Thứ Bảy, tháng 6 23, 2007

TẢN MẠN CHUYỆN DU HỌC

Dương Minh

Phạm vi ảnh hưởng của blog này đang rộng lên. Thành phần K9 tuy góp lời chưa nhiều, nhưng theo tin vỉa hè thì số lượng “nghé” vô blog xem chừng cũng đã kha khá. Anh em nhiều người đã lên chức ông nội, ông ngọai nhưng còn nhiều người thời gian “phụng sự”cho các đệ tử cũng còn… mệt. Viết vài chuyện nhỏ dưới đây để các ”Tiểu đội trưởng” tham khảo là chính.


Tôi có đứa cháu gái đang học Đại học ở Đức. Để đi du học cháu phải trả giá khá đắt: bỏ mất hai năm đã học tại Đại học Kinh tế Tp. HCM. Khi ở Việt Nam, mỗi lần chứng kiến cảnh hai mẹ con cháu nói chuyện là tôi thấy “nhức đầu” luôn. Một phần do tâm lý lo cho con, chưa thật sự tin ở con … kết hợp với phong cách dạy dỗ ở ta nên người mẹ cứ luôn miệng huấn thị con phải thế này, con phải thế kia, tất nhiên cháu không thích và cứ cự nự. Hai mẹ con nói chuyện mà lúc nào cũng như cãi nhau! Cháu đi rồi, mặc dù è cổ lo chi phí cho cháu mà mỗi lần cô em gặp tôi mặt cứ tươi như hoa rồi tíu tít khoe đủ chuyện. Nào là nó biết thương ba mẹ, mới sang được ba tháng đã nhận kèm tóan cho sinh viên “Tây” mỗi giờ được đến 20 euro! Rồi thì nó thi môn nào cũng tốt, đậu đại học rồi. Sao ở bên đó sướng thế, nó đang chọn trường, chọn ngành, mình chẳng biết gì mà góp ý, thôi để nó tự quyết định. Nghỉ hè mà nó không chịu về ngay còn cố đi làm thêm để tự lo chi phí cho chuyến về Việt Nam… Cháu về nhà nghỉ hè, hai mẹ con cặp kè, bình đẳng cứ như hai chị em.
Bạn tôi có cậu con trai vừa học xong lớp 11 thì sang Mỹ học nốt lớp 12. Khi ở nhà, mỗi lần gặp người lớn cháu khoanh tay cúi người chào và giữ nguyên tư thế này trong suốt thời gian thưa chuyện. Người nhỏ bé, nên dáng điệu đó làm cho ai cũng có cảm giác nó còn con nít quá. Sau 10 tháng hòan thành chương trình lớp 12, cháu thi đều đạt điểm rất cao và đã xác định xong trường Đại học sẽ nhập học, cháu về Việt Nam nghỉ hè. Gặp cháu tôi sững sờ. Mặc dù nó chỉ cao to thêm một chút ít, nhưng với dáng vẻ rất tự tin, nói chuyện chững chạc … làm tôi thấy như cháu đã được “lột xác”. Nó thực sự đã là chàng thanh niên biết sống tự lập. Mẹ cháu thì phàn nàn trong niềm sung sướng và mãn nguyện: em chẳng còn biết phải khuyên nó thế nào nữa, cái gì nó cũng nói mẹ để con suy nghĩ và tự quyết định.
Một người bạn khác cũng vừa cho con sang học cấp 3 ở Singapore – cháu sắp 15 tuổi vừa học xong lớp 9. Đưa cháu sang Singapore nhập trường xong, về nhà gặp bạn bè anh cho biết: sao ở đó chỉ có vài ngày mà nó nói những câu tôi không thể tin được! Ai cũng háo hức muốn nghe điều “kỳ diệu”!?! Anh kể, trước khi chia tay, nó đề nghị ”Hay là con về luôn với ba, không học ở đây nữa!”. “Tại sao?” anh giật mình, lo lắng hỏi lại con. “Tốn tiền quá, thế này thì ba mẹ vất vả lắm!”. “Cái chính là con có muốn sang đây học không?” anh hỏi cháu trong tâm trạng đã nhẹ nhõm hơn. “Đương nhiên là con thích rồi!”. “Tại sao?”. “Con cảm giác môi trường ở đây cái gì cũng an tòan, thỏai mái… làm cho con tự tin lắm!”. Anh thở phào, sung sướng kết luận với cậu con trai “Nếu con tự tin, phấn đấu học cho giỏi thì khổ cỡ nào ba mẹ cũng chịu được!”. Cách đây hơn một tuần anh khoe “Nhận được nhận xét của thầy cô qua e-mail, ai cũng viết là nó mạnh dạn, tự tin, hay giúp đỡ bạn bè, học tốt … Thế là ổn rồi!”.
Tất nhiên “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”, những chuyện tôi kể ra không phải đúng cho tất cả. Tuy nhiên, có thể nói, môi trường tòan diện cho các cháu từ nhà trường đến cả xã hội là không thể … chê người ta đuợc! Như vậy các cháu có thành công trong du học hay không, điều quan trọng chỉ phụ thuộc chính ở bản thân các cháu và gia đình đã chuẩn bị “hành trang” gì cho con mình, còn vấn đề xã hội thì “vô tư đi”! Mấy bà mẹ này đều chung suy nghĩ : cho nó đi thà buồn một chút, vất vả “cày cuốc” hơn một chút nhưng bớt được cái lo cứ thường trực 24/24 sao mà mệt mỏi thế!

TB: Đây là chuyện tôi ghi lại từ cuối năm ngóai. Hiện nay: cô bé ở Đức – là cháu tôi, đã vừa học vừa làm tự túc gần như 100% chi phí;.anh chàng sinh viên ở Mỹ đã học xong năm thứ nhất với tòan điểm A đang nghỉ hè ở Tp.HCM – chính là con trai anh Lê Võ Tiên Hưng K1; còn cậu bé kia cũng về nghỉ hè với tư thế nhất lớp và nhất khóa.

Không có nhận xét nào: