(Tiếp theo)
Phần 2 : CHIẾN DỊCH 7 PHÚT
Sau sự kiện các vận động viên Do Thái bị bắt cóc và giết chết ở làng Olympich München năm 1972, thượng úy Ulrich Wagener được giao nhiệm vụ thành lập một đội đặc nhiệm để giải quyết và đối phó với các cuộc khủng hoảng tương tự. Nó có tên gọi là GSG-9 và còn tồn tại đến ngày nay.
Trong 5 năm từ 1972- 1977- ông Wagener , năm nay đã 79 tuổi, nhớ lại - chúng tôi đã đi dọc ngang đất nước, luyện tập rất nhiều trên tất cả các phương tiện , kể cả máy bay nữa. Tuy nhiên nhiệm vụ thì không có gì đặc biệt. Chỉ là truy đuổi bọn cướp xe chở tiền , phá khóa đột nhập vào hang ổ bọn tội phạm, bảo vệ , canh gác.. . Ông cười và nói thêm : Chúng tôi trở thành những người mở khóa nhanh nhất Cộng hòa. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì sẽ chẳng có ai biết đến GSG-9 nếu như không có vụ cướp máy bay vào ngày 13-10-1977 hay chính xác hơn là đến khi đích thân thủ tứơng Helmut Schmidt gặp ông Wegener và nói : Wegener, chúng tôi cần ông.
Trước khi vụ bắt cóc "Landshut" xảy ra, ông Schmidt đã phải chịu áp lực rất lớn. Vụ bắt cóc ông Schleyer đã được 6 tuần. Ông lại kiên quyết không đàm phán với RAF. Việc điều tra dậm chân tại chỗ. Tiếp đến là vụ bắt cóc máy bay này. Điều kiện của RAF và nhóm bắt cóc máy bay hoàn toàn giống nhau : Phải thả ngay các tù nhân RAF! Nếu không thì ông Schleyer và toàn bộ hành khách trên "Landshut " sẽ chết !. RAF và những kẻ cướp máy bay đã dồn ông Schmidt đến chân tường và dẫn ông đến quyết định phải hạ lệnh giải cứu con tin trên "Landshut".
Quyết định là quyết định thế , nhưng thực hiện được thật không đơn giản chút nào. Thứ nhất ,không biết rồi " Landshut "sẽ đỗ ở đâu ? hơn nữa ở khu vực này nhiều quốc gia tỏ ra không muốn hợp tác với CHLB Đức trong cuộc khủng hoảng này. Thứ nữa nếu có hợp tác thì việc thuyết phục nước chủ nhà để đưa được đội đặc nhiệm vào hoàn toàn không là điều đơn giản . v v và v v...Rõ ràng là vụ việc đầu tiên phải giải quyết là ngoại giao. Ông Schmidt đã giao cho ông Hans-Jurgen Wischnewski chỉ huy chiến dịch này.
Ông Wischnewski không những là một chuyên gia rất am tường về Trung đông mà ở khu vực này và châu Phi ông còn có những mối quan hệ rất thân tình và đặc biệt với những nhân vật quan trọng. Hồi ấy ông là bí thư nhà nước phụ trách cơ quan giải quyết các khủng hoảng.
Nếu như nhìn vào bản đồ bay của "Landshut" (ở phần 1) tại Dubai ta sẽ đọc thấy giòng chữ :14-10 : 3h45´ sân bay Dubai không cho hạ cánh. 5h 51´ hạ cánh bắt buộc. Lưu lại 54 tiếng. 16-10: 12 h 19´ cất cánh không rõ đi đâu.
Chính tại đây ông Wischnewski và ông Wegener đã định ra tay. Tuy vậy nhà cầm quyền Dubai nhất quyết không đồng ý. Họ lấy lý do rằng mang vũ khí từ nước ngoài vào nước họ là trái với truyền thống và động chạm đến lòng tự hào dân tộc của họ . Sau nhiều thời gian thuyết phục không thành , hai ông đành ngậm ngùi nhìn phía Dubai nạp nhiên liệu và đuổi "Landshut" . Và không ai biết nó sẽ đi đâu?
Lại nói chuyện trên máy bay, sau khi đã bắn chết cơ trưởng Schuman , Mahmud bắt ông Vietor phải ngồi vào ghế lái chính. Lúc đó do hạ cánh khẩn cấp xuống đường băng phụ ở Aden , chiếc máy bay đã bị hỏng hệ thống tự động chữa cháy động cơ, thời tiết lại rất xấu. Cô Gabi nhớ lại : Thực sự Vietor đã cứu chúng tôi. Việc cùng với Schuman hạ cánh xuống đường băng phụ ở Aden và bay "mù" trong điều kiện thời tiết rất khủng khiếp đến Mogadischu đối với ngành hàng không hiện nay vẫn là 1 kỳ tích!.
Đúng vậy nơi dừng chân cuối cùng của "Landshut" là Mogadischu. Hồi ấy phương tiện truyền thông không như bây giờ. Tất cả mọi người trên "Landshut" đều không một ai biết rằng cách đó đúng 1 tuần Somalia đã chính thức yêu cầu tất cả các cố vấn và chuyên gia Liên Xô về nước và coi như đã cắt đứt quan hệ với Liên Xô.
Và chính lần này ông Wischnewski và ông Wegener đã gặp may. Người phiên dịch của ông Wischnewski nhớ lại : Khi đến Somalia ông ấy không muốn mất một chút thời gian nào nữa. Vừa xuống máy bay là ông ta đã tìm cách gặp tổng thống ngay. Tôi hỏi : Ông có muốn ăn 1 chút gì không? Ông ấy trả lời : Anh nghĩ rằng tôi còn có thể ăn được hay sao?
Cuối cùng thì tổng thống cũng đồng ý cho phép giải cứu tại Mogadischu . Nhưng phía Somalia nhất quyết đòi được tự mình làm.
Ông Wegener kể : Tôi cứ gặng hỏi : Các ông làm thế nào ? Một viên tướng đã chỉ huy quân lính diễn tập , họ mang cả dàn giáo và thang để trèo lên máy bay . Nhưng ngay cả khi người lính đã đứng vững trên giàn giáo vẫn không thể nào mở nổi cánh cửa. Tôi đã gọi người giỏi nhất của chúng tôi ra biểu diễn. Anh này trèo lên máy bay không cần thang và dùng tay trái để mở cửa. Tất cả bọn họ cứ thế há hết cả mồm. Tôi lại hứa với viên tướng rằng hai bên sẽ cùng phối hợp.
Nhưng phía Somalia không hề biết rằng ngay từ khi nhận nhiệm vụ, khi đọc hồ sơ của chiếc máy bay bị bắt cóc , bắt đầu đến khi đọc số máy thì ông Wegener đã rất sửng sốt nhận ra chính trên chiếc máy bay này đội đặc nhiệm đã được luyện tập.
Và cuối cùng ông Wegener đã được toại nguyện . Vấn đề bây giờ chỉ còn là phải câu giờ để đợi đội đặc nhiệm đến nơi và đợi trời tối.
Tại Mogadischu thông điệp của bọn cướp máy bay đã tỏ ra rất quyết liệt : phải mang các tù nhân RAF đến Mogadischu để trao trả và không được lần lữa nữa ! Đây là lần cuối cùng!.
Khi gần đến giờ hẹn, lúc đầu thì lấy lý do là để dọn dẹp xung quanh , tránh cháy nổ ra các vùng lân cận, và đến sát giờ hẹn thì phía mặt đất thông báo lên máy bay : CHLB Đức đã chấp nhận tất cả các yêu sách , các tù nhân R A F sẽ được mang đến Mogadischu , tuy nhiên phải có thời gian, vì thời gian bay ít nhất phải mất 8 tiếng.
Lúc nhận được tin này cả hành khách lẫn không tặc đều mừng rỡ . Mahmud cho gỡ tất cả thuốc nổ gắn trên máy bay.
Khoảng 12 h đêm, đột nhiên phía Somalia cho nổi một đống lửa rất to ở phía đầu máy bay để đánh lạc hướng . Đội đặc nhiệm tiến lại từ phía đuôi máy bay, và khi mở được cửa , đúng lúc bọn cướp máy bay chưa kịp định thần thì GSG-9 đã nổ súng . Mahmud bị hai phát đạn 9mm chết ở trong buồng lái , một nam và một nữ còn lại thì bị hàng băng đạn vào người cũng chết ngay. Duy chỉ còn một nữ không tặc có biệt danh là "con béo" mặc dù cũng dính rất nhiều đạn nhưng không chết. ( Ông Wegener baỏ : nếu như bằng đầu đạn bây giờ thì cô ta cũng không thể nào sống được).
Cuộc giải cứu kết thúc thắng lợi vào 0h05` ngày 18-10-1977. Toàn bộ chiến dịch diễn ra trong đúng 7 phút.
Ngay sau khi kết thúc chiến dịch, ông Wischnewski baó cáo với ông Helmut Schmidt :
- Nhiệm vụ đã hoàn tất , tất cả các con tin đều nguyên vẹn.
- Tôi muốn nói chuyện với ông Wegener.
Khi Wegener cầm ống nghe thì ông Schmidt đã dàn dụa nước mắt :
- Đại úy Wegener, tôi xin cảm ơn ông .
- Thưa thủ tướng , tôi cũng xin cảm ơn ngài , nhưng tôi là thượng úy chứ không phải đại úy !
- Wegener, đại úy là hoàn toàn chính xác . Tôi đã đề nghị rồi.
Đây đúng là cách đối thoại của những người đàn ông rất kiệm lời.
Vào tối ngày 18 rạng ngày 19-10 những kẻ bắt cóc ở Đức đã giết chết ông Schleyer, ngày 19-10 người ta đã tìm thấy xác của ông trong một cốp xe hơi ở Mulhouse .
Rạng ngày 19-10 ba tù nhân RAF : Andread Baader, Gudrun Ensslin, Jan-Carl Raspe đã tự sát trong nhà tù Stuttgart-Stammheim . Đây là những cái tên được nhóm bắt cóc "Landshut" nêu đích danh đòi trao trả.
Những sự việc này đã làm cho CHLB Đức chìm vào một cuộc khủng hoảng . Có nhiều vấn đề cho đến bây giờ người ta vẫn còn day dứt và tranh luận.
Ảnh 1: Ông Wegener (ngoài cùng trái) và GSG-9. Ảnh chụp 1979. Lúc này GSG-9 đã nổi tiếng.
Ảnh 2 : Không tặc "con béo" duy nhất sống sót. Bức ảnh chụp khi cáng vừa từ trong máy bay ra . Cô ta giơ cao bàn tay có các ngón tay làm chữ V và miệng hô to : Kill me !
(Ảnh lấy ở nguồn báo Bild)
PHẦN 3 :HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI VỢ GÓA VÀ BỘ PHIM TRI ÂN
Thứ Ba, tháng 12 09, 2008
Thảm kịch ở Aden và câu chuyện Mogadischu
Gửi bởi N.TV lúc Thứ Ba, tháng 12 09, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét