Thứ Ba, tháng 12 09, 2008

Thảm kịch ở Aden và câu chuyện Mogadischu

PHẦN 1 : CẢ NƯỚC KINH HOÀNG

Ngày 13/10/1977 là một ngày thu mây mù. Lẽ ra cơ trưởng Schuman và lái phụ Vietor đã không phải bay. Nhưng ngày này rất nhiều phi công bỏ bay, nên vào phút cuối hai ông nhận được quyết định phải bay thế. Thực ra thì chỉ bay đến Mallorca (Tây Ban Nha) rồi quay về . „Đến tối anh sẽ về“, Schuman nói với vợ sau khi ăn sáng xong . Cậu con trai lớn như thường lệ, đội mũ lưỡi trai của bố chạy trước ra xe ôtô . Schuman lấy mũ ra khỏi đầu cậu con trai , cúi xuống hôn con , rồi vội phóng xe đến sân bay. Ông không thể ngờ rằng đấy là cái hôn cuối cùng của đời ông.
Cũng vào sáng hôm ấy Rüdeger chở cô chiêu đãi viên Gabi Dillman đến sân bay. Anh đã mấy lần ngỏ ý cầu hôn, nhưng Gabi còn „cành cao“ chưa nhận lời . Gabi mới 23 tuổi . Cô là người trẻ nhất trong đội bay trên chiếc " Landshut " (số LH -181) của Lufthansa gồm 5 người do cơ trưởng Schuman chỉ huy. Nhưng cả Rüdeger lẫn Gabi đều không thể biết rằng chỉ 5 ngày sau cô sẽ thành một người khác hẳn . Và ngay sau giây phút đầu tiên gặp lại, Gabi sẽ nhận lời cầu hôn .
Cách đấy vào khoảng 6 tuần, tổ chức „ Lữ đoàn đỏ“ (RAF) đã bắt cóc ông chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp Schleyer ở Karlsruher để làm con tin . Điều kiện của RAF : thả ngay tất cả các tù nhân RAF đang bị giam giữ ! Thủ tướng CHLB Đức lúc đó là ông Helmut Schmidt tỏ thái độ rất cứng rắn. Theo ông , nếu đàm phán với RAF là „đập tan nền dân chủ“. Cảnh sát đã mở nhiều cuộc truy lùng , nhưng vô vọng.
Trên đường quay trở về từ Mallorca vào lúc 13h50 chiếc "Landshut" đã bị 4 người Palestin gồm 2 nam , 2 nữ mà cầm đầu là một người tự xưng là“ chỉ huy Mahmud „ khống chế và buộc ông Schuman phải bay đến Rom . Và đến lúc đó thì cả nước Đức bàng hoàng khi biết chiếc "Landshut" gồm 86 hành khách và tổ lái 5 người đã bị bắt cóc . Tiếp theo hơn 4 ngày sau đó (chính xác là 105 tiếng đồng hồ ) cả Tây Đức thực sự sống trong cơn sốt . Hành trình khủng khiếp này có thể xem trên bản đồ ở bên, trong đó những chỗ đánh dấu (X) là những sân bay không cho phép chiếc "Landshut" hạ cánh và ở từng địa điểm được phép đáp xuống đều có ghi rõ giờ hạ, cất cánh (theo giờ trung Âu).
Việc đầu tiên mà nhóm khủng bố này làm là tịch thu tất cả hộ chiếu của hành khách. Mahmud tuyên bố sẽ giết tất cả những người Do Thái có trên máy bay . Không khí lúc này cực kỳ hoảng loạn . Thực ra trong đám hành khách hôm đó chỉ có duy nhất 1 người Do Thái . Đó là một người đàn bà 60 tuổi . Trước đây trong chiến tranh thế giới thứ 2 bà đã thoát chết trong trại tập trung . Khi Mahmud phát hiện ra hộ chiếu Israel của bà thì cô Gabi đã lên tiếng giải thích với Mahmud rằng bà là một tín đồ thường xuyên hành hương và vì thế có hộ chiếu Israel. Người đàn bà này vô cùng hoảng sợ , cô Gabi đã ngồi bên cạnh bà , thì thầm an ủi và nhắc nhở bà các động tác để đừng lộ mình là người Do Thái.
Nữ hành khách người Đức Birgitt Röhll ngồi ở hàng ghế thứ 11 cùng với cậu con trai 10 tuổi. Bà đến Mallorca thăm bạn . Trong hộ chiếu ghi tên bà thời con gái là Grünnewal . Chẳng hiểu tại sao Mahmud lại cho rằng đấy là 1 cái tên Do Thái . Hắn giật chiếc bút máy hiệu „Montblanc“ trên người bà , chỉ về phía đầu nắp bút có hình ngôi sao nhiều cánh và gào lên: Đây là cái gì ? (bằng tiếng Anh). Birgitt sợ líu lưỡi chỉ lắp bắp : Đây là Logo của hãng. Mahmud tức giận nhổ vào mặt bà. Hắn lại gào lên với cậu con trai: Chúng mày có phải là người Do Thái không ? Nhưng thật khốn khổ vì cậu bé này không biết tiếng Anh. Hắn nhổ tiếp nước bọt vào mặt cậu bé . Và quay sang Birgitt : Sáng mai đúng 8 giờ tao sẽ bắn chết mày ! Bà Birgitt lúc đó chỉ còn một mong muốn duy nhất là ngày mai hắn không bắn chết mình trước mặt con trai. Nhưng sau đó ông Schuman đã thuyết phục Mahmud rất lâu , „khuyên „ hắn không nên làm cho tinh thần của hành khách hoảng loạn thêm nữa. „Please, don`t shoot her „ . Cuối cùng thì hắn cũng nghe ra và tuyên bố bà Birgitt được sống. Bà đã thoát chết trong gang tấc.
Trên chiếc đồng hồ Junghans của ông Vietor cũng có hình ngôi sao tương tự . Mahmud bắt ông phải đập nát trước mắt hắn. Nhưng Vietor dẫm đạp thế nào cũng không hỏng . Chỉ đến khi Mahmud lấy chiếc búa ở buồng lái thì hắn mới đập nát được chiếc đồng hồ . Cái đống sắt vụn đó hắn vứt trả lại cho ông. Vietor giữ cái đồng hò đó cho đến bây giờ. Và ông luôn mang theo nó mỗi khi bay coi như bùa hộ mệnh. Một vấn đề cho Mahmud là trong hộ chiếu Đức không ghi tôn giáo. Hắn hất hàm hỏi ông Vietor : Theo đạo gì? . Ông Vietor nhớ lại : Lúc đó tôi trả lời :Evangelisch (tin lành ) nhưng có lẽ do quá hoảng sợ nên ông không thể phát âm đúng từ này. May thay lúc đó Schuman đã trả lời ngay : Ông ta là Protestant ! (tân giáo). Nhưng đây mới chỉ là lần thoát chết thứ nhất của Vietor.
Nhìn vào bản đồ bên ta sẽ thấy vào lúc 1h52 ´ ngày hôm sau chiếc" Landshut "hạ cánh xuống Bahren (một quốc gia vùng Vịnh) . Nên nhớ rằng lúc đó hầu hết trên thế giới đều đã biết sự kiện này và biết rõ yêu cầu của nhóm không tặc, vì thế mới có chuyện nhiều sân bay không cho phép Landshut hạ cánh. Tất nhiên nhóm không tặc đã yêu cầu không một ai được đến gần máy bay . Tuy nhiên tại Bahren , nhóm bắt cóc máy bay đã phát hiện ra quân lính lố nhố bao quanh sân bay . Mahmud gầm lên và chĩa súng vào đầu Vietor : nếu 4 phút nữa quân lính không rút thì tao sẽ bắn chết mày ! Một phút , hai ,ba rồi bước sang phút thứ tư . Vietor hồi hộp chờ phát đạn , nhưng may sao còn đúng 30 giây nữa thì đột nhiên có một chiếc ôtô chạy đến gom hết tất cả số lính mang đi.
Vào thời kỳ đó nhiều quốc gia ở khu vực này lo ngại dây dưa vào các vụ xung đột, cho nên hầu hết đi đến đâu chiếc "Landshut" cũng bị xua đuổi.
Từ Bahren chiếc máy bay lại bị đuổi đi và ngay cả khi cất cánh thì phi hành đoàn cũng chưa biết bay đi đâu. Cả đất nước nín thở theo dõi.
Khi "Landshut" bay đến Aden (Yemen) thì nhà cầm quyền nước này đã cho xe bọc thép và rất nhiều ôtô đỗ trên đường băng để ngăn cản không cho nó xuống. Mặc dù ông Schuman đã hết sức năn nỉ, nhưng sân bay dứt khoát không thay đổi ý kiến. Đến khi chỉ còn 15 phút nhiên liệu, ông Schuman đành liều mạng đáp xuống đường băng phụ dành cho việc đỗ khẩn cấp. Đường băng này vừa ngắn lại hết sức tồi. Có lẽ chiếc máy bay dừng lại được an toàn là một điều kỳ lạ . Bởi vì lúc ấy cát bụi mù mịt , rất nhiều cát lọt vào phía động cơ.
Tuy nhiên phía Yemen vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, kiên quyết yêu cầu "Landshut" phải rời khỏi đất nước họ. Phía Yêmen cho người ra kiểm tra tình trạng kỹ thuật bên ngoài của máy bay và tuyên bố tình trạng máy bay vẫn đảm bảo và buộc phải cất cánh sau khi nhận được nhiên liệu. Ông Schuman lấy cớ với cương vị là cơ trưởng ông phải trực tiếp ra ngoài để kiểm tra lại một lần nữa . Trong thời gian này Mahmud phát hiện ông đã rời khỏi máy bay khoảng 20 phút. Tức giận hắn gọi loa yêu cầu phía Yemen phải trả lại Schuman nếu không hắn sẽ cho nổ tung máy bay và giết hết tất cả hành khách. Ông Schuman quay lại , Mahmud dùng súng đánh vào mặt ông. Sau những tiếng quát tháo là một tiếng súng nổ, xác ông Schuman đổ vật trên lối đi ngay phía trước đường vào toalet . Sau khi giết Schuman xong, Mahmud nói với các hành khách: Hắn đã muốn bỏ quý vị, tôi đã giết hắn. Đồ đào tẩu!.
Cho đến bây giờ, chính xác là cho đến trước 20h15´ ngày 30-11-2008 nhiều người, kể cả các hành khách trên chiếc" Landshut" hôm đó đều nghĩ rằng Schuman đã định bỏ họ . Nhưng không ai có thể biết trong 20 phút ấy ông Schuman đã làm gì?
Chẳng lẽ CHLB Đức cũng như ông Schuman đã bỏ rơi 86 hành khách?

Ảnh 1 : Ông Schuman
Ảnh 2 : Ông Vietor 1977
Ảnh 3 : Bản đồ bay của "Landshut" khi bị bắt cóc.
Ảnh 4 : Bức ảnh cuối cùng của ông Schuman chụp ở Dubai, nhìn kỹ sẽ thấy có một khẩu súng đang chĩa vào đầu ông.
(các ảnh lấy ở nguồn báo Bild và Spiegel)
KỲ 2 : CHIẾN DỊCH 7 PHÚT

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Được của nó, nhà báo gài cắm lâu năm ở hải ngoại!
Cứ thế nhé!

Nặc danh nói...

Hay! Có thêm những bài như thế này làm cho trang tin của chúng ta phong phú và hấp dẫn hơn. Cảm ơn đ/c việt kiều Tôn Gia Quý.dd9k6.