Thứ Tư, tháng 12 26, 2018

Tin buồn: anh Phạm Vũ Thắng đưa tin cụ bà mẹ vợ mất

Tin buồn: anh Phạm Vũ Thắng đưa tin cụ bà mẹ vợ mất.
Bạn Trỗi K4 tập trung vào viếng lúc 12:30, thứ Bẩy 29/12/2018 tại Nhà Tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội.
----------
Mẹ Vợ tôi là Cụ Bà:
       KIỀU THỊ LUNG
Mới mất vào 25/12/2018. Xin được gửi thông báo tin buồn của gia đình:
          THÔNG BÁO
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:
Cụ bà: Kiều Thị Lung
Sinh năm 1927.
Nơi ở: 143 phố An Xá, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
Đã mất hồi 21h35' ngày 25/12/2018 ( tức ngày 19/11 năm Mậu Tuất).
Hưởng thọ 93 tuổi.
Lễ viếng và truy điệu tổ chức từ 11h30' đến 13h (Thứ 7) ngày 29/12/2018 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội.
Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Hà Nội.
An táng tại Nghĩa trang Thanh Tước Hà Nội.
   Trưởng nam: An Đô.
   T.nữ: An Kiều Kim Châu.

Thứ Năm, tháng 12 06, 2018

Tin từ Ban LL K4 phía Nam (Dương Mình):
"Má Võ Đình Hải mất sáng qua, nhập quan 23h ngày 5/12, động quan 11h ngày 7/12. Lễ viếng tổ chức tại 45 Nguyễn Đình Thi (khu dân cư Gia Hoà), P.Phước Long B, Q.9".

Tin FB (BD.Sô):
Má Võ Đình Hải mất sáng qua, nhập quan 23h ngày 5/12, động quan 11h ngày 7/12. Lễ viếng tổ chức tại 45 Nguyễn Đình Thi (khu dân cư Gia Hoà), P.Phước Long B, Q.9. Mời ae đến viếng Cụ và chia buồn với gđ VĐH vào 16h00 ngày hôm nay 6/12. Chuyển tin cho ae khác. Cám ơn.

Các bạn K4 phía Bắc xin chia buồn với anh Hải và gia đình.

Thứ Sáu, tháng 10 26, 2018

Anh Phạm Hồng Thao qua đời, tang lễ

Mấy tháng qua trên Fb K4 liên tục có tin về tình hình bệnh u gan ác tính của anh Phạm Hồng Thao. Bệnh trọng gần như vô phương chữa trị, mấy năm gần đây các bạn của chúng ta ra đi hầu hết cũng vì bệnh này dù rất quyết tâm, theo đúng chỉ định và tốn nhiều tiền của và sức lực của người trong gia đình.
Hồi 1:52 ngày hôm qua 25/10/2018 anh Hồng Thao đã qua đời, thọ 68 tuổi.

Xin thông báo về lễ tang Bạn:

Lễ viếng bắt đầu vào 9:30, lễ truy điệu và đưa tang vào10:45 ngày 30/10/2018,
Tại Nhà Tang Lễ Quân Đội, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Xin báo để các bạn biết, thăm hỏi, phúng viếng và đưa tang Bạn.

(Lưu ý: K4 vào viếng và sau đó đưa tiễn bạn vào 10h30. Xin đến sớm ít phút để tập hợp đông đủ)
Không có văn bản thay thế tự động nào.

Chủ Nhật, tháng 10 14, 2018

Gặp mặt K4 Ngày Truyền thống 15/10 (2018)

Hôm nay 14/10/2018 K4 tổ chức gặp mặt ngày truyền thống của Trường 15/10/(1965-2018) tại Nhà hàng Vườn Treo 281 Đội Cấn, Hà Nội.
Đếm ảnh thì được 45 bạn, bao gồm cả các bà xã (anh Thanh Đường và anh Văn Tín).
Các khóa khác có các bạn K3 (anh Lữ Thái), K5 (anh Hoàng Việt, anh Khôi), K7 (anh Thế Dân, anh Vũ), ngoài ra có nhận được quà mừng của C11.
Sau có thêm anh Giang GM đến sau không có trong ảnh.
Ánh sáng không đều nên nhiều anh "ở ẩn", nhất là anh Trần Hòa Bình vừa lấp vừa tối đằng sau.
Năm nay rất vui vì có mặt các bạn ít gặp như các bạn nữ Thanh Tâm, Châu Nguyên, các bạn Chu Hoàng Vân, bạn miền Nam Lê Tất Thắng, bạn ốm dậy Hồng Hải, Sơn Tùng.

Sau phần chụp ảnh, vào hội trường nói dăm câu ba điều, tựu trung có mấy ý:

1. Liên tục mấy năm nay năm nào cũng có bạn mình về cõi thiên. Tính từ 2014 là anh Bùi Hồng Thanh, 2015 anh Vũ Mạnh Hùng, 2016 anh Hoàng Ngọc Dũng, 2017 các anh Nguyễn Quốc Dũng, Hoàng Minh Thái, đầu 2018 anh Phạm Đức Bằng. Tuổi tác ngày càng cao thì càng yếu bệnh là đương nhiên. Vậy mong các anh em mình chăm lo sức khỏe, đừng chủ quan nên thăm khám định kỳ, nếu có ốm đau bệnh tật thì cũng chữa trị trong thế chủ động. Như anh Phạm Hồng Thao sáng nay đã được anh Vũ Hòa Bình đưa vào nhập viện 108, sau hai tháng bất ngờ phát bệnh rất nhanh, thật buồn.

2. Vậy nên có cơ hôi giao lưu anh em, giữ gìn tình bạn, bằng mọi phương tiện liên lạc, khi mà gặp nhau nhóm nhỏ còn dễ duy trì chứ gặp đông thì chốt lại vẫn là 3 dịp chính:

- dịp đầu năm vào ngày chủ nhật thứ nhất của tháng 2 âm (xa Tết cho chơi các cách khác chán đi, dễ tụ tập hơn).
- dịp "ra trường nhập ngũ" 1/7 gặp mặt toàn khóa (dịp này năm nay đã thay bằng du lịch tập thể, tăng hội giảm lễ)
- ngày truyền thống 15/10.

3. Về cuộc gặp dịp 1/7, phía Bắc đã đề xuất (trên cơ sở lấy ý kiến sơ bộ cả phía Bắc và phía Nam) hai địa điểm: hoặc Quảng Trị (kết hợp du lịch các địa danh kháng chiến thống nhất đất nước), hoặc Cam Ranh (tiêu biểu Biển Đông, Hải quân). Chọn hai địa điểm này nhường quyền anh em phía Nam quyết định. Nếu phía Nam chọn địa điểm khác, sẽ cùng xem xét sau và quyết định vào khoảng sau Tết để mọi người có thời gian thu xếp.

Một số thông tin xin thông báo các bạn biết, và kèm đây là các ảnh đã được chụp, cho hết lên kệ các cụ xem cho chán. (bấm vào đây xem tiếp)

Thứ Ba, tháng 10 09, 2018

K4 SG mời dự gặp mặt Ngày truyền thống 2018

Thân mời ace tham dự Họp mặt K4 SG năm 2018 

vào 10h00 sáng Chủ nhật 14/10
tại Cơ sở 2 Trường Đại học VHNT Quân đội - 142 Cộng Hoà, Tân Bình (phía sau Nhà hát QĐ, đi vào hẻm 142). 
Cám ơn. BLL K4 SG. 

Mời dự Gặp mặt K4 ngày truyền thống Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi 2018

Kính mời các bạn K4 và các bạn trường Trỗi các khóa (K1-K9) dự cuộc Gặp mặt truyền thống Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi 15/10/1965-2018 do K4 tổ chức

Thời gian: từ 9h30 ngày Chủ Nhật 14/10/2018
Địa điểm: Tại Nhà hàng Vườn Treo 281 Đội Cấn, Hà Nội

Mong các bạn K4 tham gia đông đủ, các bạn trường Trỗi nhiệt tình tham gia để cuộc gặp mặt, thăm hỏi, giao lưu bạn bè được vui vẻ.

Thứ Ba, tháng 10 02, 2018

(đã hủy) Thông báo gặp mặt ngày Truyền Thống vào 14/10

(đã có lời mời ngày 9/10 thay thế) Xin thông báo về cuộc gặp mặt K4 ngày Truyền thống Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi:

Kính mời các anh/chị K4 và các Bạn Trường Trỗi tham dự cuộc gặp mặt K4 hàng năm, nhân ngày thành lập/khai giảng 15/10/1965-2018 theo chương trình như sau:

1. Thời gian: cả ngày 14/10/2018
2. Địa điểm: cốt 400 núi Tản Viên, huyện Ba Vì, Hà Nội
3. Tổ chức:
3.1. Đi lại:
- Khuyến khích đi xe tập thể, chi tiết xin báo sau.
Đề nghị các anh/chị đăng ký vào danh sách theo dẫn dưới đây để thuê xe đi chung được chu đáo.
- Các anh không đi xe chung, xin tự lo phương tiện an toàn.
3.2. Ăn uống:
Sẽ ăn bữa trưa tại cốt 400 (Ba Vì Resort)
Đề nghị các anh/chị đăng ký vào danh sách theo dẫn dưới đây để đặt ăn được chu đáo.
3.3. Chi tiêu và góp quỹ:
Các anh/chị K4 đóng góp tiền chi cho đi lại, bữa trưa và góp quỹ.

Chi tiết sẽ bổ sung sau, xin các anh/chị lưu ý theo dõi.
Đăng ký tham gia theo dẫn dưới đây:
https://docs.google.com/spreadsheets/d/1Ni9ElC4RctBXLPOPEOH1lZbdU9CmirbkLyeMdxge8sI/edit?usp=sharing

Thứ Sáu, tháng 7 13, 2018

Giỗ đầu Nguyễn Quốc Dũng

Giỗ đầu Nguyễn Quốc Dũng, gia đình bạn có thư mời, xin chuyển tới các bạn


Thứ Tư, tháng 7 11, 2018

Về việc cứu hộ trong hang động ngập nước (P2)

(trích cuộc mạn đàm của các thợ lặn Vietdivers)

(tiếp theo và hết)
Về sự hy sinh của người thợ lặn Thái lan

1h sáng thứ Sáu 06/07/2018 đã ghi nhận một người thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên ở Tham Luang. Anh là Saman Kunan, cựu hải quân Seals Thái lan.
Theo thông cáo của chiến dịch cứu hộ, Saman tham gia thực hiện việc “rải” các bình khí tại các điểm trong hang – những nơi dự kiến sẽ cung cấp khí cho người lặn, trên đường lặn trở ra anh chỉ còn ít khí và đã bị ngất xỉu. Đồng đội của anh đã cố gắng đưa anh ra và thực hiện CPR (ép tim hồi sức) nhưng đã không thành công.
Tai nạn của Saman có ảnh hưởng đến kế hoạch giải cứu theo phương án cho đội bóng thiếu niên lặn ra – dù câu trả lời từ phía đội cứu hộ luôn là “chúng tôi sẽ cố bằng mọi cách”.

Tình trạng để đến hết khí trong khi lặn là một nguy cơ rủi ro rất lớn trong lặn bình khí. Đối với các thợ lặn, việc kiểm tra lượng khí trong bình và có phương án dự phòng, kỹ năng xử lý khi bất ngờ hết khí, luôn cần được ôn luyện và nhớ đến. Đối với trạng thái lặn trong hang động, xử lý rủi ro này sẽ bị khó hơn nhiều do hạn chế về tầm nhìn, có thể không kịp ra hiệu cho bạn lặn, do chủ quan, không lường được lượng khí còn lại sử dụng được bao lâu, do tình trạng sức khoẻ không đủ để chịu đựng việc cơ thể thiếu oxy do nạn nhân đã phải vận động nặng trong thời gian dài trong tình trạng căng thẳng.

Về lượng khí thở trong hang: Đội giải cứu bị đối mặt thêm với vấn đề là không khí trong hang sẽ bị giảm tỉ lệ oxy xuống do có quá nhiều người đang làm việc trong hang. Việc đặt ống thông khí đưa vào hang đã được bắt đầu, tuy nhiên đường ống vẫn chưa đủ dài để đưa tới vị trí các bạn nhỏ đang mắc kẹt.

Một số thông tin về mối liên hệ cần thiết giữa oxy cho sự sống con người trong tình huống khẩn cấp:
Ở điều kiện bình thường, oxy chiếm khoảng 21% trong không khí. Mỗi lần hít thở, cơ thể hấp thụ khoảng 4-5% lượng oxy này để cung cấp cho não và các cơ quan nội tạng, khi cơ thể vận động mạnh, nặng, bị căng thẳng... lượng oxy sẽ cần tiêu hao nhiều và nhanh hơn.
Khi thực hiện sơ cấp cứu cho người bất tỉnh, việc ưu tiên là thông đường thở và thực hiện ép tim (CPR) để đưa máu có hấp thụ oxy lên nuôi não, tế bào não sẽ bị huỷ hại trong khoảng từ 3-4 phút nếu không được cung cấp oxy.


Về việc cứu hộ trong hang động ngập nước (P1)

(Trích cuộc mạn đàm của các thợ lặn Vietdivers)

Giải cứu Đội bóng nhí Thái lan

Trước 7h tối ngày thứ Ba 10/7/2018, nhóm thợ lặn Seals của Thái lan đã vui mừng thông báo rằng cả 12 thành viên của đội bóng thiếu nhi Wild Boars và anh đội trưởng đã được đưa ra an toàn, hình ảnh thông tin được đăng lên kèm lời reo mừng “Hooyah!”
Một vài tiếng sau đó, nhóm 4 người cuối cùng trong nhiệm vụ là 3 lính Seals và 1 bác sĩ – những người đã trải qua nhiều ngày trong hang với các em nhỏ – cũng đã ra ngoài an toàn, nhiệm vụ của họ hoàn thành tốt đẹp.

Nói về phương án giải cứu:

Lính Seals hướng dẫn các bạn nhỏ luyện tập với thiết bị lặn ở trong hang – để họ có thể lặn ra khỏi hang với sự hỗ trợ của chuyên viên lặn Navy divers. Kết hợp bơm rút nước trong hang xuống mức tối đa để giảm thời gian và quãng đường phải lặn cho các bạn.
Các bạn nhỏ sẽ cần vuợt qua với một vấn đề duy nhất mà tất cả các Divers luôn bị, đó là Water Panic (Trạng thái hoảng loạn dưới nước). Tuy có 2 thợ lặn chuyên nghiệp kèm đưa 1 người ra, nhưng trạng thái Hoảng loạn này đặc biệt khó xử lý hơn nhiều lần khi các điểm lặn rất nhiều bùn đất (phù sa), không có ánh sáng và tầm nhìn gần như bằng không.

Các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn:

1. Tầm nhìn trong nước hạn chế: trong hang tối, không có ánh sáng chiếu vào; nước ngập là nước mưa, suối, lũ dâng lên; có nhiều đất bùn, có nhiều vị trí mà thợ lặn đã phải đào đất đá ra để mở thông lối; tầm nhìn trong nước rất kém, thậm chí không thể thấy bàn tay dù có chiếu đèn. Điều này dễ gây hoảng loạn cho người lặn, hoặc cản trở việc hỗ trợ khi người cứu hộ không quan sát được nạn nhân trong quá trình đưa họ ra ngoài.

2. Nhiệt độ lạnh: nhiệt độ nước trong hang thấp, bản thân người lặn sẽ bị mất nhiệt nhanh chóng trong môi trường nước – dù các bạn nhỏ được trang bị áo lặn (hạn chế sự mất nhiệt). Đặc biệt thể trạng của các bạn sau 10 ngày mắc kẹt đã giảm rất nhiều về sức khỏe và tinh thần, cùng với nhiệt độ thấp sẽ dễ gây đuối sức cũng dẫn đến hoảng loạn.

3. Địa hình phức tạp, có thể vấp, va, đạp vào đá, sụt lở trong khi đang lặn, các thiết bị lặn (mặt nạ, mồm thở,…) có thể bị quệt/vướng dẫn tới rơi, tuột.

4. Kỹ năng thở qua mồm thở (regulator) của thiết bị lặn: họ chưa đủ thời gian làm quen – cũng sẽ gây khó khăn dẫn đến hoảng loạn cho các bạn 


Tuy nhiên, Navy divers có niềm tin rằng, các bạn nhỏ đã kiên cường sống sót được 10 ngày trong hang như vậy, thì việc các bạn sẽ tiếp tục dũng cảm và nỗ lực cho việc thoát ra ngoài là hoàn toàn khả thi. (còn nữa)

Thứ Bảy, tháng 6 09, 2018

Kết thúc chuyến K4 du lịch Tây Nguyên

Sau mấy ngày nghe ngóng "dư luận quần chúng", thay mặt các bạn K4 đã có nhời, coi như các bạn khác đồng ý, chúng tôi xin:
- Cám ơn các bạn đã tham gia chuyến đi này, vừa là thăm thú vùng miền địa điểm, vừa là giao lưu gặp gỡ bạn bè tình sâu từ thủa còn thơ.
- Kết luận mà không sợ hồ đồ rằng chuyến đi mang lại niềm vui, dù là đường xa, tốn kém, dù là thời tiết không như mong muốn, dù là đôi khi có điều không được như mình muốn. Bởi điều mong muốn lớn nhất là mỗi năm được gặp nhau một lần nhiều bạn nhất có thể.
- Thêm một lần cám ơn các bạn không phải là K4 và các bạn K9 đã nhiệt tình tham gia dù cuộc này không phải là "lễ" như mọi năm. Các anh/chị Huynh Loi Le, Nam Phan năm nào cũng có mặt cùng anh Đoàn Văn Luyện, thêm chú em lắm điều Phương Tuấn Nguyễn, các anh Son Hoangminh, Hoàng Việt,... mong các năm sau các bạn lại tham gia cùng chúng tôi.
- Chúc các bạn giữ gìn sức khỏe, ít nhất chúng ta gặp nhau mỗi năm một lần, dù là ai tổ chức.
- Mỗi người mỗi ý, có điều gì chưa hài lòng chúng tôi mong các bạn thông cảm và góp ý để tổ chức được tốt hơn ở lần sau.

Dự kiến cho năm tới:

Các anh Ban LL K4 hai miền (Văn Hùng và Dương Minh) đã thống nhất (theo nguyện vọng vài năm gần đây của các bạn K4) là năm 2019 K4 sẽ tổ chức Lễ gặp mặt toàn quốc kỉ niệm 50 năm Ra Trường và Nhập Ngũ (1969-2019) tại một địa điểm dọc đường 1.
- Anh Văn Hùng đã chủ động đề xuất cuộc gặp đó tại Quảng Trị bởi ở đó có nhiều bạn Trỗi các khóa tham gia chiến đấu, và hi sinh phù hợp với tinh thần "văn hóa quân đội thiếu sinh quân".
- Anh Dương Minh chưa đề xuất địa điểm, chắc muốn lấy ý kiến các bạn trong Nam.

Với đề xuất của anh Văn Hùng, trên tinh thần "lính và quê", tôi xin gợi ý những địa điểm sau:
1. Cửa Việt, là khu du lịch biển, cách Đông Hà (tỉnh lỵ) 20km, là nơi không quá "đô thị" ồn ào, có thể là nơi ăn nghỉ, tổ chức lễ. (phương án thay thế Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị).
2. Các điểm du lịch chiến tranh cách mạng: các nghĩa trang LS cấp quốc gia (Trường Sơn và Đường 9), địa đạo Vịnh Mốc, cột cờ cầu Hiền Lương, thành cổ thị xã Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ tiền tiêu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của KQ Mỹ.

Xin chào và chúc tất cả các bạn vui, hẹn gặp vào năm sau, cuối tháng 6-đầu tháng 7.

Thứ Tư, tháng 6 06, 2018

Thời gian này cách đây 50 năm

K4 hội quân đợt này đúng dịp 50 năm đi rèn luyện 3 tháng ở trường Quân chính Quân khu Tả ngạn, với chương trình đào tạo (cấp tốc) cán bộ chỉ huy phân đội nhỏ, ra trường có "bằng cấp trung đội trưởng" với quân hàm Binh ba.
Nhưng chúng ta lại không có hình ảnh gì lưu lại "thời khắc lịch sử" này, may mà:
Hồi 1970, phóng viên nước ngoài qua Việt nam có tới thăm một trường Sỹ quan hay Quân chinh nào đó và chụp được hình học viên tập luyện, đặc biệt có lê quyết thắng - một môn đã "thất truyền". Gần đây Hãng AP có công bố một mớ hình và tôi copy được,
nay xin trình lên bloc để các bác "liên hệ lại bản thân".







Nhận xét của một nguyên học viên K7, K8 trường QC-QKTN năm 1968 (nói cho nó oai): 
-Hình vượt tường: học viên sai tư thế, lẽ ra toàn thân phải nằm áp sát mép tường.
-Hình cuối: tập đánh báng súng-thân súng-lưỡi lê với quả chùy, dưng mà quả chùy này còn nhõn cái cán, thật chẳng ra làm sao. 
Còn dưới đây là lê quyết thắng của anh bộ đội ngoại bang:


Thứ Hai, tháng 5 28, 2018

Nhắc lại về chuyến đi chơi tập thể K4 2-5/6/2018

- Ngày 2/6: Từ trưa sau 12h 2/6 Ks Công Đoàn (số 9 Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, Gia Lai) đón khách đoàn ta. Ăn bữa tối tại KS

- Ngày 3/6: sáng lên xe (đang hỏi thuê) đi tham quan đường HCM đoạn Pleiku-Kontum để biết đường bộ cao nguyên. Tới Kontum tham quan Nhà thờ Gỗ và Tòa Giám mục là hai kiến trúc cổ đặc sắc. Lưu ý tham quan nơi tôn nghiêm nên ở bên ngoài, nếu vào trong thì trang phục nghiêm chỉnh, trật tự, không chụp hình.
Ăn trưa ở Kontum.
Trên đường về lại Pleiku rẽ vào thăm Thủy điện Yaly.
Ăn tối ở nhà hàng Bazan, giao lưu với vài người bạn địa phương.

- Ngày 4/6: các nhóm tự tổ chức tham quan thành phố Pleiku (nhà thờ, chùa, Biển Hồ, các quảng trường,...)
Bữa tối liên hoan chia tay tại Ks.

- Ngày 5/6: trả phòng trước 12h.

- Liên hệ: Ks Công Đoàn số 9 Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, Gia Lai.
ĐT liên hệ Lễ tân: 0269 3824 073, cháu Huyền 0908751637 chăm đoàn ta.

Thứ Sáu, tháng 5 18, 2018

Tin buồn: mẹ anh Lê Trung Nghĩa mất

Cụ bà Phạm Thị Ngọc Đào, là mẹ của anh Lê Trung Nghĩa, đã mất hồi 9g15 ngày 18/5/2018, hưởng thọ 92 tuổi.
- Lễ viếng được tổ chức từ 9g đến 10g30 ngay 22/5/2018
tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354- Phố Đội Nhân, TP Hà Nội.
- Lễ truy điệu từ 10g30 đến 11g cùng ngày.
- Lễ an táng tại nghĩa trang Thiên Đức.
​​​​​​
​​​Ban Liên lạc K4 xin chia buồn với anh Lê Trung Nghĩa và gia đình.
Các bạn K4 đến viếng lúc 10 giờ, xin đến sớm ít phút để tập hợp.

Thứ Tư, tháng 5 09, 2018

Nhắc đăng kí đi du lịch tập thể K4 2018

Xin nhắc các cụ là cuộc du lịch tập thể bạn Trỗi K4+ (+ các K khác cho tới... K9) chỉ còn 3 tuần nữa là thực hiện (2-5/6/2018) tại Phố Núi Pleiku.
Vậy hôm nay tôi xin dọn dẹp danh sách đăng kí tham dự mà vốn là danh sách cuộc gặp năm ngoái 2017 ở Tp.Quảng Ngãi. Nhiều bạn có tên trong danh sách ấy mà nay không/chưa đăng kí lại thì tôi sẽ xoá, chỉ để lại các bạn đã xác nhận tham dự.
Việc dọn dẹp này nhằm để chuyển giao danh sách cho các cháu lễ tân của Ks.Công Đoàn Pleiku theo dõi và thu xếp cho chúng ta được chu đáo.
Mong các cụ lưu ý và tiếp tục đăng kí tham dự thêm, đông vui.
https://docs.google.com/spreadsheets/d/1M_VWmcWkYn670zPOXjDVkUrUA97EWIm4j5qdSwtSMIA/htmlview

Thứ Ba, tháng 4 24, 2018

Hậu cần trong chiến dịch Điện biên

Sắp tới ngày chiến thắng Điện biên phủ, tôi xin đưa một vài con số về hậu cần (yếu tố quyết định 50% làm nên thắng lợi) cho chiến dịch như sau:


Theo cuốn Số liệu về chiến dịch Điện biên phủ - những con số tiêu biểu (Thiếu tá, ThS. Lê Thanh Bài, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, bài trên NXB Chính trị Quốc gia), thì Đảm bảo hậu cần của ta:

Quân số hậu cần chiến dịch: 3.168 người phân bổ trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, binh trạm 18 và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí.

Lực lượng tăng cường: 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37 mm (24 khẩu) và đại đội 12,7 mm.

Lực lượng dân công: 261.453 người với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ; 18.200 cán bộ và đội viên thanh niên xung phong.

Lương thực, thực phẩm cung cấp trong chiến dịch: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác; 1.860 lít dầu ăn, 280 kg mỡ; 71 tấn quân trang; 1.783 tấn xăng dầu; 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y.

Điều trị cho: 10.130 thương binh và bệnh binh (chưa kể số thương, bệnh binh của địch).

Vũ khí - đạn dược:
1.285.000 (950.000) viên đạn trung liên.
907.000 (840.000) viên đạn tiểu liên.
4.150 (4.000) viên đạn ĐKZ 57 mm.
4.000 (530) viên đạn ĐKZ 75.
1.820 (1.800) viên đạn Bazoka 90.
21.800 (23.320) viên đạn cối 60.
35.993 (37.300) viên đạn cối 81 mm và 82 mm.
4.360 (3.000) đạn cối 120 mm.
3.574 (4.700) đạn pháo 75 mm.
15.118 (16.600 (**) viên đạn pháo 105 mm(*).
40.000 (31.750) viên đạn cao xạ 37mm.
706.600 (512.000) viên đạn cao xạ 12,7 mm.
96.480 (86.080) quả lựu đạn và 27,5 tấn (25 tấn) thuốc nổ.
4.950 (4700) chiếc cuốc.
8700 (7.800) chiếc xẻng.
2.920 (2.900) con dao.

Ghi chú: Số liệu trong ngoặc là lượng tiêu thụ thực tế

Tổng khối lượng cung cấp cho chiến dịch là 30.759 tấn, trong đó đã tiêu thụ hết 19.989 tấn.

(*)  Trong đó chỉ có 3.600 viên do Trung Quốc viện trợ (sau khi kết thúc chiến dịch mới được họ viện trợ thêm 7.400 viên).
(**) Nhiều tài liệu khác thống kê số thực bắn là (khoảng, gần) 20.000 viên.

Một thống kê sau ngày kháng chiến chống Pháp kết thúc, cho thấy trang bị của QĐNDVN lúc đó vũ khí viện trợ chiếm tỉ lệ 20%, chiến lợi phẩm thu của địch chiếm 70%, 10% còn lại do Việt nam tự sản xuất. (Pháo 105 ly thì không theo tỉ lệ này: ta có 24 khẩu thì 20 khẩu do viện trợ, có 4 khẩu do Việt minh "tăng gia" được).

Thứ Hai, tháng 4 23, 2018

Cập nhật 23/4 về chuyến du lịch tập thể Pleiku 2-5/6

Kèm đây là bảng giá phòng của Khách sạn Công Đoàn Pleiku. Trước khi tôi đến xem cụ tỉ thì có người nói khu C gần chợ đêm sợ là hơi ồn. Bởi vậy tôi ghé Ks Sesan hạng bình dân 2* gần đấy mà những lần trước tôi từng ở. Nhưng khớp thời gian thì Sesan sẽ ngừng đón khách khi đó để sửa. Vậy khẳng định ta sẽ ở Công Đoàn, các đêm 2-3-4/6 nhé. Ở đây tiện nghi tối thiểu nước nóng lạnh, có điều hoà, sạch sẽ.
Các cụ cần tiện nghi hơn có thể ở quanh đấy như Tre Xanh chẳng hạn.


Thứ Hai, tháng 4 16, 2018

Tin buồn

Thấy trên Facebook có thông báo của Phạm Vũ Hiếu-con trai Phạm Đức Bằng viết : Cháu là con bố Bằng, Bố cháu mất lúc 7h35 sáng nay (15/4/2018), Lễ viếng bố cháu tổ chức từ 11h đến 13h ngày thứ 5 (19/4 dương lịch) tại nhà tang lễ Bệnh viện quân y 354. Kính báo với các bác các cô các chú ạ. Xin chia buồn với gia đình Phạm Đức Bằng và

chuyển thông báo đến anh em. K4 vào viếng lúc 12h, mong các bạn đến sớm ít phút để tập hợp.

Thứ Ba, tháng 4 10, 2018

Đăng kí tham gia du lịch tập thể K4 2018 (từ chiều 2 đến sáng 5/6) tại Pleiku

Mời các bạn K0-K9 đăng kí tham gia tại địa chỉ kèm theo đây.
Bản đăng kí này dùng lại bản của năm ngoái chuyến gặp mặt tại Quảng Ngãi. Tôi vẫn để tên kèm theo số điện thoại để các bạn khỏi mất công thao tác. Các nội dung khác xin đăng kí lại (số lượng người, yêu cầu phòng riêng,...).
Các bạn không tham gia có thể tự xoá, hoặc sau này sát ngày tham gia thì chúng tôi sẽ xoá khỏi danh sách. Các cột cuối bên phải để bên tổ chức sử dụng.
Xin các bạn lưu ý đăng kí phần của mình. Nếu cần sửa mà thấy khó thì đừng cố, có thể lạc xa hơn. Thông báo bằng lời để chúng tôi giúp.
Hoặc gọi điện nhắn tin đăng kí để chúng tôi gõ giúp, các bạn kiểm tra sau đó.
https://docs.google.com/spreadsheets/d/1M_VWmcWkYn670zPOXjDVkUrUA97EWIm4j5qdSwtSMIA/edit?usp=drivesdk

Thứ Sáu, tháng 3 23, 2018

Tin nhanh gặp mặt K4 Xuân 2018 và quyết đi Pleiku

Khuyến mại của Vietnam Airline https://www.vietnamairlines.com/vi/sites/chao-he-2018

Gặp mặt đầu Xuân năm nay vắng một số bạn về cõi (Quốc Dũng, Minh Thái), một số bạn ốm và bận việc (Hồng Hải, DMĐ,...); lại có mặt một số bạn ít đi (Mạnh Quang, Thế Khanh). Kèm theo là ảnh chân dung (thảm họa) của một số bạn, và ảnh toàn thể (có thể chưa đủ người đến sau). K2 có anh Chu Kỳ Minh, K5 có các anh Hoàng Việt và Công Chính đến dự vui chung.

Về chuyến Pleiku (mong anh em trong Nam và các nơi khác ủng hộ):
- Thời gian chính thức sinh hoạt chung: hai ngày 3-4/6, bao gồm thăm quan, nói chuyện thăm hỏi, liên hoan vào chiều 4/6.
- Thời gian đón tiễn khách: đón sau bữa trưa 2/6, tiễn sau bữa sáng 5/6.
- Địa điểm thông báo sau.
- Chương trình tham quan: ngày 3 đến hết sáng 4. Sẽ có thông báo sau.
- Tài chính: đóng góp cho 3 đêm (2-4/6) và 2 ngày (3-4/6) là 2 triệu Đ/người. Bao gồm ăn ở thăm quan du lịch. Không bao gồm: vé tầu xe đến và rời Pleiku và các chi tiêu khác trước/sau đón/tiễn.
- Tài trợ: hoan nghênh các bạn có điều kiện tài trợ thêm để đảm bảo thanh toán, và hỗ trợ các bạn có khó khăn tài chính.
Ảnh không đẹp, nhưng cứ đưa để bạn nhìn nhau là được rồi.
(Bấm vào đây xem ảnh)

Thứ Năm, tháng 3 22, 2018

Mấy ngày đổi gió thăm nhau

Đổi gió
Rời HN ngày 16/3 thứ Sáu, hôm sau là gặp mặt hàng năm bạn học K14 Lý ĐHTH, tiếc nhưng mà việc đã định, có lịch là phải đi.
Lịch đây là của chị VHP, C11 K4, có chương trình kép: trồng 5000 cây phi lao ven biển Vũng Chùa, và trao quà hỗ trợ các cháu học sinh vùng sâu lõi Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng (bản tộc Arem, Tân Trạch, Bố Trạch, QB). Trồng cây ngày 18, đi bản Arem ngày 17.
Tôi và Từ Ngữ chạy một xe chở 25 đệm mẫu giáo (60x120cm), 150 áo khoác (3 cấp: mẫu giáo, tiểu và cơ sở) cùng 150 mũ len lấy từ một nhóm làm hàng từ thiện. Tất nhiên giá rất rẻ vì họ khai thác hàng phụ phẩm từ các cơ sở sản xuất, có thứ họ chỉ cho không lấy tiền.
Ngày 17 đi vào bản, trao quà nhờ cô trưởng trạm y tế nhận hộ số đệm cho các cháu ở bản, số áo và mũ trao cho bộ đội biên phòng đồn Cà Roòng cấp cho các cháu 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch.
Sau 15 phút trao quà có chớp hình thì chờ khách là bạn của cô trưởng trạm, cậu bộ đội đến theo hẹn. Chúng tôi 4 người được ăn ké cuộc đãi bạn này, mà có lẽ họ hẹn ngày 17 là vì thế. Nhiều thành phần cho đủ một cuộc "ngả dê" có cả tiết canh do... y tế đạo diễn. Món ấn tượng với tôi là "lòng đắng" do bộ đội đạo diễn, nguyên một cái mật, canh ngăm ngăm đắng vì còn thiếu rau góp đắng hơn nhưng theo họ thì hợp vị.
Bản này là nơi định cư của tộc Arem, vốn sinh sống trong hang đá, cho tới giờ vẫn chưa canh tác mà vẫn săn bắt hái lượm (theo tôi quan sát). Bản có những nhà sàn trên cột bê tông là quà của nhân dân và đảng bộ Tp.HCM thời ông NMT.

(Bấm vào đây xem tiếp)

SUY NGẪM ĐẦU NĂM

Bài viết của Nguyễn Việt Hồng "há"

Nhìn lại những vụ cướp ngân hàng thành công gần đây ở Trà Vinh –Đồng Nai –Vĩnh Long ,mới đây nhất lại xảy ra ở Bắc Giang ,ta có thể rút ra một điểm chung gì ? Theo thiển nghĩ của tôi ,các ngân hàng đó đều thiếu một thiết bị bảo vệ vô cùng quan trọng ,tạm đặt tên cho nó là : THIẾT BỊ XUA ĐUỔI TỘI PHẠM hay gọi tắt là thiết bị TX !
Với bối cảnh hiện tại ,ta có thể xếp tội phạm thành 2 loại sau :
-Tội phạm truyền thống .
-Tội phạm phi truyền thống.
Tội phạm truyền thống là tội phạm gây ra bởi những thành phần có bề dầy lịch sử về tiền án tiền sự ,đã từng ăn cơm tù nhiều lần ,đã có tên trong sổ đen của cơ quan điều tra .Còn tội phạm phi truyền thống là tội phạm mà bị can mới gây ra lần đầu .Họ có thể là sinh viên ,là viên chức trong các cơ quan nhà nước, dân buôn bán bị thua lỗ ,con nợ đang chịu lãi cao không có khả năng trả nợ ,đệ tử của trò lô đề cờ bạc ,cá cược bóng đá ,rồi con nghiện ma túy ,những kẻ lười nhác thích hưởng thụ nhưng lại lười lao động ..v v …Đối tượng này thì nhiều vô kể ,mà có lẽ nó sinh sôi nảy nở không ngừng .Nhưng vì có hệ thống pháp luật khống chế hành vi ,nên mặc dù thèm khát lắm những cọc tiền ngân hàng trưng ra lúc kiểm quỹ ,họ cũng chỉ khao khát sở hữu trong ý nghĩ mà thôi ,chứ không dám ra tay chiếm đoạt .
Nhưng vẫn có những trường hợp lẻ tẻ xảy ra ở địa phương này địa phương khác .Lý giải cho những vụ cướp đó là do đối tượng đã bị dồn đến bước đường cùng ,không còn lối thoát nào khác (riêng thoát nợ bằng cách tự tử thì không còn gì để nói ) .Một dạng khác là muốn đổi đời ngay lập tức nên sinh ra liều mạng ,manh động .Chính vì những đối tượng nhắm đến miếng mồi ngân hàng –tiệm vàng có xu hướng ngày càng đông đảo ,cho nên để tự bảo vệ mình ,ông giám đốc ngân hàng phải nghĩ ra đủ mọi cách : Từ thuê nhân viên bảo vệ trẻ giỏi võ thuật có trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ đến việc lắp nhiều CAMERA theo dõi ở đủ mọi góc cạnh ,thường trực thường xuyên 24/24 .Ỏ đâu có sáng kiến gì hay ,ông cũng tìm cách học hỏi ,mua sắm để trang bị cho ngân hàng mình….Và đến một hôm ,ông được biết tới thiết bị TX .”Có thiết bị này trong tay ,ta cứ chủ động xua đuổi bọn cướp đi là hơn –Phòng bệnh hơn chữa bệnh –Chứ để cho chúng cướp xong rồi mới báo cho công an thì phức tạp rườm rà lắm ,mà chưa chắc đã thu hồi lại được tài sản “ –Xoa xoa cái trán hói ,ông giám đốc tỏ ra hài lòng với lý lẽ vừa thoáng qua trong đầu mình .
Để giúp các bạn hình dung thiết bị TX nó hoạt động như thế nào ,xin mời đọc đoạn mô tả sau đây :
(Bấm vào đây xem tiếp)

Thứ Năm, tháng 3 15, 2018

Thông báo gặp mặt K4 Xuân 2018

Tin cuối cùng
Do nhà hàng Vườn Treo đã kín chỗ ngày 25/3 nên Bạn LL thống nhất
Tổ chức cuộc gặp Xuân 2018 k4 và các bạn vào
Ngày Thứ Sáu 23/3/2018, từ 9:30
Tại nhà hàng Vườn Treo 281 Đội Cấn, Hà Nội.
Mong các bạn các khoá cùng K4 tham gia vui vẻ.

Thứ Sáu, tháng 3 02, 2018

GIAO BAN CAFE

Mời các BANTROI giao ban Cafe Đầu năm vào sáng chủ nhật
Ngày 04 tháng 3 năm  2018.
Tại CAFE SÂN VƯỜN T 78 số 78 Trần Quốc Thảo Q3 TP HCM
thời gian từ 8 giờ sáng.
Địa điểm thuận tiện đi lại,có chỗ để xe thoải mái.
Trung Liêm.

Chủ Nhật, tháng 2 25, 2018

Lời cám ơn của Vũ Hòa Bình

Từ sâu thẳm trong trái tim mình,tôi xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới tất cả các bạn bè gần,xa đã đến tiễn biệt vợ tôi : KTS Lê thị thanh Thuỷ về nơi an nghỉ cuối cùng,cũng như đã thường xuyên động viên,chia sẻ trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống lại bệnh tật của vợ tôi trước đây. Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh,tận hưởng cuộc sống,thực hiện thành công những ước nguyện của mình. Xin cảm ơn.

Thứ Sáu, tháng 2 23, 2018

Gặp mặt K4 đầu Xuân 2018

Theo lệ mấy năm nay, cuộc gặp đầu Xuân 2018 của K4 mình sẽ vào "ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 2 Âm lịch".
Theo đó năm nay chúng ta sẽ gặp vào ngày 25/3/2018. (Xin kiểm tra có gì sai không nhé)
Xin báo trước thời gian để các bạn chuẩn bị.
Địa điểm sẽ có thông báo cụ thể sau.

Thứ Năm, tháng 2 22, 2018

Tin buồn vợ anh Vũ Hòa Bình K4 mất

Anh Vũ Hòa Bình vừa báo tin vợ, là bà Lê Thị Thanh Thủy, sau thời gian dài bệnh nặng, đã mất hồi 1h30 hôm nay, ngày 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất (22/2/2018).
Tang lễ tổ chức vào ngày thứ Bẩy, 24/2/2018, tại Nhà Tang Lễ Cầu Giấy.
Lễ viếng từ 8h15 đến 10h30
Lễ hỏa táng từ 12h đến 13h
Lễ an táng tại Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội, từ 15h đến 17h
--------------------------------------
BLL K4 xin kính báo để các bạn Trỗi biết, thăm hỏi, chia buồn, viếng và đưa tang bà Lê Thị Thanh Thủy.
Các bạn K4 vào viếng và sau đó dự lễ truy điệu vào lúc 10h. Mong các bạn đến sớm vài phút để tập hợp.

Thứ Ba, tháng 2 20, 2018

Mâm quả chưng bàn thờ ngày tết

(chuyện trong bàn nhậu)

Nếu như miền Bắc thường chưng mâm ngũ quả, với mỗi quả mang một ý nghĩa sâu xa, thì miền Nam thường cúng trái cây có tên gọi trùng với ngôn ngữ mà họ muốn khấn. Ví dụ họ mong muốn “cầu (cầu mong sao cho trong năm có tiền, vật chất) vừa đủ xài (là mãn nguyện rồi, không nhất thiết phải dư dả)”, thì họ chưng trái Mãng cầu (quả na), trái Dừa, trái Đu đủ, trái xoài (và không nhất thiết phải gồm mấy loại trái) bởi vì, theo ngôn ngữ địa phương:

Trái mãng cầu sẽ đọc tắt là “cầu” (mà không đọc tắt chữ “mãng”),
Trái dừa ngôn ngữ địa phương đọc là “d-zừa” và được hiểu là “vừa”,
Trái đu đủ sẽ đọc tắt là “đủ” (mà không đọc tắt chữ “đu”),
Trái xoài ngôn ngữ địa phương đọc là “xài”,
Và như vậy câu khấn sẽ là “cầu vừa đủ xài”.

Một ông nhậu nói, tui nghĩ ta nên thêm chùm tiêu sọ và như vậy mình sẽ đọc là “cầu vừa đủ tiêu xài”. Câu văn như dzậy sẽ  hoàn chỉnh hơn.
Ông thứ hai đế vào, thêm chùm tiêu sọ thì phải sắp đặt trái cây cho đúng thứ tự, chứ ông đặt sai là tiêu rồi.
Đặt đúng thứ tự là sao?
Ông đặt chùm tiêu đúng thứ tự là vào ô số 4, thì ông sẽ đọc “cầu vừa đủ tiêu xài”, đúng chưa cha nội, còn ông đặt vào ô số 2 thì ông sẽ đọc “cầu tiêu vừa đủ xài”, chà chà, bể “mánh”.
Ừa … vậy … thôi, bỏ “tiêu” cho chắc ăn.

Ông thứ ba kể, quê tui năm rồi đuông(*) phá quá, mất mùa dừa, may vú sữa trúng vụ, thành thử mới có trái cúng bổ sung.
Ha, ha … ông thứ nhất cười, vậy chắc ông khấn rằng “cầu vú vừa đủ xài” đúng chưa.

(*) Con đuông – một loại sâu sống trên cây dừa, chà là, “chuyên trị” ăn đọt (ngọn) đừa. Nếu không bắt kịp thời thì dừa sẽ lụi. Được cái là con đuông ăn rất ngon nên bá tánh mới ra sức diệt đuông.

Thứ Hai, tháng 2 19, 2018

Cập nhật ảnh Chân Dung K4

Chôm được ảnh Lê Thanh Nhân do Tự Thành đưa lên mạng, tôi đã sửa thêm vào Chân Dung K4

Thứ Hai, tháng 2 12, 2018

U70 đón Tết

Chính thức Tết này ông K4 nào còn cố vớt vát "mới hơn 60 chứ mấy" thì phải từ bỏ cụm từ ấy đi. Lên 66 là U70 không thể cãi, đúng Con Mẹ Nó Rồi, không nhập nhèm được nữa.
Ấy là nói về số học, làm tròn chẵn chục. Chứ nghe bản thân theo cách của mình dù có lạc quan đến mấy cũng không thể không nhận ra xuống nhanh hơn trước.
Năm 2017 K4 mình lần đầu tiên có hai ông ra đi không những trong một năm mà trong cùng một tháng 7, Q.Dũng và Thái tọ. Rồi những vụ giả sắp chết của ông Từ Ngữ, vật vã ra vô BV của ông Hồng Hải có 60 ngày thì nằm viện mất 55/60 với 5 ngày còn lại được về nhà "giải lao tạm nghỉ" giữa hai kỳ điều trị.
Vô Nam thăm được 3 ông bạn, nặng nhất thì như chẩn đoán của ông Tự Thành "khỏe thế nào được, giữ không xấu đi mà may", hai ông kia thì cũng gần như thế? Mà nói cho đúng ra chẳng phải các ông bệnh, các ông chưa phát bệnh cũng thế thôi "khỏe là thế nào, giữ chậm phát bệnh là may".
Mới đây nghe ông Ph.Tùng thông báo phanh gấp tự ngã, vậy là ngay cả chưa phát bệnh mà vẫn có thể lâm nguy vì phản xạ kém, vì thiếu tập trung, tất nhiên lỗi lớn là của cái thằng đi ẩu làm bố mày giật mình. Giật mình xong, thấy bạn chỉ què giò bông băng vớ vẩn ông Thắng bạc cười khà khà, tuổi này ngã thì đau lắm, nói như đúng rồi.
Tóm lại cuối năm nói chuyện không may để cho cuốn theo chiều gió, để còn mấy ngày trước Tết các bạn mình tăng cường cảnh giác không rơi vào đủ các loại bẫy ốm đau bệnh tật và tai nạn các kiểu.
Chúc các cụ ăn Tết vui vẻ, ra Tết ta lại gặp nhau.
Nhớ đừng quên nghe ngóng bản thân mình để thấy tôi nói đúng.

Thứ Hai, tháng 2 05, 2018

Tất niên cho những chuyến đi của tôi

Hóa ra chuyến vào SG vừa rồi lại là chuyến tất niên của tôi với những chuyến xa nhà.
Có việc với bạn về tài chính, mình không vào có khi làm lỡ cơ hội của bạn, tôi phải vào SG gấp.
Ngày đầu, 31/1, làm tại Công ty.
Ngày hai 1/2 làm việc với các cơ quan tài chính nhà nước. Tối được anh em bạn Trỗi SG thết đãi. Cảm động nhất là tôi thấy lưu thông ở SG khá khó khăn thường xuyên mà bạn mình vẫn đến khá đông vui, hát hò tới 22h mới chịu về. Dưới đây là ảnh các bạn mình trong chuyến đi vừa rồi.
Nhưng mà cũng phải nói, một chuyến đi vừa vui vừa buồn "nẫn nộn".
Vui là mình vẫn còn đi được thăm các bạn, đi giải quyết việc riêng. Nào là bay vào bay ra, tầu hỏa ô tô vẫn cưỡi được, ngủ nghê ngon lành. Còn vui vì các bạn tụ tập thết đãi, ăn không quan trọng, mà hát những bài ca thời trẻ; dù rằng mình có thể chỉ là cái cớ để tụ tập mỗi tháng một lần :-)
Buồn vì anh em mình mỗi tuổi mỗi già, làm cho mỗi tuổi mỗi lười, mỗi tuổi mỗi dễ dính bệnh hơn. Trong 5 ngày thăm được 3 bạn ốm ở những cung bậc khác nhau. Nhìn bạn như nhìn mình, buồn vì bạn bệnh một phần, phần khác nghĩ đến mình chưa biết bệnh kiểu gì đây mà không thể tránh được.
Thôi thì các anh em, quên đi tuổi già, quên đi bệnh tật. Còn sống là còn... vui với bạn, chia sẻ với bạn, tiễn đưa bạn chặng cuối đời, nghĩ rằng ta tạm xa nhau rồi cũng còn gặp lại. Cuộc đời là thế!
Thêm một chút, trong 3 bạn ốm trong số ảnh đây có một bạn khá hơn cả, bạn ấy vẫn vui, vẫn ổn như bọn mình mà tạm quên đi bệnh tật rình rập. Còn hai bạn khác tôi không đưa ảnh, vì bạn mình nhắc đừng đưa ảnh bạn kém sắc. Mà trước đấy khi gặp bạn ốm SG là anh Nhân ve tôi không nỡ lấy máy ảnh ra chụp, sợ bạn mình buồn. Rời nhà Nhân ve, tôi chợt hối tại sao không chụp. Nói với bạn là chụp nhưng không đưa lên mạng là được chứ gì. Bởi mỗi lần đi được không biết bao giờ đi nữa, có hình bạn nếu không để ai coi, thì cũng là một lần ghi nhận. Vì thế khi ra gặp anh Thủy bều, tôi chụp với lời nói dặm là "lên phây", không thấy bạn tỏ ý phản đối, thì mình yên tâm thao tác mà rồi cũng không muốn đưa lên mạng công cộng. Có lẽ trong nhóm bí mật của mấy chục anh em mình, tôi sẽ đưa ảnh anh Thủy và những lời nói thêm. Đưa vì anh Thủy, chiều tôi về HN, nói rằng gửi lời thăm các bạn mình những người vẫn nhớ và thương bạn. Vậy thì tại sao mình không để bạn gặp bạn, dù chỉ qua hình?


















Thứ Năm, tháng 1 18, 2018

Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi

(Sưu tầm)
Theo cuốn “Cận vệ Bác Hồ” thì Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi,… là bí danh của các ông/bà (trong các thời kỳ và thứ tự theo thời gian):

Trường – gồm 3 ông:
-       Võ Chương, người Huế, bảo vệ (và, cũng như các chức danh khác của Việt Minh, “bảo vệ” là một nhiệm vụ không chỉ gồm mỗi công việc bảo vệ).
-       Huỳnh Văn Phức, tức Nhất Văn Lâm, biệt danh Trường Toóng, người Tày, bảo vệ.
-       Phạm Văn Nền, người Hà nội, lái xe (thời kì Hà nội khởi nghĩa giành chính quyền).

Kỳ – ông Vũ Kỳ, tức Vũ Kỳ Ninh, tức Vũ Long Chuẩn, người Hà đông, thư ký.

Kháng – ông Hoàng Hữu Kháng, tức Nguyễn Đăng Cao, tức Nguyễn Văn Lý, người Thái bình, (trưởng nhóm) bảo vệ.

Chiến – ông Tạ Quang Chiến, tức Nguyễn Hữu Văn, người Hải dương, bảo vệ.

Nhất – gồm 2 ông:
-       Hồ Văn Nhất, tức Hồ Văn Trường, biệt danh Nhất Văn Lâm, người Tày, bảo vệ.
-       Long Văn Nhất, biệt danh Nhất Tiên Phong, người Tày, cần vụ.

Định – Võ Viết Định, tức Chu Phương Vương, biệt danh Ngọc Hà, người tày, bảo vệ.

Thắng – gồm 2 ông:
-       Nguyễn Quang Chí (tức Nguyễn Quang Huy), cần vụ.
-       Triệu Hồng Thắng, tức Triệu Văn Cắt, tức Triệu Tiến Thọ, người Dao, liên lạc.

Lợi – ông Trần Đình, người Nùng, bảo vệ.

Cô Chín – bà Lê Thị Thanh (tức Ngọc), nấu cơm.

Xuân – Bác Hồ.

Ngoài ra, trong từng thời kỳ còn có Trung Dũng, Kiên Quyết, Đồng Tâm:

Trung Dũng:
-       Trung – ông Phạm Văn Mộc, liên lạc.
-       Dũng – ông Nguyễn Văn Dong, liên lạc.

Kiên Quyết:
-       Kiên – ông Nguyễn Văn Nga, bảo vệ.
-       Quyết – ông Nguyễn Văn Phúc, bảo vệ.

Đồng Tâm:
-       Đồng – ông Lộc, Việt kiều Thái lan về nước, nấu cơm.
-       Tâm – ông Lê Văn Chánh, người Nam bộ, Việt kiều Thái lan về nước, bác sỹ.

Thứ Năm, tháng 1 04, 2018

CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN

Hồi này Blog các loại đều bỗng dưng chết yểu. Từ ngày thằng Fcebook ra đời, sự tiện lợi của nó đã kéo hết độc giả về bển. Mình thuộc loại bảo thủ, hôm nay mở blog bỗng thoáng vương sầu...
   Năm nay- năm con cầy, Trỗi k4 tính họp ở Tây Nguyên, đây là địa điểm mới, tôi nhất trí ngay. Quỹ thời gian của anh em không còn nhiều, mình nên tranh thủ kết hợp thăm thú mọi miền đất nước như một việc làm có ý nghĩa.
 Tôi xem bài của HT, giới thiệu các loại phương tiện và cách đi Tây Nguyên thấy cũng ổn, dưng mà thua xa phương tiện dưới đây. Các cụ Trỗi là phải cưỡi "chuyên cơ mặt đất" mới xứng tầm nhé. Đi gì thì đi , đến nơi xương cốt nó cứ lục cà, lục cục là mất zui đới.
   
                         CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN BẮT ĐẦU!

                                                                   

Thứ Hai, tháng 1 01, 2018

Năm mới 2018 gặp gỡ mới

Lại một năm nữa qua. Nhớ về cái thời mà níu kéo ràng buộc chúng ta vào trang tin này. Dù sự ràng buộc bây giờ có mỏng manh như hơi thở thì nó vẫn là một sự ràng buộc đáng nhớ, cái thời 50 năm trước ở đất Quế Lâm.
Hôm nọ tôi được cùng một vài bạn ta dùng bữa trưa thân mật, được nhắc nhớ rằng chưa định nơi sẽ gặp gỡ nhau toàn quốc tới đây là ở đâu. Thời gian, như 5 cuộc đã gặp, ngầm định là ngày ra trường nhập ngũ 1/7.
Một anh nêu ý kiến "Tây Nguyên, tại sao không?", tôi nhắc lại rằng nhiều bạn muốn dọc QL1 tiện cho việc đi, bám biển dễ đi hơn, đường bộ, đường sắt, đường không, đều có.
Nhưng mà trong nhóm nhỏ hôm đó mọi người lại nghiêng về Tây Nguyên, với lý do rằng đó là vùng đất mà nghe nhiều ít đến nhất, không lẽ lại không một lần? Nói về đường, ở tuổi này cân đối các mặt thời gian tiền bạc và sức khỏe với lòng muốn gặp nhau, thì đường không là thuận tiện nhất. Và để tránh mùa mưa Tây Nguyên, chúng ta sẽ đi trong tháng 5 tới muộn là đầu tháng 6. Còn nhớ K4 của 50 năm trước (C9) chúng ta rời Quế Lâm trở về vào tháng 5 mà có bạn nói 19/5 lên tầu.
Địa điểm xin đề xuất 3 thành phố cao nguyên: Buôn Mê (Nam) Pleiku (Trung) Kontum (Bắc), mà Pleiku là trung tính hơn cả, thẳng Quy Nhơn lên.
Vậy, ngày đầu năm, xin đặt một ý kiến thăm dò. Mong rằng chúng ta có thể quyết được vào cuộc gặp đầu năm sau Tết Nguyên Đán.