Thứ Năm, tháng 12 11, 2008

CHIM HN ( phần 3, hết)

TM
Phần 1
Phần 2

Như vậy là các bạn đã cùng tôi lang thang trên vỉa hè HN, ngắm nhìn lũ chim và những tàn lá bốn mùa? Giờ có bạn nào nghĩ rằng “chim HN” kết thúc ở đây thì quả là đáng tiếc HN hào hoa còn dành cả một bầu trời cho lũ “chim quê”, điều này khiến HN càng thêm đa dạng sinh thái và lãng mạn bội phần. Để lạc được vào thế giới đó, các bạn hãy thật khiêm nhường, lắng nghe, cảm nhận và đừng “như chú chuột đã từng ở tỉnh – về chốn quê đủng đỉnh tự kiêu” (Laphongten).

Muốn “cảm” được chim quê, xin mời các bạn hãy đến thăm “đất nước -con người” của Quân Khu tôi trước đã. “Chim quê” sẽ chẳng còn thú vị, nếu thiếu đi “hồn quê” của tình người nhạt nhòa trong đó.

Hồn quê

Hồn quê là cái thuộc về “giá trị phi vật thể”. Hồn quê giữa lòng HN nữa lại càng trừu tượng, mơ hồ!

Để giúp các bạn dễ hình dung, tôi xin phác họa đôi chút về vị trí đặc biệt của “Quân khu Trần Hưng Đạo”, nơi mà đuôi Phố Sấu nối liền với cả một dải bờ sông. Chính nhờ đoạn “nối liền” ấy đã tạo cho QK tôi nét đặc thù riêng. Nó làm nên vẻ nửa tỉnh nửa quê mà các QK khác không dễ gì có được, khiến cái thằng tôi đây, giờ cũng đâm nửa quê nửa tỉnh. Nhờ giời, mình thuộc lại “giỏi toàn diện”, nên hạp cả với kem Bốn mùa Bờ Hồ lẫn bắp nướng ven đê. Tôi thương lũ chim quê sống dựa vào dải đất ven sông Hồng đó.

Thưở ấy, suốt đoạn chân đê từ nhà Bác cổ qua BV Việt Xô tới đoạn cắt Nguyễn Huy Tự (nhà T.Lai) là bãi tập kết những thân gỗ dài của những chiếc bè đưa từ mạn ngược xuôi sông Hồng xuống. Thân đê được đắp bằng đất, phủ đầy cỏ may và cỏ ba lá xanh rờn. Đê chẳng biết có tự bao giờ nhưng với chúng tôi hồi ấy là cao lắm. Đi trên mặt đê bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh hoành tráng sông Hồng. Rất nhiều nắng và gió. Tuyệt!

Dưới chân đê, phía ngoài cho tới tận mép sông là những ruộng rau nhỏ xem lẫn ao hồ. Xa xa chếch về bên phải là hai núi cát khổng lồ mà PH có lần từng kể. Còn bờ sông, chính là bến của các bè gỗ, nứa, ghe thuyền chở cát đá vật tư... Có rất nhiều chuyện ly kỳ của tuổi thơ quanh “quần thể” này. Nhưng nói gì thì nói, bờ đê bằng đất với thảm cỏ xanh thơ mộng ấy lãng mạn đến độ buổi chiều các anh chị lớn thường dắt nhau lên đấy ngắm cảnh và tình tự. Thật tiếc cho bờ đê bêtông bây giờ, trông cứ như tường pháo đài, thô thiển, lạnh lẽo đến vô hồn là vậy.

Phải nói, chính Bờ Sông đã hình thành nên cái tính tưng tửng của bọn QK tôi. Như đã giới thiệu ở trên, dân Phố sấu thích ra sông Hồng lắm, đi chưa tới hai cây số là đã đến bờ sông. Tắm sông là chuyện thường ngày ở huyện, cứ quậy tưng trên bờ với đủ thứ trò nghịch ngợm xong là cả bọn lại lao xuống sông tắm táp, ngâm nước đến tím tái cả người. Mà không tắm cũng không được. Bọn trẻ trốn học thường rủ nhau ra núi cát chơi trò cưỡi ngựa đánh nhau. Những trận thư hùng đó diễn ra rất quyết liệt, từ hai bên núi cát, “ngựa” cõng người lao vào nhau quần thảo nên người chúng tơi tả, ướt đẫm mồ hôi. Bọn người-ngựa này hay lắm, hôm sau vào lớp dốc cặp bọn chúng thế nào cũng có một dòng cát chảy ra.

Núi cát bờ sông như có ma lực hấp dẫn bọn trẻ. Ngay cả trong những cơn lốc cuốn cát mịt mù, quất vào mặt đau rát, đám bạn tôi vẫn thấy ẩn hiện chập chờn bóng hình kim tự tháp bên hàng cây chà là sai trĩu quả với những chú lạc đà dạo bước khoan thai. Chà! Liệu trí tưởng tượng của bọn trẻ trong “thế giới ảo” ngày nay có phong phú hơn lũ trẻ ngày xưa không nhỉ?

Sông Hồng rất lạ, mùa nước cạn, bãi bồi lộ ra, bạn có thể không cần biết bơi mà vẫn lội ra được các cồn cát. Người ta trồng đủ thứ nông sản trên đó, khốn nỗi sản phẩm thứ nào cũng ngọt, cũng ngon. Thật là một thử thách quá lớn với bọn trẻ, khiến chúng khó lòng giữ tròn phẩm hạnh để được làm đứa trẻ ngoan.

Đến mùa lũ về, sông Hồng bỗng trở nên hung hãn lạ thường, dòng nước là một thứ sôcola cuồn cuộn chảy. Lúc này thú đi chơi chính là trèo lên các bè gỗ, nứa trên sông. Bọn nhóc bịt tay vào những cái lỗ người ta đục ra ở đầu cây để buộc dây kéo gỗ, trong ấy có thể có những chú cá, tôm nho nhỏ trú ngụ.

Chơi trên bè thì khoái lắm, gió thổi ù ù, giữa các bè, mảng có những khoảng trống khá to. Đây chính là loại hồ bơi tự nhiên miễn phí. Bọn nhóc phố tôi đều bơi rất khá nhờ bài học đầu tiên từ những “hồ” này. Thực ra khi nước chảy xiết, bơi ở đây rất nguy hiểm vì khi bạn ham lặn, nước đưa người cuốn vào gầm bè là hết đường ngoi lên. Người lớn thường cảnh báo bọn trẻ như vậy, nhưng tôi thấy chúng vẫn sống nhăn mới lạ! Sau này lớn hơn một chút, cánh anh em nhà Hùng còn có thêm mục vớt những cây nứa tuột khỏi bè trôi trên sông, kiếm ít hào cải thiện. Mấy anh “thanh niên” này đứng trên bờ sông chỉ chỏ, xí phấn cây này của tao, cây kia của mày; thế là: Ùm, ùm, chúng phóng xuống sông, lôi cây nứa vào quên cả dòng nước đang chảy xiết, có lúc người bị cuốn đi xa cả hàng trăm mét.

Mùa nước ngập sông Hồng rất thú, lúc này nước tràn vào đến tận chân đê phía ngoài, bạn có thể đi trên các bãi gỗ thả mồi câu cá, mà phần nhiều lại là cá nuôi từ các ao bị ngập chạy ra. Cũng trên chính những bãi gỗ này, vào “mùa khô” bạn vẫn có thể câu nhưng mà là câu nhái, bọn nhái ở đây rất nhiều và mập. Nhưng mà thôi, sa vào đề tài bất tận này thì “khó ra” lắm. Khổ! Bạn càng muốn chi tiết hóa bao nhiêu thì lại càng cảm thấy chưa đủ bấy nhiêu.

Lúc đi chơi, bọn trẻ phải đi bộ nhưng khi về lại có “taxi”. Đó là trò bám đít xe bò chở cát. Tiếng vó bò đóng móng sắt gõ lách cách trên đường. Tất nhiên đáp Taxi loại này phải hết sức cảnh giác nếu không muốn bị ăn roi của mấy lão đánh xe bò.

Chim quê (chim đất)

“Chim quê”. Hai từ này nghe lạ nhỉ? Lạ cũng phải thôi, vì nó là do tôi khịa ra cho dễ phân biệt chứ trên đời này làm gì có “chim quê” với “chim tỉnh”! Khác với những loài “chim tỉnh” chuyên sống ở trên cây dọc các phố phường HN. Lần này tôi sẽ nói về loài “chim quê”, chúng sống bám vào mặt đất cần mẫn kiếm ăn như đời người nông dân lam lũ.

Chim chiền chiện (Sơn ca)

Hồi học Trỗi, anh em ta đều đã được biết đến tên loài chim này qua bài thơ “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung? Đó là một loài chim quê đặc sệt, lớn hơn chim sẻ một chút, có đôi chân dài mảnh khảnh chạy rất nhanh, lông chúng màu cỏ úa điểm sọc đen. Dân miền Trung và miền Nam gọi nó với cái tên dân dã là chiền chiện, còn ngoài Bắc, nhiều nơi lại kêu là chim sơn ca - một cái tên đài các, thậm chí còn hơi “Tây” nữa. Thôi thì thời buổi hội nhập, tôi xin dùng “sơn ca” cho nó oai vì có “yếu tố ngoại” trong đó.

Chim SC sống nhiều ở bờ đê sông Hồng, chúng chạy lúp xúp, ẩn hiện trên triền đê tìm kiếm các loại sâu bọ và hạt cỏ rơi. Khi chúng đứng lại, các bạn rất khó phát hiện nhờ màu lông ngụy trang của nó. SC có giọng hót hay, điều đó quá rõ nhưng sự độc đáo không phải là ở đấy mà cách nó hót kia. Thật khó so sánh, có thể tựa như giọng hát của một ca sĩ phải đi kèm với phong cách biểu diễn độc đáo mới làm nên thành công. Tôi đã “dày công” quan sát nhiều loài chim, nhưng chưa từng thấy loài chim nào phô diễn giọng hót trên không như SC. SC hót khi đang bay, mà hót say sưa đến say đắm lòng người. Các loài chim khác khi bay chỉ có thể vừa bay vừa kêu quang quác nghe phát khiếp chứ không thể nào hót được. SC hót, đó chính là thứ nghệ thuật đích thực, tinh túy, đậm nét chân quê.

Tiếng Chim SC trong vắt phải chăng vì nó chẳng bợn bụi bặm chốn thị thành? Thực ra nó cũng chẳng thèm bay vào phố; thế giới của nó phải có thật nhiều mây, gió, với ánh nắng chan hòa. Thế giới của hương đồng cỏ nội... Nó bay xoắn ốc lên thật cao, cất tiếng hót là một chuỗi âm thanh ngân dài như để tận hưởng, ngắm nhìn quê hương, thế giới của mình một cách đầy hứng khởi rồi gập cánh từ từ rơi xuống theo chiều thẳng đứng. Tôi chưa thấy loài chim nào có cách hót duyên dáng và bình dị như thế. Tiếng hót ngân vang, âm thanh quấn quýt rồi xoắn xuýt trộn lẫn với khí trời. Các bạn có biết? SC còn có thêm cái tên cực kỳ hình tượng là chim “thăng ca”, tức vừa bay lên vừa hót đấy!

Sẽ chẳng là xa xỉ, nếu các bạn thử một lần, tạm quên đống giấy tờ chết tiệt, đưa vợ và lũ trẻ đến một bờ đê xa xa ... trong ánh bình minh vừa rạng, không gian còn ẩm ướt hơi sương. Chúng ta có thể ngắm nhìn từng chú SC thi nhau bắn vọt lên bầu trời cất tiếng ca lanh lảnh. Bạn sẽ ngạc nhiên sững sờ đến mê hoặc bởi sự kỳ diệu cùa thiên nhiên... Để rồi trong lòng ai đó, bỗng thoáng chút ghen tỵ - cái ghen tỵ của cánh kỹ sư, tiến sĩ với đám mục đồng ngồi thổi sáo lưng trâu!

Chim chìa vôi (CCV)

Lại thêm một loài chim quê nữa. Chim chìa vôi thì có đến hàng chục loại. Nó đa dạng và biến hóa đến mức nhiều người còn kêu lộn nó với chim chích chòe lửa và chích chòe than . Vấn đề trở nên phức tạp hơn, khi mấy anh nhà văn khoe học vấn bắng cách gọi chim Chrao (Đrao) Tây nguyên là chim chìa vôi, thực ra cái anh Chrao chính là chích chòe than dưới xuôi. Chuyện này cũng rối rắm như anh em mình đã từng cãi nhau rất hăng về cây knia của HB, nhưng cụ thể nó là cây gì dưới ta thì ...tịt!

Theo cách phân loại của tôi thì CCV cũng là chim đất, loài này thường kiếm ăn ở các ruộng rau ven đê, chúng chạy len lỏi giữa đám xu hào bắp cải ... bắt sâu bọ. Bọn này màu xanh đen sọc trắng, chúng như đứa trẻ hiếu động hầu như không lúc nào chịu đứng yên, cái đuôi liên tục nhịp lên xuống rất vui dù chúng chẳng thèm khoe giọng hót. Bọn trẻ săn chim thường phải căn me, rê dường ngắm theo chim, khi chúng vừa tạm dừng lại là bóp cò, nếu không bạn rất khó bắn trúng nó. Hồi ĐHQS có những đêm đông, CCV bay từng đàn về ngủ trên những cây xà cừ, báo hại tôi với Khánh bò, Chấn Định, Hải cò... lại phải lôi súng hơi đèn pin ra “tác nghiệp”. Thịt CCV nấu với mì thanh, lính Trỗi tranh nhau sì sụp mà đến tận hôm nay vị ngọt như vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.

Chim đất bờ đê còn có cả bọn cu cườm, vì chúng quá ít, không mang tính đại diện nên tôi không đưa vào đây. Bọn tôi rất thích loại chim hiền lành này, đến mức chỉ nghe tiếng gáy có thể biết chúng đang đậu ở tầm cao nào của thân cây. Lạ nhỉ ! Chim chóc nó cũng như người. Buổi sáng, khi đậu trên đỉnh ngọn cây cao (nhất là những cành khô), tầm nhìn rộng mỡ, chúng thấy tâm hồn thơ thới, tiếng gáy cứ cao vút, ngân vang chứ không trầm đục như buổi trưa hè phải chui vào giữa tàn cây tránh nắng.

Chim én

Đây cũng là loài chim quê HN, mặc dù chúng sống chẳng dựa vào đất, nước, cây cối như các loài khác. Vậy môi trường sống chính của chúng là đâu? Cũng là đặc biệt nếu tôi nói rằng chúng sống được là nhờ bầu trời. Chúng không biết ăn trái cây, không biết mổ hạt, không biết bắt cá nhưng chúng vẫn sống yêu đời với cái mỏ dẹp, hình tam giác rất mềm. Đa số thời gian chúng chao liệng trên trời, chẳng phải vì chúng rỗi hơi, khoái bay lượn hay dư thừa năng lượng mà đó chính là cách chúng đang kiếm ăn từ... khí trời! Trong tự nhiên có những loài như vậy, chúng vừa bay vừa “vợt” bọn chuồn chuồn, ruồi, muỗi trong không trung. Vậy đấy, nếu yêu thích và chịu để ý quan sát một chút các bạn sẽ phát hiện ra khối chuyện lạ hay hay mà cứ tưởng chừng mình đã biết.

Lại nói chuyện dính chim kiểu Quý nhẽo, thường dân Bắc hay gắn những cái que tẩm nhựa trên cành cây, khi con chim vỗ cánh bị dính vào, thế là “đứt”. Đó chỉ là cách bẫy “dính chim thụ động”. Trong này ở Định Quán (Đông NB), trong lần đi bắn, tôi đã gặp một “kỳ nhân” có thể “dính chim chủ động”. Đó là một thằng oắt, có cái lều con con ngụy trang trong ruộng mía. Hắn nhờ chúng tôi phụ dựng lên một cây tre khô khá cao cạnh mái lều, đoạn nó lôi trong túi ra hai con chim én đã bị khâu tịt mắt. Con én mồi được gắn vào mấy cái nhánh trên ngọn tre. Tụi chim én bay trên trời thấy đồng bọn lập tức là sà xuống đậu vào để “tâm sự”. Chỉ đợi có thế, ông con nấp trong lều, dùng một cây sào dài đầu buộc cái que nhỏ có phết keo. Hắn từ từ đưa đầu que vào sát cánh chim, chim giật mình vỗ cánh là bị dính ngay, nó cứ tà tà lôi từng chú xuống cho vào lồng. Cũng lạ, tụi én ngu lâu, cứ 5-10 phút lại một lầ đáp xuống, ông con cứ chơi trò “dính ve sầu” mà được cả lồng đầy chim, mang ra chợ bán cho người đi chùa mua để phóng sanh!

Ngày bé bọn tôi hay ra bờ đê ngắm bọn chim ém bay lượn và đậu thành đàn trên hàng dây điện ngang với mặt đê. Tôi nhớ một họa sĩ ( chắc không phải TLiêm ) đã cảm tác, vẽ một bức tranh rất hay với tựa đề “giai điệu mùa xuân”. Trong đó hàng dây điện là cái khuông nhạc và lũ én được cách điệu thành những nốt nhạc vui. Có một triết gia (chắc thạo nghề chai lọ), đã từng cảm thán mà rằng: “Một cánh én không làm nên mùa xuân nhưng một đĩa én có thể làm nên ...bữa nhậu”. Thật ấn tượng và cảm động!
Liên kết
Đất lành chim đậu

Suy gẫm là thứ bệnh mà cánh già gàn dở thường mắc phải. Nó cũng vận vào tôi như nỗi ưu tư về số phận của lũ chim trời. Tôi có hoang tưởng không, khi mơ về một Hồ Tây rợp bóng sâm cầm, phố phường rộn tiếng chim ca với những hàng cây xanh ngắt?

Trong Nam, tôi đã đến thăm một số tràm chim, nhưng chắc không nơi đâu có “lợi thế cạnh tranh” bằng “tràm chim” Lò Đúc. Liệu ai có thể hình dung nổi, giữa thủ đô một nước, bên dưới là đường nhựa, nhà cửa san sát, xe cộ như nêm mà bên trên lại là vương quốc của những loài chim hoang dã? Trộm nghĩ. Thành phố chỉ cần chặn con phố ấy lại, đưa ra “chính sách” thích hợp mời gọi lũ chim về, bán vé cho du khách vào thăm. Dân Lò Đúc sẽ chẳng việc gì phải bán cơm, bán phở mưu sinh cho khổ. Cứ rước khách vào nhà tolet rồi mời họ lên lầu, ra ban công uống cafe, ngồi rung đùi ngắm chim VN cho sướng. Tài nguyên đấy! Tiềm năng đấy! Buồn! Thấy đồng đôla thập thò trong túi du khách chỉ việc lôi ra mà cũng không xong. Tiếc! “Cái âu cũng là cái liễn”, khác chăng chỉ một cách làm!

Khúc du ca rồi cũng đến hồi kết thúc. Tôi đã mượn cánh chim trời đưa các bạn đáo về quá khứ trong “chuyến du hành ngược thời gian”. Các bạn đã gặp lại tuổi thơ, được sống với HN trong những ngày yên bình và thơ mộng nhất. Quá khứ mơ màng, nhẹ nhàng tựa áng mây trôi như nhắc bảo với chúng ta rằng: Hãy biết nâng niu, trân trọng những gì chúng ta đang có. Bởi Hiện tại cũng chính là qúa khứ của tương lai!
(Ảnh được sưu tầm trên mạng, bản quyền ảnh là của các trang chứa nó)

11 nhận xét:

N.TV nói...

Hồi đấy hay đi với hội "nông cồ" (theo cách gọi của TM)săn chuột và bẫy chim . Nhưng thường thì những que nhựa (chủ yếu là nhựa sung nấu lên) chỉ ngắn bằng que kem hoặc dài hơn thì bằng kim đan và cắm ở bờ ruộng . Sau đó buộc chim mồi vào và chim mồi hót lảnh lót, dụ bọn đang bay trên trời . Chim mồi không hề bị khâu mắt.
Thằng bạn "nông cồ" thân nhất của tôi ,có một con chó săn chuột tuyệt vời. Thằng này vô cùng tình nghĩa , trước khi đi B nó lặn lội lên tận trường Vĩnh Yên để đưa cho tôi một gói mỳ chính vì nghĩ rằng học nhiều thì phải ăn mỳ chính.
Cứ nghĩ đến con chó của thằng này là không muốn ăn thịt chó nhưng lâu lâu lại quên.

HữuThành.Nguyễn nói...

Bỗng dưng muốn ... xấu hổ. Vì hai năm trước đây còn "dậy" TM viết bài như thế nào.

dathb136 nói...

Anh TM nhắc đến chuyện bơi ở sông Hồng.Lại nhớ hồi đó mỗi kỳ nghỉ hè lại lội bộ ra sông Hồng tắm .Từ phố LND ra sông thật xa!Leo lên các bè nứa là nhảy tùm xuống nước.Cứ thế cho hết buổi chiều lại cuốc bộ về.Tắm cho đến khi nước lũ về thì thôi.Đúng như anh nói,không cẩn thận khi lặn,nước nó cuốn vào đáy bè chết đuối như chơi.

LêThanh nói...

Đọc bài của bác TM mà thấy buồn. "Chim Hà nội" là ngày xưa ơi, xưa lắm rồi. Còn bấy giờ " đất không lành đất nhậu cả chim ".

AK7 nói...

@Pác TM:Có điều em chưa chịu đoạn nói về chim Sơn ca (Chiền chiện).
Là con chim này khi bay lên thật cao,lúc thả mình rơi xuống mới là lúc nó cất tiếng hót.Chim Sơn ca ở vùng Quảng ninh là đc ưa chuộng hơn cả.

Dân chơi chim đánh giá theo thứ tự(tiếng hót) và cách chơi(đẳng cấp):1/chim Yến.2/Sơn ca.3/Khoen.4/Cu...Rồi mới đến các loại khác.Xin lỗi pác nếu thằng em có j sai.

ĐN.K7 nói...

Mấy bài về chim ở Hà nội thuở xưa của bác TM quả hấp dẫn và anh Thành khen nhau khóa các anh cực khéo.
Hồi nhỏ ở HN bọn em hay bẫy chim sâu bằng cái lồng tre hai ngăn với một con chim mồi. Chim sâu ngày ấy cũng là một loại chim rất riêng của HN.

Nặc danh nói...

- AK7:Tớ chưa chơi chim bao giờ nên không dám phát biểu. Lúc bé chỉ thấy nó hót rất hay lúc đang lơ lửng trên trời thôi.
TM

Nặc danh nói...

Nói chuyện chim là "đụng ổ" AK7 rồi. Tay này gần như chuyên nghiệp về "bộ môn" cá chậu, chim lồng (chỉ hiểu theo nghĩa đen của từ này).
HCQuang

Nặc danh nói...

Tuy ở MN nhưng mình vẫn biết tên dân dã của phố Lò Đúc là " Phố Cò Ỉa " .Biết vì ngày xửa ngày xưa mình có cô Bạn ở đó .
..." Trộm nghĩ. Thành phố chỉ cần chặn con phố ấy lại, đưa ra “chính sách” thích hợp mời gọi lũ chim về, bán vé cho du khách vào thăm. Dân Lò Đúc sẽ chẳng việc gì phải bán cơm, bán phở mưu sinh cho khổ. Cứ rước khách vào nhà tolet rồi mời họ lên lầu, ra ban công uống cafe, ngồi rung đùi ngắm chim VN cho sướng. Tài nguyên đấy! Tiềm năng đấy! Buồn! Thấy đồng đôla thập thò trong túi du khách chỉ việc lôi ra mà cũng không xong. Tiếc! “Cái âu cũng là cái liễn”, khác chăng chỉ một cách làm!"
lúc đó giống các bác xe ôm , mỗi nhà phải sắm sẵn chục cái nón bảo hiểm có mặt kiếng để phục vụ thượng đế .He He !
TT

Nặc danh nói...

-@TT: Thực ra ý tưởng trên cũng có thể là một "dự án". Dự án có tính khả thi cao vì nó đã được kiểm chứng trong quá khứ. Cái khó nhất hiện nay lại là chuyện Con người. Họ thích "liếm mép" hơn "gạt lệ" khi khi nghĩ về tương lai lũ chim HN.
TM

DH nói...

Kể về chim HN nhưng cũng chính là kể về ký ức tuổi thơ HN, cám ơn bác TM đã có bài viết thật tuyệt. Em để ý thấy bây giờ chim sâu và chim chào mào ở HN cũng còn nhiều đấy, may mà cấm bắn chim nên dạo phố vẫn còn được nghe chim hót.