Thứ Sáu, tháng 4 27, 2007

Gặp nhau cuối tuần

Ngày 25/4 Dương Minh về dự hội làng ở quê. Tôi đi với hắn suốt cả ngày, mà việc tốn thời gian nhất là chịu trận 4 giờ đồng hồ tắc đường ở Cầu Chui do xe con-tai-nơ lật. Buổi chiều, trên đường về, Dương Minh gọi điện mời Phúc ăn tối ngày hôm sau, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Nói chuyện một hồi thì Dương Minh và Hạnh Phúc thành những người đồng tổ chức một cuộc gặp anh em mà việc quan trọng của Hạnh Phúc là mời cho được các bạn gái.
May mắn Tuấn Sơn cũng đang ở Hà Nội, rồi lại cả Kiến Quốc. Thế là một cuộc gặp nho nhỏ được thực hiện ở nhà hàng CLB Thanh Niên (tên cũ) hồ Thiền Quang. (Xem ảnh tại đây)
Vợ chồng Hồ Sơn-Thanh Tâm, Châu Nguyên, Hạnh Phúc, Phú Hòa, Tuấn Sơn, Dương Minh, Hồ Trương, Công Minh, Kiến Quốc và Việt Thắng.
Vẫn có chuyện những bạn chưa gặp lại từ 1969, như Hồ Sơn và Tuấn Sơn. Là hai trong số những người chơi bóng đá giỏi nhất của khoá, Tuấn Sơn và Hồ Sơn rôm rả ôn lại chuyện cũ.
Trong Nam, k4 lúc này cũng đang tụ tập ở nhà Vũ Đại Định. Điện thoại qua lại mà chắc là chả ai nghe được gì nhiều. Hồ Sơn nói chuyện với Đại Định, họ là chiến hữu cùng trong Bộ TLTT. Hồ Trương nói chuyện với Văn Công Phước về chuyện công tác mới của Phước, xem ra chưa "chốt" ở đâu. Hình như Thanh Tâm có nói chuyện học với Đại Định từ nhỏ, trước khi đi trường Trỗi. Công Minh và Kiến Quốc nói chuyện còn xa hơn nữa, về cuộc "trốn trại Nhi đồng Miền Bắc" do Công Minh chủ mưu, Kiến Quốc là một trong lô "đệ tử" đi theo.
Có lẽ chi tiết thì khác nhau nhưng đại thể những cuộc gặp như thế này của Trỗi thì cũng giống nhau thôi, chuyện xửa xừa xưa cho đến chuyện nay. Chuyện nào cũng đều nói rất thoải mái và vui vẻ, bạn xưa có cái hay là thế.

TÔI NHẢY DÙ - Hà Chí Quang

Cũng như nấu một món ăn, tôi có bỏ gia vị vào bài này để được … vui thêm một chút.

Tùy bạn xếp tôi vào hạng lì hay nhút nhát để xác định mức độ gia giảm trong bài này.

Chúng tôi, học viên Lớp dù tròn khóa 1 Câu lạc bộ Hàng không phía nam, xin thề!

Thứ Ba, ngày 24/04/2007.

Sáng nay, chúng tôi – nhóm học viên nhảy đợt đầu tiên – tới Câu lạc bộ chuẩn bị cho cú nhảy dù vào sáng mai. Quái lạ, gấp dù không biết bao nhiêu lần, thế mà hôm nay coi bộ nghiêm túc quá. Anh bạn gấp dù chung với tôi cứ tẩn mẩn co, kéo, nắn vuốt từng chút một, cố gửi gắm tình cảm vào cái dù của Ngày Mai. Cũng phải, ngày mai nhảy từ độ cao chừng 900 mét xuống đất bằng cái dù do chính mình gấp, được thua do mình (mình làm mình chịu kêu mà ai thương). Quan trọng hóa vậy thôi chứ huấn luyện viên kiểm tra tụi tôi sát sao từng chút một, thậm chí “nhảy vô” gấp dùm.

Thứ Tư, ngày 25/04/2007.

5 giờ sáng, tất cả tề tựu tại Câu lạc bộ. Xe đưa chúng tôi ra sân bay. Sân bay hoạt động náo nhiệt. Tới nơi đã thấy dù “xếp hàng” ngay ngắn trên các tấm bạt trải ở góc sân.

Tập hợp. Hàng đầu là cánh phi công chuyên nghiệp tham gia huấn luyện định kì. Hàng sau là nhóm học viên tụi tôi. Cuối cùng là tốp huấn luyện viên dù. Huấn luyện viên hô anh em khởi động, rồi nhận dù, chỉnh dây đai, gài dù phụ, thao tác hệt dân chuyên nghiệp (nếu bạn đứng từ xa nhìn lại).

Quân y đo huyết áp – một “thủ tục thông quan”. “Bao nhiêu, bác sỹ”? “110/70, tốt”! “Anh kí vào đây”!

Chuyến bay thứ nhất dành cho cánh phi công chuyên nghiệp.

Chuyến thứ hai, nhóm học viên chúng tôi lục tục lên máy bay.

Máy bay cất cánh. Tiếng động cơ rền rĩ. Mây trời, mặt đất thấp thoáng.

Tới Biên hoà rồi.

Không thể nói tâm lý chúng tôi hoàn toàn bình thường.

Huấn luyện viên nhảy “khai trương”. Từng tốp 4 người một thứ tự tiến ra phía cửa và lần lượt “biến” khỏi máy bay, không do dự. Khá khen mấy ả Tố nga. Trong tốp nhảy, tôi nhẹ kí nên bị “dúi” xuống cuối hàng quân. (Theo quy tắc quân dù, anh nặng kí nhảy trước, anh nhẹ nhảy sau, cứ theo trọng lượng mà tuần tự, cấm cãi. Tôi giải thích ở đây để các bạn chớ hiểu là tôi nhát gan, lủi xuống cuối hàng quân).

Khách” xuống hết, tôi vào vị trí chuẩn bị. Chân trái bên trong, chân phải cách cửa 35 cm, xuống “trung bình tấn chéo”, rất chuyên nghiệp! Gió phừng phực qua cửa máy bay. Huấn luyện viên hô “nhảy!”. Đạp chân trái vào mép cửa máy bay, tôi “phi” ra ngoài.

Rơi được 1 giây.

Chân không đến đất, cật không đến giời. Hun hút, hun hút. Ruột gan nhảy lên đầu. Hồi thời phổ thông, mình chê ông Tố Hữu không biết gì về giải phẫu khi ông tả Mỵ Châu “… trái tim lầm chỗ để lên đầu …”, nay mới biết ổng có lý, ít ra là trong hoàn cảnh này.

Rơi được 2 giây.

Hai bàn chân mềm như con sứa bị dạt lên bãi cát nóng bỏng. Chắc bộ mặt bây giờ méo xẹo, vô phúc cho mình nếu có tay săn ảnh bay ngang qua không phận.

Rơi được 3 giây.

Giật chốt mở dù!

Rơi được 4 giây.

Rơi được 5 giây.

Rơi được 6 … Sao lâu vậy kìa, dù không mở chăng? Hay ta hô khẩu hiệu? Có lẽ mình chọn khẩu hiệu mà anh Nguyễn Văn Trỗi đã hô trước pháp trường?

Hực! Cơ thể bị một bàn tay khổng lồ giật ngược, giống hệt chú ếch ăn trúng dây câu.

Vội vàng ngó lên trời : dù mở đẹp. Ơn đảng, ơn chính phủ.

Yên chí rồi. Lật đật chỉnh lại dây đai để tạo thế ngồi “chững chạc”.

Ngẫm lại mới cảm thông cho người đời, cứ ham thích ô dù.

Ngó xuống đất : đồng ruộng, thành phố trong tầm mắt.

Rõ thật là : “Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu,

Vạn lý phong vân cử mục tầm”.

Tạm dịch : Một vòm trời đất nhốt một tấm thân nhỏ bé,

Gió mây vạn dặm nhưng với ta chỉ gói gọn trong tầm mắt.

(Ghi chú : Đây là câu thơ của thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu, thế kỉ XVIII)

Thú vị thật. Không biết mây trời đẹp hơn hay thơ mặt đất đẹp hơn.

Nhìn sang bên, anh bạn cùng tốp nhảy dù chắc đang hưởng thú “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Xuống cách mặt đất chừng 300 mét, loa phóng thanh gọi lên nhắc nhở những cái đầu mơ màng. “Số 4 kéo dây lái phải” – tiếng gọi ấm áp từ MẶT ĐẤT.

Bực thật, mình kéo dây lái “như điên” mà cái dù cứ lần khân không “xích vô” cái vạch chuẩn “chữ T”. Thế là mất toi cái phần quà của ông trung tá Chủ nhiệm Câu lạc bộ hứa tặng cho người “cán vạch”.

Số 4 chụm chân chuẩn bị tiếp đất”.

Tôi vươn người kéo hai dây sau. Mặt đất trôi tà tà như khi chạy xe gắn máy đi dạo phố. Tiếp đất này! Huỵch! Thẳng tắp như cột đèn, hẳn mình tiếp đất đúng “thế võ” đã luyện tập.

Vỗ trán, sách nói sau khi tiếp đất phải lộn một vòng rồi chạy ngang để tránh bị dù kéo lê dưới đất. Thế là tất tưởi nửa bò nửa chạy, được ba “bước bò” nhìn lại thấy vòm dù hạ xuống yên vị dưới đất mà bật cười. Dù có kéo mình đâu mà phải áp dụng bài chạy ngang chạy ngửa. Thôi, cuộn dù. Cuộn bó dây dù quanh tay, rồi kéo qua, xong rồi … Một anh chiến sỹ đạp cây rẽ lối tới giúp tôi cuộn dù, “chú cứ để cháu”. Hai “chú cháu” lễ mễ mang dù về khu vực trung tâm.

Về tới khu vực trung tâm, anh em lao xao chúc mừng, tặng hoa, chụp hình. Cánh phi công chuyên nghiệp dàn một hàng ngang, vui vẻ bắt tay chào hỏi. Tụi tôi thi nhau kể lại cảm xúc “đầu đời” – từ trên trời rơi xuống đâu phải trò đùa. Trời chỉ to bằng cái vung. Nhóm phi công im lặng lắng nghe, độ lượng.

Lui quân.

Về tới câu lạc bộ, tụi tôi rôm rả gấp dù cho chuyến ngày mai. Cảm xúc vẫn còn y nguyên.


Thứ Năm, ngày 26/04/2007.

Hôm nay mùng mười tháng ba, giổ tổ Hùng vương. Lẽ ra phải thắp cho cụ tổ nén nhang.

Nhóm “nhảy dù đợt một” bỗng trở thành “cựu binh” trước anh em chưa được nhảy, tư thế tác phong dường như chững chạc hơn.

Ra sân bay. Đeo dù. Lên máy bay. Lượt này có người nhẹ kí hơn, nên tôi không bị xếp hạng chót.

Chuẩn bị nhảy.

Rời cửa máy bay! Rơi được 1 giây. Rơi được 2 giây. Hình bóng Mỵ Châu và con sứa trên bãi biển dường như đã mờ nhạt. Tại sao mình rơi cứ bị nghiêng nghiêng thế nhỉ?

Rơi được 3 giây. Giật chốt mở dù!

Rơi được 4 giây. Rơi được 5 giây. Tôi cảm nhận rõ vòm dù, dây dù đang tuôn ra trên vai. Theo sách thì mình đã rơi được 110 mét, cũng có thể là 147 mét.

Hực! Nhìn lên, dù mở trắng muốt, tròn xoe như … dù tròn.

Không gian bao la.

Vừng đông đã hửng sáng,

Núi non xanh ngàn trùng.

( nói cho có vần có điệu, chứ Biên hòa làm gì có núi non).

Nhổ nước miếng kiểm tra xem gió chiều nào mình che chiều đó. Không có “một miếng gió”, chẳng biết nên che chiều nào. Thôi thì, lúc lôi dây lái, lúc vời dây … điều khiển, quyết cho dù nó lạng qua lạng lại một chút “làm mầu” với mặt đất. Chẳng gì mình cũng là dân”cựu binh”.

Mặt đất gọi.

Sẵn sàng này! Tiếp đất này! Hai chân khép chặt, xuống rất đẹp, huỵch! Ủa, sao cái mông lại dở chứng gõ xuống đất Hôm nay sao mình kém thế. Lỗi tại Gió chứ không phải tại Bọ. Ngó qua đã thấy một anh chiến sỹ có mặt. “Lúc chạm đất, chú không được bỏ tay ra” – anh ta góp ý. “Ừ, chú quên”. Chú cháu thu dù.

Lên xe, lui quân.

Về tới câu lạc bộ, anh em thi nhau kể lại cảm xúc “đầu đời” – từ trên trời rơi xuống đâu phải trò đùa. Trời chỉ to bằng cái vung. Nhóm “nhảy dù đợt mt” im lặng lắng nghe, độ lượng. Cựu binh ắt vênh váo.


Thứ Bảy, ngày 28/04/2007.

Chúng tôi ra sân bay, trước để động viên chuyến nhảy “khóa sổ” của Lớp dù tròn khóa 1, sau thì, biết đâu đấy, máy bay dư ghế, huấn luyện viên cho mình “quá giang”, nhảy dù “ké”.

Cứ đà này thì chẳng mấy hồi mình kỉ niệm cú nhảy dù lần thứ một ngàn.

Hà Chí Quang.

Thứ Hai, tháng 4 23, 2007

Đi sau thì nhặt ống bơ vậy!

Đi sau thì nhặt ống bơ vậy! Anh Chí Quang đã nói như vậy. Thế thì tôi kể chuyện chúng tôi đi sau cuộc chiến và đã nhặt ống bơ như thế nào.

Đoàn Tổng cục Kĩ thuật vào tiếp quản các cơ sở kĩ thuật của quân đội SG tại SG tới đích vào ngày 2/5/1975. Các đoàn khác trong đoàn nhanh chóng đi tiếp quản các nhà máy, ... Riêng đoàn của Viện Kĩ Thuật Quân sự thì chưa có ngay cái gì để tiếp quản. Vì Viện KTQS xưa nay chuyên làm những việc không giống ai. Chờ để người ta “chê” thì mới đến lượt mình.

Rồi cũng dần lộ ra những thứ đó. Nhiều nhất là các trung tâm điện toán. Đoàn chúng tôi nhận ngay việc bàn giao từ các đơn vị quân quản các trung tâm này. Công ty IBM và điện toán Bộ Quốc phòng ở đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng?), điện toán tiếp vận ở đối diện ga sân bay TSN, điện toán nhân viên và xưởng in trong Bộ TTM (nay là trụ sở QK7), sau đó còn có điện toán nhà thầu xây cất Pacific trong sân bay TSN, phía gần ngã ba Chú Ía. Chuyện liên quan tới các trung tâm toán máy tính này trong một hai năm đầu giải phóng tôi cũng có nhiều duyên nợ, vì họ là chủ nhà cho bọn tôi tá túc. Nhưng kể ra thì lại đá lộn vào sân của các anh Thế Nam, Tự Thành, Dương Minh, ...

Vài tháng sau Đoàn chúng tôi lại tiếp quản thêm một căn cứ thiết bị cảnh giới chống thâm nhập, gọi là Tác chiến Điện tử. Thế là sau một thời gian phiên hiệu của các đơn vị thuộc Đoàn có B30 quản lí máy IBM-360/30 của nhà thầu Pacific, B40 máy IBM-360/40 điện toán nhân viên, B50 máy IBM-360/50 điện toán tiếp vận, B60 tác chiến điện tử, Đoàn bộ ở 240bis Pasteur và một số cơ sở khác.

Tôi được điều về B60 khoảng cuối năm 75. Trong số gần chục anh em bộ đội ở đây thì Trỗi đã tới 3 người là Hoàng Quốc Trinh k1, Đinh Trọng Thành k2 và tôi k4. Căn cứ tác chiến điện tử này nằm lọt trong nhà máy sửa chữa thiết bị thông tin 751 do Bộ TLTT quản lí, có một vòng rào riêng. Theo quy chế của quân đội Sài Gòn thì căn cứ này có 3 khu vực. Qua cổng là tới sân và các cơ quan, bộ phận hành chính, bếp ăn, ... Qua một cổng thứ hai là tới các xưởng sản xuất, sửa chữa các loại thiết bị thông tin. Qua một vòng rào thứ ba là vào căn cứ tác chiến điện tử.

Căn cứ tác chiến điện tử vốn thuộc quân đội Mĩ quản lí, đặt ở Cam Ranh. Sau Hiệp định Paris quân Mĩ rút về nước, nhu cầu và khả năng sử dụng các thiết bị cảnh giới mặt đất giảm sút. Vì đây là loại thiết bị điện tử hiện đại, việc triển khai, xử lí dữ liệu thu được, bảo đảm hậu cần cho nó rất tốn kém. Một trong những thiết bị được nhiều người biết tới là cây nhiệt đới được dùng trên đường Trường Sơn. Tóm tắt về hệ thống này được mô tả tại bách khoa toàn thư mở tiếng Việt, trong đó nêu rõ “Trung tâm Cảnh giới Xâm nhập (ISC hay Infiltration Surveillance Center) đặt tại căn cứ không quân Mỹ tại Nakhon Phanom, Thái Lan với diện tích 18.500 mét vuông, được trang bị máy tính IBM 360/65 thuộc loại hiện đại nhất khi đó làm nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ và xử lý dữ liệu nhận được từ các máy phát hiện”.

Một trong những việc chúng tôi phải làm là thu hồi tất cả các thiết bị thuộc hệ thống này ở tất cả mọi nơi về để quản lí, khai thác. Một lần, hình như còn trong năm 75, tôi và Đinh Trọng Thành (không nhớ có đúng không) được giao nhiệm vụ đi thu hồi thiết bị ở khu vực Vũng Tầu. Ở đó đáng chú ý có trường kĩ thuật thông tin của quân đội Sài Gòn và đài thông tin đối lưu trên Núi Lớn là những nơi có thể có thiết bị điện tử cảnh giới thâm nhập.

Chúng tôi đi Vũng Tầu trên một xe đầu kéo và một cái sơ-mi rơ-mooc vừa to vừa dài, như xe chở công-tai-nơ bây giờ, nghĩ là có nhiều máy móc chở về lắm. Cả người cũng mang theo một số nhân viên cũ, khoẻ mạnh, để nhận diện và khuân vác thiết bị.

Đến Vũng Tầu vào ngay trường kĩ thuật thông tin. Lúc này chắc là các anh Công Minh, Văn Tuấn chưa về đây làm thầy. Vì mới tiếp quản, quân ta đã tổ chức đào tạo ở đây đâu. Cả trường vắng hoe, giống các cơ sở tiếp quản khác. Nhanh chóng chúng tôi biết là ở đây không có gì để mà nhặt cả. Không biết Đinh Trọng Thành (nếu hắn có đi chuyến này) biến đi đâu, mà việc liên lạc lên Núi Lớn là tôi làm.

Suốt buổi sáng đi đường, làm việc với đơn vị quản lí Trường, hỏi han cặn kẽ thì đã gần trưa, chúng tôi lo ăn trưa rồi mới gọi nhờ điện thoại ở đây lên Đài Thông tin Núi Lớn. Gặp một cậu chiến sĩ, nói là chúng tôi cần làm việc với thủ trưởng đơn vị. Cậu ta trả lời “thế thì chiều thủ trưởng gọi điện lại”. - Thế thủ trưởng của các anh không có nhà hay sao? “Dạ, có ở đơn vị, nhưng thủ trưởng đang ngủ”. Trời ạ, không biết cái bọn chết tiệt trên núi chúng nó làm gì mà đã kịp ngủ trưa rồi. Mà cái thằng thủ trưởng ở trên đó nó làm cái gì mà “hợp đồng chiến đấu” cũng phải chờ sau giấc ngủ của nó. Chả có cách gì khác, thằng lính không chịu gọi ông thần của nó dậy thì có đập cái a-lô cũng chả ăn thua gì. Đành bảo nó ghi lại như thế, như thế để báo cho thủ trưởng và chờ vậy. Lại vất vưởng chờ trong cái nhà hoang, nóng bức.

Chiều, chả nhớ chính xác giờ nhưng liệu chừng thủ trưởng đã dậy, tôi lại gọi điện lên. Một giọng khề khà “à, anh là Hữu Thành hả”. - Vâng, tôi có việc ... “Ờ, tao đây”. - Tao nào? “Tao đây mà” - Ai đấy? “Hà hà, Chí Quang đây”. - Mẹ, tưởng thằng thủ trưởng nào, mày ngủ bắt ông phải chờ. Bây giờ lên có được không, tao có chuyện này chuyện này. “Trên này chả có những thứ như mày nói đâu, có lên chơi thì lên”. - Ừ thế tao lên chơi. “Mày đi xe gì?” - Có cái xe Reo sơ-mi rơ-mooc. “Chả lên được đâu”. - Tao cắt mooc, đi đầu kéo lên thôi. “Cũng chả lên được đâu, chỉ xe jeep lên được thôi”. Chả tin thằng này. Bao nhiêu máy móc thiết bị, ăng ten to đùng chả nhẽ bọn nó chở bằng xe jeep. Nhưng thôi, cũng chả cố. Vì thực ra nói thế cho nó ra vẻ tha thiết thế thôi. Chứ tháo lắp đầu kéo cũng mệt và mất thời gian chứ không đâu.

Buổi đó chuyến về chúng tôi chạy qua đoạn Long Thành, Long Khánh khi trời đã tối mịt. Rừng cao su đen sậm bên đường. Mình thì không có cảm giác gì, nhưng vẻ mặt số nhân viên cũ đi cùng thì trông khá căng thẳng. Không ai nói chuyện với ai. Sau này mới ngẫm ra họ sợ tàn quân còn đâu đó trong rừng ra làm bậy.

Về đến nhà, được tin xe jeep chở Hoàng Quốc Trinh, Bùi Huy Hoàng, Đinh Kim Dực đi công tác bị lật. Không ai chết, nhưng đang còn nằm Viện 175.

Đấy, nhặt-ống-bơ mà cũng có được yên thân đâu. Mệt mỏi thường xuyên, đôi khi nguy hiểm, hiếm khi nhưng không phải không có lúc bị khổ nhục. Mà lại là khổ nhục do thằng bạn gây ra mới đau chứ.

Thứ Sáu, tháng 4 20, 2007

Chuyện cũ xem chung

Cái này đương nhiên là của Thanh Minh. Nhưng hắn viết không cho riêng ai, tuy rằng lá thư "ngỏ" của Thao láo là một tác nhân trực tiếp, có tính "thách đố". Theo lời Thanh Minh gửi cho tôi đây là "món quà tinh thần tặng anh em ngày 30/4". Vậy thì tôi đăng lên đây theo tinh thần đó.
Riêng tôi, vốn không nghĩ rằng Thanh Minh có thể "văn" được như vậy, chắc phải chấn chỉnh lại quan niệm của mình rồi. Hữu Thành.
-----------------------------------------------------------

Ngày này năm ấy

Mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Nhìn lại cuộc đời trôi qua như khoảnh khắc. Mình chẳng làm được gì nhiều, sống sao cho khỏi tự hổ thẹn với lương tâm đã là khó. Bao nhiêu ngày 30/4, song chỉ có một 30/4/75 là đọng lại trong lòng ta ánh chớp chói lòa.

Theo đề nghị của anh, tôi viết đôi chút về những chuyện ngày ấy.Thú thật, với thâm niên Trường Sơn như anh, tôi lại đòi "kể chuyện TS " thì quả liều mạng. Viết về đề tài chiến tranh mà thiếu mùi máu, lửa, bi thương e không đạt.

Chuyến viễn du của tôi chỉ có ít ngày, không bom mà cũng chằng đạn. Chưa kịp bị sốt rét rừng, chưa kịp nhìn thấy "chú nai vàng", "bướm bay lèn đá" đâu cả thì đã đến đích rồi. Bởi vậy chuyện của tôi chắc chỉ là tự sự, nặng về tâm trạng và cảm xúc ...

Thế này bạn ạ, đối với tôi chuyện đi B là lẽ đương nhiên, so với anh em, chẳng qua mình chỉ về quê sớm thôi mà .

Trong khoảng trống giữa đợt ngưng ném bom. Trước vụ "12 ngày đêm" một tuần, tôi về HN. Ông già tôi cho biết "chiến tranh sắp kết thúc", mình hiểu rằng mọi cái phải nhanh lên. Vào giai đoạn đó, chẳng ai nói với mình chuyện này. "Tất cả cho chiến trường", cuộc chiến như kéo dài bất tận... Sau đó là B52 đánh HN, ĐHQS hành quân sơ tán ...

Khi ra trường (1974), tôi và Thanh Kỳ (Trỗi K3) cùng về nhận công tác tại A -157 Cầu Diễn (Nhà máy Ô tô quân sự). Hàng ngày bọn tôi tháo động cơ xe đưa vào đại tu, trời rét như cắt, tay chân dầu mỡ tèm lem, cứ tháo rửa xong 1 máy bọn tôi lại phải đốt lửa hơ tay cho đỡ cóng - cái thời mà hai bàn tay đầy dầu máy, chỉ cần xoa mùn cưa là có thể xé bánh mì đánh chén...

Trong nhà tập thể của đơn vị, có hai cái giường cá nhân bỏ không trong góc, giường đã từ lâu không thằng nào dám nằm. Theo lời lính cũ: ai nằm vào đó đều phải đi B!? Bọn tôi chẳng nói chẳng rằng, chiếm ngay chỗ ấy trước bao cặp mắt tròn xoe ái ngại của anh em. Không biết hai cái giường ấy "linh" đến mức nào mà chỉ mấy tháng sau cả hai thằng đều đã ở chiến trường! Thật cứ như lời nguyền của Pharaon vậy. Sở dĩ tôi nói chuyện này là vì với số đông bọn Trỗi mình, cái chuyện "đi -ở","được - mất" nó cũng "nhẹ" thôi, không phải so đo toan tính nhiều. Với lại, thực tình, lúc ây tôi cũng chán cái cảnh sống vô vị ở nhà máy quá rồi. Mà cũng lạ, bọn Trỗi có thể chịu gian khổ nhưng không thể quen nổi với sự đơn điệu, nhạt nhẽo chán chường.

Khi Đoàn Cục hậu cần B2 ra HN tôi xin gia nhập ngay (chỗ quen biết với gia đình). Mọi thủ tục giải quyết xong trong ngày, đến nỗi ông chính ủy của nhà máy phải thốt lên "chưa bao giờ có quyết định nào ban hành nhanh như thế".

Hôm sau, vào trong Thành nhận quân trang, vũ khí, đồ đi B, lúc ấy mình mơi cảm nhận có sự thay đổi lớn trong cuộc đời đang chờ đón. Cầm khẩu K54 mới cứng trong tay mà lòng nao nao, bồi hồi như đứa trẻ được món quà nó thích. Đây mới là khẩu súng thực sự CỦA MÌNH - người bạn đồng hành trên chặng đường dài phía trước.

Trong túi cứu thương lần này, bên những viên Phòng 2, Phòng 3 (phòng sốt rét TQ) còn có khá nhiều kháng sinh và thuốc đường ruột ... Theo nhận định của mấy anh cán bộ B2 trong đoàn "chắc đợt này về đồng bằng, tôm, cá nhiều nên lãnh đạo lo xa". Nhờ tích cực 'hóng hớt" nên tôi biết thêm, hướng chiến dịch lần này sẽ phát triển về Đồng bằng sông Cửu long. "Các Cụ" muốn dụng chước "lấy nông thôn bao vây thành thị " của Mao!?

Về sau, mình mới biết đó là kế hoạch ban đầu: Mỹ rút, ngụy chưa ổn định, ta giành đồng bằng Khu 8, Khu 9 để rồi 2 năm sau mới đánh SG. Kế hoach này đã thay đổi khi thời cơ lớn đến.

Đoàn tôi đi, mật danh Đoàn 54Q, gồm 3 xe (1 Uoat, 2 CA-30)...khi vào đến gần Tây Nguyên mới biết kế hoạch thay đổi và từ đó "thần tốc" như ... xe tốc hành về đến Lộc Ninh...

Muốn viết cho anh theo kiểu "Nhật ký hành trình" giờ cũng chẳng nhớ được bao nhiêu. Hôm tôi đi, HThành ra tiễn chứ nào như anh nghĩ. Chẳng có ai "thẫn thờ cắp nón đứng trông theo". Người quân tử mà, ai bi lụy thế, song nhớ Hà Nội quá chừng. Cái thành phố mà mình gắn bó cả tuổi thơ và tình bạn. Dấu ấn này mạnh đến nỗi sau bao nhiêu năm sống ở SG mình vẫn không hòa nhập được bởi cảm giác chơi vơi, trống vắng.

....Xe vào đến Nam Bến Hải, tôi không nhớ đi được bao lâu thì đến bản doanh của 559. Khu vực này không bị máy bay, phi pháo gì cả . Ấn tượng ban đầu là ở đây đang hoạt động như một xưởng mộc lớn. Chiếc Zil-130 bị vặt mất thùng, tháo bánh sau, kê xatxi lên. Phần sau hộp số lắp bộ cưa đĩa sáng choang, quân ta cứ rú ga, gài số xẻ thịt cây rừng như ăn gỏi (mà sao các chú lâm tặc thời nay không biết áp dụng nhỉ?) Trong hội trường, nhà khách cơ man nào là đồ gỗ quý, tuy thô ráp nhưng vật liệu thì không chê vào đâu được. Những đoạn gốc cây cổ thụ bị cắt ngang cả rễ, đánh vecni làm bàn ghế ... rồi nào phong lan, cây cối ... Chiến trường đang ở đâu?

Có thể do tính chất đặc biệt của chuyến đi mà mãi sau này mình mới biết xe chở nhiều đôla giấu trong các thùng phuy mỡ bò và một số "hàng độc" khác nên trên suốt chặng đường, theo quy định, mình không được hỏi địa danh. Đó chính là lý do mà mình không kể được những nơi đã đi qua. Lúc gặp Thao láo trong cảnh tao ngộ trên đường, véo cho hắn cục thuốc quấn Lạng Sơn mình cũng cóc biết đấy là đâu nữa.

Xung quanh lúc này thật vắng vẻ, đại quân như đã "xuống núi" áp sát mục tiêu, sự yên tĩnh trước cơn bão lớn. Đường TS mịt mù bụi đỏ, trời nắng nóng như bốc khói, cây rừng sừng sững uy nghi, ven đường thỉnh thoảng lộ ra những đoạn đường ống dẫn dầu huyền thoại, chỉ lớn bằng bắp chân mà nuôi sống cả chiến trường!

Xe cứ chạy ngày đi đêm nghỉ, ghé các binh trạm, anh em tiếp đón rất nhiệt tình.

Lại nói chuyện xe. Hai chiếc Ca-30 (Hoàng Hà) loại mới khui thùng, chưa chạy roda. Nhiều cung đoạn chạy toàn sồ 2-3, gặp ổ gà xóc gần chết lại còn leo đèo, lội suối... nên chằng mấy chốc là bộc lộ chất lượng Tàu. Tay lái xe lầm bầm "mẹ, mấy thằng công bình làm đường thế này hỏng cả xe ông". Tôi suýt phì cười với ý nghĩ chắc bọn công binh đang rủa "bố, mấy thằng lái xe cày nát cả đường tao". Có lần xe lên đến đỉnh đèo, từ cabô khói bốc ra ngùn ngụt, can nước dự trữ đã hết. Tôi và thằng Bình (trường Bé đi chung đoàn) xung phong đi lấy nước dưới khe sâu. Lấy được nước lên, xe đã ngừng bốc khói, giờ đến lượt "khói" trong lỗ tai hai thằng tuôn xối xả...Vào tới Buôn Mê, tôi thật sự bị sốc bởi mấy chiếc xe đò gắn phuy nước trên mui, chúng có thể chạy suốt ngày đêm mà không cần ngưng máy. Theo tôi biết thì cả 2 thời kỳ đánh Tây, đánh Mỹ ngành xe chẳng ai biết cái mẹo nhỏ lợi hại này. Thế mới hay, chuyện "đi một ngày đàng..".

Vào tới Tây Nguyên, trời tối đen như mực, xe đã lỡ vượt qua binh trạm, giờ phải quay lại (chắc tại món hàng quỷ quái trên lưng) ... Một cán bộ bấm đèn pin xi nhan cho xe lùi, tay lái xe quáng mắt tuột ngay xuống hố bom liền với vực sâu . Tôi và thằng Bình thấy mình từ từ ngữa mặt lên trời trong tiếng kêu hoảng loạn của mọi người . Nhờ giời, một bánh trước còn dính vào gốc cây ... xém chút là có tên trong danh sách liệt sĩ trường Trỗi!

... Khi tới Buôn Mê (vừa giải phóng 10/3), lần đầu tiên mình thấy người dân miền Nam nhưng chẳng có điều kiện tiếp xúc nhiều. Ánh mắt cam chịu xen lẫn lo âu. Mọi cái đều quá mới, họ như đang cố gắng hiểu chúng ta. Ở đây tôi gặp một số lính chiến vừa từ mặt trận Cheo Reo, Phú Bổn về, khá nhiều thương binh. Qua câu chuyện của anh em mình hình dung ra quy mô của "cuộc tháo chạy tán loạn" - Sự rối loạn đến tột cùng về tổ chức. Lính ngụy tháo chạy cùng với cả gia đình, vợ con, tài sản. Trong cơn hoảng loạn, hàng ngàn xe tắc ngẽn, rồi áp lực của quân ta ... vỡ trận là điều không tránh khỏi.

Đoàn xe lúc này đã rời đường TS chạy vào quốc lộ. Những lô cao su thẳng tắp, mênh mông, các rẫy cà phê xanh mướt kéo dài như vô tận. Đất nước mình mới đẹp làm sao. Mấy ai có được cảm giác lâng lâng, bay bổng "mát ga, mát số" trên đại lộ thênh thang mà nhìn xa mặt đường phản chiếu như gương? Chiều đó chúng tôi dừng chân trong căn cứ Playcu. Cả căn cứ không một bóng người (căn cứ này trước là của Mỹ). Địch bỏ chạy, ta chưa đến. Sếp bảo anh em phải cảnh giác, mìn còn nhiều... Tính tò mò dẫn tôi đến từng ngóc ngách. Hầm phòng họp của Ban tham mưu địch như vừa mới giao ban, sổ sách trên bàn, máy thông tin để ở góc phòng, mọi thứ còn nguyên pha chút ngổn ngang. Chúng phải chạy nhanh đến thế sao? Trên tường là tấm bản đồ tác chiến bằng nhựa dập nổi, giữa phòng có một sa bàn lớn, núi non hiện lên như thật, cờ đỏ đanh dấu khắp nơi...

Từ đây, suốt dọc đường hai bên tràn ngập quân trang và vũ khí địch bỏ lại, chẳng ai buồn ngó tới. Dân chạy nạn bắt đầu lũ lượt kéo về. Một cái gì đó như sự sống bắt đầu bừng lên từ tro tàn đổ nát...

Ngày nối ngày, tôi không có khái niệm thời gian, chỉ còn cảm nhận về sự kiện, sự kiện và sự kiện diễn ra đến chóng mặt . Tin thắng trận các nơi dồn dập đổ về. Mọi chuyện đều mới mẻ, ấn tượng pha chút háo hức ly kỳ đầy hứng khởi. Say trong cơ lốc, mình không khỏi ngỡ ngàng - Linh cảm Chiến thắng như đã tới rất gần.

Xe cứ đi và đi, chẳng ai để ý mình đã rời đường nhựa chui tọt vào rừng tự lúc nào. Có thể nó đã ghé qua khu vực hồ Chanra (Đồng Xoài), điểm tập kết cuối cùng của đường TS. Từ đây xe tiếp tuc chạy vể Lộc Ninh - Bộ Chỉ huy của Cục HC Miền. Tôi về đội xe của Cục (tại Cầu trắng) được vài bữa thì thì một chiếc xe jeep chạy tới, xe chở một nhân vật đặc biệt có nước da trắng trẻo hồng hào với đôi mắt sáng trong trầm tĩnh - Nguyễn Thành Trung, anh ta vừa ném bom dinh Độc Lập, đáp xuống sân bay Phước Long thì được đưa về đây. Chỉ ít ngày sau anh lại có mặt trong Phi đội Quyết thắng ném bom TSN.

Bạn tôi ơi, bạn có nghe thấy tiếng sấm rền của dàn đại pháo 130? Ngày 26/4/1975 - Thời khắc lịch sử của Chiến dich HCM đã đã điểm!

Bạn ạ, trong cuộc đời nếu có những phút trầm tư, khi ngươi ta nhớ, người ta sống bằng hồi ức, người ta sẽ nghiệm ra nhiều điều...những tháng năm oanh liệt, hơi thở của cuộc chiến, chặng đường bằng máu dân tộc trải qua ... Để rồi được nhỏ những giọt nước mắt mừng vui trong ngày toàn thắng, thì đó là niềm hanh phúc lớn lao của đời người. Bạn- tôi-chúng ta. Quá khứ qua đi song thổn thức của con tim nhiệt huyết là bất tử.

TP Hồ Chí Minh 20-4- 2007

Thanh Minh

Chủ Nhật, tháng 4 15, 2007

Thư riêng, chuyện cũ, xem chung

Gần tới 30/4, ngày mà, như nhận xét của một nhà báo kì cựu thân quen của anh em ta, không khác ngày thường ít ra là trên phương tiện thông tin đại chúng ngày nay. Nhưng những người thế hệ đồ cổ chúng ta, ngày ấy chất chứa bao nhiêu kỉ niệm. Và dù "gác lại quá khứ", chúng ta vẫn tự hào với những gì thế hệ cho đến chúng ta đã làm được, nhân ngày này.
Có lẽ vì thế anh Thao láo viết một lá thư riêng cho anh Thanh Minh, nói về một câu chuyện cũ, qua tôi để mọi người xem chung. Bởi với chúng ta những gì trải qua ở thời gian đó đều đã là chung và thật đáng trân trọng.
Trong thư ngoài Thao láo và Thanh Minh còn có những bạn khác: Chí Dũng, Nhân ve, Phan Sơn, Chính ngố (vốn k4, sau lên k3).
Xin cám ơn vì hai bạn đã chia sẻ câu chuyện này, cho việc làm của tôi có thêm ý nghĩa.
Hữu Thành
----------------------------------

Hà nội ngày15-4-2007
Thân gửi Thanh Minh,
Mấy hôm nay nằm nhà buồn quá, chợt Thanh Minh điện ra hỏi thăm sức khoẻ, tự nhiên mình nhớ lại giây phút Thao và Thanh Minh gặp nhau trước ngày mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 26-4- 1975, trên đỉnh Trường sơn.
Trong khoá 4 Trường Trỗi chúng mình không biết có bao nhiêu bạn vào Nam trước thời điểm đó. Khi đó chúng mình có lẽ lớ ngớ như gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng, còn đang loạng quạng, ngơ ngác.
Có lẽ bạn Chí Dũng là người đầu tiên đi B năm 1971 và sau hơn 30 năm bạn mới trở về Hà Nội. Tôi nhớ lại ngày đầu nó ra đi cũng gặp không ít khó khăn, không ai đồng ý cho nó đi lúc đó cả. Khoẻ mạnh, đẹp trai học giỏi, chơi đàn ghi-ta và sáng tác một bài hát "Đoàn Kết". Tôi với nó
nhiều lần tâm sự về cuộc sống, về hoài bão và ước mơ kiểu trẻ con. Tôi bảo nó sau này mày sẽ trở thành bác sỹ, nó bảo tại sao và cười nói tao rất yêu chúng mày. Một hôm chúng tôi đi tàu hoả từ Hà Nội lên Thậm Thình, tàu chạy ban đêm, hai thằng ngồi bệt dưới sàn tàu. Hôm đó bạn bảo bạn đang xin đi B chiến đấu, bạn khuyên tôi ở lại học sau này có ích cho đất nước. Tôi hỏi tại sao? Bạn nói rằng bạn cần phải tôi luyện trong chiến đấu ở chiến trường, phải vào Nam chiến đấu. Bạn nói rằng cấp trên gợi ý cho bạn đi học lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô, nhưng thời gian dài quá, học xong thì chiến tranh đã kết thúc rồi, không còn cơ hội. Bạn cũng than phiền có một số bạn chưa hiểu bạn. Việc này Minh đã biết chưa?
Sau khi được sự đồng ý của gia đình và cấp trên bạn rời trường KTQS về đơn vị chiến đấu để luyện tập chuẩn bị đi B. Trước khi hành quân vào Nam chiến đấu bạn về trường gặp gỡ, chia tay với chúng tôi. Hành trang mang theo là bầu nhiệt huyết, ý chí được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, bạn khoe đã là Hạ sỹ và là Phó bí thư chi đoàn. Chúng tôi không có liên lạc được với nhau và hơn 30 năm sau bạn về với gia đình và bạn bè trong một chiều gió mưa mịt mù tại Đài Hoá thân Hoàn Vũ Hà Nội.
Vào Nam chiến đấu muộn hơn Chí Dũng có lẽ là bọn mình: tôi, Minh, Nhân ve, Phan Sơn. Bọn tôi học công trình còn được đi B hai lần, lần đầu vào năm 1973 khi Quảng trị vừa giải phóng xong, trước yêu cầu xây dựng đường Hồ Chí Minh rộng lớn hơn đảm bảo cho việc vận chuyển chi viện cho chiến trường. Chúng tôi được điều vào Đường 9 để tham gia thiết kế, thi công tuyến đường này, nó vừa bị bom đạn tàn phá. Phải nói rằng chúng mình đi B lúc đó nó tự nhiên và nhẹ tựa lông hồng, không do dự, tính toán. Không phải chúng tôi không cảm nhận ra sự gian
khổ ác liệt của chiến tranh đâu. Dọc đường 9 lên Khe Sanh- Lao Bảo mỗi mét đường đều nhìn thấy bom đạn lăn lóc dọc đường, hai bên vệ đường bom mìn nhiều vô kể. Đơn vị tôi ở có anh đi đái dẫm phải mìn cóc. Những cánh rừng còn sót lại là những cây to cây nhỏ không có lá do chất độc hoá học, ban đêm soi đèn ở các nhánh suối có nhiều tôm cá, nhưng không ăn được vị bị nhiễm chất độc. Buổi sáng trong làn sương mù từng đàn quạ từng đàn quạ lượn lờ đi ăn, chúng đông vô kể, ra khỏi làn sương chúng có màu đen, khi lẫn trong làn sương chúng có màu trắng rất rùng rợn. Xin nói thêm để bạn biết, sau khi kết thúc thực tập về trường làm đồ án tốt nghiệp có một bạn trong lớp tôi không muốn đi B lần 2 đâu, tất nhiên tổ chức biết việc đó.
Gia đình tôi cũng như các bạn, việc chúng ta đi B chiến đấu là một việc tự nhiên, dẫu biết rằng thời gian ra Bắc là không định trước.
Trong các cuộc chia tay không có giọt nước mắt, thật là kỳ lạ. Lần đi B thứ 2 (lần đi thật ấy) tình cờ chúng tôi có một đoàn đi tiễn. Ấy là vào khoảng tháng 11/1974 lớp chúng tôi có 8 người được điều về Đoàn 559. Tối hôm đó tập kết tại ga Thường Tín. Đó là quê tôi và anh bạn Lý cùng lớp, chúng tôi bí mật nhắn tin về (lúc đó ai biết thì chết, bí mật lắm). Sáng hôm sau có 3 người cũng bí mật ra tiễn chúng tôi, đó là ông chú, bà cô tôi và cô vợ mới cưới của ông Lý. Tàu gần chuyển bánh đoàn đi tiễn mới dám xuất hiện, chúng tôi thò đầu ra cửa sổ nói chuyện với đoàn đi tiễn rất vui vẻ. Họ rất tự hào có người thân ra trận, chúng tôi vẫn trêu đùa nhau. Khi tàu chuyển bánh, các cánh tay vẫy vẫy, thằng Nhân Ve không kìm được hét lên "khóc đi". Được dịp cô vợ mới cưới oà lên khóc. Chúng tôi lặng im, mặt thằng nào cũng trơ như đá, không ai dám nói gì nữa chỉ nghe thấy tiếng xình xịch của đoàn tàu. Bạn Thanh Minh khi hành quân vào Nam chiến đấu bạn có người ra tiễn không? M.Hoà đang ở đâu?
Vào đến đoàn 559, chúng tôi chia tay nhau mỗi người về một đơn vị, Phan Sơn vào Đắc Lắc, tôi vào Sư đoàn 472 ở ngầm N7 bên Lào, Nhân ve vào Quảng Trị. Chúng tôi đi ô tô theo đường Trường Sơn Tây bên phía Lào lúc đó là mùa khô. Đúng như bài hát Lá Đỏ của Nguyễn Đình Thi, lá vừa đỏ, vừa do bụi đất đỏ Ba Zan. Khi đi vào đây cái gì cũng đỏ, quần áo đỏ tóc đỏ, xe cũng đỏ. Khi vào đến đơn vị tình cờ người ra đón tôi là ông Chính Tồ khoá 3, không có gì thết đãi bạn bè, ông Chính rủ tôi và mấy đứa khảo sát mang bộc phá đi đánh cá. Thế là ăn cá rán và uống rượu Lào. Vừa vào đến đơn vị chân ướt chân ráo thì chúng tôi lại phải hành quân về lại Đông Trường Sơn. Khi về chúng tôi được tập kết tại Nhà tù Lao Bảo, tôi và ông Chính Tồ ăn tết năm 1975 tại Lao Bảo. Chúng tôi tha thẩn tham quan nhà tù cũ của thực dân pháp nơi đã giam giữ bao thế hệ cách mạng V.N. Rộng lớn, hoang tàn đổ nát, không biết bây giờ ra sao - đã là di tích Lịch Sử chưa.
Tết xong chúng tôi tiếp tục về Nước theo đường Đông Trường Sơn, hành quân vào mùa mưa thật là gian khổ. Nơi chúng tôi tập kết thuộc tỉnh Quảng Nam. Đó là một khu rừng nguyên sinh, có lẽ không bao giờ chúng ta còn được trông thấy nữa. Cây cối, chim, thú rừng rất nhiều, ban đêm Hổ ra đường đi dạo. Có những cây to trên đó có rất nhiều tổ Ong mật, nhưng cao quá không làm sao bắt được.
Sau khi tìm hiểu tình hình đơn vị, tôi mới biết toàn bộ Sư đoàn đã rải quân trên toàn bộ tuyến mình phụ trách để chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Vào tháng 3 tôi được giao nhiệm vụ dẫn một tiểu đội khảo sát đi kiểm tra cầu đường chuẩn bị cho vận chuyển lớn. Mình tuy là cán bộ nhưng không ranh mãnh bằng quân khảo sát. Trước khi đi bọn nó chuẩn bị rất đầy đủ, kể cả bó nứa khô để nhóm bếp. Chúng tôi hành quân bộ, với lỉnh kỉnh ba lô súng đạn, xong nồi v.v. Ngày đi đêm nghỉ, tối báo cáo về Sư Đoàn, có gì trục trặc Sư đoàn chỉ thị các đơn vị gấp rút sửa chữa. Đúng là gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng cái gì cũng ngỡ ngàng.
Lần đầu tiên được chìm ngập trong một khu rừng nguyên sinh của đai ngàn Trường Sơn đã để lại trong ký ức tôi những điều tuyệt vời như trong truyện thần thoại. Cây cối thì to lắm cao lắm, nhưng không thích bằng chim thú, bạn Minh vác khẩu súng hơi như ở trừờng KTQS mà vào đây thì không muốn về nữa. (Ở trong đó tôi còn thủ tới 3 khẩu súng). Khi nào có điều kiện bọn ta đi du lịch lại trên tuyến đường này, tôi tình nguyện là hướng dẫn viên.
Khi hoàn thành nhiệm vụ đoàn của tôi, ra về Sư Đoàn, khi xe vào đón, chúng tôi mới biết chiến dịch đã triển khai. Chúng tôi đi trên một chiếc xe Gat51 thùng gỗ, dọc đường ra đã thấy từng đoàn xe vào. Khi ấy toàn tuyến 559 như sôi lên bởi không khí lao động khẩn trương, cấp tập, mà cao điểm nhất là khi tiếp nhận được mệnh lệnh của Bác Giáp: "Thần tốc – Thần tốc - Thần tốc hơn nữa.... " Lúc đó con người ở trạng thái lâng lâng với cảm giác kỳ lạ. Tôi không ngồi trong ca bin mà đứng trên thùng xe để ngắm nhìn đoàn quân tiến vào, liệu mình có gặp ai quen trong dòng quân đó không? Gần trưa hôm đó trời vẫn mưa nhỏ, như có linh tính mách bảo tôi quan sát từ xa thấy trên một thùng xe tải có rất đông người, tôi chú ý nhìn và tôi không tin ở mắt mình. Hình như "Thằng Minh". Đúng rồi tôi hét to lên: Thanh Minh – Trông cậu lúc ấy ngơ ngác, mắt nhớn nhác tìm kiếm (sục sạo). Khi nhìn thấy tôi trông mặt bạn sáng lên và tôi đều chạy trên thùng xe để gần nhau hơn. Xe của tôi sa xuống ổ "voi" xóc mạnh làm ngực tôi đập mạnh vào thùng xe, tôi bảo quân khảo sát đập vào Ca bin bảo xe dừng lại. Bây giờ tôi không nhớ chúng mình đã nói với nhau những gì? Xe tôi dừng nhưng xe bạn vẫn cứ hành tiến, thời gian trông thấy nhau cõ lẽ chỉ tính bằng phút. Tôi chỉ nhớ mình giơ tay lên và nói rất to, tất cả mọi người trên các xe xung quanh đều reo hò. Đi sau xe tôi chở một đoàn TNXP cũng đi ra sau khi thu dọn một trận đánh nào, đó có một cậu phấn khích quá rút ngay khẩu Col chắc là thủ túi chiến lợi phẩm chĩa thẳng lên trời bắn: Bùm- bùm. Có lẽ đó là tiếng của chiến trường ? Bạn còn nhớ không?
Bạn đi rồi tôi mới thấy đau ở ngực, nơi lúc nãy vừa bị đập vào thùng xe. Đó là kỷ niệm không thể nào quên, thật là kỳ lạ làm sao có thể gặp nhau được trên đỉnh Trường Sơn, trong khí thế "Thần tốc – Thần tốc ... "của dân tộc tiến tới giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Bạn Thanh Minh, sau giây phút gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn bạn đã đi đâu, về đâu? Bạn ít kể về mình quá, mình biết rất nhiều bạn có chuyện để kể về những sự kiện trước ngày 30/4/1975.
Thích nghe bạn kể về bạn
Phạm Hồng Thao

Mỗi tuần một chuyến đi: 14/4/2007: lại cho chúng gặp nhau

Phú Hoà lại về. Bây giờ đừng coi đó là chuyện "tái hợp" nữa. Cái gì cũng có một lần, dù có là "kiều" thì lần thứ 2 trở về cũng là bình thường như anh em rồi. Chắc là Phú Hoà và anh em đều coi là như thế.
Biết bọn tôi hay lang thang, Phú Hoà đặt hàng cuối tuần có đi đâu thì cho đi với. Ok, tuần này Bình tớn gọi tôi lên lấy gà con về nuôi. Đằng nào tôi cũng phải mua gà con, đằng nào Bình tớn cũng phải xuất gà đi, vì không thì quá tải. Thế đi lấy gà nhé?
Chuyến đi rủ thêm Tương Lai (gia đình nó bây giờ trở về ổn định như trước, 4 người lại ở 4 nước rồi), vợ chồng Thanh Bắc (nhà này suốt ngày tìm kiếm thức ăn không có nguồn gốc tăng trọng, trừ sâu và bảo quản).
Tranh thủ cho bọn chúng lên núi Ba Vì viếng Đền Thượng trên đỉnh Mẫu, không có thời gian sang Đền Cụ Hồ trên đỉnh Vua. Để lần sau thong thả hơn.
Phú Hoà và Tương Lai trên đỉnh Mẫu, sau lưng là đỉnh Vua, tại chiếc ghế mà anh Thao láo đã từng ngồi thiền, thụ khí thiêng từ núi Tản.
Hơn 12h trưa cả bọn mới xuống núi, ghé ăn sữa chua ở một quán "truyền thống" của tôi. Người ăn kẻ bán lâu lâu lại có dịp gặp nhau để ăn và bán. Cái đầu trọc của tôi làm người ta nhớ lâu mà.
Gần 1h chiều cả bọn mới về đến nhà Bình tớn. Khổ thân cha con vợ chồng nhà nó 3 người lo thịt gà chọi, mua bia để chiêu đãi 5 khách. Mà vợ nó đi làm 11h mới về cơ chứ. Vì thế Thanh Bắc còn có thời gian bắt mạch cho Phú Hoà. Kết luận: người khoẻ, cơ bản không có vấn đề gì lớn. Nhưng Phú Hoà cũng nên uống thuốc bổ thận nếu có điều kiện.
Chốc sau cả hội ngồi vào mâm. Phú Hoà, Thanh Bình hồi học ở ĐHQS là cùng khoa Cơ khí(?) nên chỉ mới không gặp lại từ 1975. Lại còn nhớ cùng tiểu đội ở Trỗi, Phú Hoà (hay Bình tớn) là tiểu đội phó. Còn một quá khứ xa hơn nữa, cả bốn thằng túm tụm một chỗ, Phú Hoà, Tương Lai, tôi và Thanh Bắc đều học cấp 1 với nhau ở Lê Ngọc Hân một thời. Phú Hoà lớp khác.
Chén xong, hơn 2h chiều, tôi xếp hai thùng gà con lên xe rồi cả bọn chia tay gia đình Bình tớn đi sang nhà vườn của tôi. Đánh giá sơ bộ Tết tới đây tôi sẽ có khoảng 400 quả bưởi Diễn trồng tại Lương Sơn. Nói theo cách của người-làm-hàng-giả thì cuối năm thu bưởi đưa về "gốc" (Diễn) bán, khối tiền.
Thăm thú nhà vườn rồi cả bọn vội về cho kịp hẹn của Phú Hoà. Trên xe Phú Hoà vẫn còn kịp đề nghị Thanh Bắc cho một lộ trình điều trị. Sướng nhất nghề y, không cần tiếp thị vẫn đắt hàng. Không như tôi, cuối đời còn lo "nuôi còn gì, trồng cây gì".
Thêm chút thông tin của ngày hôm nay, 15/4: Chủ Nhật tôi không đi đâu khỏi HN. Chỉ chạy sô thăm vợ chồng Công Minh lên chức ông bà nội (cháu gái); chạy thăm sếp cũ 20 năm trước; thăm "anh Văn" tránh tiết đổi mùa; ăn trưa cùng vợ chồng con cái nhà Vũ Hùng với anh Tương Lai (anh Vũ Hùng bận việc Hội Khuyết tật, khó lắm mới xếp được một dịp), ở đấy nói chuyện điện thoại với anh Thao láo về "hồi kí Trường Sơn" của anh ấy mà bây giờ vẫn chưa thấy mail đến, khuyên Vũ Hùng và Tương Lai nhập hội gạo lức muối vừng (không kiêng thịt); trước khi về nhà ghé thăm nhà Trỗi k1 k2, dự kiến cho chuyến đi cuối tháng, nếu có thể. Giá mà làm việc cũng được nhiều như thế.

Thứ Hai, tháng 4 09, 2007

Bình "loạn" về "tính Trỗi"

Hoàng Quang vừa đăng bài của Hà Chí Thành về "tính Trỗi". Dương Minh có ngay lời góp và tỏ ý muốn những lời góp này thành một bài bình "loạn" riêng. Ok. Thực ra anh em mình vốn giống nhau ở điểm hầu hết hình thành nhân cách không được tự nhiên lắm. Tôi nghĩ là bọn mình vốn được nặn ra để mà làm việc cho người khác, để mà quên mình, để mà vì mọi người. Không ngờ bọn mình lại là trọng điểm giao thời ý thức hệ. Cái mình có thì xã hội không cần, cái xã hội cần thì mình không có. Đa số anh em mình có vẻ yếm thế vì nhiều nguyên nhân. Đa phần ban đầu vì có ý thức tổ chức kỉ luật. Cấp trên, tổ chức nói là nghe, đến khi nhận ra thì muộn, không có mưu sâu kế hiểm, thúc thủ. Chả còn triết lí nào cho cuộc sống, những thứ tiểu tư sản, đồ nho, ... nó mới tự trỗi dậy trong mỗi con người. Lòng tự trọng theo những tiêu chuẩn bị coi là lỗi thời phải tự bảo vệ bằng cách tránh né dòng chảy của cuộc sống. Những thứ mà Dương Minh gọi là "đểu" có nhiều cái là giá trị được thừa nhận thời nay. Nó chỉ là đểu với những "đồ cổ" thôi. Phi lộ cho cái bình "loạn" này thế là nhiều rồi, nhân đây cũng tranh thủ loạn một tí. Mời mọi người tiếp tục cho vào "lời góp", tôi sẽ cẩu nó ra ngoài theo thứ tự đến sau ở trên cho dễ nhận ra. Hữu Thành.

Theo tôi thì : thời của lính Trỗi đã hết rồi,nếu có còn thì chỉ còn với dăm ông bộ trường này,tư lệnh kia mà thôi(buồn thay).Với diễn đàn này chẳng qua là để anh em mình tự mổ xẻ và nhìn nhận về mình cho vui "tuổi già".Vì thế ta cứ nói "toạc móng heo" để người khác có thể "OK-đồng ý,đúng" và cũng có thể có ý kiến phản bác (cho vui).
Hỡinhững người bạn Trỗi,cái mà đa số các bạn(và cả tôi nữa)không có được là "Chí tiến thủ"(ở đây tôi chỉ đề cập đến những người còn sống,còn những người đã anh dũng hi sinh thì miễn bàn).Mà đã không có chí tiến thủ thì về hưu non hay chỉ là quan chức làng nhàng... là lẽ đương nhiên.
Chí Thành đã nói rất đúng là :"Là một “gã Trỗi” không thể đưa cánh tay nặng trịch lên bấm chuông nhà lãnh đạo để gặp mặt, để trình bày những ý tưởng tốt đẹp hoàn toàn có ích cho việc chung, phù hợp với ý đồ lãnh đạo và cho cả sự nghiệp của bản thân mình, chỉ vì gã đã mang “tính Trỗi” .Theo tôi : Thực chất "Tính Trỗi" ở chỗ này là lòng tự trọng và (xin lỗi) là sự hèn nhát.
Rất,rất nhiễu lính Trỗi có đầy đủ điều kiện ra vào nhà Thủ tướng,Bộ trưởng hay tướng lĩnh... và ngồi nói chuyện với các bậc tiền bối đó như là con cháu trong gia đình.Hoàn toàn có thể lợi dụng (dù là chút xíu)các mối quan hệ đó để thăng tiến trên "Quan lộ".Nhưng hầu như không một lính Trỗi nào đã làm điều đó.Hành động này rất đúng,đúng theo cách nhìn của những người cộng sản chân chính.Nhưng hành động này cũng thể hiện rằng : anh không có chí làm quan,anh không biết nắm lấy cơ hội để thăng quan tiến chức.Và có thể anh đã để kẻ khác "đểu" hơn anh(như cách nói của DMinh)dám "đấu đá tùm lum" trở thành "Sếp" của anh.Chính vì không có chí tiến thủ nên mặc dù rất có điều kiện thăng tiến trên "Quan lộ" lẽ ra anh đã phải trở thành ông bộ trưởng này,ông tướng kia từ lâu rồi(và điều này rất có thể sẽ giúp ích nhiều cho xã hội) thì ngược lại đến giữa đời anh lại rất yên phận với cái chân "cán bộ cạo giấy" mà thôi.Và xét theo một quan điểm khác (của tôi) thì đấy là biểu hiện của sự "hèn nhát".
Bây giờ lại đã gần 1 giờ sáng rồi,sáng sớm mai phải lên "Sứ" ở Berlin có việc nên tôi lại phải tạm dừng ở đây hẹn tối mai "loạn bình" tiếp.Chúc các bạn ngủ ngon.Quang xèng. 9/4/2007.

Từ lâu rồi tôi đã nghĩ đến bản tính chung của đại đa số " lính Trỗi " nhà mình để đưa ra kết luận mà anh em mình đã nêu ra trong blog là : giản dị trong cuộc sống, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, không khúm núm, nịnh bợ, làm việc với hiệu suất cao nhất không kể ngày đêm, ... Tuy vậy lính Trỗi nhà mình có yếu điểm là không " nhanh nhẹn " trong khi sử thế với đời, không hợp thời cuộc vì thẳng tính quá.

Các thầy cô giáo trường Trỗi đã trao cho chúng mình không chỉ về kiến thức văn hóa mà còn cả về kiến thức về cách sống của con người theo đúng với đạo lý, lương tâm của nó. 5 - 6 năm so với cả cuộc đời của một con người thì rất ngắn ngủi nhưng lại ở đúng vào thời điểm anh em mình đang chập chững bước vào tuổi trưởng thành, sống bên nhau 24/24 tiếng nên đã để lại cho mọi người một tiềm thức sống hằn sâu vào suy nghĩ của mỗi người.

Cũng phải thôi, trong thời điểm mà nhiều học sinh phổ thông khác vẫn còn làm nũng Bố Mẹ thì lính Trỗi chúng mình đã phải làm quen với cuộc sống tự lập, gần như cuộc sống của những người lính thực thụ. Sáng ra sau khi tập thể dục là chăn màn phải được xếp gọn gàng, vuông vắn như " cục gạch ". Tất cả những cái gì được gọi là " mốt " của thời đại như quần ống loe, ống bó, áo cánh nhạn, tóc dài chờm tai,.... đều hoàn toàn xa lạ với chúng mình, những đứa quanh năm chỉ mặc trên người bộ đồng phục của trường Trỗi.
Trường Trỗi đã giúp chúng mình gắn bó cuộc sống riêng của từng người và giúp chúng mình hiểu được ý nghĩa của 3 từ " sống vì bạn ". Ở đâu cũng vậy thôi, có người tốt, có người xấu nhưng tôi tin rằng cho đến giờ, dù ở đâu, làm gì thì đại đa số anh em mình đều tự hào với quá khứ của mình. LÍNH TRƯỜNG TRỖI.

Vì sống xa quê hương lâu rồi, không nắm được thời cuộc nên trong những lần về Việt Nam đầu tiên tôi ngạc nhiên vì tại sao nhiều đứa bạn mình về nghỉ hưu sớm thế? Dần dần tôi mới hiểu và nhận ra được điều này. Nguyên nhân thì có thể có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân chính là cái tính " không hợp thời " của anh em mình nhưng tôi đã viết ở phần trên. Lính Trỗi nhà mình sống thẳng và dám nói thẳng nên dễ không " hợp cạ " với môi trường làm việc của mình. Trong một lần về Việt Nam thì tôi có gặp Trần Dũng Triệu ( K5, con Bác Trần Đại Nghĩa ). Ngồi tâm sự ngoài quán bia thì nó cho biết là khả năng ra làm việc ở cơ quan dân sự với chức vụ cao nhưng nó không ra bởi vì ở trong môi trường ấy mà ngồi ghế cấp trưởng thì sẽ bị bọn cấp phó tìm cách bắt mình " ăn ". Không ăn , không vào guồng với bọn nó thì sẽ bị bọn nó tìm cách hất đi mà nếu " ăn " cùng với bọn nó thì automat là mình sẽ trở thành đầu sai của bọn nó. Bọn nó bảo ký thì mình ký vì đã " há miệng mắc quai " rồi,....phức tạp vậy đấy. Lính Trỗi nhà mình sẵn sàng làm tất cả mọi việc, dù khó đến đâu ( thấm gì so với những ngày mưa tầm tã ở Đại Từ mà chúng mình vẫn lên núi vác củi, vác nứa về cho nhà bếp hoặc để làm nhà ) thế nhưng anh em mình không thể quen được với kiểu sống " thời đại hóa " này. Tôi tin rằng những lính Trỗi đạt được vị trí trong xã hội là do sự nỗ lực của chính bản thân mình, bằng tiềm năng thật sự của mình chứ không phải bằng những con đường khác. Chúng mình sống và làm việc bằng lương tâm trong sạch để sau này, khi nhắm mắt ra đi sẽ không phải ân hận về những gì đã qua. Cũng phải thôi bởi vì bọn mình là những NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG TRỖI. Phú Hòa, 7/4/2007.

Thật thú vị khi tôi nhận được bài viết về "Tính Trỗi" của Hà "mèo".Tôi cho là nó đã "chọc ngoáy" vào đúng chỗ ngứa của không chỉ riêng tôi mà còn của rất,rất nhiều lính Trỗi những kẻ đã được đào tạo một cách bài bản và đã một thời từng được coi là lực lượng nòng cốt,lực lượng kế cận tin cậy của Đảng và quân đôị.Đến hôm nay kết quả là thế nào?Trừ một số anh em đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu thì số người thành đạt trên Quan lộ hay doanh nhân danh tiếng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.Số còn lại,là đại đa số,thì hoặc về hưu non hoặc chỉ là quan chức-doanh nhân làng nhàng hoặc bi bét hơn nữa là bọn tôi,những kẻ "tha phương cầu thực" nơi xứ người.
Tôi dám đoan chắc rằng nếu không phải là 100% thì cũng có tới 99,99% anh em mình tự hào là "học sinh trường Trỗi".Chí Quang đã có ý kién rất hay là: Ban LL trường Trỗi (Đề nghị Đ/C Kiến Quốc lưu ý) nên có thêm danh sách Khóa 9 (mặc dù trường ta chỉ có đến khóa 8) để ghi tên những người "bạn Trỗi".Mặc dù sống trên đất Đức nhưng tôi cũng gặp không ít trường hợp có một anh bạn nào đó thao thao kể chụyên về trường Trỗi cứ như thể anh ta là một trong những người có mặt đầu tiên khi khai sinh lập địa trường ta.Nhưng rồi chỉ vài "đường chuyền" sai địa chỉ thế là anh ta bị "ọoc-giơ" liền,hóa ra anh ta chỉ chơi rất thân với nhiều lính Trỗi mà thôi.Thế mới biết danh tiếng trường ta không chỉ gói gọn ở trong nước mà còn nổi tiếng cả ở Phương Tây,đáng tự hào quá đi chứ lị.Tôi nghĩ Sự tự hào ở đây là xứng đáng bỏi vì mình có quyền tự hào với truyền thống cách mạng mà ông bố bà mẹ đã để lại cho con cháu.Tự hào vì có một ngôi trường với những thầy cô giáo đầy đủ Đức-Tài tận tụy với học sinh như chính con em ruột thịt của mình.Và tự hào có những người bạn là những anh hùng,liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc.
Điều đáng tự hào nữa là "cái tình" của lính Trỗi.Chỉ học với nhau nhiều nhất cũng chỉ 5,6 năm và ít nhất có khi chỉ vài ba tháng,nhưng hễ gặp nhau ở bất cứ phương trời nào thấy nói là "lính Trỗi" thì dù khác lớp,khác khóa(và khi ở Trỗi chưa từng quen biết) không phân biệt tuổi tác đều nhận ngay là bạn mình và sẵn sàng giúp bạn trong điều kiện cho phép.Điều này chỉ có ở trưòng Trỗi mà thôi.
Trên đây tôi đã nêu lên một vài ưu điểm của "Tính Trỗi".Còn "Khuyết điểm" của "Tính Trỗi" thì nhiều lắm nhưng vì đã 3 giờ sáng rồi,ngày mai còn phải lo "miếng cơm manh aó" nên tạm dừng ở đây.Hẹn các bạn tối mai nói tiếp.Chúc các bạn ngủ ngon.Quang xèng, 6/4/2007

Dương Minh nói rất đúng, muốn làm sếp thì phải đểu, người ta là đồ đểu giả, còn sếp thì đểu thật. Tôi cũng từng có sự tích như Chí Thành đã mô tả. Tuy nhiên ông nói vậy lỡ những anh em thành đạt trên "quan lộ" (hiện đang là bộ trưởng nọ, Tổng cục kia) đọc tin này có thể hiểu sai hảo ý của DMinh. Thực ra làm quan có năm bảy đường, nhưng theo tổng kết của Hội Cựu Thiếu sinh quân Việt nam (trường Trỗi có KQuốc làm đại diện) thì cho tới nay, 100% anh em nguyên là Thiếu sinh quân chưa có ai bị mắc tội tham nhũng cả. Đó là điều mà cánh Thiếu sinh quân nói chung và cánh trỗi nói riêng có thể tự hào. HCQuang, 5/4/2007

Tôi đã làm GĐ một doanh nghiệp Nhà nước được hơn 5 năm. Hiện còn đang làm Bí thư Chi bộ và Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ thứ 2. Suốt thời gian qua và ngay thời điểm này tôi luôn cảm thấy rất mệt mỏi và chán chường mặc dù các cấp ủy, Công đòan và tập thể rất tôn trọng và quí mến tôi một cách thực tình chứ không phải vì tôi là "sếp" trên mọi phương diện. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi: tại sao vậy? Anh họ tôi là con trai cả bác Nguyễn Thế Khánh (nguyên Viện trưởng 108) nhiều lần được đề bạt làm Vụ trưởng hoặc Tổng giám đốc nhưng anh đều từ chối với lý do anh đã nói cho tôi là: làm cấp trưởng phải đểu mà anh không đểu được! Thật đơn giản nhưng tôi cho rằng khá chuẩn đối với anh em "lính Trỗi". Truyền thống gia đình, môi trường học tập, rèn luyện thời niên thiếu ... làm chúng ta không "đểu" được, mà cái "đểu" bây giờ nhiều lắm, nó ghét lọai người như tụi mình lắm, lắm! Phải chăng đấy là "tính cách Trỗi"? Tranh thủ bình "lọan" tí chơi để chia sẻ. Không biết Hữu Thành có cho vô blog không? Dương Minh, 5/4/2007.

Thứ Năm, tháng 4 05, 2007

TÍNH TRỖI-tác giả : Hà "mèo"-Trỗi k6

Tính Trỗi
Xem “Sinh ra trong khói lửa” (tập “hai sao”), rất bức xúc không biết tỏ cùng ai, tôi viết vài dòng gởi tới các bạn lời tâm sự của một thằng lính Trỗi không biết viết văn.
Suốt mấy đêm liền khônh ngủ được, tôi suy nghĩ miên man chuyện xưa, chuyện nay và rồi ngộ ra cái bức xúc nhất là “tính Trỗi”. Kể ra thì “tính Trỗi” hay thiệt (vì bản thân tôi cũng có). Biết bao thằng lính Trỗi đã đi vào chiến trường bình thản như một chuyến đi lấy cam của Công xã, như lên núi kiếm quả xanh, quả đỏ sau bữa cơm chiều. Chẳng có gì phải suy nghĩ cả. Tụi nó ra đi rất bình thường và chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là anh hùng hay hi vọng trở thành ông này, bà nọ. “Tính Trỗi” là vậy !
Một thằng dũng cảm hy sinh sau khi quần nhau bằng lê với giặc cứ như trong phim chưởng. Thằng khác thì ra đi ngay ngay trong trận đầu khi chưa làm được cái gì, có khi còn chưa kịp bắn phát súng nào. Tụi nó chắc cũng chẳng quan tâm xem đó là cái “giống gì”. Và nếu còn sống chắc cũng sẽ đến hội trường sau bao năm xa cách bình thường như tất cả tụi mình. Rõ ràng là hiện nay có nhiều thằng trong số tụi mình đã từng vào sinh ra tử, bị giặc bắt, bị bom vùi, bị thương tật ... nhưng giờ gặp nhau cũng vẫn là những thằng lính Trỗi khi xưa đã từng trốn học, tắm Li giang ăn dưa chuột ... Và hình như vẫn không hề khác một chút nào. Tỉnh bơ ! đó là “tính Trỗi”. Rất anh dũng trong chiến trường. Lao vào mặt trận một cách say mê (thậm chí còn đi chiến đấu lậu).

Nhưng hôm nay, trong mặt trận kinh tế thì sao ?
tính TrỖI, khi này nó là gì vậy?

Là một “gã Trỗi” không thể đưa cánh tay nặng trịch lên bấm chuông nhà lãnh đạo để gặp mặt, để trình bày những ý tưởng tốt đẹp hoàn toàn có ích cho việc chung, phù hợp với ý đồ lãnh đạo và cho cả sự nghiệp của bản thân mình, chỉ vì gã đã mang “tính Trỗi” .
Là một “gã Trỗi” chỉ vì ngại người khác bị mất việc, mà từ chối nhận vị trí kỹ thuật viên - mà mình hoàn toàn có thể đảm đương được - mà người bạn của gã (cũng là lãnh đạo Đơn vị) cần. Và gã đã bỏ qua một cơ hội đóng góp cho đơn vị đó (cũng là đóng góp cho xã hội) để ngồi nhà đọc sách, hưởng trăng, uống rượu (rẻ tiền) vì thất nghiệp.
Là một thằng “Trỗi con” sẵn sàng đứng dậy rũ bỏ cái ghế phó Tổng Giám Đốc béo bở của một Công ty Liên doanh danh tiếng chỉ vì “tự ái dân tộc” với “tụi Tây” cùng mấy thằng trong phía Việt Nam nhà mình, để mà trở về làm “phó thường dân Nam bộ” mà không hề ân hận ( thậm chí còn lấy làm tự hào).
Tất cả đó đều là “tính Trỗi” ư? Anh hùng thay! Hảo hớn thay! Toàn là những đề tài bất tận cho các “truyền thuyết” sẽ mãi mãi lưu truyền (cho tới khi nào người ta quên). Hay đó chính là ý thức Tiểu tư sản (TTS) ? Đó là cái chuyện gác kiếm về ở ẩn, hay treo ấn từ quan? Nó có đáng để tự hào, để lưu truyền không ? Nhất là trong chế độ này, chế độ mà cha mẹ của những “gã Trỗi” đó đã đổ xương máu để dựng lên, và gởi những “gã” đó cho Quân đội của chế độ - trường Trỗi – để đào tạo với hy vọng một ngày nào đó sẽ kế tiếp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ một cách thiết thực, hiệu quả. Chắc hẳn các phụ huynh không hề mong “tụi nó” xây dựng những truyền thuyết viển vông như những “trang hảo hớn” chỉ để vỗ ngực xưng tên.
Tôi không có khả năng và cũng không muốn đi tìm cội trễ nguyên nhân cái “tính Trỗi” này, song cũng muốn tâm sự với các bạn vài dòng : Phàm những gì mà người ta nói là do trời sanh ra (cha mẹ sanh con, trời sanh tánh) thì thực chất nó chính là hệ quả của gia đình, nhà trường và xã hội. Anh em mình đều xuất thân từ những gia đình theo lý lịch là công nhân, bần cố nông.... Song thực chất khi chúng ta sanh ra thì các ông bà già mình đều là những người có kiến thức, có học vấn (nếu không nói là cao) trong xã hội lúc bấy giờ (không nhất thiết là bằng cấp). Và ở trường Trỗi chúng ta có những người thầy tuyệt vời, đa năng và nhiệt tình. Các thầy đều là những trí thức thực thụ, có học vấn, kiến thức về chuyên môn cũng như xã hội có thể coi là hoàn hảo. Các thầy đã truyền cho chúng ta tất cả những gì mà thầy có và mong mỏi chúng ta làm được. Chúng ta được nuôi nấng dậy dỗ trong một xã hội trường Trỗi bó gọn (vì sống tập thể cách biệt với xã hội bên ngoài) gồm những thằng bạn có hoàn cảnh xuất thân và được đào tạo không mấy khác nhau. Phải chăng “tính Trỗi” được sinh ra từ đó?
“Tính Trỗi” hay tính hảo hớn trong các truyện kiếm hiệp? Hay tính đấu tranh tiêu cực của các cụ đồ nho đầu thế kỷ 20? Hay đó chính là tính Tiểu tư sản? “Tính Trỗi” chắc hẳn không có “chất nhẫn nại, láu cá, thậm chí gian manh” mà ở đời không thiếu như anh Trần Trường Chiến khóa 3 đã viết.
Chưa ai đứng ra giải nghĩa cái thuật ngữ “Tính Trỗi” hoặc “Chất Trỗi” hoặc “Phong cách Trỗi” là gì, hay hay dở, nhưng một bạn đã “góp vốn” bằng chuyện sau. Hôm đó gã thuê taxi Hà nội đi Quảng ninh. Sợ tài xế ngủ gật nên gã bắt chuyện, đủ thứ tả phí lù. Rồi anh tài xế hát vang bài “sinh ra trong khói lửa”, và vỗ ngực “ông biết không, tôi là lính Trỗi khóa 6 đấy nhé”. Gã (một học sinh khóa 6) hỏi “ông còn nhớ thằng nào không.

Sống lại với "Hồi ức" và chỉ có "Trường Trỗi mới là trường mình mà"

Hôm rồi nhận được thư của Chí Quang,trong đó có kèm bài viết của Chí Thành (Lính Trỗi K6,em Chí Quang).Đọc xong tôi thục sự xúc động vì bài viết này đã nhắc tôi nhớ lại một kỉ niệm khó quên cách đây đã 35 năm rồi, và qua đó càng thấm thía hơn hai chữ "Trường Trỗi".Tôi đưa
bài này cho vợ tôi đọc và "ả"nói rằng :"Chỉ có trường Trỗi các anh mơí có tình nghĩa và đối xủ với nhau như vậy".Tôi xin đưa bài viết của Chí Thành vào đây như là một thành ý: cảm ơn những người bạn Trỗi mà trước đây tôi chưa quen biết .


“Trường Trỗi mới là trường mình mà !”
Hà mèo K6

Hôm nay, nhờ anh Kiến Quốc thông báo, tôi mới biết mà lên blog “bán trời” (bantroi.blogspot). Xem thấy gợi lại cho mình nhiều chuyện xưa. Trong đó có nhắc tới anh Quang “xèng” K4 làm tôi sực nhớ tới một chuyện xin kể ra dưới đây. Không biết anh Quang còn nhớ không ?

Niên khóa 1971 – 1972, tôi học dự bị tiếng Đức tại trường đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội cùng với một số bạn Trỗi cùng khoá 6 như Khánh Thái, Khánh “choang” và cả khóa 5 như Thắng, Nhân, Chương, Hà từ đại học Quân sự về.
Trường tôi (trường Ngoại ngữ) có một sân bóng đá rộng rãi và đặc biệt là không có hàng rào bao quanh, dù nằm trong khuôn viên của trường. Do vậy, vào các buổi chiều trời đẹp, không chỉ có sinh viên của trường ra chơi bóng, hóng gió, mà sinh viên của các trường kế bên như Trường Dân tộc trung ương, Đại học Kiến trúc và cả Đại học Tổng hợp cũng thường xuyên có mặt.
Mỗi nhóm tự “bày binh bố trận” bằng những chiếc dép, cục gạch tạo riêng cho nhóm mình một mảnh sân bóng đá “gôn tôm”. Và thế là trận đấu đuợc tiến hành. Sân không có đường biên, chơi không có trọng tài, nên trận đấu trên sân này lấn qua trận của sân khác cũng là bình thường, nhiều khi còn đá lộn bóng của nhau, cũng có khi là cố ý và thế là xảy ra chuyện. Sinh viên tuổi trẻ, năng động, vui chơi tự phát không thể tránh đuợc những va chạm. Và tất nhiên khi có sự cố thì bao giờ cũng phải bênh trường mình – đó được coi là nguyên tắc cho tất cả. Mấy đứa tụi tôi – cựu học sinh trường Trỗi thường là các thành viên tham gia tích cực nhất vào những lúc này. Sinh viên Ngọai ngữ cũng thường trông cậy vào mấy “anh Trỗi” là vậy.
Một hôm, chiều xuống, mát trời, mấy anh em Trỗi chúng tôi cùng vài “bạn của trường Trỗi” tà tà ra sân bóng tham gia thể dục thể thao như thường lệ. Sân bóng trường huyên náo, ồn ào, lộn xộn. Bất chợt, vẫn như mọi khi, ở một góc sân nghe có tiêng la hét, mọi người đổ xô về đó xem “sự cố” gì đã xảy ra. Tôi cũng quay lại rủ mấy “chiến hữu” : “Ê ! Lại đằng kia tham gia cho vui tụi mày !” “Đi, đi” – cả bọn vui vẻ chạy tới.
Tại trung tâm của “sự cố”, tôi thấy Định – sinh viên năm thứ 3 Khoa Pháp văn, một trong những “đại bàng” của trường tôi – mặt đỏ gay, đầy tức giận đang “sàng” qua “sàng” lại những “thế võ” lạ mắt trước sự thán phục của đám sinh viên Ngoại ngữ bu đầy xung quanh khích lệ bằng những “lời có cánh” : “Anh Định hay quá !” “Anh Định cho nó biết tay đi !”….
Đối diện với Định, giữa đám sinh viên - mà tôi nhận ra là tụi trường Đại học Tổng hợp – là một “chiến tướng” ròm ròm, mặt đằng đằng sát khí, im lặng nhìn chằm chằm vào đối thủ, nghiêng người thủ thế rất vững chắc – trông thật quen !
“Ô !” – tôi la lên – “Quang xèng tụi mày ơi!”. Đúng là anh Quang “xèng” khóa 4 trường Trỗi đây mà. Hèn nào nhìn thấy quen. Đám Trỗi hỏi tới tấp : “Ai vậy ? Quen hả ? Có nhầm không mày ?” – “Ông này là Quang “xèng” học lớp anh tao mà, sai sao đuợc”. Nghe vậy, mấy thằng bạn tôi lập tức la lên : “anh Quang bình tĩnh, có tụi này ở đây !” và tụi tôi nhanh chóng nới rộng vòng “cổ động viên” đang sẵn sàng nhào vô “đánh hôi” và la lớn : “ Ê, một chọi một ! Không chơi “hội đồng” !”
Thấy lợi thế “sân nhà” tự nhiên bị biến mất, Định “khoa Pháp” – như tụi tôi thường gọi – vội đảo mắt nhìn quanh và nhận ra ngay “tụi Trỗi trường mình” là nguyên nhân nên “mất lửa” hẳn. Hắn nhướn mắt hỏi tôi : “Bạn mày hả ?” – “Không, ông “chơi” đi !” Tuy vậy, đám tụi tôi không hẹn mà tự nhiên đã giàn ra theo hình vòng cung đằng sau anh Quang “xèng” từ lúc nào.
Định “khoa Pháp” bỗng xuống giọng : “ Mày… mày … lần sau sẽ biết tay tao” và quay lưng đi thẳng nước một không hề ngoái lại. Đám “quần hào” mất hứng la lối um xùm : “Sao vậy anh Định ?” “Chưa đánh đã thua !“ “Sợ hả ?” “Hèn thế !” “Ha ha !!”….. Đám Tổng hợp cùng anh Quang “xèng” cũng nhanh chóng rút khỏi sân trường ra tàu điện về ngay.
Tối hôm đó, Định “khoa Pháp” sang Khoa Đức gặp tụi tôi chất vấn : “Sao tụi mày không bênh trường mình ?” – “Đâu có ! Anh không dám chơi lại đổ tại tụi tôi” Nói chung các “Đại bàng” ở trường lúc bấy giờ đều “ngại” đụng “tụi Trỗi”, nên Định đành ngậm tăm lẳng lặng bỏ về. Đám “bạn của trường Trỗi” cũng xúm lại hỏi : “Bạn mày hả ?” – “Không, chỉ vì tao thấy tụi trường mình đông quá, chơi không “quân tử” nên tao mới can thiệp, tụi mày cũng vậy thôi ?” Tụi kia cũng đành ậm ừ, mà chẳng hiểu tôi trở thành “quân tử” từ khi nào. Chỉ có mấy thằng Trỗi tụi tôi là nhìn nhau cười : “Trường Trỗi mới là trường mình mà !”.
Sau khi đọc xong, tôi có thư trả lời Chí Quang và Chí Thành như sau :
Tuyệt vời Chí Quang-Chí Thành,Cám ơn Chí Thành và anh em Trỗi có mặt trên sân bóng trường ĐH Ngoại Ngữ chiều ngày hôm đấy.Thật sự hôm nay đọc bài viết này tôi mới được biết : chiều hôm xảy ra đụng độ với "Đại bàng"-Định khoa Pháp (mùa hè năm 72),tôi đã được sự ủng hộ của anh em trường ta-TRƯỜNG TRỖI.Câu chuyện này tôi không bao giờ quên (vì nó cũng là một trong những kỉ niệm thời sinh viên).Thú thật khi thấy thằng Định "sàng sê"-(cách nói của các cao thủ võ lâm trường Trỗi),tôi chỉ nghĩ làm sao hạ gục được thằng này.Tai tôi lúc đấy cũng nghe thấy nhiều tiếng la lớn :"Quang xèng bình tĩnh,hạ nó đi"...nhưng không nhận ra được rằng trong những tiếng la lối đó có cả sự ủng hộ của anh em Trỗi khóa sau,tiếp sức và bảo vệ cho mình.Bây giờ đọc được bài viết của Chí Thành cảm động quá trời.
Nhân bài viết của Chí Thành,tôi bổ sung thêm để anh em đọc cho vui :
Chiều hôm đó,một chiều mùa hè năm 1972,khoa tôi (khoa Toán-ĐHTH) đấu bóng đá với khoa Lý (của Hữu Thành,Từ Ngữ...) tại sân trường ĐH Ngoại ngữ.Thực ra sân này là sân chung của 2 trường : Ngoại Ngữ (NN) và Tổng Hợp (TH) (vì khi đó 2 trường còn "sống chung" ở Thanh Xuân).Ngoài tôi,lính Trỗi hôm đấy còn có DMinh,Nam "khỉ"(khoa Toán) và Từ Ngữ (khoa lý).Trận đấu đang diễn ra suôn sẻ thì "dân Ngoại Ngữ" tan học tràn ra sân.Một nhóm sinh viên ĐHNN trông rất máu nhào vào sân như muốn giành lại sân bóng."Dân TH" vốn "mọt sách" nên rất ngại va chạm và cố gắng giữ hòa khí.Thấy vậy đám NN lại càng lấn tới đá phá bóng của "dân TH".Tôi lúc đấy cũng "nóng mắt" lắm,nhưng cố kìm lại vì mình đang là "bộ đội" cử đi học,nếu xảy ra chuyện gì bị kỉ luật thì "chết" với Tổng cục chính trị.Hơn nữa,trưóc đấy một thời gian tôi và Nam "khỉ" vừa "xáp chiến" với lũ thanh niên càn quấy ở làng Đại Đà-Đông Anh(mà DMinh có kể lại trong bài : Sinh viên dân sự-Sách SRTKL 2) nên tôi lại càng không muốn "chiến tranh".Khổ nỗi,trong đám dân TH có thằng Linh (nhà ở phố Phùng khắc Khoan,vừa bị đuổi học từ Liên-Xô về vì tội đánh nhau và nhập học vào lớp tôi) vốn có "máu chiến" nên nó đã không nhịn được và đã xô sát với thằng Định-Khoa Pháp.Thằng Linh cũng có chút ít võ nghệ(có lần tôi đã đưa nó đến nhà Tuấn "Phúc" để nó thử với Tuấn "Phúc" rồi).Nhưng mới chỉ vài chiêu,tôi và mọi người nhận thấy Linh không phải là đối thủ của "Đại Bàng" Định,vì nó liên tiếp bị dính đòn của thằng Định(thằng Định ra đòn cước rất tốt).Có lẽ dân TH tin tưởng là tôi có thể hạ được thằng Định khi thấy Linh đang bị nó "dồn tới chân tường" nên la lối um xùm :"Quang xèng đâu,đánh bỏ mẹ nó đi","Quang xèng nhào vô đi"...Thấy rằng nếu không "nhào vô" thì rất có thể thằng Linh sẽ bị thằng Định cho "no đòn" nên tôi đành nhảy ra chắn giữa 2 thằng và thủ thế "Bạch hạc thủ châu" để chờ Thằng Định ra đòn.Nhưng chỉ thấy nó sàng qua sàng lại vài đường rồi bỗng nhiên miệng lẩm bẩm và bỏ đi (đúng như Chí Thành đã kể).
Chuyện là như vậy,nhưng còn một điều Chí Thành chưa biết là : do "máu Trỗi"(xin lỗi các bạn nếu điều này là sai) lại nổi lên nên liên tiếp 2 tối sau đấy tôi,thằng Linh và một người bạn nữa phục ở sân bóng NN để gọi "băng" thằng Định ra phân thắng-bại nhưng không gặp được thằng Định nên đành bỏ cuộc.
"Rất cám ơn Chí Thành và những người bạn Trỗi.Quang xèng."
Sau đấy tôi tiếp tục chuyển bài của Chí Thành cho DMinh và hỏi :DMinh còn nhớ chuyện này không?thì nhận được thư của DMinh :
"Chào Quang,
Quên làm sao được! Mặc dù khi đó mày không nói, nhưng tao biết thừa mấy tối sau mày đã xuống Đại học NN tìm tụi kia.
Không ngờ lại có Trỗi K6 chứng kiến và bây giờ nhắc lại kỷ niệm này.
Dương Minh"
Với những kẻ "Tha phương cầu thực" như bọn tôi thì thường sống nhiều với những kỉ niệm của "Một thời đã qua",và câu chuyện này mang đậm tình cảm của những người "Lính Trỗi".
CHLB Đức,Leipzig ngày 04.04.2007
Quang xèng.

Chủ Nhật, tháng 4 01, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 31/3-1/4 Mộc Châu

Chuyến đi Mộc Châu lần trước (11/2006) chúng tôi được một cháu người Dao nhân viên khách sạn Công Đoàn nói khoảng tháng 3, tháng 4 hoa mận nở trắng. Hi vọng có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp này Việt Thắng và tôi quyết định tuần này lên đó. Tương Lai và lão Hợp (cùng cơ quan tôi) cùng đi. Thực ra chuyến đi này có Tương Lai là mới chứ mấy thành viên kia đã cùng tôi trong chuyến trước rồi.
Sau khoảng 4 tiếng rưỡi đi xe chúng tôi đã lên đến gần thị trấn cao nguyên Mộc Châu. Điều bất ngờ là những vườn mận, mà ban đầu chúng tôi tưởng là đào, xanh um lá. Và bên đường người ta đang bán ... mận.
Hoá ra, ở khách sạn người ta nói cho biết, mận ra hoa vào đúng dịp Tết. Tôi cũng thấy như vậy mới có lí, vì hồi đi Sa Pa cách đây 6, 7 năm vào quãng tháng Tư, Năm gì đó thì mận Bắc Hà đang mùa bán rộ. Cây mai (mơ) giống giống mận cũng nở hoa dịp Tết, ngay trong nhà vườn tôi có hai cây. Cả bọn cười vì chuyện ngớ ngẩn này. Nhưng dù sao chuyến đi cũng còn những mối quan tâm phát sinh khác.
Thời tiết Mộc Châu không mát như hồi tháng 11, nhưng không khí vẫn mát mẻ, trong lành hơn Hà Nội. Buổi chiều chúng tôi đi xem thác nước nhưng mùa này đang khô nên không có gì để mà chụp ảnh. Lần mò vào Khu Du lịch Sinh thái Mộc Châu thì thấy vẫn còn là một công trường đắp đập, kè hồ quanh mấy quả đồi trồng thông. Khu du lịch này chắc phải một năm nữa mới có thể đón khách. Nhưng không hiểu ở đây người ta làm khu du lịch này cho ai thăm, nếu có thu tiền?
Điều thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là phát hiện ra những cây hồng leo, trồng vắt qua hàng rào của nhiều nhà ở Mộc Châu. Những ngôi nhà đơn sơ, khiêm tốn bên đường thỉnh thoảng lại có một nhà với những bông hồng thắm trên cành rủ ngoài rào rất lạ. Cũng có hồng nhạt, hoặc tầm xuân, chúng không gây ấn tượng bằng, nhưng tạo nên một nhận xét rằng hoa gì ở đây cũng thích hợp
Nhìn kĩ , không thể nghĩ cây hồng leo mà hoa to và thắm như hồng cắm ở Hà Nội. Có lẽ khí hậu và chất đất ở đây rất thích hợp cho cây hoa hồng nên nó mới có thể phát triển như vậy. Tôi xin một cành về Hà Nội giâm, hi vọng nó mọc thành cây. Nếu mọc thì rồi sẽ xem nó sẽ cho hoa thế nào.
Cuộc đi chơi Mộc Châu nhanh chóng kết thúc, vì cũng không có gì nhiều để xem. Trước bữa ăn tối chúng tôi tranh thủ đi vào một xóm giống như một đội sản xuất bò sữa ở gần chân núi. Một bãi cỏ cho bò ở vùng đất thoải. Sát phần núi dốc hơn là vườn mận xanh um, cao hơn nữa là núi trọc và cây hoang. Ngày Tết có lẽ cả dải cây chân núi là cả một mầu trắng hoa mận, chắc là đẹp lắm.
Người ta vẫn nói ngày Tết Sa Pa thật là đẹp với hoa đào. Bắc Hà thì đầy hoa mận. Một chuyến đi ngày Tết tới những nơi đó, bây giờ thêm Mộc Châu, vẫn là dự kiến nhiều năm qua. Có khi nào thực hiện được?