Thứ Hai, tháng 11 30, 2009

Chương trình... gây mê tin học

Với người khác thì gọi là xoá mù. Nhưng với HX.Thuỷ thì phải gọi là... gây mê cho đúng với nghề nghiệp của gã.
Cám ơn VTM đã thải máy (đời Tống) kịp thời. Bây giờ chỉ còn có việc Thuỷ bều làm quen với máy tính.
Thành thực mà nói cái máy này dùng lâu sẽ thành... tật. Vì VTM dùng bàn phím Hunggari, lại Windows tiếng Hung luôn. Đọc mãi chả luận ra chữ nào. Lại không có ổ đĩa CD nên không cài lại được. Nhưng mà không sao, cứ để mê rồi thì gì cũng được.
Nhất Trung lãnh trách nhiệm chỉ bảo tận tình và kiểm tra việc kéo mạng về nhà của tay chơi mới nhé.
Thứ Tư sẽ bàn giao để thứ Năm "em nó" theo chàng về Nam. Hi vọng cho tới khi đó "em nó" vẫn mạnh giỏi; tôi không nghi ngờ vì nó thuộc dòng nồi đồng cối đá. Chỉ sợ sau này nhiễm virut thì khó làm lại máy.

Tản mạn về rượu... ta

"Rượu ta" tái xuất giang hồ tại đây.
Bài của anh Quang Trung.

Bài đăng dẫn tới tài liệu trên mạng

Anh QT "ngại quá" vì bài dài đăng trên mạng anh em đọc sẽ đứt hơi. Vậy thì hãy áp dụng cách đăng bài dẫn tới một tài liệu trên mạng để xem chi tiết nếu có quan tâm, tại đây.
Thực tế có thể hơi khác hướng dẫn, coi như để có chỗ để tìm tòi.

Chủ Nhật, tháng 11 29, 2009

Do sơ xuất vì đã cài đặt trước bài đăng nên bài" Những hiểu biết thông thường về rượu "Ta" " đã XB không như mong muốn của QT. xin mời anh chị em tiếp tục theo dõi bài khi có thời gian thích hợp. xin cám ơn!

Thứ Bảy, tháng 11 28, 2009

TIN BUỒN

Cụ bà : Phạm thị Đợi
Thân sinh anh Trần Việt Hoa khóa 4
Từ trần vào lúc : 17 giờ 50 ngày 27 tháng 11 năm 2009
Thọ : 87 tuổi
Tang lễ cử hành tại gia:
Số 44/8 đường Biệt Thự,Thành phố Nha Trang,Khánh Hòa
Nhập quan: lúc 07 giờ ngày 28 tháng 11
Di quan: 15 giờ ngày 29 tháng 11 năm 2009
Hỏa Táng :tại Nhà Hỏa Táng Phía Bắc Thành phố
Kính báo!

Người Hà Nội

Hôm rồi đi khám sức khỏe tổng quát. Chuyện “cân, đo, đong, đếm” thì chẳng có gì mà nói. Nhưng chuyện tôi muốn nói lại nằm ở ngoài hành lang.

Thấy 1 thằng tóc bạc tới, mấy đứa y tá xăng xái giúp đỡ. 1 đứa cầm lấy giấy ghi giùm tôi. : Chú sanh năm nào? Ở đâu? … Hà Nội à. Chú là người Hà Nội? …. Rồi tôi vô phòng khám.

Một hồi sau lại quay trở lại hành lang ngồi chờ các bác sĩ kết luận và đóng dấu cho đúng pháp lý. Lúc này mới thấy mấy đứa y tá ngồi “tám”. Không biết mới có chuyện gì, mà vừa thấy tôi, 1 đứa nói : Đấy, như chú này, người Hà Nội có khác! Chú lúc nào cũng lịch sư, đàng hoàng chớ đâu như ổng, nói khó nghe quá. – Đứa khác quay lại hỏi tôi : Chú ở Hà Nội, ở quận nào vậy chú? – Vâng, tôi ở quận Hai Bà, nhưng vào đây lâu rồi. – Nó quay lại mấy đứa kia : Nghe là biết ngay người Hà Nội, mà đúng là Hà Nội 1. – Tôi hơi “hoảng”, vội hỏi : Xin lỗi mấy cô,… mà có chuyện gì …? – Dạ không có chi. Chỉ bởi hồi nãy có 1 ông cũng nói giọng Bắc, nhưng tụi cháu nghe biết ngay không phải là Hà Nội nên nói vậy thôi.

Câu chuyện dừng ở đây vì tờ giấy đã có dấu đỏ, nên tôi cám ơn và đi về. Song cho tới lúc về tới nhà tôi vẫn thấy “sướng âm ỷ” vì mình là người Hà Nội dù đã đi xa hơn 30 năm rồi.

Hình : 2 thanh niên HN năm 1971 – Hameo & Quân Chính k6

Thứ Năm, tháng 11 26, 2009

Giải lao cuối tháng

Cuối tháng vãn việc, xét nguyện vọng KVk7 muốn đưa bạn cựu chiến binh 72 lên thăm Trần Hà, chúng tôi làm một chuyến lên Sơn Tây. Chả là hồi mới nhập ngũ vào chiến trường đám lính mới của KV và anh bạn Tín bị phân làm anh nuôi cho các đơn vị trong sư đoàn. Anh Tín về làm anh nuôi cho đại đội quân y của Trần Hà, hồi đó mới năm thứ 3 đi phục vụ chiến trường. Hai anh giờ đã nhận ra nhau và liên lạc nhờ KV ít hôm nay.
Đến Sơn Tây thả ngay anh Tín vào chỗ Trần Hà cho hàn huyên. Nhân thể chúc mừng cậu mới có cháu nội đích tôn.
Quân Sơn Tây nhà mình lên ông nội cả. Thanh Bình có cháu nội gái chắc mới đầy tháng ít ngày. Cậu đã kém khoản cháu đích tôn lại còn mất vợ đi làm ô-sin cho con dâu dưới Hà Nội, ở nhà một mình quanh quẩn với vật nuôi cây trồng. Ấy là lý do lâu lâu lại nhận được cuộc gọi "sao lâu không thấy ai đi hướng này?". Vậy mà có bạn đến thăm là cậu đã thu xếp "tiện xe chuyển về HN ít mật ong cho khách quen", tất nhiên "đầu nậu" Thao láo có tên. Thật khéo thu xếp! Chuyến về chở hơn 4 chục lít, quá nửa là của anh em... trong đoàn. Xem ra Thanh Bình làm đầu mối cung cấp mật ong khá mát tay, mỗi mùa vài ba tạ lấy giúp anh em.
Kế hoạch buổi trưa gọi anh em Trỗi ra quán "góp" cho đơn giản khỏi phiền ai, còn Đào Thanh k7 và Sùng Hải k8. Cuối cùng thì lại chạy ra Sùng Hải ăn trưa.
Bữa trưa có gì ăn nấy khá ngon: cá mòi biển lên đẻ rán giòn. Đặc biệt có con cua sông to bằng lòng bàn tay, mình dầy nhiều thịt, nghe nói cũng từ biển lên đẻ. Mỗi năm ở sông Hồng trong khoảng hơn tháng có hai thứ của độc này. Ấy vậy mà hỏi một người quen, dân Hưng Yên ven sông Hồng, họ chỉ biết đến cá mòi chứ cua sông thì không.


Sùng Hải nói gọi là cua sông cho nhanh, chứ tên nó là cà-ra trong bài đồng dao "bắc kim thang cà ra bí rợ...".
Cuối buổi chụp ảnh ba cựu chiến binh với ông chủ nhà rồi ra về, chiều còn làm việc muộn.

CÂU CHUYỆN ÔNG NOAH

Tôi chép lên đây một số trích đoạn trong quyển Rượu vang món quà của Thượng đế
của tác giả Lê văn một con người có tình yêu và đam mê vô bờ với rượu vang,để các bạn xem cho vui.

Một câu chuyện truyền kỳ, băt nguồn từ một đoạn trong kinh Cựu Ước, kể lại rằng:
Trong thượng cổ thế gian này đã có lần phải trải qua một trận lụt khủng khiếp ,một cơn đại hồng thủy,khiến cho mọi sinh vật sống trên mặt đất đều bị hủy diệt. Đó là vì hồi ấy nhân loại trở thành sa đọa,tội lỗi đến nỗi Chúa muốn hủy bỏ hết đi,để tạo dựng một lớp người mới,thanh sạch hơn thay thế vào đó.
Chỉ có một gia đình trung thành với Chúa là gia đình ông Noah,nên Chúa bèn bảo ông đóng một chiếc Tầu thật lớn,chứa đấy đủ lương thực và vật dụng,rồi tuyển lựa trong các loài sinh vật, mỗi loài hai con,1 đực,1 cái để đưa xuống tấu.Khi mọi việc đã hoàn tất,Chúa cho mưa lũ rơi liên tiếp trong 40 ngày và 40 đêm, làm chìm ngập và giết chết tất cả mọi vật.
Khi mưa tạnh và nước lụt rút dần đi, gia đình ông Noah lại đặt chân xuống đất liền để cày cấy chăn nuôi tiếp tục cuộc sống.Lúc ấy ông thấy có rất nhiều cây nho mọc hoang dại ở khắp nơi và những chùm nho chín mọng thì thật là thơm tho ngon ngọt.Ông sai con cháu đi hái nho về để ăn dần. Nho đem về nhiều đến nỗi ăn không hết, ông bèn ép lấy nước uống.
Một hôm ông có viêc phải đi xa khá lâu. Khi về đến nhà thì trời nóng bức, ông vừa mệt vừa khát nên nghĩ ngay đến chum nước nho ngọt mát mà ông đã cất để dành. Ông lấy ra uống ừng ực cho đã khát. Nhưng quái lạ ,chất nước nho quen thuộc mọi khi hình như đã biến đổi khác hẳn,từ mùi đến vị.có điều càng uống càng thấy ngo,kèm theo đó là cảm giác ngà ngà,lâng lâng như người đi trên mây nên ông cứ mềm môi uống mãi cho đên khi buồn ngủ thì đánh một giấc dài khoan khoái.
Và từ hôm đó ,để có thứ nước uống đem lại cho mình nhiều thích thú như vậy,ông cứ đem trái nho ép ra nước rồi cất vào chỗ mát cho nó lên men,để thỉnh thoảng lấy ra uống dần.
Như vậy theo câu chuyện truyền kỳ này thì ông Noah chính là người đầu tiên tình cờ khám phá ra cách làm rượu vang.

Thứ Ba, tháng 11 24, 2009

Hành chính chuyên nghiệp

Được anh em tán đồng vì cóp nhặt mấy ý kiến dân gian về vụ chị Ba Sương Nông trường Sông Hậu. Chưa đến hồi kết, chả biết trúng trật thế nào, anh em "duyệt", thế là sướng cái đã. Mà thói đào nương cầm phách được các chủ chầu tom chát ngợi khen thì giọng càng lả (bốc phét tí cho có vẻ thạo đời, he he). Để lý giải cho cái ý rằng "các anh hơi bị cảm tính", tôi xin "khêu gợi các đồng chí" một ý nhỏ về hành chính chuyên nghiệp để các đ/c suy nghĩ (giọng CTV đại đội; em xin lỗi thầy B).
Có một ai đó nói ra điều tôi đã lấy làm tâm đắc "một quốc gia có lực nội sinh nhờ 4 yếu tố: chính trị dân chủ, kinh tế thị trường, giáo dục phổ cập hành chính chuyên nghiệp".
Anh em ta chắc chả ai cho hành chính là vớ vẩn, dù cái "hành chính quan liêu bao cấp" vẫn bị chửi mỗi lần có dịp. Thật sự cho tới giờ nếu ai nghĩ rằng nền hành chính của chúng ta trước kia là quan liêu bao cấp là sai. Người ta nói "quản lý kinh tế bằng cơ chế hành chính" đáng bị lên án, thêm "quan liêu bao cấp" thì lại còn tệ hơn nữa. Kinh tế phải được quản lý theo cơ chế thị trường. Nhà nước tác động vào các yếu tố thị trường để điều chỉnh nền kinh tế. Đổi mới đã chuyển nền kinh tế của nước ta theo hướng thị trường. Như thế là được một cái, dù thế nào.
Nhưng mà chắc cũng ít anh biết hành chính quan trọng thế nào, bằng chứng là phát biểu của các anh ít phần "hành chính". Không có hành chính thì các phát biểu chỉ còn là cảm tính (tình cảm), hoặc chính trị (mưu trí).
Hành chính là toàn bộ các định nghĩa và các quy tắc về hoạt động và quan hệ của các yếu tố xã hội. Hành chính bao trùm tất cả các khái niệm xã hội mà chúng ta có thể biết đồng thời lại chi tiết cho tới việc "đi theo lề phải". Bởi thế không đơn giản để có thể nhận thức cho hết về hành chính.
Nếu đồng ý như trên tất mọi người sẽ đồng ý rằng hành chính không có tính người và từ đấy phóng to lên thì hành chính không có tính chính trị mà có tính khoa học về tổ chức xã hội và các kỹ thuật thực hiện. Cái đó gọi là hành chính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp của hành chính đảm bảo cho một xã hội tồn tại có tổ chức với bất cứ chủng tộc nào, bất cứ xu hướng chính trị nào.
Trở lại với điều tâm đắc, chính trị chúng ta có "dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư sản", kinh tế chúng ta có kinh tế thị trường mà đến Mỹ cũng đã công nhận, giáo dục dù có đang bị lo lắng thì so với nhiều nước dân trí ta vẫn hơn nhiều, duy có hành chính là có vẻ như ngày càng không chuyên nghiệp.
Sự không chuyên nghiệp đến mức nào của nền hành chính đương nhiên anh em ta không dễ đánh giá. Nhưng nếu lấy tính chuyên nghiệp làm chuẩn thì nền hành chính của chúng ta đang ở phía đối diện. Ở đó nền hành chính của chúng ta có rất nhiều "nhân tính" và rất nhiều "chính trị". Nói giọng học thuật thì hành chính đã bị "cá thể hóa" ở mức quan hệ con người và "chính trị hóa" ở mức xã hội, chưa kể cái cá thể còn có khi được lồng vào chính trị. Cái này thì ai cũng có thể nhận thấy từ giao tiếp hàng ngày cảm tính của tôi xung đột với cảm tính của anh đôi khi bất phân đúng sai cho tới những chuyện hoành tráng không thể hiểu.
Bảo rằng con người ta bây giờ sao xấu quá. Ừ thì xấu thật. Nhưng ai đảm bảo rằng bản thân mình, người thân trong gia đình mình vào những địa vị như thế không xấu. Bởi vì những cái đã "hóa" tức là nó có căn nguyên mà mỗi con người không dễ cưỡng lại. Cùng lắm chỉ là từ bỏ hoặc bị đào thải ra khỏi những yếu tố có thể bị "hóa", để giữ lại chính con người mình trong nền hành chính ấy.
Đấy là những lời về hành chính Nhà nước. Còn hành chính doanh nghiệp thì lại là chuyện bên trong, thường người chủ doanh nghiệp duy trì được vì quyền lợi của chính mình.

Một số hiểu biết thông thường về rượu "Tây"

Góp lời với công nghệ rượi vang của TQ. Lại sắp đến mùa giáng sinh,rồi 22-12, tết nhất cũng sắp đến. Xin gửi đến các bạn một số kiến thức về rượu(Tây) mà tôi sưu tầm được. Hy vọng các bạn,dù được biếu hay đi biếu ,hay tự móc tiền túi ra trả,biết thêm rằng mình đang dùng loại gì.Tôi đã dùng cái mớ lằng nhằng này đi khoác lác khối nơi rồi đấy!Các bạn nào có thêm các hiểu biết khác xin góp ý thêm để kiến thức về họ nhà cồn của chúng ta thêm phong phú.


1.Dòng rượu Cognac (các nhãn hiệu : Bisquit Dubouche, Camus, Courvoisier, Delamain, Hennessy, Martell, Otard, Polignac-Unioop,Remi Martin, Armagnac)

-3 Stars (3 sao, tương đương với V.S): loại rượu tương đối trẻ tuổi, từ 3 đến 5 năm. Giá rẻ, được tiêu thụ nhiều.

-V.S.O.P (Very Special Old Pale): Tuổi từ 7 đến 10 năm. Màu vàng nhạt. Đắt vừa phải nên khá phổ dụng trong cả giới bình dân và quý tộc.

-Napoleon: Tuổi trên 10 năm. Napoleon không liên quan gì đến hoàng đế Napoleon của Pháp, mà chỉ mang nghĩa là "Hoàng đế của các lò rượu".

-Cordon Blue, Anniversary, Reserve Prince Hubert: tương tự Napoleon.

-Extra, Extra Veille hay Grande Reserve: loại đặc biệt hiếm quý. Tuổi từ 45 năm trở lên.

2. Dòng rượu Whisky

a. Phân loại theo loại ngũ cốc
Whisky được bán trên thị trường dưới nhiều tên khác nhau, trong đó một phần là tên loại ngũ cốc được dùng để sản xuất Whisky:
-Malt là loại Whisky được làm từ mạch nha.
-Grain là tên loại Whisky được sản xuất từ lúa mạch mà thông thường là sử dụng thiết bị chưng cất cột được gọi là "kiểu Coffey".
-Rye là tên gọi loại Whisky chủ yếu được sản xuất từ lúa mạch đen, ít nhất là 51%.
-Bourbon là tên gọi loại Whisky chủ yếu được sản xuất từ bắp (ít nhất là 51%) và được chưng cất với tối đa là 81 phần trăm thể tích rượu, đổ vào thùng chứa với tối đa là 63 phần trăm thể tích rượu.

b.Phân loại theo quy trình sản xuất
Mặt khác tên gọi một phần cũng thể hiện rõ quy trình sản xuất của từng loại Whisky:
-Single là loại Whisky có nguồn gốc chỉ từ một lò nấu rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Scotland: Single-Malt-Whisky).
-Straight cũng là loại Whisky có nguồn gốc chỉ từ một lò nấu rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whiskey của Mỹ)
-Blend là một loại Whisky đã được pha trộn. Trong lúc sản xuất (blending) nhiều loại Whisky khác nhau từ nhiều lò nấu rượu khác nhau được pha vào với nhau. Trong một số sản phẩm có đến 70 loại Whisky khác nhau.
-Pot Still là loại Whisky được sản xuất chỉ dùng loại bình nấu cổ điển (thường dùng cho một số loại Whiskey của Ireland).
-Pure Pot Still là loại Whisky được sản xuất chỉ dùng mạch nha trong các bình nấu rượu cổ điển (thường dùng cho một số loại Whiskey riêng lẻ của Ireland).

c.Các tên khác
-Cask strength (độ mạnh thùng): Sau khi được trữ trong thùng người ta không cho thêm nước vào Whisky nữa để đạt đến một nồng độ rượu nhất định. Nồng độ rượu của những loại Whisky này khác nhau vì thay đổi tùy theo thời gian trữ, điều kiện môi trường, chất lượng của thùng chứa và nồng độ rượu của phần cất nguyên thủy.
-Vintage (năm sản xuất): Loại Whisky được sử dụng có nguồn gốc từ năm được ghi chú.
-Single cask (thùng riêng lẻ): Loại Whisky này có nguồn gốc từ một thùng rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Scotland).
-Single barel (thùng riêng lẻ): Loại Whisky này có nguồn gốc từ một thùng rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Mỹ).

3. Dòng rượu vang pháp
-Trên một chai rượu vang thường có 2 chiếc nhãn: 1 chiếc nhãn rượu chính ở phía trước và một chiếc nhãn rượu phụ thường dán ở phía sau chai rượu. Mục đích của nhãn rượu là để cung cấp các thông tin chính xác cho mục đích thương mại nhưng bên cạnh đó thì một chiếc nhãn đẹp cũng sẽ thu hút được khách hang nhiều hơn. Trên nhãn rượu có những thông tin thuộc loại bắt buộc và những thông tin khác tùy theo người sản xuất. Tất cả các nhãn rượu vang lưu hành trên thị trường đều được Phòng chống hàng giả của Pháp kiểm soát chặt chẽ.

-ở châu Âu người ta xếp rượu vang thành 2 chủng loại: Les vins de table và Les vins de Qualité Produits dans des Régions Déterminées (VQPRD). Trong khi đó nước Pháp chia thành 4 chủng loại khác nhau từ thấp đến cao (hay nói một cách khác là trong mỗi chủng loại châu Âu còn có hai chủng loại nhỏ nữa) :
- Les vins de table
- Les vins de pays
- Les Vins d’Appellation d’Origine -Vins Délimités de Qualité Supérieure (AO-VDQS)
- Les Vins d’Appellation d’Origine Contrôlée (AOC)

a. Loại thứ nhất : « Vin de table » là loại rượu vang trên nhãn không có xác nhận rượu được làm ra từ một vùng đất nhất định với một loại nho xác định, cũng không có loại cây nho nào bị cấm dùng trong khi làm rượu cả, đồng thời cũng không có cả năm sản xuất.

b. Loại thứ hai: « Vin de pays » là một loại « Vin de table » mà trên nhãn rượu có ghi rõ vùng làm rượu. Loại rượu vang này có thể có năm SX nhưng nó phải tuân thủ theo rất nhiều điều kiện khắt khe mà ta sẽ nói tới khi có dịp. “Vin du pays” có nhiều gu rượu khác nhau, chia thành các loại: « des appellations régionales ; des appellations départementales ; des appellations locales ».

c. Loại thứ ba: «Vins d’Appellation d’Origine -Vins Délimités de Qualité Supérieure (AO-VDQS) » được xếp hạng từ năm 1949 bởi INAO ( Institut National des Appellations d'Origine), nó cho phép tiếp nhận các loại rượu vang có chất lượng cao mà không nhất thiết phải nằm trong hạng A.O.C. Để có thể đứng vào hàng AO-VDQS thì rượu vang làm ra phải tuân theo các quy định về vùng làm rượu, loại nho; phương pháp trồng nho, phương pháp làm rượu, sản lượng tính trên hectare, độ lên men tối thiểu của rượu. Cuối cùng là phải được nếm thử.

d.Loại thứ tư: « Vins d’Appellation d’Origine Contrôlée (AOC) » tiêu chuẩn cao nhất của rượu vang Pháp này được xác lập vào năm 1935 và đến năm 1947 thì INAO chính thức kiểm soát A.O.C. Bắt buộc phải tuân thủ theo các điều kiện vô cùng khắt khe và sau đó còn bị kiểm tra một lần nữa trước khi đưa ra bán trên thị trường. Các loại rượu vang A.O.C thật sự là đỉnh cao của nghệ thuật làm rượu của nước Pháp. Trên nhãn rượu bạn cần lưu ý phân biệt các thông tin sau đây: A.O.C, Milésime, Premier Cru, Réserve, Cuvée, Grand Vin… Tất cả các loại rượu A.O.C đều có chữ “d’Appellation Contrôlée” trừ loại nhãn của rượu Champagne.

Trên đây là các thông tin có thể thấy trên chiếc nhãn rượu chính ở phía trước, còn chiếc nhãn phụ ở phía sau lại thường là nơi nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin cho bạn cùng những lời khuyên bổ ích khi thưởng thức rượu. Một dạng quảng cáo tế nhị mà thú vị.

Thứ Hai, tháng 11 23, 2009

" HÂM"

Hâm, là từ viết tắt của từ láy “Hâm hấp”.. ví dụ người ta nói: "Cháu ấy. Hay ai ấy hâm hấp sốt" tức là chỉ người bị nóng trên ba bảy độ. Khi cắt đi một nửa còn có “Hâm”, với một từ tương đương là “dở hơi". Bà con nông dân nấu cám nuôi lợn lại gọi là “cám hấp” thì là dùng để chỉ người có hành vi không bình thường, khác lạ, chưa điên nhưng cũng sắp điên. Nếu để người ta nhận xét thêm lần thứ hai nữa thì ít nhất cũng phải vào bệnh viện tâm thần Mai hương để gấp rút chữa chạy. Đừng để phải mang sang tận Châu quỳ thì khổ thân lại khổ cả vợ con. Âý vậy mà hôm nay mình bị gọi là hâm đến mấy lần, về nhà ngồi gật gù rồi cũng thấy: ừ có khi mình hâm thật. Thời buổi giá trị đạo đức bị lật ngược hết cả thì nó bảo mình “hâm” cũng còn là nhẹ, mà mình tự coi mình là hâm cũng là bình thường, trái khoáy thế!
Không phải khoe nhưng nhà nghèo bỏ mẹ đi vẫn có mấy cái xe máy cởi truồng. Xe không yếm thì gọi là xe cởi truồng chứ không lẽ lại gọi là xe không mặc áo! Buồn ăn bắp ngô luộc của cháu đầu phố cách có mấy bước chân cũng nhảy lên xe máy phi ra mua cho sướng. Thỉnh thoảng dở chứng như hôm nay chẳng hạn lại vác xe đạp ra đi. Đường phố đông nghẹt, leo cả lên vỉa hè mà lách, may về được đến nhà. Có xe máy chẳng đi lại đi xe đạp cho nó mệt, chẳng hâm à!
Đi được một đoạn, có ông đi xe SH chở mấy lẵng hoa rõ đẹp, toàn hoa phong lan nhập khẩu, giữa đường rơi lả tả. Điệu này chắc đi khai trương mở hãng hay được tặng nhân hội nghị xóa đói giảm nghèo nào đó đây, thương quá, tiếc hộ quá, bèn hộc tốc đạp đuổi theo để nhắc buộc lại cho chặt. Đến ngã tư đèn đỏ, may quá đuổi kịp quay sang bảo: ”Anh bạn, hoa rụng hết dọc đường rồi kìa”. Cậu cũng trạc tuổi mình rồi đấy, cũng chẳng thèm quay lại nhìn, may còn lịch sự gầm gừ: ”Kệ mẹ nó, cho nó rụng”. Cũng gần hai chục cái xe đỗ chờ đèn đứng xung quanh, cũng có vài người nhìn thấy hoa rụng như mình nhưng không phải việc của họ, lúc này nhất loạt nhìn mình như nhìn thằng ngoài hành tinh! Có mấy cái miệng lẩm bẩm: ”Rách việc, đồ hâm “. Đa số thắng thiểu số, vậy ra là mình hâm!
Một đoạn nữa, có cháu gái dắt cái xe máy Tầu tòng tọc, thỉnh thoảng dừng lại mím môi mím lợi đạp cái cần khởi động xòng xọc mà máy vẫn ì ra không chịu nổ. Mắt nó nhìn quanh tìm xem có chàng hiệp sỹ trẻ trung nào “giữa đàng thấy việc bất bình chẳng tha” mà nhảy vào giúp nó chăng, chẳng có ma dại nào. Thời buổi này, có mấy thằng muốn làm Lục Vân Tiên mà mày mong. Mình ngứa tay quá, không lẽ để cháu nó dắt bộ, vậy là nhảy xuống: Đưa tao xem nào, dựng xe nó lên, đạp khởi động, kiểm tra xăng điện, chẳng sao cả. Điệu này chắc sặc xăng. Bèn chơi trò đẩy nổ, may nó nổ thật, khói đen mù mịt, chỉ khổ thằng già ngồi thở hồng hộc. Nhìn ra xung quanh lại thấy mấy cái mắt nhìn có vẻ thương hại: ”Rõ là chán, già mà còn hâm” Con bé ấy nó nhảy lên xe vù ga đi, may quá nó còn gọi với ”chú cầm xe đi không lại mất bây giờ” nó nhắc mình trông cái xe đạp mình dựng trên hè để xem xe cho nó đấy. Tốt thế! Nó không nhắc thì có khi quên, không chừng mất cái xe về lại bị vợ mắng, vội nắm lấy tay lái mà đi, mừng quá quên cả cám ơn nó!
Mà sao dạo này báo chí đăng nhiều chuyện giật gân thế không biết. Bên Tây thì hết bom nổ lại đến rán người lấy mỡ làm mỹ phẩm. Bên ta thì toàn chuyện vớ vẩn. Nào là mẹ ném con ba tháng tuổi xuống giếng. Rồi người lớn vì ghen mà đâm kim vào thóp trẻ em. (Cái võ này chắc con mẹ nó học được khi xem phim Bao Công Tầu khựa đấy, tác dụng quá chứ còn gì). Tưởng bên Tây mới có kiểu hoa ông trồng được thì ông xài nhưng ở Việt nam mình cũng có đấy, có phải là cứ đạo đức Á đông thì không có chuyện đó đâu. Tục ngữ xưa có câu: “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Bây giờ, trừ phi thiên tai bão lụt, bất khả kháng mà sinh ra đói kém nhất thời, cục bộ thôi, mấy ai còn đói. Không đói vẫn ăn vụng, có khi lại càng no càng ăn vụng. No quá thì dững mỡ, không ăn vụng nữa mà là ăn cướp. Tham nhũng người ta kêu rầm rầm, người ta đưa chứng cứ mười mươi ra nhưng vẫn cười như Obama đi vận động bầu cử mà kêu còn xem xét. Còn dịch tài liệu, còn này còn kia đến tết Tây đen.
”Luật pháp bất vị thân”. Đâu chẳng thế. Độc có ở ta có cái đoạn xét nhân thân, nhân thân tốt mà sao đó thì vẫn tù như thường, Bà Sương đấy, chắc nhân thân xấu? Lập quỹ lo cho dân, trắng hẳn hoi vẫn khăng khăng là đen, lo cho dân quên cả lấy chồng, bây giờ được ưu ái ngồi tù. Mình như bà ấy tham ô thật mẹ nó đi, lấy cái tiền ấy đút cho mấy thằng tòa Ct, còn lại mang sang Ma cao đánh bạc cho sướng đời. Còn ít nào nữa cho đệ mang sang Thụy sỹ gửi. Đảm bảo con cháu ăn, phá vài đời chưa chắc đã hết, lo quái gì mấy nghìn ha đất vớ vẩn ấy, cho nó ăn xem nó ăn được mấy hồi!
Cha Trung thụt này chỉ được cái lắm chuyện, đồ thứ dân bày đặt lo này lo kia, cũng là một dạng hâm khó chữa đấy. Cả ngày bị mắng mấy lần hâm, có khi chuẩn bị ba lô đi Châu quỳ là vừa.

Chủ Nhật, tháng 11 22, 2009

Công nghệ "chai vang uống dở"

Anh em ta thường không thích rượu vang, nhưng chắc đều biết nếu uống không hết thì chỗ vang còn lại chả mấy chốc mà hả hết hơi.
Nhân dịp mới được tặng một cái bảo vệ vang chống xuống cấp, tôi xin giới thiệu:
Ngoài những thứ thông thường để uống vang, giờ lại có thêm một dụng cụ mới.

Nó là cái gì vậy? Một cái nút kín khí bằng cao su mềm cấu tạo thành van một chiều đơn giản. Và một cái bơm hút thủ công vận hành theo cách kéo lên đẩy xuống.

Đặt nút lên rồi ấn nhẹ cho nút lọt vào miệng chai.

Đặt bơm khít lên đầu nút và kéo lên đẩy xuống. Làm vậy cho đến khi nghe tiếng kêu "tích" thì ngừng.


Ấy là khi chân không trong chai đã đạt đủ độ "thiếu khí" để rượu không bị nhạt nhanh.
Thử lấy tay kéo nút lên, thấy được. Tức là chân không trong chai không cao lắm. Tuy nhiên cách mở đúng là ấn vào nút nhỏ trên đầu nút để mở van một chiều cho khí lọt vào.

SINH VIÊN “ĐI CÀY”

Hồi đầu những năm 1970, sinh viên VN ở các nước Đông Âu nói chung chưa có kiếm tiền bằng cách kinh doanh mua bán như sau này, mà chủ yếu là đi lao động chân tay khi có nhu cầu. Tụi tôi khi đó ở Đông Đức cũng vậy thôi.

Thời gian này ở Đông Đức nói chung rất khan hiếm lao động. Hồi đó tệ nạn môi trường chưa căng thẳng như bây giờ, các nhà máy của Đông Đức lại hầu hết đều sử dụng lại từ thời Thế chiến 2 nên ống khói lớn là nhà máy lớn, ống khói nhỏ là nhà máy nhỏ - “Chết đói, tìm ống khói mà đi” - Cứ thế mà tiến! Việc làm là chắc chắn có, chỉ phải xem bao nhiêu tiền mà thôi. Còn việc nặng, nhẹ - dễ, khó … không phải là vấn đề lựa chọn của sinh viên. Không có việc gì khó, chỉ sợ … ít tiền!

Tụi tôi đã tham gia chẳng thiếu việc gì : bốc xếp, quét đường, đào đất, làm gạch, làm xi măng, giết mổ heo, bồi bàn, rửa chén … đủ cả, nhưng có lẽ công việc được các sinh viên nước ngoài (không chỉ VN) ưa chuộng nhất là làm tại Khu liên hợp luyện –cán Thép. Chẳng phải công việc hay ho gì, mà vì ở đây cho phép làm 8 tiếng – nghỉ 8 tiếng – rồi lại làm 8 tiếng ngay nên rút ngắn được thời gian. Tranh thủ cuối tuần 2 ngày nghỉ là có thể làm được tới 4 ca : tối thứ 6 – chiều thứ 7 – sáng CN – tối CN. Kiếm được gấp đôi các nơi khác chỉ có 2 ca cho 2 ngày. Theo quy định, sau 4 ca như vậy là phải nghỉ ít nhất 24 tiếng mới được làm tiếp. Nhưng có lần, tôi kẹt quá, mượn giấy của thằng khác về trước “tranh thủ” luôn ca chiều CN. Vì tụi Tây nhìn VN đứa nào cũng như nhau nên đâu có biết. Còn AE mình thì : mày ham thì mày chết. Vậy là nguyên ngày CN tôi làm 3 ca liền. Đúng là … Sáng thứ 2, về đến nhà khoảng 10 giờ sáng, tôi lăn đùng ra ngủ tới 3 giờ chiều … ngày thứ 3! Không ăn uống, ỉa đái … không gì hết.

Quay lại chuyện đi cày. Khu liên hợp luyện –cán Thép Riesa, miền Nam Đông Đức là nơi “tụ họp” đầy đủ các “quần hào” sinh viên quốc tế (vì tụi Đức rất ít khi đi làm thêm) từ Châu Phi tới Nam Mỹ, từ Trung Đông tới VN, mà đông nhất là VN. Ở đây có một cái Trại (Lager) là dãy nhà chứa được tới hơn trăm thằng. Mình cứ đăng ký vô làm là được nhận 1 cái giường để ngủ trong 8 tiếng nghỉ đợi tới ca sau. Nhưng vào các ngày lễ, tết như Nô-en chẳng hạn thì phải đăng ký trước cả tháng mà có khi vẫn hết chỗ vì vào những dịp này tiền công tăng gấp đôi, trong khi có ở nhà thì cũng chẳng biết đi đâu, làm gì khi không có tiền!

Ở Trại, cứ tới giờ lên ca, ông Meister (Thợ cả) lại ra đứng đầu nhà gào lên : Mohamet Ali, Sanvaldor Tevez, Ngu-en Phan Chi, T’ran Hu Ti … đi Martinwerk 2 (xưởng đúc thép lò Mac tanh số 2)! Thế là cả bọn lục tục chạy ra tìm tên mình, nhận giấy giao việc đến xưởng có yêu cầu. Đứa đi lò đúc, thằng tới xưởng cán, bộ phận tháo dỡ khuôn … nói chung đủ cả, không thiếu khâu nào trong dây chuyền cán luyện gang thép.

Nhẹ nhất là làm ở bộ phận gom sắt vụn. Ở đây sắt vụn đã được đưa về chất thành núi. Một cái cần cẩu nam châm điện hút lên bỏ vào các “gáo” xếp dài trên mấy toa tàu lửa (“gáo” có kích thước khoảng 4m x 1m x 1m). Nhiệm vụ của tụi tôi là dùng tay “sắp xếp” các mảnh phế liệu lớn cho lọt vào từng “gáo” không nằm lưng chừng giữa 2 cái để khi đổ vào lò nấu không bị rớt ra ngoài. Nói chung là cần cẩu làm hết, mình chỉ chọc chọc vài cái cho có và hết ca thì về lãnh 25 mark đông Đức (theo giá chợ đen hồi đó là 6 mark = 1 USD). Ít tiền nhất.

Khổ nhất, nhưng cũng nhiều tiền nhất là làm ở khâu xuống vôi. Vôi được chở về trên những toa xe lửa. Mỗi toa chứa khoảng 4 tấn. Các toa vôi được đẩy đến vị trí quy định. Tại đây khi mở 2 cửa toa thì thẳng ngay phía dưới là 2 cái lỗ hầm. Chỉ việc cào một cái cho vôi rớt xuông lỗ là ok. Nhưng thực sự không “dễ ăn” chút nào. Mỗi thằng làm ở đây sẽ được trang bị 2 cái xẻng (vì có thể xẻng sẽ bị gẫy giữa chừng) có kích thước lưỡi khoảng 5 tấc x 5 tấc (chỉ công vác xẻng chắc cũng đáng 5 mark rồi!). Đồ bảo hộ thì là quần liền áo, kín mít từ trên xuống dưới và được phát thêm một cái được gọi là khẩu trang, đó là một miếng vải dài khoảng 7 tấc, rộng 15 cm bằng ka ki dầy như cái quần zin vậy! Gấp đôi lại, bít lên mũi, cột vòng ra sau gáy thấy muốn tắc thở luôn. Ấy vậy mà chỉ làm khoảng 15 phút là cảm thấy nó vẫn chưa đủ dầy, bụi vội cứ liên tục xông thẳng vào tới tận óc.

Sau khi nhận toa, mỗi toa có 2 thằng với nhiệm vụ phải xuống hết trong ca (thực chất chỉ là 7 tiếng, vì có 30 phút nghỉ giữa ca và 2 lần 15 phút đầu, cuối ca để chuẩn bị và kết thúc). Để hoàn thành công việc trong thời gian đó, kinh nghiệm của các CN chuyên nghiệp truyền lại, chỉ có một cách duy nhất đó là đứng chéo chân chèo, một tay cầm cổ xẻng, một tay cầm đầu cán rồi cào cào tận lực, nếu mỏi thì đổi tay trái qua phải, phải qua trái hay đổi chân. Vậy thôi. Không nghỉ, không nói chuyện vì sẽ không đủ thời gian. 7 tiếng 1 động tác duy nhất!

Vôi bột chứa trong toa gỗ nên hút ẩm đóng lại cứng ngắc. Mỗi lần bập xẻng xuống thấy muốn dội ngược tay lên. Đã thế, cán xẻng được làm theo kích cỡ tụi Tây, nên hơi quá với cho dân ta, nhất là mấy thằng lùn như tôi. Chỉ vài cào đã thấy mỏi tay rồi. Trong toa kín (chỉ hở cái cửa để cào xuống) bụi vôi bốc lên mù mịt, xộc thẳng vào mũi, nước mũi chẩy ra dầm dề. Những đứa chưa có kinh nghiệm vội xỉ mũi thì chỉ nửa tiếng là bắt đầu đến máu. Máu mũi cứ thế chảy ra ướt dầm khẩu trang thì không thể làm việc được. Kinh nghiệm là cứ để kệ mẹ nó. Một hồi nước mũi quện với vôi đóng cứng thành cục, khỏi chẩy! Thở bằng miệng.

Cục vôi đóng ở mũi sẽ phải để nguyên cho tới hết ca. Khi về Trại, tắm rửa sạch sẽ xong (vôi lòn vô tới tận đáy quần lót!), thay quần áo đàng hoàng rồi mới ra bồn rửa mặt xì mũi, cậy cục vôi. Lúc này máu cứ thế mà chẩy ra, chẳng có cách gì cầm được. Ngửa mặt lên trời, 2 tay cầm mấy miếng xúc xích, bánh mỳ và chai sữa (đã mua sẵn khi trên đường từ xưởng trở về) từ từ đi về giường mình nằm xuống, rồi cứ ngửa mặt lên thế mà ăn uống, Xong là ngủ luôn, không trở mình. Cho tới lúc chuẩn bị lên ca sau là hết liền. Mọi vấn đề lại trở lại như xưa!

Công việc này là khó nhất, không phải ai cũng làm được. Tôi cũng chỉ dám “liều mình” làm vài lần khi quá túng thiếu. Có thằng bạn VN cùng học với tôi, thường xuyên đi ca này, nhiều tới mức tụi Tây phải gọi nó là Meister (Thợ cả). Coi vậy nhưng lúc lãnh tiền thì thấy ham. Nếu xuống hết 2 tấn vôi /1 thằng thì sẽ nhận 50 mark. Nếu làm xong sớm chút đỉnh, còn thời gian dọn dẹp vệ sinh toa tàu và xung quanh cái lỗ xuống vôi là thêm 10 mark nữa liền.

Để các bạn tưởng tưởng ra số tiền này nhiều thế nào. Tôi xin đưa ra đây vài con số “tài chánh” : Ăn cơm sinh viên (trưa, chiều) chỉ tốn 100 mark / tháng (không có CN). Giá một túi gạo loại bình thường, 450 gram đủ cho 2 thằng ăn 1 bữa có 1,4 mark. Một ly café đen bán trên máy tự động là 0,5 mark. Nhưng một bữa nhậu bình dân (2 tới 3 thằng) tốn khoảng 100 mark. Một cái quần zin hiệu Levis giá 82 mark. Cái xe đạp Mifa (đời sau của Diamant) giá 280 mark. Xe máy Mokick thì hơn 1.200 mark chút đỉnh ….

Vậy đó, muốn “hưởng thụ” thì chỉ có “đi cày” mà thôi!

H1 : Lò Máctanh ở Riesa

H2 : chờ tàu ở sân ga Riesa sau 1 đợt cầy.

Thứ Sáu, tháng 11 20, 2009

VC.Phước hồi Nam

Trưa nay VCP đã về lại Tp HCM, sau thời gian điều trị tích cực ở y viện Bạch Mai. Do không có thời gian và điều kiện nên tối qua một nhóm nhỏ các bạn k4 đã ăn tối cùng vợ chồng cậu.
VCP vui, khỏe và an tâm vì đã được "gọt chuôi"; cậu bị mắc chính cái thứ bệnh vẫn chữa cho người khác. Đùa một chút, VCP nói việc đưa tin lên mạng làm "trôi" mất nhiều HĐKT, gây sụt giảm nghiêm trọng doanh số và thị giá cổ phiếu. Buổi gặp này dứt khoát phải đưa tin để chứng tỏ rằng "đối tác" vẫn hoàn toàn tin cậy.
VCP gửi lời cám ơn các bạn đã quan tâm, chia sẻ và thăm nom trong thời gian điều trị. Cậu mong các bạn giữ gìn sức khỏe để còn quan tâm được tới nhau dài dài.

Cảm ơn rất nhiều

Vừa qua Bố tôi : GS Từ Giấy, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, nguyên đại tá Phó cục trưởng Cục Quân nhu kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Ăn Mặc quân đội đã qua đời ở tuổi 89. Trong thời gian tang lễ cho Bố tôi, gia đình và bản thân tôi đã nhận được rất nhiều lời chia buồn và chia sẻ qua blog của khóa 4 tin nhắn qua điện thoại, cũng như tham dự lễ tang của Bố tôi của các bạn trường Trỗi, các bạn K9. Thay mặt gia đình tôi xin cảm ơn các bạn rất nhiều. Trong lúc tang gia bối rối có gì chưa phải mong các bạn bỏ qua. Một lần nữa xin cảm ơn các bạn

Từ Ngữ

Thứ Năm, tháng 11 19, 2009

"Biết thằng nào, tao cho một cái đá giầy..."



Sau khi tôi bật cái lập là trên cánh cửa căn buồng xép trên đỉnh cầu thang, cửa bật mở và thầy Phố xuất hiện, sau lưng mờ khói. Rất giận dữ thầy nói lắp "biết... biết thằng nào, tao... tao... tao cho một cái đá giầy..." Thầy Phố, chính trị viên phó của đại đội mình, đậm nhất trong ký ức của tôi là như thế.

Chắc mọi người còn nhớ cái buồng xép trên đỉnh cầu thang. Cánh cửa mở vào trong của nó có một cái lập là để tròng qua thanh thép chữ U có chân bắt ốc bên khung cửa để rồi sau đó tròng cái khóa rời qua chữ U ấy để khóa buồng. Thiếu sót của thiết kế khóa cửa kiểu này là người ngoài có thể nhốt người ở bên trong mà không cần khóa chỉ bằng cách tròng lập là vào giá khóa.
Chắc mọi người còn nhớ những ngày trời đông giá rét bên trường mới trong các phòng ở phải dùng lò than củi, là cái chảo gang đặt trên khung gỗ. Phòng học trò cả trung đội ở thì vài lò. Thầy ở trên phòng xép bé tí bằng cái chiếu nghỉ cầu thang thì chỉ cần một lò. Nhưng mà cũng chỉ cần một lò là đủ để nắm ớt bột bốc khói mù mịt trong phòng.
Tôi nghĩ thầy phải nhớ thằng nào vào "thăm" chứ nhỉ? Nó có thể không phải, nhưng gần như chắc chắn, chính là thằng thả bột rồi chốt cửa lại. Trừ khi nó đã tinh vi vùi "chất độc" vào trong từ khi chưa đốt lò. Như thế nó lại phải chờ khi thầy đã có hơi nóng trong phòng thì mới lẻn lên ngoắc cửa.
Nhưng mà thôi, suy đoán làm gì. Cũng không hi vọng có anh nào tự thú; chắc gì anh ta còn nhớ; chắc gì anh ta đã có thể nhớ vì đọc lại những dòng này; chắc gì anh ta đã đọc được những dòng này vì rất nhiều lý do,...
Nhân ngày Nhà giáo, dù thầy Phố không dậy mà chỉ dỗ thôi, tôi cũng muốn nhắc lại chuyện này để các bạn nhớ lại thời nghịch dại của bọn mình. Nhiều thứ bọn mình đã làm liên lụy đến các thầy. Kỷ niệm về nhau không hẳn đã là vui hết cả.
Bây giờ thầy Phố đã là Liệt sĩ lâu lắm rồi. Còn sống chưa chắc thầy đã nhớ chuyện vặt ấy, có nhớ chắc thầy cũng đã tha thứ lâu rồi. Có điều, gần như chắc chắn, bọn nghịch dại chúng mình vẫn còn nợ một lời xin lỗi.
(Ảnh thầy Phố được trích từ một ảnh trong Ảnh gốc k4, ảnh nhà ở trường mới QL chụp 2003, buồng xép ở trên cùng cầu thang)

Thứ Tư, tháng 11 18, 2009

THƠ TÌNH

Thưa các bạn, trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng có trải qua một thời thanh xuân sôi động.
Thượng đế cho chúng ta mỗi người một hoàn cảnh khác nhau để bước vào đời.Ngưòi thì bình lặng, cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi thật thanh thản và vô tư. Cũng có người thì gập ghềnh, trắc trở, hay cũng có người một tý thế này một tý thế kia . Nhưng dù thế nào, chắc hẳn các bạn, cũng như tôi đều từng trải qua những rung động đầu đời của những chàng trai, cô gái mới lớn với người con gái (hoặc người con trai) mà mình thầm yêu trộm nhớ. Những mối tình đầu thường rất đẹp và thơ mộng, đặc biệt là để lại dấu ấn thật sâu đậm trong kí ức mỗi chúng ta. Thường thì ít ai có thể giữ vẹn nguyên được tình cảm thuở ban đầu ấy mà không mất mát hay nói cách khác là không đi được trọn vẹn con đường tình của mình. Thật diễm phúc cho ai giữ được mối tình đầu lãng mạn và chung sống với người tình của mình cho đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên như vậy cũng không hẳn là hoàn hảo, bởi vì tình yêu, cũng như cái gì đó có mất mát ,có đau thương, có giận hờn có gen tuông thì mới như một thứ gia vị thêm thắt cho cuộc đời một chút thi vị. Bài thơ tôi viết đã lâu - cũng là thương vay khóc mướn thôi - cho những ai đã trải qua những cảm nhận như tôi đã nói trên, nếu có ai đồng cảm được với người viết, xin nhận ở đây lời chia sẻ sâu sắc nhất, và bây giờ xin mời các bạn đọc bài thơ con cóc” thơ tình mùa lá rụng”


THƠ TÌNH MÙA LÁ RỤNG

Bài thơ này anh viết tặng em yêu
Và cho cả những mối tình dang dở
Trời cuối hạ tìm đâu hoa tím nở
Cho anh hái sắc hoa ân tình cài lên tóc em!

Có những mùa thu đi qua trong đêm
Nhè nhẹ bước vào từng niềm suy tưởng,
Anh chợt nhớ về một mùa hoa phượng
sắc đỏ đầu cành, gọi những ước mơ!

Những nỗi âu lo, hồi hộp đợi chờ
buổi hẹn hò lần đầu ngập ngừng, bỡ ngỡ
tiếng yêu đầu đời nói ra còn e sợ
chỉ một cái nắm tay mà lơ lửng mấy tầng mây!

Đâu phải men nồng sao cứ ngất ngây say.
Hương vị tình yêu nồng nàn thẳm sâu ánh mắt
Góc phố rêu phong , xôn xao chiều nắng tắt
Anh đưa em về, hôm đó lá vàng rơi!

Phía cuối chân trời , có cánh nhạn chơi vơi!

Thứ Ba, tháng 11 17, 2009

Vô đề


Chú bé TSQ nước người ta nhưng có cái gì đó ...

Thứ Hai, tháng 11 16, 2009

CON LƯƠN

Thằng Trình bó gối ngồi thu lu bên bờ ao. Nó đang mải suy nghĩ , để mặc cho đám cỏ may đang đung đưa trong gió cào những chiếc gai nhòn nhọn vào cái cẳng chân khẳng khiu. Nó chẳng để ý đến đám đông những người hôi cá đang huyên náo dưới mặt ao đầy những cây năn và cỏ lác. Nó còn quá nhỏ để tham gia vào việc tranh giành những con cá hiếm hoi còn lại trong đám bùn nước lầy nhầy. Mắt nhìn xuống ao nhưng tâm tưởng nó đang hướng về mẹ.
Cuộc đời mẹ nó là một chuỗi dài những mất mát và đau buồn được nối lại bằng từng khoảng thời gian tính bằng năm tháng. Số mẹ nó khổ. Nó nghe lỏm các bà bảo thế. Nó nghiệm ra số mẹ nó khổ thật và lây cả sang nó nữa. Nó biết chắc việc bố không về với mẹ không phải vì họ không yêu nhau nữa. Còn vì cái gì thì lúc này, đầu óc non nớt của nó làm sao mà hiểu nổi. Từ ngày mẹ nó bảo chỉ còn mình mẹ nuôi nó, tự nhiên nó cũng nhận thức được việc đó như là điều không thể tránh khỏi.
Nó còn bé, chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ. Hàng ngày, vào buổi sáng, nó đứng trước ngõ nhìn theo bóng mẹ quẩy gánh tạp hoá xuống thuyền đi chợ. Chiều tối mịt, nó cũng đứng ở đó đón mẹ trở về trong dáng điệu mệt mỏi và phờ phạc. Đôi lúc, nó cũng được theo mẹ ra chợ và đó là chính những ngày cu Trình cho là vui vẻ và hạnh phúc nhất. Nó nhớ như in cái ngày mẹ nó cất về một lô hàng có những chiếc mũ Hải quân với một quả bồng và những dải nơ xinh xinh. Lấy một chiêc đội lên đầu, nó có cảm giác như đã trở thành một thuỷ thủ oai hùng đang đứng trên boong chiến hạm rẽ sóng ra khơi. Nó dẫm cái cẳng chân thình thịch làm sạp hàng của mẹ nó cũng rung rinh như đang muốn vượt lên muôn trùng sóng gió để đi đến những bến bờ xa tít tắp. Ở đó nó sẽ gặp bố và mẹ đang chờ đón nó trở về sau một chuyến hải hành đầy gian khổ và vinh quang. Trí tưởng tượng của nó còn bay bổng nữa nếu mẹ nó không lột chiếc mũ xuống mà bảo:
- Khéo làm bẩn, mẹ không bán được.
Con cái nhà ai sẽ được đội những chiếc mũ này nhỉ? Nó thất vọng ngồi vào một góc rồi tự hỏi. Cũng là trẻ con cả mà, sao lại có đứa sẽ được bố mẹ mua cho cái mũ ấy, còn nó thì chỉ đội thử cũng còn khó. Chao ôi! Giá mà bố mẹ nó đừng bỏ nhau thì hay biết mấy, chắc gì nó đã phải buồn bã ngồi ôm lấy mối hận này. Cái điều cay đắng ấy cứ nhoi nhói phía sau lỗ rốn thằng bé làm khuôn mặt nó méo xẹo.Mọi người cứ tưởng nó đói nhưng mẹ nó thì biết rõ lắm. Mẹ nó cũng đau như nó nhưng có điều bà là người lớn nên biết cách che dấu, hay đúng hơn là nhịn nhục chịu đựng. Bà muốn thằng bé cũng làm được như bà , nghĩa là cố quên đi hình ảnh người chồng phụ bạc, gồng mình lên để sống qua cái thời gian khổ, khó khăn ấy. Mỗi lần như vậy, mẹ thằng Trình thường móc túi nhặt ra vài trăm đồng lẻ cho nó mua kem. Với bản chất trẻ con, cầm cái que đá lạnh ngòn ngọt, thơm thơm ấy, nỗi buồn của nó cũng nguôi ngoai dần theo mỗi vết liếm, mà nó chỉ dám liếm thôi, không dám ăn, ăn thì chóng hết, mà hết thì lại buồn, vì vậy nó cố kéo dài cái niềm vui nhỏ nhoi ấy càng nhiều càng tốt bằng cách của con mèo.
Nó thương mẹ nó lắm. Đôi lúc nó muốn làm cái gì đó cho mẹ vui lòng Khổ nỗi nó là con trai và nghịch ngợm thì không ai bằng. Mới từng ấy tuổi mà nó biết bơi như một con rái cá. Suốt ngày dầm mình dưới sông hoặc lông nhông ngoài nắng, da dẻ đen nhẻm đen nhèm. Mỗi chiều về nhà, nhìn cái đầu tóc cháy nắng đỏ quạch của nó, mẹ nó la như đánh mất cái gì đó quý lắm,. Nó biết chắc mẹ nó la vì thương nó quá đấy thôi, bà xót con mà. Những lúc như vậy nó hối hận lắm, thầm hứa là sẽ không làm mẹ buồn nữa. Nó cứ ấp ủ ý nghĩ làm sao cho mẹ vui lòng.
Chiều nay. Trước mắt nó người ta đang bắt được những con cá. Giá mà lớn một chút, nó cũng sẽ kiếm một cái nơm và nhảy xuống. Nó sẽ kiếm được nhiều cá về để cho mẹ ăn, mà cứ gì cá, lươn cũng được-Một con lươn. Về nhà nhờ mấy bà gì nấu cho mẹ nồi cháo lươn, nghe nói là ăn cháo lươn rất bổ. Mẹ nó gầy lắm, có bát cháo lươn chắc mẹ sẽ chóng khoẻ- nó nghĩ vậy.
Cái ý nghĩ về con lươn làm mắt nó hướng về những vòng lượn sóng ngoằn nghèo từ đám lau lách. Một con vật gì đó bám đầy bùn đất đang trườn về phía nó. Bất giác thằng Trình đứng nhỏm dậy- con lươn- phải rồi, nó đã phát hiện ra một con lươn thực sự chứ không phải trong trí tưởng tượng. Con vật mà nó cho là con lươn đang ở rất gần. Cái ước mơ có một bát cháo lươn cho mẹ chỉ nằm trong một tầm tay với. Thằng bé không nghĩ ngợi gì nữa, nó lao xuống, bàn tay nhỏ xíu nhanh nhẹn chộp ngay vào cổ con vật rồi đưa lên cao. Nó để mặc “ con lươn” vùng vẫy, quấn cái thân hình mốc meo bùn đất quanh cánh tay bé nhỏ. Nó đạp bùn bước lên bờ rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng về nhà.
Nghe thấy tiếng hét của cu Trình từ phía ngoài cổng, bà dì nó tất tả chạy ra. Thằng bé trong bộ dạng tức cười đang vênh váo giơ cao “ con lươn “ của nó mà nói:
- Cháu bắt đựơc con lươn đây này, dì nấu cho mẹ nồi cháo, chiều nay mẹ cháu về ăn!
“ Con lươn” của nó đang há cái miệng đỏ hỏn phun phè phè, chiếc lưỡi đen xì đang nhô lên thụt xuống một cách ghê rợn nhưng bất lực. Bà dì đứng sững lại, miệng há hốc trong nỗi sợ hãi tột độ. Thằng bé đang chết trước mắt bà. Bởi vì đó không phải là con lươn như nó tưởng mà là một con rắn độc . Chỉ cần nó lơi tay chút đỉnh, đầu con rắn ngóc ra được một tí teo là thằng bé đi tong. Bộ dạng của bà dì làm cu Trình chột dạ, linh tính mách bảo nó điều gì đó. Thằng bé dùng hết sức bình sinh quật mạnh con rắn xuống sân gạch. Con vật quằn quại rồi lao đầu biến mất phía sau vườn chuối.
Dì nó lúc này mới hoàn hồn, bà ôm lấy thằng bé, vừa phủi bùn đất cho nó vừa mắng:
- Sao mày dại thế hả cháu? Nó là con rắn đấy chứ có phải con lươn đâu. Nó mà cắn cho một cái thì chết toi chứ còn gì?
Thằng Trình phụng phịu đứng giữa sân. Chết à? Nó sợ cóc gì chết. Đã mấy lần nó thấy người ta chết, họ nằm như ngủ, có gì lạ đâu? Nó chỉ thấy tiếc con lươn hùi hụi. Thế là mong ước cho mẹ một bát cháo lươn đã tan thành mây khói. Nó đã hình dung ra cảnh mẹ nó đi chợ về, sung sướng húp bát cháo lươn của nó, tuy nóng nhưng mẹ nó lấy làm mát lòng mát dạ vì thằng con biết thương mẹ. Còn nó , nó vừa nhè nhẹ quạt mát cho mẹ vừa sung sướng nhìn bà, nó sẽ thấy mẹ nó béo, đẹp ra như một bà tiên trong chuyện cổ tích.
Giờ đây, con lươn đã biến mất, nó lại là một con rắn. Trong lòng cuTrình không cảm thấy sợ mà chỉ thấy tiếc. Hơn lúc nào hết nó lại ước mong bắt được một con lươn thực sự. Nó đã hứa và nó sẽ quyết tìm cho ra được con lươn ấy, dù là phải dành ra cả cuộc đời. Và rồi mẹ nó sẽ vui lắm. Nó tin chắc là như vây.

Thứ Bảy, tháng 11 14, 2009

HAI THẰNG TỰ SƯỚNG , NGỒI GÃI GHẺ

Bây giờ tôi mới thấm thía cái câu: " Ếch ngồi đáy giếng" .Tôi những tưởng mình đã có những kỷ niệm , những từ thật đẹp để nói về một thời chúng mình ờ Đại Từ.Ví dụ như trong bài " Nhớ cây Đa Hiệu bộ" tôi đã có khổ thơ.

...Nhớ thác Bom Bom nước đầy vơi
Nhớ mùa quả dọc chín trên đồi
Nhớ con khứu nhỏ chiều gọi bạn
Nhớ quá ngày xưa có một thời ...

Ấy vậy mà mấy hôm nay đọc những góp ý trong bài về SRTKL tập3 mới thấy anh em ta còn giữ trong mình bao nhiêu kỷ niêm thật đẹp về những ngày đó.Có lẽ cái hình ảnh mà Khắc Việt miêu tả đắt giá quá " hai thằng tự sướng khi ngồi gãi ghẻ". Cảnh những hôm trời nắng cả lớp ra suối nấu lá ba gạc tắm để trị ghẻ . Lớp tôi có bạn lại còn bị hắc lào ở cạnh " Chỗ hiểm" xin được tý thuốc bôi " y Ốt"bôi vào xót quá nhẩy tưng tưng. Rồi còn thi nhau bắt cái ghẻ để lên mảnh gương xem cái ghẻ của thằng nào bò nhanh hơn...Thú thật đó là hình ảnh của một thời Thiếu sinh quân trường Trỗi.
Những hình ảnh , những kỷ niệm đó đáng giá hơn " Tượng đồng phơi giữa lối mòn".

Khắc Việt ơi cái hình ảnh hai thằng ngồi trên tảng đá làm tôi xúc động lắm .Vậy Đ.Dũng làm bài thơ tặng Khắc Việt nhé.

Ngày ấy bọn mình bẩn lắm đâu
Mà sao thằng nào cũng ghẻ
Mặt mũi bảnh bao, áo quần bảnh chọe
Mà thịt da lấm chấm những hoa vừng.
Lại còn hắc lào mông chi chít
Tối bôi Y ôt nhẩy tưng tưng
Hai thằng tự sướng ngồi gãi ghẻ
Hình như Khắc Việt cũng đã từng...

Berlin14-11-2009

Thân sinh anh Từ Ngữ, ông Từ Giấy, qua đời

Anh Từ Ngữ vừa báo ông cụ thân sinh ra anh và anh Từ Linh k3, ông Từ Giấy, vừa mới qua đời hồi 8h40 sáng 13/11/2009, tại Viện QY 108.

Chương trình tang lễ:
Theo nghi thức Quân đội, tại Nhà Tang lễ Quân đội, 5 Trần Thánh Tông, HN.
Ngày Thứ Tư, 18/11/2009
Lễ viếng: từ 7h-9h30
Truy điệu: 9h30-10h
Đưa tang: 10h đi Nghĩa trang Thanh Tước

Bạn Trỗi k4 viếng vào 9h để sau đó dự lễ truy điệu. Xin đến sớm ít phút để tập hợp.

Xin thông báo các bạn biết, chia buồn với các anh Từ Linh, Từ Ngữ và gia đình.

VC.Phước, dao sắc không cắt được ch...uôi

Chuyên gia phẩu thuật lồng ngực hàng đầu VC.Phước (ít nhất là của bạn Trỗi) đã được... phẫu thuật lồng ngực. Thế rõ ràng là dao sắc không cắt được chuôi rồi còn gì.
Nghe HP nói CP thông báo đã lắp máy kích tim ở BV Bạch Mai, đang chờ xuất Viện và đang kích... nhậu. Mãi hôm qua tôi mới gọi điện thăm hỏi. Là người trong nghề nên CP biết mình đã có một cơn rung nhĩ nhẹ. Rồi tuần trước bị cấp cứu vào 175, anh em xử lí rồi cho đeo máy điện tim theo dõi 24h. Kiểm tra bản ghi của máy thấy có vài lần tim ngừng hoạt động mất vài giây. Vậy là không biết vào lúc nào nó sẽ lại ngừng, và không biết khi đó sẽ ngừng bao lâu. Đơn giản thế, tức là có thể đột tử.
Bởi thế nên là người trong nghề, CP không do dự quyết cho mình giải pháp. Y như cậu khuyên bệnh nhân có điều lần này là chính mình. Sướng, vì thằng "bệnh nhân tự mình" này nó chấp hành ngay: lắp máy kích tim. Ra Viện Tim ở Bạch Mai làm cho hết tầm chuyên nghiệp.
Thứ Ba tới cắt chỉ rồi ra viện. Hỏi thêm "cậu có giấu bệnh không", vì nghe nói quan chức hay lo có bệnh được cho nghỉ hưu đúng hạn. Cậu nói "không". Vậy thì được phép thông báo việc CP đã thành "người máy" có thể lập trình được. Theo đó cái máy của cậu đang ở chế độ tiết kiệm năng lượng, có thể chạy tới 20 năm vẫn tốt.
JM mãi tối qua ghé Vườn Treo thăm giao ban mới biết rõ. Bởi như JM nói "nó bảo với tao bận ra HN chữa cái bệnh nhìn thấy các em xinh trái tim vẫn thổn thức. Nói thế thì nghĩ là nó đùa. Ai biết dao sắc không cắt được ch...".

Thứ Sáu, tháng 11 13, 2009

HỒNG LĨNH ! KỶ NIỆM ĐỂ NHỚ

Nhân có chuyện chùa Hương Tich của ĐN ở UT,chạnh lòng viết đôi dòng tâm sự của cái ngày cách đây 40 năm để rồi đi mải,đi hoài với màu xanh áo lính.(nhưng mà lính cậu đấy nhé)Ở cái tuổi 20,một chiều cuối Thu năm 69.Chúng tôi được lệnh hành quân vào miền Trung,nói là một trung đội nhưng chúng tôi chỉ có hai đài,mỗi đài, cả đài trưởng + lái xe là năm người. Đã quen với công tác độc lập của lính thông tin,(lính tiếp sức mà)nhưng chuyến đi này vẫn thấy háo hức vì được vào tuyến lửa.
Buổi chiều lên đường,xe chạy đến nửa đêm thì chúng tôi nghỉ lại dưới một bãi Phi Lao bên đường thuôc Tĩnh Gia .Đêm nằm dưới gầm xe,không gian tỉnh lặng,xa xa chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ(vùng này vốn gần biển)tự nhiên lòng thấy bồn chồn với một nỗi nhớ xa xăm,nỗi nhớ về một vùng quê ngoại thành Hà Nội,nhớ về một vị hương đồng, cỏ nội,nơi tôi vừa chia tay với những gì mấy ngày trước đó
Thời gian nghỉ chẳng bao lâu,lại tiếp tục lên đường,những vương vấn cũng nguôi đi,giờ chỉ còn là phía trước.Vào đến Nghệ An, qua phà Bến Thủy,xuyên đường Hồng Lam,vượt ngã 3Vọt (bây giờ là thị xã Hồng Lĩnh)đi thêm vài km nữa,chúng tôi rẻ trái vào xã Thiên Lộc qua một suối cạn để đến chân núi. Hồng Lĩnh nằm giữa hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc.Nhiệm vụ là làm trạm giữa vươn vào các đơn vị tiền phương vì vậy phải được leo lên những đỉnh núi cao nhất.Núi Hồng Lĩnh đỉnh cao nhất là 650 m so với mặt nước biển,dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn ở Hà Tĩnh còn một ngọn ở phía bắc sông Lam đó là ngọn núi Quyết.Xe chạy vào một khu rừng Lim nhỏ trong đó có một ngôi đền cổ không có người trông coi, không có tượng Phật cũng là nơi chúng tôi ở sau đó.Công việc được triển khai ngay,toàn bộ máy móc trên xe được tháo rời,từ máy nổ, ăc quy, đến máy vô tuyến ...để cõng lên núi.Phải hơn một ngày chúng tôi mới đưa hết toàn bộ máy móc lên núi, lắp ráp, thử và liên lạc được với BTL ở Hà Nội.Chùa Hương Tích tôi biết từ đây!
Chùa Hương Tích nằm bên sườn một ngọn núi cao cách nơi đặt đài chừng 1000 m, ngày đó chùa có ba gian rất nhỏ,gian bên phải là nơi nghỉ của hòa thượng trụ trì chùa.Bên trái chùa có một khe suối nước chảy róc rách quanh năm,là nguồn nước để nhà chùa sinh hoạt.Khe nước này cũng là nguồn nước chảy hòa vào dòng suối Hương Tuyền.Bên phải chùa về phía sau có một cái Am nằm dưới một tản đá lớn.Phía trước chùa là các Tháp mộ của các bậc tiền nhân,nằm dưới những cây Thông cổ thụ reo với gió biển quanh năm.Chùa Hương Tích là một danh lam bồng lai,tiên cảnh,ở đây ta có thể thỏa sức ngắm biển Đông,từ phia Nghi Xuân đi lên chùa còn có một con đường mòn nhỏ đi men theo sườn núi .Lúc chúng tôi ở đây vị sư trụ trì chùa mới 27 tuổi, tên ông là sư Kiệm.Quê ông ở xã Hồng Lộc.Sinh thời lúc sinh ra ông đã ăn chay từ khi 10 tuổi,rồi ông lên chùa đi tu (nghe dân ở đây kể lại như vậy).Khoảng hơn 30 năm sau vào năm 2000, có một lần trở lại thăm chùa,tôi không gặp lại ông nữa,nghe nói ông bị người ta cho là gì,gì đó ,tôi thì không tin.Ngày trước, mỗi lần lên núi trực,tôi hay xuống chùa chơi và bao giờ cũng được ông cho lúc thì gạo tẻ, lúc thì gạo nếp.Ở trong chùa lúc nào cũng có hai hủ gạo.Có một chuyện làm tôi nhớ và day dứt mãi đến bây giờ,đã là bộ đội rồi mà vẫn còn nghịch như hồi ở Đại Từ,chuyện cũng giống như đã xảy ra hồi ở trại Cau, chỉ có khác một chút ở đoạn cuối... .Cái hồ nhà Đường đó chỉ là cái đập được xây dựng mươi năm nay chổ bờ đập trước đây là con suối cạn,ngày, ngày cõng xăng lên núi chúng tôi lội qua đó đầu tiên,nước chỉ đến mắt cá chân.Ngày trước mổi lần lên núi mất 45 phút,cứ 10 ngày trực trên núi ,còn 10 ngày phải cõng mổi ngày 20 lít xăng lên núi để chạy máy nổ.Không thấy ai nói có suối Hương Tuyền,hồ nhà Đường,cả nơi tượng Phật bà đứng bây giờ, ngày trước chưa có,đó là nơi nghỉ chân của bọn cõng xăng chúng tôi.Bàn chân tôi đã đi rất nhiều trên núi Hồng Lĩnh,đi săn,đi chặt nứa,lấy cũi,hái rau má,rau tàu bay và cả đi bứt tấp, (cắt lá, củi ...)hò đối với các O ở trên núi nên làm sao quên được. Trở lại sau hơn 30 năm nơi đây đã có nhiều thay đổi, có con đập nước,có tượng Phật bà,có nhiều rừng Thông thay cho những đồi cỏ Tranh,đồi Sim ngày xưa, và giờ đã có thuyền qua đập,không phải đi vòng qua cánh đồng để lên núi. Chỉ có một điều không khác xưa,có lẽ nó đi theo suốt cuộc đời của người dân nơi đây,(nói về Thiên Lộc thôi)đó là nghĩa tình và sự nghèo khó.

Các "tướng" cho SRTKL3

Ủng hộ chương trình chuẩn bị "thịt nướng" tập 3, tôi đề xuất các "tướng" này cần có hình. Mong AE bổ sung thêm lý lịch trích ngang. (sắp xếp ngẫu nhiên, ko theo thứ tự)

thầy Trọng


thầy Chi Phan









Kiến Quốc


Hữu Thành











Quang Vinh

Dương Minh

Góp ý cho công việc của "bạn chúng mình"

Anh QT.Ngọc, nhân viên "bạn chúng mình" trong ngành "công giáo" (giáo dục công) có lời mời "danh sách thư nhân sĩ CNTT" (ICT-VN mailing list) về việc "góp ý cho Thông tư về sử dụng mã nguồn mở trong giáo dục" như dưới đây.
Anh em nào quan tâm thì góp ý, với ý thức công dân, hoặc đọc cho biết, với ý thức của ông bà nội ngoại.
Mời các Quế giáo nếu có ghé đây thì tham gia luôn thể (xin gửi thẳng cho Bộ).

Kính gửi các anh/chị
Trân trọng kính mới các anh/chị góp ý dự thảo thông tư về hoạt động ứng dụng và phát triển phần mềm tự do mã nguồn mở của các cơ sở giáo dục
Xin xem chi tiết tại
http://www.moet.gov.vn/?page=6.10&view=1769

Trân trọng cám ơn
Dr. Quach Tuan Ngoc
Cục trưởng - Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo
30/18 Ta Quang Buu,
HaNoi, VietNam
Mobile: (+84)-913208044 FAX: (+84)-4-38693712
website: www.edu.net.vn    www.moet.gov.vn

Thứ Năm, tháng 11 12, 2009

Trên những cánh đồng xứ Flander

EGk9

Hôm qua 11/11 châu Âu kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhớ vào dịp 30/4 năm ngoái, tôi gửi bài đầu tiên « ra mắt » trên blog là bài viết về những bông hoa anh túc đỏ « trên những cánh đồng xứ Flander ». Vào một ngày cuối tháng 10 vừa rồi, khi những bông anh túc muộn màng nhất cũng đã biến mất khỏi « những cánh đồng xứ Flander », khắp nơi chỉ còn một màu vàng rực của lá thu, tôi lại có dịp cùng bạn bè ghé thăm nơi chiến địa  này. Thành phố Ieper, nằm phía tây nam nước Bỉ, một thành phố nổi tiếng sầm uất, một trung tâm thương mại lớn của Châu Âu thời Trung cổ là một trong những địa danh thuộc khu vực « những cánh đồng xứ Flander » đẫm máu này. Người ta nói rằng thành phố đã bị san phẳng hoàn toàn sau chiến tranh.
Hình 1 là mảnh từờng còn sót lại. Nhưng nếu không được giới thiệu thì du khách ngày nay khi đến thăm Ieper sẽ nghĩ rằng mình đang chiêm ngưỡng một thành phố cổ tuyệt đẹp. Sau chiến tranh người ta đã xây dựng lại thành phố theo đúng như nó vốn có từ thời xưa, khi chưa bị tàn phá.
Hình 2 là khu trung tâm buôn bán vải vóc vào loại lớn nhất châu Âu thời Trung cổ, tầng dưới là các cửa hàng còn tầng trên là các kho chứa vải. Ngày nay một phần tòa nhà là Tòa thị chính thành phố, còn một phần đáng kể là Bảo tàng mang tên « Trên những cánh đồng xứ Flander ». Và hòa quyện với những kiến trúc tuyệt đẹp thời xa xưa vẫn là những dấu tích nhắc những người đang sống về sự tàn khốc của chiến tranh.
Cổng vào thành phố là bức tường khắc tên những người lính thuộc lực lượng quân đội Anh (gồm Anh và các nước trong khối liên hiệp Anh) (Hình 3).
Như dòng chữ khắc trên mái của cổng thì đây là nơi « để tưởng niệm những người lính của Đế chế Anh quốc đã bám trụ nơi đây từ 1914 đến 1918 và để tưởng niệm những ai đã chết nơi đây mà không để lại một nấm mồ ». Và để có thể hình dung được có bao nhiêu người được « tưởng niệm » ở đây thì xin hãy đọc những con số được khắc trên một miếng đồng nhỏ bé, ít người để ý trên sân trời nhìn ra dòng kênh nhỏ bên cạnh cổng (Hình 4).
Con đường nhỏ chạy dọc theo kênh sẽ dẫn ta đến nơi mà bác sĩ quân y người Canada đã ngồi viết những dòng thơ « Trên những cánh đồng Flander » nổi tiếng. Dù mùa này ngoài cánh đồng không có bông anh túc nào còn nở nữa nhưng ở chỗ này không bao giờ thiếu những vòng hoa anh túc, và những bông anh túc vẫn nở trên ve áo đội quân nhạc chiều nào cũng tấu lên nơi đây khúc nhạc tưởng niệm để kết thúc một ngày an bình, và cả trên ve áo những bạn trẻ đang tìm về quá khứ.
Những bạn trẻ người Úc trong ảnh (Hình 5) vừa bước ra khỏi Bảo tàng. Họ là những người khách đi theo tour du lich mang tên « Hoa anh túc » và tôi đã thấy họ lần tìm tên người trên từng bức  tường. Chắc là họ đang tìm tên của người thân trong gia đình đã vĩnh viễn nằm lại ở một trong những nơi chiến địa khốc liệt nhất của lịch sử nhân loại.

P/S : Định gửi bài lên đúng ngày 11/11, nhưng hôm qua lại bận đưa một đoàn các sĩ quan QĐNNVN thăm chiến địa Waterloo.

Về SRTKL tập 3

BBT cho Tập 3 đã hình thành và bắt đầu triển khai thu thập bài vở, biên tập.
Như đã thông báo, nội dung cơ bản sẽ dựa vào các bài của anh chị em trường Trỗi đã tham gia trên blog suốt mấy năm qua. Tuy nhiên, BBT tiếp tục mời thầy cô, bạn Trỗi nào có bài viết, tư liệu gửi qua email về địa chỉ: kienquoc.tr@gmail.com.
- Đề nghị BLL các khóa cung cấp ảnh các LS (giữ nguyên kích thước, chưa chỉnh sửa).
- Đề nghị bạn Trỗi là tướng lĩnh gửi ảnh trong đại lễ phục, có đội mũ kê-pi.
Mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thầy cô, anh chị em trường Trỗi để có Tập 3 với chất lượng cao nhất. Trân trọng!

Thứ Tư, tháng 11 11, 2009

Chảnh!

Hôm nay hứng chí "cưa sừng làm nghé", tự cho là mình chảnh!
Chả là nghe tiếng gọi cửa, hỏi ra là cậu thanh niên đi thu tiền truyền hình cáp. Lật đật lấy tiền xuống đến nơi thì cậu ta đang nói chuyện ở các nhà khác phía trong; nhà tôi ngoài cùng ở cái ngõ cụt này. Nghe cũng là chuyện phải nói, mấy cô thu tiền bỏ việc mấy tháng nay báo hại giờ các cậu kỹ thuật phải chia nhau cầm hóa đơn đi thu thay. Tôi hiểu.
Nhưng chờ cậu ta lâu quá, mặc dù mấy lần đánh tiếng, gọi. Tức mình! Một lát cậu ta ra "bác cho cháu xin tiền truyền hình cáp". - Ờ, cậu đứng đấy chờ tôi 15 phút. Tôi chờ cậu lâu quá mà. "Vâng ạ". Mặc cho cậu ta chờ thật, tại sao lại không chờ? Lúc ấy tôi mới làm mấy việc vặt ngoài sân, buộc cổ con chó cho đêm khỏi xô cửa ầm ầm mỗi khi có con khác chạy bên ngoài.
Nghe chừng đã được dăm bẩy phút, tôi trả tiền cho cậu ta. Chốc sau lại thấy tội nghiệp cho cậu. Chả biết như thế có nên. Bởi vì thực sự cậu ta cần cải tiến cung cách làm việc. Trong trường hợp như vậy một chút nước lạnh dội vào đầu, một chút khổ đau,... cũng là cần thiết?

Thứ Ba, tháng 11 10, 2009

NÓI VỚI EM




Nếu ngày đó anh không trở về.
Ai sẽ nói với em những lời yêu thương bỏng cháy?
Nếu ngày đó anh đi không trở lại
Ai sẽ chở che em những ngày tháng bão dông?

nếu ngày đó anh không trở về
Ai sẽ ôm em trong vòng tay xiết chặt
Thủ thỉ bên tai em lời tha thiết mặn nồng!
Và ngọn lửa tình trong đêm lạnh mùa đông?

Em có xót thương không xác thân ai kia tả tơi rách nát
nằm vắt ngang trên miệng hố bom thù.
Em có tiếc thương không ,tấm thân trần bập bềnh trên sóng dữ
Bên đảo nhỏ quê hương đã phủ lớp sương mờ

Nếu ngày đó anh đi không về
Mẹ sẽ khóc thương cạn khô dòng nước mắt
Cha có đau xót không mà đêm ngày dằn vặt
Và em sẽ buồn một chút phải không em?

Và một ngày kia nỗi nhớ sẽ thành quen
Em sẽ bước lên xe hoa vui trong duyên mới
Anh sẽ có một chỗ trong tình thương đồng đội
giữa nghĩa trang có dòng chữ VÔ DANH!

Thứ Hai, tháng 11 09, 2009

TẠI SAO TÔI THÍCH HÁT BÀI LÁ ĐỎ

Tại sao tôi thích hát bài Lá Đỏ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp? Đó chỉ là một liên tưởng nhân….
Nhân mới đây nghe sáng tác mới của Bắc Hải, phải nói thật bài hát làm tôi rất xúc động. Nghe lại nhiều lần song tôi không thể không rưng rưng nước mắt. Tại sao vậy? Phải nói rằng đa phần chúng ta không nhiều kiến thức về âm nhạc lắm, song mỗi tác phẩm chúng ta vẫn có thể nhận biết thế nào là hay. Về vấn đề này các bạn đã có nhiều ý kiến trên Út Trỗi, song với tôi phần qua trọng nhất là tác giả đã thành công trong việc đánh thức được cái phần “cảm” (nhạc) trong con người. Khi phần “cảm” này được giải phóng nó sẽ bay bổng cùng sáng tác của tác giả, hay nói một cách khác là nó đã được cộng hưởng, tạo nên một thăng hoa vừa rất thực vừa có vẻ như trừu tượng. Các bạn cứ tin tôi đi! Bài hát này của Bắc Hải sẽ có đời sống thực sự trong làng âm nhạc Việt Nam .
Về bài hát Lá Đỏ, khi lần đầu tiên được nghe, tôi bị một bị một xúc cảm chi phối mạnh mẽ, nghe mà cứ như thấy một cuộn phim thật hào hùng luôn xuất hiện trong đầu. Hình ảnh người chiến sĩ gái vai khoác súng tóc tung bay, lồng lộng trên đỉnh núi, phía dưới xa xa là đoàn quân trùng điệp… tiếc là tôi không đủ khả năng diễn tả cảm xúc của mình. Chỉ biết rằng “nó” gây cho tôi một ấn tượng thật mạnh mẽ, bài hát còn thôi thúc tôi nếu được gặp tác giả sẽ có những câu hỏi rằng: những điều tôi cảm được có phải là sự khắc họa có ý của ông? Tiếc rằng cho tới giờ tôi vẫn chưa thực hiện được ý định.
Nhân đây tôi cũng muốn nói với các bạn rằng, bài hát mình thích có thể rất nhiều, nhưng bài hát để lại ấn tượng khi lần đầu được nghe thì không nhiều lắm. Tôi chỉ mượn chuyên tại sao tôi thích hát bài Lá Đỏ để chuyển tại một tình cảm có thực với bài hát “Sài Gòn có góc phố”. ”Nó” rất thực, rất tình mà lung linh. Cảm ơn Tác giả đã cho tôi thấy một Sài gòn rất thực, trong tâm tưởng của tôi, có thể những người Sài Gòn nơi xa cũng cũng nhận được tình cảm của tác giả mà cùng đồng điệu phiêu diêu.
Tôi viết những lời này không phải với mục đích đề cao một Bantroi, mà thực sự tôi bị thôi thúc phải ghi ra mặc dầu khả năng chuyển tải của mình thật là phọt phẹt, không thể lột tả được ý của mình. Chúc Bachai có nhiều thành công mới.

Skype Voice Chat "Problem with Audio Playback".

Bà TN than Skype cung cấp chức năng voice chát một cách đỏng đảnh. Tổng hợp lại các lần "cứu net" thì bà ta kết luận "Skype Voice Chat sợ ông HT. Có mặt thì nó chạy, đi về là y như rằng Problem with Audio Playback".
Tôi cũng ngạc nhiên về việc này. Vì hệ thống vững, cách dùng đơn giản, chả có gì để nhầm. Nhưng mà hôm qua tôi cũng bị như vậy. Nhìn ngó một hồi thì phát hiện ra lỗi sử dụng, bây giờ vô tình mắc. Nó là thế này:
Hình 1: đăng nhập vào Skype, ký hiệu Skype mầu xanh ở cửa sổ Skype và trên thanh công việc.

Hình 2: khi Sign Out ký hiệu Skype trên thanh công việc chuyển sang mầu xám. Lưu ý rằng nếu đóng cửa sổ Skype lại (bấm vào dấu X) thì ký hiệu Skype vẫn còn trên thanh công việc, có nghĩa là Skype tạm nghỉ vẫn sẵn sàng phục vụ. Muốn mở lại Skype chỉ cần bấm vào ký hiệu đó.
Hình 3: Nếu không để ý Skype đang tạm nghỉ, lại mở Skype như lần đầu thì cửa sổ Skype mở ra, đồng thời trên thanh công cụ sẽ có thêm một ký hiệu Skype xám, có nghĩa là Skype đang chạy ứng dụng song hành.

Hình 4: Đăng nhập bình thường, trên thanh công việc có một ký hiệu Skype xám và một Skype xanh, có nghĩa một bản nghỉ một bản chạy.


Hình 5: Chạy thử âm thanh (Make a Test Call) thì báo lỗi Problem with Audio Playback. Nguyên nhân chính là do bản chạy bản nghỉ, hệ thống coi như nghỉ. Bản chạy bị hệ thống chặn nên báo lỗi.

Kết luận: không để Skype bị chạy song hành, biểu hiện bằng hai ký hiệu trên thanh công việc. Nếu thấy thì bấm chuột phải vào một trong hai ký hiệu và chọn "Thoát (Quit)". Thiết bị âm thanh sẽ phục vụ Skype Voice Chat chu đáo.

Chủ Nhật, tháng 11 08, 2009

Tin xóa mù tin học

Chương trình xóa mù tin học lâu nay đã sinh ra một thiên tài dùng máy tính, là anh HH. Từ chỗ chưa biết máy tính, sau nửa năm anh đã dùng Ubuntu thành thạo, không biết Windows là gì. Nhờ vậy anh thường có mặt trên mạng, góp lời, chòng ghẹo mọi người.
Ít hôm nay vắng bóng HH, vì máy bao cấp theo chương trình xóa mù đã bị hỏng. May có KVk7 thải ra một cái laptop Dell cũ. Anh HH bỏ tiền sửa, chương trình xóa mù cài lại Ubuntu một cách gian khổ vì cái ổ đọc CD chỉ chực đình công. Cuối cùng, may quá, cũng dựng lại được máy quen thuộc cho anh HH.
Chương trình xóa mù tiếp tục có một máy đang trong tình trạng ngất ngất, sẵn sàng phục vụ.

Diễu binh Cách mạng tháng 10


H1: CMT10/1927, H2: CMT10/1971, H3: CMT10/1985, H4: CMT10/2008


Trả giá

Thành thực thú nhận với mọi người suốt tuần nay tôi tức mình với cái Ubuntu mới. Nâng cấp lên là mất wifi. Thực ra mấy lần tiểu tu (nâng cấp vặt) nó đã bị rồi, nhưng có võ nên cải được ngay. Bây giờ trung tu (nâng lên bản mới) thì võ cũ không xài được nữa.
Suốt tuần kiếm thầy kiếm thợ mà chưa được.
Vừa khi nãy mở mail ra xem, có anh bạn chỉ cho một chiêu, cũng là trong kho tàng của cộng đồng Ubuntu. Mang ra xài, được ngay. Cám ơn "vọng" tứ phía, cộng đồng là thế.
Cái giá phải trả là một tuần canh cánh, một vài đứt quãng người dùng không đáng kể. Nhưng bù lại là sự khoái chí khi có người giúp, tích thêm được một "chiêu" và sau đấy yên tâm... cho đến khi nâng cấp mới!

Thứ Sáu, tháng 11 06, 2009

Trò chơi hồi nhỏ


Nhớ hồi nhỏ, mỗi khi trời mưa, tôi rất thích chạy đi tìm mấy dòng nước (cống rãnh gì đó) chơi. Thôi thì đủ trò, thả thuyền, vớt lá cây, khơi dòng …. Cứ tưởng tượng ra đó là một dòng sông mà tùy cơ “ứng dụng” theo mơ màng của mình. Nhưng trò hấp dẫn nhất là lấy một cục gạch hay miếng gỗ chặn đứng dòng chảy lại cho tới khi ngập ứ lền rồi bất thần rút ra cho dòng nước cuồn cuộn đổ ào xuống. Những trò chơi rất thích thú luôn luôn bị người lớn la mắng là nghịch bẩn, coi chừng cảm lạnh …. Nhưng vẫn lén chơi, tới nay vẫn ko quên!

Đó là chuyện hồi nhỏ. Nay đi đường thỉnh thoảng lại chứng kiến cái “trò chơi” này được thực hiện với mức độ của người lớn. Mỗi khi đi qua các giao lộ đông xe cộ, nhất là vào giờ cao điểm, tôi thường thấy mấy “chú” CSGT “chơi” trò này. Các “chú” ko để tín hiệu đèn xanh-đỏ bật tự động mà lại điều chỉnh bằng tay theo “lưu lượng xe chạy trên đường” (theo lời mấy “chú” là vậy). “Chú” bật đèn đỏ thật lâu, để cho dòng xe ứ đọng lại thật nhiều, rồi bất chợt bật đèn xanh cho dòng xe ào ào đổ qua trong suốt thời gian cho dòng xe ở hướng cắt ngang ứ đọng lại. Rồi lại bất chợt đổ dòng xe mới. Trò chơi thật thích thú với mấy “chú” làm dân tình đi xe cũng thấy “thích” lây vì “được” hòa mình vào đám tắc xe (một trong những “đặc sản” hiếm có trên thế giới) và ngày hôm đó chắc chắn sẽ ăn cơm thấy ngon (vì “ngày nào ko có tắc xe thì ăn cơm ko thấy ngon”). Nhưng sao chẳng thấy “người lớn” nào la mấy “chú” nhỉ?!

Nhưng “chơi” với dòng xe cộ đâu sướng bằng “chơi” với dòng nước. Mấy “bác” quản lý các hồ thủy điện “chơi” còn hay hơn nhiều. Cứ ngăn dòng sông lại, đợi tới khi lũ về tràn hồ rồi bất chợt “xả lũ”. Cả một dòng sông cuồn cuộn chảy ào ào về xuôi. Nhìn thật sướng! Mà có lẽ còn “sướng” hơn là dân ở dưới hạ lưu. Nước đột ngột dâng cao tới nóc nhà ko kịp chạy chứ nói gì tới đồ đạc. May mắn thì kịp leo lên nóc nhà đợi trực thăng tới cứu hộ. Chẳng may ko kịp thì còn khối thời gian để ngẫm nghĩ về “trò chơi” này khi sang tới thế giới bên kia.

“Người lớn” đi đâu hết cả rồi? Hay tại các “bác”, các “chú” này lớn cả rồi ko bị ai la nên “chơi” bù cho hồi nhỏ ko dám chơi vì còn phải “ngoan” cho đúng lời người lớn? Còn thằng Tôi vốn hư từ nhỏ, đã chơi chán rồi, nay ko chơi nữa mà còn thấy khó chịu với tụi “từ bé đến lớn” bây giờ mới được “chơi”? Đúng là già rồi mà còn ích kỷ!?

Chuyện bản quyền

Ở cái xóm mọn này của tụi mình mà nói chiện bản quyền nghe hơi l...ớn. Nhưng để tránh rắc rối có lẽ các anh lưu ý nhắc nhau tránh một số "húy" đã có người dùng.
Ví như gần đây anh QT (tên do bố mẹ) nổi lên như một "điểm sáng văn học" thì bị anh em chuyển ngay thành TT (tên do anh em). Nhưng mà cái TT này là tên do bố mẹ đặt của anh TT thi thoảng có xuất hiện trước rồi.
Vậy đề nghị anh em quy ước lại theo cách anh Qx đã dùng rất hợp lý: Tên bố mẹ đặt cho thì HQ còn tên anh em đặt thì là Qx.
Khi này thì anh QT sẽ thành Tt, có được không ạ?

Thứ Năm, tháng 11 05, 2009

Bài sắp đăng: Lãng mạn công nghệ thông tin

Tối nay bài dưới đây của tôi đang được lên trang để in trên bản giấy sẽ phát hành vào ngày 9/11 Thứ Hai tuần sau. Có điều thường những thứ tôi viết rất ít người đọc, vì nó trong một tạp chí của Hội Tin học VN, Tin học và Đời sống. Thứ ấn phẩm trang trí cho một tổ chức xã hội nhiều hơn là đi vào xã hội. Tủi thân quá, đành bon chen đăng nó lên đây hi vọng mọi người thủng ra tôi cũng biết viết. Nếu không ai nhớ bài của tôi thì ấy là tại mọi người không biết hiểu vậy.
Chỉ xin một điều, đừng coi việc tôi đăng lên đây là vì bức xúc. Tôi không muốn truyền thứ cảm hứng xã hội ấy vào đây làm hỏng cái góc nhỏ thanh bình này của chúng ta. Nếu có bức xúc, là nó lang thang đâu đó trên sạp, trên tay người đọc ngoài xã hội. Dù ít nhưng thế nào cũng có người đọc.
Xin nói thêm, bài được dùng ở trang đầu của phần nội dung, mục Cùng suy ngẫm. Bởi thế nó không thể dài quá 1 trang, không thể cụ thể quá để ngoại đạo có thể hiểu. Bởi thế mới gọi là bon chen lấy chữ làm đầu. Anh em nào có ủng hộ thì... ném đá. Viết ra ai cũng cho là đúng thì chán ngắt.
Dưới đây là bài đã nêu:


“Hội Tin học Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến rộng rãi cho Đề án như một nội dung chính trong Hội thảo Hợp tác – Phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam... tổ chức tại Tp Bắc Ninh từ 27-28/11/2009” là những lời tâm huyết và trách nhiệm của Hội Tin học VN gửi lên Bộ trưởng Bộ TTTT đối với Đề án “Tăng tốc sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT”
Chợt nhớ với Đề án này, ở một mức cao hơn, Bộ trưởng cũng tâm huyết trước cơ hội đổi ngôi dân tộc trong thứ hạng thế giới; Bộ trưởng cũng trách nhiệm lắng nghe mọi lời góp ý để cố gắng trong tháng 11 có thể trình Đề án trước Thủ tướng CP. Thách thức nhiều nhưng cơ hội lớn nên không thể cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp, là nhận thức được từ lời kết luận của Bộ trưởng.
Chợt nhớ trong một hội thảo gần đây về nền kinh tế tri thức người ta nói ở đó “chỉ có thể biết chắc rằng không có gì là chắc chắn cả”.
Bỗng có cảm giác rằng những lời đóng góp từ Hội thảo sẽ giống những người khách muộn trước con tàu đã rời ga hay chí ít là cửa tầu đã đóng. Ở trên con tầu đó là những hành khách của nền kinh tế tri thức, không chắc chắn chuyến đi trước mắt sẽ đến đâu.
Sự không chắc chắn mà ngày 30/10/2009 mới đây ba Hội xã hội nghề nghiệp gồm Hội Tin học VN, Hội Tin học Tp HCM và Hiệp Hội DN Phần mềm VN đã có dịp trình bày với Bộ trưởng toàn những thứ đáng lo của thời “kinh tế tiền tri thức”. Đó là phương pháp luận chưa rõ ràng với những khái niệm thế nào là “nước mạnh về CNTT”, đánh giá theo tiêu chuẩn nào,... đó là có hay không đầu ra của cái “mạnh” dù là sản xuất hay ứng dụng CNTT; đó là mục tiêu xa mà tầm nhìn gần;... đó là tỷ trọng đầu tư cho nguồn nhân lực quá nhỏ,... Sự khác biệt giữa Dự thảo Đề án và những lời góp chắc khó mà lấp đầy trong một khoảng thời gian quá ngắn.
Mà cũng không thể lấp đầy một dự án khởi đầu từ ý tưởng tháng 3/2009 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phải trở thành cường quốc về Công nghệ thông tin để rồi Bộ TTTT sau 8 tháng thiết kế thành Đề án với dự toán lên tới hơn 140 nghìn tỉ Đồng. Không thể lấp đầy khoảng cách giữa một bản Đề án được cất kỹ mà những tổ chức xã hội nghề nghiệp chỉ nhìn thấy cái bóng tóm tắt của nó từ những nguồn tin bán công khai. Biết đâu là đầy!
Chợt nhớ gần đây một người làm CNTT “lão thành” đã than kèm chút hài hước bất an trong chốn riêng tư “càng ngày tôi càng thấy ICT đang có tội với VN vì có thể tiêu tiền nhiều quá sức tưởng tượng. Thoải mái vẽ, có lẽ nên đưa ra chức danh hoạ sĩ tin học, gọi tắt là hoạ tin sĩ”.
Có phải giới làm nghề chúng ta quá cẩn trọng, quá cầu toàn, quá trách nhiệm trước một chuyến đi không biết thế nào là chắc chắn của thời đại mới. Tại sao chúng ta không có được một chút tinh thần của những người giành lại đất nước thủa Tháng Tám lập nên Dân chủ Cộng hòa. Những người đó trong lao tù gian khổ vẫn lãng mạn cách mạng mơ về ruộng đất cho dân cày. Tại sao không thể lãng mạn CNTT, mơ về một Đề án...