Dương Minh
Tháng 10/2005, anh em ngòai Bắc tổ chức Đòan đi du lịch Quế Lâm. Trong Nam tham gia có tôi, Quốc Thái (K8) và Dương Cự Hà (K9 - em ruột Dương Thanh và là em rể Xuân Miên). Cũng có ý định viết một cái gì đó hòanh tráng một chút để cống hiến cho anh em nhưng bận rộn quá chưa viết được. Đã hơn một năm rồi đến nay không còn nhớ được gì nhiều, tuy nhiên không viết thì cũng ấm ức và thấy tiếc nên đành ghi chép lại một cách “tản mạn” vậy!
Đánh bóng “thương hiệu”:
Chị Niệm ở Học viện Li Giang, Quế Lâm cứ yêu cầu cho biết danh sách, chức danh … của mọi người trong Đòan (mặc dù là đi du lịch) để bên đó bố trí đón tiếp (chủ yếu là Y Trung và ĐH Sư phạm Quảng Tây). Thể theo nguyện vọng của bạn, Kiến Quốc tương qua E-mail một Danh sách mà nhìn vô tôi thấy chóang vì người nào cũng được Quốc “béo” phong thêm cho 2-3 bậc. (Tháng 10 này nếu tôi tham gia đi Quế Lâm, Kiến Quốc nhớ phong cho tôi thêm 1 bậc nhé, kẻo bạn so sánh với Danh sách cũ lại đánh giá tôi thuộc diện “chậm tiến”.)
Sai sót … đáng yêu:
Riêng cô Lan – dạy Trung văn (năm kia tròn 65 tuổi), trong Danh sách vẫn là cựu Đại úy (trong khi các thầy đều là Đại tá). Cô bảo “không biết thù ghét gì cô mà nó để cô thiệt thòi thế này?”. Cả bọn khỏa lấp “ấy là vì thấy cô nét còn trẻ quá, phong lên đại tá sợ làm cô già đi”. Cô cười “à thì ra thế này là có lợi cho cô đấy!”
Tưởng “xui” mà … không “xui”:
Lê Bình (K5) cứ tha thiết đề nghị tôi ra sớm để buổi chiều đến nhà Nam Hà (K3) ở Quân khu Nam Đồng dự lễ xuất quân vì sẽ ngả một con cầy gần hai chục ký. Tôi phàn nàn với Kiến Quốc mấy cha nội này “hâm” quá, trước một chuyến đi “quan trọng” như thế ai lại ăn thịt cầy, xui chết! Cuối cùng tôi vẫn đến, cả đòan vẫn đánh chén lu bù (hơi bị ngon và gia đình Nam Hà lo bữa này quá vất vả), rồi vẫn đi và mọi người trở về … thành công, an tòan. Cứ tưởng “xui” mà … đâu có “xui”!
Hành trang đặc biệt:
Trước khi rời Sài Gòn, Quốc “béo” giao cho một túi huy hiệu Trường Trỗi và một thùng 20 cuốn SRTKL tập 2 để làm quà tặng cho các bạn Trung Quốc. Hành trình bay ra Hà Nội thì không sao, nhưng nghĩ đến đọan đi bộ cả cây số (lại còn lên dốc nữa) qua cửa khẩu Hữu nghị quan mà “cõng” thùng sách này thì gãy lưng là cái chắc! Tôi đành chia ra, vận động mỗi người mang giúp 1 quyển. Cứ tưởng chỉ có mình phải làm vậy, nào ngờ cánh quân phía Bắc mang theo 2 thùng Vodka Hà Nội. Hải quan Trung Quốc chỉ cho nhập cảnh với 2 chai/người, thế là cũng chia ra mỗi người cõng 2 chai.
Trong hành trang của tòan đòan ai cũng có 2 món đặc biệt là SRTKL và Vodka.
Bất ngờ mà … không bất ngờ:
Trước khi đi, tôi được biết từ Sài Gòn ra có tôi và một đứa K8 tên là Quốc Thái mà trong đầu chẳng hình dung được nó “đầu cua tai nheo” ra sao. Tôi bay ra từ trưa, còn Thái do công việc sẽ bay chuyến 9 giờ tối thì phải 12 giờ đêm mới về đến Hà Nội. Hai anh em gọi điện thọai hẹn hò, tôi nói “anh ra trước, thuê phòng đôi, mày cứ tới ngủ với anh cho tiện”. Sợ dự lễ xuất quân sẽ quá chén rồi ngủ say nên tôi còn dặn Thái “anh không chốt cửa, mày về đến nơi cứ vô mà ngủ nhé!”. Nói vậy nhưng rồi cũng không ngủ sớm được, trong lòng vẫn băn khoăn không hiểu thằng K8 này là thằng nào. 12 giờ, cửa mở, tôi ngồi dạy bật đèn. Thằng kia thấy tôi thì reo lên “A, anh!”, còn tôi cũng thốt ra “Ơ, mày!”. Té ra những năm 80 hai anh em cùng ở khu tập thể T5 của Tổng cục Kỹ thuật (nay là Khách sạn Amaza) mà lúc đó đâu có biết cùng là dân “Trỗi”. Thái bảo “nói thật em cũng hồi hộp không nhớ Dương Minh là anh nào, đâu ngờ … quen quá!”.
MC bất đắc dĩ
Phong cảnh dọc đường rất đẹp. Từ Bằng Tường lên Nam Ninh qua địa phận Sùng Tả bạt ngàn là mía. Núi đá vôi nổi lên trên màu xanh của những cánh đồng mía tạo ra cảm giác cứ như Vịnh Hạ Long trên cạn. Từ Nam Ninh đi Quế Lâm hai bên đường trồng cây đều tăm tắp, che hết tầm nhìn ra bên ngòai, nhưng bù lại cứ hết dải hoa màu này chạy dài hàng cây số lại đến dải hoa màu khác. Ngắm mãi cũng chán, mọi người bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Thấy lãng phí thời gian mà sau mấy chục năm mới có được, tôi nhẩy lên làm MC. Biết gì kể nấy, chuyện trong Nam, chuyện ngòai Bắc, chuyện của bạn bè, chuyện của bản thân (tất nhiên phải liên quan đến “Trỗi”), sau tôi đến lượt Thái K8. Thầy trò lúc đó cũng được một mẻ vui ra phết mặc dù 2 anh em chỉ là … MC bất đắc dĩ.
Vodka, Vodka, Vodka và … Vodka:
5 giờ sáng tập trung trước cửa nhà Nam Hà làm một tuần trà đặc cho tỉnh ngủ. 5h30 xuất phát. Khỏang hơn 7 giờ đến thị trấn Mẹt và ăn sáng ở đó. Những chai Vodka đầu tiên được phục vụ. Trưa đến Bằng Tường, lại cây nhà lá vườn “Vodka”. Chiều đến Nam Ninh, khi ăn tối tất nhiên có “Vodka”. Chưa đủ, đi thăm thú phố đêm về đến khách sạn lại … Vodka!.
Ngay ngày đầu tiên đã tạo ra điệp khúc cho cả chuyến đi: sáng Vodka, trưa Vodka, tối Vodka và đêm lại … Vodka!
Lừa vợ rất … ngọan mục:
Trong đòan có vợ chồng một “nhân vật” tên là Lào ở Quân khu Lý Nam Đế thuộc diện K9 (bạn bè lứa Đạt “bột” ngày xưa). Đêm ở Nam Ninh mấy anh em tụ tập nhậu tại phòng Dương Cự Hà. Cơ số Vodka trong phòng chỉ còn 1 chai, uống xong cả lũ lại “máu” uống tiếp. Vì là K9, lại diện “em út”, Lào phải về phòng lấy thêm rượu. Chìa khóa cắm trong ổ công tắc điện nên phải gõ cửa kêu vợ dạy. Lào cầm sang 1 chai, tất nhiên là hết nhưng vẫn muốn uống tiếp. Lào lại phải về phòng, lúc đó đã 2 giờ sáng. Thấy vợ càu nhàu “uống gì mà uống lắm thế, thôi đi ngủ đi …”, Lào nhẹ nhàng nằm xuống cạnh vợ “đâu có uống nữa, đi ngủ đây”. Tầm đó chỉ mở mắt ra, nhắm mắt lại là ngủ say được ngay, nên chỉ khỏang 2 phút sau, Lào đã nhẹ nhàng bật day và chuồn đi. Xong chai thứ ba, Lào ngủ lại phòng Hà (còn có Khắc Việt K7, cũng để vợ cả đêm cô đơn như vợ của Lào).
Sáng hôm sau, trên xe ô tô vợ Lào kể “rõ ràng em thấy đã nằm xuống rồi, lúc sau tỉnh giấc sờ chẳng thấy đâu!” (Không biết hàm ý sờ … gì?).
Đảo lộn theo thời gian và có cái trò hơn cả … thầy:
Đòan đi có thầy Bính (phụ trách C), thầy Lương (vật lý), thầy Mạnh (quân sự) và cô Lan (Trung văn). Họp bàn tổ chức, cánh học sinh đề nghị các thầy cô làm Trưởng, Phó đòan cho hòanh tráng và cũng là thể hiện sự tôn sư trọng đạo. Các thầy, cô không ai muốn làm vì lý do tuổi cao, sức yếu, ít thông tin. Ép mãi thầy Mạnh mới nhận lời và nói “đến đâu cần phát biểu gì, các em sọan sẵn ra để thầy đọc nhé!”. Theo thời gian tình thế cuộc sống đã đảo lộn: nay trò lại “hướng dẫn” thầy.
Khi làm MC tôi đọc bài viết “Gặp lại chị em họ Mã” (mang sang tặng Mã Quân), các thầy cô bảo cảm động quá nhưng đều thắc mắc “sao mình không biết mấy cô này nhỉ?”. Đến khi du ngọan trên sông Li tôi chỉ khúc sông anh em mình hay quần thảo, các thầy lại nói “đây là lần đầu tôi ra sông Li đấy!”. Té ra lúc đó tụi mình cũng có cái hơn cả … thầy!
Phong cách hơi bị … khác nhau!
Nói chung là đi chơi lại là đi chơi nước ngòai, hơn nữa còn thăm thú Trường xưa, bạn cũ nên ai cũng diện và mặc đẹp. Ấy nhưng phong cách thì lại rất … khác nhau. Đám trẻ và dân Sài Gòn thì chủ yếu chơi áo thun với Jean và Kaki, thậm chí Thái đánh quần sooc suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi đến tận Quế Lâm. Số còn lại thì comple, cà vạt rất chỉn chu (kể cả lúc du ngọan trên sông). Mấy anh em cứ nói đùa “mấy ông quan chức Hà Nội lúc nào cũng … quan cách”!
Cứ vui … là được!
Trong suốt chuyến đi, những giao dịch quan trọng và chính thống, phiên dịch về phía ta có cô Lan và phía bạn có chị Niệm, khi tham quan có phiên dịch của Công ty du lịch..
Một hôm, sau khi ăn tối xong, mấy chị em họ Mã rủ đến thăm nhà Mã Vi (tác giả bài “Chiếc khăn dù”). Căn hộ mới ở trên tầng 6, hiện đại, rộng rãi, tiện nghi. Vì là tầng trên cùng nên được sở hữu luôn phần sân thượng, thế là có thêm một “vườn cây”, một phòng tập thể lực và một phòng khách ngòai trời. Nhưng có điều bất tiện nhất là không có thang máy, mấy anh em lên đến nơi thằng nào cũng thở hổn hển (phản ánh đúng thực tế của Quế Lâm, đã phát triển nhưng theo kiểu còn nghèo). Anh em mình có tôi, Lê Bình, Quốc Khánh, và Việt Dũng, tổng công hai phía có 9 người. Nhiều người tất nhiên nhiều chuyện, thế nhưng vốn tiếng Trung thì quá “phọt phẹt” không đáp ứng được nhu cầu nói chuyện. Rất may có con gái Mã Vi là sinh viên, cháu biết tiếng Anh. Thế là tôi và cháu trở thành phiên dịch nghiệp dư. Anh em mình nói tiếng Việt, tôi dịch sang tiếng Anh, cháu lại dịch qua tiếng Trung. Chiều ngược lại thì là tiếng Trung sang tiếng Anh rồi thành tiếng Việt. Không biết có “tam sao thất bản” hay không nhưng cứ thấy vui … là được!
Cũng thể hiện được chút tình đối với thầy, cô
Chương trình ban đầu là 4 ngày 3 đêm. Đi từ sáng Thứ 5 đến sáng Chủ nhật là quay về. Ở Quế Lâm chỉ có tối Thứ 6 và trọn ngày đêm Thứ 7. Thấy ít quá tôi góp ý đàm phán với Công ty du lịch đóng thêm tiền cho họ để ở lại Quế Lâm 1 ngày nữa. Các thầy, cô nói “tùy các em quyết định, thời gian đối với các thầy cô là vô tư”. Chiều Thứ 7 mấy anh em chủ chốt đã quyết định: trừ các thầy cô, mọi người đóng đúng suất của mình, riêng anh em Trỗi chia nhau đóng thêm suất cho các thầy cô và chi phí mời các bạn Trung Quốc liên hoan. (Lào và Cự Hà nằng nặc đòi chia sẻ, nhưng anh em kiên quyết không cho K9 cơ hội làm nghĩa cử đẹp.)
Ăn uống ở Quế Lâm … quá rẻ
Trong suốt chuyến đi chủ yếu ăn uống theo thực đơn của Công ty du lịch. Tối đầu tiên đến Quế Lâm anh Cao tư lệnh chiêu đãi cả Đòan, tối hôm sau Y Trung mời. Anh em quyết định trưa Chủ Nhật Đòan chiêu đãi lại các bạn Trung Quốc, dự kiến cả ta lẫn bạn khỏang gần 50 người. Khi mấy anh em ngồi bàn phương án “lệ quyên” đều thống nhất mấy hôm nay ăn uống cũng được nhưng chưa “đã”, khi ăn món nào món ấy cứ phải “ngập răng” mới sướng. Lê Bình bảo “Dương Minh đi Trung Quốc nhiều, có kinh nghiệm cho biết ý kiến”. Tôi nói “bây nhiêu người, ở Quế Lâm chỉ cần hơn 2 nghìn tệ là ăn nhòe” (tức là bình quân mỗi xuất ăn chưa đến 100.000 đồng).
Trưa hôm đó tổng cộng hết 2.100 tệ (khỏang 4,2 triệu đồng) ở một nhà hàng sang trọng mà đủ sơn hào, hải vị, ăn không hết còn phải chia nhau mang về.
Ăn uống ở Quế Lâm rất rẻ.
SRTKL tập 2 quá … tuyệt vời!
Số sách SRTKL mang sang làm quà, tặng tùm lum vẫn còn 7-8 quyển. Chẳng lẽ lại mang về, tôi quyết định gửi lại nhà Mã Quân (chuyện này chưa báo cáo với Kiến Quốc – sợ bị nó phê bình và kỷ luật chưa hòan thành nhiệm vụ thì bỏ mẹ). Tối Chủ Nhật là tối cuối cùng của chuyến đi. Ăn trưa chia tay với các bạn Quế Lâm xong, mỗi người một ngả để chuẩn bị sáng mai lên đường về nước. Riêng tôi đêm ấy sẽ bay đi Thâm Quyến, vì thế mời mấy chị em họ Mã đi ăn tối. Có mời thêm các cháu con em Trỗi đang học ở Quế Lâm nhưng chỉ có 2 cháu tham dự được là Hồng Trang – con gái Lương Sơn, đang ở với Mã Kinh, và Xuân Trang – con gái của Hồng “há” K4. Từ Khách sạn đi bộ đến nhà hàng, 2 cháu Trang thay nhau khuân hộ thùng sách. Đến nơi, sau khi đã yên vị 2 cháu hỏi tôi “sách gì mà nặng thế chú”. “Sinh ra trong khói lửa đấy” – tôi trả lời. Cả hai Trang reo lên “tặng cháu một cuốn được không?”. Tôi hỏi lại “Các cháu biết là sách gì mà đòi tặng”. “Biết chứ, bố cháu có, cháu chỉ mới xem qua rồi sang đây nên chưa được đọc hết”. Tất nhiên là OK liền, tặng mỗi cháu một cuốn, có bút phê đàng hòang.
Hồng Trang mở ngay ra đọc, một lúc sau hai mắt đỏ hoe. Tôi biết chuyện nên hỏi cháu “Đọc bài về chú Nguyễn Lâm phải không?”. Cháu khóc sụt sịt thành tiếng và trả lời “Vâng ạ! Cháu đọc thư chú Lâm gửi về cho ông bà nội cháu!”. (Kiến Quốc thấy không, nếu mà không thừa thì lấy đâu ra câu chuyện cảm động này - tội biến ra công rồi nhé!).
“Sinh ra trong khói lửa” của chúng ta quả thật quá tuyệt vời!
Tháng 6/2007.
Thứ Tư, tháng 6 06, 2007
TẢN MẠN CHUYỆN ĐI QUẾ LÂM
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Tư, tháng 6 06, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Dương Minh "hơi bị nhầm" vì đi cùng đoàn là thầy Phú, Chính trị viên C9 Khoá 3, chứ không phải thầy Bính Ctrưởng.
Kiến Quốc
Hehehe, bây giờ mà về nhà được Dương Minh dẫn đi ăn chơi một chuyến thì quả là trên sung sướng một bậc.
Đăng nhận xét