Thứ Tư, tháng 6 06, 2007

Học bơi ở Trường Trỗi


Trần Bắc Hải

Thấy các bạn viết hồi ký hà rầm mà ham. Tớ trí nhớ ngắn hạn, nghĩ mãi chẳng ra chuyện gì hay. Cái chuyện tập bơi thì tầm thường quá, nhưng thôi cứ góp, đỡ mang tiếng coi chùa chuyện Bán Trời nhiều tập.

Hồi K5 ở cửa rừng thì tớ chưa biết bơi. Xuống vực Bom Bo thích lắm nhưng mà nhát, phải lấy quần dài nhúng nước, túm hai đầu ống, thành cái phao. Sáng kiến phết, nhưng mà vậy thì cứ nổi hoài. Mà muốn biết bơi thì chắc các bạn cũng đồng ý là phải được chìm một vài lần đã. À mà kể chuyện chìm thì tớ đã một lần giã gạo ở cầu ao nhà quê hồi đi học vỡ lòng, may được vớt lên kịp thời nên bây giờ còn ngồi đây mà tán dóc. Có lẽ vì cái đận giã gạo ấy mà nhát nước, TSQ mười ba tuổi rồi còn chưa biết bơi.

Tới hồi doanh trại C6 chuyển ra cạnh Suối Chì thì nước suối nông quá, khó lòng chìm được nữa. Cho đến một hôm nước lũ, các thầy đã nghiêm cấm nhưng mấy em vẫn lẻn ra suối. Nhóm có khoảng 3-4 tên gì đó ở B2 mà giờ tớ không nhớ gồm những đứa nào nữa. Chắc hẳn là có Chí Hùng vì hồi đó 2 thằng hay đi đánh lẻ với nhau. Chúng nó lần lượt tụt quần áo rồi… tõm… tõm… tõm… từng đứa theo nhau nhảy xuống suối. Dĩ nhiên là không dám vượt suối, chỉ để dòng nước xiết cuốn trôi gần bờ chừng mươi thước thì túm lấy lau sậy mà leo lên. Quay lại bến cũ, lại tõm… tõm… tõm… và trôi vèo đi trong niềm vui sướng trẻ thơ.

Chúng bạn trôi đi hết rồi, mình ngồi một mình trên bờ làm chi. Thế là trong một giây phút vô tư, tớ cũng tụt quần áo và… tõm… theo. Dòng nước đục ngầu chảy phăng phăng vui vẻ đón nhận tớ nhưng không muốn thả tớ lên bờ, lại còn tọng cho tớ một số nước vào bụng. Trôi vèo qua chỗ chúng bạn vừa leo lên. Chúng nó thấy tớ quậy nước tứ tung, biết ngay chuyện chẳng lành, chạy ào đuổi theo, chắc là hò hét lớn tiếng lắm nhưng tớ ù tai rồi làm sao nghe ra cái gì. Trôi được một đoạn thì may vấp vào tảng đá to, níu lại được. Chúng bạn kiếm cành cây dài thò ra kéo vào. Tái nhợt cả người. Nhưng mà sướng run. Là vì tớ cũng đã biết bơi như các cậu rồi nhá!

Đến khi qua Sông Ly Quế Lâm thì tớ đã kha khá, dần dà đã có thể vượt được sông. Được tận hưởng đoạn sông Thao Hưng Hoá, rồi sông Kỳ Cùng Lạng Sơn hồi về học thi ĐHQY ở trường Văn Hóa, cùng nhiều sông nhiều biển khác về sau này. Chuyện bơi khá không khoe nữa, sợ quê với Nhân Đen, Bằng Bò và các anh lính thủy khác.

Còn đoạn này là kể thêm chuyện sau Trường Trỗi khoảng 30 năm, khi đã qua ở bên Australia. Tớ có 2 con trai, đứa lớn biết bơi từ khi còn ở Việt Nam, nhưng đứa nhỏ thì tính "cẩn thận" giống bố, mười mấy tuổi rồi nhất quyết không chịu chìm để mà biết bơi. Tớ cũng lo lo, biết là nếu để nó cứ vậy mà thành người lớn thì nghĩa là sẽ suốt đời không học được bơi nữa. Một hôm hai bố con lái xe đi mấy trăm cây, cắm trại qua đêm bên bờ sông Murray. Con sông này có thể các bạn đã nhìn thấy qua bộ phim nhiều tập “Những giòng sông đều chảy” hồi xưa rất ăn khách trên TV Việt Nam. Cùng đi có một anh bạn, dẫn theo 2 đứa con trai đều nhỏ hơn con tớ, cũng chưa đứa nào biết bơi cả.

Hai ông bố dặn dò kỹ lưỡng 3 thằng nhóc, rằng là chỉ được chơi quanh quẩn trên bờ, xuống nước rất chi là nguy hiểm. Còn dẫn chúng nó ra mép nước để thấy tận mắt hai bố bước vài bước nước ngang háng, bỗng đột ngột chìm xuống ngập đầu vì cái kè bờ gần như thẳng đứng. Nói rồi hai bố cầm theo mấy lon bia vượt sông, qua phía bên kia ngự trên một cái thân cây khô lớn nửa nổi nửa chìm gần bờ.

Rồi cùng kêu thét, vì 3 đứa nhỏ đang từ từ bước xuống mép nước! Mặc kệ hai bố gào, chúng cứ tiến tới. Hai bố sải tốc hành vượt sông trở về. Thấy hai thằng nhỏ vẻ mặt đầy thán phục vì thằng anh đã lõm bõm ra khỏi mép nước vài mét trở về an toàn, nay quả quyết là đã biết bơi rồi!

Ngẫm lại thì có thể mình sai, vì một số người như thằng con tớ đã biết bơi mà chẳng cần bị chìm lần nào. Điều quan trọng là nếu nó cứ luôn luôn có bố kè bên “tập” cho như mọi lần thì chắc là nó đã không bao giờ tự bơi được dầu chỉ vài sải. Tiếp theo, nếu không có 2 thằng nhóc kia ở đó mà hò reo cổ vũ thì cũng chưa chắc nó đã dám ra chỗ nước sâu. Cũng như mình ngày xưa học bơi ở Trỗi mà thôi.

London 5/6/07

1 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Thế nên nhiều khi tôi nghĩ cái mô hình Trỗi, hoặc nội trú toàn phần, có giá trị của nó. Một quá trình hình thành nhân cách bình đẳng rất nên khuyến khích.
Những gia đình biết điều đó thì họ cũng cố gắng đặt con mình một cách bình đẳng vào những hoàn cảnh khác nhau. Đáng tiếc trong xã hội bây giờ người ta khai thác triệt để các yếu tố không bình đẳng. Người lớn đã vậy, nói gì giáo dục trẻ con.