Thứ Năm, tháng 5 31, 2007

THĂM “CHIẾN HỮU” Ở ĐỨC

Thấy mấy người anh em tranh luận hơi bị nhiều về chuyện qua Đức, sẵn có bài viết từ tháng 10/2005 đã gửi qua E-mail cho mọi người nay đưa lại lên blog để góp vui với anh em.

Dương Minh


Đã nhiều năm tôi “rắp tâm” phải làm thế nào đi Đức để có dịp thăm các “chiến hữu” ở bên đó – đặc biệt là Quang “xèng”, vì nó với tôi có quá nhiều kỷ niệm cái thời học ở Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thực ra khi ở Trỗi, tôi và Quang “xèng” không chơi với nhau. Chi khi về Tổng hợp, mặc dù có một số cùng lớp chuyên toán với tôi như Thế Nam, Vũ Trụ, Tự Thành … và mỗi đứa vẫn còn mảng bạn thân riêng thời ở Trỗi, nhưng hai thằng tôi bắt đầu “gắn” nhau. Có lẽ tính cách và bề ngoài bổ sung cho nhau chăng? Tôi thì mảnh mai, khéo tay, e dè … còn Quang thì mạnh mẽ, “ngang tàng”… (Nó bị Đoàn trưởng Quang “voi” suốt ngày phê bình là thiếu “chững chạc” vì cái dáng đi khuỳnh khuỳnh ?!?). Lúc đó đúng là “con chấy cắn làm đôi”, chia nhau từ điếu thuốc (mà đôi khi nó “chôm” của ông già) đến từng ngụm bia lúc hai đứa “rủng rẻng” đôi chút … và cả việc học hành. Khi làm luận án tốt nghiệp, chúng tôi phải chạy chương trình ở Trung tâm Máy tính của Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước. Máy Minsk - 22 lúc đó đã “phọt phẹt”, hai đứa thì “tay mơ”, suốt ngày cùng nhau gò lưng dò và sửa lỗi trong chương trình đến toét cả mắt. Cuối cùng hai thằng ngang nhau, đều đạt điểm 10 luận án. Ra trường mỗi thằng một nơi, nhưng cùng ở trong Thành nên vẫn có dịp “thăng trầm” với nhau. Giải phóng miền Nam, tôi vào Sài Gòn, do cùng nghề nên cũng còn điều kiện tái ngộ. Đến khi Quang đi “xuất khẩu’ là xa nhau, xa nhau mãi mà chưa gặp lại.
Đến tận tháng 7/2005 cơ hội mới tới, tôi được cấp trên chấp nhận cho sang Châu Âu tìm đối tác làm ăn. Xoay sở đủ kiểu mới có được thư mời để làm Visa vào Đức. Do công việc, tôi phải lang thang mất một tuần ở Paris và vùng Frankfurt. Đến sáng Thứ Bảy, ngày 16/7, tôi từ Frankfurt lên tàu đi Leipzig. Biết công việc của các “chiến hữu” hàng ngày rất bận rộn (chứ đâu có quĩ thời gian “vô tư” như cánh ta ở nhà), tôi đã chủ động bố trí đi thăm tụi nó vào dịp nghỉ cuối tuần. Điện thoại qua lại vài lần cho “chắc cú” thời gian và điểm hẹn gặp, ngồi trên tầu tôi vẫn cảm thấy hơi bị hồi hộp - cứ như là đi gặp… bạn tình. Các cánh đồng vàng rực, những dải rừng xanh ngắt … cứ vùn vụt trôi qua, nhưng tôi vẫn cảm thấy tầu đi chưa phải đã nhanh lắm! Cuối cùng nhà ga Leipzig cũng đã xuất hiện.
Xuống tầu, móc điện thoại liên lạc, giọng hai thằng đều quýnh lên. Quang “xèng“ nói với tôi cứ như ra lệnh cho con nít “Mày ở đâu, đứng yên đấy để tao đến!” (Hơi bị tinh tướng nhé, mày sợ tao lạc à – tôi nghĩ vậy). Té ra hai thằng còn cách nhau có … chục mét. Vẫn cái dáng khuỳnh khuỳnh, nó với tôi vồ lấy nhau xoắn xuýt và đều “sướng” vì hai thằng trông còn rất phong độ. Trời xui đất khiến thế nào mà cả hai cùng “chơi” quần ka ki trắng, áo thun sậm màu, giày nâu – đúng là “hình” với “bóng”! (Không biết Quang “xèng” có ấn tượng với chi tiết ngẫu nhiên này không?).
Về thẳng nhà Quang. Phu nhân của thằng bạn đang mải miết chuẩn bị bữa trưa. Có hai chú nhóc trên mười tuổi đang chơi đùa, một đứa to như hộ pháp còn một đứa thì người sắt lại. Biết cậu ấm của Quang “xèng” đang chơi tiền vệ trụ cho tuyển U13 của Leipzig nên tôi cứ tưởng nó là chàng hộ pháp, nào ngờ đó là con trai Võ Hùng. Thật vui và đầm ấm, nơi trời Tây xa xôi này không chỉ lính Trỗi gắn bó với nhau mà thế hệ sau cũng đã gắn bó.
Ra ban công vừa ngắm cảnh vừa nhâm nhi ly bia chờ Quí “nhẽo”. Chuông reo, Quí đến - nó vẫn vậy - vui, têu tếu, hơi ồn ào nhưng rất thâm thuý. Vào tiệc. Canh cua, cá chép và đậu phụ rán, rau kinh giới, nước mắm, ớt tươi … cứ như ở quê nhà. Thật sướng. Sướng hơn nữa là tôi đã gặp được thằng bạn mình ngay tại nhà nó ở tận Leipzig! Vừa ăn vừa thảo luận lịch trình. Ngay buổi chiều, sau khi đi thăm chợ Đồng Xuân và chợ Bến Thành của Leipzig, mấy gia đình đã gặp nhau tại Trung tâm thể thao và massage dưới nước. Cũng thật thú vị, cả mấy gia đình anh em bạn bè gặp nhau trong khung cảnh sinh hoạt mang đậm phong cách văn hoá Đức (Đây là “độc chiêu” của Quang “xèng”, trước tôi, anh Giáp Hùng cũng đã được nó “chiêu đãi” như vậy. Gặp Giáp Hùng ở Sài Gòn tôi kể lại, anh vẫn sướng và cười như … Liên xô). Gần 3 giờ sáng hai thằng mới đi ngủ. Đủ chuyện trên trời dưới biển nhưng chủ yếu là “mảng đời” riêng của mỗi thằng từ khi xa nhau – vẫn cảm thông và chia sẻ như xưa.
Sáng Chủ Nhật, Quang lái xe đưa tôi đi Dresden thăm cô em gái của Nhân – Nghĩa. Lại rượu, bia và món ăn Việt. Mấy anh em cứ tíu tít với nhau – thật sướng! Tôi sướng nhất vì cứ “keng” liên tục, còn anh em chúng nó đã nhiễm “kiểu Đức” lại phải lái xe nên uống rất cầm chừng. Chiều về lại Leipzig, Quang bàn giao tôi cho Quí “nhẽo” để vợ chồng Quang đi dự đám cưới. Vợ chồng Quí rủ vào trung tâm thành phố thưởng thức lịch sử và văn hoá Leipzig (sở trường và thú vui của nó mà!), nhưng vì buổi tối phải đi Berlin ngay nên tôi đề nghị về thẳng nhà để có thời gian hàn huyên (thực ra do hậu quả uống ở Dresden tôi đã phải “khò” một giấc để hai vợ chồng Quí phải ngồi chờ – nghĩ đến vẫn cứ ân hận về cái “sự” uống của mình). Tiếp tục bia, rượu với đồ nhắm Việt và cuối cùng là món bún thang. Cứ thấy nao cả lòng, chuyện trò rôm rả rồi cười đấy mà buồn âm ỉ. Các “chiến hữu” vẫn giữ gìn “hồn Việt” thật sáng trong!
Chia tay nhau rất bịn rịn. Anh em bên ấy ai cũng bày tỏ niềm khao khát có điều kiện gặp nhau càng nhiều càng tốt. (Lẽ ra chúng ta đâu phải sống như vậy?) Tôi cứ nhủ thầm phải làm được cái gì đó để sẻ chia với các “chiến hữu” ở Đức. Viết thôi!
Tháng 10/2005

Thật tình tôi cứ băn khoăn chuyện viết ra đâu có gì “ghê gớm” – toàn chuyện rất đời thường. Chỉ có “Sinh ra trong khói lửa” (và nay là blog này) mới tôn trọng và nâng niu. Tất cả cho “Tình Trỗi” sáng mãi!

Thứ Tư, tháng 5 30, 2007

Chuyện Trỗi xưa: Lấy củi

Lần trước tôi đã kể chuyện lúc mới lên trường còn ở trong Đồng Cháy vì phải học ôn cho kịp các bạn nên tôi không được đi lấy củi. Trong lòng ấm ức tiếc rẻ. Vì cho đến khi đó nói đến lấy củi là nhớ ngay phim hoạt hoạ Liên Xô. Các bạn nhảy chân sáo vào rừng, chim hót, bướm lượn vờn hoa. Thỉnh thoảng trên bãi cỏ có cành củi khô, bèn nhặt lấy mang về. Tuy ấm ức nhưng tôi cũng không cố đi, vốn là trò nghe lời thầy mà. Với lại học kịp các bạn thì đi, có sao đâu.
Đến khi sang Trại Cau thì tôi mới đi lấy củi lần đầu. Từ Trại Cau cả bọn kéo nhau sang lối bên kia đường (bây giờ vẫn vậy), đi qua suối Chì, qua khoảnh ruộng bậc thang thoai thoải trồng lúa nước. Bọn lớp 5 (k6) và lớp 6 (k5) của Kiến Quốc ở đâu đó khu vực này. Sau đó con đường mòn dẫn lối vào rừng, qua một cái khe mà sau này tôi với Thanh Minh, Tương Lai có chuyến vào câu cá đêm và bắt ếch, bên chân đồi tay phải cách một khoảnh ruộng có cây trám trắng cao vút. Lên khỏi cái khe này là đến một nhà dân mà thỉnh thoảng anh em ta vào mua sắn, mật mía nấu chè ăn tại chỗ.
Nhìn chả thấy rừng cây và thảm cỏ đâu, chỉ có những sườn đồi dốc đầy những cây gì khô mầu rạ thẳng đứng. Đỉnh đồi có những cây to và bụi rậm. Thấy mọi người bắt đầu leo lên đồi, tôi hỏi củi đâu? “Ma cũ” (chả nhớ là ai) bảo đấy, leo lên đồi, thấy củi thì lấy. Mọi người leo thì tôi cũng leo chứ đã thấy gì đâu. Theo chúng trèo lên đồi. Hoá ra đây chính là nương trồng lúa. Những cây lúa nương, sau này biết dân gọi là “lúa mố”, đã được thu hoạch bằng cách rút bông chứ không gặt, nên phần rạ, rơm còn nguyên trên đồi. Mà giống lúa mố trồng gieo hạt thẳng xuống đất, lớn lên nhờ tro đốt nương và nước trời nên cây cao và cứng. Ít lâu sau chuyến lấy củi này tôi có một kỉ niệm với cây lúa mố, kể sau. Hoá ra củi là bất kì cành cây nào có thể lấy được ở trên nương, trong rừng. Người ta hạ cây rừng, để khô, đốt rồi làm nương. Ở đó có những cây, cành to người ta không lấy về nhà làm gỗ, làm củi, cháy không hết, là “củi” của quân ta. Thường là phải chọn lấy cành vừa sức, rồi vác về.
Trở lại với chuyện leo nương tìm củi. Cả bọn tản ra, vừa leo vừa nhìn xem có củi không. Có những cây to nằm khuất trong đám lúa, to quá, không thể nào khiêng được. Cành của chúng thì đã bị lấy đi rồi. Lác đác có những cây chuối rừng nhỏ lá xanh mướt giữa đám lúa mố xỉn mầu. Chợt nghe có tiếng gọi nhau í ới. Hoá ra không biết thằng nào đi sau còn dưới chân đồi lại tìm được cây củi vừa mắt đang gọi mượn dao. Ngô Mạnh Hùng to khoẻ (chả thể mà gọi là Hùng ngựa, móng) cầm con dao quắm đã trèo tuốt lên cao. Thằng ở dưới mượn dao thằng ở trên. Ngô Hùng bảo “bắt lấy này” rồi quăng con dao xuống. Bố thằng nào dám bắt dao. Mấy thằng ở dưới hét ầm lên, tôi nhìn con dao quăng quăng từ trên rơi xuống dưới, hình như có thằng nào sợ quá hụp đầu xuống. Rồi có tiếng hét đau đớn của một thằng, các thằng khác hô ầm lên. Ngô Hùng chạy vội từ trên đồi xuống, bọn tôi cũng xuống xúm lại xem. Hoá ra anh Chí Quang nhà mình trúng dao vào chân. May mà không phải phần sắt của dao phang vào, may mà không gãy xương, chảy máu, nhưng mà đau không đi được. Thế là chuyến đầu tiên anh Chí Quang làm “củi” cho anh Ngô Hùng cõng về.
Ngó cảnh Ngô Hùng cõng Chí Quang về, rồi cả bọn lại leo nương tìm củi. Mãi chả thấy củi đâu, lác đác đã có thằng ra về, cũng sốt ruột rồi. Loanh quanh, trèo lên rồi đi ngang qua lại, cuối cùng tôi cũng thấy một cành củi. Lạ một cái là sao không có thằng nào lấy, chỗ này chắc có thằng qua rồi chứ. Mà chả phải chặt gì cả, hơi nặng một tí nhưng cũng vác được. Thế là vác lên. Vừa vác vừa kéo từ trên nương xuống, rẽ đám cọng lúa mố, mướt mồ hôi. Xuống đến đường nghỉ một chốc mấy thằng có củi rủ nhau về, cũng gần chót rồi còn gì.
Đến khi vác cành củi của mình tôi mới thấy cực. Càng đi cành củi càng nặng dần, vai đau hơn. Đất dính đầy cổ, vai. Hai tay nâng cành củi cho vai đỡ đau. Tệ hơn nữa là cành củi của tôi có hình như cái vai cày, hai đầu trũng xuống gần đến đất. Mình đi vai lắc sang phải thì hai đầu nó đu sang trái, cứ như thế. Rồi đến chỗ đường trũng giữa đồi, giữa ruộng bậc thang, đi lên thì đầu trước chọc vào đất, đi xuống thì đầu sau quết đất. Bọn cùng đi vượt trước một quãng xa mà tôi vẫn còn đánh vật với cây củi. Bỏ cũng không được, vì tìm mãi rồi bây giờ quay lại có mà tìm đến bao giờ, trong khi “đồng bọn” đã về hết. Mãi cuối cùng tôi cũng tha được cái vai cày về đến bếp đại đội.
Thế là tan một giấc mơ “hái củi”.
Sau này còn nhiều chuyến đi lấy củi, lúc thì lấy cành cây cháy dở, than bám đen nhẻm; lúc thì kiếm củi trời mưa mùa đông giá rét rồi về tắm suối. Có những chuyến vào nương cũ, cây dại đã mọc um tùm, đi trên thân cây to chặt lấy một cành vừa í. Hái mấy lá to đùng của cây mua non làm “giấy”, ngồi ngang thân cây “bom” xuống rồi về. Đến hồi tập ở Quân chính cũng đi lấy củi. Về Hưng Hoá, rừng xa, mỗi lần lấy củi đi mất cả ngày, phải mang theo bánh bao ăn trưa. Bao giờ tôi cũng chọn cây thẳng thẳng và nhẹ nhẹ một tí, về đến nhà là vừa nặng. Mà cũng chỉ có ở trường Trỗi là đi kiếm củi, sau này toàn phải mua, vì có ở rừng nữa đâu mà đi nhặt.

Thứ Ba, tháng 5 29, 2007

Chuyện Trỗi xưa

Không biết các anh thì thế nào, với tôi cái ngày đi trường Trỗi nó nhớ lâu lắm, hơn 40 năm rồi. Mấy tháng trước, khi chưa có cái blog này tôi đã nghĩ sẽ viết lần lần rồi gửi cho mọi người xem chơi. Có nhiều sự việc xảy ra cùng với nhiều người, nội trú mà. Bây giờ viết lại, rõ ràng là theo ý mình. Cái thú vị là ở chỗ cùng một sự việc, cùng một thời gian, mỗi người khi đó cảm nhận một khác. Bây giờ một ai viết ra, người kia đọc lại, như làm mới lại một chuyện cũ, như sống lại thời gian cũ. Nhưng cũng có lúc nghĩ lại, tự hỏi viết ra những chuyện như thế có phải là dở hơi rỗi việc không. Chả có ích gì cho ai, liệu có ai thích thú.
Nhân thấy anh Dương Minh kể chuyện cũ sau chuyện của Thanh Hùng, Tuấn Linh k3. Lại có lời động viên của anh Quý nhẽo, có lẽ tôi cũng sẽ lần lại thời gian, kể dăm câu chuyện cũ cho vui.


Tôi đã vào trường như thế nào

Tôi còn nhớ trước khi tôi đi lên trường, có một buổi tối ngồi nói chuyện khá lâu với Thanh Minh ở vườn hoa Tao Đàn. Chẳng nhớ được là nói chuyện gì. Bây giờ cái bọn trẻ con lớp 6 nó nói thì mình có quan tâm làm gì. Tóm lại là tạm biệt để ngày mai tao đi trường thiếu sinh quân. Lúc đó cả hai thằng chả hình dung cái trường ấy nó là như thế nào. Với tôi, sau một năm có chiến tranh phá hoại, nhiều lần gia đình tìm chỗ cho đi sơ tán, mấy tháng đi sơ tán với cơ quan mẹ, nhiều lần buổi tối đi theo ba đến những cây cầu gần HN bị đánh bom sập đang khôi phục lại, có một lần cõng ba lô một tuần theo ba đi kiểm tra đường sắt HN-Lào Cai; lúc đi tầu, lúc lội bộ, qua cả bom chưa nổ người ta đang đào, lúc máy bay Mĩ ném bom cây cầu mới đi bộ qua độ nửa giờ, ăn ngủ ở các cơ quan sơ tán dưới tán rừng Yên Bái, Lào Cai thì lên “trường thiếu sinh quân” có vẻ như sẽ có tất cả các thứ đó. Chỉ có điều là với những người khác chứ không với người nhà mình.
Thực ra mấy năm lớp 5, lớp 6 tôi không còn học cùng Thanh Minh, Chí Quang, Tương Lai, Thanh Bắc, ... như hồi ở Lê Ngọc Hân. Nhưng vì hè năm lớp 6 bạn mới thì tan tác, ai có chỗ nào đi thì đều đã sơ tán cả, bạn cũ thân thân có Tương Lai và Thanh Minh nên còn chơi, đủ cho một cuộc tạm biệt.
Ngày 13/9/65 tôi đến xưởng phim quân đội ở 12A Lý Nam Đế, anh tôi chở đi bằng xe đạp. Một cái ba lô gấp, tự may bằng vải bạt phủ tầu hàng, cũng có bát sắt, túi đựng bàn chải đánh răng, hình như còn có cả ruột tượng đựng gạo, ... theo mẫu thời chống Pháp mới 10 năm trước của các vị phụ huynh. Trời mưa mới tạnh, một lúc thì người ta nói leo lên một cái kom-măng-ca đít vuông. Trong số này có bạn cũ là Chí Quang, còn Chi Long, Phạm Tùng, Quốc Khánh và ai nữa (hôm nọ còn nhớ) sau này mới quen. Xe chạy mãi, có lúc đi ven bờ suối, có lúc lội qua suối gần cái cầu bị đánh hỏng thời chống Pháp. Cuối cùng đến gần chân núi, hai bên là ruộng, xe dừng lại ở Gốc Đa (là sau này gọi thế). Bắt đầu cuộc sống trường Trỗi bằng một chuyến đi bộ vào Đồng Cháy. Tôi nhớ nhất dáng lếch thếch của Quốc Khánh với cái túi đeo qua vai bằng vải chéo sọc nâu nhạt với đỏ, quai dài tới gần đầu gối. Trong ba lô tôi có cái vỏ chăn cũng may bằng vải ấy.
Sớm hôm sau còn đang ngủ thì bị dựng dậy tập thể dục. Bắt đầu cuộc sống “bầy đàn”. Ăn, ngủ, học ôn đều ở nhà dân. Đồng Cháy còn đọng trong trí nhớ với những cái giếng nhỏ kè bằng đá suối, miệng cuốn bằng tre, ăn xong rửa bát ở nước ruộng rất trong chảy từ mảnh cao xuống mảnh thấp. Đồng Cháy có vạt sắn thuyền trong đồi, với những bụi cây lúp xúp phía dưới. Đi lên đó để “đại bất tiện” rồi bẻ cành tuốt quả sắn thuyền ăn. Thằng nào mồm tím là ăn sắn thuyền, các thầy sẽ phê bình. Đồng Cháy, ở chả bao nhiêu, lên trường ngày 13/9, khai giảng ngày 15/10 khi đã chuyển ra Trại Cau, thế mà đã nhiều chuyện ghi nhớ. Không dưới 1 lần đi từ Đồng Cháy ra Gốc Đa xem phim, tay cầm mẩu gỗ thông nhựa xin được của nhau đốt lên soi đường ruộng. Từ Đồng Cháy còn đi ra Trại Cau trát vách đất dưới sự cai quản của anh Tăng Cường. Khi đó nhà làm đã xong, mái đã lợp, dứng đã buộc (dứng là khung buộc ca rô bằng các cây nứa tép để trát vách đất trộn rơm). Đào hố đất tơi, chặt rơm, dẫm trộn, rồi hai thằng trong ngoài đùn đất trộn rơm, trát trát miết miết. Cuối cùng chuyển ra lại được ở những cái nhà mình trát vách. Hôm nọ ai nhớ là chuyển ra ở Trại Cau còn phải trát vách, tôi thì không nhớ như vậy.
Đồng Cháy, có hôm tất cả mọi người đi lấy củi, riêng “các em mới đến ở nhà học ôn cho kịp các bạn”. Thế là ở Đồng Cháy tôi không được đi lấy củi lần nào, ấm ức mãi. Sau này mới biết lấy củi không phải là đi chơi, hẹn lần sau sẽ kể. Đâu đó gần Đồng Cháy còn có nhà Cung tiêu, sau này vẫn là “mậu dịch” của đám trẻ mỗi khi vật dụng từ gia đình gửi cho đã hết, như kim chỉ. Ba gian nhà ngói với quầy gỗ điển hình cung tiêu. Ở đó có bánh nướng bằng bột mì nâu sậm hơi ngọt mà nhân bánh không để lại cảm giác gì đặc biệt. Còn có cả thìa nhôm thỉnh thoảng vẫn phải mua vì thất lạc trong đám đông là chuyện bình thường. Khi máy bay Mĩ thả thùng dầu phụ ở khu vực An Mỹ, có lần rủ nhau về lại Cung tiêu để tháo, bẻ các cái có thể lấy được từ đấy. Cung tiêu là của tập thể, nên người ta để các thùng dầu phụ ở đó.
Tôi không nhớ rõ đã đi khỏi Đồng Cháy trước khai giảng mấy ngày. Chỉ biết 10 ngày sau, 23/9 còn ở trong Đồng Cháy, lại có một nhóm nhập lớp, có Ngô Mạnh Hùng, hình như cả Định “ba môi” và Mạnh Dũng. Khi đó tôi đã là người đi trước của chúng rồi.

Ở blog" bantroi" bài nào cũng hay.

Phải thú thật rằng, đối với mình bài nào ở blog bantroi cũng rất hay. Hay không phải chỉ vì nội dung chứa đựng ở trong đó mà còn vì tất cả người viết đều rất chân thành.Vì thế mỗi khi đọc xong một bài thì mình luôn cảm thấy như vừa được nói chuyện với tác giả (văn là người mà). Điều này gây cho mình cảm giác cực kỳ thú vị.Trước đây ngày nào cũng được nói chuyện với H.Thành .Nay thì thêm D.Minh,K.Quốc,C.Quang..., rõ ràng đối với mình thế giới đã trở nên "phẳng" hơn một chút.Thú thật nhiều khi đọc "chùa" mãi cũng thấy ngượng, nhưng công việc của mình tỷ trọng cơ bắp hơi cao, nghĩa là nhiều "chất thịt" mà lại cực kỳ ít chất xám, nên đến khi ngồi trước máy thì chỉ còn đủ sức để... đọc. Cho nên nhiều khi rất muốn trách nhiều bạn ở nhà chẳng chịu lên mạng cho mình gặp, nhưng mình đã thế thì còn trách được ai.
Loạt bài về việc tìm mộ liệt sỹ Lê Minh Tân, cùng với việc tổ chức lễ truy điệu liệt sỹ đã làm cả gia đình mình xúc động.Rõ ràng anh đã trở thành hồn thiêng sông núi. Câu chuyện về anh đã làm cho con gái mình hiểu ra biết bao nhiêu điều...
Câu chuyện của D.Minh,H.Thành kể về việc đưa Văn Tuyết Mai về tái hòa nhập cộng đồng làm cho mình rất quan tâm.Tại sao? Bởi vì mình vẫn thường nói với "đồng bọn" rằng từ tuổi thơ đến khi học đại học KTQS chẳng bao giờ mình có bạn gái cả.Mà hình như ở các giai đoạn này đôi khi mình cũng cảm thấy "không xứng là biển xanh",nhưng lại muốn ai đó là" bờ cát trắng"...(Chuyện này bí mật dùm cho,mấy cha nội!).
Hôm nay được nghỉ 2,5 ngày liền nên tranh thủ viết vài dòng, mục đích chính là để tri ân tất cả các bạn
Quý nhẽo

Thứ Hai, tháng 5 28, 2007

NHỮNG KỶ LỤC ĐÁNH RĂNG – RỬA MẶT NĂM XƯA

Dương Minh

Cho đến bây giờ, thi thoảng tôi cũng kể cho con cái nghe cái khổ của mình khi xưa, trong đó có cái “sự” vệ sinh buổi sáng. Chúng nó cười ngặt nghẽo và chê sao tụi ba hồi đó “bẩn thỉu” thế!
Thực ra những nơi mình đã ở và hòan cảnh khi đó cũng không phải không đàng hoàng, nhưng cái sự đời thì muôn vẻ, làm sao tính hết được. Không biết các khóa khác, lớp khác có “kỷ lục” như B3 – K4 không?
Chỉ cần nửa bát nước
Khi về An Mỹ, buổi sáng B3 (K4) phải xuống con suối ở chân đồi để rửa mặt đánh răng. Đi lên, đi xuống bằng con đường mòn mới tạo, có chỗ dốc dựng đứng, lúc đi lên mặt đứa đằng sau đập vào gót chân thằng đi trước. Nhiều hôm mưa hoặc sương nhiều, dốc trơn như đổ mỡ. Trước tình thế đó thằng chăm cũng thấy ngại đừng nói đến những thằng lười. Thế là có “sáng kiến” gửi bạn cái bát sắt và khăn mặt. Khi lên, múc một bát nước, ngâm cái khăn mặt vào đó để giữ nước. Một tay bê bát nước, một tay lo bấu víu để trèo lên, về đến nơi cũng chỉ còn một nửa bát nước. Thủ tục đánh răng rửa mặt buổi sáng rất đơn giản: vớt khăn ra, vắt lại nước vào bát để đánh răng, rồi lau mặt, thế là xong!
Chỉ cần 15 giây
Khi sang Quế Lâm, buổi sáng phải xuống Nhà bếp mới có nước nóng để đánh răng rửa mặt. K8 khi đó ở tít mé sau, bên phải của Trường (nhìn từ phía Sông Li vào Y Trung). Đường xa, trời rét như cắt da nên rất ngại đi, đành ra bể nước cạnh nhà làm thủ tục. Chiêu một hớp nước, không dám súc mà vội nhổ ra ngay vì lạnh tưởng như rụng hết răng (mất khỏang 1 giây). Quẹt bàn chải lấy lệ sơ sơ ngòai “mặt tiền” (chắc khỏang 3-4 giây). Chiêu thêm một hớp nước tráng miệng (thêm 1 giây nữa), thế là xong thủ tục đánh răng. Cầm hai đầu khăn, căng ngang đưa vào vòi để hứng nước (tránh nước chảy vào tay). Khi khăn ướt hết, nhắm mắt nhắm mũi dùng hai bàn tay vắt khăn. Chỉ vậy thôi cũng đủ cho hai bàn tay đỏ ửng lên và buốt đến tận óc. Lau vội cái mặt, vứt khăn lên dây phơi, chạy vội vào giường ngồi đè lên hai bàn tay cho đỡ buốt. Có lẽ tất cả chỉ trong vòng 15 giây!
Nguyên nhân tạo ra kỷ lục:
Để có thêm 15-20 phút ngủ lại sau khi … thể dục xong!
Kỷ lục cao hơn:
Những người không đánh răng rửa mặt buổi sáng thì … không tốn tí nước nào và chẳng mất giây nào. Có không? Có đấy! Chỉ tự khai ra mới biết!

VỀ LẠI AN MỸ, ĐẠI TỪ - CHIẾN KHU XƯA

NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO
Thanh Hùng

Chuyện hôm nay…
Cơn bão số 7 vừa dứt, hôm sau các anh chị trong Ban Liên lạc Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã rời Hà Nội cùng chiếc xe chở thiết bị và dụng cụ y tế, lên xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Họ là những người mà 40 năm trước khi còn là những cậu bé, cô bé 11-12 tuổi đã sơ tán về xã An Mỹ (tên cũ của Mỹ Yên), sống dưới những mái lán nhỏ dựng dưới tán cây rừng; nay về thăm đất cũ người xưa. Bà con cùng cán bộ, nhân viên trạm xá xã ra đón, tay bắt mặt mừng.
Trạm xá xã Mỹ Yên, hai dãy nhà cấp bốn khang trang, sạch sẽ, do các cựu học sinh nhà trường góp tiền cùng bà con xây dựng. Hôm nay mở rộng cửa đón các vị khách quý và nhận thêm món quà mới – những thiết bị y tế do các anh các chị góp tiền mua sắm và chở lên từ Hà Nội: một lò sấy hấp sát trùng dụng cụ chữa bệnh, bộ ghế chuyên dụng khám, chữa tai-mũi-họng, bộ đèn la-de… Bằng sự giúp đỡ nghĩa tình đó, đến nay trạm xá Yên Mỹ đã được trang bị khá đầy đủ: có các phòng khám, phòng điều trị, phòng tuyên truyền phòng chống bệnh dịch, kế hoạch hoá gia đình…Bí thư Đảng uỷ Đào Ngọc Quang cảm động nói như khoe: “Anh xem, với những thiết bị hiện đại thế này, ở bệnh viện huyện cũng chưa chắc đã có!”, tôi mừng lây theo anh. Quả thực, một trạm y tế tuyến xã ở vùng sâu vùng xa có cơ sở vật chất được như trạm xá Mỹ Yên này, thật hiếm. Đây cũng là “niềm mơ ước” của những địa phương khá giả dưới xuôi.
Nhớ lại ngày chuẩn bị kỷ niệm 35 năm thành lập trường (năm 2000), một số anh chị em nêu nguyện vọng lên thăm chiến khu xưa và xây bia kỷ niệm. Nhưng Đại tá Bùi Vinh (nay là Thiếu tướng Cục trưởng Cục Kế hoạch-Đầu tư Bộ Quốc phòng) cùng anh em trong Ban Liên lạc bàn bạc và cho rằng: “Xây dựng bia không thiết thực. Chúng ta phải ghi nhớ là lúc khó khăn, gian khổ, đồng bào đã đùm bọc nuôi dưỡng chúng ta. Nay phải làm việc gì thiết thực giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định đời sống, nâng cao sức khỏe…”. Ý kiến này được mọi người đồng tình. Thế rồi anh chị em khóa 6, khóa có nhiều bạn đang công tác tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108, cùng Ban Liên lạc trường lập một đề án “phát huy nội lực” xây dựng trạm xá xã Mỹ Yên. Một cuộc vận động được triển khai nhanh ở các khóa và anh chị em góp được mấy trăm triệu đồng. Ngày đó xã Mỹ Yên chưa có điện lưới quốc gia nên trạm xá được trang bị cả máy phát điện. Sau đó còn một đợt vận động đóng góp tiền giúp bà con xây dựng chiếc cầu vượt lũ. Thứ trưởng Bộ Văn hoá Nguyễn Chiến Thắng, cựu học sinh khóa 3 của trường, tặng UBND xã một bộ ăm-ply, loa đài. Một cán bộ xã nhận xét: “Cái này còn xịn hơn cái của huyện!”.
Chưa hết, tôi vừa nghe mấy anh chị khóa 6 bàn nhau giúp đỡ xã đào tạo y-bác sĩ và cán bộ kỹ thuật cao để chăm lo sức khỏe cho bà con tốt hơn. Và một “dự án” nữa mới hình thành là “giúp bà con xây dựng một trường mẫu giáo với đầy đủ đồ chơi, dụng cụ học tập cho các cháu”. Toàn những việc thiết thực mà bà con đang cần.

Và chuyện… ngày xưa
Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thành lập năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Nhiều cán bộ đang chiến đấu ở chiến trường đã gửi con vào đây để quân đội giáo dục, rèn luyện, nuôi chí tiếp bước cha anh đi đánh giặc và xây dựng đất nước. Hồi đó, kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng bà con xã Mỹ Yên đã chắt chiu chia sẻ từng con gà, quả chuối, cọng rau… góp phần nuôi những “chiến sĩ nhỏ” rèn luyện, học hành…
Thực tế đã chứng minh 40 năm qua ngôi trường này đã thực sự trở thành “bệ phóng” cho nhiều thế hệ thiếu sinh quân. Hơn 70% học sinh tốt nghiệp lần lượt tình nguyện nhập ngũ, phục vụ quân đội lâu dài. Họ đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công. Có 28 thầy và trò anh dũng hy sinh (trong đó có một AHLLVT). Trong thời bình cũng có nhiều tấm gương lao động xuất sắc. Trong tổng số 1.200 học sinh của trường thì có hơn 90% tốt nghiệp đại học, hơn 15% có học vị thạc sĩ, tiến sĩ trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhiều người đang đảm đương các cương vị trọng trách: Tư lệnh binh chủng, Tham mưu trưởng vùng Hải quân, Sư đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, lãnh đạo các cục, vụ, viện… Cũng có những bạn sức yếu, hoàn cảnh khó khăn, chật vật với cuộc sống… Nhưng tất cả đều hướng về bản làng miền núi xã Mỹ Yên với một nỗi niềm chung “uống nước nhớ nguồn”.
Có anh tâm sự: “Hồi đó chúng tôi còn nhỏ dại, nghịch ngợm quá trời nhưng bà con vẫn thương như con em mình. Bây giờ trở lại thì nhiều người đã mất nhưng tấm lòng thơm thảo của họ mãi mãi chẳng thể nào quên. Chúng tôi từng hứa với nhau cố gắng giữ vững truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lý tưởng nhân văn để xứng đáng với những người đã nuôi, dạy mình!

(Bài đăng trên Báo Quân đội Nhân dân Chủ nhật 9/10/2005).

CHUYỆN Ở HÀ BẮC, ĐẠI TỪ...

GIẾNG NƯỚC, GỐC ĐA
Hồi ức của Tuấn Linh k3

Cụm từ “giếng nước, gốc đa” khiến ta liên tưởng tới phong cảnh một làng quê đất Việt. Nhưng với tôi, đó là hồi ức về giếng nước, gốc đa “hồi Trỗi”.

Gốc đa
Hai từ “Gốc đa” ở An Mỹ, Đại Từ thì đã là lính Trỗi ai mà chẳng nhớ. (Trừ cánh “Trỗi con” khoá 8). Đó chính là cây đa cổ thụ (phải đến hai chục người ôm mới xuể) mọc ở trung tâm xã An Mỹ - một bãi bằng rộng chừng chục nghìn mét vuông, nằm trên ngã ba nối con đường liên huyện từ thị trấn Đại Từ vào với đường rẽ về xóm La Hiên và đường vào cửa rừng (cho cánh khai thác rừng) nơi có thác Bom Bom. Gốc đa là cái mốc xác định khu vực Hiệu bộ, nhà cung tiêu (hợp tác xã mua bán) và không xa doanh trại C11 “tụi con gái”. Đó không chỉ là nơi nhà trường tổ chức chiếu phim, hội diễn văn nghệ mà còn là tâm điểm cứ chủ nhật lính ta “ngóng” xem cha mẹ có lên thăm. (Cho tới giờ nhớ lại mới thấy tội nghiệp mấy đứa bạn - những thằng nhóc tì chưa tròn tuổi 14, thuộc diện gia đình liệt sĩ hoặc cha mẹ đi B - không có ai để mà ngóng, mà trông!).

Tóm lại “Gốc đa” là cột mốc của nhà trường - “Gốc đa An Mỹ lịch sử”.
(Vậy mà năm 2000 khi lên dự lễ trao tặng danh hiệu đơn vị AHLLVT cho xã An Mỹ thì không còn thấy Gốc đa cổ thụ năm xưa đâu nữa. Thời gian và sự tàn phá ác liệt của thiên nhiên đã làm mất đi “cái mốc lịch sử” của chúng ta. Ai cũng ngậm ngùi, nuối tiếc!).

Giếng nước
“Giếng nước” được nhắc ở đây, có lẽ chỉ cánh “cựu binh” như tụi tôi mới biết. Đó là cái giếng nước hồi đóng quân ở Trại Hoè, Hà bắc. Tự hào mà nói thì tụi tôi thuộc đợt học sinh đầu tiên lên trường, khi trường chưa mang tên “Nguyễn Văn Trỗi” mà là “Tiểu đoàn 126 – Trường Văn hoá Quân đội – Bộ Tổng tư lệnh”. (Hồi đó khoá 3 đang học cuối kì lớp 7). Giếng ở Trại Hoè là “giếng đất” nằm ngay chân đồi, thành giếng không bó gạch như các giếng làng khác. Cạnh giếng có trồng một cần vọt. (Đó là cây đòn tre dựa vào định luật Ac-si-mét, có điểm tựa ở gần gốc. Ngọn cần vọt buộc dây nối gàu, còn gốc thì buộc một tảng đá đối trọng. Nhờ vậy có thể kéo nước được dễ dàng. Nhưng cũng chỉ có tác dụng khi dây gàu không được chùng, (nghĩa là phải phù hợp với chiều dài cánh tay người lớn hay với những đứa có “bản lĩnh” và thể lực… hơn tôi). Với tôi – một thằng oắt có thể trạng dưới mức trung bình, lần đầu tiên trong đời sử dụng gàu – quả là quá cỡ!.
Lần đầu tiên ra giếng giặt quần áo là một kỉ niệm “cơ cực”. Tôi mím môi mím lợi “vít” cần vọt xuống. Gàu đụng vào thành giếng phát ra tiếng tong tong. Sao mà khó “vít” thế?! Khi gàu vừa chạm mặt nước, tay này cố giữ dây, tay kia vội giật dây gàu. (Nếu là gàu đáy nhọn thì khỏi phải bàn nhưng đây lại là cái thùng đáy bằng). Do thiếu kinh nghiệm nên phải giật qua giật lại, miệng gàu chao đảo mãi mới chịu “vào nước”. Khi kéo gầu đầy nước lên, lẽ ra phải nhoài cả người vào miệng giếng, thì tôi lại ngửa người đạp chân vào bờ giếng lôi gầu lên, làm miệng gàu “cạp” vào thành giếng, rất mất sức. Giếng sâu hun hút, mỗi lần định nhoài người vào để kéo là thấy sờ sợ. (Từng có một anh bạn, không nhớ ở khoá nào, bị ngã xuống giếng. May mà có người trông thấy!). Kéo được gàu lên tới miệng giếng thì nước đã sóng ra ngoài khá nhiều, lại thêm đất do miệng gàu “cạp” vào thành giếng. Hì hụi đổ nước vào chậu. Phần nước lẫn đất đành phải đổ bỏ – chấp nhận bỏ đi một phần sức lao động. Cứ thế mà múc, mà giặt với cái thứ nước còn lẫn đất và vương vấn chút rêu nơi thành giếng, cho tới khi tự “cho là sạch” mới thôi. Cơ cực! Tôi rơm rớm nước mắt.
Hồi chưa lên trường, gia đình vào loại khá giả nên tôi không phải làm gì. Ăn xong quăng chén đũa khắc có người rửa. Quần áo dơ ắt có người giặt. Mệt mỏi có mẹ chăm, buồn tủi có cha nhủ. Ở nhà có anh có em, tới trường có bạn bè, ra ngõ có đồng bọn, lại hoạt động trên “chiến trường” quen thuộc. Vất vả nhất cũng chỉ là theo lớp đi cuốc đất ở bãi bồi sông Hồng. Đi đâu xa nhà cũng chỉ vài ngày. Nay lên trường, tiếp xúc với môi trường xa lạ - vùng đất miền quê trung du, còn con người thì … chẳng quen ai. Ngơ ngác. Các chú bộ đội (tức các thầy) thì… nghiêm quá. (Sau mới hiều các thầy rất tình cảm). Chuyện gì cũng phải tự lập, chẳng thấy “ai” giúp đỡ. Tụi nó (cánh “quân khu” Nam đồng, Lý Nam Đế) thì có hội có phường vui vẻ, còn tôi (kẻ “lẻ loi” của khu 1A Hoàng văn Thụ) thì một thân một mình. Tôi cảm thấy cô đơn. Sau 1-2 tháng, khi khả năng tự lập đã kha khá, tôi mới thấy “cái sự” múc nước giếng chỉ là chuyện thường ngày.
Khi sang Quế Lâm, nhìn các em khoá 8 (những chú oắt 11 tuổi, cao “mét mốt”, bé hơn cả tôi hồi ở Trại Hoè) tự giặt quần áo mà thấy thương. Tuy có nước máy nhưng cái lạnh cắt da cắt thịt làm đôi tay chúng tím bầm, quần áo thì ướt sũng nước. Chỉ cần nhìn chúng mím môi mím lợi bê xô quần áo trở về nhà là đã đủ thấy gian nan. Không đủ sức vắt khô nước cái vỏ chăn, chúng trèo vào bồn giặt, dùng chân đạp đạp, nhồi nhồi. Những đôi bàn chân tê cóng vì dầm nước lạnh. Thương quá tôi đã giặt giúp một em nhỏ nhất. Sau này nhà trường tổ chức kết nghĩa khoá lớn với khoá bé thì tụi tôi mới giúp tụi “Trỗi con” được nhiều hơn, trong đó có “cái sự” giặt giũ chăn màn.
Tới nay, khi đã làm cha làm mẹ mới thấy thương cái “thằng mình” hồi đó, và đôi lúc ân hận vì xưa kia, mình là học sinh lớn mà không giúp tụi lớp bé. Với đôi bàn tay tím bầm vì cái lạnh Quế Lâm, chắc chúng đã rơm rớm nước mắt và có thể có đứa đã thầm gọi “Mẹ ơi!”.

Nhưng cũng vì đã làm cha là mẹ mà tôi thấm thía rằng, không thể ẵm bế con cái mãi được. Hãy để chúng tự lập, cho chúng có cơ hội trưởng thành.

CHUYỆN TẢN MẠN NGÀY CHỦ NHẬT


Chuyện chưa biết về
NSND Trần Hiếu

Hầu hết trong chúng ta đã từng nghe, xem NSND Trần Hiếu biểu diễn, nhất là anh em Trỗi ở phía Nam cứ vào dịp họp mặt toàn trường thì "thầy" Hiếu đều đến góp vui. (Ta gọi là "thầy" vì NSƯT Dương Minh Đức, bạn của chúng ta là học sinh của thầy mà thầy của bạn mình dĩ nhiên là thầy mình rồi. Nói vậy đừng nghĩ anh em Trỗi "thấy người sang..." nhé! Còn thầy cũng vậy, đồng ý ngay).
Quen thầy Hiếu nhưng không phải ai cũng biết thầy từng được đi biểu diễn đón Cụ Hồ tại ga Hàng Cỏ khi Người từ Pháp trở về tháng 10/1946 (lúc đó thầy mới 10 tuổi) và là đội viên Thiếu sinh quân cảm tử Thủ đô 1947. (Vậy thầy cũng như anh em ta!). Đầu những năm 50 thế kỷ trước, là học sinh Hà Nội nhưng thầy từng làm cho bọn Tây ngán: "Cánh học sinh tụi tớ rất ghét lính Tây. Trong túi tớ lúc nào cũng thủ quai-nhê (vũ khí này cánh Trỗi quá quen!) đúc bằng chì. Hễ có cơ hội, thấy thằng Tây nào đi một mình bắt gái hay nhậu nhẹt là tụi mình đánh tap-lô liền. Mỗi cú đấm có đeo quai-nhê mà dính vào quai hàm hay vào cánh tay cũng làm tụi nó đau ê ẩm mấy ngày". Sau hoà bình, thầy tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên Hà Nội rồi đi học Trường Nhạc VN do Giáo sư Tạ Phước làm Hiệu trưởng.
Từng hỏi: "Bề dày cuộc đời tham gia cách mạng của thầy cũng ghê đấy chứ. Thầy có báo cáo tổ chức để làm chính sách?". "Báo cáo mà làm gì! Chỉ cần giọng ca của mình lưu mãi trong lòng người nghe là hạnh phúc! Thế là đủ". Đã qua tuổi "thất thập" nhưng cái giọng ba-ri-rông của thầy thì vẫn khỏe như mới "ba, bốn xị". Suốt 60 năm làm công tác nghệ thụât, từng đi nhiều nước trên thế giới, từng biểu diễn cho nhiều nguyên thủ quốc gia và trong thầy lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp.

Kỷ niệm với Bác Hồ
Chuyện khó quên nhất là lần thầy được vào biểu diễn cho Bác và khách quý cuối năm 1960. Trước khi biểu diễn, Bác tới thăm anh chị em diễn viên. Thấy tóc tai Trần Hiếu quá lứa, Bác phê bình: "Là diễn viên, các cháu phải giữ cho mặt mũi sáng sủa, tóc tai gọn gàng, dễ nhìn, gây thiện cảm cho người xem!". Trần Hiếu gãi đầu gãi tai: "Thưa Bác, vợ cháu mới sinh nên chăm vợ mà quên chăm mình". Bác hỏi ngay: "Thế vợ cháu sinh con trai hay gái?". "Dạ, cháu trai ạ". "Vậy các cháu định đặt tên con là gì?". "Dạ, tên là Hoàng ạ". Bác nghĩ một hồi rồi nói: "Hoàng, cái tên này nghe chưa thật hay?". "Dạ, chúng cháu định đặt Vũ Hoàng với ý sẽ là chú chim vàng anh...". "Được, thế thì được! Cháu sau này sẽ hát hay như bố Hiếu." Trần Hiếu khi về đã kể chuyện này cho vợ. Chị rất cảm động trước sự quan tâm của Bác.
Bẵng đi một năm. Vào dịp cuối năm, Trần Hiếu cùng đoàn lại vào biểu diễn cho Bác và Chính phủ. Vừa gặp Bác đã hỏi: "Thế nào, Vũ Hoàng của Trần Hiều đã làm được gì rồi?". Thật không ngờ bận trăm công nghìn việc mà tòan việc đại sự; vậy mà vị Chủ tịch nước vẫn nhớ tới sự kiện nhỏ nhoi trong cuộc sống của người nghệ sĩ. Trần Hiều lặng người đi vì xúc động...

Cái bắt tay với nguyên thủ
NSND Trần Hiếu vui vẻ kể trên chuyến xe về thăm Trường Thiếu sinh quân Tp.HCM: "Mình từng được biểu diễn rồi lại được bắt tay các nguyên thủ, và chuyện bắt tay các nguyên thủ quốc gia cũng là một chủ đề hay. Tay mỗi vị nguyên thủ cũng rất khác nhau. Bàn tay của Mao Chủ tịch thì mềm, ướt và khi bắt thì không chặt. (Có lẽ vị cụ già rồi?). Còn cái bắt tay của Thủ tướng Phi-đen Cat-strô thì rất chặt, khỏe và nồng ấm... Không những vậy mà có lần mình bị kỷ luật vì bắt tay nguyên thủ".
Năm 1965, Đoàn văn công Trung ương có chuyến sang Bắc Kinh biểu diễn. Buổi biểu diễn đó có Mao Chủ tịch đến xem. Cuối buổi ông cho phép anh chị em diễn viên chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Chụp xong, ông bắt tay cảm ơn từng diễn viên. Ban tổ chức bố trí cho Mao Chủ tịch đứng trên bục cao, còn anh chị em xếp hàng lần lượt đi tới, giơ hai tay nắm lấy tay ông. Đến lượt Trần Hiếu anh vô tư trèo hẳn lên bục, nắm lấy bàn tay ông. Mao Chủ tịch mỉm cười vì thấy có chàng trai trẻ, không giống các diễn viên khác, trèo hẳn lên bục bắt tay mình.
Chuyện không chỉ dừng ở đó. Cuối năm khi bình bầu khen thưởng, Trần Hiếu đã bị cắt thi đua vì khuyết điểm "dám trèo lên bục ngang với Mao Chủ tịch để bắt tay ". Mà cắt thi đua có nghĩa là mất kha khá phần dành nuôi vợ con. "Giời ạ, cụ Mao còn vui vẻ cười với tôi chứ có gì là phạm thượng đâu! - NSND kể lại - Thế mới biết sự ấu trĩ ngày xưa làm khổ khối người...".
(Ghi chép của Kiến Quốc)

Chủ Nhật, tháng 5 27, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: VTM thăm nhà Bình tớn

27/5/2007: thăm nhà Bình "tớn", lại có cả Văn Tuyết Mai

Thanh Bình "tớn" vay được của anh em ta ít tiền để cải tạo tí ti cái nhà mái bằng đã đến thời kì thấm dột, lại chống nóng luôn thể. Nay về cơ bản đã xong, Thanh Bình mời anh em lên kiểm tra sử dụng đúng mục đích khoản vay. Trong ảnh kèm theo đây phần trên mái bằng là công cuộc cải tạo: trồng cột, lợp mái tôn, sửa tum thành một phòng có trần chống nóng, ngủ nghỉ tốt.
Chuyến đi đã được định từ tuần trước, ngay sau khi công trình đã hòm hòm. Dự kiến có các anh em đã biết vụ này: Tương Lai, Việt Thắng, Công Minh, Hồng Thao, Vũ Hùng và Hữu Thành. Sợ đi nhiều nhà nó tốn gà chọi và không có nhân lực phục vụ. Giữa tuần Hồ Trương gọi điện nói Văn Công Phước đang ra bổ túc pháp y, cuối tuần có đi đâu cho nó đi với. Rồi, thêm Hồ Trương và Phước móp.
Đến Thứ Bẩy thì Vũ Hùng thông báo có việc của Hội Người Khuyết tật, Hồ Trương thông báo Phước móp đã vào Nam, bản thân lại có công vụ. Khuyết đi ba chỗ. Chợt nhớ ra vừa liên lạc với Văn Tuyết Mai, dự kiến tuần sau tổ chức buổi "tái hoà nhập cộng đồng" cho thị. Tại sao không mời Tuyết Mai luôn chuyến đi này để gặp thêm Thanh Bình và Trần Hà. Gọi điện cho Tuyết Mai, rủ đi Sơn Tây thăm bạn Trỗi. Tuyết Mai vui vẻ đồng ý, nhưng đề nghị đừng có hù doạ anh em như trong Nam. Được, không lấy Tuyết Mai ra hù doạ thì lấy Hữu Thành ra là được chứ gì. (Xin lỗi Tuyết Mai, đùa với anh em một tí ấy mà).
Lấy xe ô tô, nói Công Minh "hôm nay tôi mời ông ngồi ghế sau". Rồi đi đón Tuyết Mai. Công Minh thấy đi đường lạ, hỏi lại đi đón à, ai? "Ừ, bạn tôi". Đến nơi, mời Tuyết Mai lên ghế trước, giới thiệu đây là "anh Công Minh", còn đây là Mai. Công Minh chả nói gì, mặt hơi đần đần. Đi được một đoạn đến gần nhà Hồng Thao thì Công Minh mới rụt rè hỏi "này trên blog của ông bọn trong Nam nó kể chuyện gặp mặt Tuyết Mai. Thế Mai này là Mai nào?" - Ờ, ông nghĩ là Mai nào? Tuyết Mai đấy. "Ừ, thế thì chúng nó nói đúng, không thể nhận ra được. Mà ông thấy tôi phân tích được đấy chứ, lần lần bóc ra hết." - Gớm, đọc blog rồi mà đi đến đây ông mới lần ra "chân tướng sự việc" thì ... kém.
Hồng Thao lên xe, lại giới thiệu "Mai, bạn gái tôi." Lại chả thấy xi-nhê gì cả, chỉ nói "chào", vẻ mặt hơi nghiêm trọng vì có người lạ. Lúc sau nhắc lại "Thao à, Tuyết Mai đấy." - Ừ. Chả nói gì hơn.
Lên đến nhà Thanh Bình, bổn cũ diễn lại "Bạn gái tôi mới tuyển", ông chủ nhà vui vẻ chào. Chạy ra chạy vào một hồi, thấy bạn gái Hữu Thành nói chuyện như ngô rang với Công Minh, Thanh Bình chắc là muốn hỏi vài câu cho nó phải lẽ, gọi tôi hỏi "này tên gì đấy". "Tên gì à, Văn Tuyết Mai, biết không?" - Ối giời, thật á? Quay lại cười hể hả: tiểu đội tôi đây mà. Thế mà chả nhận ra được. Tuyết Mai này, Hồng Nga này, ngày xưa tập hợp tôi là tiểu đội phó bọn con gái đứng ngay sau.
Trong khi người ta nói chuyện vui vẻ, Hồng Thao đi loanh quanh ngoài nhà hết hái muỗm ăn, nhăn mặt, lại ra nhìn đàn gà chọi. Cứ như ngày xưa ở Trỗi.
Chốc sau Việt Thắng lái xe tới, có Tương Lai, lại có cả vợ Trần Hà. Hoá ra Trần Hà lại trực chỉ huy, không đi được nhưng cử bà xã vào một là giúp gia đình neo đơn tiếp khách, hai là thay mặt gặp anh em Trỗi. Lập tức vào bếp với vợ Thanh Bình.
Tôi lại được dịp giới thiệu "Mai, bạn gái tôi". Tương Lai chăm đọc blog, thấy nó cười cười, chắc nó đoán ra, trông mặt chả tin.
Việt Thắng thì không để ý lời giới thiệu, một chốc sau ra ngoài sân mới hỏi "này trong nhà có đứa nào đấy". Chắc là không nghe giới thiệu, lại thấy nói chuyện vui vẻ với Công Minh, xét thấy không thuộc thành phần chủ nhà. Lại không đọc blog nên chả biết gì. - Văn Tuyết Mai. "Văn Tuyết Mai? Không tưởng tượng được." Rồi ra giường ở một góc nhà ngồi nói chuyện với Hồng Thao. Về các vấn đề khí công và chữa bệnh. Hoá ra anh Hồng Thao hoàn toàn không nhớ một chút gì là Trỗi mình lại có các bạn gái cùng học. Cứ như trong phim Hồng Kông, ngã một cái mất hết trí nhớ.
Cuối cùng thì anh Trần Hà cũng bỏ trực một chốc, chạy vào. Sếp có khác, bắt tay chào mọi người, kể cả người lạ là Tuyết Mai. Lại giới thiệu "Mai bạn tôi". Rồi cả hội ngồi quây quần nói chuyện, cũng sắp có cơm gà, cá rán ăn rồi.
Thấy Trần Hà vẫn nghi ngại, tay này nó lại còn muốn "bạn là bạn thế nào đây". Ra nốt chiêu "Bạn gái tôi mới tuyển đấy". Trần Hà nhìn đăm đăm, gật gù nói "sao mặt đỏ thế" rồi từ từ đưa tay ra bắt tay tôi. Nghiêm trọng quá, phải nói ngay "đùa thôi, Văn Tuyết Mai đấy" - Văn Tuyết Mai? Ơ sao bây giờ bạn bé thế. - Khổ, ngày xưa các bạn "chậm phát triển", lại đói. Bây giờ các bạn lớn rồi, chứ còn tớ vẫn thế! (Chả đúng). Lập tức Trần Hà mở máy hồi ấy hồi ấy, ở đấy ở đấy, tôi gặp cậu nói chuyện đấy chuyện đấy. Anh em chả hiểu gì cả, chỉ cười với chúng cho vui. Mà chắc gì Tuyết Mai đã nhớ.
Cơm dọn lên, đặc sản gà chọi luộc, thịt gà chọi xào sả ớt. Cả hội vui vẻ chén. Tuyết Mai tự nhiên như Trỗi, nhưng mà hình như không hứng ăn thịt gà chọi. Có lẽ thị quan niệm gà chọi giống như chó nuôi có ích gì đó cho người ta, không ăn được.
Ăn xong cả hội ngồi nói chuyện thêm một hồi lâu, trong khi một số đồng chí quen ngủ trưa làm một giấc ngắn. Đến 15h thì "lên đường về nước". Công Minh duyệt cho Tuyết Mai vào hội "bạn xấu", Tuyết Mai vui vẻ nhận lời "đi đâu cứ rủ". Nói vậy thôi, chứ bạn có mẹ già phải trông. Thỉnh thoảng Trỗi có cuộc tụ tập nào thì sẽ báo, chứ "xấu" thật thì đừng.
Tệ nhất của ngày hôm nay là khi Hữu Thành thông báo mới "tuyển bạn gái" thì chả thằng nào choáng cả, chuyện nhỏ như con thỏ. Có khi lại còn ghen tị ấy chứ. Bậy hết sức.

Thứ Bảy, tháng 5 26, 2007

KỶ NIỆM VỚI BÁC HỒ

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI THIẾU NIÊN
DŨNG SĨ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ
Nguyễn Tường Vân k6, C11

Rất nhiều hình ảnh ghi lại tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ miền Nam; trong đó có bức ảnh các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam quây quần quanh Bác chụp ngày 13/2/1969 (nhằm 27 Tết) đang được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong ảnh Bác đang cùng các cháu vỗ tay và hát, ánh mắt hiền từ của Bác nhìn các cháu thật vui, còn nét mặt các cháu thật hân hoan, thỏa nguyện.
Hơn 30 năm sau, cuối năm 2005, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt giao lưu với các anh chị một thời là thiếu niên dũng sĩ miền Nam đã từng được gặp Bác Hồ. Được về thăm nhà Bác, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm với Bác, mắt các anh chị rưng rưng lệ. Qua trò chuỵện, chúng tôi được biết trong số đó có một người đã được gặp Bác 7 lần. Anh là thiếu niên dũng sĩ miền Nam đầu tiên ra miền Bắc và có lẽ, anh cũng là thiếu niên dũng sĩ đầu tiên được gặp Bác. Anh là Đoàn Văn Luyện.
Chúng tôi tìm gặp anh Luyện và xin anh kể về những lần được gặp Bác. Anh cười hiền lành và hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp Bác. Giọng xúc động, anh nói: “Thật ra mình may mắn hơn các bạn khác, chứ Quảng Ngãi quê mình - đất nghèo lắm, chỉ có chí kiên cường thôi. (Quê mình là quê hương của du kích Ba Tơ mà!). Vì thế mà mình hăng hái tham gia du kích khi mới 11 tuổi với mục đích tiêu diệt thật nhiều lính Mỹ, để nhanh chóng giải phóng miền Nam, để được sống trong hòa bình, no ấm. Lúc đó chẳng mơ ước gì cao xa mà chỉ nghĩ đơn giản như thế và cố gắng làm bằng được. Cuối năm 1965, miền Nam mở Đại hội mừng công. Mình được bầu là “dũng sĩ diệt Mỹ” của miền Trung Trung bộ đi dự “Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam”, khi ấy mình 13 tuổi. Sau Đại hội, mình được đi báo cáo điển hình ở Sư đoàn. Chính thời gian này, may mắn đến với mình: chú Năm Công (tên gọi thân mật của đồng chí Võ Chí Công, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam) cho theo ra Bắc. Năm chục ngày hành quân từ ATK của Khu V ra miền Bắc, đến Hà Nội đúng ngày 25/9/1966. Đó là một ngày không bao giờ quên với mình vì ngày đó mình được gặp Bác lần đầu tiên.
Chuỵện được gặp Bác thật sự là may mắn! Sau khi đến Hà Nội, ngay chiều đó chú Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) điện mời chú Năm Công tới ăn cơm. Trước khi đi, chú Năm Công hỏi mình:
- Con có đi cùng chú không?
- Nếu chú cho phép thì con xin được đi cùng.
Thế là mình được đi theo chú Năm Công. Xe ôtô chở hai chú cháu đến một khu vườn rất rộng, có nhiều cây xanh, sau này mới biết đó là Phủ Chủ tịch. Chú Tô và chú Năm Công ngồi nói chuyện ở ghế đá ngoài sân. Chú Vũ Kỳ đi tới thấy mình ngồi cạnh chú Năm, liền hỏi:
- Con anh đấy à?
Chú Năm trả lời:
- Không phải con tôi. Đây là cháu Đoàn Văn Luyện, dũng sĩ diệt Mỹ vừa dự “Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam” ra đấy.
Chú Vũ Kỳ nghe vậy liền nói:
- Thế thì phải báo cáo để Bác biết!
Mình chưa kịp nghĩ gì thì chú Vũ Kỳ đã bảo: “Bác cho gọi hai anh và cháu đấy. Bác mời cơm chiều nay”. Ôi, được gặp Bác Hồ! Điều mà chưa bao giờ mình dám nghĩ tới, kể cả trong mơ. Quá bất ngờ! Hạnh phúc lớn quá! Mình vô cùng lúng túng. Khi trông thấy Bác mình cứ ngây người ra. Rồi sự bối rối ấy qua nhanh vì Bác thật gần gũi, hiền từ, nhân hậu. Bác hỏi mình từ chuyện gia đình đến chuyện đánh giặc. Còn mình cũng nói chuyện tự nhiên như người thân trong gia đình lâu ngày mới gặp. Rồi Bác hỏi:
- Cháu ra Bắc lần này có nguyện vọng gì không?
Lúc ấy mình nhớ đến mong ước từ rất lâu là được đi học. Thế là mình trình bày với Bác: “Nếu được Bác và các chú cho phép, con chỉ muốn được đi học thôi”. (Bác giao ngay cho các chú ở Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng lo việc này. Vì thế mà mình trở thành học sinh khóa 6 Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi). Mình rất tiếc lần đó không được chụp tấm hình nào với Bác (vì Bác bảo phải giữ bí mật!).
Niềm vui được gặp Bác làm đêm đó mình không sao chợp mắt được. Rõ ràng là thực mà cứ như trong mơ! Mấy ngày sau, nhân cuộc mit-tinh của nhân dân Hà Nội đón đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc do Uỷ viên Bô Chính trị, Thủ tướng Nước CHXHCN Tiệp Khắc Giô-dép Lê-na dẫn đầu đang ở thăm nước ta, mình được chú Năm Công cho đi cùng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gài lên ngực áo mình chiếc huy hiệu Bác Hồ mà Người gửi tặng rồi giới thiệu với khách quý mình là một thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra.
Được gặp Bác, được Bác tặng huy hiệu – quả là niềm vinh dự lớn! Chính điều đó đã cổ vũ, động viên mình trong cuộc sống sau này. Những năm 1968-1969, được cùng các bạn khác là thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam tới thăm Bác, mình tự nhận phần kém hơn (vì các bạn được gặp Bác sau mình) nên trong tấm hình chụp với Bác, mình luôn đứng về phía sau. Tấm huy hiệu Bác Hồ tặng được cất giữ cẩn thận, mình coi đó là một vật “gia bảo”. Dù gặp khó khăn thế nào, cứ nghĩ đến lời Bác dạy, nhớ đến kỷ niệm Bác trao, mình lại cố gắng vượt qua và cảm thấy nhẹ tấm lòng”.
… Người thiếu niên dũng sĩ năm xưa, nay là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ điện của xã Bình Thạch, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Anh còn tham gia Hội đồng Nhân dân xã. Dù ở cương vị nào, anh luôn cố gắng để xứng đáng với mong muốn mà Bác đã nhắn gửi năm 1967: “Trước đây cháu đánh giặc giỏi thì sau này xây dựng quê hương, đất nước cũng phải giỏi!”.
Hà Nội, 5/2006

Thứ Sáu, tháng 5 25, 2007

GẶP NHAU LẦN NÀO CŨNG … VUI!

Dương Minh

Như Kiến Quốc đã đưa tin trong bản tin sáng nay, tối qua anh em K4 tại TP.HCM đã họp mặt với đ/c Lưu “thẹo”. Mặc dù tuần này mật độ tiếp đón hơi dầy (có 4 ngày mà 2 lần - ngang với lịch thi đấu trong các giải ngọai hạng Châu Âu), nhưng cũng có hơn chục người. Những khuôn mặt “mốc” nhiệt tình nhất vẫn là Chí Quang, Dũng Sô, Phạm Tùng, Yên Trình, Thế Nam, Trung Liêm, Dương Minh … và tất nhiên không thể thiếu “nhân viên thu ngân” giàu kinh nghiệm Xuân Minh và đ/c Quốc “béo” - đại diện cho Ban liên lạc Nhà trường. Một số anh em như Xuân Miên, Tuấn Sơn, Minh Nghĩa, Văn Công Phước … vì bận công tác xa nên không tham dự được.
Đã nhiều lần vô Sài Gòn công cán nhưng lần này Lưu mới có dịp gặp lại các chiến hữu sau 38 năm xa cách như Dũng Sô, Trung Liêm, Chí Quang, Xuân Minh … và đặc biệt là vị sếp trực tiếp năm xưa của Lưu là “A trưởng” Anh “còi”. Cũng phải bóp trán,nhăn mặt hồi lâu mới bật ra được cái tên của những thằng bạn thời niên thiếu. Ôn chuyện cũ với Quốc Anh, hai người nhắc lại vụ Lưu đã có lần dám đạp cả Mạnh Dũng khi bị Dũng khua dạy tập thể dục sáng. Mọi người nhận xét vì “chậm tiến” từ hồi đó nên bây giờ Lưu cũng “tiến chậm” hơn Mạnh Dũng – chỉ là “Phó Sở” trong khi Dũng là “Chánh Sở”. Gặp nhau suốt ngày tại giao ban Thành phố nhưng hai đứa chưa khi nào nhắc lại kỷ niệm “gai góc” đó (Lưu cười “hơ hớ” và rất đắc chí cho biết như vậy!). Nói chơi thôi, nhìn vị “Phó Sở” điển trai, hào hoa và phong độ như Lưu “thẹo” lúc này anh em ai cũng thấy vui và tự hào!
Tất Thắng do “hòan cảnh” đã lâu rồi không đi được, nay mới “tái xuất giang hồ” nhưng là người đến sớm nhất. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề “tuyên huấn”, Thắng luôn làm cho bầu không khí họp mặt sôi động hơn.
Sự thay đổi “phi thường” của Văn Tuyết Mai và thành công tại Triển lãm tranh của thầy Phạm Lực vẫn còn mang tính thời sự “nóng hổi”. Những người không tham dự hôm đón Mai khi nghe kể lại cứ luôn miệng “thế à, thế à” và tiếc lắm (lười biếng thì cũng phải chịu thiệt chứ!). Hưng “tim” hứa, khi nào tiếp đón các bạn gái sẽ cố gắng đưa Kim Sơn trở lại “quỹ đạo”.
Ngứa nghề, Chí Quang đề nghị, thế là cả đám lại cùng gào lên “ta hai giang …” và “chin sư ti thai giang …” để niềm vui cứ tự do mà bùng lên.
Lưu đến cùng một anh bạn bên “nghệ thuật”. Chỉ một lúc là thân mật như quen nhau đã lâu. (Ngờ rằng đã có một số hợp đồng được thỏa thuận ngầm!?!). Khi nhân vật “loắt choắt” thi hành công vụ, Lưu và anh bạn cứ đòi tham gia phong trào “lệ quyên” nhưng anh em kiên quyết từ chối. “Trỗi” gặp nhau thực sự đã cuốn hút cả người ngoài.
Lại một ngày nữa qua đi, nhưng ngày 24/5/2007 cũng là một ngày đặc biệt của “Trỗi”. Sáng gặp nhau trong nỗi buồn chia ly tiễn đưa bậc phu huynh của Lưu Minh Sơn – cụ Thiếu tướng Lưu Vũ Súy, về cõi vĩnh hằng, tối gặp nhau trong niềm hân hoan hội ngộ!
(Đề nghị anh nào có ảnh hai cuộc gặp mặt vừa rồi mail cho Hữu Thành để đưa lên blog minh họa).

ĐỒNG ĐỘI CỦA CHÚNG TA KỂ



CHÚ HEO MỌI GÓP PHẦN ĐÁNH GIẶC
Ghi theo ký ức của Đỗ Tấn Mỹ k5
Kiến Quốc

Đỗ Tấn Mỹ luôn tự hào về Tiểu đoàn 46 đặc công trinh sát (nay là Tiểu đoàn 47 trinh sát thuộc Quân khu VII), đơn vị 2 lần AHLLVT. Anh kể lại chuyện vui thời chiến tranh thế này:
“Tháng 3 năm 1970, ở Campuchia, bè lũ Lon Non làm đảo chính Quốc vương Norodom Sihanuc. Lập tức các đơn vị Quân giải phóng kết hợp lực lượng của Bạn tập trung đánh đuổi lính Lon Non chạy đến sát biên giới Thái Lan. Để cứu vãn tình thế, Bộ chỉ huy Mỹ ở miền Nam quyết định trả đũa bằng một chiến dịch càn lớn nhất kể từ khi vào xâm lược nước ta. Chúng tấn công khắp tuyến biên giới Campuchia, bao vây cơ quan Bộ chỉ huy miền đóng tại Xa Mát, Thiện Ngôn.
Đang là lính trinh sát của các sư 5, 7 và 9, chúng tôi được gọi tập trung về Tiểu đoàn 46 đặc công trinh sát (thuộc Phòng 2). Vừa chân ướt chân ráo về được ít ngày, bổ sung thành lập Đại đội 6, thì đụng ngay trận càn. Hàng trăm xe tăng, thiết giáp, chiến xa vận kết hợp máy bay phản lực và trực thăng UH-1 bất ngờ đánh thẳng vào căn cứ đóng quân Bộ chỉ huy. Các cơ quan của ta nằm gọn trong vòng vây. Tiểu đoàn 46 nhận lệnh phá vòng vây giải cứu các đồng chí trong cơ quan. Vì số lượng cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan đông nên phải tổ chức thành nhiều nhóm, vào từng thời điểm khác nhau bí mật vượt vòng vây ra ngoài.
Đại đội 6 nhận nhiệm vụ bám vòng trong thu hút lực lượng địch. Vì nắm vững địa hình mà từng tiểu đội bí mật luồn rừng giương đông kích tây, tập kích vào các cụm đóng quân của địch, chiến đấu trong suốt bảy ngày đêm. Từ bị động ta đã dần giành lại thế chủ động, gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong một trận đánh cùng các chiến sĩ giải phóng, một chú heo mọi đã có đóng góp đáng khen ngợi. Chuyện thế này!
Ngày ở cứ, các đơn vị vừa chiến đấu vừa tự túc trồng rau xanh, chăn nuôi heo, gà cải thiện. Lần đó vì phải chạy giặc không mang theo kịp mà có đơn vị để lại chú heo mọi nặng chừng 5-7 kí. Bị bỏ đói chú lang thang kiếm ăn. Ban đêm đánh hơi thấy mùi thức ăn từ đống vỏ đồ hộp của lính Mỹ vứt ngoài trảng hay quanh khu vực đóng quân (lính Mỹ khi hành quân dã ngoại được học: ăn xong vứt vỏ lon đồ hộp quanh lều bạt, nếu VC mò vào vấp phải vỏ lon sẽ bị phát hiện), là chú mò tới ụt ịt giúc mõm vào đống vỏ hộp liếm láp, chân đá vào lon phát tiếng “leng keng”. Nghe tiếng động lạ, lính Mỹ hốt hoảng hô “Vici, Vici!”, rồi vãi đạn AR-15 như mưa. Nghe tiếng súng chú heo con vội quay đầu chạy. Chờ yên tiếng súng, chú lại khụt khịt đánh hơi tìm hướng có người mò đến. Có lúc chú mò cả vào gần khu vực lính ta. Nghe tiếng đụng lon sữa bò, ngỡ có biệt kích, anh em ta cũng nhả đạn. Mấy ngày đầu phải đến chục lần trong đêm hai bên ta và địch thay nhau bị chú lừa. Nhưng với linh cảm của cánh trinh sát, anh em thấy hiện tượng khác thường. Đêm sau tiếp tục bám thì phát hiện chú heo mọi chính là thủ phạm làm cho cả ta và địch mất ăn mất ngủ.
Cũng quá mệt mỏi vì mấy đêm liền mất ngủ do báo động liên miên mà không thấy bị tấn công, lính Mỹ sinh chủ quan, không phản ứng mỗi khi có tiếng “leng keng”. Phải tận dụng điểm yếu này để đánh địch! Một phương án tác chiến táo bạo được báo cáo đại đội. Đêm đó đã 2 giờ, cánh trinh sát bí mật bò sát vào khu vực đóng quân của lính Mỹ đặt hơn chục quả mìn chống tăng DH-7 và DH-10, quanh lều trại. Khi bò vào có lỡ đụng vỏ đồ hộp cũng không thấy địch phản ứng. Xong xuôi, anh em lặng lẽ rút ra, chờ đến giờ G. Có lệnh nổ súng, những khẩu tiểu liên AK đồng loạt điểm xạ vào các lều bạt. Lính Mỹ đang ngủ say giật mình choàng dậy, chạy tán loạn ra ngoài. Chờ có vậy anh em bóp mạnh tay điều khiển magnetic, kích nổ các trái mìn. Trong đêm dưới ánh chớp lòe của mìn định hướng, chúng tôi thấy rõ xác lều bạt rách toác và xác lính Mỹ tung lên kèm theo những tiếng rống. Bọn còn lại không thoát khỏi những loạt AK chính xác của lính ta. Nửa tiếng sau, đại đội trưởng lệnh cho các mũi rút ra xa khu vực nguy hiểm. Gần sáng, một trận tập kích điên cuồng của pháo binh Mỹ vào vành đai quanh khu vực đóng quân, hòng tiêu diệt lực lượng ta. Đến khi trời sáng rõ, ba chiếc trực thăng vận tải Si-núc với hai cánh quạt lớn, cắt gió từ hướng Tây Ninh bay tới, đổ xuống lấy xác chết và lính bị thương. Bọn lành lặn dìu những tên bị thương tập tễnh leo lên trực thăng rút về căn cứ. Đếm sơ bộ đến cả trăm cáng thương được đưa lên máy bay. Chúng hoảng sợ bàn giao khu vực lại cho lính ngụy. Chúng tôi còn bám trụ thêm vài ngày nữa cho đến khi các cơ quan rút hết ra vùng an toàn. Khi đó đại đội 6 mới rút. Ngày tổng kết, trận này được trên đánh giá là trận đánh hiệu quả, “tương kế tựu kế”, lấy ít địch nhiều. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đại đội được bầu là Dũng sĩ diệt Mỹ.
Cho tới giờ khi gặp nhau kể lại chiến công này, anh em vẫn không quên nhắc tới sự đóng góp của chú heo mọi đáng yêu. Xin ghi lại kỉ niệm này để nhớ tới những đồng đội đã hy sinh và những người còn sống thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 46 trinh sát đặc công anh hùng”.
Xuân Giáp Thân 2004

Ảnh tư liệu: Ba chiến sĩ C6, D46 tại Tây Ninh năm 1974. Từ trái qua: B trưởng Đỗ Tấn Mỹ, B trưởng Ba Thanh và C trưởng C6 Hoàng Giang.

TỜ BÁO CỦA CHÚNG TA

Thư sớm!
Chào các bạn,
Trước hết phải cảm ơn Hữu Thành, từ ý tưởng của nhiều người, đã xây dựng được một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, giao lưu tinh thần cho anh em (trước là khóa 4, rồi đến khóa 5, sau là anh em toàn trường)! Nó cũng chẳng khác gì "báo tường đại đội" ngày xưa. Sáng ra lại thấy có thêm một bài mới.
Nhưng đã là báo chí thì phải có quy định thống nhất trong tổ chức bài vở, trong viết lách. Về tổ chức bài vở, anh em ta hoàn toàn tin tưởng ở ông Quản trị mạng. Nhưng về viết lách của từng tác giả, xin góp ý kiến (không mang tính chất dạy dỗ, lên lớp mà chỉ muốn đưa ra những kinh nghiệm từng vấp):
- Đừng viết lê thê dài dòng, kể lể "con cà con kê" vì báo chí phải thật ngắn gọn, đủ ý. Mỗi bài không quá 1.000 từ là được, không thì vài ba trăm từ cũng đã quá OK.
- Cố gắng hành văn sáng sủa, dễ hiểu, càng đơn giản càng dân dã càng tốt.
- Khi viết đừng lạm dụng sử dụng "điệp khúc", viết đi viết lại một từ, một cặp từ trong một câu, hay một ý trong cả bài... dễ gây nhàm chán cho người đọc.
- Nên có thói quen dùng "Tự điển chính tả tiếng Việt" vì nói là một chuyện nhưng khi viết ra vẫn dễ bị mất chính xác khi dùng từ. Ví dụ: "sẻ chia " chứ không phải "xẻ chia"(!), "đưa giùm" chứ không phải "đưa dùm", thư giãn - thư dãn, v.v...
- Các dấu chấm, dấu phẩy... luôn đặt sát sau chữ cuối cùng. Nhiều bạn hay quên viết hoa sau chấm câu, sau đầu dòng. Nhớ phải đánh cách một kí tự "_" sau dấu chấm, dấu phẩy. Có như vậy người đọc không bị chán và thấy chúng ta rất PRO (chuyên nghiệp!).
- ...
Cứ viết, cứ luỵên rồi mãi sẽ thành thói quen. Dễ thôi mà!
Mời các bạn cùng tham gia góp ý chuyên mục này. Nó cũng như "Dọn vườn" để bài vở ngày một tốt hơn!
Ciao!
Kiến Quốc (ngày xưa bọn k5 còn gọi là Kót két!).

Thứ Năm, tháng 5 24, 2007

LÍNH TRỖI CHÚNG TA


Ông bác sĩ ở phòng mạch tư và hình ảnh Việt Nam

PHẠM THỊ HỒNG LAN

Giám đốc Cty VietNam Food Promotion

Nhân sự kiện APEC, Cty chúng tôi có nhiều đoàn khách là nhà báo châu Âu ghé thăm để tìm hiểu về Việt Nam. Những vị khách quí này vừa bay một chặng đường dài nên ngỏ ý nhờ chúng tôi tìm giúp khách sạn. Có nữ phóng viên người Đức muốn tìm bác sĩ vì lưng bà "có vấn đề". Gần 5 giờ chiều ngày 13/11/2006, tôi và nữ phóng viên nói trên đi xe ôm đến khám tại nhà riêng của Bác sĩ Nguyễn Hữu Công (tại 78-C4 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, Tp.HCM). Được biết ông là bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, đang công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi nghe bệnh nhân kê bệnh, Bác sĩ Công hỏi kỹ, kiểm tra bệnh và hướng dẫn bệnh nhân không cố sức mang máy ảnh, dụng cụ làm việc quá nặng, tránh căng thẳng và kèm theo một tờ hướng dẫn tập nhẹ nhàng cho bệnh nhân. Đơn mua thuốc là một vài thứ thuốc mà theo bệnh nhân cho biết “đúng như tên thuốc cô thường vẫn dùng tại nước ngoài khi có bệnh này”.

Sau khi được khám, cô phóng viên ngỏ ý được gửi tiền dịch vụ khám bệnh. Thật bất ngờ khi ông ôn tồn bảo: “Bạn là nhà báo, là khách của đất nước chúng tôi, vậy bạn cũng là khách của chúng tôi. Tôi không lấy tiền của khách!”. Cô nhà báo và cả tôi đã ngớ người trước cử chỉ này. Tôi không thể hình dung chỉ một cử chỉ đơn giản của một bác sĩ tại Tp.HCM đã làm cho một nữ phóng viên người Đức quyết định ở lại Việt Nam thêm bốn ngày nữa để tìm hiểu và phản ánh về đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng thân thiện này.

Bác sĩ đó không phải ai xa lạ mà chính là một bạn học của chúng ta ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Nguyễn Hữu Công - lính Trỗi khóa 7!

THƠ - CA DAO

SINH RA TRONG KHÓI LỬA

Kính tặng các thầy cô, các anh chị và các bạn
đã sống, làm việc và học tập ở Trường Nguyễn Văn Trỗi

Sinh ra trong khói lửa
Có tôi và có anh
Có bạn bè cùng lứa
Qua một thời chiến tranh

*

Sinh ra trong khói lửa
Các anh và cả tôi
Được mang danh lính Trỗi
Sống một thời nông nổi
Sống một thời trẻ thơ
Mà đến tận bây giờ
Coi nhau như ruột thịt

*

Sinh ra trong khói lửa
Bạn bè ta bao đứa
Ngã xuống nơi chiến trường
Tên bạn thành bất tử
Trẻ mãi cùng quê hương
Làm rạng rỡ tên trường
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

*
Sinh ra trong khói lửa
Về một thời chúng ta
Về một thời gian khó
Về một thời đã qua
Tóc bạc đầu gặp lại
Thương lắm bạn chưa già
Cầm tay nhau cùng hát
Vang mãi bài hiệu ca
"Sinh ra trong khói lửa
Trường ta đã lớn lên
Trường đẹp chói ngời tên
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi..."

*

Thời gian rồi sẽ dần trôi
Bạn ơi nhớ nhé một thời bên nhau
Mặc đời bể cả nương dâu
Mặc thời vàng lẫn cùng thau một thời…

Berlin, mùa đông 2006
Đức Dũng

THẦY CÔ GIÁO CỦA CHÚNG TA

VỚI THẦY NGUYỄN ĐỖ CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT...

Sinh năm 1929 tại Tiền Giang, chàng học sinh Nguyễn Đỗ đã có mặt cùng dân tộc đấu tranh trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, tập kết ra Bắc, thầy được cử đi học Sư phạm rồi về làm giáo viên văn hóa của Quân khu Hữu ngạn. Rồi cả cuộc đời thầy gắn với nghề dạy học, từ Trường Văn hóa quân đội Lạng Sơn đến Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (TCCT) rồi Trường Văn hóa Quân khu VII. Học sinh của thầy nay đã trưởng thành, nhiều người là sĩ quan cao cấp trong quân đội, đang đảm đương những cương vị trọng trách.

Nghỉ hưu, về sinh hoạt tại phường 17, Gò Vấp nhưng vốn say mê văn nghệ, thầy quy tụ anh em thành lập đội Văn nghệ CCB Gò Vấp. Đội văn nghệ xung kích mang lời ca tiếng hát, những điệu múa truyền thống đến vùng sâu vùng xa, đến các hội nghị, trường học để biểu diễn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng. Hai vợ chồng cùng yêu thơ và thầy từng gánh trách nhiệm Chủ tịch Hội thơ Người cao tuổi.

Năm rồi khi phát hiện trọng bệnh, thầy chủ động tìm thầy, tìm thuốc chữa trị. Khi đã nặng, thầy mới chịu vào viện nhưng thấy bạn bè, đồng đội vào thăm nhiều thì trách: “Báo cho mọi người làm gì, họ đến thăm vất vả vì đường xá, nắng nôi… Thầy còn lâu mới đi!”. Thấy miệng đã cứng nói ngọng ngịu khó nghe, thầy lo lắng: “Miệng bị cứng thế này thì làm sao giảng bài cho các em được?”. Thật cảm động vì đến phút cuối thầy vẫn không quên cái nghề dạy học vẻ vang! Thầy còn hóm hỉnh đọc cho thầy Trọng và chúng tôi nghe “Bài thơ cuối đời”, sáng tác trước hôm ra đi chẵn chục ngày: Trời bày chi cái bệnh ung thư/ Nó phá, nó hành tớ đến nhừ/ Mẹ kiếp, nửa đêm căng muốn chết/ Cha đời, sáng sớm tức nằm thừ! Với mi đối mặt ta đâu sợ/ Cùng nó sống chung, tớ biết dư!/ Sống chết – luật đời đành phải chịu/ Ra đi thanh thản, cũng vô tư!

Gặp gia đình mới biết: Thầy đã lo hết mọi chuyện và dặn lại “Tôi rất tự hào vì gần 80 năm qua đã sống có ích cho đời. Nếu tôi có đi thì đừng quá lo lắng, đau buồn, tổ chức thật đơn giản, tránh lãng phí - không kèn, không trống, không chấp điếu … đừng làm phiền đến ai”. Thầy coi “chết không phải là hết mà chết vẫn phải làm điều có ích” nên đã động viên gia đình ủng hộ ý định hiến xác nhân đạo…

Đúng một tuần nằm viện, được các y, bác sĩ Bệnh viện trung ương quân đội 175, nhất là lứa thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, tận tình chăm sóc, nhưng vì tuổi cao sức yếu mà trái tim thầy đã ngừng đập lúc 6 giờ 40 phút, sáng Chủ nhật 19/2/2006. Đúng theo kế hoạch, thi hài được chuyển ngay về gia đình. Thầy nằm trên giường thanh thản như đang say giấc nồng. Bàn thờ giản dị nhưng trang nghiêm, nghi ngút khói hương. Họ hàng, bà con khối phố, đồng chí đồng đội nghe tin đến vĩnh biệt.

Chiều hôm ấy, nhiều đồng nghiệp và học trò của thầy ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi về đông đủ. Sau lời vĩnh biệt của Đại tá Phạm Đình Trọng là những lời tâm huyết của Ban Liên lạc: “… Trong chúng em, có bạn đeo quân hàm đến cấp tá, cấp tướng; vậy mà không thể nào quên được cái giọng sang sảng của thầy khi lên lớp. Đọc áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”: Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông…, thầy đã trao cái hồn văn học, trao cái hồn của dân tộc cho chúng em. Sau này có những bạn khi lãnh trách nhiệm chỉ huy đơn vị ở mặt trận Tây-Nam, trước giờ ra trận, đứng trước hàng quân nhớ đến bài giảng của thầy đã dùng cái thần ấy khích lệ binh lính lao vào trận…”.

Trước giờ đưa thi hài thầy đi, mấy chục anh chị em trong đội Văn nghệ CCB có mặt đông đủ. Anh chị em làm theo “ý nguyện của Anh Hai”: "Đừng kèn, đừng trống nhưng nhớ hát chia tay mình bài “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho và “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến!". Những CCB, có người đầu đã bạc trắng, đứng trước thi hài ông, nước mắt chảy dài trên hai gò má mà miệng khẽ hát: “Vừng đông đã hửng sáng… “ và “Đồng chí ơi, người chiến sĩ giải phóng quân!...”. Ngoài sân, nhiều người nén đau thương cùng hòa giọng hát theo.

Đến giờ chia ly, Bí thư Đảng ủy phường thay mặt phát biểu: “Đồng chí Nguyễn Đỗ kính mến! Di chúc đồng chí dặn lại “đừng đọc điếu văn” vì coi công trạng của mình không là gì so với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; nhưng xin cho phép chúng tôi được nhắc lại quá trình chiến đấu của đồng chí để tôn vinh đồng đội của mình!...”.

Đón nhận chiếc quan tài kẽm từ tay gia đình, đồng đội, đồng nghiệp và học trò của thầy, chiếc xe tang từ từ lăn bánh về Trường Đại học Y Dược TPHCM… Trong tôi trào lên một cảm xúc… Thầy ơi! Đến giờ chót mà thầy vẫn nghĩ về người khác nhiều hơn về mình. Cuộc đời thầy là tấm gương sáng cho chúng em noi theo!

TPHCM, 20-2-2006

(Kiến Quốc)

ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CHUYỆN LÀM SÁCH "SINH RA TRONG KHÓI LỬA" TẬP 2

CHUYỆN LÀM BÌA SÁCH TẬP 2

Sau khi Tập 1 được phát hành, Phan Khương k5 gặp Ban Biên soạn (thầy trò tôi gọi thế cho khiêm tốn vì Tập 1 có mỗi 400 trang) tâm sự: “Nội dung sách rất hay, nhưng trang trí bìa chưa thật chuyên nghịêp. Tôi có nghề design nên xin đăng kí làm chế bản và làm bìa sách "không công" khi xuất bản Tập 2”.
Khi đã tập trung được toàn bộ ảnh tư liệu, tôi giao cho Khương. Ảnh đen trắng đã mấy chục năm, chất lượng rất kém, nhất là ảnh các LS. Nhưng qua tay anh gương mặt các LS được tái hiện. Trong số ảnh các LS, anh mê nhất tấm ảnh “Lê Minh Tân đưa tay lên vành mũ, làm động tác chào”. Từng đặt câu hỏi vì sao anh lại đưa ảnh này vào bìa? Khi sách in xong anh mới tâm sự, tấm ảnh đó ghi lại một “động tác chào” rất “chuẩn điều lệnh” của một người lính trẻ:cánh tay thẳng tắp từ khuỷu cho tới đầu ngón tay và ngón chỏ khẽ chạm đúng vành mũ cối. (Thật ra có thể dùng hình ảnh này làm tài liệu huấn luyện chiến sĩ). Còn gương mặt Tân thì đẹp rạng rỡ và ánh mắt rất sáng. Riêng về tình cảm thì… ba Khương và ba Lê Minh Tân cùng là đồng hương Xứ Quảng, đều là dân Quân báo và 2 cụ rất thân nhau.
Khương chọn nền bìa là một bầu trời xanh và tô xanh cho mũ và áo của anh. Xong xuôi, Khương in ra và trình bìa cho thầy Trọng. Thầy ngắm nghía một lúc rồi lắc đầu: “Chưa đạt các em ạ. Là Trường Trỗi thì phải có hình ảnh sinh họat tập thể. Nếu chỉ có một mình Tân thì chưa đúng phong cách Trỗi”. Đây là bìa lần đầu mà Khương đã làm.
Sửa sai, Khương đã chọn bức ảnh “Tập thể lớp Quyết thắng khóa 8 chụp với thầy Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn, hè 1968” làm nền cho Lê Minh Tân.
Và chúng ta đã có một bìa sách đẹp như thế!

Ghi chú: Sau khi cãi đi cãi lại với K.Quốc về bìa hỏng, phải chụp ảnh cái bìa đã xuất bản mới thủng vấn đề. Cái ảnh mà K.Quốc gửi là cái "bìa lần đầu mà Khương đã làm" chứ không phải cái "bìa sách đẹp như thế". Tất nhiên cái "bìa lần đầu" thì đã không được dùng, nên bây giờ K.Quốc mới nói là mọi người "chưa biết". Mạn phép tác giả tôi phải thêm cái ảnh bìa mà mọi người đã biết vào cho nó dễ hình dung. Hữu Thành

Thứ Tư, tháng 5 23, 2007

THẦY TRÒ TRƯỜNG TA

TRIỂN LÃM TRANH CỦA THẦY PHẠM LỰC

Vậy là 1 tuần đã qua kể từ ngày khai mạc Triển lãm tranh Phạm Lực. Bận rộn với công việc, lúc nào đó giật mình thấy mình vô tâm quá với thầy. Thầy từ Hà Nội vào, lại đơn thương độc mã... Vội nhấn số máy 0904376490 đã thấy trả lời: "Tôi Phạm Lực đây!". Biết là trò hỏi thăm, thầy kể rằng rất đông khách đến thưởng thức tranh, họ mua nhiều lắm, nay đang phải dừng lại. Thật là mừng!
Ban Liên lạc dự kiến: ngày chủ nhật 10/6/2007, Trung Liêm sẽ mời thầy về nhà rồi một số lính Trỗi mê tranh "đồng họa" cùng thầy một, hai bức sơn dầu, kỷ niệm ngày thầy vào Sài Gòn. Sau đó anh em ta liên hoan chia tay thầy (dự kiến ở JODEE BEER). Theo kế họach, ngày 15/6/2007 sẽ kết thúc triển lãm.
Kiến Quốc

KHÓA 4 TẠI TP.HCM GẶP LẠI VĂN TUYẾT MAI

Dương Minh

Đã gần một năm nay sinh họat của K4 tại TP.HCM càng ngày càng trở nên tấp nập. Trước đây chủ yếu chỉ họp mặt vào dịp 15/10 hoặc có công việc do Ban liên lạc Trường triệu tập, gần đây kiếm đủ lý do để gặp nhau. Dự đám cưới xong đi tiếp, viếng đám tang xong cũng … đi tiếp. Mỗi lần có anh em từ nước ngòai về họặc từ miền Bắc, miền Trung vô thì khỏi nói, đương nhiên là họp mặt vì không có lý do nào “chính đáng” hơn! Cũng chưa đủ, không có lý do nào thì tự mời nhau họp mặt. Quốc Thái là người khởi xướng với lời đề nghị mỗi Quí mời anh em một lần, tổ chức lần đầu tiên đúng ngày Phú Hòa về Sài Gòn. Tiếp theo là Vĩnh Định, Đại Định mời anh em đến nhà. Vừa rồi Quốc Thái tổ chức lần thứ hai dự kiến vào dịp 30/4 cũng phải xếp hàng chờ đến tận ngày 12/5 mới thực hiện được. Vợ chồng Quốc Thái rất có duyên với bạn bè phương xa, lần đầu thì có Phú Hòa từ Sec về, lần thứ hai thì có Thanh “bọ” – Trưởng Ban liên lạc K4 tòan cầu, từ Hà Nội vô tham dự. Bữa đó có thêm màn “đấu bia” Nam – Bắc tưng bừng lắm.
Từ đầu năm đến nay, riêng tiếp đón bạn bè từ nơi khác vô cũng khá nhiều. Điểm lại sơ sơ cũng gần chục lần: Hữu Thành, Hạnh Phúc (khá “quen” rồi, vì các bạn này vô Sài Gòn như “cơm bữa”), Quí “nhẽo” (từ Đức về), Minh Hùng, Vũ Thắng, Hồng Thanh và mới tối 21/5 là Văn Tuyết Mai.
Lần nào chuyện trò cũng rôm rả. Chuyện xưa đã nhiều, chuyện mới cũng nhiều lên. Cuốn theo cơn sốt của xã hội, Minh Nghĩa đã thành nhân vật chính cùng đám bà xã của anh em trong chủ đề “ai sắp lên chứng” và “mấy chấm”.
Lúc nào cũng vui cả, nhưng tối qua gặp lại Văn Tuyết Mai thì có những chuyện vui thật đặc biệt. Thành phần tham dự hơn một nửa là Khóa 4 còn lại là Khóa 5 - như cách anh em nói vui là vì Mai thuộc Khóa 4,5 (Đã có khái niệm Trỗi Khóa 9, hôm nay lại có thêm khái niệm Trỗi Khóa 4,5). Thông thường xa nhau maximum là gần 38 năm tính từ tháng 7/1969, riêng Tuyết Mai đã là 40 năm, vì bạn ấy rời Trường Trỗi từ năm 1967. Ra Trường sớm, thời gian và điều kiện tiếp xúc với các bạn khi ở Trường hơi bị ngắn cộng với sự cách biệt giữa học sinh nam với học sinh nữ khi đó nên hầu như Mai chẳng nhớ được ai. Còn về phía anh em ai cũng tưởng nhận ra Văn Tuyết Mai thì “quá dễ” – hình ảnh Mai 40 năm trước không ai là không ghi nhớ! Thế nhưng khi gặp một người phụ nữ mảnh mai, trẻ trung, nhẹ nhàng… không chàng nào còn đủ tự tin để nghĩ ngay rằng đó chính là Văn Tuyết Mai. Tội nghiệp nhất là anh chàng Trần Phạm Tùng. Đến trễ và đã nhậu ở đâu rồi nên Tùng cũng hơi sương sương. Khi anh em giới thiệu Mai không đến được mà đây là con gái lớn của Mai thì Tùng “bán tín bán nghi”. Nhưng sau khi mọi người nói “không lừa được Tùng đâu, nói thật đây là em gái của Mai đấy” thì Tùng tin tuyệt đối,. Kể từ đó Tùng nói chuyện với Mai như là nói với em gái Mai vậy và Tùng cười “hể hả” vì nghĩ rằng anh em đã không lừa được mình, còn cả lũ tiếp tục cũng cười “hả hê” vì lừa được một thằng hơi bị lâu. Khi tiệc sắp tàn, nghĩ đến cái tình đồng đội “chân chính” anh em thông báo với Tùng “chính là Văn Tuyết Mai đấy” thì Tùng vẫn nói “đừng hòng lừa được tao nhé!”. Tôi không biết giờ này Tùng đang nghĩ hôm đó gặp lại Văn Tuyết Mai hay là em gái của Văn Tuyết Mai? Sau 40 năm xa cách, ai cũng có thay đổi, không nhiều thì ít, nhưng sự thay đổi của Mai là “phi thường” và tạo ra tình thế gặp mặt “hy hữu” nhất – còn hơn cả lần anh em gặp lại Tùng “bục”.
Khi ở Trường, học sinh nam và học sinh nữ như “mặt trăng, mặt trời”. Có lẽ để bù lại “sai lầm” tệ hại ấy, chỗ nào cũng tíu tít “Mai ơi, Mai ơi” nào là “cụng ly một cái”, “ngồi với nhau một chút”, “chụp với nhau một ảnh nhé”, “tớ hồi đó mê cậu đấy, biết không” … Trần Lảnh cùng Khóa 4,5 với Mai nên già chuyện nhất.
Chuyện ngòai rìa, nhiều anh em cho biết đã nghiền blog này, ngày nào cũng đảo qua cho đỡ nhớ. Thế nhưng khi bị nhắc nhở đừng “xài chùa” nữa, phải đóng góp chứ thì “hơ hớ” cười trừ đúng kiểu … “Trỗi”.
Thôi kể sơ như vậy để cung cấp thông tin. Mời anh em khác tiếp tục trình làng cảm xúc của mình.

THÔNG TIN CHƯA BIẾT

THƯ CỦA ĐẠI TƯỚNG GỬI THẦY TRÒ TRƯỜNG TA

Ngày 8/10/2005, Trường ta tổ chức kỷ niệm 40 năm truyền thống tại Hà Nội. Ban tổ chức có mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng bác không đến được vì phải đi dự kỷ niệm “995 năm Thăng Long – Hà Nội”. Ngày 12/10/2005, Đại tướng có gửi thư chúc mừng. Sau đó Ban Liên lạc đã sao ra nhiều bản gửi các khóa nhưng tin chắc không phải ai cũng có bản sao này.
Thông qua Blog, xin đăng tải để thầy, bạn cùng đọc.

“Các đồng chí thân mến,
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1965 – 15/10/2005), trực thuộc Tổng cục Chính trị - QĐNDVN, tôi thân ái gửi đến các thế hệ giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Hiện nay, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang ra sức đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tôi mong các đồng chí, dù làm việc gì ở bất kì cương vị nào, hãy ra sức “học và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và tiến bộ.
Chào thân ái
Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2005.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang có “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thật vô tình một sáng tháng 4/2007 khi đến Văn phòng Đại tướng, tôi gặp một cán bộ của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đến mời Đại tướng đi dự buồi biểu diễn văn nghệ chào mừng cuộc vận động. Tất nhiên sức khỏe bác đã yếu không cho phép tham dự nhưng, qua Đại tá Nguyễn Huyên Chánh Văn phòng, Đại tướng có dặn với ý là: Chúng ta đã nói quá nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng làm theo thì quá ít. Bây giờ phải làm, làm và làm!
Mong các bạn hãy cùng suy nghĩ và hành động!

THẦY CÔ TRƯỜNG TRỖI CỦA CHÚNG TA

Tuy đã nghỉ hưu nhưng thầy cô chúng ta vẫn bức xúc trước tệ nạn tham nhũng. Có thầy cô đã gửi bài cho Blog, góp phần vào công cuộc đấu tranh với “quốc nạn” này. Xin trân trọng giới thiệu một số bài thơ, ca dao chống tham nhũng của thầy Mai Duy Vọng gửi Ban Biên tập nhân Ngày Nhà giáo VN 20/11/2006.


Chớ có hợm mình

Ông khoe lắm bạc nhiều tiền

Bởi ông bám chức, giữ quyền từ lâu

Ông nhiều xe cộ, nhà lầu

Buông vòi bạch tuộc lợi đâu bám vào

Ông khoe chức trọng, quyền cao

Ông “trèo” bằng miệng, ai nào lạ chi

Gian ngoan cũng chỉ nhất thì

Pháp luật sờ tới chạy đi đằng trời?

Không vào nhà đá nghỉ ngơi

Cũng đi “tắm mát” ở nơi suối vàng!


Quan tham nghĩ gì?

Tiếng đồn ông số đào hoa

Một thời sung sướng vào ra bạc tiền

Bạn bè cùng mấy mươi niên

Người đi kháng chiến khắp miền Bắc, Nam

Nhiều người thịt nát xương tan

Những người còn lại thân tàn xá chi

Bao người anh dũng một thì

Vì dân, vì nước quên đi đời thường

Trở về từ chốn chiến trường…

Còn ông “lận đận” trên đường công danh

Ông “trèo” bằng miệng thật nhanh

Ông “bò” bằng gối mà thành quyền cao

Đến khi ngã ngửa té nhào

Sứt đầu, mẻ trán ai nào xót thương

Quan tham, ơi hỡi quan tham!


Nhắn quan tham

Ông khoe tiền tỷ với nhà lầu

Đi xe đời mới “mấy ngàn trâu”

Vợ đẹp, con khôn, hàng cao cấp

So lương ánh bổng – kiếm ở đâu?

*

Phải chăng đục khoét người lương thiện

Hút máu dân lành chẳng xót đau

Tham nhũng, cửa quyền, ăn đút lót

Cậy quyền, ỷ thế đã từ lâu!

*

Lừa dân, dối Đảng, ông “nịnh” khéo

Miễn sao thu thật nặng hầu bao

Ai đớn ai đau, ông mặc kệ

Lẩn tránh như lươn dưới bùn sâu

*

Họa phúc dữ lành, ân oán báo

Lưới trời lồng lộng khó “bay cao”!



KỶ NIỆM CỦA BÁC VỚI TRƯỜNG TA, CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ


BÁC ĐÃ NGHE CHÚNG TÔI HÁT BÀI “TRƯỜNG CA”
(Nguyễn Tường Vân k6, C11)

Mùa hè năm 1969, học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi được về nhà nghỉ hè. Một chiều tháng 7, bố đưa tôi và em Việt Liên k8 vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Đến nơi thì gặp chị Châu Nguyên k4 và Trần Tuấn Quảng k6 – con bác Trần Đăng Ninh, hai chị em Việt Hồng k6 và Việt Hằng k7 – con bác Nguyễn Sơn. Tất cả đều là học sinh của Trường Nguyễn Văn Trỗi cùng được vào thăm Bác lần này. Chú Vũ Kỳ đón chúng tôi ở sân và nói:
- Các cháu vào đi, Bác đang chờ các cháu đấy!
Mấy chị em tôi líu ríu theo chú Kỳ vào gặp Bác. Vừa trông thấy Bác, chúng tôi đồng thanh chào: “Chúng cháu chào Bác ạ!”. Bác đang đọc tài liệu, ngẩng lên nhìn chúng tôi, ánh mắt Bác như cười. Bác nói: “Bác chào các cháu.”. Rồi Bác bảo chúng tôi ngồi quây quần bên Bác. Tiếng là thiếu sinh quân nhưng đến khi gặp Bác thì đứa nào cũng rụt rè, chỉ im lặng nhìn Bác. Bác cười thật hiền rồi như người thân trong gia đình, Bác ân cần hỏi thăm về tình hình ăn, ở, học tập, rèn luyện và sinh hoạt ở trường. Bác hỏi chúng tôi đã quen với cuộc sống như bộ đội chưa? Các thầy cô giáo có quan tâm đầy đủ đến mọi sinh hoạt của chúng tôi không? Bác đặc biệt quan tâm và hỏi kĩ đến ý thức chấp hành kỷ luật và tinh thần đoàn kết của chúng tôi. Thât hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào lại chu đáo, tỉ mỉ đến như thế! (Mãi sau này, qua chuyện kể “Bác Hồ viết di chúc” của chú Vũ Kỳ, chúng tôi mới biết Bác có ý định đến thăm trường ta vào dịp Tết cổ truyền Kỷ Dậu (1969) vì Bác nghe nói có một số bạn trong trường ý thức kỷ luật còn kém, đoàn kết nội bộ học sinh còn có hiện tượng cục bộ địa phương).
Bác bảo: “Các cháu là những chiến sĩ tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nếu không biết nghiêm túc rèn luyện và học tập thì sau này không thể phục vụ tốt quân đội, nhân dân và nước nhà. Mà muốn làm tốt những việc ấy thì phải biết đoàn kết tốt, các cháu phải đoàn kết với nhau, thương yêu bảo ban nhau như anh chị em trong một nhà, phải biết nghe lời dạy bảo của các thầy cô giáo. Các cháu còn là “bộ đội Cụ Hồ” nên đóng quân ở đâu cũng cần biết dân vận, xây dựng tình đoàn kết quân dân thật tốt…”. Rồi Bác bảo chúng tôi hát cho Bác nghe. Mấy chị em “hội ý” nhanh và chị Châu Nguyên thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu xin hát bài “Trường ca” sáng tác của thầy Hồng Tuyến ạ.
Nghe giới thiệu, Bác tủm tỉm cười và hỏi:
- Thế trường ca là bài thơ hay bài hát dài? Hay là bài hát ca ngợi trường của các cháu?
- Thưa Bác, đây là bài hát ca ngợi trường chúng cháu ạ.
Nghe xong Bác bảo:
- Các cháu về trường nói với thầy cô giáo, lần sau nếu đặt tên cho bài gì thì cũng cần rõ ràng, chính là để các cháu dễ hiểu. Đừng dùng chữ nghĩa khó hiểu!
Và chúng tôi đồng thanh hát bài “Trường ca” cho Bác nghe. Khi hát xong, Bác khen bài hát hay nhưng Bác cũng phê bình chúng tôi hát chưa thật nhiệt tình. Rồi Bác thưởng kẹo cho chúng tôi.
Trước khi chia tay Bác, Bác cho phép lần lượt từng đứa ôm hôn tạm biệt. Quả thật, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng mình được ôm hôn Bác.
… Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 30 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, trong tôi như còn giữ nguyên cảm xúc của lần gặp Bác đầy kỷ niệm năm ấy và luôn cố gắng thực hiện tốt những lời Bác dạy.
Hà Nội, mùa hè 2002