Thứ Hai, tháng 6 11, 2007

CHUYỆN THỨ BẢY


Nghiên cứu khoa học
Chiều qua, thứ 6, Giang "mù" bạn tôi ("giáo viên dạy khỏe" ở Học viện KTQS - hàm do anh em chúng tôi tự nghĩ ra để phong tặng đồng nghiệp) nhắn vào: sắp công bố công trình khoa học cấp nhà nước (mà chúng tôi quen gọi là nghiên cứu "khôi hài") của hắn với một bạn Phù Tang với tiêu đề "Tiếng Nghệ xuất xứ từ tiếng Nhật". Nhận được tin tôi phải "alêgatô" ngay (thanh xờ kiu!). Nội dung công trình thế này:
"Tiếng Nghệ An dứt khoát phải là tiếng Nhật. Không tin hãy nghe đoạn đối thọai sau:
- Mi đi mố?
- Tau đi Liên xồ.
- Mi đi môtố hay đi ôtồ?
- Tau đi ra gà.
- Ga ni ga chí?
- Ga ni ga Sì.
- Mi chi hay tau chí?
- Của mi mi chí, của tau tau chì.
-....".
Những minh chứng này nghe chừng khoa học đấy chứ? Nếu Giang "mù" bảo vệ được đề tài này thì du khách Nhật cứ gọi là... lao như điên vào Xứ Nghệ.
Chuyện vui nhưng anh em ta, nhiều bạn... quê trong nớ, cỏ nghe cụng bỏ qua cho. Đây nỏ phải chuyền chính trì chính em gì!!!
(Đã sửa để nghe cho có vần điệu hơn).

Tiếp chuyện dạy Quang "xèng" học tiếng Đức
Tiếng Đức là ngôn ngữ khó, chỉ có 4 cách (chủ động cách, sở hữu cách, bị động gián tiếp và trực tiếp), không phải có 6 cách như tiếng Nga nhưng phải thuộc cho được danh từ đó là giống gì để ghép các quán từ đực, cái, trung (der, die, das) vào trước danh từ (mà đã là danh từ phải viết hoa); rồi quán từ cũng biến đổi theo cách. Chia động từ tương tự tiếng Nga nhưng phiền nhất là có không ít động từ tách (trennbar Veb) – phần thân thì đứng trước câu, phần đầu lại đặt cuối câu. Khi dùng câu phức tạp thì toàn bộ động từ tống hết về cuối câu phụ. Thế mới có chuyện trong các hội nghị quốc tế, khi đại biểu các nước đã vỗ tay hoan hô thì dân Đức vẫn dỏng tai chờ nghe động từ kết là gì mới thể hiện chính kiến của mình trước người đọc tham luận. Tóm lại là tiếng Đức cực kì phức tạp nên nhiều anh đã đứt gánh giữa đường.
Còn chuyện mà anh Quang “xèng” kể tôi đã dạy anh ta học tiếng Đức thì thế này...

Ngày mới sang Đức, chúng tôi được học Deutsch 1 năm ở Trường Ngoại ngữ quân sự Naumburg (tiếng Đức cổ NAUM là đẹp, còn BURG là thành) thuộc tỉnh Halle. Các sĩ quan Liên Xô, Ba Lan, Tiệp... cũng tập trung về đây. (Putin, tiếng Việt phiên âm là Bùi Tín, cũng phải qua trường này). Đã học ngoại ngữ là phải nói nhiều.
Một sớm đầu đông 1986 (có lẽ là chủ nhật cuối tháng 11), trời lạnh căng da mặt, băng đã đóng trên mặt đường, tôi, Võ Tấn, Nguyễn Thắng và anh Tường "cận" rủ nhau ra cửa hàng bán nhu yếu phẩm cho binh lính Nga đồn trú tại Naumburg. Hồi đó ở khắp Đông Đức (DDR, bọn tôi vẫn gọi theo tiếng Nga là “Davai Davai Rabotat” – Hãy làm việc đi! nhưng chả biết có việc gì để làm?!!) có đến vài trăm điểm đồn trú như thế. Ngay đầu dốc sau trường, chúng tôi gặp mấy cháu bé Đức, đứa nào má cũng hồng như trái táo chín, đang đùa nghịch. Thấy mấy chú ngoại quốc tóc đen, mũi tẹt liền nhoẻn miệng chào “Hallo!”. Thật là sướng. Cậy đã “biết” tiếng Đức, tôi sủa ngay (ra cái điều hiểu biết và rất quan tâm đến thời tiết đầu đông): “Bist du kalt?” (giống kiểu hỏi của tiếng Anh giả cầy “Are You cool?”, cháu có lạnh không?). Vừa nghe bọn trẻ con nhìn nhau rồi cười khoái trá. Khi tôi hỏi: “Warum?” (Why?) thì bọn trẻ xì xồ giải thích. Lúc đó đúng là vịt nghe sấm, có hiểu gì đâu vì tiếng Đức đang trình độ “phọt phẹt”. Nói mãi thấy các chú vẫn lắc đầu thì một cháu lắc lắc cổ tay ra hiệu và nói: “Ist dir kalt?" oder "Ist es dir kalt?”. Lúc đấy mới vỡ lẽ là phải dùng câu hỏi ở thể bị động chứ không phải “cậu là lạnh à?”.
Ít tháng sau, khi Quang “xèng” sang Đức mới có chuyện về bài giảng tại ga xe lửa Karl-Marxstadt khi xuống thăm Đoàn Quốc Khánh k6. Chuyện hay vậy đấy!
Mà các cụ dạy chớ có sai “Đi một ngày đàng biết một sàng khôn”.


6 nhận xét:

BacHai nói...

Còn đây là chuyện học tiếng Nga. Văn Thắng hay tên lười học nào đó được mời lên bảng chép một vài từ đơn giản. Chữ "tư" nghĩa là "mày". Chúng bạn ở dưói nhắc: "mờ..." (t Nga viết như m Việt). Sang đến ký tự "ư" Nga, dek có chữ nào giống vậy trong bảng chữ cái tiếng Việt! Chúng bạn mới sáng kiến ra "61" để gọi tên cái ký tự lạ này. Mục đích trong sáng chỉ nhằm giúp đỡ những tên nào dốt chữ Nga nhưng vẫn còn đủ thông minh để giải kiểu mã này chứ hoàn toàn không có ý lừa các thày. Hôm nào gặp thày Văn, Kiến Quốc chuyển lời BH kính thăm sức khỏe thày cô nghen.

TranKienQuoc nói...

Tôi dạy Quang "xèng" học tiếng Đức, còn Quang lại là thầy của tôi về lập trình trong đề tài "Tự động hóa quản lí khí tài và bộ đội". Thật ra hắn là dân học tóan Tổng hợp và năm 1974 ra trường là làm công tác lập trình, từng "đục lỗ" cho Minsk-32 hay IBM ở Trung tâm tóan tính BTTM ngụy. Vì thế mà ba cái chương trình phổ cập cho sĩ quan Đức về Tin học quá nhỏ (hơn cả con thỏ) với Quang. Hôm trình bày đề tài với hắn, chỉ veo một phát là hắn đã có idea, rồi cầm bút "pắc pắc" vài đường: "Cứ thế về mà làm. Vướng gì thì alô cho tao!". Mà hay thật, tôi thực hiện được ngay. Có lẽ vì "anh em nhanh mắt thì mình nhanh tay" chăng?! Cũng vì có thầy Quang mà tôi chẳng phải bám máy nhiều giờ, có dư thời gian để phi tầu đi Karl-Marxstadt chơi với Đòan Quốc Khánh k6 và Leipzig chơi với Quang "xèng" (khi này Tôn Gia Qúy chưa sang). Vì anh Tường yếu tiếng Đức nên tôi đề nghị Viện cho làm chung đề tài. Hôm bảo vệ, anh Tường cũng được điểm "gut". Chuyện này nhớ mãi.

Nặc danh nói...

Trước khi về nước,Kiến Quốc có tặng tôi hệ chương trình mà Quốc đã viết,tên chương trình là "Quang xèng 1","Quang xèng 2",...Tôi vẫn giữ gìn cẩn thận như một kỉ niệm không bao giừ quên.Quang xèng.

Nặc danh nói...

Hay quá Quang ơi, tôi không nhớ đã tặng ông của quý ấy. Nhớ giữ để sau này đưa vào bảo tàng nhà 99 nhé! Đó là thành quả lao động của ông và tôi (chứ không phải ngược lại!!!).
Chả hiểu sao tôi với ông cứ lằng nhằng với nhau suốt từ ngày anh Ngân bị toét mắt (định đổ lỗi do Quang lây sang, nhưng hoá ra là thằng em Long "le"!), rồi sang Đức, rồi về phép ở VN... Nói chung là lằng nhằng!!!
Thế mới là Trỗi?!
KQuốc

Nặc danh nói...

Chuyện "toét mắt" ở khu Kim Ngưu tôi chỉ kể cho mỗi Quí nhẽo thôi.Cũng lại là một kỉ niệm không bao giờ quên.Quang xèng.

Nặc danh nói...

Hệ chương trình Kiến Quốc viết bằng ngôn ngữ "Dbase 2".Yên tâm đi,tôi vẫn giữ trong két sắt.Quang xèng.