Nét Vẽ
Trần Chí Thọ k3
Triển lãm tranh của thầy Phạm Lực
Mới sáng sớm mà Trưởng Ban liên lạc Trường Thiếu sinh quân đã liên tục nhắn vào máy: Nhớ đến dự khai mạc triển lãm tranh của thầy Phạm Lực tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố lúc 9 giờ 30... Đến sớm nhưng thầy đang họp báo ở lầu trên với cánh phóng viên nên tôi tranh thủ đi xem trước vài phòng trưng bày. Có hàng trăm bức tranh với nhiều kích cỡ, thể loại. Thế mới biết sức làm việc của thầy còn rất mạnh. Nội dung tranh dân dã, nhẹ nhàng: Chiều bên suối, bà cháu, thiếu nữ, ánh trăng, đi sơ tán, lỗi hẹn, đoàn tụ, dừng chân... Nhưng cách vẽ lại khá hiện đại, đa phần đều như kiểu ấn tượng, thậm chí có cả siêu thực. Tôi thoáng nhớ lại: Ngày xưa thầy chỉ dạy mình vẽ kiểu tả thực – thấy sao vẽ vậy; mà bây giờ thầy lại toàn đi vào thể ấn tượng – vẽ theo cảm nhận... Mà cũng phải thôi, ấn tượng một chút, siêu thực một chút cho nhẹ nhõm đi. “Thực” quá hóa ra tỉ mỉ, nặng nề.
Bạn bè cũ có nói với nhau rằng, mấy chục năm nay thầy vẫn chỉ “trung thành với cái đẹp” – Đi bộ đội để vẽ tranh, chuyển ngành ra ngoài cũng chỉ vẽ tranh. Đến nhà thầy chỉ thấy toàn tranh... Còn cuộc sống riêng? Hơi éo le một chút (cũng là nghe nói vậy): Có một phụ nữ Pháp, làm việc ở cơ quan văn hóa UNESCO của Liên hợp quốc tại Hà Nội, thường lui tới phòng tranh, đã yêu thầy... Hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, cô ta đề nghị thầy cùng sang sống ở Pari. Thầy từ chối, vì cho rằng như thế là sẽ hết vẽ tranh... Còn “cái đoạn sau này” thế nào thì không ai biết nữa. Cho đến nay có lẽ thầy vẫn sống một mình và vẫn chỉ hì hục... vẽ tranh.
Buổi lễ bắt đầu. Thầy bước ra chào hỏi mọi người trong bộ vest màu tối, với đôi mắt sáng và hàng ria rậm đen. Tôi đến bắt tay chúc mừng thầy, không quên tự giới thiệu :
- Em là một học trò... xoàng của thầy, cách nay những bốn muơi năm. Suốt đời là ... lính.
Thầy cười ngỡ ngàng. Không ai nhận ra ai, nếu tôi không tìm lại được trong ánh mắt thầy vài nét quen quen. Một quan chức được giới thiệu là “Chủ nhiệm danh dự Câu lạc bộ Tranh Phạm Lực” phát biểu dăm phút. Tiếp theo là vài lời cảm nhận của đại diện nhóm Việt kiều ở Pháp vốn yêu tranh Phạm Lực bấy nay. Rồi một người Mỹ, được giới thiệu là giáo sư đại học Ha-vơt, đại diện cho Chương trình Fullbright tại Việt Nam, lên phát biểu. Ông ta nói tiếng Việt như người Việt với đầy đủ các âm sắc luyến láy:
- ... Với các tác phẩm đang hiện diện, Họa sĩ Phạm Lực xứng đáng là một thiên tài! Tranh của ông khi nào cũng tràn đầy sức sống diệu kỳ của phương Đông, lấp lánh cỏ hoa và niềm tin về cái đẹp... Thật là thiên tài!
Chữ “thiên tài” được nhắc đi nhắc lại vài lần khiến tôi không khỏi băn khoăn. Gương mặt của thầy khá dửng dưng. Xem tranh, càng quí trọng thầy hơn, nhưng trong thâm tâm tôi lại không hề muốn người ta gọi ông là một “thiên tài”. Với tâm trạng đó, khi dạo bước, tôi tiến lại gần vị giáo sư Mỹ ấy, vui vẻ nói :
- Thưa ngài, liệu có quá lời không khi ngài gọi người họa sĩ tài năng của chúng ta là một thiên tài ?
- Vâng, tôi cho là vậy – Ông ta sửa lại cravat – Tôi có thói quen nói ra đúng điều mình nghĩ, mặc dù có thể biết rằng nhiều người không nghĩ thế.
- Đó là một thói quen hay! – Tôi gật đầu – Tuy nhiên, hình như họa sĩ của chúng ta khá dè dặt khi đón nhận lời khen này của ngài.
- Đó cũng là một thói quen hay! – Ông ta cười – Nhưng lâu lắm rồi tôi mới lại được tham dự một buổi liên hoan màu sắc và đường nét tự nhiên thế này. Và nội dung thì thật là nhân ái. Đấy ông xem!
Ông ta khoát rộng tay quanh phòng tranh và tiếp :
- Ở Mỹ người ta vừa bán đấu giá hàng triệu dollars cho một bức tranh mà chính người mua (và cả tôi nữa) cũng... không hiểu là nó thể hiện cái gì(?!).
- Ra thế ?!... – Tôi cúi đầu – Thôi thì ta cũng cứ coi đó như là một... thói quen vậy(!).
Chúng tôi cùng cười rồi vui vẻ chia tay.
Chuyện của ngày xưa...
Ngày ấy, Trường Thiếu sinh quân của chúng tôi đóng tại Quế Lâm, một vùng “non thanh thủy tú” xứ Trung Hoa. Ngoài những môn học bình thường, chúng tôi còn được học thêm các môn như quân sự, âm nhạc, hội họa. Môn hội họa rất ít giờ, nhưng khá phấn khích vì sự vui tươi mà nó đem lại. Người duy nhất dạy họa cho cả trường là thầy Phạm Lực – một sĩ quan trẻ, vóc dáng khoẻ khoắn, nhưng khá trầm tính, nói giọng Huế nhẹ nhàng.
Những hôm đẹp trời, thầy thường đưa cả lớp lên một gò đất cao sau trường, nơi có hàng cây sồi già rợp mát, thảm cỏ xanh tươi, hoa nắng ánh vàng... Và cả nhóm trẻ đều chăm chú vẽ theo sự hướng dẫn của thầy. Ban đầu là học các nguyên tắc phối cảnh, cách thức pha màu. Sau đó là vẽ các vật dụng, tĩnh vật; rồi vẽ người và phong cảnh... Thầy rất ít nói và hầu như không giận ai bao giờ (kể cả với những học sinh khó bảo). Thế nhưng, tôi nhớ có lần, không biết vì lý do gì, thầy bỗng cao giọng, nói một cách chậm rãi và tha thiết:
- Các em nên nhớ rằng các em được đào tạo không phải để trở thành các họa sĩ, hay nghệ sĩ nào đó, mà là để trở thành những người lính, nguời lính có tri thức... Nhưng sau này dù các em có làm gì thì tâm hồn mình cũng vẫn phải luôn hướng tới bản chất cuộc đời là Chân – Thiện – Mỹ. Đó là cái đẹp vĩnh hằng! Nó tồn tại khắp nơi: Trong khoa học, trong thiên nhiên, trong con người, trong âm nhạc, hội họa... Chỉ có điều là chúng ta có nhận biết được hay không và ở mức độ nào? Thật may mắn cho những ai cảm nhận được nó!... Là người lính lại càng cần phải hiểu đúng cái đẹp. Nó cần thiết biết bao! Nếu không...
Tôi không thân với thầy, nhưng đôi khi cũng ghé thăm xem thầy cặm cụi vẽ trong cái “xưởng họa” bé tí trên đồi – nơi có những cây thông la đà và thỉnh thoảng phấn thông lại bay lả tả khi gió thổi qua. Đã vài lần tôi tò mò hỏi thầy về các bức tranh treo la liệt trong phòng. Thường thì thầy chỉ “ậm ừ” trả lời cho qua chuyện (vì đang bận vẽ). Nhưng cũng có lần thầy bỗng dừng bút, nhìn tôi chăm chú, rồi lấy ra một tập tranh (của nhiều họa sĩ) bày ra trên bàn và cao hứng nói say sưa về nội dung của nó: Cánh đồng đầy hoa dại vàng tươi trên thảm cỏ xanh bàng bạc vào dịp cuối đông... Vẻ mỏi mòn trong ánh mắt một bà cụ đang ngóng trông con, mà phông nền là màu vàng đen như ảo ảnh... Đường cong thanh tân của cơ thể người phụ nữ khỏa thân, với bộ ngực đầy và chiếc cổ trắng ngần quay ngiêng trong nắng ban mai... Con đường dài, rất dài và chỉ một dáng người tư lự... Bàn tay gân guốc xù xì của một lão nông đặt trên cán cuốc, ánh mắt gan góc của ông nhìn hắt ra cánh đồng khô cháy...
Không lý giải được hết thành lời, nhưng tất cả như mách bảo và gợi mở cho tôi về những vẻ đẹp, những trăn trở đang tồn tại lẩn khuất quanh ta, vô vàn và giản dị.
Một chiều xuân nắng ấm sau những ngày đông giá lạnh của miền sơn cước Quế Lâm, thầy lại dắt cả lớp lên lại trên gò đất cao và yêu cầu mỗi người tự vẽ một bức tranh, tuỳ theo ý thích của mình. Vài bạn đã khá lúng túng vì lối vẽ tự do này. Nhưng tôi thì “tiếp thu” rất nhanh và “phóng bút” vẽ ngay cảnh không gian đang bày ra trước mắt: Núi đá Quế Lâm chập chùng, dòng Ly Giang xanh trong và một bầu trời rộng mở... Tôi đang mải mê hoàn thành “tác phẩm”, thì bỗng nghe tiếng thầy khe khẽ phía sau :
- Được đấy! Cảm nhận của em rất khá.
Tôi dừng bút vẽ, quay lại, bắt gặp ánh mắt băn khoăn đúng như câu hỏi của thầy vừa chợt đưa ra:
- Thế nhưng tại sao em lại không vẽ người? Chỉ cần một bóng người thôi, bức tranh sẽ sống động hơn nhiêu.
Tôi không giải thích được. Hay nói đúng hơn là tôi không thích vẽ người, đơn giản vậy thôi.
- Này nhé, hãy để thầy gợi ý cho em – Thầy cầm bút lên chấm nhẹ vào giữa bức tranh, nơi có con đường nhỏ chạy giữa hàng cây – Được không?... Ta đang tập vẽ mà.
Một nét chấm đỏ điểm vào giữa bức tranh toàn gam màu lạnh, đã làm cho cả không gian ấy ấm áp hẳn lên. Đó có thể là một dáng người đang đi, đang lặng lẽ làm gì đó, hoặc giả là chẳng làm gì cả... hoàn toàn tuỳ theo tâm trạng người xem.
... Và chuyện của ngày nay
Đúng như thầy nói, sau này tất cả chúng tôi đều không có ai trở thành họa sĩ (dù cũng có vài người đặc biệt mẫn cảm với hội họa). Cuộc đời đã an bài chúng tôi theo những huớng khác. Và cũng không ai có thể biết rằng như thế là may mắn hay không nữa. Nhưng với riêng tôi, vẫn luôn thầm cảm ơn thầy, cho dù bốn chục năm qua – cái quãng đời chính yếu nhất của mình – không hề có bóng thầy bên cạnh. Khi sóng yên biển lặng; khi xông vào giông bão; khi mệt mỏi, khổ đau; hay cả khi phong lưu tự tại... những cảm nhận ban đầu tinh khôi về cái đẹp, về Chân – Thiện – Mỹ vẫn cứ lặng lẽ tồn tại vô thức đâu đó trong tôi (kể cả khi lẽ ra nó phải tan biến!) khiến cho ta luôn giữ được sự thanh thản, cân bằng.
Tôi bước ra ngoài hành lang, châm thuốc hút. Thầy vẫn đang bận trò chuyện với nhiều người. Vị giáo sư Mỹ tiến lại gần thầy để chụp một tấm ảnh chung. Giáo sư có một vẻ ngoài rất thông minh khả ái, nhưng tâm trạng rõ ra là không thật bình thường. Thế giới cái đẹp mang tính “toàn cầu hóa” của ông có vẻ như đang đầy những dấu lặng lửng lơ không dễ gì hóa giải.
Thôi thì, có “thiên tài” hay “không thiên tài” cứ hãy để cho vị giáo sư Ha-vơt nọ tiếp tục chiêm nghiệm, còn với tôi điều quan trọng nhất là thầy đã nói đúng: Các em được đào tạo không phải để trở thành những họa sĩ, hay nghệ sĩ nào đó, mà là... Và bốn mươi năm qua, với từng ấy sóng gió cuộc đời, giờ đây cái đẹp thầy nói ngày nào lại càng cần thiết biết bao!
Tháng 5/2007
Thứ Năm, tháng 6 07, 2007
THẦY CÔ TRƯỜNG TRỖI
Gửi bởi TranKienQuoc lúc Thứ Năm, tháng 6 07, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Trần Chí Thọ im hơi lặng tiếng đã lâu, nay mới trở lại văn đàn. Đề nghị anh hãy thường xuyên tham gia cùng chúng tôi !
Kiến Quốc
Thầy Lực không phải người Huế đâu. Thầy và ông Nguyễn Sĩ Dũng (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu) là đồng hương Nghệ, Tĩnh gì đó. Đều là dân "trí thức cổ truyền" gốc cả đấy.
Hay quá, nhờ có bài này hôm nay mới được coi lại rõ ràng hình ảnh của thầy Lực sau mấy chục năm. Mình nhớ mãi câu chuyện vào đề môn họa của thầy. Chuyện kể ngày xửa ngày xưa có 1 bộ lạc ít người sắp sửa bị 1 bộ lạc hùng mạnh hơn xâm
lược. Rồi bằng cách nào họ thoát khỏi tai họa diệt chủng? Tất nhiên là bằng ngôn ngữ của hội họa. Và cả lớp tròn mắt coi thầy vung phấn lên bảng đen những đường nét đơn sơ mà đầy đủ ý nghĩa.
Thầy Lực còn là một trong những thầy rất được yêu quý bởi những khi bọn trẻ buồn, thầy sẵn sàng bày trò vui, chẳng hạn như khi bạnh gân cổ và trợn mắt trông thầy rất dữ tợn mà thực ra thì hiền khô.
Mình cũng được cắp cọ đi theo thầy lang thang dọc bờ sông Ly. Nhặt lá vàng lá đỏ về ghép tranh. Nhóm gồm vài bạn từ các khoá khác nhau. Có thể anh Trần Chí Thọ nhớ thì nhắc lại giùm ai là người đã vẽ bức tranh bếp lửa chị nuôi, hòa sắc tím, khá ấn tượng. Tệ quá, trí nhớ của mình sắp hết date rồi.
Mà này, 2 đ/c Bình Gân và Chỉnh Huấn được chụp ảnh với thầy, đăng rình rang trên báo Bán Trời, mà không chịu viết vài chữ cho anh em đọc nhỉ.
Bắc Hải
Đăng nhận xét