Thứ Bảy, tháng 11 15, 2008

CHIM HN ( tiếp)

(Tiếp phần 1)

Thực tình đến giờ tôi vẫn nể mấy ông Tây thuộc địa, họ rất chuyên nghiệp trong việc họ quy hoạch, phân bổ từng loại cây trên đường phố HN. Dường như khi trồng, họ đã nghiên cứu trồng xen kẽ những loại cây có trái ăn được, làm thức ăn cho lũ chim yêu quý của tôi. Nhờ vậy mà mỗi con phố đều có bản sắc riêng. Chả bù thời nay, cây cối trồng cứ loạn cả lên y như chuyện đánh số nhà vậy.

Đấy là chuyện con người, còn trong tự nhiên sự “phân bổ” mới là độc đáo. Tại sao mỗi loại cây chỉ “đi” với một vài loài chim? Do thức ăn? Không hẳn , bọn cò , vạc thì “ăn” gì ở cây sao đen?

Cây hoa sữa đầy mơ mộng của các bạn , thơm là thế sao không con chim nào đến ngửi? Nói chung toàn những chuyện “rằng- thì- mà - là...”. Với lại cuộc đời mình có đủ dài đâu để tìm lời giải thích ?

Thôi thì cứ viết tiếp những gì mình biết.

Cây xà cừ

Cây xà cừ có gì lạ ? Có đấy . Cây này thì quá quen thuộc với dân HN và cả SG . Đây là một loại cây to , tán rộng , lá rậm cả bốn mùa, dù rằng mùa đông lá bị rụng khá nhiều. Cây xà cừ to thế mà lại không có rễ cọc, trồng ở chỗ trống, nếu gặp bão, mưa dầm ướt đất, cây vẫn có thể bị bật gốc lăn kềnh ra như thường, vì thế người ta phải cưa cành chống bão . Ở HN người ta chỉ cưa tỉa nên cây vẫn phong độ,xanh um. Còn SG, chán chết, nhìn hàng xà cừ đường Tôn Đức Thắng , ngay cổng Ba Son mà xót cả ruột. Cây cao, to đẹp là thế mà giờ trông cứ như cái gạc nai với tí lá . Ý đồ làm thịt cây trở nên lộ liễu đến thô bạo.

Ở Hn , phố nào trồng xà cừ thường là sạch sẽ, khang trang. Ngày ấy Hn còn ít người , đi chơi dưới hàng xà cừ rất thú vị. Ta như quên ngay ngòai trời đang nắng, với cảm giác khoáng đãng, trong lành . Suốt dọc phố xà cừ, từ vườn hoa hoa Tao Đàn đến vườn hoa Patster cũng là nơi bọn tôi thường lui tới.

Vào mùa đông , những ngày rét đậm, tụi vạc hay ngụ dưới những tán lá xà cừ như chiếc dù che . Bọn vạc này là ở “quê” về, tạm trú chứ không phải vạc LĐ có nhà cửa (tổ) đàng hoàng. Như tôi đã nói , số bọn vạc là cơ cực. Sau một đêm lặn lội, mò mẫm kiếm ăn, mà lại là ăn trộm trên chính cánh đồng của mình đã gán cho cò mới khổ, mờ sáng chúng bay về, chui vào vòm cây xà cừ gật gà tìm giấc ngủ. Chúng nào biết được chữ ngờ! Cây xà cừ thì thấp hơn cây sao, lại ở phố vắng người, dân chuyên nghiệp chỉ cần lượn xe quanh phố, thoáng nhìn dấu “vôi” dưới đất là biết ngay có lũ vạc trên đầu. Khi bị phát hiện, cuộc đời chúng coi như đã cáo chung.

... Nhân chứng sống ở HN thời ấy bây giờ còn ai ? Các bạn hãy chịu khó đến gặp “người cao tuổi” V.Hùng K4. Rồi các bạn sẽ biết bằng cách nào người ta “khều” được những con vạc to đùng từ ngọn cây xà cừ xuống, chỉ với mấy viên đạn súng hơi nhỏ xíu như hạt đậu xanh. Tất nhiên các bạn trẻ cần đến sớm, kẻo vài năm nữa, cũng như tôi, “lão” bắt đầu lẫn, hỏi chuyện vạc lão lại say sưa kể chuyện cò .

Còn điều này nữa. Trên các đầu cành cây xà cừ bị cưa cụt ở tầm thấp, nhiều khi rất thấp, thường có những đùm lá quấn lại với nhau, tạo thành một cái mái nhỏ che mưa, nắng . Bọn dơi ngựa ( dơi sen MN) lông nâu hung vàng, bám thành chùm để ngủ. Khi bay, có dơi mẹ còn đeo dưới ngực chú dơi con như máy bay đeo thùng dầu phụ. Loại dơi này to hơn dơi muỗi nhiều , chuyên ăn trái cây. Tuy chúng nhỏ hơn dơi quạ trong Nam nhưng thịt nó giờ cũng là đặc sản và còn được coi như vị thuốc quý …

Cây xà cừ có gì nữa nhỉ? Cây xà cừ có rất nhiều ve sầu so với các loại cây khác. Ai mà biết được tại sao! Hay cây này có nhựa “ngọt” hơn chăng? Chắc nhờ hút loại nhựa xà cừ mà ve ta có thể kêu ra rả suốt ngày không hề...khản giọng. Tiếng ve Hn gắn với bao hoài niệm tuổi thơ. Tối tối tụi nhỏ hay đi vòng quanh các gốc cây, soi đèn tự chế bằng ống bơ để bắt ve( ấu trùng), đem về thả vào màn chờ lột xác . Sáng ra chúng sẽ có những chú ve trưởng thành cứng cáp để chơi và khoe với đám bạn bè . Điều này chắc ít ai biết , lũ ve non ấy đem nướng lên thì thôi rồi , tuyệt hảo . Thơm, ngọt, béo, bùi - Đệ nhất côn trùng chính là đây !

Cây sấu

Lại nói về “Q.khu Trần Hưng Đạo”. Vào giai đoạn “Tiền Trỗi” tình trạng cát cứ ở Hn của các nhóc là khá phổ biến . QK này có bản doanh kéo dài suốt từ đoạn Phan Châu Trinh cắt THĐ cho tới tận sông Hồng . Tất nhiên địa bàn ảnh hưởng và hoạt động của QK còn lan sang cả các vùng phụ cận.

Nhà tôi ( trước khi chuyển về phố cơm nguội), Quý nhẽo, V. Hùng và mấy thằng bạn bên VNTTX đều nằm ở đoạn phố sấu QK này. Vừa bước chân ra khỏi nhà , ngước mắt lên là đã đắm chìm trong màu xanh của sấu. Như vậy khỏi nói, các bạn hẳn thấy bọn tôi “nặng tình” với cây sấu cỡ nào? Bốn mùa lũ trẻ gắn bó với cây sấu, từ lúc lá sấu còn non đến khi trái đã chín vàng. Hoa sấu nở trắng đầu cành như chùm hoa nhãn, gió đưa rụng lấm tấm trên mái tóc trẻ thơ.

Bọn trẻ phố tôi chén sấu từ lúc chúng còn non, quả bằng mút đũa. Thực ra sấu non rất thơm, không hạt và không chua gắt như khi về già. Giã hoặc thái ra , ngâm nước mắm đường, thêm chút ớt tươi cũng có cái thú của nó ...Sấu non mà chấm muối ớt hay quẹt mắm ruốc cũng qua vụ “giáp hạt” chờ ngày sấu chín. Mùi thơm hoang dã của trái sấu rất lạ, dễ làm người ta nhớ lại chuyện xưa.

Vào thu, mùa thu hoạch sấu xanh. Đó là lúc các “thầu sấu” làm việc. Họ trèo lên cây dùng móc hái sấu bỏ vào bị, trái nào rớt xuống sẽ là chiến lợi phẩm của bọn trẻ con. Những ngày này là ngày hội của bọn trẻ phố tôi. Nhìn bọn nhóc tranh cướp sấu rất vui , cuộc sống thanh đạm của cán bộ ta lúc này sẽ có thêm món sấu dầm rau muống luộc, làm bữa cơm gia đình thêm ấm cúng.

Dân phố sấu rất dễ phân biệt . Đứa nào cũng có súng cao su ( SCS) đút túi kèm theo mấy viên sỏi, túi quần bọn trẻ hay bị thủng là vì thế , mắt chúng luôn dáo dác dòm ngó trên cây. Do đặc điềm “ vũ trang toàn dân” của phố tôi như vậy nên cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Phải nói tụi con gái phố sấu tuy bé tí nhưng rất khôn, chúng hay nỉ non ngon ngọt gì đó vào tai các hiệp sĩ, thế là các chàng móc ngay SCS bắn sấu rớt rào rào. Đời là thế, mình “săn bắn” chịu bao nhiêu tai tiếng với phụ huynh, chòm xóm, còn chúng thì ung dung“ hái lượm”, bê ngay rổ sấu biến vô nhà. Có người còn thấy chúng tụ bạ, rúc ríc trong ấy, chén sấu chua chun cả mũi.

Nhưng mà thôi, giờ xin nói qua một chút về trang bị, lịch sử phát triển vũ khí phố tôi.

Ngày ấy, SCS của trẻ con miền Bắc được làm từ chạc cây , thường là cây ổi vì dễ kiếm , dễ uốn nóng và hai bên khá cân đối. Cán chạc khá dài và độ rộng của chạc hẹp, nên bắn hơi bị vướng, nhất là bắn kiểu “vẩy đạn”. Thường các nhóc hay buộc dây thun tì ngay vào đỉnh chạc, dưới đệm miếng cao su dầy hoặc da, để dây thun đỡ bị đứt vì ma sát. Miếng da chứa đạn được đục lỗ, xỏ dây thun vào, gập lại rồi buộc nên thường bị sự cố đứt miếng da ngay tại chỗ buộc này. Về sau các kỹ sư vũ khí bắt chước kiểu “giàng thun” còn gọi là ná( không phải nỏ Tây Nguyên) của mấy anh HSMN nghỉ hè đem về. Cán ná của miền Nam là thứ nhân tạo, thường được đẽo bằng gỗ, nạng phía trên dang ra khá rộng , phần dưới cán lớn nên cầm rất chắc tay, dây thun quấn tròn trên đầu nạng nên diện tiếp xúc lớn, rất khó đứt. Miếng da lại không khoét lỗ mà hai đầu cắt nhỏ dần rồi buộc vào dây thun , thật chắc chắn. Như vậy ná dân MN hầu như đã khắc phục được các nhược điểm khi sử dụng của SCS mà tôi đã nêu.

Cái ná nhiều khi còn thể hiện tính cách của ông chủ. Tôi đã thấy có đàn anh NBộ làm ná bằng sừng trâu, chạm trổ, đánh bóng lộn, đẹp như đồ mỹ nghệ. Hồi Trại Cau , anh em mình chế tác ná bằng gỗ ba gạc rồi dùng lá ráp đánh bóng trông cũng đẹp ra phết.

Bộ phận quan trọng nhất của SCS chính là cặp dây thun, mà loại hảo hạng lại là bằng cao su cờ rếp. Bởi thế đôi ống nghe của các chú y tá nhiều khi lại ẩn hiện, chập chờn trong cả giấc mộng của lũ trẻ thơ.

Tôi đã dành thời lượng hơi nhiều cho “vũ khí” là có lý do, các bạn cứ từ từ , không đi đâu mà vội.

Nãy giờ đang nói chuyện cây sấu? Lại thêm chuyện chim ở cây sấu nữa thì khối bạn cười . Người chén sấu chua thì bị ghê răng , chim mà chén sấu chắc chúng cũng ghê...mỏ chết!

Thực ra mà nói, chẳng có con gì dám ăn sấu, trừ mỗi con…người. Ấy, vậy mà phố sấu lại có khá nhiều chim sẻ mới hay, trừ lúc còn bé, chúng tập chuyền ở trên cây, còn thường khi lớn chúng thích nhảy nhót trên vỉa hè cạnh gốc sấu. Do ở gần người nên bọn sẻ rất khôn, thoắt đến , thoắt đi khi có động. Điều này khiến đôi tay bọn trẻ phố sấu đâm ngứa ngáy…

Nghề chơi quả lắm công phu, đòi hỏi bao nhiêu là trí tuệ. Vào một buổi trưa hè, tôi qua nhà thằng bạn thân (gần xéo nhà Quý nhẽo), thấy nó đang lui cui làm cái gì đó. Bằng bàn tay đầy đất sét, hắn kéo đầu tôi vào , thì thào một cách đầy bí hiểm. Thì ra ông con đang nghiên cứu, chế một loại đạn SCS mới. Đạn này làm bằng đất sét, nhào với nước muối và giấy bản giã nhỏ cho dai, nhưng ghê nhất là nó lại nhồi vào đấy dúm sỏi con. Hắn lý giải: đạn này thuộc loại “nổ phá, sát thương”, khi bắn xuống đường, chả cần trúng chim trực tiếp , đạn sẽ vỡ ra, văng miểng (sỏi) vào chim, mà khi đã dính đạn thì chim sẽ rất xót vì bị “xát muối”. Tôi lé cả mắt nhìn tên “ tội phạm chiến tranh” thao thao bất tuyệt, tuyên truyền cho thứ vũ khí “vật lý - hóa học” đang bị công ước quốc tế nghiêm cấm này . Về sau, nghe đâu bí mật bị lộ, thằng Mỹ bắt chước về chế bom bi cũng trên nguyên lý đó, thật hiểm họa khôn lường.

Vũ khí tốt phải đi với chiến thuật hay thì mới phát huy hiệu quả . Đó là những gì người ta cố dạy tôi mấy chục năm sau. Thời ấy, bọn tôi đã nghĩ ra “cách đánh” rất độc đáo là hai thằng đèo nhau bằng xe đạp , trông hiền lành, tử tế như khách đi đường . Xe đi sát vào tụi chim sẻ, bất ngờ tên ngồi sau nã vào bọn chim loại đạn nói trên. Nói chung bọn sẻ rất ngại “mặt hàng” này. Với kiểu đánh “cận chiến” đó thì đến bồ câu cũng chết chứ chẳng riêng gì chim sẻ. Đi xe đạp còn có cái lợi là chuồn rất nhanh khi có chuyện.

… Ngay cổng nhà Quý nhẽo hồi đó có mấy cây na to, khi trái chín, bọn dơi ngựa thường đến viếng thăm, chúng bám vào trái trong tíc tắc rồi bay đi, điều này có nghĩa tốc độ bắn là cực kỳ quan trọng. Có hai ông nhóc là Trà( thố) và Linh ( ngổ) có cách bắn “vẩy đạn” rất tài tình mà tôi đã đề cập ở trên. Bạn tôi có thể cầm mấy viên đạn trong lòng bàn tay, nạp từng viên liên tục vào miếng da rất khéo léo, đồng thời bắn ra vun vút. Bọn dơi nhiều khi còn đang chấp chới, chưa kịp bám vào trái ngọt đã dính đạn “hy sinh”.

Quý nhẽo sau này đi sơ tán, được tụi nhóc “nông cồ” truyền cho kỹ thật nướng sắn và bẫy chim bằng keo dính. Keo chế từ ngựa mít , nhựa thông, đem “luyện” rồi tẩm vào mấy cái que nhưng chưa kịp áp dụng thì đã phải bỏ lại “tuổi thơ HN”, gia nhập trường Trỗi theo “tiếng gọi núi sông”.

Lũ trẻ con chúng tôi thời ấy không bị bố mẹ quản lý chặt chẽ như lũ trẻ bây giờ, những trưa hè mặc sức lang thang, chơi những trò mình thích. Nhìn bọn trẻ ngày nay thấy tội chúng quá , học thêm , học bớt tối ngày, có tí thời gian lại cắm đầu vào game như cứu cánh. Đứa trẻ không còn là đứa trẻ nữa , chúng bị nhào nặn , bóp méo theo tham vọng của người lớn để rồi chính họ lại phải thốt lên câu “ tuổi thơ bị đánh cắp” một cách đầy thương cảm!? Tất nhiên vấn đề giáo dục là chuyện lớn, tôi chả dám bàn nhưng cứ thấy bọn trẻ bị tách ra khỏi môi trường thiên nhiên đang sống, mình lại thấy xót xa.

Tuổi thơ chỉ có một lần, đó là đặc ân của tạo hóa dành cho mỗi người. Bạn có thể thành đạt, có rất nhiều thứ nhưng tâm hồn bạn sẽ vẫn trống vắng, nghèo nàn nếu tuổi thơ của bạn không cảm thụ được cái đẹp trong màu xanh của lá, đôi cánh bướm run rẩy mong manh, hạt sương sớm long lanh trên ngọn cỏ.

Tôi chỉ viết những gì rất gần gũi quanh tôi. Nó thân thuộc, ấm áp như hơi thở bạn bè, như bốn mùa đất trời vần vũ. Mà lạ thay, những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi đó lại có thể đeo đẳng ta suốt cả cuộc đời? Bạn có thấy thế không? Nhiều khi lắm chuyện cao siêu lại hóa bình thường và những điều bình thường lại bỗng trở nên huyền diệu !

( còn nữa)

20 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Vừa thấy TM trên Skype. Hoá ra cậu đăng "tác phẩm để đời" này.

Nặc danh nói...

Ủa, phần đầu aTM đăng trên Út Trỗi, phần này lại ở K4, ko biết phần tiếp theo sẽ ở đâu ?

HMK6

HữuThành.Nguyễn nói...

Chim nó thấy bên UT lắm "mèo" quá nên "bay" sang bên này!

Nặc danh nói...

Người Pháp đem cây xà cừ từ Austalia về trồng ở Việt Nam. Mặc dù đã hàng trăm năm nay nhưng cây xà cừ vẫn giữ được nguồn gốc của nó ở Austalia, đó là mùa đông rụng lá, mùa hè xanh tươi. Nhưng các bạn nên nhớ là mùa hè của Australia lại là mùa đông của Việt Nam. Ai có người thân sống ở Australia, hoặc con cái học đại học bên đó hẳn biết là sinh viên Việt Nam ở Australia nghỉ hè thì về Việt Nam ăn Tết. Chính vì vậy mà mùa đông của ta các cây cối đều rụng là, riêng cây xà cừ vẫn cứ xanh tươi bác TM nhỉ?
GM.

namphuocmd nói...

Oh, khong ngo ban Minh Tro lai co mot tac pham loai "De men" the nay. Cang ve gia ban cang to ra minh co mot tam hon phong phu, sau ben. Co le ban da co mot thoi tho au de thuong, dang nho. Ban viet tiep di, chung minh se cung doc lai tuoi tho cua minh o Hn, o truong Troi...Co le, nhung thang nam tuy rat ngan o TT, con in dam mai trong ky uc cua moi linh Troi, la vi no da chiem ca doan doi chuyen tu tuoi thieu nien len thanh nien cua chung ta...Phuoc MOP

N.TV nói...

Tác giả quên mất là ở cây xà cừ còn có con cú . Khi nhìn thấy dưới gốc "đầu ra " của nó đen sì , tròn vo to bằng quả bóng bàn , ngước lên thể nào cũng thấy nó . Chắc ít ai ngờ được là cú đậu ở xà cừ to khủng khiếp , chẳng kém gì cú của Tây.

Nặc danh nói...

Cái "phạm trù" cây-chim của bác TM nó phong phú thiệt, nghe là ham.
Bác nói hồi be-é xài cây "ét-xê-ét" (SCS), mới đọc qua thấy nhang nhác cái âm "ét-ka-ét" (CKC) mà giật mình.
Bây giờ mấy thằng Tây, thằng Mỹ sản xuất SCS công nghiệp, "cao su ống" đàn hồi mạnh, đạn bi nhựa, bi sắt. Tuyệt vời. Khi nào có ai qua bên nớ, bác gởi mua vài cây về xài, bắn như "để", trúng đầu thằng bạn hàng xóm, không đo ván không tính tiền.
HCQuang

Nặc danh nói...

Chuyện chim của TM hay, hay.

Phú Hòa nói...

Đối với anh em mình ở lứa tuổi này thì tất cả những gì của tuổi thơ đều trở nên huyền diệu và thiêng liêng, không thể nào quên được.

Hay lắm TM à.

Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời chào tạm biệt đến tất cả anh - chị em trường Trỗi từ Bắc vào Nam đã dành cho tôi những tình cảm bạn bè chân thành trong đợt về quê hương lần này. Hôm ở "Đôi Khi" thì tôi cũng đã nói rồi. " Một giờ ngồi với lính Trỗi bằng cả năm ở hải ngoại". Quí lắm và nhớ lắm.

Hẹn gặp lại tất cả bạn bè trong dịp về quê hương lần tới.

Nặc danh nói...

- Bác GM: Tôi cứ tưởng xà cừ là cây bản địa, hóa ra là cây ngoại.Cây vào ở VN lâu thế,giờ hậu duệ của nó cũng chắc phải có tí gien VN chứ nhỉ?
- Tôn Gia: Vẫn còn nhớ mấy con cú cơ à? Sau này đọc sách mới biết " đầu ra" của cú là cả 2 đầu. Những gì không tiêu được, "quả bóng bàn" lông và xương chuột được chúng tống ra đằng miệng, lạ nhỉ!
TM

N.TV nói...

@TM : Còn "đầu ra" kia thì cũng trắng như "đầu ra" của cò, vạc...

Nặc danh nói...

Trong bụng bác GM có bộ Bách khoa từ điển.
TM: tôi không biết Cú ra sao chứ Trăn, Rắn là xài cả 2 đầu. Nuốt con gì lớn vô bụng là kiếm chỗ nghỉ ngơi ít ngày, sau đó y tống xương xẩu ra đằng ... miệng.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Phước móp lần đầu xuất hiện, xin chào. Đọc chơi và góp lời luôn cho vui.

Hùng cafe PHỐ nói...

@:A.T.M :Tuyệt vời ông anh hàng xóm cho tôi nhớ lại tuổi thơ của mình

TK8 nói...

Chim TM đúng là “chim”, không fải là “chYm” như tt_ngayxua. Hehe !
Trường CVA hn cũng nhiều Cú, bữa nào đi trực nhật sớm thấy Cú bay từ trong lớp ra.

Có bác nào còn nhớ cái trò ĐỔ DẾ Tuổi Thơ ?

Cắm ngọn cỏ vào tổ dế, thấy ngọ ngậy là OK. Đổ nước từ từ, đến fút quyết định thì chổng ngược cái chai lên. Xui nhất là hết nước đột xuất, 1 thằng ở lại giữ tổ, thằng kia chạy lấy nước, gọi là ĐẠP XÍCH LÔ. Mà nước đâu fải dễ kiếm, con dế có thời gian THỞ, thế là rót luôn BIA TƯƠI vô. Mà cái này cũng hiếm nốt, chạy nhảy cả ngày, ra mồ hôi hết rồi, fải vận động xin BIA của mấy thằng vu vơ đi ngang qua.

…Rồi còn đi bắt ve bằng cái đèn lon sữa bò tự chế nữa

Sao Tô Hoài không viết đoạn này nhỉ ? – thế thì TM viết nốt nhé !

Nặc danh nói...

Dang duomg thuong sau khi mo doc bai cua TM thi nhung thuoc phim ve Tuoi tho lai hien ve.Hoi nho o 72 Ly Thuong Kiet nen nhung chuyen ban chim,ban sau..cung da trai qua.Bai viet hay qua! NT K5

Nặc danh nói...

Nhất Trung đã nhòm được bờ nốc dồi à? còn đoạn sau (còn nữa), hay lắm vì nó được viết trong tình trạng triều cường lịch sử của SG.Bạn cứ tưởng tượng TM đang ngồi xổm trên ghế xung quanh là nước với nước.Trước mặt hắn là cái Vi tính to đùng, khổ chủ đang lạch cạch từng con chữ,gởi hồn vào nó,thổn thức với nó...Chờ nhé tài xế TM sẽ đưa bạn về tuổi thơ trên chiếc xe:con chữ .Chúc mau bình phục.
DS

Nặc danh nói...

Chào Nhất Trung.
Chúc mừng vì đã đăng đàn. Chúc mừng vì sức khỏe đã tiến bộ.
Có lẽ ông nên "kí" là NTrungK5 hơn là NT K5 (đừng bắt chước DS tức DũngSô, chán lắm).
HCQuang

Nặc danh nói...

PMOP:Hữu Thành nhận xét tinh thế! Trái tim gần cạn hồn của tuổi gần U60 bỗng nhiên bị quậy phá, nóng lên bởi chủ đề "Cây,con" rất lung linh,huyền dịu của bac Minh Tro.Hóa ra chúng mình đã đi trước, đã có ý tưởng chơi "cây gì con gì" từ những năm đầu nửa sau của thế kỷ trước. Mà hình như TM đã đánh thức hết tuổi thơ của mọi người bởi "những trưa hè không ngủ"... Có lẽ, sau vụ chơi chim này, các bác nên mở diễn đàn tổng kết đánh giá lại các kinh nghiệm chơi ve, chơi dế, chơi cá cờ (lên trại cờ mình với Trấn Định còn chơi cả cánh cam nữa-một chương cũng rất thú) tuổi thơ ngày ấy. Tôi đồng ý với nhận xét của bác MTr về tình trạng con trẻ bây giờ không có được cái tuổi thơ thiên nhiên như thế. Có lẽ chúng được "Công nghệ hóa, hiện đại hóa quá vội".

Nặc danh nói...

-A.Chí:Chả cứ gì trăn , rắn với cú mèo. Còn một con nữa rất gần gũi với anh cũng tống đồ dư ra đằng miệng. Đó là con ...người. Anh cứ tìm mấy thằng nhậu quắt cần câu mà xem chúng biểu diễn "hò..ò..ò kéo pháo". Ghê quá!
TM