Cụ Đàm Thị Loan, mẹ của anh Hoàng Quốc Trinh k1, chị Hoàng Minh Châu k3, anh Hoàng Quốc Hùng k5 và chị Hoàng Minh Phượng k6, đã mất vào trưa ngày Thứ Năm 28/1/2010, thọ 84 tuổi.
Tang lễ cụ Đàm Thị Loan tổ chức vào ngày Thứ Ba 2/2/2010 tại Nhà Tang lễ Quân đội, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ viếng từ 7h30 tới 10h
Lễ truy điệu và đưa tang từ 10h.
Lễ an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội.
Anh Thái Chi thông báo: k3 dự kiến viếng cụ Đàm Thị Loan vào lúc 9h30. Đề nghị các anh chị đến sớm ít phút để tập hợp.
Chủ Nhật, tháng 1 31, 2010
Tin buồn
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Chủ Nhật, tháng 1 31, 2010 15 lời góp
Thứ Bảy, tháng 1 30, 2010
Thứ Sáu, tháng 1 29, 2010
NGAO DU
Đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy rằng “đi chơi cũng là công việc”, thậm chí là việc tối cần thiết như biết bao công việc khác. Chả trách anh Putin, anh Obama...hằng tuần vẫn phải đi chơi và tập luyện.
Xin phục vụ AE tí chút về đề tài này. Hy vọng rồi đây sẽ có thêm nhiều bác “dời gót ngọc” khỏi chốn văn phòng, để “chui bờ rúc bụi” như tôi.
MỤC LỤC:
I/ Không chỉ là câu cá
II/ Mà lại là câu cá
III/ Không hẳn là “bắn chim”
IV/ Mà lại là bắn chim
Phần I : KHÔNG CHỈ LÀ CÂU CÁ
Có một cái hồ tên gọi Sông Mây. Nơi đó trên mặt hồ thì mơ màng, dưới nước lại đầy kỳ bí và hấp dẫn.
SG 4 giờ sáng , tụi nhóc dựng tôi dậy phát lệnh lên đường. Tụi nhỏ nói phải đi sớm để xí chỗ tốt, ra thế đi chơi cũng phải tranh giành!
Đến nơi, năm giờ rưỡi, trăng vẫn treo trên đỉnh đầu, bông cỏ còn ẩm hơi sương. Lát sau trong ánh bình minh hé rạng , các cần thủ đã xuất hiện. Tôi tranh thủ bấm máy lia lịa để sau này có cái nhâm nhi. Biết nói thế nào nhỉ? Nơi đây thật mênh mang và tĩnh lặng : “ Tĩnh lặng như bóng trúc quét nắng bên thềm mà bụi chẳng hề bay. Tĩnh lặng như bóng trăng rơi xuống nước mà mặt nước chẳng cau mày”. Sách nhà Phật có khác , đúng là tuyệt cú.
Mặc cho mọi người chuẩn bị. Tôi đi lang thang lòng đầy tư lự. Có lẽ tôi sẽ chẳng câu được con cá nào nhưng cũng có thể tôi sẽ thu hoạch được nhiều hơn tất cả những gí họ có: niềm vui , sự thanh thản, nỗi đam mê...
Xa xa là những chiếc bè có dây nối vào bờ để chở khách câu. Ven hồ cánh cần thủ đứng ngồi từng đám. Ai cũng miệt mài, chăm chú đấu trí, đấu tài, thi thố kỹ năng để lôi được con cá lên bờ. Dân này thật ít nói, thi thoảng nghe họ lẩm bẩm suýt xoa. Dưới đáy nước là cả một thế giới muôn màu, một cuộc sống khác như đang hút hồn họ. Tôi đã ở đây mê mẩn suốt cả ngày trời cho đến lúc chiều buông với bao sắc màu của ánh sáng. Nắng , gió, mây trôi, mặt nước lung linh và những cánh hoa dại ven hồ...Ôi! Giá mà mình đủ sức sáng tạo, đủ kỹ năng chắt lọc được những thứ “nguyên liệu” thiên nhiên ấy đưa vào ống kính thì “sản phẩm” sẽ chính là ..SỰ SỐNG?
Gửi bởi Thanh Minh lúc Thứ Sáu, tháng 1 29, 2010 7 lời góp
Thứ Năm, tháng 1 28, 2010
MẪU
Gửi TQ mẫu quán gió sinh thái. Cái này "lắp" bên ao ở trang trại mới hợp. Tui còn công thức làm khô nai nữa TQ có nhu cầu??
Tụi heo mán về phố hết rồi sao?
Gửi bởi Thanh Minh lúc Thứ Năm, tháng 1 28, 2010 3 lời góp
Hương vị núi đồi
Hôm nay được TQ rủ đi ọp lai, thấy thằng tôi ru rú ở nhà suốt ngày sợ cớm nắng, lại nhân dịp trên vườn nhà TQ kết thúc vụ cá cuối năm, đánh bắt để tiếp tục kế hoạch kinh tế mới, lâu ngày được về núi thấy không khí thật thoáng đãng, chụp được mấy cái ảnh bằng máy du lịch, gửi anh chị em thưởng thức một chút hương vị núi đồi.
Đường xuống trang trại một, hoa mai nở trắng, nhắc rằng mùa xuân sắp về,Tết đã đuổi sau lưng rồi.
Đây là "khuê phòng" sơn trang của HB và HT, chỉ thiếu hoa đào nở thì đúng phong cảnh Tây Bắc
Những giò phong lan khoe sắc.
Mẻ lưới đầu tiên, kết quả đáng hâm mộ đấy chứ.
Chỗ tôm nhảy tanh tách này mà làm bánh tôm thì tuyệt,Đại Cương mà nhìn thấy đảm bảo xắn tay áo liền
Trang trại hai, quán gió bên hồ, bàn đá ngâm thơ, vịnh nguyệt( tiếc là khuất không nhìn thấy)
Khế không ai hái,rụng vàng sân nhà ai!
Đu đủ sai trĩu quả, chín rục cho chim xài.
Nai vàng ngơ ngác gọi,thu đã qua, xuân về.
một mẻ lưới
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Năm, tháng 1 28, 2010 12 lời góp
Thứ Tư, tháng 1 27, 2010
Đặc sản Hà Nội
*
* *
Từ thuở mới nằm nôi, biết nghe được lời ru của mẹ, ta đã để lòng vấn vương về một thứ bánh dân dã trong câu ca dao: “Mấy đời bánh đúc có xương”..Rồi lớn lên, qua một thời khốn khó với đủ các loại lương thực tạp phí lù của thời bao cấp, tôi còn nhớ được cái cảm giác nghẹn đắng khi cái miệng con trẻ chạm vào miếng bánh đúc ngô khô khan và đôi lúc thậm chí là miếng cháo cám đắng nghét .
Ngày nay kinh tế được cải thiện, của ngon vật lạ chẳng còn hiếm hoi như ngày xưa, tổ yến, vi cá , tay gấu gạc nai cứ có tiền là chẳng thiếu, vậy mà nào có thấy thích thú, đôi ba lúc rỗi rãi, nhẹ cái bàn chân mỏi mệt tuổi tác mà dấn bước ra phố tìm lại những cảm giác xưa cũ, tìm lại những món ăn dân dã một thời đã quên lãng. Lớ vớ đi quanh phố phường Hà nội xưa cũng tìm được đôi ba nơi có bán bánh đúc, âu là nó cũng hợp với ba cái răng đã đến kì đại tu, nói là dân dã nhưng có lẽ, vì nó gắn với kí ức nên cảm thấy chẳng có sơn hào hải vị nào sánh được.
Cũng là bột gạo được khuấy lên, qua bàn tay các bà các chị chế biến nó cũng đã trở thành đặc sản, cái thứ bánh đúc bình dân nhất có lẽ là thứ bánh đúc được các em , các cháu mang vào nội thành từ các vùng quê Thanh trì , Từ liêm, được đóng thành từng bánh nhỏ xếp lớp lên nhau, trên cùng ,bao giờ cũng có điểm vài hạt lạc, khi ăn, cô hàng sẽ cắt ra từng miếng nhỏ cho vào chiếc đĩa ,kèm theo một chén tương Bần, bày vào một cái mẹt nhỏ,món này ăn khoảng ba đến năm giờ chiều, các cô các bà kinh doanh mặt đường thường dùng như một món quà quê, chẳng bao giờ ăn đến chán, tuy vậy ,trong thời buổi ô nhiễm môi trường quá cao như hiện nay, ăn thứ bánh đúc đã chu du qua ba mươi bảy phố phường này thời phải cảnh giác không lại đuổi theo Tào tháo!
Còn có loại bánh đúc nộm, người ta ăn thứ bánh đúc kèm giá đỗ, chan nước lạc béo ngậy, món này cũng bán rong hè phố, ngon hay không nhường lời cho các chị em bình phẩm.
Ở phố Lê ngọc Hân, từ Trần xuân Soạn đi vào chừng trăm mét phía tay phải, có hàng bánh đúc thịt, chan nước dùng, nếu quen còn được nhà hàng khuyến mại miếng cháy, nhà này được nhiều người biết tiếng, ai chưa ăn có thể đến thử cho biết, chỉ có từ chiều.
Xin kết thúc bằng câu văn của nhà ẩm thực Vũ Bằng:"Bánh đúc đã dẻo mê mệt đi, lại hút cái nước nộm ngầy ngậy mà mềm dịu, thoang thoảng mùi thơm của giá chần, của vừng rang, của chanh cốm - không cái mát đó thực quả là một cái mát Đông phương, thâm trầm và hiền lành, chứ không rực rỡ hay kêu gào ầm ĩ" (trích "Món ngon Hà Nội").
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Tư, tháng 1 27, 2010 15 lời góp
Thứ Ba, tháng 1 26, 2010
KẾ GÌ?
Thời Xuân thu Chiến quốc bên Tầu có một anh chàng tên là Tôn Tân, sau bị bạn chặt chân mà đổi thành Tôn Tẫn, què nhưng lại là một tướng giỏi, anh ta chính là người viết nên quyển Binh pháp Tôn Tử, người đời sau kết hợp với binh pháp của Ngô Khởi mà viết thành cuốn “ Binh pháp Tôn Ngô” nổi tiếng thế giới, thậm chí người ta đem những kế sách trong đó áp dụng vào kinh doanh cũng đạt được những kết quả khả quan.
Trong cuốn binh pháp đó có ba mươi sáu chước, tức là kế sách cầm quân của người làm tướng, chước gì thì chước nhưng không bằng chước cuối cùng là chuồn cho sớm, vậy nên mới có câu “ Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” Ba mươi sáu kế, chạy là hơn cả.
Bây giờ thời đại mới rồi, xem ra tam thập lục kế ấy không đủ, lũ hậu sinh nghĩ ra được nhiều kế khác mà Tôn Vũ tử tiên sinh có đội mồ sống dậy cũng lăn quay ra mà thán phục vì tính hiệu nghiệm của nó, cái kế gì mà hay vậy? xin thưa đó là kế” chịu đòn được tiếng”. Kế này giông giống với kế "rạch mặt ăn vạ" của Chí Phèo hay là” khổ nhục kế” của kẻ muốn phục thù. Đem áp dụng vào thương trường, mấy cô diễn viên hạng hai, mấy cô mấy chàng ca sỹ chưa được nổi tiếng áp dụng chiêu hở vú, tụt quần, mấy anh nhà báo đói tin lao vào rải lên mặt báo, chỉ nửa buổi là tên tuổi nổi như cồn, chúng nó bảo đấy là pi a, dốt tiếng Anh chẳng biết pi a là gì hỏi trẻ con nó bảo pi a là một dạng quảng cáo, đánh bóng tên tuổi hay thương hiệu, có phương pháp có công ty đàng hoàng, cha! cái bọn hậu sinh này nó giỏi.
Vừa rồi đọc báo, đọc tin thấy toà án thành phố HCM xử vụ mấy tay bày đặt dân chủ, đa đảng, anh lâu mười mấy năm tù thằng ít cũng dăm ba năm, xem mấy bản tin nước ngoài nó la làng như cha chết, xem ra nó còn la nữa chứ chưa thôi. Mấy thằng ra toà xem mặt mũi giống y chang kẻ tử vì đạo. Ngồi quán nước vỉa hè, bến cảng tầu xe, chợ tỉnh chợ quê đều nói chuyện thằng ấy anh ấy, đảng ấy nhóm ấy ra toà thằng khai thằng không khai, hỏi trước có biết bọn ấy là ai không, mải làm ăn biết chúng nó là ai! Bây giờ nghe đài báo ti vi mới biết có đảng ấy nhóm ấy, họ đòi cái ấy cái ấy. Nghĩ bụng bảo, quảng cáo không công rồi, pi a không cần trả tiền rồi.
Cả một hệ thống chính quyền to, mạnh như vậy, ba cái anh tép riu ấy thiếu gì cách trị, hay sợ không còn sổ gạo mà cắt? Nó học đúng cách các cụ ngày xưa đấy, tại sao không nhận ra nhỉ, lại còn không đăng kí bản quyền để nó lấy tên đảng Lao động ra đặt cho đảng của nó nữa chứ, cha ơi! cái tên mấy thế hệ ông cha còng lưng đấu tranh bây giờ để cho nó đặt khơi khơi. Đám người đó toàn trí thức cả đấy, nó có ngu đâu mà để cho các vị nắm đuôi lôi vào tù, chẳng qua nó đang thi hành diệu kế “ chịu đòn được tiếng” đấy thôi! Vài vụ xử nữa kiểu như vậy, chắc toàn dân đều biết có đảng dân chủ đang hoạt động, sau nữa chẳng dám nghĩ đến!
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Ba, tháng 1 26, 2010 17 lời góp
Hà Nội: Buộc xuất cảnh 3 sư ngoại rởm
Hồi trước (7/2008) tôi đã chụp dính một "đồng đạo" người TQ. Nhân có tin này đăng lên đây chơi.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Ba, tháng 1 26, 2010 6 lời góp
K3 tổ chức Mừng Xuân
Anh Thái Chi nhờ thông báo:
Mời toàn thể Bạn Trỗi tham dự buổi Mừng Xuân 2010 và mừng Vũ Quốc Quân và Đào Dũng Tuấn k3 đã hoàn thành sự nghiệp quân ngũ.
Tại tầng 5 bia hơi Hải Xồm 23 Nguyễn Đình Chiểu, lúc 11 giờ Thứ Bẩy 30/1/2010.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Ba, tháng 1 26, 2010 0 lời góp
Thứ Hai, tháng 1 25, 2010
Tuyên phạt 23 bị cáo vụ Đề án 112...
... tổng cộng 318 tháng tù giam và 390 tháng tù treo do làm thiệt hại cho công quỹ nhà nước 4,6 tỷ đồng.
Tôi không có bình luận gì về việc này. Chỉ lo rằng mục đích "giáo dục, răn đe để phòng ngừa chung" mà Hội đồng Xét xử nhấn mạnh sẽ trở nên vô nghĩa trước những nghịch lý đang đùa giỡn cùng với sự nghiêm minh của các cơ quan quyền lực.
Chắc mọi người đều biết ba năm trước đây Nhà nước (Hoàng Quốc Lập k1 đại diện) đã ký kết một Hợp đồng bản quyền phần mềm MS Office với hãng MS. Ký kết này được coi như "xả sú-páp" nạn vi phạm luật về bản quyền phần mềm tại VN mà chính phủ đã cam kết thực hiện. Nội dung kinh tế được giấu kín, chỉ nghe nói rằng Hợp đồng đó hợp thức việc sử dụng phần mềm của MS trong các cơ quan và tổ chức NN trong thời hạn 3 năm. Cũng nghe đồn rằng giá trị hợp đồng ít nhất cỡ 300 tỷ đồng.
Sử dụng bản quyền thương mại là một cam kết không lối thoát ngoài việc hoặc là trả tiền, hoặc là ăn cắp. Để không phải trả phí bản quyền chỉ có mỗi cách là chuyển sang dùng phần mềm mã nguồn mở (PMNM). PMNM có bản quyền nhưng được tự do nhiều mặt, trong đó có tự do phân phối cho nhau.
Hơn một năm trước đây Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đã có chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong các cơ quan tổ chức Nhà nước với lộ trình kết thúc vào cuối 2009 thì về cơ bản PMNM đã được sử dụng thay cho phần mềm thương mại.
Hỡi ôi, chỉ thị này cho đến nay dù không tổng kết nhưng ai cũng biết rằng nó chưa hề được thực hiện ở đâu dù chỉ chút ít phần trăm. Người ta lý giải rằng không có tiền để triển khai.
Dù bất cứ lý do gì, việc khối Nhà nước đứng trước "cơ hội" lần nữa bỏ hàng trăm tỷ mua tiếp phần mềm thương mại là có thực và không thể biện bạch. Ấy vậy rồi có ai xét xử chuyện này? Chuyện không phải do "thảo dân" tự dựng ra để than. Mà là chuyện chính phủ "anh minh" nhưng quên làm, nêu một tấm gương xấu cho "thảo dân". Vậy lấy gì để giáo dục đây?
Các bạn Trỗi có cách nào đấu tranh cho việc này? Là cứu lấy tiền dân thật chứ không phải đùa đâu!
(ảnh: VietnamNet)
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Hai, tháng 1 25, 2010 16 lời góp
KHOẢNH KHẮC YÊN LẶNG
(tiếp theo và hết)
Chúng tôi cố gắng hoàn thành trận địa thứ nhất sớm được vài ngày theo kế hoạch. Tôi cho đơn vị hành quân về hậu cứ nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị đợt tiếp theo. Có thời gian rỗi rãi cũng chẳng hay ho lắm, nhàn cư vi bất thiện, chả có việc gì làm các nàng quay ra ôm nhau khóc ty tỷ, mình phải làm công tác động viên tư tưởng, nêu cao phong trào văn hoá văn nghệ, chả ai ngu như thằng tôi, chiều về vác cây đàn ghita gẩy pừng pừng, chỉ độc có ba giây trầm là còn trụ lại được, Hết "làng tôi" quay ra nhạc sến, cứ rống “ Ai đến xứ hoa đào…” rồi đến nhạc Liên xô “ Từ trên đỉnh núi Chi ta xa vời, mùa tuyết vẫn rơi phủ đầy trời….không may gẫy tay rồi….” v…v. Cứ ba dây mà chơi, hết pựng pừng pứng lại pứng pừng pựng, Âý thế mà các em khoái, bá vai bá cổ, đeo cứng sau lưng, thằng bé tưởng bở cứ ra sức gào, một lúc sau quay lại nhìn chả còn em nào, quái đi đâu hết cả, quẳng đàn đi tìm hiểu thực hư, nhìn vào trong hầm cứ há hốc cả mồm, cả trai cả gái lẫn lộn nằm úp thìa vào nhau khóc như cha chết, lạ cái mấy thằng ôn con nằm trong đó không bị cháy đũng quần như mình, đã định bảo dịch ra cho tao nằm với xem cảm giác kiểu bầy đàn ấy nó ra làm sao nhưng nghĩ lại lời chính trị viên dặn dò nên tặc lưỡi hét, các bạn làm cái gì thế này, dậy dậy, dậy ra nấu cơm ăn. Nó lại càng khóc tợn, thôi kệ mẹ cho chúng mày khóc, làm sao được, nó khóc mãi phải chán mà ngủ cho yên chuyện.
Cái cảm giác ngày nào trong căn hầm nhỏ thấy nó hay hay mà không biết làm cách nào tái diễn, một hôm phát hiện ra các em nghe tiếng bom nổ ở đâu đó là sợ rúm vó, ôm cứng lấy nhau, thế là tôi ranh mãnh làm một phép thử. Một hôm lờ vờ làm gì đó, chờ xem máy bay địch chuẩn bị oanh tạc một nơi gần gần, khi chiếc ép bốn bổ nhào thì lò dò ra đứng cạnh em, mình thông minh thật, oàng một cái là bị ôm cứng, gỡ mãi không ra, quen rồi, tiếng bom nổ từ xa coi như chẳng có, cứ thế mà thưởng thức hương vị nồng ấm, mềm mại, chỉ tiếc lần nào cũng vậy, chỉ cảm nhận được từ phía sau lưng, mấy lần xoay đằng trước ra đều hỏng cả!
Nghỉ ngơi mấy hôm rồi đưa cả đoàn đi làm tiếp. Lần này ở gần hậu cứ chứ không phải đi xa, đã dặn đi dặn lại phải nguỵ trang cẩn thận, Dân công mà, cực kì lộn xộn, đi lại, cười nói oang oang, đào cái hầm pháo to tướng, đất đỏ hắt tung toé, bảo chặt cây nguỵ trang thì chặt cây to đổ ầm ầm, thằng trinh sát L19 vè vè bay đến, nó quay hai vòng thì bắt đầu bổ nhào bắn pháo khói. Tôi vội vàng hét gọi tất cả chạy theo mình xuống con suối phía dưới, chạy được chừng hơn năm chục mét thì trận địa bị hai thằng T28 lao xuống ném bom dữ dội. Rúc đầu vào bìa đất tôi hốt hoảng nghĩ bụng, còn đứa nào ngu không chịu chạy thì chết là cái chắc, điệu này dễ bị kỉ luật lắm đây. Vậy là lò dò đi dọc theo dòng suối kiểm tra quân số. Phía trên trận địa, bom vẫn nổ, khói lửa mù mịt, cứ yên tâm khom lưng mà đi, khói thế làm sao nó nhìn thấy mình mà sợ.
Khi đợt oanh tạc chấm dứt thì tôi gào thu quân. Đám người nhếch nhác, đầu tóc bơ phờ, mặt mũi tái xám lục tục chui ra từ đủ mọi ngóc ngách. Tôi lắc đầu ngán ngẩm, vừa thương vừa giận, họ đã có một bài học đáng sợ về kỉ luật chiến trường. Sau trận này, chắc chẳng đứa nào dám không nghe lời.
Về hậu cứ, các trung tiểu đội kiểm tra quân số lần nữa thấy thiếu mất ba người. Tôi vội vàng quay lại trận địa kiểm tra, cùng một vài cô gan dạ nhất, chúng tôi bới từng lá cây ngọn cỏ tìm mà không thấy ai cả, suy đoán đúng nhất lúc này là họ đã bỏ chạy xa quá và bị lạc. Tôi bảo mọi người, lấy tinh thần xung phong, hai người đi theo tôi để đi tìm. Bé Giâm lấy cớ cán bộ gương mẫu, giơ tay xung phong, em chỉ định một người nữa rồi chúng tôi lên đường.
Sự sợ hãi đôi lúc làm cho con người ta có những hành động mà khi bình thường bố bảo cũng không làm được. Ba người kia đã tuông gai góc bụi bờ, chạy ngược dòng suối đúng như tôi dự đoán, tìm mãi đến gần nửa đêm mới thấy các con giời đang rúc vào một khe đá, sợ đến nỗi không dám thở mạnh, thở to quá sợ máy bay nghe thấy!
Đúng lúc đưa quân trở về thì trời mưa như thác, trong phút chốc, con suối ngập nước, dòng lũ quét ào ào đổ xuống như vỡ đê, vậy là đêm nay không thể trở về được nữa, chúng tôi tìm tạm một cái hang nhỏ ẩn náu, chờ nước rút.
Ngoài trời vẫn mưa, không gian ảm đạm trong cái lạnh tê tái. Tôi và em lại ngồi bên nhau trong một đêm không ngủ, nói đủ thứ chuyện. Lần này không có chỗ để nằm và cũng không còn thời cơ tù mù ngái ngủ như lần trước, chúng tôi trở về là một đôi quân dân tình nghĩa. Tôi hỏi em hôm đó, tôi có hành động gì trong sự mơ ngủ làm tổn thương đến em không,nếu có thì anh cực kì xin lỗi. Em thủ thỉ những lời ngọt như mật ong Sơn tây rằng nếu có gì thì cũng không phải lỗi tại anh, rằng em mới là người có lỗi vì chính em mới là người chủ động, em rất quý tôi và một trăm những lời có cánh khác mà thằng tôi trong một lúc phổng mũi đã không còn nhớ được nữa, tôi tưởng bở mới ngiêng đầu qua hỏi, thế em yêu anh à, rồi hí hửng chờ một lời xác nhận. Em nhìn tôi như nhìn thấy thằng dở hơi rồi bảo, em có chồng rồi, chưa cưới nhưng bố mẹ đã nhận trầu cau, đợt này về thì cưới, anh ấy làm trên huyện, không phải đi bộ đội, em mới gặp anh ấy vài lần, em chỉ quý anh thôi không yêu theo kiểu trên phim đâu, tôi hỏi vậy chứ sau đợt này, anh trở về đơn vị, em có nhớ anh không, không cần rào đón gì em bảo có chứ, nói rồi em bảo em sẽ ôm anh một lần cuối, về sau chắc không còn cơ hội nào nữa, khi nào hoà bình, anh nhớ về thăm vợ chồng em, quê em ở Ngọc lặc anh đi đường ấy đường ấy, hỏi thăm nhà ấy nhà ấy là tới, nói rồi em vòng tay qua ôm, tôi cũng vòng tay ôm em thật chặt như hai anh em vậy.
Chúng tôi ngồi như vậy cho đến khi trời sáng, nước đã rút bớt và chúng tôi lên đường trở lại trước khi chết đói, tôi sực nhớ là cả ngày chưa được ăn gì và đã đói meo. Trận địa đã không còn sử dụng được. Tôi về đơn vị báo cáo và nhận lệnh trả quân. Tôi đưa đội quân láo nháo ấy trả lại cho đơn vị công binh chủ quản, cuộc chia tay khá cảm động, họ bày tỏ tình cảm theo kiểu cách khá mộc mạc nhưng vì thế mà thật đáng quý. Tôi trở về đơn vị, mang theo những cảm xúc tốt đẹp về họ, những cô gái dân công hoả tuyến. Họ chỉ là những người dân, là những cô gái chân yếu tay mềm vậy mà trong lửa đạn chiến tranh, họ đã dũng cảm vượt qua được, điều đó thật đáng quý. Trong những tình huống của cuộc chiến, mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng điều đó chỉ là dư vị cho chiến tranh thêm phần lãng mạn, nó góp phần làm chúng tôi đứng vững và trở thành những kỷ niệm, góp thêm giấm ớt cho món lẩu thập cẩm của cuộc đời. Năm một chín bảy ba, hiệp định hoà bình tại Lào được kí kết, trên đường ra Bắc công tác, tôi có dịp gặp em lần nữa, em đã vá cái chỗ cháy trên chiếc quần quân phục của tôi bằng một miếng vải cắt ra từ ống quần con gái và nói, anh hãy cầm lấy nó, mặc được thì mặc, nếu không thì giữ lấy làm kỉ niệm. ỐI giời ơi!!!
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Hai, tháng 1 25, 2010 3 lời góp
Chủ Nhật, tháng 1 24, 2010
Sùng Hải mời dự lễ giao mỏ cát Sông Hồng
Sỹ quan liên lạc Thanh Bình thông báo trên hệ thống mạng toàn cầu: anh Sùng Hải thân mời toàn thể anh em bạn Trỗi tới dự lễ giao và động thổ khai thác mỏ cát sông Hồng vào hồi 9h ngày 26/1/2010 tại căn cứ Cảng Than Sơn Tây.
Doanh nghiệp Sùng Hải đã thành công trong việc cung cấp than cho miền Tây Bắc VN, mới đây lại đã trúng thầu, được phép khai thác mỏ cát sông Hồng tại khu vực Sơn Tây, mở ra cơ hội góp phần nhỏ bé lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCSHCM đưa Hà Nội 2 tiến nhanh tiến mạnh "đi tắt bắt kịp" Hà Nội 1 trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, xây dựng nước VN thống nhất, hòa bình giàu mạnh, công bằng, văn minh, vân vân...
Mong các anh em có điều kiện đến dự lễ vui chung với anh Sùng Hải.
Nếu vì quá bận công tác thì 11h đến dự tiệc một con bê quay cũng vẫn vui.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Chủ Nhật, tháng 1 24, 2010 7 lời góp
Nhờ... ăn hộ
Ngày trước ăn uống khó khăn, tăng gia cải thiện, nhặt nhạnh của dân, về bếp với nhau thì đầy-vơi-đầy. Bây giờ thong thả, trả nợ quá khứ, nhờ anh em ở SG ai rảnh đi ăn hộ bát bún ốc Bắc ở chỗ này.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Chủ Nhật, tháng 1 24, 2010 21 lời góp
Thứ Bảy, tháng 1 23, 2010
Bước chân trên dải Trường Sơn
Giải quyết hộ bác QT, bản này (trên trang You Tube) chắc là "phối khí" mới. Các bác nghe tạm.
Trình bày: Tốp Ca
Sáng tác: Vũ Trọng Hối
Xưa Trường Sơn rừng vắng núi mù sương. Theo Đảng mạnh chân bước lên đường. Trên con đường ta đi, lũ trào thác xối muỗi rừng vắt núi. Ôi! miền Nam đó dang tay gọi tới. Núi vút thành vách đứng, nắng hè khét đá, rừng khuya mất lối. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Ta là con của núi non Trường Sơn. Nối mạch tình quê giữa hương ngàn. Ôi! Núi rừng che ta, núi rừng bao vây quân thù bốn phía. Con đường Nam Bắc thiêng liêng tình nghĩa . Nơi chân trời đang dâng sắc hồng đang lan, lòng ta như nắng. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Con đường đi lửa máu theo từng giây. Chuyến hàng vào Nam nghĩa thêm dầy. Mỗi thước đường vươn xa, chuyến hàng ta vô góp phần chiến thắng. Tấm lòng miến bắc đang mong chờ ta.Tiến dưới cờ chiến thắng,quyết giành thống nhất, đời cao tiếng hát. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Gửi bởi Út Trỗi lúc Thứ Bảy, tháng 1 23, 2010 6 lời góp
Ca nhạc theo yêu cầu
Đường tôi đi dài theo đất nước
Trương Tấn Hùng
Tình cờ hôm nay một anh bạn đến chơi. Anh bạn này ít tuổi nhưng hoài cổ có khi còn hơn mình. Chia sẻ với nhau về việc những bài hát "hoài cổ" không thể nghe được vì phối khí mới, ca sĩ mới, không nghe được. Những bài hát đã thấm vào người thủa trước, nghe thủa này hát, không vô.
Cậu khoe có khoảng 60-70% các bài hát trước 75. Sẽ xin hết, và mở mục ca nhạc theo yêu cầu. Cám ơn NQN đã và sẽ cung cấp các bài này.
Trước mắt mới có gần 30 bài của Bích Liên, giới thiệu trước một bài.
Buồn một nỗi cậu nói chưa tăm được bài "...ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn..." mà mình hay hát tập thể ở Trại Cau 1965.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Bảy, tháng 1 23, 2010 9 lời góp
KHOẢNH KHẮC YÊN LẶNG
*
* *
Chiến tranh cũng có những khoảnh khắc yên lặng đầy thi vị, nó làm cõi lòng những người lính chiến lắng dịu trong nỗi đau day dứt của sự mất mát, và nó cũng chính là những kỷ niệm sống động còn đọng lại trong ký ức của những người lính trở về sau cuộc chiến. Năm tháng trôi như thác đổ, cuốn cuộc đời con người lao nhanh về cõi hư vô, đôi lúc mỏi mệt, dừng lại một chút nghĩ về quá khứ để suy ngẫm, để đắn đo, để áy náy và cũng để mỉm cười, đó cũng là lúc ta thấy cõi lòng mình lắng dịu.
Trời cao nguyên mùa này cao vời vợi, những ngày mưa dầm dề đã qua và màu xanh đã trở lại trên những ngọn đồi xám xịt, lở lói vì những hố bom sâu hoắm, nếu không có tiếng ì ầm của mấy chiếc máy bay trinh sát thì khung cảnh thật hữu tình. Phía những dãy núi bao quanh lòng chảo, màu xanh lam ngút mắt chạy dài về phía chân trời, ở đó có những áng mây thanh bình đang lững lờ trôi về phía mặt trời lặn.
Tôi được lệnh đến một đơn vị công binh nhận quân, thiết kế một số trận địa phòng thủ pháo mặt đất, tưởng là công binh nhưng khi đến nơi hoá ra là một đơn vị dân công, một đại đội, toàn nữ với mấy ông già, hai ba ông choai choai. Gọi là đại đội nhưng thực ra chỉ có khoảng bốn chục người. Tôi phải đưa họ đến một số khu vực định sẵn để đào các công sự pháo phòng ngự. Toàn quyền quyết định, lúc nào hoàn thành công việc thì về. Bỗng nhiên thấy mình giống hệt ông bộ đội trong phim Lửa trung tuyến, nhưng cũng giật mình đánh thót cái như dẫm phải lửa. Đã đành họ cũng có tổ chức riêng, tiểu đội, trung đội, đại đội đàng hoàng, thậm chí có cả chi bộ nhưng kiểu gì cũng là dân, khó bảo lắm. Hôm đầu tiên đến nhận quân, mấy chục cô vừa xấu vừa đẹp, vừa đen vừa trắng, vừa cao vừa thấp thấy mình lò dò ngó ngiêng thì ào ra bao vây ông bộ đội còi, cười như tây đen, líu la líu lô thứ tiếng nghe phát hoảng, nửa tiếng Kinh, nửa tiếng…. Mường nói giọng Thanh hoá, thôi rồi, điệu này xong đời thằng mục, ông nói gà bà nói vịt bao giờ mới xong nhiệm vụ? Hoá ra tôi lo hão, sau này mới biết, các nàng nói tiếng Kinh còn không thụt bằng mình!
Về hậu cứ sắp đặt chỗ ăn ở xong xuôi thở đánh phào cái, có phải chuyện đùa đâu! Xin lỗi chứ cái chỗ đi ngoài của chị em cũng phải lo chứ không như mấy ông đực rựa vác cái xẻng hoặc cứ quận công là xong, lại còn chỗ tắm rửa, vệ sinh chị em, khói lửa nấu cơm .. vv.. trăm thứ bà dằn. Hơn hai chục tuổi đầu, phải làm những cái việc ấy nên mặt mũi chóng cũ, nhăn như cái mo cau!
Lần ấy dẫn bốn cô cán bộ trung, tiểu đội đi thực địa, đi chừng nửa ngày thì tới, chỉ trỏ làm cái gì, làm thế nào, phác hoạ công sự, phân công xong thì trời tối, về hậu cứ không kịp, bàn nhau thôi ở lại mai về. Tìm được hai cái hầm là yên tâm không sợ bom toạ độ, nấu nướng cơm nước xong xuôi đến đoạn đi ngủ mới giật mình có hai hầm bé tẹo mà năm tên một trai bốn gái. Điệu này chắc phải ngủ chung là cái chắc, lo toát mồ hôi hột mà trời thì sương giá, lạnh như cắt, đánh liều bảo bốn em chịu khó nằm một hầm to, anh nằm hầm nhỏ nhé. Nói thế chứ làm gì có hầm to hầm nhỏ, nói rồi bỏ chạy một mình về hầm rồi rải tăng rải võng chuẩn bị khò.
Đêm cao nguyên lạnh lẽo trong sương giá, khi bóng tối bao phủ không gian thì cảnh vật bắt đầu trở nên huyền bí, màn đêm đen đặc như có thể cắt ra từng miếng . Những phút giây yên tĩnh ở chiến trường luôn ẩn náu một sự đe doạ đáng sợ, những mối hiểm nguy vô hình. Tôi nằm im lắng nghe hơi thở của đất, tiếng thì thầm của rừng, tiếng côn trùng thổn thức, tiếng lao xao của những giọt sương rơi trên tán lá, tiếng thở than của dòng suối nhỏ đang thong thả chảy qua khe đá, điệu nhạc của thiên nhiên hài hoà như một khúc tình ca bất hủ. Tôi dỏng tai nghe ngóng động tĩnh từ phía đối tác, luôn trong tư thế đề phòng các quý cô nương lấy cớ sợ rắn để lấn chiếm lãnh thổ, có vẻ yên tĩnh lắm và tôi yên tâm khép đôi hàng mi nặng trĩu bước vào giấc ngủ.
Yên tĩnh như chưa bao giờ yên tĩnh hơn, nửa đêm về sáng, tôi giật mình chợt tỉnh khi cảm nhận được hơi sương lạnh buốt thấm qua gò má, cái lạnh tê buốt không ngăn được cảm giác ấm nồng hai bên sườn, trong bóng đêm, có vẻ cái gì đó như mùi hương con gái nhè nhẹ lan toả trong hai cánh mũi đang nhấp nhổm hà hít. Phía bụng dưới tôi cảm nhận rõ ràng có cái gì đó nặng chịch đang gác qua ,một sức nóng dữ dội từ đó đang âm thầm đốt cháy chiếc quần quân phục dày cộp, bỏ mẹ ,tôi nghĩ, con trăn, chỉ có con trăn mới to thế này và không khéo nó quấn chặt tý nữa thì gãy xương, nhưng nghe nói trăn máu lạnh, làm gì ấm nóng đến vậy. Để kiểm tra, tôi nhẹ nhàng đưa tay xuống phía dưới xoa xoa và bắt gặp một cái bắp đùi mềm mại trong một lớp vải mịn màng khác hẳn kaki tô châu của lính. Nó đang gác lên đúng cái chỗ không đáng gác nhất. Lúc này,phía đũng chiếc quần lính của tôi đã bốc cháy dữ dội, thủng một lỗ to tướng. Để chắc ăn, tôi lần tay lên phía trên và chạm phải một cái gì đó giống như mo cau cứng quèo hình chóp nón xộc xệch, phía bên kia cũng hình thù như vậy nhưng mềm mại hơn nhiều. Nó đang dỏng lên mà không có mo cau đi kèm, tròn trịa, ấm nóng, vừa cứng vừa mềm, nhất là cái gì đó ở chính giữa, thôi chết rồi , đúng là tôi đã nghi ngờ không lầm , thảng thốt ,tôi vội hét thật to trong bụng: ối chính trị viên ơi! cứu em với! Chả có ông nào nghe được tiếng tôi hét cả, vì vậy, mặc cho lửa đang cháy phừng phừng, tôi nhỏm dậy bật đèn pin tóm hai cô đang nằm hai bên lôi dậy hét nhỏ: ối trời đất ơi! Các em làm cái gì thế này, sao lại sang đây hả trời! Hai cô gái mắt nhắm mắt mở đưa tay ngang mắt che ánh sáng từ chiếc đèn pin rồi nói: anh làm gì mà ầm lên thế! để yên cho bọn em ngủ. Rồi tính nằm xuống ngủ tiếp nhưng lại ngồi dậy bảo : Bên kia bốn đứa chật lắm, không có chỗ nằm, anh định cho tụi em ra ngủ rừng à? Mà sao anh lại đốt cháy cả quần thế kia! cởi ra mai bọn em vá lại cho, thôi bây giờ cứ ngủ đi, bọn em mệt lắm rồi. Lại còn thế nữa! chưa cởi đã chết rồi, cởi ra thì chết luôn chứ sống làm sao? Trong ánh đèn pin le lói, tôi nhận ra ánh phản chiếu lấp lánh của chiếc răng vàng, đích thị cô này là cô gái tên Chanh, một cô gái to béo và trắng như cục bột, cô có cặp má bánh đúc và cái mũi tý hin, con gái nhưng chơi một chiếc răng vàng và lúc này ,nó đang chiếu toả một thứ ánh sang nhấp nháy từ chiếc đèn trên tay tôi, cô bé lại nằm vật xuống ngủ, vô tư thở phì phào. Cô gái thứ hai đã e xẹn quay mặt vào vách đất, kín đáo chỉnh đốn trang phục, có vẻ như em đang giả bộ ngủ. Có một cô gái trong đoàn, là trung đội trưởng và có một cái tên khá lạ, nàng bảo cha mẹ đặt cho là Giâm, trong nghĩa giâm cành, ươm giống chứ không phải là dâm trong dâm dật hay dâm bụt, một loài hoa hàng rào, em có vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, thật là trắng và đôi mắt biết nói long lanh dưới hàng mi cong vút, nhìn nàng đôi lúc tôi tự bảo, cô này về thành phố, tỉa tót tý nữa thì gái phố còn xách dép!
Lúc này, trong tâm tưởng của mình, tôi lạy trời lạy phật để cô gái đó chính là cái thân thể cong vút đang toả hơi ấm bên tôi, rất nhẹ nhàng, tôi xoay ánh sáng chiếc đèn về phía em, chỉ vừa đủ để nhận ra lời cầu khấn của tôi đã hiệu nghiệm, đó chính là em, tôi hí hửng nhận ra mấy cái quờ quạng của tôi lúc trước là từ phía em, có thể lúc này, tôi lại nằm xuống, giả vờ ngáy và lại quờ quạng tiếp, lửa cháy lâu quá nên đã bắt đầu nguội lạnh, tôi tỉnh táo hơn và cho rằng không nên vì tư cách của mình có thể vì việc đó mà hư tổn nghiêm trọng. Thật là dại dột và đáng tiếc vì sau đó, tôi được biết rằng không biết có phải là tập quán hay không nhưng hành vi trai gái nằm úp thìa vào nhau vào một thời điểm nào đó là khá phổ biến đối với họ, điều đó cắt nghĩa vì sao, hai cô gái tự nhiên chui hầm nằm với tôi như không có chuyện gì sẽ xẩy ra, họ không tin điều đó có thể làm mình mất đứt một nửa năm quân trang!
Thời gian còn lại ,tôi không thể ngủ được nữa,ngồi bó gối lắng nghe cơ thể mình từ từ lắng dịu. Tiếng chính trị viên dặn dò trước lúc lên đường cứ véo von bên tai. Lúc này mới cảm thấy thấm thía làm sao, công nhận ông giỏi, đã cảm nhận được cái khí thế hừng hực của tuổi trẻ trong những tình huống quân dân tương phùng, tuy nhiên vì chủ quan, ông chỉ muốn ngăn chặn tình huống từ một phía, trong khi hiểm nguy lại xuất phát từ phía ngược lại. Về sau, mấy anh máu me trong đơn vị cứ bảo mày ngu, phải tay tao thì… Chẳng biết thì làm sao? (còn tiếp)
( Chuyện ngắn được ghi chép bởi QT từ đồng đội, không phải là kinh nghiệm cá nhân của tác giả,xin lưu ý kẻo nhầm :-) )
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Bảy, tháng 1 23, 2010 14 lời góp
Thứ Năm, tháng 1 21, 2010
Trạm mạng của Hội Người Khuyết Tật Hà Nội
Tình cờ biết được trạm mạng (web site) của Hội Người Khuyết Tật Hà Nội mới chính thức hoạt động từ ngày 15/1/2010. Xin chúc mừng Vũ Mạnh Hùng k4, Chủ tịch Hội NKT Hà Nội. Và chúc mừng các bạn, một số người tôi đã có dịp biết ở Hội, vì sự phát triển này.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Năm, tháng 1 21, 2010 2 lời góp
Thứ Tư, tháng 1 20, 2010
CHUYỆN NGỤ NGÔN
Hôm qua buồn tình ra ngồi quán bệt, nói chuyện với mấy ông chân đất mắt toét, tự dưng chúng bày đặt kể chuyện ngụ ngôn, có cái biết từ hồi mặc quần thủng đít, nhưng có cái chắc chúng nó mới sáng tác, về ngồi viết lại kể cho bạn bè nghe, có ai chửi thì chửi bọn nó. Tôi vô can. Với lại xem cho vui, đừng liên tưởng mà vận vào mình kẻo ốm.
CON CÁO VÀ CHÙM NHO
Ngày xưa, có một con Cáo hay lảng vảng gần trang trại của những người nông dân. Một hôm, nó phát hiện ra một vườn nho với đầy những chùm quả tím thẫm, chín mọng ở trên cao.
Cáo liếm mép thèm thuồng nhìn những chùm nho và cẩn thận ngó quanh xem có bác nông dân nào không. Rồi nó lấy đà nhảy lên… Nhưng Cáo đã vồ trượt.
Cáo lùi lại mấy bước, và lấy hết sức bình sinh nhảy lên một lần nữa. Nhưng chùm nho ở quá cao, nó không tài nào với tới được.
Cáo lại không muốn bỏ cuộc, nó tiếp tục nhảy đi nhảy lại quanh chùm nho cho tới khi chân mỏi nhừ.
Cuối cùng, không còn cách nào khác, nó đành chịu thua chùm nho.
Cáo quay đầu bỏ đi và tự nhủ: “Thực ra mình đâu có thích ăn nho. Với lại, chắc chắn là chùm nho đó chưa chín. Chua thế thì làm sao ăn được!”.
Bài học: Khi không đạt được điều gì mà mình mong muốn, người ta thường làm bộ coi như nó không đáng để cố gắng.
GẤU TRÚC VÀ CÒ QUĂM
Nhà Gấu trúc và Cò quăm chỉ cách nhau cái dậu mồng tơi. Nhà gấu to đùng, nhà cò bé tẹo, hai thằng bày đặt trồng tre, gấu trồng để chén cò trồng để làm tổ, mỗi khi có gió mạnh, tre ngả nghiêng, cò con rơi lụp bụp. Nhà có không ở lại thích đậu ngọn tre, khổ cái thân đời.
Cá Sấu không thích cò trồng tre vì sợ bọn bồ nông, diệc, chích choè v..v.. bắt chước, chỗ nào cũng trồng thì cá Sấu không có chỗ bò. Nó tính quất cho cò một trận, cò nhỏ, lại có võ chạy lăng quoăng, thỉnh thoảng mổ phát thành ra Sấu khoẻ mà không làm gì được cò, bọn cò con mất con này cò đẻ trứng khác, cò vẫn đậu kín ngọn tre.
Gấu trúc vốn vừa thích vừa sợ, vừa ghét cá Sấu, mồm cứ la oang oác không sợ Sấu nhưng âm mưu tranh giành với Sấu, gấu bảo Cò. Đánh đi đánh đi, tao giúp tao giúp, “ Trai cò đánh nhau, ngư ông hưởng lợi” Gấu theo đạo ”Nhe”, thâm lắm!
Cò quăm có mấy miếng đất ở bãi sông, ông cha để lại, toàn cát chả làm được gì ,chim ỉa lên mấy hạt dưa, từ đó dưa mọc tùm lum, vừa ăn vừa bán được ối tiền. Gấu trúc đẻ nhiều con, đói, nhân lúc cá sấu đánh cò nhảy vào cướp vài mảnh. Cò tức lắm nhưng nhớ ơn nó hò hét trợ giúp, mải mê mổ Sấu nên ngậm đắng mà đánh bài lờ. Gấu cậy to xác hét rõ to: Đất ấy của tao, đất ấy của tao.
Cá sấu đánh nhau với cò quăm mãi không thắng bèn phủi đít bỏ chạy, cò khoái quá trồng tre khắp nơi, còn mấy miếng ruộng cát đem trồng dưa, bán được bộn tiền, Gấu bảo cò, tao mày là anh em tốt, láng giềng tốt, mồm thì nói vậy nhưng Gấu la làng : ruộng cát của tao, ruộng cát của tao, vẽ cái bản đồ thu hết ruộng đất của cò rồi hét: của tao tất, của tao tất. Nói mồm chắc chưa ăn thua, gấu nằm im thở khẽ mấy chục năm cầy cuốc để ra nhiều tiền lắm, bèn lấy tiền đó mài dao rèn gậy xem cò mà cãi thì xỉa cho cái hết cãi.
Của đáng tội, hồi cò quăm đánh sấu, gấu cho cò khối tép, đóng móng sắt cho cò đá sấu, có mấy quả trứng sợ sấu nuốt mất đành mang sang gửi gấu trúc. Bọn trứng này khi nở thành cò, có thằng biết tỏng âm mưu của gấu nhưng cũng có thằng nói đến gấu là bủn rủn chân tay vì thương, ai động đến gấu là xù lông, trông cũng kinh! Gấu cướp đất, giết cò anh em của nó nhưng nó phủi tay, không biết, mày dại cho mày chết!
Chẳng biết Gấu trúc và Cò quăm có đổi bạn thành thù hay không nhưng bọn cá sấu, bồ nông, chích choè thấy hai thằng hục hặc thì khoái lắm, nó nghe Gấu mồm nói hảo hảo nhưng tay thỉnh thoảng xọc một dao vào cò thì cười thầm trong bụng, thân nhau lắm cắn nhau đau, hả hê lắm!
Người ta bảo bán anh em xa mua láng giềng gần, Gấu cạn nghĩ nên làm ngược lại, cướp được tý đất của cò chẳng biết có sung sướng không nhưng hiểm hoạ thì thật là gần. Cá sấu mà giở trò đánh gấu chắc cò bỏ chạy, kệ cha mày, anh em đe…o gì mà lại thế!
Bài học: Đừng tin thằng mồm nói một đàng tay làm một nẻo.
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Tư, tháng 1 20, 2010 6 lời góp
Có thể bạn đã biết
Hóa ra chúng ta tiêu diệt B52 không chỉ bằng Tên lửa SAM2- Pháo cao xạ 100 ly của lực lượng Phòng không, máy bay tiêm kích MIG 21 của lực lượng Không quân ! Chiến công đánh B52 còn có kỳ tích của các chiến sỹ Đặc công (1972) và Tình báo (1968).
Gửi bởi Tuong Lai lúc Thứ Tư, tháng 1 20, 2010 5 lời góp
Ngắc ngứ blogspot.com?
Hơn tuần nay có vẻ như các trang blogspot.com lại bị "sạn", khó xơi? Lúc vào được lúc không, không biết tại sao.
Mọi người thử làm theo đây, xem có vào được không. Chỉ là "bổn cũ soạn lại", không có gì mới:
Đang dùng Windows, bấm chuột theo chuỗi sau: Start > Settings > Network Connections > Local Area Connection > Properties.
Đến đây nó ra cái bảng có mấy dòng thông số với cái ô chọn bên trái. Đừng đụng tới các ô đó, đừng làm mất dấu kiểm (v) ở đó.
Để chuột vào dòng chữ Internet Protocol rồi bấm chọn nó. Sau đó bấm Properties.
Đánh dấu vào vòng chọn bên dòng chữ Use the following DNS server addresses.
Gõ các số sau vào hai hàng ô dưới vòng chọn 208.67.222.222 và 208.67.220.220.
Bấm OK cho đến khi đóng hết các cửa sổ trở về màn hình Windows là được.
Lưu ý: các máy trong mạng LAN không nên dùng cách này nếu muốn sử dụng các tài nguyên trong mạng LAN như máy in mạng,...
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Tư, tháng 1 20, 2010 2 lời góp
Thứ Ba, tháng 1 19, 2010
Lao động tình nguyện
Mọi người đã bao giờ lâu lâu ra khỏi cái quen thuộc của mình, đi đâu đó, làm cái gì đó, trở thành một ai đó, gặp những ai đó, để thú vị kiểu gì đó. Thực ra trò này tôi đã cổ động mấy lần. "Mạo hiểm" có giới hạn, lại không mất thời gian, tốn tiền nhiều.
Mấy tháng trước thấy cộng đồng mạng bàn tán chuyện đi hỗ trợ cho một trường học tít tận Lào Cai. Ít ngày trước tôi thấy họ lập đoàn đi thật. Ai muốn đi, tính giúp được gì hãy đi, không khuyến khích đi để chơi. Thấy cái hạn "lâu lâu" đã tới, tôi xung phong. Một là chiêng trống, các anh có ưng thì tôi đi; "cổ động viên hả, rồi, duyệt". Ngoài ra tôi còn làm được ba chuyện vặt; "tốt, tiền xe tự lo, ở đó làm việc, gia chủ nuôi công". Vậy là đi. Áo đơn áo kép, chăn màn, máy móc tác nghiệp; lao động tình nguyện chứ có phải đi chơi đâu.
Mờ sáng xuống tầu gọi điện thoại liên lạc với đồng bọn, hóa ra là nhóm đứng trước mặt một quãng. Nhà trường thuê một taxi đưa về. Gọi là trường cấp 3 huyện nhưng lại ở xã cách tỉnh hơn 4 chục cây số, mà lên huyện còn gần 3 chục nữa, kể cũng tốn khá tiền. Bởi thế nên chuyến về các thầy của trường bố trí cho các "thầy Hà Nội" đi xe khách dân sinh vừa chật vừa lâu.
Xã Võ Lao nằm trên đường tỉnh 151. Cái thị tứ này bu lấy con đường làm trục. Nhà xây đã khá nhiều nhưng chưa thay thế hết ít nhà gỗ vẫn còn lác đác. Vậy mà không có thời gian chụp ảnh, bận làm quá. Ngày đầu đến nơi làm việc ba buổi, ngày sau làm thêm buổi sáng, trưa ăn xong không nghỉ làm cố đến 2h30 rồi ra xe. Mà làm cái gì bận thế?
Cái trường THPT này cũng đáng nể, có ông thầy hiệu trưởng gần 40 tuổi, với dàn giáo viên bốn chục người hầu hết dưới 30. Mạng ADSL của trường dùng gói tốc độ cao, hầu hết giáo viên có mạng riêng tại chỗ ở. Bởi thế họ rất năng động, tiếp xúc thì biết. Thầy hiệu trưởng đã lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ để chuyển toàn bộ hệ thống máy tính của trường sang dùng phần mềm mã nguồn mở. Cộng đồng người dùng Linux Hà Nội (HanoiLUG) đáp ứng, mới ra chuyến đi này. Mọi người thấy đấy, ngay trong đám anh em ta trình độ không phải là lùn nhưng mà hô hào mãi không thấy ai theo. Có một nơi lại nhờ "giải phẫu", mừng quá đi chứ.
Bởi vậy hai ngày làm túi bụi, vì có một chút không tương hợp phần cứng nên hơi chậm, nhờ công lớn của các chuyên gia HanoiLUG kết quả cả nhóm đã chuyển hơn 30 máy sang chế độ chạy chọn lựa hai nền hoặc Linux hoặc Windows. Ngoài ra còn khôi phục hoạt động của một máy chủ làm quản trị mạng và cung cấp dịch vụ bài giảng trực tuyến. Các giáo viên tin của trường đã được huấn luyện cài đặt thành thạo, được chỉ cách tìm tài liệu trên mạng và cả cách kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng khi cần thiết. Sau này họ sẽ tự làm được những việc tương tự.
Nói vậy để mọi người biết làm cái gì thôi, chứ thực ra các cảm giác chuyến đi vụn vặt rất khó chia sẻ. Có ít ảnh gửi cho mọi người xem chơi.
Chỗ này tá túc một đêm. Thầy giáo trẻ đã sang phòng bạn để hai lão nhân công nghỉ chung ở đây. Có giường đệm chăn ấm nhưng chăn mang theo vẫn không thừa. Lạ gì cái kiểu co kéo một chăn hai người.
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Ba, tháng 1 19, 2010 23 lời góp
Chủ Nhật, tháng 1 17, 2010
Nếu "Nị" cần
Đọc xong tin này. Hết muốn nói.
Gửi bởi Tuong Lai lúc Chủ Nhật, tháng 1 17, 2010 6 lời góp
Thêm vào bài của CQ
Bài viết về Tầu ngầm VN của CQ làm chúng ta có đôi chút tự hào về sức mạnh của QĐNDVN, tuy nhiên CQ nói chưa rõ làm cho chúng ta có thể ngộ nhận, Thực ra sáu chiếc tầu ngầm lớp KILO chúng ta mới kí hợp đồng với Nga và sẽ giao dần mỗi năm một cái, hiện vẫn chưa có cái nào, hôm qua, báo Tuổi trẻ có bài viết làm ầm lên về tầu ngầm VN, nó như thế này:
Tầu như thế này thì doạ ai mà đăng lên khoe mẽ dữ vậy, nếu định doạ TQ thì nhầm to, họ có mấy chục cái KILO từ mấy chục năm trước, chưa kể họ tự đóng cả tầu ngầm hạt nhân, điều đáng nói là gì? Muốn giữ vững chủ quyền biển đảo, phải có lực lượng vũ trang mạnh, nếu cần huy động sức dân, huy động bô xit , dầu hoả mà mua nhiều loại vũ khí tối tân thực sự, đánh mạnh vào tham nhũng lấy tiền đó mà trang bị cho quân đội. May ra mới giữ được chủ quyền, đừng để như trận tàn sát năm 1988 trong video trong site " chủ quyền biển đảo" dưới đây.
Gửi bởi TQtrung lúc Chủ Nhật, tháng 1 17, 2010 11 lời góp
Tàu ngầm Hải quân VN
Vietnam đặt mua 6 tàu ngầm "lớp Kilo" của Nga, trị giá hợp đồng 1,8 tỉ usd.
Các phóng viên đã vô thăm tàu nhưng bị cấm chụp hình. Vậy tôi lấy trên mạng xuống để các bác nghía (cũng chỉ là tham khảo).
Tàu ngầm hạng Kilo, có biệt hiệu là “lỗ đen”, có khả năng “biến mất” trong một thời gian ngắn. Loại tàu này được đánh giá là một trong những tàu ngầm chạy bằng điện - diesel ít gây tiếng ồn nhất thế giới. Chúng được thiết kế sử dụng cho các hoạt động chống tàu ngầm, tàu nổi trên mặt nước cũng như dùng cho các chiến dịch do thám và tuần tra.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên loại này được Hải quân Liên Xô vào sử dụng từ năm 1982. Hiện nay, quân đội Nga vẫn tiếp tục sử dụng loại tàu ngầm này. Tính tới hết tháng 11/2006, Hải quân Nga đang sử dụng 16 chiếc và 8 chiếc ở kho dự trữ. Hiện tại, Nga đã xuất khẩu 29 chiếc tàu ngầm loại này cho các nước như Algeria, Trung Quốc, Indonesia, Iran ...
Vài thông số kỹ thuật chung:
- Lượng rẽ nước : 2.300 – 2.350 tấn khi nổi và 3.000 – 4.000 tấn khi chìm.
- Kích thước : Dài từ 70 – 74 mét, rộng 9,9 mét, cao 6,2 – 6,5 mét.
- Tốc độ tối đa : từ 10 – 12 hải lý/giờ khi chạy với ống lấy khí (snorkel) và 17 – 25 hải lý/giờ khi lặn sâu.
- Độ sâu tối đa: 300 mét (240 – 250 mét khi hoạt động).
- Có khả năng hoạt động 45 ngày trên biển.
- Hỏa lực : 6 ống phóng ngư lôi 533 mm với 18 ngư lôi. Có 8 tên lửa hải đối không.
(Ghi chú: Tài liệu này không hoàn toàn trùng khớp với tài liệu khác mà tôi có).
Gửi bởi HCQuang lúc Chủ Nhật, tháng 1 17, 2010 5 lời góp