Thứ Sáu, tháng 6 01, 2007

Chuyện Trỗi xưa: Ăn

Ăn ở trường Trỗi, đặc biệt thời khó khăn nhất ở Đại Từ, thì chắc ai cũng có chuyện để nhớ. Tôi nhắc lại một số thứ liên quan tới ăn, các anh xem còn thiếu thứ gì?

Đói: Lính Trỗi đang tuổi ăn tuổi lớn, đói (thời chiến tranh đói cũng là bình thường). Vì thế “đầy – vơi – đầy” là chiến thuật xới cơm cho một bữa ăn chính (trưa, chiều). Ai cũng làm như thế, trừ những người theo chiến thuật đầy – đầy thì hầu như không còn cơ hội xới một lần nữa. Hồi lớp 10 hôm nào ăn cơm độn ngô, hoặc cá khô thì bọn ăn nhiều mừng, vì đồng bọn bỏ lại không ăn hết. Chỉ việc thu gom là chén no.
Thiếu: thức ăn thiếu. Tự xoay xở bằng cách gia đình gửi cho muối tiêu, tự làm muối riềng, hàng bữa tìm ớt chỉ thiên quanh nhà để ăn thêm, có lúc khan hiếm quá phải dầm nát quả ớt trong bát để bạn khỏi ... xin. Có lúc thiếu thức ăn tới mức đành mút viên muối mỏ to bằng ngón tay để ăn với cơm. Có lần tôi được ở nhà gửi cho một chai 650ml mắm cái (cá cơm nguyên con), dân gốc Trung, Nam rất khoái thỉnh thoảng hỏi xin, lại bảo ra ngoài bụi sim mà lấy. Vì dân Bắc (chính xác là Ngô Hùng) chê hôi, không cho để trong nhà.
Kiếm ăn: đói, thiếu thì phải kiếm ăn. Có rất nhiều cách: mua hoặc nhổ sắn của đồng bào; lấy gạo và thực phẩm của nhà bếp khi có cơ hội; bắt cá, tôm ở suối, bắt ếch ở ruộng. Một tối thứ Bẩy mấy thằng Thanh Minh, Tương Lai và tôi mò vào cái khe nhỏ câu cá. Được một con trê, tôi giật lại rơi vào bụi, thế mà Thanh Minh tìm vẫn ra. Khi về Thanh Minh chặt/xiên thêm được vài con ếch mang về nhà, Thuỷ “bều” xử lý hôm sau cả bọn được món ăn ngon. Có tối khác mấy thằng đi kiếm ăn, tôi cầm cái xiên đầu đinh nhọn chống vào ... gót chân Tương Lai, tối về nó đau rên hừ hừ. Sướng nhất là đi gác bếp ở Hưng Hoá phiên gần sáng mùa đông. Cầm theo bát sắt có ít đường, vào bếp mở chảo ngô bung đã chín, chén một bát, nằm lên bệ bếp ấm ngủ, có khi “gác” quá giờ.
Các món ăn ấn tượng: mùa nào thức nấy, mùa măng ăn măng, mùa bí ăn bí, mùa rau cần ăn rau cần, đầu mùa ngon, sau phát ngán. Mùa bắp cải thường xuyên ăn món lá bắp cải già xắt nhỏ muối dưa rồi xào qua mỡ, mầu xanh đen mùi thum thủm. Chính tôi đã từng giúp bếp làm dưa, lấy tay xé phần lá thối, mấy ngày sau tay còn thối. Món chuối xanh xào thịt mỡ sền sệt mầu tím đen, không phân biệt được chuối và thịt. May được miếng mỡ vào mồm rất thơm ngon.
Ăn tươi: còn nhớ hồi ở Trại Cau (lớp 7) nhà bếp cho ăn xôi chè sáng thứ Năm hàng tuần. Chè rất ngọt, thường gây nhức đầu sau đó. Các dịp lễ tết hay việc trọng của Trường cũng được ăn tươi, mổ lợn, làm gà. Những dịp thế này bọn giúp bếp lại được “tươi” hơn một tí.
Tăng gia: Bếp đại đội thường nuôi lợn. Ở Trại Cau, Tết năm 1966 tôi cùng mấy người nữa (có Thế Nam) được phân công đi lấy thân cây chuối dự phòng thức ăn cho lợn dịp Tết (học sinh về nghỉ, sợ không có “phế liệu” cho lợn ăn). Vào khe núi có những cây chuối rừng rất to và cao. Mỗi thằng chặt một khúc mang về. Vừa đi vừa bóc cho nhẹ. Sau Tết vẫn thấy vứt một đống. Cũng ở Trại Cau, B2 (A7+8) được phân công nuôi ngỗng, chuồng ngỗng ở bãi thấp trước nhà. Mỗi trưa phân công một người lùa ngỗng ra ruộng cho chúng ăn cỏ. Nguyễn Hồng Hải hay tranh thủ rút một loại cỏ có búp quả nhỏ ở trên để gửi về cho bà làm cọng và nụ hoa giả. Các bạn khác biết vậy cũng hay “thu hoạch cỏ” giúp Hồng Hải. Ngoài ra còn trồng các loại cây leo giàn như bầu bí. Hồi ở Trại Cau có lần tôi nhét mấy quả su su có mầm xuống chỗ ... hố phân cũ, chắc “bổ” quá chúng không mọc lên được.
No: hồi ở Quế Lâm nói chung là no đủ. Khác với ở trong nước ăn bếp đại đội, bên Quế Lâm ăn bếp tiểu đoàn. Mỗi phiên rửa bát là phải cả (nửa?) trung đội làm. Nếu bữa đó ăn trứng tráng (mỗi người một quả) thì chỉ vớt vụn trong chảo mỡ là cả bọn rửa bát ăn nhoè. Tết gói giò mỡ bằng bao cói đựng muối. Mỗi cái giò vài thằng khiêng vì to và nặng.
Thừa: hồi tập ở Quân chính (Đá Cóc), mùa hè rất nóng, tập mệt. Gần ngày kiểm tra các môn phải tập nhiều, rất mệt. Bếp ăn che liếp đỡ nắng trên đầu, kẻ khẩu hiệu “Cố gắng ăn hết tiêu chuẩn”.
Nấu ăn: khoét một cái bếp con tí trên chân vách đất. Nhúng than nóng đỏ ở bếp đại đội vào bát nước để lấy than củi. Tối nhổ sắn ngoài nương của dân, cho vào ca hầm nhừ, cho đường vào là được một ca chè sắn thơm ngon (Trại Cau).
Quả các loại: Đồng Cháy có quả sắn thuyền tím miệng. Hồi ở Trại Cau kiếm được dọc ngọt quả bé, ăn nhiều mới thấy chua. Cả dọc chua và ngọt đều phủ nhựa vàng răng. Lớp 8 mua được quả gắm vị hơi giống hạt dẻ. Vào rừng có thể cho vào mồm các thứ cây dại như sim, mua, vú bò, ke (chua), mâm xôi. Mua của dân thì thường chỉ có bưởi, mía, mít, chuối.

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

"Chuyện Trỗi xưa: Ăn" còn thiếu chương "Thu hoạch" (thu hoạch không cần sự đồng thuận bằng văn bản của sở hữu chủ).
Hồi Đại từ thì ra đồi thu hoạch sắn, nướng hoặc luộc đều rất ngon. Có khi các cháu quơ được con ngỗng, con gà (đang ngủ yên trong chuồng) thì số dách, nhất là gà của thầy ("gà" xin hiểu theo nghĩa đen của từ này).
Sang Quế lâm thì mùa nào thức nấy. Đào, cam, dưa chuột, mướp đắng cũng chẳng chê. Năm kia 2 anh em tôi (Trỗi K4, K6) du ngoạn Trung hoa, thấy trái đào to khủng khiếp, mọng đỏ, cứ thắc mắc ở đâu ra vì hồi mình ở Quế lâm làm gì có đào to, cam chín (cánh ta chuyên thu hoạch sớm, láy đâu ...).
Về Hưng hóa thì chủ đạo là chuối. Mua 1 nải ăn 2 nải mới ngon làm sao. Bòng, ổi thì "vô tư".
Thậm chí sau khi ra trường, đeo lon binh nhì sáng rực trên vai, mà đôi lúc vẫn còn trót quơ vài luống hàng củ (nấu với mì thanh, nêm chút mắm muối, rất ngọt, "không cần" mì chính, cá thịt chi cả).
Thôi, con nít nghịch dại, các cụ bỏ quá cho. Nay các cháu lên tướng, lên tá cả rồi, nhắc lại làm gì cho tủi thân.
HCQuang

VNQ nói...

K8 Trung hà :
Ăn tươi :Hôm nào thấy mổ trâu,buổi tối mấy thằng rủ nhau đột kích vào bếp bê cả nồi về liên hoan ở trung đội. Xong quay lại trả nồi vào chỗ cũ.
Thèm hoa quả : Hai thằng chung nhau 1 bánh mỳ (Tiêu chuẩn mỗi thằng 1/2 cái)để dành mang ra bến đò Trung hà đổi lấy 1nải chuối, còn trứng luộc của quán thì "thó".
Đói : Buổi tối trốn học rủ nhau xuống lò bánh mì xem các chị nuôi làm bánh, khi được nhiều bánh rồi, lừa tắt điện... 1!2!3! tất cả nhào vô rồi té, thế là đêm ngủ ngon.
Thèm nước giải khát : có 2 cách.
1/Để dành hạt bưởi, cho vào bát với nước giếng đánh kỹ thấy sệt cho đường vào đánh tiếp, tan đường ta có một bát chè ngon, mỗi thằng 2 thìa.
2/ Lấy lá găng ( hơi bị sẵn ở Trung hà) vò nát, rồi công nghệ làm giống chè hạt bưởi,xong lọc lá ra bằng khăn mặt (Khăn ông nào cũng xanh lè, phơi Ko sợ máy bay Mỹ nhìn thấy) để một lúc thấy hơi rắn là được một bát thạch găng, pha nước đường cắt thạch cho vào và ăn rồi nhớ đến thạch đen ở Hà nội, thế là ổn.

Góp vui với các bác K4. Bây giờ già thì "ngoan" rồi để mà dạy con cháu... mong các bác thông cảm.

Nặc danh nói...

Tháng 10/2006 đi QL K4 có tôi và Khắc Cường (Cường Pathet - cùng B3), tôi không nhận ra đến khi nó giới thiệu mới biết. Về KC tôi nhớ nhất hai chuyện. Khi tôi sang B5, lúc đá bóng với B3, tôi phang một phát vào ống đồng nó, nó đếch bị sao còn tôi bong gân đi tập tễnh cả tháng. Chuyện thứ 2 là chuyện ăn. Khi ăn KC sợ nhất mọi người nói chuyện bẩn. Nghe đến là nó buồn nôn và bỏ bữa. Nó ngồi mâm nào cũng bị nghe nói bẩn để ... ae có thêm 1 xuất. Sau đó phải chia riêng, nhưng nó trốn vào xó nào cũng có thằng tìm đến nói bẩn. Cuối cùng Đại đội phải tuyên truyền vận động và ngăn cấm "thủ đọan...độc ác" ấy nó mới thóat nạn! Tôi còn 1 chuyện ăn cũng hy hữu, ít người gặp phải, sẽ kể sau vì vẫn có giá trị ngay trong thời buổi này. DMinh

Nặc danh nói...

Bánh bao Quế Lâm và cháy chảo gang

Bánh bao : Tôi tin rằng rất nhiều người trong số lính Trỗi không thể quên được cảm giác đầu tiên khi bước vào nhà ăn của trường tại Y Trung ( cũ ) bữa trưa đầu tiên. Bắp cải xào ngậy mỡ là món ăn có lẽ lính Trỗi được thưởng thức nhiều nhất trong suốt thời gian sống bên đất bạn, phải nói là ngon đi. Điều mà tôi muốn viết ra hôm nay là cái bánh bao Trung Quốc. Bữa trưa đầu tiên, trong khi xếp hàng chờ thì ai cũng chăm chăm nhìn vào mấy cái bánh bao trắng mướt còn nóng hổi xếp trên bàn, cạnh mấy đĩa thức ăn và chậu cơm nhôm. Chỉ cần tưởng tượng đến cái bánh bao của mấy ông Tầu ở Hà Nội có đủ nhân mộc nhĩ, thịt băm, mấy lát lạp xường và cả nửa quả trứng gà nữa mà tôi ( và nhiều người khác ) đã thấy thòm thèm rồi. Hình tượng lạ cái cảnh được cầm cái bánh bao nóng hổi trên tay để được cắn nhẹ một miếng rồi đổ tương ớt vào,... Chu cha, sao ngon thế. Đất nước vĩ đại này giầu thật, bữa cơm lại có thêm bánh bao nữa.
Đứng cạnh mâm cơm, chẳng thằng nào bảo thằng nào nhưng bánh bao là thứ được tất cả sờ đến đầu tiên. Cắn miếng thứ nhất chẳng thấy gì, miếng thứ hai cũng vậy, rồi miếng thứ ba, thứ tư,... Tôi nhớ cảnh thằng này ngó thằng kia để xem nó có gặp hoàn cảnh như mình không? Tất cả đều thất vọng bởi vì cái mà lúc trước nghĩ là bánh bao với đủ “ sơn hào, hải vị “ thật ra chỉ là bột mì hấp hoặc luộc cho chín mà thôi. Thế là vỡ mộng.
Cháy chảo gang : Nếu bây giờ có ai đó hỏi tôi là thời kỳ ở trường Trỗi tôi thích được ăn món nào nhất thì chắc chắn là tôi sẽ không ngần ngại chút nào để trả lời rõ to là “ cháy chảo gang quệt với váng mỡ của nồi nước mắm “. Thú thật với mọi người là cho đến giờ, tuy nhiều tuổi rồi nhưng tôi vẫn khoái cái món này, chỉ mỗi điều là kiếm đâu ra chảo gang !!!! Cứ mỗi lần đến phiên trực ban hay là mấy đứa bạn thân đến phiên trực ban thì việc đầu tiên là phải “ dấu “ ngay mấy tảng cháy ròn, vàng ươm và vớt lớp mỡ hành phủ trên của nồi nước mắm để “ chiến đấu “. Cái món này ăn mãi không chán, bụng no kễnh rồi mà vẫn thòm thèm. Sang Séc sống, kinh tế đầy đủ mà tôi vẫn không quên được nó. Đã có lần tôi thử dùng nồi cơm điện để tạo ra cháy nhưng không thể nào có thể so sánh với cái cháy chảo gang của chúng mình hồi ấy. Một phần nữa là khí hậu ở bên này khô, bỏ cháy ra khỏi nồi một tí là đã cứng như đá rồi, dại dột cắn một miếng là toi hàm răng.

Phú Hòa

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái bánh bao mà không có nhân thì hình như gọi là "màn thầu". Để ăn trong bữa có thức ăn chứ không "độc lập tác chén" như bánh bao có nhân để ăn sáng.
Đúng là có cháy chảo gang, đặc trưng của các bếp tập thể thời xưa. Tôi còn nhớ ở Đại Từ mỗi mâm cũng được chia một miếng cháy úp lên trên chậu cơm. Đến hồi sang bên TQ thì nấu cơm bằng nồi hơi nên mới không có món này.
Phú Hoà có làm được món cháy thì sao lại không làm một ít nước chấm rưới lên cho nó giống ngày xưa. Tôi nghĩ vẫn chén được, chỉ cần "nghe ngóng" hàm răng cẩn thận chút.

Nặc danh nói...

Cháy cơm chảo gang quẹt chút mỡ, ... chà, ngon thiệt. Đó là chuyện hồi đó, chứ các bọ bây chừ răng cỏ cái còn cái mất, xiên xẹo, cái trên "lỡ" còn tốt thì hàm dưới không có đối tác, cũng vô dụng. Cháy cơm để nguội, rắn như đá, nhai vào là tiêu chỗ răng còn sót lại. Áp dụng lời khuyên "chỉ cần nghe ngóng cẩn thận" cũng không kịp.
Cách đây chừng ba bốn năm, tôi có rong ruổi Quốc lộ 1A, đi ngang khu vực Nghệ an thì gặp một vệt quán xá, trong đó có một quán ghi là "cháy cơm". Tính hô tài xế ghé zô (mua một tảng, ăn cho đỡ nhớ nhớ tảng cháy chảo gang thời Trỗi), may phát hiện tiệm kế bên trương bảng "Trồng răng", bèn thôi. May quá, Nghệ an nhà choa thật thà, có sao nói vậy(*). Đi một đỗi mới tiếc là mình quên chụp một tấm hình để gởi cho báo "Tin học và đời sống" nhà bác HữuThành.
(*) Có sao nói vậy: ý này nghe chừng không ổn! Lẽ ra có sao thì phải nói là sao, có vậy thì phải nói là vậy.
HCQuang