Thứ Ba, tháng 6 26, 2007

CÔNG TÁC DÂN VẬN

KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Kiến Quốc

Lính Trỗi ai cũng biết dân vận. Ở đâu chỉ một thời gian ngắn là anh thì coi nhà dân như gia đình mình, chú thì có ngay mẹ nuôi hoặc “kết nghĩa” với chị em trong nhà, có anh sau này còn ở rể. Còn tập thể thì có những nhóm dăm ba người qua lại gia đình "quậy phá" như con cái trong nhà. Sau này khi vào Quân y hay Quân sự, phải sơ tán đóng quân trong dân nên lại càng phát huy truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương, làm việc bình thường thì dân mới nhớ” (ý là giúp dân) . (Chắc mấy anh học Tổng hợp ở thành phố thì ít được đi dân vận?).
Khi học ở Trường Quân sự, tụi tôi (Quý “nhẽo”, Minh Nghĩa, Kiến Quốc...) hay cùng anh giai Mạnh Hưng đi làm công tác dân vận. Ngoài nhà chị Thiện (bán thịt ngay cổng trường Bảo Sơn), anh giai Lữ (thường gọi là Lữ trưởng Lữ đoàn dù từng bán cả tủ buýp-phê cho các chú Việt Cường, Đức Hòa, Chiến "thộn", Lập "ngố", Mạnh Hưng... tổ chức ăn tốt nghiệp trước khi phát tháng lương đầu tiên) thì gia đình chú Thành (chú của Lê Đức Hòa k3) cũng là một địa chỉ thân thiết. Nhà chú cách cầu rẽ vào Viện 109 gần 1km. Chú Thành làm hành chính ở Viện 9, cô Bưởi ở nhà, còn Tân – con gái cô – là y sĩ tại đây. (Hình như em Tân cũng “hòn mê” một anh trong nhóm?). Chúng tôi quan hệ thân thiết đến mức gặp bữa có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, có miếng nào ngon đều được cất để dành.
Anh Hưng lớn tuổi nên gọi cô chú là anh chị. Cô được anh em gán cho cái tên “Mạc Thị Bưởi”. Lần đó, tôi và anh Hưng ra chơi. Mức sống giữa những năm 1970 của dân mình nghèo lắm, nhà cửa trống huếch trống hoác. Không thấy có ai trên nhà, chúng tôi mò ra sân vừa gọi to “Chị Bưởi có nhà không?” thì thấy ơi ới từ góc vườn:
- Chị đây. Lên nhà chờ chị, chị lên ngay.
Nhìn ra thì thấy bà chị ló đầu trên một tấm bao tải mầu nâu căng ngang thay cửa, tay huơ huơ ra hiệu. Vậy là bà chị đang ngồi trong cái toa-let dựng bằng tre nứa, tường trình đất trộn rơm, có vài tấm lá cọ lợp mái. Ngượng quá, bọn tôi vội quay đi. Chị nói với theo:
- Lên nhà đi, hôm nay chị có chè Thái ngon lắm.
Ngồi chờ một lúc thì bà chị lên. Chúng tôi tỉnh bơ như không biết gì. Chị mở tủ buýp-phê lấy ra gói chè: “Chè Thái đấy. Có chú em mới đi Thái Nguyên về biếu. Được nước lắm. Anh bảo chị cất để phần các chú”. Với bàn tay khô ran chị vốc nắm chè cho vào ấm rồi chế nước sôi vào. Như một phản xạ tự nhiên, hai anh em nhìn nhau: Bà chị mới đi toa-let về chẳng chịu rửa tay lại còn bốc chè cho vào ấm. Chờ cho trà đã ngấm, chị rót ra cốc: “Uống đi, hai chú. Trà thơm và được nước lắm!”. Cốc trà dậy mùi nhưng hai tên cứ giả vờ ậm ừ: “Sắp đến giờ cơm rồi, bọn em uống vào sợ xót ruột. Để khi khác...”. Vì thân tình nên chị cũng chả trách gì. Hú vía!
Có đi dân vận mới gặp nhiều tình huống gay cấn như thế...


(Khi nhập bài này vào lại không xem qua Blog nên hoàn tất rồi, kiểm tra lại thì thấy xếp sau bài cảm ơn của Phước Bình. Thôi, đó chỉ là vô tình chứ không hữu ý. Anh em thông cảm!!!)

12 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Khi nhập bài này lại không xem qua Blog. Khi hòan tất mới hay nó xếp ngay sau bài của Phước Bình. Kể ra cũng hơi kì! Nhưng đây là việc làm vô tình chứ không hữu ý. Mong anh em cảm thông!

HữuThành.Nguyễn nói...

Nhầm rồi. Hội học Tổng hợp ngày đầu tiên vào trường là ô tô thả cả bọn ở ngoài Quốc lộ 2. Ý ới chia tay nhau, khoa Sinh (Hồ Mai, Hồ Trương) đi đằng Tây, khoa Lý (đông lắm) đi đằng Bắc, khoa Toán (cũng đông) đi đằng Nam. Áo mưa, quần xắn vừa đi vừa hỏi cũng vào được đến ... nhà dân. Suốt năm thứ nhất ở nhà dân. Năm thứ ba (1972) lại ở nhà dân. Ở nhà bà cụ có độc thằng con trai mới lấy vợ không phải đi bộ đội. Cậu có vẻ ngượng, thỉnh thoảng tối sang ngủ với các anh. Lại bị Xuân Miên đạp ra (chắc là ghen ăn tức ở) "sang bên kia mà ngủ với vợ". Chính thời gian này bọn tôi học được nghề làm bún (và ăn bún vụn sau mỗi mẻ).

Nặc danh nói...

May cho Kiến Quốc đã kịp thời nhìn thấy chị Bưởi đang tọa lạc trong "cái 2 ngăn" ở góc vườn, chứ không thì uống phải "trà 2 ngăn" của chị Bưởi rồi. Quả là tinh mắt có lợi thật.
Vậy mới có thơ rằng:
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
HCQuang

N.TV nói...

Quốc toàn nhớ những chi tiết đắt giá,phục lăn!

TranKienQuoc nói...

Quý ơi,
Chiều qua, Dương Minh Trưởng BLL k4 TpHCM triệu tập anh em ra JODEE để tổng kết chiến dịch tuần qua và "hoàn tất khâu cuối". Nhiều anh em có mặt: Hải "cận", Dũng Sô, Kính "coong",Minh Nghĩa, Quốc Thái... Gặp nhau là bốc phét. Vui! Bùi Yến Trình đón Mai, vợ Phước Bình, cùng đến. Sau khi nghe Trưởng ban diễn thuyết, Mai rất cảm động và cảm ơn tất cả anh em Trường Trỗi. Phuớc Bình hôm nay mới vào.
Tôi kể lại cho Minh Nghĩa nghe "chuyện chị Bưởi" nhưng hình như dạo này lên chức "ông nội" (hắn dở màn hình điện thoại ra khoe ảnh cháu có "vũ khí" lớn!) và ham chơi chứng khoán (nghe nói có vào ít trăm nhưng đang tạm lùi vài chục bước)nên quên nhiều chuyện xưa.
Sau đó anh giai Hưng cùng Khánh ăn cưới ngay bên cạnh cũng tạt qua. Muộn, Hà "cối" k7, Tuấn Sơn mới đến. Vật vưỡng tới 10g mới về đến nhà.
Vậy là một lô nhân vật trong bài viết đều không hẹn mà gặp tối qua.

Nặc danh nói...

Khi bọn tôi học Khoa Tóan, ĐH Tổng Hợp, thời kỳ năm thứ nhất sống ở làng Hội Phụ, Đinh Hội, Đông Anh. Gia đình mà tôi và Quang xèng trú ngụ nuôi một đàn ngan lúc đó đã to phải 2-3 ký. Không biết gặp dịch gì mà cứ quay quay vài vòng rồi nghẻo. Chị chủ nhà yêu cầu 2 thằng ngồi canh chừng, cứ thấy con nào quay quay là được phép bắt luôn cắt tiết để còn được ăn thịt ngan sống không phải là ngan đã chết. Không ngờ chưa xong con này con kia đã quay quay, hành xử theo đúng kỹ thuật thì không kịp. Quang xèng đứng giữa đàn tả xung hữu đột để ra đòn, cứ con nào quay quay thì nó tung chưởng cho một phát. Chị chủ nhà nức nở khen giải pháp này. Nghề võ của Quang xèng ít nhất tôi đã 2 lần chứng kiến là góp phần "dân vận". Lần đầu đã viết trong SRTKL tập 2. Nhớ thêm lần này xin hầu chuyện luôn. DMinh

Nặc danh nói...

Bây giờ DMinh nhắc lại mới thấy ghê ghê,hình như đàn ngan đó mắc bệnh H5N1 thì phải,"điếc không sợ súng".Hồi đấy mà gặp dịch "gà dù" hay "Ngan bệnh" thì tuyệt vời,lại được một bữa "phả phê" vì bụng đang lép kẹp với những bưa cơm gạo hẩm,cơm ôi "nhậu" với rau cải khô Trung Quốc.
DM còn nhớ tao,mày và Nghinh thường "dân vận" vơi Trường Tiểu học,có cô giáo tên là gì...quên mẹ nó rồi?Thôi không nói nữa,sợ chúng nó xem lại hiểu lầm.Quang xèng.

Nặc danh nói...

Tên là Tuyết. Nhà cùng ngõ với Thế Nam, Huy Hòang. Lão Nghinh hồi ấy mới 21 tuổi, đẹp giai, lại từng ở đơn vị, nhiều kinh nghiệm, đã "dân vận" nó suốt ngày, làm gì đến lượt mình mà kể. Có kể thì kể cái đọan buổi tối 2 thằng ngồi học trong nhà, thấy Nghinh "dân vận" ngòai hè cũng hơi bị ... thèm, định nghé mà không được vì từ chỗ sáng làm sao nhìn ra được chỗ tối. Cứ thấy "rúc rích" mà ... tức. Nhưng trời có mắt, không lo học, lo "dân vận" nhiều quá nên hết năm thứ nhất Nghinh đã phải bye bye, lên đường về đơn vị khác. DMinh

Nặc danh nói...

Hôm nay là ngày đi đánh Tenis nhưng trời đang mưa tầm tã, đành ngồi buôn dưa lê trên blog vậy.
Vì vừa nhắc đến Thế Nam và lại nói về Hội Phụ nên nhớ một chuyện về nó. (Thế Nam rất nhiệt tình với anh em. Nó vừa là sếp vừa là chuyên gia IT số một của ACB. Chắc chắn là nó có nhòm vô blog này nhưng im hơi lặng tiếng quá. Làm sao cho nó xuất đầu lộ diện nhỉ?)
Khi tụi mình ở đó, ông già nó đang ở Tây Nguyên. Bởi vậy nó rất sẵn các món đồ như đèn pin, bút máy, cắt móng tay, radio lọai bỏ túi ... mà tòan là đồ xịn. Ngồi đâu nó quăng đó. Thế là tất nhiên được "dân vận" lại. Cứ "không cánh mà bay" dần. Cuối cùng bà chủ nhà kết luận "Chú Nam cái ấy mà không dính vào người thì chắc cũng mất!". Đúng không Nam?

Nặc danh nói...

Lại "dính" đến Nam "khỉ".Nam "Khỉ" học rất giỏi,vì giỏi nên hay lơ đễnh.Có lần đi bơi vói nó ở cái Kênh đục ngầu đầu làng Đại-Đà,khi 2 thằng đang luí húi trong bụi thay quần áo,chợt thấy "Nam "khỉ" cứ "tồng ngồng" nhẩy cẫng lên hét lớn :"Tìm ra rồi,tao tìm ra rồi".Ngạc nhiên,tôi hỏi nó :"Mày tìm ra cái gì mà cứ tô hô ra như vậy?".Như bừng tỉnh,nó quay đi mặc vội cái quần đùi.Lúc sau nó mới nói rằng nó đã tìm ra lời giải của một bài toán khó trong quyển "ĐÊ-MI-NÔ-VÍCH", mà bọn tôi đếch đứa nào giải được.Tuy đã 6,7 năm chưa gặp lại Nam,nhưng qua thông tin nhận được,biết Nam "khỉ" rất thành đạt trong sự nghiệp.Chúc mừng mày nhé.Xin lỗi Nam "khỉ" vì đã đưa chuyện này lên đây. Quang xèng.

Nặc danh nói...

Đọc cái bài " chè chị Bưởi", ae cứ xúm vào khen KQ có con mắt tinh đời, tôi cứ thấy tưng tức. Khen như thế là đánh giá thấp bạn mình đấy:
Phàm đã là "nhà văn" như KQ, họ đương nhiên phải có khả năng thấu thị rất cao, "nhìn xuyên vách liếp" rồi... mô tả. Phần nào còn thiếu thì họ dùng thủ thuật tưởng tượng, hư cấu thêm vào.. tác phẩm nó mới "sống"," mới thật" được như vậy chứ!
Vụ "chè chị Bưởi", KQ lịch sự nên nói trớ ra. Sự thực, cả nhóm vẫn uống những chén trà "thấm đượm tình quân dân" . Về nhà, có anh lại còn khen: " Hương vị đậm đà khó quên", đúng là đặc sản!

TM

Nặc danh nói...

Anh em ta có còn nhớ nhà anh giai Lữ ở xóm Bảo Sơn? Anh là Việt kiều từ Thái về đầu những năm 1960. Anh có cô con gái xinh, học Sư phạm làm nhiều tên ở trường phải đế ý. Chiến "thộn", Khải "bô-đa", Lập "ngố" hay ra chơi và ăn uống ngoài đó. Lần khoá 4 tốt nghiệp, anh em muốn liên hoan trước để còn về nhà nghỉ phép, nhưng phiền một nỗi chưa được phát tháng lương đầu tiên. Hình như Cường "vui" đã ra gợi ý anh xin vay tiền. Anh bảo không có tiền mặt, có cần thì bán cái tủ buyp-phê đi tạm lấy tiền dùng. Bí quá, đành phải bán. Khổ một nỗi, sau này nhận lương góp tiền lại đủ tiền nhưng không mua được cái tủ khác. Còn ông anh thì cứ coi là chuyện nhỏ.
Chiều hôm ấy liên hoan, chờ mãi không thấy gia chủ. Hoá ra ông anh ra Vĩnh Yên uống bia hơi nhưng bản thân lại không uống được bia. Say quá, phải nhờ xe bò kéo chở về nhà.
Kỷ niệm khó quên trong đời bộ đội!
Kiến Quốc