Nghe phong thanh trường mình có thể tiếp tục xây dựng tập 3 của SRTKL, anh ở Nha Trang cũng cố gắng lục tìm trong ký ức những kỉ niệm nho nhỏ, vui vui, kì kì, ... sắp xếp làm một bài để gởi BBT ...
Nha Trang, ngày 20 tháng 11 năm 2008
Lê Xuân Lý
Học sinh khoá 3
139 Hoàng Văn Thụ, Nha Trang
093-563-6303
058-382-1623
Hắn vừa đi vừa lẩm bẩm ... chửi. Bao giờ cũng thế, cứ ngứa là hắn chửi. Đầu tiên là chửi giời, kế đến là cái chăn hắn đắp và cuối cùng là mấy thằng bạn đã từng có dịp ngủ chung với hắn lúc gió rét đêm đông. Mà sao cung cách chửi bới này nghe quen quen ta! Phải rồi, kiểu ăn nói bỗ bã này là của thằng cha Chí Phèo (chồng chưa cưới của thị Nở), chỉ khác là anh Chí cứ rượu vào là chửi, còn bạn tôi đây lại ... ngứa là chửi bới om xòm và gãi tóe loe. Gãi ghê lắm, gãi xước cả da, chảy cả máu. Hai bàn tay đan xoắn vào nhau mà vặn mà chuốt mà chà xát, ấy vậy vẫn không đã ngứa đâu nhá. Thì giải toả bằng cách ... chửi, cũng ... chấp nhận được.
Thế cái sự ngứa này có liên quan gì đến anh em nhà Trỗi ta mà phải mượn giọng anh Chí (cụ Bá Kiến không gọi Chí Phèo là thằng mà là anh Chí cơ đấy) để cho đã cái miệng. Có đấy, có đấy! Nếu có ai nói: “Lử khừ lừ khừ không ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai” để ám chỉ chắc chắn rằng nếu cứ ở những nơi đó là bị sốt rét liền. Còn tôi thì lại nghiệm ra là: Không (bị) ghẻ Tàu ghẻ Ta thì không ra cao thủ (trường Trỗi). Vì đã là cao thủ thì phải phong trần một tí, trên người có một vài vết trầy, vết xước (do gãi) thì trông nó mới có vẻ “thuyết phục”.
Sau khi từ Trại Hòe về Đại Từ, khoảng vài tuần được chung sống với rừng đại ngàn, với suối xanh trong vắt thì anh em Trỗi nói chung và anh em khoá Ba nói riêng chúng tôi hầu như không anh nào thoát được căn bệnh ngoài da quái quỉ: ghẻ (ghẻ ruồi, ghẻ Tàu); hắc lào, lở nước, nấm, lang ben, ...
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có người bị một thứ mà đã chi chít hoa cà hoa cải. Thế mà có nhiều anh bạn cùng một lúc bị ghẻ Tây ghẻ Tàu lẫn hắc lào nữa mới ác chứ.
Tôi (Lý nhím) là một nhân chứng sống, một ví dụ điển hình của những căn bệnh trời đánh đó. Nó không giết người ta nhưng nó hành hạ người ta phát ốm, phát điên.
Để diệt ghẻ thì phải dùng lưu huỳnh, để trị hắc lào thì phải xài i-ốt. Căn bệnh hắc lào lạ lắm: nó cứ nhè chỗ thịt non, da mỏng nó xơi, muốn trị thì phải thoa i-ốt vào chỗ đó. Các bạn hình dung một chút nhé: hai, ba anh lính nhóc, trên thì áo bludông, dưới là cái quần đùi, dưới ánh đèn dầu le lói, các anh chạy tự do suốt từ đầu nhà đến cuối nhà (nhà lợp lá cọ, cỏ tranh, phên nứa của tiểu đội ở trong rừng, dài khoảng mươi mét) vừa chạy vừa la “Ối giời ơi! Nóng quá. Ô ... ô ... ô ...” mà phải chạy từ hai đến ba vòng như thế, thỉnh thoảng còn nhảy cẩng lên, mới chịu đứng lại xuýt xoa ... như phải bỏng. Iôt nguyên chất nó ngấm vào da non thì nóng rát, bỏng đến tận ... nách ấy chứ lỵ. Chỉ có chạy, là may ra dịu được cái rát cháy bỏng. Mà cháy bỏng thật. Ngày hôm sau, ra suối tắm, bạn có thể bóc từng lớp tế bào bị cháy ra, vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì mầm bệnh được bóc ra vứt đi, lo là chú y tá có dặn phải bôi thuốc nhiều lần mới diệt được bệnh tận gốc. Mà chỗ ấy bị bóc da, ngày càng mỏng dần, nếu bôi iôt nữa thì ... bố ai mà chịu được; chắc phải chạy khắp sân vận động Thái Nguyên.
Nhắc lại chuyện cũ, các bạn Trỗi ta bây giờ ở phố ở phường cả, tắm táp gì thì tệ lắm cũng là nước giếng đất, giếng xây trở lên thì còn lo ghẻ lở gì nữa. Mà quái lạ, ở phố phường mình có lười biếng một chút, sao không thấy bị ghẻ. Còn ở Đại Từ, ngày nào cũng tắm, cũng sạch sẽ ra phết ấy thế mà ai cũng bị.
Hẳn các bạn đã từng đi gác đêm (lính Trỗi ta ai cũng đã từng) lướt qua nhà các tiểu đội, trung đội xem anh em mình ngủ ra sao, an ninh của đơn vị thế nào. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng dế, tiếng chẫu chuộc ngoài đồng. Mà hình như còn có tiếng gì nữa ấy, nghe xa xa như tiếng tằm ăn lá, vào gần nhà hơn một chút thì là tiếng nói mớ, tiếng trở mình và tiếng sột sột, soạt soạt. Phải rồi, tiếng gãi của móng tay lên da thịt, quần áo. Tiếng sột sột chỗ này, soạt soạt chỗ kia vang khắp cả gian nhà trong đêm thanh vắng nghe lại càng rõ, càng dữ dội. Ghẻ rồi, hắc lào rồi, gần khắp cả đại đội bị ghẻ phong tỏa. Nó lây nhanh như bệnh dịch ấy. Tôi dám chắc rằng lúc đó thế nào đơn vị cũng đặt nhiệm vụ diệt giặc ghẻ, diệt hắc lào vào một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu (ngoài học tập, lao động, kiến thiết ...) của Nghị quyết chi bộ hồi ấy (có khi cả Nghị quyết Đảng ủy toàn trường ấy chứ lỵ). Bằng chứng là những thùng phuy 200 lít nước cây Ba Gạc được các thầy, các cô, chú quân y đun nóng, chế biến hàng ngày để bọn tôi, những chú lính nhóc tắm táp, chữa bệnh như những liều thuốc đặc trị phần nào đánh tan dịch ghẻ.
Một buổi sáng đẹp trời, nắng lên lỗ chỗ trên mái nhà, nắng như dát vàng cái sân trước của tiểu đội. Ở đây, mùa này nắng được như thế không phải ngày nào cũng có đâu nhé. Chúng tôi ở trong rừng mà. Nhà ở dưới các tàn cây, máy bay Mỹ khó phát hiện ra lắm, thế thì nắng xuống được tới sân nhà cũng không phải là nhiều, vì thế phải chớp thời cơ quý giá này. Gần như cả tiểu đội, lố nhố, kẻ đứng người ngồi, tất cả đều cởi trần quần cộc, xoay người phơi mặt ra hướng mặt trời, cố gắng làm sao phần thân thể mình được sưởi nắng nhiều nhất, hiệu quả nhất. Thế các bạn đang sưởi ấm chăng hay vì thiếu vitamin D nên phải ra đây chữa bệnh. Đúng là chữa bệnh, mà là bệnh ... ghẻ. Có người thắc mắc, phơi nắng mà chữa được ghẻ sao? Xin thưa, chưa hẳn thế. Dưới ánh nắng chói chang, mọi cái đều rõ ràng. Trời ấm, nhiệt độ bề mặt có thể tăng lên, cái ghẻ mò ra từ trong hang. Hang nó nhỏ lắm, như sợi chỉ mành, len lỏi trong lòng bàn tay, trong kẽ các ngón tay, ngón chân. Cái ghẻ (con ghẻ) lại càng nhỏ nữa. Thỉnh thoảng vài anh phá lên cười như nắc nẻ với một cái kim băng và một cặp mắt tinh tường (chúng tôi hồi đó mắt mũi tinh nhanh lắm) cộng với một chút kỹ thuật chuyên môn, anh bạn đã khều ra được một con ghẻ nhỏ xíu, màu trăng trắng, đặt lên lòng bàn tay, sinh vật nhỏ ngọ nguậy. Chính cái sinh vật nhỏ bé đó đã làm cuộc sống của thân chủ nó khổ sở, vất vả. Ghẻ đào hang thường vào ban đêm, chính cái sự đào và ăn uống (hút máu) để sinh tồn của nó là nguyên nhân làm cho bạn phải “trầy da tróc vảy”. Sau buổi phơi nắng sơ kết lại, nếu kém cỏi, không may không bắt được con nào thì chí ít bạn cũng bổ sung được lượng tiền vitamin cho cái tuổi đang ăn, đang lớn của mình. Đúng là nhất cử lưỡng tiện nhé.
Những cao thủ nổi tiếng về ngón “gãi” khi ấy có thể là anh Chí Dũng, Ngô Ngời, hay như anh Tiến “kẹp”, nằm cạnh giường, cũng đã chia sẻ với tôi vài con cái ghẻ để làm bầu bạn, hay là bạn Tiến “sần” (nếu quên các bạn k3 có thể nghĩ về một đoạn thơ đặc tả: “Trần Tiến mặt mịn như hồ mùa thu”) là hình dung ra ngay ấy mà. Còn bạn Hoàng Giang khi về ĐH KTQS vẫn còn bị bệnh hắc lào, được tôn xưng là Giang-Hắc-Lào-Mông-Chi-Chít. Nếu đọc nhanh cụm từ này, nghe cứ như phiên âm tên của một anh bạn nước ngoài láng giềng nào ấy nhỉ?
Tôi được Giang chỉ định làm “bác sĩ” riêng. Ngày ngày hắn nằm sấp xuống phản, phơi cặp mông như hai miếng cơm cháy ra để “bác sĩ” bôi Benzosali (một loại thuốc mỡ trị hắc lào). Ơn trời, khoảng hơn tuần, cặp mông phốp pháp của hắn cũng lấy lại được phong độ xưa.
Còn tôi khi sang Trung Quốc vẫn bị cái bệnh ghẻ (ghẻ ruồi) nó hành hạ dai dẳng, phải dùng đến cả kháng sinh Penecilin tiêm cả tuần liền, bàn tay mới hết bị mưng mủ, cầm cái tộ cái thìa mới đỡ lóng ngóng. Nghĩ mà ghê thật.
Mấy chục năm qua rồi, vật đổi sao dời, mà sao những ngày ấy không bao giờ quên được. Ban ngày chạy tránh máy bay Mỹ, lao lên lao xuống hào giao thông mấy bận. Đêm về lại phải “chiến đấu” vật vã với “nó” không học bài được, không ngủ được vì còn phải ... gãi. Không gãi không chịu được. Thế mới ác chứ. Chuyện hồi nhỏ xíu nhỏ xìu (khi tắm suối, bạn bè trêu chọc, chê bai nhau, thằng này như ớt Chỉ Thiên, thằng kia như trái ớt Kim ...) sao mà nhớ dai thế, không bõ bây giờ lớn rồi, ngót nghét lục tuần, mới hôm qua làm quen được một bạn gái, thế mà loáng cái sáng nay đã quên béng mất số điện thoại và địa chỉ ...
Khi nào có dịp anh em mình gặp lại nhau, bạn thử nói (nhỏ) với Nguyễn Hải Hồng (thơ đặc tả: “Mặt đẹp như ngọc, mũi to như thùng”) - hắn cũng là cao thủ đấy - “Hồng ơi, vén thử ống quần lên để bọn tớ ôn lại kỷ niệm với”. Có thể những vết sẹo thâm thâm, tai tái ấy vẫn còn phảng phất trên cặp chân trắng trẻo của bạn tôi.
Kết: Lớp lớp chúng ta, trong bước đường trưởng thành sau này, không ít người đã kinh qua gian khổ, bom đạn khói lửa ác liệt, cái sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc, ấy vậy mà họ vẫn thanh thản, thản nhiên coi cái chết nhẹ như lông hồng, với tâm hồn phơi phới, sức trẻ phơi phới.
Cái lạc quan ấy, cái chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó trong họ chắc chắn cũng bắt nguồn từ truyền thống của tổ tiên, truyền thống của ông bà, cha mẹ đã di truyền đã tuôn chảy trong dòng máu họ.
Cái khí phách của lính TSQ trường NVT thì sao? Cuộc sống tập thể, quân phong, quân kỷ của nhà trường đã trui rèn chúng ta nhiều lắm. Vô hình có, hữu hình có: đánh nhau chí chóe có, hát hợp xướng hàng trăm người có, anh em bạn bè cũng hàng trăm người, tốt có, xấu có, ngang phè phè cũng có.
Nhưng những năm tháng ấy, tuổi tuy còn nhỏ (14, 15) và rất nhỏ (9, 10) sống trong môi trường đó chúng ta đã lớn lên, trưởng thành mạnh mẽ. Không một ai bi quan, không một ai nuối tiếc thời TIỀN-CHIẾN-SĨ của mình.
Ai đã từng là học sinh TSQ trường Nguyễn Văn Trỗi – tôi đã từng.
Ai đã từng bị ghẻ lở, hắc lào tấn công – tôi đã từng. Và còn nhiều cái chúng tôi đã từng lắm.
Đến bây giờ tôi tin chắc đại đa số chúng ta vẫn rất tự hào về điều đó.
(Tôi đăng để "xuất bản" sớm bài của anh Lý k3, đồng thời để chuyển bài cho BBT như anh Lý muốn. HT)
Thứ Sáu, tháng 12 05, 2008
Ai đã từng ...
Gửi bởi HữuThành.Nguyễn lúc Thứ Sáu, tháng 12 05, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
4 nhận xét:
Chào Xuân Lý, lâu lắm rồi mới lại nghe tên ông. Tháng 1 tới này tôi sẽ có dịp ghé qua Nha Trang vài ngày, hy vọng sẽ gặp được ông cùng các anh em Trõi khác.
P.S : tuy biết rằng bài này do H.T gửi nhưng tôi cứ nhắn tin vào đây. Hy vọng rằng Xuân Lý sẽ nhận được.
Cảm ơn anh Xuân Lý có bài viêt hay! BBT ghi nhận, sẽ dùng cho Tập 3.
Chào Lý nhím. Đọc bài của ông tôi ngứa hết cả người . Ối! Lọ Iốt của tôi đâu rồi?
TM
XL xuất hiện ấn tượng quá. "Gãi ghê lắm, gãi xước cả da, chảy cả máu ...". May mà không có "Nước miếng nhểu dòng dòng hai bên mép ...", nếu thế lưu huỳnh với i-ôt cũng chẳng ăn thua! JM
Đăng nhận xét