Chủ Nhật, tháng 7 15, 2007

Gặp mặt bạn bè

Thời buổi này ai cũng bận trăm công nghìn việc nên chỉ mỗi lần làm việc hiếu hỷ là dịp gặp nhau. Trưa nay, lũ trại viên Trại Nhi đồng miền Bắc chúng tôi hẹn nhau tới nhà anh Niệm, con cô Tụy Phương giám đốc Trại, dự 49 ngày của cô.
Phải nói, thời gian sống ở Trại với chúng tôi cũng nhiều kỷ niệm như khi vào Trỗi. Chúng tôi nhớ mãi cô Thắm, cô Cam... và cả bà O (tên thật là Đặng Quỳnh Anh, sinh 1885, là cô ruột cụ Đặng Thai Mai. Bà là Việt kiều ở Thái về nước năm 1952 và lên ngay Trại ở Khe Khao, Thái Nguyên). Trại thời gian đó mỗi năm có 4 lớp và 100 cháu (25 cháu vào thì lại có 25 cháu ra để về học lớp 1). Từ thời Khe Khao cho tới hết thời chống Mỹ có tổng số 550 cháu đã qua tay cô Phương và các cô giáo chăm sóc. Cô Tụy Phương đặc biệt nhớ tên cả mấy trăm trại viên và cả bố mẹ chúng. Sau này mỗi khi đến thăm, cô đều hỏi han nhắc đến từng bạn.
Trại viên đến dự ở lớp lớn hồi Khe Khao có anh Chu Việt Cường, lứa sau hòa bình 1954 về Thụy Khê có Hà Chí Quang k4, 2 anh em Hồ Bá Đạt k8, Hồ Bá Lộc, Nguyễn Đắc Hòa k7 và gia đình tôi (có đến 5 đ/c qua Trại - Kiến Quốc, Thành Công k6, Hữu Nghị k8, Hạnh Phúc, Việt Trung).
Gặp nhau tự nhiên một lô chuyện cách đây gần nửa thế kỷ được sống lại. Từ Khe Khao Việt Bắc khi trở về Hà Nội, Trại được xếp ở một khu nhà vườn rộng trên đường Thụy Khê, ngay sau lưng là Hồ Tây. Đêm nào cũng được đón gió hồ thổi vào. Ở trung tâm là ngôi nhà xây kiểu Pháp có nhiều phòng học và ngủ. Ngay đầu dốc 2 con đường dẫn lên cửa có 2 quả cầu bằng đá.
Chương trình ngày đó áp dụng theo lối giáo dục của Liên Xô. Vì Trại không xa Phủ Chủ tịch nên Bác Hồ hay tới thăm. Mỗi lần có khách nước ngòai tới là Bác hay mời bạn đến thăm bọn trẻ chúng tôi. Có một lần Bác đến và chia kẹo cho các cháu. Cả lũ quây quanh Bác. Bác hỏi: "Các cháu có muốn ăn kẹo không?". "Có ạ. Có ạ!" - cả bọn nhao nhao. Bác lại hỏi: "Các cháu muốn được Bác cho mấy chiếc?". Đứa biết đếm đến 1 thì giơ tay xin 1, đứa biết đếm đến 2 thì xin 2, có đứa xin 50, 100 chiếc. Riêng Hồ Bá Lộc giơ tay: "Bác cho cháu "một ức ức" chiếc kẹo ạ!". (Ngày bé chúng tôi nghe nói có đến triệu, tỷ rồi ức nên Lộc phát ngay).
Mọi người cùng nhắc lại mấy câu thơ lục bát "Bà O kể tuổi đã già/ Nhưng mà cuốc đất tăng gia suốt ngày" hay "Anh La Văn Cầu: Anh Cầu ra trận/ Đạn bắn què tay/ Anh chặt phăng ngay/ Xông lên nổ súng/ Mìn anh bắn trúng/ Vào lỗ châu mai/ Giặc chết sóng sòai/ Cả đồn bị hạ/ Anh Cầu giỏi quá/ Được Bác Hồ khen/ Lại được nêu tên/ Anh hùng quân đội!". Đạt "bột" bảo chẳng biết tí nhạc lí nào nhưng từng là nhạc trưởng chỉ huy dàn đồng ca. Có lần Quang Bắc đóng giả là anh Tây đen trong tốp ca: "Nhạc sĩ chính cống tí hon tới đây. Hát hay, đều và to. Đúng ghê! La là là... Nghe rất tài...". (Có lẽ phải là "ca sĩ" mới đúng nhưng trẻ con mà).
Anh Niệm còn kể lại: nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu được cô Tụy Phương mời đến thăm Trại đúng hôm có biểu diễn văn nghệ. Khi xem tiết mục các cháu thổi kèn đã cảm hứng sáng tác bài hát "Te tò te đây là ban kèn hơi". Vậy ra xuất xứ bài hát từ chính Trại của chúng tôi, đến bây giờ mới biết!
Thứ 5 hàng tuần, cả bọn rồng rắn lên mây nắm áo nhau theo cô giáo đi qua dốc lên vườn Bách Thảo, xem voi xem thú. Bách Thảo ngày ấy vắng và rợp bóng cây xanh. Có những giờ học ngọai khóa, chúng tôi được cho sang vườn Nông lâm bên cạnh (của bác Nghiêm Xuân Yêm) xem các vườn ươm và các loại thú (trăn, rắn, gấu, hổ báo...). Hồ Bá Lộc còn nhớ con lạc đà châu Phi thò cổ qua hàng rào sang ăn mía của vườn bà O.
Mỗi tuần, bọn trẻ được đón về thứ 7 với bố mẹ rồi sáng thứ 2 trả về trại. Ngày ấy, vì cha tôi đi công tác xa nên khi về nước đã xin phép cô cho tôi về với cha mỗi chiều. Các chú đánh xe đến đón, sáng trả lại ở cổng và đi luôn vì nghĩ tôi đã vào học. Nhưng không. Không thấy cô nào, tôi đã tắt lên Bách Thảo và chơi ở đó cả ngày. Đói thì có củ khoai đút sẵn trong túi. Đến chiều lại ra đứng ở cổng chờ đón. Được 2 ngày thì bị lộ. Tây Bắc, Tiến Bắc, Công Chính, Bùi Chương... học lớp tôi. Tây Bắc ngày ấy nghịch có tiếng, từng đánh đu rồi thả tay cho bay như chim. Thật là liều mạng.
Ai cũng nhớ cảnh đi ị tập thể mỗi sáng trên cái chuồng xí dài, phía trên ghép bằng những mảnh gỗ hình chữ C. các cô bắt phải ị xong mới được đi rửa tay và vào ăn sáng. Phân được dội nước ào trôi ra cống. Có một bạn bị "mẹ mìn" bắt đi mấy ngày, sau mới tìm được. Từ sau đó, chúng tôi thuộc lòng mấy câu đồng dao "Ba bị chín quai, 12 con mắt, đi bắt trẻ con, đi dọa người lớn". Trưa nào ngủ dậy cũng được ăn quả chuối và tào phớ hay sữa chua. Có bữa còn được món ăn nhộng rang lấy từ tằm nhả tơ.
Sau khi bọn tôi "tốt nghiệp", thứ 7 hay rủ Tòan Thắng, Châu "lé" mượn xe đạp thiếu nhi Liên Xô (lọai 90 đồng 6 hào) của Trung Việt, đạp từ 38 Trần Phú qua Ba Đình xuống Thuỵ Khê đón các em. Vì xe không có poóc-ba-ga nên chỉ ngồi mớm nửa yên và để cho em mình ngồi phần còn lại. Cứ thế tắc tắc về nhà. Giá mà còn giữ được bức ảnh chụp ngày đó thì thật tuyệt.
Thật là những kỷ niệm tuyệt vời. Cho tới bây giờ, chưa thấy có một trường mẫu giáo nào tốt như thế!

(Cảm ơn Hà Chí Quang đã cung cấp tư liệu về Trại từ Hồi ký của cô Tụy Phương!).

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hôm 49 ngày cô Tụy Phương, ToànThắng đang bị bệnh Zona hành, nên không tới được (ai có toa điều trị, cho y xin). Cách đây 49 ngày, y có lọ mọ ra Hànội viếng cô. Tội nghiệp thằng học trò hư của cô.
Bài "Anh LaVănCầu/Anh Cầu ra trận/Giặc bắn què chân": Hồi trại Nhi đồng, để lót chỗ trống giữa hai tiết mục văn nghệ, cô giáo cho tôi và một thằng nhóc (không nhớ thằng nào, hi vọng không phải là ToànThắng) lên sân khấu "đồng ngâm" bài này. Mới biết mình có năng khiếu văn nghệ từ hồi mẫu giáo, và nếu cứ theo nghề, thì, biết đâu đấy, nay là nghệ sỹ ưu tú như DMĐức.
Theo bản tự kiểm điểm hàng năm, tôi thấy bản thân hát "Tiến quân ca", "Hò kéo pháo", "Tiến bước dưới quân kỳ", "Qua miền tây bắc" đều rõ ràng, rành mạch, cú pháp đâu ra đó, không thể nói là không có năng khiếu. Đ/c nào nhất trí với bản tự kiểm của đ/c HCQuang thì cho biểu quyết.
HCQuang

Nặc danh nói...

- Chí Quang hát hay từ bé nhưng bị "tật" hay "sẹn" trước đám đông nên về già mới chuyển sang nhảy dù và lái tầu lượn không động cơ (hắn còn nói nếu chơi paramotor có ngày gẫy chân nên không liều). Trưa qua có` hẳn 1 chương trình về "dù" (chú thích: không phải ô hay condom!) cho Chí Quang. Hắn còn lộ riêng cái dù hắn cũng "lục tốn" những 2 "khìn" đô để anh em cảnh giác đừng dại mà a dua theo hắn(!).
- Tối qua, xem Sao Mai 2007 thấy Đại tá NSUT DMĐ tóc xanh rì, đầu bóng mượt, ngồi hàng đầu, bước lên sân khấu trao quyết định tuyển 4 cháu hát hay vào thẳng trường. Quá sướng!
Thôi ta hát không hay nhưng có bạn là "Đại tá hát duy nhất toàn quân" là oách rồi, coi như ta cũng là NS "yêu tí"!!!
- Mời anh em Trỗi từng qua Trại có những đóng góp hồi ức thủa xưa!
KQuốc

HữuThành.Nguyễn nói...

Dũng dược đang thử nghiệm mỡ bôi chữa zona. Sẽ báo cho nó có chuột bạch trong SG, và nói nó tìm cách gửi vào sớm.

N.TV nói...

Nói chung đấy là một ngôi trường rất tốt.Đúng quá rồi.Chỉ một điều thắc mấc nho nhỏ:Không hiểu trường cho ăn uống thế nào mà bây giờ có những người rất béo.Ví dụ :Kiến Quốc.

HữuThành.Nguyễn nói...

Lại có thằng gầy như Chí Quang. Thằng này cho ngồi làm mẫu tạc tượng gì mà Khổ Hạnh trong chùa Tây Phương được đấy.

HữuThành.Nguyễn nói...

Nói chuyện với Công Minh, nhắc tới những người bạn bây giờ mà cùng ở Trại thời đấy (như Toàn Thắng, Quang Thắng, ...) bao giờ nó cũng nhắc tới Trại với kỉ niệm sâu sắc là dắt cả lũ trốn ra ngoài.

Nặc danh nói...

HữuThành đã xỏ xiên bạn bè thì xỏ xiên cho trót. Chùa Tây phương có 18 pho tượng La hán, có ông gầy gò ốm đói - mà ông ví là ChíQuang là đúng rồi, nhưng ông quên là trong chùa còn có ông béo bụng phệ, cười như Liênxô - thế mà chẳng ví với "ai" (Quý nhẻo đã gợi ý ở trên rồi đó). Lại nữa, có ông như vừa đứng phắt dậy để sẵn sàng cãi lộn với người ta - thì ông phải áp dụng vào một ai đó (tôi xin thay mặt MTTQVN đề cử đ/c BCMinh). Còn cái ông méo miệng, lim dim ngồi ngoáy tai, nom tức cười thì đề nghị các bạn xem ai đủ tư cách đạo đức mà đề cử (miễn anh ta là học sinh trường nhi đồng).
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Tin mới nhất liên quan cựu học sinh Trại: thuốc mỡ (thử nghiệm) của Dũng dược đã tới Toàn Thắng (có lộn chút xíu nhưng chắc tới rồi). Mọi người chuẩn bị nghe xem thế nào.