Thứ Bảy, tháng 6 30, 2007

KẺ “CUỒNG TÍN”

Dương Minh

Đấy là từ mà tôi tự gán cho mình về cách nghĩ đối với Trường Trỗi và Bạn Trỗi. Thực ra tôi đã viết khá nhiều nhưng chưa bao giờ cảm thấy đủ, vẫn muốn viết nữa, viết nữa … Tôi viết không mất thời gian lắm, không phải vì không cần phải chau chuốt nhiều (đối với “BanTroi” không cần phải câu nệ quá – tôi nghĩ thế) mà vì mọi chuyện đã “ám” sẵn vào tôi. Một trong những điều đậm nét trong suy nghĩ của tôi là về những người bạn Trỗi năm xưa của mình. Bây giờ gặp ai hoặc nghĩ về ai tôi cũng ghi nhận được những điều tốt lành mà mình cảm thấy tự hào và cần phải học tập. Về mỗi người, thực sự tôi đều có thể viết được chí it cũng tương tự như đã viết về Đạt “bột”. Tuy nhiên hiện nay lại không thể làm được như thế vì bạn của mình và những cái hay của bạn mình hơi bị … quá nhiều. Qua đợt đóng góp cho cháu Hòang Ngọc Bích – con gái của Hòang Phước Bình lại càng khẳng định cái “cuồng tín” trong tôi.
Để minh chứng cho suy nghĩ này, xin nêu về một số gương mặt anh em mình:
Quang “xèng”:
Không phải vì hai thằng “gắn” nhau từ thời ĐH Tổng hợp mà “ưu ái” nêu ra đầu tiên mà vì nó ở xa. Cái đêm nằm ở nhà nó tận Leipzig hàn huyên đến gần sáng chủ yếu là nó nói, tôi nghe. Trong vô vàn sự kiện của hàng chục năm nó trải qua – mà cái gì cũng ấn tượng, những lần nó chống chọi với bọn “phá thối” để bảo vệ nghiệp võ của mình chẳng khác gì chuyện trong … kiếm hiệp. Có nhân vật kiếm hiệp nào mà khi tuổi thơ anh em mình không khóai và không ao ước được nhìn tận mắt. Vây mà chúng ta có một thằng bạn – người thực việc thực - như thế đấy!
Tôi biết nó rất bận nhưng nó lại là đứa cũng hay xuất hiện trong blog, đã viết bài và rất tích cực đóng góp những dòng rất tình, rất tếu và người đọc rất khóai.
Quí “nhẽo”:
Tất nhiên đã “ưu tiên” ở xa thì phải nhắc ngay đến Quĩ “nhẽo”. Khi ở Trường Quí đã có tiếng về tài văn chương. Biết vậy rồi nhưng mỗi lần gặp nó tôi vẫn “cảm” thêm cái tài của nó. Mỗi câu chuyện Quí “nhẽo” nói hay kể - theo cách của nó – ý nghĩa và độ dí dỏm gấp ngàn lần cái mà thiên hạ vẫn viết, đặc biệt là về thơ. (Thí dụ Quí kể cho anh em nghe lại chuyện cụ Hồ, cụ Hùynh và ông già nói chuyện bằng thơ với nhau đi xem có đúng như vậy không!).
Tôi cứ thầm ao ước mình có thêm độ dũng mãnh như Quang “xèng”; kiến thức, sự thâm thúy và dí dỏm như Quí “nhẽo” thì thật là …trên cả tuyệt vời!
Hòa “gù”:
Nó cũng xứng danh về tài văn chương như Quí “nhẽo”. Những gì nó đã trải qua – đặc biệt là về tình yêu, cũng đủ thành một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn và có ích. Những gì hiện nay nó đang có cũng thật là đặc biệt. Mới tái hòa nhập cộng đồng Trỗi nhưng nó đã có ngay vị thế đáng nể.
Trước đây qua E-mail, message trên điện thọai và bây giờ là “BanTroi”, cứ mỗi lần đọc “Dương Minh ơi” từ nó tôi vẫn có cảm xúc nôn nao cả người.
Bắc Hải:
Thú thật đến bây giờ tôi còn chưa hình dung ra Bắc Hải “tròn méo” ra sao? Thế nhưng những gì qua blog cũng đủ làm tôi thấy khóai. Một sự hòa nhập rất tự nhiên, chân tình, trách nhiệm …, đúng là dân “Trỗi” với nhau.
Hạnh Phúc:
Tuổi này mà “khen” một người phụ nữ là hơi bị khó, nhưng với một người khen cả năm chưa hết thì vẫn phải khen thôi! Lần nào gặp nhau, với Phúc, những chuyện sôi nổi nhất luôn là làm cái gì đó cho “Trỗi” và những âu lo cho những người bạn mình. Đôi khi “thái quá”, thí dụ như với thằng “khỉ”, làm cho Hữu Thành và … cả tôi nữa phải ghen đấy! Phúc không chỉ bàn mà còn thiết thực thể hiện. Bạn ấy đã tổ chức để gia đình cô Thục và chị Quyên gặp lại C11 ở tận ngòai Hà Nội. (Hôm vừa rồi Xuân Miên dọa tôi: gặp Hạnh Phúc ít thôi, có thằng đang theo dõi đấy! Tôi cười: có cả “tá” thằng quan tâm đến Phúc, trong đó có cả ông, việc dek gì phải sợ. Qua việc này Hạnh Phúc đúng là … “hạnh phúc”!)
Hữu Thành:
Hiển nhiên là có quá nhiều cái mình phải học nó và “biết ơn” nó rồi, cho dù nó có điều kiện và hơi bị … thuận lợi hơn. Với ai nó cũng nhiệt tình và không từ chối giúp đỡ nếu nằm trong tầm tay của nó. Riêng với tôi, không kể những cái “xưa” rồi, chỉ mới gần đây nó đã cùng tôi tham gia vào hai sự kiện lớn trong cuộc sống của tôi. Hai thằng đã cùng nhau lên tận Chi Nê viếng mộ ông bác tôi vốn ở Trung đòan Thủ đô, hy sinh từ năm 1947 – mộ mới tìm được bằng ngoại cảm và tôi lần đầu tiên đến đó. Nó lại cùng về quê nội tôi để thưởng thức hương vị “lão” của tôi – chỉ tiếc là tắc đường ở Cầu Chui nên nó không được chứng kiến lễ hội “lên lão” rất đặc sắc của một vùng quê Bắc bộ.
Kiến Quốc:
Giai đọan đầu tham gia BLL Trường, tôi đã kể lại đôi nét qua câu chuyện về Đạt “bột”. Làm “anh hùng Núp” rất lâu, phải khỏang 10 năm (suốt từ 1995 đến 2005), tôi đã trở lại với BLL là nhờ sự “lôi cuốn” của thằng “béo”. Sự nhiệt tình, chân thành và vô tư của nó làm tôi không cưỡng lại được. (Có lúc bà xã tôi còn nhắc khéo: các ông PD à!). Lần nào họp mặt Trường giọng nó cũng “khản đặc”, làm cái gì với nó cũng “xọet” … làm sao mình không “ấn tượng” được! Không chỉ lo công việc chung của Trường và của K5 mà chỗ nào nó cũng cố gắng góp mặt. Có nó là vui hơn, “Trỗi” hơn và công việc tiến triển hơn …
Phan Nam:
Nhiều việc Quốc “béo” làm đều có nó phía sau, không ồn ào – thậm chí có lúc hơi miễn cưỡng vì không khóai lắm, nhưng nó vẫn rất tích cực đóng góp. Tôi cũng mới hiểu nó đôi chút về giai đọan từ khi nó vào hẳn Sài Gòn, nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đời nó cũng xứng đáng thành một cuốn tiểu thuyết hoặc một kịch bản phim rất tuyệt để mọi người thưởng thức và cho cánh trẻ học tập. Sự “chiến đấu” để có cuộc sống ổn như hôm nay của Phan Nam rất đáng để ngưỡng mộ. Mỗi lần nó kêu “Dương Minh ơi” là tôi cũng cảm thấy xốn xang vì sẽ có điều gì đó được chia sẻ hoặc rất vui!
Phước “móp”:
Nó vừa rồi hơi “kẹt”, nhưng chắc mọi chuyện sẽ ổn thôi – tất nhiên theo hướng khác. Lần nào đi miền Tây, có lúc do tôi tìm hiểu cũng có lúc vô tình, lần nào tôi cũng thấy dân khen nó “anh Phước giỏi lắm, anh Phước tốt lắm …” làm tôi sướng run và khoe ngay: bạn tôi đấy! Thằng bạn mình như thế, hòan cảnh bây giờ không có người ghen ghét, đố kỵ với nó mới là chuyện lạ.
Tất cả với tôi đều như thế cả, không trừ một ai, mỗi người một vẻ mà mình luôn cảm thấy tự hào và thấy cần phải học. Với anh em K4 trong Nam thì đương nhiên rồi (như Thế Nam, Ngọc Nhân, Chí Quang, Phạm Tùng, Minh Nghĩa, Quốc Thái, Quốc Anh, Thanh Minh, Xuân Minh, Dũng Sô, Đại Định, Vĩnh Định, Tuấn Sơn, Xuân Miên, Tất Thắng, Tòan Thắng, Trung Liêm, Hồ Mai, Phục Quốc, Võ Hải, Việt Hải, Yên Trình, Minh Kính, Mai Phong, Văn Công Phước, Trí Hưng, Đỗ Luân, Vũ Trụ, Huy Tưởng, Quốc Tiến …) còn những anh em miền Trung hay ngòai Bắc thi thỏang gặp mặt như Hữu Dũng, Thủy “bều”, Việt Hoa, Việt Thắng, Châu Nguyên, Tương Lai, Lưu “thẹo”, Mạnh Dũng, Thuận “khỉ”, Quang Thành, Công Minh …, và cả anh em ở khóa khác cũng vậy, nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung rất rõ những khuôn mặt không biết ở chỗ khác thì thế nào nhưng khi anh em gặp nhau đều thấy thật chân chất, hồn nhiên, nhiệt tình và độ lượng; ai cũng muốn làm bạn mình vui hơn kể cả khi châm chọc và chửi thề với nhau.
Gặp nhau trên blog cũng vậy thôi! Cứ chân chất, hồn nhiên, nhiệt tình và độ lượng thì găp cả tỷ lần vẫn chưa chán! Nếu có lo, phải lo thay cho Kiến Quốc, cứ đà này nếu nó không khẩn trương thì làm SRTKL tập 3 sẽ rất khó vì có quá nhiều tư liệu, có lẽ phải vài ngàn trang, phá vỡ kỷ lục hơn một ngàn trang của tập 2 là cái chắc!
Tôi biết cách viết của tôi hơi bị “cương”, nhưng như anh em thường nói mình “giừ” rồi, nên không sửa được. Dẫu sao có đúng tôi là “kẻ cuồng tín” không?

Hữu Thành: Dương Minh gửi lại cho tôi bài Kẻ Cuồng Tín và mấy lời sau: "Trưa hôm qua vội quá gửi nhầm File bài viết dở. Sau này viết lại. Ông nào về nhà sớm thì đổi bài ngay giúp tôi.". 19h30/30/6/2007.

TIN MỚI NHẤT VỀ CA PHẪU THUẬT THAY THẬN CHO CHÁU BÍCH

Vì mở trang tin về ca mổ quá mất thời gian (đã có tới 42 lời góp), mạn phép Hữu Thành, "chân gỗ" xin mở thêm "Tin mới nhất...":
- 14g45', Phước Bình nhắn tin từ Chợ Rẫy: Ca phẫu thuật kết thúc lúc 14g. Cháu Bích đã được chuyển về phòng hậu phẫu, tuy chưa tỉnh đang thở máy nhưng trạng thái ổn định. Mẹ cháu đã tỉnh táo và rút máy thở.
- Quang "xèng" nhắn về: Đã mở máy suốt cả ngày để theo dõi tin mới nhất về ca mổ. Chúc cho 2 mẹ con mau bình phục.
- Phước Bình biết tin đã nhờ chuyển lời cảm ơn 2 bạn Quang và Quý.
- 16g19', Dương Minh thông báo đã góp được 61,4 T. Sẽ tổ chức thăm mẹ con Phước Bình vào chiều mai. Anh em nào đi được thì alô.

30/6/2007, 16h22', tin nhắn của Dương Minh
Đang ở BV thăm và trao tặng 65,425 triệu Đồng. Vợ PB còn đau nhưng tỉnh táo. Bước đầu thế là tốt. Có 3 người đến là Phạm Tùng, Quốc Dũng và Dương Minh.

Theo dõi quỹ hỗ trợ tại đây

Thứ Sáu, tháng 6 29, 2007

CHỦ ĐỀ CUỐI TUẦN

Thôi thì Bút... Tre!
Cáng Kiền

Đã lại hết tuần rồi. Thời gian là cái chó gì mà chạy nhanh như chó vậy?
Sáng nay mở chủ đề “Đầu vào” thấy ông bạn Quý “nhẽo” lục lại bộ nhớ và post lên mấy vần thơ của một vị chính trị viên tiểu đoàn thuộc Sư phòng không 363. Đọc xong, Chí Quang sướng k. chịu được đã viết lời góp, rồi chính những dòng cảm tưởng này đã kích động tôi post lên mấy bài thơ Bút Tre của dân Đại học Quân "sư".
Chả là sau khi tốt nghiệp, anh em Trỗi về các trường Quân y, Thông tin hoặc Công binh thì tiếp thu được nền văn hóa dân gian của Hà Tây quê lụa, của miền đất quan họ Kinh Bắc... Riêng cánh về Đại học quân sự, được sống ở miền trung du có “rừng cọ, đồi chè...”, gần Đất tổ Hùng Vương, thì được học hỏi ít nhiều từ Nhà thơ Bút Tre (ông Đặng Văn Đăng, Trưởng Ty Văn hóa Phú "Thọa") rồi sau đó cũng xuất khẩu thành... cái gì đó(!).
Nay trân trọng giới thiệu:

· Hoan hô C143
Trong cùng một lúc giết 3 con lờn
· Liên hoan ăn với thịt lờn
Ăn xong thì thấy lờn nhờn ở môi
Hoan hô anh chị em nuôi
Hì hà hì hục cả... buổi mới xong
· Hôm nay mùng 1 tháng sàu
Các chù gửi tặng các chàu món qua
Quỳ, Đĩnh đại diện mang ra
Theo sau mấy gã gọi là đại biêu
· Mỗi bê (B) cử lấy 1 à (A)
Đi ra sau nhà tập hát bè trâm
· Vào bếp sờ đít cô Quỳ
Ra vướng dây thép biết đi đường nào?
· Con trâu là đầu cơ nghiệp
Con bò làm việc kém gì con trâu
Vì thế ghi nhớ lấy câu:

“Toàn dân ta phải thương trâu, yêu bò!”.
(Nguồn: Hà Chí Quang và đồng đội).

Mong anh em góp thêm những gì đã tích lũy được nhưng chọn những bài mang đậm màu sắc Quân sự,Quân y, Trỗi...

Tin ghép thận con gái Hoàng Phước Bình

Anh Hoàng Phước Bình vừa thông báo Thứ Ba tuần sau (26/6) sẽ vào Tp HCM để Thứ Sáu (29/6) sẽ tiến hành ca ghép thận cho con gái. Thận do mẹ cháu cho. Ca ghép sẽ được tiến hành ở Bệnh viện Chợ Rẫy như đã định trước đây.
Anh Phước Bình mong được anh em giúp đỡ hỗ trợ một phần viện phí cho ca ghép mà hiện nay gia đình chưa lo đủ mặc dù đã có sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan bố mẹ cháu. Số tiền còn thiếu khoảng dăm bẩy chục triệu Đồng. Nói chuyện với tôi anh Phước Bình cho biết như vậy và không mong một con số hỗ trợ cụ thể nào, bao nhiêu cũng là quý.

Dự kiến: do ca ghép tiến hành tại Tp HCM nên các anh trong đó có điều kiện giúp trực tiếp. Đề nghị một anh có tài khoản cá nhân ở ngân hàng (tiện nhất là Vietcombank?) cho phép sử dụng tài khoản đó để nhận tiền hỗ trợ do mọi người gửi vào. Sau khi được thông báo tài khoản và số điện thoại liên hệ mọi người có thể ra ngân hàng chuyển khoản hoặc gửi tiền mặt trực tiếp vào tài khoản đó sau đó gọi điện thông báo để người nhận biết, ghi nhận vào quỹ hỗ trợ để sau này công khai tài chính và rút tiền chuyển cho anh Bình.
Các anh không muốn tự chuyển tiền có thể đưa tiền mặt cho một ai đó để chuyển. Chú ý tập hợp danh sách đầy đủ để tránh nhầm lẫn.
Xin phép các bạn cho phép công khai trên blog này các khoản tài trợ đã chuyển tới tài khoản nhận để mọi người cùng biết.
Ở HN các anh có thể liên hệ với tôi, Hữu Thành, 091-352-7128.
Thông báo này sẽ được cập nhật thường xuyên và vì thế sẽ "nổi" ở đầu blog cho đến khi kết thúc.

Bổ sung 1: Đề nghị quỹ khoá trích một khoản hỗ trợ để có phần tập thể. Các anh em chưa có điều kiện hỗ trợ dịp này yên tâm đã có phần trong khoản của khoá.

Bổ sung 2: Các bạn đóng góp mà muốn giấu tên thì sẽ được ghi nhận là "Bạn giấu tên", dùng cho các bạn có góp mà vì lí do nào đó lại không muốn "lên sàn". Khoản góp đó sẽ được ghi nhận theo thời gian góp để thực hiện Tài chính Công khai.

Bổ sung 3: Người nhận:

Chuyển tiền mặt (từ ngân hàng bất kì):

Dương Minh
Công ty cổ phần Điện tử Thủ Đức
16/12 Hòang Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, Tp.HCM
ĐT: 8114881 - 8114877
Fax: 8114877 - 8114905
ĐTDĐ: 0918156666

Chuyển khoản (từ ngân hàng bất kì) hoặc tiền mặt (từ NH ĐT&PT):

Tên TK Dương Minh
Số TK 31410000249013
Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thủ Đức

Bổ sung 4: Các khoản chi ghép thận và liên quan
Trích thư của Dương Minh:
Về quá trình tiêu tiền PB cũng đã kể cho tôi và Trình xác nhận:

- Từ trước đến giờ đã tốn 40-50 triệu
- Vợ PB trong người có loại virut BV vừa mua giúp thuốc diệt mất 70 triệu, nếu ko diệt rất dễ lây nhiễm sang con (Yên Trình kể tối qua)
- Ngày 28, trước khi mổ phải nộp 100 triệu
- Điều trị sau khi mổ cho đến khi tạm yên tâm là phải vài tháng khoảng vài chục triệu
Tổng cộng 280-300 triệu. Gia đình các bên đã tiêu và chuẩn bị được 230 triêu
Nếu mọi chuyện tốt đẹp, mỗi tháng tốn 4-5 triệu tiền thuốc cho đến khi ngành y có phát minh điều trị khác.
Như vậy nhu cầu hiện nay của PB là xác đáng, có ý kiến xác nhận của Bùi Yên Trình.

Các khoản đã đăng kí và đóng góp (khi nào góp xong sẽ ghi nhận):
Bảng kê chi tiết xem tại đây (chú ý có hai bảng kê "đến trưa 28/6" và "từ trưa 28/6", chọn xem bảng ở trên cùng)

Đã đăng kí: 58.5 triệu Đồng, trong đó
Đã góp: 53.1 triệu Đồng, trong đó
Đã vào TK nhận: 53.1 triệu Đồng

Tổng hợp đến 11h40 ngày 28/6/2007, kết quả đợt đóng góp:

- Khối các bạn phía Bắc, bao gồm 2 bạn ở Đức là Hoàng Quang và Tôn Gia Quý, 1 bạn k8 là Nguyễn Quang Vinh, có 37 người đã đóng góp, được tổng số tiền 25.4 triệu, cộng với quỹ Khoá HN là 28.4 triệu.

- Khối các bạn phía Nam, bao gồm Đoàn Phú Hoà ở Séc, 2 bạn k5 là Kiến Quốc và Phùng Duy Hưng, 1 bạn k9 là Nguyễn Hoài Nam, có 26 người, góp được 30.1 triệu.

- Các giúp đỡ, hỗ trợ tiếp theo các bạn trực tiếp liên hệ với anh Hoàng Phước Bình, 090-623-6909, hoặc anh Dương Minh 091-815-6666 để có cách thực hiện cụ thể và kịp thời. Nội dung trên Blog có thể sẽ không cập nhật tiếp nhưng Bảng kê sẽ vẫn tiếp tục khi có khoản góp mới được thông báo.

Thứ Năm, tháng 6 28, 2007

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ


CHUYỆN "ĐẦU VÀO"
Kiến Quốc
Anh em ta đã mở chuyên mục “Đầu ra” và có hàng chục "lời góp" hay. Nay xin thử tiếp với chủ đề “Đầu vào”.

Bữa ăn của bộ đội
Ai cũng thuộc lòng tiêu chuẩn ăn của lính 6 hào 8 một ngày và 21 kí gạo/tháng được duy trì trong nhiều năm. Gạo thì nhiều vậy nhưng ăn bữa nào cũng đói, không hiểu sao? “Tài chính công khai” ở đại đội, anh em đề nghị phải có trực ban cùng cân đong nhưng đã làm mà vẫn thiếu. Vậy là khi ăn phải thực hiện chiến thuật “đầy vơi đầy”: bát đầu chôn thịt xuống dưới xới đầy cơm – bát 2 xới vơi để ăn cho nhanh – bát 3 lại đầy… Tuổi muời tám đôi mươi mà thiếu gạo thì làm sao mà lớn được?
Thịt bữa có bữa không nhưng đã có thì chủ yếu là thịt mỡ và miếng nào cũng được chị nuôi thái mỏng như tờ pơ-luya. Mỗi lần nhà bếp thịt lợn tăng gia, ngoài bộ lòng ăn tươi (lợn nuôi "không có tim gan" vì thủ trưởng đại đội đã xơi trước) thì mỡ rán để lại tóp là món đặc sản. Tóp mỡ mà ăn với cơm thì mãi không thấy chán. Cá tươi hầu như không có mà chỉ có cá khô khét lẹt. Thực phẩm chủ yếu là rau tăng gia, mùa nào thức ấy (hè thì rau muống, rau bí, đông thì rau cải). Nói không ngoa, nhiều bữa gắp miếng rau lên miệng phát hiện có cả “mẩu giấy báo” kèm theo(!). Ghê cả người! Nhà bếp nhiều khi cải tiến - muối dưa cho bộ đội ăn. Nhưng có miếng dưa gắp lên kèm luôn cả chú chuột nhắt. Hóa ra chú chạy quanh miệng vại dưa không may trượt chân rơi vào bên trong, trèo mãi không lên, vậy là bị… muối(!). Nước chấm chủ yếu là nước muối có thêm tí nước hàng để lấy mầu. Khôn hồn bữa nào về ăn muộn thì nhớ thủ theo gói mì chính cánh để pha với nước sôi thay canh chan cơm. Sau này hiếm rau xanh, anh em còn phải ăn canh “toàn quốc”. Thật là khổ!
Rồi trong cái khó ló cái khôn, nhiều anh dùng chiến thuật mới – “tấn công chị em nuôi”. Ngày ngày đưa đẩy bông phèng, lúc thì hỏi thăm, khi đi Hà Nội lên thì có chút quà… đã gây cảm tình với chị em. Vậy là đến bữa có cơm đủ ăn, thậm chí còn chôn cả thịt xuống dưới. Lắm hôm đi chơi bóng về muộn còn được để phần cả cơm cháy rưới mỡ hành. Tuyệt! (Có anh đi sâu “trên mức tình cảm” mà sau này nên vợ nên chồng!).

Bữa ăn sĩ quan
Khi là lính đã tự thề phải phấn đấu thành sĩ quan cấp thượng úy trở lên để được “ăn cơm trung táo, mặc áo ga-ba-đin, đêm ngủ màn tuyn, tuần có vé xe ca về với vợ”. Nhưng hình như không phải vậy với lứa anh em mình. Lên đến thượng úy thì các tiêu chuẩn ấy lại chỉ áp dụng cho cấp thiếu tá; vậy là ga-ba-đin, màn tuyn lại treo niêu. Khi đeo lon thiếu tá thì lại chỉ áp dụng cho sĩ quan cao cấp (từ thượng tá trở lên). Quá là đánh đố, chẳng khác gì leo cột mỡ thời Tây!!!
Ngày ra làm giáo viên ở Đại học Quân sự, chúng tôi cứ hết giờ làm việc lại xuống bếp ăn tập thể. Tất nhiên khi đi thì tự do, không phải ắc ê nhưng đến cửa nhà ăn là phải chen chúc chờ mở cửa. Trong khi đó “mấy ông trung táo” thì “mặt mày hớn hở, ngực nở đầy rôm” gõ đũa bát lách cách (hình như để trêu “bọn đại táo”!), ngồi chễm chệ trên ghế, chờ mang thức ăn ngon ra. Ăn xong còn được “đét-xe” chuối(?). Tức mình anh em tôi xuất khẩu thành… ca Huế: “Chứ bên kia cửa họ/ Bên ni là cửa mình/ Chớ vì răng cửa họ lại mở, còn cửa mình… thì chưa?”.
Ở bếp ăn sĩ quan phải mua vé tháng, mỗi bữa cắt 1 ô. Không ăn thì báo cắt từ hôm trước, cuối tháng thanh toán phải nộp đủ phiếu ăn và khớp với sổ thì được lĩnh tiền về. Vào bữa mới vui vì có một em đi khắp các bàn thu vé. Chúng tôi đã làm “th… thẩn” đặc tả hình ảnh này: “Một cô đi đến 4 anh sờ/ Anh thì sờ ngực, anh sờ mông/ Hai anh không thấy sờ lung tung…”. Thật ra là đố tục giảng thanh! Chuyện tìm vé cơm ấy mà!
Cũng vì lằng nhằng quá mà chúng tôi kiên quyết bỏ bếp ăn tập thể, cho dù chưa hề được hưởng bữa ăn trung táo nào.

Thời kì bao cấp
Sinh ra và lớn lên trong 2 cuộc kháng chiến nhưng có lẽ thời gian “bao cấp” là thời gian khó khăn nhất. Anh em ta khi đó đã là sĩ quan, suốt tuần sống “cơm niêu, nước lọ” ở đơn vị, đến ngày nghỉ mới về nhà. Mỗi lần về là một lần xót thương cho các bà mẹ. Lúc nào các cụ cũng khư khư bên mình cái ví làm bằng bìa đỏ của cuốn Mao Tuyển, bên trong là toàn bộ tem phiếu cả nhà (nào là tem dầu, tem thịt, tem cá, tem xà phòng…). Sáng nào các cụ cũng chăm chăm nghe xem “ông đài phường” thông báo hôm nay thịt, đậu cắt ô thứ mấy, cửa hàng hợp tác xã cung tiêu có gì mới về? Không hiểu có áo may-ô ba lỗ, có xăm lốp xe đạp chưa? Vì bấy lâu nay áo sống rách hết, ở nhà ông bố toàn phải ở trần. Có cái xe đạp để đi làm thì phóng một quãng lại phòi một chỗ to như quả ổi, phải lấy dây cao su buộc chằng buộc chịt. Nghe mấy câu vè “ăn uống thì qua loa, quanh năm mặc áo “chuyên gia”, được đi xe “cố vấn”…” mà chảy cả nuớc mắt(!).
Không chịu khuất phục trước khó khăn cuộc sống, với tiêu chuẩn 21 kí gạo mỗi tháng không thể ăn hết, nhiều anh đã mang về giúp đỡ gia đình. Đây cũng là nguồn sống. Có anh phát mãi luôn tại đơn vị. Tận mắt tôi trông thấy “giáo sư” Ngô Văn Bắc “thầu” luôn số gạo của nhiều anh em, như con thoi, chạy Honda giữa Vĩnh Yên – Hương Canh để kiếm chênh lệch, nuôi sống gia đình.

Chuỵên “Đầu vào” ngày xưa cũng hay đấy chứ?

TIN BUỒN

Ban Liên lạc k5 xin thông báo:
Vợ bácVũ Kỳ, Thư ký riêng cho Bác Hồ - mẹ các bạn Vũ Quang k5, Vũ Vinh và Vũ Trung k8 - mất tại Hà Nội do tuổi già sức yếu. Tang lễ cử hành sáng thứ 6, ngày 29/6/2007, tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Viện 108 Hà Nội). Khoá 5 tập trung viếng lúc 10g sáng.
Trân trọng!

Thứ Tư, tháng 6 27, 2007

Chi phí thấp mà hiệu quả cao

Vừa chat qua Skype với TM, vừa SMS với D.Minh, tôi chợt nhận ra nếu online tại sao lại không Skype với nhau mà lại SMS cho nó tốn tiền.
Vì thế đề nghị anh em cài đặt thêm Skype để dùng chat với nhau. Anh nào có Yahoo! Instant Message rồi thì cũng nên cài Skype, vì hình như nó thuận tiện hơn.
Nick Skype của tôi là huuthanh_nguyen. Ai định add thêm tôi vào thì báo qua mail hay lời góp để tôi biết và chấp thuận.

NGOẠI GIAO NHÂN DÂN

NỮ TỔNG LÃNH SỰ CÓ
14 NĂM GẮN BÓ VỚI VIỆT NAM
Kiến Quốc

Đó chính là Tổng lãnh sự Nước CHND Trung Hoa tại TPHCM Cao Đức Khả.
Nhớ lại cách đây gần 7 năm, khi vừa đặt chân đến TPHCM, Cao Tổng (cách gọi thân mật của nguời Trung Quốc)
đã có ngay cuộc tiếp xúc với chị em phụ nữ tại Nhà Văn hóa phụ nữ. Cánh đàn ông chúng tôi tỏ ý thán phục “đúng là động thái của bà tân Tổng lãnh sự”, song cũng “có ý chờ” xem bà có những hoạt động ngoại giao gì mới(?).
Cũng thời gian đó, thầy cô giáo và cựu học sinh của các trường
(Khu Học xá Nam Ninh, Trường Thiếu nhi VN Lư Sơn - Quế Lâm, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Võ Thị Sáu, Dân tộc TW) từng tá túc tại Nam Ninh, Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; nay sinh sống tại phía nam, nhớ về mảnh đất và con người từng đùm bọc, nuôi dưỡng mình đã nhóm họp “Hội những người bạn Quế Lâm, Nam Ninh”, bên cạnh Hội Hữu nghị Việt-Trung TPHCM. Với phương châm “ngoại giao nhân dân” chúng tôi cố gắng góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa 2 dân tộc. Và Cao Tổng đã thể hiện những cái gì mình có. Không có buổi sinh hoạt nào vắng bóng chị và những thành viên của Hội đã gọi Cao Tổng với lối xưng hô thân thiết “chị Khả”.
Mấy năm trước, nghe tin Hội tổ chức dã ngoại lên thăm trang trại của “tư sản đỏ” Lê Minh Ngọc (cựu học sinh Quế Lâm) trên tận Lâm Đồng, chị cùng cán bộ Tổng lãnh sự đăng kí cùng đi. Hai ngày sống trên cao nguyên, chị cố gắng tìm hiểu xem những cán bộ khoa học Việt Nam lăn lộn ra sao trong cơ chế thị trường. Biết có bạn đang là giám đốc Cty may xuất khẩu Việt Vương, chị chủ động tổ chức cho cán bộ xuống tìm hiểu hoạt động của một doanh nghiệp dân doanh. Đọc báo thấy có nhiều nhà sưu tập văn hoá có ý tưởng thành lập bảo tàng tư nhân, chị không ngần ngại đăng kí đến xem bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Vui nhất là trong chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”, chị không ngại ngùng khi được mời lên hát những bài hát thời chống Mỹ, đặc biệt chị hát rất truyền cảm bài “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du.
Trên cương vị Tổng lãnh sự, trong nhiệm kì của mình chị đã có mặt ở gần hết các tỉnh thành phía Nam. Chị luôn hưởng ứng các cuộc vận động từ thiện của Đoàn Ngoại giao: ủng hộ người nghèo, tài trợ học sinh có hoàn cảnh khó hay giúp đỡ các tỉnh gặp thiên tai. Trong các dịp kỷ niệm lớn, chị liên hệ với chính quyền tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông cử các đoàn nghệ thuật sang phục vụ nhân dân ta. Cảm động hơn tháng 7-2006, chị mời được Đoàn Nghệ thuật TP Bát Sắc sang biểu diễn tại Nhà hát Hòa Bình, gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Sau đó Đoàn đi Rạch Giá biểu diễn. Nhưng đặc biệt ở chỗ Đoàn Nghệ thuật TP Bát Sắc là đoàn nghệ thuật nước ngoài đầu tiên đến với địa phương và nhân dân Kiên Giang coi đây là “một sự kiện quan trọng trong thời kì hội nhập”. Thấm thoát chị Khả công tác tại TPHCM đã gần 7 năm.
Đầu năm nay, sắp mãn nhiệm, chuẩn bị lên đường về nước nhưng chị Khả vẫn hối hả với nhiều việc đã định. Với quan niệm giao lưu văn hóa là chiếc cầu nối hữu nghị hiệu quả nhất nên vừa tổ chức Triển lãm ảnh “140 năm ngày sinh của lãnh tụ Tôn Trung Sơn” trong tháng 11-2006 thì chủ nhật 14-1-2007 lại cắt băng cho Triển lãm ảnh “Trung Quốc hài hòa – Quan hệ hữu nghị Trung-Việt”; rồi chủ nhật 21-1 ngay sau đó, Tổng lãnh sự cùng các doanh nghiệp Trung Quốc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM tổ chức cho 1 vạn người tham gia “Cuộc đi bộ vì người nghèo”, thu được hơn 1 tỷ đồng. Chị Khả là con người như thế - luôn luôn vận động vì tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước.
Trong đời thường chị là một con người bình dị, gần gũi, thân thiết của các bạn Việt Nam. Có bạn hỏi vì sao chị có thể nói tiếng Việt bằng giọng chuẩn Hà Nội như vậy? Chị tâm sự: “Thật ra ngay từ khi còn là học sinh tôi rất yêu quê hương các bạn, rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Những năm Việt Nam chống Mỹ, các tác phẩm “Sống Như Anh” và “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc” là sách gối đầu giường của thanh niên chúng tôi. Thi tốt nghiệp phổ thông, luận văn “Lá thư gửi về miền Nam Việt Nam” của tôi được điểm cao. Năm 1965, tôi thi đỗ vào Đại học Ngoại thương Bắc Kinh. Ngoại ngữ tôi chọn là Việt văn. Ra trường, năm 1971, tôi được cử sang Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Hơn 1 năm sống ở Hà Nội, tôi được đọc rất nhiều sách báo của các bạn. Hai nhiệm kì sau hơn 6 năm, tôi được cử sang làm Bí thư thứ nhất rồi Tham tán Chính trị. Còn đợt công tác thứ tư ở Việt Nam từ giữa năm 2000…”.
Nghe tin chị Khả sắp “hồi quốc”, thầy trò các trường đều muốn có buổi liên hoan riêng với chị, nhưng đối tác thì nhiều, lịch thì kín, còn công việc ngoại giao nữa. “Hội những người bạn Quế Lâm, Nam Ninh” đã đứng ra tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân và liên hoan chia tay chị tại Nhà Văn hoá hữu nghị. Giữa không khí ấm cúng đầu xuân chen lẫn niềm vui vì bạn bè gặp mặt nhưng man mác buồn vì sắp chia li, chị Khả cảm động phát biểu: “Những tháng năm công tác ở Việt Nam với tôi không thể nào quên. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có nhiều dịp gặp lại nhau ở Bắc Kinh hay Hà Nội, TPHCM... Trở về nước, tôi sẽ cố gắng tiếp tục cùng các bạn duy trì và phát triển mối tình hữu nghị Trung-Việt “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” như Bác Hồ, Bác Mao cùng nhân dân 2 nước đã dày công vun đắp”.


TIN THI ĐẦU BÓNG ĐÁ MỪNG THÀNH LẬP TRƯỜNG

Tối qua, sau trận thi đấu bóng đá giữa đội Sao Mai với đội Lão tướng Công an HN, Văn Hùng k7 có gọi vào mời anh em Trỗi còn chơi bóng đá ra tham dự trận giao hữu với Lão tướng Công an Hà Nội tại sân Hàng Đẫy vào chiều 13 hoặc 14/10/2007, kỷ niệm Ngày thành lập Trường Trỗi. Sau đó, Văn Hùng mời về Hà Nội Quán liên hoan. Các bạn ở miền Nam, có ý định đi Quế Lâm vào cuối tháng 10/2007, có thể kết hợp ra tham gia hoặc dự khán trận đấu.
Nay thông báo để anh em nào còn sức, còn tài chuẩn bị luyện tập và đăng kí thi đấu.
Vui lòng nhắn cho anh em khác!
Ban tổ chức

Thư ngỏ gửi Phước Bình

Đoàn Phú Hòa

Phước Bình thân,

Tao hiểu và rất thông cảm với tâm trạng của mày trong những giờ phút này bởi vì cách đây 9 năm, hồi tháng 10.1998 tao đã trải qua rồi. Hồi đó vợ tao bị bệnh ung thư máu và chỉ có cách duy nhất là thay tủy sống thì mới có thể qua khỏi. Em rể tao đã tình nguyện làm việc đó cũng như vợ mày bây giờ vậy và chính nhờ nó nên vợ tao đã qua khỏi và đã trở lại làm việc bình thường. Đáng tiếc là loại vi khuẩn mà vợ tao gặp lại là loại có đặc thù riêng nên sau hơn một năm thì bệnh tái phát trong khi những bệnh nhân khác nằm cùng đợt đã vượt qua được. Nói ra với mày điều này không phải là để mày lo âu mà ngược lại tao mong rằng mày sẽ giữ vững được tinh thần để động viên vợ con. Việc thay thận (renal transplantion) đối với nền y tế hiện đại bây giờ không còn là vấn đề nan giải như thời trước nữa. Vấn đề quan trọng nhất là tìm được quả thận thích hợp với cơ thể còn những vấn đề khác, tuy không phải là phụ, không thể chủ quan được nhưng khoa học có thể vượt qua được.

Phước Bình thân, tao đã đọc thư của mày trên blog. Mày không phải “lăn tăn“ gì đâu. Chúng mình là bạn với nhau từ thủa nhỏ, cái thời “cháy chảo gang bẻ làm đôi, làm ba“ và giờ đây, dù mỗi đứa một phương thì giữa tất cả vẫn luôn được gắn bởi sợi dây vô hình của tình bạn, đúng vậy không Phước Bình? Tao rất cảm động khi có một thằng bạn của chúng mình đã viết trên blog là giờ đây con gái mày đã có thêm nhiều bố, mẹ. Đúng vậy đấy, rất đơn giản, mộc mạc mà rất thật.

Trong cuộc sống thì chẳng ai có thể lường hết những gì có thể xẩy ra nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mày còn có bạn bè và những người thân. Tuy không sống ở Việt Nam nhưng qua báo chí và những lần về nước thì tao cũng biết được phần nào. Ở bên này thì đơn giản lắm, bảo hiểm y tế sẽ thay con gái mày để thanh toán tất cả, từ chữa bệnh đến việc ăn uống, điều trị cũng như thuốc men. Hồi vợ tao thay tủy sống thì gia đình tao đã không phải chi một xu nào trong khi đó theo như thanh toán của bệnh viện là hơn 2.500.000 korun Séc, tương đương với 125.000 USD. Ở Việt Nam thì gia đình phải tự lo là chính vì vậy đối với cán bộ công nhân viên nhà nước hay dân hưu trí ba đồng, ba cọc thì lấy đâu ra.

Mày yên tâm đi, chúng tao coi đó là bổn phận, là trách nhiệm và đồng thời cũng là tình cảm chân thành đối với thằng bạn thủa thơ, thủa thiếu sinh quân trường Trỗi. Tuy không phải là bác sĩ nhưng qua sự việc của vợ nên tao biết là sau khi ra bệnh thì con gái mày sẽ cần sử dụng nhiều thuốc cho đến khi cơ thể của nó thích nghi được với quả thận mới, món quà vô giá mà vợ mày đã trao cho nó. Hôm qua tao có nói chuyện với một thằng bạn người Séc là bác sĩ thì nó cho biết những loại thuốc ấy khá đắt. Bản thân tao và tất cả những đứa bạn của mày sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ về mọi mặt để con gái mày trở lại bình phục, đừng ngại.

Điều duy nhất mà chúng tao cầu mong là mọi việc sẽ thành công tốt đẹp và đồng thời mày sẽ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho hai mẹ con.

Thứ Ba, tháng 6 26, 2007

CÔNG TÁC DÂN VẬN

KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Kiến Quốc

Lính Trỗi ai cũng biết dân vận. Ở đâu chỉ một thời gian ngắn là anh thì coi nhà dân như gia đình mình, chú thì có ngay mẹ nuôi hoặc “kết nghĩa” với chị em trong nhà, có anh sau này còn ở rể. Còn tập thể thì có những nhóm dăm ba người qua lại gia đình "quậy phá" như con cái trong nhà. Sau này khi vào Quân y hay Quân sự, phải sơ tán đóng quân trong dân nên lại càng phát huy truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương, làm việc bình thường thì dân mới nhớ” (ý là giúp dân) . (Chắc mấy anh học Tổng hợp ở thành phố thì ít được đi dân vận?).
Khi học ở Trường Quân sự, tụi tôi (Quý “nhẽo”, Minh Nghĩa, Kiến Quốc...) hay cùng anh giai Mạnh Hưng đi làm công tác dân vận. Ngoài nhà chị Thiện (bán thịt ngay cổng trường Bảo Sơn), anh giai Lữ (thường gọi là Lữ trưởng Lữ đoàn dù từng bán cả tủ buýp-phê cho các chú Việt Cường, Đức Hòa, Chiến "thộn", Lập "ngố", Mạnh Hưng... tổ chức ăn tốt nghiệp trước khi phát tháng lương đầu tiên) thì gia đình chú Thành (chú của Lê Đức Hòa k3) cũng là một địa chỉ thân thiết. Nhà chú cách cầu rẽ vào Viện 109 gần 1km. Chú Thành làm hành chính ở Viện 9, cô Bưởi ở nhà, còn Tân – con gái cô – là y sĩ tại đây. (Hình như em Tân cũng “hòn mê” một anh trong nhóm?). Chúng tôi quan hệ thân thiết đến mức gặp bữa có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, có miếng nào ngon đều được cất để dành.
Anh Hưng lớn tuổi nên gọi cô chú là anh chị. Cô được anh em gán cho cái tên “Mạc Thị Bưởi”. Lần đó, tôi và anh Hưng ra chơi. Mức sống giữa những năm 1970 của dân mình nghèo lắm, nhà cửa trống huếch trống hoác. Không thấy có ai trên nhà, chúng tôi mò ra sân vừa gọi to “Chị Bưởi có nhà không?” thì thấy ơi ới từ góc vườn:
- Chị đây. Lên nhà chờ chị, chị lên ngay.
Nhìn ra thì thấy bà chị ló đầu trên một tấm bao tải mầu nâu căng ngang thay cửa, tay huơ huơ ra hiệu. Vậy là bà chị đang ngồi trong cái toa-let dựng bằng tre nứa, tường trình đất trộn rơm, có vài tấm lá cọ lợp mái. Ngượng quá, bọn tôi vội quay đi. Chị nói với theo:
- Lên nhà đi, hôm nay chị có chè Thái ngon lắm.
Ngồi chờ một lúc thì bà chị lên. Chúng tôi tỉnh bơ như không biết gì. Chị mở tủ buýp-phê lấy ra gói chè: “Chè Thái đấy. Có chú em mới đi Thái Nguyên về biếu. Được nước lắm. Anh bảo chị cất để phần các chú”. Với bàn tay khô ran chị vốc nắm chè cho vào ấm rồi chế nước sôi vào. Như một phản xạ tự nhiên, hai anh em nhìn nhau: Bà chị mới đi toa-let về chẳng chịu rửa tay lại còn bốc chè cho vào ấm. Chờ cho trà đã ngấm, chị rót ra cốc: “Uống đi, hai chú. Trà thơm và được nước lắm!”. Cốc trà dậy mùi nhưng hai tên cứ giả vờ ậm ừ: “Sắp đến giờ cơm rồi, bọn em uống vào sợ xót ruột. Để khi khác...”. Vì thân tình nên chị cũng chả trách gì. Hú vía!
Có đi dân vận mới gặp nhiều tình huống gay cấn như thế...


(Khi nhập bài này vào lại không xem qua Blog nên hoàn tất rồi, kiểm tra lại thì thấy xếp sau bài cảm ơn của Phước Bình. Thôi, đó chỉ là vô tình chứ không hữu ý. Anh em thông cảm!!!)

XIN BIẾT ƠN TẤM LÒNG BẠN BÈ!

Hoàng Phước Bình

Phước Bình gặp khi hoạn nạn: con gái tôi – cháu Hoàng Ngọc Bích bị bệnh hiểm nghèo, phải ghép thận để duy trì cuộc sống.
Hay tin, rất nhiều bạn Trỗi đã gọi điện hỏi thăm, động viên chia xẻ và tận tình giúp đỡ, đặc biệt là Ban Liên lạc Khoá 4, Ban Quản trị blog Bạn Trỗi và cá nhân bạn Bùi Yên Trình – Bác sĩ, công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi cháu Bích được gửi gắm để ghép thận.
Các bạn của tôi đã coi cháu Bích như con đẻ của chính mình, mỗi bạn đã góp cho cháu những giọt máu từ trái tim mình – trái tim những đứa em của Anh Trỗi. Những giọt máu của bạn bè đã góp lại mong cứu sống con tôi, dẫu có nhắm mắt tôi cũng không bao giờ quên ƠN này!
Tôi đã vô cùng xúc động khi thấy tên mình PHƯỚC BÌNH được các bạn đặt tên cho Quỹ để góp những tấm lòng nhân ái, từ bi ngõ hầu cứu giúp con tôi.
Nỗi đau của riêng gia đình tôi đã vơi đi nhiều lắm vì được các bạn san xẻ, giờ đã thành nỗi đau chung của mọi người. Nói gì cũng rất SÁO, chỉ có tấm lòng của mọi người mới là CHÂN và giờ này tôi chỉ biết tâm niệm:
Xin đội ơn! Xin đội ơn! Xin đội ơn suốt đời!

Thứ Hai, tháng 6 25, 2007

ĐỐ ẢNH

TM

Hôm nay Blog có thêm chương trình thể nghiệm - Đố ảnh , mời các bạn tham gia . Sẽ có thưởng cho ai có lời bình hay nhất.
H Thành ráng " chịu đau" một chút cho anh em nó ...sướng. Âu cũng là chuyện "hy sinh vì đại cuộc!". Cần phải biết tự cười mình. Đó là hành vi thể hiện bản lĩnh, he he!



Lời bình :
- Bác đạp xích lô: Thằng này " chôm" cái kẹp gấu quần của bọ...
- Chú CSGT : Bộ mới thay quy định bấm lỗ bằng lái bằng hình thức kẹp tai!
- Nhân viên FBI : Helo! Mr Thành nghe rõ không?
- Sàn diễn thời trang: Sao lại lăngxê mode của thế kỷ 22 quá sớm thế này !
-Nhân viên Vp : Tay này đang tiếp thị kẹp giấy?
- Một sản phụ : Rõ ràng cái kẹp tã của con mình mới đây mà...
- Người hành tinh : Tuần trước, mình mới gặp thằng bạn này trên sao Hỏa .

Điều này chứng tỏ : cùng một sự vật, hiện tượng nhưng cách nhìn rất khác nhau ?!
TM

CHUYỆN VỀ MẸ TÔI

Dương Minh
(Đi nghỉ ở Mũi Né đúng hai ngày mưa, chẳng biết làm gì, lại nhớ đến blog. Viết một câu chuyện phiếm, nhưng vẫn là 1.000% sự thật.)


Đã có đôi bài viết về phụ huynh, nhưng là chuyện ngày xưa. Tôi xin viết đôi dòng kể về mẹ tôi bây giờ, nhưng hơi ngược một chút vì lại nói về cái sự “chậm tiến” của bà. Tuy nhiên cũng phải điểm qua từ quá khứ để anh em mới hiểu tại sao tôi nói bà “chậm tiến”.
Sinh ra ở một vùng quê Thanh Hóa, hòa trong khí thế Tổng khởi nghĩa sục sôi của cả nước nên mới có 15 tuổi mẹ tôi đã tham gia du kích. Đến khi tròn 18 bà đã là Trung đội trưởng Đội nữ du kích huyện và được kết nạp. Cũng thuộc diện “có chữ” dù không bao nhiêu (con gái nhà quê mà) nên bà còn kiêm luôn Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Bà lấy cha tôi – khi đó là Tiểu đòan trưởng, vào năm 21 tuổi. Những ai ở quê ngọai tôi biết đám cưới của bà đến giờ này vẫn còn tấm tắc “Bố mẹ mày lúc ấy hòanh tráng lắm, cả hai tài sắc nhất vùng này, đến nay chưa có cặp nào được như vậy”.
Nghỉ hưu, từ Hà Nội bà vào Sài Gòn sống với vợ chồng tôi và các cháu. Bà làm thủ tục chuyển sinh họat và từ đó tham gia sinh họat rất đầy đủ. Bất kể nội dung gì, cứ được mời họp là bà đi dự không bỏ buổi nào. Do còn khỏe và vẫn minh mẫn nên bà còn được tụi tôi “tín nhiệm” cử tham gia luôn các cuộc họp đại diện các gia đình bàn về những chuyện chung đụng lằng nhằng dễ cãi nhau như bàn việc sửa ngõ, sửa cống, cấm thả rông chó má .v.v. và .v.v.
Sáng đó thấy bà đi ra cổng với vẻ mặt vui vui tôi liền hỏi “Bữa nay mẹ đi họp gì vậy?”. “Đi thảo luận xây dựng Luật …”. Chiều tối đi làm về tôi thấy bà ngồi ở phòng khách rất trầm tư. Tôi hơi hỏang vì nghĩ rằng “Chết rồi, chắc con cháu lại có chuyện gì sai quấy đây!”. Tôi giả lả “Sáng nay đi họp vui không mẹ?”. Bà đốp luôn “Vui cái gì mà vui, tham gia họat động bấy nhiêu năm, bằng này tuổi đầu rồi mà còn làm cái bung xung”. Không phải lo là chuyện nội bộ gia đình nữa nhưng thấy bà gay gắt quá tôi cũng cố gắng tìm cách chia sẻ “Dân chủ như thế, tạo điều kiện cho mọi người thảo luận, sao mẹ lại nói là làm bung xung?”. “Ừ, ai cũng nghĩ thế, thảo luận suốt mấy tiếng đồng hồ sôi nổi lắm”. Bà kể trong tâm trạng bức xúc. “Đến cuối buổi có tay cán bộ trẻ lại nói: các ông, các bà, các bác cao tuổi rồi, nghỉ hưu ngồi nhà mà còn hiểu biết đủ chuyện. Người ta còn đang làm việc, đầy đủ thông tin, đương nhiên cũng biết mà còn biết nhiều hơn, rõ hơn. Cái chính là người ta có muốn làm không. Muốn làm thì khỏi cần ý kiến ở đây. Tay phải làm thế này, tay trái làm ngược lại, đề nghị tay phải tự chặt tay trái đi ai mà dám làm! Ngẫm ra nó nói đúng. Hết cả hứng, giải tán luôn. Con xem không phải là bung xung thì là cái gì?”. Tôi trấn an bà “Cậu ấy nói bậy, đây là sự nghiệp của quần chúng, mẹ bây giờ vẫn là quần chúng mà, phải kiên trì tiếp tục sự nghiệp của mình chứ!”. Từ hôm đó bà bỏ họp, không tham gia gì nữa. Chán thật! Cả cuộc đời phấn đấu, cái gì bà cũng cố làm cho tốt, bây giờ bà lại thành người “thiếu gương mẫu”!
Hàng năm tụi tôi vẫn cố gắng thu xếp để bà ra Bắc. Năm nay bà đi gần 3 tháng mới về lại Sài Gòn. Hôm bà về thấy bà vui, khỏe tôi mừng lắm “Lần này mẹ đi những đâu, con thấy mẹ dịp này khỏe hơn mà lại vui nữa!”. “Tất nhiên thăm bên nội (Hưng Yên – quê bố tôi), bên ngọai (Thanh Hóa – quê bà), thăm họ hàng xong rồi vào thăm bố mày (Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Bình) còn lại thời gian mẹ đi chùa và buôn dưa lê”. “Bà đi chùa tham quan và vãn cảnh chùa à?” Tôi hỏi. “Thăm mới vãn cái gì. Đi cúng, đi xin. Chỗ nào thiêng là mẹ cố gắng đến, cầu xin được cái gì, còn khỏe mẹ cố đóng góp cho mọi người”. Tôi hiểu bà xin cái gì rồi. Lại chán nữa! Gần 60 năm theo đuổi, bây giờ bà lại “mất niềm tin”, đi tin vào cách làm khác! Sinh họat thì không tham gia lại tích cực đi “buôn dưa lê”, đúng là rất “coi thường nguyên tắc”!
Cách đây 10 năm khi nhận cái 50 bà vui và hãnh diện lắm. Tụ tập con cháu về, bỏ tiền lương hưu ra để chiêu đãi mọi người. Nếu “trời cho” và mọi chuyện suông sẻ cũng sắp đến thời điểm bà nhận cái 60. Nịnh mẹ để lấy điểm tôi bàn “Lần này khi mẹ nhận cái 60, bọn con đứng ra lo, làm hòanh tráng luôn!”. Nào ngờ bà mắng “Làm làm gì cho tốn. Làm không phải chỉ để mẹ vui mà con cháu cũng vui. Mấy đứa cháu bây giờ nó có mừng có vui đâu. Nó cười đấy nhưng mẹ biết tỏng nó cười cái gì rồi. Lần trước thằng Tí nó đã nói rồi còn gì, có mài ra để nuôi bà, chăm bà, cho bà đi thăm ông được đâu, cũng phải là con cháu cầy cuốc mà thôi! Ối người đâu cần như bà, đâu có được như bà mà người ta đang hưởng những cái đáng hưởng gấp ngàn lần”. Quá chán! Sao bà lại “dễ bị lung lạc bởi suy nghĩ non dại” như vậy nhỉ?
Đường Trường Sơn từ Nhà ga hàng không ra đến Công viên Hòang Văn Thụ có đến mấy cái “bẫy giao thông”. Đã là bẫy nên rất tinh vi, có đề phòng đến đâu cũng có lúc sa bẫy. Là cư dân khu vực này đã hơn 30 năm nên già trẻ, lớn bé nhà tôi ai cũng có lần sập. Mỗi người tự giải quyết theo cách của mình. Tôi là đàn ông, lại già dặn, trải qua quân ngũ nên lần nào cũng thóat bằng cách cãi lý. Vợ tôi cũng già dăn rồi nhưng phận “đàn bà con gái” làm sao đấu được với đấng mày râu lại đang thực thi công vụ, nên cứ phải “hi-ta- chi” theo qui định. Mấy đứa trẻ con thì “xọet” 5 giây là xong bằng cách bớt đi một chầu ăn sáng. Mẹ tôi biết hết nên bà ức lắm “Sao không ai dọn dẹp mấy cái bẫy này đi, cứ để nó hành dân mãi?”. Một hôm tôi lại sập bẫy, không cãi được. Về nhà bà bất ngờ khuyên tôi “Thôi con ạ, mày cũng lớn tuổi rồi, mẹ thấy dạo này tóc con bạc nhanh lắm, mỗi lần thế này tóc lại bạc thêm mấy sợi đấy. Cứ làm theo cách của con Ti, thằng Tí cho nó nhẹ nợ! Nhịn một vài bữa sáng cũng chưa chết đâu con ạ!” Thế này thì chán đến … đỉnh rồi. Sao bà lại khuyên tôi “chấp nhận tiêu cực” nhỉ?
Còn nhiều chuyện lắm, nhưng với quá khứ hòanh tráng như vậy mà mẹ tôi bây giờ “thiếu gương mẫu”, “mất niềm tin”, “coi thường nguyên tắc”, “dễ bị lung lạc bởi suy nghĩ non dại” và “chấp nhận tiêu cực” đã quá đủ để kết luận: bà thật là “chậm tiến”!
Anh em có cách gì giúp tôi không? Thấy mẹ mình như bây giờ tôi buồn lắm lắm! Không hiểu đây có phải là tại con cháu không, có phải là trách nhiệm của mình không? Rất may là bà vẫn vui khỏe, sáng nào cũng đi bộ 1 tiếng (vẫn gương mẫu rèn luyện đấy chứ), thấy cháu học giỏi vẫn động viên cháu phải nuôi dưỡng ý chí (cũng còn nhớ đến trách nhiệm của bậc tiền bối) .v.v. và .v.v.

TẢN MẠN ĐẦU TUẦN

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN... ĐI QUÉT TÀU
DƯƠNG CHÍ (K3)

Đọc bài “Đi quét tàu” của Kiến Quốc (ngày 11.6.2007 trên blog, chuyên mục Lính Trỗi đi “cày”) tôi không khỏi bật cười… Cười, nhưng rồi lại bần thần mất… một lúc. (Thế đấy, xưa thì “vô tư” như đá, nay đôi lúc lại cứ hay… bần thần). Chuyện lao tâm khổ tứ trên đời này thiếu gì, đâu chẳng có. Thế nhưng nghĩ cảnh mấy anh em cũ (thân, sơ khác nhau, nhưng đều là “cựu chiến hữu” cả) phải cất dấu quân hàm quân hiệu, tay sách nách mang, hì hục quét dọn lau chùi các đoàn tàu tận nước Đức xa xôi trong các ngày nghỉ, để kiếm thêm… Sao mà khổ thế ! Toàn sĩ quan cỡ cấp… tá, trí tuệ có thừa, nhiệt huyết tràn đầy. (Lại đều là con cháu các “đại công thần” lừng lẫy một thời cả… Điều này thì nói nhỏ thôi!). Ấy thế mà… Thôi, không nói tiếp nữa (nói thêm e nhỡ lại “mất lập trường!).
Anh em mình đều cỡ 50, 60 tuổi cả rồi, từng qua hết các vị “mặn – ngọt – chua – cay” của đời, nên hiểu cả. Nhìn mọi sự giờ đây đều cân nhắc, độ lượng. Chẳng trách cứ chi ai. Chỉ “giá như” thôi… Giá như ngày ấy đánh Mỹ xong, với tiềm lực ấy và hào quang ấy, ta “chuyển” nhanh một cái!... Chưa biết có hơn “con rồng con phượng” nào không, nhưng cái chắc là đỡ hẳn 10 năm bao cấp gian nan. Anh em mình hẳn cũng sẽ làm nên nhiều việc “ra tấm ra món” hơn, chứ không đến nỗi luẩn quẩn vậy. Được cái dân ta quá tốt! Thiếu thốn những thứ không đáng (xe đạp, quạt máy, giây mai-xo… là cái “đinh” gì!). Khổ thế mà vẫn cắn răng chịu. “Chịu” và vẫn cứ … “chiến đấu” cho sự tồn tại bằng mọi cách – Mà cái việc “đi quét tàu” cũng là một cách vậy… Nó thuộc về chuyện cổ (giống như những chuyện “Đầu đường thiếu tá bơm xe, giữa đường trung tá bán chè đỗ đen…” một thời bi hài vậy). Có người gọi đó là “cổ lỗ sĩ”, cổ hủ”. Người khác lại nói là “cổ tích”. “Cổ tích” thì hơi lãng mạn! (Con cháu không thấu hiểu, lại cứ thế “nhân lên” thì phiền! ). “Cổ lỗ sĩ, cổ hủ” thì nhẫn tâm với quá khứ quá (mà tự bản thân chuyện ấy “đâu có đến nỗi nào”). Thôi thì cứ gọi là chuyện cổ. Giờ đây, tuy còn nhiều sự bê bối, nhưng rõ ra đất nước đã thay đổi ngoạn mục. Tư thế Việt Nam, tư thế con người Việt Nam đã khác trước rất nhiều. Vậy thì cái chuyện “đi quét tàu” cổ là phải. Đôi khi “trà dư tửu hậu” nhắc lại cũng hay. Mặc dù không cứ chuyện cổ nào cũng hay, nhưng có lẽ giờ đây “lứa 5X” chúng ta có tìm lại với nhau cũng vì những cái “cổ” ấy. Như có bạn nào đó đã nói khá “tâm trạng” trên blog này rằng: Anh em mình quý là quý ở cái “cổ” trong mỗi con người (mà cư xử với nhau). Chứ những việc bây giờ mà cứ dính líu với nhau có khi lại… không chơi được!
Vậy nên “Đi quét tàu” có khiến tôi… bần thần mất một lúc cũng phải!

--------------------

Cũng định post bài “Đầu đường…” lên cho anh em, không ngờ cái anh Dương Chí này lại đồng suy nghĩ. Mời anh em đọc để nhớ lại một thời!
Đầu đường đại tá bơm xe
Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen
Giữa đường thượng sĩ bán kem
Dọc đường đại uý thổi kèn đám ma
Ngoài chợ trung uý “bán hoa”(!)
Trong chợ đại uý bán gà, bán rau
Hỏi rằng thiếu uý đi đâu
Ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc Nam?

Mỗi tuần một chuyến đi: 24/6/2007

"Đi đâu loanh quanh ...", ở Hà Nội thôi!

7h30 sáng, đã định sẵn từ trước là hôm nay có lẽ không đi đâu, không làm gì ngoài chuyện "nhặt tiền" cho quỹ ghép thận con P.Bình. Trời cũng nắng nóng lắm, chả bạn nào xấu tới mức đi chơi lúc này.
Gọi điện phát thứ nhất, chả ai nghe máy.
Gọi phát thứ hai cũng không ai trả lời.
Gọi phát thứ ba, ngoài vùng phủ sóng.
Chắc nhà ai cũng có máy điều hoà, giờ này vẫn còn trong chăn ấm?! Quá tam ba bận, thôi không gọi nữa.
Lâu rồi, chả biết từ bao giờ, tôi luôn ra khỏi nhà vào buổi sáng. Ở nhà cuồng chân. Đeo hết mọi thứ vào người, dắt xe ra cổng, đi tới đi lui, tỏ tình thân với mấy con chó. Cuối cùng cũng nghĩ ra một địa chỉ mà thế nào "đối tượng" cũng có nhà: Thịnh cá; đường này cũng thuận đi, gần cơ quan, nhỡ không ai tiếp thì về "cố thủ".
Đến nơi, hỏi thằng cháu xem bác Thịnh đâu. "Bác cháu đi ăn, bác ra hàng phở kia kìa." Gớm, ra đấy ăn dỗ bác mày à. Móc điện thoại kiểm tra cuộc gọi không nhận buổi sáng; Hồ Trương có nhà. Vừa lúc ấy "bác" Thịnh cũng về. Huyên thuyên dăm câu, rồi "tao đã bàn với Thanh bọ, có hết quỹ cũng phải có phần tập thể vào quỹ ghép thận con P.Bình. Anh em mình những thằng còn khó về tiền nong, có thằng tin không đến nơi, ... có phần góp trong chỗ này. Cho nó trọn tình anh em, chứ bao nhiêu là đủ!" Thịnh đồng ý ngay, thực ra mấy khi có chuyện phải giúp nhau thế này. Nói chưa hết câu chuyện với Thịnh cá, Hồ Trương đã điện thoại, giục "lạc đâu rồi mà giờ chưa tới".
Hai thằng lên xe đến nhà Hồ Trương. Dọc đường tóm được Phí Thế Khanh đang trông coi xây dựng tư dich ngay gần nhà Hồ Trương. Nói chuyện HP.Bình, rồi chuyện sang các thứ khác từ quan trường cho tới "măm trường". Hồ Trương và Phí Thế Khanh, anh bạn tự nhận là chỉ vắng mặt năm ngoái mà ba thằng còn lại không nhớ năm ngoái là khi nào, không quên đóng góp.
Ngồi lại với Hồ Trương, sau khi Thịnh cá và Khanh xoăn rút, tôi vận động Hồ Trương dùng máy tính. Kể cũng lạ, như Hồ Trương tự nhận, duy nhất 1 ông đại tá tiến sĩ trưởng phòng thí nghiệm không bao giờ dùng và định dùng máy tính. Cái điện thoại di động cũng chỉ để a lô, chức năng nhắn tin gần đây mới để í tìm cách tắt tiếng bíp nhắc nhở (cho khỏi khó chịu) chứ cũng không định đọc. Nhờ thế mà tin nhắn chuyện của HP.Bình mới "lọt mắt xanh". Lần tới máy tính, đã có mạng theo lời giới thiệu, mới phát hiện ra vẫn là kết nối quay số 1260. Quay thử thì không ăn. Chán.
Rủ rê Hồ Trương về cơ quan chơi. Đằng nào cũng không làm được gì sáng nay, còn ít thời gian vào mạng cập nhật bảng kê, tranh thủ đề-mô quả thông tin mạng cho mà xem. Mà khi nãy Lê Văn Đạo cũng gọi điện nói muốn góp quỹ cho P.Bình, đang có việc đến Đài Phát thanh, khi nào xong việc sẽ gọi lại. Hứa hẹn thêm một bữa trưa gạo lức muối mè Hồ Trương mới đồng ý đi theo. Đằng nào thì vợ cũng đã đi vào trong Tp HCM, con gái đi nốt, trưa có một mình ở nhà đi vui hơn.
Vào đến cái gọi là cơ quan tôi, Hồ Trương rất ngạc nhiên lại có thứ cơ quan ở trong một căn hộ bé tí, dễ thương thế này. Một khu tập thể nhỏ xây dựng từ những năm 80 khuất sau những dãy nhà cao, cách biệt khỏi con phố ồn ào. Yên tĩnh, mát như máy lạnh.
Bật máy lạnh, máy tính, mời "sếp" xem tôi cập nhật bảng kê. Đây nhé đăng kí của anh đây, bây giờ tôi vừa nhận tiền của anh, cho vào đây. Gõ choách một cái, "bây giờ thì bọn Quang xèng, Quý nhẽo ở bên kia có đọc thì biết là anh đã góp tiền rồi". Bây giờ nhé, "Bạn Trỗi" đây, anh cứ lăn cái bánh xe này để đọc tin. Mà mũi tên phải để vào vùng có tin, chứ anh đẩy nó ra chỗ khác là tin không chạy đâu đấy.
Lê Văn Đạo gọi, xong việc với Đài, thăm "sếp" ở 108 xong rồi, vội đi không lên được chỗ tôi. Hẹn nhau gặp ở 1A Hoàng Văn Thụ. Bảo Hồ Trương tôi đi một tí về ngay, Hạnh Phúc sang thì mở cửa cho nó. Hôm nay nó cũng ở nhà một mình, con bé giúp việc về nhà. Cơm gạo lức đã cắm, tí nữa tao về rồi cả bọn ăn.
Phi đi rồi phi lại, gặp LV.Đạo chỉ kịp bắt tay, trao phong bì rồi biến, cứ như buôn bạc giả. Về đến cơ quan thì Hạnh Phúc đã sang, đang tìm cách pha cà phê. Rồi cũng đến lúc ăn cơm. Hôm nay tôi cho các vị ăn cơm gạo lức "ngũ hành". Gạo lức đặc sản miền Bắc mầu vàng hành thổ, đậu đỏ hành hoả, đậu đen hành thuỷ, đậu trắng hành kim và đậu xanh hành mộc. Không biết vì u u mê mê với "ngũ hành" hay là vì cơm nhiều đậu mà cả Hạnh Phúc và Hồ Trương đều khen ngon, dễ ăn. Không như Công Minh và Thao láo, sau khi ăn thử, bây giờ nghe đến gạo lức là chạy mất dép.
Giữa buổi đi với Hạnh Phúc thăm anh Văn. Lại nhận được điện thoại của Trương Thanh Bắc, sao gõ tiếng Việt của tao mất tiêu rồi, đến giúp với. Thả H.Phúc về nhà, may mà nhà Thanh Bắc cũng cùng phía ấy. Đến nơi, thằng này tiến bộ, lắp ADSL. Nhưng có dây mạng mà cổng ở máy tính không có, có dây USB thay dây mạng thì dây điện thoại lại ngắn. Miếng ăn tới miệng còn chờ đến mai, khổ.
Đang loay hoay với ông Thanh Bắc thì Quốc Dũng gọi điện "mày nhắn lại tin đi, ngày mai tập hợp ở công ty tao góp tiền vào quỹ rồi chuyển khoản một thể".
Ừ, mai tao sang. Anh em mình nhiều người chưa biết thế nào là dịch vụ chuyển tiền mặt. Nếu là ông nông dân ở quê có con ra thành phố học thì có khi đã biết rồi đấy. Tài khoản của con mình ở ngân hàng nào cứ ra ngân hàng ấy ở quê mà gửi vào thì đến ngay. Hoặc gửi theo số giấy CMT cũng được, chỉ định lấy ở ngân hàng nào thì gửi theo cùng hệ thống ngân hàng đó. Khối gì cách, bây giờ các ngân hàng đều có dịch vụ chuyển tiền mặt, không nhiêu khê như Bưu điện ngày xưa. Đúng là bọ già rồi, có thằng làm cho thì tốt.
Cuộc gặp cuối ngày là với cậu Văn em Quý nhẽo, vào lúc 22h, may mà nhà gần, để nhận đóng góp của Quang xèng và Quý nhẽo. Bây giờ thì bảng kê đã được cập nhật rồi.
Hết một ngày, điểm ra toàn các gương mặt Trỗi, "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt-TCS".

Chủ Nhật, tháng 6 24, 2007

THÔNG BÁO

Đại tá Trần Hậu Tư, nguyên Chủ nhiệm Khoa X-Quang Quân y viện 108 những năm 1960, bị ung thư gan giai đọan cuối. Chú là ba của Trần Hậu Tuấn, Art collector, Võ sư Vĩnh Xuân, chơi thân với nhiều anh em Trỗi chúng ta. Chiều qua tôi có mặt ở Khoa A1 của Viện 175 thăm chú. Chú đang phải sống nhờ máy, khó qua khỏi. Báo tin để anh em biết.
Kiến Quốc

Thứ Bảy, tháng 6 23, 2007

TẢN MẠN CHUYỆN DU HỌC

Dương Minh

Phạm vi ảnh hưởng của blog này đang rộng lên. Thành phần K9 tuy góp lời chưa nhiều, nhưng theo tin vỉa hè thì số lượng “nghé” vô blog xem chừng cũng đã kha khá. Anh em nhiều người đã lên chức ông nội, ông ngọai nhưng còn nhiều người thời gian “phụng sự”cho các đệ tử cũng còn… mệt. Viết vài chuyện nhỏ dưới đây để các ”Tiểu đội trưởng” tham khảo là chính.


Tôi có đứa cháu gái đang học Đại học ở Đức. Để đi du học cháu phải trả giá khá đắt: bỏ mất hai năm đã học tại Đại học Kinh tế Tp. HCM. Khi ở Việt Nam, mỗi lần chứng kiến cảnh hai mẹ con cháu nói chuyện là tôi thấy “nhức đầu” luôn. Một phần do tâm lý lo cho con, chưa thật sự tin ở con … kết hợp với phong cách dạy dỗ ở ta nên người mẹ cứ luôn miệng huấn thị con phải thế này, con phải thế kia, tất nhiên cháu không thích và cứ cự nự. Hai mẹ con nói chuyện mà lúc nào cũng như cãi nhau! Cháu đi rồi, mặc dù è cổ lo chi phí cho cháu mà mỗi lần cô em gặp tôi mặt cứ tươi như hoa rồi tíu tít khoe đủ chuyện. Nào là nó biết thương ba mẹ, mới sang được ba tháng đã nhận kèm tóan cho sinh viên “Tây” mỗi giờ được đến 20 euro! Rồi thì nó thi môn nào cũng tốt, đậu đại học rồi. Sao ở bên đó sướng thế, nó đang chọn trường, chọn ngành, mình chẳng biết gì mà góp ý, thôi để nó tự quyết định. Nghỉ hè mà nó không chịu về ngay còn cố đi làm thêm để tự lo chi phí cho chuyến về Việt Nam… Cháu về nhà nghỉ hè, hai mẹ con cặp kè, bình đẳng cứ như hai chị em.
Bạn tôi có cậu con trai vừa học xong lớp 11 thì sang Mỹ học nốt lớp 12. Khi ở nhà, mỗi lần gặp người lớn cháu khoanh tay cúi người chào và giữ nguyên tư thế này trong suốt thời gian thưa chuyện. Người nhỏ bé, nên dáng điệu đó làm cho ai cũng có cảm giác nó còn con nít quá. Sau 10 tháng hòan thành chương trình lớp 12, cháu thi đều đạt điểm rất cao và đã xác định xong trường Đại học sẽ nhập học, cháu về Việt Nam nghỉ hè. Gặp cháu tôi sững sờ. Mặc dù nó chỉ cao to thêm một chút ít, nhưng với dáng vẻ rất tự tin, nói chuyện chững chạc … làm tôi thấy như cháu đã được “lột xác”. Nó thực sự đã là chàng thanh niên biết sống tự lập. Mẹ cháu thì phàn nàn trong niềm sung sướng và mãn nguyện: em chẳng còn biết phải khuyên nó thế nào nữa, cái gì nó cũng nói mẹ để con suy nghĩ và tự quyết định.
Một người bạn khác cũng vừa cho con sang học cấp 3 ở Singapore – cháu sắp 15 tuổi vừa học xong lớp 9. Đưa cháu sang Singapore nhập trường xong, về nhà gặp bạn bè anh cho biết: sao ở đó chỉ có vài ngày mà nó nói những câu tôi không thể tin được! Ai cũng háo hức muốn nghe điều “kỳ diệu”!?! Anh kể, trước khi chia tay, nó đề nghị ”Hay là con về luôn với ba, không học ở đây nữa!”. “Tại sao?” anh giật mình, lo lắng hỏi lại con. “Tốn tiền quá, thế này thì ba mẹ vất vả lắm!”. “Cái chính là con có muốn sang đây học không?” anh hỏi cháu trong tâm trạng đã nhẹ nhõm hơn. “Đương nhiên là con thích rồi!”. “Tại sao?”. “Con cảm giác môi trường ở đây cái gì cũng an tòan, thỏai mái… làm cho con tự tin lắm!”. Anh thở phào, sung sướng kết luận với cậu con trai “Nếu con tự tin, phấn đấu học cho giỏi thì khổ cỡ nào ba mẹ cũng chịu được!”. Cách đây hơn một tuần anh khoe “Nhận được nhận xét của thầy cô qua e-mail, ai cũng viết là nó mạnh dạn, tự tin, hay giúp đỡ bạn bè, học tốt … Thế là ổn rồi!”.
Tất nhiên “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”, những chuyện tôi kể ra không phải đúng cho tất cả. Tuy nhiên, có thể nói, môi trường tòan diện cho các cháu từ nhà trường đến cả xã hội là không thể … chê người ta đuợc! Như vậy các cháu có thành công trong du học hay không, điều quan trọng chỉ phụ thuộc chính ở bản thân các cháu và gia đình đã chuẩn bị “hành trang” gì cho con mình, còn vấn đề xã hội thì “vô tư đi”! Mấy bà mẹ này đều chung suy nghĩ : cho nó đi thà buồn một chút, vất vả “cày cuốc” hơn một chút nhưng bớt được cái lo cứ thường trực 24/24 sao mà mệt mỏi thế!

TB: Đây là chuyện tôi ghi lại từ cuối năm ngóai. Hiện nay: cô bé ở Đức – là cháu tôi, đã vừa học vừa làm tự túc gần như 100% chi phí;.anh chàng sinh viên ở Mỹ đã học xong năm thứ nhất với tòan điểm A đang nghỉ hè ở Tp.HCM – chính là con trai anh Lê Võ Tiên Hưng K1; còn cậu bé kia cũng về nghỉ hè với tư thế nhất lớp và nhất khóa.

Thứ Sáu, tháng 6 22, 2007

62 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

NHỮNG ĐÓNG GÓP
CỦA CHA MẸ CHÚNG TA
Kiến Quốc

Nhìn nhận sự kiện lịch sử
Từ lâu lắm, thắng lợi của các sự kiện lịch sử hiện đại thường chỉ được nhắc tới do “sự lãnh đạo tài tình của Đảng và sức mạnh quần chúng” v.v... Còn các nhân vật lịch sử và cả các nhân chứng lịch sử ít được nhắc đến. Cho đến những năm gần đây, trong cách nhìn nhận có nhiều thay đổi. Nhà Sử học Dương Trung Quốc khi đánh giá về những sự kiện lịch sử luôn nhấn mạnh: Chúng ta không được quên các nhân vật lịch sử và cả các nhân chứng lịch sử.

Khi triển khai làm cuốn sách “Trần Tử Bình từ Phú Riềng Đỏ tới mùa Thu Hà Nội...” do phải đọc nhiều, tiếp cận nhiều các nhân chứng lịch sử, chúng tôi đã tổng hợp được nhiều thông tin quý báu.

... Sau khi xây dựng xong Chiến khu Quang Trung (Hòa-Ninh-Thanh), cha tôi nhận chỉ thị của Trung ương bàn giao lại cho đồng chí Văn Tiến Dũng để về tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Đầu tháng 8/1945, các đồng chí trong Trung ương và Xứ ủy được triệu tập lên Việt Bắc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Riêng Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang được phân công phụ trách Hà Nội, còn cha tôi được cử lại trực cơ quan Xứ đóng tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông.
Ngày 15/8, Thường vụ Xứ ra quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa (UBKN) Hà Nội do ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch và Cố vấn Trần Đình Long cùng 4 ủy viên: Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Duy Thân.
Tối 17/8, tuy Hà Nội chưa có lệnh của Trung ương nhưng dựa vào chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, sau cuộc biểu tình chiều 17/8 của lực lượng quần chúng cách mạng ở Hà Nội cho thấy thời cơ đã chín muồi, Thường vụ Xứ phát lệnh tiến hành khởi nghĩa vũ trang ở Hà Nội vào trưa chủ nhật 19/8/1945.
Sáng 18/8, Ủy ban Quân sự cách mạng (UBQSCM) chuyển trụ sở từ ngoại thành về 101 Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), trước cửa ga Hàng Cỏ.
Ngày 19/8/1945, một sự kiện trọng đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam – tại thủ đô Hà Nội, chính quyền đã về tay nhân dân mà không hề đụng độ, không hề đổ giọt máu nào, tuy lực lượng của quân đội Nhật còn 1 vạn quân đóng tại Hà Nội.


(Ảnh trên cùng: Sáng 18/8/2005 trước cửa Nhà hát Lớn Tp Hà Nội, các lão đồng chí gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa Hà Nội. Trái qua: Các ông Lê Trọng Nghĩa, Vũ Oanh, Nam Hà và đồng đội Việt Minh - Hoàng Diệu 1945).


Xin trân trọng giới thiệu các nhân vật trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, trong đó có nhiều người là phụ huynh Trường Trỗi.
1. Chủ tịch Nguyễn Khang (1919-1976), dân Thái Bình. Sau 19/8/1945 là Chủ tịch UBNDCM lâm thời Bắc bộ. Năm 1947 là Chủ tịch UB Kháng chiến hành chính (KCHC) Liên khu Việt Bắc. Ông là Đại sứ nước ta ở Trung Quốc từ 1957-1959 (sau Đại sứ Hoàng Văn Hoan), sau đó là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Ủy viên TW khóa II và III. Ông là phụ huynh của Nguyễn Đồng Thu k3 và Nguyễn Văn Lợi k6.


2. Ủy viên Nguyễn Quyết (phụ trách quân sự) nhận nhiệm vụ Bí thư Ban Cán sự (Bí thư Thành ủy) Hà Nội thay ông Nguyễn Văn Trân (bố của Đoan Hùng k5) lên Việt Bắc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Ông là người chỉ huy cánh quân chiếm Trại Bảo an binh (đối diện rạp Majestic, nay là rạp Tháng Tám), thu được hàng nghìn khẩu súng. Nhưng quân Nhật đã phản ứng, cho xe tăng và binh lính bao vây quanh Trại, tình hình căng thẳng dễ dẫn tới đụng độ vũ trang. Sau khi ta cử người đàm phán, quân Nhật đã nhượng bộ. Sau ngày 23/9/1945, ông là một trong những người tham gia Nam tiến đầu tiên chi viện cho miền Nam. Đại tướng Nguyễn Quyết chính là bố của Đại tá Nguyễn Vũ Định lính Trỗi k3 (Phó Tham mưu trưởng Hải quân đầy triển vọng, đã mất vì tai nạn giao thông). Hiện ông bà nghỉ hưu tại Hà Nội.

3. Ủy viên T
rần Quang Huy (1922-1995) là bố của Vũ Quốc Khải k3, Vũ Quốc Hoàn k6, Vũ Minh Hà k8. Ông là dân Thanh Hóa, tham gia phong trào học sinh Hà Nội những năm 1935-40. Năm 1939 là Bí thư Thanh niên Dân chủ Bắc kỳ. Sau 19/8 là Chủ tịch UBNDCM lâm thời Hà Nội kiêm Bí thư Thành ủy. Là ủy viên TW khóa III, IV, ông cùng ông Hoàng Tùng tham gia chấp bút nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong đó có Đường lối cách mạng miền Nam. Khi mất ông để lại di chúc: cho thiêu xác và chia làm 3 phần – 2 phần rải ở sông Hồng và sông Mã, phần còn lại để trên ban thờ.

4. Ủy viên Lê Trọng Nghĩa phụ trách khối trí thức trong UBKNHN. Ông từng tham gia phong trào học sinh Hải Phòng, Hà Nội và bị bắt khi đang rải truyền đơn cùng Nguyễn Đình Thi đầu năm 1943, rồi bị tống giam Hỏa Lò. Đêm 11/3/1945, ông đã b
ảo vệ tử tù Trần Đăng Ninh (Bí thư Xứ ủy 1941, bố Trần Châu Nguyên k4, Trần Tuấn Quảng k6) vượt ngục theo đường “thăng thiên” vượt tường rào. Sau đó ông được Lê Đức Thọ cử tham gia Ban Cán sự ĐCSĐD bên cạnh Dân chủ Đảng. Ông Nghĩa cùng ông Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Nguyễn Duy Thân có mặt trong cánh quân tấn công vào Bắc bộ Phủ. Khi cánh quân chiếm Trại Bảo an binh, do ông Nguyễn Quyết dẫn đầu, bị bao vây, dễ dẫn tới đụng độ, Thường vụ Xứ đã cử ông Nghĩa phóng Limouzin cắm cờ đỏ sao vàng ra thương thuyết với quân Nhật. Vì Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng minh nên chúng tạm thời rút lui. Ngay đêm 19/8, ông Nghĩa cùng Trần Đình Long đi đàm phán thắng lợi. Sau 19/8, ông phụ trách đối ngoại với quân Nhật trong UBNDCM lâm thời Bắc bộ. Ông được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946 khi mới 23 tuổi. Năm 1950, ông là Cục trưởng Cục Quân báo cho đến năm 1967(!). Ông được phong hàm Đại tá năm 1959, là phụ huynh của Lê Trọng Huấn k5 và Lê Trọng Thắng k7. Hiện ông nghỉ hưu tại TpHCM.
Luôn gặp ông xin tư liệu, tôi nhận ra ở ông có một bản lĩnh phi thường. Thật ra cuộc đời ông gặp nhiều oan trái, nhưng ông vẫn thản nhiên, đặc biệt luôn có cách nhìn nhận của một nhà tình báo chiến lược.

5. Ông Nguyễn Duy Thân (1918-
1952) dân Đình Bảng, Bắc Ninh và là cậu ruột Trung tướng Lê Quang Đạo. Ông hoạt động trong phong trào học sinh Hà Nội. Năm 1940 tham gia xây dựng chi bộ ghép đầu tiên ở Đình Bảng và là người kết nạp ông Lê Quang Đạo vào Đảng. Thời gian 1941-1945, ông bị giam ở ngục Sơn La. Trong UBKNHN, ông phụ trách khối tiểu thương, nhất là bà con buôn bán Đình Bảng, Bắc Ninh ở Hà Nội. Sau 19/8, ông là Phó chủ tịch UBNDCM lâm thời Bắc bộ phụ trách hành chính. Vợ ông là em gái ông Phan Trọng Tuệ, tham gia cướp chính quyền ở Bắc Ninh. Cả hai vợ chồng cùng là đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946. Năm 1947 ông là Phó chủ tịch UBKCHC Liên khu Việt Bắc. Ông mất năm 1952 khi đi học tại Trung Quốc. Ông bà có 2 con trai: Nguyễn Duy Chiến là dân Dục tài Học hiệu và Đại tá Nguyễn Duy Thành (k8 Học viện KTQS) hiện công tác tại Quân chủng PK-KQ. Hiện bà vẫn còn sống ở Hà Đông.

6. Cố vấn Trần
Đình Long (1904-1945) dân Nam Định. Ông từng sang Pháp họat động rồi được cử đi học Đại học Phương Đông Matxcơva 1928-1931. Năm 1936-1939, ông tham gia họat động báo chí công khai cùng các ông Trường Chinh, Trần Huy Liệu. Bị bắt và bị đày đi Sơn La đến tháng 3/1945 thì trở về họat động ở Hà Nội. Là “cố vấn” và là nhà lý luận trong UBKNHN, ông tham gia những cuộc tiếp xúc với các nhân vật trong Chính phủ bù nhìn. Đêm 19/8/1945, ông cùng ông Lê Trọng Nghĩa đến Tổng hành dinh của Nhật ở Đồn Thủy (nay là Phạm Ngũ Lão) để thương thuyết. Sau 19/8, ông là “đặc phái viên ngọai giao” của Cụ Hồ, tham gia giải quyết những xung đột của ta với các phe phái phản động, nhất là Quốc dân Đảng. Cuối tháng 11/1946 khi chính quyền nhân dân tồn tại mới được 100 ngày thì ông bị Quốc dân Đảng thủ tiêu. Các con của ông hiện có 2 người con trai sinh sống ở Úc, một chị đang sống tại TpHCM.

Cuộc đời cha mẹ chúng ta thật trong sáng, sạch sẽ, vô tư và đẹp đẽ! Thật tự hào về họ, những người đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!


Còn ở khắp các tỉnh, thành cả nước đều có mặt phụ huynh Trường Trỗi tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Ở Hà Đông có ông Đặng Kim Giang, ở Hưng Yên có ông Lê Liêm, Nguyễn Khai, bà Nguyễn Thị Hưng, Quảng Ngãi có ông Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, v.v...
Đề nghị các bạn gửi “lời góp” cùng thống kê lại sự đóng góp của cha mẹ chúng ta trên phạm vi toàn quốc trong những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử!

VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC MANG NHIỀU NGHI VẤN

Ở nước ta từ lâu đã hình thành "Trại sáng tác", cái tên nghe rất chi là công nghiệp. Ở đó người ta "nhốt" các nhà văn vào, cơm nước đầy đủ ... Rồi các nhà văn sẽ đẻ ra những quả trứng vàng "tác phẩm văn học" để phục vụ chúng ta - những độc giả .
Người ta đồn rằng Trường Trỗi ta có một gã "nhà văn", vì không chịu cảnh chim chậu cá lồng đã đào thoát khỏi “Trại văn" ấy.
Gã đi lang thang khắp nơi với cái lý lịch mơ hồ: "sinh ra trong khói lửa", đi lính, buôn lậu chốn trời Tây rồi làm GĐ may mặc gì đó ....
Điều tôi muốn đề cập, không phải là chuyện "đạo văn" mà là "hoàn cảnh sáng tác".
Với kiến thức từ những "chuyến đi thực tế", cộng thêm chút năng khiếu nói phét bẩm sinh, gã cho ra lò hàng loạt bài vở trên Blog Trỗi. Thôi thì đủ, từ những chuyện cao siêu, cho đến chổi cùn rế rách, trên trời dưới biển chả thiếu món nào.
Từ đây nhiều nghi vấn đặt ra:
- Gã là "tỉ phú thời gian"? Không phải. Gã vẫn đi làm. Vô lý, gã làm việc vào lúc nào khi bài viết tuôn ra ào ào như thế?!
- Gã lấy thông tin ở đâu để viết? Nguồn từ vốn sống mà ra, cái ấy thì có hạn. Còn cảm hứng nữa chứ, món đó đâu dễ tìm? Khối nhà văn thực thụ, kỹ năng viết lách đầy mình cũng đành cắn bút vì không tìm được nguồn cảm hứng. Với gã này, chỉ có thể giải thích rằng: nguồn cảm hứng và thông tin gã có là do chắt lọc được từ bàn nhậu mỗi chiều!
...................................
Đọc đến đây hẳn các bạn đã đoán ra gã là ai ?
* Tin mới nhận được:
Lời đồn về chuyện gã mới nhập " dây chuyền viết văn" là tin thất thiệt.
Các đ/c "đặc tình" sau một thời gian thâm nhập điều tra vừa báo cáo với tôi: Nhà gã có một cái tủ rất to, chứa đầy ắp các "bài văn" gã viết sẵn từ 10 năm nay. Mỗi ngày gã rút ra vài tờ tống lên Blog Trỗi để "khủng bố" anh em. Mưu sâu, kế hiểm đến thế là cùng.
GC: Anh em nào cần xác minh thông tin trên, cứ tìm Kiến Quốc mà hỏi.
TP HCM 22-6-07
TM

Làm Bia Truyền thống Doanh trại

Chuyến thăm doanh trại Hưng Hoá hôm Thứ Bẩy vừa rồi của Tuấn hủi, Thắng tai voi, ... đã sinh ra một chuyện là Trường tham gia nội dung cho Bia Truyền thống Doanh trại. Hình như có chuyện địa phương muốn thu hồi đất để làm khu đô thị. Đơn vị muốn làm thêm một "bùa" để neo cho vững.
Sáng nay Tuấn hủi giấu mặt, cử Hữu Thành đến ngồi với Lê Bình, Việt Dũng k5, Thắng híp k6 ở quán bún cá để bàn về chuyện này. Cuối cùng chỉ thoả thuận được một việc là Tuấn hủi sẽ bố trí làm việc với Lữ công binh vào một ngày làm việc, đại diện 3 khoá đã từng ở Hưng Hoá lên để gặp họ. Có mấy "quán triệt":

1. Việc làm bia là của đơn vị, nội dung họ đã chuẩn bị kể từ thời Lý Nam Đế, ... đến nay. Mình chỉ giúp họ phần liên quan tới mình trong thời gian 9/1968-6/1970.

2. Không biết việc này họ có tính không, nhưng nếu họ coi trọng truyền thống doanh trại thì mình cũng có thể/nên cung cấp cho họ tên/số lượng một số các anh em từng sống ở đấy đã có đóng góp lớn (hơn một chút so với các anh em khác) cho đất nước (các anh hùng, liệt sĩ, cán bộ cao cấp, học vị học hàm, ...).

Mong anh em (kể cả các khoá không ở Hưng Hoá) góp ý thêm về việc này. Dù việc làm bia với động cơ nào thì cũng không làm ảnh hưởng đến nội dung mà nó truyền đạt, là mảnh đất ấy thực sự đã cưu mang anh em ta, và anh em ta cũng góp vẻ vang vào truyền thống của mảnh đất đó.

Thứ Năm, tháng 6 21, 2007

CHUYỆN KHÔNG CŨ


CHỦ ĐỀ MỚI “LI LÁI”
Kiến Quốc

Thật ra 2 từ “li lái” xuất phát từ mấy bác Hoa kiều. Chuyện là có bác Tàu trở về thăm quê cha đất tổ, đâu như Phúc Kiến, (mà không hiểu chuyện những năm 1960 hay mới đây?), qua cửa khẩu Lạng Sơn. Khi quay lại với vợ con, bác đi xe khách về xuôi. Đúng lúc xe đang đổ dốc Sài Hồ, bác chạy lên chỗ ông tài nì nèo: “Lỉ à, lỉ dừng lại cho ngổ lái một cái!”. “Lái thế nào được, đang xuống dốc, nguy hiểm lắm!”. “Ngổ muốn lái lắm à, lỉ không thương ngổ à?!”. “Thương với chả không thương. Ông biết lái à?”. “Piết chứ, ngổ piết lái mà”. “Không được! Hãy đợi đấy!”. Đến khi hết dốc, bác tài dừng xe: “Thôi an toàn rồi, ông lái đi!”. “Lái thế lào lược lữa. Ngổ lái ra quần rồi à...”.

Cái anh Quang “xèng” và vinhnq1956 cứ yêu cần phải phát huy “sở trường sở đoản” triển khai vấn đề “li lái” cho anh em tiếp tục mạn đàm. Khó ra phết, vì đâu có "đầy ắp ý tưởng" như NSƯT họ Dương, đương chức Trưởng ban Vui chơi giải... trí (cấm nói ngược!) của trường! Thôi thì cố gắng, kẻo vinhnq1956 lại chê là không “đa-zi-năng”! Cả đêm qua nghí ngoáy và sáng nay cho ra sản phẩm. Đọc 8 lời góp của “Một thời để nhớ” thấy mấy ông cãi nhau. Tức mình “xoẹt” luôn.

Thật ra ở đời phàm đã cho cái gì vào INPUT thì ắt phải có cái gì đó ra ở OUTPUT. Tất nhiên không phải là "tỷ lệ 1/1". Đa số vào sạch ra bẩn, vào trong ra đục, vào không độc ra độc (chứ uống thuốc độc mà sống thì có mà là thuốc... bổ! Lại có chút hạt khởi tử rồ...ồi???). Nhưng cũng có ngoại lệ: chẳng hạn có thể dùng nước đái để chữa bệnh(!). Tóm lại đã uống nhiều nước, nhiều bia rượu thì ắt phải xả.
- Ngày mới lên trường ở An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên, anh em ta sống ngay ở cửa rừng. Ban đêm nhìn ra ngoài toàn rừng là rừng. Đen sì. Sợ chết khiếp. Rồi lo rắn rết, thú dữ đang rình. Nhất là mấy đứa lính cũ lại kể chuyện hồi kháng chiến chống Pháp ở Đại Từ có con hổ thọt và con ma lưỡi đỏ, liếm vào ai là người đó chết. Nghĩ đến sợ, không ai dám ra ngoài đi đái đêm. Rồi cái khó ló cái khôn. Chả hiểu ai đã phát minh ra trò đái vào ống bương để đầu giường đến sáng hôm sau mang đi đổ. Từ đó hết sợ.

Đến khi lên học Trường Quân sự trên Vĩnh Yên, được sống ở nhà 4 tầng Khu 125 có vẻ khang trang nhưng cũng không có nhà WC, mỗi lần “hạt bí” lại phải lóc cóc xuống đất. Thật bất tiện. Vậy là anh em đã áp dụng “tối kiến” ngày ở An Mỹ, mỗi đứa một ống bơ. Xong! (Có ông còn thửa hẳn hộp sữa bột Neslé to đùng). Từ đó trong trang bị cá nhân của lính Quân sự có thêm ống bơ. Không tin cứ hỏi anh em Trỗi đã qua Quân "sư"!
- Nguồn Hà Chí Quang: Trường Quân sự có nhiều năm đóng quân ở đất trung du Vĩnh Phú, nơi ông Đặng Văn Đăng (Bút Tre) là Trưởng Ty Văn hóa. Ông đã vận động anh chị em trong cơ quan đái đúng chỗ để có nước đái tưới rau, tăng gia cải thiện. Bút Tre đã kê cái vỏ bom bi mẹ ở phía sau cơ quan cho anh em “tè”. Trên vỏ bom bi ông viết thêm chữ Ních-xơn và động viên anh em “đóng góp” bằng cách treo bài thơ này cạnh cái Ních-xơn:
Bà con đi đâu về đâu,
Đến đây mà đái lên đầu Ních-xơn.
Căm hờn lại giục căm hờn,
Đến đây mà đái còn hơn đái nhà.
- Ở Đại học quân sự, quanh năm tắm giếng. Mùa hè nước giếng mát lạnh. Sướng! Nhưng mùa đông mà tắm giếng thì khác gì tra tấn. Không khéo sưng phổi. (Làm gì có nhà tắm nước nóng như bây giờ). Cứ giội nước quáng quàng, lau khô người, mặc quần áo ấm rồi biến. Lần đó gió mùa đông bắc tràn về. Quốc Thái k4 đến phiên trực nhật ra giếng xách nước. Một anh lính gìa đã sát đầy xà phòng lên đầu, lên mặt, mắt đang cay xè thấy Thái liền nhờ giội hộ xô nước. (Thế mới thấy các bác lính già sạch hơn ta). Tinh quái Thái vừa giội nước vừa vạch quần “lái” lên đầu anh ta. Giội hết xô nước cũng là lúc đầu sạch xà phòng, anh lính già sung sướng: “Cảm ơn ông, cảm ơn! Nước giếng hôm nay ấm thật!”.
- Mỗi lần từ Vĩnh Yên về Hà Nội phải đi tầu. Chuyến nào cũng chật như nêm. Ngay cả WC cũng bị nhét đầy bao tải hàng đánh từ Lao Cai về (có khi có cả hạt khởi tử!). Vậy lúc “khó chịu” thì... biết đi đằng nào? Nếu tầu dừng ở ga thì còn có thể nhảy xuống đất kiếm chỗ bậy. Còn tầu đang chạy mà “bí” thì chỉ có “quấn ra xòn”. Có lần mấy bà buôn đang ngồi ngủ gà ngủ gật trên sàn bỗng la ôi ối: “Ai làm gì mà ướt hết đít quần tôi thế này?”. Vậy ra cái khó lại ló... và anh lính nào đó đã dí... cái ấy vào thành tầu rồi nhè nhẹ... xè... xè. (Mà chuyện xảy ra trong đêm chứ ban ngày thì... đố!). Kể đến đây mới nhớ ra hồi ở Y Trung, thầy Quý dạy anh em ta nhiều làn điệu chèo, rồi anh em ta “chế” thành bài chèo mà sau này khi lang thang Ba Lan, Liên Xô hay giở ra hát sau mỗi chuyến tàu xuyên lục địa trở về: “Đêm đã khuya tang tình là anh mót giải, ra hố tiểu anh sợ ma. (Tính tang tình tang tình!). Một hai ba (tang tình) là anh dí ấy... ấy vào tường, dí cái ấy vào tường anh lái không hề kêu. Dí cái ấy vào tường anh lái không hề kêu...”. (Hình như điệu xẩm xoan thì phải?).
- Chuỵên tiếu lâm của Giang “mù”: Một lần, anh chồng chê vợ “lái” không qua ngọn cỏ. Chị vợ tức mình, thách: “Được, tôi và ông thi xem ai thắng ai!”. Sau khi bắt thăm được “lái” trước, anh chồng khấp khởi mừng thầm quả này thắng đậm. Anh vạch quần, cầm cái ấy... chuẩn bị... bỗng nghe: “Stop! Ông phạm luật 12: Không được dùng tay chơi bóng!”. Kết quả cuối cùng: anh ta đái ướt chân mình.

... Vậy là đã cố gắng lắm rồi. Không hiểu đã xứng đáng là Trưởng Ban “gợi ý” TW chưa, hả "lồng chí" vinhnq1956? Vừa nói đến đây chợt nhớ đến chuyện đái bậy sau khi đã nốc đầy một bụng bia. Đang căng bụng, tìm mãi mà chẳng thấy WC công cộng. Thôi thì “giải tỏa” vào gốc cây. Vậy đã có thơ:
Thứ nhất là bệnh SIDA
Thứ 2 là bệnh đái ra đầy đường.
(Nhưng không phải “tiểu đường tuýp A” đâu nhé!).

Tin buồn: bố vợ Hồ Mai mất

Tin nhắn từ Trần Văn Lưu: Bố vợ Hồ Mai mất. Lễ viếng và động quan tổ chức tại Bình Dương chiều nay.
Xin báo các bạn biết.
Nhân đây, thay mặt các bạn ở xa, xin chia buồn với gia đình Hồ Mai. Hữu Thành

Thứ Tư, tháng 6 20, 2007

CHUẨN BỊ VỀ THĂM LẠI QUẾ LÂM

THÔNG TIN TỔ CHỨC ĐI QUẾ LÂM

Thân gửi: Ban Liên lạc nhà trường và Ban Liên lạc các khóa cùng anh em phía Nam
Thực hiện nhiệm vụ Kiến Quốc giao, tôi – Dương Minh k4 - đã sơ bộ có thông tin về lịch trình và chi phí tour TP.HCM – QUẾ LÂM – TP.HCM cho đòan tối thiểu 20 người. Cụ thể:

1- BenThanh Tourist: 5 ngày – 4 đêm, 629USD/người
Ngày 1: - 1h15 ra Sân bay TSN, 3h15 bay đi NAM NINH
- 6h45 đến NAM NINH, ăn chơi ở đây đến trưa
- 14h24 lên tàu hỏa đi QUẾ LÂM, 19h24 đến nơi ăn tối và nghỉ ngơi
Ngày 2,3 và 4: nghỉ ngơi ăn chơi tham quan QL.
Ngày 5: - 8h00 lên tàu về NAM NINH, 13h00 đến nơi
- 1h10 lên máy bay về TP.HCM, 2h10 về đến nơi.

2- ThanhThanh Tourist: 4 ngày – 3 đêm, 625USD/người
Ngày 1: - Sáng bay từ TP.HCM đi QUẢNG CHÂU (chuyến bay 9h00), nhập cảnh rồi bay tiếp đi QL
- Chiều đến nơi, nhận KS ăn tối và nghỉ ngơi.
Ngày 2 và 3: nghỉ ngơi ăn, chơi và tham quan QL.
Ngày 4: - Sáng ở QL
- Trưa bay từ QL về QỦANG CHÂU.
- Chiều tối bay về TP.HCM (23h00 về đến nơi)
(Nếu thêm 1 ngày, sẽ thêm tiền ăn, ngủ, tham quan khỏang vài chục USD – sẽ báo giá cụ thể sau)

Sơ bộ đánh giá:
a- Đ/c nào ít thời gian và kinh tế “vững” nên đi tour máy bay thẳng từ TP.HCM sang Trung Quốc.
b- Đ/c nào dư dả thời gian nên bay ra Hà Nội rồi đi theo Tour từ Hà Nội (tối đa là 3,2 triệu cho vé máy bay khứ hồi + khỏang 165USD đi QL từ HN + vài ngày ở HN trước khi đi QL và sau khi từ QL về). Tổng cộng khỏang 400USD và xa nhà 7-8 ngày). Đi từ HN có đặc điểm:
- Ở Nam Ninh 1 đêm nên tham quan được Nam Ninh.
- Đi ô tô suốt hành trình.
- Khi đi từ HN khá sớm (5 giờ sáng). Khi về, đi ô tô một lèo từ QL về HN nên phải khuya mới về đến nơi (sẽ cảm thấy hơi bị mệt mỏi vì đã hết ăn chơi trong khi đường về rất xa!).
c- Tour của BenThanh:
- Rẻ hơn một chút (vì đi tàu đọan Nam Ninh – Quế Lâm)
- Có 1 buổi sáng ghé thăm lại Nam Ninh
- Ngồi tàu ngắm lại đất nước TQ, nhớ lại chuyến đi năm xưa.
- Khi đi, khi về vất vả vì phải đi rất sớm và về rất khuya. Về đến TP.HCM cũng phải nghỉ thêm 1 ngày vì 2 giờ đêm mới về đến nơi)
d- Tour của ThanhThanh: (Cũng nên đi 5 ngày, 4 đêm)
- Đắt hơn (chắc khỏang 50USD là maximum cho thêm 1 ngày): 625USD + 50USD = 675 USD
- Đỡ vất vả vì tòan “bay” và không phải đi sớm về khuya.
- Chỉ biết QL, nhưng biết Nhà ga Hàng không Quảng Châu (rất lớn và hiện đại), biết chuyến bay nội bộ của TQ, Nhà ga Hàng không Quế Lâm (cũng rất đẹp).
- Không được ngồi tầu ngắm cảnh và qua Nam Ninh.

Tôi đề nghị:
1- Phối hợp với Hà Nội để tổ chức cho một số anh em trong Nam ra Hà Nội để đi cùng, giành cho các đ/c thích kết hợp ra chơi ngòai HN.
2- Còn Đòan trong Nam, nên đi theo tour TP.HCM – Quảng Châu – Quế Lâm
Nếu nhất trí sẽ làm việc với Công ty du lịch thay đổi lịch trình một chút:
Ngày 25/10: - Bay từ Tp.HCM, qua QC đến QL. Để tranh thủ thời gian buổi tối có thể đi thăm lại Trường Y Trung cũ, vì đây là khu dân cư có thể đi vào thỏai mái (hợp đồng xe với du lịch, nhờ chị em Mã Quân đưa đi).
Ngày 26/10: - Đi tham quan theo chương trình của Cty du lịch (thí dụ: sáng đi thăm Lô Địch Nham, Công viên Thất Tinh, chiều du ngọan trên Li Giang, tối tự do bát phố).
Ngày 27/10: - Tham gia chương trình của Y Trung (trong đó có bố trí đi thăm lại Trường mới ở Phong Khẩu).
Ngày 28/10 (Chủ Nhật): Sáng tiếp tục du ngọan Quế Lâm. Trưa trả phòng, ăn trưa rồi bay đi Quảng Châu. Đến nơi nhận phòng rồi ăn chiều.
Tối đi tham quan (thí dụ thăm Bách Thú ban đêm - rất đẹp và xem văn nghệ ở đó).
Ngày 29/10: Sáng tiếp tục tham quan Quảng Châu (thí dụ viếng mộ LS Phạm Hồng Thái …). Chiều mua sắm, tối ra sân bay về TP.HCM.
Còn ở Quế Lâm 3 tối và 2,5 ngày - theo tôi - là đủ.
Nên thăm Quảng Châu vì thành phố lớn, hiện đại… để hiểu chính xác hơn về sự thay đổi mạnh mẽ của TQ. Còn Quảng Tây là tỉnh nghèo của TQ, vì vậy Nam Ninh dù hay hơn Tp.HCM và Hà Nội nhưng không rõ rệt như Quảng Châu. Một chuyến đi, tốn khá nhiều tiền cần đạt được nhiều mục tiêu hơn (về lại QL, dự kỷ niệm 70 năm của Y Trung, thăm tỉnh Quảng Tây, biết tỉnh Quảng Đông…).
Nếu anh em nhất trí thì tôi xúc tiến làm việc với Cty du lịch theo hướng này.
-----------------------------------------------------------------


TÓM LẠI:
1. Đề nghị anh em có tham gia blog cố gắng cho biết ý kiến:
- Ai muốn đi máy bay TPHCM-QC-QL và ngược lại thì đăng kí họ tên kèm theo chữ A.
- Ai muốn ra Hà Nội đi bằng tàu, xe thì đăng kí họ tên kèm theo chữ B.
để BLL tổng hợp và ra quyết định hợp lý nhất.

2. BLL các khóa tranh thủ truyền đạt thông tin này, đăng ký danh sách tham gia để BLL nhà trường tiếp tục triển khai kế họach.

Thứ Hai, tháng 6 18, 2007

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

THƯ BỐ GỬI CON
Tựa:
Những năm 90, nhiều lính Trỗi và đồng đội tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường, cũng bôn ba hải ngoại làm ăn, mưu sinh. Dưới đây là 1 trong những kỷ niệm về "cuộc chiến" ấy .


(Tác giả là tập thể những viện sĩ Viện Khoa học VN, Uỷ ban Khoa học xã hội, các nghiên cứu sinh... trí tuệ, giỏi văn chương, biết ngoại ngữ nên hành văn... kha khá!).

Thái Bình, ngày 22.12.1992
Hôm nay cha viết thư này
Gửi qua thằng bạn chỗ mày về chơi
Cả nhà mừng lắm con ơi
Thùng hàng mới nhận bán hời lắm nghe
Ni-ken đẩy được chục que
Vòng bi tháng đậm hơn xe rất nhiều
Điều hoà lãi chẳng bao nhiêu
May mà trong ruột khá nhiều thuốc tây
Biết không: chục kiện ê-may
Tính ra chí ít 5 cây có thừa!
Xô tôn đã dặn đừng mua
Tại sao mày cứ đóng bừa vào đây ?
Thùng sau: lưu ý thuốc tây
Đồ nhôm nghỉ khỏe chớ dây làm gì
Lanh-cô, E-ric, Am-pi ...
Kháng sinh tổng hợp thứ gì cũng chơi
“Gô-đen” xem kỹ con ơi
Kẻo mà quá “đát” là đời đi tong
Hoá chất liệu xoáy được không ?(!)
Cha đang có hợp đồng vạn “đô”
Hải quan con chớ có lo
Thằng nhỡ tao đã gài kho Hải Phòng
Còn như ở tuyến hàng không
Cậu con soi máy khám trong Nội Bài
Từ nay cho đến tháng 2
Chú ba đi Bỉ, dì hai đi Bồ
Đều “tờ-ran-dit” Liên Xô
Thông tin gía cả báo cho kịp thời
Đồng Rup thì mất giá rồi
Lấy “xanh” mà tính lãi lời báo cha
Cần gì ghi thật rõ ra
Quần bò, áo gió, hay là áo phông
Áo thêu ở ngực có hồng
Hay là xi-lip với bông hồng cài
Áo da đểu, sâm Ky-tai
Nữ hoàng lộng lẫy còn xài tiếp không?
Bên ấy gái cộng thì đông
Theo cha nên đánh cả vòng tránh thai(!)
Thể thao mác giả Ky-tai
Hay mì chính Thái với đài Hồng kông
Bây giờ đang giữa mùa đông
Con xem loại tất xù lông thế nào?
Áo ren các kiểu ra sao
Áo thêu chắc đã đi vào sử xanh?
Cá sấu 1 thuở tung hoành
“Nư-nhe” giờ chắc đã thành thiên thu ?
Sự đời nghĩ cũng phù du
Mốt này, kiểu nọ tít mù cung mây
Mốc vừa, nhũ hổ, bướm bay
Bướm giờ gẫy cánh, hổ quay về rừng
Hươu kia khí thế bừng bừng
Nay đang ôm hận giữa rừng áo da
Mèo vừa mới ló sang Nga
Chịu không nổi lạnh vượt qua Pô-lần
Ào ào áo gió ra quân
Hỏi xem sống được mấy tuần nữa đây ?
Xét xem thế sự ngày nay
Thị trường biến hoá đổi thay choáng đầu
Đồ thật thì đắt, tiền đâu ?
Mình buôn thứ ấy bằng hầu người ta
Tiền dân Nga, đất dân Nga
Theo cha đồ rởm vẫn là hời hơn (!)
Ngoài ra trong chuyện bán buôn
Thị trường quyết định thiệt hơn rất dầy
Hàng sang con chớ đổ ngay
Đợi thời mà bán tới tay người dùng
Liên bang rộng lớn vô cùng
Sức trai thỏa chí vẫy vùng đôi chân
Dè chừng cái lũ công nhân
Tham gia “quân đội nhân dân” rất nhiều (đi “bộ đội”)
Mafia chấn lột đủ điều
Quen nghề đạo chích từ nhiều năm nay
Ngang nhiên chiếm cứ sân bay
Chiếm hàng từ cửa máy bay mới về
Tránh voi thôi chẳng xấu chi
Lĩnh hàng chi chúng mấy tì là xong...


(Còn tiếp)

40 năm TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM QUẾ LÂM, TRUNG QUỐC



ĐÀ NẴNG, ĐÊM THỨ BẢY ĐẬM TÌNH NGƯỜI
Nguồn Phúc Học (banngoc199.vnweblogs.com):

Đúng vào dịp khai trương mùa du lịch "Đà Nẵng - biển gọi 2007", Ban Liên lạc Trường học sinh miền Nam Quế Lâm, Trung Quốc đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập tại Khu du lịch Xuân Thiều. Hàng nghìn cưụ học sinh 3 trường Nguyễn Văn Bé, Dân tộc TW, Võ Thị Sáu đã mời các thầy cô giáo Việt Nam từ khắp các miền Tổ quốc cùng 13 thầy cô Trung Quốc tại "Văn phòng 2/9" từ Quế Lâm về Đà Nẵng dự lễ. Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, cựu học sinh miền Nam Đông Triều, cũng có mặt.

Bốn trường chúng ta tuy không còn một mái trường cụ thể nhưng 40 năm qua, chúng ta vẫn nhớ khôn nguôi những thầy cô giáo, những bạn bè, nhất là tình cảm và sự đùm bọc của nhân dân Trung Quốc nói chung và nhân dân thành phố Quế Lâm nói riêng với lũ học sinh Việt Nam ngây thơ, bé bỏng sớm phải xa cha mẹ, xa Tổ quốc sang đất bạn học tập. Có một bạn gái Trường Võ Thị Sáu cảm động tâm sự: "Khi sang Quế Lâm em mới học lớp vỡ lòng và chỉ là đứa con nít 6 tuổi, suốt ngày khóc nhớ ba nhớ má, đòi về nhà quầy quây. Vậy mà năm 1975 khi trở về nước thì em đã 14-15. Như có một phép mầu, nhân dân Trung Quốc đã biến em thành là một thiếu nữ...".


Đoàn Trường Trỗi do Trưởng Ban Liên lạc miền Trung Võ Minh Ấn k2 dẫn đầu cùng các anh Dương Quang Phụng k2, Nguyễn Thanh Hải k3, Huỳnh Hữu Dũng k4, Phan Hoài Lưu k5, Nguyễn Phúc Học và Chiến k7. Đoàn ta được bố trí lên chúc mừng vào "thời điểm vàng". Đại tá Thanh Hải Cục trưởng Cục Kỹ thuật QK 5 có bài phát biểu nói lên tình cảm "thuỷ chung như nhất" của các trường Việt Nam từng tá túc ở Quế Lâm với nhân dân Trung Quốc và sự trưởng thành của lính Trỗi ngày hôm nay. Bài phát biểu được đánh giá cao.


Thầy trò sau mấy chục năm mới hội ngộ, thật hoan hỉ. Thầy cô từ Quế Lâm sang thấy được sự trưởng thành của các em học sinh ngày nào mình nuôi dưỡng, giáo dục và tận mắt thấy được những đổi thay ở thành phố Đà Nẵng nói riêng và khắp Việt Nam nói chung. Pháo hoa rợp trời. Chị Lư Mỹ Niệm cũng có mặt trong đoàn và chụp ảnh chung với anh em ta.

Xin cảm ơn các bạn Trỗi ở miền Trung đã thể hiện những gì RẤT TRỖI, RẤT LÍNH VÀ RẤT TÌNH NGƯỜI! Hơn nữa các anh đã góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt-Hoa "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững" như Bác Hồ và Bác Mao hằng mong ước!
Chúng ta đã biết làm công tác NGOẠI GIAO NHÂN DÂN!


Tin buồn (nguồn gia đình)

Nhà văn Quân đội Hữu Mai từ trần.

Hôm qua trong khi đang đi trên đất Tam Nông, Hạnh Phúc nhận được điện thoại của cháu nội nhà văn Hữu Mai (con anh Hữu Bình, là bạn thân của con gái H.Phúc) báo tin ông nội vừa mới mất.
Anh em ta chắc là có nhiều người từng được gặp Ông, có quan hệ với các anh Hữu Bình, Hữu Việt, xin báo tin để các anh biết và chia buồn với gia đình.

Mỗi tuần một chuyến đi: 17/6/2007: "ba trong một"

Kế hoạch cho chuyến đi này đã được định từ tuần trước nữa, do Từ Ngữ mời về vùng đất dự án của hắn: Phú Thọ. Đến cuối ngày thì thực hiện được đến ba cuộc. Thế nên gọi là "ba cuộc gặp trong một chuyến đi".
7h30 sáng Từ Ngữ với vợ, chị Bình Dân, và cháu nội cùng hai bạn Việt Thắng, Thanh Liên chờ chúng tôi ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia đầu đường Láng - Hoà Lạc. Bên này có Tương Lai, Công Minh (hai bạn xấu), Hạnh Phúc, Quang Thắng và tôi. T.Lai và C.Minh do tôi rủ đi theo thông lệ hàng tuần, với OK của chủ xị Từ Ngữ. Vì thế Từ Ngữ nói không ngờ gặp được hai tên này, mang lại một chút bất ngờ. Cũng định rủ Trần Hà và Thanh Bình đi chơi luôn, mấy khi có dịp gặp nhau. Nhưng Trần Hà lại trực, đành thôi.
Cứ tưởng dắt nhau đi lọ mọ khai thác đặc sản vùng quê. Hoá ra không phải như vậy, Từ Ngữ đưa đến chỗ đang tiến hành dự án để tranh thủ làm việc. Vì thế còn có cả một lãnh đạo huyện và mấy cán bộ chủ chốt của xã có dự án, một vùng quê trung du. Đi đường qua Sơn Tây, Trung Hà, Hưng Hoá.
Bạn bè được một phen nói chuyện với nhau như ngô rang. Hội Lí Thường Kiệt (Q.Thắng, H.Phúc, Th.Liên), hội Trỗi và hội Tổng hợp, đủ các loại chuyện đan chéo nhau.
Thức ăn khá thịnh soạn, các món đặc sản giản dị của Phú Thọ.
Chụp một số ảnh, đến khi biên tập chọn, đổi tên ảnh thì thao tác sai, các ảnh cần giữ bị mất gần hết. Chán quá, không đưa cho vợ chồng Từ Ngữ được mấy cái ảnh chụp cuối cùng với toàn thể mọi người ở địa phương.
Chiều về cả bọn ghé qua nhà Bình tớn để Từ Ngữ, Hạnh Phúc, Thanh Liên và Quang Thắng lần đầu biết nhà bạn. Tranh thủ lấy mấy con gà chọi "sạch", theo giá xuất ra thị trường.
Đang ở nhà Bình tớn thì Đại Cương gọi ời ời đi uống bia với Nguyễn Kích trong Nam ra. Cuộc tụ tập này có cả mấy cậu khoá 5, khoá 3 và đông nhất là khoá 4. Mọi người nói chuyện vui vẻ. Nguyễn Kích vẫn được mọi người nhớ với dáng xương xương, hiền lành. Từ Ngữ nhắc lại thời kì khó khăn nhất khi ở chiến trường CPC thì gặp Nguyễn Kích tiểu đoàn trưởng Quân y, may quá có bạn giúp. Lại hẹn một cuộc trưa mai.
Sau mới thấy lạ là Nguyễn Kích chuyển lên học k3, sao lại học y nhỉ. Vì k3 ít người học y lắm, đặc biệt nam giới chủ yếu là đi kỹ thuật QS chứ nhỉ.
Nói chuyện với Phạm Vũ Thắng mới biết hôm Thứ Bẩy mấy anh Tuấn hủi, Vũ Thắng, ... đi lên Lữ Công binh (N43?) ở Hưng Hoá. Lữ trưởng là anh em kết nghĩa với Nhân ve, vì thế được đón vào cho đi tham quan doanh trại vốn là nơi cấp 3 trường mình ở năm 68-69. Vũ Thắng nói mấy cái nhà ở vẫn còn, khang trang lắm. Mấy cây phượng (dọc đường đi?) cũng vẫn còn. Và đơn vị có ý định làm một cái bia đá ghi nhận truyền thống doanh trại. Sẽ có một dòng cho Trường VHQĐ (TSQ) Nguyễn Văn Trỗi thời kì 1968-1970. Hi vọng ý tốt của đ/c Lữ trưởng tạo đ/k cho anh em đã từng ở đây về thăm "di tích" có thể thực hiện được.