Thứ Tư, tháng 12 05, 2007

Biết gì về Chúa Giê-su?

Cuối tháng 11. Chở con gái đi học. Cháu đứng hẳn lên, nói qua vai ba: “Tháng 12 là tháng Noel, ba kể về ông Giê-su cho con nghe!”. Lèo tèo kiến thức về Giê-su và Đức mẹ Ma-ria (tuy ông già tôi là dân Đạo tòan tòng) tôi ú ớ rồi hẹn: “Chiều về ba kể". Thầm nghĩ phải lên mạng xem lại vì có nhiều truyền thuyết về ông… Vào Google, nhấp chuột vào chữ Giê-su, hàng lọat thông tin hiện lên.

Chúa Giê-su là ai?

Giê-su là người Do Thái (Yehoshua - "Thiên Chúa là đấng Cứu độ", gọi tắt Yeshua), sinh vào khoảng năm 7-6 TCN, mất khoảng năm 30. Giê-su là người sáng lập ra Ki-tô giáo (Christianity).

Giê-su còn được biết dưới tên Giê-su người xứ Nazareth, hoặc Giê-su con ông Giu-se và bà Maria (Đức mẹ đồng trinh), hay Chúa Giê-su Ki-tô hoặc Chúa Giê-su Cơ đốc. Từ "Ki-tô" (Christus) có nghĩa là "người được xức dầu" ám chỉ một vị lãnh đạo, chính trị cũng như tôn giáo, được chọn bởi Thiên Chúa. Những gì về Giê-su được ghi chép trong Kinh Thánh Tân Ước, đặc biệt là trong bốn sách Phúc Âm. Giê-su là một người tôn trọng luật pháp Moses (Kinh Torah), là nhà thuyết giáo và chữa bệnh bằng phép mầu, nhưng thường bất đồng với giáo quyền Do Thái.

Hầu hết tín hữu Cơ đốc tin Giê-su là Thiên Chúa, sự xuất hiện của ngài đã được tiên báo trong Cựu ước, ngài là Thiên Chúa hoá thành nhục thể, ngài được chịu thai bởi quyền phép Chúa Thánh linh xuống thế gian để cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Và ngài chết khi bị đóng đinh trên thập tự giá như là sinh tế chuộc tội cho loài người. Sau, ngài đã sống lại và trở lên Thiên đàng.

Khác với Cơ đốc Giáo, người Hồi giáo tin rằng Giê-su là một trong những nhà tiên tri được Thiên Chúa sai đến và là Đấng Messiah. Vì có vai trò đặc biệt trong tôn giáo này, Giê-su được nhìn nhận là một trong những nhân vật quan trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử nhân loại.

Các sách Phúc Âm tập chú vào quãng đời ba năm cuối khi Chúa Giê-su sống trên thế gian, đặc biệt là tuần lễ cuối cùng trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Thời kỳ này theo ước tính ở khoảng giữa các năm 27 và 36. Cũng theo ước tính này, Chúa Giê-su sinh ra trong khoảng năm 8–4 TCN.

Cái chết của Giê-su

Giê-su cùng các môn đồ lên thành Jerusalem vào dịp Lễ Vượt qua (Passover). Ngài vào đền thờ, đánh đuổi những người buôn bán, những kẻ đổi tiền và lật đổ bàn của họ và quở trách: "Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi biến thành hang ổ của bọn trộm cướp". Sau đó, Giê-su bị bắt giữ theo lệnh của Tòa Công luận (Sanhedrin). Trong bóng đêm của khu rừng Gethsemane, ở ngoại ô Jerusalem, lính La Mã nhận diện ra Giê-su nhờ sự phản trắc của Judas Iscariot (1 trong 12 môn đồ đầu tiên của ngài. Tục truyền trên áo của ông có dấu của Judas để lại).

Toà Công luận cáo buộc Giê-su tội phạm thượng và xúi giục nổi lọan rồi giao ngài cho các quan chức Đế quốc La Mã để xin y án tử hình. Dưới áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, Tổng đốc Pontius Pilate miễn cưỡng ra lệnh đóng đinh Giê-su. Theo các sách Phúc Âm, một tấm bảng có hàng chữ “INRI” (Vua dân Do thái) được treo trên thập tự giá theo lệnh của Pilate. Sau khi Giê-su chết, Joseph (người Arimathea) đến gặp Pilate và xin phép được chôn ngài trước sự chứng kiến của Maria, Mary Magdalene và những phụ nữ khác.

Phục sinh và thăng thiên

Hơn 3 tỷ tín hữu Cơ đốc tin rằng Chúa Giê-su sống lại 3 ngày sau khi chết trên thập tự giá. Sự kiện này được đề cập đến theo thuật ngữ Cơ Đốc là sự Phục sinh của Chúa Giê-su. Lễ Phục sinh (Easter) được cử hành hằng năm.

Không ai chứng kiến được sự phục sinh của Giê-su. Nhưng theo truyền thuyết khi những phụ nữ khi đến thăm mộ, dùng thuốc thơm để xức xác ngài thì chỉ thấy ngôi mộ trống trơn.

Theo Tân Ước, một thiên sứ đợi sẵn tại ngôi mộ báo cho họ biết là Chúa Giê-su đã sống lại. Phúc Âm Mark thuật lại Mary Magdalene sau đó đã gặp ngài. Phúc Âm Giăng không nhắc đến thiên sứ nhưng thuật rằng khi Mary Magdalene đến bên ngôi mộ trống thì Chúa Giê-su đã hiện ra cùng bà. Các sách Phúc Âm và Công vụ đều ghi nhận rằng ngài gặp gỡ nhiều người tại các nơi chốn khác nhau trong suốt 40 ngày trước khi thăng thiên. Sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, mọi người cho là Ngài không còn sống.

Trong trái tim của cộng đồng Cơ đốc Giáo thì công việc của Chúa Giê-su vẫn được thực hiện liên tục trên trái đất này.

19 nhận xét:

Phú Hòa nói...

Kiến Quốc muốn truyền bá Đạo Thiên Chúa ở blog hả? Tao cũng muốn tin vào Chúa lắm nhưng vì chẳng biết mặt mũi Chúa như thế nào và cũng chẳng biết địa chỉ chính xác của Chúa ở đâu nên chỉ còn biết tin vào bản thân mình và tin vào những người thân của mình thôi. Amen

HữuThành.Nguyễn nói...

Kiến Quốc có lẽ không biết nhiều về Cơ Đốc Giáo bằng Chí Nghĩa biết về Tin Lành.
Hình như Cơ Đốc Giáo và Tin Lành cùng là Thiên Chúa Giáo. Họ có cùng tích nhưng lí lại khác nhau, thậm chí khác tới mức có thể xung đột đổ máu (Bắc Ai-xơ-len?).
Vì thế nếu Chí Nghĩa mà xuất hiện ở đây thì bài này có thể trở thành điểm xung đột trên mạng của hai phe.

TranKienQuoc nói...

Chắc chắn xung đột vì Chí Nghĩa là thầy, còn mình là thằng học qua mạng và chưa sâu sắc. Coi đây chỉ là thông tin tham khảo thôi.
Nếu ông Bình còn sống (cụ Phê-rô Phạm Văn Phu) thì... vì cụ là thầy tư, đi giảng Đạo ăn tiền rồi. Cả nhà giờ là Lương nhưng tin (nhất là phái nữ) vào Phật.

HCQuang nói...

Cả hai đều là Thiên chúa giáo cả (chúa trời: Giêhôva), nhưng hiểu sơ giản, thì:

Cơ đốc giáo là đạo của thời nông nghiệp, xã hội họat động tà tà, chậm rãi, đi mô rồi cũng quay về bản quán, về nhà - về cái nơi anh thờ cúng cố định.
Lý luận dựa trên Cựu ước và Tân ước của người Do thái.
Người phụ trách là cha (đức Cha), là thiêng liêng, là tuyệt đối.

Còn Tin lành là đạo thời công nghiệp, xã hội tốc độ cao, anh ở mô cũng xử lí được.
Lý luận có sự điều chỉnh để thích ứng với XH công nghiệp.
Người phụ trách là công chức quản lý hành chánh, thuộc bộ máy giáo hội, 1 người bình thường nhưng chuyên sâu lĩnh vực thần học.

Có 1 điều mà 90% người theo tôn giáo này không hiểu, đó là câu: "Nhân danh Cha, Con và Thánh thần"
"Cha" là chúa trời, đúng rồi.
"Con" là Giê su, đúng rồi, nhưng lại không biết rằng ông là 1 nhà cách mạng vĩ đại thời bấy giờ, quên mình vì người dân nghèo.
"và Thánh thần" thì họ (kể cả một số cha cố) nghĩ là các ông thánh. Lầm, mà "thánh thần" chính là đại chúng - những giáo dân và những người không là giáo dân nhưng được pháp luật (thiên chúa) bảo hộ.

Nhân danh Cha, Con và Thánh thần, amen.

HCQuang nói...

Ôi, tôi viết sai 2 chỗ. Xin sửa như sau:
"Con" là...nhưng khá nhiều giáo dân không biết rằng...
"Và Thánh thần"....Lầm. "Thánh thần " chính là...
Vội quá, đánh máy dính chữ. Xin thứ lỗi.

Nặc danh nói...

Kiến Quốc có muốn tìm hiểu thêm về Đạo thiên chúa ?tìm quyển TÂY DƯƠNG BÍ LỤC chỉ có ở thư viện quốc gia. Sách này không phổ biến,tôi đọc được cách nay khá lâu rồi, trong đó có nhiều điều về lịch sử về Đạo này vàò Việt Nam . Tác giả là hai người VN được Roma phong thánh( trước khi viết sách).

Chí Quang định Cách mạng hóa đạo thiên chúa à? Câu : cha con và thánh thần, là 3 ngôi của chúa. Thánh thần đây không phải là các vị thánh mà cũng không phải con dân của chúa. Chắc CQ đang nghiên cứu cấy ghép Ông Cac Mac vào Đức chúa .Nếu quả này thành công ông được phong phong hàm "Giáo sư Thần-Cách mạng học".Thành quả "khoa hoc" đáng nể, có thể làm chấn động nền Y học hiện đại : Cấy ghép thành công đầu hai người cách nhau gần 2000 năm.
DS

TranKienQuoc nói...

Dân Tiêu Động làng mình tự hào vì có 1 cụ được Vatican phong Thánh Tử vì Đạo năm 1900 - Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu. (Chả là cụ "chiến đấu" với Triều đình Nguyễn năm 1840, có lẽ để truyền Đạo).

Nặc danh nói...

"Quả" này thì "sập bẫy" KQ rùi: "nó" đưa ra hồ câu chỉ cho thấy một lô cần thả sẵn, cá lượn quanh, đớp bóng đâu đó. Mọi người kiên trì ngồi câu, luận bàn tranh cãi một hồi nào là: Cần loại nào thì không hay gãy như "cần HT", mồi gì câu cá cảnh dưới 100gram, hồ nào có "Mỹ ngư"... Sau khi có một mớ thông tin cho con gái, KQ sẽ vừa bảo các ông nhắc cần lên vừa cả cười : "Gớm, các Bác cũng như em: dân "vô thần" toàn tòng- cộng sản chính tông, ngoại đạo biết đếc gì mà chúng mình cãi nhau say sưa thế". Anh em thì thất thần, lúc ấy mới dụi mắt: Ừ nhỉ, làm quái gì có lưỡi câu mà nãy giờ cứ say sưa... mí lại nói to?? Áy gọi là "Ngư ông đắc lợi".TL

TranKienQuoc nói...

Xưa nay anh em ta cứ nghĩ là mình vô thần, ít tìm hiểu về Đạo Phật, Đạo Thiên chúa, Tin lành, Đạo Cao đài... Song, đạo nào cũng có những cái hay mà đạo khác không có, đạo nào cũng đi sâu vào tâm linh.
Ngay cả nhà tôi, phụ huynh từng là đệ tử của Đạo Thiên chúa mà quả thật mình chẳng hiểu cóc gì. Thậm chí nghĩ Giê-su và Giu-se là một, chẳng qua ta nói chệch(???). Ngố quá, may mà chưa bao giờ đàm dạo nghiêm túc với dân có Đạo. Thầy DMĐ có trò ngoan và xinh, tốt nghiệp về Quân khu 7. Hát hay và từng đuợc giải Tiếng hát truyền hình TpHCM. Tâm sự mới biết em từng hát ở Ca đòan, nhưng khi phải ra đòn quuyết định thì nỏ biết mô về Chúa(!).
Thế thì tranh thủ tháng này để đọc, hiểu và trao đổi với anh em. Cũng như đi câu vừa câu vừa nói chuyện, dù không có cá!!!
Vụ này, Trần Lực và PHòa thì nghĩ sâu xa hơn. Chả hiểu anh em có bị mình "tà lưa" hay không? Haaaaaaa!

Nặc danh nói...

Nhân kỉ niệm 100 ngày sinh của Thiếu tướng Trần Tử Bình, KQ rủ tôi về Tiêu Động dự lễ khánh thành nhà tưởng niệm của Cụ. Ngồi uống rượu với dân công giáo tôi cũng cứ quen cái kiểu bốc phét. Chả là làng Tiêu Động tự hào là nơi phát Thánh (Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu) và phát Tướng (Tướng Trần Tử Bình) tôi buột mồm nói: Nếu làng mình mà phát Phật nữa thì tốt, liền bị ngay một cú véo điếng người của KQ ngồi bên cạnh nhắc khéo. Tí chết. Ngay cái dòng Kitô và Tin lành vốn là hai anh em ruột còn chẳng ưa gì nhau huống hồ Đạo phật là dòng "khác máu, tanh lòng" thì làm sao có thể dung hoà được mà phát. Thế mới khen cho KQ quả là nhà ngoại giao hoàn hảo, ngay cả lúc nhậu bí tỉ vẫn không để một sơ sểnh gì.
GM.

HCQuang nói...

Cách đây chừng 1,5 năm, có lần, vô tình tôi được nói chuyện với 1 vị Cha đạo (Cơ đốc nhưng không rõ dòng nào) của Q.Tân bình (SGN).
Tôi có "gài" ổng về câu "Cha, Con, Thánh thần". Ổng trả lời "Thánh thần" là thánh thần. Tôi bèn phân tích cho ổng (theo "mẫu" như nói trên), tranh luận không dưới 30 phút.
Đầu tiên ổng cự nự dữ lắm, dẫn ra đủ sách, nhưng sau công nhận tôi đúng. Tuy nhiên ổng nói: tôi không thể sử dụng vì phải theo ý bề trên (có lẽ là Cha địa phận).
Ổng mời tôi sắp xếp thời gian (trừ Chúa nhật) ghé thăm "nhà của Chúa", để đàm đạo. Dự kiến sẽ trao đổi chuyên đề: ổng có chui qua lỗ kim được không. Nhưng cho tới nay tôi vẫn chưa ghé, lười quá (vì trước khi đi thì phải vô thư viện nghiên cứu, thì mới hi vọng "hạ" được ổng (tất nhiên "thua, thắng" không thành vấn đề, vui là chính).

Thực sự thì các "Chủ nghĩa" đều có nhiều điểm tương đồng (ví dụ đều muốn phấn đấu cho 1 xã hội bình đẳng, bác ái).

HữuThành.Nguyễn nói...

KQ có động cơ tìm hiểu về Thiên Chúa để chuyến sau ra "phụ đạo" cho trò ngoan và xinh của thầy Đức.
CQ có hồi định lập mặt trận các giáo phái nên nó nghiên cứu dữ lắm. KQ nếu muốn có thể đến học nó, đảm bảo phụ đạo không chỉ một em Thiên Chúa mà các em giáo khác cũng phụ đạo ngon.

Nặc danh nói...

Dạo này các comment lại bằng tiếng Anh xịn hở tổng quản. Thế ngộ nhỡ "ngổ hông pết" tiếng Anh thì bấm vào đâu để comment đây. Có gì mới phải "thông páo" chứ.
GM.

Nặc danh nói...

Ơ HT, sao tự dưng lại đổi thành tiếng Anh cả thế, có phải ae nào cũng biết tiếng Anh đâu, tỉ như Đ.Cương chỉ biết tiếng Đức thôi thì nó làm thế nào?
VTM

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái vụ tiếng Anh, tôi cũng không biết thế nào. Có khi là do bọn cung cấp dịch vụ (Google) nó làm cái gì đó. Nhiều thứ ngoài tầm tay với của mình lắm. Nhất là khi mình là khách xài đồ chùa của nó cho.

TranKienQuoc nói...

HThành rõ dơ!!!
Nếu chi bộ không giải thích đuợc thì đổ mẹ nó cho tại... hội nhập. Vậy là nhỏ như con thỏ!!!

Nặc danh nói...

Cha Đạo còn được gọi nôm na là "Thày tu" ( có lẽ vì trước khi ra chăn dân họ phải thực tập ở "Trường Dòng" chăng).Việc CQ "hạ" được cha Đạo trong cuôc đấu khẩu không chứng tỏ gã sẽ có bằng Tiến sỹ Thần học ( nếu đi thi)mà chỉ sáng tỏ một vấn đề xã hội: nạn chạy theo thành tích và tiêu cực cũng đã có trong các trường Dòng! Và rằng Thiện Nhân cũng phải triển khai cuộc vận đông "Nói không" với các ông thày có bằng thật nhưng trình độ giả mà anh Chí đã đấu khẩu.. .

HCQuang nói...

Bác nói đúng, ở "ngành" nào cũng có bệnh thành tích.
Thực ra tôi đọc sách thì chỉ chút đỉnh cho vui. Đọc xong thường không nhớ. Hôm đó "đấu khẩu" chủ yếu dựa vào trích dẫn của "đối thủ" để mà phân tích, ní nuộn, chứ có biết chi mô mà tầm chương trích cú.

Hôm đó là đám cưới của gia đình theo đạo GiaTô. Gia chủ dúi tôi lên mâm trên, ngồi chóc ngóc không quen ai. Tới khi thấy bà con đi ngang chào Cha, mới biết ông ngồi kế bên là Cha, và thế là, cái miệng có chỗ làm việc. Thực ra trao đổi với ổng cũng hơi khó vì đám cưới ồn ào lắm, lại hay bị ngắt lời vì bà con tới chào (chào Cha chứ không chào tôi).

Nhiều đ/c đảng viên ta xưng đệ tử CN Mác, nhưng có biết Mác là ông mô. Rút cục đ/c mình biến ông Mác thành ông thánh tổ, sách của ổng là kinh thánh, còn bản thân đ/c nớ thì trở thành tín đồ theo đúng nghĩa đen của từ này.

Hồi ĐHKTQS, tôi bị chủ nhiệm khoa triết chửi cho 1 chặp vì lí do không chịu coi CN Mác là tuyệt đối. Chán bỏ mẹ, riêng chuyện ổng bắt anh em phải coi CN Mác là tuyệt đối cũng đủ để xác định ổng thuộc phái "thần học chân truyền" rồi. May mà hồi đó tôi thi đậu môn triết.

Nặc danh nói...

Ơ, cái "thằng phản động" này ở đâu ra thế nhỉ?
Xử theo luật nhà thờ thì hắn đáng bị đóng đinh câu rút trên thánh giá . Xử theo "phe ta " thì chắc chắn hắn phải đi "học tập" mệt xỉu.

12ly7