Thứ Tư, tháng 4 30, 2014

Bỗng dưng lại nhớ thằng Ơn


Bỗng dưng lại nhớ thằng Ơn
bốn mươi năm trước, nó còn sống nhăn!
Bỗng dưng, lại thấy lăn tăn

thương hai mấy tuổi, mày nằm dưới sâu      Xem tiếp

Thứ Ba, tháng 4 29, 2014

Những hình ảnh không thể quên năm 75

Sau này tôi đã xem lại nhiều hình ảnh ghi vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Nhưng tìm mãi vẫn không thấy những hình ảnh mà mình đã tận mắt trông thấy những ngày hôm đó. Có lẽ do bọn mình chậm chân quá, các phóng viên chiến trường đều đã đi trước hết cả. Không giống như chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi ta bắt hàng ngàn tù bình để sau này quay lên phim rất hoành tráng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, các mũi tấn công hành tiến chủ yếu tập trung đập tan sức kháng cự của địch để tiến mau, quân địch đã đầu hàng không ai lo bắt cả. không bị bắt thì hay rồi, cứ trốn đã. Nhưng trốn mà vẫn không có ai bắt bởi các đội quân đi sau đội hình cũng chỉ lo chạy cho kịp để hỗ trợ đội hình phía trước. Địa phương tại chỗ thì chưa kịp hình thành chính quyền chăng? Nhưng điều mà chúng tôi thấy là quân ngụy đi về quê. Có người kiếm được quần áo dân thường, nhưng đa phần là vứt cái áo đi, quần và giầy vẫn sử dụng đồ lính. Họ đi đông tới mức chật đường như người ta đi xem phim về ở các vùng quê miền bắc. nhưng dóng người đó dài như vô tận. Suốt hơn trăm cây số từ Xuân Lộc vào Sài Gòn là dóng người đông nghẹt đó. Tối ngày 1/5 đoàn chúng tôi ghé vào những căn nhà không còn mái ở Xuân Lộc nghỉ mà tiếng người đi rầm rập không thể ngủ được. Dậy rất sớm, ngày 2/5 đi tiếp vào Sài Gòn mà luôn có cảm tưởng xe chúng tôi như một … miếng bánh chạy giữa bầy kiến. Đã không có ai ghi lại những hình ảnh này. Một minh chứng rất rõ ràng cho khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Dù không phải lình chiến đấu chúng tôi đều hiểu rằng không có “thần tốc và táo bạo” để đạp tan ý chí kháng cự thì với số lượng quân ngụy còn đông đảo như thế không biết sẽ phải hy sinh đến mức nào? Nếu ai đó tưởng rằng chiến thắng nhanh nhờ Dương Van Minh ra lệnh hạ vũ khí thì dễ dàng và không có hy sinh thì không đúng. Đêm ở Xuân Lộc chúng tôi thấy rõ những tàn phá của chiến tranh khi tất cả các ngôi nhà chỉ còn một phần tường. Không khí thì nồng nặc mùi thối của những xác người không thu nhặt được hết. Trên đường có những chỗ vẫn còn xác lính ngụy. Nhưng gần Sài Gòn thì có cả xác xe tăng của ta. Trên các cầu là những lô cốt bao cát buộc các loại xe phải chạy chữ chi. Xe pháo của ta nằm lại không ít. Cái thế trận chiến thắng năm đó, ngoài sự can trường của những người lính thì quyết định vẫn là tài trí của những cán bộ chỉ huy. Chỉ một mật lệnh của Đại tướng mà toàn quân đã sáng tạo nên một thắng lợi lịch sử. Dân tộc ta ghi công của Đại tướng và những cán bộ chiến sỹ đã làm nên chiến tháng đó. (Có thể trừ những thằng chậm chân như chúng tôi). TT

Thứ Hai, tháng 4 28, 2014

ANH EM NGHIỆM THỬ

Nhân kỷ niện chiến thắng ĐBP AE hãy đọc: http://huc.edu.vn/chi-tiet/667/.html

Chủ Nhật, tháng 4 27, 2014


Ngư dân Kim Hyun-ho không thấy bình yên khi đặt mình vào ban đêm, bởi hàng trăm hành khách chết hoặc mất tích trong thảm họa chìm phà Sewol đang...
Nam sinh báo cấp cứu trên phà Sewol không mặc áo phao / 48 nữ sinh tử nạn chung một phòng trên phà Sewol

Thứ Sáu, tháng 4 25, 2014

5 điều bạn sẽ hối tiếc khi lìa trần

Bronnie Ware là một y tá người Australia, cô dành nhiều năm với nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân trong 12 tuần cuối trước khi rời xa cuộc sống. Cô ghi lại những lời trăn trối của họ trước khi mất, sau đó tập trung nhiều ý kiến và cho ra đời một cuốn sách mang tên "The top five regrets of dying".
Ware chỉ rõ những góc nhìn khác nhau của mọi người trong ngày cuối của cuộc sống, và bài học có được sau đó. Cô chia sẻ: "Khi tôi đặt câu hỏi về điều hối tiếc hay bất cứ thứ gì họ muốn làm khác đi, hầu hết các câu trả lời thường lặp lại rất giống nhau". Dưới đây là 5 điều hối tiếc phổ biến nhất của những người sắp rời xa thế giới:

1. Giá tôi có đủ can đảm để sống đúng với bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi.
Đây là niềm hối tiếc phổ biến nhất. Khi con người ta nhận ra rằng cuộc đời của họ đang gần đến điểm kết thúc, ngoảnh nhìn lại, thật dễ dàng để nhận ra có bao nhiêu giấc mơ đã trôi đi mà chưa thành hiện thực. Hầu hết mọi người đã không tôn trọng thậm chí chỉ một nửa giấc mơ của mình và giờ đây họ phải ra đi trong suy nghĩ rằng điều này hoàn toàn do những gì họ đã lựa chọn, hoặc không lựa chọn. Sức khỏe mang lại một sự tự do mà rất ít người nhận ra, cho đến khi họ không còn có nó được nữa.

2. Giá mà tôi đã không làm việc cật lực.
Điều hối tiếc này này đến từ tất cả các bệnh nhân nam mà tôi chăm sóc. Họ đã bỏ lỡ tuổi trẻ của con cái họ cũng như sự đồng hành của người bạn đời. Phụ nữ cũng có nhắc đến điều hối tiếc này, nhưng vì hầu hết họ đến từ thế hệ cũ, họ đã không cần phải là trụ cột gia đình. Tất cả những người đàn ông mà tôi đã chăm sóc đều hối hận một cách sâu sắc rằng họ đã "chi tiêu" quá nhiều cuộc sống của họ để chạy đua với công việc.

3. Giá mà tôi có đủ can đảm để bộc lộ cảm xúc của mình.
Nhiều người phải ức chế cảm xúc của mình để giữ hòa khí với những người xung quanh. Kết quả là, họ phải tự nén mình xuống sống một cuộc sống tầm thường và không bao giờ trở thành người mà họ đã thực sự có khả năng trở thành. Nhiều căn bệnh phát triển liên quan đến sự cay đắng và oán giận mà họ đã phải ôm trong người.

4. Giá mà tôi giữ liên lạc với bạn bè của tôi.
Thường thì họ sẽ không thực sự nhận ra những lợi ích đầy đủ của những người bạn cũ cho đến những tuần cuối cùng của cuộc đời, và không phải lúc nào cũng có thể tìm lại được bạn bè. Nhiều người đã bị kẹt trong cuộc sống riêng của họ đến nỗi đã để những tình bạn vàng trôi đi theo năm tháng. Đến cuối đời họ cảm thấy rất ân hận bởi đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để chăm chút cho tình bạn của mình. Tất cả họ đều nhớ đến những người bạn của mình khi họ đang hấp hối.

5. Giá mà tôi để cho bản thân mình được hạnh phúc hơn.
Đây là một niềm hối hận phổ biến đến mức ngạc nhiên. Nhiều người cho đến phút cuối cùng mới nhận ra hạnh phúc chính là một sự lựa chọn cho cuộc sống. Họ bị kẹt trong những mô hình và thói quen cũ. Cái gọi là "sự dễ chịu" của sự quen thuộc đã lấn át đời sống tinh thần cũng như thể chất của họ. Sự "sợ phải thay đổi" khiến họ phải giả vờ với mọi người xung quanh và với chính bản thân rằng họ đang rất mãn nguyện, nhưng thực ra, ở sâu bên trong, họ thèm được cười hết mình và có được lại sự khờ dại.

Hỡi anh em bạn bè, khi đọc xong bài này, từng người chúng ta có lẽ cũng phải nên soi xét, xem lại mình nếu một mai rồi mình sẽ phải ra đi: điều gì làmmình còn ân hận hay tiếc nối trên cõi trần này? bạn Chiến dế ơi, bác Hà lin ơi, Thanh rắn ơi và các bạn đã đi trước nữa ơi! Tôi biết các bạn còn nhiều trăn trở, hối tiếc cuộc sống này lắm. Chúng tôi đi sau các bạn sẽ phải sống những năm tháng còn lại như thế nào đây? cho khỏi phải sống hoài sống phí, để bớt đi những hối tiếc cuộc đời. Có lẽ phải sống thật với chính mình, phải biết và hiểu được 5 điều hối tiếc phổ biến nhất trước khi nhắm mắt xuôi tay để mà sống không hối tiếc. Mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng để sống, đừng để cho mình bị kẹt trong những mô hình và thói quen cũ... Reng, reng reng! alô Em đây, anh ở đâu đó? ấy chết có độ rồi. Tôi phải đi đây... không có chết phí lắm. Chào anh em nhé!

Thứ Năm, tháng 4 24, 2014

Một lời xin lỗi - Khó hay dễ?

50 năm Khu tập thể quân đội Nam Đồng

50 năm Khu tập thể quân đội Nam Đồng Gia đình mình, mà thực chất là ông già mình, là một trong những gia đình đàu tiên chuyển về ở Khu tập thể Quân đổi Nam Đồng đàu tiên. Khi đó có đủ 8 nhà nhưng mới chỉ có nhà 1, 3 và 5 là hoàn thiện và có người ở. Quanh khu tập thể toàn là ruộng và ao rau muống. Ban đêm ếch nhái kêu vang. Từ đường Tây Sơn bây giờ rẽ vào Khu chỉ có một đường cụt chạy chính giữa, hai bên mỗi bên 4 nhà đánh số bên phải lẻ và bên trái chắn. Ngày đó, đa phần cán bộ quân đội đều trẻ hoặc lập gia đình muộn nên những đứa bằng tuổi tôi không có nhiều. Số đông hơn là tụi “lau nhau” đâu thèm để ý đến? Vì vậy khi nhận được lời mời của một số người đứng ra gọi là Ban liên lạc, tôi nghĩ “Cứ đến xem sao, không vui thì … về”, không phải mình tôi nghĩ vậy mà mấy đứa em tôi cũng nghĩ vậy. Mình đến sớm, quả là không mấy người quen. Mấy người trong Ban liên lạc đang uống tà mời ngồi chung luôn và hỏi thăm. Mình thật không ngờ quá khứ có … 50 năm thôi mà nó xa thế? Khi biết mình ở nhà 5 họ hỏi biết người này, người kia không? Cười trừ, không nhớ ra, nhưng rồi khi nói đến tầng, bên phải hay trái cầu thang thì lờ mờ hình như … có nhớ. Khi hỏi tuổi nhau mới dần nhớ tới những đứa em và em bạn mình. “Ôi, em học cùng lớp nó đấy”. Thế rồi thật lạ, cứ như tất cả đều là anh em. Ngày đó bạn em thì cũng được coi như em mà. Bây giờ có lẽ không còn như thế nhưng nơi hội họp Khu tập thể lại vẫn nguyên cảm giác ngày trước. Và đã là anh em thì tất nhiên là rất gần gũi. Mấy cậu 7x vẫn anh em rất thoải mái. Rồi thấy anh Đào Tuấn, mình mới gặp hôm kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Công nghệ thông tin quân đội. Không ngờ Khu mình ngày đó có ông anh lớn tuổi thế. Chắc khi đó mình cũng không để ý đám “người lớn” ấy. Và dần nhớ ra để hỏi thăm những … cô bạn cùng lứa mà tiếc không có ai đến. Quá đông và quá nhiều chuyện nên rất ồn ào. Có việc chụp ảnh thôi mà không sao Ban liên lạc tổ chức nổi dù có mời cả các phóng viên báo đài. Cuối cùng ai đứng chung vào thì chụp. Cũng có nhóm nhà này nhà kia nhưng người biết kẻ không. Vào ăn trưa gặp vài bạn như Thái “tọ”, Vũ Thắng, Hà Đông, Tú em anh Đào Tuấn, 2 cô em mình và 1 cô em vợ. Vậy là đã quá vui và lũ nhà mình lúc đó mới nhận ra một sự thật rất hiển nhiên. Đó là cái nhà ở Khu Nam Đồng chính là cái nhà đầu tiên của ba mẹ mình. Suốt những năm tháng trước đó, đều là những người lính, họ toàn … ở nhờ, làm gì có nhà? Nhà ở cùng Xuân Miên trên Khu quần ngựa cũng là nhà của Học viện chính trị, đi là trả có phải của riêng đâu.

Vui nhất là khi ban nhạc chơi những bài quân hành. Rất nhiều người vây quanh. Rồi họ cũng nhau nhảy vòng quanh. Áo váy đủ kiểu mà lại cảm hứng với nhạc quân hành cũng hơi lạ. Như bài “Tiến bước dưới quân kỳ” mà đại đội mình vẫn hát vang những lần đi đều như đem lại không khí cho một người lính mãi mãi thấy mình vẫn đang ở trong tập thể. Ngày đó mình hát chẳng ra gì nhưng khi đi đều vẫn hát rất hăng. Có gì đó giống như mình đang phát đi tín hiệu với đồng đội rằng bên cạnh bạn luôn có tôi. Nhưng bây giwof mọi người cũng nhảy thì mình hơi thấy lạ. Có lẽ con người thường phải gắn kết thông qua một điểm chung nào đó. Mà điểm chung của những anh em, cả nam lẫn nữ ở đây là con nhà lính. Không rõ số từng là lính bao nhiêu, nhưng chắc đa số đều quen với những bài quân hành trong suốt những năm tháng lớn lên với chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và nỗi quan tâm chờ đợi tin tức của những người cha ở miền Nam. Năm sau, chắc mình lại đến với những bạn bè tuy có thể chưa biết mà chẳng thể quên này.

Đi bằng chân... vịt

Nói vậy cho oai chứ để đi ba bốn giờ bằng chân vịt chúng tôi cũng phải chịu ê mông tới gần ngàn km đấy! Về đất Mũi hôm nay, những chiếc vỏ lãi compusit gắn máy đuôi tôm sẽ thay "các cô gái bận bà ba đen, đầu quấn khăn rằn chống xuồng tam bản" đưa bạn đi đây đó. Trải nghiệm trên những chiếc vỏ lãi mỏng manh trên dòng nước mênh màng hay trên ca nô lướt sóng dũng mãnh mà mỗi lần chuyển hướng có cảm giác gần như đang chơi trò "cảm giác mạnh" thật thú vị. Nhưng cảm giác mạnh hơn cả là trên ca-nô có mỗi cái áo phao, còn các vỏ lãi thì ... khỏi. Có lẽ ở đây ai cũng giỏi lội và nếu có lật vỏ lải thì đó cũng chỉ là một dịp đắm mình tận hưởng cái trong mát của dòng kinh quê hương mà thôi. Có đi mới biết cái mênh màn trời nước cái nắng nóng thiêu đốt dến người mẫu cũng phải chắn che ở đây ôtô vào phà phải lùi, nhà nhà có gara cho xuồng: Rừng đước Năm Căn ngút ngàn ngăn giặc che mình người dân miệt rừng đước này ai cũng chân tình,mến khách, ca vọng cổ hay và nhậu hết mình.
Đất mũi là đây: Loài hoa phổ biến ở đất mũi

Thứ Tư, tháng 4 23, 2014

Viếng mẹ Trần Quang Trung

Ảnh: Trần Văn Lưu





Mẹ và tuổi thơ tôi

(Lưu ý, bài viết có nhạc minh họa)



Quê mẹ nghèo, 
xa lắm, đất miền Trung
Trăn trở đôi vai 
oằn nặng gánh hai đầu đất nước
đất với người, 
có ai xuôi ngược
ghé, rồi đi như chim đậu cành cong.

Thứ Ba, tháng 4 22, 2014

Lời Cám ơn

 Mẹ già Trần Quang Trung  tuổi cao sức yếu, dù được sự chăm sóc, chữa chạy của gia đình và bệnh viện nhưng đã cạn tuổi trời, mẹ tôi đã mất và được an táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ. Tang lễ của mẹ tôi đã được các bạn Trỗi và bạn k9 quan tâm, chia buồn, phúng viếng. Các bạn đã bớt chút thời gian quý báu, không quản ngại xa xôi, đến viếng và tiễn đưa hương hồn mẹ tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh nhàn, xin bày tỏ lòng cảm kích lớn lao tới nghĩa cử cao đẹp của các bạn.
Xin thay mặt gia đình và họ tộc nội ngoại, một lần nữa Cám ơn tất cả các bạn. Tang gia bối rối, có điều gì sơ xuất, Rất mong được lượng thứ.

Chủ Nhật, tháng 4 20, 2014

Lại hát

Anh em K4+K9 lại gặp nhau nhân dịp các bạn HP,VTM,ĐC,TN&BD có việc vào Nam, lại vui ,lại hát.

Tin buồn

Mẹ anh Trần Quang Trung, bà Nguyễn thị Khiếu, mất ngày 19 tháng 4 năm 2014, hưởng thọ 91 tuổi.
Lễ tang cử hành vào hồi 16h30 ngày 21tháng 4 (dương lịch) tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh nhàn. K4 tập hợp vào viếng lúc 17h, mong các bạn đến đúng giờ.

TM BLL Vũ Hoà Bình

TẾT TÉ NƯỚC


Mấy ngày qua một số nước ĐNA( Lào, Cam, Thái, Miến Điện...) ăn Tết. Tết té nước của họ tương tự như tết Nguyên đán bên mình. Tết này rất quan trọng vì nó “rửa” đi hết sự ưu tư, phiền muộn, xui xẻo, thói hư, tật xấu của năm cũ, con người sẽ trở nên trong sạch, thuần khiết hơn, chuẩn bị cho một năm mới thắng lợi, may mắn, tốt lành.
   Cũng là nước ĐNA, sao VN mình không có cái tết đầy tính nhân văn này nhỉ? Chuyện gì rồi cũng có cái lý của nó. Tết VN không té nước có phải vì dân ta tiết kiệm (nước)? Chẳng qua ở mình đã có “phong tục” làm “Bản kiểm điểm cuối năm”. Ai ai cũng tự kiểm, chỉ ra bao “tội lỗi”, rồi thề thốt, hứa hẹn sẽ: “khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm”, “quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm tới”.
      Đấy, cóc cần té nước nhé, hiệu quả vẫn...”trên cả tuyệt vời”! Có mấy tấm hình phóng viên Báo chữ to vừa nhặt ở Myanmar về, xin trình các bác.
                                                                                                        SG 4/2014 r />


Trước tòa thị chính đang thử vòi nước

Các diễn viên , các cháu sẽ biểu diễn văn nghệ ở đây.
Dùng cả đến vòi cứu hỏa mới đủ đô. Tất cả mọi người
rồi sẽ ướt như chuột, những "con chuột" hạnh phúc!

Như vậy là họ phun nước tứ phía,  lãnh đạo và quan khách
ngồi giữa. Chết , khéo các đc bị cảm thì bỏ bu.
Các khán đài phun nước bố trí dọc các tuyến đường lớn.
Muốn thầu một xuất dựng khán đài mất 10.000USD,
bù lại bạn thu được 50.000USD( tất nhiên phải chung chi, lại quả cho BTC).
Thường giới thượng lưu mua 50USD 1vé( phải đặt chỗ trước mấy tháng),
họ được cầm 1 cái vòi xịt ( màu xanh) để tia vào xe cộ, bá tánh bên dưới.

Giới bình dân thì chỉ thế này thôi, quá zui rồi.

Các xe này sẽ chở đầy nước, cơ động khắp nơi,phun,
té nước vào mọi người. Tất cả đều cười vui vẻ.

Mấy ngày tết, cơ quan, cửa hàng, chợ búa đều nghỉ.
Công vịêc quan trọng nhất lúc này là  làm ướt được
nhiều người và được nhiều người làm ướt. Thế mới hên.
                                       

Thứ Năm, tháng 4 17, 2014

Chuyện bây giờ mới kể ! PHÉP LẠ
Bạn tôi gọi điện, giọng nghiêm trọng:Mày kiếm gấp giùm cho tao một người giúp việc là nữ đứng tuổi, có năng khiếu săn sóc người già.
   Cho ai? Cho ông già, ông già bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối, đau đớn lắm, bao nhiêu người giúp việc rồi, thuê làm chỉ vài tuần là : hoặc ông già đuổi, hoặc người ta bỏ việc vì tính khí cáu bẳn của ông già.
 Giới thiệu đến người thứ 41 bạn tôi mới ưng ý. Vâng, siêu sao ôsin mà tôi giới thiệu là một người phụ nữ đẫy đà, có đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Nàng khoảng  40 xuân xanh, chưa từng lấy chồng.  

  Một tuần sau khi đưa nàng vào chăm sóc ông già bạn tôi. Tôi nhận được điện thoại của bạn gọi đến, giọng vui như chim sáo. Này nhé, tuyệt vời! Cả mấy tháng nay đêm nào ông già cũng đau đớn không ngủ được, các loại thuốc giảm đau gần như không còn tác dụng.
 
Vậy mà từ khi có nàng, ông già vừa rên lên khe khẽ, lập tức nàng đến đỡ đầu ông già lên, áp sát vào lòng mình, nơi có đôi gò bồng đảo phốp pháp mềm hơn gối lông ngỗng, ấm áp hơn nắng ban mai, lại thêm những tiếng đập thổn thức đều đặn của trái tim tràn nhựa sống, bàn tay nàng mềm mại vừa xoa nhẹ hai bên thái dương ông vừa hỏi giọng du dương:
- Ông ơi, ông nhìn lên bức tranh kia kìa, có đẹp không ông? Con hát ru cho ông dễ ngủ nghé ?
- Ừ! Khẽ thôi!  Và thế là nàng hát,nàng hát thật khẽ, thật nhẹ, thật hay. Và ông già ngủ thiếp đi một mạch cho đến sáng.
  Này nhé, bấy lâu nay, lúc nào ông cũng gắt gỏng chuyện người ta cứ ép ông ăn ăn uống uống. Cuộc sống đối với ông như vậy là đã quá đủ rồi. Vậy mà nàng cứ bưng chén xúp đến, nhoẻn một nụ cười thật mộc mạc dễ thương với ông, lấy cái khăn ướt lau khắp mặt cho ông, đưa bàn tay mềm mại xoa nhẹ lên khắp bụng ông và nói thì thầm:
- Ông ơi, bụng lại xẹp hết cả rồi, cho vào tí xúp ông nhá!  
Ông lại nhìn nàng như muốn bật cười vì tính hay dụ dỗ ông của nàng:  
- Ừ!
- Tí thôi í mà, con nấu cho ông đấy, ngon lắm!
Và cứ thế, đút cho ông một muỗng, nàng lại nói một câu, vuốt lên bụng ông mấy cái. 
Ăn xong nàng lại còn nghiêng tai áp sát xuống bụng ông, nói thì thầm:
 
- Bụng ơi, đủ chưa? Cố mà nghiền kỹ cho ông nhá! Cố mà đánh nhau với mấy thằng ma cô cho nó chết hết đi cho ông mau hết bệnh nhá!
Thế là ông lại cười, cười to nữa là đằng khác.  
Này nhé! Mỗi lần lau rửa chỗ vết mổ, lau rửa cái "của quí" của ông, bàn tay nàng cứ như diễn viên múa chèo ấy, nâng nhẹ lên, lấy bông gòn nhúng nước ấm,lau, lau cẩn thận như sợ chạm phải kíp mìn nổ, vừa lau vừa nhìn ông cười duyên hỏi:
- Ông ơi, con lau cho ông, ông có thấy dễ chịu không? Lau cho nó sạch sẽ, thoáng mát ông nhá!  
Ông lại nhìn nàng, ánh nhìn đầy vẻ biết ơn, ánh nhìn tràn ngập niềm vui sướng, thích thú. Trong đáy mắt ông có điều gì đó mới mẻ. Phải nói, nghe chuyện của nàng, mũi tôi phỉnh to hết cỡ.
Không đầy một tháng sau, bạn tôi lại gọi điện thoại lúc nửa đêm, giọng hốt hoảng, cầu cứu, hỏi địa chỉ và số điện thoại liên lạc của nàng. 
Tôi ngơ ngác: nàng đang chăm sóc ông bà già mà? 
Không! Bà già tao đuổi nàng đi cả tuần nay rồi. 
Tại sao? 
Bà già ghen! Này nhé, không ghen sao được! Lúc đầu tìm được người chăm ông tuyệt vời thế bà mừng lắm, giao khoán trắng cho nàng chăm ông, bà lên lầu ngủ thẳng giấc. Sau vài ngày, bà mới để ý thấy ông dạo này là lạ thế nào ấy. Này nhé, lâu lắm rồi không thấy ông cười, vậy mà mấy tuần nay cứ thấy ông cười nói vui vẻ! Này nhé, da dẻ ông cứ như là có sắc hồng ấy! Này nhé, chẳng thấy ông rên la đau đớn vật vã nữa! Bà giành chén xúp trên tay nàng để ngồi xuống cạnh giường ông, cũng nhẹ nhàng đưa muỗng xúp vào miệng ông. Khó nhọc lắm ông mới há miệng ra, thức ăn chưa kịp đụng lưỡi ông đã nhăn mặt, nhè ra cả gối, mắng bà là cho cả ký muối vô chén xúp hả? 
Này nhé, tối đến, bà bảo nàng lên gác vào giường bà mà ngủ cho ngon giấc, để bà ngủ trong phòng nàng. Nàng tròn xoe mắt ngạc nhiên thưa cả tuần nay nàng có ngủ trong cái phòng dành riêng cho nàng đâu! 
Thế mày ngủ ở đâu? 
Dạ con ngủ luôn bên cạnh ông cho tiện, để ông trở mình là con xoa cho ông ngay. Thế là ba máu sáu cơn, bà đuổi nàng cuốn xéo khỏi nhà ngay lập tức.
Khổ nỗi, suốt một tuần rồi, không có nàng, ông cứ nằm yên, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, thực hiện khẩu hiệu ba không: không nói! không ăn! không ngủ! Cuộc họp đại gia đình ngay lập tức được tổ chức để biểu quyết áp đảo bà già là phải chiều lòng ông già trong những ngày cuối cùng sống trên cõi đời này.
 Bà già ấm ức lắm, nhưng đành gọi các con lại để nói rằng mẹ nghĩ kỹ rồi. Thôi thì cứ gọi cái con đó lại đi, để ba con được nhẹ nhàng sung sướng trước khi ra đi!
Tôi đã phải vất vả mới truy tìm lại được nàng. Tôi tất tả, háo hức, đưa nàng trở lại nhà ông bà già bạn tôi. Tôi có cảm giác như mình đang thay Chúa Trời đưa nước thánh diệu kỳ đến ban cho một người đàn ông đang đau đớn vì bệnh tật trong những ngày cuối cùng, bớt đau đớn vật vã.
Nhưng ôi thôi! muộn rồi, ông già vừa ra đi. Người ta phải vuốt mắt ông mãi ông mới chịu thôi không nhìn trân trân lên trần nhà để tìm kiếm phép lạ nữa...



Thứ Ba, tháng 4 15, 2014

Cố vấn TQ tại VN

...là loạt bài của Lê Mai/wordpress . Xem cũng thú vị, về cuộc chiến 9 năm kháng Pháp với cố vấn TQ bên cạnh.
Sẽ đến bài về cố vấn TQ trong cải cách ruộng đất? Hãy chờ xem.

ĐBP v.3, chặng cuối

Cuối cùng rồi cũng đến tp.Lai Châu mà chuyến v.1/2004 còn là thị trấn huyện Phong Thổ. Giống như nhiều tỉnh thành phố khác, con đường trục QL4D xuyên qua bây giờ không còn là đường lưu thông chính. Thay vào đó là con đường mới bốn làn xe ô tô và hai làn xe máy hai bên, mang tên ĐT Võ Nguyên Giáp. Hai bên đường còn trống trải, nếu là dành đất cho hộ lớn cỡ vài nghìn mét vuông trở lên (doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan,...) thì đẹp. Chứ lại chia lô trăm mét nhà phố mặt tiền thì chán.
Đường Võ Nguyên Giáp này chưa hề có trên bản đồ Google Maps là thứ bản đồ cộng đồng đóng góp. Tôi - là một thành viên Google Mapmaker - gửi bản ghi đường cho cộng đồng nhờ thêm nó vào bằng công cụ phần mềm, thì ai cũng ngại. Chắc vì ảnh vệ tinh chưa có mà bản ghi GPS khi phóng to lệch rõ (sai số kỹ thuật) với đoạn đáng ra phải trùng vì không phải đường mới nữa. Thôi thì cứ đưa cho mọi người bản ghi nguyên gốc, để cho biết.
Lướt qua tp.Lai Châu, mục tiêu của chúng tôi còn để mở. Có vẻ như sẽ đi xuyên Sa Pa, nghỉ lại Lào Cai, hoặc Bắc Hà. Chuyến đi dự kiến 5 ngày, nhưng nhờ có thêm tay lái chuyên nghiệp và xem ra mọi người cũng không muốn đi lâu hơn thì chạy cố sẽ rút được một ngày. Đèo Ô Quy Hồ, nắng chiều chụp bằng điện thoại qua kính xe ô tô.
Xuống tới Lào Cai, vẫn còn phương án nghỉ lại. Nhưng rồi nhất trí chạy cố, sau khi ăn tối, lên Bắc Hà để những người chưa biết biết thêm. Đoạn QL4D Lào Cai, bên kia là đất Tầu. Cậu lính em nhắc các anh tắt chuyển vùng "roaming" đi không lại mất tiền oan cho di động Tầu. He he, anh có roaming bao giờ đâu mà phải tắt. Không anh ơi, để tự động là nó "đi" theo Tầu luôn, sóng nó mạnh lắm!
Mãi 9h tối mới lên Bắc Hà, gặp anh Chiến bạn đồng ngũ của KVk7 đặt phòng giúp ở Khách sạn Bắc Hà. Phòng nhiều, sân rộng nhưng KS này không phải điểm nghỉ của dân phượt; phượt ta thì chê đắt, có lẽ; còn phượt Tây thì chê kém tiện nghi và... hơi cách bức vì cái dáng ngoài nghiêm trang quá?
Hôm sau anh Chiến mời cả đoàn ăn phở rồi tạm chia tay vì nghỉ hưu anh làm Phó CT Hội CCB Bắc Hà, có chuyến đi xã. Anh Đoàn(?) cựu BĐ Biên phòng khuyên nên chạy vòng lên Simacai rồi hẵng về, "cho biết" :-) Vậy là đi Simacai. Suốt mấy ngày nhường lái cho cậu trẻ, đường này mày để anh lái, sớm mấy chén rượu ngô rồi yên tâm đi. Từ Bắc Hà độ cao 900m đi Simacai 1000m phải leo hai đèo 1400m và 1200m, đường mới sửa tốt.
Phế tích đền của người Hoa với chó đá canh cửa. Nghe nói có người đang xin được dựng lại. Không hiểu sâu về chuyện quản lý đền thờ. Vấn đề là cộng đồng người ở Simacai bây giờ (thay cho cộng đồng người Hoa về bển năm 78-79) có thờ cái "ông đền" cũ đó không?
Và kỷ niệm với "phế tích" đồn biên phòng Simacai; nói đùa rằng phế tích vì bây giờ Simacai lên thị trấn không còn tính chất biên giới nữa nên trụ sở này giờ là căn cứ bàn đạp ở hậu phương còn Đồn thì dịch lên áp sát biên giới hơn nữa.
Simacai, cô giáo cắm bản, TuNgu áp mà chưa sát.
Triền núi xa kia lại là Tầu.
Trên đường về lại Bắc Hà, anh Chiến gọi điện nói a. Đoàn mời anh em ở lại giao lưu buổi trưa. Ôi thôi, thêm bữa rượu trưa thì ngủ lại thêm đêm nữa chứ đi đâu cho đời mỏi mệt. Đành xin phép để đợt mận chín nếu tổ chức được thì lại lên chuyến khác, có vẻ như cuối tháng 5?

Thứ Hai, tháng 4 14, 2014

ĐBP v.3, lượt về


Mỗi chuyến đi ĐBP đều là một chuyến về "không muốn cũ"; đi chơi thì
muốn chơi đến cùng, tốt nhất là không quay về đường cũ.
Chúng tôi đi tiếp lên phía Bắc theo đường 12. Nói cho đúng thì đường 12 này cũng không cũ vì đã đi mãi rồi. Nhưng vẫn có những điều mới đáng để đi.
Nói là nói vậy, chứ phải là người đi rất nhiều lần mới biết đoạn nào nâng lên cao tránh ngập, đoạn nào vẫn là đường 12 cũ. Với tôi cái đáng được nhìn đầu tiên là cầu Hang Tôm mới. Cầu thông xe đã lâu, từ trên đó nhìn sang cầu cũ bây giờ chỉ còn thấy hai trụ thò lên từ trong làn nước hồ thủy điện Sơn La. Cáp và cầu hẳn đã được tháo dỡ, vì thông thủy và lấy được khối phế liệu hoàn toàn có thể dùng lại vào chỗ khác. Ảnh từ cầu mới nhìn về cầu cũ; lúc này nước hồ không phải đỉnh nên nếu còn thì mặt cầu cũ dưới khoảng 20m nước.

Từ đầu Bắc cầu Hang Tôm nhìn về thị xã Mường Lay. Có thể thấy ngấn nước lớn ở cao hơn hiện tại chắc vài mét?
Lần này không đi hết đường 12 vòng về Lai Châu (thị trấn Tam Đường của huyện Phong Thổ cũ) mà rẽ lối đi Sìn Hồ. Có người bảo đi được, có người khuyên không nên. Bọn tôi quyết định vẫn đi vì Sìn Hồ vốn chưa qua, lối đi ấy lại tránh được tắc đường do thi công QL12 chưa ổn. Sìn Hồ không còn hoang sơ thơ mộng như người ta nói nào là nhà trình tường, rào đá xếp.
Đi xe lướt qua thị trấn thấy nó cũng hao hao với nhà công vụ to, đường sá với các lô đất dành cho nhà "xuôi" kiểu ống. Vì thế chúng tôi không dừng, thậm chí không mở kính xe để cảm cái "Sa Pa của Lai Châu" như thế nào. Duy có một điều làm tôi chú ý, là chỉ ở đây mới thấy loại nhà sàn lợp đá phiến. Cảm thì thế mà giật mình phải chụp một cái ảnh thì tất cả đã vèo đi mất, chộp được cái trệt tường tốc xi bao quanh, được cái mái đá "như của mình".
Lúc nghỉ ăn trưa ở Chăn Nưa trên đường 12 đoạn sắp rẽ vào Sìn Hồ, được người xuôi về nhắc "các bác ngược sớm đi trong lúc công trường nghỉ thì không tắc, chứ họ mà làm thì tắc ba bốn chỗ đấy". Càng làm bọn tôi quyết tâm đi ngả Sìn Hồ. Ấy vậy mà đi đường tỉnh 128 này người ta cũng đang cấm để nâng cấp đoạn ngoặt ngược về Lai Châu, phải theo chỉ dẫn trở lại QL12 gần thị trấn Phong Thổ. Được cái là các chỗ còn đang thi công đều đã rớt lại đằng sau, đoạn từ Chăn Nưa ngược lên trước chỗ thò ra (quên xem nó là đường tỉnh/tỉnh lộ nào).
Đường dài thêm mấy chục km nhưng không bị tắc chỗ nào. Khi nãy (15:30 14/4) nghe anh Hà Đông k3 vừa đi đoạn ấy nói 70km nhồi lắc và tắc rất oải, khi đó mới ra khỏi Lai Châu. Tóm lại lối qua Sìn Hồ đi bình thường, hơi nhỏ vì là đường tỉnh nhưng không tệ, dù vài chỗ cũng đang thi công. Riêng đoạn Lai Châu - Sìn Hồ sẽ được đầu tư dễ đi hơn rất nhiều. Cậu lái xe Đà Nẵng ra được một dịp chạy đường núi miền Bắc chắc sẽ có ấn tượng với những con đường núi dựng tầm nhìn rất gần này.