Thứ Sáu, tháng 12 19, 2008

"MỘT MẶT TRẬN DƯỚI MẶT ĐẤT"

Minh Kính

12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 là những ngày khói lửa ác liệt nhất ở Hà Nội. Những chiến sỹ phòng không, không quân rất tự hào đã làm nên một "ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG". Chúng tôi những người "lính dưới mặt đất" cũng nhớ mãi những ngày ấy.
Đại học quân y nằm trong vùng oanh tạc của Mỹ. Đêm 19.12 chúng đánh trúng đội hình nơi trường sơ tán. Làng Mẫu Lương, Đa Sỹ Hà Đông bị tàn phá. 85 người dân làng Mẫu Lương tử nạn. 3 giờ sáng, từ làng Xuân Hòa Thường Tín chúng tôi hành quân gấp lên Mẫu Lương. Những người khỏe mạnh đi sơ tán hết. Chỉ còn những người bị thương, dân quân du kích. Cánh lính chứng tôi khẩn trương đào bới cứu những người còn sống và thu lượm thi thể nhửng người đã chết, đa phần không tòan thây. Đến sáng chúng tôi đã khiêng, băng bó và chuyển hàng chục người bị thương đi cấp cứu. đã đào bới làm công ác tử thi, cho vào quan tài và chôn thành 120 cái mộ (chỉ có 85 người chết). Không một ai sợ gian khổ, không sợ bẩn, không sợ máu, không sợ hôi tanh. Trong đội hình những chiến sỹ mặt đất hôm đó có Minh Kinh, Xuân Minh, Xuân Thủy, VCPhước, Thụy Linh, Ngô Hùng, Hồng Thanh, Quốc Ân, Dũng Sô, Phục Quốc (Bùi Yên Trình, Chu Hòang Vân đi Quảng Trị) ... là lính Trỗi khóa 4.
9 giờ sáng ngày 20 chúng tôi được lệnh hành quân tiếp vào nội thành. Và từ đó suốt 12 ngày chúng tôi làm nhiệm vụ cứu sập, đào bới cứu người và cả đào xác phi công, đào bom kéo xác máy bay Mỹ, và cả canh giữ nó nữa.
Nếu đi qua dốc Ngọc Hà vào những ngày sau hiệp nghị Paris các bạn thấy 150 quả bom xếp hàng triển lãm và chiếc B52 tan tành nằm chếnh ềnh ở góc vưởn Bách Thảo có các chú bộ đội cầm súng đứng gác đó là đơn vị chúng tôi đấy.
(ảnh minh họa theo gợi ý và cung cấp của anh HCQ)

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái trận bom đáng nhớ đó bọn tôi đang ở làng Đa Sĩ,được thông báo là phải di chuyển trước nhưng đơn vị chờ 22- 12 mới đi(tt này sau mới biết). Mờ sáng hôm đó B52 rải thảm suốt từ Mậu lương qua Đa sĩ. Số tôi và Phước Thắng may mắn, vì mọi khi B52 đánh Hà nội bọn tôi chỉ ra xem, sau đó đi ngủ,có hôm còn không ra nữa. Hôm đó nghe tiếng máy bay PT dựng tôi dậy bắt ra hầm ,chỉ 1-2 phút sau là bom tối mặt.Dứt tiếng bom nhoi khỏi hầm thì cảnh tượng thật khủng khiếp-gần như là bình địa. Căn nhà tôi và PT ngủ trúng 1 quả bom ,nhà bị thổi bay mất chỉ còn lại một hố nhỏ(bom hơi).Gia đình đó bị mất một em bé gái,dân chết và bị thương khá nhiều. Chúng tôi lao vào tìm kiếm và cấp cứu cho dân .Bên Mậu lương bom trúng đội hình của BV 103 TBB và bác sĩ,dân tổn thất khá nặng .Sau khi giải quyết hậu quả xong chúng tôi phải di chuyển BV ngay không kịp nghỉ ngơi ăn uống gì.Sau này về thăm bà con ,họ có trách móc đôi chút,tại sao biết trước mà không báo cho họ, thật tình lính tráng cũng như họ thôi có biết gì, chỉ sau này...Tối đó chúng tôi lại bị một trận nữa ở Bình đà nhưng không có thương vong.Không được nghỉ ngơi ,chuyển BV tới là phải đào hầm cho TBB ngay,còn cánh lính ta , bạ đâu trú đó. Vài ngày sau bọn này mới tìm được một cống thoát nước lớn,mùa nay khô nên AE đắp bệ hai đầu ,rải rơm bên trong,tối đến giờ ngủ cả bọn rúc vô...
DS

Nặc danh nói...

Không chỉ là lính Công binh (lực lượng chuyên rà phá bom mìn) mà là lính Quân y đi đào bom. Chỉ cần như thế thôi cũng đã là anh hùng rồi. Chiến tranh ở Việt nam thật kì diệu và thật kì lạ.
HCQuang

Nặc danh nói...

Trong đội hình K4 còn có Huỳnh Xuân Thủy, Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Văn Tín , Đặng Minh Hùng , Nguyễn Văn Thái ( mốc ), ... còn những ai nữa Minh Kính không nhớ. Riêng Nguyễn Phục Quốc là trường hỢP đẶC biệt. Khi có báo động tất cả chạy ra hầm. ở Đa Sỹ cả dân và quân đều chui vào một cái hầm. uớc tính gần hai chục người. Thình lình một quả bom bi rơi xuống và nằm chềnh ềnh ngay cửa hầm. Mọi người sợ hãi xô vào phía trong, chen chúc tưởng chừng sắp cvhết ngạt.Tình hình thật nguy cấp . Chỉ có một người lính trong số người đó chính là PQ. Không còn ai khác phải lãnh trách nhiệm cứu nguy. Mặt dầu lần đầu tiên giáp mặt với kẻ thù nguy hiểm, trán vã mồ hôi nhưng Q đã nhẹ nháng bò ra, nắm lấy quả bom và ném vào một hố bom gần đó. Quả bom phát nổ , lửa rực trời và hai chục người thở phào nhẹ nhõm thóat ra khỏi nơi nguy hiểm.
MK

Nặc danh nói...

Tại sao "...chôn thành 120 cái mộ (chỉ có 85 người chết)" ? Để nghi binh à !? Hay là để tạo điều kiện cho các nhà Ngoại cảm đời nay làm việc !?

HMK6

Nặc danh nói...

Có lẽ tác giả viết lộn. Chắc là có 120 người chết nhưng chỉ có 85 xác, còn lại là tan xác.

TK8 nói...

Đọc bài bác CQ mấy lị bác MK cháu tí Ngất, tưởng Mỹ lại giã bom HN, xách vội ba-lô tính Bùng lên Đại Từ, ra đến cổng mới bít đang ở SG.

hêhê...ý nói bài viết Sống Động wá !

Nặc danh nói...

Như Minh Kính đã trình bày. Hầu hết nạn nhân là không tòan thây. Vì vậy đào bới nhặt được bao nhiều thì cho vào túi ni lông buộc chặt và đặt vào áo quan chôn xuống rồi cắm biển ghi tên .Vì thế trong một áo quan có thể mấy người và một người lại nằm trong nhiều áo quan. Thực tế là khi đơn vị đã rút, dân làng còn đào bới được mấy tử thi nữa. Như vậy mộ không dừng lại ở con số 120. Người thân không thể biết chắc thân nhân của mình nằm ở áo quan nào mặc dù có biển báo tên. Từ ngày hôm đó họ coi là ngày giỗ chung và tất cả số mộ đều là chung cả.
MK

HữuThành.Nguyễn nói...

Bây giờ mới biết cánh QY đã được thử lửa hồi đó.