CHUYỆN "ĐẦU VÀO"
Kiến Quốc
Anh em ta đã mở chuyên mục “Đầu ra” và có hàng chục "lời góp" hay. Nay xin thử tiếp với chủ đề “Đầu vào”.
Bữa ăn của bộ đội
Ai cũng thuộc lòng tiêu chuẩn ăn của lính 6 hào 8 một ngày và 21 kí gạo/tháng được duy trì trong nhiều năm. Gạo thì nhiều vậy nhưng ăn bữa nào cũng đói, không hiểu sao? “Tài chính công khai” ở đại đội, anh em đề nghị phải có trực ban cùng cân đong nhưng đã làm mà vẫn thiếu. Vậy là khi ăn phải thực hiện chiến thuật “đầy vơi đầy”: bát đầu chôn thịt xuống dưới xới đầy cơm – bát 2 xới vơi để ăn cho nhanh – bát 3 lại đầy… Tuổi muời tám đôi mươi mà thiếu gạo thì làm sao mà lớn được?
Thịt bữa có bữa không nhưng đã có thì chủ yếu là thịt mỡ và miếng nào cũng được chị nuôi thái mỏng như tờ pơ-luya. Mỗi lần nhà bếp thịt lợn tăng gia, ngoài bộ lòng ăn tươi (lợn nuôi "không có tim gan" vì thủ trưởng đại đội đã xơi trước) thì mỡ rán để lại tóp là món đặc sản. Tóp mỡ mà ăn với cơm thì mãi không thấy chán. Cá tươi hầu như không có mà chỉ có cá khô khét lẹt. Thực phẩm chủ yếu là rau tăng gia, mùa nào thức ấy (hè thì rau muống, rau bí, đông thì rau cải). Nói không ngoa, nhiều bữa gắp miếng rau lên miệng phát hiện có cả “mẩu giấy báo” kèm theo(!). Ghê cả người! Nhà bếp nhiều khi cải tiến - muối dưa cho bộ đội ăn. Nhưng có miếng dưa gắp lên kèm luôn cả chú chuột nhắt. Hóa ra chú chạy quanh miệng vại dưa không may trượt chân rơi vào bên trong, trèo mãi không lên, vậy là bị… muối(!). Nước chấm chủ yếu là nước muối có thêm tí nước hàng để lấy mầu. Khôn hồn bữa nào về ăn muộn thì nhớ thủ theo gói mì chính cánh để pha với nước sôi thay canh chan cơm. Sau này hiếm rau xanh, anh em còn phải ăn canh “toàn quốc”. Thật là khổ!
Rồi trong cái khó ló cái khôn, nhiều anh dùng chiến thuật mới – “tấn công chị em nuôi”. Ngày ngày đưa đẩy bông phèng, lúc thì hỏi thăm, khi đi Hà Nội lên thì có chút quà… đã gây cảm tình với chị em. Vậy là đến bữa có cơm đủ ăn, thậm chí còn chôn cả thịt xuống dưới. Lắm hôm đi chơi bóng về muộn còn được để phần cả cơm cháy rưới mỡ hành. Tuyệt! (Có anh đi sâu “trên mức tình cảm” mà sau này nên vợ nên chồng!).
Bữa ăn sĩ quan
Khi là lính đã tự thề phải phấn đấu thành sĩ quan cấp thượng úy trở lên để được “ăn cơm trung táo, mặc áo ga-ba-đin, đêm ngủ màn tuyn, tuần có vé xe ca về với vợ”. Nhưng hình như không phải vậy với lứa anh em mình. Lên đến thượng úy thì các tiêu chuẩn ấy lại chỉ áp dụng cho cấp thiếu tá; vậy là ga-ba-đin, màn tuyn lại treo niêu. Khi đeo lon thiếu tá thì lại chỉ áp dụng cho sĩ quan cao cấp (từ thượng tá trở lên). Quá là đánh đố, chẳng khác gì leo cột mỡ thời Tây!!!
Ngày ra làm giáo viên ở Đại học Quân sự, chúng tôi cứ hết giờ làm việc lại xuống bếp ăn tập thể. Tất nhiên khi đi thì tự do, không phải ắc ê nhưng đến cửa nhà ăn là phải chen chúc chờ mở cửa. Trong khi đó “mấy ông trung táo” thì “mặt mày hớn hở, ngực nở đầy rôm” gõ đũa bát lách cách (hình như để trêu “bọn đại táo”!), ngồi chễm chệ trên ghế, chờ mang thức ăn ngon ra. Ăn xong còn được “đét-xe” chuối(?). Tức mình anh em tôi xuất khẩu thành… ca Huế: “Chứ bên kia cửa họ/ Bên ni là cửa mình/ Chớ vì răng cửa họ lại mở, còn cửa mình… thì chưa?”.
Ở bếp ăn sĩ quan phải mua vé tháng, mỗi bữa cắt 1 ô. Không ăn thì báo cắt từ hôm trước, cuối tháng thanh toán phải nộp đủ phiếu ăn và khớp với sổ thì được lĩnh tiền về. Vào bữa mới vui vì có một em đi khắp các bàn thu vé. Chúng tôi đã làm “th… thẩn” đặc tả hình ảnh này: “Một cô đi đến 4 anh sờ/ Anh thì sờ ngực, anh sờ mông/ Hai anh không thấy sờ lung tung…”. Thật ra là đố tục giảng thanh! Chuyện tìm vé cơm ấy mà!
Cũng vì lằng nhằng quá mà chúng tôi kiên quyết bỏ bếp ăn tập thể, cho dù chưa hề được hưởng bữa ăn trung táo nào.
Thời kì bao cấp
Sinh ra và lớn lên trong 2 cuộc kháng chiến nhưng có lẽ thời gian “bao cấp” là thời gian khó khăn nhất. Anh em ta khi đó đã là sĩ quan, suốt tuần sống “cơm niêu, nước lọ” ở đơn vị, đến ngày nghỉ mới về nhà. Mỗi lần về là một lần xót thương cho các bà mẹ. Lúc nào các cụ cũng khư khư bên mình cái ví làm bằng bìa đỏ của cuốn Mao Tuyển, bên trong là toàn bộ tem phiếu cả nhà (nào là tem dầu, tem thịt, tem cá, tem xà phòng…). Sáng nào các cụ cũng chăm chăm nghe xem “ông đài phường” thông báo hôm nay thịt, đậu cắt ô thứ mấy, cửa hàng hợp tác xã cung tiêu có gì mới về? Không hiểu có áo may-ô ba lỗ, có xăm lốp xe đạp chưa? Vì bấy lâu nay áo sống rách hết, ở nhà ông bố toàn phải ở trần. Có cái xe đạp để đi làm thì phóng một quãng lại phòi một chỗ to như quả ổi, phải lấy dây cao su buộc chằng buộc chịt. Nghe mấy câu vè “ăn uống thì qua loa, quanh năm mặc áo “chuyên gia”, được đi xe “cố vấn”…” mà chảy cả nuớc mắt(!).
Không chịu khuất phục trước khó khăn cuộc sống, với tiêu chuẩn 21 kí gạo mỗi tháng không thể ăn hết, nhiều anh đã mang về giúp đỡ gia đình. Đây cũng là nguồn sống. Có anh phát mãi luôn tại đơn vị. Tận mắt tôi trông thấy “giáo sư” Ngô Văn Bắc “thầu” luôn số gạo của nhiều anh em, như con thoi, chạy Honda giữa Vĩnh Yên – Hương Canh để kiếm chênh lệch, nuôi sống gia đình.
Chuỵên “Đầu vào” ngày xưa cũng hay đấy chứ?
Thứ Năm, tháng 6 28, 2007
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Năm, tháng 6 28, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
18 nhận xét:
Xin phép Quản trị mạng chèn ngang.
Tin buồn: chú Trần Hậu Tư đã đi xa lúc 15g20 chiều nay. Tin tang lễ xem ở cuối trang.
Hồi học năm thứ nhất khoa toán ĐH Tổng hợp,bọn tôi sơ tán bên làng Đại Đà-Đông Anh.Ăn uống của sinh viên, dĩ nhiên còn khổ hơn cánh ĐHKTQS nhiều.Tốp lính do cục Cán bộ cử đi học có 8 "mống" lính Trỗi và 5 lính "thứ thiệt" từ các đơn vị gọi về,trong đó có Đoàn trưởng Trung uý Nguyẽn văn Quang 25 tuổi,bọn tôi đặt biệt danh là "Quang voi",đừng nhầm với Quang xèng,(Trăm voi không được nồi nước xáo).Khi đó hoàn cảnh của Lê Thanh Nhân là "xịn" nhất.Cứ sau mỗi ngày chủ nhật,lên nơi sơ tán thì Thanh Nhân lại mang theo một ít đồ ăn đặc sản lên,thằng nào cũng phát thèm.Hôm ấy,Thanh Nhân đưa ra một món gì đó(cũng thường thôi,lâu quá tôi quên mất rồi,nhưng có lẽ Nam "khỉ",DMinh còn nhớ?),cả lũ "châu" vào ăn thử.Chưa kịp gắp đũa thứ 2, đã thấy Đoàn trưởng Quang "Voi" làm đến đũa thứ 3.Hắn vừa xì sụp vừa nói :"Ngon,ngon quá,đúng là đồ ăn của Bộ chính trị ngon quá".Từ đấy cứ khi nào Nhân mang đồ ăn ra (dù là lọ mắm,quả cà...)bọn tôi cũng rất "trịnh trọng" : "Mời anh Quang ra thưởng thức món ăn của Bộ chính Trị".
*- Chuyện buôn bán tem phiếu hồi đấy là chuyện vặt.Được tiêu chuẩn 21 kg gạo,đóng cho bếp ăn sinh viên chỉ 13,5 kg số tem thừa còn lại, tôi và DMinh thường mang ra "đá" cho mấy bà hàng nước dọc đường Nguyễn Trãi bây giờ,để đổi lấy khi thì cái kẹo lạc với điếu thuốc lá cuốn,khi thì bát mỳ "không giặc lái"...Có hôm 2 thằng lội bộ đến tận Ngã tư Sở,vì khu vực trường Tổng Hợp tem phiếu bị mất giá mấy bà hàng nước "cá trê".
*Khi đã là trung uý công tác tại Bộ TTM.Có lần tôi và Tương Lai,2 thằng được phân phối chung một cái lốp xe đạp phượng hoàng.Chẳng lẽ cắt đôi mỗi thằng một nửa(?).Sau khi bàn bạc,bọn tôi quyêt định đem ra chợ trời"đá" đi chia tiền.Khổ nỗi từ nhỏ tới lớn, cả 2 thằng nào có được ông bà già và thày cô trường Trỗi dạy cho cách buôn bán ở chợ trời đâu,nên hơi kẹt.Nhưng "đói" quá nên cũng đành "nhắm mắt đưa chân",không còn một chút sĩ diện gì nưa,phơi mặt gần một ngày ở chợ trời Hoà Bình mới bán được cái lốp đó.Tuy mệt và quá căng thẳng vì sợ gặp người quen,nhưng khi chia tiền, mặt mũi thằng nào cũng "lóng lánh như gương".MỘT THỜI QUÁ KHỔ.Quang xèng.
Nhờ Kiến Quốc gửi lời chia buồn sâu sắc của tôi tới Hậu Tuấn và gia đình.Quang xèng.
Gửi a Quang và A Quý địa chỉ E Mail của Trương Chí Hòa để các anh liên hệ
nhanhoa_leipzig@yahoo.de
nick name: nhanhoa_leipzig
Bây giờ thì hoàn toàn chính xác !
người nhà của Hòa cung cấp.
OK.Sẽ liên hệ ngay với Trương Chí Hòa.Quang xèng.
Tưởng Quang xèng tâm đắc với "đầu vào" phởn chí làm 3 "tập", nào ngờ "3 trong 1"!
Quang xèng làm 1 trong 3 chứ không phải ngược lại. Làm xong có hỏi làm sao xoá bớt. Nếu đăng với "giấu tên" thì không tự xoá được. Còn nếu đăng với tên đăng kí thì xoá được, có cái hình sọt rác đấy.
Ơ, cái anh Quang xèng này đúng là dân võ biền, rặn mãi mới được một bài văn tả thực, bèn nộp làm 3 lần cho nó nhiều, đếm số lượng chữ quy ra thóc. Cứ xem Qúy nhẽo thì biết, câu nào ra câu nấy (là thầy đồ, có chữ có nghĩa, nên cái đường thơ văn của Quý cũng khác).
Chuyện - Một bữa ngon:
Hồi ở ĐHKTQS, có đợt tụi tôi phải vào rừng khai thác sặt mất mấy tháng trời, xem như bị ăn đói mặc rét. Sáng làm chén cơm rưới nước mắm đại dương, ăn vào thấy mùi gạo cũ. Xong là vác dao lên đường. Không đủ 10 cây (chiều dài và đường kính tôi quên mất rồi) thì không về. Bữa trưa là 1 vắt cơm nắm muối vừng (bây giờ mới biết là đặc sản chứ hồi đó thấy nản lắm). Xế chiều về tới nhà mới được chiêu đãi bữa cơm đại táo. Đủ thứ sơn hào hải vị: cơm, cá khô, rau muống, canh toàn quốc. Thỉnh thoảng mới bị ăn những món có nhiều côléctêrôn. Hồi đó hình thể của anh em ta mảnh mai như mấy cô người mẫu bây giờ, gọn gàng, bắt mắt.
Vào một sáng chủ nhật, anh Hay (lính "đơn vị" chứ không phải lính Trỗi) rủ mấy đứa tôi đi lợp nhà giúp dân. Anh Hay là thợ lợp chủ lực, mấy đứa tôi là "phụ nề" (phụ lợp mái lá). Trừ anh Hay ra, còn thì góp công góp sức chẳng được bao nhiêu, nhưng mà lúc "mời cơm" thì hơn lên tiên: 1 chõ xôi, trên gác 1 con gà, mỡ thấm xuống, vàng, ngậy. Thêm ít nhánh hành, dậy mùi. Mũi phập phồng, bụng cồn cào, miệng trào nước miếng, bộ não thiếu tự chủ. Khỏi cần tả các bạn cũng biết tụi tôi ngon miệng tới mức nào. Tới tận bây giờ, nếu có ai hỏi trên thế gian này ngon nhất món gì, thì chắc chắn tôi trả lời rằng: đó là cơm nếp gà mà tụi tôi được ăn hồi đi khai thác sặt.
Vào ngày 15 tháng 10 tới, họp Trỗi, có lẽ tụi mình làm món cơm nếp gà, ăn cho nó đã cơn thèm chăng.
Ý kiến đề nghị:
Đề nghị Quang xèng cho một bài tả thực về trung tâm võ thuật Đại Đức, để anh em thấy được cái hay, cái dở, cái vui, cái buồn trong giới võ học. Có được không, anh bạn cùng họ Quang của tôi?
HCQuang
Chí Quang đã chê tôi là dân võ biền,nay lại"đặt" bài "tả thực" thì quá là đánh đố nhau.Chuyện vặt ấy mà.Khi nào ông sang đây tôi dẫn ông đến đấy "mục sở thị" thì tốt hơn,vả lại tôi sẽ trả ông tiền thuê làm "bị thóc" như ông đã từng hứa.Yên tâm đi,"Vừa được ăn,được nói lại còn được gói mang về".OK.Quang xèng.
Khiếp quá các ông ơi, lỡ lời với Quang xèng một chút thôi mà hắn đã dọa lôi tôi ra làm bị thóc (bị cát) để tập đấm. Thôi, thân lươn bao quản lấm đầu, xèng muốn nện bao nhiêu thì nện, chứ tôi thì hết xí quách rồi, chạy cũng không thoát.
Nói thật nhé, cách đây mấy tuần, vào một tối, hây hẩy gió nồm nam, tôi lên sân thượng, bỗng hứng chí, bèn đá lên, đấm xuống một vài cái, tưởng để dãn gân cốt, không dè hôm sau thấy như bị sái tay, trặc chân, đau đau quai hàm. Mà mới chỉ đánh gió thôi đấy. Hỏi mấy thằng em thì nó nói "chú ba (tức là tôi) già rồi, cử động chầm chậm thôi, kẻo ...". Nghĩ mà phục Quang xèng, nó già như mình mà đánh tụi mũi lõ chạy có cờ (mỗi tội không chịu tiết lộ chuyện võ đường trời tây cho bạn bè).
HCQuang
Hồi ở sư 367 Hải phòng, khi xuống làm việc tại tiểu đoàn 81 anh hùng, tôi gặp một ông chính trị viên tiểu đoàn rất nhiệt tình hăng hái. Và qua lời tự giới thiệu, tôi còn biết ông rất hay làm thơ.Tôi có hỏi,liệu tôi có thể đọc được không? Ông bảo tý nữa xuống nhà ăn thì sẽ thấy.
Đến giờ ăn, bước vào nhà ăn tiểu đoàn, thấy rất sạch sẽ, bàn ghế rất ngăn nắp. Trên hai bức vách hai bên là hai câu thơ viết bằng phấn trắng trên nền giấy xanh.Để hưởng ứng chuyên mục "đầu vào" của K.Quốc, tôi xin mạn phép chép ra đây.
Câu thứ nhất(chắc là để ca ngợi anh nuôi):
Cơm ngon đâu phải vì tiền
Vẫn trong tiêu chuẩn lại thêm nhiệt tình.
Câu thứ 2(chắc là để kêu gọi giữ vệ sinh):
Yêu nhau ta nhớ lời nhau giặn giò,
Nhớ rằng đầu nhỏ đầu to,
Đầu gắp công cộng, đầu cho vào mồm.
Tự thấy về niêm luật thì chẳng có gì sai ,hơn nữa đã bao nhiêu năm trôi qua mà tôi không quên được hai câu thơ này, trong khi bao nhiêu thứ đã quên. Thế thì tại sao lại không mang ra hầu anh em nhỉ?
Xin lỗi 363 Hải phòng chứ không phải 367.Viết sai thế anh Trần Quang Thành cười cho chết!
Kể lại thơ thôi chứ đừng vội chuyển chuyên mục!
Ở bếp ăn F363 của Quý hình như còn câu khẩu hiệu:
Con ruồi rất lắm hiểm nguy
Sáu chân của nó rất vi trùng nhiều.
Kiến Quuốc
1. Lần đi sơ tán về Vĩnh Tường. Sáng ra chủ nhà phồ biến: "Các chú sáng ăn cơm với gia đình, trưa ăn khoai, tối thì sôi". Chú nào cũng sướng vì chưa bao giờ được chăm sóc như vậy, tuy trưa có hơi đói.Chiều về tắm rửa, chờ đợi mãi mà không thấy bếp nổi lửa. Chạy sang hàng xóm cũng vậy. Đành ôm bụng đói đi ngủ. Hóa ra chủ nhà nói hơi bị "nhịu", "thôi" lại nói thành "sôi" làm khổ mấy chú bộ đội.
2. Phước Bình nhắn tin: Ca phẫu thuật ghép thận cho cháu Bích được tiến hành từ 8g sáng, kéo dài 6-7 tiếng đã thành công tốt đẹp. Trưa mai từ 9g có thể vào thăm mẹ cháu.
Chúc mừng Phuớc Bình và cả nhà! Mừng cho anh em lính Trỗi đã làm được một việc cực kì ý nghĩa, nặng tình đồng đội!
Đọc không biết bao nhiêu bài thơ Thể loại (hay trường phái) Bút tre, nhưng chưa bao giờ tôi thấy thú vị như thơ của Quý nhẽo, à quên, của ông bạn Quý nhẽo ở f363. Đọc xong suýt bị tăng xông, thiếu điều đi cấp cứu.
"Đầu gắp công cộng, đầu cho vào mồm".
Thật là quái nhân.
Tuyệt cú mèo.
Không thể tìm đâu tứ thơ hấp dẫn hơn thế, ngang với bữa cơm nếp gà tôi được ăn cách đây hơn 35 năm.
Xin Quý nhẽo cố gắng nhớ thêm thơ của ông bạn ở f363 (cũng như ở f367 hoặc các f khác)
HCQuang
TRÍ TUỆ QUẦN CHÚNG
Phải công nhận "cái tủ tư liệu văn" của KQ phong phú thật. Hết chuyện " đầu ra " lại đến chuyện "đầu vào" song thử hỏi có chuyện nào thuộc về " ra " mà lại " vào" chưa ?
Các bác ạ, hồi năm 82 tôi vừa đi công tác ở chiến trường K( CPC) về thì nhận được ngay chiếu chỉ ra HVKTQS, học lớp Bồi dưỡng " Phó trang bị kỹ thuật" .
Một ngày nọ tôi được vinh hạnh ngồi uống trà , đàm đạo với các " giáo sư". Đúng là đói nói chuyện ăn...
Sau một tuần trà , có đc Giáo sư - tiến sĩ khả kính đưa ra đề tài : Bây giờ đất nước đang gặp khó khăn, lương thực, thực phẩm thiếu lắm. Nga nó quên, Tàu đòi nợ, Miên nó quậy... anh em có kế gì ?
Một bác T1 đầu bạc đề xuất : Theo tôi vấn đề cũng khó nhưng không phải là không giải quyết được.Cứ xẻo quách 1/2 cái dạ dày của anh em là đỡ tốn lương thực ngay.
Một ông T2, nghe đâu mới tu nghiệp ở Nga về : Ai lại đi cắt 1/2 dạ dày của anh em, "dã man" quá . Theo tôi chỉ cần nối thêm cái dạ dày ...chó vào sau dạ dày người là được, vừa tăng cường hấp thụ dinh dưỡng, lại đúng chủ trương " tận dụng phế liệu " của ta . Mọi người vỗ tay rào rào tán thưởng: cao kiến! cao kiến! Ôi, cao kiến!...
Anh em đang sướng thì có một " thằng mõ"nãy giờ ngồi im hóng chuyện. Chú binh nhì này chắc mới nhập ngũ, được phân công rót nước , pha trà "phục vụ lãnh đạo". Hắn rụt rè , e ấp đứng lên: Thưa các thủ trưởng cho em xin phát biểu ý kiến được không ạ?
- "Sếp nhớn": Chú mày cứ tự nhiên, bọn tớ dân chủ lắm.
- Thằng mõ khẽ khàng. Em có ý kiến thế này: Nên chăng mình nối ghép thêm cái dạ dày ...bọ hung tiếp theo dạ dày chó ?
Ôi! Giải pháp tuyệt vời. "Trí tuệ của nhân dân là vô địch"!
Thanh Minh
Già rồi đâm lẩm cẩm,đưa nhầm lời góp này vào phần tin buồn nhà cụ Vũ Kỳ:
Theo tôi,chuyện của Thanh Minh được xếp hay ngang với chuyện ông Tôn họ Gia. Thế mới biết sự sáng tao của nhân dân thật tuyệt vời! Các nhà lãnh đạo mà không biết "giận vào dưa" thì đất nuớc khó mà phát triển!
KQuốc
K8 của chúng tôi Ko được như các anh là học các trường Quân sự , Quân Y.
Sau khi giải tán Trường, AE K8 fải ra ngoài học nốt cấp III và rồi hè năm 1973 thi vào Đại học. Mỗi thằng một ngả, mỗi thằng một Trường ĐH, thằng học trong nước, thằng học nước ngoài. Trong khóa 8 có gần 20 anh em vào học tại trường đại học giao thông như tôi, Lợi “Ly”, Huy “cấy’, Vũ “ cháy”, Liêm “Mèo”(em a Trịnh Việt Dũng K4), Tuấn “Lé”. Kiếm “nhị”, Phong “ tĩ ” (em ruột a Thanh Minh K4)….và một số AE khác.
Trước khu Kí túc xá trường ĐH Giao thông hồi đó có mấy bà chị ở Làng Cót như chị Móm, bà Dụ, hàng sáng hay ra bán hàng fục vụ bọn SV chúng tôi, nào bánh cuốn, bánh rán lăn đường…..(mà chuyện ăn sáng là chuyện viễn tưởng đối với cánh sinh viên nội trú chúng tôi), còn hình thức thanh toán thì đủ kiểu : Tiền mặt, tem gạo tem bánh mì, khi không có những thứ đó, thì bằng bất cứ một vật gì có giá trị nào (hình thức cầm đồ bây giờ còn gọi bằng cụ) mà không cần sổ sách gì cả.
Một buổi sáng khi bọn tôi không còn tiền và một thứ gì có giá trị cả, đang ngồi ngáp vặt chuẩn bị vào tự học thì Liêm “mèo” mặt tỉnh queo tay cầm một gói bọc giấy rất đẹp vào nói với cả bọn, hôm nay tao chiêu đãi cả bọn một bữa bánh cuốn “bét nhè”, cả bọn sung sướng bật dậy đi theo nó ra gánh bánh cuốn của chị “Móm” trước cổng trường. Hôm đó cả bọn được một bữa no nê, hết ăn bánh cuốn đến bánh rán thoải mái ăn, ăn xong nó còn ra vẻ rất “tinh tướng” thằng nào muốn ăn nữa xin mời cứ tiếp tục, nhưng xem chừng đã đủ cả bọn xin thôi. Lúc đó Liêm “Mèo” nói với chị “Móm” hôm nay em chịu trách nhiệm thanh toán cho cả bọn, nó từ từ lấy ra gói lúc nãy ra với vẻ mặt quan trọng nó nói : Đây là 10 thước vải sa tanh Pháp, tối hôm qua em vừa đi nhận hộ “bà già” của họ hàng gửi từ Pháp về, chị cầm hộ mấy hôm nữa có tiền em sẽ ra thanh toán và lấy lại 10 thước vải này, nếu lâu không thanh toán thì chị cứ tự nhiên sử dụng, sau đó cậu mở he hé gói vải đó ra, mọi người thấy đó đúng là Satanh thật, chị “Móm” định thò tay sờ nó liền gạt tay ra và nói tay đầy mỡ sờ vào bẩn vải lấy gì mà đền (thời kỳ bao cấp mấy mét sa tanh đó cực kỳ có giá trị với chị em phụ nữ) nó nói tiếp: cứ sáng đi bán hàng chị fải mang theo để nếu có tiền em sẽ thanh toán, mất là không có gì đền được đâu ? với ánh mắt nhìn gói vải một cách thèm thuồng, lúc đó chị “Móm” khấp khởi cầm tạm gói vải nghĩ rằng chắc gì chúng mày đã có tiền mà thanh toán, bà sẽ được hưởng tấm vải này !!!. lập tức đồng ý ngay. Cứ buổi sáng hàng ngày đi bán hàng, chị “Móm” mang theo gói của nợ đó, sau một thời gian không thấy Liêm “mèo” xuất hiện đả động gì, chị ta sốt ruột, hỏi thăm mọi người và chắc mẩm sẽ được tấm satanh. Đến một hôm không chờ được nữa về nhà, chị ta liền dở ra giật mình và sực hiểu mọi chuyện, thì ra để đánh vào lòng tham của chị “Móm”, Liêm “ mèo” lấy một tấm satanh dùng làm lót trong vali được là fẳng fiu trông rất tinh tươm gói ngoài mấy tấm vải vụn làm vật thế chấp. Hôm sau đến bán hàng chị ta tay cầm gói vải liền tru tréo cứ trõ mồm vào kí túc xá tặng luôn cho mấy bài chửi và dọa báo cho nhà trường biết, cả bọn chúng tôi không thằng nào dám ló mặt, cứ ôm bụng cười ngặt nghẽo, cười chảy nước mắt trong kí túc xá, cười chán nghĩ cũng thương chị ta và cử một thằng ra thương lượng nói rằng : mấy hôm nay thằng Liêm bị ốm đi nằm viện khi nào nó về nó sẽ ra thanh toán. Cuối tuần đó, cả bọn sau khi về gia đình lên trường, anh em “lệ quyên” đủ tiền, hôm sau ra thanh toán cho chị “Móm” bánh cuốn và lại được tiếp một mẻ cười nữa, chị “Móm” cười ngượng ngịu nhận lại tiền và nói yếu ớt “ Các chú chỉ được cái đùa chị rai !!”.
Nghĩ lại cuộc sống SV thời đó tuy khổ nhưng nó cũng để lại nhiều kỷ niệm vui và nghịch ngợm .
Đăng nhận xét