Thứ Ba, tháng 12 29, 2015

TIN BUỒN: Phạm Việt Hải k4 mất

Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin chồng, cha, ông chúng tôi: Bác sĩ PHẠM VIỆT HẢI
sinh ngày 29/01/1950.
- Nguyên là Phó khoa Giải phẫu Bệnh lý Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Giám định viên pháp y Trung Ương
Sau thời gian bệnh nặng được gia đình và toàn thể các Y Bác sĩ Bệnh viện 115 tận tình cứu chữa. Do tuổi cao, bệnh nặng ông đã từ trần lúc 5 giờ 30 phút ngày 29 tháng 12 năm 2015 (nhằm ngày 19 tháng 11 năm Ất Mùi)
- Lễ nhập quan lúc 14 giờ ngày 29/12/2015 (nhằm ngày 19/11/Ất Mùi)
- Lễ viếng bắt đầu lúc 14 giờ 30 phút ngày 29/12/2015, tại 199/4 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP.HCM
- Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 31/12/2015 (nhằm ngày 21/11/ Ất Mùi)
Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Gia đình đồng kính báo.
(Tin từ FB https://www.facebook.com/hai.phamviet.71/posts/1728229030745604)

Thứ Ba, tháng 12 15, 2015

Chuyện về Hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ

Năm 1994, có một người từ Hàn quốc tìm về đền Đô (*), là Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường, và là đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, về bái yết tổ tiên sau 768 năm. Tháng 3/1995, ông về đền Đô lần thứ 3, chuẩn bị cho đoàn hậu duệ nhà Lý ở Hàn quốc về dự hội đền Đô vào rằm tháng 3 âm lịch. Trẩy hội đền Đô năm ấy đã có mặt 48 vị hậu duệ nhà Lý ở Hàn Quốc.

Lý Long Tường, một đô đốc hải quân có tài, con thứ bảy của vua Lý Anh Tông. Năm 1226, sau khi nhà Lý mất ngôi, ông đem gia quyến và các đồ thờ cúng, long bào, vương miện, thượng phương bảo kiếm từ đời Lý Thái Tổ, cùng 6.000 người, từ cảng Vân Đồn vượt biển đi tị nạn. Đoàn thuyền dạt vào bờ phía tây Cao ly (gần Pusan ngày nay), được vua Cao ly giúp đỡ. Truyền thuyết kể rằng, đêm trước, vua Cao ly nằm mơ thấy một con chim Phượng hoàng đến đậu ở bờ biển phía tây, hôm sau được tin Hoàng tử Đại Việt xin tỵ nạn.

Vua Cao ly cấp cho ông một vùng đất rộng lớn. Tại đây ông lập ra “Lý Hoa thôn”, và xây ngôi đình làng kiểu đình làng Việt nam. Hàng năm, vào dịp lễ tết, người Lý Hoa thôn dù đi làm ăn xa đều trở về làng ăn tết, cũng có “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Khi cúng lễ, vị Tiên chỉ mở “Quốc phả” đọc cho con cháu nghe về nguồn gốc Lý Hoa thôn. Người dân Lý Hoa thôn khấn vái, đầu hướng về phương Nam cố quốc. Phong tục nối tiếp qua nhiều thế hệ.

Năm 1232 quân Mông cổ (Đại hãn Oa Khoát Đài) xâm lược Cao ly, Lý Long Tường cùng tướng sỹ gia tộc và dân địa phương đẩy lùi quân Mông cổ.

Năm 1252, sau khi chiếm được bắc Trung quốc, Mông cổ xâm lược Cao ly lần thứ hai. Triều đình phải lánh ra đảo Giang hoa. Lý Long Tường cùng dân địa phương kiên trì chiến đấu. Ông sử dụng binh pháp Đại Việt đánh cho giặc nhiều trận thua to. Ông được phong là “Hoa Sơn tướng quân” và dòng họ của ông được gọi là “họ Lý Hoa Sơn”.

(*) Đền Đô là tên gọi di tích thờ các vị vua, là Đền Lý Bát Đế (hay Cổ Pháp điện), ở xóm Thượng, làng (xã) Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - nơi thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý.

Lý Thừa Vãn – Tổng thống đầu tiên của Đại hàn Dân quốc – cũng là cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường. Trong chuyến đi Sài gòn ngày 6/11/1958, ông nói “Tổ tiên tôi là người Việt nam”.

Sử Hàn quốc còn phát hiện một dòng họ Lý khác – dòng Lý Dương Côn, cũng là hoàng tử nhà Lý vượt biển tới Hàn quốc vào năm 1150 (trước Lý Long Tường 76 năm). Đời thứ 6 của dòng họ này có Lý Nghĩa Mẫn, từng làm thừa tướng Cao ly 14 năm.

Hình:
- Ông Lý Xương Căn về Việt nam năm 1998.
- Lễ trao Tộc phả cho hậu duệ nhà Lý.
- Ông Căn và đại gia đình tại Phủ Chủ tịch (ông nói, là người Việt nên đề nghị gọi ông là Căn chứ không gọi là Lý).

Thứ Bảy, tháng 12 12, 2015

Già làm việc nhỏ

Cả đời chả làm việc gì lớn, thôi thì già hưu cứ tiếp tục làm việc nhỏ :-)
Nói chuyện "xóa mù tin học", ông ThB hăng hái nói nhà có một chiếc bỏ không dùng, muốn lấy cứ việc tháo đĩa cứng để lại. Nhậu xong leo lên nhà, hóa ra là cái thân máy bàn đời còn lắp bảng mạch mô đem quay số (ADSL có cách nay mươi năm). Đã lỡ xin rồi, mà chê sợ nó cáu, đành phải ngật ngưỡng chở về, mà bằng xe đạp thể thao mới khổ.
Mãi rồi cũng có ông QT, nhà đồ họa, nhà thơ, nhà nhạc. Ông có cực nhiều tài nguyên và thành phẩm số trong cái máy bàn mà bảng mạch tự nhiên lăn đùng ra chết. Chỉ có thể bù đắp mất mát này bằng... cái máy "dở" mà tôi đang có; vậy là nên duyên. Ngật ngưỡng sau xe thể thao, trao tay vào ngày đẹp trời ở quán cà phê, "nàng" về với lão cách đây chắc 2 tháng? Vậy mà hôm qua cậu nói tới xem giúp, nó chả lên.
Mãi rồi với tay tôi nó... cũng chả lên, chỉ biết chắc một điều là pin trên mạch đã hết, cần thay nếu còn muốn dùng, trong lúc này cứ tạm thế cũng không sao.
Kết cục là: đây nhé tôi cho đĩa CD Live Ubuntu máy lên ngon lành, muốn làm gì cũng được. Cái đĩa của ông là Windows, tôi chịu.
Đến việc nhỏ cũng chả xong!

Thứ Năm, tháng 12 10, 2015

CHUYỆN XƯA-NAY



    Rời Nakhon Phanom trên đất Thái,  thăm nơi Bác Hồ đã từng hoạt động (7/1928- 11/1929) đoàn chúng tôi trở về đất Lào hiền lành , mến khách.
   Ngày mai, quốc khánh lần thứ 40 của Lào rồi, chi bằng tôi kể cho các bạn “chuyện xưa-nay” lồng  chút tình cảm riêng tư trong đó.
   Nào, chúng ta cùng tìm hiểu Ông Hoàng Đỏ của nhân dân các bộ tộc Lào. Hoàng thân Xuphanuvong sinh ra và lớn lên ở Luang Prabang, Hoàng thân là người con ưu tú của đất nước và nhân dân Lào. Bạn rất tự hào: Thật hy hữu, trên thế giới chỉ có duy nhất một ông hoàng  cộng sản(!).
    “Đầu thế kỷ 20, Lào có 3 tiểu vương, về hình thức phụ thuộc Kinh đô Viên Chăn nhưng tương đối tự chủ. 3 tiểu vương đó là : Chăm pa xắc ở Nam Lào, Viên Chăn ở Trung Bắc Lào là Chính phủ Trung ương và Luang Prabang ở Bắc Lào. Quốc vương Xisavang Vong ở Viên Chăn còn Phó vương Bun- Khoổng đóng đô ở Luang Prabang. Phó vương có 11 hoàng tử và 13 công chúa.  Hoàng thân Xuphanuvong, sinh 13-7-1909 tại lâu đài Xi-xu-văn-na-hô-khoăm; là con trai út của Phó vương. Mẹ Hoàng thân là bà thứ phi Khăm-uộn xuất thân trong gia đình bình dân”. Theo như lời của hướng dẫn viên thì do thành phần xuất thân của bà,  Phó vương sẽ không bao giờ được làm vua. Phải nói trong hoàng tộc có những quy định rất ngặt nghèo, vậy mà Ngài vẫn bất chấp để đến với tình yêu?! Thật đáng nể!
Rồi đến chính Hoàng thân XPNV và anh Chính( con ông) cũng lấy vợ Việt, kể gì chuyện môn đăng hộ đối ! Phải chăng, tư tưởng tiến bộ đã gặp  những người có tính cách mạnh?
“Phó vương Bun- khoổng là người yêu nước, chống Pháp. Năm 1920 Hoàng thân sang Hà Nội học. Tháng 10-1931, Hoàng thân sang Pháp du học, học dự bị tại Trường đại học Saint Louis và học đại học tại Trường Cầu đường Quốc gia, khoa Xây dựng các công trình dân sự. Năm 1937 Hoàng thân tốt nghiệp kỹ sư cầu đường và về làm việc tại Sở Giao thông Công chính Trung kỳ . Ngày 19-1-1938, Hoàng thân kết hôn với bà Nguyễn Thị Kỳ Nam ( 17 tuổi). Bà mang tên mới Viêng Khăm Xuphanuvong. Hoàng thân tham gia thiết kế nhiều công trình công chính ở Việt Nam. Tiêu biểu là đập Bái Thượng (Thanh Hóa, Tháp nước Phan Thiết”.
“Có một sự quan sát tiêu chuẩn của lịch sử hậu thuộc địa rằng những học giả được giáo dục kiểu phương tây sau này sẽ trở thành lãnh đạo của các phong trào chống chủ nghĩa thực dân. Những người được Pháp giáo dục như Phetxarāt, Suvannaphūmā và Suphānuvong có lẽ sẽ xác định trường hợp này ở Lào, nhưng trên thực tế tất cả họ đầu tiên đều là những quan chức Lào và sau đó mới là những trí thức có tinh thần quốc gia, thậm chí Suphānuvong cuối cùng trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của nước Lào xã hội chủ nghĩa”. Nhận xét này đặc biệt thú vị, nó phần nào giúp tôi lý giải được “hiện tượng” nhiều nhà cách mạng chống thực dân nổi tiếng VN lại học từ các trường thuộc địa pháp ( Xem bài "Trường quốc học Huế" …bên blog Bạn trường Bé).
Trước khi đi Lào, KQ cho tôi số phôn của anh Chính:
-         A lô ! chào anh Chính, em là Minh con của…em đang ở Viên chăn đây.
-         Ủa, con chú Sáu hả, rồi, rồi…kẹt chút công việc nhưng anh sẽ đến ngay. Tiếng anh hồ hởi reo vang trong máy.  Thông tin đã được kết nối sau 60 năm xa cách. Một tín hiệu vui!...
Xin trở lại “chuyện xưa”một chút: Năm 1954, cha tôi họp Hội nghị Giơnevơ về, gia đình tôi tập kết ra Bắc và ở HN. Lúc này ông làm Phó trưởng ban Lào - Cam pu chia thuộc TW đảng lao động VN. Gia đình bác Chín ( Xuphanuvong) và gia đình tôi ở cùng nhà 105 Quan Thánh khá lâu, rất thân tình.
   Chuyện các cụ, mình không biết, nhưng tụi nhỏ vẫn chơi với nhau vui vẻ hàng ngày. Con bác Chín đông tới 10 người và đều có tên VN ( do Bác Hồ đặt). Hôm rồi gặp nhau anh Chính vẫn nhắc tới cây bàng ở nhà 105…khiến tôi rất cảm động. Năm nay anh đã 70 và từng làm đến Bộ trưởng Chủ nhiệmVăn phòng Chủ tịch nước.
   Ngày ấy, liên tục mấy năm liền (sau1954), cha tôi vẫn “hành tung bí ẩn” từ VN  qua lại các vùng căn cứ CM Lào… Rồi bác Chín cũng trở về nước, tham gia Chính phủ liên hiệp gì đó. Trước khi đi, bác không quên tặng cha tôi khẩu Cacbin M1 như kỷ niệm của “tình bạn chiến đấu thủy chung”. Công nhận  các cụ thời ấy  “máu lửa” thật. Giờ các cụ đã ra người thiên cổ, nhưng trong lòng đám con cháu vẫn đọng lại những tình cảm khó quên.
 … Tôi đang tranh thủ ra quảng trường kiếm vài pô ảnh thì từ sân bay anh Chín đã đến chờ ở khách sạn.
  Tôi vừa bước vào sân, anh Chính đã bật cửa xe lao ra ôm chầm lấy, xiết chặt, thật chặt:
-         Trời, em giống chú Sáu quá, anh nhận ra ngay.
-         Anh cũng vậy, giống bác Chín quá chừng, bộ ria mép không lẫn vào đâu được.
   Cũng lạ. Sau sáu chục năm trời, người ta nhận ra nhau chỉ nhờ hình bóng của phụ huynh !
Tôi lên xe, theo vợ chồng anh Chính về nhà. Phần “Chuyện nay” sẽ được kể tiếp bằng hình ảnh.  

Trên bàn thờ là bức ảnh chụp chung Bác và Hoàng thân với
nhiều nội dung ẩn chứa  .



  Anh em tình nghĩa

Nhìn từ "vườn" nhà anh- Hoàng hôn trên sông Mêkong, phía ấy là đất Thái

Anh Chính

Trước khải hoàn môn





Thứ Bảy, tháng 12 05, 2015

Tin buồn: mẹ vợ anh Nguyễn Mạnh Dũng mất

Cụ Lương Thị Thu, mẹ chị Nguyễn Thị Nhâm (vợ anh Nguyễn Mạnh Dũng k4), mất hồi 18h35 ngày 4/12/2015, thọ 95 tuổi.
Lễ viếng từ 9h đến 11h Thứ Hai ngày 7/12/2015 tại Nhà Tang lễ BV Bạch Mai.
Hóa thân hồi 13h tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, HN.
Kính báo,
Nguyễn Mạnh Dũng
---------------------------
Xin báo để các bạn biết, thăm hỏi, phúng viếng, đưa tang.
Dự kiến bạn k4 vào viếng lúc 10h.

GIAO BAN CAFE

Thân mời các Bantroi tới GB Cafe tại địa điểm :

- Đ/c:  45 Đinh Công Tráng, Q1, tp HCM (  Đối diện nhà thờ Hai Bà Trưng).
- Thời gian : Sáng chủ nhật 6
/12/ 2015.
*GC:
Có chỗ đỗ xe hơi ,bình bịch
Trung Liêm