Thứ Sáu, tháng 11 30, 2007

Sài Gòn lập đông

Sáng nay, dậy sớm. Chạy ra ngòai đường thấy trời se lạnh, đưa tay gài cổ áo kín đến cúc cuối cùng. Dân chạy xe máy phải khoác thêm áo gió, áo len. Giờ này ngòai đó chắc trời còn tối. Nghe dự báo đâu như 11 độ. Lạnh thế, chắc áo đơn, áo kép? Trong cái lạnh của Sài Gòn chợt nhớ tới bạn bè.
Mấy ngày này nhận đựơc nhiều tin cứ lo lo. Bạn thì có u lạ nhưng kiểm tra ra thì là u lành, bạn thì phải tiểu phẫu thuật nhưng sốt 41 độ những 2 ngày (tưởng đi Tây Tạng rồi!). Cái già nó sồng sộc đến đấy, phải bảo trọng!
Hôm rồi qua thăm Nguyễn Nam Điện k6 để nhận tiền ủng hộ Nam Tiến trị bệnh. Điện còn tặng 1 túi tạp chí xịn in tại Cty In quân đội 2. (Cứ khách Trỗi đến chơi là thường có phần như thế! Lần nào đi về vợ cũng cười như Xu liển (Liên Xô) vì lắm tạp chí thời trang cho chị em). Trong đó có chuyên san Tri Thức Trẻ số 224, ngày 10/10/2007, của báo Tiền phong có bài "Con cóc trị được ung thư" rất hay và rất thực. Ông Vũ Văn Nghi người 2 lần chiến thắng ung thư di căn, bệnh nhân của Lương y Đào Kim Long, là người thực việc thực trong bài viết. Đã lục tìm web Tiền phong mà chưa thấy bài này. Đề nghị Adminor kiếm và post lên cho anh em tham khảo.
Tạt qua nhà Đạt tán dóc. Thằng em vừa tập vừa đưa chuyện nhân tình thế thái. Hệ thống "bờ-lờ-gờ" của ta ngày càng thêm anh thêm em, nó như 1 nơi tụ bạ sinh họat văn hóa, tinh thần. Mệt mỏi sau ngày làm việc thì về xả stress, trao đổi "mày tao chi tớ", rồi đọc đựoc bài thằng bạn nào viết hóm hỉnh là cười ha hả... Chuyện vui chuyện buồn được thông báo ngay, thậm chí còn nhanh hơn khối báo!
Cũng sảng khóai không khác gì buổi sớm được nhâm nhi li café Trung Nguyên tại ngay Café PHỐ của cựu cầu thủ bóng đá Văn Hùng trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Một mùa đông nữa lại về. Lính Trỗi chúng ta sắp sang năm thứ 43 chơi với nhau. Ghê đấy chứ?

Thứ Năm, tháng 11 29, 2007

Lan man chuyện bạn

Chủ Nhật cùng VTM, V.Thắng và T.Lai đi Tây Thiên, trên xe nói chuyện vui vẻ đến nỗi chạy gần 2 vòng quanh núi Thằn Lằn bên hồ Đại Lải mới tìm ra đường đi tắt lên chân Tam Đảo mà mọi người cũng chỉ cho là chuyện buồn cười về cái tính chủ quan thủ cựu của người cầm lái. Tôi nhận được điện thoại của Huỳnh Xuân Thuỷ. Tưởng gọi từ Quy Nhơn hoá ra cậu đang ở Mỹ Đình, chờ xe đi Việt Trì, về quê vợ. Thế mà từ hôm ấy đến nay gọi lại cho cậu, lúc nào cũng được mời "gọi lại sau". Chả nhẽ quê vợ nó vắng sóng. Tối về lại được SMS của Th.Minh để thông báo việc đã liên lạc được với HQ.Kỳ như đã kể.

Rồi Thứ Hai có thư Phú Hoà về việc đã nói chuyện với HQ.Kỳ, sẽ sớm đến thăm. Buổi tối Đại Cương gọi, báo máy tính hỏng. Mới hơn 8h tối một tí, gọi ngay cho T.Lai để khi nào tiện đường cậu ghé qua thăm nom. Hôm nay mới biết bỏ máy xuống là cậu chạy sang ngay, ở gần chim bay có hai ba trăm mét. Phản ứng tức thì cứ như dịch vụ hoàn hảo. Đại Cương còn hỏi Hạnh Phúc có mời không. Nói thật, H.Phúc là bạn nữ, hồi học cùng thì không chơi mấy. Bây giờ nhìn lại quãng thời gian ấy, đám bạn ấy biết bao kỉ niệm chung nên cũng thấy thân thiết lắm. Nhưng mà lễ cưới con gái là việc tiếp tân phải làm, có nhiều bạn không quen mặt cũng chả nhớ tên. Thôi thì chỉ mời ít bạn đã mới quen lại. Còn các bạn khác có biết, có đến thì cùng vui chứ cũng không tiện hàn huyên hỏi chuyện vào lúc đó.

Thứ Ba có việc gặp Thao láo. Đầu giờ chiều cậu lại đội mũ bảo hiểm, lên xe đi Hoài Đức, Hà Tây giám sát thi công cọc móng công trình. Nhớ có lần cậu bảo "mày còn có chỗ ngồi hàng ngày là sướng lắm, chứ nghỉ hưu ở nhà buồn kinh người". Các anh đã nghỉ hưu chắc cũng đồng ý với nó, mà tôi cũng vậy. Vì việc tôi làm bây giờ thì một nửa là giống chuyện đi làm của nó, cho vui. Chỉ khác là tôi chưa được làm sổ lĩnh lương hưu như nó, dù tự mình đã cho là chả làm được gì nữa. Rồi nói chuyện với Hồ Trương về việc thăm khám bệnh ở Viện 108. Hơi lạ là có một chỗ đau cụ thể mà bác sĩ phòng khám lại cho làm xét nghiệm cứ như tổng thể; khai đau bụng lại được xét nghiệm điện tim. Mãi sau mới ngẫm ra chắc vì Hồ Trương chưa có bệnh án lưu ở đấy nên người ta phải làm "đầu vào" mới để sau này dễ theo dõi.

Thứ Tư suốt ngày nhẩy nhót trên trang tin Bạn Trỗi. Chuyện HQ.Kỳ được Phú Hoà "tường thuật tại chỗ" quả là một sự kiện. Một năm qua, ban đầu là Phú Hoà, rồi đến Hồng Hải, bây giờ là Quý Kỳ, các bạn thất lạc ở ngoài nước lần lượt được nối lại tình thân.

Thứ Năm mới trưa nay ngồi nói chuyện với Đại Cương, khi ghé qua kiểm tra tình trạng máy tính. Nhận một cuộc gọi, gọi đi vài cuộc. Chợt nghe đâu đây tiếng dặng hắng ông "Trời kêu ai ...". Nhớ bài Hồ Bá Đạt tâm sự chuyện của người trở về từ đột quỵ. Bỗng lại liên tưởng tới từ "vô thường" ban đầu nghe được từ Trịnh Công Sơn. Vô thường là cái gì? Có phải là sự xảy đến không mong đợi của điều đã biết trước? Có phải là cái chung của chung chuyển thành cái riêng của mỗi người? Hình như không phải, nếu xét theo nghĩa của thuật ngữ Phật học (http://vi.wikipedia.org). Thôi thì đã nhớ tới nó là có duyên với nó, bản thân cái âm thanh của nó dậy lên trong tâm tưởng cũng đã là vô thường.

Họ là những người bạn gái tốt

Tamén si hén hảo nuỷ pấnjẩu

Chuyến đi Quế Lâm vừa rồi có nhiều chị em tham dự: nào là chị em Trỗi, nào vợ con lính Trỗi, rồi chị em Trường Bé… Thật là hay! Cảm ơn các đức ông chồng đã “giải phóng việc nhà" để chị em theo được đến cùng! Xin được viết về chị em nhưng phải chia thành các chương khác nhau. Mở đầu là về chị em Trỗi.

Lần này k7 có Ngô Thu Hà và Nguyễn Hoà Bình, còn k5 có Hạ Thanh Xuyên, Nguyễn Thị Mẫn và Ngô Việt Hoa. Vị chi là 5 đồng chí. Chị em thì ở đâu cũng vậy, nhẹ nhàng, chu đáo và luôn lo lắng cho mọi người.


Nguyễn Hoà Bình tự Mèo con

Chiều 23/10, Khắc Việt mời tôi cùng các anh Bùi Vinh, Giang “mù” và Mạnh Thanh đến dự liên hoan chia tay đoàn k7 tại Đoan Môn Bia hơi Quán (thuộc Tử Cấm Thành). Dễ đến 30 chiến sĩ. Ào ào như sôi. Em Bình cũng đến. Nhớ cách đây 4 năm, cũng ngày này khi “đoàn tiền trạm” từ Quế Lâm trở về, Hữu Thành phải gọi cô em ra Nhà hát Lớn đưa chìa khóa cổng. Đúng 4 năm sau mới gặp lại. Chơi thân với Hữu Thành nhưng lần này mới nhận thấy sao mà cô em giống ông anh đến thế, từ giọng nói, điệu cười đến cái gật đầu… “Anh em nhà… tông” có khác!

Ngày mới sang Quế Lâm, Hòa Bình hay song ca cùng Tưởng Bích Hà bài “Chú mèo kháng chiến”. Chắc vì vậy mà em được đặt cái tên Mèo con?

Ông sư Hữu Thành người có công vận động anh em tham gia blog Bantroi nhưng lại vận động cách mạng trong gia đình “hơi bị” kém. Khi ở Quế Lâm về, nghe anh em xì xào, rồi vào blog thì Bình mới biết ông anh mình công như trời như bể!!! Đêm ấy, cô em “cừơi như Liên Xô” khi đọc các bài viết trên blog và còn mở hết âm lượng bài Quốc ca làm hàng xóm phải sang gõ cửa. Đúng vậy không? Bình đã gọi được cho cô Thục chưa? Chắc cô mừng lắm?

(Ảnh: Bình: "Các bạn đi đâu, tớ cũng đi". Đi bộ đến Đại Từ rồi, mỏi chân quá, ngồi nghỉ tí rồi lại đi vào Yên Mỹ).


Ngô Thu Hà, Ngô Việt Hoa

Nói chung là quan hệ của gia đình tôi với nhà Hà, Hoa là “lằng nhằng dây điện”(!). Ngày ở Việt Bắc, chú Ngô Minh Loan - bố của Hà, Hoa - là Cục trưởng Cục Bảo vệ và thân tình với cha mẹ tôi. Thậm chí năm 1950 khi ông Bình phải đưa Trường Lục quân sang Trung Quốc thì ông nội, bà nội tôi đựơc giao cho cô chú Ngô Minh Loan chăm sóc. Ông bà nội tôi coi cô chú như con trong nhà.

Ngày ông nội tôi mất, cha tôi ở Bắc Kinh bận không về đựơc đã uỷ quyền cho chú Loan và bạn bè đến làm việc hiếu. Sau mấy năm bà nội mất, mẹ tôi đang chữa bệnh bên Bắc Kinh cũng lại uỷ quyền cho chú Loan về đưa ma.

Còn Dũng “cận”, chồng Hà, dân Viện Vật lý lại chơi thân với Trung út nhà tôi. Anh em cùng tập Vĩnh Xuân Nhu quyền. Sau này Dũng lại kết thân và là “bạn diệu” với GM. Lần nào tôi ra Hà Nội, hễ ngồi uống tại nhà 99, có Dũng là phải có Giang. “Không tuần chay nào” mà GM “không có nước mắt”(!!!). Lằng nhằng chưa?

Tương tự như anh em Hữu Thành, Hoà Bình thì Việt Hoa, Thu Hà cũng là 1 cặp chị em cùng xuất quân đợt này.

(Ảnh: 3 bạn gái k5 quây quần bên Trần Mạnh Lảnh, cựu Bí thư chi đòan. Hình như để xin được vào Đòan lại khi đã qua tuổi 5 sọi?).


Nguyễn Thị Mẫn, Hạ Thanh Xuyên

Không chỉ Mẫn mà mấy bà k5 ai cũng máu! Vừa nghe có tổ chức đi là Mẫn ý ới gọi cho tôi hẹn sẽ đi. Rồi Mẫn gọi cho Hoa, Hoa gọi cho Xuyên, làm loạn cả Hà Nội(!). Nghe đâu Mẫn hay ai không thông qua đức ông chồng nên súyt bị stop vì không “thực hiện triệt để dân chủ trong gia đình”? (Đừng nhầm với "kế hoạch hoá"!).

Trên đuờng đi, mấy bạn gái rất “âm thầm đảng viên”. Vui nhưng không nhi nhô như cánh đàn ông, rồi còn chăm lo sức khỏe cho mọi nguời. Biết Xuyên chịu khó học bấm huyệt, châm cứu… để tự chữa bệnh. Lần này lại thấy bà lang ra tay cứu độ cho Nam Tiến. Đến như bác sĩ Thịnh, “Pro” như thế, cũng phải phục về nghiệp vụ của Xuyên. Chả hiểu Xuyên có bấm nhầm huyệt cười hay bấm "vào đâu" mà Tiến cứ tủm tỉm cười tuy rất mệt?

Cảm động nhất lúc 1g đêm ngày 26/10, vừa nghe Nam Tiến “ban-căng” là cả 3 bà k5 mặc nguyên quần áo ngủ chạy xuống sảnh, đòi vào viện. May mà stop được vì vào nhiều cũng không giải quyết được gì. Sáng sau, 3 chị em tự đi thăm chứ chẳng cần đến sự hướng dẫn của anh em.

Mà Xuyên nhiệt tình chữa trị cho Tiến đến mức, hình như, còn bị “tẩu hỏa nhập ma”? Trên đường về đã bị cảm mạo. Qua đây cũng có nhời xin lỗi vì nhiều việc nên có thể có những phát ngôn hơi mạnh, nhất là lúc tôi bị mất va-ly, thì các bạn gái thông cảm nhé!

Xin cảm ơn các bạn gái “mì chính cánh” của Trường Trỗi chúng ta!


Thứ Tư, tháng 11 28, 2007

Đố các chú, các cô, các bác

Thường ngày bị mẹ cấm không cho chơi máy tính nhưng tối nay, cháu đã học xong bài, còn mẹ lại "đi nhậu" với bạn cũ nên ba cho phép lên Internet chơi và góp bài.
Cháu xin đố các bác, các cô, các chú:

- Có 1 ông chồng lấy 8 cô vợ. Một hôm, cả 8 cô cùng đi chơi với ông. Mỗi cô lại xách theo 1 cái giỏ, trong giỏ có 8 con mèo mẹ; mỗi mèo mẹ lại có 8 chú mèo con. Hỏi có tổng cộng có bao nhiêu người?
- Bệnh viện tâm thần có 3 tầng: tầng 1 cho người bệnh nhẹ, tầng 2 - nặng hơn, tầng 3 - nặng nhất.
Ông bác sĩ giám đốc lên tầng 1 chỉ vào cái bàn và hỏi: "Đây là cái gì?". "Cái bàn" - 1 bệnh nhân trả lời. "Tốt! Cho anh phụ trách tầng 1".
Lên tầng 2, ông chỉ vào cái ghế, hỏi: "Đây là cái gì?". "Cái ghế". "Tốt! Cho anh phụ trách tầng 2".
Lên tầng 3, chỉ vào cái bấm ti-vi, ông hỏi bằng tiếng Anh: "What is it?". Ai cũng lắc đầu. Theo các bác, các cô, các chú phải trả lời thế nào?

Cháu Mý

Chuyện chúng tôi phá hỏng 1 con xe

Năm 1968, từ đơn vị Hải quân, anh Chiến tôi được gọi đi học ở Liên Xô. Cứ 2 năm, cánh học viên sĩ quan ở nước ngòai lại đuợc về phép. Nghe nói phụ cấp bên đó là 70-80 rúp/tháng, nhiều ông tiết kiệm nên sắm được cả xe máy. Nhà gần ga Hàng Cỏ, mẹ tôi lại qúy bạn của con (chí ít chúng nó cũng là bộ đội như con mình!) nên số nhà 99 Trần Hưng Đạo được dùng làm “trạm trung chuyển” mỗi khi mấy ông anh ở Tây về, hay mỗi lần ở quê lên để xuất ngọai. Có ông còn tin tưởng gửi hẳn 1 chiếc máy Verkhôvina ở nhà tôi. Xe trùm chăn quanh năm, ông anh dặn thỉnh thỏang lấy ra cho nổ máy. Không chỉ nổ máy, mỗi lần như thế, mấy đứa lại phóng ra phố. Phố xá vắng người nên không sợ va quệt. Xe có 2 số gài bằng tay phải. Khó nhất là lúc nhả côn vào số 1, chết máy liên tục vì thả quá nhanh. Nhiều khi phải dùng 2 tay nhả ra từ từ mới đuợc, nhưng chỉ sợ chồm xe.

Năm 1972, giặc Mỹ ném bom trở lại. Đã lâu không thấy tôi về, mẹ sốt ruột cử cu Nghị lên tìm. Nghị nhà tôi ngại đạp xe nên rủ Thái Dũng, bạn học của tôi và Quang Bắc, Chỉnh Huấn từ lớp 1 ở truờng Lý Thường Kiệt, lấy xe Verkhôvina đi Vĩnh Yên. Cứ theo địa chỉ hòm thư, Nghị dò ra đơn vị. Sáng chủ nhật, quãng 8g đã thấy 2 anh em phóng xe tới đầu làng. Mất công lên đến nơi mà không rủ Hùynh Tấn Lợi k5 và Ái “khỉ” k8 lại chơi thì thật phí. Vậy là Nghị cùng tên bạn tôi phóng xe sang Trường Trung cấp Kỹ thuật 1 tìm Lợi, Ái. Cậu kia nằng nặc đòi cầm lái với lí do: thạo đường. Khi về mới hay, cậu không dừng được xe đã phải lao thẳng vào đống rơm.

Tấn Lợi, Ái và Nhiên "Zin ba cầu" xe đạp sang, mang theo túi du lịch có 2 chú gà bắn được dọc đường. (Học sinh sơ tán vừa nghèo vừa đói, cứ thấy gà loăng quăng ngòai đường là bụp. Mà Lợi nhà ta có tài bắn súng cao su, hễ giương lên là bắn tin cổ hoặc trượt. Hắn lí luận: bắn tin cổ là gà “chết giấc”, im re nhưng khi tỉnh lại là vẫn có thể cắt tiết, còn bắn trúng mình là gà kêu quang quác, lộ liền. Có bắn trượt thì bắn lại, có sao!). Vậy là anh em có bữa ăn trưa nghiêm với thịt gà xé phay, bóp hành, có cả tí cay. Vui vẻ hội ngộ, nói cười ầm ĩ. Bữa đó có cả anh Tam, Chí Quang, Chí Hòa(?).

Chiều khi trời chạng vạng tối thì Nghị và Dũng mới nổ máy ra về. Sáng mai, Nghị còn phải lên chỗ sơ tán trên Tế Tiêu để kịp học. Mấy tháng sau khi được về tranh thủ mới hay đó là chuyến đi cực kì gian nan.

Cái bình xăng của Verkhôvina chứa đựơc đâu như 3 lít. Vậy mà phóng suốt từ Hà Nội lên Hương Canh rồi từ đấy ra Vĩnh Yên, lên trường Lợi tới 80km, rồi quay về lại Chùa Tiếng đã ngót nghét 100km. Chưa kể mỗi lần dừng xe là mấy ông bạn lại đòi đi thử. Không cho không đành. Vậy là xăng cạn dần. Hai tên phóng đến ngã ba Phúc Yên rẽ đi Chèm thì chết máy. Loay hoay lắc không nghe thấy có tiếng óc ách. Mở nắp xăng ra thì thấy sạch sành sanh. (Giang “mù” sau này nghe kể đã phán: “May là trời còn sáng, chứ tối rồi phải dùng diêm soi xem còn xăng không là toi!”). Vậy là dắt bộ qua đồi Thanh Tước. Từ đây về Chèm cũng phải hơn 20km. Hồi đó làm gì có “trạm xăng nhân dân” (bán lẻ bằng lọ) như bây giờ. Đêm thời chiến, đường vắng tanh. Các quán nước cũng đóng cửa từ sớm. Mệt thì nằm xuống vệ đường nghỉ cho lại sức rồi lại đẩy. Đến gần ngã 3 rẽ đi Đông Anh thì hết đi nổi, 2 tên nằm vật ra đường. Thế quái nào lại gặp ngay mấy xe sì-tẹc chở xăng của bộ đội đang dừng nghỉ đêm. Nghị ta lò dò lại nhờ giúp đỡ:

- Cháu là con em bộ đội, đi xe máy lên thăm ông anh ở đơn vị. Không may hết xăng phải đẩy suốt từ Phúc Yên về đây. Các chú làm ơn cho cháu ít xăng đủ để về Hà Nội.

- Con em bộ đội à? Tưởng gì chứ xong ngay. – Nói rồi 1 ông ra dáng chỉ huy bảo anh lái xe trẻ – Lấy xăng trong can dự trữ đổ cho cháu nó mấy lít!

Vậy là có xăng. Cảm ơn các chú rối rít rồi nổ máy lên đường. Gió vi vu, trời đêm mát lạnh. Thật là đã sau một chặng đuờng quá vất vả.

Nhưng thật là ngu vì Verkhôvina là xe chạy bằng động cơ 2 thì, nghĩa là phải pha thêm dầu nhớt vào trong xăng. Nhưng mấy thằng nhóc này có biết gì, cứ nghĩ xăng đổ đầy bình, ngồi lên được xe, nổ đựơc máy, gài được số là phóng. Phóng một mạch xuống phà Chèm, rồi về tới gần rặng ổi Nghi Tàm thì máy giật cục mấy cái rồi chết cứng. Đạp mãi không nổ. Lại dắt từ đấy về tới nhà thì trời sáng bạch. Đúng lúc loa ở đầu phố mở nhạc hiệu đài Hà Nội “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…”. Cả ngày hôm ấy ngủ vùi, ngủ sang cả ngày hôm sau. Mệt. Sau đó, xe đựơc lau chùi cẩn thận rồi đưa vào góc bếp trùm chăn.

Hè năm 1972, mấy ông từ bên Tây về nghỉ phép. Ông chủ lôi xe ra để phóng về quê nhưng không tài nào nổ được máy. Mang ra thợ Phủ Dõan mới biết máy bị bó cứng vì chạy không pha dầu.

Đó là lần đầu trong đời chúng tôi phá hỏng 1 con xe chỉ vì thiếu hiểu biết. Chả hiểu lần đó ông chủ xe có chửi bới gì mà không thấy bác Chiến nói lại. Chắc là ông anh phải ngậm tăm?

GẶP HỒ QUÝ KỲ

Đoàn Phú Hoà

Kể từ chiều chủ nhật vừa rồi, sau khi nhận được thư của Hữu Thành báo cho biết là Hồ Quý Kỳ định cư ở Séc mà tôi cứ bồn chồn vì sau mấy lần đăng tin tìm nó trên tạp chí “ Người Việt ở Châu Âu “ mà không thấy hồi âm thì tôi đã không còn hy vọng gì nữa. Bây giờ được biết là nó chỉ ở cách mình có “ một quăng dao “ nên vừa ngạc nhiên vừa mừng. Sau khi viết thư cho Hữu Thành, Thanh Minh và nhắn tin cho Hồ Quý Kỳ ở YM thì tôi hy vọng rằng ngày hai đứa gặp nhau chẳng còn xa nên tôi đã bố trí công việc để hôm nay, thứ ba ( 27.11 ) đến với nó. Tối qua, Kỳ gọi điện cho tôi. Tuy 38 năm không gặp nhau nhưng tôi nhận ngay ra giọng của nó, vẫn cứ thủ thỉ, điềm đạm như hồi ở trường Trỗi. Tôi nói ngay ý định của mình là hôm nay sẽ đến thăm nó.
Sáng ra, vừa mở mắt mà thấy trời đầy tuyết mà ngán. Đã hẹn với bạn rồi mà thời tiết thế này thì quá bằng dở hơi. “ Người khác chạy xe được thì mình cũng chạy được, sợ gì “, tôi tự nhủ thầm như vậy. 12 giờ trưa, sau khi giải quyết xong công việc thì tôi gọi điện cho Kỳ hẹn gặp nhau vào lúc 14 h. ở SAPA tại Praha, là trung tâm đổ hàng lớn nhất của cộng đồng người Việt ở Séc. Bình thường thì với khoảng cách 120 km này thì tôi chỉ cần 45 – 50 min. nhưng đường trơn, tuyết rơi dầy nên nhiều đoạn tôi đã phải “ bò “ với tốc độ 60 – 70 km/h. Cách Praha gần 30 km thì chẳng thấy tuyết đâu mà ngược lại nắng chiếu đến chói mắt phải dùng kính râm. “ Sư cái bọn Praha, sướng thế cơ chứ. Trong khi các nơi khác vật lộn vì tuyết nhưng ở đây bọn nó có thể ra nằm bãi cỏ để tắm nắng được “ . Dù chửi thầm trong bụng như vậy nhưng thật tình thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn vì lại có thể phóng xe với tốc độ quen thuộc của mình.
Vào đến nhà hàng Little Hanoi trong SAPA thì Kỳ đã ngồi đợi tôi được một lúc. Tôi và nó nhận được nhau ngay, mừng quá. “ Mày vẫn thế, khỏe lắm. “ tôi nói. “ Thì mày cũng vậy. Tao đã nói với bà xã nhà tao là mày vẫn có kiểu tóc như xưa, xoăn xoăn một chút ở đằng trước chứ không xoăn tít như thằng Phí Thế Khanh “, Kỳ bổ xung.
Hai thằng vừa uống cafe Trung Nguyên vừa nhắc lại cho nhau nghe về những kỷ niệm xưa, hồi cả hai còn ở cùng một tiểu đội. Kỳ cho biết là sang định cư chính thức ở Séc vào năm 2000. Hồi đó hai vợ chồng nó đã chia tay nhau, vợ qua Úc sống với hai con còn nó ở lại Séc. Thời kỳ đầu nó bán cháo, cơm cho người Việt Nam ở một chợ cửa khẩu giáp biên giới Đức rồi chuyển về Praha.
Có thể do duyên số mà cũng có thể do ở hiền gặp lành nên ở đây Kỳ đã gặp được Vân, là người Hà Nội, trước là kỹ sư ĐHBK cũng đang sinh sống tại Séc và có cửa hàng thực phẩm ở Praha. Cái hồi lính Trỗi khóa 4 nhà mình rời trường Trỗi để vào ĐH thì cũng là lúc cô bé Vân cất tiếng khóc chào đời ( đọc đến đây thì Vân đừng trách là anh Hòa bộc tuệch, bộc toạc nhé. Lính Trỗi mà ). Từ đó, cả hai chung lưng, chung sức để cai quản cái giang sơn riêng của mình, vừa kiếm miếng ăn, vừa cùng nhau vun đắp cho tình cảm của mình.
Tâm sự được một lúc thì tôi tranh thủ giải quyết một số công việc vặt với một vài cơ sở ở SAPA rồi Kỳ đưa tôi về cửa hàng thực phẩm của vợ chồng nó trong trung tâm Praha.
Cửa hàng của Kỳ - Vân không “ hoành tráng “ như cửa hàng của các “ đại gia “ khác tại Séc, tương tự như của hàng của Quí – Nga bên Leipzig nhưng có đầy đủ các mặt hàng cho nhu cầu cần thiết hàng ngày và có một đặc điểm ( giống như cửa hàng của Quí – Nga ) là gọn gàng, ngăn nắp chứ không như phần lớn các cửa hàng của người Việt ở đây là hàng chất đống nhưng thiếu sự hài hòa. Vân, bà chủ cửa hàng với nụ cười rất tươi và hóm hỉnh đã chủ động tạo ra bầu không khí rất thoải mái và thân mật. Tôi nhận ra rằng cuộc đời sóng gió của Hồ Quý Kỳ đã qua rồi. Giờ đây nó đã cùng Vân xây dựng lại tổ ấm cho mình trong một cuộc sống tuy không đơn giản nhưng yên lành và hạnh phúc.
“ Hai vợ chồng mày hạnh phúc thật . Tao phát ghen với mày đấy, Kỳ ạ “. Tôi nói với Kỳ như vậy nhưng nó chỉ cười với nụ cười của thời trường Trỗi, rất hỏm hỉnh (và có duyên nữa). “ Nó là cái số đấy. Vân tìm đến tao mà. Hai đứa tao đang cố gắng có một đứa con.”
Tôi nghe mà giật mình vì bản thân tôi cứ nghe đến chuyện ấy là hoảng nhưng nhìn cảnh hai đứa hạnh phúc thì tôi hiểu và cảm thấy như cái suy nghĩ của mình đang bị lung lay, nhất là khi cả hai thúc dục tôi đi tìm người bạn đời cho mình.
Công việc của Kỳ - Vân không đến nổi vất vả lắm nhưng đòi hỏi nhiều thời gian. Cửa hàng mở cửa một mạch từ 8.00 – 22.00 h. Lý do rất đơn giản là nhiều khách hàng ghé vào mua đồ vào buổi tối. “ Khách hàng là Thượng Đế “ tôi chợt nhớ lại câu châm ngôn này. Tuy không kinh doanh lớn nhưng thu nhập của cửa hàng cũng đủ để hai đứa không phải “ lăn tăn “ nhưng các cửa hàng bán đồ vải.
Chúng tôi kể cho Vân nghe về mối quan hệ của “ lính Trỗi “. Hai đứa ôn lại chuyện xưa mà cứ như là chuyện của năm ngoái, năm kia vì gần gũi quá, da diết quá.
Tôi gọi điện cho Quĩ nhẽo để báo cho nó biết là từ giờ trở đi nó không còn cương vị là lính Trồi K4 duy nhất “ độc quyền “ bán thực phẩm nữa và đồng thời để Kỳ có điều kiện nói chuyện với Quí. Nếu đầu năm mà thời tiết cho phép thì tôi sẽ đưa vợ chồng Kỳ - Vân qua Leipzig “ trình diện “ với anh em mình ở bên đó. Quí nhẽo, đúng như cái tính cẩn thận của mình đã dặn đi dặn lại là bọn tôi phải mang gạo qua góp thổi cơm chung ( Quí đừng chửi tao đây nhé. Mày cứ yên tâm là tao sẽ mang cả bao gạo 20 kg. mới toanh của vụ năm nay xuất từ Thái sang, tha hồ mà ăn để bù cho thời gian phải gậm bánh mì quệt trứng cá Hồi trừ bữa, hì hì ).
Vì thời gian không nhiều và cũng tối rồi nên tôi phải về. Sướng thật, thế là từ nay tôi sẽ còn “ thui thủi một mình “ trên đất Séc này nữa và tôi cũng sẽ không phải ghen tị với Quang xèng, Quí nhẽo, Võ Hùng, Chí Hòa là hay được tụ tập bù khú với nhau. Tôi đã hứa với hai vợ chồng là sẽ đến thăm bọn nó thường xuyên vì dù sao chăng nữa thì tôi vẫn có khả năng chạy đi, chạy lại nhiều hơn.

Trên đường về tôi chỉ thầm mong rằng vợ chồng thằng bạn mình sẽ đạt được nguyện ước hằng mong mỏi.

Thứ Ba, tháng 11 27, 2007

"Điệp vụ" Tây Thiên

Nhân chuyện Tây Thiên, các anh quân sự làm mình làm mẩy, ra cái điều ta chui rúc vào rừng gian khổ mà hoành tráng. Tôi kể cho các anh nghe chuyện tôi cũng đã từng chui vào cái xó ấy với các anh. Không nói ra thì chỉ có 3 người biết chuyện này thôi.
Năm 72, khi các anh rời Vĩnh Yên vào chân Tam Đảo hình như ít có điều kiện về HN, nếu không phải là cấm tiệt. Một hôm Chủ Nhật Thanh Minh gọi điện, bảo tao đang ở HN, chiều mày đưa tao đi. - Đưa thế nào, chiều tao đưa mày đi thì về thế quái nào được; chả là anh em ta hồi ấy chỉ có đến xe đạp là hết. - Yên chí, tao với thằng Hưng (chú thích: Phùng Duy Hưng k5) về bằng xe đạp, chiều để nó đi một mình cho nhanh. Tao với mày đi xe máy rồi mày mang xe máy về. - Ối, tao có biết đi xe máy đâu (ông anh đi Đức về có cái Simson Star nhưng mà có được tập đâu, còn đang đi học mà). - Yên chí, cái này đi như xe đạp.
Chiều 2h đến nhà Thanh Minh ở 9 Phan Huy Chú, cậu dắt cái Babetta mới coóng, mầu xanh, loại chưa có giảm xóc sau. Hai thằng lên đường, xe chạy vè vè, rất lấy làm khoái chí. Mới lên hết dốc đường Thanh Niên thì chả hiểu cậu lái thế nào, phải phanh gấp đổ xe. Tôi ngồi sau kiểu một bên, ngã ngửa đầu hướng về phía xe chạy, hai chân chổng ngược lên trời. Lồm cồm bò dậy thấy còn may chưa gối đầu vào bãi phân bò.
Qua khỏi phà Chèm cậu bảo mày lái thay cho tao. Từ bé đến giờ mới được bạn cho chạy xe máy lần đầu, lại càng khoái chí. Phát hiện ra trên trục giữa có tấm phẳng bằng nhựa tôi bèn co chân để lên đấy, bỏ không hai cái pê-đan. Chạy một hồi đến đoạn cần gia tốc, tôi bỏ chân xuống đạp, thấy lạ lạ, nhìn xuống. Ôi thôi, một bên đã là pê-đan bút máy (chỉ còn cái trục, bàn đạp rơi mất khi nào).
Lo lắm, vì khi đó hàng nội còn bán phân phối, đây lại là hàng ngoại. Chợt tôi nhớ ra mới lắp vào xe đạp của mình đôi pê-đan Tiệp còn mới. Cũng bàn đạp cao su, có miếng nhựa mầu vàng hai bên, chả biết kiếm đâu ra. Thôi thì sẽ cho con bút máy này sang xe mình, ai bảo cho chân lên không giữ pê-đan cẩn thận.
Rẽ vào lối lên Tam Đảo, quãng dốc Láp, 6h. Bên đường hồi đấy chả có nhà cửa gì, có một khóm rừng bạch đàn đẹp, hai thằng dừng ăn bữa chiều mang theo. Hồi ấy ít xe ô tô, vạt rừng trồng ngay cạnh đường mà cỏ không có bụi ngồi nghỉ rất dễ chịu.
Ăn nghỉ xong hai thằng chúng tôi lập tức lên đường. Không ngờ đất rừng trời mau tối. Mới đi một chặp thì đã chạng vạng, càng khó nhận ra lối nào là đúng. Chốc sau trời tối hẳn, anh Thanh Minh chịu không còn biết đâu là đâu. Một quầng sáng đèn xe máy không đủ để nhận ra địa hình. Hai thằng loanh quanh lội qua mấy con suối (hay là một suối lội nhiều lần?), đất bùn dắt vào đầy gác-đờ-bu. Bọn tôi chống chân xe dưới suối rồi vặn ga cho nước tát lên, chả ăn thua. Đằng nào thì bánh trước cũng phải cậy bùn bằng tay. Tôi lấy con dao lê AK của Xuân Miên cho để cậy bùn ra.
Cứ như thế, đi loanh quanh, lội suối, cậy bùn mãi đến 9h đêm mới gặp anh PD.Hưng chờ bên một bờ suối với cái xe đạp dấu trong bụi. Hai thằng chờ nhau vì hình như xe đạp của Thanh Minh (mượn?). Hưng ta mà dắt xe đạp về thì lộ(?). Đâm ra cậu cũng chưa ăn uống gì vì còn phải ngồi canh xe đạp.
Gặp đồng bọn, anh Thanh Minh chào để tôi ... về. Trời ạ, mày ở đây mà lần mò 3 tiếng mới tìm ra chỗ ở, tao bây giờ về biết đi lối nào? Thực ra thì chúng cũng có nỗi khổ của mình. Bộ đội đi "trốn" mà còn đưa người lạ về thì lộ mất cái "bụi này" còn gì, kỉ luật là cái chắc.
Tần ngần một lúc thì, chắc là vì đói quá, Hưng ta đâm liều: "thôi, ông Thành về chỗ tôi ngủ. Ông ở đây chờ đến giờ ngủ tôi đưa ông vào". Hai thằng chúng nó dắt nhau đi với cái xe đạp, tôi ngồi lại bên bờ suối với cái Ba-bét-nhè, nghe các loại côn trùng nỉ non trong đêm.
May quá chả mấy chốc tới giờ ngủ, chờ cho đồng bọn đã vào màn, PD.Hưng mắc sẵn màn rồi ra đón tôi. Xe máy nó dắt dúi vào chuồng trâu, bẻ mấy cây sắn phủ lên. Rồi hắn dắt tôi ra giếng, khi ấy không còn ai, để rửa chân tay mặt mũi, xong dắt tôi dúi vào trong màn. Trong nhà chỉ còn một hai ngọn đèn dầu của mấy tay lúi húi trên trang giấy.
Khi tôi đã yên vị, Thanh Minh lại mò sang, bắt đầu màn tiếp tế. Nào bánh chưng, nào bát nước tuồn vào cho "điệp viên".
Sáng hôm sau, khi chưa tới giờ thể dục, PD.Hưng lại dắt tôi ra, dúi cho cái bét-nhè. Tôi dắt một đoạn xa xa mới dám nổ máy chạy về. Buổi sáng nhìn đường đâu ra đấy, hỏi phát là có lối đi ngay. Đêm ấy mà tôi ngáy như bây giờ thì chắc đã bị tóm rồi.
Đến cầu Hương Canh, tôi cho xe xuống dốc tới mép nước rửa xe. Trông con xe lúc này thật là bét-nhè, đầy bùn đất. Bây giờ mỗi lần đi qua cây cầu này tôi luôn nhớ mình đã từng rửa xe ở đây. Nhưng mà cái dốc ấy bây giờ không còn nữa, người ta lấp dốc làm nhà, làm sân; tấc đất tấc vàng rồi.
Về đến Hà Nội, đưa xe vào nhà Thanh Minh lại phải lấy thân mình che dấu pê-đan. Lau rửa xe một lần nữa cho thật sạch, như cũ. Điều ngay thằng em (không nhớ Phong hay Liêm) chạy về nhà tôi lấy xe đạp đến. Gần trưa thì xong mọi việc, xe đạp của tôi một bên bút máy, còn cái ba-bét-nhè hai bên pê-đan Tiệp xịn, có điều bên dài bên ngắn, chắc không ai để ý phát hiện ra.
Sau này Thanh Minh nói cái xe khi ấy mới lấy về theo tiêu chuẩn phân phối, chưa rốt-đa, chưa xiết ốc. Đến nỗi sau này có ai đó dắt ra đi, xóc một cái, nghe "cạch". Nhìn xuống thì con ốc gá máy vào thân đã rơi dưới đất rồi. May mà khi hai thằng đi không mất con ốc nào. Nó mà rơi thì Thành này chỉ có nước đạp xe về với một bị máy trên lưng.
Chuyến đi này đã được che dấu theo chế độ giải mật 35 năm. Nếu có hoạt động gián điệp thì đã thành công rồi, ít nhất là xác định chính xác vị trí chỗ ngủ của PD.Hưng.
Ảnh kèm theo là bản đồ 1:50.000 mảnh Vĩnh Yên. Rất may là trong phần hiển thị của màn hình có cả 4 toạ độ GPS: thác Bạc Tây Thiên, đền Tây Thiên, thị xã Tam Đảo và cột truyền hình Tam Đảo với tỉ lệ kích thước thật như bản đồ giấy. Mỗi ô trên bản đồ là 1km (2cm bản đồ). Tôi để cả màn hình phần mềm bản đồ OziExplorer để các anh biết thêm về nó. Độ chính xác của GPS là 10m, độ chính xác ghép lên bản đồ các anh có thể đánh giá ở chỗ cột vô tuyến Tam Đảo. Điểm dấu GPS và điểm trên bản đồ gần như là trùng khít. Cũng có thể đánh giá chính xác cao độ ở chỗ đền Tây Thiên. Điểm dấu GPS của đền ở sát đường bình độ 500m, cao độ đo bằng GPS là 511m.
Xe ô tô chỉ vào được đến đền Thông (theo VTMai), chỗ có địa danh Đồng Thông. Từ đó chỉ có thể men theo suối vào thôi. Các anh quân sự xem mấy cái địa danh trên bản đồ có quen quen không.

PHIẾM BÀN: “KINH NGHIỆM”

Dương Minh

Mỗi khi vợ chồng cô con gái tôi về chơi là mấy bà cháu lại ríu rít. Mẹ tôi quí cháu gái một cách đặc biệt bởi một lẽ giản đơn: khi hai bà cháu ngồi với nhau, ai gặp cũng nói với con gái tôi “Xinh thế, giỏi thế, ngoan thế … sao giống bà nội thế!”.

Hôm đó, cũng như mọi lần, bà hỏi thăm “Thế xưởng của con bao nhiêu công nhân rồi?”. “Gần bốn trăm bà ạ!”. “Công nhân đông như vậy, các con có thành lập tổ chức gì cho họ tham gia không?”. “Tổ chức của họ là Công ty của con rồi còn gì?”. “Ý bà khác cơ, bà muốn nói đến tổ chức của chính công nhân để phát huy vai trò của họ, quyền hạn của họ, chăm lo và bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần cho họ”. “Con hiểu rồi, cái đó thì cũng có. Ngòai tổ chức theo quy định còn có Hội đồng Lương, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật, Ban Pháp chế và hòa giải, các lọai hình sinh họat Câu lạc bộ cho con gái, con trai…, nhiều thứ lỉnh kỉnh lắm”. “Các tổ chức đó họat động thế nào, có ích cho họ và có gây trở ngại gì cho Công ty không?”. “Có ích cho họ hay không phải do họ trả lời, còn làm sao họ gây trở ngại cho con được!”. “Còn trẻ nhưng sao con đã biết làm như vậy?”. “Cái này là con học hỏi kinh nghiệm thôi. Bà tính, thành lập cái gì do con quyết, ai chủ trì do con gợi ý, quan trọng hơn cả là lương bổng thế nào do con trả, vậy ai muốn ngon lành hay không phải nghe con chứ! Con chỉ huy tòan diện mà!”.

Lặng đi một lúc, mẹ thôi thủng thẳng “Không khéo mấy cái tổ chức đó thành “cái đuôi” của các con. Mấy người chủ trì không khéo lại chỉ lo cho con là chính, đâu có lo gì cho mọi người. Việc làm của con có vẻ không thực chất, chỉ mang tính hình thức! Mà kinh nghiệm này con học ở đâu?”. Nhìn bà nội một cách ý nhị, con gái tôi trả lời “Đây là kinh nghiệm tầm cỡ và đã tồn tại lâu năm, ai chả biết, bà cứ giả bộ chọc quê cháu bà.”. Quay sang tôi nó nhấn mạnh “Đúng không ba?”.

Khốn khổ cái thân tôi, kiến thức thì có đôi chút để dạy cho con cái, còn kinh nghiệm thì mình mù tịt, không biết cánh trẻ học hỏi kinh nghiệm này ở đâu, đúng hay sai, lợi hay hại… Vì thế tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Thật xấu hổ!

(Ảnh minh họa: hai bố con tôi về thăm quê)

Luật mới

Đông "ky" (chắc là... sốt chăng?) học trò của GM gửi bài thơ về bộ lụât mới... Luật hôn... nhân. Qua blog xin được liên lạc với thầy.

Không được phép hôn bừa hôn bãi

Không được hôn sư sãi đang tụng kinh

Không được hôn người cùng giới tính với mình

Động tác chính chỉ từ đầu xuống cổ

Không được phép hôn băm hôn bổ

Không được hôn sấn sổ người ta.

Không được hôn giữa bãi tha ma

để người chết còn nằm yên dưới mả

Khi được hôn, toàn thân phải buông thả

Miệng khép hờ, không được cắn chặt môi

Cũng không được mở rộng như miệng nồi

Tránh tình trạng vi khuẩn chui vào miệng

Không được vừa hôn vừa nói chuyện

Đồng ý hôn rồi không được kiện tụng nhau…


Chả biết khi nào bộ lụât này mới có hiệu lực và đi vào cuộc sống?

Thứ Hai, tháng 11 26, 2007

Chuyện giờ mới dám kể

Những cú sốc chết người

1. Chiều 26/10. Trên xe từ Phong Khẩu về lại khuôn viên cũ của Y Trung bên cạnh Núi Ốc, Hạ Thanh Xuyên sau một hồi bấm huyệt cấp cứu cho Nam Tiến đã bảo: “Mình thấy Tiến căng lắm”. Đã U60 nhưng chưa hề có kinh nghiệm về các lọai bệnh lý vì “chưa qua” bao giờ(!), hơn nữa người thân của mình chưa ai "vấp" bệnh này. Nghĩ bụng Xuyên có quá cường điệu?

Cũng may đầu giờ chiều, bác sĩ Thịnh khẩn khỏan: “Sáng nay ở Y Trung ra, chúng tôi đã về thăm cả khu mới và cũ của Trường Bé. Chiều nay, anh cho tôi cùng về Phong Khẩu với!”. “Quá dễ. Xin mời!”. Một lần nữa đây là cái duyên!... Thấy mặt Tiến tái dại, Thịnh chạy đi mua thuốc. (Tiếng Hoa không dài như Thịnh thì khó mà lần ra hiệu thuốc). Uống thuốc vào mà không tiến triển, Thịnh nói: “Phải cấp cứu, anh ạ!”. Và chúng tôi đã bắt taxi cho Tiến đi bệnh viện. Cú sốc thứ nhất!

2. Trở về khách sạn buồn rười rượi, cố nuốt vội miếng cơm rồi vào viện cùng Kiệt (hướng dẫn viên). Gặp Thịnh cho biết: “Cấp cứu kịp thời nhưng bác sĩ nói 90% là nhồi máu cơ tim”. Hỏang hồn vì nhớ ngay tới chuyện cách đây 40 năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị nhồi máu nhưng cụ không muốn làm phiền anh em nên tự đi mà không cho khiêng cáng khi cấp cứu và kết quả là... Bị nhồi máu không nằm cố định là tối kị! Nhớ lại hình ảnh Tiến tự lần trên xe xuống mà lo. Mất bao công sức tổ chức chuyến đi, lỡ Tiến làm sao… Cú sốc thứ 2 có cường độ cao hơn!

3. Trực tới 12g đêm, phân công Dũng và Kiệt ở lại. Phóng taxi về khách sạn cùng Thịnh. Xe chạy qua Thác nước nhân tạo ở Quảng trường trung tâm thấy vẫn còn khách dạo chơi. Tiếc là chưa có lúc nào rảnh thăm lại nơi này. Về phòng chưa kịp cởi áo thì Lê Bình chạy sang: “Dũng báo về: Tiến khó qua khỏi đêm nay!”. “Nhưng tao mới từ bệnh viện về. Tốt lên cơ mà”. “Không biết. Vào bệnh viện ngay!”. Đôn Hà rời viện sau tôi cũng rất ngạc nhiên. Nhưng ai mà nói trước điều gì. Rủ ngay Thịnh, Lảnh cùng đi. Chả lẽ đó là sự thật? Cú sốc thứ 3 thật là nặng!

4. Tới viện chỉ mình Thịnh lên lầu 3. Ngồi dưới sảnh, Dũng nói: “Có lúc tao đã nghe thấy tiếng “túyt” và trên monitor hiện lên một đường phẳng lì”. Ghê quá! Cú sốc thứ 4! Ít phút sau Thịnh xuống báo: Tạm ổn. Anh em ra về.

5. Sáng 27/10, mệt phờ nên ngủ tới tận 7g. Chả còn tâm trí nào đi dạo buổi sáng. Chị Niệm rồi khách khứa tới chia tay. Bận. Đúng 10g phải giục Thịnh vào viện. Thịnh đi gặp bác sĩ, còn tôi vào phòng Tiến. Mặt Tiến vẫn xanh lét, phờ phạc, chân vẫn lạnh lắm. Tiến kể: “Mấy đứa con gái lớp mình vừa vào thăm…”.

- Đêm qua ngủ được không?

- Chập chờn lắm… Tao gặp thằng Dũng mấy lần.

- Dũng nào? Con mày á? – (Qủa thật tôi nào có biết tên con nó là Hiếu và Hiển).

- Không, Võ Dũng.

Nghe tới 2 chữ “Võ Dũng”, tôi như bị điện giật. Võ Dũng là bạn, là lính Trỗi k5, con bác Võ Văn Kiệt, hy sinh năm 1972 ở miền Tây. Vậy là đã có lúc Dũng về “gọi” nó đi! Lạnh xương sống! Chả dám nói điều này với Thịnh và Việt Dũng. Cú sốc thứ 5 có biên độ lớn nhất đã làm suy sụp ý trí!

6. Chia tay Tiến. Cùng Kiệt về khách sạn làm thủ tục check out cho đòan. Không dám kể cho ai những gì Tiến đã nói. Sợ… có quá gở?! Rời Quế Lâm, liên tục gọi cho Dũng và chị Niệm. Biết Tiến dần tốt hơn. Nhưng khi tới khách sạn Nanjiang thì tình tiết “Chốt” đã xảy ra như theo một kịch bản đã dàn dựng…

Từng là giáo viên điện tử viễn thông nên khái niệm về Kỹ thuật Xung luôn nằm lòng. Nhất là xung xóa - lọai xung điện được tạo ra với biên độ lớn, không theo quy luật, nhằm phá các nguồn tín hiệu khác. Chính những cú sốc ấy là những xung xóa dần xóa đi những gì lưu trong bộ nhớ. Và…

Nhưng Nam Tiến của chúng ta - được sự chăm sóc, giúp đỡ của tập thể y, bác sĩ tài năng, của thầy trò, bạn bè các thế hệ 2 nhà truờng Y Trung-Nguyễn Văn Trỗi, của các cơ quan hữu quan ở Quế Lâm, của tình hữu nghị Việt-Trung - đã vượt qua được hiểm nghèo. Bạn đã hồi quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Chúc bạn sớm bình phục để tiếp tục sinh họat trong đội hình Trường Trỗi!

-------
Sáng 24/10, vừa ra khỏi phòng làm thủ tục nhập cảnh ở Hữu nghị Quan, thấy chú em Lê Hòa Bình k7 tay cầm máy ảnh, liền vẫy lại: "Cho anh 1 bô!". Hôm đón Văn Hùng tại Jodee, Bình tặng lại bức ảnh.
Nhớ lại cảm xúc lúc đó: rưng rưng sau đúng 4 năm
cùng Hữu Thành có dịp quay lại đất nước Trung Hoa và đúng tại cửa khẩu này, tôi đã giơ tay lên mũ (lưỡi trai cố tình cho quay về sau - đỡ che mặt!), mắt nhìn về phía Mục Nam Quan chào "Nín hảo Zhongguo!". Nhưng hay là ở chỗ phía sau lưng là ông ban Nam Tiến đang giơ máy chụp cảnh cửa khẩu.
Còn trên là ảnh Nam Tiến trước cây lưu niệm trồng ở Y Trung sáng 26/10/2007. (Tác giả: Hà Chí Thành k6). Trên tay hắn khư khư giữ cành hoa quế vừa hái định mang về tặng vợ con.

Nối liên lạc với Hồ Quý Kỳ

Hôm qua Thanh Minh hai lần liên lạc với tôi bằng "đường dây nóng" SMS.

Lần đầu thông báo đã có "cháu nội heo vàng". Hỏi lại xem trai hay gái thì được trả lời chắc nịch: "heo vàng chứ có phải ... heo nái đâu". Thế là ông nội có cháu đích tôn rồi đấy.

Buổi tối lại một lần SMS, tưởng cậu chưa hết say sưa với "heo vàng", nhưng hoá ra chuyện liên lạc được với Hồ Quý Kỳ.

Hiện HQ.Kỳ sống ở Praha, Séc. Nay mai sẽ liên lạc được với Phú Hoà.

Chuyện cũng hơi lòng vòng, qua quan hệ làm ăn của bà xã mà Quý Kỳ liên lạc tới Phùng Duy Hưng k5. Được D.Hưng giới thiệu Bạn Trường Trỗi Q.Kỳ mới biết các địa chỉ liên lạc tới Thanh Minh. Mừng một điều là bây giờ cậu không cần "lặn" như anh em ta vẫn tưởng và thông cảm.

Tiếp theo thì để cậu tự bạch, hoặc Phú Hoà thông báo tình hình. Địa chỉ mail: hoquyky1950@yahoo.com.

Chủ Nhật, tháng 11 25, 2007

Bạn xấu vãn cảnh Tây Thiên

Lâu lắm hội bạn xấu không đi đâu. Tuần này V.Thắng và lão Hợp nhắc nhở sớm bố trí giao lưu.
Nghĩ một hồi thì ra hướng đi Tây Thiên. Ngoài tôi và lão Hợp đi đây đầu năm 2004 thì mấy tên còn lại chưa ai đi cả. T.Lai, V.Thắng là đội hình thường trực còn VTMai thì đang trong giai đoạn thử thách. Một bạn xấu có đủ phẩm chất là Công Minh thì chuyến này không thể tham gia vì phải đi bộ rất nhiều. Nhân tiện rủ thêm các bạn k1, k2 "của nhà trồng được" (vợ chồng Thái Dũng).
Tây Thiên bây giờ có hai điểm du lịch. Một là Trúc Lâm Thiền Viện Tây Thiên, có đầy đủ dáng dấp của một thiền viện thuộc hệ thống Trúc Lâm Thiền Viện. Tên gọi là thế, nhưng không biết có quan hệ thế nào với thiền phái Trúc Lâm. Chỉ thấy "viện" nào cũng cao, to, hoành tráng, không giống "thiền" truyền thống, thời chưa có kinh tế thị trường.
Điểm du lịch thứ hai là dạng du lịch sinh thái kết hợp tâm linh đền, chùa. Từ mươi lăm năm trước tôi đã đi mấy chuyến ở đây. Khi đó nó vẫn còn hoang, thô mộc lắm. Những hoạt động dịch vụ, thương mại ăn theo du lịch tập trung chủ yếu ở cây đa đầu làng, mà cũng thưa thớt. Đã đi khuất vào trong là chỉ có thiên nhiên.
Ba năm trước trở lại đây tôi đã ngạc nhiên về sự khai thác tự phát thiên nhiên nơi này. Chính quyền địa phương chắc cũng chỉ tham gia điều hoà trật tự mưu sinh và thu các loại thuế, phí của dân chúng chứ cũng không có được một cái nhìn "du lịch bền vững".
Năm nay trở lại, thấy con đường đi được lát đá khắp chỗ, bên sườn dốc sâu có lan can, là những điểm tiến bộ. Nhưng dấu ấn của "du lịch nhân dân" hiện lên ở khắp mọi nơi. Từ con đường dài dằng dặc suốt cả khu du lịch nhìn đâu cũng thấy rác và không thấy thùng rác công cộng. Đủ các loại phế thải bao gói cho tới tiền giấy âm phủ.
Những máy thuỷ điện nhỏ cắm ở khắp dọc suối cùng với những kênh dẫn nước làm biến dạng dòng chảy và vẻ đẹp tự nhiên của đá suối. Những tảng đá to được kẻ các khẩu hiệu "đốt rừng là có tội" bên cạnh "không đi theo suối, có điện hở".
Con đường đi thỉnh thoảng lại xuyên qua một cái quán cấu trúc theo kiểu lối đi ở giữa, một bên bán hàng một bên sạp nghỉ. Ở một vài chỗ đất rộng, đặc biệt ngã ba xuống thác và lên đền, có cả một tổ hợp sạp nghỉ hàng quán hàng trăm mét vuông có thể so sánh với bàn cờ tướng mà "sông" chính là lối đi.
Thử đi xuống thác mang theo cảm nhận xưa, tôi bị dội vì các "công trình du lịch nhà thầu" đã bủa vây tầng tầng lớp lớp. Muốn đi xuống thác cũng phải chui qua một quán mà bản thân nó đã che mất một phần suối và những tảng đá sát bờ. Bên kia bờ mấy quán ở các cao độ khác nhau sẵn sàng tiếp đón. Quá chán nản tôi quay lại, không xuống nữa.
Sau bữa ăn bằng đồ mang theo, chúng tôi tiếp tục đoạn dốc lên đền. Đây mới là đoạn kiểm tra sức khoẻ của mỗi người. Động viên nhau đi từ từ, sẽ đến.
Trước khi đi tôi đã xem toạ độ GPS của chỗ nghỉ này, độ cao 180m. Đường đi vào theo suối men sườn núi khá thoải. Bây giờ mới là đoạn trèo lên. Đây là khu rừng quốc gia, cấm mọi việc khai thác lâm sản (chắc là trừ người dân sở tại khai thác sử dụng). Trông rừng có vẻ nguyên sinh. Thỉnh thoảng gặp cây hạt dẻ quả đầy gai, hoặc cây khế rừng rất sai quả, có cả quả gì giống trám đen, nhưng không phải. Dưới thấp thì rất nhiều nứa tép và cây sặt. Hôm qua mail cho TG.Quý, nói nhớ tụi mày ngày xưa phải "chặt phá rừng" với chỉ tiêu 10 cây/ngày. Cậu mail lại nói hình như 30 cây trong khi tù cải tạo chỉ 20-25 cây thôi. Chuyện tranh phá rừng với tù của học viên KTQS tôi cũng hay nghe Thanh Đường kể, mỗi khi có dịp. Chính con số 10 cây/ngày là của nó đưa ra mà.
Vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng cả hội cũng lên đến Tây Thiên Linh Từ, đền thờ Mẫu, ... (cái này phải để VTMai hướng dẫn), ở gian ngoài thờ cả cụ Hồ. Một cây đào già đang trụi lá chờ ngày xuân đơm hoa. Một cây hồng cũng già đầy quả chín vàng. Mấy bụi hoa mộc thơm ngát.
Sự tích ghi lại ngày xưa đây có đền, nhưng đổ nát. Ông Kỳ người địa phương phát tâm mở đường, dựng lại đền. Đến 1991 đền được nhà nước công nhận và phát triển tới nay. Mới mấy năm nay phía sau đền còn có chùa Tây Thiên. Lên đến quần thể đền chùa này (cao độ 520m) ai cũng thấy lòng thư thái. Ở đây còn có cây thông to nhất mà tôi từng biết, đường kính gần 2m. Không biết nó còn tồn tại được bao lâu, khi mà mật độ kinh doanh dịch vụ đang ngày một bành trướng. Thôi thì đã thấy nó mười mấy năm nay, hi vọng nó còn ở đó mười mấy năm nữa.
So với Yên Tử đường lên Tây Thiên ngắn hơn, độ dốc thấp hơn. Mấy người thể trạng khả nghi sau khi đi đây có thể tự tin để leo thử lên Yên Tử vào dịp sau. Không dễ nhưng không phải là tuyệt đối không thể lên.

Sáng chủ nhật, gặp Nam Tiến

7g15 sáng nay, điện thọai rung chuông và hiện tên "NAMTIEN T5". Vậy là thằng bạn có thể nói chuyện qua điện thọai.
- Tao về đêm qua và đang ở nhà bà chị?
- Sao vậy, không nằm viện à?
- Hãy còn thuốc mang từ Quế Lâm về, hơn nữa Viện 108 khám và thấy an tòan, nhất là nằm viện cả tháng nay rồi, mệt nên nghỉ nhà cho thỏai mái. Đã nói chuyện với Duy Anh, nó đi công tác xa nhưng bảo tao cứ nghỉ ngơi, chờ nó về.
- Này, con mày giờ thân với chúng tao lắm. Cậu nghiện blog Bantroi rồi.
- Hì... Cho tao cảm ơn và hỏi thăm thầy cô, bạn bè nhé! Tao đang sọan thư gửi chị Niệm.
- Sớm nay, tao cũng đã gửi thư cho chị Niệm và anh Cao để cảm ơn Y Trung cùng các cơ quan hữu quan. Ban Liên lạc trường sẽ có thư. Ê, phía trước còn đầy gian khó. Mày cố gắng nhé! Thầy cô và anh em luôn bên cạnh.
Cũng không dám con cà con kê nhiều để bạn nghỉ. Hẹn nó báo tin vui này ngay cho anh em mừng.

Thứ Bảy, tháng 11 24, 2007

Gặp đồng đội Lê Minh Tân

Trưa thứ năm, nhận đuợc tin nhắn của Lê Kinh Thông, đồng đội CCB và sinh viên Tăng - Thiết giáp của LS Lê Minh Tân, báo đã vào tới Sài Gòn. Trưa thứ bảy, gia đình Tân mời chúng tôi lại họp mặt. Với nghĩa tình đồng đội, tôi báo cho Đỗ Tấn Mỹ k5 (học sinh cô Lục, má Tân, ở Trường Học sinh miền Nam Hải Phòng. Lần trước hắn trách sao không báo để kịp đến dự lễ truy điệu. Lần này phải sửa sai!) và Võ Quốc Tấn k3 (người tham gia đón Tân về tại Quảng Nam hồi đầu năm). Hơi tiếc vì bận việc riêng mà Võ Tấn không đến được nhưng cuộc gặp mặt vẫn rất vui.
Tuấn Anh, người tham gia đón anh Tân về cùng Linh, lính ở Trung tâm KH-CN của Quang Bắc cũng có mặt. Chú em mới đi 1 vòng bên tây về, mang đến chai rượu mua ở Đức. Tôi vốn rất ghét rượu ngọai vì từng bị uống rượu "đểu" vài lần nhưng rượu này thơm và ngon thật! Uống cứ tuồn tuột.
Chú Bưởi, cô Lục cảm động khi gặp lại bạn bè thân thiết của Tân và hết lời cảm ơn anh em, nhất là cánh CCB Tăng-Thiết giáp. Nhưng anh Thông chỉ lắc đầu: "Đó là trách nhiệm và tình cảm của bọn con mà má". Thông nhắc lại kỷ niệm ngày ở chiến trường cùng đại đội với Tân. Năm 1972, Tân đi lính từ Bách khoa, còn Thông từ Tổng hợp, cả 2 đều về Tăng. Thông nhắc lại cả chuyện vui C trưởng Đòan Sinh Hưởng từng bảo: Ngày chiến thắng trở về, mày nhớ giới thiệu em gái cho tao. (Không ngờ bạn Quang "bành" k5 lại cuỗm tay trên!). Chuyến đồng đội cũ đi tìm Tân thế nào được Thông kể lại tỉ mỉ, cảm động. Cái hay ở đây là đồng đội lại đi tìm đồng đội!
Tấn Mỹ thì kể vanh vách chuyện những ngày ở Hải Phòng của bọn học sinh miền Nam trường 19, 21. Cô giáo Lục như được gặp lại các đồng nghiệp và được sống lại cùng bọn trẻ con những ngày này cách đây nửa thế kỷ. Ngày ấy, Tân có mẹ bên cạnh. Bọn trẻ nghịch ngợm còn phát hiện ra chỗ Tân dấu tiền của má cho trong cạp quần và lấy trộm đi ăn quà. Gian khổ đấy nhưng đầy kỷ niệm. Cô Lục rất phục trí nhớ của thằng trò nghịch ngợm này.
Có việc phải đi nhưng nghe đâu anh em còn ngồi tới tối.
Gia đình hẹn tháng 3 năm tới anh em nhớ về dự "giỗ đầu" của Lê Minh Tân.
(Ảnh sẽ được post sau).

14g30 thứ 2 mới nhận đuợc ảnh từ Hà Nội gửi vào. Trái qua: Linh (em Tân), Tuấn Anh, Lê Kinh Thông, KQ, Tấn Mỹ. Má Lục đứng phía sau.

Lễ cưới con gái Võ Hạnh Phúc

Trân trọng kính mời Bạn tới dự tiệc mừng lễ thành hôn của hai con chúng tôi

TRƯƠNG NGỌC ANH và BÙI VIỆT DŨNG

vào hồi 16 giờ 30, Thứ Hai, ngày 3-12-2007
(tức ngày 24-10 năm Đinh Hợi)
tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế
11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội

Hôn lễ được tổ chức tại tư gia
vào hồi 15 giờ ngày 3-12-2007
(tức ngày 24-10 năm Đinh Hợi)

Rất hân hạnh được đón tiếp

Nhà gái______________Nhà trai
TRƯƠNG GIA BÌNH__________BÙI HỒNG HÀ
VÕ HẠNH PHÚC_________NGUYỄN THỊ THÀNH


Thứ Sáu, tháng 11 23, 2007

Tin mới nhất từ Quế Lâm

Thư chị Niệm nhận lúc 9g06, sáng 23/11/07:

"- Chiều hôm qua, bà Tiêu Hiệu trưởng cùng Hiệu phó và Bí thư Đảng ủy của Y Trung đến chào tạm biệt Tiến và trao số tiền quyên góp của trường lần thứ 2, tuy không nhiều nhưng là tấm lòng đối với người bạn VN, cựu học sinh Trường Trỗi, lâm nạn.

- Khi Tiến vào viện, chị đã nhiều lần nói chuyện với bà Tiêu tìm cách để làm sao giúp được Tiến về kinh phí. Bà Tiêu tiếp nhận ý kiến rồi làm đơn trình lên Ban Đối ngọai Quế Lâm, từ đó công văn được chuyển đến Cục Giáo dục Quế Lâm, Cục Y tế Quế Lâm, Bệnh viện Nhân dân Quế Lâm. Vậy là hôm qua, bà Tiêu cho biết số tiền 2 vạn tệ phải trả tiếp cho bệnh viện được miễn hòan tòan.

- Sáng nay , Tiến đựoc khám lần cuối cùng, nếu không có gì đặc biệt sẽ cho chuyển viện. 8g sáng mai sẽ lên đường về Hà Nội.

Chị phải đi dạy đây. Chào! _ Mỹ Niệm".

Có gì vui hơn tin này!!!
Chúc mọi sự tốt lành với Nam Tiến, chúc chuyến hành quân hồi hương thắng lợi trọn vẹn!

Nửa thế kỷ một bộ sưu tập tranh về nước Nga

Rất khóai 1 comment của GM: "Hiếu ạ, chú không phải là Trỗi nhưng rất yêu lính Trỗi, giống như bạn chú tuy không học ở Nga nhưng rất yêu nước Nga!".

Nhân kỉ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mừơi Nga, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TpHCM trong 1 tuần (từ ngày 5 đến 11/11/07) có triển lãm tranh “Chân dung, phong cảnh Nga” của họa sĩ Trần Quân Ngọc. 57 tác phẩm (trên 120 bức tranh đã chuẩn bị) được trưng bày mà hầu hết là tranh sơn dầu.

Là thiếu sinh quân VN thế hệ 1950, anh được sang Trung Quốc rồi Liên xô học tập. Những năm đầu thập kỷ 1960, là sinh viên Hóa tại Matxcơva nhưng đam mê hội họa nên anh xin bằng đuợc để học thêm tại Đại học Mỹ thuật. Thiên đường của CNXH với những bảo tàng tranh đồ sộ ở thủ đô, ở Lêningrat… với những phong cảnh tuyệt vời và những con người giàu lòng nhân ái đã thấm đẫm vào con tim anh. Tốt nghiệp, anh xin thầy cho mang về 200 tác phẩm. “May mà ngày ấy vẽ trên catton chứ vẽ trên toan như ngày nay chắc chẳng mang về đuợc” – anh tâm sự. Rồi những tháng năm 1970, 1980 được quay trở lại Liên xô, cứ rảnh là với hộp màu nước khi thì đến Ba-cu, Bal-tích khi tới Xi-bê-ri, Vi-nhut… Lang thang khắp Liên bang. Bộ sưu tập lên đến hàng vạn tác phẩm nhưng anh với suy nghĩ rất mộc mạc: "Nếu đi, tớ sẽ tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật".

Anh có treo 1 bộ tứ bình "Xuân, hạ, thu, đông" với đặc trưng rất Nga: những bông tuy-lúyp vạch đất chui lên sau mùa đông lạnh giá, màu xanh của y cỏ dưới nắng hè êm dịu, màu vàng của lá khi thu sang và màu trắng của tuyết bên những nhà thờ đạo chính thống Nga có chóp hình củ tỏi... Anh ghi lại được cả phong cảnh ở 1 nhà nghỉ ven hồ nơi Bác Hồ đã đặt chân đến (tranh 3). Trong bộ sưu tập này, chân dung những bạn Nga chiếm phần không nhỏ: người bạn học từng là lính thủy, bà giáo hướng dẫn tốt nghiệp, chị công nhân dệt hay nữ nông trang viên...

Đặc sắc nhất là bức phù điêu Lê-nin làm bằng 300 chiếc huy hiệu có hình Lê-nin và những người thân cùng biểu tượng những sự kiện lịch sử trọng đại, do chính họa sĩ sưu tầm trong hơn nửa thế kỷ. Phải nói anh có những tư duy nghệ thuật đầy sáng tạo! Phần trán Lê-nin được gắn bằng huy hiệu những người thân trong gia đình: từ cha, mẹ, đến các anh chị em. Nét vẽ cằm ông là những huy hiệu: ngôi nhà nơi ông sinh ra ở quê hương, Cung điện Xmôl-ny nơi Người chỉ huy hàng nghìn binh lính cách mạng tấn công, lật đổ thành trì của CNTB Nga... có cả Lăng Lê-nin nơi ông yên nghỉ. Đặc biệt, anh Ngọc sưu tầm được cả huy hiệu đầu tầu hỏa kéo toa đặc biệt chở Người khi mất từ nhà nghỉ ở thành phố Gorky, ngọai ô Matxcơva (ông bị 1 nữ gián điệp bắn bị thương nên về đây dưỡng bệnh) quay trở về thủ đô.

Đúng dịp này, ngài Đại sứ Nga ở Singapore sang thăm TpHCM tới triển lãm phải thốt lên: “Không ngờ tại TpHCM này có một nước Nga thu nhỏ!”.

Xin cảm ơn họa sĩ Trần Quân Ngọc cho chúng ta trở lại với nước Nga thân yêu!


Thứ Năm, tháng 11 22, 2007

Số liệu về đọc trang tin

Mọi người đều cho là năm vừa qua không khí anh em Trỗi có "nóng" hơn. Là mấy anh em luẩn quẩn với mấy cái trang tin mạng nói vậy. Chứ anh em khác có nói thế không. Sợ là anh em trong mạng lại "nâng quan điểm".
Có lẽ so sánh thế này thì giống hơn: một nồi nước phở đun bằng ngọn đèn dầu. Cái đáy nồi chỗ có ngọn đèn thì nóng kha khá, các chỗ khác ấm lên một tí, trên cùng thì hầu như không có tác dụng. Thế nên cái từ "mọi người" ở trên cũng chỉ là mọi người chui vào trang tin thôi. Chứ với nhiều anh, cũng không khác các năm là mấy. Tôi cho thế cũng là bình thường và phải lẽ.
Sau khi cài dịch vụ phân tích số liệu thì kết quả cho thấy số người khác nhau xem trang tin BanTroi chỉ có 93 người. Con số thật có thể cao hơn (do trùng "nhận dạng mạng" khi sử dụng dịch vụ proxy), nhưng chắc là không quá hệ số 1,2 tức trên dưới trăm người.
Như vậy 1/10 anh em ta ở chỗ ngọn lửa đèn dầu, người này nói người kia nghe và lấy làm sung sướng. Nếu tính tỉ lệ trọng lượng tế bào thần kinh các loại với trọng lượng cơ thể người thì chắc có con số nhỏ hơn 1/10 nhiều. Lấy đấy làm phấn khởi.
Các con số: trong 2,5 ngày có 93 người, từ 7 nước, với 301 lượt (207/VN, 48/Úc-proxy, 31/Đức, 6/Tiệp, 5/Hung, 3/Ru, 1/Anh) xem trang tin BanTroi.
Tình hình là như thế, thông báo để các anh biết, chơi.

Tản mạn chiều thu

Đã thượng tuần tháng 11.
Mấy ngày nay Sài Gòn u ám, trời đầy mây, không thấy bóng mặt trời. Với người Hà Nội những ngày này mà lạnh là lẽ thường nhưng trong này lại là hiếm. Gió lạnh tràn về do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Bâng khuâng nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè, thầy cô...
Một mùa Noel sắp tới, một năm sắp trôi qua. Ai nấy bận rộn mưu sinh. Nhưng ngòai công việc riêng tư của từng người thì lính Trỗi năm rồi có nhiều việc cùng làm chung. Nào là gặp gỡ hội ngộ mỗi dịp có bạn ở xa tới (chưa nói là "ở tận bển" về mà chỉ cần từ Hà Nội vào hay Sài Gòn ra), nào là quyên góp cho con gái Phước Bình thay thận, nào là hành hương thăm lại "chiến khu xưa" (hết Mỹ Yên, Đại Từ đến Trung Hà, Hưng Hóa rồi xa hơn là đòan 100 lính cùng thầy cô thăm Quế Lâm, Trung Quốc), nào là ủng hộ Nam Tiến điều trị tim, nào là "ngọai giao nhân dân", nào là thành lập các chi hội Trỗi ở Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... nào là phối hợp họat động giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam, v.v... Trong năm nay, hình như làm chung còn nhiều hơn làm riêng?
Lính Trỗi quen sống tập thể, đến khi đã qua bên này dốc mà vẫn "ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà"(!). Nói vậy, con cái chúng ta đều phương trưởng và xứng đáng là con của lính Trỗi. Năm rồi nhiều cháu ra ở riêng. Chẳng cần thiếp mời mà chỉ mấy dòng nhắn trên blog Bantroi là mấy ông bạn già lại có dịp hội ngộ, nâng lên hạ xuống mừng bọn trẻ hạnh phúc.
Năm nay với lính Trỗi là năm của tình đồng đội, bạn bè!

Thư gửi Tổng quản Hữu Thành

Cháu là Nguyễn Đăng Hiếu, con bố Nam Tiến.
Thú thật với các chú, sau khi bố cháu bị bệnh bên Quế Lâm cháu mới biết đến Bantroi. Lúc đầu cháu cũng chỉ muốn lên đây để biết thêm thông tin về tình hình của bố cháu và để cảm ơn những gì các cô chú đã giúp đỡ gia đình cháu. Nhưng không ngờ sau khi tò mò đọc vài bài của các chú viết cảm thấy hay hay!
Sau 1 ngày làm việc mệt mỏi vào Bantroi thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn khi được đọc những suy nghĩ chia sẻ của các bậc tiền bối, những người đi trước và tự cảm thấy mình còn non kém quá. Những người viết bài đều đáng tuổi đấng sinh thành cháu mà vẫn giữ được bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, vẫn giữ được nét hóm hỉnh ngày nào. Thế mới biết "gừng càng già càng cay"!
Đọc "Chiếc va li bị mất", cháu ngồi cười 1 mình giữa đêm. (Không biết hàng xóm có ai nghe được không? Nếu có, người ta tưởng là ma thì khổ!). Đọc câu chuyện này mà tưởng như đang đọc tác phẩm của nhà văn người Thổ-nhĩ-kỳ A-dít-nen-xin!
Xem blog này chẳng ai nghĩ là các chú ai cũng đã bước qua tuổi 50 hết rồi, mà chỉ nghĩ các chú mới ngòai 20. (Chắc chắn cháu không nịnh!) .
Các chú cứ viết thật nhiều vào, để cháu được học hỏi nhiều hơn. Cháu chỉ đọc thôi và thỉnh thỏang comment, còn bài vở viết thì dở lắm.
Có đôi dòng cảm nghĩ của cháu về bantroi.blogspot.com. Có gì không phải các chú bỏ qua cho cháu nhé!
TB: Bantroi là blog đầu tiên cháu đọc đấy vì chả bao giờ cháu thích đọc những chuyện riêng tư của người khác. Nhưng Bantroi đúng là tâm sự của cả 1 thế hệ "Sinh ra trong khói lửa" nên có nhiều điều hay lắm các chú ạ.
Cháu chào các chú
Cháu Hiếu

Thứ Tư, tháng 11 21, 2007

PHIẾM BÀN: “GIẶC”

Dương Minh

Chắc là đang học lịch sử giai đoạn 1945-1954, con trai tôi hỏi bà nội “Bà ơi, gọi là “giặc ngoại xâm” cháu còn hiểu, sao “đói” với “dốt” cũng gọi là giặc”. “Cái gì làm hại cho dân cho nước thì gọi là giặc cháu ạ”. “Thế theo bà thì bây giờ còn giặc gì?”. “Ngoại xâm thì chỉ còn nguy cơ, chứ đói với dốt thì vẫn còn giặc. Báo chí vẫn nêu đấy thôi, bây giờ mình đang phải chống nghèo đói – đó là còn giặc đói, mình đang chống tụt hậu, nâng cao dân trí – đó là còn giặc dốt”.
Sau một lúc trầm ngâm như ông cụ non, cậu con trai tôi tiếp tục “Nói như bà thì bây giờ còn nhiều giặc khác nữa cơ!”. “Giặc gì, cháu kể ra cho bà nghe nào”. “Này nhé: giặc tai nạn giao thông, giặc tham nhũng, giặc tiêu cực, giặc lũ lụt, giặc ô nhiễm môi trường, giặc ức hiếp trẻ em…”. Nó kể một thôi – đúng là giọng con trẻ. Nhìn thái độ của bà nội, nó ngập ngừng nói thêm “Chắc bà sai quá, nếu kể ra thì vẫn còn nữa!”.
Mẹ tôi trầm giọng “Bà không sai, cháu còn nhỏ mà biết nhiều đấy! Chỉ một lũ cướp cũng phải coi là giặc cơ mà – đó là giặc cướp!”. “Thế mình có chống được tất cả giặc không bà?”. Bà quay sang tôi “Chuyện này cháu phải hỏi ba!”. Giật mình, tôi vội vàng chống chế “Mẹ trực tiếp tham gia chống giặc từ lúc 15 tuổi, nhiều kinh nghiệm, mẹ trả lời cho cháu luôn đi”. “Tất nhiên bà có suy nghĩ của bà, chỉ sợ bà già quá rồi cách nghĩ không hợp với ba con nhà anh thôi. Dùng “giặc” để chống “giặc” thì còn nhiều khó khăn lắm!”. Tôi ngẩn người “Bà nói thế con còn chẳng hiểu làm sao cháu nó hiểu được”.

D.Sô cẩn thận, Đ.Cương lên mạng thật rồi

Hơn tháng trước (17/10) có tin "Đ.Cương lên mạng". Anh em chờ mãi không thấy. Nay thì gã lên mạng thật, viết lời góp cho tin nói trên. Vì tin "chìm hơi bị sâu" nên tôi trích ra đây thành tin mới. Cũng đáng, vì trong hai tay "xoá mù tin học" thì Đ.Cương đi sau lại lên mạng trước, chả đáng đưa tin hay sao? Với lại lời của Đ.Cương là tình cảm sau nhiều năm không có dịp nói với tất cả anh em, đâu chỉ là lời góp. Đưa ra đây là để trân trọng tình cảm đó. (Ghi chú: TM trong thư của ĐC là chỉ VTM).

Hôm nay không đi nhậu ở nhà mổ cò vài chử chơi, chăc ở Leipzig Quý và Quang xèng đang đi chợ ,ở bên đó có tuyết chưa ? Sài Gòn có bị lụt D Sô chạy ra đây uống bia cỏ với Tôi nhé .Có đi Bình Thuận nhớ thăm cầu Vỉnh Hảo nhé .Còn Tôi vẩn vê thăm THSMN 18 và 21 luôn .Tớ đang muốn các Bạn bóc mẻ đấy,lắm lúc buồn nhớ lại lúc tuổi thơ và các Bạn nhiều ,40 năm rôì chưa nhìn thấy mặt D Sô đấy, Cậu ra đây tớ cho tắm rượu . Bây giờ nhiều thời gian ,không còn làm cửu vạn nửa nhưng vẩn còn máu lính lắm .Dông dài vài dòng buôn với các bạn , không thì bị phê bình hoài, nhất là TM và HT. Thôi chào và hẹn gặp lại ( Auf Wiedersehen)
Đại Cương

"Tính khí Trỗi" nhìn nhận sau một cuộc vận động


Một cuộc đối thọai

Vô tình nghe được cuộc nói chuyện qua điện thọai của bạn tôi: "Đại diện Trường Trỗi đấy à?". "Vâng!". "Này, làm báo cáo đi nhé!". "Báo cáo gì anh?". "Báo cáo họat động năm qua". "Hội hè, báo cáo báo chồn gì. Nếu phải báo cáo Trường Trỗi sẽ thôi không sinh họat". Bạn tôi nói rồi dập máy.
- Ai đấy? - Tôi hỏi.
- Ông Sĩ Ẩn cựu thiếu sinh quân VN 1950, Phó ban vận động thành lập Hội Thiếu sinh quân VN. Mấy bố này rách việc!
...

Một tuần vận động
Chiều thứ bảy phóng xe về nhà thì đựơc điện thọai Trần Lảnh: "Theo tôi, ta thử suy nghĩ rồi tổ chức vận động anh em đóng góp ủng hộ Nam Tiến. Hòan cảnh của nó...". "OK, từng tham gia cùng k4 năm rồi, sẽ làm. Nhưng ta chỉ phát động gói gọn trong k5 vì anh em Trỗi từ k1 đến k8 đều "đến lúc" cả rồi. Còn phải lo nhiều vụ như thế...". Sáng chủ nhật trao đổi qua điện thọai với Việt Dũng k5 ngoài Hà Nội : "Ông cứ nhắn tin phát động. Chúng tôi "bắn" tiếp rồi cùng thực hiện".
Chỉ sau 1 tiếng, những bạn đầu tiên từ Hà Nội đến TpHCM, Quảng Ngãi đã đăng kí. Rồi 2 đầu đã nhận được những số tiền đầu tiên. Có bạn ở xa như Quang Dũng (Huế), Mai Trung (Nha Trang), Phước Bình (Hà Nội) cử con gái mang tiền đến góp. Ở phía nam, anh em chọn JODEE làm "hòm thư lưu" cho việc giao dịch: các bạn cứ đến và cứ giao tiền cho nhà hàng. "Chuyện đâu phải chỉ của lính Trỗi nên được tham gia cùng các anh là vinh dự rồi" - chú Cao Tổng quản nói vậy!
Trong vụ này không thể không nhắc đến vai trò của cái anh Blog "Bán trời không văn tự" mà chúng ta "nuôi" nó hàng ngày. Có nó mà cả thế giới to như thế trở nên nhỏ bé, mà mọi người trở nên gần nhau và anh em đã biết tin mà ủng hộ!!! Thanh xờ kiu Bantroi!
Không chỉ trong k5 mà anh em các khóa lập tức hưởng ứng: "Việc này đâu phải chỉ của k5. Chỉ có một khái niệm Trỗi thôi!". Anh em từ k3, k4, đến k6, k7, k8 có mặt đầy đủ. Đạt "bột" k8, khi gặp nạn năm ngóai chúng tôi đến thăm muốn giúp đã bị từ chối quầy quậy, năm nay đã góp số tiền không nhỏ: "Tiền thuốc em có rồi".
Ngoài miền Trung đang lũ lụt, vậy mà Tấn Lợi là người đầu tiên qua đường bưu điện gửi tiền vào. Rồi Nhất Trung k5 ở Chi hội Quy Nhơn, Trần Việt Hoa k4 Chi hội Nha Trang lần lượt gọi vào xin địa chỉ đóng góp.
Có bạn quay điện thọai: "Làm ăn được thì phải làm từ thiện. Mà đóng góp để kéo dài sự sống cho đồng đội là việc làm từ thiện nhất thì sao lại không làm? Bọn tớ xin đăng kí 10 triệu. Này, xin được phép không xưng danh nhé!". Trỗi là thế đấy!
Ngô Phúc Chiến k5 Chi hội trưởng Vũng Tàu gọi về: "Vợ chồng tôi xin góp 500. Của ít lòng nhiều". Vậy là quá quý rồi!
Chủ nhật - ngày hẹn cuối cùng. 7g tối, vừa xuống sân bay, Chí Hùng phi thẳng đến JODEE đóng góp. Trong họp mặt k7, Văn Hòa, Lê Hòa Bình cũng rút ví ra làm từ thiện. Từ Vũng Tàu, Phúc Chiến nhắn tin về: "Tin giờ chót: thầy Hồng Tuyến, Bạch Quốc Đòan k7, Xuân Lăng k3 đăng kí ủng hộ".
Đúng là trong khó khăn mới hiểu hết lòng người.

Cuộc vận động mang đậm tính quốc tế
Thật là thiếu sót khi không nhắc đến sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban giám hiệu Trường Trung học số 1 Quế Lâm, nhất là chị Tiêu Hiệu trưởng, với Nam Tiến. Ngày nào chị cũng gọi điện hỏi thăm. Có thời gian rảnh là chị cùng đồng nghiệp tới bệnh viện. Quên làm sao được khi Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường phát động thầy trò quyên góp cho Nam Tiến- một người bạn VN không may lâm nạn. Chỉ sau buổi chào cờ đầu tuần truớc, các cháu học sinh đã góp được 500 tệ ủng hộ chú Tiến.
Quên làm sao được sự giúp đỡ, chăm sóc tận tình của chị Lư Mỹ Niệm, anh Lư Vĩnh Thắng, cháu Việt Hoa, của chị em họ Mã, chị em họ Thịnh, của anh Cao "tư lệnh" và các bạn Trung Quốc thân thiết.
Tất cả chúng ta đã cùng nhau đóng góp, ủng hộ vì sự sống còn của bạn Nguyễn Nam Tiến, vì tình bạn thân thiết giữa 2 nhà trường - Nguyễn Văn Trỗi và Y Trung, vì tình hữu nghị trường tồn giữa 2 dân tộc. Trong huyết mạch và sự sống của Nam Tiến hôm nay chứa chan cả máu và sự sống của các bạn Trung Quốc.
Tuyệt vời làm sao!

Sự đóng góp này đâu chỉ của lính Trỗi
Anh em k9 - bạn bè Trỗi, vợ con Trỗi - rất nhiệt tình hưởng ứng. Mà lạ là nhiều anh chị em Trỗi k9 chưa hề một lần gặp mặt Nam Tiến. Như Giang "mù" (Học viện Kỹ thuật quân sự) là một điển hình, anh ta nói đơn giản thế này: "Tôi là bạn của lính Trỗi thì Nam Tiến cũng là bạn tôi".
"Bốn phương vô sản đều là anh em" có khác!

Bàn giao
Đúng sáng ngày 20/11, sau một tuần đóng góp, ban vận động tổng kết đã thu được 70,7 triệu đồng (mà thầy trò phiá Nam đã ủng hộ: 34 triệu, phía Bắc: 36,7 triệu).
Khi chúng tôi tìm đến nhà Nam Tiến, chả hiểu gia đình có nói trước cho hàng xóm hay không mà xe vừa dừng, nhìn ra thấy vẻ mặt bà con ai cũng xốn xang như được gặp ân nhân của chính mình. Còn chúng tôi thực sự cảm thấy thanh thản vì vừa làm xong một việc tình nghĩa vì đồng đội.
Số tiền được bàn giao cho gia đình. Lan - vợ Nam Tiến - nhận và định cất đi thì Trần Lảnh yêu cầu: "Em phải đếm kĩ vì bọn anh cũng chỉ là thừa ủy quyền".
Khi chia tay, Lan cảm động nói: "Em xin thay mặt nhà em và các cháu cảm ơn các anh rất nhiều!". Có gì đâu, lính Trỗi bọn anh là thế!

Thứ Ba, tháng 11 20, 2007

Thần Đồng (đố tục giảng thanh)

Anh Hải (bạn của Ngọc Tuấn, cùng đi chuyến QL) đọc trang tin của anh em mình, ngứa ngáy gửi một bài "đố tục giảng thanh" sưu tầm được. Âu cũng là phong cách dân gian thời hiện đại, xin giới thiệu với các bạn.

Cu Tèo năm nay 6 tuổi, học lớp 2 trường tiểu học . Nhưng được tiếng thông minh, như thần đồng tí hon
Mấy tuần lễ vừa qua Tèo vào lớp chỉ ngủ, không chịu học hành gì cả Cô giáo gạn hỏi, Tèo nói:
Thưa cô, học chán lắm rồi. Cái gì Tèo cũng biết cả, học làm gì nữa. Chương trình học thấp lè tè. 'Cô xin cho Tèo lên học Trung học đi.'
Cô giáo dẫn Tèo lên văn phòng Ông Hiệu Trưởng, trình bày đầu đuôi câu chuyện.
Ông Hiệu Trưởng bán tín bán nghi, bàn với Cô giáo là, Ông và cô sẽ thay nhau trắc nghiệm, cả về kiến thức tổng quát, toán học và khoa học xem Tèo có đúng là thần đồng để được lên Trung học, học trước tuổi không . Ông Hiệu Trưởng lần lượt hỏi:
25 lẩn 25 là bao nhiêu?
Tèo chằng cần tính toán trả lời ngay: Dạ, 625
Công thức tính diện tích hình tròn?
Dạ : bình phương bán kính nhân với số pi.
Nước bốc hơi khi nào ?
Dạ : Nươc bốc hơi ở độ sôi 0 độ C.
Tiền bốc hơi khi nào ? Thầy Hiệu Trưởng tự cười thầm vẻ chờ đợi thì em bình tĩnh trả lời: Tiền bốc hơi khi để hớ hênh nhất là lúc đông người. Sau gần một giờ sát hạch Thầy Hiệu Trưởng hài lòng về kiến thức của Tèo.
Yêu cầu cô giáo hỏi tiếp phần kiến thức tổng quát.
Cô giáo : Con gì càng lớn càng nhỏ.
Ông hiệu trưởng chột dạ nhưng Tèo đáp ngay: Con cua có hai càng không bao giờ bằng nhau.
Cô giáo : Trong quần Tèo có cái gì mà Cô không có ?
Ông Hiệu trưởng giật nẩy người, Tèo điềm tĩnh trả lời: Trong quần Tèo có 2 túi quần,quần Cô không có.
Cô giáo : Da con gái ở đâu trắng nhất ? Ông Hiệu Trưởng mặt đỏ bừng, nhưng Tèo thản nhiên dáp : Ở Châu Âu
Cô giáo: Lông đàn bà ở đâu quăn nhất? Ông Hiệu Trưởng tái mặt nhưng Tèo trả lời đễ dàng: Dạ ở Phi châu
Cô giáo: Cái gì ở giữa 2 chân của Cô? Ông Hiệu Trưởng sợ đến há hốc mồm.Tèo nói tỉnh bơ: Dạ là cái đầu gối.
Cô giáo: Cái gì trong người của Cô lúc nào cũng ẩm ướt ? Ông Hiệu Trưởng sợ đến gần chết điếng người, ra dấu định cho ngừng ngay cuộc sát hạch nhưng Tèo đáp lạnh lùng: Dạ là cái lưỡi.
Cô giáo: Cái gì của Cô vốn nhỏ bé nhưng nó rộng lớn ra khi Cô lập gia đình?
Ông Hiệu Trưởng ra dấu không cho Tèo trả lời nhưng Tèo vẫn đáp một cách nhẹ nhàng: Dạ là cái giường ngủ
Cô giáo: Cái gì mềm mềm, ươn ướt nhưng khi vào tay Cô một hồi thì cứng ra ?
Ông Hiệu Trưởng không dám nhìn cô giáo. Tèo đáp gọn lỏn: Dạ thuốc sơn móng tay.
Cô giáo: Cái gì dài dài như trái chuối, Cô cầm một lúc nó chảy nước ra?
Ông Hiệu trưởng đứng phắt dậy.định nạt cô giáo bắt ngưng.
Tèo nói nói một cách lạnh lùng: Dạ, cây cà rem.
Cô giáo : Mẹ em thích sờ nắn nhất cái gì trong người của bố em?
Ông Hiệu Trưởng toát mồ hôi hột, la lớn: Thôi:"Cô giáo không được hỏi nữa, đủ rồi".
Tèo nghiêm trang nói : Thưa Thầy, Cô cái ví tiền ạ.
Ông Hiệu Trưởng sướng quá đồng ý gửi Tèo lên trường Đại Học ngay, không cần qua Trung. học nữa
Ông nói với cô giáo : Nãy giờ Tèo nó đáp đúng cả, còn tôi nếu trả lời, tôi không đúng đến được một câu.!. .

THÔNG BÁO ĐÁM CƯỚI

-Ông Đặng Lộc , Bà Nguyễn Thị Giang, Đội Cấn, Ba Đình, HN
- Ông Nguyễn Trung Liêm, Bà Võ Thị Bạch Tuyết Paster, Q3, Tp HCM
Trân trọng thông báo LỄ THÀNH HÔN của con chúng tôi

Đặng Nguyên Hoàng( Trưởng nam) và Nguyễn Thị Minh Hiền ( Trưởng nữ )

Hôn lễ được cử hành tại tư gia vào lúc 10 h ngày 18 tháng 11 năm 2007 ( nhằm ngày 9 tháng 10 năm Đinh Hợi)

Sự hiện diện của các bạn là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi.

Kính báo

Chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo VN

Nhân ngày Nhà giáo VN 20/11, xin kính chúc các thầy cô giáo Trường Trỗi mạnh khỏe, hạnh phúc! Xin chúc các bạn Trỗi đang làm nghề giáo mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
Cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970)

Thứ Hai, tháng 11 19, 2007

Vẩy tay Đạt Ma Dịch Cân Kinh

Hồi anh Thanh Minh ra HN để đi Quế Lâm, rất để tâm đọc tập tài liệu "Vẩy tay Đạt Ma Dịch Cân Kinh" do anh Tương Lai photocopy cho tôi. Khi về lại TP HCM anh TM mang tài liệu đó về theo, đến bây giờ chắc là đã luyện kha khá rồi.
Chuyện tập vẫy tay thì đã có nhiều người nói là tốt. Anh Thao láo k4 mình cũng lập ra một cách vẫy và cũng nghe nói là tốt.
Tóm lại có vẻ như cứ vẫy là tốt, nhưng phương pháp thì nhiều cách. Cách ở tài liệu nói trên có vẻ đâu ra đấy, lại không đơn giản chỉ có vẫy mà phải kết hợp các trạng thái khác của cơ thể. Vì thế có thể nó tốt hơn chăng. Nghĩ vậy nên tôi phổ biến nó ở đây để ai quan tâm thì đọc và tập thử.
Bản quyền tài liệu này không thấy được nhắc nhở, dù sao tôi cũng vẫn để tên và địa chỉ của người biên tập được ghi trên đó.
Các anh có thể hỏi thêm các anh TL, TM, tôi nghĩ các anh ấy có tập qua, sẽ trao đổi được vài điều.

Thư từ Quế Lâm

13g mở email thì được thư chị Niệm:

"Sáng qua, chị vào bệnh viện gặp được ông bác sĩ phụ trách Nam Tiến. Ông cho biết ý kiến hội chẩn của các chuyên gia là: Kiến nghị chuyển Tiến về các bệnh viện ở Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Nam Ninh để phẫu thuật vì điều kiện ở Quế Lâm không tốt bằng. Bệnh viện chờ ý kiến gia đình. Nếu đồng ý chuyển viện thì vẫn phải tiếp tục điều trị bằng thuốc để cải thiện tình hình sức khỏe mới di chuyển an toàn, kể cả việc chuyển về Hà Nội. Qua xét nghiệm thấy bệnh tiểu đường chưa thật nghiêm trọng nhưng phải kiêng ăn những thứ có hàm lượng đường cao.

Bà Hiệu trưởng Y Trung sáng mai sẽ vào thăm và chuyển số tiền mà thầy trò Y Trung đã quyên góp được cho Tiến. Sau đó sẽ gặp lại Giám đốc bệnh viện trao đổi 1 số vấn đề liên quan.

Cảm ơn các bạn Trường Trỗi đã quan tâm đến cháu Bằng đang học tập tại Hà Nội.

Mã Quân gửi lời hỏi thăm các bạn".


Câu hỏi của trẻ con

Vào một ngày đẹp trời, Lãnh đao quyết định tới Văn Miếu để tích luỹ bổ sung "Nguyên khí quốc gia" sau kỳ Hội lớn. Tới cổng gặp một đoàn thiếu nhi đang hăm hở đi vô. Xoa đầu cháu nhỏ, lãnh đạo thắc mắc : " Ngày nghỉ, các cháu không đi khu vui chơi cho thoải mái, vào đây làm gì?".Học trò lễ phép: " Dạ thưa bác, chúng cháu muốn biết có thật "Nước mình nghèo mà có nhiều người tài" không ạ?". Lãnh đạo gật gù: " Như người Nhật, thoát khỏi câu "Nước ta rừng vàng, biển bạc", anh Giáo dục có đổi mới , được". Trên đường trở ra, gặp lại các cháu, Lãnh đạo hào hứng hỏi: " Các cháu thấy thế nào? "- " Dạ, chúng cháu biết rồi ạ. Đúng là nước mình nghèo nhưng vẫn có vô số người tài"- " Tốt" Lãnh đạo phấn khởi; " Thế các cháu còn thắc mắc gì nữa không?"- "Dạ có - Chúng cháu muốn biết tại sao nước mình nhiều người tài thế mà vẫn nghèo?" Lãnh đạo... (rủi quá- hết pin không tác nghiệp tiếp đươc-cáo lỗi) TL( phóng tác chuyện Dân Gian)./.

Bài học từ con

Phải nói nền giáo dục hiện nay xuống cấp không ít nhưng về mặt nào đó bọn trẻ được học nhiều cái hay mà khi bằng lứa chúng, ta chưa đuợc học.
Hồi con gái tôi học lớp 2. Một lần từ lớp về, cháu hớn hở hỏi: "Ba có biết Pushkin không?". Tôi đùa: "Ba chỉ biết Phút-kin hay Bút-kin gì đó. Ông ta là nhà thơ vĩ đại người Nga, phải không?". Rồi cháu kể hôm nay được học 1 bài thơ hay của ông cùng xuất xứ của nó...
... Hôm đó, giờ văn, thầy chỉ 1 cậu bé:
- Em hãy tự làm 1 bài thơ 4 câu!
Bị gọi bất ngờ, mặt cậu đỏ gay, lúng túng đứng lên, gãi đầu gãi tai. Rồi cậu nhìn ra phía cửa sổ, ấp úng đọc:
- Mặt trời... Mặt trời... đang mọc... ở... ở đằng tây...
Vừa hết câu, cả lớp đã cười ồ. Thầy khẽ nhăn trán rồi chỉ vào trò Pushkin: "Em hãy làm tiếp bài thơ còn dở của bạn!". Không cần suy nghĩ, Pushkin nhanh nhẹn đứng lên, cứ thế mà đọc:
Mặt trời đang mọc ở đằng tây
Thiên hạ ngạc nhiên chuyện lạ này
Ngơ ngác nhìn nhau và cùng hỏi:
Thức dậy hay là ngủ nữa đây?

Chủ Nhật, tháng 11 18, 2007

Bức tượng

Tương Lai

““Tình yêu bất tử" phóng tác theo tượng của Mikenlangelo”. Đấy là lời giới thiệu của Phước Bình về bức tượng anh ấy tặng cho Mirek. Thấy ngờ ngợ vì cách đây mấy chục năm tôi đã nhìn thấy bức ảnh chụp kiệt tác này ở nhà Quang xèng khi họ mới cưới nhau ...
Loay hoay tra cứu 1 hồi, xin đưa ra nhận xét để các bạn thẩm định nhé. Mikenlangelo là họa sỹ thời Phục hưng ở Ý - không phải là nhà điêu khắc. Theo tôi: Rodin – họa sỹ và là nhà điêu khắc người Pháp cuối thế kỷ XIX có nhiều bức tượng rất nổi tiếng.
Trong đó “Mùa xuân vĩnh cửu” (Eternal Springtime) và “Nụ hôn” (The Kiss) có thể là nguyên mẫu mà các nghệ nhân Ngũ Hành Sơn đã tham khảo để chế tác tặng phẩm của Phước Bình (xem hình). Như vậy lần sau các bạn tặng ai bức tượng giống thế chỉ cần giới thiệu “Tình yêu bất tử" của nghệ nhân Ngũ Hành Sơn là chuẩn 100%.
Tiện thể nói luôn bức “Người Suy nghĩ” (The Thinker) cũng là của Rodin.

(Lời NXB: anh Tương Lai có chuẩn bị một số ảnh kèm theo. Nhưng thấy kích thước của chúng nhỏ quá, tôi đã lấy trên mạng một số ảnh khác rõ hơn. Tuy nhiên những ảnh này và cả ảnh của anh T.Lai chuẩn bị đều không phải là bản gốc của Rodin. Chúng đều là các bản sao thương mại các tượng cùng tên của Rodin).

ĐI CHƠI CŨNG PHẢI BÌNH BẦU

Chả biết tự bao giờ, VN mình có tục là làm bất cứ chuyện gì cũng phải đem ra bình xét. Trên cơ sở của tập tục truyền thống đó. Tôi xin trộm phép anh Tương Lai (người “gốc” của Ban thi đua TW) được mạo muội đôi lời, nhằm tôn vinh kịp thời gương “ người tốt việc tốt”.
Số là thế này. Trong chuyến hành hương của Trỗi vừa rồi đã xuất hiện hai ngôi sao sáng chói trên bầu trời Quế Lâm, rất đáng để anh em ngưỡng mộ.Tất nhiên chúng tôi không quên đánh giá rất cao tinh thần tận tụy với bạn bè của Dũng K5 và Thịnh k9 và nhiều “ sao xẹt” khác.

PHẦN I

1/ Sao thứ nhất: Trần Ngoại trưởng – Nhà ngoại giao bẩm sinh:

Bằng khen ghi tóm tắt:

- Người đã có công nâng tình hữu nghị Việt- Trung lên tầm cao mới.

- Người đã hy sinh quyền lợi cá nhân, xả thân vì đại cuộc đề cao uy danh Trỗi trên trường Quốc tế .

Cụ thể : Bạn mình đã phải lao tâm khổ tứ, chuẩn bị cho “chuyến đi lịch sử” rất công phu ngót cả năm trời. Mr Trần thực sự đã phải xoay trần, dàn dựng kịch bản rất chi tiết và chu đáo, giải quyết hàng loạt vấn đề kỹ thuật một cách rất tự nguyện . Liên kết , phối hợp Ta- Tàu bài bản đâu ra đấy, tình nghĩa tràn đầy, làm Bạn chỉ còn biết thốt lên “Hảo ..Hảo”. Bạn hiểu thêm ta- con người VN thủy chung , nhân nghĩa.

Công sức, nhiệt tình của Trần Ngoại trưởng bỏ ra không uổng. Vậy chúng ta đã làm được chuyện gì tại Y Trung ?
Phải nói bằng sự đóng góp tập thể, chúng ta đã khắc sâu dấu ấn về mối quan hệ giữa hai trường. Toàn những chứng tích hữu nghị, nồng thắm, lưu giữ ngàn thu. Bia đá( bền vững , trường tồn) , trồng cây ( mãi mãi xanh tươi). Hàng trăm năm nữa con cháu mình đọc tấm bia đó chúng nghĩ gì nhỉ ?

Cha ông chúng từng có những tháng năm như thế, dấu ấn trong lòng người thật khó phai.

Chuyến đi thành công đã “ rải thảm đỏ” cho các bạn tham gia những chuyến đi sau. Cánh Con Trỗi du học tại QL chắc sẽ được quan tâm,hưởng “ chính sách” nhiều hơn do mối quan hệ tốt đẹp chúng ta mang lại…

Các sự kiện diễn ra quá nhanh, cấp tập làm chúng ta như bị cuốn trong dòng chảy- nên có thể làm nhiều bạn quên đi một điều cốt tử , hoặc có phát hiện ra lại coi như chuyện “ đương nhiên mà có”.
Không đơn giản vậy đâu các bạn ạ. Điều đáng nói là chúng ta đã làm được chuyện này trong thời HẬU TRỖI, khi mà thực sự về mặt tổ chức Trường không còn nữa. Sự gắn kết của Trường hoàn toàn được đặt trên cơ sở tự nguyện, vì tình cảm anh em mà đến với nhau. Cái hay là ở đó mà cái khó cũng chính là ở đó. Mọi hoạt động phối hợp, hợp đồng đều được đặt trên cơ sở “ tín chấp”. Chẳng ai “lệnh” được cho ai, toàn “công dân tự do” cả . Thế mà chúng ta đã làm được.
Bởi vậy, đây không phải là việc làm có tính khoa trương, ồn ào chiêng trống, mà nó lại mang nhiều ý nghĩa và nội dung sâu sắc hơn - Như một minh chứng hùng hồn cho hoạt động của Trường Thiếu sinh quân NVT.
Tôi muốn nói đến SỨC SỐNG của Trường Trỗi .Trường ta vẫn tồn tại và phát triển như một thực thể. Điều kỳ lạ là quân số không ngừng phát triển mới hay. Đấy các bạn cứ nhìn danh sách K9 ngày một dài thì rõ.

Xin trở lại việc Mr Trần. Tiếp xúc với ông- con người của “trăm công ngàn việc” những ngày đó mới thấy nể . Làm thế nào một người có thể tiếp đón cả trăm người, nhậu quần quật cả trăm lít bia nhưng khi đăng đàn phát biểu vẫn đúng bài, đúng bản ! Đó chính là “võ” của ông.
“ Năng lực cán bộ” còn được thể hiện qua việc xử lý các tình huống đột xuất đầy trách nhiệm với anh em trong đoàn- một thái độ đa đoan đáng quý, đến mức suýt toi cả “con chíp” bộ “vi xử lý”.
Mr Trần đã phải hy sinh các chuyến du ngoạn mà lẽ ra mình được hưởng như mọi thành viên khác. Có người nói với tôi : “Có ai “bắt” ông ấy phải làm thế đâu?”. Chính sự tự nguyện làm nên giá trị và ý nghĩa của công việc. “Hữu xạ tự nhiên hương” là thế, mong ông tiếp tục phát huy.

Cuối cùng, để Bản thành tích này có thêm nhiều màu hồng. Tôi xin được trích lời một bạn gái sau “vụ án chiếc va li”:

“Trần Ngoại trưởng bị tẩu hỏa một cách thật…đáng yêu”!

TM

( còn tiếp Phần II)

Kết thúc đợt ủng hộ Nam Tiến

1. Do điều kiện cần gấp rút ủng hộ bạn Nam Tiến chữa bệnh nên Ban Liên lạc k5 tuyên bố kết thúc đợt vận động ủng hộ.
Kết quả ủng hộ từ 11/11 đến 18/11/07:
- Phía Bắc thu đã được 28.600.000đ cùng 250 tệ của Hoàng Chương k5 (còn 7.800.000đ đã đăng kí nhưng các bạn đi công tác xa chưa kịp nộp).
- Phía Nam đã thu: 31.000.000 đ.
Số tiền này chúng tôi sẽ chuyển ngay cho gia đình.
Chiều qua, thầy Hồng Tuyến kịp gặp Chi hội Vũng Tàu để chuyển 300.000đ cho k5. Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo, anh em Trỗi và các bạn Trỗi đã nhiệt tình ủng hộ suốt tuần qua!
Các tập thể và cá nhân còn nhu cầu ủng hộ xin liên hệ với gia đình (Lan, vợ Tiến: 08-8605478) hoặc qua Ban Liên lạc K5 (Hoàng Việt Dũng 0912070864, Lê Bình 0982275053, Kiến Quốc 0903830939, Trần Lảnh 0908891455).

2. Tình hình bệnh tật Nam Tiến:
Chúng tôi đã nhận được hồ sơ bệnh án của Tiến gưỉ về từ Quế Lâm. Bác sĩ Thịnh (Trường Bé) sẽ giúp dịch ra tiếng Việt. Đã trao đổi với bạn Duy Anh k5 về việc điều trị. Ở VN điều trị tốt nhưng cơ bản tình trạng bệnh tật của Tiến có cho phép về VN điều trị hay không.
Hiện còn 3 điểm tắc mà có 1 vị trí chỉ cho qua 10% lượng máu. Vì vậy sức khỏe Tiến vẫn còn yếu. Bệnh viện Quế Lâm vẫn đang theo dõi để chuẩn bị phác đồ điều trị.