Thứ Tư, tháng 7 18, 2007

Chuyện kể vãn cảnh miền Trung: Quảng Ngãi sang Quy Nhơn

Chặng thứ ba, ngày 9/7: từ Quảng Ngãi sang Bình Định
Thực ra ngày hôm trước chỉ mới đi được ít nơi ở phía Bắc thị xã Quảng Ngãi. Đi về phía Nam có mỗi Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm. Mà có cả một ngày để đi tới Quy Nhơn. Cả hội quyết định đi thêm một số địa danh của Quảng Ngãi, theo hướng đi ra biển.
Ngay phía Bắc thị xã Quảng Ngãi, bên kia sông là núi Thiên Ấn. Là một ngọn núi giữa vùng bình địa, với mặt cắt hình thang cân ở mọi hướng nhìn tới, Thiên Ấn giống như một cái ấn của trời, mượn lời tài liệu du lịch địa phương, có thế thật.
Chúng tôi đi xe lên tới đỉnh núi, rất rộng rãi với Đình Thiên Ấn ở đó. Gọi là đình, thực ra là chùa, khi chúng tôi tới các sư đang làm lễ chuẩn bị cho buổi "tu học" gì đó, đoán vậy vì ngoài sân thấy họ chăng khẩu hiệu "Tam ngoạt an cư, cửu tuần tu học".
Các nhà sư làm lễ, tôi máy ảnh quần bò nhưng đầu trọc (có khi còn hơn sư) cũng quỳ sụp đằng sau. Có điều khi các sư quỳ lạy bàn thờ Phật thì tôi bấm máy. Mô Phật, lạy ở tâm là được rồi. Sau khi lạy bàn thờ Phật các nhà sư hai bên quay mặt vào nhau vái chào (giống thi đấu võ thuật) rồi ngồi xuống đọc kinh. Cái này thì mình nghe không ra. Kinh Phật không biết đã nghe không ra, thêm giọng Quảng nữa thì chịu rồi.
Ngôi chùa này chắc rất linh thiêng với người dân quanh vùng. Tuy nhiên cuộc sống ở vùng quê cũng lành mạnh hơn thành thị, vốn là thứ ta quen, nên cảm giác một ngôi chùa vắng không thấy có ai đến cầu cúng cũng hơi lạ. Một vài người chụp ảnh trong lúc không có việc, cầm chổi quét sân chùa; một hai hàng quán bên ngoài không có khách, chủ nằm võng đung đưa. Đi chơi, vãn cảnh vào những lúc vắng thật là thú vị.
Cũng trên đỉnh núi này, nhìn xuống sông Trà và thị xã Quảng Ngãi là phần mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nguyên văn bia mộ: "Mộ Cụ HUỲNH THÚC KHÁNG - Chí sĩ yêu nước - Quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (Liên Việt) - Sinh năm Bính Tý - 1876, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; tạ thế ngày 21-7-1947, tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi." Tấm bia trên đầu mộ là bài vị có mấy chữ Hán, tôi đoán là tên Cụ.
Cụ Huỳnh trước khi tham gia Chính phủ Kháng chiến đã là một chí sĩ yêu nước. Chính phủ Cụ Hồ cũng yêu nước nên Cụ Huỳnh đã tham gia Chính phủ chứ không phải điều ngược lại. Thế nên bia mộ đã ghi rất đúng, Chí sĩ yêu nước rồi mới là Quyền Chủ tịch Nước.
Phong cảnh từ mộ Cụ Huỳnh nhìn về phía Nam thấy cả thị xã bên dòng sông Trà thật đẹp. Nhưng không biết về phong thuỷ mà nói thì mộ đặt trên đỉnh chứ không tựa lưng vào núi thì có chuẩn không? Các lăng tẩm ở Huế, các đền thờ thần Tản, Nguyễn Trãi, ... đều không ở đỉnh. Thời bây giờ người ta mới để các cụ trên đỉnh hay sao ấy, kể cả đền thờ Cụ Hồ trên đỉnh Vua núi Tản.
Đi tiếp đường 24B ra phía cảng Sa Kỳ chúng tôi gặp một ngôi đền hoành tráng đang xây dựng, thờ Trương Định. Người chỉ đạo thi công hai ao sen bên đường vào cho hay Đền sẽ được khánh thành vào ngày giỗ Trương Định năm nay. Chắc ngày đó Trương Phó Chủ tịch, người chỉ đạo làm Đền sẽ có mặt. Không hiểu "cụ" có họ hàng gì với Trương Định không? Ngôi đền này thật là lớn, cảm tưởng thế.
Bảo tàng chứng tích Mỹ Lai cách Đền thờ Trương Định có một đoạn, chúng tôi không vào. Chả vào thì cũng biết tội ác giặc Mỹ nó thế nào. Rồi di tích thành cổ Châu Sa của người Chăm chỉ còn là một bờ đất nham nhở, giống như với thành Cổ Loa bây giờ. Cùng là thành bằng đất nhưng so sánh về quy mô thì thành Châu Sa không to cao như thành Cổ Loa đã thấy hồi bọn tôi ở đấy năm thứ nhất Đại học. Nhìn ảnh chụp khó mà phân biệt được thành với luỹ đất thông thường.
Bây giờ thì đi tìm chỗ tôi công tác. Con đường nhựa dẫn chúng tôi tới Trạm đèn biển Ba Làng An. Các cậu công nhân đèn biển nói quốc lộ 24B kết thúc ở chỗ UBND, còn đoạn dẫn vào đây là để vào Trạm thôi.
Từ Trạm nhìn ra biển rất giống với nơi tôi từng công tác, trên một vách đá cao. Nhưng phía bờ thì không giống. Mô tả các đặc điểm chắc giống với phong cảnh phổ biến nơi đây nên không ai biết nó ở đâu. Có người nói chắc bên Châu Thuận.
Hết đường rồi, đồng bào nói đi tốt. Là bởi họ đi chân, đi xe 2 bánh. Tôi rúc thử theo một con đường nhỏ, xoay trở mãi mới thoát ra được mà không phải lùi. Không còn một địa chỉ nào nữa được đề xuất, chúng tôi trở lại đường 1 và xuôi Nam.
Đến huyện lỵ Đức Phổ dừng ăn trưa và hỏi đường đến Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm. Thì ra Bệnh xá ngay bên đường, ở cuối thị trấn. Có lý, bởi như vậy mới cứu giúp được nhiều người, hơn là ở nơi mà Thuỳ Trâm đã sống và hi sinh.
Đằng sau bức tượng này do ĐH Văn Lang (tp HCM?) tặng người ta khắc những dòng thư gửi mẹ "ngày độc lập không có con đâu". Thú thực tôi đã không đọc nổi "Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm" mặc dù đã mua nó. Tôi mua sách như một sự trân trọng. Nhưng không đọc được, bởi cảm giác rằng mình biết rõ những điều viết trong đó. Và mình đã để những điều đó qua đi mà không đóng góp được gì. Những người đã ra trận, trở về hay nằm lại không có bị "hội chứng" như vậy. Nói chuyện với Lê Đại Cương, có 10 năm lính chiến, tôi biết vậy. Mọi người trên xe tiếp tục dòng suy tưởng về Đặng Thuỳ Trâm, nói những dòng nhật kí cuối cùng cho thấy cái chết là tất yếu. Mọi con người đều chết, mọi con đường đều hết. "Chết" là động tác cuối cùng của con người. Những người biết mình sẽ chết khi đang còn muốn sống mà vẫn sẵn sàng chết, thật phi thường. Bởi thế, nói các Trỗi đừng giận, tôi vẫn nói với mọi người rằng chúng ta "sinh ra trong khói lửa" ... bếp thôi.
Phòng trưng bày kỉ niệm về Đặng Thuỳ Trâm không có ai trông coi, thật thích hợp cho người đến thăm với những suy tư của mình.
Vẫn chưa hết một ngày. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ ở thành phố Quy Nhơn. Nhưng câu chuyện hôm nay nên dừng ở đây.

Bổ sung ngày 1/7/2009: Đúng là nơi công tác cũ của tôi là ở Châu Thuận. Ở cái mỏm gần đường kẻ dọc 278 có một xóm nhỏ trên cao, dưới là bãi đá, hướng đông bắc có một gành đá lấp xấp, chính là nơi tôi ở. Tôi nhận ra nó nhờ bài "Về Ba Làng An mùa nắng nóng" trên Tuổi trẻ Online 29/7/2008. Khi tôi đến đây công tác được biết địa điểm này gọi là Ba Làng An.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chuyến đi đầy ý nghĩa! Trừ anh em Trỗi ở miền Trung thì có lẽ 4 chiến sĩ này (không cùng con chó nào) trên 1 chiếc Ford Ranger là những lính Trỗi đầu tiên ở phía bắc tơí thăm được Bệnh viện Đặng Thùy Trâm? Quá hay!
Nghe HThành kể mà sướng.
KQ

Nặc danh nói...

Hữu Thành à,
Có điều kiện để thăm cảnh đẹp của quê hương là điều tuyệt diệu. Truyền được cảm xúc của mình cho người khác là cái mà không phải ai cũng làm được. Mày đáng được xếp vào loại " mình vì mọi người " đấy.
Phú Hòa

Nặc danh nói...

Bài này có kèm ảnh (bánh mì kẹp thịt!) nên đọc sướng hơn!
KQ

HữuThành.Nguyễn nói...

Động viên thêm chút nữa, tao bỏ vào chùa thật thì không có gì mà cho mọi người nữa đâu đấy.
Trước hết cả, tao vẫn đang vì mình đây.

N.TV nói...

Nói chung bài này cũng được.So với chính H.Thành thì không có gì nổi bật.Cả bài này ,theo tao,có một câu hay quá,nên những câu khác trở thành tầm thường:"Chúng ta sinh ra trong khói lửa ...bếp".

Nặc danh nói...

Cái ảnh là Bệnh xá ĐTT? Phải là bệnh viện chứ!
Tay nào thiết kế giống khách sạn bờ biển đẹp thế, ông liên hệ xem BV có dịch vụ cho... người khỏe vào thuê phòng?
Hóa ra cũng như ông , tôi đọc nhật ký ĐTT được có hơn chục trang rồi ngưng vì mặc cảm xấu hổ...
Các thông tin về ĐTT tôi chủ yếu đọc trên báo chí, nhất là ý kiến đánh giá của "phía bên kia "...
TM

Nặc danh nói...

Theo tôi biết thì vua Chàm (so với các vua khác) sống bình dân, không "chăm lo bóc lột", nên trên đất Chàm chỉ thấy Tháp Chàm (để thờ cúng) mà không gặp các cung điện, thành quách. Ngay các thành Chàm là thành bằng đất "ròng", có ốp thân cây dừa hoặc gỗ, vì vậy, qua năm tháng, tường thành biến dần. Nhưng thành Cổ loa cũng bằng đất mà thọ lâu thế, là sao vậy. Lưu ý là miền bắc mưa nhiều, xối xả, còn miền trung mưa rất ít; vùng Cổ loa là ruộng xen đầm lầy, còn miền trung hầu như là đất đồi; thế mà Cổ loa vẫn trụ được, lạ.
HCQuang

N.TV nói...

Con gái tao sang đây từ rất nhỏ, hầu như không hiểu biết gì về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cách đây ít lâu nó có đến một khách sạn lâu đài ở cách rất xa thành phố để nhận quà từ VN. Trong ấy có quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm. Vì đường xa, nên khi về nó đã đọc được một đoạn dài và khóc rất ghê. Tao nhớ lại những năm tháng ấy, tao đang ngồi ở trường đại học, cố học để trở thành trí thức, thỉnh thoảng còn bàn chuyện của các bậc thánh hiền, đôi lúc còn muốn cải tạo thế giới. Mình hèn thế thì làm sao có dũng cảm đọc hết được nhật ký của chị.
Dù sao cũng có một điều an ủi là con mình còn biết khóc khi đọc quyển sách này.