Hà nội đang trải qua những ngày rét cuối cùng trong năm. Có lẽ chưa năm nào thời tiết thất thường như những ngày gần đây, nắng một chút và ngay sau đó lại mưa phùn gió bấc, chắc nàng Bân đang đan những mũi cuối cùng của chiếc áo lạnh cho vị hôn phu. Mấy hôm trước, nhân một ngày nắng đẹp, dù chưa đến mức cần phải giải nhiệt nhưng chợt thèm ăn kem bèn khoác áo khoác ô lên Bờ Hồ, thì còn đi đâu nữa? Vừa được ăn kem lại vừa được xem Rùa, hehe!
Chợt ùa về những kí ức vụn vặt liên quan đến kem Hà nội. Không biết kem có từ bao giờ nhỉ? Tôi sống ở Hà nội lần đầu trong những năm đầu mới giải phóng Thủ đô, hai cha con lếch thếch kéo nhau ngỡ ngàng ra phố, ông già mua cho một cái kem do một thằng lỏi hơn mình chỉ vài tuổi bán, nó vác cái phích kem đeo xệ một bên vai. Khi chiếc nắp đậy vừa được mở ra là hơi lạnh bốc lên nghi ngút như khói lò than. Thật là hấp dẫn khi thò đầu ngó vào những chiếc kem thơm phức lèn chặt trong đó, tôi háo hức nhận chiếc kem từ bàn tay đen nhẻm của anh nhỏ. Đó là lần đầu tiên được ăn kem Hà nội nên dĩ nhiên là ngon lắm. Tôi chưa biết rằng đó chỉ là những thứ kem bình dân, còn có loại cao cấp hơn rất nhiều, mà sau này mới biết! dù sao thì lần đầu tiên được ăn kem Phố nhớn vẫn để lại những ấn tượng thật khó quên.
Trở lại nghi vấn về Kem có từ bao giờ. Có lần đọc được ở đâu đó nói là do người Trung quốc phát minh ra, có lẽ là ảnh hưởng từ phim Tầu “Hoàn châu cách cách” thấy có chỗ nói Càn long được ăn thứ giải khát làm từ tuyết với hoa quả. Cũng có thể là vậy, nhưng chắc chắn là kem ở Việt nam có xuất xứ từ người Pháp thì đúng hơn. Do xuất xứ từ tên gọi Crem mà nói như vậy.
Kem ra đời sau khi hình thành các nhà máy điện, rõ quá rồi, không có điện lấy đâu mà chạy máy làm kem. Nhưng là với kem công nghiệp, chứ tôi đã từng thấy hàng kem gánh. Mấy hào được một cốc, thứ kem này được làm ra bằng cách quay thật lực một cái bình quanh những viên đá, khí lạnh đọng vào phía trong làm thành kem, thật vất vả . Các cổng trường học hồi lớp ba lớp bốn đều có cái khoản này, cùng với táo dầm xem ké chuyện tranh Tầu, bánh gối rưới tương ớt, và ô mai cho các chị. Nay thì không thấy ở đâu có nữa, rặt bimbim với coca.
Nghe các bậc cao tuổi nói hiệu kem cổ nhất ở Hà nội là hiệu Zéphir, ở mạn Bờ Hồ, đến thời chúng ta thì không thấy. Kem cũng chia đẳng cấp đấy, cỡ học sinh lau nhau chỉ xài loại kem bán rong đựng trong téc mốt. Loại này tôi thấy được sản xuất phía sau nhà máy nước đá Hà nội, người ta nhận kem từ đó rồi tỏa đi khắp phố phường. Nghe nói còn có một nơi nữa ở Chợ Gạo, cũng làm kem bình dân cho người bán dạo. Cao cấp hơn là các hiệu kem có cửa hàng đàng hoàng, thử liệt kê ra có mấy nơi. Hiệu kem Cẩm Bình ở góc đường Phố Huế - Nguyễn Du. Gần rạp Tháng Tám cửa trại lính Khố xanh (nay là Công An) có hiệu kem Hồng Việt. Ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm có kem Thủy Tạ, kem Long Vân, Hồng Vân. Ở đoạn tàu tránh Hàng Bông lối rẽ ra Phùng Hưng có hiệu kem Hòa Bình. Gần Văn Miếu, trên đường Nguyễn Thái Học có kem Phi Điệp. Ở phố Yết Kiêu gần trường Mỹ thuật thì có hiệu kem Tiến Đạt. Đó là do hỏi han các bậc cao niên mà biết, chứ trong ký ức của tôi chỉ loanh quanh mấy Hiệu kem quanh Bờ Hồ như Hồng Vân- Long Vân, kem Bốn Mùa, kem Tràng tiền chứ hồi đó Thủy tạ chưa làm kem que bán như bây giờ. Lại biết thêm kem Cẩm bình và kem Hòa bình góc Hàng Bông- Phùng Hưng do chuyên trị đi ké tầu điện, hai hiệu kem này đều nằm gần đường tầu nên dễ thấy, tiếc là ngày nay, hai hàng kem này không còn nữa, mất đi một thương hiệu nhiều người biết đến.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, cũng như khoa học kỹ thuật mà Kem ngày nay đã có sự phát triển vượt bậc, có thể dễ dàng mua kem đóng túi Vina milk bất cứ xó xỉnh nào
Nếu muốn ăn kem Italy chính hiệu, bạn có thể đến với cửa hàng kem Fanny ở Bờ Hồ, kem Mỹ ở phố Ngô Quyền hoặc trên Hồ Tây, kem Pháp ở khách sạn Hà Nội Metropole... Giá thành của các loại kem “ngoại” này cũng dao động rất lớn. Một ly kem tươi của Mỹ ở dạng ốc quế mua tại hồ Tây khá rẻ, nhưng cũng một ly kem tươi Italy được trang trí thật đẹp với nhiều cái tên “mỹ miều” tại quán Fanny giá có thể gấp cả chục lần. Muốn thưởng thức một ly kem Pháp “chính hiệu 100%” tại Hanoi Metropole, bạn hãy vui lòng chi ra khoảng vài USD. Trước đây vài năm, người Hà Nội đổ xô đi thưởng thức kem Mỹ 36 mùi, màu ở phố Ngô Quyền với giá khá cao. Đắt, nhưng mà... "sắt ra miếng " người ta bảo thế.
Theo Kinh Tế Đô Thị, cạnh tranh với "kem nội", các loại kem “Tây” ở Hà Nội cũng nhiều vô kể. Ngày xưa, nói đến chuyện được ăn kem Nga, kem Pháp, kem Mỹ, kem New Diland.. chỉ dành cho những người đã có dịp ra nước ngoài mà thôi. Nhưng ngày nay, quả thật rất đơn giản nếu bạn muốn thưởng thức một ly kem Italia chính hiệu hay một ly kem Pháp thực sự ngay trên đất Hà thành này. Nắm bắt được nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của người dân Hà Nội, nhiều cơ sở tư nhân trong nước và nước ngoài đã nhập về các loại máy làm kem cùng công nghệ sản xuất kem ở ngoài nước như Pháp, Italy, Mỹ... Đặc biệt là các loại máy làm kem tươi, nhanh và rất ngon.
Có phải người có tuổi thường nhớ về ký ức? nhưng đúng là những kỷ niệm về ngày xưa thường làm con tim ta xao xuyến. Nhớ lại, tìm lại những ký ức vụn cũng là cách ta động viên mình vượt qua những bức xúc về thời thế. Ngoài trời, Hà nội đã bắt đầu có nắng. Lại một mùa KEM mới!!!
( Hà Nội, những ngày đi làm "phóng viên rởm" Rùa. Nguồn ảnh internet)