VỀ LẠI ĐÀ NẴNG, SƠN TRÀ SAU 32 NĂM XA
Kiến Quốc
Kiến Quốc
Cuối tháng 5, bà xã lên kế họach đi Đà Nẵng sau khi con gái kết thúc năm học. Đã 11 năm không ra Đà Nẵng, hơn nữa tôi lại có một duyên nợ đặc biệt với thành phố biển này vì đúng trưa 30/4/1975, có mặt tại cổng sân bay Đà Nẵng trong đoàn tiếp quản kỹ thuật hệ thống thông tin viễn thông tòan cầu ICS của Mỹ trang bị cho quân đội ngụy, chúng tôi nghe được tin Sài Gòn đã giải phóng qua Đài Tiếng nói Sài Gòn. Sau đó chúng tôi đã sống và làm việc ở bán đảo Sơn Trà suốt 3 tháng trời. Vì thế chuyến đi này được coi là chuyến trở về sau 32 năm xa, hơn nữa đã hẹn giao lưu với anh em Trỗi ở miền Trung.
Tối 31/5 khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, tôi có một cảm giác như được trở về quê hương. (Chợt nhớ tới bức tranh sơn dầu của một họa sĩ người Nga tả một tay mu-zic (nông dân) ăn mặc rách rưới, mặt mũi lem luốc nhầu nhĩ, phờ phạc nhưng nét mặt tỏ ra ân hận khi trở về nhà sau nhiều năm sống vất vưởng xa quê!). Sân bay không ồn ào náo nhiệt. Trời mát sau đợt nắng nóng dài.
Sáng hôm sau dậy sớm chạy bộ đã thấy bà con tập thể dục dọc bờ sông Hàn và phóng xe ra Mỹ Khê tắm biển. Hơn chục năm mới quay lại thấy Đà Nẵng thay đổi khó tưởng tượng. Nhà cửa đẹp đẽ. Thành phố quyết tâm quy họach lại, phố xá mở rộng với nhiều đường trục một chiều hoặc đường đôi thẳng tắp, sạch sẽ trồng nhiều cây xanh. (Ảnh 1: Chụp từ Đài truyền hình thành phố nhìn ra đôi bờ sông có cầu treo Sông Hàn bắc ngang). Thật là vui khi được 2 anh em Lưu, Thuận (Phan Hoài) rủ đi ăn sáng với đám bạn người Nhật của con trai từ Anh về nghỉ hè; nhất là khi thấy mấy bạn Phù Tang xơi ngon lành món bún bò giò heo!
Văn phòng hướng dẫn du lịch khắp các phố. Tây ba-lô cùng khách du lịch ta có mặt mọi nơi. Dân Đà Nẵng hiền lành, chân chất. Trật tự trị an khá tốt; ít có hiện tượng giật điện thọai hay trộm cắp xe máy như ở Hà Nội hay TpHCM… nên ít thấy xuất hiện sắc phục cảnh sát. (Nói ra không để nịnh và tuyên truyền quảng cáo du lịch cho Đà Nẵng nhưng tôi nghĩ Đà Nẵng là thành phố chuẩn nhất về quy họach những năm qua!).
Chiều hôm đó, sau chuyến du lịch Hội An về, chúng tôi phóng xe máy thăm thú thành phố. Xe chạy theo đường một chiều dọc bờ sông Hàn, từ "2 tháng 9" qua "Bạch Đằng" đến "3 tháng 2" rồi dừng ở đường "Nguyễn Tất Thành" (con đường đôi dài ngót chục km bao lấy bờ biển của vịnh Đà Nẵng). Nhớ lại hồi 1975 chỉ độc nhất cầu Trịnh Minh Thế (sau này đổi là Nguyễn Văn Trỗi) bắc ngang sông nối thành phố với bán đảo Sơn Trà. Muốn lên núi phải vòng về phía nam rồi ngược lên chục km. Nay có thêm 4 cầu bắc ngang sông: cầu Trần Thị Lý (sát cầu Nguyễn Văn Trỗi), cầu Tuyên Sơn và cầu treo Sông Hàn mới khánh thành cách đây vài năm. (Hình như cầu nằm ngay bến phà qua sông năm xưa? Ngày ấy cứ chủ nhật, tôi và Chí Hòa hay lọ mọ xuống núi, rồi lội bộ qua phà vào phố, mò ra chợ Cồn nghe nhờ nhạc ngọai, nhạc Trịnh... ở cửa hàng băng đĩa có cô sinh viên, tạm nghỉ học vì mới giải phóng, đứng bán hàng). Riêng cầu Thuận Phước đang thi công dở dang, chưa hợp lưu - nghe nói cũng có vài tay “đi nghỉ nhà đá” vì dính kiểu “pờ-mu” - sẽ nối thẳng từ cuối đường Nguyễn Tất Thành sang núi Sơn Trà.
Không bỏ lỡ cơ hội lên núi, tôi vòng lại cầu Sông Hàn rồi phóng xe dọc theo con đường đôi rộng tới 6 làn xe. Từ thành phố chỉ thấy còn lại 2 antene parabol trông như 2 cánh buồm. (Trước kia có tới 6 dàn antene. Dân Đà Nẵng một thời tự hào coi đây là biểu tượng của thành phố mình. Nghe đâu 4 dàn đã bị tháo bán sắt vụn??? May mà giữ lại được 2!!!). Nơi trước kia là cổng chắn vào khu cảng quân sự (ngày tụi tôi mới lên núi thấy ba-lô, quần áo lính ngụy, va-li đồ đạc của bà con vứt bừa bãi trên đường chạy ra cảng để lên tầu di tản) thì nay là một bùng binh lớn. Rẽ trái 2km là tới Thương cảng Tiên Sa. Không khó khăn tôi tìm ngay ra đường lên núi. Mừng vì không thấy có “biển cấm”! Chiếc Wave cõng chúng tôi đi số 2 lên núi. Con đường lâu không được tu bổ nhưng có lẽ do ít xe đi lại nên hơn 30 năm vẫn chưa bị bóc lớp nhựa. Hệ thống rãnh thoát nước sát bờ ta-luy từ thời Mỹ vẫn còn tốt. Cây cối, lau sậy mọc um tùm. Ve kêu ra rả. Mấy chú cu gáy sà xuống đường kiếm ăn thấy người bay vụt lên. Nhớ ngày xưa cứ sau mỗi trận mưa, khỉ mẹ khỉ con dẫn nhau hàng đàn ra dạo chơi dọc theo con đường nhựa dẫn lên núi. (Vì thế mà Sơn Trà được người Mỹ đặt cho cái tên Monkey Mauntain “đảo khỉ”). Con đường nhựa bám theo triền núi nâng dần độ cao. Thỉnh thoảng phải vượt qua những cua tay áo. Toàn cảnh thành phố hiện ra trước mắt dưới những tia nắng mặt trời đang lặn. Ngày trước từ Sơn Trà nhìn xuống Đà Nẵng như một trại lính khổng lồ - nhức mắt vì hàng vạn ngôi nhà được lợp mái tole xám xịt. Nay, thành phố mở rộng kéo dài dọc theo bờ sông Hàn và dọc bãi biển Mỹ Khê. Dọc bờ sông và khu trung tâm sừng sững nhiều cao ốc. Nghe bà con ngợi khen mấy tay lãnh đạo thành phố, nhất là Nguyễn Bá Thanh, khá cương quyết và làm việc có tình có lý.
Ngửi thấy mùi nóng máy khét lẹt, phải dừng xe. (Xe lại đi mượn!). Tiếc cho chuyến đi chưa đến "đích" vì chưa đến được Đài Viễn thông đối lưu Troposite. Thả “số mo” cho xe trôi dốc. Gặp đôi trai gái đèo nhau lên núi “vãn cảnh”. Chắc các bạn còn trẻ nên không ngại “cháy máy”?
“Cú” vì chưa lên đến Đài đối lưu nên sáng hôm sau tôi dậy sớm, một mình phóng xe đi. Bên kia sông Hàn nơi xưa là những trại lính thì nay là khu dân cư rồi khu công nghiệp. Mặt trời chưa lên. Không khí mát lành. Đi một mình nên chỉ 5g15 đã ngược núi tới cổng Đài. Lau sậy mọc kín lối đi. Nghe chó sủa biết có người ở nên tôi cứ lách qua cổng phóng vào. Gọi là cổng cho oai chứ chỉ là 2 khung sắt hàn lưới thép B40, khép hờ hững vì có gì đâu mà phải coi(!). Chỉ còn lại một dẫy nhà mái tốc gần hết sau cơn bão cuối năm 2006, nằm sau 2 antene parabol. Nghe tiếng xe máy dừng, một chàng trai chui từ trong màn ra. Đoán anh là lính, tôi chào hỏi rồi giới thiệu mình từng là lính thông tin và sống ở chính nơi đây 32 năm trước. Chả khó khăn gì vì là lính mà lại là lính thông tin nên “cạ” nhau ngay. Trường (tên anh ta) là thiếu úy trực “giữ đất” (tuy hệ thống đối lưu không còn làm việc nhưng đất vẫn có chủ, của quân đội, nên phải giữ. "Nước sông công lính" mà!) tốt nghiệp Sĩ quan Thông tin năm 2001 (bằng phân nửa tuổi anh em ta), rất vui khi gặp lại "lão tướng" từng sống ở đây. Tôi kể chuyện khai thác và đưa hệ thống thông tin hiện đại ngày ấy vào làm việc rồi cả biên chế, tổ chức của Bộ Tư lệnh TTLL ngày nay. Trường khen: “Bác cái gì cũng biết!”. Nghĩ bụng, có mà khen cả ngày! Tôi chỉ cho anh ta cây vả ngày trước hay có dzộc (voọc, một lòai vượn đít đỏ, nặng 20-30 kí) ra hái quả. Chúng tôi vác AR15 và carbin ra rình rồi “pòm” lấy thịt về cải thiện. Thịt dzộc đỏ và thơm như thịt bò. Chế biến thì xào là chính, đôi khi thêm món thịt nướng. (Còn khỉ bị chê vì quá nhỏ, có vài ba kí một chú, nên không bị vào danh sách “diệt chủng” của lính). Nghĩ lại mới thấy ngày ấy ẩu quá! Quanh đài có nhiều cóc, bọn tôi từng chế biến cho cả mấy chú lính thông tin ngụy “lưu dung” ăn rồi khen ngon rối rít.
Tranh thủ chụp nhiều ảnh, có cả tảng đá mà thầy trò đòan tiếp quản từng vác súng ngồi trên đó chụp kỷ niệm hay nơi 3 anh em Trỗi đang quàng vai nhau chụp dưới chân antene (ảnh được lưu trong Tập 2, trang 678). Chụp cho 2 chú lính mấy kiểu ảnh, hẹn sẽ gửi tặng rồi say good bye. (Ảnh 2: Cùng chú hạ sĩ thông tin trước dàn antene đối lưu).
Chia tay anh em. Lại cho xe “về mo” lao dốc. Thấy có cảnh đẹp bắt mắt là dừng lại quay, chụp làm tư liệu. (Ảnh 3: Từ trên núi nhìn xuống đường dẫn vào Cảng Tiên Sa nằm trên vịnh Đà Nẵng). Về lại Đà Nẵng lại lên được Đài Tropo Sơn Trà sau 32 năm xa thì còn gì bằng! Thật tuyệt vời!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét