Thứ Sáu, tháng 3 30, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 24/3/2007: chùa Dạm

Hôm qua Việt Thắng đã dóng dả xếp lịch thứ Bẩy "bạn xấu" giao lưu, việc nhà làm vào Chủ Nhật. Nói vậy nhưng không nghĩ là đi đâu, vì trời mưa gần hết ngày thứ Sáu.
Sáng nay thấy khả năng khô ráo, đi chơi được. Chợt nghĩ vợ chồng Thế Nam đang ở HN, kết hợp cho chúng đi thăm các khu du lịch quanh Ba Vì và thăm hội Trần Hà, Bình tớn ở Sơn Tây thì chuyến đi đỡ "xấu" hơn. Nhưng gọi điện thì Thế Nam đã đang trên đường đi Lạng Sơn "thiên đường mua sắm hàng Tầu".
Thế là gọi Công Minh, rồi đón Việt Thắng, đi Chùa Dạm ở Quế Võ, Bắc Ninh. Một trong những đặc trưng của bạn xấu là có người gọi là đi ngay được. Sàng lọc qua năm tháng, bây giờ chỉ có Việt Thắng (có xuống điểm chút ít từ ngày vợ về) và Công Minh (theo vợ tố cáo thường nghỉ là ngủ) là còn trụ được trong nhóm.
Chúng tôi chọn chùa Dạm để đi vì hôm nọ xem trên TV người ta nói tới một ngôi chùa cổ đang bị lãng quên. Quế Võ cũng gần, thời tiết và đội hình này chỉ nên đi gần. Đến Phố Mới trên QL 18, hỏi đường đi chùa Dạm. Người ta chỉ quay lại, rẽ theo đường đi Phố Và, có biển chỉ đường đi chùa Hàm Long. Quay xe ngược lại vài km, đến khu công nghiệp, bên phía Bắc là ống khói cao, phía Nam là đường đi Phố Và.
Cứ nghĩ chùa Dạm là chùa Hàm Long, chúng tôi hỏi đường đi chùa Hàm Long. Đến nơi, hơi ngạc nhiên vì chùa không có vẻ gì là hoang phế.
Thậm chí còn có vẻ rất thịnh vì kiến trúc khang trang, có trường trung học Phật giáo, tháp tổ to lớn bằng đá đen, người đến làm lễ tuy không đông nhưng đầy vẻ thành tâm.
Ấn tượng nhất trên con đường vào Chùa là những cây nhãn cổ thụ to chưa từng thấy. Chùa được làm trên những bậc sườn núi rộng, kè đá, dưới tán những cây nhãn. Theo bảng sự tích Chùa thì thấy chùa Hàm Long được kiến trúc ở đất có phong thuỷ tốt. Có lẽ vì thế mà Chùa được hiển linh (không biết dùng từ như thế có đúng không).
Hỏi ra mới biết chùa Dạm còn đi vào trong một đoạn nữa. Chúng tôi lại đi tiếp vào trong, theo lối người ta chỉ. Quả thật từ xa nhìn lên sườn núi sau khu dân cư dưới đất bằng có thể thấy một vài kiến trúc gì đó không phải là rừng, với một con đường xe chạy vẫn còn lở lói. Lách theo con đường đất nhỏ có bảng chỉ "đường lên chùa Dạm", chúng tôi chạy xe theo con đường đất mới làm. Rất may là người ta đã làm rãnh thoát nước bằng đá phía taluy dương nên con đường không bị nước xói mòn.
Tới một bãi rộng chúng tôi dừng xe. Đằng sau là một cái có lẽ là linga (sinh thực khí nam), vật thờ rất phổ biến của người Chăm, ở Thánh địa Mỹ Sơn.
Trong chuyến đi Đà Lạt năm 2005 tôi đã được cậu hướng dẫn bảo tàng giải thích linga có các mặt cắt trên tròn, giữa bát giác, dưới cùng hình vuông.
Mỗi khúc tượng trưng cho một thần của Ấn Độ Giáo. Trên cùng là thần Shiva, dưới là thần Visnu và một thần nữa (quên tên và vị trí). Các thần đó tượng trưng cho sáng tạo, trưởng thành và huỷ diệt. Thế nhưng hầu như ở các nơi khác người ta chỉ nói linga tượng trưng cho Shiva, thần huỷ diệt. Có lẽ đó là cái linga chỉ có một mặt cắt tròn?






Thông thường linga được đặt trên bệ thờ bao gồm cả một yoni (sinh thực khí nữ) hình vuông có một rãnh thoát. Ở hình bên (ảnh Phạm An Dương, http://vi.wikipedia.org, Tín ngưỡng Việt Nam) là một vật thờ bao gồm cả yoni, linga tròn. Cái vật thờ như vậy (sát tường) ở tấm ảnh trước tôi chụp tại Bảo tàng Đà Lạt là tương tự, nhưng không giúp nhìn được mặt cắt của yoni nên khó hình dung. Còn cái linga lớn ở tấm ảnh đó là có 3 mặt cắt.
Quay lại với cột đá ở chùa Dạm, nếu đúng là linga thì không hiểu sao lại có nó ở đây. Vùng đất Bắc Ninh có lẽ chưa hề có gì quan hệ tới Ấn Độ Giáo, tới Shiva, Visnu, ... dù rằng dân Việt nhiều nơi vẫn có tục tín ngưỡng phồn thực, có lễ hội "nõ nường" (tiếng Việt cổ chỉ sinh thực khí nam-nữ), ...
Và nếu đúng đây là linga thì phải là một linga vô cùng đặc sắc vì phần mặt cắt tám cạnh của nó mỗi cạnh có một cái hốc, phần dưới đó chạm trổ hình rồng, dưới cùng là mặt cắt hình vuông. Có lẽ chỉ giao thoa của tín ngưỡng Ấn Giáo với vị trí quân vương mới sinh ra được cái "nõ" xăm trổ đến như vậy :-)) Dưới linga này không có yoni. Còn phần Shiva của linga này đã bị hư hỏng cùng với một số chỗ tám cạnh và hình rồng. Theo người trông nom chùa thì từ ngày xưa vùng này bị đạn đại bác của Pháp cũng nhiều.
Gặp mấy bà cháu trông nom ở đây thì được biết chùa tuy có công nhận di tích lịch sử nhưng không có trụ trì, không có gì cả. Làng cắt cử mỗi ngày một cụ lên trông nom, hôm nay đúng phiên "Cụ". Cụ này chắc cũng chỉ tuổi mình nên vẫn được tôi gọi là chị.
Có lẽ ít khi có khách thăm nên cụ chị rất vui khi có dịp giới thiệu. Đây là chùa hoá của cô Tấm trong chuyện Tấm Cám, chuyện đó xảy ra ngay trong làng dưới chân núi.
Cạnh chùa có giếng ngày xưa Tấm thả bống còn ở làng vẫn còn cây thị mà quả thị "rụng bị bà". Dân vùng này không được nói tấm cám mà phải gọi trệch đi là đớn (tấm) và bổi (cám), cho đến tận bây giờ.
Chùa này đã từng là ngôi chùa có 99 gian, do Nguyên Phi Ỷ Lan cho xây dựng để thờ Tấm. Vì thế trong đền phía sau (mẫu phổ biến của chùa Việt là tiền chùa thờ phật, hậu đền thờ thánh) chính điện thờ Tấm còn bên cạnh mới thờ Ỷ Lan.
Không biết thực chùa ngày xưa bao lớn. Nhưng chỉ cần nhìn sườn núi 4 bậc, dưới rộng trên hẹp lại dần cũng thấy trước đây kiến trúc chắc là cũng bề thế lắm. Làng đã xây một đường đi bộ lên chùa, khá lớn và chắc chắn. Bậc thứ nhất không còn công trình kiến trúc nào.
Bậc thứ hai, ngoài một con rùa cõng bia đá và cái linga đặc sắc, hiện lúc đó chỉ còn cái ô tô tôi để đấy. Bậc thứ ba có chùa và bậc thứ tư có đền.
Một câu chuyện cổ tưởng như chỉ để ngợi ca điều thiện bằng cái hậu của nó, tự nhiên lại hiện ra thành thật. Một cô Tấm lấy vua trong truyện cổ lại được một Ỷ Lan Công chúa xây đền thờ lớn nhường ấy, với một cái vật thờ "nõ quân vương" đáng khâm phục cả về kích thước và xăm trổ sờ sờ ra đấy.
Cũng phải nói chuyến đi này thật là may mắn. Chuyến đi nào cũng có thú vị là nói các loại chuyện với nhau, nhìn ngó được những cảnh vật bên đường, ăn một món bình thường nào đấy (hôm nay là chim sẻ và chim cu nướng với xôi và miến). May mắn của ngày hôm nay là được biết về một hiện thực dân gian của câu chuyện cổ, cứ y như người ta bước ra từ máy TV vậy.

Anh Chí Quang tập nhẩy dù

Trích bài trên báo Lao Động
"... Mọi người đến với khoá học đều có chung mục tiêu là để được nhảy dù và tìm cái cảm giác mạnh của một môn thể thao vẫn còn khá xa lạ với người dân Việt Nam. Có lẽ, bởi điều này khiến không ít người dù chỉ mới 17 tuổi như em Nguyễn Đắc Thiên Tâm - thành viên nhỏ tuổi nhất lớp - hay bậc tiền bối (55 tuổi) với mái đầu bạc trắng như anh Trí Quang... không chút ngần ngại khi tham gia..."

Thứ Hai, tháng 3 26, 2007

Phóng sự ảnh : Lính Trỗi-Leipzig đón Phú Hòa

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc,nhưng "cuộc vui" đón Phú Hòa của lính Trỗi-Leipzig sao cảm thấy trôi đi quá nhanh mặc dù PH đã xuất hiện ở đây từ 13 giờ 05´ ngày hôm qua.Dưới đây là một vài hình ảnh anh em Trỗi-Leipzig đón Phú Hòa.
*Ảnh 1 : Phú Hòa đáp chuyến tầu tốc hành từ Berlin đến Leipzig lúc 13 giờ 05´ ngày tứ 7 24.03.07



*Ảnh 2 : Quang xèng đón Phú Hòa tại sân ga Lpz.








Ảnh 3 : ngay sau đó tại nhà Quang xèng có cuộc hội ngộ thú vị : Phú Hòa gặp lại anh Trần Đình Ngân (nguyên Giáo sư khoa cơ khí Học viện KTQS,là thầy của Phú Hòa và nhiều lính Trỗi ta,cùng thời với Giáo sư Trần Kiến Quốc K5).Hiện anh Ngân và gia đình định cư tại Berlin.Trong ảnh (Từ trái qua) :-Hương (vợ QX),Phú Hoà,Quang ,anh Ngân và Huê (vợ anh Ngan).

*Anh 4 : Chiều thứ 7 tại nhà Quí nhẽo.Nga (vợ Quí) chiêu đãi cả hội món Lẩu thập cẩm.Trong ảnh (từ trái qua)hàng đứng : Quí,Hòa,Quang,Ngân,Võ Hùng(K8),Hòa (K8),Oanh (Vợ Hòa K8).Hàng ngồi : Hương (vợ QX),Minh(vợ Võ Hùng),Huê (vợ a.Ngân) và Nga (vợ Quí)

*Ảnh 5 & 6 : Trưa chủ nhật : Cả hội lại tập trung tại nhà Quang xèng.Vợ Quang chiêu đãi Đặc sản Bánh cuốn Thanh trì và Bún dọc mùng.

Sau đó ngồi tán phét về những ngày ở trường Trỗi và HV KTQS.Kiến Quốc ,Phan Nam(K5-những nhân vật xuất sắc của trường Trỗi và HV KTQS cũng được anh em nhắc tới nhiều).Đến 16 giờ thì giải tán để Quí nhẽo đưa Phú Hòa ra ga về Berlin.Lòng man mát buồn ...hẹn ngày tái ngộ.

Bài và ảnh do phóng viên tạm tuyển Quang xèng.

Phú Hòa sang Đức


Hôm qua Phú Hòa từ Tiệp sang chơi.Vậy là cùng một lúc tập trung được 5 Trỗi:Quý nhẽo,Quang xèng,Võ Hùng,Phan Trọng Hòa (Halle),Đoàn Phú Hòa (Tiệp).Cả hội chụp ảnh cùng anh Ngân (Giáo viên ĐHQS).Hôm nay đưa Phú Hòa lên tàu về Berlin.Trước đó có đưa hắn đi một vòng trung tâm Leipzig.Mải nói chuyện quá nên trễ mất một chuyến tàu.Hắn có hẹn tháng 7 lại sang.

Thứ Sáu, tháng 3 23, 2007

Nói kiểu khảo cổ: những khuôn mặt phát lộ

Nghĩa tử là nghĩa tận, dân ta hay nói vậy. Có lẽ vì thế trong đám tang Thuỵ Linh một số bạn "đồ cổ" đã "phát lộ". Không ai phê phán một món đồ cổ vì đã không phát lộ sớm. Và cũng không ai đặt câu hỏi vì sao.
Ba khuôn mặt ít có cơ hội tham gia gặp gỡ anh em: Chu Hồng Vân, Nguyễn Văn Tín, Phạm Ngọc Quảng.




Hoàng Mạnh Cường nhiều người cứ tưởng còn đang bôn ba ở đâu. Thực ra thì đã về cũng khá lâu rồi.





Lê Thanh Tâm có 3 năm thâm niên nghỉ hưu.








Cuối cùng là Phạm Minh Cường (lợn), "người Lạng Sơn" gốc 22 Phan Đình Phùng Hà Nội. May mắn là trong chuyên án chống lậu vùng Lạng Sơn của Lê Đại Cương không có tên.

Còn một bạn khác cũng ít xuất hiện, có dự lễ viếng và truy điệu nhưng kiểm trong ảnh lại không có mặt. Đó là Trần Châu Nguyên. Lần sau sẽ để ý "chộp". Chỉ có điều không biết khi nào. Nhân vật này ẩn dật nơi công sở, Hạnh Phúc hò như hò đò mà chả thấy đâu.

Thứ Năm, tháng 3 22, 2007

Lễ tang Đại tá Thầy thuốc Ưu tú, bạn Nguyễn Thuỵ Linh

Sáng nay lễ tang Thuỵ Linh. K4 Trỗi có mặt vào viếng Thuỵ Linh lúc 10h10'.














Có 3 vòng hoa của k4, k4 Sài Gòn và Ban Liên lạc k4 Quy Nhơn. Các vòng hoa SG và Quy Nhơn là làm theo yêu cầu riêng của Ban LL các địa phương đó. Các bạn ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, ... và nước ngoài coi như đã đi cùng vào k4 chung rồi. Thứ tự các vòng hoa sắp xếp ngẫu nhiên do đội Nghi lễ, đi đầu là vòng hoa của k4 Sài Gòn, k4 Quy Nhơn, k4, và một vòng hoa của người ngoài Trỗi đi ké.
Các Đại tá đương nhiệm dẫn đầu đoàn Trỗi khoá 4 vào viếng.
Do thông lệ của Ban Tang lễ chỉ để một vòng hoa đại diện nên khi anh em ta đứng viếng thì chỉ còn 1 vòng hoa của k4 Sài Gòn để trước linh cữu, 3 vòng hoa đi sau tự động rẽ phải ra ô tô chở hoa.
Thanh bọ, trưởng đoàn, thay mặt anh em thắp hương.








Tấm ảnh tiếp theo là đoàn k4 viếng Thuỵ Linh. Do trùng đèn chớp với máy của người khác nên bị sáng quá mà không biết để chụp cái khác, đành dùng vậy. (Trình độ lùn, mong mọi người thông cảm.)
Sau khi nhìn mặt bạn lần cuối: Các bạn ở Hà Nội





















Và đại diện miền Nam.










Lễ truy điệu, phút mặc niệm





Khu A Nghĩa trang Văn Điển, nơi đây có thể nhận ra nhiều người quen. Không đi nhiều nhưng tôi thấy phía sau lưng vị trí của Thuỵ Linh là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Nguyên. Ông vốn là thầy giáo của tôi từ thời chúng tôi học Đại học Tổng hợp. Sau ông về cùng đơn vị bộ đội, rồi lại chuyển ra dân sự, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia.


Chỗ của Thuỵ Linh đây, như Chí Quang nói "3 mét dài 2 mét rộng (trừ khi theo trường phái Hoá thân)". Rồi cuối cùng ai cũng cần có một chỗ cho mình cả.

Đến giờ Mùi (13h-15h) các nghi thức mai táng bắt đầu. Bộ đội Nghi lễ đưa linh cữu vào vị trí, công nhân nghĩa trang hạ huyệt, gia đình và mọi người thả viên đất tiễn biệt, công nhân đóng huyệt và
các vòng hoa được chuyển xuống, phủ lên mộ để làm nghi thức vĩnh biệt của Quân đội.






Lễ mai táng Thuỵ Linh kết thúc sau khi mọi người cúi đầu vĩnh biệt Thuỵ Linh lần cuối.





Trong khi chờ đến giờ Mùi, mọi người đứng nói chuyện ở gần đấy. Tôi có dịp nói chuyện với nhóm 3 người, trong đó có cậu học trò TMT của Thuỵ Linh. Hoá ra cả 3 đều là học trò của Thuỵ Linh. TMT bên phải, sau một năm là cậu đứng giữa, cả hai đều là dân BV Bạch Mai. Bên trái là "đệ tử" Phạm Ngọc Hưng, như cậu ta tự xưng. Trung tá Hưng chính là người gần gũi nghiệp vụ với Thuỵ Linh nhất trong suốt 5 năm vừa qua, và cả trong những phút lâm nạn hai tuần trước. Nói về Thuỵ Linh tôi nhắc "nó có vẻ rất chiều con" thì cậu bác sĩ (bị tôi làm cho khuyết danh trong bài này) nói ngay "anh ấy chiều tất cả mọi người" rồi nói lại cho chính xác "luôn ân cần và chu đáo". TMT nói điều mà tôi đã cảm nhận từ lâu "thế là em mất một người thầy, một người anh, tiếc lắm". Cậu Hưng thì lo lắng và tiếc cho ba bốn nghiên cứu sinh khác đang được thầy Linh hướng dẫn.
Quả thực với cuộc sống này Thuỵ Linh vẫn còn sống động và hiện hữu nhiều lắm.

Với các bạn Trỗi, tang lễ của Thuỵ Linh là một dịp "phát lộ" một số tên tuổi vốn tưởng như "tuyệt tích giang hồ". Đó lại là nội dung để sau, kẻo lạc đề.

Thứ Ba, tháng 3 20, 2007

Tang lễ Thuỵ Linh

Chương trình Tang lễ cho Thuỵ Linh như sau:

Chú ý: có thay đổi
Do gia đình Thuỵ Linh điều chỉnh thời gian tang lễ từ 8h30 tới 11h30 nên

anh em K4 sẽ có mặt tại nhà Tang lễ Quân đội vào lúc 10h để viếng và đưa tang.

Các bạn nào có điều kiện đưa bạn tới nơi yên nghỉ cuối cùng thì đi, các bạn không thu xếp được thời gian thì đành vậy.

Địa điểm: Nhà Tang lễ Quân đội, 5 Trần Thánh Tông
Thời gian: từ 9h đến 13h ngày 22 tháng 3 năm 2007. Truy điệu và đưa tang vào 13h
Mai táng tại: khu A Nghĩa trang Văn Điển

Khoá 4 sẽ viếng vào hồi 12h để sau đó dự lễ truy điệu và đưa tang.

Anh em K4 phía Nam sẽ có đại diện tham dự Tang lễ.

Thứ Hai, tháng 3 19, 2007

Thuỵ Linh đi rồi

22h nhận được tin của Thanh bọ là Thuỵ Linh đi rồi. Gọi điện cho cháu Long, con Phạm Quảng, được xác nhận Thuỵ Linh đã đi vào hồi 20h30'. Tức là sau khi tôi gửi bài trước có mươi phút. Phú Hoà ở Séc nhận được tin nhắn của Dương Minh cũng nhắn về gửi lời chia buồn tới gia đình.
Tấm ảnh cạnh đây trích ra từ một tấm ảnh chụp chung ở nhà Xuân Minh hôm 9 Tết, Chủ Nhật 25/2/2007, cách hôm nay 19/3 vừa đúng 3 tuần. Không thể ngờ được mọi sự lại diễn biến nhanh thế, với một thằng bạn vẫn còn đang sung sức.
Thế là bây giờ Ban Liên lạc lại có thêm một nhiệm vụ rất cụ thể, ghi nhớ và nhắc nhở anh em ngày giỗ của các bạn.

Nguyễn Thuỵ Linh, mất 20h30 ngày 19/3/2007, 1 tháng Hai Đinh Hợi.

Cháu Long cho hay ngày mai gia đình sẽ đi xem ngày quàn, phát tang và đưa tang để báo cho Viện lên lịch. Khi ấy mới biết được tang lễ tổ chức thế nào.
Tôi gọi điện cho Bùi Yên Trình. Sau khi ngồi với anh em, Yên Trình vào Viện và chứng kiến Thuỵ Linh thở hơi cuối cùng (vào 20h28'). Ngày mai chắc Bùi Yên Trình còn trở lại chào các cụ thân sinh Thuỵ Linh, tôi đã nhờ anh Trình gửi lời chia buồn của tất cả anh em cùng học tới gia đình. Thuỵ Linh sẽ được Viện tổ chức tang lễ theo nghi thức dành cho cán bộ cao cấp của Quân đội.

Bùi Yên Trình gặp gỡ anh em và nói về Thuỵ Linh

Chiều nay như hẹn trước với anh Trình, tôi đến Viện 108 để vào thăm Thuỵ Linh. Đến sớm nên anh Trình lại đang ở nhà Thuỵ Linh với bà cụ thân sinh anh Linh. May nhờ có cháu Long con Phạm Quảng báo cho biết có thể lên thăm nên tôi mới một mình lên phòng.
Thuỵ Linh được gia đình và đơn vị điều trị, chăm sóc chu đáo. Theo anh em khoá mình cùng trong ngành y nói trường hợp như Thuỵ Linh nếu không phải đang ở trong Viện thì thậm chí không kịp cấp cứu, mà sẽ là một ca đột tử như nhiều ca khác đã từng xảy ra. Thế nhưng vì bệnh diễn biến khốc liệt như vậy mà cấp cứu kịp thời thì cũng chỉ cố thôi chứ không hi vọng nhiều. Và đến bây giờ thì ngay cả các hỗ trợ y tế cũng đang trở nên vô hiệu quả. Cơ thể Thuỵ Linh đang từ chối các hỗ trợ đó. Tôi nhớ đại ý câu nói của ông tổ ngành y mà tôi nghe được từ ông Tổng Thư kí Hiệp hội Y Dược học "người bác sĩ thỉnh thoảng chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, nhưng luôn luôn chăm sóc và nâng đỡ bệnh nhân". Bạn mình cả đời cứu người, nhưng nó cũng là một con người, một bệnh nhân. Và y học cũng chỉ giúp nó tới giới hạn của mình.
Trong Viện tôi gặp hai con gái Thuỵ Linh, đứa sau giống bố hơn cháu chị, rất xinh. Cũng may là các cháu cũng đã tương đối cả rồi, các cháu đều đã chuẩn bị tinh thần. Bà cụ Thuỵ Linh lát sau cũng vào. Trông sức khoẻ cụ còn khá và cũng đã chuẩn bị tinh thần. Tôi còn gặp trong đó cô con gái của Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn, đã gặp hôm cải mộ Hiệu trưởng. Hoá ra nhà ông bà cụ Thuỵ Linh ở liền vách với con gái bác Tuấn.
Vào lần cuối để chào Thuỵ Linh ra về, tôi chạm tay vào chân nó. Nó giật mình, làm cô y tá cũng giật mình nhìn tôi. Chả biết bạn có biết mình không, mấy thằng y bảo đấy là phản xạ sinh lí thôi. Ừ thì phản xạ, nghĩ là bạn biết có mình cũng an ủi được phần nào cho bọn mình, thấy bạn có chuyện mà không làm gì được.
Ra với hội gặp gỡ Yên Trình. Nó cho biết quan hệ của nó với Thuỵ Linh không chỉ là bạn bè, mà cả hai gia đình cũng thân nhau nữa. Thuỵ Linh vào SG công tác ở nhà Yên Trình, cha mẹ Thuỵ Linh lo cho Yên Trình như con. Điều đó lí giải việc Yên Trình nghỉ phép ra trực bên Thuỵ Linh suốt mấy ngày nay.
Anh em gặp gỡ bảo nhau Thuỵ Linh còn mấy ngày nữa thôi. Không nhất thiết là vào thăm, vì cũng chẳng làm gì được. Quan trọng là luôn nhớ tới nhau và sau này còn làm được gì cho bạn thì làm.

Tình hình Thuỵ Linh

Chiều nay có cuộc gặp với anh Bùi Yến Trình từ trong Nam ra, mấy hôm nay trực trong bệnh viện trông Thuỵ Linh.
Trao đổi với anh Trình thì được biết tình hình đã rất xấu rồi. Việc Thuỵ Linh ra đi lúc nào bây giờ tuỳ thuộc vào gia đình thôi, chứ Viện thì hết khả năng. Đức năng chả phải bao giờ cũng thắng số phận. Bởi xét về tuyệt đối thì rồi ai chả chết.
Biết thế để chuẩn bị tinh thần. Chiều nay có thể một vài anh em sẽ vào thăm Thuỵ Linh. Ở đó vốn rất khó vào (khu Công nghệ Cao), biết thế nhưng cũng đến lúc tiễn biệt nhau rồi. Anh Trình hứa sẽ thu xếp để đưa anh em vào.

Thứ Bảy, tháng 3 17, 2007

Đón Quí "nhẽo" tại sân bay Leipzig-CHLB Đức

Đúng 10.15´ sáng nay,phi cơ trở Tôn Gia đã đáp xuống phi trường Leipzig.Ra đón Đ/c Tôn Gia có Quang "xèng" và...không còn ai (vì sáng thứ 7 ở bên này vẫn là ngày kiếm cơm của dân Việt ta,tuy dân Tây thì nghỉ).Một chuyến hồi hương đầy thành công của Tôn Gia được thể hiện rõ trên nét mặt của Quí.Sau khi đưa Quí về nhà hai thằng còn nói chuyện mãi mà mới chỉ điểm mặt sơ sơ được vài người bạn ở nhà.Sau một chuyến bay dài chắc nó cũng mệt nên tôi đành ra về,ngày mai sẽ đến "hành" nó tiếp (nghe kể chuyện ở VN).Rất cảm động vì Quí baỏ "Thằng nào cũng gửi lời thăm mày".Cám ơn các bạn rất, rất nhiều.

Thứ Sáu, tháng 3 16, 2007

Hôm nay Quý nhẽo "lên đường về nước"

Tối qua mãi đến đêm Quý nhẽo gọi điện ra. Hỏi thăm tình hình Thuỵ Linh, rồi kể chuyện vào Nam liên tục bị anh em "thi đấu rượu". Mệt quá nhưng mà vui, gặp được người này lại nhớ là chưa gặp người kia. Hôm nay đến hạn lên đường rồi.
Quý nhẽo gửi lời chào thân mến tới tất cả anh em, những người đã gặp và cả các bạn chưa kịp gặp. Và cám ơn các bạn đã cho Quý những ngày vui của tình bạn. Nếu các bạn nào có dịp sang châu Âu, sang Đức, Quý nhẽo có lời mời tới nhà chơi, "vác rau cho nó biết". Hẳn là như thế rồi. Anh em Trỗi có nhau "lúc thường cũng như lúc chiến đấu" mà.
Mấy năm gần đây hai năm TGQuý về một lần. Nhưng mà sắp tới có khi nên rút ngắn chu kì. Nếu mỗi năm không về được một lần thì năm rưỡi. Chu kì lẻ có cái hay là sẽ có kì về vào mùa hè. Con người miền Nam mùa nào cũng vậy. Còn miền Bắc, nó lại có cảm giác khác.
Chúc Quý nhẽo lên đường bình an, mang theo tình thân mến của anh em ở nhà sang với Hoàng Quang và các bạn còn ở bên ấy. Mong các bạn khoẻ, hạnh phúc, có nhiều dịp về thăm anh em.
(Ảnh cập nhật ngày 19/3. Theo CQuang, Quý nhẽo đến sân bay chờ rất lâu để CQuang tới chụp ảnh chia tay. Suýt trễ chuyến bay sang Đức!)

Thứ Ba, tháng 3 13, 2007

Con gái anh Hoàng Phước Bình cần THAY THẬN

Nguyên văn đề nghị của anh Phước Bình nhờ tôi đưa lên đây:

Cháu Hoàng Ngọc Bích sinh năm 1979 (là) con bạn Hoàng Phước Bình k4 cần được thay THẬN gấp. Mong được sự giúp đỡ của các bạn Trỗi xa gần.
Điện thoại anh Phước Bình: 090-623-6909

Tôi có hỏi anh Bình là nếu có các thông số chi tiết hơn thì sẽ nhanh hơn, nếu có một khả năng nào đó. Thí dụ các thông số y học của người nhận tạng, ... Anh Bình nói là mới chỉ biết cần thay. Trước hết cần biết các nguồn thận để tiếp cận và khi đó mới biết đến các chi tiết khác.

Vậy các anh nào có biết nguồn tạng thay thế, cụ thể là thận, thì thông báo. Tốt nhất là gọi trực tiếp cho anh Phước Bình. Chúng ta sẽ tiếp tục thông báo tin mới nhất về đề nghị của anh Phước Bình.

Hôm nay nhiều chuyện

Kế hoạch sáng nay 10h có đám tang bố Hồ Sơn, cụ Hồ Thắng, cũng là bố chồng của Thanh Tâm. Mới 9h thì cơ quan đã mất điện, đằng nào thì tôi cũng sang công ti Quốc Dũng để cùng với Thanh Bắc, Phạm Tùng, Quốc Dũng đi đến đám tang.

Quốc Dũng mải làm việc nên khoảng 10h20 mới tới. Các anh đến sớm đã đặt vòng hoa và chuẩn bị điếu phúng. Chen hàng vào viếng thành công nhờ sự quả cảm của hai đại tá đương nhiệm, quân phục chỉnh tề, là anh Phạm Mạnh Kiên (trưởng đoàn) và anh Nguyễn Mạnh Quang.

Sau đám tang, nhân có anh Trần Phạm Tùng (ra công tác) đi dự đám, mọi người kéo ra quán bia Lan Chín cạnh nhà anh Đại Cương để gặp mặt chào mừng. Phi Hùng k3, Tuấn hủi, Quốc Dũng, Ngô Hùng, Quốc Khánh, Đại Cương, Thanh Bắc, Lưu thẹo, Vân Hùng, Thái tọ, Phước Bình, Tương Lai và Hữu Thành có mặt. Hai đại tá đang giờ công vụ quân phục chỉnh tề không thể có mặt được. Thực ra cuộc gặp này có tính đột xuất. Chứ anh Tùng ra công tác phụ thuộc lịch của Tổng Công ti, chưa bố trí được buổi chính thức. Và chưa chắc đã bố trí được. Rồi cũng tuỳ nghi thôi.
Tại cuộc gặp này anh Hoàng Phước Bình có một đề nghị giúp đỡ. Là chuyện thay thận của con gái, đòi hỏi sự giúp đỡ phải rất cụ thể. Bây giờ anh Bình chỉ mới biết kêu gọi giúp, còn giúp thế nào cho được, cho tốt thì anh ấy chưa hình dung. Nội dung này sẽ đăng ở tin sau, để khỏi bị lẫn vào mấy chuyện không quan trọng khác.

Buổi chiều nhà anh Phạm Tùng có giỗ bà cụ. Thế là tôi ở lại nhà anh Tùng nói chuyện, cho đến bữa giỗ có anh Thao láo và vợ chồng Tương Lai tới nữa. Đến gần 8h tối mọi người mới giải tán sau bữa giỗ đơn giản của gia đình. Đợt này anh Tùng tuy bị phụ thộc lịch công tác của Tổng công ti nhưng vì thế lại có thời gian rảnh ngồi nói chuyện dài dài. Bạn cũ mấy chục năm nói chuyện lan man chả có chủ đề nào nhất định, nhưng cũng không thoát khỏi chuyện loanh quanh những người bạn cũ.

Về tình hình Thuỵ Linh, hôm qua nói là tốt hơn. Nhưng hình như như thế chưa đủ để gọi là tốt hơn. Đó là kết quả của can thiệp y tế quyết liệt chứ hình như chưa phải là cơ thể Thuỵ Linh đã có gì được hồi phục. Tôi đã từng biết thế nào là tổn thương não, là mở khí quản, là bóp bóng trợ hô hấp, là sống thực vật trong một thời gian dài từ người bạn cùng công tác bị tai nạn. Đúng là không dễ gì để có được hi vọng trong một vài ngày.

Thứ Bảy, tháng 3 10, 2007

Gặp mặt Xuân 2007

Sáng nay trời mưa phùn rất nhẹ, đặc trưng của mùa xuân miền Bắc. Đi xe máy, những chỗ không thấm nước như gương chiếu hậu, đèn xe máy thì ướt. Còn những chỗ thấm nước như mũ, áo bằng vải bông thì ... khô. Cái kiểu khô mà người miền khô gọi là ẩm. Nhưng cũng chỉ mưa nhẹ buổi sớm chứ khi mọi người tới Cửu Long Sơn Trang của nhà Chấn Định thì hết mưa. Nhiệt độ cũng không còn lạnh như mấy hôm trước. Thời tiết có vẻ chiều lòng người.
Đợt này đi xa, một số người chủ động đi xe riêng, một ít còn lại đi xe chung do Thanh bọ bố trí để chắc ăn thực hiện đúng kế hoạch.
Cửu Long Sơn Trang là một trại rộng có lẽ phải tới năm, bẩy hec-ta. Có vườn cây ăn quả chủ yếu là vải, có ao nuôi cá kể cả cá sấu, có chuồng lợn siêu nạc (không sử dụng) và chuồng đà điểu. Mô hình VAC đủ. Chỉ có điều hiện nay dường như không có cái nào được sử dụng hết công năng. Tuy nhiên để làm nơi gặp gỡ cho nhóm người vốn gắn bó nhau cùng với rừng, với thiên nhiên như bọn Trỗi mình thì chỗ này thật thuận tiện và hoà hợp.
Sau màn chào hỏi mọi người tản ra từng nhóm vừa tham quan vừa nói chuyện. Lê Hồng Triều lần đầu tham gia các sinh hoạt Trỗi, làm cho mọi người mới gặp không thể đoán được là ai. Hồng Triều "đi sau về trước", hình như chỉ học với anh em mình có mỗi năm lớp 8. Nếu so với Quang Thắng thì hình như vẫn là nhiều hơn.
Tuấn hủi, Ngọc Dũng giở cần ra câu cá. Hồi lâu chả được con nào, Việt Hồng nóng mắt nhẩy vào biểu diễn, cũng không được nốt. Tin mật là hình như ao này mới vét.
Số đông còn lại không có chuyên môn nghiệp vụ gì, lang thang đi "thám hiểm". Anh Chí Quang may mắn hơn người, không bị gãy ván sập cầu như anh Tương Lai, khá đau tối về phải dùng mật gấu.
Một hồi hết chỗ tham quan, chán đứng ngoài trời mọi người vào gầm nhà sàn nói chuyện chờ cơm. Hoàng Ngọc Dũng (Diêu) bao năm lang thang theo các công trình, bây giờ cho hay sẽ không phải đi công trình nữa, ở Hà Nội để "chờ nghỉ hưu". Nhờ vậy mà sẽ tham gia vào các hoạt động Trỗi nhiều hơn. Nhìn Ngọc Dũng, một gã chuyên lăn lộn ở các công trình mà vẻ ngoài còn "ngon" hơn đồng đội, tóc còn xanh, mới thấy cuộc sống quân ngũ của hắn tuy có vất vả nhưng hình như ít có dịp phải lo toan hơn đời thường. Liệu rồi đây hắn sẽ thay đổi thế nào?
Anh em Trỗi nói chung và k4 nói riêng được xem là không có nhiều thành đạt hơn người. Ấy là mình cứ tự đặt chỉ tiêu cao thôi. Chứ nếu lấy tỉ lệ theo tổng học sinh trên dân số của thời 30 triệu đồng bào thì chắc là cũng không đến nỗi tệ. Năm anh có mặt trong tấm ảnh bên thì 4 anh vào hạng có tiếng trong "giang hồ".
Chuẩn bị vào ăn, mọi người chụp một bức ảnh kẻo ăn xong rồi thì chả tập hợp được. 34 Trỗi, trong ảnh chỉ có 33, thế quái nào Quốc Dũng lại bị lấp sau Tương Lai. Quốc Khánh, Hữu Cường thì trốn ra sau, chỉ thò một phần mặt trên cho người ta nhìn. Không hô lên thì không ai biết để chụp lại. Tám bà phu nhân và hai cháu. Tổng cộng 44 người. Có lẽ bây giờ mọi người đã biết mặt nhau, chả cần giới thiệu nữa.
Riêng các bà thì nên điểm tên cho mọi người biết. Từ trái qua phải: bà Mạnh Dũng, bà Chí Quang, bà Nhân ve, bà Thanh bọ, bà Thịnh cá, bà Chấn Định, bà Tương Lai và bà Trần Hà. Có hai cháu ở trong ảnh, cháu nhỏ là của Tự Thành và cháu lớn của Việt Hồng.
Sau ảnh Đại hội đồng Trỗi xuân 2007 là ảnh riêng của các bà. Chuyến này các bà đi khá đông, làm cho Việt Thắng tiếc rẻ đã không đưa vợ đi cùng. Có lẽ sẽ thành một "phong tục" các bà đi vào dịp đầu xuân. Ảnh do Chí Quang cung cấp.
Ăn trên nhà sàn, ngồi phệt. Mọi người nói đủ các thứ chuyện, rất vui vẻ và hài lòng. Đại biểu miền Nam là hai cặp vợ chồng anh Nhân ve và anh Chí Quang rất được mọi người quan tâm. Nhiều người lâu quá mới gặp, gặp rồi lại có dịp hỏi thăm về nhiều người nữa còn chưa có dịp gặp lại được. Một trong những chuyện đáng được quan tâm là làm sao để ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn còn nhìn thấy nhau. Tuổi này ai biết được sẽ như thế nào, dù chưa dám và chưa đáng lên cụ. Nhưng mọi người ai cũng đã thấy cuộc sống tự nhiên bắt đầu khắc nghiệt với mình.
Tôi nói với Nhân ve tôi ghen tị vì nó có mặt trong tấm ảnh chụp ở bãi bóng Trại Cau. Giá mà những người có mặt tại đây mà đã từng có trong tấm ảnh ấy chụp lại một cái thì hay. Ở đây hôm nay có Nhân ve, Hồng há, Mạnh Dũng, Tự Thành, còn ai nữa nhỉ? Nói vậy thôi, vào ăn rồi, uống rượu rồi, nói chả ai nghe, chả ai lưu tâm để mà nhớ lại.
Trước khi ra về các bà chụp thêm tấm ảnh kỉ niệm nữa. Rất tiếc là thiếu mất hai bà Chấn Định và Tương Lai. Một bà chắc lo chuyện chủ nhà, một bà mải nói chuyện với các đồng nghiệp ngành y bạn của chồng? Hình như các bà đã hẹn nhau vụ đi Quế Lâm tháng 10?
Tối về nhà tôi nhận được thư của Tôn Gia Quý gửi lời chào tạm biệt các bạn miền Bắc. Quý nhẽo muốn tham gia cuộc gặp này lắm. Nhưng kế hoạch đã lên rồi. Ba tuần về VN đã được khớp lịch, không thể đổi vé ở lại như Chí Quang. Đành chia tay lưu luyến với lời nhắn nhủ (dùng máy lạ nên không biết gõ tiếng Việt thế nào):

Hom nay tao phai len duong vao Nam ,sau do se bay di Duc luon,co le phai mot thoi gian lau lau nua moi mong gap lai chung may.Thoi gian that la ngan ngui.Cung con rat nhieu nguoi chua gap lai.Cuoc song ma ,bao gio trong ta chang co doi dieu tiec nuoi.That ra noi ra thi hoi khach sao,nhung tao thanh that cam on tat ca anh em ban be da danh cho tao nhung tinh cam vo cung am ap.Mot lan nua qua H.Thanh xin chuc tat ca anh em ta luc nao cung vui ve va hanh phuc.Rat mong ngay gap lai.
Chúc Tôn Gia Quý vui vẻ những ngày còn ở trong nước với anh em miền Nam. Dương Minh đã lên lịch Trỗi cho Quý rồi. Hẹn lần sau gặp lại.