế nhưng cậu chưa làm hoàn chỉnh một sản phẩm nào.

Nhược điểm quan trọng của loại kính này là: trừ số độ lão (từ 1 đến 4) và độ vừa gọng tai thì không có gì có thể điều chỉnh được. Mà quan trọng, rất quan trọng, là khoảng cách 2 tiêu cự của 2 mắt. Không biết có nên lấy bản thân ra thử xem đeo kính này có "thành tật" hay không?

Thứ Hai, tháng 3 16, 2009

Nhân ngày 7/5 đi Điện Biên Phủ và thêm nữa

Nhân 55 năm chiến thắng ĐBP đám bạn xấu đang lên kế hoạch đi Điện Biên Phủ vào nửa đầu tháng 4. Có thể từ 10-15/4, theo cung đường HN-Sơn La-ĐBP-Lai Châu-Lào Cai-Yên Bái-Sơn Tây-Hà Nội. Bản đồ tuyến kèm theo đây (bấm vào các nút để được phục vụ tương ứng).
Nếu muốn, tùy theo tình hình, thì có thể đi tuyến QL32 để qua các địa danh "hiếm" như Mù Cang Chải, ... nhân thể tránh đường 70 đang thi công.
Nếu muốn mất ít thời gian thì đi tuyến ngắn, đến ĐBP và về theo đường cũ.


Xem Bản đồ cỡ lớn hơn

Xin thông báo để ai cũng thích đi tuyến này, muốn cùng đi cho vui thì phối hợp kế hoạch. Phương tiện và chi tiêu dọc đường tự thu xếp.

Chủ Nhật, tháng 3 15, 2009

Chủ nghĩa tư bản vượt xa hơn cuộc khủng hoảng

Bài được anh Nguyễn Quang A dịch và gửi theo thư điện tử cho diễn đàn thư CNTT mà tôi có tham gia. Tôi chia sẻ tài liệu này với mọi người có quan tâm tới kinh tế chính trị học.
Mặc dù chưa đọc nhưng tôi vẫn sẵn sàng chia sẻ với mọi người và chịu trách nhiệm về việc quảng bá nó như một sự tín nhiệm nào đó với anh Q.A; và, điều này mới là chủ chốt, CNTB có thể và cần phải chuyển hóa để một lúc nào đó sẽ trở thành hiện thực cái ... CNXH mà tại thời điểm này dường như là trò cười cho nhiều người trong xã hội của chúng ta.
Có thể ngày mai tôi sẽ đọc tài liệu này. Nếu nó làm tôi thất vọng, thì tôi sẽ cho nó "chìm xuồng". Hi vọng mọi người không lấy thế làm bực tức với tôi. Chẳng phải đã có nhiều xuồng rất to chìm rồi hay sao?

Thứ Bảy, tháng 3 14, 2009

"Thợ may ăn vải, ..."

Có câu "thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ". Hôm qua có thằng thợ dưỡng(?) ăn ... sữa. Không những thế còn kéo bạn ăn theo.
Thằng bạn xấu rủ rê đi ăn sữa nhân dịp cơ quan nó tổ chức hội thảo sữa chua và dinh dưỡng. Đến nơi vừa chui ra khỏi thang máy đã thấy toàn dân đánh chén. Chỗ này bánh ngọt, chỗ kia sữa chua, chỗ kìa hoa quả; cà phê, trà không tính.
Hội thảo ngành ... ăn có khác. Không giống tin học, đến mà ăn ngay thì bị bọn khác nó nhìn.
Đến rồi mới biết sữa chua tốt thật:
- một là bổ sung vi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa sau các vấn đề đường ruột (và say xỉn)
- hai là có nhiều chất đạm dễ hấp thụ
- ba là 100% dân châu Á không tiêu hóa được sữa (lacto), sữa chua là sữa đã tiêu hóa một nửa, vào bụng mình tiêu nốt mới hấp thu được
- bốn là đến ăn sữa chua, nghe "quảng cáo" rồi thì được phong bì mang về góp nhậu Vườn Treo.

Vì thế anh em ta nên chuyển từ rượu sang sữa chua đi! (nhận phong bì của người ta rồi thì cũng phải phát động phong trào tí, gọi là biết điều).

Thứ Sáu, tháng 3 13, 2009

Có tinh thần trách nhiệm gây ... hậu quả nghiêm trọng

Cái việc xóa mù, như đã đưa tin, chả ai có thể nói là không có tinh thần trách nhiệm. Có quá đi chứ, cả người cho máy, người nhận máy và cò tin học.
Vấn đề nảy sinh là có tinh thần trách nhiệm nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng. Nhất là sau khi đổ toàn bộ Bạn Trường Trỗi vào máy cho HH xem ngắt mạng (offline). Ba đêm liền cậu xem đến hơn 1h sáng, "luộc" các bài cũ, nghiền ngẫm các lời góp, săm soi ảnh, nhận mặt người, ... Sáng ra than "mày đầu độc tao rồi".
Mà tôi có sung sướng gì. Nửa đêm đang lơ mơ "xem" TV (kiểu người già, ai chả biết) thì bị cậu gọi điện. Mà hỏi toàn những chuyện chỉ có ... Buratino hỏi. Bắt đầu thấy hối hận, cho nó cái cớ quậy phá lúc nửa đêm.
Nhưng mà nghĩ lại, nó hỏi là nó còn muốn xài. Chứ mấy thằng "huynh ca xóa mù" của nó, chả thấy mặt mũi thằng nào!

Thứ Ba, tháng 3 10, 2009

Chép trang tin Trỗi trên mạng

Có một công cụ chép toàn bộ trang tin trên mạng, gọi là HTTRACK. Sau khi chép về, có thể xem toàn bộ trang tin lưu trên máy mà không cần có đường mạng, có thể ghi ra đĩa DVD, hoặc chép vào thẻ nhớ USB phân phối cho mọi người xem chơi, với đầy đủ ảnh kích thước lớn và lời góp (đôi khi thú vị hơn bài viết vì cái sự bình loạn nhiều sắc thái sau đó).

Đây là phần mềm mã nguồn mở, theo đó tác giả giữ bản quyền cho phép người dùng được tự do sử dụng, nhân bản, thay đổi, .... Bởi vậy mọi người có thể tải về dùng mà không lo vi phạm luật bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Bản HTTrack cho Windows XP (thông dụng với mọi người) gọi là WinHTTrack tải tại đây. Chạy file tải về đề cài đặt.
Việc sử dụng không có gì phức tạp lắm, dù có nhiều lựa chọn. Đơn giản, khi dùng, chỉ lưu ý tới nút "Set options" ở bước thứ 3. (hình ở dưới là giao diện trên Linux, giao diện trên Windows có thể khác nhưng chắc nội dung cũng như nhau thôi).

Bước 1: chọn ngôn ngữ, bấm Next mà không cần suy nghĩ vì không có tiếng Việt để mà chọn đâu.

Bước 2: Chọn "dự án" (project). Chưa có dự án nào thì đặt tên cho nó.

Bước 3: Chọn đường dẫn địa chỉ trang tin muốn chép (nút Add a URL). Thí dụ muốn chép Bạn Trường Trỗi thì gõ bantroi.blogspot.com vào khung địa chỉ mới mở ra.
Bước này lưu ý bấm Set Options rồi Limits để chọn các giới hạn liên kết từ địa chỉ trang tin. Dòng trên cùng (Max Depth) gõ số 3 vào khung, có lẽ tương ứng với 3 cấp của phân bố cấu trúc hình cây từ gốc là địa chỉ trang tin. Bạn Trường Trỗi và Út Trỗi đã được chép về với lựa chọn này (có khi chỉ cần 2 cấp là đủ) cho phép xem các lời góp và ảnh trên bài được phóng to.
Không chọn Maximum External Depth (để trống, null) để không chép các trang khác ngoài địa chỉ trang tin. Nếu chép cả các trang này thì dung lượng sẽ rất lớn.
Nếu cần chi tiết hơn thì sẽ phải nhờ tới những người thông thạo hơn, xem hướng dẫn trên địa chỉ gốc của phần mềm HTTrack.

Ai có đường mạng ADSL ổn định thì có thể chạy vài tiếng là hết Bạn Trường Trỗi (khoảng hơn 1.3GB) hoặc Út Trỗi (khoảng gần 800MB). Tất nhiên bài mới nhất chỉ là bài của thời điểm chép. Sau này có thể cập nhật tin mới phát sinh sau đó với thời gian và dung lượng tương ứng, sẽ không mất nhiều thời gian như lần đầu.

Chú ý: kinh nghiệm cho thấy nếu không làm đến cùng cho phần mềm tự đóng việc lại thì sau đó rất khó chạy tiếp, dù có chức năng "ghi tiếp phần chép bị ngắt quãng". Vì vậy nếu định chép thì nên chuẩn bị điều kiện cho máy chạy qua đêm, hoặc không dùng vào việc gì khác trong lúc đang chép dở.

Tin xóa mù

Hôm nay tôi đã trang bị thêm cho HH một cái modem CDMA. Thực chất nó là cái điện thoại di động của Điện lực VN (EVN). Quan trọng là kỹ thuật nối mạng của EVN, dựa trên công nghệ CDMA chứ không phải GSM như các thằng khác, chỉ tính có 120Đ/phút. Một giờ là 7200Đ. Tạm chơi được khi không có ADSL. Thực chất của cái modem này (tốc độ chậm) là để gây "nghiện", không có đường lui, kiên quyết đòi cho bằng được đường ADSL tốc độ cao từ cậu con rể.

Mong HH sớm góp mặt trên mạng cho vui.

Chủ Nhật, tháng 3 08, 2009

Chúc mừng 8/3

Chúc mừng các bạn và k9 nữ Trỗi nhân ngày 8/3.



(Có bao nhiêu hoa của mình đã gửi hết cho UT tháng trước rồi, bây giờ khan hàng quá, chả biết chúc bằng gì. Thôi, đành vào phố web mượn tạm bó hoa tặng bạn. Rồi có thấy mẹ nào hát hay bên đồi sắn như hồi ở Trại Cau thì mọi người ráng chịu).

Nghiến răng (cóc) làm thơ:


Hôm nay mùng Tám tháng Ba
Cây Đỗ Quyên nhà nở đầy hoa
Thân tặng bạn nữ và k9 (Trỗi)
(Thằng nào sờ đến đánh gẫy tay).

(hoa đỗ quyên ở nhà, chiều 8/3/2009)

Thứ Sáu, tháng 3 06, 2009

Tội nghiệp

Đâu đó nói về "Ma chiến hữu" của Mạc Ngôn như một biểu hiện của tình hữu nghị Trung-Việt. Hay đó chỉ là lời lầm lẫn có ý của một "tinh thần dân tộc Việt"?
BBC lấy lời của một bloger làm bài. Tôi đồng ý.
Tin cho hay TQ đang đẩy mạnh đầu tư vào tam giác Việt-Miên-Lào. Ở VN là bô-xít, ở Lào và Miên là rừng(?). Khi đưa người Hoa sang đủ thì có lẽ sẽ tách ra tuyên bố độc lập? Một nước TQ nhỏ giữa lòng Đông Dương.
Khổ rồi em ơi!

Thứ Năm, tháng 3 05, 2009

Bao cấp muôn năm!

Bữa trước ngồi nhậu với mấy bạn Trỗi, tranh cãi ồn ào, rượu nào ngon hơn. Người nói rượu ta, kẻ nói rượu tây. Cognac hay Whiskey. Rồi Hennessy hay Martell hay Remy Martin. Ôi thì đủ cả ….Đúng là thời thị trường mở cửa, nội chuyện nhậu rượu nào, với mồi nào, ở đâu … tranh cãi tới hết rượu, hết mồi vẫn không xong. Chẳng bù cho thời bao cấp. Có rượu thì dùng rượu, có bia thì dùng bia. Bia chai hay bia hơi, bia thùng hay múc … thứ nào thì cũng chỉ có mỗi thứ ấy, đâu có phải lựa chọn. Xài hoặc không xài, vậy thôi.

Đời bao cấp thật là sung sướng. Không việc gì phải suy nghĩ mệt óc (mà có muốn nghĩ cũng chẳng có gì để nghĩ). Từ nhỏ đi học, hết lớp này thì lên lớp khác. Hết cấp 2 thì sang cấp 3. Trường Trỗi hay trường nào thì cũng vậy, các môn học cứ tuần tự mà tiến ở khắp mọi nơi.

Chẳng phải như ngày nay. Em vô lớp 10 hả? Trường chuyên hay trường nào? Học ban chuyên hay cơ bản? Mà cơ bản nâng cao hay bình thường? Rồi, vậy chớ bình thường Toán – Lý – Hóa hay Toán – Văn – Anh hay … ? Ôi rối mù. Vô Đại học thì đúng là “độc hại” (nói lái theo kiểu Nam bộ), đủ các thứ trường, đủ các thứ ngành nghề chuyên môn … thôi thì hoa cả mắt. Chỉ nội chuyện khai hồ sơ Đăng ký dự thi cũng đã cần phải tham gia vài “lớp huấn luyện” may ra mới không đăng ký sai.

Thiệt chẳng giống thời báo cấp sao mà dễ dàng. Thi hả? Thì thi! Đậu rồi hả? Thì đậu! Học trường này hả? Thì học! Học ngành này nhé? … Thôi đừng hỏi nữa, nhà nước đã nói thì cứ thế mà học. Học xong, đi làm ở đâu đã có nhà nước “phân công”. Lương lậu cũng đã quy định sẵn, tới tháng cứ thế mà lãnh. Khỏi suy nghĩ, khỏi thắc mắc. Khỏe re!

Đấy, tới chuyện tương lai, hậu vận mà còn chẳng phải suy nghĩ, lựa chọn thì hơi sức đâu mà tính chuyện rượu nào ngon, mồi nào dở. Cứ tàn tàn mà sống. Sáng cả nước lo việc nhà (mua gạo, mua củi, nhu yếu phẩm, “phe” tem phiếu …), chiều cả nhà lo việc nước (xếp hàng múc nước về giặt giũ, tắm rửa, nấu nướng …). Tối leo lên giường nằm nghe cải lương (vì chương trình TV đang diễn vở “Thái hậu Dương Vân Nga”), muốn xem cái khác cũng chẳng có mà lựa chọn. Tuồng nào, phim nào nhà nước chiếu, cả nhà, cả cơ quan, bạn bè đều biết hết, đều được xem giống nhau hết. Tha hồ mà bình phẩm, khen chê đủ điều.

Chớ như bây giờ, bật TV lên, nội chuyện chọn xem phim nào, chương trình nào cũng mất hết cả tiếng đồng hồ. Rồi thì phim nào thấy cũng đã xem, mà không xem hết (thiếu phần đầu do còn lo chọn lựa). Hôm sau vô cơ quan mấy thằng em nói phim của chương trình kia còn hay hơn mà thấy tiếc hùi hụi. Me nó, tụi TV chiếu phim nào thì chiếu mẹ nó 1 phim như thời bao cấp cho rồi. Để mình tức!

Thế mới thấy thời bao cấp là sướng nhất. Bao cấp muôn năm!!!

Thứ Tư, tháng 3 04, 2009

Hình ảnh Thiếu sinh quân



TSQ thời Trung Hoa dân quốc (1940).








TSQ thời Nga hoàng (1880).














TSQ Nga (thời mới).







TSQ Ấn độ (2003).







TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1966).

Thứ Hai, tháng 3 02, 2009

Bạn Trỗi, những giá trị ảo, thực

Có lẽ cũng là một dịp tốt để phát biểu về quan niệm của mình về bạn Trỗi, nhân có Thông báo của Ban LL Trường. Bởi vì tôi đã từng nói chuyện này với nhiều người, vào những lúc khác nhau, về nhiều khía cạnh, bây giờ tập hợp những suy ngẫm đó lại trong một dịp thuận tiện, cũng nên.

Có lẽ không cần nhắc lại những mốc sự kiện và con người cụ thể của việc tái hợp các bạn Trỗi từ quãng 20 năm trước cho tới giờ. Bởi vì bạn Trỗi vốn cũng là bạn bình thường, chỉ trở nên "Trỗi" khi tập hợp lại nhờ mối liên hệ thông qua cái gọi là Ban LL Trỗi.

Với tôi, bạn Trỗi là những người dễ hiểu, dễ thông cảm và hòa đồng. Tại sao? Tự lí giải rằng lứa chúng tôi đã sống với nhau trong thời kì hình thành nhân cách. Mà cái nhân cách được hình thành khi đó lại do các thầy vừa giỏi vừa trong sáng dậy bảo trong môi trường quân đội "vì nhân dân quên mình". Chả phải là gì quá đặc biệt, những ai đã đọc "Bài ca sư phạm" của Makarenkô đều có thể thấy phảng phất cái mà ta gọi là "Trỗi" của mình. Cũng phải nói thêm rằng có những người bạn Trỗi mà mình chỉ có thể "chơi" như chơi đồ cổ chứ không "dùng" vào việc gì vì vẫn có những khác biệt của ngày hôm nay. Đổi lại, nhiều bạn cũng coi mình như đồ bỏ, không thèm chơi nhưng giúp tận tình, cũng là một cách chơi vậy.

Chất Trỗi có thể không sâu sắc lắm với lứa trên, vì họ có ít thời gian với nhau hoặc chưa kịp "mài" để tạo nên giá trị. Còn vài ba lứa cuối tỏ ra ít gắn bó với nhau vì chưa vào cái tuổi hình thành nhân cách thì đã giải tán ra trưởng thành ở trường ngoài. Bởi thế nếu nói "Trỗi" nhất trong các khóa thì có lẽ đó là k4.

Điều thất vọng đầu tiên với "Trỗi có tổ chức"? Ấy là khi Ban LL trường mới được nhen nhúm hơn chục năm trước đã tìm cách ta thán với "trển" đại ý rằng bạn Trỗi chúng ta chưa kịp phục vụ CM thì "có những cháu đã ... về hưu". Thật sự tôi cảm thấy tội nghiệp với cách nghĩ về hưu mà vẫn còn là "cháu", và lặng lẽ rút lui khỏi Ban LL Trường 199x.

Quay trở lại với Thông báo mới đây của Ban LL Trường 2009, có gì giống như thế chăng? Không giống ở những sự việc cụ thể, và giống ở "tầm nhìn", hơi bị ... xa.

Chúng ta có phải là một tổ chức thống nhất không? Tôi cho là không, nếu xét theo đúng nghĩa, trừ khi là một tổ chức bất hợp pháp (hay chưa hợp pháp hóa). Có thống nhất không? Làm gì có cái gì để mà thống nhất ngoại trừ việc gọi nhau chơi như những người bạn bè. Chúng ta cùng nhau ăn nhậu, nói chuyện, đưa nhau đi thăm bạn, thăm thầy, thăm đồng bào chốn cũ, làm việc nghĩa, ... Tất cả những việc đó nhân danh bạn Trỗi nhưng thực sự là việc của mỗi cá nhân, làm trước hết để thỏa mãn cá nhân, không vì Trường, không vì ai cả. Bởi vậy với lời cám ơn mà BLL Trường đặc biệt dành cho hoạt động của k4 vì đóng góp vào hoạt động chung của Trường, thì tôi cũng (nếu có thể nhân danh các anh em trong và ngoài k4 đã đóng góp tiền và sức lực cho các hoạt động đó) xin cám ơn lại vì đã được mượn danh. Chúng tôi, những người gián tiếp và trực tiếp làm những việc đó, hài lòng khi việc làm xong như đã định, được chính quyền xã thay mặt bà con địa phương cám ơn.

Lại nói về trường, tôi nhắc lại quan niệm của mình rằng trường Trỗi không phải là trường TSQ. Tại sao các khóa nhỏ lại có nhiều liệt sĩ, đơn giản vì khi đó họ đã ra trường ngoài. Họ sống và đi chiến đấu như những người dân bình thường. Có lẽ Vũ Chí Dũng k4 là trường hợp duy nhất xin ra khỏi cái hành lang quân đội vạch sẵn. Chúng ta tự hào về họ như những người bạn, vậy thôi. Tôi thêm chữ "bếp" vào sau "Sinh ra trong khói lửa ... " là để tự nhắc mình đừng bị "chói lóa" về bản thân khi đặt mình cạnh vào ánh vinh quang vì hi sinh mà có của các bạn ấy.

Ban LL Trường kêu gọi "hãy ủng hộ BLL hoàn thành nhiệm vụ được giao phó". Tôi nghĩ không biết ai giao phó cho Ban LL trường cái gì?

Việc gắn bia dựng tượng? Tôi không hình dung một tượng đài cho chính anh em mình bằng quyển sách dày tới 1000 trang là cần thiết. Tôi không phủ nhận những quyển trước. Nhưng ý nghĩa của việc làm sách trong điều kiện tình thân đã nối mạng, khi cái sống động hàng ngày mới là cái thỏa mãn anh em, khi đó quyển sách thực sự sẽ trở thành tượng đài "bất động toàn thân".

Việc gắn bia núi Ốc, việc đề nghị tặng kỷ niệm chương cho QL, tổ chức lễ kỷ niệm trường, ... có thể là Ban LL Trường nghĩ ra vì một cái "nhiệm vụ thiêng liêng" nào đó (ngoại giao nhân dân?). Tất cả các việc làm đều tốt nếu đúng đối tượng, đúng khả năng, đặc biệt việc giúp đồng bào. Ban LL Trường chỉ có thể đề nghị Ban LL các khóa giúp chuyển thông tin tới anh em, hoặc tốt nhất là hãy tự mình vận động trực tiếp. Vì xét cho cùng Ban LL các khóa nếu có tác dụng gì thì cũng chỉ trong số anh em thừa nhận mình thôi chứ không thể truyền đạt tới số coi bạn Trỗi là "đồ bỏ". k4 có những người không bao giờ gặp anh em với tư cách bạn Trỗi nhưng, hoặc sẽ giúp với tư cách bạn, hoặc sẽ gặp tình cờ vì cùng là bạn của một người bạn khác, hoặc ... gì đó tương tự.

Cứ xem trong các buổi gặp mặt anh em cần gì ở Ban LL. Họ vỗ tay bầu cho bất cứ ai được đề cử vào Ban LL. Bởi cái họ cần là những thứ làm vui thêm cho cuộc sống thường ngày, chả có cũng không sao. Hoàn toàn không liên quan tới nghĩa vụ và trách nhiệm. Ai làm, là những người lấy cái việc làm vui cho người khác làm vui của mình. Hầu như không có thất sủng, nếu thực sự ôm rơm vào cho nó rặm bụng theo cách nói của người dưng.

Bởi thế cuối cùng thì trong quan niệm của tôi bây giờ Ban LL trường cũng là một Ban LL như các khóa, có thể gọi là BLL k0 để phân biệt chứ không hề có ý nghĩa là Ban LL của một tổ chức thống nhất để mà cầm tay chỉ việc cho các Ban LL các khóa các vùng vốn nặng về vui chơi tuổi già.

Ý kiến này không đại diện cho ai ngoài cá nhân tôi. Hiện tôi đã "tháo chạy" khỏi Ban LL k4 rồi, nhưng vẫn tìm cơ hội vui chơi. Cái gì vui vẫn chơi. Xin hết.