Thứ Sáu, tháng 7 13, 2018

Giỗ đầu Nguyễn Quốc Dũng

Giỗ đầu Nguyễn Quốc Dũng, gia đình bạn có thư mời, xin chuyển tới các bạn


Thứ Tư, tháng 7 11, 2018

Về việc cứu hộ trong hang động ngập nước (P2)

(trích cuộc mạn đàm của các thợ lặn Vietdivers)

(tiếp theo và hết)
Về sự hy sinh của người thợ lặn Thái lan

1h sáng thứ Sáu 06/07/2018 đã ghi nhận một người thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên ở Tham Luang. Anh là Saman Kunan, cựu hải quân Seals Thái lan.
Theo thông cáo của chiến dịch cứu hộ, Saman tham gia thực hiện việc “rải” các bình khí tại các điểm trong hang – những nơi dự kiến sẽ cung cấp khí cho người lặn, trên đường lặn trở ra anh chỉ còn ít khí và đã bị ngất xỉu. Đồng đội của anh đã cố gắng đưa anh ra và thực hiện CPR (ép tim hồi sức) nhưng đã không thành công.
Tai nạn của Saman có ảnh hưởng đến kế hoạch giải cứu theo phương án cho đội bóng thiếu niên lặn ra – dù câu trả lời từ phía đội cứu hộ luôn là “chúng tôi sẽ cố bằng mọi cách”.

Tình trạng để đến hết khí trong khi lặn là một nguy cơ rủi ro rất lớn trong lặn bình khí. Đối với các thợ lặn, việc kiểm tra lượng khí trong bình và có phương án dự phòng, kỹ năng xử lý khi bất ngờ hết khí, luôn cần được ôn luyện và nhớ đến. Đối với trạng thái lặn trong hang động, xử lý rủi ro này sẽ bị khó hơn nhiều do hạn chế về tầm nhìn, có thể không kịp ra hiệu cho bạn lặn, do chủ quan, không lường được lượng khí còn lại sử dụng được bao lâu, do tình trạng sức khoẻ không đủ để chịu đựng việc cơ thể thiếu oxy do nạn nhân đã phải vận động nặng trong thời gian dài trong tình trạng căng thẳng.

Về lượng khí thở trong hang: Đội giải cứu bị đối mặt thêm với vấn đề là không khí trong hang sẽ bị giảm tỉ lệ oxy xuống do có quá nhiều người đang làm việc trong hang. Việc đặt ống thông khí đưa vào hang đã được bắt đầu, tuy nhiên đường ống vẫn chưa đủ dài để đưa tới vị trí các bạn nhỏ đang mắc kẹt.

Một số thông tin về mối liên hệ cần thiết giữa oxy cho sự sống con người trong tình huống khẩn cấp:
Ở điều kiện bình thường, oxy chiếm khoảng 21% trong không khí. Mỗi lần hít thở, cơ thể hấp thụ khoảng 4-5% lượng oxy này để cung cấp cho não và các cơ quan nội tạng, khi cơ thể vận động mạnh, nặng, bị căng thẳng... lượng oxy sẽ cần tiêu hao nhiều và nhanh hơn.
Khi thực hiện sơ cấp cứu cho người bất tỉnh, việc ưu tiên là thông đường thở và thực hiện ép tim (CPR) để đưa máu có hấp thụ oxy lên nuôi não, tế bào não sẽ bị huỷ hại trong khoảng từ 3-4 phút nếu không được cung cấp oxy.


Về việc cứu hộ trong hang động ngập nước (P1)

(Trích cuộc mạn đàm của các thợ lặn Vietdivers)

Giải cứu Đội bóng nhí Thái lan

Trước 7h tối ngày thứ Ba 10/7/2018, nhóm thợ lặn Seals của Thái lan đã vui mừng thông báo rằng cả 12 thành viên của đội bóng thiếu nhi Wild Boars và anh đội trưởng đã được đưa ra an toàn, hình ảnh thông tin được đăng lên kèm lời reo mừng “Hooyah!”
Một vài tiếng sau đó, nhóm 4 người cuối cùng trong nhiệm vụ là 3 lính Seals và 1 bác sĩ – những người đã trải qua nhiều ngày trong hang với các em nhỏ – cũng đã ra ngoài an toàn, nhiệm vụ của họ hoàn thành tốt đẹp.

Nói về phương án giải cứu:

Lính Seals hướng dẫn các bạn nhỏ luyện tập với thiết bị lặn ở trong hang – để họ có thể lặn ra khỏi hang với sự hỗ trợ của chuyên viên lặn Navy divers. Kết hợp bơm rút nước trong hang xuống mức tối đa để giảm thời gian và quãng đường phải lặn cho các bạn.
Các bạn nhỏ sẽ cần vuợt qua với một vấn đề duy nhất mà tất cả các Divers luôn bị, đó là Water Panic (Trạng thái hoảng loạn dưới nước). Tuy có 2 thợ lặn chuyên nghiệp kèm đưa 1 người ra, nhưng trạng thái Hoảng loạn này đặc biệt khó xử lý hơn nhiều lần khi các điểm lặn rất nhiều bùn đất (phù sa), không có ánh sáng và tầm nhìn gần như bằng không.

Các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn:

1. Tầm nhìn trong nước hạn chế: trong hang tối, không có ánh sáng chiếu vào; nước ngập là nước mưa, suối, lũ dâng lên; có nhiều đất bùn, có nhiều vị trí mà thợ lặn đã phải đào đất đá ra để mở thông lối; tầm nhìn trong nước rất kém, thậm chí không thể thấy bàn tay dù có chiếu đèn. Điều này dễ gây hoảng loạn cho người lặn, hoặc cản trở việc hỗ trợ khi người cứu hộ không quan sát được nạn nhân trong quá trình đưa họ ra ngoài.

2. Nhiệt độ lạnh: nhiệt độ nước trong hang thấp, bản thân người lặn sẽ bị mất nhiệt nhanh chóng trong môi trường nước – dù các bạn nhỏ được trang bị áo lặn (hạn chế sự mất nhiệt). Đặc biệt thể trạng của các bạn sau 10 ngày mắc kẹt đã giảm rất nhiều về sức khỏe và tinh thần, cùng với nhiệt độ thấp sẽ dễ gây đuối sức cũng dẫn đến hoảng loạn.

3. Địa hình phức tạp, có thể vấp, va, đạp vào đá, sụt lở trong khi đang lặn, các thiết bị lặn (mặt nạ, mồm thở,…) có thể bị quệt/vướng dẫn tới rơi, tuột.

4. Kỹ năng thở qua mồm thở (regulator) của thiết bị lặn: họ chưa đủ thời gian làm quen – cũng sẽ gây khó khăn dẫn đến hoảng loạn cho các bạn 


Tuy nhiên, Navy divers có niềm tin rằng, các bạn nhỏ đã kiên cường sống sót được 10 ngày trong hang như vậy, thì việc các bạn sẽ tiếp tục dũng cảm và nỗ lực cho việc thoát ra ngoài là hoàn toàn khả thi. (còn nữa)