Chủ Nhật, tháng 12 17, 2006

Mỗi tuần một chuyến đi: Thăm bạn ở Sơn Tây


K4 có hai người ở Sơn Tây, là Trần Hà và Nguyễn Thanh Bình.

Trần Hà vẫn công tác, làm Phó Giám đốc Viện Quân y 105. Làm trong Ban Giám đốc nên Trần Hà rất hay phải trực vào ngày nghỉ. Chúng tôi đi chơi cuối tuần lên vùng này nhiều mà hầu như lần nào cũng chỉ có thể gặp ở phòng làm việc. Hôm nay cũng vậy. Vừa tiếp khách, Trần Hà vừa phải tranh thủ xem phim X-quang, ký bệnh án, ... Gọi Thanh Bình đến cho cả bọn gặp nhau, tôi chụp ảnh, rồi Trần Hà mời cả bọn ra ăn lẩu gà với nhiều rau ngải cứu.

Xong bữa cả bọn leo lên xe Việt Thắng đi loanh quanh ngó lại vùng Hưng Hoá với những kỉ niệm của năm học cuối cùng ở Trường Trỗi. Ảnh các nhóm thi giỏi Văn, Toán miền Bắc là chụp ở đây. Rồi lộn lại Sơn Tây, đến thăm nhà Thanh Bình.


Nhà Thanh Bình gần đập Đồng Mô hơn là gần đường 21 "Cu Ba" nối Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai. Tất nhiên là nếu từ Hà Nội đi lên thì đến Sơn Tây rồi rẽ vào vẫn là con đường thuận hơn cho các loại xe.

Thanh Bình, cả hai vợ chồng, mấy chục năm công tác tại trường dạy nghề quân đội (không để ý hỏi xem là trường gì). Bây giờ thì Thanh Bình đã nghỉ hưu với hàm Thượng tá. Bà xã thì vẫn còn làm việc. Hai cháu đứa lớn đi làm rồi, đứa nhỏ đi học, cả hai đều ở Hà Nội. Nhà cửa tuềnh toàng chưa có gì nhiều, điển hình theo kiểu quân nhân suốt đời. Anh em nói chuyện động viên nhau bây giờ lo cho con cái nên người là điều chính yếu. Vợ Thanh Bình thấy có bạn chồng đến chơi, vui lắm, cứ định thịt gà. Mà là gà chọi hẳn hoi. Anh em thoái thác, hẹn khi khác xin ăn gà rồi còn lấy giống về nuôi.

Ở Sơn Tây còn có bạn ở các khoá 8, 7, 1. Nhưng ít khi gặp trừ khi đến thăm chơi trúng dịp họp mặt "Trỗi vùng", như Tết chẳng hạn.

Bổ sung mấy dòng: trong một lần chat, Phú Hoà hỏi "Thanh Bình người miền Nam". Tôi trả lời "đúng". Hôm qua hỏi gốc người ở đâu Thanh Bình nói Nam Định. Nhưng Thanh Bình lại học Trường HS Miền Nam suốt cấp 1 nên pha giọng, làm anh em tưởng nhầm. "Bắc tức thị Nam, Nam tức thị Bắc".
Lúc chụp ảnh ở nhà Thanh Bình, mời mãi mà bà chủ không chịu đứng vào. Thế nên chưa có dịp cho anh em xa gần biết mặt.

Thứ Sáu, tháng 12 15, 2006

Cải mộ Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn


Chiều 13 Quốc Dũng thông báo ngày 14/12 gia đình Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn làm lễ hoàn thành việc xây lại mộ của bác Tuấn.

Đại diện cho K4 gồm Quốc Dũng, Thanh Bắc và Hữu Thành đi dự lễ này. Bọn tôi rời HN lúc hơn 6h sáng sau khi đã gặp Cát Thịnh phi xe ôm đến giao phúng lễ, theo chỉ dẫn qua điện thoại của các nhóm khác, mãi hơn 9h mới tới vì bị sai đường.



Mộ của bác Tuấn đặt ở quê, Thôn Đông, xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, trong khu của dòng họ. Cụ Trưởng Họ tỏ ý không hài lòng lắm về nội dung văn bia, vì không nhắc tới thời bác Tuấn làm trung đoàn trưởng trong kháng chiến chống Pháp. Đó là thời kì chinh chiến oanh liệt của Bác.








Thầy Bính và thầy Phú (các thầy phụ trách K3) đại diện cho cán bộ nhân viên nhà trường.





Sau lời tế của cụ Trưởng Họ Dương, thầy Phú thay mặt thầy cô và học sinh trường Trỗi có lời phát biểu tưởng nhớ đến bác Tuấn.
K1 có Triệu Hùng, Tuyên (Hà), K3 có Thái Chi, Mai Thành, Khải, K5 có Việt Dũng (em Việt Thắng). Về phía gia đình bên cạnh cụ Trưởng họ là hai mẹ con em Thuý, con của bác Tuấn hiện làm việc ở chỗ Thái Chi.





Các anh khoá 1: Triệu Hùng, Tuyên (Hà), K4: Quốc Dũng thắp hương










K3: Thái Chi, Khải, K4: Thanh Bắc, K5: Việt Dũng.

Xong lễ tất cả về dự cỗ cùng gia đình.

Sau đó nhóm K4 đến thăm nhà vườn của anh Triệu Hùng ở chân núi Tam Đảo.

Anh Triệu Hùng bị ung thư gan, tự tìm thuốc trong dân gian chữa có hiệu quả. Hai ông dược sĩ K4 rất lấy làm hâm mộ và muốn được học hỏi thêm về chuyện này.
Quả thật đến nhà anh Triệu Hùng thấy mẹt thuốc cây, thúng thuốc lá bầy la liệt như cửa hàng Nam dược, cho mỗi một ông khách hàng. Nhưng vị "độc" nhất có tác dụng quyết định có lẽ lại trong mấy cái lọ ngâm mật ong, thuộc dòng động vật. Theo anh Triệu Hùng, có bệnh thì vái tứ phương. Lá, cây, củ, quả, mật, nọc, sừng, móng, ... chén tất. Quan trọng là phải trốn xa bọn bạn xấu hay rủ nhậu rượu, mỗi ngày uống mấy thìa mật và 3 lít thuốc cây. Mấy chú dược sĩ K4 gật gù khen phải.

Thứ Hai, tháng 12 11, 2006

Mỗi tuần một chuyến đi: Thăm cầu Bãi Cháy


Cầu Bãi Cháy mới khánh thành hôm 2/12. Anh em ta đã được trông thấy nó từ chuyến đi Bãi Cháy do Lê Văn Đạo mời. Tôi rủ Công Minh và Việt Thắng đi tham quan nhân Chủ Nhật rỗi rãi. Chả gì thì đây cũng là cây cầu một hàng dây văng được ghi nhận là có khoảng vượt lớn nhất thế giới. Cầu do Nhật thiết kế, thi công và cấp vốn vay. Loanh quanh Hải Phòng còn cầu Kiền và cầu Bính cũng là cầu dây văng Nhật-Việt, nhưng là hai hàng dây.
Qua bên kia cầu tôi và Việt Thắng xuống xe đi bộ trở lại. Đi bộ trên cầu, cách mặt biển gần trăm mét gió mùa Đông Bắc thổi vù vù, cảm thấy rất sướng. Nhiều người cũng bỏ xe đi bộ như bọn tôi, để chụp ảnh. Có điều đang ngày gió mùa, trời âm u không có nắng chụp ảnh rất tệ. Lại không mang đèn chớp mạnh nên mặt đen xì.
Những thông số kỹ thuật của cầu thì trên mạng người ta đăng đầy đủ rồi. Đi trên nó thấy những kích thước thật là to. Sâu bên dưới là mặt biển Cửa Lục, cao bên trên gần trăm mét là trụ cáp, với những bó cáp to rất ấn tượng. Bên lan can không còn cấu trúc chịu lực nào, thoáng như một cây cầu bê tông.
Hôm nọ Lê Văn Đạo về HN, nói khi nào có dịp lại mời anh em lần nữa. Nếu ở Bãi Cháy thì có dịp rủ nhau tản bộ qua cầu, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long từ trên cao.

Việt Thắng ở đầu cầu phía Đông















Khu C nhà nghỉ Đoàn 22 Hải Quân mầu vàng có mấy tầng thò lên, nơi anh em tụ tập tháng 8 vừa rồi














Hữu Thành đầu cầu đằng Tây


















Khi về lượn qua Đồ Sơn, thăm đài kỉ niệm Đường HCM trên Biển. Ngay bên cạnh là Sòng bạc Đồ Sơn.

Thứ Hai, tháng 12 04, 2006

Gửi những đứa bạn thân thương nhất của tuổi thơ

Từ ngày sống trên đất người thì đã bao lần tao về Việt Nam, mảnh đất quê hương với những kỷ niệm không bao giờ quên được nhưng chưa bao giờ tao có được trong người một tâm trạng khó tả, day dứt, bồi hồi như lần này. Về với những đứa bạn thân yêu nhất của mình. Những đứa bạn đã gắn bó trong từng hơi thở của mỗi giây phút thường ngày, đã cùng nhau chia sẻ mọi buồn, vui của một thời “ Sinh ra trong khói lửa ”.

Từ lâu tao đã ấp ủ trong lòng nỗi khát khao được gặp lại những khuôn mặt của ngày ấy, được nhìn thấy những nụ cười, những giọng nói thân quen mà suốt bao năm qua vẫn cùng tao trên mọi nẻo đường. Nhớ bọn mày lắm. Nhiều khi, chỉ cần nhớ lại những kỷ niệm nhỏ nhoi trong ngày hè nóng bỏng giúp dân gặt lúa ở Trại Hòe, những chuyến đi rừng lấy củi khi trời mưa tầm tã ở An Mỹ, những lần vũng vẫy trong dòng sông Li, những ngày còng lưng quên cả thời gian để gánh đất đắp đê Phả Lại, những ngày cuối cùng ở Hưng Hóa, khi mọi người trao cho nhau những dòng lưu niệm cuối cùng để cùng nhau nhớ lại một thời “ Trường Trỗi ” nỗi buồn man mác. Có những khi tao đã ước giá mà có thể đổi tất cả để có thể trở về sống lại những ngày ấy, dù chỉ trong khoảng khắc. Thỉnh thoảng ngắm nhìn thế hệ trẻ bây giờ mà tao thấy cuộc sống của chúng mình, tình bạn giữa chúng mình, những đứa “ Lính Trường Trỗi ” ngày ấy sao đơn giản thế, sao đẹp thế.

Về quê hương lần này tao đã có được cái hạnh phúc mà ngay cả nhiều đứa sống ở Việt Nam cũng không thể có được. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà chúng mày đã giúp tao gặp lại bao nhiêu khuôn mặt thân quen ở Hà Nội , Đà Nẵng, Sài Gòn. Nhiều khuôn mặt dù có cách xa bao lâu thì vẫn chẳng hề thay đổi nhưng ngược lại thì có những đứa dù nghĩ mãi tao cũng chẳng nhận ra thế nhưng sau đó nhìn kỹ lại tí nữa thì tao nhận ra một điều là dù thời gian cố tình “ hủy hoại ” dung nhan của anh em mình thì ánh mắt, nụ cười vẫn là những gì của ngày ấy, không hề thay đổi.

Mấy chục năm đã qua, tóc đã chuyển mầu, một số đứa đã ngã xuống vì sự nghiệp của dân tộc nhưng tao mừng và tự hào là bọn mình vẫn giữ nguyên được tình bạn xưa, một tình bạn mà không phải bất kỳ ai cùng thế hệ mình cũng có thể có được.

Dù lâu lắm rồi, cái thời bọn mình sống bên nhau nhưng tao vẫn nhớ rõ lắm về những kỷ niệm của những tháng năm ấy. Tao đã ứa nước mắt khi Dương Minh và Kiến Quốc thay mặt BLL phía Nam gắn huy hiệu của trường và tao đã khóc khi đọc hai cuốn “ Sinh ra trong khói lửa ” tập 1 và 2 mà Trung Liêm trao tặng. Lâu lắm rồi tao không biết khóc nhưng đêm hôm ấy tao đã để nước mắt chảy dòng vì đó là những dòng nước mắt hạnh phúc.

Những gì trước đây mình cứ nghĩ là bình thường thì bây giờ mới thấy là cao quí biết bao. Tao thấy hạnh phúc là đã có những thầy – cô, những đứa bạn như vậy và đồng thời tao cũng thấy tự hào vì mình được là một thành viên trong tập thể ấy, tập thể “ Lính Trường Trỗi ”. Tao mừng là sau bao năm tháng biệt âm tao đã được trở về trong tình cảm chân tình của những đứa bạn thủa thơ.

Cám ơn bọn mày đã dành cho tao những tình cảm thật sự để tao lại trở thành thằng Phú Hòa của bọn mày như thủa ấy, cái thủa “ Lính Trường Trỗi ”.

Dù ở xa đến đâu thì mỗi người cũng chỉ có một mảnh đất quê hương duy nhất để mà thương, mà nhớ và dù lâu đến đâu đi nữa thì mỗi người cũng chỉ có một tình bạn tuổi thơ trong sáng để gắn bó với cả cuộc đời của mình. Với tao thì đó là tình bạn của những người lính trường Trỗi.

P.S : Tao đã suy nghĩ mãi khi chọn cách xưng hô cho bài viết này. Chỉ có thể xưng hô như vậy mới thật thôi.

Thứ Bảy, tháng 12 02, 2006

Đám cưới con Đặng Minh Hùng

(Bấm vào ảnh để xem kích thước lớn)

Đặng Minh Hùng thông báo đám cưới con gái, đưa dâu vào 11h30. Cứ nghĩ là cưới 11h30, đến vào 11h là được. Thực tế thì tập hợp nhau từ 8h sáng, với 1 xe 16 chỗ do Từ Ngữ tài trợ (bản thân hắn thì lại không đi được) với 2 xe riêng. Dồn dịch cuối cùng chỉ cần đi 1 xe 16 chỗ, vừa đằm xe vừa khỏi lo lái. Khoảng 10h30 tới nhà Minh Hùng.
Hoá ra mình là nhà gái, tiếp khách từ sáng, cho tới trưa nhà trai đón dâu đi là xong. Có muốn dự cưới tiếp thì theo nhà trai về bên ấy.
Anh em ta đến ngồi chưa ấm chỗ đã được mời sang bên ăn cỗ. Vừa là đến giờ ăn cỗ, vừa lấy chỗ cho nhà gái đón phái đoàn nhà trai sang.





Trong lúc nhà trai sang làm các thủ tục đón dâu thì anh em ta còn mải ăn cỗ ở một chỗ khác, nói chuyện với nhau râm ran.

Ăn xong thì cô dâu, chú rể đã đi mất tự bao giờ. Mà lạ một cái là chẳng thằng nào hỏi han đến cháu nhà mình với thằng rể mặt mũi thế nào. Có hỏi thì lại "tẽn tò" thôi. Gớm đợi bác hỏi đến thì nhỡ giờ đẹp của các cháu rồi.

May quá có tôi tác nghiệp nên mọi người còn có ít ảnh đám cưới, không chỉ là ăn cỗ. Trong ảnh còn thiếu Vũ Thắng đến sau và Công Minh bị che khuất.














Trên đường về đi lối qua nghĩa trang Thanh Tước để mọi người vào viếng mộ. Vũ Hoà Bình có bố vợ ở đây, Hoàng Việt Thắng có chú ruột, ... Còn anh em Trỗi có khá nhiều bạn nằm đây, chủ yếu có lẽ là khoá 3. Tôi với Việt Thắng chỉ biết mộ Đỗ Trung Việt vì cùng làm việc trước với nhau. Còn các bạn khác, hình như có cả Nguyễn Kim Thành, ...