Thế là chúng tôi đã kết thúc một chuyến đi 8 ngày mà đích đến ban đầu xác định là Quảng Ngãi và Bình Định. Không biết nên kể chuyện thế nào. Thôi thì theo nguyên tắc "cho cái tôi thích". Bởi vì những chuyến đi như thế này không có mục đích nào khác là đi để thấy và cảm nhận nhiều hơn cái mình vẫn sống cùng. Có những điều mình bây giờ mới thấy, cũ người mới ta. Nhưng chắc cũng có những điều mới ta mới cả với người. "Vừa đi đường vừa kể chuyện" có lẽ là cách đơn giản nhất để thuật lại, vậy thì tôi sẽ dùng nó để cung cấp cái nhìn và cảm nhận cá nhân. Hi vọng các bạn tìm thấy một vài điều gì đó hay và thú vị.
Chúng tôi là 4 người già trong hai nhà bà chị và nhà tôi, toàn Trỗi từ khoá 1 đến khoá 4; nhân lúc cơ quan của ông anh rể Lê Anh Dũng k1 nghỉ hè bèn tổ chức chuyến đi vãn cảnh miền Trung mà trọng tâm là Quảng Ngãi và Bình Định. Dự kiến 4 ngày đi 4 ngày về, mọi thông số khác chưa định trước. Bốn người đều lái được xe nên sẽ thay phiên nhau chạy, không ngại đường xa mệt mỏi.
Chặng đầu tiên, ngày 7/7:
Để có thời gian dự trữ cho chuyến đi xa, tối ngày hôm trước chúng tôi đã chạy đến Vinh "ém quân". Hôm sau buổi chiều chúng tôi đã ghé quê Diên Sanh (Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị). Ở đây vẫn còn ngôi nhà của ông nội tôi để lại, nay làm nơi thờ tự. Nói cho đúng thì ngôi nhà xưa đã mất do ở vùng chiến tranh ác liệt. Sau chiến tranh cha tôi đã dựng lại một ngôi nhà ngói 3 gian nho nhỏ, loại nhà vẫn gọi là cấp 4. Mãi sau này chúng tôi dùng tiền có được từ giải tán ngôi nhà chung ở HN để làm lại ngôi nhà ở quê. Toàn bộ sân vườn, tường bao được làm lại. Bây giờ mỗi lần về quê ở lại, chúng tôi cho được xe ô tô vào sân sau, qua một cổng hậu thật to đủ để cua xe từ lối nhỏ. Ở giữa khoảnh đất là một ngôi nhà kiểu cũ của vùng này. Nếu ở ngoài Bắc người ta sẽ gọi là nhà một gian hai chái, còn dân quê tôi gọi nó là nhà vuông. Bởi thực sự ngôi nhà này chỉ có một gian ở giữa là mái ngói có nóc còn hai bên là hai cái chái với mái ngói chéo xuống đầu hồi. Nhìn chính diện mái nhà hình lưỡi rìu. Còn mặt bằng thì chiều ngang nhà cũng chỉ bằng chiều sâu, vì thế nó được dân quê phân loại là nhà vuông. Có lẽ ngôi nhà thuộc dòng "nhà rường" của người nghèo, với kết cấu gỗ truyền thống, chất liệu "thượng chua hạ mít" (không biết gỗ chua ở ngoài Bắc gọi là gì). Mọi người ở quê nói ngôi nhà này về cơ bản giống ngôi nhà cũ, có khác chăng là nó được làm bằng chất liệu bao quanh mới, có nhiều cửa sáng hơn, mái ngói, và một cái "mỏ cua" ở phía trước. Mỏ cua là một lớp mái che khoảnh hiên rộng trước nhà, làm cho ngôi nhà có chiều sâu hơn với một không gian thoáng thích hợp cho kiểu nhà thờ tự. Cái mỏ cua này được đứa cháu ngoại đúc khung bê tông theo mẫu khung gỗ tương tự như của các nhà cổ trong Huế, rất phù hợp và ưa nhìn. Ngôi nhà cấp 4 cũ nay được dựng thành nhà ngang, hài hoà với ngôi nhà chính và sân vườn.
Chúng tôi về nhà, không đưa xe vào, chỉ để thắp hương cho ông bà nội, gặp anh trưởng họ nhỏ thăm hỏi rồi đi. Tôi cũng nói chuyện có người bạn cùng trường đang nằm ở nghĩa trang LS Huyện mà lạc tên. Nếu có dịp tôi sẽ mời mọi người vào nghỉ ở đây khi đi tìm lại phần mộ của cậu ấy. Từ nhà tôi lên nghĩa trang Huyện Hải Lăng ở một bên đường QL1 chỉ khoảng 3km.
Thắp hương, hỏi chuyện xong chúng tôi lại quay ra đi tiếp, không quên ghé quán làng, ăn một bát cháo bột truyền thống quê hương. Quê tôi gọi là cháo bột, nhiều nơi khác gọi là bánh canh. Còn không hiểu từ đâu trên văn đàn (mới đây nhất là nhà thơ Nguyễn Duy) gọi là "cháo vạc giường".
Vào Google, gõ "cháo vạc giường" hoặc "cháo bột Hải Lăng" hoặc "cháo bột Diên Sanh" thì có thể tìm thấy ít dòng nói về nó. Nhờ thế tôi tìm ra một chỗ bán cháo bột Diên Sanh tại SG "- Không nhắc đến cháo bột Diên Sanh quả là thiếu sót. Ở Sài Gòn có một chỗ bán cháo bột, người Diên Sanh bán. Đó là 1 con hẻm nằm trên đường Phạm Văn Hai có luôn cả bánh bột lọc. Bán vào lúc 16h chiều đến 18h thì sạch bách. - CHAO BAN DONG HUONG, MUNG QUA BAN OI, VUI LONG NHANH CHI GIUP MINH CON HEM DO NAM DOAN NAO THE, MINH THEM AN CHAO BOT LAM RUI ... - Từ Hoàng Văn Thụ cua phải vào Phạm Văn Hai, bỏ 2 ngã tư đèn xanh đèn đỏ ngọn tỏ ngọn tường, hết ngã tư xanh đỏ 2 đi từ từ vào con hẻm đầu tiên bên phải (trước hẻm có xe bán nước mía) vào khảng 150-200m là gặp, 16h bắt đầu bán (15h30 hết bánh bột lọc, 19h hết cháo he he) bánh lọc 6K, còn cháo 5k-> chúc ngon miệng". Và "Quảng Trị quê ta em chỉ thích mỗi: ốc hút và.....cháo bột (ốc thì TXQT ngon phải nói là No1, cháo bột thì nhường cho Diên Sanh)"
Các bạn ở TP HCM thử tìm giúp quán này, ăn thử và cho cảm tưởng. Nhiều năm ăn cháo bột kiểu quê, tôi chưa tìm thấy chỗ nào có bánh canh ăn ngon như ở quê, hoặc nhà mình tự nấu. Loại cháo mà tôi thích là bột gạo (hoặc bột mì, kém ngon hơn một chút) nấu với cá quả (trong quê gọi cá tràu). Bột cán mỏng cuốn trên ống hoặc vỏ chai, cắt lát rơi ngay vào nồi (hoặc cắt trên thớt rồi thả từng cái vào sau cho khỏi dính chùm). Cá quả luộc, vớt ra lấy thịt ướp với nước mắm, tiêu, ớt, củ ném, ... Xương cá giã cho vào nước hầm. Cái ngon của cháo bột quê tôi rất đơn giản: không có mỡ và dùng củ ném. Nhiều lần ăn bánh canh bột gạo cá lóc Huế, kể cả bánh canh Nam Phổ gánh rong, tôi chưa bao giờ hài lòng vì cá bao giờ họ cũng xào mỡ và đặc biệt không dùng củ ném (nén, hay hành tăm ở vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình). Hỏi dân bán bánh canh Huế sao không dùng củ ném thì được trả lời rằng "hôi". Dân miền Trung hầu như ở đâu cũng dùng củ ném nấu chè ăn giải cảm. Nó là một loại hành mà tinh dầu thì có lẽ vào loại nhất. Có lần, mấy năm trước, một người bạn Huế tìm mãi ra một quán trương biển "Bánh canh Diên Sanh"; đến ăn, cụng rứa.
Người Diên Sanh ăn cháo với ớt bột và nước mắm nêm thêm nếu cần. Nhưng dân Bắc vào, chỉ bát cháo không thôi, nhiều người đã không húp nổi nước vì nó quá cay.
Ai có dịp đi qua thị trấn Hải Lăng nên rẽ vào lối đi Mỹ Thuỷ, khoảng 3km, đến gần trường PTTH Hải Lăng hỏi quán cháo bột Thuỷ mà thử.
Xong món cháo quê hương chúng tôi lên xe chạy vào Huế. Một khu "làng nghề Diên Sanh" đã được xây dựng mới chỉ có những con đường trên trảng cát trắng. Tự hỏi không biết Diên Sanh quê mình có nghề gì lập thành làng được đây? Hoặc đó chỉ là cái tên làng nghề tại Diên Sanh, nhưng xem ra cả xã, cả huyện cũng không có nghề gì "ly nông" mà làm được. Liệu làng nghề có giống Chợ Diên Sanh gọi thầu xây dựng trên cả nước từ mấy năm trước nay vẫn chưa xong; mà có xong cũng không biết ai đến đó mua bán cho xứng với quy mô. Nói cho đúng Diên Sanh trước đây nằm trên đưởng 1, sầm uất với tên chữ, gọi Kẻ Diên. Thời Mỹ, thấy mỗi lần lụt đường 1 đoạn qua Diên Sanh lại tắc, người ta kéo nó nên chạy song song với đường sắt. Thế là "Diên" hết "Kẻ", trở lại với ruộng lúa, vườn khoai. Liệu xây chợ thiếu con đường có thể phục hồi Kẻ Diên? Xe vụt qua nghĩa trang Huyện Hải Lăng bên kia đường sắt, chợt nhớ không biết cậu em lạc tên nằm đây tên gì. Cờ phướn cắm phía trước, một xe VTV đỗ bên này đường sắt, hình như có phỏng vấn. Sắp tới 27/7 rồi.
Rời quê sớm, kế hoạch ngủ lại Huế được thực hiện vượt sang Đà Nẵng. Thời gian tiết kiệm được sẽ dùng thăm Bán đảo Sơn Trà vào sáng hôm sau. Khi đi đã định từ Hội An trở ra không vãn cảnh đâu cả, để dành thời gian cho vùng xa. Giờ có thời gian dôi dư, lại đọc bài của Kiến Quốc, thấy Sơn Trà có thể đi được thì tại sao lại không đi chứ.
Đến Tử Hạ cách Huế mấy cây số chúng tôi rẽ vào đường tránh Huế, cũng là đường vượt Huế khi có lũ lụt. Từ khi có máy GPS đã mấy lần tôi qua đường này mà không lần nào nhớ bật nó lên để lấy dấu đường bổ sung vào bản đồ. Tự nhủ khi ra sẽ bật.
Buổi tối chúng tôi tới Đà Nẵng. Các khách sạn nội địa chật ních, đâu cũng hết phòng. Người ta nói là do kì thi đại học. Cuối cùng phải vào KS Bạch Đằng (nhà khách UBND?) ở phòng nhìn ra sông Hàn, 280 nghìn Đ phòng đôi/đêm. Gọi điện liên lạc với HH.Dũng, không thấy nhấc máy. Có thể mạng chuối, nghe như có chuông nhưng hai nhịp. Ngày mai lại đi sớm vào Quảng Ngãi nên thôi, để dịp ra sẽ liên lạc với HH.Dũng sau. Bà Bình và ông Dũng đều quen và nhiều lần gặp làm việc với Chí béo (k8?), nhưng chuyến này đi chơi ngày nghỉ, không muốn làm phiền.
Khách sạn này có hai máy tính nối internet cho khách dùng miễn phí. Được cái máy chạy nhưng hỏng kết nối cả hai, mà không ai chăm sóc. Còn mỗi việc ngủ cho hôm sau đi tiếp vào Quảng Ngãi.
Thứ Hai, tháng 7 16, 2007
Chuyện kể vãn cảnh miền Trung, quê Quảng Trị
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Hai, tháng 7 16, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
8 nhận xét:
Quà quê nhất định là ngon rồi, nhưng lại được ăn ngay chính Quê mình thì ít ai được như anh Hữu Thành, thật thú vị. Sao anh không đưa một vài kiểu ảnh lên cho sinh động và làm "quảng cáo" luôn thể.
Một Trỗi con K8.
Quả thực khi ghé quê tôi cũng chỉ nghĩ là việc nhà nên không có ý định ảnh ọt gì.
Đến khi viết, mới muốn giãi bầy tâm sự liên quan tới các sự kiện của chuyến đi, để cho mọi người cùng cảm nhận. Đọc lại thấy dài lê thê, có khi cũng chán. Nhưng biết làm thế nào được, 8 ngày ngồi trên xe, trung bình 300km/ngày chỉ để có ít dòng thế thôi. May ra mới có sự đồng cảm từ những người thích xê dịch và quan sát.
Thú thực với anh Hữu Thành là lên "Bạn Trỗi" em rất thích tiết mục "Mỗi tuần một chuyến đi" vì qua đó biết thêm được cảnh đẹp đất nước,con người trong đó có ae "Trỗi" cùng món ăn đặc sản của các miền quê.
Cám ơn lời động viên của "giấu tên".
Nói theo kiểu của Thanh Minh, nó không nói ra thì nổ bụng mà chết. Thế nên cứ phải nói ra thôi.
Té ra H.Thành quê ở Quảng Trị!Bây giờ mới biết,hay hè!
Xin nhờ H.Thành chuyển lời chào đến anh Lê Anh Dũng.Anh ấy là thầy tao, nhưng ở ĐHQS hồi ấy toàn gọi thầy là anh.
Thế mà không biết TG.Quý đã học anh Dũng để mà nói chuyện. Nhà anh Dũng cũng ngay trong Ciputra, 2D5 ngay gần nhà Văn béo.
HữuThành là dân "bọ" chính cống, 100% không pha trộn, và vợ y (Mrs.Thành HoàBình) cũng là dân bọ chính cống, 100% không pha trộn, tuyệt. Khoái ăn đậu phộng, không cần bóc vỏ, cho nó toàn tính.
Hồi chiến tranh, bộ đội hành quân qua làng, ngủ nhờ nhà bọ. Bọ quý bộ đội, có con khoai, con củ đều đưa ra mời các chú. Ấy thế mà, một buổi tối, bọ thấy một chú ngửi mồm con gái bọ - chú nghi con bọ ăn vụng lương khô. Tình quân dân đâm ra sứt mẻ. Không biết hồi HữuThành là sinh viên đại học tổng hợp có làm sứt mẻ tình quân dân lần nào không. Chắc là có thôi, và về logic, chuyện đã xảy ra ở một cái làng gần gần Cột cờ HN.
HCQuang
Đăng nhận xét