Thứ Bảy, tháng 6 16, 2007

Góp vui cuối tuần: Ngoại giao nhân dân

Dương Minh

Thực ra tôi vừa ở Hà Nội về, do công việc nên phải làm “anh hùng Núp” không dám liên hệ với Hữu Thành, nào ngờ lỡ mất cuộc vui quan trọng ở ngòai đó, tiếc thật! Lại cuối tuần, đang muốn tham gia blog một chút cho vui nhưng chưa biết gửi cái gì, viết cái gì thì thấy anh em nói đến chủ đề “ngọai giao nhân dân”, thật hợp ý bọ. Tôi có một kỷ niệm vừa sâu sắc vừa hơi bị “tức cười” về chuyện này. Xin chia sẻ với anh em:
Ngày nào tôi cũng lên mạng đảo một vòng qua các báo. Dịp đó (tháng 11/2005) Việtnamnet mở một trương mục khuyến khích dân tình gửi bài viết về những kỷ niệm hoặc sự việc sâu sắc để cùng nhau chia sẻ. Sẵn có một bài đã viết với tiêu đề “Ngọai giao nhân dân” tôi tương lên Vietnamnet luôn. Dưới ghi rất rõ họ tên tác giả và nơi công tác. Ngày qua ngày, tôi rất chăm chỉ tìm xem bài của mình có được đăng không. Chẳng thấy bài mình đâu mà cái mục đó cũng không thấy Vietnamnet duy trì nữa!
Khỏang hơn một tháng sau, tôi nhận được một cú điện thọai lạ, người phía bên kia nói “tôi bên CA thành phố, có chút việc muốn gặp anh”. Bận quá, nên từ chối và hẹn đến cuối tháng 12/2005. Anh ta cũng nhũn nhặn chấp nhận. Toàn văn bài viết như sau:

NGOẠI GIAO NHÂN DÂN

Ngay sáng Thứ Hai, vừa làm việc được khoảng 2 tiếng đồng hồ, tôi nhận được điện thoại báo tin một người bạn Trung Quốc đã đột tử đêm Chủ Nhật tại thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông. Anh ấy tên là Nghiêm Vũ Chương – một Giám đốc doanh nghiệp nhà nước đã nghỉ hưu, đang là cộng tác viên của công ty tôi tại Trung Quốc. Trong đời tôi đã nhiều lần nhận được tin người thân và bạn bè qua đời nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy buồn và hụt hẫng như lần này. Cả ngày hôm đó điện thoại qua lại rất nhiều lần giữa những người bạn của anh Chương tại Việt Nam và Trung Quốc, ai cũng có cảm giác rất buồn và xúc động.
Tôi quen anh Chương mới hơn 4 năm, khi anh đến làm việc tại công ty tôi với tư cách là thành viên và phiên dịch tiếng Việt của đoàn cán bộ Tổng công ty phát triển kinh tế thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Gần hai năm sau anh nghỉ hưu và từ đó anh trở thành cộng tác viên trong tất cả mọi việc của chúng tôi tại Trung Quốc. Mỗi lần chúng tôi đi công tác Trung Quốc hay Hồng Kông, anh sắp xếp chương trình làm việc, nơi ăn, chốn ở; tham mưu về nghi lễ giao tiếp; phiên dịch; hỗ trợ soạn thảo các văn bản, hợp đồng; đưa mọi người đi mua sắm… Anh làm mọi chuyện, việc nào cũng chu tất với cả một tấm lòng tận tuỵ đến mức không ai chê trách được điều gì.
Người Trung Quốc có thói quen khi giao tiếp dù đối tác là cương vị gì (Thí dụ như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc hoặc chỉ là cấp phó … ) cũng được gọi ngắn gọn bằng họ kèm thêm chức danh “Tổng” như “Nguyễn Tổng”, “Dương Tổng” … với hàm ý là “Tổng giám đốc Nguyễn”, “Tổng giám đốc Dương” … Cách xưng hô ngắn gọn nhưng tiện lợi và rất hiệu quả - người nghe thường cảm kích và cũng thấy “khoái”. Làm việc ở Trung Quốc chúng tôi thường gọi anh Chương là “Nghiêm Tổng”, khi sang Việt Nam anh nhắc “cứ gọi mình là Chương – vừa đúng kiểu xưng hô Việt Nam lại vừa thân tình”.
Khi tiếp khách, người Trung Quốc thường gọi rất nhiều đồ ăn, có khi lên tới gần hai chục món và uống rượu cũng rất nhiều. Các loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc rất nặng đô (52 – 53 độ), mà mỗi người phải kham cả chai chưa kể khoản bia để “chữa lửa”. Mỗi khi giao tiếp, không có lần nào chúng tôi không vài lần cùng nhau phấn kích hô lên bằng tiếng Trung: “Uâi Duê – Trung tơ dẩu di can pây!’ (Nghĩa là “Hãy cạn chén vì tình hữu nghị Việt – Trung!”). Mặc dù biết mọi người tửu lượng rất khá, nhưng sau lần gặp nhau ra mắt, anh Chương đều khuyên cả hai phía không nên uống nhiều, cần giữ gìn sức khoẻ để làm việc, không cần gọi quá nhiều đồ ăn sẽ dư thừa và lãng phí.
Tôi bày tỏ lòng cảm phục về phong cách giao tiếp, cư xử của các bạn Trung Quốc, anh nói đấy là truyền thống lâu đời của người Trung Quốc. Anh phân tích: ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống, người Anh và người Đức gặp nhau chào chung chung “Buổi sáng tốt lành”, người Ý bây giờ nói rất vắn tắt “Chào”, người Việt gần gũi hơn bằng câu “Chào anh” còn người Trung Quốc thì chào “Bạn tốt! Các bạn tốt!”, chúng tôi đã có thói quen cần thể hiện thái độ ngay từ lần gặp đầu tiên với mọi người là phải coi họ như những người bạn tốt.
Được chứng kiến những thay đổi lớn về nhiều mặt và rộng rãi khắp nơi trên đất nước Trung Hoa trong hơn 10 năm qua, khi các đối tác Trung Quốc sang Việt Nam chúng tôi có lúc không tránh khỏi tình trạng “mắc cỡ”. Nào là thủ tục nhiêu khê tại các cửa khẩu; giao thông phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm; các dịch vụ không được hoàn hảo lắm … Anh Chương hiểu và nói “nước các bạn không phải là lớn, dân số không phải là quá đông, với những cố gắng cải cách hiện nay của Đảng và Chính phủ Việt Nam chắc chỉ mươi năm nữa là khác hẳn, có việc còn giải quyết tốt hơn cả Trung Quốc”.
Tất nhiên cũng không phải chỉ có một chiều. Để được anh Chương quí mến và tận tình, chúng tôi cũng nhiệt tình không kém. Khi phải chiều ý cô con gái mới tốt nghiệp đại học chuyển về thành phố Thâm Quyến sinh sống, gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi khuyên anh hãy phát huy tối đa vốn tiếng Việt để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc làm ăn với nhau. Những người bạn Việt Nam sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nên anh có nhiều việc để làm và cũng có thu nhập tốt. Anh tâm tình “Thật bất ngờ, đến khi nghỉ hưu cuộc sống gia đình tôi vững vàng lên lại nhờ từ phía các người bạn tốt Việt Nam, tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ quí báu này”.
Lý giải về những cảm xúc đặc biệt khi được tin anh Chương đã vĩnh viễn đi xa, tôi hiểu rằng đó chính là hiệu quả tất yếu của phong cách sống “hãy tốt với mọi người và có ích cho mọi người”.
Viết đôi dòng để tưởng nhớ về một người bạn và thay cho nén nhang thắp cho anh vì quá xa xôi tôi đã không làm được. Anh Chương ạ, chúng ta không chỉ đã làm tốt công việc hợp tác giữa các doanh nghiệp mà còn góp phần nhỏ của mình để vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Trung ngày càng bền vững và tốt đẹp. Thật đúng như đã cùng nhau tâm đắc: “Chúng ta đang làm ngoại giao nhân dân!”.
TP. HCM, tháng 10/2005
Dương Minh – Công ty Điện tử Thủ Đức


Đúng hẹn, một đồng chí mặc sơ vin mang theo giấy giới thiệu với cấp bậc Trung úy đến “liên hệ công tác”. Trong khi đang còn vòng vo tam quốc, đồng chí đột ngột hỏi tôi một câu “anh Chương người Trung Quốc là đại diện của công ty anh à?”. Không hiểu sao tôi “tỉnh” thế, nên hỏi ngay “À, tôi biết rồi anh đến vì bài báo tôi gửi Vietnamnet phải không? Có gì sai nhỉ? Đó là cái tốt rất đáng trân trọng và tất cả chúng ta phải học tập”. Chỉ hai tấm hình chụp lúc trao hoa và ngồi cạnh đ/c Đại tướng trong dịp đến thăm bác trước đó có 2 tháng (trên đó tôi đã ghi dòng chữ “Bác và các cháu … đều trầm tư?!?), tôi nói “Anh nhìn đó, thế là đủ minh chứng con người và bản lĩnh chính trị của tôi ở mức nào!”. Chuyển sang xưng hô “anh – em”, tào lao đủ thứ truyện, chia tay và hẹn hò “em rất thích nói chuyện với anh, khi nào anh rảnh, xin phép anh em mình đi uống bia”. Đến nay tôi vẫn đang … chờ để đi uống bia với đồng chí ấy!
Thế mới biết cụm từ “Ngọai giao nhân dân” nhạy cảm đến mức nào.
Anh Chương là nhân vật phiên dịch trong bài “Gặp lại chị em họ Mã” tôi đã gửi qua e-mail cho mọi người. Anh Chương chính là người cùng với tôi thức từ 12 giờ đêm đến gần 3 giờ sáng tại Quảng Châu để dịch bài “Chiếc khăn dù” đã đăng trong SRTKL tập 2.
Dịp chị em họ Mã sang dự Hội trường cũng gặp anh Chương ở Hà Nội – lúc đó các bạn Trung Quốc vui lắm. Về lại Thâm Quyến đúng 1 tuần thì anh Chương mất (ngày 17/10/2005) khi anh ấy về thăm quê ở thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông.

2 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Nói đến Vietnamnet.vn tôi lại nhớ một chuyện mà vì thế tôi "tuyệt giao" với nó. Chuyện là thế này:
Trong mục bạn đọc viết của vietnamnet.vn có ai đó rất thất vọng về sự lạc hậu của nước ta. Nào là tham nhũng, giao thông lộn xộn, giáo dục xuống cấp, ... Nhiều tiếng nói đồng tình, so sánh "bển xa" thì thế này, "bển gần" thì thế kia. Tôi nghĩ nhìn gần thì là như thế. Mình thừa nhận những vấn đề đó là có. Nhưng "bển" có phải là hình mẫu để phấn đấu không thì lại xem lại. Bản thân tôi cho là không phải như vậy. Tôi bèn viết một bài gửi cho Ban Biên tập (theo mẫu của họ). Mở đầu tôi nói rằng hiện tượng các bạn nói đều đúng, thậm chí những quy kết các bạn nêu ra cũng có phần đúng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Đất nước ta bao nhiêu năm bị xâu xé, bị kìm hãm trong thế nghèo, chậm tiến bộ. Thậm chí rất nhiều thói xấu đã thành "văn hoá", thí dụ như tham nhũng đã đến mức toàn dân, nếu hiểu một cách rộng ra là việc chiếm đoạt những thứ không phải của mình khi thực hiện quyền công dân. Việc vi phạm luật lệ giao thông là minh chứng. Anh là công dân, anh có quyền lưu thông trên đường. Quyền của anh là lưu thông nhưng đường của anh là bên phải, luật quy định thế. Anh lấn trái, cúp cua, vượt đèn đỏ, ... là anh tham nhũng. Tâm đã tham nhũng thì làm sao chống.
Nhưng chúng ta không hèn. Và chúng ta cũng không thấp. Những nước lớn rao giảng những giá trị nhân văn, nhân quyền, chúng ta công nhận người dân của họ rất tốt. Nhưng ở cấp quốc gia, điều hành đất nước ấy là một chính phủ trong lịch sử hiện đại hàng chục năm ròng tiến hành các cuộc chiến tranh chống các nước "nhược tiểu" bằng các sự gian dối như "sự kiện vịnh Bắc Bộ" ở VN, "vũ khí huỷ diệt hàng loạt" của I-rắc. Cũng chính quốc gia đó từ chối trách nhiệm của mình với các nạn nhân chất độc mầu da cam. Chính quốc gia ấy lên án "VN xâm lược Cam-pu-chia", tiến hành các biện pháp cấm vận VN, ... và bây giờ lại xăng xái lập Toà án xét xử Khơ-me Đỏ, làm như chính mình là người cứu nhân dân CPC khỏi hoạ diệt chủng. Đấy là một đất nước mà ở cấp chính phủ bản năng của con thú vẫn thắng thế. Xét về mặt văn minh thì VN ta vẫn là đất nước có "đạo lí con người" hơn.
Đáng tiếc Ban BT của vietnamnet.vn đã biên tập bài của tôi, bỏ hẳn phần sau mà chỉ giữ lại lời "sám hối". Sau đó tôi có gửi thư bầy tỏ lòng thất vọng của mình với vietnamnet.vn và không có hồi âm.
Với cá nhân tôi, CNXH, CNCS là một thứ đạo, là giá trị nhân văn chứ không phải là chính trị. Bởi vậy tôi cho rằng về mặt chính trị và nhân văn Ban BT vietnamnet.vn là dưới tầm của một người VN hiểu biết bình thường chứ không so sánh được với tôi. Loại như vậy thì quan hệ làm gì.
Tôi không biết vietnamnet.vn có quan hệ gì tới công an mà bài của anh Dương Minh gửi cho lại đến các ảnh. Nhưng ngày xưa khi tôi còn tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở VDC thì nghe người ta kháo nhau cơ quan tôi quan trọng lắm, có anh Ng.H. là công an biệt phái làm nhân viên. Người khác thì bảo anh Ng.H. có bồ bịch ở UBKH. Chả biết thực hư thế nào, tôi chả tin. Cứ làm việc với cương vị chính thức của người ta thôi. Mọi sự không chính thức thì đều là hù doạ vớ vẩn.

N.TV nói...

Bài báo của H.Thành viết rất đúng và vì thế rất hay. Không đăng cũng không sao nhưng đăng mà lại biên tập,cắt mất phần sau thì lại là hèn.