Thứ Tư, tháng 1 27, 2016

Chính trị kinh tế nhân sự đại hội

Nhân thấy chuyện đề cử xin rút của 3X ở đại hội đã gây ra lắm luận bàn của người đời đi một nhẽ, các bạn mình cũng hăng say phán bảo. Kẻ chê người khen, kẻ buồn người vui,...
Kẻ chê thì nói tham nhũng thành nòi, dựng nên nhóm lợi ích thu vén trục lợi, tan hoang đất nước; kẻ khen thì nói điều hành kinh tế vượt khủng hoảng, giải cứu khỏi lạm phát, dũng khí chống ngoại xâm. Xét thấy ít có cái nhìn mà tôi đây cho là thấu đáo.
Tức mình bon chen "khêu gợi" mọi người bằng cái giác ngộ của tôi.

1. Về kinh tế xã hội: lời phát biểu của các "nhà kinh tế" cũng mâu thuẫn nhau trên một căn bản là nhìn nhận nền kinh tế hoạt động một cách bình thường như các nền kinh tế khác. Có vốn, có đầu tư, có các thị trường nhà đất bất động sản, thị trường tài chính, thị trường thương mại dịch vụ, có các thủ đoạn gian lận,... Hoặc có thể nhìn ra cái khác biệt nhưng không ai dám nói? Vì nó lây sang chính trị?
Thực ra nền kinh tế của ta, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ 3X, đã phát triển theo cách khác với các nền kinh tế lành mạnh mà ở đó lấy "làm ra giá trị gia tăng" làm điều sống còn.
Một xã hội "làm ra" thì sẽ phát triển, làm ra theo hướng thúc đẩy xã hội phát triển thì sẽ bán được hàng. Xã hội phát triển sẽ đòi hỏi các "làm ra" khác, liên tục đuổi nhau.
Xã hội ta vận hành (từ nóc) nền kinh tế theo cách "vét cạn". Vét cạn tài nguyên từ hình thức giá trị chung nhất là tiền, từ mục tiêu vét tiền mà người ta sẽ nghĩ ra đủ cách vét các tài nguyên khác: đất đai, vốn công sản, vốn liếng doanh nghiệp, cho tới người dân. Dùng từ "vét cạn" cho gần gũi dễ hiểu, chứ trong lịch sử đã từng có kiểu vận hành kinh tế ấy rồi, là kinh tế thực dân.
Bản chất nguyên thủy mọi nền kinh tế đều là làm ra, không làm ra thì không tồn tại và phát triển. Người sản xuất kinh doanh biến cái khó thành cái dễ để cung ứng nhiều hàng hóa dịch vụ đa dạng tới tận từng người tiêu dùng, người quản lý biến cái khó thành cái dễ để thúc đấy “làm ra” nhiều hơn nữa.
Yếu tố thực dân xâm lược, đã từng có ở VN, là ở quản lý kinh tế xã hội theo chính sách vét cạn của “chính quốc” đã thể hiện trong 100 năm thuộc Pháp. Cuộc vét cạn này với danh nghĩa nhà nước bảo hộ với thuộc địa nên nó không lây lan xuống các cấp quản lý, không nhiễm vào từng người dân. Đã làm việc trong hệ thống hành chính thuộc Pháp là chuyên nghiệp hưởng lương. Ảnh hưởng hành vi vét cạn của thực dân xâm lược tới kinh tế xã hội là làm ngột ngạt từ trí thức thấm nhuần “tự do bình đẳng bác ái” của chính quốc cho tới các doanh nhân và người làm công, không lạ khi họ theo Việt Minh kháng chiến.

2. Về chính trị xã hội: không cần nói về kinh tế làm ra ảnh hưởng thế nào.
Hệ thống quản lý theo kiểu “vét cạn” ở VN có thể gọi là “thực dân nội sinh” hay “thực dân tại chỗ”. Điều nguy hiểm của thực dân nội sinh là nó “của mình”, không có đối tượng ngoại lai. Cộng thêm với áp dụng một một phương thức quản lý nhà nước “giả dân chủ” (đảng quyết quốc hội thông qua) mà bộ máy quản lý từ trung ương xuống tới địa phương không phải là “một nền hành chính chuyên nghiệp”, dễ dàng bị biến thành hệ thống vét cạn từ cao xuống tới cấp hành chính thấp nhất. Không lạ khi người ta phải “chạy” để vào một vị trí lương thấp trong hệ thống này, năng lực “vét” mới là mục tiêu phấn đấu chứ không phải hành vi quản lý.
Lượt đi của thực dân nội sinh là hành vi tạo cơ hội vét từ trên xuống, lượt về là tạo các hành vi vét từ dưới lên, rồi dùng mọi cách để thể chế hóa hoàn tất một quá trình làm một tổ chức chính trị đã từng chống thực dân ngoại xâm nay tha hóa thành một tổ chức chính trị “giả đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” mặt khác lại bị bắt trở thành công cụ che đậy và ăn đòn hộ (dân quyết dân chịu) cho thực dân nội sinh. Không lạ là giới chức hành chính và chính trị “giả đảng” đều là đối tượng chán ngán của những người “làm ra” từ lao động cho tới dân doanh.
Điều nguy hiểm hơn so với thực dân ngoại xâm là thực dân nội sinh không quan tâm tới “làm ra” hơn là “kiếm được” trong cơ cấu hình thành TIỀN trong nền kinh tế. Nguồn để “vét cạn”của thực dân nội sinh cấp cao là tiền từ ngoài vào: vay nợ ưu đãi các loại, đầu tư nước ngoài, trái phiếu chính phủ,… bởi vậy hệ thống chú trọng tới vay nợ, bán trái phiếu chính phủ, thu hút dự án đầu tư ngoại,… với số lượng lớn, giá trị nhiều, áp dụng ưu đãi sát ván,... để xảy ra chuyển giá lớn, chậm/không đóng thuế kéo dài, đầu tư ở vùng nhạy cảm an ninh quốc gia,… đồng thời với không tìm ra tham nhũng, đặc biệt với các tham nhũng xuyên biên giới ngoài biên giới.
Hệ quả dẫn tới hành vi “thực dân nội sinh” bình dân, phình to biên chế, tham nhũng vặt đầu đường xó chợ, hủy hoại đạo đức xã hội.

3. Về chống ngoại xâm: những kẻ đã “ăn” dân và nước đến thảm trạng như hiện nay mới có chống ngoại xâm bằng mồm hoàn toàn có thể sẽ theo ngoại xâm hoặc cao chạy xa bay; họ không gắn số phận họ với dân với nước. Với suy nghĩ ấy, sau mấy chục năm, mới một lần nữa nhận thức rằng những trí thức nhân sĩ tư sản dân tộc và địa chủ kháng chiến đã thực sự gắn bó số phận với dân để từ đó tham gia kháng chiến chống thực dân xâm lược dù có gian khổ tù đày và hi sinh tính mạng.

4. Về đại hội: một đất nước mang hình hài của “dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa” mà thực chất đang phải chịu ách thực dân nội sinh là điều bất bình thường. Đại hội, dù dẫn dắt bằng thế lực bảo thủ giáo điều, đã làm được một việc là chặn được đà tiến của thực dân, không để chúng tiến xa hơn “vét cạn” hơn mà lần vét này đã có thể động chạm tới ngưỡng của chủ quyền dân tộc. Làm được điều này, nếu có bất bình thường, cũng là xứng đáng.
Tuy nhiên, liệu rằng đại hội có phải là chống “thực dân nội sinh” hay không, sau đại hội có định đưa đất nước trở lại với “dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa” hay vẫn dùng làm “giả thể chế” để mị dân tiếp tục trượt theo "vét cạn", còn là một câu hỏi chỉ có thể chờ đợi liệu có chăng một quá trình tẩy rửa có tính “kháng chiến gian khổ”.

Thứ Bảy, tháng 1 16, 2016

Tây Nguyên

Tôi sắp đi Tây Nguyên lần thứ ba trong vòng 6 tháng nay, đọc được bài này của nhà văn Văn Công Hùng, thấy dù có đi thêm 3 lần nữa trong 6 tháng nữa thì cũng vậy thôi chả thấy được gì.
Chữ nó quý thế đấy.
"...Trước hết nhân đây phải khẳng định thêm một lần nữa, rằng là không có cái gọi là “lễ hội đâm trâu” như lâu nay chúng ta hay gọi. Nó chỉ là một thành tố của một lễ hội, và người Tây Nguyên gọi nôm na là ăn trâu. Họ làm con trâu ấy để cúng thần linh, mời thần linh ăn, để họ tạ ơn thần linh đã giúp cho họ những việc lớn của làng. Những lễ hội mà có ăn trâu rất hiếm và không thường xuyên tổ chức. Để có cái cuộc ăn trâu vào sáng sớm hôm sau ấy, đêm trước đã có một cái lễ khóc trâu. Những người đàn bà thân thuộc với con trâu được chọn để ngày mai làm lễ ấy, tối hôm trước ra chỗ cột trâu và… khóc trâu. Họ khóc rất bài bản, cám ơn con trâu và cũng “giao nhiệm vụ” cho trâu ngày mai thay mặt họ đi gặp thần linh. Họ cho con trâu ăn những ngọn cỏ non nhất mới cắt lúc chiều, mời trâu uống thứ rượu cần chắt từ lần cắm cần đầu tiên...
            Rồi lúc tổ chức “tiễn trâu về với Yang”, theo nhiều người Tây Nguyên kể, không có nhiều người xem như hiện nay, đặc biệt là trẻ con càng không. Toàn các cụ già. Họ tiến hành nghi lễ thiêng liêng với thần linh, con trâu ấy chính là hiện thân của dân làng “tiếp kiến” thần linh.
            Chứ không như hiện nay, người ta phong cho nó thành “lễ hội đâm trâu” rồi xách ông trâu ra cột giữa cái sân đông đặc người, rồi nhảy múa hú hét xung quanh cho con trâu ba hồn chín vía bay tiệt lên trời rồi bất thình lình đâm một nhát, máu me nhoè nhoẹt.
            Vấn đề là, ai, và từ lúc nào, đã làm cho ý nghĩa những sinh hoạt văn hóa, và ý nghĩa tâm linh của những sinh hoạt ấy bị biến tướng đi một cách dữ dội thế...?
            Nguyễn Cường là một nhạc sĩ rất nổi tiếng viết về Tây Nguyên. Nhưng Tây Nguyên nhất quyết không phải như những gì Nguyễn Cường đã viết. Anh đã tạo ra một lớp công chúng của mình bằng cách phả rock vào những ca khúc anh viết về Tây Nguyên, tạo ra một Tây Nguyên máu lửa, hừng hực, man dại và… nông cạn. Trong khi thật sự, Tây Nguyên lại rất trữ tình, sâu sắc và… mềm yếu mong manh nữa. Thì hãy nghe Y Phôn Ksor chẳng hạn, chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Ê Đê này có mấy bài hát để đời như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”… mà xem, ta hoàn toàn không thấy hú hét, không lắc mông lắc ngực, không nhảy tưng tưng, mà nó thủ thỉ tâm tình, nó xa xót đắng đót, nó thâm trầm đến thắc thỏm u uẩn, khiến người nghe như mỏng đi, như dẹt ra trong cái thổn thức nao lòng của giai điệu..."

Thứ Năm, tháng 1 14, 2016

Câu chuyện cuối năm

     
           Chà ! Ái chà chà .Lâu lắm rồi cũng tại lu bu quá nên cả năm qua tôi vắng mặt trên diễn đàn "Bạn Trỗi" .Xin đại xá và cúi đầu xin lỗi tất cả những ai yêu quí những bài viết của"Hưng tim" đã được  đăng tải trên diễn đàn này .Để thay cho "nhời" xin lỗi,nhân dip đầu năm em xin hầu các anh,các chị một câu chuyện sau :
 Chẳng là nhân dịp tổng kết cuối năm vừa qua,công ty em có tổ chức liên hoan văn nghệ và đã mời một em ca sĩ về để hát hò cho rôm rả. Khi em vừa xuất hiện,giám đốc đề nghị giới thiệu bản thân.
 Em liền cười tươi:
         "    Em đây quê ở Bắc Ninh
             Em nghiêng mái tóc, mái đình nghiêng theo "
Cả hội trường vỗ tay rào rào vì câu giới thiệu rất văn hoa.Phó giám đốc chen vào :Thế tuổi tác thế nào ?
 Vẫn nụ cười đầy quyến rũ ,em tiếp :
          "   Em đây mới chỉ hăm ba
             Em nghiêng mái tóc, quả cà nghiêng theo "
Hội trường lại thêm phần náo nhiệt .Chủ tịch công đoàn thét lớn : Đã có gia đình chưa em ? Tưởng em không vui khi bị hỏi vậy,nào ngờ em vẫn hồn nhiên :
          "    Chồng em ở tận Hải Dương
              Em nghiêng mái tóc,cái giường nghiêng theo "
Không gian như bùng nổ vì khâm phục tài đối đáp của em .Kế toán trưởng truy vấn :Thế hiện giờ em ở đâu ? Chẳng một chút ngập ngùng , em đáp :
          "   Giờ em ở phố Vân Đồn
              Em nghiêng mái tóc ...
Em chưa dứt câu thì hội trường như vỡ tung trong sự hò reo nhiệt liệt của cánh đàn ông,còn chị em thì đỏ mặt thẹn thùng vì ai cũng nghĩ câu tiếp theo sẽ là " cái ...ồn nghiêng theo " Thì em mới nhẹ nhàng : " Em nghiêng mái tóc ,tâm hồn nghiêng theo "
Và kết luận : Nhưng mà , mà ... " Em thích cách suy luận của các anh chị "  ....
 

Chủ Nhật, tháng 1 03, 2016

Trung Quốc không phải là Trung quốc

(Chuyện cực ngắn)
Bạn tôi tên là Trung Quốc, và toàn thế giới, gồm cả tôi, đều hiểu là “Trung quốc”, là “Trung hoa”. Nhân vụ gặp mặt gần đây, tôi mới biết ảnh không phải là … Trung quốc, mà là … Trung Quốc, bởi em ruột ảnh tên là “Hiếu Dân”, nghĩa là “hiếu với dân”. Hóa ra “Trung Quốc” tức là “trung với Quốc”. Nếu chữ “vuông” thì chữ “Trung” trong “Trung quốc” là hình vuông vuông có nhát sổ dọc – có nghĩa “ở chính giữa”, còn chữ “Trung” “nhà ảnh” cũng vẽ như rứa, nhưng thêm bộ “Tâm” – có nghĩa “trung thành”.

Thứ Bảy, tháng 1 02, 2016

GIAO BAN CAFE

Thân mời các Bantroi tới GB Cafe nhân dịp  đầu năm mới tại địa điểm :

- Đ/c:  45 Đinh Công Tráng, Q1, tp HCM (  Đối diện nhà thờ Hai Bà Trưng,Quán Bảy Nỵ).
- Thời gian : Sáng chủ nhật 3
/01/ 2016.
*GC:
Có chỗ đỗ xe hơi ,bình bịch
Trung Liêm