Thứ Hai, tháng 12 31, 2007

Hồ Trương về nhà

Thông báo ngay để các bạn có ý định đến thăm thì đừng vào Viện nữa.

Được tin Hồ Trương về nhà, cuối giờ tôi ghé thăm. Hồ Trương nói Tây Y chưa có gì hơn, mà mình thì cũng đã qua thời kì khó khăn nhất, về nhà cho khoẻ. Mọi người trong nhà cũng thấy thế là hợp lí cho cả người ốm lẫn người chăm.

Tôi ngồi nói chuyện hồi lâu, DM gọi điện hỏi thăm tình hình, đưa cho HTr trực tiếp nói chuyện. Người thì dĩ nhiên là mệt, nhưng tinh thần HTr tốt, tích cực điều trị. Mấy ngày vừa rồi chịu khó ăn thêm mật ong do Thao láo cho. Loại mật này lấy từ ong ăn hoa ngũ gia bì trên rừng miền núi, gần như không mầu, cho vào chai nút kín kiểu La Vie mấy tháng vẫn lên hơi nên vài ngày phải hé cho xì bớt. Hỏi thì HTr nói đấy là mật ong thật, còn tươi nên men của con ong vẫn đang hoạt động sinh ra khí, không sao cả. Đúng là chuyên gia môn Sinh Hoá. Loại mật ong này mấy anh em Trỗi ta, nhờ Thao láo điểm chỉ, đã mua một mớ đủ cho cậu chén dài dài.

Tóm tắt thế để mọi người biết.

Chúc Mừng Năm Mới

Thực ra thì mọi người đã chúc nhau năm mới không chỉ ở các cuộc gặp, cuộc nhậu ngoài đời mà còn bằng cả những lời có cánh trên blog này. Tuy thế, tôi vẫn muốn thay mặt mọi người để tự chúc chúng ta, các Bạn Trường Trỗi, một năm mới tốt lành và may mắn.

Cứ dính ngày đếm năm thì Blog của mình đã sang năm thứ ba. Với tư cách là người "mở xới" tôi rất mừng vì cho đến giờ nó được mọi người coi như một chốn đi về để mà gặp gỡ, chuyện trò, động viên, giúp đỡ nhau. Được như thế là nhờ lòng chân thành của tất cả mọi người chúng ta, những người viết, những người góp lời, và đôi khi của cả những bạn đọc chùa.

Cuộc sống vốn phức tạp, kể cả khi chúng ta còn là những đứa trẻ sống khép vào quân kỉ. Cho đến bây giờ mỗi người chúng ta đều đã trải qua cuộc sống đó và sắp trở thành những người cao tuổi theo những cách rất khác nhau. Có những người đã qua thử thách giữa sống và chết trên chiến trường, có những người thành công trong sự nghiệp, nhiều người bình dị như số đông của xã hội và một số người không được may mắn lắm. Tuy thế ở blog này có một may mắn chung là chúng ta đã không mang tất cả những vấn đề riêng của mỗi mình "lên xới". Bởi nếu như thế, chúng ta sẽ thực sự "vật" nhau theo thói đời. Và cái sợi chỉ mỏng manh luồn giữa chúng ta từ cái thủa xa xôi ấy sẽ đứt phựt như bao nhiêu sợi chỉ khác sau này mà nhiều khi cóc cần gìn giữ. Lòng chân thành được đáp lại xứng đáng bởi lòng chân thành, để có được tình thân giữa những người bạn Trỗi.

Với ý nghĩa đó blog này là thành công của tất cả chúng ta. Chúc cho năm mới chúng ta tiếp tục được chia sẻ với các bạn đã đang và sẽ tham gia.

Những tiếng loa ở phố Trần Nhật Duật

Thằng Đoàn Phú Hòa đã có một bài viết quá hay về HN. Tôi biết sau khi đọc bài này thì trong một thời gian dài nhiều thứ đối với tôi sẽ trở nên nhạt nheõ. Té ra, để viết được hay thì điều chủ yếu là phải biết gìn giữ tâm hồn và biết cân nhắc các trải nghiệm. Chứ không phải bằng mọi cách phải đút đầu cho được vào trường viết văn Nguyễn Du! Đến đây tôi lại đồ rằng, khi viết bài ấy, Hòa gù đã được ông bác ruột nó- nhà văn quá cố Đoàn Phú Tứ, người đã phát hiện ra thời gian có màu- „giúp sức“. Có lẽ ông ấy là thi sỹ đầu tiên trên thế giới phát hiện ra thời gian không những có màu mà lại còn có hương. Thật là một bậc đại kỳ tài.
Hòa gù nhắc đến bánh gối, Quang xèng nhắc đến „chế mà phù“, ai đó nhắc đến bi don don, táo dầm… Từng ấy thời gian nhưng chẳng ai trong chúng ta quên được hương vị của những thứ đó-những thứ mà những người bán rong bán trên vỉa hè- Tại sao?
Gần đây những người bán rong tràn về HN, “nhiều nơi gây ra cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan thành phố“. Có những cuộc họp rất quan trọng bàn về chuyện này. Xu hướng là sẽ tiến tới cấm triệt để những người bán rong. Trả lại cho HN tất cả những vỉa hè. Hà nội lúc ấy sẽ đẹp hơn?
Trong những cuộc họp ấy tôi không thấy có sự tham gia của những người bán rong.
Những người bán rong ấy còn không thể làm được nhiều chụyện khác. Họ đã không thể biến một công thự thành nhà riêng. Họ không thể có được bí mật của một quy hoạch để mua rẻ được một ngôi nhà, bởi vì có biết được họ cũng chẳng đào đâu ra tiền. Họ cũng không thể „nắn“ được con đường trong một dự án cho chạy qua nhà mình. Những người bán rong ấy càng không thể „đạp“ HN rớt xuống thê thảm trong bảng xếp hạng về hấp dẫn đầu tư để leo lên chức vụ cao hơn…
Giá như nhà nước khóa chặt ngân sách, cắt đứt mọi bổng lộc, ngưng trả lương, thay vào đó phát cho mỗi vị ngồi họp một gánh hàng rong. Và buộc các vị ấy phải nuôi sống gia đình bằng gánh hàng rong ấy. Chắc hẳn lúc đó sẽ có một giải pháp tuyệt vời cho vỉa hè Hà nội, trong một thời gian ngắn đến không ngờ.
Hà nội là mãi mãi đẹp trong tôi, và với tôi, một người dân không có khả năng làm lãnh đạo, làm xấu HN nhất quyết không phải là những người bán hàng rong!
Ở phố Trần Nhật Duật khúc Ô Quan Chưởng, chỗ ấy là bến xe rất phức tạp. Có 4 bà già bán trà đá, tuổi khoảng 60. Lấy lãi từ những cốc trà đá các bà ấy đã tự ý đi mua loa, băng đỏ và tự nguyện làm đội trật tự bến xe. Đã hàng trăm lần đội trật tự ấy đã đè được bọn kẻ cắp xuống đất, lấy lại được, có lần đến 20 tr. đồng cho người bị hại. Có lần bọn lưu manh đã dọa giết-chúng tôi đã 60 tuổi còn sợ gì chết!
Những „nữ hiệp trà đá“ ấy đã từ chối tiền mua chuộc cũng như tiền đền ơn.
Biết đâu vài chục năm nữa, con gái của bố Lê Đại Cương khi nhắc đến HN sẽ kể đến những tiếng loa này. Bên những cốc trà đá ở con đường đầy bụi bặm ấy chắc chắn người ta sẽ cảm nhận thấy sự thuần khiết long lanh của khát vọng muốn được sống lương thiện.
Trong số tất cả chúng ta có lẽ đấy là những người muốn Hà nội đẹp nhất. Trong tôi bây giờ HN có thêm những tiếng loa.

Chủ Nhật, tháng 12 30, 2007

Chuyện của trắc thủ 12ly7 ở trận địa hồ Văn Chương, sau ga Hàng Cỏ


Gặp lại người trong tấm ảnh cách đây 40 năm

Cuối tháng 10/2007, Tấn Mỹ ra Hà Nội. Cách đây đúng 40 năm (1967) từ trường Trỗi ở Quế Lâm về, Mỹ cùng Tô Hoành và Ngọc "ghẻ" được phân về F361 bảo vệ vùng trời Hà Nội. Khi thì đóng ở bãi giữa bảo vệ cầu Long Biên, khi thì ngay bên hồ Văn Chương sau ga Hàng Cỏ, có lần còn mò vào tận chân Ba Đình đánh "moóc-xơ" ới anh Văn Tiến Trình (chiến sĩ 12ly7) từ trên nóc Nhà Quốc hội xuống chơi.
Thời gian đóng quân ở trận địa sau ga, chiều rảnh tiếng súng, anh em hay lang thang ra Khâm Thiên, tạt vào nhà may Văn Minh (số 124, cách ngõ Văn Chương chỉ mấy số nhà) sửa quần áo, mạng chỗ rách, lộn cổ... Anh Văn, chị Minh chủ nhà có tới 9 người con, 5 đứa con gái. Mỹ còn nhớ cái Phượng ngày đó 7 tuổi, Thảo 3 tuổi còn Hằng 1 tuổi. Lần nào cũng cho cái Thảo ngồi chơi trên lòng. Quý các chú nên anh chị tặng Mỹ tấm ảnh cháu Thảo. Sau đó cả đơn vị hành quân vào Vinh.
... Bốn chục năm trôi qua, nay Thảo đã 43. Qua trận mạc rồi mấy chục năm hòa bình, Mỹ vẫn giữ tấm ảnh. Trong chuyến đi này, Mỹ có ý định tìm đến tiệm may Văn Minh và gặp lại cháu gái trong ảnh. Mỹ rủ Lê Bình và Ninh cùng đi. Để tránh bị "hố", hắn kiếm quán café gần đấy, lân la hỏi thăm.
- Tôi là lính phòng không đóng quân ở đây năm 1967, 68. Hồi trước hay ra đây chơi. Chị có biết nhà may Văn Minh gần đây?
- Có chứ. Nhà ấy có cái Phượng, cái Thảo...
- Đúng rồi. Nhưng họ còn...? (Chắc Mỹ lo cái vụ B52 rải thảm vào phố Khâm Thiên cuối 1972?).
- Còn sống cả, mấy chị em chồng con hết cả rồi. Chiều nào mấy chị chả tạt về đây...
Quá mừng, Mỹ cùng anh em sang nhà. Anh chị thật cảm động và không ngờ có chú bộ đội sau 40 năm quay lại thăm. Bao nhiêu chuyện dốc bầu tâm sự. Biết chuyện Ngọc hy sinh ở Vinh, anh chị rân rấn nước mắt: "Tội nghiệp chú Ngọc vừa đẹp trai vừa mau miệng. Hồi ấy cứ nghĩ sẽ gả em gái cho chú ấy. Không ngờ chỉ còn 3 tuần nữa giặc Mỹ ngừng ném bom hạn chế, vậy mà chú đã vội ra đi. Ôi, chiến tranh!". Chị Minh không quên gọi điện ngay cho Thảo. Thảo phóng xe về ngay, rồi đến Phượng, Hằng... Chú cháu gặp nhau, vui không bút nào tả xiết. Thảo mời bằng được chú Mỹ về ăn cơm chiều với gia đình.

Hành huơng về chiến trường xưa
Rời Hà Nội, Mỹ đi tầu hỏa vào Vinh. Quốc Sủng ra đón. Hai chiến sĩ cùng 1 xe máy tắc tắc đây đó. Có nhiều cuộc thăm viếng nhưng không thể không tới thăm trận địa cũ. Ngày ấy 3 anh em Lưu-Quang-Trương về E233 cao xạ thuộc của F361 phòng không, tăng cường bảo vệ Thành Vinh.
Trước khi đi, Sủng mua 3 bó nhang lớn. Trận địa ngày ấy nay nhà cửa san sát, không thể nhận ra. Đang đứng hỏi thăm thì thật may gặp được 1 anh bạn bận áo lính đã phai màu. Biết có đồng đội cũ tìm về thăm chiến trường xưa, anh tự giới thiệu: "Em ngày đó mới 11 tuổi, hay chăn trâu gần trận địa các anh. Em nhớ như in trận đánh ngày 10/10/1968. Bom đạn ác liệt, hết đợt này đến đợt khác. Ngớt tiếng bom vừa chui lên khỏi miệng hầm thì lại nghe kẻng báo động. Khói bom khét lẹt. Chiều hôm đó, chạy ra sân kho hợp tác xã thì thấy xác của mấy chục anh xếp chiếu nằm bên nhau. Trong đó có 1 anh không còn đầu và thân trên...". Nghe đến đây, Mỹ nghẹn ngào: "Bạn anh đấy, Nguyễn Văn Ngọc, lính Trỗi cùng anh. Nó đi khi mới 18 tuổi...".
Ba anh em thắp nhang tửong nhớ đến Ngọc và đồng đội. Mặt trời lặn dần về phía tây, khói hương bay lên quện lấy sương chiều... Dịp đó, Quốc Sủng còn đưa Mỹ vượt sông Lam sang Hà Tĩnh đến thăm quê cụ Nguyễn Du, nơi đơn vị từng đóng quân. Vui vì gặp nhiều bạn cũ, cả những o du lích xưa vác gạo, vác đạn cho bộ đội nay đã ngoài 60. Trên đường về nam, Mỹ còn tạt qua Quy Nhơn thăm Hòanh và bạn Trỗi. Chuyện về chuyến đi được kể lại cho Hoành. Quay đi quay lại đã 40 năm!
... Về thành phố, trong buối tiệc tất niên hôm rồi ở Jodee, Mỹ tâm sự: "Đi lang thang như vậy chứ thật ra tao cũng đang gặp khó khăn. Vậy mà sau lần thăm thằng Ngọc về tự nhiên bán hết số bạch đàn trồng trên rẫy. Được 1 mớ tiền. Đúng là Ngọc phù hộ, mày ạ!".

Chuyện của anh lính trắc thủ 12ly7 Đỗ Tấn Mỹ chỉ giản dị như vậy!

KẾT THÚC NĂM 2007

Hôm qua, 29/12, Khóa 6 TP.HCM gặp mặt cuối năm tại Jodee (ko biết đây là tiếng nước nào mà khó đọc và khó viết đúng quá). Anh em hỏi : Thời gian gần đây thấy đăng bài lên blog tùm lum, rồi bỗng nhiên lại “biến mất”? – Xin thưa : sau chuyến đi Quế Lâm về, "tình Trỗi" nổi lên cuồn cuộn mà chẳng gặp được bạn nào để tâm sự. Đành xin anh HT cho “ké” blog giải tỏa nỗi niềm. Bởi cả năm trời khóa 6 mới gặp mặt nhau 1 lần. Buồn thúi ruột !

Nhưng ai học được chữ “ngờ”. Sau vài bài đăng trên blog, các bạn K6 gọi liên tục. Gặp hỏi thăm chuyện Quế Lâm, gặp bạn miền Bắc vô, gặp ngày 22/12, gặp ngày chiến thắng ĐBP trên không…. Ôi, lu bù ! Mà cái lệ dân mình, đám nào rồi cũng là đám nhậu ! Vậy là nhậu triền miên, 3 ngày – 1 bữa, 2 ngày – 1 bữa, rồi 1 ngày – 1 bữa…. .Đó là các bạn đã “thịnh tình” tha tôi không biết uống. Nhựng vẫn bò lê, bò càng.

Gặp nhau nhiều (hình như hơi quá nhiều), bức xúc được giải quyết, ko còn nhu cầu tâm sự. Nhậu nhiều, mệt quá, ko còn đầu óc để viết, mà đôi khi muốn viết cũng chẳng nghĩ ra văn vì văn mình là văn “đểu”, chỉ hứng mới viết được (Hèn nào ko thấy kể chuyện nhậu trên blog, vì mấy thằng nhậu đâu có viết được !). Ví dụ như hôm Duy Đảo mời ăn thịt lợn rừng (ngon tuyệt !) có Tuấn “ôn” trường Bé tham dự, Sơn “lé” K6 phóng tác câu thơ theo kiểu “Bút tre” : Hôm nay gặp bạn Tuấn”ôn” / Anh em phấn khởi ăn lợn vui ghê. Toàn những chuyện nhậu nói dễ, blog khó viết. Thông cảm, rất thông cảm cho các bạn nhậu! Đã không nghĩ ra văn rồi, mà màn hình vi tính thì quá sang, chữ nhiều mà hình ít, chỉ muốn ngủ ! Vậy tốt nhất là đi ngủ lấy sức ….đi nhậu tiếp.

Trong lần gặp mặt này, K6 đã ra “nghị quyết” : để tăng cường mối quan hệ trong khóa tốt hơn, từ nay trở đi, K6 sẽ gặp mặt nhau 1 quý – 1 lần. Đó là chính thức, còn anh em thích “đá bổng, đá bỏ” thì ko tính. Oh, vậy em cũng xin đăng nốt bài này lên blog coi như bài “thơ tuyệt mệnh” của mình vậy.

Xin chào tạm biệt, hẹn ngày tái nạm !



29/12 : gặp mặt K6 cuối năm
(hình chụp ko được nét - có lẽ do đã "sướng" rồi)










26/12 : ăn thịt lợn rừng tiễn bạn Thanh Trung trở ra HN
- từ phải qua : Enner, Thanh Trung, Biêu, Duy Đảo, Vũ Hưng, Tuấn ôn, Tô Tâm, Tuấn short, Sơn lé, Hà mèo.

Ngày thứ bảy... quần quật

Trưa, Cơ sở 2 Học viện Kỹ thuật quân sự kỷ niệm 30 năm thành lập kết hợp lễ tiễn Trung tướng Luyện và anh giai Ba Hưng về nghỉ hưu. Tiệc tổ chức tại nhà hàng Tân Sơn Nhất. Dễ đến 200 khách. Đồng đội cũ hội ngộ, có người xa nhau đến vài chục năm nay mới gặp. Vui!
Chiều tối, đội bóng đá Vĩnh Xuân và anh em k6 liên hoan tất niên tại Jodee. Những ngày này nhà hàng đông nghịt khách. Cánh bạn bè Vĩnh Xuân có Tuấn "khàn", Hùng "bướm", Hùng "tí", Quang "hoa sen", Sơn "con", k4 có Tuấn Sơn, Văn Công Phước và Đạt "bột" k8, Vũ Anh k7 cùng anh em k5 (Tấn Mỹ, Tăng Lực, Phan Khương, Trần Bình, Khánh Hòa, Kiên). Anh em k6 thỉnh thỏang sang"giao lưu". Dương Minh muộn mới đến vì đi liên hoan cơ quan về. Năm cũ đã sắp qua, năm mới lại đến, anh em Trỗi chơi với nhau đã gần 45 năm, các thành viên trong đội bóng cùng "chiến đấu" trên các sân cỏ đã hơn chục năm. Hôm nay, anh em tạm chia tay 1 đồng đội đi B làm "công tác cách màng". Đêm, 11g mới tàn cuộc.
Chúc anh em ta năm mới 2008 mạnh khỏe, hạnh phúc và vạn sự như ý! Chúc cho con cháu ta thành đạt! (Bố mẹ chúng tuối này mới "thành đạt" sợ đã quá muộn?).

Thứ Bảy, tháng 12 29, 2007

Nhảy dù, không phải chuyện đùa



P3. Nếu dù móc vào nhau.
.
Lúc đang rơi, anh chỉ việc giật chốt mở dù là dù tuôn ra. Khi dù đã mở thì mọi chuyện trở nên tốt đẹp, nếu như không ai vướng vào ai. Về nguyên tắc, rất khó xảy ra tình huống này vì “người ra sau” rời cửa máy bay sau “kẻ ra trước” 2 giây, tức khi đó máy bay đã “đi” được gần trăm mét, đồng thời 2 giây là thời gian đủ để “kẻ ra trước” đã rơi được 20 mét, một cự li đáng kể cho “người ra sau”.
.
Tụi tôi được hướng dẫn cách xử lý khi hai dù áp sát vào nhau, tiến ngược vào nhau, có nguy cơ móc vào nhau hoặc móc vào nhau, khi dù trên đè dù dưới, dù bị xuắn, dù mở chậm.
Tụi tôi được hướng dẫn cách lái dù về đích.
Tụi tôi được hướng dẫn cách tiếp đất trong tình huống có gió mặt đất, cách xử lí khi bị gió lôi sềnh sệch trên mặt đất, khi bị rơi xuống mái nhà, rớt nhằm dây điện, bay xuống sông hồ, trúng cây cối, đụng vách đá, va vách tường.
Các động tác đều đơn giản và dễ hiểu, nhưng thao tác phải dứt khoát, đặc biệt là vai trò lá chắn của đôi bàn chân. Vẫn biết đó là tình huống của lính dù, chứ đám dân sự tụi tôi chỉ nhảy dù trong điều kiện thời tiết, địa hình thuận lợi, nhưng ngồi nghe mà cảm thấy ớn lạnh. Những tưởng có thiết bị mô phỏng như “buồng Khí động học”, “giá Treo-Quay đảo” mô phỏng theo tình huống xảy ra (như trong phim), té ra chỉ “gõ mõ tụng kinh”. Dùng đai dù treo người lên xà, tụi tôi nghe huấn luyện viên miêu tả rồi cứ thế mà làm động tác mô phỏng. Không thêm trí tưởng tượng thì một hồi là … nản.
Có lần huấn luyện viên hô “còn cách mặt đất 20 mét, mặt đất chuyển động nhanh từ trước về sau”.
“Từ trước về sau … từ trước về sau …” – tôi nghĩ ngợi một lúc. Phải chi có “giá Treo-Quay đảo” lôi mình chạy tới chạy lui. Sau cú nhảy dù đầu đời, tôi mới thấy tác dụng của bài xử lí trên không, ít nhất cũng đem lại cho anh sự tự tin.
.
Tập rời cửa máy bay.
Tụi tôi tập động tác rời cửa máy bay, ra bằng cửa hông máy bay lên thẳng – một cái cửa rộng 90 phân cao 1,2 mét. Trước cửa máy bay, anh đứng “tấn” theo thế của quân dù. Chân mở bằng vai, bàn chân thẳng hướng nhảy, chân phải cách mép cửa 30 – 40 phân, chân trái ở phía sau một bước, hơi cúi, hạ thấp trọng tâm, bàn tay phải nắm cái vòng có sợi cáp nối với chốt mở dù. Bàn tay trái đặt lên bàn tay phải, có lẽ chỉ vì không có việc gì phải dùng đến nó. “Tấn” đúng thì người sẽ vững chãi, thuận lợi cho xuất phát.
Khi huấn luyện viên vỗ vai hô “nhảy!”, anh bước chân trái lên, đặt một phần ba bàn chân vào mép cửa máy bay và lao ra ngoài. Nếu sai động tác thì anh có thể bị “rơi tõm” xuống, hoặc bị đụng đầu hoặc bị quẹt ba lô vào mép cửa, và thế là anh sẽ “hưởng” tình huống xử lí trên không. Động tác này càng trở nên quan trọng nếu nhảy từ cửa hông máy bay vận tải cánh quạt, vì khi lao ra, anh còn bị gió của cánh quạt tạt mạnh về đằng sau làm anh càng dễ bị “nhào lộn” trên không.
Ra ngoài, anh đếm đủ ba giây thì giật chốt mở dù. Cứ đếm liên tiếp bốn tiếng một thì được một giây, ví dụ anh nhẩm “chút nữa đi nhậu” ba lần liền là đủ ba giây. Để “trong sáng ngôn ngữ”, huấn luyện viên đề nghị anh em đếm “rơi được một giây, rơi được hai giây…”. Thật tai hại nếu anh giật chốt mở dù ngay lúc vừa rời cửa, vì có thể gặp tình huống dù bị móc vào càng máy bay. Khi này anh sẽ được thưởng thức cảm giác li kì không thua kém phim hành động hạng nhất của Hôliút. Tuy nhiên sự cố này sẽ không xảy ra nếu anh ra từ cửa đuôi máy bay vận tải cánh quạt (trong phim thấy cả đại đội lính dù vừa rời cửa là dù bung liền mà không ai “bị gì”).
.
Giáo cụ là một bệ bê tông cao hơn một mét, trên gắn ống thép hình chữ “U ngược” tượng trưng cửa máy bay. Cùng với trí tưởng tượng, tụi tôi lao qua chữ “U ngược” theo động tác quy định. Đầu tiên là tập từng người rời “cửa máy bay”, tiếp theo là tập theo tốp bốn người, mỗi người cách nhau 2 giây. Vì bệ cao có một mét nên vừa “rời cửa” là xuống cát liền, thành thử tụi tôi cứ phải đứng lom khom dưới bãi cát, đếm đủ ba giây rồi làm bộ giật dù. Nghĩ thấy buồn, phải chi có quạt gió thốc vào suờn, có một khoang máy bay gắn cơ cấu thủy lực nhồi nhồi lắc lắc, nào ngờ … Nước ta dân chuyên nghiệp cũng chỉ tập vậy thôi. Nay tập “chay” mai chuyển thẳng qua nhảy từ máy bay thì đột ngột quá, không biết lúc đó “lập trường, tư tưởng” của mình ra sao nhỉ?
Sau mới biết, khi đứng trước cửa máy bay, khi rơi tự do, mình hồi hộp, có nhớ gì đâu. Lúc đó mọi hành động đều theo bản năng, tức theo các động tác mà mình đã tập.
.
“Làng dù” dân sự nói rằng, nhảy dù không thành công nếu anh bị một trong các lỗi, một: Đeo dù lên máy bay nhưng tới lượt thì anh xin “miễn nhiệm” (dĩ nhiên sẽ được đồng ý). Hai: Đứng trước cửa máy bay, anh do dự, anh thụt lui, anh lần khân mãi rồi mới chịu … rơi. Ba: Tiếp đất bị chấn thương. Bốn: Khi đang lơ lửng, cả tốp lái về đích ở đằng đông thì anh bay về đằng tây. Mặt đất chĩa loa lên hết lời hướng dẫn nhưng anh vẫn làm ngơ. Năm: Anh gây ra lỗi không đáng có, ví dụ dù của anh và dù của bạn dù đang tiến cùng chiều nhưng vì lí do nào đó khiến chúng xích lại gần nhau. Bạn dù ở bên phải anh kéo dù dạt phải, lẽ ra anh phải kéo dù dạt trái, nhưng anh cứ ngây như phỗng đất. Mặt đất chĩa loa lên nhắc nhở, bạn dù ngảnh sang la làng nhưng anh vẫn làm ngơ. Cuối cùng hai dù suýt quẹt nhau làm cả “làng” hú vía. Tất nhiên người ta không khó tính, miễn anh xuống đất là tốt nghiệp, nhưng anh bị anh em xì xèo. Sáu: Dù không mở. Nếu dù không mở thì mở dù dự bị, nếu dù dự bị không mở thì lỗi thuộc về xí nghiệp dù, chứ anh thì “ngoại phạm”.
.
Ảnh 1: Một tốp bốn người đang lơ lửng trên bầu trời phương nam.
Ảnh 2: Cửa máy bay, ranh giới giữa “cõi thực” và “cõi hư vô” (chụp lúc người cuối cùng vừa lao ra khỏi máy bay).
.
(Kì tới: Tại sao dù không mở).

BÌ HƯU

Bài " Bắc kinh và chuyện quanh Tử Cấm Thành " của KQ có nói đến con bì hưu. Dưới đây thêm chút thông tin về nó ( nguồn lấy từ kho tư liệu của thằng con tôi sưu tầm ), Ae đọc cho vui. Rất nhiều ảnh mà không đưa vào được...


Truyền thuyết về Kỳ Hưu ( Bì hưu)


Ở Trung Quốc , người ta rất quan trọng phong thủy, có thể thấy ở bất kì công trình xây dựng này. Trung Quốc có 3 linh vật rất được sùng bái, có tác dụng đem lại tài vật , bảo vệ gia trạch , trấn trạch cho những nơi nào phong thủy không tốt, hóa giải mọi điều bất lợi.
Đó là 3 linh thú : Sư tử, Kỳ Lân, Kỳ Hươu. Đến đây mọi người thấy rằng đã nhìn thấy rất nhiều tượng đôi sư tử đá tại nhiều công trinh của Trung Quốc từ cổ chí kim đúng không
Sư tử đá thì ai cũng biết và nhìn thấy rồi nên không bàn đến. Còn Kỳ Lân thì tượng trưng cho người quân tử, vì vậy hợp với giới quan chức, làm chính trị.
Xin nói nhiều đến Kỳ Hươu : Là linh thú thứ 3, đây là 1 con vật trong truyền thuyết ( ở VN gọi là Bì hưu, Tỳ Hưu hoặc Thiên Lộc ), con thú này chỉ ăn tiền, vàng bạc châu báu, nhưng lại không có hậu môn nên chỉ kiếm tiền và tích lũy, không hề thải ra, vì vậy nên cực kì hợp với người làm kinh doanh, buôn bán, và nó rất hung dữ nên dùng để trấn trạch trừ tà . Nếu đến Bắc Kinh, mọi người nên đến tham quan Ngân hàng Trung Quốc, ở đây là một ví dụ về phong thủy, trấn trạch và đặt kỳ hươu.
Ở Lầu Đức Thắng Môn ( lầu phong thủy ) Bắc Kinh có đặt một con Kỳ Hươu bằng đá trắng, có niên thọ gần 600 năm rồi, trong lịch sử, mỗi lần hoàng đế Mãn Thanh duyệt binh ra trận đều ở đến thỉnh kỳ hươu bảo hộ ( cờ xuất trận của Hoàng đế Mãn Thanh có thêu hình Kỳ Hươu ở đuôi cờ. trong lịch sử 600 năm của Kỳ hươu tại lầu Đức Thắng môn, có 2 sự kiện lớn : vua Sùng Chinh mất nhà Minh về tay nhà Thanh do bị gián điệp của Mãn Châu lừa xoay ngược lại hướng của Kỳ Hươu. Năm 1989 trong quá trình trùng tu lầu Đức Thắng, do sơ ý nên công nhân đã làm đổ con Kỳ Hươu này và bị mẻ 1 miếng lớn ở cánh, và năm 89 đã xảy ra 1 biến cố chính trị rúng động toàn nước Trung Hoa, đó là biến cố Thiên An Môn.
Kỳ Hươu có 1 đặc điểm, đó là luôn luôn hướng ra cửa, đuôi hướng vào trong thì mới chiêu tài, trấn trạch được, còn ngược lại sẽ đem tai họa đến nhà. Các cassino tại macao và 1 số cassino trên thế giới đều đến thỉnh kì hươu đem về trấn , có lẽ vì thế nên có ai đem được tiền từ đấy về đâu. 1 Khách sạn lớn tại Sài Gòn đã thỉnh 1 đôi Kỳ Hươu lớn về đặt tại KS trị giá > 3 tỷ đồng, và luôn thuê 2 vệ sỹ để bảo vệ không cho ai được sờ vào, vì nếu ai sờ vào Kỳ Hươu của bạn, có nghĩa là người ta sẽ đem mất lộc của bạn do Kỳ Hươu đem lại đi mất.
Kỳ Hươu luôn phải chế tác bằng vật liệu quý như ngọc, vàng. Nếu chế tạo bằng vật liệu rẻ tiền thì sẽ phản tác dung. sau khi chế tác xong, người ta phải đưa Kỳ Hươu vào lầu phong thủy đặt tối thiểu 5 năm để tích tụ tinh hoa của trời đất, đủ hạn kỳ thì mới có thể làm lễ khai quang điểm nhãn cho nó, sau đó chúng ta mới có thể thỉnh về được, còn không thì cũng chỉ là 1 vật lưu niêm thông thường. Sau khi tích tụ đủ linh khí, con kỳ Hươu sẽ được khắc chữ " Vân " vào dưới bụng.
Nhờ cơ duyên, em đã thỉnh được 1 đôi kỳ Hươu, 1 con bằng bạch ngọc em để ở nhà để trấn trạch ( nhà em cũng phạm phong thủy- mệnh hợp Đông tứ trạch mà nhà em lại hướng Tây tứ trạch ), 1 con bằng bích ngọc em đặt tại phòng làm việc công ty, nói thật các bác tin không, từ hôm em thỉnh về đặt tại Cty & nhà riêng, em thấy mọi công việc đều tốt lên rất nhiều.
Em up hình con Kỳ Hươu bằng bích ngọc lên cho mọi người xem nhé.
Nếu ai không tin về lĩnh vực này thì hãy coi như đọc một mẩu chuyện mà thôi, còn ai muốn tìm hiểu, em sẽ rất vui được chia sẻ
Mỗi nơi đặt tên nó 1 khác, theo khẩu âm ở địa phương. Ngày xưa thời còn chế độ phong kiến, con Kỳ hươu đặc biệt được yêu chuộng vào thời Minh và Thanh. Nó là con vật biểu tượng cho giai cấp vua quan. Nếu dân thường mà thỉnh Kỳ hươu thì sẽ phạm vào tội diệt tộc. Các triều đại nhà Thanh, vì cấm dân chúng sử dụng kỳ hươu để trấn trạch, sợ ảnh hưởng đến long mạch đế vương của mình nên đã đổi tên là Thao Thiết ( đấy là em phiên âm ra tiếng Việt chứ chữ Hán của em 1 chữ không cần bẻ đôi em cũng ứ biết nó là chữ gì ) Và như thế sau một vài trăm năm, dân chúng đã quên đi con Kỳ hươu này, vì vậy vào những triều đại cuối cùng của nhà Thanh, kỳ hươu chỉ xuất hiện trong Tử Cấm thành, Di Hòa Viên, và trong phủ của Hòa Thân ( Cúng Vương Phủ ) mà thôi. Còn trong dân gian chỉ còn lại các hình ảnh sư tử đá và kỳ lân mà thôi. Có lẽ vào triều đại Mãn Thanh, hình tượng Kỳ Hươu chỉ đứng sau hình tượng Rồng của hoàng đế mà thôi. Trước khi Thanh binh nhập quan ải tiến chiếm giang sơn Đại Minh ( hồi đó còn là Mãn Châu - tộc Nữ Chân dòng Đại Kim ) đã nghiên cứu rất kĩ về văn hóa, phong thủy, biết rằng nhà Đại Minh long mạch đế vương còn thịnh lắm, nếu không phá được phong thủy của Bắc Kinh thì không thể nào chiếm chọn Trung nguyên được, mà có chiếm được cũng không thể giữ được vì Trung Nguyên rông lớn, Mãn Châu sẽ nhanh chóng bị nuốt chửng và bị đồng hóa. Trong truyền thuyết, Lưu Bá Ôn đã từng để lại lời dặn cho nhà Minh rằng muốn Đại Minh trường tồn thì phải giữ gìn đặt con Kỳ Hươu trên lầu thành Đức Thắng Môn, mặt ngoảnh về phía Vạn Lý trường thành để trấn áp dân Hung Nô, dân Nữ Chân. Chừng nào mặt Kỳ Hươu còn ngoảnh về phương ấy thì Đại Minh còn.
Mãn Châu biết được truyền thuyết ấy, biết được Sùng Chinh rất tin tưởng vào con Kỳ hươu này, nên nghĩ ra 1 kế, cho 1 đại sư về phong thủy của mình, lập kế chiếm được lòng tin tưởng của Sùng Chinh, sau đó mới xui Sùng Chinh xoay lại con Kỳ Hươu vào, hướng về nội đô. Vận khí nhà Minh đã hết ,và Sùng Chinh đã nghe lời xui khiến , và giặc giã nổi lên khắp nơi, đầu tiên là Sấm Vương Lý Tự Thành ( cũng là 1 anh hùng áo vải ), và sau đó là sự cố Ngô Tam Quế mở ải Sơn Hải Quan, dẫn Thanh binh nhập quan. Nhà Minh tuyệt diệt, Sùng Chinh phải tự tay chém Trường Bình công chúa rồi treo cổ tự vẫn. Đó là nguyên nhân vì sao Đại Thanh lên ngôi, cấm tuyệt dân gian dùng kỳ hươu, và vì sao trên đuôi cờ của Bát Kỳ ( 8 đạo quân thân vương ) đều có thêu hiệu kỳ hươu , bởi vì Kỳ hươu đã đem lại giang sơn cho bộ tộc Nữ Chân, 1 bộ tộc nhỏ, đã bắt 1 dân tộc Hán cúi đầu, thắt bím tóc ( ước gì các "bô lão " VN có kỳ hươu nhỉ - hihi ) Rất tiếc là con kỳ hươu 600 nămđó không thể chụp ảnh -
Sau khi Hòa Thân chết đi, phủ Hòa Thân được Từ Hi thái hậu tặng cho Cúng Thân vương ( thưởng cho lòng trung thành của ông này trong cuộc dẹp biến cố chính trị ). Sau khi phát hiện ra kho tàng trong 1 hòn giả sơn trong Cúng vương phủ này, Từ hy đã khai quật và phát hiện ra 1 kho tàng bảo vật lớn hơn cả quốc khố của Hòa Thân, trong đó có 1 đôi Kỳ Hươu trấn giữ, từ đấy đôi Kỳ Hươu này lọt vào tay Từ Hy. Các bạn sẽ đặt câu hỏi, vì sao Kỳ hươu trấn giữ mà Hòa Thân sau này vẫn bị xử tội chết - như vậy thì linh nghiệm ở đâu. Xin thưa với tội lớn tày trời, tham ô tài sản lớn hơn cả quốc khố, vậy mà cuối đời sau khi Càn Long băng hà mới bị xử tội chết 1 mình, gia tộc vẫn bình an, thử hổi có phải là phúc trạch lớn đến nhường nào. Với thời bấy giờ, tội này phải diệt tộc rồi, âu cũng là có phước trong họa vậy.

TM


TẢN MẠN NGÀY THỨ BẢY CUỐI CÙNG

Tối qua có 3 thằng bạn Trỗi rủ nhau "ăn kết tuần cuối" của năm. Chỉ có dăm món dân dã: tép bắc, nem cua, gà dai kho mặn, su hào ngâm, bún ta chan canh bầu râu tôm cùng với bia, nhưng sao ăn quá ngon miệng.
Một năm sắp qua đi, thời gian có thể đếm đựoc bằng vài lần giơ 2 bàn tay. Thời gian còn ít ỏi như thế mà, hình như, chúng sắp phải chia ly. Già thế mà còn phải xa?
Ai đó mượn lời bài về đôi tình nhân sắp xa nhau, khẽ hát:
Chỉ còn đêm nay, đôi ta sẽ chia tay
Đường về lối cũ sánh bước vai kề vai
Chỉ con đêm nay, ta sẽ xa nơi này
Dù có xa nhau đừng lãng quên nơi này!
Chết, đừng lãng quên nhau hay đừng lãng quên nơi này?

Thứ Sáu, tháng 12 28, 2007

NHÌN RA THẾ GIỚI

Dương Minh

ĐÔI NÉT VỀ HÀNG CHÂU – TRUNG QUỐC

Hàng Châu là địa danh đã nổi tiếng đến mức được nước Trung Hoa mênh mông tổng kết lại “Ăn ở Quảng Châu, chết ở Liễu Châu, lấy vợ Hàng Châu …” và “Đến Bắc Kinh mới biết chức quan của mình còn nhỏ, đến Thượng Hải mới thấy nhà mình còn thấp, đến Hàng Châu mới tiếc mình đã lấy vợ sớm…”. Hàng Châu chỉ nổi tiếng vì con gái đẹp thì người ngọai quốc – nhất là người Việt Nam, chắc không thiết tha lắm để tìm đến nơi đây, vì dễ gì đã kiếm được cô vợ người Hàng Châu. Thế nhưng Hàng Châu vẫn tấp nập khách du lịch vì vẫn còn nhiều thứ độc đáo và nổi tiếng. Xin nêu một vài thứ.

Quá khứ: tưởng nhớ Nhạc Phi và bài học cần biết
Tôi đọc chuyện “Nhạc Phi” được trích đăng hàng ngày trên báo Thời Mới (nay là báo Hà Nội mới) khi đang học lớp 5. Tài năng, sự quả cảm, lòng trung thành và nỗi oan khuất của danh tướng này đã làm tôi cảm phục và xúc động. Khi đến thăm Hàng Châu thấy trong chương trình có đi thăm mộ Nhạc Phi tôi ngạc nhiên và mừng lắm. Quả thật được đến thắp một nét nhang tưởng nhớ đến vong linh của Nhạc Phi là điều tôi không thể ngờ trong cuộc sống của mình.
Tại khu thờ và tưởng nhớ Nhạc Phi có ngôi mộ của vị tướng tài được xây khá to và bên cạnh là ngôi mộ nhỏ của người con trai đã phải chung số phận oan nghiệt với người cha.
Từ phía mộ của Nhạc Phi nhìn ra cổng, phía bên trái có tượng của 2 người đàn ông, phía bên phải có tượng của một người đàn ông và một người đàn bà. Tất cả được làm bằng cỡ người thật, đóng khố, cởi trần, bị trói giật cánh tay về phía sau trong tư thế quỳ, cúi gục đầu hướng về phía mộ cha con Nhạc Phi.
Đó là cặp vợ chồng của viên cận thần đã xiểm nịnh (“bơm vá đểu”) để ám hại Nhạc Phi.,vị quan tòa không đủ minh mẫn đã xử oan Nhạc Phi và vị tướng cấp trên đã không đủ dũng cảm để bảo vệ cho người tướng tài của mình.
Tôi chưa thấy ở đâu để tưởng nhớ người tài nhưng lại minh oan và dạy cho đời sau bài học đắt giá bằng cách đó!

Quá khứ - Hiện tại: xây dựng thương hiệu Trà Long Tỉnh
Trà Long Tỉnh được coi là Quốc trà của Trung Quốc. Long Tỉnh là tên do vua Càn Long đặt trong khi vi hành được thưởng thức trà này. Vùng làm trà Long Tỉnh vốn là một vùng quê nghèo, nằm sâu trong một thung lũng bốn bề là núi cao hiểm trở. Khi sao trà, người dân dùng lòng bàn tay ấn đều các búp trà xuống đáy chảo nóng. Vì vậy búp trà hình lưỡi mác chứ không phải hình móc câu như trà Thái, trà Phú Thọ …
Trong chương trình tham quan Hàng Châu có lẽ đều có chương trình vào thăm vùng làm trà Long Tỉnh. Tại đây khung cảnh của làng như một vùng ở Châu Âu. Nhà cửa khang trang, đường phố sạch đẹp và ô tô đậu khắp nơi. Để vào làng có một con đường nhựa như đường cao tốc dài hàng chục cây số và đi qua một đường hầm xuyên qua núi không khác gì đường Hầm Hải Vân.
Tôi chưa biết ở đâu chỉ một vùng quê nhỏ bé đã được đầu tư đến mức như vậy để vượt lên nổi tiếng thế giới!

Quá khứ - hiện tại – tương lai: một thắng cảnh cho ngàn đời
Hàng Châu có một hồ được đặt tên là Hồ Tây. Hồ rộng mênh mông, nước hồ trong xanh, xung quanh hồ liễu mọc như rừng. Phía xa xa là dãy núi cao in bóng các tháp chùa trên nền trời. Một góc nhỏ trong tầm nhìn là những ngôi nhà cao tầng của thành phố Hàng Châu.
Người ta tổng kết rằng: trên thế giới có 36 hồ được đặt tên là Hồ Tây (trong đó có Hồ Tây Hà Nội – nơi đã được viết là linh thiêng nhất của Thăng Long ngàn năm) thì Hồ Tây của Hàng Châu là đẹp nhất. Và người ta quảng cáo cho khách du lịch rằng: chúng tôi sẽ bảo tồn, giữ gìn như thế này mãi mãi!
Tôi không hiểu còn có nơi nào khác xác định như vậy không, còn Hồ Tây Hàng Châu, tôi tin là họ làm được vì họ đã và đang làm như thế!

Hà Nội ơi ...

Nhân PH nói chuyện "Hà Nội ơi ..." xin cho các bạn xem một ảnh của hai thằng bạn Trỗi từ trước khi vào Trường quãng 3 năm. Tức là năm 1962(?). Lớp 3 Lê Ngọc Hân.
Có nhận ra là ai?
Riêng tư đã đến hạn giải mật (45 năm). Để nhìn bạn thấy lại mình.

Chuyện Nhà nước sẵn sàng làm những việc vì quyền lợi người dân

Cuối năm rồi có chuyến công du Thựợng Hải, Bắc Kinh. Được đi rồi được nghe, đựợc thấy, mạn phép có vài suy nghĩ.

Chuyện thứ nhất: An ninh hàng không

Từng bàn bạc trên blog Bantroi, hành khách đi máy bay ở ta không được mang theo người những chai, lọ có dung tích trên 100mm lên tầu, mặc cho là có hoặc không có chứa chất lỏng(!). Thùng chứa chai, lọ - đặt ngay cửa vào, được bọc bằng mi-ca trong suốt - mỗi ngày một đầy lên. Chuyện cứ như đùa nhưng là sự thật và đã thành thông lệ.

Còn “ở bển” thì sao? Trưa 20/12/07, chúng tôi bay chuyến bay nội địa từ Thượng Hải đi Bắc Kinh tại ga Hồng Kiều. Các thủ tục an ninh rất nghiêm. Qua máy soi, bất kì vật gì hình trụ đều được nhân viên an ninh mời khách tự lấy ra cho kiểm tra.

- Lon “Cưa lưa cưa lửa” (Cocacola) hả? OK, cho đi!

- Chai nước hả? Đưa đây! Nhân viên an ninh mở nắp, lấy tay quạt quạt và ghé mũi ngửi xem có là dung dịch chứa cồn? “No vấn đề”, cho qua!

Chợt nghĩ, sao họ lại được làm vậy? Quy định quốc tế mà? Hay là “trình độ chuyên môn” của nhân viên an ninh hàng không TQ “cao” hơn của ta? Thật ra họ đã hành động rất vì dân. Còn ở ta để giảm tối đa các chi phí, các hãng hàng không đã bỏ dịch vụ ăn, uống trên máy bay. Vậy thì hành khách tự lo là việc làm chính đáng. Tại sao an ninh hàng không ta lại không có ứng xử văn hóa như vậy?

Chuyện thứ hai: Chống ồn cho dân

Hầu hết các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đều sử dụng giải pháp chống ùn tắc bằng cầu vượt tại các nút giao thông. Xe chạy trong thành phố lắm khi tốc độ lên đến 80-100km/h. Do quy họach cũ mà dọc đường thấy nhiều nhà cao tầng nằm ngay sát cầu vượt, thậm chí chỉ cách có 10-20m, cửa sổ nhìn ra đường. Trong điều kiện như vậy tiếng ồn sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân trong chung cư.

Nghe dân phản ảnh, lập tức tại những chỗ có nhà sát cầu vượt được dựng lên những bức tường chắn ồn bằng nhôm hoặc mi-ca gắn trên khung thép. Chắc chắn việc làm này hữu hiệu, vừa phục vụ lợi ích quốc gia vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân.

(Bức từong chắn ồn sát bên cầu vượt không còn là hình ảnh xa lạ ở các đô thị lớn!).

Chuyện thứ ba: Vệ sinh nơi công cộng

Giống dân ta, dân TQ cũng có thói xấu hay khạc nhổ bừa bãi, hút rồi vứt tàn thuốc ra bất cứ nơi nào mình muốn, ăn quà bánh xong thì giấy rác cứ tùy tiện xả tại chỗ... Nay thì dọc phố, chỗ nào cũng thấy có đặt thùng rác với nhiều kiểu dáng đẹp, dễ thương, tiện lợi… Trên phố hầu như không thấy rác thải.

Đặc biệt, ở những nơi đông người – nhà ga, bến tầu, điểm du lịch… là thấy bóng nhân viên lao công. Trên tay họ là chổi và thùng rác cơ động. Cứ thấy rác là quét, dọn. Họ gẩy từng mẩu tàn thuốc, cái giấy kẹo… trên phố. Ngay cả trên cầu vượt, bậc thềm, sảnh đón… thấy có nhân viên đẩy cây lau lau chùi vết dơ bẩn.

Chiều hôm đó ở phố đi bộ Nam Kinh, trời chợt đổ mưa. Lập tức tại tất cả các cửa hàng, ở cửa ra vào có đặt tấm biển màu vàng “Caution! Wet Floor!” - báo hiệu cho khách chú ý trơn trượt. Ngay cạnh là nhân viên lao công trên tay có cây lau nhà, sẵn sàng lau khi thấy có chỗ ướt.

Văn minh hơn, trên tay nhân viên bảo vệ là xấp túi nilon. Cứ thấy khách vào là cầm ngay ô dù còn ướt của khách, nhét vào túi.

(Ảnh trên cho thấy mấy lao công tại Bến Thượng Hải đang tranh thủ nghỉ ngơi, tán dóc. Còn ảnh dưới, mới sáng sớm, trời lạnh khỏang +5 độ nhưng bác già vẫn như 1 con ong cần mẫn lau chùi sàn cầu vượt cho người đi bộ ở ngã tư Thiên Mục Tây và Tân Cộng Hòa).

Chuyện thứ tư: Cái chặn xe

Ở tất cả các parking đều có đặt các chặn bánh như đã chụp. Thật an tòan cho xe, tạo vẻ đẹp đồng bộ cho nơi công cộng để xe và tiện lợi cho tài xế. Vì dân quá đi chứ?

Vài chuyện nhỏ lẻ đáng làm các nhà quản lý của ta quan tâm!

Thứ Năm, tháng 12 27, 2007

Ung thư hay gì khác?

Một hai tuần nay vẫn có hồ nghi liệu Hồ Trương có bị K thật hay không? Vì chụp chiếu xong thì Tây Y không dám làm sinh thiết, kết luận luôn. Nhưng người ta bảo là K thì đau lắm, mà HTr thì lại không đau.
Hôm nay đọc trên mạng có chuyện "tổ sán lá gan to bị chẩn đoán thành ung thư giai đoạn cuối". In ra mang vào cho HTr và gia đình xem. Mọi người mới biết có chuyện này. Có lẽ mấy hôm tới nên đề nghị BV cho làm xét nghiệm máu hướng này. Có hại gì đâu.
Nếu đúng thì cũng bớt được một mối lo và điều trị đúng hướng hơn. Hi vọng thế.

Tin về Nam Tiến

Sáng qua, Nam Tiến gọi điện cho tôi thông báo:
Sáng nay, 27/12, Tiến sẽ được đặt 2 sten tại Viện 108. Hiện Tiến bị suy tim độ 2/4. Sau đó sẽ điều trị tiếp và xử lí chỗ tắc thứ 3. Tiến gửi lời chào và cảm ơn thầy cô và các bạn, nhất là các bác sĩ Trỗi ở Viện 108. Tiến còn có thông điệp gửi các bạn Trỗi: chịu khó đi kiểm tra sức khỏe thuờng xuyên, không được chủ quan!
Chúc bạn chiến thắng bệnh tật và sớm về lại đội hình!

Hà Nội trong ký ức tôi

Đoàn Phú Hoà

Tôi có thể khẳng định một điều là dù sinh ra hay không sinh ra ở Hà Nội nhưng phần lớn lính Trỗi đều gắn những kỷ niệm tuổi thơ của mình với thành phố thân thương này và giờ đây, dù ở đâu chăng nữa nhưng tất cả đều có những khoảnh khắc nhớ về mảnh đất đó với nỗi nhớ thiết tha, day dứt đến tê người. Nhớ lắm.

Hồi nhỏ, gia đình tôi sống chung với ông bà ngoại và các cô chú ở phố Lò Đúc, gần sát rạp Mê Linh. Trước thời chiến tranh phá hoại của Mỹ thì phố này đã được mệnh danh là phố cò ỉa. Từ ngã tư Lò Đúc – Hòa Mã đến đúng trước cửa nhà tôi là hai dãy cây sao dọc phố và cũng nơi cò tập trung làm tổ. Từ nhà tôi trở xuống mạn Nguyễn Công Trứ lại toàn cây bàng mà cho đến giờ, gần 50 năm rồi nhưng tôi vẫn còn cảm nhận được cái vị ngòn ngọt, chan chát của quả bàng chín hay cái vị bùi bùi của nhân quả bàng.

Sau khi “tốt nghiệp“ lớp vỡ lòng ở trường Mầm Non thì tôi theo học trường Lê Ngọc Hân. Những ai đã học trường này chắc chắn còn nhớ là ở đó có một tầng hầm, giống như trường Trưng Vương. Đối với bọn tôi, những đứa trẻ nghịch ngợm thì đó là một thế giới bí ẩn. Những giờ giải lao, trong khi mọi người đùa nghịch trong sân trường thì tôi, thằng Đức khểnh, Tấn Phong (cả hai đều là dân Hàng Chuối) cứ mầy mò trong những khoang hầm đó mà thật ra thì chẳng đứa nào biết là mình muốn tìm cái gì.

Mấy thằng chúng tôi nghịch như quỷ sứ nên thường hay bày ra những trò đùa quái đản làm lũ con gái la hét inh ỏi, nhất là cô bạn Bình Minh (bạn gái của Quý nhẽo và là bạn đời của Vũ Anh Dũng) thường lẳng cho mấy thằng những cú lườm mà đến giờ tôi vẫn cảm thấy cái sắc của nó.

Hồi ấy, buổi sáng nào cũng vậy, trước cổng trường luôn có một ông già Tầu với cái xe đẩy của mình đứng bán bánh gối. Ôi chao, sao mà những cái bánh gối rán vàng ươm lại quyến rũ lòng ham của bọn tôi đến mức đam mê như vậy. Bao nhiêu tiền của ông bà, bố mẹ, cô chú cho thì tôi chỉ để dành nhằm phục vụ cái khao khát của mình. Đối với anh em mình thì hồi ấy 5 xu cũng là cả một gia tài nhưng cái cảm giác được cầm cái bánh gối thơm ròn, cắn một chút tí đầu để đổ tương ớt vào trong sao mạnh mẽ thế. Ba thằng bọn tôi vừa ăn vừa xuýt xoa vì bỏng đến rộp môi, rộp lưỡi nhưng vẫn ngon. Lần nào cũng vậy, khi miếng bánh gối cuối cùng chui tọt vào cái “tầu há mồm" thì cả ba đều có vẻ mặt tiếc rẻ là tại sao cái bánh ấy bé thế.

Mùa hè là mùa của học trò. Nắng chang chang như đổ lửa, nhựa đường dẻo hơn kẹo cao su nhưng bọn tôi đâu có sợ. Cứ chân đất, đầu trần lang thang ở sân đá bóng Tăng Bạt Hổ để bắt dế. Nhiều lúc nước trong chai hết mà dế chưa thèm bò lên thì đấy, sẵn bầu nước trong có sẵn trong người là bơm tiếp. Ban ngày thì đổ dế, chơi bi, chơi xèng, chơi quay, chơi khăng còn buổi tối lại đi bắt ve sầu, đánh trận giả loạn cả phố. Có một thời bọn tôi thường ra bãi rác Sông Hồng tìm đầu đạn cũ về để tháo nó ra, phần thuốc súng thì đổ đi còn phần đầu đạn thì cho vào nồi gang đốt lên để lấy chì đúc đồng cái đánh xèng. Viên đạn nào rỉ quá, không tháo ra được thì quẳng cả vào đống lửa cho nó nổ, nghe cho sướng. Sau này, khi đã trở thành kỹ sư vũ khí nghĩ lại chuyện này thì tôi mới thấy sợ. Đúng là “điếc không sợ súng“. Chơi chán thì bọn tôi lại rủ nhau vào làng Thanh Nhàn để “hái ổi không giấy phép“. Tham thì thâm nên nhiều khi ngày hôm sau gặp nhau thì mặt thằng nào cũng đần ra vì cóc „rặn„ được.

Cứ đến cuối tháng bẩy là cả một đoạn phố Lò Đúc trắng xóa cứt cò. Mấy đứa tôi vừa ngồi ghè quả bàng vừa theo dõi người đi trên đường vì cứ một chốc là sẽ có một ai đó chửi toáng lên do nhận được món quà hảo tâm của cò, thậm trí có lần có người còn nhận được lên đầu một chú cá vẫn còn đang rẫy đành đạnh. Ban công nhà tôi vì ở ngay sát đường và rất rộng nên là một vị trí cực kỳ thuận lợi cho các xạ thủ săn cò. Chiều nào cũng phải có ít nhất vài ông xin lên thử súng ở đó và trước khi rút quân thì ông nào cũng tặng ông bà tôi vài chú cò còm. Mấy hôm đầu thì còn nhá được nhưng sau vài ngày thì cả nhà ớn đến tận cổ, không dám nhận nữa.

Tuần nào ở rạp Mê Linh có phim hay là mấy đứa tôi tranh nhau tán ông soát vé để được ông ấy cho phép khuân – cất giá giữ xe ở trước cửa rạp rồi vào xem phim không mất tiền.

Cứ đến mùa me chín là bọn tôi lại rủ nhau đến phố Ngô Quyền rồi thi nhau trèo lên những cây me dọc phố, mà phải trèo tít lên cao để nhiều khi các ông bảo vệ mấy cơ quan ở gần đấy phải ra quát mới chịu tụt xuống. Hồi ấy cả tuần có mỗi chủ nhật là ngày nghỉ nhưng bọn tôi dậy sớm lắm vì đã hẹn với nhau ra vườn hoa Nhà Kèn có “công vụ“. Sáng chủ nhật nào cũng có đội quân nhạc thổi kèn, đánh trống inh ỏi ở đấy. Mấy thằng bọn tôi do còn nhỏ con nên len lên phía trước quá dễ dàng. Cứ đợi đến khi mấy ông thổi kèn bắt đầu phùng mang, trợn mắt thì bọn tôi mới dơ mấy quả me vàng vừa hái ngày hôm trước ra mút làm mấy ông tứa nước bọt cóc thổi được. Bảo vệ ra đuổi thì bọn tôi lại chạy đi chỗ khác. Chán rồi thì bọn tôi lại mò ra Sông Hồng để đua nhau chạy trên các bè mảng cắm ven sông. Một lần do sơ ý nên thằng Đức khểnh bị kẹp chân đến tận bẹn giữa hai cây vầu, nó càng giẫy thì càng bị kẹp chặt hơn, bọn tôi có cố gắng cũng chịu. Lát sau tay chủ bè ở đâu mới mò về, mặt đỏ bừng vì rượu. Tuy mấy thằng bị ăn bợp đến nẩy đom đóm mắt nhưng vẫn mừng vì thằng bạn mình được giải thoát. Đòn đau nhớ lâu nên sau này, tuy không bỏ được thú chơi quái quỷ đó nhưng thằng nào cũng rón rén hơn. Nói đến Sông Hồng thì không thể không nói đến Bãi Giữa, nơi có những vườn ngô bạt ngàn, chỉ cần thò mấy đôi tay khẳng khiu là chúng tôi có được bữa ngô nướng ngon lành (ngô nhà chùa mà, mất gì của bọ). Sau mỗi cơn mưa hè thì cả đường phố Lò Đúc ngập nước đến quá nửa vành xe đạp và bọn tôi, những đứa trẻ của đường phố lại tha hồ vùng vẫy trong dòng nước ấy, đâu cần biết là nó bẩn đến mức nào.

Đối diện nhà Quang bành (con bác Đinh Thị Cẩn – TT Bộ Y Tế) ở phố Hòa Mã là nhà của một ông võ sư. Tối nào ông ấy cũng dậy các võ sinh của mình ở ngoài sân. Nếu chán chơi rồi thì bọn tôi và Quang bành cứ đứng hàng giờ ngắm ông ta dậy võ rồi lại bắt chước, vung cẳng chân, hạ cẳng tay để cả bọn ngã chổng kềnh rồi cười khoái trí. Khá nhiều lính Trỗi mình đã theo học ở trường Lê Ngọc Hân như Tuấn hủi, Vũ Anh Dũng, Chí Quang, Vân Hùng, Quý nhẽo, Toàn sứt, Bắc đen, Quang bành, Hoài Lưu, Hoài Thuận, Kiên lé, Luân cáo và sau này tôi còn được biết thêm có Hữu Thành, Tương Lai, Thanh Minh, … nữa.

Hè năm 1963 thì gia đình tôi chuyển về “quân khu Nam Đồng“. Lúc đó khu tập thể này vẫn còn chưa hoàn thiện, mới chỉ có khu B với 4 dẫy nhà 4 tầng. Tuy toàn là dân mới từ các nơi trong Hà Nội chuyển đến nhưng có lẽ đều là con nhà lính nên bọn tôi nhanh chóng đồng cảm được với nhau để rồi sau hai năm thì cả lũ lại rồng rắn kéo lên tụ họp ở trường Trỗi. 5 năm trong trường đã giúp tôi trở thành người và có được những đứa bạn mà giờ đây, sau gần 40 năm mà tình cảm giữa chúng tôi vẫn chân thành và đậm đà như thủa thơ ấy.

Tuổi thơ của lính Trỗi nhà mình đã qua đi từ lâu nhưng những kỷ niệm về Hà Nội của thời gian ấy luôn trở lại trong tôi. Hà Nội với những đường phố bụi bẩn, với những dòng xe đạp cà khổ, với những chuỗi thùng gánh nước chờ đến lượt bên vòi nước công cộng, những hàng gạch, rổ rả thùng xếp thay người trước của hàng gạo, hàng thực phẩm …. . Tuy đi xa Hà Nội gần 30 năm rồi nhưng những hình ảnh thân yêu đó luôn gần gũi với tôi. Tôi thích nghe những bài hát về Hà Nội như Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hà Nội chiều trở gió, Về lại phố xưa, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, …..... Có nhiều đêm, một mình bên ly cafe tôi thả tâm hồn mình hòa trong khoảng không ấy, cái khoảng không “Hà Nội của tôi“. Mỗi lần về lại mảnh đất thân thương của mình là tôi thấy như mình được quay về quá khứ. Cái quá khứ với những kỷ niệm mà cho đến phút cuối của cuộc đời tôi vẫn không thể quên. Tôi thèm được nghe tiếng chổi quét trên đường đêm tĩnh mịch, tiếng rao bán xôi sáng khi trời còn chưa bừng tỉnh. Có lẽ tôi cũng hơi táo tợn khi gợi ý cậu bạn thân Mirek cùng mình chơi đàn ghi ta về những bài hát của Phú Quang về Hà Nội. Dịch tài liệu thì đơn giản thôi nhưng dịch thơ, dịch bài hát thì khó lắm, chẳng hạn như “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may“ thì tôi chịu vì chỉ có người Việt Nam mình mới có thể hiểu hết ý nghĩa của cái “run run heo may“ là như thế nào nhưng không thể dịch được. Có lẽ cậu ta ăn phải cái bả “đam mê“ Hà Nội của tôi nên rất chịu khó và một phần cũng nhờ cái khiếu nhạc nên hồi ấy (năm 2000 -2001) tuy một chữ Việt bẻ đôi không biết nhưng hai thằng có thể cùng chơi đàn và hát được một số bài. Tuyệt lắm.

Một trưa hè năm 2001, khi đang ngồi cùng hai con gái trong quán La Paloma ở ngã tư Hàng Bài – Lý Thường Kiệt thì bỗng dưng tôi được nghe bài “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi“. Tôi rùng mình và cảm thấy cái lạnh đến tê người dâng lên trong mình. Cố gắng lắm thì tôi mới giữ được hai dòng nước mắt của mình nhưng vẫn không dấu được bọn nó. Ngày nay, tuy quán đó đã thay tên, đổi chủ nhưng lần nào về đến Hà Nội là tôi đều đến đấy uống ly cafe như một cách thầm cảm ơn cái khoảnh khắc tê tái đến ngọt ngào ấy. Tuy người vợ yêu đã đi xa, chẳng còn ai để mà mong, mà nhớ nhưng tôi vẫn thường “mơ về một nơi xa lắm“ vì mảnh đất thân yêu ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm của tuổi thơ mãi mãi không phai nhòa. Trong năm, do chúi mũi vào với công việc nên không có thời gian nhưng năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm thường làm tôi nhớ da diết đến Hà Nội của chúng mình.

Dù lâu đến bao nhiêu nữa nhưng trong tôi chỉ có một quê hương, đó là Việt Nam và dù xa lắm nhưng tôi cũng chỉ có một Hà Nội để nhớ, để mong. Tôi đã đi nhiều nơi ở cái đất Châu Âu này và giống như Quý nhẽo thì tôi cũng thường “chui rúc“ vào mọi xó xỉnh nhưng không thể tìm được cái “Hà Nội của tôi“. Ở Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, …tôi thường đảo qua các chợ nhưng chẳng có cái chợ nào có thể sánh được với cái chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm, Chợ Hàng Da, Chợ Mơ của Hà Nội chúng mình với cái mùi tổng hợp và sự náo nhiệt, ồn ào đến “tả phí lù “ của nó. Hà Nội của chúng mình không có những lâu đài nguy nga hay những nhà thờ tráng lệ nhưng lại có vẻ đẹp riêng của mình mà chỉ ai có tình yêu với nó mới cảm nhận được.

Cảm ơn đất nước, bố mẹ đã truyền thụ cho tôi tình yêu quê hương, yêu Hà Nội. Cảm ơn các thầy cô trường Nguyễn Văn Trỗi đã dạy tôi trở thành người, cho tôi có được những người bạn chân tình. Cảm ơn những đứa bạn tuổi thơ đã giúp tôi vượt qua được nỗi cô đơn. Dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì tôi vẫn có thể tự hào thầm nhủ với mình: Tôi là thằng hạnh phúc.

Ghi chép từ Bắc Kinh

Vài nét về quảng trường Thiên An Môn

Theo dòng người đi dưới đường hầm nối từ cửa Thiên An sang quảng trường. Vừa thọát khỏi mặt đất thấy quảng trường weida (vĩ đại) làm sao! Quanh chân cột cờ, dân chúng tập trung chờ xem làm lễ hạ cờ. Sáng sớm, như ở quảng trường Ba Đình từ 6g có lễ thượng cờ. Quảng trường này có sức chứa 1 triệu người. Hỏi nhỏ Tiểu Hổ về vụ đàn áp sinh viên 1989, chaú trả lời: Thông cảm Hổ chỉ làm hướng dẫn du lịch, không biết làm chính trị(!).

Bên phải là Đại lễ Đường, nơi tiếp các đoàn khách quốc tế cấp cao và diễn ra các kì họp Quốc vụ Viện. Bên trái quảng trường là Bảo tàng Cách mạng. Giữa quảng trường sừng sừng tượng đài Tổ quốc ghi công. Sau nó là Lăng Mao Chủ tịch. Đêm 9/9/1976 ông từ trần. Trong di chúc của cụ ghi lại là hỏa thiêu nhưng nghị quyết Bộ Chính trị là phải giữ xác. Hơn 30 năm qua, dân chúng và khách quốc tế đến viếng thăm. Dạo này Lăng đóng cửa.

Trời đông ảm đạm, khắp quảng trừong mờ sương. Đã muộn mà người vẫn nườm nượp. Đúng là hàng vạn lượt người qua lại đây mỗi ngày. Chúng tôi đi bộ về 1 nhà hàng KFC để lên xe. Xa xa là Đại Tiền Môn, hình ảnh thường thấy trên bao thuốc thơm ngày xưa.

Gặp gỡ những người thân

Cả đòan đi xem xiếc trước khi ăn tối, còn anh em tôi bắt taxi đến thăm cô chú Lương Phong. Phải đi cả tiếng đồng hồ mới tới. Bắc Kinh to khủng khiếp!

Đã có bài viết về lão đồng chí Lương Phong nhân dịp chú được mời sang TpHCM năm rồi. Là Hoa kiều ở Hàng Buồm, sinh ra ở Hà Nội, theo học trừong Trung học Trung Hoa, kháng chiến bùng nổ, đồng chí lện Việt Bắc rồi công tác ở Vụ Hoa vận của cụ Lý Ban. Từ năm 1949, đồng chí được cử đi phiên dịch cho Bác Hồ trên chiến khu Việt Bắc rồi những năm tháng công tác ở Sứ quán TQ. Có 1 điều khá thú vị, đồng chí là đảng viên Đảng CS Đông Dương trước khi là đảng viên CSTQ. Tháng 8/1969, Bác Hồ yếu lắm, TW Đảng TQ cử đồng chí cùng các bác sĩ sang chăm sóc Bác. Vừa quay về tới Bắc Kinh thì Chu Thủ tướng lại giục đồng chí bay mang thuốc quý sang gấp. Tới Nam Ninh thì nghe tin Bác đã ra đi. Đồng chí Lương Phong nay đã 75 và hôm nay đứng ta làm chủ tịệc.

Khách mời có lão đồng chí Văn Trang, đảng viên CSTQ, từ Vân Nam giạt sang VN năm 1947. Cùng vợ là Diệp Tinh công tác ở đòan cố vấn TQ và là chỗ thân tình của Bác và nhiều cán bộ lãnh đạo VN. Gia đình tôi còn lưu giữ ảnh cô chú ăn cơm với Bác ở Việt Bắc. Năm nay chú đã 85 nhưng rất minh mẫn và nhớ rất nhiều kỷ niệm xưa. Chú tặng lại chúng tôi bức chân dung cha tôi chụp năm 1949 ở Việt Bắc. Bức ảnh này rất quý vì chúng tôi không có. Bức thứ 2 được mẹ tôi tặng khi cô chú về TQ tháng 6/1959. Vậy là phải gần 50 năm, anh em tôi mới gặp lại chú. Cô đã mất vì bạo bệnh. Năm 2004, trong Hội thảo về Điện Biên Phủ tại Hà Nội và Bắc Kinh, chú là nhân chứng xác nhận: nguời đưa ra quyết sách “đánh chắc, tiến chắc” ở mặt trận Điện Biên Phủ là Võ Đại tướng. (Chứ không phải có nguồn tin định cho rằng “quyết sách ấy từ phía bạn”!).

Hai vợ chồng cựu Tổng lãnh sự TQ tại TpHCM Cao Đức Khả cũng có mặt. Chị là người có nhiều đóng góp cho việc phát triển quan hệ Trung-Việt và ủng hộ cách làm “ngọai giao nhân dân” của chúng ta. Chị vẫn khỏe và thăm hỏi nhiều bạn bè ở TpHCM.

Sau bữa tiệc đầm ấm, chúng tôi về thăm nhà cô chú Lương Phong - 1 căn hộ xinh xắn trong khu cán bộ ngọai giao không xa nhà hàng. Trên nền nhạc giao hưởng Beethovel nhẹ nhàng, chúng tôi cùng uống trà và tâm sự. Thật hiếm có lần thứ 2 như thế!

Hôm trước ở Thựơng Hải, khi ngồi trên taxi, anh Chiến có tán phét với tài xế. Chỉ là công nhân nhưng anh ta tỏ ra khá hiểu biết. Anh ta kể rằng ông Đặng có công rất lớn trong việc phát triển Pudong của Thựong Hải. Nhưng khi nhắc lại vụ 1979 với VN, anh nói dân chúng rất thắc mắc không hiểu vì lí do gì. Rồi anh ta kết luận: với lãnh đạo các quốc gia ngày nay thì “không có bạn bè vĩnh viễn và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có tình thân hữu giữa nhân dân 2 nước là vĩnh viễn!". Chúng ta là những người đang góp phần làm việc đó.


- Ảnh 1: Tượng đài liệt sĩ vô danh và Lăng Mao Trạch Đông.

- Ảnh 3: Hàng đầu từ trái qua: vợ chồng chú Lương Phong, chị Khả. Hàng sau từ phải qua: chồng chị Khả (cựu Đại sứ ở châu Phi), chú Văn Trang...

Thứ Tư, tháng 12 26, 2007

Thiên đường nơi trần thế







Có hay không một thiên đường ? Nhân loại không phải ai cũng trả lời có. Những người không tin vào đức chúa Trời thì ngày nay vẫn phải cảm ơn ông Giêsu vì ít nhất ông ấy cũng cho họ mấy ngày nghỉ. Nhưng hôm nay những ai đi xem chương trình Holiday on Ice ở nhà thi đấu Arena Leipzig thì đều có cảm giác như đã nhìn thấy thiên đường. Ít nhất là trong 2 tiếng đồng hồ. Chỉ có âm nhạc, trượt băng và ánh sáng rực rỡ huyền ảo. Không có tiếng người, không có lấy cả lời giới thiệu- những tiếng ấy chỉ có nơi trần thế. Các vũ công đem hết tài nghệ, nhiệt tình , sức lực, cảm hứng chỉ cốt để chứng minh một điều :có một thiên đường nơi trần thế!
Tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội, kéo người ta về với thực tại: những tiếng động như thế chỉ có ở trần gian. Xin gửi tới các bạn một vài tấm ảnh với hy vọng mong manh là có thể chia sẻ được cảm xúc. Nhưng liệu có ai chụp ảnh được thiên đường?

HỌP MẶT K6 PHÍA NAM

Vừa đi lấy chú heo rừng ( đã được làm sẵn đủ cả ruột, gan, lòng, phèo và tiết, loại này mà tiết canh thì cứ gọi là tuyệt, Bố rừng thứ thiệt, mẹ F1 ) giao cho nhà hàng "ruột" của Tuấn "N". Để làm cơm chiều nay. Với hai lý do : Mời bạn Thanh Chung -cán bộ TW vào công tác. Thứ hai là kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Chiều hôm trước theo đề nghị của Tuấn "N". Tối qua tôi tức tốc điều thằng em ruột cũng dân Hải Quan lính cũ của Tuấn, lái xe một mạch chạy lên trang trại trên Bình Phước trói nghiến một con, cho thợ làm sẵn và sáng nay 4h30 phóng về, thịt vẫn còn nóng. Vừa về đến nhà thì thấy tin nhắn của Hà Mèo, Hắn nói mở Blog của k4 và k6 có bài viết của hắn . Dạo này viết lách dữ dội quá chắc đươc mấy"Nhời "động viên của bác HT nên cố gắng chăng, hay là vì thấy anh em k6 ta " Sống nội tâm " quá nên hắn phải cố. Đùa vậy thôi chứ mình khoái bài: "Troicky Kharactrer" cua ong lắm. cố gắng lên nhé. Đọc bài của Bác Chí Quang mà hãi, ngần ấy tuổi mà dám leo lên " Giời " lao xuống đất, thật chỉ có mấy Ông Trỗi mới dám liều thế. Nói thật với các bác chứ em cái khoản nhìn lên thì cao mấy em cũng không sợ nhưng nhìn xuống thì em hãi lắm, lên cao khoảng 3-4 mét nhìn xuống là em đã thấy chóng mặt, tiền đình em yếu, nên số em nó cứ nghèo mãi chẳng bao giờ có nhà lầu mà leo, thật vậy đấy các bác ạ. Đọc bài trên Blog của mình em thấy vui và bổ ích, nhiều lĩnh vực ra phết, thích nhất là cái hài của dân trương ta. Thật nếu không có bác HT thì buồn chết, nhờ ăn theo công nghệ mới mà anh em mình giao lưu được với nhau nhanh và tiện lợi. Qua đây cũng muốn báo tin cho các bạn k6 ( Trong Nam cũng như ngoài Bắc là anh em phía nam tối 30 sẽ họp mặt tất niên và kỷ niêm 22/12 luôn một thể. Theo dự kiến của Nam Điện, địa điểm tại nhà hàng "Bia Đức", trên đường Hoàng Văn Thụ, bên cạnh văn phòng quốc hội phía nam. Mời các bạn đến đông đủ.

Bắc Kinh và chuyện quanh Tử Cấm Thành

Lần vừa rồi được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, nay muốn viết cho anh em nhưng những ngày cuối năm bận quá. Xin được post dần cho anh em cùng thưởng thức.

Vài nét về Bắc Kinh

Rời sân bay nội địa Hồng Kiều, Thượng Hải, trên chuyến bay khởi hành lúc 11g20. Gần 2 tiếng sau tới Bắc Kinh. Ga Bắc Kinh được mở rộng, chia làm 2 nhà ga chính – nội và ngoại. Vừa ra cửa ga, gặp ngay khí trời mát lạnh, sạch sẽ (-5 độ). Hít 1 hơi thật dài và sâu. Sướng! Vậy là sau gần 40 năm mới quay lại đất này.

Từ đây đi thẳng về Tử Cấm Thành, cố đến trước 3g30 để kịp vào thăm. Chú hướng dẫn viên dí dỏm đùa: “Bắc Kinh là tắc… kinh, à quên… Bắc Kinh đồng nghĩa với tắc nghẽn giao thông”. Xe cộ nườm nượp lao về trung tâm. Bên phải là cầu dẫn cho tầu đệm từ đang đựoc hoàn thiện.

Bắc Kinh có 4 mùa rõ rệt. Xuân về hoa lá xanh tươi, nhưng cuối xuân là mùa bão cát. Gió thổi cát từ cao nguyên Gô-bi đổ về. Năm 2003, đứng cách nhau có 10m mà không thấy gì. Mùa hạ thì nóng khô, chỉ có mùa thu thì muôn màu muôn sắc, nhất là dịp cuối thu lá vàng rụng đầy đường. Mùa đông lạnh lẽo, kéo dài tới 155 ngày. Khắp nơi tuyết phủ trắng. Ngày ngắn đêm dài, bà con đi ngủ sớm, phố xá vắng tanh. (Điều kiện tốt cho sinh con đẻ cái, may mà Trung Quốc chỉ cho phép mỗi gia chỉ được có 1 con!).

Đã từ lâu, Bắc Kinh được quy hoạch toàn những đường phố dọc ngang chạy theo hướng bắc-nam, đông-tây. Gần về trung tâm thấy những dãy phố cổ, tường và ngói màu xám. Từ lâu, dân Bắc Kinh đã phân ra 5 khu dân cư: Đông quý, Tây thường, Bắc giàu, Nam nghèo, Trung quyền lực.

Bắc Kinh là 1 trong 6 đại cố đô của Trung Hoa, đã trải qua 4 triều đại: nhà Minh, nhà Thanh, Dân quốc và Cộng sản. Bắc Kinh có diện tích 16.800 km2, dài từ bắc xuống nam là 170km và đông sang tây là 160km, gồm 16 quận, 2 huyện. Dân số: 18 triệu (4 triệu lao động ngoại tỉnh). Có hơn 3 triệu xe hơi, khoảng 1,6 gia đình có 1 xe hơi.

Tử Cấm Thành và chú bì hươu cứu nạn

Chúng tôi dừng xe ở công viên Cảnh Sơn. Bắc Kinh xưa gọi là Bắc Bình, nằm trên đồng bằng, không có đồi núi. Khi đào mương nước bảo vệ Tử Cấm Thành, số đất cát được đắp lên thành núi rồi xây dựng thành công viên Cảnh Sơn. Phải đi vào từ cổng hậu (hướng dẫn viên nói đùa: vào theo “hậu môn”!) mới kịp thăm Tử Cấm Thành vì 5g30 sẽ đóng cửa 30’ để làm lễ hạ cờ tại quảng trường Thiên An Môn.

Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm 1406 đến 1420, nhưng thực chất mất 11 năm di chuyển vật tư và chỉ xây trong có 3 năm. Dài tới 7km. Bên trong Tử Cấm Thành có 9.999 phòng. (Không được xây 1 vạn phòng vì con số 1 vạn phòng chỉ được dùng trên Trời cho Thiên hoàng, Thiên tử phải kém Thiên hoàng!). Trong Tử Cấm Thành có 18 chum bọc vàng (120 lượng/chum). Quanh vụ này cũng lùm xùm lắm chuyện, xin kể sau.

Được xem nơi vua nghỉ đêm mới thấy ngày xưa vua chúa ăn chơi tàn bạo. Có những ông vua sau 1 đêm ngủ với cung tần mỹ nữ đã bắt họ phải thức giấc đúng 2g sáng, dậy đi lấy nước đọng trên lá sen về pha trà sớm. Không chịu nổi cơ cực, có những cung tần đã rắp tâm rủ nhau giết vua. Vì không được mang dao vào, lừa khi vua mê mệt ngủ say họ đã lấy khăn lụa thít cổ vua. Tưởng vua đã chết, các cung tần bỏ trốn. Không ngờ vua chỉ chết giấc 1 lúc. Khi vua tỉnh dậy thì bại lộ và sau đó các cung tần bị nhục hình tùng sẻo. (Buộc từng mẩu thịt bằng chỉ, sau khi nghe tiếng “tùng” của trống thì dùng dao sắc sẻo. Vị chi mỗi cô chịu tới 3.000 nhát tùng sẻo!).

Trung tâm Tử Cấm Thành là Bảo Hoà điện, Trung Hoà điện và Thái Hoà điện. Để đề phòng kẻ địch đào hầm bí mật lên giết vua thì sân Trung Hoà điện được xếp đá tảng cao đến 12m (8m nổi và 4m âm đất). Khi chúng tôi đến thì Thái Hoà Điện đang được tu bổ để chuẩn bị cho Olimpic 2008. Việc bố trí cho các ban bệ rất chặt chẽ theo quy định “văn đông, võ tây”.

Có 1 chuyện phải lưu ý: Năm 1976, sau Đại Cách mạng Văn hoá, vì không còn tin vào phong thuỷ, coi là mê tín dị đoan nên người ta đã định dùng cẩu di dời tượng 2 con sư tử đặt trước điện Thái Hoà. Khi nhấc lên, không hiểu vì lí do gì, không thể nhấc nổi. Cũng chẳng hiểu có phải tâm linh hay không mà ngay đêm ấy, có trận động đất khủng khiếp ở thành phố Đường Sơn cách Bắc Kinh hơn 100km, làm chết hơn 200 ngàn người. Cũng năm ấy, ngày 9/9/1976 (10’ sau nửa đêm) cụ Mao từ trần. Từ đó về sau chính quyền Bắc Kinh thấy không thể xem nhẹ hướng và phong thuỷ khi quy hoạch, xây dựng.

Tiếp chuyện này, tại 1 điện thờ tại Bắc Kinh, sau trận động đất, người ta thấy tượng con bì hươu bị đổ. Đặc biệt hơn, cái đuôi (hoặc sừng) của nó bị gãy. Truyền rằng con bì hươu này đã cứu Bắc Kinh thoát nạn. Và từ đó, người ta càng tin vào phong thuỷ và tin vào bì hươu – con vật cứu nạn.

Vậy bì hươu là con gì? Bì hươu hình dáng giống sư tử nhưng có sừng trên đầu. Người Trung Quốc thường đeo bì hươu làm bằng ngọc phía sau lưng và không cho ai chạm tay vào như vật linh thiêng phù hộ. Bì hươu màu xanh ngọc tượng trưng cho sự thanh bạch, an bình.

(Như ở ta, Trung Quốc cũng không có sư tử mà sư tử chỉ có ở châu Phi. Vậy mà ta và Trung Quốc vẫn đưa sư tử vào những nơi trang nghiêm nhất biểu hiện cho quyền lực (cổng công sở nhà nước, ngân hàng...). Có hỏi bì hươu có phải nghê hay kì lân thì được giải thích không phải vì ở Trung Quốc cũng có nghê và kì lân. Và hướng dẫn viên Tiểu Hổ của tôi còn nói: "Chỉ nên đeo bì hươu khi ta có niềm tin vào nó!". Riêng 2 con sư tử trước Điện Thái Hoà chẳng hiểu do chỉ thị của cấp nào mà dù không phải tu bổ vẫn được che mưa che nắng cẩn thận!).

Thứ Ba, tháng 12 25, 2007

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NƠI XƯA

Rất nhiều hình Quế Lâm đã được anh em đưa lên blog, song tôi vẫn xin đưa lên đây một số hình ảnh theo tôi là đặc trưng để các anh em không đi chuyến vừa rồi có thể tưởng tượng ra Quế Lâm ngày nay.

1/ Ga Quế Lâm - nơi chúng ta đã được lực lượng Hồng Vệ binh đón tiếp - ngày nay đã khang trang và lớn hơn nhiều



2/ Bách hóa Đại lầu đã được xây dựng lại huy hoàng hơn, nhưng không phải là lớn nhất Quế Lâm ngày nay.



3/ Con đường ngày nay từ ga dẫn đến Đại lầu – nơi mà ngày xưa một số anh em đã từng trốn trường đi xem Hồng Vệ binh ngồi trên xe Giải Phóng cầm AK chạy dọc con đường này.





4/ Núi Tầu chiến đã bị “tách” đầu ra, trông giống con lạc đà nhiều hơn. Phía trước là nơi từng có ruộng dưa leo, bí đỏ… mà chúng ta vẫn thường

“thăm viếng”.


5/ Bãi cỏ này là sân bóng đá ở Y Trung trước kia.



6/ Phía sau sân bóng Y Trung, trước kia là đồi thông cho “bồ Tây” và “bồ Ta” luyện tập thì nay là

các dãy phố hiện đại


7/ Sân bóng rổ vẫn còn nguyên, nhưng khu tập xà và thể dục dụng cụ không còn nữa.


8/ Bàn bóng bàn xi-măng cho lính Trỗi luyện tập vẫn còn đó (nhưng đặt ở vị trí khác rồi)

9/ Bến sông Ly sau trường Y Trung (gần nhà ăn) – nơi chúng ta vẫn tắm nay là như vậy. Cây cầu này được xây cách bến tắm trường ta khoảng 30 m, đúng chỗ các Công xã viên vẫn thường gánh phân lội qua theo hàng, vừa đi vừa hát, lâu lâu nhúng đáy thùng xuống cho sạch. Các anh em còn nhớ chứ.

Bùi Hồng Thanh "rắn" gửi Trần Chí Thọ

Quá khứ không phải là thứ để gặp nhấm. Nhưng nó là cái mà chúng ta dùng soi sáng tương lai. Thanh rắn nói như thế.
Tự để lộ là một tay đọc chùa chuyên nghiệp, Thanh rắn nói không thể viết, bởi với cậu nhiều khi hình ảnh hiện lên mồn một. Đắm chìm vào đó liệu có đường ra? Vì vậy hôm nay, đối mặt, Thanh rắn mới nói chính cậu là người lấy súng của thầy Khuyến, bị lộ khi "nằm trong đống rơm", nhận hạnh kiểm 3 và bị "xử lí thích đáng".
Nói về trang tin như tiếng vọng từ quá khứ, Thanh rắn đọc khổ đầu của bài thơ Chí Thọ làm gửi cậu từ năm 1968:

"Có những lúc đang đi cuộc đời bỗng lùi lại
Mắt con người không nhìn ra phải trái
Trước tang thương họ chỉ cười thôi
Mọi sự trên đời chỉ một chữ Tôi
..."

kèm theo lời nhắn nhủ: mời Chí Thọ chép tiếp phần còn lại. Nếu không còn nhớ bài thơ của mình thì Chí Thọ có thể "mua" lại bản quyền từ Thanh rắn. Còn bút tích, lại là một "thương vụ" khác!

Già rồi Sô ạ!

Dương Minh mở đầu câu chuyện: "Già rồi các ông ạ! Thời gian không là gì. Mới hôm nào đặt kế hoạch chuyến ra cho D.Sô. Hôm nay đã xong rồi." Thế nên tựa đề của bài miêu tả cuộc chia tay D.Sô mới là như thế.
Vẫn là cuộc gặp như thế, những câu chuyện đan xen, lẫn lộn (quá) khứ hiện (tại) (tương) lai. Lẩu và rượu.
Chỉ có thay vài kép phụ. Kép chính (DS) thì không đổi. Trưa ngày làm việc chỉ có chừng đó người thôi.
Nhân dịp này tôi sửa chữa khuyết điểm chụp ảnh có nhiều "quán" hơn, chứ không chỉ có người và lẩu.















Taxi đến, pô ảnh cuối cùng trước khi chia tay.

Nhảy dù, không phải chuyện đùa


P2. Tại sao tiếp đất bị chấn thương.

Có người hỏi tôi “anh nhảy dù để thỏa mãn niềm đam mê hay để khẳng định chính mình?”. Biết nói sao đây, “đam mê” thì rõ ràng là không, mà “khẳng định mình” thì … già rồi, “khẳng định” cái nỗi gì. Với tôi, có lẽ vì tò mò, sau do sự “quyết tâm hoàn thành kế hoạch” mà đi nhảy dù, nó làm người ta liên tưởng tới “Bài ca con chim ưng” (Goócki), chuyện về con rắn nước muốn bay lên trời chỉ vì tò mò bởi lời ca ngợi bầu trời của con chim ưng. Một ai đó nói, tuổi trung niên là khi anh bắt đầu đổi xúc động của mình thành triệu chứng. Tôi không nghĩ mình có “triệu chứng”.

Dù trắng.

Dù dành cho bộ đội dù là dù tròn màu trắng có tốc độ rơi 5 m/s, lực tiếp đất tương đương khi “nhảy giò” từ độ cao hai mét xuống đất. Tốc độ rơi này quả không ghê gớm gì nếu anh đáp xuống địa hình phẳng lì như sân bóng. Với các bãi đổ bộ thực tế, anh cần cộng thêm rủi ro của địa hình mấp mô, phức tạp, sự “phối hợp” của gió mặt đất, hoặc đơn giản chỉ vì bụi cây, ngọn cỏ che khuất mô đất, hố trũng, đá tảng – nơi mà bàn chân của anh sẽ đáp xuống. Cũng nên cộng thêm trọng lượng dù (15 kg lúc đang trong ba lô) và dù dự bị (5 kg). So với lính dù thì tụi tôi đỡ hơn vì không phải mang súng ống đạn dược, quân dụng, nước non thực phẩm, không bị nhảy dù trong tình huống thời tiết, địa hình bất lợi.

Tập tiếp đất.

Tuần tự từ bệ thấp lên bệ cao, chúng tôi nhảy từ bệ bê tông xuống bãi cát. Độ cao tập tối đa là hai mét. Yêu cầu khi chạm đất là hai mũi chân dính nhau, hai mắt cá dính nhau, hai đầu gối dính nhau, cứ tưởng tượng như hai chân bị cuốn băng keo. Sau mỗi cú nhảy, dấu hai bàn chân in trên cát phải lún đều, không có chỗ nông chỗ sâu. Khi tiếp đất, tư thế lưng, chân và cánh tay phải thẳng, hoàn toàn khác với cách nhảy thông thường của “người mặt đất”. Nếu anh đúng với động tác “tiếp đất cơ bản” thì sẽ tránh được chấn thương. Thoáng nghĩ, giá có thiết bị hỗ trợ như “Cáp trượt” (lính dù Sài gòn trước năm 1975 gọi là “dây Tử thần”), “tháp Treo-Buông dù” để tập tiếp đất thì sát thực hơn

Sau buổi tập đầu tiên, hôm sau anh nào cũng mỏi chân. Lạ thật, tụi tôi đều là dân thường xuyên thể thao, có người chơi liên tục mấy “séc” tenít không mệt, có kẻ là võ sĩ đứng tấn cả tiếng như không, nay thấy mỏi.

Tôi tập vào loại siêng. Mình có tuổi, xương già da cóc, lôi thôi vợ con mất nhờ. Được ít bữa, theo lời khuyên của giới chuyên nghiệp, tôi kẹp lá cây vào hai đầu gối và vào hai mép bàn chân, rồi nhảy từ bệ xuống. Sau cú nhảy, hai chiếc lá không rơi, dấu hai bàn chân lún đều trên cát. Tốt rồi, ai trẹo chân thì cứ việc trẹo chứ “bác” thì không rồi. Tụi nó trẻ, sơ sảy một chút cũng chỉ dăm bữa là hồi phục, chứ mình phải cả quý là ít. Sau này có anh tâm sự là bữa nhảy dù “em chỉ sơ ý một chút thôi mà cặp giò ê ê cả tháng trời”. Một người khác khẳng định “nếu bãi đổ bộ phẳng như sân bóng thì tôi vẫn sẽ nhảy dù”. Tôi lần nào tiếp đất cũng êm, chiều hôm sau vẫn ghé hồ bơi, bơi đủ “định mức”, lại được nghe dân bơi lội trương báo bình luận “tụi nhảy dù thần kinh chắc chắn có vấn đề”.

Đi tập nhảy dù chưa biết nó hay dở thế nào, nhưng giao lưu với anh em học viên (hầu hết là) những trí thức trẻ, đã đem lại cho tôi nhiều điều thú vị. Ở cộng đồng này không ai thảo luận về cây kiểng và cá chậu chim lồng, không ai trao đổi về căn bệnh. Ở đó họ coi nghỉ ngơi là lãng phí, họ tranh luận về thể thao với hi vọng được “nhanh hơn, xa hơn, mạnh hơn”. Họ hò hẹn nhau, không phải quanh bàn nhậu “thuần túy”, mà tại một chuyến du lịch ba lô lên rừng núi, qua một cuộc bơi lặn biển, sau đợt bay dù lượn, hoặc sau khi chứng minh được kết quả khả quan của việc thay vành gang bằng vành nhôm cho chiếc xe hơi của một người trong số họ. Ở đó họ chia sẻ với nhau kinh nghiệm kinh doanh, các biện pháp kiểm soát nhân viên (hoặc ngược lại, cách chống lại ông giám đốc của mình). Với tôi, chỉ thế thôi cũng đã “bõ công” đi học nhảy dù rồi.

Ảnh: Tôi chuẩn bị tiếp đất.

(Kì tới: Nếu dù móc vào nhau).