Thứ Ba, tháng 5 31, 2011

Phép thử của Trung Quốc và giải pháp của chúng ta

Pháp Luật Tp.HCM: Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26-5-2011 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.


Tranh chấp Biển Đông: Nhấn mạnh giải pháp đa phương
Với 13 tham luận của các chuyên gia và học giả, Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" tổ chức tại Jakarta (Indonesia) ngày 31.5, đã nhấn mạnh các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua thương lượng đa phương, hòa bình và đảm bảo lợi ích của các bên.

Bắc Hà- tìm lại một chút ký ức

Đêm lễ hội chính của thị trấn là buổi biểu diễn văn nghệ của các đoàn nghệ thuật địa phương.
(Xem tiếp)

Ấn tượng vùng cao biên giới

Như một lời hẹn ước trong tâm thức phải trở về với một phần đất Mẹ thiêng liêng nơi biên ải.
(Xem tiếp )

TIN BUỒN

Mẹ bạn Đặng Trần Dũng mất.
Tang lễ tổ chức tại: nhà Vĩnh biệt Bệnh viện Nguyễn Trãi 481 An Dương Vương.
Khóa 4 anh em tập trung tại địa chỉ trên đến viếng , vào lúc 17 giờ chiều nay
31 tháng 5, thứ ba.
TP HCM

BLL Trung Liêm

Rượu ngô bản Phố

Về đến KS leo ngay lên giường, lơ mơ chờ tan cơn rượu. Tỉnh dậy thấy miệng khô rang, bên kia ông LTN và QT cũng đang ngủ. Được cái không nhức đầu. Gần 4h sáng thấy ông QT lục đục dậy đeo máy ảnh xuống nhà. Một lúc leo lên lầm bầm "khóa cửa, mà cũng chả có ai".

Đến lúc nghe QT hí hửng khoe "ôi, tôi chụp rồi, hàng đoàn người gùi rượu" thì tôi mới dậy. "Bắn" phát đầu tiên đã hơn 6h30. Người ta gùi rượu xuống phố, bán trực tiếp cho khách hoặc nơi thu mua. Hỏi giá thấp nhất là 15 nghìn/lít. Mỗi gùi 20L, ít cũng được 300 nghìn.
Vào chợ, ông QT cứ như HDV du lịch, chả là nửa tiếng trước đã lượn một lần :) Đây đồ chơi búp bê, trông như hàng Tầu, nhất là hàng đứng sau có dáng Tân Cương?
Chuyến đi này bạn Trỗi chắc có một bộ sưu tầm chân dung kha khá. Tôi thì rất ngại chĩa ống kính vào người ta, ngại luôn cả xin phép. Thôi thì chơi trò này, máy 2 ăn theo. Cái kính đeo trước ngực ông phó kia, hình ảnh cuối cùng về nó :)
Có hẳn một khu hàng thắng cố. Bây giờ mới là lúc "nổi lửa lên em", chuẩn bị cho bữa trưa của người chơi hội. Đêm hôm kia người ta đã nấu nồi thắng cố ghi vào kỷ lục Guiness VN. Nghe BTk8 nói các nồi ở đây được dùng một phần nước từ cái chảo tạng 5 con ngựa ấy.
Bạn Trỗi, thắng cố trong bát ở nhà còn không ham, ở đây chỉ ngó. Ngó cả các hàng khuyến nông với đủ các sản vật đặc trưng. Huyện Mường Khương mang sang này.
Giống cây trồng Bioseed này
Bao nhiêu là sản vật của các huyện, các xã, các doanh nghiệp,... chả thể nào mà khuân hết được.
Thôi thì cái gì bé nhất, nhẹ nhất, cho cảm giác mạnh nhất :) thì chơi!
Quay sang đua ngựa. Lòng vòng mãi rồi cũng vào được sân. Ai bảo không đi cổng chính cứ đòi trèo tường vào thì ai cho. Nhưng mà kiếm được một chỗ chõ máy ảnh vào không phải dễ. Những người xem bán kết không chịu được nắng đã rút bớt ra ngoài. Hóa ra chậm vẫn còn chắt được nước trong. Vòng chung kết 6 tay đua chuẩn bị xuất phát
vòng một chạy ngang qua khán đài đấu thủ 25 trên con ô dẫn đầu.
Vòng hai đấu thủ 29 vượt lên một thân ngựa.
Vòng ba thêm một khoảng cách nữa dài hơn
Vòng bốn bỏ xa đối thủ. Chiến thắng, hoan hô :)
Chiến thắng có men say rượu ngô Bắc Hà, uống nhiều mà không nhức đầu (5 phút dành cho quảng cáo).

Thứ Hai, tháng 5 30, 2011

Bắc Hà, mùa mận chín?

Chuyến đi Bắc Hà đã kết thúc, theo chủ quan của tôi, tốt đẹp với mọi người. Riêng chuyện hái mận Tam Hoa từ trên cây trong bản người Mông thì... "lần sau tầu chạy". Không có con mắt soi mói nào chụp được đôi ảnh tôi đeo gùi rỗng lên xuống xe, he he, là một thành công cực lớn :)
17 người cả lái xe lên đến Yên Bái nghỉ ăn trưa, đón thêm 3 CCB và hai bà vợ, tổng là 22 người, thừa đúng một hàng ghế sau để đồ đạc. Nếu đi chuyến đi dài ngày thì nên bỏ đi thêm 4 ghế phụ nữa sẽ dễ chịu hơn. Bạn Trỗi, ngoài những "thường viên", chuyến đi còn có Vinh Sơn k5, Việt Hằng và vợ chồng Bùi Thắng k8. Lại thêm cậu Phan em họ TN từ trong TpHCM ra, dân họa sĩ làm phim nhựa.

Theo cách nói của tầu bay, "đây là chuyến bay không hút thuốc". Vì vậy, khác với hàng không, tầu bò thỉnh thoảng lại dừng để hành khách hút thuốc và "hát", một cách nói đã dùng trong nhiều chuyến đi. Lần hút/hát bên sông Chảy, trên đường từ Yên Bái lên Lào Cai. Con đường quốc lộ 70 này có đặc điểm hẹp, nhiều cua, tầm nhìn ngắn. Mãi rồi mới chọn được chỗ này.
Lên đến Bắc Hà khoảng 16h30, mọi người nhận phòng nghỉ, chuẩn bị để quãng 18h đi vào bản ăn bữa do anh Chiến đặt. Các CCB ở luôn nhà anh Chiến, cũng tiện và giảm được chi tiêu kha khá cho hai tối nghỉ khách sạn. Năm CCB Trị Thiên 1972 và VSk5. Sau bữa ăn sẽ là buổi thưởng thức văn nghệ nhân Lễ hội Du lịch Về nguồn, là lễ hội liên kết du lịch của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai hàng năm. Các điểm du lịch trong ba tỉnh sẽ thay phiên tổ chức các lễ hội với các hoạt động hút khách khác nhau.
Bắc Hà là điểm du lịch tổ chức lễ hội vào những ngày này với hoạt động "đinh" là đua ngựa. Tất nhiên các hoạt động khác là hỗ trợ hoặc ăn theo "đinh", bao gồm văn nghệ, hội chợ ẩm thực, khuyến nông, và tất nhiên cuối cùng là để khuyến... du.
Bữa tối được anh Chiến đặt ở nhà cậu út gia đình người Tày quen lâu năm, mà cả ba anh em đều tham gia nấu. Bữa ăn rất ngon với những món quen và lạ. Khâu nhục, thắng cố, canh óc đậu, thịt lợn đen các món,... không phải là gì lạ lắm. Riêng xôi nếp non rất được mọi người quan tâm. Đơn giản có thể hiểu là cốm khô cất đi thì là nếp non. Nấu lên thành một thứ xôi giống... cốm; hạt rời nhưng mà dẻo, không dính. Ảnh kèm đây không đẹp lắm vì đã ăn vào rồi, nhưng nó đầy đủ các món, không thiếu xôi hai mầu như ảnh chưa đụng đũa.
Bà mẹ 3 cậu trai được anh LTN mời ra uống rượu với bạn Trỗi. Hỏi vui mẹ còn con gái nào không? Chắc mẹ cũng chết khiếp với ông "cầu gái" tóc bạc trắng gần bằng cước thế kia :)
Đáng tiếc là cả nể với tình cảm của các CCB và gia đình mà sau bữa tôi và anh LTN "ngất xỉu" trong phòng KS, mặc cho ông QT sưu tầm ảnh văn công và các anh em khác tham gia hưởng lễ cùng đồng bào.
Kết thúc một ngày cũng khá mệt, đặc biệt là uống rượu :(
Ông QT đưa ảnh văn công hậu trường lên đi :)

Thứ Sáu, tháng 5 27, 2011

Trung Quốc xâm phạm lãnh hải VN, phá hoại tài sản và tuyên bố ngang ngược

Tin VietnamNet

Vào lúc 5 giờ 58 phút, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc PVN cho biết thêm ba tàu hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02; sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02, thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9 giờ sáng 26/5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.

Mỗi bước đi thêm yêu Tổ Quốc

Mấy hôm trước đang chạy xe trên đại lộ Thăng Long tôi nhận cuộc gọi của TM "bật VTV3 đi, đang chiếu về Mê Kông, hay lắm". Hôm nay cũng đang trên đường lại nhận cuộc gọi, TM hối "mở TV đi, đang chiếu về chỗ mình đi, Pursat đấy, hay quá".
Tôi hiểu không đơn giản là tình cảm của kẻ lãng du, không phải cái trầm trồ của người săn ảnh. Mà là lòng tự hào, là tình yêu Tổ Quốc Việt Nam với tất cả những gì mà người Việt chúng ta đã làm trên đất CPC từ gần một thế kỷ nay, đặc biệt là giải phóng dân tộc Khme khỏi họa diệt chủng, cùng lòng khâm phục và biết ơn với lứa lính đàn em mà chúng tôi có dịp gặp, sống hay đã hi sinh.
Ngày mai chúng tôi đi Bắc Hà, Lào Cai đúng vào mùa mận chín. Mận Tam Hoa của Bắc Hà ngon nổi tiếng. Thăm vườn mận của đồng bào mùa hái quả, ghé chợ phiên, uống rượu ngô Bản Phố trong se mát vùng cao,...

Đường chúng tôi đi sẽ qua Hưng Hóa năm cuối Trỗi mà đã có lần cả khóa trở lại. Rồi ngã ba Đoan Hùng sẽ ghé thăm đài kỷ niệm Chiến thắng Sông Lô, đi qua thị trấn Phố Ràng mà trận đánh đồn năm 1949 đã được Trần Đăng viết lại.
Mỗi bước đi thêm yêu Tổ Quốc, lời ca này hãy đúng cho mỗi chuyến đi.

Thứ Năm, tháng 5 26, 2011

NỨA NON BẮC THÁI?

Mái đầu ai đó nay điểm bạc
Chỉ có ký ức mãi còn xanh!

Thứ Ba, tháng 5 24, 2011

Ảnh cho Ôí giời ơi!



Tên gọi : TRẦN PHÚ
Bí danh : Lý Quý, Nam
Ngày sinh : 1/5/1904
Ngày hy sinh : 6/9/1931


 
  


Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; con ông Trần Phổ và bà Hoàng Thị Cát.
Trần Phú lên 4 tuổi thì cha chết (khi ông đang làm tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi); đến 6 tuổi thì mẹ chết (năm 1910). Trần Phú về ở với anh chị ruột ở Quảng Trị. Năm 1914, Trần Phú được cậu ruột giúp đỡ cho ra Huế học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và học trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung (năm 1922), Trần Phú được bổ làm giáo viên ở trường tiểu học Cao Xuân Dục( thành phố Vinh, Nghệ An).
Tháng 7/1925, Anh gia nhập Hội Phục Việt và hoạt động tích cực để xây dựng cơ sở. Anh cùng Hà Huy Tập mở lớp dạy học trong xóm thợ nghèo cho những công nhân chưa biết chữ...
Ngày 18/7/1926, Trần Phú và một số thanh niên được Hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu( Trung Quốc) để gặp Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên. Sau khi tham dự khoá huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, anh xin gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tháng 10/1926, Trần Phú được đồng chí Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào nhóm “Cộng sản đoàn”, với bí danh là Lý Quý. Tháng 11/1926, Trần Phú trở về nước hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng. Do yêu cầu của phong trào cách mạng Trung Kỳ và để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp, Trần Phú trở lại Quảng Châu làm việc tại Tổng bộ Việt nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Tháng 1/1927, Trần Phú được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Tại đây, anh được cử làm bí thư của nhóm cộng sản Đông Dương mới thành lập. Năm 1928, Trần Phú tham dự Đại hội lần thứ VI của Quốc tế cộng sản.
Tháng 8/1929, sau khi tốt nghiệp khoá học tại trường Đại học Phương Đông, Trần Phú trở về Việt Nam. Trải qua nhiều chặng đường gian nan vất vả, anh về đến Sài gòn ngày 8/2/1930.
Ở Sài gòn ít ngày, Trần Phú lên đường sang Hồng Kông gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thông báo cho anh biết các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã được thống nhất thành Đảng cộng sản Việt Nam.   Tháng 4/1930, Trần Phú rời Hồng Kông xuống tàu trở về nước hoạt động trong phong trào công nhân, nông dân ở Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Hòn Gai...
Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam, được phân công Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hồng Kông, Bản Luận cương chính trị được thông qua và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Sau hội nghị đồng chí trở về Sài Gòn để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Cuối tháng 12/1930, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng bàn về việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho đảng viên và công tác tuyên truyền của Đảng. Thường vụ Trung ương ra báo “ Cờ Vô sản”, tạp chí “Cộng sản” mỗi tháng 1 kỳ. Tiếp theo Trung ương tổ chức Hội nghị bàn về công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến tận các Xứ uỷ, khu uỷ, tỉnh uỷ...và từ Trung ương đến Quốc tế cộng sản và một số Đảng anh em.
Ngày 20/1/1931, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị bàn về công tác vận động Công nhân Đông Dương, bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Quốc tế Công hội Đỏ và Nghị quyết công vận của Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đề ra.
Tháng 3/1931, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Sài gòn đã phân tích, đánh giá một cách sâu sắc tình hình cách mạng Đông Dương và nhiệm vụ của Đảng cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới. Trong Hội nghị này đã ra Nghị quyết thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Bị địch tra tấn dã man và bệnh phổi tái phát, đồng chí Trần Phú đã hy sinh tại nhà thương Chợ Quán ngày 6/9/1931. Trước khi hy sinh đồng chí Trần Phú nhắn nhủ lại “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.
http://btxvnt.org.vn/cms/?m=6&act=view&id=6

ỐI GIỜI ƠI!

Ngày 7/5 là ngày truyền thống của quân chủng Hải quân, trưa hôm đó mấy tay hàng xóm gọi điện inh ỏi sao ông không đi hop,họp gỉ? ngày truyền thống quân chủng mà ông quên à...Nó nằm ngoài bộ nhớ chứ có quên gì đâu. chúng hẹn chiều gặp mặt mấy tay dề của BV Hải quân. Hết giờ làm việc chạy đến điểm hẹn ,được 5 thằng thế là chuyện trên trời dưới đất đủ cả. Một tay BS rất hùng hồn kể chuyện hắn đích thân tổ chức tìm mộ anh Trần Phú. không biết hắn có tìm được hay không nhưng hắn kết một câu chắc nịch : anh TrP dộc thân không bà con họ hàng gì sất... rất thương cảm. ái già lại một tay nữa làm cái chuyện này. Tức quá tôi cải phăng , cháu ruột của ông TrP còn sờ sờ ra đấy sao cá1 bọn nấu cháo chính chị này làm cái việc thất đức đến khả ố vậy? . Tôi nói ông giám cuộc với tôi không hắn vẫn rất cứng cựa. Tức quá gọi ngay cho Tùng kiếng, khổ cái hắn lại không bắt máy, thành thử thằng cha kia vẫn cứ vênh váo. Hôm rồi nhân đến nhà TK nhậu có kể lại chyên. Ra thế các tiên bối đã khuất vẫn bị bọn hậu nấu cháo vịt.(đúng là bọn con buôn "chính chị").

Thứ Hai, tháng 5 23, 2011

Cuối tháng đi chơi Bắc Hà, Lào Cai

Hồi trước Tết có chuyến theo KV đi thăm bạn lính 1972 ở Yên Bái và Lào Cai. Anh Chiến (Bắc Hà) có nói cuối tháng 5 mùa mận Tam Hoa chín, có lễ hội của địa phương, mời các anh lên chơi.

Y hẹn, xác định với nhau là cuối tuần này. Nhân thể rủ hội thường giao (giao ban Vườn Treo) đi chơi cho khỏi kêu mất mặt vì Quân Sử Quân Hành. Trên bản đồ GoogleMaps vị trí Bắc Hà ở góc trên trái, chỗ đầu nhọn của "giọt nước ngược".
Đếm ra được hơn chục người đăng ký. Như thế thuê xe 16 chỗ khi đi thì chật khi về còn mận, còn rượu ngô để vào đâu? Bèn lấy cái 29 chỗ, dự kiến đi 20 người cho thoáng. Đang gọi thêm người để... chia tiền xe cho nhẹ :-)

Theo Wiki:
Huyện Bắc Hà nằm ở độ cao khoảng 1.000 đến 1.500 m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa. Nhiệt độ trung bình năm là 25°C.
Bắc Hà có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các địa điểm du lịch thú vị, trong đó phải kể đến lễ hội San sán (xuống đồng) của người Mông và người Tày; dinh Hoàng A Tưởng, Đền Bắc Hà, di chỉ thành cổ Trung Đô; các làng nghề thổ cẩm, nấu rượu ngô đặc sản của đồng bào Mông như Bản Phố, Tả Văn Chư; các chợ như chợ trâu Lũng Phìn, chợ văn hóa Bắc Hà, chợ Cốc Ly, chợ Bản Liền v.v.
Đáng chú ý trong đó là các di tích như dinh thự Hoàng A Tưởng và Đền Bắc Hà. Dinh thự Hoàng A Tưởng xây dựng từ năm 1919 đến năm 1921 thì hoàn thành. Người dân địa phương vẫn quen gọi là nhà "Vua Mèo" bởi thời Pháp thuộc một người dân tộc Tày tên là Hoàng Yến Chao (sau đời con lên thay tên là Hoàng A Tưởng) làm châu úy châu Bắc Hà (Chính quyền thuộc Pháp), cai trị vùng Bắc Hà nhưng chủ yếu có 70% dân tộc Mông sinh sống, do vậy nó được gọi là vua của vùng người Mèo (vua Mèo).
Đền Bắc Hà được đồng bào địa phương và khách thập phương góp công sức xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Đó là đền thờ Gia quốc công Vũ Văn Mật, người có công đánh giặc dẹp loạn, hùng cứ cả một vùng rộng lớn, huy động được các dân tộc thiểu số địa phương trấn giữ vùng núi phía bắc ngăn giặc xâm lấn biên ải từ thời vua Lê Chiêu Tông (1516) sang thời nhà Mạc (1592)và những năm tiếp theo.
Đặc sản
Rượu Bản Phố: Loại rượu nấu bằng hạt ngô ủ với một loại men lá và hạt cây hồng mi.
Chè Bản Liền
Mận tam hoa Na Hối
Kẹo mạch nha hoa

Canh thùng phiếu và vài trải nghiệm

Mấy đêm canh vườn mà để giải quyết khâu oai, lợi dụng dịp bầu cử, nói với mọi người là đi "bảo vệ thùng phiếu". Đêm qua, tất nhiên là đêm quan trọng nhất vì trong thùng có phiếu :-)
Một mình giữa khu vườn cách xa các hộ khác hàng trăm mét cũng có cái thú của nó, khi có điện và những đồ chơi kết nối. Như thông lệ, bật máy tính và kết nối bằng điện thoại di động EVN. Cái này tôi vẫn dùng khi đi và ở những nới không có wifi chùa. Lần này thấy có vẻ chán tệ. Vì trong tay đã có vật thay thế, chiếc smartphone 3G có khả năng làm điểm kết nối wifi.
Quả nhiên dùng wifi/3G làm cho mình sảng khoái hẳn. Xem tốc độ có lúc trên trăm KB/s. Hai ngày trong sung sướng, thỉnh thoảng ngừng việc không tên, đảo vào mạng coi chơi.
He, đến hôm nay thử kiểm tra tổng thiệt hại, hai ngày mất hơn trăm nghìn đồng chủ yếu cho... vào mạng. Thế thì xem ra dùng EVN với biểu giá 200đ/phút và tốc độ kết nối trung bình cỡ 7-8KB/s có vẻ... sung sướng hơn. Nhất là ta đâu có cần xem phim và ca nhạc?

Còn một trải nghiệm khác. Ấy là cái võng quân nhu (bên trái) do TS1 tặng cho mấy tháng trước mà chưa có dịp nào dùng. Có hai nhận xét về nó trái ngược nhau.
Một lần trong rừng Cúc Phương TS1 mắc lên, nằm thử và phán "không được".
Còn kết luận của tôi sau khi dùng thử thì thấy tốt.
Có lẽ là do hai cách dùng khác nhau. Nếu nằm chơi thì không được thật. Vì màn may liền vào võng, bắt buộc đã mắc võng là phải căng mùng nếu không muốn nằm đè lên.
Ngược lại nếu dùng võng để ngủ nghỉ, thì luôn có màn là điều tốt. Vì luôn có côn trùng truy sát ta ở mọi nơi.
Đấy trong cái việc buồn chán nhất, một mình gác chùa, vẫn tìm ra cái hay :-)
Nhưng mà cũng phải nói thật là võng về cơ bản là tốt nhưng cái khóa kéo thì tệ hơn hàng mã, hỏng vứt đi ngay từ lần kéo đầu tiên.
(hình lấy từ Phượt Chấm Cơm)

Không đề

Kể hầu các bọ một câu chuyện:
Một cậu bé bước vào cửa hàng kem và ngồi cạnh một cái bàn nhỏ. Cô phục vụ đến gần cậu bé và hỏi cậu cần gì.
- Bao nhiêu tiền một đĩa kem hoa quả ạ ? - 50 xu! - Cô phục vụ lạnh lùng.
Cậu bé lôi trong túi ra mấy đồng xu và bắt đầu đếm. - Thế bao nhiêu tiền một đĩa kem bình thường ạ?
Lúc đó khách trong cửa hàng kem rất đông và đang đợi. Cô phục vụ trở nên mất kiên nhẫn. - 30 xu . Cô trả lời vẻ cáu kỉnh.
Cậu bé tiếp tục đếm những đồng xu. - Thế thì cho cháu một đĩa kem bình thường - Cậu bé nói.
Cô phục vụ mang lại một đĩa kem, quăng luôn cái phiếu thanh toán lên bàn và bỏ đi. Cậu bé ăn xong kem, để tiền trên bàn và đi ra. Khi cô phục vụ quay lại, cô đứng im nhìn những gì còn lại trên bàn. Bên cạnh cái đĩa kem đã ăn hết, là hai đồng 15 xu được xếp cẩn thận sang một bên cùng với hai đồng 10 xu khác cũng được xếp cẩn thận bên cạnh.
Cậu bé không ăn kem hoa quả, vì cậu muốn có đủ tiền để lại cho người phục vụ.

Chuyện nước ngoài nghe kể lại, vậy mà xem ra có nhiều điều cần ngẫm nghĩ và suy ra:
-Đôi khi người ta nghi ngờ tấm lòng của người muốn mang lại điều tốt cho mình
-Đôi khi người ta bỗng dưng hồ đồ, ganh gét một cách vô lối
-Đôi khi người lớn nhưng hành xử không bằng đứa trẻ con

Ý nghĩa câu chuyện thật sâu sắc

Chủ Nhật, tháng 5 22, 2011

Xin lỗi các bạn, tôi xóa video clip vì chắc có bạn phản đối, nếu ai muốn xem xin theo đường dẫn sau đây:http://youtu.be/77krjOSMimo

Thứ Sáu, tháng 5 20, 2011

Đi tìm sự bình yên

Có nhiều cách đi tìm bình yên.
Cách bình yên nhất, đoạt giải Vàng, trao cho Tk5. Hãy sống dưới ảnh hưởng của một "con" có thể cắn chết các "con" khác, ấy là bình yên. Còn làm thế nào thắng thầu để lấy được chỗ sống trong mồm con cá mập là chuyện khác.
Cách bình yên khác, giải bạc, trao cho Tt. Đóng chặt tất cả các cửa, liên hệ với thế giới bên ngoài bằng đôi dây ADSL, lướt các trang mạng ảnh hồ, mèo ngủ, nghe các bản nhạc cổ điển du dương.
Cách khác là làm một cái gì đó có nghĩa càng tốt mà vô nghĩa cũng được, miễn là thật chăm chú. Để cho có vẻ vẫn còn sống, chiến đấu, học tập và làm việc như lời kêu gọi ở... phường anh Chí.
Tài hèn sức mọn tôi theo cách thứ ba.
Thỉnh thoảng lại chui vào Google Map Maker làm một cái gì đó.
Thí dụ như vẽ mới hoặc chỉnh sửa những con đường đã được vẽ nhưng sai lệch so với phát hiện ra. Hoặc đánh dấu những vị trí có ý nghĩa cộng đồng mà mình biết (đền chùa, khu du lịch, di tích,...). Mọi người thử vào trang ấy, trong khung tìm kiếm của nó hãy gõ "nghĩa trang liệt sĩ huyện đức thọ". Nếu tìm thấy trên bản đồ, chính là điểm do tôi đánh dấu sau chuyến đi tới đó năm ngoái.

Hai tuần trước tôi ngồi suốt một ngày với các bạn trẻ hăng hái chơi cái này.
Tôi được ghi nhận là thành viên... già nhất hội. Ấy nhưng người trẻ hơn thì cũng sêm sêm còn đang công tác về biên giới mà bước chân của anh ta là hàng trăm, hàng nghìn cột mốc biên giới trên bộ. Anh ta đang nói với đại diện của Quan hệ Cộng đồng Google về các vấn đề trên biển.
Thực ra hoạt động này còn phân tán, chưa tới mức làm tin báo chí, theo quan điểm của tôi. Nên viết vào đây chơi :-) cho khỏi bức xúc.

Thứ Tư, tháng 5 18, 2011

"Sự Bình yên"


Đôi khi, tôi suy ngẫm đôi chút về sự bình yên. Thuở thanh xuân nay đây mai đó, chúng ta sống trong một thời đại sôi động và dấn thân vào đó với một niềm tin vì lý tưởng. Có đôi lúc trong một khoảng lặng, ta tìm thấy sự bình yên nhỏ nhoi rồi số phận lại cuốn ta đi, lại lao vào cuộc đời với trăm vạn những suy tư, những nhọc nhằn bon chen và tranh đấu. Tranh đấu với chính bản thân mình và tranh đấu với ngoại cảnh, như con đại bàng trong bão dông, cố gắng để vượt qua khoảng không gian đầy cạm bẫy, cố vươn tới một tầm cao mới có sự bình yên vĩnh cửu.
Ở một đỉnh cao nào đó mà thượng đế ban cho tuổi tác của chúng ta, có phải đột nhiên ta muốn tìm kiếm lại sự bình yên? Nhưng thế nào là bình yên cho đúng nghĩa thì tôi vẫn cho rằng, rất có thể mỗi người tìm kiếm một sự bình yên khác nhau, do cách nghĩ và quan niệm mà người có bản tính sôi nổi, năng động sẽ không tìm kiếm một sự bình yên thụ động. Nhưng có người thể chất mềm yếu, hoặc giả thấm nhuần triết lý Phật giáo, thủ tiêu đấu tranh thì có thể hướng đến sự bình yên hướng nội. Có người tìm sự bình yên trong hoạt động nhân đạo hoặc môi trường, nhưng cũng có người lấy kinh kệ, giáo lý .. v.v làm cách mà mình theo đuổi sự bình yên.

Có một câu chuyện xưa, xin kể lại để mọi người cùng suy ngẫm
Một vị hoàng đế, khi tìm kiếm cách giải thích về một quan niệm về sự Bình yên đúng đắn, ông ta bèn treo một giải thưởng lớn cho họa sĩ nào trong vương quốc của ông vẽ được một bức tranh đẹp, và chuẩn nhất mô tả về "sự bình yên".

Rất nhiều họa sĩ đã cố gắng dùng tài năng và trí tuệ để thực hiện theo ý hoàng đế.
Ngài ngắm tất cả các bức tranh được mang đến ,nhưng cuối cùng chỉ chọn ra được hai bức tranh và suy nghĩ để chọn lấy một
    Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ phản chiếu đậm nét những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả quần thần cùng hoàng đế ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật toàn hảo .
Bức tranh còn lại kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá như trong một sa mạc hoang vu. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.
Nhưng khi nhà vua nhìn sâu vào bức tranh, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ cho những con chim con. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình.
Bình yên thật sự.
"Ta đồng ý chọn bức tranh này !" Hoàng đế nói. "Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp người ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn mình. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên.
Thật phức tạp!!!
Vậy theo bạn, bạn sẽ chọn sự bình yên nào?




Còn tôi  thì tôi chọn hai bức tranh này :)) vì mình chỉ là phó thường dân. Đâu phải là Hoàng đế mà triết lý cao siêu. Xem mấy chú mèo này cũng đủ bình yên chán!
(Nguồn ảnh Internet- chỉ có tính minh họa)

Văn hóa đọc?

Người ta cứ nói mãi văn hóa đọc tụt lùi nghiêm trọng. Quả có thế. Nhưng với những góc nhìn khác nhau ta sẽ tìm ra những điều chính đáng.
Mới gần đây thôi những chuyện lùm xùm quanh quyển sách cũ (2008?) về danh nhân cà phê ta sánh vai các vĩ nhân lịch sử thế giới, chuyện tăng ngưỡng ngân sách mua xe công mà có người phân tích cao hơn mức trượt giá, chuyện học tập tư tưởng HCM thế nào mà bức tranh xã hội ngày càng ngả sang mầu sẫm với những lý do đồng bào làm bậy chứ không đáng phê bình một lãnh đạo nào,...
Cái viết ra như thế mà đọc có khác nào uống thuốc rầy thay trà. Đừng đọc còn hơn, với cái thứ văn hóa viết ấy.
Văn hóa đọc đã rớt rồi, nghi ngờ cả mình, khéo chả muốn viết?
(Xin miễn góp lời)

Trường Sa vẫn... xa

Đầu tuần có người hỏi "đi Trường Sa không để em thu xếp". Ừ, đi. Hỏi ra là hai tầu "hậu phương đi thăm tiền tuyến" của BTLHQ, chuyến chót trước mùa biển động.
Gọi LVĐ, giọng cậu khản đặc cho biết mới ngoài đó về hai ngày. "Ờ, nên đi một lần cho khỏi tiếc. Giá mà đi cùng thì vui nhỉ".
Vừa nãy có tin người ta đã chốt danh sách rồi, vào hàng chậm hãy đợi lần sau tầu chạy. Cậu ấy nói "anh gọi bạn anh đi, nhờ anh ấy nói với bên chính trị là được thôi mà".
Ồ, không. Nếu anh nhờ thì đã nhờ lâu rồi. Nhớ câu nói của nó, anh mà nhờ thì đi cùng nó cho vui, chứ đi chuyến này làm chi. Trên biển người ta cân nhắc từng chỗ, chật chội và eo hẹp, có tiền cũng chả làm gì. Đừng gây thêm sức ép cho họ, mà cũng là cho mình.
Mất công tôi chuẩn bị luyện giọng bài "Hải đội Hoàng Sa" của 3Chai, nghĩ xem liệu có mang được cho các em các cháu ngoài đó quà gì có ý nghĩa,...
Trường Sa vẫn còn xa lắm.
Nhưng mà biết đâu, mình không gọi cửa này nhưng anh bạn vẫn cứ "chạy" cửa khác, đáng yêu thế chứ cái sự chạy này :)

Thứ Hai, tháng 5 16, 2011

Một số món ăn độc đáo của Việt nam và thế giới

Để sinh tồn, hoặc đơn giản chỉ là để khoái khẩu, con người đã nghĩ ra nhiều món ăn rất kỳ lạ và độc đáo. Thực ra cũng tùy vào quan niệm, thói quen hay tập quán của từng dân tộc mà đánh giá khái niệm này đúng sai hay dở thế nào. Một ví dụ là ở nước ta, món tiết canh thường được dùng với sự khoái trá đặc biệt nhưng người nước khác thì sẽ cho rằng đó là một món ăn.. kỳ lạ. Đấy là do người ta còn chưa biết rằng ở Việt nam đang phổ biến một quan niệm...ăn gì bổ nấy. Từ ăn mà lan sang uống, cứ con gì "gật" khỏe là đem ngâm rượu. Bọ gật, sâu chít, ngâm rượu uống để mong cải thiện phong độ. Bọ nào mà ngâm rượu tằm là sẽ bị chê- con tằm nó nhẽo nhợt, thì phong độ chắc cũng rứa!!! Ăn gan bổ gan ăn tim bổ tim, ăn chim bổ ngẩu pín! Khắp hai miền dày đặc quán ngẩu, không biết ở đâu ra mà lắm thế!
Xem tiếp

Thứ Bảy, tháng 5 14, 2011

Blogger đang trở lại

Blogger chính là dịch vụ mà trên đó mình làm trang tin này. Nó trở lại thì mình có Bạn Trường Trỗi. Tuy nhiên các dữ liệu chưa được phục hồi hết.
Nó bảo thế này: "Blogger is back now. We're still working on restoring some of the data. For more details, see this post: http://buzz.blogger.com/2011/05/blogger-is-back.html".
Bảo nó dịch ra tiếng Việt: "Blogger là trở lại ngay bây giờ. Chúng tôi vẫn làm việc khôi phục lại một số dữ liệu. Để biết thêm chi tiết, xin xem bài đăng này: http://buzz.blogger.com/2011/05/blogger-is-back.html"
Xem qua một lượt các trang bạn bè thì có vẻ như tất cả các bài sau 10/5 trong giao diện quản lý (blogger) đều được quy về đăng vào ngày 14/5 và mất hết lời góp. Các bài 10/5 trở về trước được bảo toàn, cả lời góp.
Miễn phí toàn cầu mà như thế là quá tốt rồi.

Thứ Năm, tháng 5 12, 2011

Hoan hô anh Tạ Đình Đề, trước ...

Cũng giống như (trường phái) thơ Bút Tre, các chuyện về Tạ Đình Đề được thêu dệt, huyền thoại hóa tùy theo sự trí tưởng tượng của người kể, mà không ai đính chính, không ai phản bác. (Ông mất năm 1998).

Ngồi vào bàn ăn, Bác nói với anh cần vụ: Cho Bác xin thêm một cái bát và một đôi đũa!
Anh cần vụ ngạc nhiên: Thưa Bác, hôm nay Bác có khách ạ?
Bác gật đầu: Có một khách!
Mang bát đũa lên anh cần vụ còn hỏi thêm: Thưa Bác, khách hôm nay là ai, sao chưa tới?
Bác cười: Khách đã đến lâu rồi, tại các chú không biết nên không mời vào đấy thôi!
Bác quay đầu về phía buồng ngủ: Mời chú Đề vào ăn cơm với tôi!
Theo hướng nhìn của Bác thì người ấy đang có mặt ở phía buồng ngủ của Bác, song không phải ở trong phòng, mà là ở trên mái nhà.
Bác nói với anh Cận vệ: Người này tài tình lắm, các chú không đối phó nổi đâu.
Nói xong, người quay đầu về phía mái bếp, nói lớn: Tôi mời chú vào phòng ăn, sao chú lại chuyền sang nóc nhà bếp thế? Giọng Bác vừa kẻ cả vừa tha thứ.
Cận vệ vừa rút súng ra khỏi bao, vừa chạy đến cầm điện thoại, nhưng Bác đã ra hiệu gác máy, cất súng.
Bác nói: Đấy, chú lại phi thân đến phòng khách rồi. Xoẹt một cái, vị khách nhảy từ trên mái xuống, ngay trước mặt Bác.
Bác cười: Chào chú Đề! Trông chú gầy, đen hơn trước!
Vị khách nghiêng đầu đáp lễ: Thưa Bác, nếu tôi muốn, thì dù Bác có huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ thì tôi vẫn có thể thoát khỏi nơi đây như thường.
Bác mời Tạ Đình Đề ngồi xuống bên bàn ăn.
Tạ Đình Đề đứng nghiêm, lễ phép nói: Thưa Bác, đứng trước mặt Bác, tôi cảm được một sức mạnh vô hình thúc đẩy tôi phải đổi hẳn từ thế thù nghịch sang niềm kính yêu. Vậy tôi quyết định chấm dứt làm cho địch và xin đặt mình dưới quyền sử dụng của Bác, kể từ hôm nay.
Tạ Đình Đề rút trong người ra 2 khẩu súng lục giảm thanh với những viên đạn đầu sơn đỏ, ống nhòm, bản đồ Dinh Chủ Tịch, rồi móc từ trong kẽ răng ra một viên thuốc độc, kính cẩn nộp cho Bác.
Bác đặt tay tay lên vai Tạ Đình Đề: Tôi hiểu, tôi tin chú.

Tự tôn vinh

Tôi là một người mà như mô tả của VT "phú quý giật lùi, bây giờ ngồi bệt". Nếu đọc lý lịch thì quả có thế, những bạn bè biết tôi không thể nói VT nói sai cho tôi. Cũng vì thế tôi không giận, ai giận người nói thật.
Phàm đã là người chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, kể tới sự lựa chọn của mình, thì thế nào cũng phải có chút AQ, chút Chí Phèo. Bởi thế tôi khoác vào mình cái triết lý tự tôn vinh "tôi không cần ai coi tôi là gì, nhưng tôi cũng chả coi ai ra gì". Thân sơ, coi trọng và coi thường, tất cả là ở cái con người, cái văn hóa mà người ta biểu lộ. Tôi là như thế.
Cứ tưởng tự tôn vinh bản thân mình đến thế là cùng. Nay đọc cái này mới thấy mình chỉ bằng cái tăm. Vũ trụ thật bao la, con người mình thật bé nhỏ. Lại ngồi bệt cái, cho người ta khỏi ấn mình xuống.

Thứ Tư, tháng 5 11, 2011

Giải cứu sara

Tất nhiên không phải con Sara của TS1. Nếu là nó thì tôi đã viết hoa theo quy luật tên riêng. Nhưng mà hôm qua lúc gặp TS1 vào cuối ngày làm việc, khi nói "ngày mai anh đi giải cứu sara" thì sau một chững đủ để hiểu ngôn từ TS1 đưa tay ra bắt. Một cái bắt tay không biểu lộ vui hay buồn trên nét mặt. Tôi biết TS1 vẫn còn đang canh cánh với con Sara. Theo kinh nghiệm cuộc sống thì TS1 phải cho con Sara xuất hiện lần cuối trong bát rựa mận trên bàn nhậu của những người chủ cũ. Nhưng mà như thế thì cay đắng quá. Cuộc sống đôi khi sẽ dễ chịu hơn khi giấu được điều cay đắng trong lòng, tất cả cùng giả vờ là không có. Biết thế nên sau đó tôi có gợi ý TS1 một cái chết có ý nghĩa, lẫm liệt, hi sinh, cho con Sara.

Con sara trong câu chuyện này đơn giản là một con chó ta bình thường. Chỉ khác một điều là nó được đám nhân viên của khu nghỉ dưỡng Anamandara Ninh Bình nuôi lớn. Đến giờ cơ sở chuẩn bị đi vào hoạt động thì nó không được phép ở trong đó. Mà ra ngoài, theo quan niệm của nhiều người, là nó sẽ bị thành "rựa mận". Chả ai muốn thế và đồng ý để con gái tôi chăm lo cho nó. Thế là tôi phải làm một chuyến xe giải cứu, đưa nó về HN.
Con gái tôi động viên thứ Tư là ngày cho nhân viên đưa gia đình đến tham quan khu nghỉ, để xây dựng quan hệ hậu phương người LĐ. Nếu tôi đến vào ngày này nó sẽ đích thân đưa đi xem.
Có anh bạn cùng đoàn bộ đội học ĐHTH thủa trước nghỉ hưu ở Me gần đấy nên tôi rủ VT và một anh bạn nữa đi thăm hắn luôn. Gặp nhau nói chuyện, thì anh bạn tôi năm 1966 đã nhập k11 ĐHTH Lý ở Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên. Chưa kịp học,  mới lao động đầu năm học đến cuối 66 nhập ngũ đi bộ đội radar rồi 69 về học với chúng tôi, k14. Nhớ là TĐk9 cũng có "lịch sử" giống vậy, cho hai ông nói chuyện hóa ra là đúng, mỗi tên về một đơn vị khác nhau nên cái liên hệ mờ nhạt ấy cũng đứt, tới giờ.
Anh bạn này, sinh năm 1946, nghỉ hưu hàm trung tá bộ đội hóa học từ 92, đến 2002 mổ cắt khối u đại tràng, chạy hóa chất mấy kỳ ở 108, kinh đến giờ. Nhưng được cái khỏe, trẻ ra, nói chuyện cười phe phé, rượu bia cũng tàm tạm đủ chơi với anh em. Lại thành "mẫu" để tôi kể cho anh ĐC nhà mình soi, yên tâm.
Chuyến thăm khu nghỉ bắt đầu bằng việc vào sảnh lễ tân. Vì lái xe cũng tham quan nên cả hội đi bộ từ bãi xe vào. Trong khu chỉ được đi xe đạp hoặc xe điện, loại như ở sân golf.
Lễ tân là ngôi nhà to hơn cái đình làng bình thường, đủ cho hàng chục khách ngồi tạm rộng rãi cùng hành lý trong lúc làm thủ tục.
Nhìn ra bên ngoài là những khu "làng" được vây xung quanh bằng rừng cọ mới trồng. Ít năm nữa chúng lên cao sẽ không còn nhìn thấy như thế này, tăng tính riêng tư cho mỗi "làng".
Chúng tôi được đưa tới thăm một "làng" điển hình, bao gồm 3 đơn nguyên 4 phòng tiêu chuẩn và hai đơn nguyên 2 phòng cao cấp. Mỗi làng có một bể bơi nhỏ ở trung tâm. Như thế tập thể khoảng 32 người có thể sinh hoạt khá biệt lập trong một "làng" với trung tâm là bể bơi để sinh hoạt chung.
Phòng tiêu chuẩn, từ phòng tắm nhìn ra qua vách kính.
Phòng cao cấp rộng hơn, có vườn riêng với tắm vòi sen ngoài trời, tất nhiên không tắm ngoài trời thì tắm trong nhà cũng oách hơn phòng thường.
Bể bơi chung của cả khu
ngay cạnh đấy là bể bơi trong nhà dùng cho  mùa đông, nhìn ra bể bơi ngoài trời.
Còn những khu khác như phòng tập thể lực, mát-xa, thiền,... chưa hoàn thiện nên chưa xem được. Còn các phòng họp vài trăm người và khu thư viện,... thì thôi không xem.
Chuyến về cho con chó ở sau thùng xe, nó cũng ngoan không quậy phá gì cả. Về đến nhà nó cũng nhanh làm quen với con ở nhà. Được cái một con đực một con cái nên chúng không gằm ghè lâu, đúng như nhận định của người từng trải.
Tôi lại chợt nghĩ một kết cục khác cho con Sara của TS1. Tại sao lại chỉ có kết cục bị phản bội hay phải hi sinh anh dũng trước khi bị phản bội? Hãy để cho khi đoàn bộ đội tình nguyện, đơn vị của TS1, lên đường về nước thì con Sara ở lại với những đồng bào của nó. Sống trong lòng đồng bào là một kết cục tốt đẹp, luôn là như thế.

Thứ Ba, tháng 5 10, 2011

Một ngày tang ma

Hè, đừng sợ. Chỉ là chuyện 3 đám tang ma trong ngày thôi mà.
Hôm nay đầu giờ đi làm tôi kịp tiễn đưa cụ thân sinh vợ cậu em út về cõi vĩnh hằng, nhà tang lễ 108. Đến cơ quan mình vẫn là người mở cửa đầu tiên.
Chiều nay hết giờ, không biết có vinh dự là người khóa cửa cơ quan không, lại đi tiễn đưa bà chị họ bên xã, nhà tang lễ 354.
Buổi trưa, giờ Ngọ, đi 49 ngày vợ Đức Bằng k4. Trời HN có mấy đám mây, chả đám nào nhè trốc mà che. Đông bà con khu TT Nam Đồng dự cỗ, toàn bộ đội. Phải bầy cỗ dưới đường đi, dựng nhà di động. k4 có đôi người đến dự.

Đăng bài trên Bạn Trường Trỗi (Blogger nói chung) qua email

Dịch vụ trang tin riêng Blogger của Google có hỗ trợ đăng bài qua thư điện tử. Biện pháp này đặc biệt hữu hiệu khi, như hiện nay, hệ thống bị trục trặc gì đó mà không đăng bằng giao diện Web thông thường được.

Biện pháp này có lẽ chỉ áp dụng với (1)-người có danh khoản Google mà (2)-đã được làm thành viên đăng bài của trang tin. Thiết lập việc đăng bài qua thư như sau:
- Mở trang tin Bạn Trường Trỗi với danh khoản đã đăng nhập,
- Bấm vào nút "thiết kế" góc trên phải,
- Bấm vào thẻ "cài đặt"
- Chọn mục "email và điện thoại di động"
- Trong mục "Tùy chọn đăng bài" hãy chọn lấy một đoạn ký tự bí mật để làm địa chỉ nhận đăng bài qua email.
Ví dụ địa chỉ nhận đăng bài của tôi có sẵn là huuthanh.ng.xxx@blogger.com trong đó xxx là chỗ để tôi đưa đoạn ký tự bí mật vào.
- Trong 3 lựa chọn ở dưới chọn "xuất bản email ngay lập tức". Các lựa chọn khác sẽ làm biện pháp này bị vô hiệu trong điều kiện hiện nay.
- Nhớ bấm nút "Lưu cài đặt" mầu da cam cuối màn hình.
- Quay về trang Bạn Trường Trỗi để xem bài mới đăng. Nếu chưa thấy thì bấm F5 để tải lại trang, sẽ thấy.

Thứ Hai, tháng 5 09, 2011

"Hồ ma" Bình Dương nhìn từ trên không

Đọc bài trên báo Đất Việt về những người chết tại mấy cái "hồ ma" tôi chợt nhớ tới những điểm dấu đường bay tự rút ra sau những chuyến bay từ HN vào Tp HCM.

Cũng không có gì nhiều.
Thứ nhất là sau nửa giờ bay thì sẽ qua Đà Nẵng. Từ biển vào đất liền cắt ngang qua vùng trời Đà Nẵng. Tùy vị trí và hướng bay mà ta sẽ nhìn thấy một phần của thành phố, chả bao giờ thấy cả thành phố ở một bên.
Còn khoảng nửa giờ thì bắt đầu thấy hạ độ cao, gần như bao giờ cũng đi qua một vùng rung động mạnh. Cóp nhặt từ của dự báo thời tiết trên TV, hay là thông báo của tổ lái, ta gọi bừa nó là "đi qua vùng hội tụ gió trên cao" :-)
Đến khi nhìn bên phải máy bay thấy mấy cái hố đá rất to, nếu tôi không nhầm thì cho tới những năm đầu 90' vẫn còn là hố đá thì biết "sẽ hạ cánh xuống sân bay TSN trong giây lát" như thông báo của tổ lái. 
Hiểu rằng miền Nam thiếu núi đá, nên khai thác là phải đào xuống tận móng. Ở miền Bắc sẵn núi đá, cào tới mặt đất là xong, đi gặm núi khác.
Bây giờ những hố đá ấy đã ngừng khai thác từ lâu và thành "hồ ma". Rất tiếc thời xưa ấy không sẵn máy ảnh như bây giờ để ghi lại mấy cái hố ấy.
Rồi bây giờ nhờ ảnh vệ tinh có thể xem qua Google Earth, Google Maps mà thấy khi máy bay lấy hướng thẳng đường băng TSN thì mấy cái hồ ấy luôn ở phía cánh phải máy bay.
Máy bay, mà những chuyến tôi đã đi, luôn hạ cánh theo hướng 250 độ đường băng bên phải. Đó là đường băng có ký hiệu 25R với vệt mài lốp khi hạ cánh đen cả một đầu. Đầu đằng kia 07(L&R) hầu như không có vết mài như thế. Gió chủ yếu thổi thuận cho việc hạ cánh từ đầu 25.
Bài được đăng lên trang, lần đầu tiên, qua phương thức gửi mail. Vì hiện nay hệ thống không phục vụ công cụ đăng bài mới hay sửa bài cũ như ta vẫn làm. Nếu bài này mà xuất hiện không được như ý thì là do chưa biết làm cho đúng. Thí nghiệm mà.
Hệ thống đăng/chỉnh bài đã hoạt động bình thường vào lúc này, 10h22 10/5.