Thứ Tư, tháng 7 25, 2007

TƯ LIỆU LỊCH SỬ


Dẫn...
Chiều qua, từ Tây Đức, Tạ Vinh k3 gửi email cho tôi kèm theo mấy tấm ảnh tư liệu quý. Thật ra, chúng tôi chơi thân đã từ lâu vì cùng là bọn nhóc sống quanh Cột cờ ở ngã tư Hòang Diệu-Điện Biên những năm đầu thập kỷ 1960. Cha mẹ lại thân thiết nhau từ ngày trên chiến khu, hơn nữa bác Tạ Quang Bửu, ba Vinh, lại là con rể cụ Hoàng Đạo Thúy, Giám đốc Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 mà cha tôi là Phó giám đốc Chính trị ủy viên. Mẹ tôi và mẹ Vinh thì coi nhau như chị em. Chúng tôi cùng lên Trỗi, cùng là lính Quân sự rồi cùng ở lại làm giáo viên. Cuối những năm 1980, Vinh làm ở Cty Tin học mà Quang Thắng k4 là Giám đốc. Chúng tôi là những người tham gia xây dựng Hội Tin học VN. Đầu những năm 1990, lại cùng nhau bán quần áo tận Ba Lan xa xôi, rồi gia đình Vinh định cư ở Đức ngót 2 thập kỷ qua.
Còn một kỷ niệm khó quên là nhiều con cháu của anh em trên Đại học quân sự được bác sĩ Minh Châu, vợ Tạ Vinh, Phó chủ nhiệm ở Khoa Nhi (Bệnh viện Việt – Cu trên đường Hai Bà Trưng), chăm sóc tận tình, nhất là thời gian bao cấp - thuốc men thiếu thốn.
Nói vậy để hiểu quan hệ thân thiết dẫn đến việc chúng tôi thường liên lạc và tặng nhau những món quà vô giá. Nay trình làng 2 trong những tấm ảnh đó.

Bức ảnh chụp tại Hội nghị Genève năm 1954
Đây là lễ kí kết Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh ở VN, ngày 21/7/1954. Trong ảnh có không dưới ba người chúng ta quen biết, đó là các bác Tạ Quang Bửu, Phan Anh và Hoàng Văn Hoan.
Có điều thú vị là trong bức ảnh có 2 vị từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng thứ 2 (3/1946-11/1946) sau bác Chu Văn Tấn (8/1945-3/1946), còn bác Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng thứ 4 (8/1947-8/1948) sau bác Võ Nguyên Giáp (11/1946-8/1947). Từ tháng 8/1948, bác Bửu là Thứ trưởng Quốc phòng cho đến khi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Genève và tới ngày hòa bình.
Một nhân vật quen biết trong ảnh là bác Hoàng Văn Hoan (1905-1994), từng bôn ba hải ngọai và là học trò ưu tú của Cụ Hồ. Tháng 8/1945, bác được bầu bổ sung vào TW cùng các bác Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn... Tại Hội nghị Genève, bác đến với tư cách Đại sứ VN tại TQ.
Trong ảnh, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng Tư lệnh QĐNDVN Võ Nguyên Giáp, hạ bút kí vào Hiệp định Đình chỉ chiến tranh tại VN và Lào; còn đầu bàn bên kia là Thiếu tuớng Delteil, thay mặt Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương.

Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công
Cách nay mấy tháng, Hà Chí Quang có mời anh em link vào trang Web của Báo Lao động để đọc bài viết của Nhà sử học Dương Trung Quốc về quyết định tặng thưởng huân chương do Hồ Chủ tịch kí đã gần 60 năm nhưng chưa được thực hiện.
Nay Tạ Vinh gửi bản chụp quyết định (do cụ Mười Hương sao chụp, tặng gia đình). Trong quyết định còn lưu rõ chữ kí của Bác Hồ, của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu ngày 25/4/1948.
Đây cũng là món quà mang tính thời sự nhân 60 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2007).


Xin cảm ơn Tạ Vinh và gia đình!

(Nếu quan tâm, bạn có thể tra cứu ở http://vi.wikipedia.org/wiki/ sẽ có nhiều thông tin quý! Nếu cần bản chụp với khổ lớn hơn hãy liên lạc với BBT. Xin cảm ơn!).

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhắc KQuốc: Nhiệt tình CM là quý rồi, nhưng ông nên thận trọng hơn một chút nữa khi đăng bài viết về chính trị, vì có thể có một vài chi tiết không nhất thiết phải bình luận hoặc đăng đàn. Khi nào rảnh, bọ sẽ gặp chú.
HCQuang

Nặc danh nói...

Mình quan niệm đây là bài viết tư liệu lịch sử chứ không phài là bài viết mang tính chất chính trị. Vì thế cái gì là lịch sử thì phải tôn trọng và không được bóp méo.
KQ

Nặc danh nói...

Sáng nay, 26/7, tôi có gọi cho anh Dương Trung Quốc. Anh đang thảo luận ở tổ trong kì họp đầu tiên của Quốc hội mới. Anh xác nhận chưa có chiến sĩ nào trong 3 đội được tặng huân chương này. Đây là việc cần sửa vì các CCB ngày ấy đi xa đã gần hết.
KQ

N.TV nói...

Nếu như Quốc nói cái gì là lịch sử thì phải được tôn trọng và không được bop méo, thì sẽ có rất nhiều điều thú vị và bất ngờ xảy ra. Nhưng đó chính là điều giá trị nhất của lịch sử. Thỉnh thoảng lịch sử trở nên không hấp dẫn vì có người quan niệm:"Lịch sử là sự giải thích hiện tại bằng quá khứ".